(Những
bài Suy Niệm Và Cầu Nguyện
của
Linh Mục Nguyễn Tầm Thường, SJ.)
Lá thư cuối cùng của Anh tôi nhận được vào khoảng tháng Mười
năm 1983. Tháng Mười ở quê nhà thì thường hay có những trận mưa lớn. Mưa bất
chợt. Thư của Anh đã làm tôi nhớ về những trận mưa đó. Thư của Anh cũng đem đến
cho tôi những sợi mưa buồn. Buồn vì biết Anh không còn ở căn nhà đó nữa. Tôi đã
mất liên lạc với Anh từ độ ấy. Sau những ngày thăm hỏi, hôm nay tôi được biết
Anh đã qua đời ở một họ đạo nhỏ rất xa xôi, mãi tận miệt rừng Tràm.
Hôm nay tôi muốn viết cho Anh nhưng tôi biết Anh chẳng bao giờ
đọc được những dòng này. Vậy có lẽ tôi viết cho chính tôi, cho kẻ ra đi hơn là
cho người ở lại.
Anh mến, Chiều nay nhớ về Anh, tôi lật lại những tờ thư cũ. Lá
thứ đầu tiên Anh viết cho tôi ngày 2.2.1978:
... tháng Bảy này ra trường. Ðời phục vụ bắt đầu. Hãy là ánh
mắt dõi theo nhau. Bây giờ học hành và lao động. Trong con người có một khả
năng thích nghi vô giới hạn mà bây giờ mình mới nhận ra. Dĩ nhiên cũng phải
phấn đấu. Có lúc mình phải đặt lại cả cuộc đời mình. Có một điều mình tự nhủ là
không chịu sống tầm thường. Hãy chia sẻ với mình nỗi lo lắng đó. Ra trường rồi
chờ đợi. Mười năm. Hai mươi năm. Một đời. Biết mình có còn nhiệt tâm. Sợ xuống
đời rồi cũng xuống dốc luôn.
Có bao giờ Anh thấm mệt? Chia sẻ niềm lo của mình nhé. Những
lúc suy nghĩ về đoạn đường trước mặt. Hiến dâng rồi mà vẫn còn nghi ngại. Hãy
cầu cho mình đủ nghị lực.
Ngày 12.8.1978, Anh viết:
... giờ này chắc Anh đang đi làm ở nơi nào dó. Phương trời vò
võ. Mình đã xa trường rồi. Ngày 27 tháng 7 chia tay nhau, mỗi người đi một
phương trời phục vụ. Có một lần nào mình đã viết cho Anh: "Tin Mừng không
chọn lựa đất sống. Tình yêu chẳng chối từ gian nan". Mình vẫn mong được
phục vụ ở một nơi xa xôi, quê mùa. Ngày đi dân công hỏa tuyến mình đã ghi vào
tập suy niệm: "Thân xác và khả năng con có không bởi con thì việc xử dụng
tùy thuộc vào Chúa". Rời trường, chấm dứt một đoạn đường. Tương lai là một
huyền nhiệm Anh nhỉ. Cứ nghĩ đến tương lai mình lại nghĩ đến Anh, đến mình.
Thấy bùi ngùi khôn tả. Những tâm hồn tế nhị rồi có vượt qua được bão tố phong
ba? Mỗi buổi chiều nhìn tháp chuông. Mình thầm nghĩ, rồi đời ta cũng vươn lên
như thế. Vươn lên không mỏi. Ðợi chờ không sờn.
Chẳng bao giờ mình có cái nhìn ảo tưởng. Mình không cho phép
đời mình đi xuống. Mỗi biến cố phải là điểm mốc đi lên. Hãy là điểm tựa cho
nhau mà đi. Mình chẳng phải là vĩ nhân nên luôn luôn phải quyết định lại. Chẳng
bao giờ người ta chọn lựa được một lần cho tất cả. Nhưng cứ mỗi khoảng thời
gian lại phải chọn lựa lại, làm mới lại những gì mình đã chọn. Niềm tin chẳng
đốt một lần rồi sáng mãi, nhưng phải vun bồi. Biện chứng Ðã-Chưa nói lên sự
thao thức của cuộc đời lý tưởng. Có rồi đó. Nhưng chưa phải hoàn toàn, đích
thực. Nên luôn phải thanh luyện. Nên luôn phải tranh thủ.
Ðọc đến đây tôi muốn dừng lại và nhớ về Anh. Giờ này Giáo Hội
và Quê Hương ra sao? Tôi liên tưởng đến Anh, đến những người chọn ở lại để làm
môn sinh của Chúa Kitô gặp gỡ môn sinh của Karl Marx, không phải bằng hận thù
mà bằng đối thoại trong tình thương. Chiều nay tôi nhớ về nơi ấy, nhớ về Anh,
những dòng chữ của Anh đã cho tôi niềm tin. Bóng Thánh Giá Anh đang vác là hy
vọng trong đời tôi.
Việtnam Ngày 5.9.1982
... Anh thân ái, chia sẻ với Anh những suy tư của mình trong
dịp lễ khổ nạn thánh Gioan Thánh Giá và lễ Thánh Tử Ðạo. Thánh Gioan là mẫu
gương của mọi chứng nhân. Còn gì bi đát hơn, cao cả hơn tiếng kêu trong sa mạc.
Bổn phận của chứng nhân là phải nói. Cho dù đời có thành sa mạc hoang vu. Sa
mạc thật kinh hoàng. Nơi đó người ta chẳng gặp một tiếng nói nào chống đối.
Nhưng người ta đối đầu với cái hoang lạnh rợn người. Nếu có gặp chống đối thì
vai trò của Sứ Ngôn cũng không có quyền để cho mình nhiễm lạnh. Ngài phải cất
tiếng lên. Ðó là bổn phận của Lectorat đó. Châm ngôn của Gioan là: "Ngài
cần phải lớn lên. Tôi cần phải nhỏ đi". Ngài lớn lên bằng cách nào tôi
chẳng biết. Nhưng cảm nghiệm được sự nhỏ bé hao mòn có là niềm hãnh diện, an
ủi? cho tôi? Ðó là con đường bi tráng, nhưng dầu sao thì cũng phải chọn lựa như
các Nhân Chứng Ðức Tin. Ðời mình sẽ chẳng có cái diễm phúc có quyết định chọn
lựa tối hậu và mau lẹ như các ngài. Chọn lựa của mình nhỏ nhoi nhưng lại dai
đằng đẵng. Không phải một lúc nhưng một đời.
Anh quý mến, Anh bảo đời mình đang đi vào tuổi ba mươi. Tam
thập nhi lập. Con đường trước mặt dường như đã rõ. Hết đời học trò có nghĩa là
bắt đầu lo âu về bổn phận. Nợ nhà, nợ nước. Mỗi ngày mình dậy các em nhỏ, cả hai
buổi. Nhìn những khuôn mặt ngây thơ để bảo mình hãy vui sống và tin tưởng. Các
em bây giờ rất tội nghiệp. Nghèo túng làm nẩy sinh những tật xấu, bần tiện,
gian tham. Có lẽ vì đã quen tranh sống nên chúng chẳng chịu ngồi yên. Các em
cũng phải làm đầu tắt mặt tối để phụ giúp gia đình. Mình thương chúng vô cùng.
Mình đang tập cách sống trọn vẹn giây phút hiện tại. Ở đâu và làm gì thì cũng
là làm cho Cha trên trời, phải không Anh.
Mình đã nhìn rõ con đường trước mặt. Nhưng không sao khỏi cảm
thấy cô đơn. Bạn bè dần dần bỏ đi hết cả. Thời gian đợi chờ còn lâu quá. Vô
hạn. Năm nay mình suy ngẫm nhiều hơn về cảm giác đó. Hãy cầu nguyện cho mình đi
trọn con đường âm thầm, lặng lẽ. Gởi về Anh những lời nguyện của mùa tử nạn,
mùa xám hối. Biết rõ con đường mình đi nhưng vẫn yếu lòng khi nghe cô đơn. Ai
mà muốn độc hành trên "cõi đời buồn hiu hắt" này Anh nhỉ. Nhưng mình
không cô đơn đâu. Mình còn thập Tự. Chúng mình sẽ là hai bông hoa đua nở nhé.
Việtnam ngày 28.9.1983
... "Hãy lạc quan về thời đại" Công Ðồng Vatican II
ở một nơi nào đó nói như vậy. Nhớ lần trước Anh viết cho mình: "Ðiều quan
trọng là hãy lớn mạnh". Ðúng vậy Anh ạ. Và theo mình, những đau khổ đã
giúp mình lớn mạnh hơn. Cũng như người học trò sẽ học bài kỹ lưỡng hơn khi cuộc
thi sắp tới. Tâm tình của mình bây giờ là không lo âu gì về tương lai. Sống
trọn giây phút hiện tại. Cách chuẩn bị hay nhất cho tương lai đó. Bây giờ thì
mình sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ công việc gì: nông trường, bộ đội,
công nhân. Còn gì vui bằng khi nghĩ đến những bước chân cứu chuộc đang rảo khắp
miền xa hẻo lánh nhất trên địa cầu. Và vui hơn nữa khi biết rằng ở bên trời xa
ấy cũng có những ngọn đèn đang thắp sáng lên. Hãy cùng nhau nuôi cho ngọn đèn
đó cháy hoài nhé.
Hãy cầu sao cho mình biết bỏ hết những gì phụ thuộc. Cứ mãi
dõi tìm ánh sáng như bông hoa hướng dương mãi hướng về mặt trời, bất chấp mọi
bóng tối vây bọc. Mình luôn luôn nhìn thấy rõ con đường vắng vẻ mà mình bước
chân vào, thấy rõ nỗi cô đơn mênh mông đằng trước mặt. Nhưng mình không có đủ
can đảm chùn bước. Mình không dám cho mình vinh dự làm viên sĩ quan đẹp đẽ trên
chiếc tầu đắm. Chúng mình đọc ở đâu nhỉ. Hình như trong Grangs Coeurs của E. de
Amicis thì phải. Tầu dần chìm xuống. Ðoàn canô tỵ nạn xa dần. Viên thuyền
trưởng khoanh tay trước ngực, trang nghiêm như cử hành một nghi lễ thiêng
liêng. Mái tóc phất phơ trong gió.trung thành ở lại với con tầu... Ðẹp lắm. Oai
hùng lắm. Làm sao có được can đảm ấy. Dù đôi lần có dám ước mơ.
Anh thân mến, Mình cảm thấy có trách nhiệm phải thắp lên một
cây đèn nhỏ. Ở nơi hoang vu vắng vẻ, một ngọn đèn cũng có đôi chút ích lợi chứ
hả Anh...
Khởi đầu viết thư cho Anh vào tháng 9 bây giờ sang tháng 10
rồi. Mình đang sống trong thiên ân dào dạt. Những quyết định lớn đã thành hình.
Mình cảm thấy lý tưởng càng hiện rõ nét. Những chọn lựa lớn hầu như đã dứt
khoát. Hãy cầu cho mình vững chí can trường. Những người có tâm hồn là những
người biết sống. Không bao giờ có bình an tự tại. Sự yên tĩnh là kết quả của
một cuộc chinh phục.
Cuộc vật lộn ấy ai cũng có. Narzis đã thú nhận với Goldmund
như thế phải không Anh. Như vậy chúng mình có thể cảm thông với nhau dù xa xăm
diệu vợi. Sao Anh chưa chịu chức mà còn phân vân? Những suy tư chín chắn thì
bao giờ cũng tốt. Nhưng e ngại, rụt rè khiến người ta hay bỏ lỡ cơ hội. Hy vọng
mình cảm thông được những ưu tư của Anh. Chọn lựa nào cũng đau đớn. Mình tin
rằng Anh cũng phải chiến đấu. Mảnh đất nào thì cũng thế. Ở đây mình cũng phải
gắng bước từng ngày. Mỗi ngày mỗi cố gắng vươn lên. Chính khi cố gắng mình thấy
phát sinh sức sống. Ðó là năng lực của mình. Nếu mất ý nghĩa để cố gắng chắc
mình không sống được. Cầu cho nhau luôn để "sống trong đời sống cần có một
tâm hồn". Chẳng có hoàn cảnh nào đáng ngại, chỉ ngại ở lòng mình. Mình đã
thấy càng khó khăn càng phát hiện nhiều tâm hồn thiện chí.
Mình luôn xác tín rằng Thiên Chúa không bao giờ lầm lẫn trong
công việc của Ngài. Chỉ có con người hư hỏng làm sai. Và thanh luyện là điều
cần thiết.
Mình yêu mảnh đất này vô cùng. Anh ạ, mình đã chọn ở lại. Ðã
dứt khoát. Thanh luyện thì cần thiết. Thanh luyện là khí cụ nhưng cũng gây đau
khổ lắm. Mình cầu xin để được sống dù ở đâu thì cũng là làm cho Cha trên trời.
Ngày nào mình được bước lên bàn thờ? Có thể là 10 năm, 20 năm,
hoặc có thể chẳng bao giờ. Thời gian có sức soi mòn những tảng đá vững chãi
nhất. Nghĩ tới đó đôi lúc mình cảm thấy e sợ. Hãy cầu cho mình. Có lẽ mình sẽ
chẳng bao giờ được bước lên một bàn thờ nhỏ trong một thánh đường nào đó, nhưng
như vậy đâu ngăn cản mình bước lên một bàn thờ rộng lớn của cả vũ trụ để dâng
thánh lễ trên địa cầu. Có thể sẽ chẳng bao giờ dâng bánh rượu, nhưng như vậy
đâu cản ngăn mình dâng lao công cả cuộc đời thay thế cho bánh rượu. Có lẽ mình
chẳng bao giờ được bước lên bàn thờ đâu. Nhưng tình yêu thì đâu có giới hạn.
"Linh mục không phải là đích diểm mình phải đạt tới, nhưng chính là tình
yêu mình dành cho Chúa". Anh đã chẳng viết cho mình như thế sao. Với tình
yêu người ta có thể làm bất cứ việc gì, bất cứ ở nơi đâu.
Ý tưởng được làm tấm bánh cho mọi người khiến mình thảnh thơi
nhẹ nhàng. Nhưng khi thực sự bị nghiền tán mình mới cảm thấy đớn đau.
Cầu cho mình được niềm vui chia sẻ trong thân phận Chúa Giêsu.
Bây giờ thì mình hiểu thánh Phaolô hơn: "Chúa đã để trong da thịt tôi một
mũi gai. Nhiều lần tôi xin Chúa cất đi. Nhưng Chúa không chịu vì Chúa nói: Ơn của
Ta đủ cho con rồi".
*
* *
Hoa Kỳ ngày 3.9.1985
Anh thân mến,
Những lá thư đầu tiên Anh viết trên trang giấy trắng đẹp.
Những lá thư sau cùng Anh viết trên giấy vở học trò, loại giấy xấu, vàng ố,
nhòe vết mực. Quê hương mình đang đi vào nghèo túng. Tôi nhìn xuống thùng rác
của tôi bên bàn viết. Ôi, nếu trong giấc mơ mà Anh nhìn thấy, Anh sẽ ước ao
được những mảnh giấy trắng mà tôi vứt đi. Ở đây người ta dư thừa như vậy đó Anh
ạ. Tôi không muốn đọc tiếp thư Anh nữa. Tôi thấy trong tôi một băn khoăn nào đó
làm tôi phải đặt lại câu hỏi cho đời mình.
Có lẽ tôi không nên hỏi những gì đang xẩy ra cho Giáo Hội ở
quê nhà, mà tôi phải hỏi những gì đang xẩy ra cho Giáo Hội nơi đây. Tôi không
nên hỏi những gì đã xẩy ra cho Anh nhưng tôi phải hỏi cuộc sống của tôi hôm nay
thế nào.
Anh đã cắm Thánh Giá xuống lòng đất quê hương, xuống cuộc đời
Anh. Anh đã chọn ở lại để thắp lên một ngọn đèn. Anh đã nguyện xin cho được đi
trọn cuộc sống chứng nhân âm thầm. Và tôi tin chắc cũng còn nhiều ngọn đèn đang
lặng lẽ thắp lên từ những miền xa xôi vì yêu quê hương và dân tộc. Còn nhiều
đôi chân gầy yếu đang cuốc đất trên cánh đồng nước mặn mà trái tim thì rực rỡ
yêu thương. Biết bao hoa hồng đang nở trên những nhánh gai nhẫn nại. Là con
người, chúng mình yếu đuối như nhau. Nhưng một lần chúng mình đã tâm sự. Chứng
nhân giỏi không phải là chứng nhân không bao giờ biết mỏi, nhưng là chứng nhân
dù mỏi mệt vẫn trung thành theo tiếng gọi.
Anh đã lấy lời của Teilhard de Chardin viết cho tôi:
"Vùng nước xoáy, vật gì rơi vào sẽ bị hoặc cuốn xuống đáy sâu âm u, hoặc
văng tít lên cao, tùy cách mà mình phóng vào". Trong vùng nước xoáy, Anh
đã chẳng để đời mình chìm xuống. Anh đã hướng về Thập Giá như hoa hướng dương
mãi mãi dõi theo mặt trời. Trong vùng nước xoáy của xã hội ở đây, tôi sẽ phóng đời
mình vào như thế nào?
Anh bảo rằng chúng ta là những dòng sông. Mỗi dòng sông chẩy
theo một ngã rẽ nhưng cùng một dòng nước. Ðời Anh đã là một dòng sông chảy theo
bóng Thập Giá cho đến tận cùng cuộc đời. Còn tôi? tôi có đem đời mình làm dòng
sông hay để cho đam mê, lười biếng thành đập đá ngăn chận dòng sông, trở thành
dòng sông cạn buồn hiu.
Tôi thấy lo âu vì những lời Anh viết trong thư: "Thiên
Chúa không bao giờ lầm lẫn trong công việc của Ngài, chỉ có con người hư hỏng
làm sai".