James Akin
Hỏi: Thứ Tư Lễ Tro là gì?
Đáp: Thứ Tư Lễ Tro là ngày bắt đầu Mùa Chay, cách Thứ Sáu Tuần Thánh 40 ngày.
Hỏi: Thứ Tư Lễ Tro có dựa trên một lễ hội ngoại giáo không?
Đáp: Không. Thứ Tư Lễ Tro bắt nguồn từ những năm 900 Công nguyên, rất lâu sau khi Châu Âu đã được Kitô giáo hóa và các phụng thờ ngoại giáo bị dập tắt.
Hỏi: Tại sao gọi là Thứ Tư Lễ Tro?
Đ: Thực ra, Thứ Tư Lễ Tro là tên thông dụng. Tên chính thức của nó là “Ngày của tro” (Dies Cinerum). Nó được gọi là “Thứ Tư Lễ Tro” vì bốn mươi ngày trước Thứ Sáu Tuần Thánh luôn rơi vào Thứ Tư đồng thời vào ngày đó các tín hữu sẽ bôi tro lên trán theo hình thánh giá .
Hỏi: Tại sao xức tro dấu thánh giá trên trán?
Đáp: Vì trong Kinh thánh, đánh dấu trên trán tượng trưng cho quyền sở hữu của một người. Khi ghi dấu thánh giá trên trán, điều này nói lên rằng người đó thuộc về Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết trên Thánh giá.
Đây cũng là điều bắt chước dấu ấn thiêng liêng hay ấn tín được ghi trên một Kitô hữu trong bí tích rửa tội, khi được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi và ma quỷ, trở thành nô lệ của sự công bình và Đức Kitô (Rm 6,3-18).
Đây cũng là bắt chước cách mà sự công chính được mô tả trong sách Khải huyền nói về các tôi tớ của Thiên Chúa (các Kitô hữu được tượng trưng bởi 144.000 nam nhân):
“Xin đừng phá hại đất liền, biển cả và cây cối, trước khi chúng tôi đóng ấn trên trán các tôi tớ của Thiên Chúa chúng ta” (Kh 7,3
"Chúng bị cấm không được phá hại cỏ trên mặt đất, mọi loài xanh tươi và mọi cây cối, mà chỉ được phá hại những người không mang ấn của Thiên Chúa trên trán" (Kh 9,4)
“Tôi thấy: kìa Con Chiên đứng trên núi Xion; cùng với Con Chiên, có một trăm bốn mươi bốn ngàn người, mang danh của Con Chiên và của Cha Con Chiên ghi trên trán” (Kh 14,1)
Đây là điều ngược lại với những người theo con thú, những người có số 666 trên trán hoặc trên tay.
Tham chiếu đến việc ghi ấn các tôi tớ của Thiên Chúa để bảo vệ họ trong sách Khải Huyền là ám chỉ đến một đoạn song song trong sách Êzekien, nơi có các tôi tớ Thiên Chúa được đóng ấn để bảo vệ họ:
" Hãy rảo khắp thành, khắp Giêrusalem. Hãy ghi dấu chữ thập trên trán (nghĩa đen là một dấu chữ “tav”) những người đang rên siết khóc than về mọi điều ghê tởm đang xảy ra trong khắp thành." Tôi lại nghe Đức Chúa phán với năm người kia: "Hãy đi theo người ấy vào thành mà chém giết. Đừng nhìn mà thương hại, đừng xót thương. Người già, thanh niên, thiếu nữ, cũng như đàn bà con trẻ, các ngươi hãy giết cho sạch; nhưng tất cả những ai mang dấu trên mình, các ngươi chớ đụng đến. Các ngươi sẽ bắt đầu từ Nơi Thánh của Ta." Và họ đã bắt đầu từ đàn ông, từ người già ở trước Đền Thờ” (Êd 9, 4-6).
Rủi thay, các bản dịch hiện đại đều không ghi đoạn này theo nghĩa đen. Thực sự câu này muốn nói là ghi một dấu chữ “tav” trên trán của những người công chính ở Giêrusalem. Chữ “tav” là một trong những chữ cái của bảng chữ cái tiếng Do Thái và trong chữ viết cổ, nó trông giống như chữ cái “chi” trong tiếng Hy Lạp, là hai gạch “chéo” (giống như chữ "x") và là chữ cái đầu tiên trong từ "Christ" (Kitô) trong tiếng Hy Lạp là “christos”. Các rabbi Do Thái đã giải thích về mối liên hệ giữa “tav” và “chi” và chắc chắn đây là dấu ấn mà sách Khải Huyền muốn nói đến khi các tôi tớ của Thiên Chúa được ghi dấu ấn.
Các Giáo phụ sơ thời đã nắm bắt mối liên hệ giữa “tav-chi”- thập giá – “christos” này và giải thích nó trong các bài giảng của mình, nhìn thấy ở Êzekien một điềm báo tiên tri về việc các Kitô hữu được ghi dấu ấn để làm tôi tớ của Đức Kitô. Đây cũng là một phần nền tảng của tục làm dấu thánh giá nơi người Công giáo, mà trong những thế kỷ đầu (như được ghi chép lại từ thế kỷ thứ hai trở đi) đã được thực hành bằng cách dùng ngón tay cái làm một dấu thánh giá nhỏ trên trán, như người Công giáo làm ngày nay khi đọc Tin Mừng trong Thánh lễ.
Hỏi: Tại sao làm dấu với tro?
Đáp: Bởi vì tro là biểu tượng Kinh Thánh nói về sự than khóc và sám hối. Trong thời Kinh thánh, có phong tục nhịn ăn, mặc áo vải gai, ngồi trong đống tro, và rắc tro lên đầu. Bình thường thì không ai mặc áo gai hay ngồi trong đống tro, nhưng tập tục ăn chay và rắc tro lên trán như một dấu hiệu của sự đau buồn và sám hối vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Đây là hai trong số những điểm chính của Mùa Chay. Thực tế, Thứ Tư Lễ Tro không chỉ là ngày xức tro trên đầu mà còn là ngày ăn chay.
Hỏi: Có ví dụ nào trong Kinh thánh về những người xức bụi tro lên trán?
Đáp: Có những trường hợp sau đây:
“Một người thuộc chi tộc Bengiamin từ mặt trận chạy về, và ngay hôm đó tới Silô, áo quần xé rách, đầu thì rắc đất” (1 Sm 4, 12)
" Sang ngày thứ ba, có một người từ trại, từ bên vua Saun đến, áo quần xé rách, đầu thì rắc đất. Khi đến gần ông Đavít, anh ta sấp mình xuống đất và sụp lạy" (2 Sm 1, 2)
"Tamar lấy tro bụi rắc lên đầu, xé cái áo chùng dài tay cô đang mặc, đặt tay lên đầu, vừa đi vừa kêu la" (2 Sm 13,
“Khi vua Đavít lên tới đỉnh, nơi người ta thờ lạy Thiên Chúa, thì này ông Khusai, người Ácki, đón gặp vua, áo chùng ông xé rách, đầu thì rắc đất” (2 Sm 15, 32)
Hỏi: Tro còn có ý nghĩa nào khác?
Đáp: Có. Chúng cũng tượng trưng cho cái chết và do đó nhắc nhở chúng ta về tính phải chết của mình. Thế nên, khi vị linh mục dùng ngón tay cái ghi dấu bằng tro cho một tín hữu, ông nói: "Hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về tro bụi", như Thiên Chúa nói với ông Ađam (Stk 3, 19; xem G 34,15, Tv 90,3, 104,29, Gv 3,20). Điều này cũng lặp lại những lời trong lễ an táng, "Tro bụi trở về với tro bụi", dựa trên lời Thiên Chúa nói với ông Ađam trong Sáng thế ký 3 và lời thú nhận của Ápraham, " Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi" (Stk 18, 27). Do đó, đây là lời nhắc nhở về cái chết của chúng ta và nhu cầu phải hối cải trước khi cuộc sống này qua đi và chúng ta đối mặt với vị Thẩm Phán của mình.
Hỏi: Tro được sử dụng vào Thứ Tư Lễ Tro đến từ đâu?
Đ: Từ tro của những lá cọ đã được giữ lại từ Chúa Nhật Lễ Lá của năm trước, sau đó chúng được linh mục làm phép - tro được làm phép đã được sử dụng trong các nghi lễ của Thiên Chúa từ thời Môisê (Ds 19, 9-10, 17 ).
Hỏi: Tại sao lại là tro của Chúa Nhật Lễ Lá năm trước?
Đáp: Vì vào Chúa Nhật Lễ Lá, dân chúng chào mừng sự khải hoàn của Chúa Giêsu khi tiến vào thành Giêrusalem. Họ mừng Ngài bằng cách vẫy những chiếc lá cọ, không nhận ra rằng Ngài đến để chịu chết vì tội lỗi của họ. Khi sử dụng những cành lá từ Chúa Nhật Lễ Lá, đó là một lời nhắc nhở rằng chúng ta không chỉ vui mừng về việc Ngài đến nhưng còn phải hối tiếc rằng tội lỗi của chúng ta đã khiến Ngài phải chết thay để cứu chúng ta khỏi địa ngục.
Hỏi: Có đòi buộc các tín hữu phải xức tro lên trán không?
Đáp: Không, điều này không bắt buộc nhưng được khuyến khích mạnh mẽ vì đây là một lời nhắc thiêng liêng phù hợp và hữu hình, khích lệ người ta nhận lấy thái độ cầu nguyện, ăn năn và khiêm nhường. Như Thánh Giacôbê đã nói: “Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa và Người sẽ cất nhắc anh em lên” (Gc 4, 10).
Hỏi: Thứ Tư Lễ Tro có phải là một ngày lễ buộc, nghĩa là phải dự Thánh lễ?
Đáp: Không, đây không phải là ngày lễ buộc. Tuy nhiên, điều này được khuyến khích vì thích hợp để đánh dấu khởi đầu của Mùa Chay sám hối bằng cách tham dự Thánh lễ. Việc thờ phượng Thiên Chúa cách trang trọng, cùng với cộng đoàn, là một cách tốt đẹp để bắt đầu mùa Chay. Ngoài ra, mặc dù đó không phải là ngày bắt buộc, nhưng đó là ngày ăn chay và kiêng thịt.
Hỏi: Tại sao Thứ Tư Lễ Tro không phải là ngày lễ buộc?
Đáp: Lễ buộc là ngày kỷ niệm các biến cố đặc biệt (chẳng hạn như sự sinh hạ của Đức Kitô hoặc dâng Chúa Giêsu vào Đền thánh), những người đặc biệt (chẳng hạn như người cha trần thế của Đức Giêsu là Thánh Giuse), hoặc các khái niệm thần học quan trọng (như Vương quyền của Chúa Kitô). Thứ Tư Lễ Tro không kỷ niệm bất kỳ biến cố nào (không có gì đặc biệt xảy ra bốn mươi ngày trước khi bị đóng đinh - ít nhất là chúng ta không biết gì về điều đó), và có thể là gián tiếp tưởng niệm một Ngôi vị (Chúa Kitô) vì đây là bước khởi đầu để chuẩn bị các cử hành lớn hơn về trong công cuộc cứu độ của Đức Kitô sau đó, và mặc dù Thứ Tư Lễ Tro là ngày thống hối (giống như tất cả các ngày khác của Mùa Chay trừ Chúa Nhật, là những ngày lễ trọng bất kể thời điểm nào trong lịch phụng vụ vì là kỷ niệm sự phục sinh của Đức Kitô), Giáo hội không bao giờ chọn ngày này hay bất cứ ngày nào khác để làm ngày tưởng niệm về sự thống hối.
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ