Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

MARIA, TẤM GƯƠNG CHO GIÁO HỘI

MARIA UNO SPECCHIO PER LA CHIESA
tác giả: Raniro Cantalamessa

Dịch từ bản tiếng Pháp
MARIE UN MIROIR POUR L'ÉGLISE
(Sr. Maria de Coeur Immaculé & P. Jean Dovetta)
do một nhóm linh mục Ðàlạt chuyển ngữ.



DẪN NHẬP
 ÐỨC MARIA, MỘT BỨC THƯ VIẾT BỞI NGÓN TAY
CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG.

Thánh Phaolô để lại cho Giáo Hội biết bao nhiêu thư quý giá, nhưng đã cho chúng ta biết về sự hiện diện của một bức thư hoàn toàn khác : Một bức thư "không viết bằng mực nhưng là bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải trên những bia đá, mà là trên bia lòng bia thịt" . Bức thư này "mọi người hết thảy đều nhận ra và đọc được", đó chính là cộng đoàn Corinthô, là Giáo Hội, đã đón nhận Lời Chúa và sống bằng Lời đó (x. 2C 3, 2-3).

Hiểu theo nghĩa này thì Ðức Maria cũng là một bức thư của Thiên Chúa, vì Người là thành phần của Giáo Hội. Không những thế, Người là bức thư của Thiên Chúa theo một nghĩa hết sức đặc biệt và độc nhất, vì Người không chỉ đơn thuần là một chi thể như các chi thể khác, mà còn là chính hình bóng của Giáo Hội, là Giáo Hội trong tình trạng mới khai sinh. Ðức Maria quả thực là bức thư viết không phải bằng mực nhưng là bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải trên bia đá như luật cũ, cũng không phải trên giấy da hay chỉ thảo, mà là trên tấm thân, là trong trái tim đầy lòng tin, trái tim của một người mẹ. Một bức thư mà hết thảy mọi người, hàng thông thái cũng như kẻ vô học, đều có thể đọc được, hiểu được. Truyền thống đã tiếp nhận ý tưởng đó khi nói về Ðức Maria như là "một bản sáp" (Origène) "Một cuốn sách vĩ đại" và soạn giả duy nhất là Chúa Thánh Thần (Thánh Epiphane), hay như "cuộn giấy, trên đó Chúa Cha viết Lời của Người" (Phụng vụ Byzantine).

Chúng tôi muốn đọc bức thư này của Thiên Chúa với một mục đích thiết thực và "xây dựng", nhằm vạch ra một con đường thánh hóa hoàn toàn dựa vào Mẹ Thiên Chúa như là mẫu mực. Vì thế, đây không phải là một khảo luận vể Thánh Mẫu học, cũng không phải là những bài nói chuyện về Ðức Maria, nhưng là một con đường lắng nghe và vâng phục Lời Chúa theo gương Mẹ Thiên Chúa. Quả thực chúng tôi nghĩ rằng : Ðức Maria có thể nói với mọi người chúng ta điều mà thánh Tông Ðồ đã nói với các tín hữu Corinthô : "Anh em hãy theo gương tôi, như tôi đối với Ðức Kitô" (1C 11, 1).

Trong Tân Ước, Ðức Maria không được nói đến thường xuyên, nhưng nếu để ý, chúng ta sẽ thấy Người đều hiện diện trong ba thời điểm chính yếu, cấu thành Mầu nhiệm Kitô giáo : Nhập Thể, Mầu Nhiệm Vượt Qua và lễ Ngũ Tuần. Nhập Thể, lúc chính con người Ðấng Cứu Thế là Thiên Chúa và là người được cấu thành ; Mầu Nhiệm Vượt Qua, lúc Ðấng Cứu Thế hoàn thành công trình cứu chuộc chúng ta qua việc tiêu diệt tội lỗi và canh tân sự sống ; và lễ Ngũ Tuần, lúc Thánh Thần, Ðấng làm cho Ơn Cứu Ðộ luôn hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội được ban xuống. Ðức Maria đã hiện diện trong cả ba thời điểm đó. Người đã hiện diện trong Nhập Thể, bởi lẽ Nhập Thể được thực hiện nơi Người. Nói như các Giáo Phụ, cung lòng của Người là "máy dệt", là "xưởng thợ" nơi Chúa Thánh Thần dệt cho ngôi Lời tấm hình hài nhân loại, là "giường cưới" nơi Thiên Chúa kết hiệp với con người. Người đã hiện diện trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, vì như đã viết : "Ðứng bên khổ giá Ðức Giêsu có Mẹ Ngài" (x. Yn 19, 25). Người đã hiện diện trong lễ Ngũ Tuần, vì như lời Kinh Thánh, các Tông Ðồ "hết thảy đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện, cùng với Maria, Mẹ Ðức Giêsu"������� (x. Cv 1, 14). Bước theo Ðức Maria trong mỗi giai đoạn căn yếu này, chúng ta sẽ tìm được sự trợ giúp trên con đường dấn bước theo Ðức Giêsu, một sự trợ giúp cụ thể và mang tính quyết định, giúp chúng ta sống lại tất cả mầu nhiệm của Ngài.

Trên con đường bước theo Ðức Maria, chúng ta tất phải đụng chạm đến các vấn đề liên quan đến Ðức Maria trên bình diện thần học và chú giải. Vì thế, tôi thiết nghĩ cần phải giải thích ngay từ đầu đâu là những tiêu chuẩn mà chúng tôi sẽ dùng để khai triển. Các đường hướng chính là những đường hướng Công Ðồng Vatican II, trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đã vạch ra trong chương nói về Ðức Maria. Trong bản văn này, Ðức Maria được đề cập đến với hai khía cạnh căn�� bản : khía cạnh là Mẹ và khía cạnh là hình bóng : Maria, Mẹ Ðức Kitô và hình bóng của Giáo Hội. Viễn tượng trong đó Ðức Maria được đặt trong suy tư về Giáo Hội, sẽ được sát nhập vào một viễn tượng khác, trong đó chúng ta sẽ cố gắng đọc cuộc đời Ðức Maria dưới ánh sáng của những điều Công Ðồng nói về Lời Chúa trong Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Dei Verbum, Maria trước hết là một chương của Lời Chúa. Người được nói đến trong các sách qui điển Tân Ước. Vị trí chính yếu của Ðức Maria là Mạc Khải, nghĩa là Kinh Thánh. Về Mạc Khải, Công Ðồng vạch rõ một nguyên tắc mà nhiều người đã biết : Mạc Khải "được thực hiện bằng các lời nói và hành động 1". Như lời thánh Grégoriô Cả : "Thiên Chúa dạy dỗ chúng ta lúc thì bằng lời nói, lúc thì bằng hành động" vì lẽ, thánh Augustinô giải thích : "cả những việc làm cũng là những lời nói 2".

Suy tư về Ðức Maria trong vị thế chính yếu trong "Sitz im Leben", là Kinh Thánh và mọi đào sâu đều khởi đi từ Kinh Thánh, dưới ánh sáng của Truyền Thống, đó là điều đặc biệt quan trọng. Quả đã đến lúc phải làm sao cho Ðức Maria không còn là một đề tài tranh cãi hay một cớ chia rẽ giữa các Kitô giáo nữa. Nhưng là một cơ hội đưa đến hiệp nhất và huynh đệ. Ðối với chúng ta, Ðức Maria xuất hiện như dấu chỉ của một Giáo Hội còn nguyên vẹn chưa bị chia cắt, ngay cả phân chia thành Giáo Hội của người Dothái và Giáo Hội của dân ngoại. Ðó lại không phải là một trong những lời kêu gọi hiệp nhất mạnh mẽ nhất hay sao ? Viễn tượng đại kết mà chúng tôi mong muốn theo đuổi trong những trang sách này sẽ có được chỗ dựa vững chãi, nếu chúng ta nhìn ngắm Ðức Maria� khởi từ Kinh Thánh hơn là từ những nguyên lý hình thức, những luận đề thần học hay từ chính các tín điều. Các tín điều được đưa ra là để giải thích Kinh Thánh chứ không phải ngược lại, vai trò của chúng là minh giải chứ không phải là nền tảng. Khi coi tín điều là nền tảng còn Kinh Thánh đóng vai trò minh giải, thì người ta đưa khẳng định tín lý ra ngay từ đầu rồi sau đó tìm cách chứng minh bằng các bản văn trích từ Thánh Kinh, và những bản văn này thường là bị cắt tách rời khỏi văn mạch và bị đặt vào vị thế phụ thôi. Người ta dùng những bản văn đó làm chứng cứ "theo Kinh Thánh". Còn khi Kinh Thánh là nền tảng thì ta khởi đi từ Lời Chúa, và để giải thích ý nghĩa của Lời Chúa, ta đi đến với tín điều, xét như là lời giải thích chính thực mà Giáo Hội đã đưa ra. Chúng ta sẽ đi theo con đường mà chính chân lý đã đi để đến với chúng ta chứ không đi theo con đường ngược lại.

Một trong những ngờ vực không phải là hoàn toàn vô lý khiến anh em Tin Lành xa cách Ðức Maria, đó là khi Giáo Hội nói về Người. Tôn dương vai trò của Người thực ra là Giáo Hội nói về chính mình, tôn dương chính mình. Khi chúng ta đọc cuộc đời Ðức Maria dưới ánh sáng Lời Chúa, thì mọi ngờ vực đó không còn lý do để tồn tại nữa : không phải Giáo Hội nói về chính mình mà là Thiên Chúa nói với Giáo Hội. Ðó là xác tín của chúng tôi khi đề cập đến hành trình hoán cải và thánh hóa theo chân Ðức Maria : qua Ðức Maria, chính Thiên Chúa nói với Giáo Hội và với mỗi người chúng ta. Người là một Lời của Thiên Chúa, một Lời thật sự đầy đủ ý nghĩa. Người ta có thể và chỉ có thể nói cề Ðức Maria mà thôi, rằng Người đã "mang lại Lời", theo nghĩa cụ thể chứ không phải chỉ theo nghĩa bóng. Người còn là một Lời tràn đầy của Thiên Chúa theo nghĩa, các lời và các bản văn nói cho chúng ta về Ðức Maria trong các Tin Mừng là những lời, những bản văn mang đầy âm hưởng và súc tích đến lạ lùng. Ta có thể áp dụng cho Ðức Maria, theo nghĩa loại suy, phạm trù "Lời hữu hình" (Verbum visibile) mà thánh Augustino đã dùng cho dấu chỉ Bí Tích : một Lời Nhập Thể. Chính vì thế, như chúng ta sẽ thấy, cung cách sống của Người rất thiết thực và rất gần gũi với đời sống chúng ta. Chúng ta có thể áp dụng cho Ðức Maria điều đã viết về Lời Thiên Chúa nói chung : "Nó không ở mãi trên trời để ngươi phải nói �Ai sẽ thay ta lên trời lấy xuống cho ta .� Nó cũng không ở mãi bên kia biển . vì Lời ở rất gần ngươi" (x. Tl 30, 12 - 14).

Tiêu chuẩn nhằm soi sáng con người và vị trí của Ðức Maria trong lịch sử cứu độ là tiêu chuẩn mà tôi gọi là "loại suy từ dưới" (l� analogie par le bas). Tiêu chuẩn này có mục đích tìm cách xác định vị trí của Ðức Maria, không phải khởi từ trên, từ các ngôi vị trong Ba Ngôi hay từ Ðức Kitô, để rồi sau đó áp dụng tất cả cho Ðức Maria theo nghĩa "giảm trừ" (re1duction). Mà ngược lại, khởi đi từ dưới, từ các biến cố, các khuôn mặt trong lịch sử cứu độ và các thực tại thuộc về Giáo Hội, để rồi sau đó áp dụng tất cả cho Ðức Maria theo nghĩa "mạnh nhất" (à plus forte raison). Nguyên tắc này sẽ sáng tỏ hơn khi chúng ta vận dụng nó cách cụ thể trong hành trình suy tư của chúng ta.
Ðể đi từ những suy nghĩ về Ðức Maria sang những suy nghĩ về Giáo Hội, ý tưởng theo đó Ðức Maria là "hình bóng của Giáo Hội" sẽ được dùng như điểm bản lề. Ý tưởng này vốn đã được các giáo Phụ sử dụng và được Công Ðồng Vatican II lấy lại, bao hàm và diễn tả hai khía cạnh, một khía cạnh đặt Ðức Maria "phía sau" chúng ta, như là khởi đầu và là hoa quả đầu mùa của Giáo Hội và đồng thời, một khía cạnh khác đặt Ðức Maria "phía trước" chúng ta, như là khuôn mẫu và là mẫu gương hoàn hảo để noi theo. Phạm trù này không xa lạ gì với anh em Tin Lành, chính vì thế mà nó có một giá trị đại kết đáng kể. Khi chú giải đoạn Lc 2, 19 ("Maria giữ kỹ mọi điều ấy và hằng suy đi nghĩ lại trong lòng") trong bài giảng về lễ Giáng Sinh năm 1522, Luther viết : "Maria, đó là Giáo Hội Kitô . Giáo Hội Kitô giữ kỹ mọi Lời của Thiên Chúa trong lòng mình, nối kết các Lời đó lại với nhau, nghĩa là so sánh chúng với nhau và với Kinh Thánh". Như thế, theo Luther, Maria, kẻ giữ kỹ các lời của Thiên Chúa, là hình bóng của Giáo Hội.

Tôi thích dùng từ "tấm gương" hơn là từ "hình bóng" trong nhan đề cũng như ở những chỗ khác, bởi lẽ mọi người dễ hiểu hơn và đỡ bị gò bó vào thứ ngôn ngữ chuyên môn của khoa chú giải Kinh Thánh. Ðàng khác, từ ngữ này có nhiều gợi ý phong phú hơn và giúp cho ta như cảm được ý tưởng muốn diễn tả. Tuy nhiên ý nghĩa thì vẫn y như vậy. Ðức Maria là tấm gương cho Giáo Hội theo hai nghĩa : trước tiên, vì Người phản chiếu ánh sáng mặt trời ; và tiếp đến, vì chính nơi Người mà Giáo Hội có thể và cần phải "soi mình", nghĩa là ngắm bóng mình và tự so sánh để làm cho mình nên đẹp đẽ trước mắt Vị Hôn Phu Thiên Quốc. Như thế về khía cạnh này, điều chúng ta làm thực ra chỉ là áp dụng cho Ðức Maria, theo một nghĩa đặc biệt hơn, những gì mà Kinh Thánh nói cách tổng quát về Lời Chúa : Lời là một "tấm gương" (x. Yc 1, 23).

Một cách cụ thể, tuyên bố Ðức Maria là hình bóng hay tấm gương của Giáo Hội là muốn nói rằng, sau khi suy nghĩ về một lời nói, một thái độ hay một biến cố trong cuộc đời Ðức Maria, chúng ta sẽ tự hỏi : Ðiều đó có ý nghĩa như thế nào đối với Giáo Hội và đối với mỗi người chúng ta ? Chúng ta phải làm gì để thực hiện điều mà Thần Khí muốn nói với chúng ta qua Ðức Maria. Sự đáp trả tích cực nhất của chúng ta, hẳn phải nằm trong sự "noi gương" Ðức Maria hơn là trong sự sùng kính Ðức Maria. Như thế, đây sẽ là một hành trình hết sức đơn sơ và rất thiết thực. Như một loại thực hành đời sống thiêng liêng do Ðức Maria hướng dẫn. Gọi là những "thực hành", vì mỗi suy niệm sẽ đặt chúng ta trước một cam kết phải giữ và thực hiện chứ không phải chỉ hiểu mà thôi. Về Lời Thiên Chúa như là tấm gương, thánh Giacôbê nói : "Ai nghe Lời mà không làm, thì như người soi gương xem mặt mày ra sao. Soi rồi thì đi mất, mà quên ngay không nhớ mình như thế nào. Còn người cắm cúi vào luật hoàn hảo, luật tự do, một cách lưu luyến, không phải nghe đấy quên đấy, nhưng là thực thi bằng việc làm, thì phúc cho người ấy vì đã thi hành" (Yc 1, 23 - 25). Tất cả những điều đó hoàn toàn phù hợp với lời hay "bức thư" đặc biệt của Thiên Chúa là Ðức Maria.

Ðể đọc bức thư này của Thiên Chúa, ngoài Kinh Thánh, các Giáo Phụ, truyền thống và thần học, chúng ta còn có được sự trợ giúp khá thường xuyên của các thi nhân. Tại sao như thế ? Nói về Ðức Maria mà lại để buông cho trí tưởng tượng, cho tình cảm, lại không là điều nguy hiểm sao ? Lý do thật đơn giản, các chân lý đức tin, thường đã mất đi giá trị vì bị sử dụng quá nhiều, các tước hiệu tín lý của Giáo Hội cổ thời, tất cả cần phải được đánh thức dậy, cần phải làm cho chúng lên tiếng nói, như lời của Kierkegaard : Những điều đó tương tự như những chàng hiệp sĩ, những nàng công chúa thiếp ngủ trong lâu đài thần tiên. Cần phải đánh thức để chúng chỗi dậy trong tất cả nét huy hoàng rực rỡ của chúng, và các thi sĩ là những người biết làm điều đó hơn bất cứ ai khác. Những thi sĩ đích thực, cả họ nữa đôi khi là những con người "được linh hứng", như các ngôn sứ. Ngày nay, chúng ta hết sức cần đến một luồng sinh khí, một nguồn cảm hứng trong việc trình bày đức tin cũng như trong giải thích Kinh Thánh, để không bị rơi vào thứ suy lý vô hồn. Ðây cũng là trực giác của một số triết gia hiện đại. Heidegger, sau khi gắng công hoài sức nắm bắt hữu thể các sinh vật, đến một lúc đã từ bỏ dự định đó giữa đường và chú tâm đến các thi sĩ, vì như ông nói, chính nơi các thi sĩ mà hữu thể tự hiện lộ, dù chỉ là thoáng qua. Ðây là điểm mà cả chúng t, những nhà thần học, cần phải suy nghĩ đến một cách nghiêm túc. Người ta đã tiếp nhận rất nhiều gợi ý của triết gia này trong thần học, nhưng điểm gợi ý phong phú nhất, bởi nó mở ra với giáo lý Kitô giáo về ân sủng, thì dường như chưa được đón nhận.

Việc chiêm ngắm một số ảnh thánh (icômes) về Mẹ Thiên Chúa cũng đã giúp tôi rất nhiều. Tôi cảm thấy dường như tất cả những điều mình dự định nói đều đã được chứa đựng nơi các ảnh thánh đó. Các bức tranh này thể hiện trước mắt chúng ta, trong tâm trí chúng ta, Ðức Maria ở ba thời điểm : Nhập thể, Mầu Nhiệm Vượt Qua và lễ Ngũ Tuần. Nhìn ngắm chúng sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn bức thư kỳ diệu mà Thần Khí Thiên Chúa đã viết, là Ðức Maria.

Tuy nhiên, sự trợ gúp hữu hiệu nhất, không phải do các thi sĩ vẻ ảnh thánh, mà là do Chúa Thánh Thần, Ðấng đã "viết" Lời nơi Ðức Maria và làm cho Người trở thành một Lời của Thiên Chúa ngỏ với Giáo Hội. Maria, xét là thành phần của Lời Chúa, được tượng trưng bằng cuốn sách "viết cả trong lẫn ngoài, niêm bảy ấn" (x. Kh 5, 1). Chỉ mình Chiên Con mở ấn nhờ Thần Khí của Ngài và mạc khải ý nghĩa của sách cho những ai Ngài muốn. Chúng ta hãy bắt đầu đọc Lời của Thiên Chúa là Ðức Maria trong niềm hy vọng và với lời nguyện xin : "Xin Thiên Chúa đoái thương mạc khải cho chúng ta điều mà Thần Khí hôm nay phán dạy cho các Hội Thánh" qua Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa.



CHÚ THÍCH


1. Vatican II, Dei Verbum 2.
2. Saint Grégoire le Grand, Homélies sur les Évangiles, XVII, 1.
3. Cf. K. Barth, Dogmatique, Ecclésiastique I, 2.
4. Luther, Kirchenpostille (éd. Weimar, 10, 1, p. 140).
5. S. Kierkegaard, Journal II A 10.
I. ÐỨC MARIA
MỘT TẤM GƯƠNG CHO GIÁO HỘI TRONG NHẬP THỂ.


1. "ÐẦY ÂN SỦNG"

ÐỨC MARIA DẪN GIÁO HỘI TỚI VIỆC KHÁM PHÁ RA ÂN SỦNG CỦA THIÊN CHÚA.

"Hiện tôi có là gì là bởi ơn Thiên Chúa".

Bức thư sống động của Thiên Chúa, Ðức Maria khởi đầu bằng một từ ngữ sâu xa đến nỗi nó đã manh nha chứa đựng tất cả đời sống của Người. Ðó là từ "ân sủng". Khi bước vào nhà Maria, thiên thần� nói : "Vui lên, hỡi đầy ân sủng !" và sau đó lại nói : "Maria, đừng sợ, vì Người đã đắc sủng nơi Thiên Chúa" (Lc 1, 28 - 30).

Trong lời chào, thiên thần đã không gọi tên Maria, mà chỉ gọi là "đầy ân sủng" hay "được đầy ân sủng" (kêkharitômênê). Thiên thần không nói : "Vui lên, hỡi Maria", mà là "Vui lên, hỡi đầy ân sủng". Ân sủng, đó là chân tính sâu thẳm nhất của Ðức Maria. Maria là người rất "quý giá" đối với Thiên Chúa ("cher" [quý giá] và "charité" [lòng mến, đức ái] đều phát xuất từ một gốc : charis, có nghĩa là ân sủng). Tất nhiên ân sủng nơi Ðức Maria tùy thuộc vào sứ mạng làm Mẹ Ðấng Mêsia mà thiên thần loan báo, nhưng điều đó chưa giải thích hết ân sủng nơi Ðức Maria. Maria không phải chỉ là một chức vị, mà trước hết, là một con người, và chính con người Ðức Maria là điều Thiên Chúa quý giá từ muôn thuở.

Như thế, Maria là lời công bố sống động và cụ thể rằng, ngay từ khởi thủy đã có ân sủng trong các mối quan hệ giữa Thiên Chúa và thụ tạo của Người. Ân sủng là mảnh đất, là nơi chốn thụ tạo có thể gặp được Ðấng dựng nên mình. Cũng thế, trong Kinh Thánh, Thiên Chúa được trình bày như là Ðấng giàu ân sủng, nghĩa là đầy tràn ân sủng (x. Xh 34, 6). Thiên Chúa đầy ân sủng theo nghĩa chủ động (actif) vì là Ðấng "đổ đầy" ân sủng, còn Ðức Maria cũng như với mỗi thụ tạo đầy ân sủng theo nghĩa thụ động (passif), bởi lẽ người "được đầy" ân sủng. Ðứng giữa là Ðức Kitô, Vị trung gian, Ðấng "đầy ân sủng" (Yn 1, 14) theo cả hai nghĩa : nghĩa chủ động và nghĩa thụ động. Trong tư cách là Thiên Chúa và là Ðầu của Giáo Hội, Ngài ban ân sủng, còn trong tư cách là người, Ngài được Chúa Cha đổ đầy ân sủng và Ngài "lớn lên về ân sủng" (Lc 2, 52). Chính qua ân sủng mà Thiên Chúa "nghiêng" mình cúi xuống trên các thụ tạo của Người. Ân sủng là mưa móc đầy tràn đong đầy hố thẳm khát khao Thiên Chúa của nhân loại. Thánh Yoan nói : "Thiên Chúa là Tình Yêu" (1Yn 4, 8) và điều này đưa tới hệ luận : Bên ngoài đời sống Ba Ngôi là ân sủng. Thực vậy, chỉ trong lòng Ba Ngôi, trong các tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa với nhau thì tình yêu của Thiên Chúa mới là một tương quan thuộc bản tính, nghĩa là một sự tất yếu. Còn bên ngoài và trong mọi trường hợp khác thì tình yêu đó là ân sủng, nghĩa là ân ban (don). Cha yêu con, đó không phải là một ân sủng hay ân ban, mà là một đòi hỏi của tình phụ tử, và theo một nghĩa nào đó, thì đó là bổn phận. Còn việc Người yêu thương chúng ta thì hoàn toàn là ân sủng, là ân huệ mà Thiên Chúa tự do ban phát, còn chúng ta thì không xứng với ân huệ đó.

Thiên Chúa của Kinh Thánh không chỉ "ban" ơn, Người còn "là" ân sủng. Người ta đã nhận thấy câu 33, 19 trong sách Xuất Hành : "Ta ban ơn cho kẻ Ta ban ơn" có cùng một cấu tạo như câu Xuất Hành 3, 14 : "Ta là kẻ Ta là", rồi lời giải thích cũng tương tự như vậy. Trong Xuất Hành 34, 6 cũng thế : "Yavê đi qua trước mặt ông và hô : Yavê, Yavê, Thiên Chúa chạnh thương, huệ ái, bao dung và giàu ân sủng". Thiên Chúa của Kinh Thánh không chỉ là Ðấng "hiện hữu vì mình", Người còn là Ðấng "hiện hữu vì chúng ta", nói khác đi, Người là ân sủng.

Maria như một icône sống động về ân sủng nhiệm mầu đó của Thiên Chúa. Khi nói về nhân tính Ðức Giêsu, thánh Augustino viết : "Con người đó, làm thế nào để xứng đáng được là con độc nhất của Thiên Chúa, được Ngôi Lời đồng vĩnh cửu với Chúa Cha đảm nhận trong sự duy nhất của một Ngôi Vị Thiên Chúa ? Phần Ngài, Ngài đã làm được điều gì tốt lành trước khi xảy ra sự kết hợp đó ? Trước đó, Ngài đã làm gì, đã tin gì, đã khẩn xin gì để đạt tới phẩm vị cao vời khôn tả như thế ?". bạn hãy tìm công phúc, tìm sự công chính và hãy suy nghĩ xem hoặc bạn có tìm thấy điều gì khác hơn là ân sủng 1".

Những lời này dọi một tia sáng đặc biệt lên tất cả con người Ðức Maria. Về Ðức Maria, chúng ta càng phải nói mạnh hơn nữa : Maria đã làm gì để xứng đáng được đặc ân để xem lại nhân tính cho Ngôi Lời ? Người đã tin, đã cầu xin, cậy trông hay chịu đau khổ như thế nào để được sinh ra thánh thiện và vô nhiễm ? Ở đây cũng thế, bạn hãy tìm xem có công phúc, có sự công chính nào, tìm bất cứ điều gì bạn muốn, xem bạn có thấy nơi Người điều gì khác ngoài ân sủng ngay từ giây phút đầu. Ðức Maria có thể lấy lời của thánh Phaolô áp dụng cho mình cách hết sức đúng nghĩa : "Hiện tôi có gì là bởi Ơn Thiên Chúa" (1C 15, 10). Ân sủng, đó là lời giải thích trọn vẹn về Ðức Maria, về sự cao trọng và vẻ đẹp của Người. Một thi sĩ (Cl. Péguy) viết : Sẽ đến lúc người ta không còn có thể bằng lòng với vị thánh quan thầy của mình, của thành phố mình, ngay cả đến những vị thánh quan thầy vĩ đại nhất, mà cần phải lên đến người đẹp lòng Thiên Chúa nhất, gần Chúa nhất. "Lên đến Ðức Maria, bởi Người đầy ân sủng 2". Những lời thật đơn sơ mà cũng thật sâu thẳm. Ðúng thế, Maria là Maria, bởi lẽ Người đầy ân sủng. Nói Maria đầy ân sủng đã là diễn tả trọn vẹn về Người.

Ân sủng là gì ?

Vậy ân sủng là gì ? Ðể khám phá ý nghĩa của ân sủng, chúng ta khởi sự từ ngôn ngữ thông thường mọi người đều hiểu được. Nghĩa thông thường nhất của ân sủng (grâce) là vẻ đẹp, vẻ duyên dáng đáng yêu (từ duyên dáng dễ thương, charme, trong tiếng Pháp phát xuất từ cùng một gốc với chữ charis, ân sủng). Nhưng đây không phải là nghĩa duy nhất của từ. Khi chúng ta nói về một người bị kết án tử hình rằng anh ta được ân xá (gracié) và được ân huệ, phải chăng chúng ta muốn nói anh ta nhận được vẻ đẹp, vẻ duyên dáng hay sao ? Chắc chắn là không. Tuyên bố anh ta được ân xá (gracié) là chúng ta muốn hiểu rằng anh ta được tha khỏi án phạt. Ðây thậm chí là nghĩa đầu tiên của từ.

Trong ngôn ngữ Kinh Thánh người ta thường nhận thấy cùng một ý nghĩa như thế. Thiên Chúa phán : "Ta ban ơn cho kẻ Ta ban ơn, Ta thương xot kẻ Ta thương xót". Ở đây ý nghĩa của ân sủng rõ ràng là ân huệ hoàn toàn nhưng không, tự do, không vì lý do gì cả, cũng như trong Xuất Hành 34, 6, Thiên Chúa được định nghĩa như là Ðấng "giàu ân sủng và tín thành, giữ nghĩa cho đến ngàn đời". Thiên Chúa còn nói với Môsê : "Ngươi đã được nghĩa (đặc sủng) với Ta" (Xh 33, 12), và đó cũng chính là điều mà thiên thần nói với Ðức Maria : Người đã đắc sủng nơi Thiên Chúa. Ở đây, một lần nữa ân sủng có nghĩa là ân huệ, là sự đẹp lòng, vừa ý.

Trong Kinh Thánh, ân sủng còn có một nghĩa khác gần với nghĩa chính nói trên, ân sủng chỉ một phẩm chất gắn liền với tạo vật, đôi khi được xem như hậu quả của Ơn Chúa làm cho tạo vật nên xinh đẹp, hấp dẫn, đáng yêu. Chính theo nghĩa này mà người ta nói đến ân sủng (=diễm lệ) "ứa tràn nơi đôi môi" của vị quân vương, vô song tuyệt mỹ giữa thế nhân (x. Tv 45, 3). Cũng thế, người vợ đoan chính được xem như "Nai tình yêu, nai tơ mỹ miều" (gracieuse, tính từ của grâce [Con người 5, 19]).

Giữa hai nghĩa trên ta có thể đặt mối liên hệ, nếu không phải trong chính các từ ngữ thì ít là nơi thực tại được diễn đạt. Thiếu nữ tượng trưng cho Israel, sở dĩ "ngày càng thêm xinh đẹp" đến mức có một sắc đẹp tuyệt trần (x. Ez 16, 8tt), đó là do Thiên Chúa đến bên, đem lòng yêu thương và kết ước với nàng, nghĩa là, nhờ bởi ân sủng Thiên Chúa. Dù thế nào đi nữa, Kinh Thánh đã không hề nói điều ngược lại, nghĩa là không bao giờ nói rằng chính vẻ đẹp hay sự tốt lành của tạo vật đã khiến cho Thiên Chúa đem lòng sủng ái. Vẻ duyên dáng (grâce) của tạo vật tùy thuộc sự sủng ái (grâce) của Thiên Chúa chứ không phải ngược lại.

Trở lại với Ðức Maria, lời chào của thiên thần hàm chứa hai nghĩa của ân sủng mà chúng ta vừa làm sáng tỏ. Maria đã đắc sủng nơi Thiên Chúa : Các dòng suối đổ đầy biển khơi như thế nào thì ân sủng cũng đổ đầy tâm hồn của Maria như vậy. Sự đắc sủng của Môsê, của các tổ phụ hay các tiên tri nơi Thiên Chúa sánh sao được với sự đắc sủng của Ðức Maria ? Có ai được Chúa "ở cùng" đến mức như Ðức Maria ? Thiên Chúa ở nơi Người không chỉ bằng quyền năng, bằng sự quan phòng mà còn là sự hiện diện đích thân.

Thiên Chúa không chỉ đem lòng sủng ái đối với Ðức Maria mà còn tự trao ban trọn vẹn trong Con của Người. "Chúa ở cùng Người". Lời nói với Ðức Maria ở đây có một ý nghĩa độc nhất vô nhị. Có sự tuyển chọn nào nhắm mục đích cao hơn sự tuyển chọn Ðức Maria, bởi lẽ nó liên hệ đến chính việc nhập thể của Thiên Chúa ?

Bởi thế, Maria còn đầy ân sủng theo nghĩa thứ hai. Người rất đẹp, một vẻ mà ta gọi là sự thánh thiện. Mẹ "tuyệt mỹ" (Tota pulchra), đó là lời ca ngợi của Giáo Hội, mượn lời sách Diệu Ca (x. Dc 4, 1). Bởi được sủng ái (gracié) nên Maria cũng thật yêu kiều (gracieuse). Trong bản văn được trích dẫn ở trên, thi sĩ (Péguy) đã nối kết hai nghĩa của từ ngữ đến mức thật tuyệt vời khi gọi Ðức Maria là "Người đầy duyên bởi Người đầy ơn" (Celle qui est pleine de grâce parce qu�elle est pleine de grâce). Nói khác đi, Người đầy duyên dáng, mỹ miều bởi Người được đầy tràn sự sủng ái, tuyển chọn của Thiên Chúa. Maria đẹp bởi Người được yêu.

Ân sủng theo nghĩa này, cũng chính là sự thánh thiện của Ðức Maria, và nó hàm chứa một nét đặc trưng, khiến Người trỗi vượt hơn bất cứ ai khác dù trong Cựu Ước hay Tân Ước, về khía cạnh này. Ðây là một ân sủng hoàn toàn thuần khiết mà Giáo Hội Latinh diễn tả bằng tước hiệu "Vô Nhiễm" (Immaculée), còn Giáo Hội Chính Thống diễn tả bằng tước hiệu "Toàn Thánh" (panaghia). Một bên làm nổi bật yếu tố phủ định của ân sủng nơi Ðức Maria : Không hề vương tội lỗi, ngay cả nguyên tội ; bên kia nhấn mạnh yếu tố khẳng định, nơi Người có mọi nhân đức và tất cả vẻ đẹp lộng lẫy phát xuất từ ân sủng.

Giáo Hội cũng được kêu gọi trở nên "quang vinh, không vết nhơ, không nếp nhăn, trái lại, thánh thiện và vô tỳ tích" (x. Ep 5, 27). Nhưng, như thi sĩ (Péguy) còn nói : "Ðiều dành lại được, được bảo vệ từng bước, được khôi phục lại, lấy lại, thì không còn y như điều đã không hề bị hư mất. Một tờ giấy được tẩy trắng không phải là một tờ giấy trắng, và một miếng vải được trắng không phải là một muếng vải trắng 3". Giáo Hội được thanh tẩy khỏi mọi vết nhơ, còn Ðức Maria thì được gìn giữ khỏi mọi vết nhơ. Một bên có những nếp nhăn mà một ngày kia sẽ được xóa sạch, còn bên kia, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, không có gì để tẩy xóa.

Tôi không muốn dừng lại quá lâu ở nghĩa tùy phụ này của từ ân sủng. Ðiều mà người ta gọi là "chùm ân sủng" của Ðức Maria là do nghĩa này tạo nên. Quả thực, ngay cả việc rao giảng về ân sủng cũng cần được canh tân trong Thần Khí, và sự canh tân này nằm ở chỗ luôn biết đặt nghĩa gốc lên hàng đầu, mà nghĩa gốc của từ ân sủng liên hệ đến Ðấng ban ơn trước khi liên quan đến người nhận ơn. Canh tân ở tại việc "trả lại cho Thiên Chúa quyền của Người". Khi nói đến tước hiệu "đầy ân sủng" mà thiên thần đã dành cho Ðức Maria, người ta rất dễ bị mập mờ trong việc nhấn mạnh đến ân sủng nơi Ðức Maria nhiều hơn là ân sủng Thiên Chúa. Ðầy ân sủng đã từng là khởi điểm được ưu tiên dùng làm nền tảng để xây dựng các tín điều. Vô Nhiễm Nguyên Tội, Hồn Xác Lên Trời và hầu hết các đặc ân khác của Ðức Maria. Ðó là một tiến bộ đối với đức tin. Thế nhưng, một khi những điều đó đã được khẳng định vững chắc thì cần phải trở về ngay với nghĩa đầu tiên của ân sủng, nghĩa đó nói về Thiên Chúa nhiều hơn là Ðức Maria, nói đến Ðấng ban ân sủng hơn là người nhận ân sủng, bởi đây cũng là ước muốn của Ðức Maria. Nếu không nhắc nhớ điều này, thì ân sủng có thể dần dần đi đến chỗ chỉ điều ngược lại với nó, nghĩa là công phúc.

Ơn Thiên Chúa mà Ðức Maria được đổ đầy là "ân sủng Ðức Kitô" (gratia Christi), "ơn Thiên Chúa đã ban cho anh em trong Ðức Kitô Giêsu" (x. 1C 1, 4), là lòng nhân từ và Ơn Cứu Ðộ mà từ nay Thiên Chúa ban cho con người từ cái chết cứu chuộc của Ðức Kitô. Ðức Maria ở bên này chứ không ở bên kia chí tuyến. Dòng nước mà Người được nhuần thấm không chảy từ Moriah hay Sinai, nhưng là giòng nuớc chảy xuống từ đồi Golgotha. Ân sủng mà Người lãnh nhận là ân sủng của Giao Ước Mới. Ðức Maria được gìn giữ khỏi tội như Giáo Hội đã công bố trong định tín về tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội, là "do dự kiến những công phúc của Ðức Giêsu Kitô Cứu Thế sẽ lập". Theo nghĩa này, Người quả thực là "con của Con mình" như Dante đã gọi.

Nơi Ðức Maria, chúng ta chiêm ngắm sự mới mẻ của ân sủng Tân Ước so với Cựu Ước. Nơi Người, tất cả sự mới mẻ, xét về chất lượng, đã được thực hiện. Thánh Irênê nêu câu hỏi : "Ðâu là sự mới mẻ mà Chúa mang tới qua việc Ngài đến trong thế gian ?" Và thánh nhân trả lời : "Ngài đã đem đến tất cả sự mới mẻ khi mang đến chính mình Ngài 5". Ân sủng của Thiên Chúa không còn là ơn nào đó của Người, nhưng là chính hiện diện của Người. Ðây là sự mới mẻ đến mức có thể nói, nay "đã hiển linh rồi ân sủng của Thiên Chúa, nguồn Cứu Ðộ" (Tt 2, 11), nhờ thế, sánh với ân sủng bây giờ, ân sủng trước kia không đáng được coi là ân sủng mà chỉ như một sự chuẩn bị.

Ðể đáp lại ân sủng Thiên Chúa, điều trước tiên tạo vật phải làm đó là dâng lên lời cảm tạ như thánh Phaolô, kẻ ngợi ca ân sủng, đã dạy : "Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa cho anh em, vì ơn Thiên Chúa đã ban cho anh em" (1C 1, 4). Con người phải tạ ơn để đáp ứng lại Ơn Thiên Chúa. Tạ ơn không phải là hoàn lại ân huệ đã nhận hay dâng một điều gì đó để đền đáp. Ai có thể đền bù lại cho Thiên Chúa ? Tạ ơn, đúng hơn, là nhìn nhận ơn Chúa ban và đón nhận nhưng không ân sủng của Ngài, không dám mong "tự chuộc mình hay trả giá phục hồi cho Thiên Chúa" (Tv 49, 8). Tạ ơn là một trong những thái độ tôn giáo căn bản nhất. Tạ ơn có nghĩa nhìn nhận mình là người chịu ơn, là kẻ tùy thuộc và để cho Thiên Chúa là Thiên Chúa.

Ðây chính là điều Ðức Maria đã làm trong kinh Magnificat : "Hồn tôi tôn dương Chúa . vì Ðấng quyền năng đã làm cho tôi những điều cao cả". Tiếng Hipri không có từ ngữ riêng để chỉ việc "cảm tạ" hay tạ ơn. Trong Kinh Thánh, khi một người muốn tạ ơn Thiên Chúa thì người đó cất lời tán tụng, tôn dương và công bố các kỳ công của Người với tất cả niềm phấn khởi hân hoan. Ðó hẳn là lý do tại sao chúng ta không tìm thấy từ tạ ơn trong kinh Magnificat mà chỉ thấy tôn dương, nhảy mừng. Tuy không có từ ngữ diễn tả nhưng tình cảm tương ứng thì đã được bộc lộ. Ðức Maria đã thực sự trả lại cho Thiên Chúa quyền của Người, và giữ lại cho ân sủng tất cả tính nhưng không của nó. Kỳ công thực hiện nơi Người, Người quy cho Thiên Chúa, cho ân sủng Thiên Chúa, không giữ lại cho mình bất cứ công trạng nào. Bức "Panaghia" hay "Toàn Thánh" (Rất Thánh), được tôn kính cách đặc biệt ở Nga, là bức ảnh diễn tả tất cả những điều nói trên cách tuyệt vời nhất. Mẹ Thiên Chúa đứng thẳng, đôi tay giơ cao, trong tư thế vừa đón nhận, vừa khai mở trọn vẹn. Chúa ở cùng Người dưới hình hài một vị vua nhỏ bé, nhìn thấy được, do sự trong suốt, ngay trước ngực Ðức Maria. Khuôn mặt đầy vẻ ngạc nhiên, trầm sâu trong thinh lặng và khiêm hạ, như thể Người muốn nói : "Hãy xem điều Chúa làm cho tôi, ngày Người đoái nhìn phận hèn tớ nữ của Người".

"Chính bởi ân sủng mà anh em đã được cứu"

Lúc này chúng ta cần nhớ lại nguyên lý hướng dẫn đã được trình bày trong phần dẫn nhập, nguyên lý đó là : Ðức Maria là hình bóngvà là tấm gương của Giáo Hội. Cuộc đời Ðức Maria khởi đầu bằng từ "ân sủng", điều đó có nghĩa gì đối với Giáo Hội và đối với mỗi người chúng ta ? Ðiều đó có nghĩa là, đối với cả chúng ta, ngay từ đầu đã có ân sủng, đã có sự tuyển chọn tự do và nhưng không của Thiên Chúa, có lòng nhân hậu khôn tả của Người, Người đi đến với chúng ta và ban chính mình Người cho chúng ta hoàn toàn chỉ vì yêu thương. Ðiều đó có nghĩa là : ân sủng "là nguyên lý hàng đầu" của Kitô giáo.

Giáo Hội trinh mẫu (vierge mère) cũng được turyền tin, vậy Thiên Sứ đã chào thế nào khi bước vào nhà Giáo Hội : "Ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô". Ðây là lời khởi đầu thư của các tông đồ, hầu như không đổi, thư của Phaolô cũng như thư của Yoan (x. 2Yn 1, 3). Chúng ta hãy nghe một trong những lời chào thật tự nhiên này để có thể cảm nếm được tất cả sức mạnh và sự dịu ngọt của nó : "Phaolô, bởi ý định của Thiên Chúa đã kêu gọi làm Tông Ðồ của Ðức Kitô Giêsu, cùng với người anh em là Sosthênê, kính gửi Hội thánh của Thiên Chúa tại��� Corinthô : ân sủng và bình an cho anh em do tự Thiên Chúa, Cha chúng ta và Chúa Giêsu Kitô. Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa cho anh em vì ơn Thiên Chúa đã ban cho anh em trong Ðức Kitô"������������ (1C 1, 1 - 6).

Ân sủng và bình an không chỉ diễn tả một mong ước : những từ này còn nói lên một thực tại. Ðộng từ hiểu ngầm không phải chỉ là "chớ gì có" nhưng là "có". Chúng tôi loan báo cho anh em biết rằng, anh em đang ở trong ân sủng, nghĩa là trong lòng nhân hậu của Thiên Chúa, rằng có bình an và ân sủng Thiên Chúa ban cho anh em, nhờ bởi Ðức Kitô ! Phaolô loan báo không mệt mỏi ân sủng của Thiên Chúa cho các tín hữu và khơi dậy nơi họ ý thức mãnh liệt về điều đó. Ngài xem việc "đoan chứng giảng Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa" (x. Cv 20, 24) như một nhiệm vụ mà Ðức Kitô đã giao phó cho ngài. Ân sủng là từ ngữ thâu tóm lại nơi một mình nó tất cả lời loan báo của Kitô giáo, tất� cả Tin Mừng, vì Tin Mừng cũng đã được định nghĩa như là "Tin Mừng hay lời công bố về ân sủng của Thiên Chúa" (x. Cv 14, 4 ; 20, 32).

Ðể có thể tìm lại sự mới mẻ cũng như niềm an ủi trong tất cả sự phong phú súc tích của nó hàm chứa trong lời loan báo đó, chúng ta cần phải tái tạo cho mình một đôi tai hoàn toàn mới, như những người đầu tiên được đón nhận Tin Mừng. Thời đại của họ được coi là một "thời đại khắc khoải". Người ngoại giáo tìm kiếm cách vô vọng một lối thoát cho cảm thức về thân phận bị kết án, bị đầy xa khỏi Thiên Chúa, một thân phận mà con người đang phải vật lộn, đang phải sống trong một thế giới bị xem như "tù ngục". Họ tìm kiếm lối thoát nơi bao nhiêu tín ngưỡng, triết thuyết hết sức khác biệt nhau. Ðể có một ý niệm về điều này, chúng ta cứ nghĩ đến một kẻ tử tội, từ bao nhiêu năm tháng sống trong khắc khoải lo âu và mỗi tiếng chân vang bên ngoài xà lim là giật thót lên vì sợ. Tâm hồn anh ta sẽ cảm thấy như thế nào, khi một người bạn bất ngờ đến, vẫy tờ giấy kêu lên : "Ân xá, ân xá, anh được ân xá (grâce) rồi !". ngay lập tức, một tâm trạng mới nảy sinh nơi anh, cả trời đất cũng thay hình đổi dạng, anh cảm thấy mình được tái sinh. "Vậy bây giờ, án phạt không còn nữa cho những ai ở trong Ðức Kitô Giêsu" (Rm 8, 1), những lời hứa của thánh Tông Ðồ hẳn phải tạo một hiệu quả tương tự nơi người nghe. Thánh Phaolô nói đến ân sủng như một người thoát khỏi bão táp kinh hoàng, cuối cùng đã tìm được một hải cảng náu thân : "Nhờ Ngài (nghĩa là nhờ Ðức Kitô), bởi tin, ta được gia nhập ân sủng này, trong đó ta đã được thiết lập" (Rm 5, 2).

Cũng như đối với Ðức Maria, ân sủng là cốt lõi sâu xa của thực tại Giáo Hội và là căn nguyên hiện hữu của Giáo Hội. Giáo Hội có là gì thì đó là bởi ân sủng. Giáo Hội cần phải chân nhận : thân tôi có là gì là bởi ơn Thiên Chúa. Theo siêu hình học Kitô giáo đặt nền trên ý nhiệm ân sủng, thì "hiện hữu, đó là được yêu" (G. Marcel). Thụ tạo không có lời giải thích nào khác về hiện hữu của mình ngoài tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mình và bởi yêu mà Ngài đã tạo dựng. Ðiều này cũng có giá trị cho dù nhiều người trước tôi đã khám phá, đã sống chân lý đó, hoặc tôi đã đọc những điều họ viết nó, chừng đó vẫn không đủ. Nếu tôi chưa hề cảm nghiệm nó nơi chính bản thân mình, nếu tôi chưa từng bị chói loà, choáng váng bởi ánh sáng của chân lý đó, ít là một vài khắc khoải, thì chân lý đó vẫn như thể không có đối với tôi.

Tất cả là ân sủng, đó là điều mà Ðức Maria nhắc nhớ và công bố trước tiên là cho Giáo Hội. Ân sủng là yếu tố đặc trưng của Kitô giáo, nó khác biệt với mọi tôn giáo khác là bởi ân sủng. Trên bình diện học thuyết luân lý, tín lý hay việc làm của các tín hữu, thì người ta có thể tìm thấy những điểm tương tự, tương đồng, ít là một phần, với các tôn giáo khác. Những việc mà thành viên này hay thành viên nọ của các tôn giáo khác thực hiện có thể tốt hơn việc làm của rất nhiều Kitô hữu. Chính ân sủng mới tạo ra sự khác biệt, vì ân sủng không phải là một giáo thuyết hay một ý niệm, mà trước tiên nó là một thực tại, do đó, hoặc là có ân sủng hoặc là thiếu vắng ân sủng. Ân sủng quyết định phẩm chất của việc làm cũng như đời sống của một con người : nó xác định những việc làm đó là của con người hay của Thiên Chúa, thuộc thời gian hay thuộc vĩnh cửu.

Trong Kitô giáo, ân sủng hiện diện bởi lẽ có một nguồn mạch, một trung tâm tạo phát ân sủng : cái chết cứu chuộc của Ðức Kitô và sự giao hòa mà Người đã thực hiện. Các vị sáng lập tôn giáo dừng lại ở việc đưa ra một mẫu gương, còn Ðức Kitô không chỉ nêu gương, Ngài ban ân sủng. Nhìn bên ngoài, mọi sợi dây đồng đều giống nhau. Nhưng nếu bên trong những dây đó có dòng điện lưu chuyển thì bấy giờ nó sẽ khác với các dây khác như thế nào ! Chạm đến nó là bị giựt, đó là điều mà các dây khác không tạo được dù bề ngoài giống y như vậy.

Lạc giáo lớn nhất mà cũng là sự điên rồ của con người vô tín hiện đại đó là quan niệm cho rằng mình không cần đến ân sủng. Trong nền văn hóa kỹ thuật mà chúng ta đang sống, chúng ta chứng kiến một sự loại bỏ chính ý niệm về ân sủng Thiên Chúa trong đời sống con người. Ðây là thứ chủ thuyết Pélage triệt để của não trạng hiện đại. Một trường hợp tiêu biểu đó là khoa phân tâm. Người ta nghĩ rằng chỉ cần giúp bịnh nhân nhận thức và đưa ra ánh sáng các chứng tâm bịnh hay mặc cảm tội lỗi của họ ra ánh sáng của lý trí là đủ để chữa lành, không cần đến ân sủng từ trên thuyên chữa và đổi mới. Phân tâm học, đó là phép hòa giải (giải tội) mà không có ân sủng. Nếu ân sủng là điều làm nên giá trị con người, và nhờ ân sủng mà con người vươn lên trên thời gian và sự hư hoại, thì một con người không có ân sủng và từ chối ân sủng sẽ là như thế nào ? Ðó là một con người "trống rỗng".

Con người hiện tại nhạy cảm trước những chênh lệch, khác biệt giữa kẻ giàu người nghèo, kẻ phủ phê người đói khổ ; . đó là điều phải lẽ, nhưng lại không quan tâm bao nhiêu đến sự khác biệt còn bi đát hơn bội phần ; khác biệt giữa người sống trong ân sủng Thiên Chúa với những người sống không ân sủng Thiên Chúa. Pascal đã đề ra nguyên lý về ba bình diện hay ba cấp độ mà chúng ta thấy được trong thế giới : bình diện thể xác ; bình diện trí tuệ hay tài năng ; và bình diện của thánh thiện và của ân sủng. Giữa bình diện hay cấp độ của thể xác như sự giàu có, sắc đẹp, sức mạnh thể lý, với cấp độ của trí tuệ và của tài năng là cấp độ cao hơn, thì sự khác biệt là vô cùng. Cấp độ dưới không thể thêm vào hay làm mất điều gì của cấp độ trên nhưng, theo lời Pascal, sự khác biệt giữa cấp độ của trí tuệ với cấp độ của ân sủng lại là "vô cùng vô hạn", trời cao hơn đất bao nhiêu thì cấp độ thứ ba này cũng vượt trên tất cả các cấp độ khác bấy nhiêu. Ðây là sự cao cả mà Ðức Maria, sau Ðức Kitô, vượt trên mọi thụ tạo khác. Theo nghĩa khách quan này, dựa trên sự cao vượt tuyệt đối của ân sủng trên tự nhiên, thì Ðức Maria là thụ tạo cao cả nhất trong các thụ tạo, sau Ðức Kitô.

Vì thế, khinh thường ân sủng hoặc nghĩ một cách ngu xuẩn rằng mình không cần đến ân sủng thì đó là tự khép mình trong sự bất toàn, là dừng lại ở cấp độ thứ nhất hoặc thứ hai của phàm nhân, còn cấp độ thứ ba cao vượt hơn nghìn trùng thì ngay cả sự hiện hữu của nó cũng không ngờ tới.

Ta cần toàn thể

Ðể ân sủng lại trở nên mặt trời chiếu sáng tất cả lời rao giảng của Kitô giáo, như đã từng như thế vào buổi đầu của Giáo Hội, thì ân sủng cần phải được khôi phục, trả lại cho chính nó, và điều này đòi hỏi một sự hoán cải sâu xa, như chúng ta sẽ thấy.

Trong một cuốn sách về linh đạo nổi tiếng thời Trung Cổ, người ta như nghe thấy một tiếng kêu vùng dậy. Ngỏ lời với tâm hồn đang tìm kiếm Thiên Chúa nhưng lại bị bó rọ trong chiếc lưới đan bởi trăm ngàn phân biệt, định nghĩa về Thiên Chúa, một tác giả vô danh khuyên tâm hồn đó hãy thét lên trong chính lòng mình : "Tôi không muốn biết gì về khía cạnh này hay khía cạnh khác của Thiên Chúa. Tôi cần toàn thể !" Ðây chính là tiếng kêu mà chúng ta cần phải thốt lên về ân sủng.

Trong dòng lịch sử Giáo Hội, ân sủng đã từng là đối tượng của những cuộc tranh cãi và phân rẽ bất tận, khiến cho nó nhưbị hao kiệt và chỉ còn là những mãnh vụn. Người ta nói đến hiện sủng và thường sủng, thánh sủng và túc sủng, đến ơn chức phận (grâce l�état) và "tình trạng ân sủng" (état de grâce), tình trạng của người không để tội trọng nào đè nặng lương tâm vì không xưng tội.

Ân sủng bắt đầu mất đi ý nghĩa phong phú lạ lùng của nó trong Tân Ước, ngày mà người ta, do sai lầm Pélage, nói đến ân sủng chỉ như một trợ lực cần thiết cho ý chí hèn yếu của con người. Con người cần ân sủng để thực thi lề luật và để đừng phạm tội ("Ơn trợ giúp" - grâce adjuvante). Về sau, người ta có thói quen nói về ân sủng hầu như chỉ trong văn mạch một số những cặp đối lập, như ân sủng và tự do, tự nhiên và ân sủng, ân sủng và lề luật, ân sủng và công phúc. Ánh sáng tự phân tách thành đủ mọi màu sắc, và cũng vì thế, càng phân tách càng yếu dần.

Ðấy là kết quả của một sự phát triển tự nó là đúng đắn và một cách nào đó không thể tránh được : nó hữu ích trong việc đưa ra ánh sáng những sự phong phú, những kho tàng vô tận của ân sủng Ðức Kitô, vì trí óc con người chỉ có thể hiểu được ân sủng theo từng phần khác nhau nhờ những phân biệt. Quả vậy, đối với con người, việc phân biệt, phân tích cũng là điều tự nhiên, tương tự như một lăng kính phân tích ánh sáng và làm cho nó khúc xạ thành nhiều màu khác nhau. Thế nhưng, khi nhu cầu chiêm niệm lại nảy sinh, thì người ta cảm thấy cần thiết phải vượt qua sự chia cách, phân mảnh và tìm lại toàn thể, vì chiêm niệm chỉ có thể được khi đối diện với một toàn thể. Việc giải thích có khuynh hướng phân biệt các thành phần, trong khi chiêm niệm lại có khuynh hướng bao trùm lấy đối tượng trong một cái nhìn tổng thể. Ðiều có giá trị đối với chiêm niệm thì cũng có giá trị đối với việc rao giảng Tin Mừng, theo một cách khác. Chúng ta rao giảng Tin Mừng không phải bằng cách loan báo những phân biệt tế vi về ân sủng. "Tin Mừng về ân sủng" là điều hết sức khác với việc trình bày một loạt những ý kiến và những học thuyết về ân sủng !

Dấu nói lên tính duy nhất của ân sủng chính là từ ngữ "ân sủng", nhưng cần phải hiểu theo nghĩa rộng lớn nhất, bao trùm nhất của nó, nghĩa Kinh Thánh. Cũng như dấu tuyệt vời nhất nói lên thực tại sống của Thiên Chúa đối với chúng ta là tiếng "Chúa" đơn sơ, khi nó được thốt lên trong kinh nghiệm với tất cả niềm yêu mến.

Nơi các Kitô hữu, có hai hướng chính giải thích về ân sủng, đã được hình thành và vẫn luôn tồn tại, chúng ta cần biết đến hai hướng này để vượt qua. Ðặc điểm của hướng thứ nhất là phân biệt giữa ân sủng nội tại và ân sủng ngoại tại. Các Giáo Hội truyền thống, Công Giáo và Chính Thống, quan niệm ân sủng là một tham dự thực sự vào bản tính và sự sống của Thiên Chúa. Các Giáo Hội cải cách thì ngược lại, quan niệm, ít hay nhiều cứng nhắc tùy mức độ, ân sủng là sự qui gán công chính, làm cho con người nên công chính dưới mắt Thiên Chúa chứ không phải nơi chính mình, con người vẫn ở nguyên trạng, vẫn là tội nhân (simul justus et peccator). Cách nhìn của anh em Tin Lành về ân sủng hầu như chỉ dừng lại ở nghĩa đầu tiên, nghĩa là một ân huệ nhưng không, một hành vi tối thượng và đơn phương của Thiên Chúa, trong khi người Công Giáo và Chính Thống lại quan niệm về ân sủng cả theo nghĩa thứ hai (và đôi lúc hầu như chỉ theo nghĩa này !) : ân sủng theo nghĩa vẻ đẹp và là ơn thánh hóa tạo nên tình trạng ân sủng nơi con người.

Bất đồng thứ hai phát xuất từ sự phân biệt giữa ân sủng bất thụ tạo (grâce incrée) và ân sủng thụ tạo (grâce crée), và đây là điều khiến cho người Công Giáo và Chính Thống đối lập với nhau, bên trong cách nhìn chung mà chúng ta vừa phác họa. Ðối với thần học Ðông Phương, ân sủng thực tế là chính hiện diện của Thiên Chúa trong linh hồn, nhờ Chúa Thánh Thần, Ðấng biến đổi và thần hóa con người, trong khi đối với thần học Công Giáo, nhất là sau Công Ðồng Trentô, ân sủng trước tiên là một phẩm tính thụ tạo - ơn thánh hóa, và chính ơn này mới là điều kiện cho chính Chúa Thánh Thần và cả Ba Ngôi có thể hiện diện nơi linh hồn. Tuy nhiên, khác biệt này chỉ liên quan đến cách nhấn mạnh, cách nhìn, chứ không đụng chạm tới nền tảng giáo lý chung của hai Giáo Hội về ân sủng, nhất là nếu chúng ta dựa vào những bậc thầy vĩ đại như thánh Thomas Aquinô.

Ngày nay, chúng ta cần phải tìm lại sự duy nhất nền tảng mà mọi phân biệt chỉ làm sáng tỏ một khía cạnh của ân sủng, và nó cần tới sự đóng góp của những khía cạnh khác để tránh khỏi những thiên vị, tránh khỏi những cái nhìn bất túc .

Ngày nay, chúng ta bắt đầu nhận ra rằng, sự khác biệt trong cách giải thích, do các truyền thống Kitô giáo khác, về một số mầu nhiệm như mầu nhiệm Ba Ngôi, sự hiện diện thực trong Bí Tích Thánh Thể, không phải là một mối đe dọa đối với chúng ta, mà thường khi lại bổ túc, làm cho thêm phong phú, như có sự quan phòng của Thiên Chúa, miễn là người ta biết từ bỏ thái độ muốn giải thích cái "nguyên nhân mô thức" (raison formelle) cũng như cách thức chính xác theo đó các mầu nhiệm Kitô giáo được thực hiện. Trong khoảng thời gian một vài thập niên, sự thay đổi thái độ và cuộc đối thoại giữa các Kitô hữu đã phá bỏ rất nhiều hàng rào ngăn cách về vấn đề ân sủng. Ngày mà chúng ta không còn chia rẽ nhau về vấn đề ân sủng, nhưng nhờ ân sủng mà hợp nhất với nhau bằng một mối dây bền chắc hơn, ngày ấy dường như không còn xa lắm. Nguyên lý của chính Luther "vừa là công chính vừa là tội nhân" (simul justus et peccator) �có thể dung hợp với truyền thống Công Giáo và Chính Thống, miễn là người ta hiểu chữ "simul" theo nghĩa "đồng thời" chứ không theo nghĩa "dưới cùng một khía cạnh" hay "cùng một cách". Khi hiểu như thế, nguyên lý đó sẽ hữu ích trong việc làm sáng tỏ một dữ kiện hiển nhiên trong kinh nghiệm người Kitô hữu, đó là sự tồn tại thường xuyên của cái tôi ích kỷ, tội lỗi như một nền đen trong tâm hồn, ngay cả nơi người đã được công chính hóa. Nguyên lý này không muốn nói lên điều gì khác hơn là : "con người cũ" và "con người mới" trên thực tế sống chung với nhau, ở mức độ khác nhau, nơi người đã chịu Phép Rửa. Ðó là một sự thực.

Như đã nói, ánh sáng ân sủng phát tán thành các màu khác nhau, nhưng ánh sáng vẫn đẹp ngay cả khi nó bị phát tán như thế, miễn là các màu của nó vẫn liên kết với nhau, như nơi quang phổ hay cầu vồng. Ánh sáng của ân sủng vẫn có thể rực rỡ trong toàn thể cho dù mỗi một Giáo Hội Kitô nhấn mạnh tới một khía cạnh đặc thù. Miễn là Giáo Hội đó không coi thường và bác bỏ những khía cạnh mà các Giáo Hội Kitô khác quí chuộng.

Việc chiêm ngắm Ðức Maria giúp chúng ta hôm nay tìm lại được đức tin trong tính duy nhất và tổng hợp của nó. Người là bức tranh về ân sủng còn nguyên vẹn, chưa bị chia cắt. Như chúng ta đã thấy, nơi Ðức Maria ân sủng có nghĩa là sự tràn đầy ân huệ của Thiên Chúa đồng thời là sự đầy tràn thánh thiện của bản thân ; ân sủng là chính hiện diện của Thiên Chúa cách hết sức mạnh mẽ, một hiện diện vừa thể lý vừa tâm linh, và cuối cùng ân sủng là hiệu quả của hiện diện đó, nhờ nó mà Maria là Maria, xét về hiệu quả do hiện diện của Thiên Chúa tạo ra. Không một ai khác được như Ðức Maria, dù người đó có cùng một Thần Khí thánh hóa linh hồn mình.

Vẻ đẹp của nàng công chúa.

Việc tái khám phá vị trí ưu tiên của ân sủng vượt trên tất cả giúp chúng ta tìm ra thái độ đúng đắn đối với Giáo Hội. Nhiều người ngộ nhận hoặc bác bỏ Giáo Hội, vì dưới mắt họ, Giáo Hội hầu như chỉ là một tổ chức nhân loại, với những lề luật, nghi thức và những khiếm khuyết, bất nhất của các thừa tác viên. Tuy nhiên, khi cố gắng sửa đổi lại quan niệm sai lầm như vậy, thường chúng ta không làm gì khác hơn là tạo lại chính sai lầm đó, bởi lẽ chúng ta tự đặt mình trên cùng một bình diện với các đối thủ, vốn không phải là bình diện của ân sủng, mà chỉ là và luôn luôn là bình diện của việc làm. Tôi tin chắc rằng Giáo Hội đau khổ hết sức và hiện đang mất đi rất nhiều con cái, mất đi rất nhiều mối thiện cảm vì đã không được nhìn như� Người Mẹ đầy ân sủng� và mang trách nhiệm đưa ân sủng đến cho con người, nhưng bị xem như một tổ chức nhân loại bao gồm những nghi thức, luật lệ, các thừa tác viên vốn chỉ là những con người, và để lôi ra ánh sáng các lỗi lầm, khiếm khuyết của họ thì có lẽ phải dành ra cả đời người. Khi nhìn Giáo Hội như thế, người ta có ảo tưởng là đã biết được Giáo Hội, trong khi điều họ biết thực ra chỉ là lớp vỏ bên ngoài. Sự mập mờ đó tiếp tục tồn tại đôi khi lại do chính những người con Giáo Hội. Trọng tâm các tranh luận của chúng ta trong Giáo Hội thực tế là��� gì ? Phải chăng là ân sủng Thiên Chúa ? Không phải ! Rất nhiều khi trọng tâm của các tranh luận là những điểm tựa, những sắp xếp, liên kết bên ngoài. Khi suy nghĩ, nhận định về các biến cố, mỗi người cố tìm cách làm sao để một cách nào đó, luôn luôn rút ra được mấu cớ, một điểm tựa cho mình, cho hệ thống tư tưởng của mình, bấy giờ người ta quên hẳn đi ân sủng Thiên Chúa, và Giáo Hội trở thành mục tiêu cho bao nhiêu phê phán, chỉ trích tầm thường.

Có hai cách căn bản để trình bày Giáo Hội cũng như toàn thể đời sống Kitô giáo. Cách thứ nhất là "cách hộ giáo và luận chiến" (manière apologétique et polémique), bảo vệ Giáo Hội bằng cách đối đáp lại bất cứ lời kết án nào của các địch thủ. Cách thứ hai là "cách rao giảng" (manière kerygmatique). Cách loan báo này hệ tại ở việc loan báo Tin Mừng ân sủng cách thanh thản, với niềm tin chắc chắn rằng có một sức mạnh nội tại ở nơi chúng ta, một sức mạnh vượt trên chính con người chúng ta. Chỉ có sức mạnh đó mới có thể "triệt hạ các đồn lũy, các lý luận và mọi kiểu dương dương tự cao tự đại chống lại sự biết Thiên Chúa" (x. 2Cr 10, 4tt).

Một ngôi Vương Cung thánh đường cổ có thể được chiếu sáng bằng hai cách, cũng thế, có hai cách làm sáng tỏ đời sống Kitô giáo. Chẳng hạn như đối với những kiến trúc lịch sử trong các thành phố, người ta có thể chiếu sáng từ bên ngoài bằng những đèn chiếu từ những góc độ thuận lợi nhất ; người ta cũng có thể dọi sáng từ bên trong, bằng cách mở ra các cánh cửa chính, cửa sổ để cho ánh sáng bên trong xuyên ra ngoài. Cả hai cách đều hữu ích, nhưng nếu trong cách thứ nhất, người ta chỉ làm sáng tỏ yếu tố lịch sử và nhân loại của Giáo Hội - các bức tường của tòa nhà - thì theo cách thứ hai, người ta làm sáng tỏ thực tại thần linh, thâm sâu của Giáo Hội, đó là ân sủng. Không phải chỉ soi sáng cơ chế mà còn làm rạng nên huyền nhiệm của Giáo Hội. Hộ giáo là cần thiết và có cả những vị thánh hộ giáo. Không nên gạt bỏ khía cạnh đó, nhưng cần nhớ rằng, nếu chỉ có khía cạnh đó thôi thì không đủ.

Cách chiếu sáng thứ hai, là để cho ân sủng bên trong Giáo Hội, khả năng tha thứ cũng như sức mạnh thần linh của nó tỏ lộ ra bên ngoài, và điều này được thực hiện qua những phương thế đặc biệt : loan báo, cầu nguyện, tha thứ, tình yêu, sự hiền dịu. Cách thức này đòi hỏi phải có đức tin, vì cần phải tin Ơn Chúa đang hiện diện và tác động, ngõ hầu chúng ta biết dựa vào ân sủng chứ không cậy dựa vào chứng minh của riêng mình. Khi làm như thế, người ta thường có thể thấy được các hiệu quả của nó. Lời Chúa như lưỡi gươm xuyên thấu tâm hồn con người, khiến người đó phải quỳ gối thần phục, trong khi nói suốt cả ngày để chứng minh, thuyết phục về một chân lý nào đó nhiều khi chẳng đem lại kết quả nào.

Sự khác biệt giữa hai cách nhìn Giáo Hội cũng y như sự khác biệt giữa hai cách nhìn tấm kính ghép màu của một ngôi thánh đường thời Trung Cổ, nhìn từ bên ngoài, từ đường lộ, và nhìn từ bên trong, đối diện với ánh sáng. Trong trường hợp thứ nhất, người ta nhìn thấy những miếng kính sẫm đen ghép lại với nhau nhờ các khung bằng chì, cũng đen sậm như thế. Trong trường hợp thứ hai, cũng chính tấm kính ghép màu đó khi được nhìn từ bên trong, thì là cả một bức lung linh những màu sắc, hình thể và những nét hài hòa, khiến ta phải thốt lên ngạc nhiên thán phục : Ồ ! Tôi đã từng một lần kinh nghiệm điều đó khi viếng nhà thờ Chartes.

Ngay từ ban đầu, các Giáo Hội đã áp dụng cho Ðức Maria và Giáo Hội câu Thánh Vịnh "Tất cả vẻ đẹp của nàng công chúa đều toát ra từ bên trong" (ab intus) (Tv 45, 14) theo bản văn mà các ngài biết đến lúc bấy giờ. Giáo Hội được đầy ân sủng và là thừa tác viện của ân sủng, thế nên vẻ đẹp và sức mạnh của Giáo Hội cũng vậy, đều phát xuất từ bên trong, từ ân sủng đầy tràn nơi mình. Ân sủng Giáo Hội như hạt ngọc trong con ngọc trai. Tuy nhiên có một sự khác biệt : ở đây không phải con trai tạo nên ngọc trai nhưng là viên ngọc tạo nên ngọc trai. Không phải Giáo Hội sinh ra ân sủng mà là ân sủng sinh ra Giáo Hội.

Vào đầu thế kỷ, người ta tìm thấy bia ký của một Kitô hữu sống vào thế kỷ II, tên là Aberens. Bia ký này được xem là "nữ hoàng các bia ký Kitô giáo", trên đó Aberens ghi khắc lại những kinh nghiệm đẹp nhất trong cuộc đời mình bằng những ẩn ngữ, vì đang là thời bách hại. Trong một chuyến đi, trong số rất nhiều chuyến du hành của ông, ông được Yêsu, Vị "Mục Tử vĩ đại" đưa tới Roma. Vậy ông đã nhìn thấy gì tại Roma khiến nơi tâm hồn ông, cho đến lúc qua đời, vẫn đọng mãi nỗi cảm�� xúc ? Ông đã nhìn thấy "hoàng cung và hoàng hậu phục sức bằng vàng". Ông đã thấy "một dân tộc mang ấn rực rỡ" là Phép Rửa. Ông đã nhìn ngắm mầu nhiệm Giáo Hội, nét duyên kín đáo của Giáo Hội một cách mặc nhiên, ông cũng đã áp dụng cho Giáo Hội Thánh Vịnh 45, là Thánh Vịnh nói về hoàng hậu vận xiêm y "dệt gấm thêu vàng" cùng với các trinh nữ hầu cận tiến vào "tận hoàng cung", và vẻ đẹp của nàng toát ra từ bên trong. Chắc chắn trong Giáo Hội Roma lúc bấy giờ cũng có những điều tệ hại, khiếm khuyết của con người, nhưng Aberens đã không dừng lại ở đó.

Ân sủng là khởi đầu của vinh quang.

Ðức Maria dẫn đưa chúng ta đến việc tái khám phá ân sủng, và điều này không những làm thay đổi cách nhìn của chúng ta về Giáo Hội nói chung, mà còn thay đổi cả cách nhìn về đời sống của chúng ta. Nó bao hàm một lời kêu gọi hoán cải hết sức khẩn thiết và trực tiếp với mọi người. Ðối với rất nhiều người, vấn đề tôn giáo chỉ còn là vấn đề biết có hay không có đời sau, có hay không có điều gì đó đằng sau cái chết. Ðiểm duy nhất khiến họ cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ với Giáo Hội, với đức tin, đó là mối nghi ngờ : "Nếu quả thực có điều gì đó sau cái chết ?" Từ đó họ nghĩ rằng, mục đích chính yếu của Giáo Hội là dẫn đưa người ta về trời để gặp Thiên Chúa, nhưng chỉ sau khi chết mà thôi. Ðối với niềm tin kiểu như thế thì lời phê phán của những người xem chuyện đời sau chỉ là một thứ chạy trốn, một sự phóng chiếu ảo tưởng những khát vọng không được thoả mãn của con người chúng ta, sẽ đắc thắng dễ dàng. Nhưng, những lời phê phán như vậy khó có thể chống lại lời rao giảng đích thực, trình bày ân sủng không phải như một sự chờ đợi hạnh phúc mai sau nhưng như một hiện diện và một kinh nghiệm về Thiên Chúa. Giáo lý về ân sủng vì thế vẫn là điều duy nhất có thể làm thay đổi tình trạng đáng buồn này.

Chúng ta đã biết đến một nguyên lý thần học : "Ân sủng là khởi đầu của vinh quang 10". Theo nghĩa nào ? Ân sủng làm cho đời sống vĩnh cửu, một cách nào đó, khởi sự ngay trong hiện tại ; ân sủng cho chúng ta nhìn thấy và cảm nếm Thiên Chúa ngay từ cuộc đời này. Tất nhiên "chúng ta đã được cứu thoát nhưng là cũng còn trong hy vọng" (Rm 8, 24), nhưng "trong hy vọng" trước tiên không có nghĩa là "trong chờ đợi", "trong dự kiến", mà còn là và nhất là, như những khai ân, những hoa quả đầu tiên (prémices). Hy vọng Kitô giáo không phải là cái nhìn của linh hồn về điều gì đó rất có thể xảy ra hoặc linh hồn khát mong điều đó xảy đến ; mà là một hình thức chiếm hữu, tuy còn tạm thời và bất toàn. "Người có được bảo chứng của Thần Khí và niềm hy vọng phục sinh thì xem mình đã chiếm hữu được điều mình trông đợi 11".

Ân sủng, đó là hiện diện của Thiên Chúa. Hai kiểu nói "đầy ân sủng" và "Chúa ở cùng Người" diễn tả hầu như một thực tại. Sự hiện diện của Thiên Chúa nơi con người từ nay được biểu lộ trong Ðức Kitô và nhờ Ðức Kitô : Quả thực chính Ngài là Ðấng Emmanuel, Vị Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Ân sủng của Tân Ước có thể định nghĩa như thánh Phaolô : "Ðức Kitô ở giữa anh em, mối hy vọng vinh quang" (Co 1, 27). Khi hiểu ân sủng như thế thì đời sống Kitô hữu có thể tìm thấy một hình ảnh tương tự, một biểu tượng nơi thời gian đính ước của người Dothái, nơi tình trạng của Ðức Maria vào lúc truyền tin. Maria lúc bấy giờ đã chính thức là hôn thê của Yuse, và không ai có thể hủy bỏ hôn ước hay chia lìa Maria khỏi hôn phu của mình. Tuy nhiên Maria vẫn chưa về chung sống. Mối quan hệ giữa thời ân sủng và thời vinh quang, giữa thời của đức tin và thời hưởng kiến cũng như thế : chúng ta đã thuộc về Thiên Chúa, thuộc về Ðức Kitô rồi, dù rằng chúng ta vẫn chưa về ở bên Ngài.

Ân sủng là khởi đầu của đời sống vĩnh cửu, đó là niềm thâm tín của cả truyền thống, cần phải làm sống lại niềm thâm tín đó trong dân Kitô giáo, để họ không chỉ bằng lòng sống trong niềm hy vọng hoặc trong mối nghi ngờ, về một thế giới mai sau. Như lời của thánh Basile : "Chúng ta đã có những hoa quả đầu tiên của đời sống đó (đời sống mai hậu trong Ðức Kitô) - Chúng ta đã ở trong đời sống đó, bởi lẽ chúng ta đang sống hoàn toàn bởi ân sủng mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta 12".��������� N. Cabasilas viết : "Ngay từ bây giờ, các thánh được ân ban không những chuẩn bị cho đời sống vĩnh cửu mà còn được sống và hoạt động trong đời sống đó". Cũng chính tác giả này đã sánh ví đời sống ân sủng với đời sống của một chiếc phôi đang thai nghén trong dạ mẹ. "Thế giới này thai nghén con người nội tâm, con người mới, được tạo dựng theo Thánh Ý Thiên Chúa, cho đến mức một khi đã được nắn đúc, hình thành và nên thành toàn nơi trần gian này, con người đó sẽ được sinh ra trong thế giới hoàn hảo, không bao giờ già cỗi. Như chiếc phôi, tuy còn ở trong nơi lỏng bỏng, tối tăm, nhưng đã được thân nhân chuẩn bị cho đời sống tương lai, đời sống ánh sáng . Ðời sống các thánh là như thế". Trong tương quan với đời sống vĩnh cửu, người Kitô hữu còn hơn là một bào thai. Trong dạ mẹ, bào thai không nhận được một tia sáng nào từ thế giới bên ngoài, còn đối với chúng ta, đời sống tương lai đã như tỏa ra và hòa quyện vào đời sống hiện tại. Ðối với chúng ta, mặt trời công chính là Ðức Kitô đã mọc lên, dầu Thần Linh là Chúa Thánh Thần� đã được đổ xuống trên tâm hồn chúng ta, hương thơm của nó đã tỏa ngát, và Thánh Thể, bánh của các thiên thần đã được ban để nuôi dưỡng con người. Ðó là những gì mà nguyên lý ân sủng, khởi đầu của vinh quang nói lên.

Elisebeth de la Trinité (Ba Ngôi), một tiếng nói gần với chúng ta hơn, đã làm vọng lại tiếng nói của Ðông phương khi chị viết : "Tôi đã tìm thấy trời cao trên trần thế này, vì trời cao đó là Thiên Chúa, và Thiên Chúa đang ngự trong linh hồn tôi. Ngày mà tôi hiểu được điều đó, tất cả đều sáng lên đối với tôi và tôi mong muốn nói ra bí ẩn này cho những người tôi yêu mến 14". Như chúng ta thấy, đây là một xác tín phổ quát, chung cho cả Giáo Hội Chính Thống lẫn Giáo Hội Công Giáo. Nhờ sức mạnh của ân sủng, "thế giới bên kia" đối với chúng ta là một "thế giới bên trong".

Người vô tín nghĩ rằng tất cả những điều đó chỉ là ảo tưởng chứ không là thực tại. Ðối với họ, thực tại là những gì người ta có thể chứng nghiệm được. Họ không ngờ rằng Thiên Chúa lại có thể là thực, còn thực hơn muôn ngàn lần tất cả những thực tại mà chúng ta nhìn thấy được. Bạn hãy thử cầu nguyện, thử có lòng tin, thử đón nhận những đau khổ của bạn, thử sống trong sự hiệp thông với các anh em khác và có lấy một kinh nghiệm đức tin sống động. Sau đó, bạn nói cho tôi xem liệu đối với bạn, tất cả những điều đó có còn là một ảo tưởng nữa không, hay ngược lại, đấy là những gì còn thực hơn những điều mà bạn gọi là thực tại.

Ðừng để ơn lãnh nhận từ Thiên Chúa ra vô ích.

Việc tái khám phá ân sủng còn khơi lên lời kêu gọi hoán cải, đặt cho chúng ta câu hỏi : tôi đã làm gì với Ơn Chúa, tôi đang dùng Ơn Chúa để làm gì ? Ðiều này khiến tôi nhớ lại câu hỏi mà một thiếu nữ Dothái bị mù, trong một vở kịch của Paul Claudel, vừa có ánh sáng đức tin : "Các bạn là những người sáng mắt, thế các bạn đang dùng ánh sáng để làm gì ? 15"

Thánh Phaolô kêu mời các tín hữu : "Bởi được cộng tác với Người, chúng tôi khuyên nhủ anh em : đừng để ơn nhận lãnh từ Thiên Chúa ra vô hiệu" (2C 6, 7). Bởi chưng, người ta có thể để Ơn Chúa "không sinh hiệu quả nào", để Ơn Chúa ra hư luống, đáng sợ thay, vì ân sủng kéo theo trách nhiệm. Ðiều này xảy ra khi chúng ta sống không tương ứng với ân sủng lãnh nhận ; khi chúng ta không vun xới ân sủng để nó sinh hoa quả các hoa quả của Thần Khí, các nhân đức. Thánh Phaolô nói, khi bạn khinh thường kho tàng phong phú là lòng nhân từ, kiên nhẫn và quảng đại của Thiên Chúa và không nhận biết rằng : lòng nhân từ của Thiên Chúa thúc giục bạn hối cải, thì bạn tích chứa cho mình kho thịnh nộ trong ngày phán xét (x. Rm 2, 4 - 5).

Thời thánh Tông Ðồ cũng đã có một số người tưởng có thể vừa sống trong ân sủng vừa sống trong tội. Thánh Phaolô trả lời cho họ : "Vậy ta sẽ nói sao ? Ta hãy ở lại trong tội để được ơn gia tăng ư ? Ðừng nói gở !" Ngài còn nói : "Vậy thì sao ? Ta phạm tội đi ! Bởi ta không ở dưới luật, song là dưới ân sủng ? Ðừng nói gở !" (Rm 6, 1 - 2. 15). Không thể như thế được, vì như thế là đáp lại Ơn Chúa bằng sự vô ơn, là muốn sự sống và sụ chết cùng đội trời chung, một điều quái gở.

Mức độ trầm trọng nhất của việc để Ơn Chúa ra vô hiệu, đó là để mất Ơn Chúa do sống trong tội, trong tình trạng thất sủng với Thiên Chúa. Ðây là hiệu báo khủng khiếp về cái chết đời đời. Nếu quả ân sủng Thiên Chúa là khởi đầu của vinh quang, thì sự thất sủng, mất ân nghĩa với Thiên Chúa đã là sống như kẻ bị sa phạt, đã là lãnh lấy án phạt đời đời, cho dù ta chưa nhìn thấy và cảm nghiệm được rằng một thiệt hại như thế sẽ không thể nào đền bù được. Ðừng sống trong tình trạng mất ân nghĩa với Thiên Chúa� dù chỉ một đêm thôi. Ðó là điều quá nguy hiểm. Kinh Thánh nói : "Ðừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn" (2P 4, 26), nhưng điều còn hệ trọng hơn nữa, đó là đừng để mặt trời lặn mà cơn giận của Thiên Chúa vẫn chưa nguôi. Thánh Yoan Bosco đã làm cho một cậu bé ăn năn hối lỗi bằng cách nhét dưới gối của cậu một tấm giấy với dòng chữ : "Nếu đêm nay em chết ?"

Sống trong tội lỗi, không có ân sủng Thiên Chúa, đó là chết cái chết thứ hai và, than ôi ! Có biết bao nhiêu xác chết vẫn đi lại trên các nẻo đường, các công trường của chúng ta. Ðôi khi, thậm chí họ như là hình ảnh của sức sống, của tuổi thanh xuân, trong khi ngược lại họ là những kẻ đã chết. Một người vô thần nổi danh, ngày kia khi được hỏi, tân thâm tâm ông cảm thấy điều gì, có cảm giác như thế nào lúc cuối đời, ông đáp : "Suốt cuộc đời, tôi sống với một cảm giác lạ lùng của kẻ đi xe không vé". Tôi không rõ điều ông ta muốn nói đích xác là thế nào, nhưng chắc chắn rằng câu trả lời của ông ta là đúng. Sống không có Thiên Chúa, do từ khước ân sủng của Ngài, đó là ra đi trong cuộc đời mà không có vé, giây phút nào cũng có nguy cơ bị bắt, bị buộc phải xuống khỏi xe. Những lời của Ðức Kitô về kẻ bị phát hiện không mặc y phục lễ cưới trong phòng tiệc, đã phải câm miệng và bị tống ra ngoài� (x. Mt 22, 11tt) có cùng một ý nghĩa.

Chính vì thế, chúng ta cần phải làm nảy nở trong tâm hồn mình ý thức kinh sợ đúng mức, trước trách nhiệm của chúng ta đối với Ơn Chúa. Không phải chỉ gìn giữ mà còn vun trồng, làm cho ân sủng lớn lên, vì chúng ta có thể "tấn tới về ân sủng" như lời Kinh Thánh nói về Ðức Giêsu. Sau khi nói : "Và ơn Người xuống cho tôi không ra hư luống" (1C 15, 10). Ngài đã làm cho ân sủng sinh hoa kết trái. Ngài không những là người rao giảng vĩ đại về ân sủng mà còn là nhà vun trồng ân sủng vĩ đại. Ngài chỉ cho tất cả các nhà giảng thuyết Kitô giáo thấy rằng lời loan báo đầu tiên của Kitô giáo phải là lời loan báo về ân sủng, nhưng để có thể loan báo ân sủng, cần phải có kinh nghiệm về ân sủng, cần phải sống trong ân sủng. Một nhà giảng thuyết mà lại sống trong tội lỗi, giả sử như thế, thì sẽ là kẻ "vô nghĩa". Một Linh Mục muốn phân phát ân sủng cho người khác trong khi chính mình lại lãnh nhận Ơn Chúa cách hư luống thì sẽ là một thảm kịch cho Giáo Hội. Ðã đành là các Bí Tích tác động bằng chính sức mạnh riêng của nó, dù thừa tác viên bất xứng, nhưng kinh nghiệm cho thấy hiệu quả của các Bí Tích thường là rất hạn chế : thụ nhân không hoán cải, không thay đổi đời sống. Kẻ sống trong tội lỗi thì không thể giúp người khác thoát khỏi tội lỗi.

Thánh Maria ân sủng.

Lời loan báo ân sủng còn mang lại sự can trường và niềm an ủi. Chúng ta sẽ suy nghĩ về những điểm này để kết luận phần suy tư của chúng ta. Maria được thiên thần mời gọi hãy vui lên vì ân sủng và đừng sợ cũng vì chính ân sủng đó. Chúng ta cũng được mời gọi sống như thế. Nếu Ðức Maria là hình bóng của Giáo Hội thì lời mời gọi "vui lên, hỡi đầy ơn phúc" là lời nói với mỗi tâm hồn. Và cả lời này nữa : "Ðừng sợ, vì người đã đắc sủng !"

Ân sủng là lý do chính yếu niềm vui của chúng ta. Trong tiếng Hylạp, thứ tiếng đã được dùng để biên soạn Tân Ước, hai từ "ân sủng" (charis) và niềm vui (charà) hầu như lẫn lộn với nhau : ân sủng là điều đem lại niềm vui. Vui mừng vì ân sủng là muốn nói rằng : "Ðặt niềm vui của mình ở nơi Chúa" (x. Tv 37, 4) chứ không đặt ở nơi ai khác ngoài Ngài hay không có ngài : không yêu quí điều gì hơn là lòng nhân từ và trung thành của Thiên Chúa.

Ân sủng cũng là lý do khiến chúng ta can đảm. Trước lời than vãn của Thánh Phaolô vì một cái dằm đâm vào thân xác, Chúa trả lời : "Ơn Ta đủ cho ngươi" (2C 12, 9). Ân sủng hay ân nghĩa của Thiên Chúa quả thực không như ân nghĩa của con người, vì rất nhiều khi ân nghĩa con người mất đi chính lúc người ta cần đến. Thiên Chúa vừa "ân nghĩa vừa tín thành" (x. Xh 34, 6). Sự tín thành của ngài "được thiết lập trên trời" (Tv 89, 3). Mọi người có thể từ bỏ chúng ta, ngay cả cha mẹ - lời một Thánh Vịnh - nhưng Thiên Chúa thì luôn luôn tiếp đón chúng ta (x. Tv 27, 10). Chính vì vậy mà chúng ta có thể nói : "Phúc ân cũng nghĩa tín theo dõi tôi, suốt mọi ngày đời tôi" (Tv 23, 6).

Tiếp xúc với Ơn Chúa trong chúng ta, đó là điều chúng ta cần phải hết sức quan tâm mỗi ngày. Vấn đề không phải là tiếp xúc với một cái gì đó hay là một ý tưởng, nhưng là với một ai đó, bởi lẽ ân sủng, như chúng ta đã thấy, không gì khác hơn là "Ðức Kitô trong chúng ta, niềm hy vọng vinh quang". Nhờ ân sủng mà ngay từ đời này, chúng ta có thể có "một sự tiếp xúc thiêng liêng nào đó" với Thiên Chúa, một sự tiếp xúc thực hơn nhiều so với sự tiếp cận mà chúng ta có thể thực hiện qua suy luận thuần lý về Thiên Chúa. Mỗi người có giờ phút riêng, có cách thức riêng mà mình yêu thích để sống tiếp xúc với Ơn Chúa, như một con đường sâu kín chỉ riêng mình biết : đó có thể là một tư tưởng, một kỷ niệm, một hình ảnh trong tâm hồn, một lời Chúa, một mẫu gương nhận được . Và mỗi lần là như về lại với nguồn suối, với trọng tâm và cảm thấy ân sủng lại bùng lên ngọn lửa. Chính trong ý nghĩa này mà Thánh Phaolô đã mời gọi môn đệ của ngài là Timôthê "khêu lên lại ân sủng Thiên Chúa" nơi mình (x. 2Tm 1, 6).

Trong phần dẫn nhập dành cho hành trình hướng về sự thánh thiện, chúng tôi đã có nói muốn nhìn ngắm "những bước" khác nhau mà chúng ta nhận thấy trong cuộc đời Ðức Trinh Nữ Maria, để sau đó thực hiện và noi theo những bước đi đó trong cuộc đời chúng ta, vì chúng ta muốn đi vào "những thực hành thiêng liêng" chứ không đơn thuần là những bài nói chuyện thiêng liêng. Vậy ở cuối bước thứ nhất này, tức là cuối chương về đời sống Ðức Maria, đời sống ân sủng, chúng ta còn phải thực hành điều gì ? Cần "thực hành" lòng tin, lòng biết ơn và niềm thán phục. Chúng ta cần phải tin vào ân sủng, tin rằng Chúa yêu thương chúng ta, rằng Ngài thực sự sẵn lòng với chúng ta, rằng nhờ bởi ân sủng mà chúng ta được cứu, rằng Chúa "ở cùng chúng ta" như đã ở cùng Ðức Maria. Chúng ta cần đón nhận Lời Chúa phán qua vị tiên tri của Ngài như là những lời nói với mỗi người chúng ta : "Còn ngươi, Israel hỡi, tôi tớ của Ta, Yacóp, kẻ Ta đã chọn . Ðừng sợ vì có Ta ở với ngươi, chớ hãi, vì Ta là Thiên Chúa của ngươi" (Ys 41, 8 - 10). Ðừng sợ, vì ngươi đã đắc sủng !

Chúng ta đã hiểu đâu là bổn phận trước tiên và thậm chí là điều cần thiết đầu tiên nảy sinh nơi người đã lãnh lấy ân sủng : bổn phận tạ ơn, điều mà trong Kinh Thánh được diễn tả bằng lời chúc tụng, tôn dương Ðấng ban ơn, bộc lộ niềm cảm mến nồng nàn đối với Ngài. Hãy hát lên bằng lời Thánh Vịnh : "Quý thay ơn huệ của Người, lạy Thiên Chúa" (Tv 36, 8). "Ơn Người quý hơn mạng sống" (Tv 63, 4). Chúng ta sẽ thực sự thực hiện được một khám phá lớn lao, thậm chí là một khám phá về cuộc sống chúng ta, một "thực hành" có giá trị, nếu qua phần suy niệm này, ít nhất chúng ta thấy được thế nào là ân sủng của Thiên Chúa.

Có nhiều, rất nhiều đền thờ, nhà thờ người ta dành tôn kính Ðức Maria dưới tước hiệu "Thánh Maria ban ơn" (Sainte Marie des grâces). Ðây là một trong những tước hiệu được dân Kitô giáo yêu mến nhất, trong một số dịp, họ lần lượt kéo đến trước một bức tranh hay một bức tượng Trinh Nữ "các ơn". Tại sao trước khi cầu xin Ðức Trinh Nữ Maria, rồi đốt nến, khấn hứa, hay làm tuần cửu nhật để được các ơn đó, thường chỉ là những ơn vật chất, cho đời sống trần thế này, đó là những điều mà Thiên Chúa ban cho con người biết tìm Nước Thiên Chúa trước đã, còn Nước Thiên Chúa mới là ân sủng. Chúng ta sẽ khiến Ðức Maria trên trời vui mừng biết mấy, và việc tôn kính Ðức Maria tiến bộ biết bao nhiêu nếu chúng ta, dù không coi thường tước hiệu "Thánh Maria ban ơn", biết tôn kính và cầu khấn Người dưới tước hiệu mà chính Lời Chúa đã mạc khải cho chúng ta : "Thánh Maria ân sủng" (Sainte Marie de la grâce).

CHÚ THÍCH

1. Saint Augustin, La prédestination des saints 15, 30 (Pl 44, 981) ; Sermons 185, 3 (Pl 38, 999).
2. Ch. Péguy, Le porche du mystère de la deuxième vertu, dans (Euvres poétiques complètes, Paris, Gallimard, 1975, p. 573).
3. Ch. Péguy, Le mystère des Saints Innocents, dans (Euvres poétiques, op. Cit, p. 804.
4. Denzinger Schonmetzer, Enchiridion Symbolorum, Herder, 1967. N. 2803.
5. Dante Alighireri, Paradis, XXXIII, 1.
6. Saint Irénée, Contre les hérésies IV, 34, 1 (Sch 100, p. 846).
7. P. Pascal, Pensées, n. 793. Brunschvicg.
8. Cf. Anonyme, Le nuage de l�inconnaissance, Paris, Seuil, 1977, p. 40.
9. St Jérôme, Lettre 107, 7(Pl 22, 874) ; St Augustin, Sur les Psaumes 44, 29 (CC 38, p. 515).
10. St Thomas d�Aquin, Somme théologique II - IIae, p. 24, a. 2.
11. St Cyrille d� Alexandrie, Commentaire sur la deuxième lettre aux Corinthiens 5, 5 (PG 74, 942).
12. St Basile le Grand, Homélirs 20, 3 (PG 31. 531).
13. N. Cabasilas, La vie dans le Christ I, 1 - 2 (PG 150, 496).
14. Bse Élisabeth de la Trinité, Lettre 107.
15. P. Claudel, Le Père humilié, acte I, SC. 3, dans Théâtre, II, Paris, Gallimard, 1956, p. 506.
16. St Augustin, Sermon 52, 6, 16 (PL 38, 360).
2. "PHÚC CHO NGƯỜI LÀ KẺ ÐÃ TIN".

MARIA ÐẦY LÒNG TIN.

Ðọc bức thư sống động là Ðức Maria sẽ giúp chúng ta khám phá ra "văn phong" của Thiên Chúa. Ðức Maria là ví dụ sống động về cách thức hành động của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ. Tertullien viết : "Không gì làm trí óc con người phải kinh ngạc sững sờ bằng sự đơn giản trong các công trình Thiên Chúa thực hiện trước mắt chúng ta, sánh với sự kỳ vĩ của những hiệu quả phát sinh từ đó . Ðơn giản và mạnh mẽ, đó là những đặc tính của Thiên Chúa, tầm thường thay sự cứng lòng tin của con người khi phủ nhận những đặc tính đó nơi Thiên Chúa ! 1". Câu nói ám chỉ đến những hiệu quả lớn lao của Phép Rửa cũng như sự đơn giản của các phương tiện,các dấu chỉ bên ngoài, của ngẫu tượng, trong đó, nếu muốn đạt được kết quả tốt hơn, gây ấn tượng sâu xa hơn, thì người ta lại càng phải phô diễn, bố trí, tiêu phí nhiều hơn".

Những gì liên quan đến Ðức Maria và việc Ðấng Cứu Thế đến trong thế gian cũng mang tính chất như thế. Ðức Maria là ví dụ cho cách hành động không cân đối của Thiên Chúa, không cân đối giữa điều nhìn thấy được từ bên ngoài và điều được thực hiện bên trong. Nhìn từ bên ngoài thì Maria là gì, nơi thôn làng của mình ? Chẳng có gì đáng chú ý cả. Ðối với bà con họ hàng, với người đồng hương, Người có lẽ chỉ đơn giản là "Myriam", một thiếu nữ khiêm tốn, hẳn là dễ thương, nhưng không có gì đặc biệt và khác thường cả. Cần phải nhớ lấy sự thực đó luôn trong tâm trí để tránh làm tan biến khuôn mặt của Ðức Maria như các tranh ảnh thánh hay lòng đạo đức bình dân thường làm, phóng chiếu khuôn mặt của Người lên một thế giới nhẹ tênh, bay bổng, thoát thể, trong khi Người là Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể ! Về Ðức Maria, cần phải luôn nhớ đến hai đặc tính trong văn phong của Thiên Chúa : đơn giản và kỳ vĩ. Nơi Ðức Maria, sự kỳ vĩ của ân sủng và của ơn gọi đi đôi với sự đơn giản đến mức tuyệt đối.

Trong tinh thần đó, chúng ta sẽ bắt đầu đọc "chương" thứ hai trong bức thư sống động của chúng ta, chương về lòng tin.

"Này tôi là tôi tá Chúa ."

Khi đến nhà Elisabeth, Maria đã được đón tiếp trong niềm vui mừng hoan hỷ, và Elisabeth, được đầy Thánh Thần đã kêu lên : "Phúc cho người là kẻ đã tin rằng Lời Chúa phán cùng Người sẽ được thực hiện" (Lc 1, 45). Luca, tác giả Phúc Âm, đã lợi dụng đoạn nói về việc thăm viếng để cho chúng ta biết về những gì xảy ra trong âm thầm lặng lẽ tại Nazareth, những điều mà chỉ qua cuộc đối thoại với người chị họ mới tỏ lộ ra, và mang một tính chất khách quan và công khai.

"Ðiều cao cả" xảy ra tại Nazareth, sau lời chào của thiên thần, đó là việc Maria "đã tin", và như thế, Người đã trở thành "Mẹ Chúa". Chắc chắn rằng tiếng "đã tin" liên hệ đến lời đáp của Ðức Maria : "Này tôi là tôi tá Chúa, xin hãy thành sự cho tôi theo Lời Ngài" (Lc 1, 38). Hành vi tin lớn lao nhất, quyết định nhất torng lịch sử nhân loại đã được bày tỏ bằng những lời ngắn gọn và đơn sơ đó. Lời đáp của Ðức Maria "là tột đỉnh của mọi thái độ tôn giáo trước Thiên Chúa, vì nó diễn tả cách cao vời nhất thái độ sẵn sàng thụ nhận với sự mau mắn chủ động, diễn tả một sự trống không sâu thẳm nhất với sự sung mãn lớn lao nhất 2". Origène viết : "Với lời đáp đó, Maria như muốn thưa lên với Thiên Chúa : �Này con đây, con là bản viết, xin văn nhân cứ viết điều Người muốn, xin Chúa của vạn sự dùng con theo như tôn ý của Người 3". Ông sánh ví Ðức Maria như bản sáp ong mà thời đó người ta dùng để viết. Ngày nay, hẳn chúng ta sẽ nói, Maria dâng hiến mình cho Thiên Chúa như một trang giấy trắng, trên đó Thiên Chúa có thể viết tất cả những gì Ngài muốn.

Maria cũng đặt cho thiên thần một câu hỏi : "Việc ấy sẽ xảy ra thế nào vì tôi không biết đến người nam" (Lc 1, 34), nhưng người hỏi như thế hoàn toàn khác với Zacharia. Maria không đòi hỏi một lời giải thích để hiểu, nhưng là để biết phải thi hành ý Thiên Chúa như thế nào. Nghĩ mình không biết đến người nam, Maria hỏi để biết phải hành xử thế nào, phải làm gì.

Qua điều này, Ðức Maria chỉ cho chúng ta biết, trong một số trường hợp, chúng ta không thể đòi hỏi hiểu cho bằng được ý của Thiên Chúa hay nguyên nhân của các hoàn cảnh xem ra phi lý, nhưng trái lại, ta có thể xin Chúa soi sáng trợ giúp để có thể thực hiện Thánh Ý Ngài.
Lời Fiat của Ðức Maria vì thế vẫn là lời xin vâng trọn vẹn và vô điều kiện. Chúng ta có thể liên hệ lời Fiat �của Ðức Maria với tiếng Fiat vang lên vào những thời điểm mấu chốt khác trong lịch sử cứu độ : Tiếng Fiat của Thiên Chúa, lúc Khởi Nguyên, tiếng Fiat của Ðức Giêsu trong công trình cứu thế. Cả ba tiếng Fiat đó biểu lộ hành vị của ý chí, một quyết định. Tiếng thứ nhất, nghĩa là tiếng Fiat lux ! (Hãy có ánh sáng), đó là tiếng "Fiat" thần linh của một vì Thiên Chúa : thần linh trong bản tính của mình, thần linh trong ngôi vị thốt ra lời đó. Tiếng thứ hai, lời Fiat của Ðức Giêsu trong Vườn Dầu, là hành vi nhân linh của một vì Thiên Chúa : nhân linh, vì lời đó được nói lên theo ý chí nhân loại của Ngài ; thần linh bởi ý chí đó thuộc về ngôi vị của Ngôi Lời. Tiếng Fiat �của Ðức Maria là tiếng "vâng" nhân linh của một con người, một thụ sinh. Tất cả giá trị của tiếng Fiat này là do bởi ân sủng. Trước khi có tiếng "xin vâng" quyết định của Ðức Kitô, tất cả những gì hàm chứa sự ưng thuận của con người với công trình cứu chuộc đều được biểu lộ qua tiếng Fiat của Ðức Maria. "Trong một khoảnh khắc, một khoảnh khắc sẽ không bao giờ tàn phai, và sẽ có giá trị mãi mãi, lời của Ðức Maria đã là lời của nhân loại, và tiếng "xin vâng" của Người, là lời Amen của tất cả tạo thành trước tiếng "Fiat" của Thiên Chúa" (K. Rahner). Trong Ðức Maria, Thiên Chúa như thể kêu gọi đến sự tự do thụ tạo một lần nữa, mở ra con đường cho con người có thể đón nhận ơn cứu chuộc. Ðó là ý nghĩa sâu xa của cặp song đối Evà - Maria mà các Giáo Phụ cũng như tất cả truyền thống rất ưa chuộng. "Evà, khi còn là trinh nữ, đã đón nhận lời con rắn và đã hạ sinh sự bất tuân và sự chết. Ngược lại, Ðức Maria, Trinh Nữ, khi đón nhận trong lòng tin và niềm vui, tin mừng mà thiên thần Gabriel mang đến, đã thưa : Xin hãy thành sự cho tôi theo lời Ngài 4". Những gì mà trinh nữ Evà quả thực đã buộc lại do sự cứng tin, thì Trinh Nữ Maria đã tháo gỡ nhờ bởi lòng tin của Người 5".

Lời của Elisabeth : "Phúc cho Người là kẻ đã tin" cho chúng ta thấy ngay từ trong Tin Mừng, chức vụ là Mẹ Thiên Chúa (maternité divine) của Ðức Maria không chỉ được hiểu như là một mẫu tính thể lý mà còn hơn thế, được hiểu như một mẫu tính thiêng liêng (maternité spirituelle), dựa trên lòng tin. Ðây cũng chính là tư tưởng của thánh Augustino khi ngài viết : "Ðức Trinh Nữ Maria sinh hạ trong lòng tin Ðấng mà Mẹ đã cưu mang trong lòng tin . Sau khi nghe lời thiên thần nói, Ðức Maria, vì là kẻ đầy lòng tin và cưu mang Ðức Kitô trong tâm hồn trước khi cưu mang trong lòng dạ, đã đáp lại : "Này tôi là tôi tá Chúa, xin hãy thành sự cho tôi theo lời Ngài 6". Sự tràn đầy lòng tin nơi Ðức Maria tương ứng với ân sủng� đầy tràn do bởi Thiên Chúa, fide plena tương ứng với gratia plena.

Một mình với Thiên Chúa.

Thoạt nhìn, lòng tin của Ðức Maria có vẻ là một hành vi dễ dàng, đương nhiên. Ðược trở nên Mẹ của một vị vua sẽ trị vì mãi mãi trên nhà Yacob, trở nên Mẹ của Ðấng Thiên Sai ! Ðấy không phải là ước mơ của mọi thiếu nữ Dothái sao ? Thế nhưng, đó là lối song luận quá ư phàm nhân, xác thịt. Ðức tin đích thực không bao giờ là một ưu quyền hay một vinh dự, mà luôn luôn dưới một hình thái nào đó, là sự chết đi. Thiên Chúa không khi nào lừa dối, Ngài không bao giờ hành động một cách mánh lới, khiến thụ tạo ưng thuận bằng cách che giấu đi những hậu quả, những khó khăn sẽ xảy đến. Các lời kêu gọi quan trọng của Thiên Chúa cho thấy rõ điều đó. Với Yêrêmia, Ngài tuyên bố : "Chúng sẽ tuyên chiến với ngươi" (Yr 1, 19) ; về Saolô, Chúa báo trước với Hananya : "Chính Ta sẽ tỏ cho nó biết tất cả những gì nóphải chịu vì Danh Ta" (Cv 9, 16). Chẳng lẽ chỉ với Maria, trước một sứ vụ như sứ vụ của Người, Thiên Chúa hành động cách khác sao ?

Trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần, Ðấng đi kèm lời kêu gọi của Thiên Chúa, Ðức Maria chắc chắn thoáng nhận ra rằng con đường mình đi sẽ không khác với con đường của tất cả những kẻ được gọi. Vả lại, ngay sau đó, Simêon làm cho linh cảm đó thêm rõ nét khi ông báo cho biết một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Người.

Chỉ nguyên trên bình diện nhân loại thôi, Ðức Maria đã phải ở trong sự cô đơn hoàn toàn. Những gì xảy ra nơi mình, Người chưa biết giải thích cho ai bây giờ ? Khi nói với người ta rằng đứa trẻ mà mình đang mang thai là "công trình của Chúa Thánh Thần", liệu có ai tin Người không ? Một sự việc vô tiền khoáng hậu. Ðức Maria chắc chắn biết những điều ghi trong sách luật, đó là, nếu trong ngày cưới, tân nương bị khám phá không còn là trinh nữ thì nàng sẽ bị điệu đến trước cửa nhà cha mình và bị dân trong thành ném đá (x. Tl 22, 20tt). Ngày nay, chúng ta thường nói đến nguy cơ của đức tin và nguy cơ đó thường hiểu là nguy cơ về mặt tinh thần ; thế nhưng đối với Maria thì đây là một mối nguy hết sức cụ thể ! Carlo Carretto, trong tập sách nhỏ về Ðức Trinh Nữ Maria, kể lại việc mình đã khám phá ra lòng tin của Ðức Maria như thế nào. Thời gian sống trong sa mạc, qua một số bạn hữu ở Touaregs, ông nghe biết có một thiếu nữ trong trại đã hứa hôn với một thanh niên, nhưng vì còn quá trẻ nên chưa về chung sống. Ông liên hệ sự kiện đó với những điều mà thánh Luca nói về Ðức Maria. Hai năm sau, khi trở lại trại, ông hỏi thăm tin tức về cô gái, thấy những người nói chuyện với mình có vẻ lúng túng, sau đó một người trong họ đến với ông một cách hết sức kín đáo, làm một dấu hiệu : đưa tay ngang họng với cử chỉ đặc trưng của người Ảrập khi họ muốn nói : "Cô ta đã bị cắt cổ". Người ta khám phá cô có thai trước khi cưới và danh dự gia đình đòi buộc đi đến sự kết liễu đó. Lúc bấy giờ ông ta nghĩ lại Ðức Maria, nghĩ đến những cái nhìn nhẫn tâm, không thương xót của người dân Nazarét, những cái nháy mắt, và ông hiểu được nỗi cô đơn của Ðức Maria, ngay đêm ấy, ông chọn Người làm bạn đồng hành, xem Người như nhà giáo dục và như khuôn mẫu cho niềm tin của mình 7.

Nếu tin là "tiến bước trên một con đường mà tất cả các tấm biển đều báo : Lui lại ! Lui lại !", nếu tin như là "lênh đênh giữa trùng khơi, dưới chân là biển sâu thăm thẳm", nếu tin là "thục hiện một động tác qua đó ta thấy mình như hoàn toàn bị quăng ném vào cánh tay của Tuyệt Ðối" (tất cả những hình ảnh đó là của triết gia Kierkegaard), thì Maria chắc chắn là người tín hữu (kẻ tin) tuyệt vời, khôn sánh. Người thực sự ở trong tình trạng bị ném vào cánh tay Tuyệt Ðối. Người là kẻ duy nhất đã phải tin "trong tình thế đồng thời" (en situation de contemporanéité) nghĩa là trong khi sự việc xảy ra, trước khi có bất cứ một xác nhận hay bảo đảm nào từ các biến cố, từ lịch sử 8. Người đã tin trong sự cô đơn hoàn toàn. Ðức Giêsu nói với Thomas : "Bởi thấy Ta, ngươi đã tin, phúc cho ai không thấy mà tin !" (Yn 20, 29) : Maria là người đầu tiên trong số những kẻ đã tin dù chưa được thấy.

Ðàng khác, Ðức Maria đã tin ngay lúc ấy, trong chính giây phút ấy ; Người đã không do dự, không trì hoãn quyết định của mình, ngược lại, đã dấn thân lập tức trọn vẹn. Maria đã tin mình sẽ thụ thai một con trai, bởi tác động của Chúa Thánh Thần. Người đã không tự nhủ : "Ðược rồi, bây giờ mình xem điều gì sẽ xảy ra ; thời gian sẽ cho biết lời hứa lạ lùng ấy có đúng thực và có phải là lời hứa đến từ Thiên Chúa không". Không, Người đã không tự nhủ : "Nếu đúng là cây hoa hồng thì chúng sẽ trổ bông ." Cứ bình thường thì hẳn ai cũng sẽ nghĩ như thế ! Nhưng Maria thì không, Maria đã tin. Vì nếu Người đã không tin thì Ngôi Lời đã không thành xác phàm trong lòng Maria, và chính Người, một thời gian sau đó, đã không mang thai được ba tháng và Elisabeth sẽ không chào là : "Mẹ Chúa tôi".

Abraham cũng ở trong một hoàn cảnh tương tự khi ông được hứa ban một đứa con, dù ông đã cao niên. Với giọng điệu có vẻ như rất hoan hỷ, thán phục, Kinh Thánh nói : "Và Abraham đã tin vào Yavê và sự ấy đã kể cho ông như sự công chính" (Kn 15, 6). Ôi ! Nếu bây giờ áp dụng cho Ðức Maria thì ta có thể lập lại lời đó với niềm hỷ hoan đến như thế nào nữa ! Maria đã tin vào Thiên Chúa và sự ấy đã kể cho Người như sự công chính ! Và đó là hành vi công chính lớn lao nhất, chưa bao giờ có người� nào thực hiện được trên trần thế, sau hành vi của Ðức Giêsu. Nhưng Ðức Giêsu còn là Thiên Chúa.

Thánh Phaolô nói, Thiên Chúa thích người biết cho đi trong niềm vui (2C 9,7), và Ðức Maria đã nói tiếng "xin vâng" với Thiên Chúa trong vui tươi hớn hở. Từ ngữ diễn tả sự thuận tình của Ðức Maria, được dịch bằng tiếng Fiat (xin vâng) hoặc "xin hãy thành sự cho tôi" là một động từ ở lối ước mong (génoito, optatif) trong nguyên bản Hylạp. Nó không diễn tả sự chấp nhận với thái độ cam chịu, nhưng là một mong muốn mãnh liệt, như thể Maria muốn nói : "Tôi hết lòng uớc mong điều Thiên Chúa mong muốn". Thực vậy, như thánh Augustino đã nhận thấy, Ðức Maria đã cưu mang Ðức Kitô trong tâm hồn trước khi cưu mang trong thân xác.

Hẳn nhiên, Ðức Maria không nói "fiat" vốn là một từ Latinh, cũng không nói "génoito", một từ Hylạp. Vậy lúc ấy Người nói điều gì ? Từ ngữ nào, trong ngôn ngữ nói của Ðức Maria, phù hợp nhất để diễn tả ? Một người Dothái sẽ nói gì khi anh ta muốn diễn tả "ước gì là như thế". Hẳn người đó sẽ nói : "Amen !". nếu được phép thử tìm lại, theo lối suy tư đạo đức, "ipsissima vox", tìm lại chính lời miệng Ðức Maria thốt ra, hay ít là từ ngữ lúc bấy giờ nằm trong nguồn tiếng Sêmít mà thánh Luca đã sử dụng thì hẳn phải là từ "amen". "Amen" là một từ Dothái, gốc của từ đó có nghĩa là sự vững chắc, chắc chắn. Từ này được sử dụng trong phụng vụ như là lời đáp của lòng tin đối với Lời Chúa. Mỗi khi chúng ta đọc thấy, ở cuối một số Thánh Vịnh, từ fiat, fiat trong bản Vulgata (trong bản Bảy Mươi là génoito, génoito) thì trong nguyên bản Dothái, bản mà Ðức Maria biết đến, là "amen, amen !".

Qua tiếng "Amen", người ta nhìn nhận rằng điều vừa được phán dạy là một lời chắc chắn, vững vàng, vững chắc, kiên quyết. Khi được dùng như lời đáp lại Lời Chúa thì Amen dịch cách chính xác là : "Thực là như thế và ước mong là như thế". Nó vừa biểu thị niềm tin vừa biểu thị lòng vâng phục, nhìn nhận điều Chúa phán là thật và vâng theo. Ðó là nói "vâng" với Chúa. Chúng ta thấy tiếng Amen mà chính Ðức Giêsu thốt ra cũng mang ý nghĩa này : "Vâng, amen, lạy Cha, vì đó là quyết ý của Cha ." (x. Mt 11, 26). Thậm chí Ngài là chính Amen hiện thân : "Này lời phán dạy của Amen" (Kh 3, 14) và chính nhờ Ngài mà mọi tiếng "Amen" khác thốt lên trên trần thế này, từ nay, sẽ vươn lên đến tận Thiên Chúa (x. 2C 1, 20), cũng như lời "fiat" của Ðức Maria đi trước lời Fiat của Ðức Giêsu trong Vườn Dầu, lời "amen" của Người đi tước lời "amen" của Con mình. Maria quả thực là một "amen" hiện thân, "amen" với Thiên Chúa.

Tiếng xin vâng của hôn lễ.

Hành vi tin của Ðức Maria thật đẹp, bởi đó là tiếng "vâng" của tân nương nói với tân lang trong hôn lễ, một tiếng vâng thốt lên trong tự do trọn vẹn. Maria là dấu chỉ và là sự thực hiện đầu tiên của hôn lễ giữa Thiên Chúa với Dân Người được các tiên tri loan báo : "Ngày ấy, sẽ xảy ra là ." Vì thế lời của tiên tri Hôsê thật phù hợp với Ðức Maria : "Ta sẽ đính hôn với ngươi mãi mãi . Ta sẽ đính hôn với ngươi bằng đức trung tín" (Hs 2, 21tt).

Lời "xin vâng" của Ðức Maria không phải là một hành vi nhân linh đơn thuần. Nó được chính Chúa Thánh Thần khơi lên từ trong thẳm sâu tâm hồn Maria. Về Ðức Giêsu, Kinh Thánh viết rằng "nhờ Thần Khí hằng có mà Ngài hiến mình làm hy sinh vô tỳ tích dâng lên Thiên Chúa" (x. Hr 9, 14). Ðức Maria cũng thế, Người tự hiến mình cho Thiên Chúa trong Thánh Thần, dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần. Thánh Thần được hứa ban, như lời thiên thần : "Thánh Thần sẽ đến trên người ." Không phải chỉ để Người thụ thai Ðức Kitô trong thân xác, mà còn để cưu mang Ngài trong tâm hồn, nhờ lòng tin. Nếu Maria đã được "đầy ân sủng" thì trước tiên là để Người có thể đón nhận sứ điệp dành cho mình trong lòng tin. Nếu không có Thánh Thần thì ngay cả nói : "Giêsu là Chúa !" cũng không thể được (x. 1C 12, 3). Vậy phải nghĩ thế nào về tiếng "fiat" của Ðức Maria mà, theo một nghĩa nào đó, việc Nhập Thể của Ngôi Lời cũng như cuộc sống làm người của Chúa tùy thuộc vào ? Mọi thái độ vâng phục lớn lao đều khởi đi từ sự vâng phục của Ðức Kitô : nhờ Thánh Thần, Thiên Chúa đổ tràn lòng mến trong tâm hồn thụ tạo để rồi lòng mến lôi kéo thụ tạo thực hiện điều Thiên Chúa muốn. Lòng mến trở thành luật, luật của Thần Khí. Thiên Chúa không áp đặt ý muốn của Người, Người ban lòng mến. Tình yêu không cho phép kẻ được yêu, đến lượt mình, lại không biết yêu. Chính như thế mà ta hiểu được sự dâng hiến của Ðức Maria ; Người cảm thấy mình được Thiên Chúa yêu thương, và tình yêu đó đưa Người đến chỗ tự hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa.

Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu chia sẻ cho chúng ta một kinh nghiệm tương tự. Ngài viết về ngày rước lễ lần đầu, lúc dâng mình cho Thiên Chúa mãi mãi : "Ðấy là một nụ hôn của tình yêu, tôi cảm thấy mình được yêu và tôi còn nói : con yêu Chúa, con trao hiến mình con cho Chúa mãi mãi 9".

Tuy nhiên, lời fiat của Ðức Maria đã là một hành vi tự do, thậm chí là hành vi tự do thật sự đầu tiên trong cả nhân loại, vì tự do thực sự không hệ tại ở chỗ làm hay không làm điều lành, nhưng là làm điều lành một cách tự do. "Trong Ðức Kitô lại không có một ý chí tự do, và ý chí đó vì có khả năng ít vâng phục sự tội hơn, nên càng tự do hơn sao ?" Sự tự do này phản ánh sự tự do của Thiên Chúa, vì tự do của Thiên Chúa không hệ tại ở việc có khả năng làm điều lành. Một cách nào đó, do chính bản thể của Người, Người buộc phải như vậy, thế những có ai tự do hơn Thiên Chúa ?"

Ðiều này tương tự như linh hứng Kinh Thánh : "Có những người do tự Thiên Chúa và được Thánh Thần thúc đẩy đã tuyên ra" (2P, 21), đó là lời Kinh Thánh nói về những người biên soạn các sách trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng, việc họ tuyên ra là một hành vi tự do, một hành vi vừa thần linh vừa nhân linh. Ðiều này càng đúng cho Ðức Maria hơn nữa. Ðược Thánh Thần thúc đẩy, Maria đã nói, đã thưa "xin vâng" với Thiên Chúa. Lời "xin vâng" của Người là một hành vi vừa là thần linh vừa nhân linh ; nhân linh bởi bản tính, thần linh bởi ân sủng.

Niềm tin của Ðức Maria quả thực là một hành vi của lòng mến, của sự ngoan hiền, một hành vi tự do dù nó được Thiên Chúa khơi dậy, một hành vi nhiệm mầu, như sự gặp gỡ giữa ân sủng và tự do vẫn luôn là mầu nhiệm. Ðây mới là sự cao cả, lớn lao thật sự của riêng Ðức Maria và là phúc thật của Người, như chính Ðức Kitô đã xác nhận. "Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú" (Lc 11, 27), lời của một phụ nữ trong Tin Mừng. Người phụ nữ xưng tụng Ðức Maria là có phúc bởi Người đã mang (bastásasa) Ðức Giêsu. Elisabeth xưng tụng Maria diễm phúc, bởi Người đã tin (pisteusasa). Người phụ nữ cho việc cưu mang Ðức Giêsu trong lòng dạ là có phúc : "Phải hơn, phúc cho những ai nghe lời Thiên Chúa và noi giữ". Ðức Giêsu giúp cho người đàn bà đó cũng như cho tất cả chúng ta hiểu được đâu là sự lớn lao đích thực của Mẹ Ngài. Quả vậy, có ai "giữ" các Lời của Thiên Chúa hơn Ðức Maria, chính Kinh Thánh hai lần khẳng định chắc chắn rằng : Người giữ kỹ mọi điều ấy trong lòng (Lc 2, 19 - 51).

Một nhà chú giải Tin Lành lỗi lạc viết : "Chắc chắn rằng, vấn đề đức tin là nền tảng của cuộc đời Abraham, mặc dù từ ngữ này chỉ được nói lên một lần duy nhất 11". Ðiều này cũng hết sức đúng với Ðức Maria. Ðối với Ðức Maria cũng thế, chắc chắn rằng đức tin là nền tảng của tất cả, mặc dù từ ngữ chỉ được nói lên trong một trường hợp duy nhất, bởi Elisabeth.

Tuy nhiên, chúng ta tránh kết thúc suy tư về lòng tin của Ðức Maria với cảm giác là Ðức Maria đã tin một lần thôi, và điều đó đủ cho cả cuộc đời còn lại của Người, như thể Ðức Maria chỉ phải bày tỏ một hành vi lớn lao duy nhất, trong một hoàn cảnh duy nhất. Nghĩ như thế là chúng ta đã để vuột mất điều chính yêu. Các công trình của Thiên Chúa đi theo một logic khác với một logic của trí tưởng tượng con người.

Nơi một chủ thể tự do, một chủ thể phải sống trong đức tin và chịu sự biến dịch, thì công trình Thiên Chúa được thực hiện không phải một cách máy móc, một lần là đủ, ban đầu đưa ra lời hứa rồi sau đó mọi sự trở nên đơn giản, rõ ràng. Vì, điều rõ ràng trong giây phút ban đầu, nhờ Thần Khí làm cho sáng tỏ, có thể sau đó không còn rõ như vậy nữa. Ðức tin có thể phải trải qua thử thách của hoài nghi về chính mình : "Tôi có hiểu đúng không ? Lại không phải là mình hiểu sai sao ? Và nếu thực sự mình đã lầm lẫn ? Nếu đó không phải là Thiên Chúa nói với tôi ?" Cách hành động của Thiên Chúa vẫn là nhiệm mầu, và trước khi chấp nhận sống trong mầu nhiệm, chúng ta phải trải qua biết bao lần hấp hối !

Sau biến cố Truyền Tin, chắc hẳn biết bao lần Ðức Maria phải chịu "Tử đạo" do sự đối nghịch rõ ràng giữa tình cảnh của mình với tất cả những gì đã được viết, được biết đến về Thánh Ý Thiên Chúa trong Cựu Ước, và tất cả những gì liên quan đến chính khuôn mặt của Ðấng Mêssia ! Biết bao lần Giuse - hẳn là Giuse - phải trấn an, làm cho Người yên lòng, bằng cách nói rằng Người đã không lỗi phạm, rằng Người không hề có lỗi, rằng Người vô tội, Người đã không lầm. Lặp lại cho Ðức Maria điều mà chính mình đã được biết nhờ thiên thần hiện ra trong giấc mộng : "Ðừng sợ . thai sinh nơi Người là do tự Thánh Thần" (Mt 1, 20).

Công Ðồng Vatican II đã có một cống hiến quý giá khi khẳng định rằng Ðức Maria cũng đã tiến bước trong đức tin và ngay cả nói rằng, Người đã "tiến triển" trong đức tin 12. Như chúng ta cũng thấy được, tuy ở mức độ thấp hơn, nơi một số tâm hồn được Thiên Chúa kêu gọi qua những con đường đặc biệt, đối với Ðức Maria, tiến bước trong đức tin hàm chứa việc tâm trí phải chết đi (martyre de la conscience), vì không có cách nào khác để chống cự lại với thực tế hiển nhiên ngoài Lời Chúa đã được nghe một lần trong tâm hồn và rồi lời đó được làm sống lại chỉ từ bên ngoài, nhờ những trung gian nhân loại. Có những lúc Giuse đóng vai trò tương tự như vai trò của một vị linh hướng hay như một người cha thiêng liêng đối với Ðức Maria : mỗi lúc khủng hoảng, giữ vững và lập lại niềm tin chắc chắn mà trước khi Thiên Chúa đã ban cho : tin và hy vọng bất chấp thực tế trước mắt.

Nếu như Ðức Giêsu đã chịu cám dỗ, còn Ðức Maria, một người rất gần với Ðức Giêsu trong mọi sự, lại không chịu cám dỗ thì quả là kỳ lạ. Ðức tin, như lời thánh Phêrô, thử luyện trong lò (x. 1P 1, 7). Sách Khải Huyền nói : "Con rồng đứng chực trước mặt Bà sắp sinh con" và "nó đuổi theo Bà đã sinh con trai" (x. Kh 12, 4 - 13). Ðã đành là ở đây, người phụ nữ trực tiếp tượng trưng cho Giáo Hội. Nhưng làm sao còn có thể gọi Ðức Maria là "hình bóng của Giáo Hội" nếu như Người đã không hề trải qua và không phải là người đầu tiên trải qua khía cạnh hết sức quan trọng này trong đời sống Giáo Hội : trận chiến và cám dỗ do ma quỷ ? Vì thế, cũng như Ðức Kitô, Ðức Maria đã phải "dãi dầu thử thách, muôn sự đều tương tự, trừ phi là tội" (Hr 4, 15). Chỉ trừ tội mà thôi !


Theo bước đường của Ðức Maria.

Chúng ta thử nghĩ tới đường rẽ sóng của một con tàu ; càng đi xa nó càng tỏa rộng đến mất hút ở chân trời, nhưng khởi đầu của đường rẽ sóng đó là một điểm nhọn, và điểm nhọn này chính là mũi nhọn con tàu. Hình ảnh đó giúp chúng ta có thể thấy được bước đường rộng lớn mênh mông của các tín hữu, thành phần cấu thành Giáo Hội ; Bước đường đó khởi sự từ một điểm nhọn, đó là lòng tin của Ðức Maria, lời "fiat" của Người. Về tất cả các điều khác như : cầu nguyện, đau khổ, khiêm hạ và chính lòng mến, thì điểm nhọn, hay điểm khởi đầu chỉ có thể là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng là tiên thường và Ðầu mà từ đó toàn thân mình được phát triển. Nếu ngược lên dòng sông cầu nguyện vĩ đại, dòng sông đã tưới thấm Giáo Hội, chúng ta sẽ gặp thấy ai nơi cội nguồn ? Giêsu, Ðấng cầu nguyện ; Giêsu, Ðấng giao phó kinh nguyện của Ngài cho các môn đệ với Kinh "Lạy Cha". Nhưng nếu ngược lên dòng sông Ðức Tin thì không như thế ! Trước khi có đức tin của các tông đồ thì đã có đức tin của Ðức Maria.

Ðức Tin, cùng với em là Ðức Cậy, là điều duy nhất không khởi đầu với Ðức Kitô, mà là với Giáo Hội, và vì thế, khởi đầu với Ðức Maria, chi thể đầu tiên của Giáo Hội, xét về thời gian cũng như về tầm quan trọng. Tân Ước không bao giờ qui đức tin hay đức cậy cho Ðức Giêsu. Thư Dothái đưa ra một danh sách những người đã có đức tin : "Bởi tin, Abel . Bởi tin, Abraham. Bởi tin, Môsê."������ (Hr 11, 4tt). Ðức Giêsu không có trong danh sách này, Ngài được gọi là "Ðấng khơi nguồn và cũng viên thành Ðức Tin" (Hr 12, 2). Ngài không thể là chủ thể của Ðức Tin Kitô giáo bởi lẽ Ngài là đối tượng của đức tin đó.

Chúng ta hiểu được lý do tại sao : đức tin là một quan hệ giữa Thiên Chúa và con người, một liên hệ giữa một chủ vị và một chủ vị, giữa tôi và anh. Thế mà, Ðức Giêsu là Thiên Chúa và là con người trong cùng một ngôi vị, thì làm sao đức tin có thể có nơi Ngài được ? Ngài chính là Ngôi Lời, mối quan hệ của Ngài với Chúa Cha không thể là mối quan hệ bởi tin, nhưng là bởi bản tính vì là "Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng". Về Ðức Giêsu không thể nói đến đức tin cũng như đức cậy. Nếu ngày nay có một số người nói đến điều đó thì chúng ta chỉ có thể hiểu theo nghĩa loại suy, nghĩa rộng hoặc chỉ tin theo nghĩa là tín thác (foi-confiance). Nếu không thì hẳn sẽ phải nói rằng, nơi Ðức Kitô, Thiên Chúa và con người làm thành hai ngôi vị riêng biệt hoặc làm thành một ngôi vị "nhân loại" chứ không phải là một ngôi Thiên Chúa.

Chỉ nguyên với việc tin mà thôi thì chúng ta đã là những người đang ở trên bước đường của Ðức Maria. Chúng ta thử đào sâu thêm việc thực sự đi theo bước đường đó có ý nghĩa như thế nào. Ðể đọc những điều liên quan đến Ðức Trinh Nữ Maria trong Kinh Thánh, từ thời các Giáo Phụ, Giáo Hội đã theo một tiêu chuẩn, có thể diễn tả như sau : "Maria, vel Ecclesia, vel amina", Maria, hoặc là Giáo Hội, hoặc là linh hồn. Ðiều này có nghĩa là, trong Kinh Thánh, tất cả những gì nói một cách đặc biệt về Ðức Maria thì hiểu một cách phổ quát về Giáo Hội và tất cả những gì nói một cách phổ quát về Giáo Hội thì hiểu cách đặc thù về mỗi linh hồn tín hữu. Chúng ta hãy theo nguyên tắc đó để xem đức tin của Ðức Maria trước tiên nói gì nơi Giáo Hội, xét là một toàn thể và sau đó nói gì với mỗi chúng ta, với riêng mỗi tâm hồn. Như đã làm trong phần về ân sủng, trước tiên chúng ta cũng sẽ làm sáng tỏ những hàm nghĩa về Giáo Hội hoặc về thần học trong đức tin của Maria, và sau đó là những hàm nghĩa liên quan đến tu đức, đến tâm hồn mỗi người. Như thế, cuộc đời Ðức Trinh Nữ Maria không phải chỉ giúp làm tăng triển lòng sùng kính riêng tư của chúng ta đối với Người, mà còn giúp chúng ta hiểu cách sâu xa về Lời Chúa và các vấn đề về Giáo Hội. Viễn tượng này sẽ giúp chúng ta vui vẻ đón nhận khó khăn có thể vấp phải trong áp dụng đầu tiên này.

Trước hết Ðức Maria nói cho chúng ta về tầm quan trọng của đức tin. Không có âm thanh cũng như âm nhạc, dù là những hợp âm, những giai điệu tuyệt vời nhất, nếu không có một lỗ tai có khả năng lắng nghe. Không có ân sủng, hay ít ra là ân sủng không thể tác động, nếu nó không tìm được đức tin đón nhận nó.

Như cơn mưa không thể làm nẩy mầm điều gì cả bao lâu chưa tìm được một mảnh đất tiếp nhận nó, ân sủng cũng thế, nếu không tìm thấy đức tin. Chính bởi tin mà chúng ta "nhạy cảm" với ân sủng. Ðức tin là nền tảng của tất cả. Nó là công việc đầu tiên và công việc tốt đẹp nhất phải thực hiện. Như lời Ðức Giêsu nói, việc của Thiên Chúa, đó là các ngươi (x. yn 6, 29). Ðức tin mang một tầm quan trọng như thế là vì chỉ có đức tin mới giữ lại cho ân sủng tính nhưng không của nó. Ðức tin không làm đão lộn các vai trò bằng cách biến Thiên Chúa thành con nợ, còn con người thành chủ nợ.

Chính vì thế mà đức tin là điều hết sức quí giá trước mắt Thiên Chúa và trên thực tế, trong các mối liên hệ với con người, Thiên Chúa xem mọi sự đều tùy thuộc về đức tin.

Ân sủng và đức tin : đó như là hai trụ cột của ơn cứu độ. Ân sủng và đức tin được ban cho con người như đôi chân để bước tới, đôi cánh để bay đi. Tuy nhiên, chúng ta đừng coi đó như hai thực tại song song, như thế ân sủng do tự Thiên Chúa còn đức tin là do chúng ta, và như thế ơn cứu độ như thể tùy thuộc ân sủng và tùy thuộc tự do, hai phần đều nhau. Khốn cho ai nghĩ như thế này : ân sủng tùy thuộc Thiên Chúa còn đức tin tùy thuộc tôi, Thiên Chúa và tôi cùng nhau thực hiện ơn cứu độ ! Nghĩ như thế là chúng ta biến Thiên Chúa thành con nợ, một kẻ tùy thuộc chúng ta và phải chia sẻ công phúc và vinh quang với chúng ta. Về điểm này,Thánh Phaolô loại bỏ mọi hoài nghi khi ngài viết : "Chính bởi ân huệ mà anh em đã được cứu, nhờ lòng tin, và điều này (nghĩa là việc tin, hay nói một cách trọn vẹn hơn, việc được cứu độ bởi ân sủng, nhờ lòng tin, thì cũng là một) không phải do tự anh em, đó là ơn Thiên Chúa ban .� để đừng có ai vinh vang tự đắc" (Ep 2, 8tt). Nơi Ðức Maria cũng vậy, chúng ta đã thấy hành vi tin được khơi lên bởi ơn Thánh Thần.

Tới đây, chúng ta sẽ chú tâm đến việc làm sáng tỏ những khía cạnh hàm chứa trong đức tin của Ðức Maria có thể giúp cho Giáo Hội hôm nay tin một cách trọn vẹn hơn. Hành vi tin của Ðức Maria là một hành vi hoàn toàn mang tính chủ vị và độc nhất. Ðó là hành vi tín thác vào Thiên Chúa và là hành vi tín thác trọn vẹn cho Ngài. Ðó là tương quan giữa một chủ vị, và chúng ta gọi đó là một đức tin mang tính chủ thể (foi subjective). Ở đây, dấu nhấn đặt ở sự kiện tin hơn là nội dung tin.

Nhưng, đức tin của Maria còn mang tính khách thể (objective), mang tính cộng đoàn rất rõ nét. Maria không tin vào một vị Thiên Chúa chỉ liên hệ đến mình riêng tư, tách rời khỏi tất cả, tự mạc khải chỉ cho riêng mình trong âm thầm sâu kín. Ngược lại, Người tin vào Thiên Chúa của cha ông, tin vào Thiên Chúa của dân mình. Maria nhận ra vị Thiên Chúa tỏ mình cho Người chính là Thiên Chúa của các lời hứa, Thiên Chúa của Abraham và của miêu duệ ông. Người khiêm hạ đặt mình vào hàng ngũ của mọi kẻ tin và trở nên người tín hữu đầu tiên của Giao Ước Mới. Lời kinh Magnificat thấm nhuần niềm tin đặt trên nền Kinh Thánh và chứa đầy những quy chiếu về lịch sử dân tộc của Người. Thiên Chúa của Ðức Maria là một Thiên Chúa mang những nét đặc trưng của Kinh Thánh : Ðức Chúa, Ðấng Toàn Năng, Ðấng Thánh, Ðấng Cứu Ðộ.

Maria hẳn sẽ không tin lời thiên thần nếu thiên thần trình bày cho Người một Thiên Chúa khác, khiến Người không thể nhận ra đó là Thiên Chúa của Israel, dân tộc Người : Ðức Maria sống đúng theo niềm tin đó ngay cả trong đời sống bên ngoài : Người tuân thủ mọi điều luật dạy, cho phép hài nhi chịu phép cắt bì, dâng con vào đền thờ, bản thân Người cũng tuân giữ lễ tẩy uế, lên Giêrusalem dự lễ Vượt Qua.

Ðây là một bài học thật lớn lao cho chúng ta. Cũng như ân sủng, đức tin phải chịu một tiến trình phân tích, phân chia thành từng mảnh dọc theo các thời đại, dẫn tới sự phân biệt vô số những loại và phân loại của đức tin. Chẳng hạn, anh em Tin Lành nhấn mạnh hơn đến khía cạnh đầu tiên, khía cạnh chủ thể và cá nhân (personnel) của đức tin. Luther viết "Ðức tin là niềm tín thác mạnh mẽ, bạo dạn vào ân sủng của Thiên Chúa" ; là "niềm tín thác vững vàng 13".

Ðối với một số trào lưu Tin Lành, chẳng hạn phái mộ đạo (piétisme) là phái đẩy khuynh hướng này tới chỗ cực đoan, thì tín điều và những gì được gọi là các chân lý đức tin hầu như không có tầm quan trọng nào cả. Thái độ nội tâm, riêng tư của mỗi người với Thiên Chúa mới là yếu tố quan trọng nhất, và hầu như là yếu tố độc nhất, loại bỏ các yếu tố khác.

Ngược lại, trong truyền thống Công Giáo và Chính Thống thì ngay từ đầu, vấn đề tính đồng nhất hay tính chính thống của đức tin luôn luôn mang tầm quan trọng hàng đầu. Vấn đề các chân lý phải tin đã nhanh chóng vượt lên trên khía cạnh chủ thể, cá nhân của đức tin, nghĩa là được nhấn mạnh hơn hành vi tin. Các khảo luận của các Giáo Phụ "về đức tin" (De fide) không hề có ám chỉ nào đến đức tin xét là hành vi của chủ thể, xét là thái độ tin tưởng, phó thác. Các ngài bận tâm đến việc xác lập các chân lý phải tin trong sự hiệp thông với toàn thể Giáo Hội, và điều này xảy ra trong bối cảnh tranh luận chống lạc giáo.

Về sau, vào thời Cải Cách, cũng do phản ứng chống lại sự nhấn mạnh quá đáng, một chiều, đến đức tin theo nghĩa tín thác (foi-confiance), khuynh hướng này lại càng trầm trọng thêm trong Giáo Hội Công Giáo. Tin chủ yếu có nghĩa là thuận theo Kinh Tin Kính của Giáo Hội. Thánh Phaolô từng nói : "Người ta tin trong lòng và tuyên xưng ngoài miệng" (x. Rm 10, 10) : việc "tuyên xưng" một đức tin đúng đắn, chính xác, thường được chú trọng hơn là "tin trong lòng".

Trong lãnh vực này, Ðức Maria dẫn đưa chúng ta tìm lại sự tràn đầy đẹp đẽ và phong phú hơn gấp bội so với mỗi khía cạnh riêng biệt. Ðức tin nếu chỉ nằm trong bình diện chủ thể thôi, dù đó là một sự phó thác thẳm sâu nhất đi nữa, vẫn không đủ. Vì như thế sẽ rất dễ hạ thấp, thu hẹp Thiên Chúa trong kích thước của mình. Ðiều này xảy ra khi người ta xây dựng ý tưởng riêng của mình về Thiên Chúa khởi từ một lối giải thích riêng của� mình về Kinh Thánh hay dựa vào lối giải thích của một nhóm nhỏ nào đó : và rồi người ta gắn bó hết mình với những ý tưởng như thế, gắn bó đến mức cuồng tín, không ý thức được rằng giờ đây họ tin vào chính mình hơn là tin vào Thiên Chúa, và niềm tin không lay chuyển vào Thiên Chúa của họ không khác gì hơn là niềm tin không lay chuyển vào chính mình.

Tuy nhiên, đức tin nếu chỉ nằm trên bình diện khách thể (khách quan), tín lý thì cũng không đủ gì hơn, nếu nó không đưa tới đời sống mật thiết, tiếp xúc riêng tư, tâm tình với Thiên Chúa.

Ðức tin đó dễ dàng trở thành một đức tin chết, một đức tin qua người trung gian hoặc qua cơ chế trung gian, nó sẽ sụp đổ ngay khi mối tương quan của chúng ta với Giáo Hội - cơ chế gặp khủng hoảng, dù là vì bất cứ lý do gì. Từ đó, rất dễ xảy ra chuyện một Kitô hữu cho đến cuối đời vẫn chưa hề thực hiện một hành vi tin nào cả, một hành vi tự do, của cá nhân mình là hành vi duy nhất chứng thực cho danh xưng "tín hữu" (croyant).

Như thế phải tin theo cách cá nhân nhưng là trong Giáo Hội. Tin trong Giáo Hội nhưng theo cách cá nhân. Ðức tin tín lý (foi dogmatique) của Giáo Hội không ngăn cản hành vi mang tính cá nhân hay sự bộc phát tự nhiên của lòng tin, trái lại, nó gìn giữ và giúp cho lòng tin nhận ra và ôm lấy một Thiên Chúa nghìn trùng lớn lao hơn kinh nghiệm nghèo nàn của con người chúng ta. Quả vậy, không một thụ tạo nào, bằng hành vi tin của mình, có thể bao quát hết tất cả những gì người ta có thể biết được về Thiên Chúa. Ðức tin của Giáo Hội như một góc độ rộng lớn cho phép chúng ta thu lấy và chụp được một phần lớn của toàn cảnh, lớn hơn nhiều so với phần mà một vật kính thông thường có thể chụp được. Khi hiệp nhất với đức tin của Giáo Hội, tôi biết đức tin của tất cả những người đi trước trở thành đức tin của mình :Ðức tin của các tông đồ, các vị tử đạo, các tiến sĩ. Vì không thể mang theo đức tin lên trời, là nơi đức tin không còn cần thiết nữa, các thánh đã để lại cho Giáo Hội làm di sản.

"Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng ." những lời đó tích tụ một sức mạnh không thể tưởng. Cái "tôi" nhỏ bé, được kết hiệp và hòa nhập vào cái tôi của toàn nhiệm thể Ðức Kitô, quá khứ và hiện tại, thét lên tiếng kêu mạnh hơn cả tiếng đại dương ầm sóng và làm cho vương quốc của tối tăm phải chuyển rung đến tận nền móng.

Chúng ta cũng hãy tin.

Giờ đây, chúng ta xét xem đức tin của Ðức Maria có những hệ quả nào đối với tu đức cũng như với đời sống nội tâm của mỗi người. Trong bản văn đã trích dẫn ở trên, thánh Augustino sau khi khẳng định Ðức Maria "đầy lòng tin sinh hạ trong lòng tin" đã rút ra một áp dụng thực tiễn : "Ðức Maria đã tin vào điều Người tin đã xảy ra nơi Người. Chúng ta cũng hãy tin, ngõ hầu điều xảy ra nơi Người cũng ích lợi cho chúng ta 14".

Chúng ta cũng hãy tin ! Chiêm ngắm đức tin của Ðức Maria trước tiên sẽ khiến chúng ta canh tân chính lòng tin cũng như sự phó thác của chúng ta cho Thiên Chúa. Ðây là "thực hành" thiêng liêng phải làm ở cuối "bước" thứ hai theo chân Ðức Trinh Nữ Maria. Chúng ta là công trình xây dựng của Thiên Chúa, là đền thờ Thiên Chúa. Công trình thánh hóa chúng ta tựa như việc "xây cất một tòa nhà thiêng liêng" (1P 2, 5). Chúng ta được "cùng xây dựng để trở nên ngôi nhà của Thiên Chúa nhờ Thần Khí" (Ep 2, 22).
Nhưng trước tiên, nếu một mảnh đất chưa được người ta tự ý nhượng lại và nếu chưa phải là sở hữu của mình thì có ai lại đi dựng nhà trên mảnh đất đó ? Chúng ta biết rằng, một ngôi nhà xây dựng trong những điều kiện như thế thì tự động sẽ thuộc về người chủ đất chứ không thuộc về người xây dựng. Thiên Chúa không thể xây đền thờ của Ngài nơi chúng ta, không thể xây chúng ta nên nơi thành Ngài ngự nếu trước tiên chúng ta không tự ý nhường lại quyền sở hữu "mảnh đất" cho Ngài. Chúng ta nhường lại mảnh đất cho Thiên Chúa khi chúng ta, bằng một hành vi của lòng tin, của sự đón nhận, bằng tiếng "xin vâng" trọn vẹn và toàn diện, giao phó cho Ngài tự do của chúng ta : bởi chưng, mảnh đất chính là tự do của chúng ta. Mảnh đất đó trước hết cần phải được khai vỡ, đảo lên và đào sâu . Vì thế, việc thưa lên với Thiên Chúa, một lần trong cuộc đời, lời "xin cho điều ấy thành sự" : một tiếng "fiat" như tiếng Fiat của Ðức Maria, mang một tầm quan trọng quyết định. Khi một hành vi như thế được thực hiện thì nó được bao trùm trong huyền nhiệm, bởi lẽ nó vừa là của ân sủng vừa là của tự do. Một thứ thụ thai. Tạo vật không thể thực hiện được nếu chỉ sức mình : Thiên Chúa trợ giúp nhưng không làm mất đi tự do của con người.

Người ta viết rằng : "Thiên Chúa phải để linh hồn trở về trong đời sống tự nhiên ; nhưng trước đó Ngài lén cho linh hồn ăn một hạt lựu. Nếu ăn vào, linh hồn sẽ mãi mãi bị chiếm hữu. Hạt lựu đó là sự thuận tình của con người với Thiên Chúa mà chính con người hầu như không hay biết và cũng không tự nhận sự thuận tình đó, vì nó quá nhỏ bé so với tất cả các khuynh hướng khác của linh hồn, thế những nó lại là điều quyết định số phận con người mãi mãi 15".

Nếu chúng ta đào sâu cuộc sống của tất cả những người đạt tới đỉnh cao thánh thiện hay người quả quyết tiến bước trên con đường đó thì hầu như chúng ta luôn luôn tìm thấy hạt lựu đó vùi sâu bên dưới.

Vậy chúng ta phải làm gì ? Rất đơn giản : sau khi cầu nguyện, để cho điều đó không là hành vi hời hợt bên ngoài, hãy dùng chính lời của Ðức Maria mà thưa lên với Chúa : "Này tôi là tôi tá Chúa, xin hãy thành sự cho tôi theo lời Ngài !" Vâng lạy Chúa, con xin thưa tiếng Amen đối với tất cả dự định của Chúa, con xin nhường cho Chúa tất cả con người của con.

Trong phần đầu, tôi có nhắc đến ba tiếng fiat vĩ đại của lịch sử cứu độ : tiếng fiat của Thiên Chúa với công trình tạo dựng, tiếng fiat của Ðức Maria với nhập thể, và lời fiat của Ðức Giêsu trong mầu nhiệm Vượt Qua. Một tiếng fiat thứ tư trong lịch sử cứu độ, sẽ được thốt lên mỗi ngày cho đến tận� thế : lời fiat của Giáo Hội và của các tín hữu, thưa lên với Thiên Chúa trong kinh "Lạy Cha" : "Fiat voluntas tua, nguyện ý Cha được thành sự !" Khi nói lên lời fiat đó, chúng ta, cùng với Ðức Maria, kết hợp với lời fiat vĩ đại của Ðức Kitô mà trong Vườn Dầu, Người đã dùng cũng chính lời đó thưa lên với Cha : "Nguyện ý Cha được thành sự" (x. Lc 22, 42).

Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng Ðức Maria nói lên lời fiat của mình theo lối ước mong (optatif), với giọng vui mừng và khao khát. Biết bao lần chúng ta nói lại lời "fiat" của mình với thái độ đành chịu, miễn cưỡng như kẻ cúi đầu, cắn răng nói : "Nếu quả là chẳng thể làm khác được thì thôi, xin cho ý Ngài thành sự vậy"? Ðức Maria dạy chúng ta nói lên lời đó một cách khác. Chúng ta tin chắc rằng ý định của Thiên Chúa về chúng ta muôn phần đẹp đẽ và đầy hứa hẹn hơn mọi dự định của chúng ta. Thiên Chúa là Tình Yêu vô hạn, và Người đã quyết về chúng ta "những mưu định phúc thái chứ không phải họa tai" (Yr 29, 11). Vậy hãy thưa lên với Người tất cả niềm khát mong, như thể không kìm lòng được, như Ðức Maria : "Ôi lạy Chúa, ý định tình yêu và bình an của Người xin mau thực hiện trên con, đừng chậm trễ !".

Chính qua điều này mà ý nghĩa của kiếp nhân sinh cũng như phẩm giá cao quý nhất của con người được thể hiện. Nói tiếng "xin vâng", "amen� với Thiên Chúa là tôn phẩm giá con người lên chứ không phải là hạ thấp như ngày nay chúng ta thỉnh thoảng nghe nói.� Vả lại, liệu có lựa chọn nào khác có thể thay lời "amen" nói với Thiên Chúa. Suy tư hiện đại, mà mục tiêu hàng đầu là phân tích hiện hữu con người, đã cho thấy rõ rằng, nói lời "amen" là điều tất yếu. Nếu không nói lời đó với Thiên Chúa là tình yêu thì người ta sẽ nói với một điều gì khác, mà điều đó lại là thứ tất yếu lạnh lùng, làm tê� liệt ; nói "amen" với định mệnh, với các biến cố. Ðối với triết học, thuyết định mệnh là lựa chọn duy nhất thay vì đức tin. Triết gia lừng danh nhất trong thế kỷ này, trong một giai đoạn tư tưởng của ông, đã vạch cho thấy, khả năng duy nhất hoàn toàn riêng biệt, vô điều kiện, không thể vượt qua, còn lại cho con người, đó là cái chết. Hiện hữu của con người không gì khác hơn là một "hiện hữu để chết". Vì thế, theo ông, phương cách duy nhất để làm cho hiện hữu của mình thành một hiện hữu chính thực, là chấp nhận một định mệnh như thế. Ở đây, tự do con người nằm ở chỗ tự ý đảm nhận chính điều tất yếu đó : chọn và nhận lấy hoàn cảnh thực tế mà mình bị đưa vào như là hoàn cảnh thuộc về mình và sống trung thành với hoàn cảnh đó. Số phận con người bị xác định bởi lịch sử và bởi cộng đồng mà mình thuộc về : số phận đó không thể là gì khác hơn là lập lại những gì đã xảy ra. Con người đạt tới sự hoàn thành chính mình trong tình yêu định mệnh (amor fati), chấp nhận và ngay cả yêu lấy điều đã xảy ra và tất yếu sẽ xảy ra 16.

Ðây là sự trở về với thứ "thần bí thuận mệnh" (mystique de consentement) mà với Cléanthe, tâm thức tôn giáo dân ngoại trước Ðức Kitô đã đạt tới : với tâm thức này, người ta phó mặc hoàn toàn cho định mệnh và cho sự tất yếu. Ðây không phải là tiếng nói của một triết gia đơn độc : tất cả tư tưởng hiện sinh vô thần, là tư tưởng mà một cách nào đó đặt mình bên ngoài quan điểm Kitô giáo, chẳng hạn như tư tưởng của Jaspers và của Sartre đã dẫn đến cái lý tưởng khủng khiếp ấy : yêu lấy định mệnh. Tự do mà người ta muốn bảo vệ đã trở thành thuần túy là sự chấp nhận điều tất yếu. Lời Ðức Giêsu hoàn toàn được ứng nghiệm : "Ai muốn cứu lấy sự sống mình thì sẽ mất" (x. Mc 8, 35). Ai muốn cứu lấy tự do thì sẽ mất nó.

Con người không thể sống và thể hiện mình mà lại không nói lời "xin vâng" với ai đó, với điều gì đó. Lời "amen" của dân ngoại khác xa biết bao, nghiệt ngã biết bao sánh với lời "amen" của Kitô hữu nói lên với ai đó tạo dựng nên bạn, và Ðấng đó không phải là một tất yếu lạnh lùng mù quáng, nhưng là tình yêu. Sự phó thác con người mình cho Chúa Cha, diễn tả trong lời kinh của Charles Foucauld thật khác xa với việc phó thác cho định mệnh : "Lạy Cha, con phó thác mình con cho Cha. Xin hãy làm nơi con mọi sự đẹp ý Cha. Cha làm chi mặc lòng con cũng cám ơn Cha. Con sẵn sàng luôn luôn. Con nhận lãnh cả. Miễn ý Cha thành sự nơi con, trong tất cả mọi loài Cha tạo dựng, con chẳng muốn chi khác nữa, Lạy Cha là Chúa Trời con, con phó thác linh hồn con trong tay Cha. Con dâng linh hồn con cho Cha, với tất cả tình yêu của lòng con, vì con mến Cha, và vì mến Cha con thấy cần phải hiến thân con, phó thác mình con trong tay Cha vô giới hạn với niềm tin tưởng khôn cùng, vì Cha là Cha của con".

"Người công chính sẽ sống bởi đức tin".

Mọi người cần phải và có thể noi theo Ðức Maria về lòng tin, nhưng một cách đặc biệt hơn, Linh Mục và những ai được gọi, dưới bất cứ hình thức nào, thông truyền đức tin và Lời Chúa cho người khác, Chúa phán : "Người công chính sẽ sống bởi tin" (x. Ha 2, 4 ; Rm 1, 17). Lời này có giá trị đặc biệt cho Linh Mục ; Linh Mục của Ta sẽ sống bởi tin, lời Thiên Chúa phán. Linh Mục là con người của đức tin. Sức mạnh đặc trưng của một Linh Mục là do đức tin của người đó mang lại. Linh Mục sẽ có một ảnh hưởng trên các linh hồn theo mức độ đức tin của mình. Bổn phận của Linh Mục hay Mục Tử giữa đoàn dân của mình không giới hạn trong việc phân phát Bí Tích hay bảo đảm các dịch vụ. Họ còn phải khơi dậy và minh chứng đức tin. Họ sẽ thực sự là người dẫn đạo lôi cuốn trong mức độ Linh Mục đó tin và dâng hiến tự do của mình cho Thiên Chúa như Ðức Maria.

Dấu hiệu chính yếu mà người tín hữu nhận ra ngay nơi một Linh Mục, một Mục Tử là : Linh Mục đó có "tin như thế" không ? Linh Mục đó có tin vào điều mình nói, tin vào điều mình cử hành không ? Một người trước hết muốn tìm Thiên Chúa nơi vị Linh Mục sẽ nhận ra điều đó lập tức. Còn người không tìm Thiên Chúa nơi Linh Mục có thể sẽ dễ dàng bị lầm và đưa chính linh Mục vào sai lầm, làm cho Linh Mục ngỡ mình là quan trọng, nổi nang, hợp thời, trong khi Linh Mục đó, như đã nói trong chương trước, thực tế chỉ là một con người "trống rỗng".

Ngay cả một người vô tín khi tiếp cận với Linh Mục với mục đích tìm hiểu, thì cũng thấy ngay được sự khác biệt. Ðiều kích thích anh ta và khiến anh ta có thể cảm thấy bị đảo lộn và biết suy nghĩ lại, thường không phải là những tranh luận thông thái về đức tin ; nhưng là lòng tin, thật đơn thành. Lòng tin mang tính lây lan, truyền nhiễm. Người ta không mắc một chứng bịnh truyền nhiễm khi chỉ nghe nói về một con virut hay nghiên cứu về nó, nhưng là khi người ta tiếp xúc với nó. Ðức tin cũng như thế.

Sức mạnh của người tôi tá Chúa là tùy ở mức độ mạnh mẽ của lòng tin nơi người đó. Chúng ta đau khổ, thở than trong lời cầu nguyện : Lạy Chúa, người ta rời bỏ Giáo Hội, người ta ở lỳ trong tội ! Tại sao như thế ? Chúng con nói và nói, mà chẳng thay đổi được gì. Ngày kia, các tông đồ thử trừ quỷ cho một đứa bé nhưng vô hiệu, và Ðức Giêsu đã ra tay trừ, các tông đồ đến hỏi Ngài : "Tại sao chúng tôi không thể trừ quỷ ấy được ?" Ngài nói với họ : "Vì lòng yếu tin của các ngươi" (Mt 17, 19 - 20). Mỗi lần đứng trước một thất bại về mục vụ hay trước một tâm hồn ra đi mà mình không giúp được gì, tôi cảm thấy câu hỏi của các tông đồ lại vang lên nơi mình : "Tại sao chúng tôi không thể trừ quỷ ấy được ? Và tôi cũng nghe thấy câu trả lời đó vang trong tâm hồn : "Vì lòng yếu tin của ngươi !" Và tôi lặng câm.

Như chúng ta đã nói, thế giới như đại dương được đường rẽ sóng của một con tàu đi qua : con đường đức tin do Ðức Maria khai lối : chúng ta hãy đi vào lối đường đó. Cả chúng ta nữa, hãy tin để những gì thành sự nơi Ðức Maria cũng thành sự nơi chúng ta. Hãy kêu cầu Ðức Trinh Nữ Maria bằng tước hiệu thật dịu êm này : Virgo fidelis, Trinh Nữ thành tín, cầu cho chúng con.



CHÚ THÍCH


1. Tertullien, Sur le baptême, 2, 1s. (CC 1, p. 277).
2. II. Schurmann, Das Lukasevangelium, Fribourg-en-Br, 1982, ad Ioc.
3. Origène, Commentaire sur l�E1vanggile de Luc, Frag. 18 (GCS 49, p. 227).
4. St. Justin, Dialogue avec Tryphon 100 (PG 6, 709 s).
5. St. Irénée, Contre les hérésies III, 22, 4 (SCh 211, p. 442).
6. St. Augustinô, Sermons 215, 4 (PL 38, 1074).
7. C. Carretto, Beata te che hai creduto, Ed. Paoline, 1986, p. 9ss.
8. S. Kierkegaard, L�école du Christianisme I.
9. Sainte Thérèse de l� Enfant-Jésus, Manuscrits autobiographipues, f. 35 (éd. Carmel de Lisieux, 1957, p. 83).
10. St Augustino, La prédestination des saints 15, 30 (PL 44, 981).
11. G. von Rad, Theologie des Alten Testaments I, Munich, 1962.
12. Vatican II, Lumen gentium 58.
13. Luther, Préface à l�Épitre aux Romains (éd. Weimar, Deutsche Bibel 7, p. 11) ; Des bonnes oeuvres (éd. Weimar 6, p. 206).
14. St Augustino, Sermon 215, 4 (PL 38, 1074).
15. S. Weil, Intuitions préchrétiennes, Paris, La Colombe, 1951, p. 11s.
16. M. Heidegger, Sein und Zeit, Tubingen, 1927.
3. "NGƯỜI SẼ THỤ THAI VÀ SINH CON TRAI".

MARIA, MẸ THIÊN CHÚA.

Những "bước" chúng ta thực hiện theo dấu chân Ðức Maria tương ứng khá chính xác với diễn tiến lịch sử như đã được các Tin Mừng viết về cuộc đời của Người. Ngay từ phần đầu tiên này, chúng ta có thể nhận thấy rằng, chúng ta không chiêm ngắm Ðức Maria trong Mầu Nhiệm Nhập Thể một cách lờ mờ tổng quát, nhưng là trong những thời điểm cụ thể tạo nên biến cố Nhập Thể vĩ đại. Suy niệm về Ðức Maria "đầy ân sủng" đưa chúng ta đến Mầu Nhiệm Truyền Tin. Suy niệm về Ðức Maria, "Kẻ đã tin", dẫn đến Mầu Nhiệm Thăm Viếng. Giờ đây, chúng ta suy gẫm Ðức Maria "Mẹ Thiên Chúa" vào ngày Giáng Sinh.

Quả thực, chính vào ngày Giáng Sinh, lúc "Bà đã sinh con đầu lòng" (Lc 2, 7), chứ không phải trước đó, mà Ðức Maria trở thành Mẹ Thiên Chúa cách thực sự và trọn vẹn. Mẹ không phải là một tước hiệu như những tước hiệu khác, thêm vào bên ngoài mà không ăn sâu tận trong chính con người đó. Người ta chỉ trở nên người mẹ khi trải qua một loạt những kinh nghiệm, những kinh nghiệm đó để lại những dấu ấn mãi mãi và làm thay đổi không những hình dạng người phụ nữ mà cả ý thức của người đó về chính mình. Làm mẹ, là một trong những biến cố xảy đến "một lần mãi mãi". Với chúng ta là Linh Mục, tôi nhớ lại lúc chịu chức, người ta nói : "Một khi làm Linh Mục thì mãi mãi là Linh Mục", do ấn tích mà, theo giáo lý Công Giáo, Bí Tích Truyền Chức in trong linh hồn. Ðiều này hẳn càng đúng đối với người phụ nữ : một khi làm mẹ thì mãi mãi là mẹ. Trong trường hợp đó ấn tích không phải là một dấu vô hình mà biến cố để lại nơi tâm hồn hay trong thân xác, mà là một tạo vật, một hài nhi, mà phận của nó mãi mãi sống bên mẹ và gọi người đó là mẹ.

Khi nói về Ðức Maria, Kinh Thánh luôn làm nổi bật hai yếu tố hay hai thì căn bản mà ngay cả kinh nghiệm thông thường của con người cũng xem đó là những yếu tố chính cấu thành vai trò làm mẹ theo nghĩa đích thực và trọn vẹn. Ðó là sự thụ thai và sinh hạ : "Và này, nơi lòng dạ, người sẽ thụ thai và sinh con" (Lc 1, 31). Trình thuật Matthêu cũng nhấn mạnh hai khía cạnh đó : "Thai sinh" nơi Người do tự Thánh Thần và Người sẽ "sinh hạ" con trai (x. Mt 1, 20tt). Tiên tri Isaia cũng dùng chính những từ ngữ đó trong lời tiên báo về sự việc : "Này cô nương sẽ thụ thai và sinh con" (Is 7, 14). Khi nói rằng, chính vào ngày Giáng Sinh mà Ðức Maria trở thành Mẹ Thiên Chúa theo nghĩa trọn vẹn, là tôi muốn hiểu như thế. Về hai khía cạnh này, Giáo Hội Latinh thường dùng tước hiệu "Mẹ Thiên Chúa" (Dei Genitrix), tước hiệu này làm nổi bật khía cạnh thứ nhất hơn. Còn tước hiệu "Theotókos" mà Giáo Hội Hylạp thường dùng, lại làm nổi bật khía cạnh thứ hai, là việc sinh hạ (tikto trong tiếng Hylạp có nghĩa là tôi sinh hạ). Khía cạnh thứ nhất, sinh đẻ, tùy thuộc cả cha lẫn mẹ, còn sinh hạ chỉ thuộc về người mẹ.

Mẹ Thiên Chúa : tước hiệu diễn tả một trong những mầu nhiệm và là một trong những nghịch lý sâu xa nhất của Kitô giáo đối với ký trí con người ; một tước hiệu làm cho Phụng Vụ Giáo Hội chất đầy nỗi kinh ngạc sững sờ. Lấy lại nỗi ngạc nhiên của dân Cựu Ước lúc vinh quang Thiên Chúa đậu tại nơi Ðền Thánh dưới dạng đám mây (1R 8, 27), Phụng Vụ cất lên : "Ðấng mà các tầng trời không thể chứa đựng đã khép mình nơi lòng dạ Người ! Ngài đã làm người 1". Mẹ Thiên Chúa là tước hiệu thuộc tín lý cổ xưa nhất và quan trọng nhất dành cho Ðức Trinh Nữ Maria. Tín hiệu này đã được định tín tại Công Ðồng Êphêsô như là chân lý mà mọi Kitô hữu phải tin. Nó là nền tảng cho tất cả sự cao cả lớn lao của Ðức Maria, là chính nguyên lý của Thánh Mẫu học. Do tước hiệu đó, Ðức Maria không những là đối tượng của lòng sùng kính mà còn là đối tượng của thần học. Nói khác đi, Ðức Maria đi vào trong chính suy tư về Thiên Chúa, vì chức vụ làm Mẹ Thiên Chúa của Ðức Maria có liên hệ trực tiếp đến Thiên Chúa. Tước hiệu này còn là một tước hiệu mang tính đại kết nhất, không những vì nó được định tín trong một Công Ðồng chung, mà còn vì đó là tước hiệu được tất cả các Giáo Hội Kitô, không phân biệt, chấp nhận, ít là trên nguyên tắc.

Chúng ta sẽ bàn về tín điều Ðức Maria "Mẹ Thiên Chúa", trọng tâm giáo lý về Ðức Maria, theo ba cách hay ba thái độ khác nhau, và ba cách này chắc hẳn sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về trọng tâm đó. Chúng ta sẽ xét tín điều này dưới khía cạnh lịch sử, trong sự chiêm ngắm của đức tin và với áp dụng thực tế cho đời sống chúng ta.


"Nếu ai không tin rằng Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa ."
Một cái nhìn lịch sử xét về hình thành tín điều.

Chúng ta không thấy Tân Ước minh nhiên dành tước hiệu "Mẹ Thiên Chúa" cho Ðức Maria. Tuy nhiên, trong đó ta thấy có những khẳng định, mà sau này, nhờ suy tư chăm chú của Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, chứng tỏ chân lý đó đã được manh nha trong Tân Ước. Như chúng ta đã biết, Tân Ước nói về Ðức Maria rằng, Người đã thụ thai và sinh một con trai, và đó là Con Ðấng Tối Cao, là Ðấng Thánh và là Con Thiên Chúa (x. Lc 1, 31 - 32. 35). Như thế, đối với các Tin Mừng, Maria là mẹ của một người con, người con đó chúng ta biết là Con Thiên Chúa. Maria thường được gọi là Mẹ của Ðức Giêsu, Mẹ của Chúa (x. Lc 1, 43) hay đơn giản là "Mẹ" hoặc "Mẹ Ngài"���������� (x. Yn 2, 1 - 3). Giáo Hội , trong sự tiến triển của đức tin, làm sáng tỏ cho mình Giêsu là ai trước khi tìm hiểu Maria là mẹ của ai. Tất nhiên, không phải tới Công Ðồng Êphêsô năm 431, Ðức Maria mới là Mẹ Thiên Chúa, cũng như không phải tới Công Ðồng Nicée 325, là Công Ðồng định tín Ðức Giêsu là Thiên Chúa thì Ngài mới bắt đầu là Thiên Chúa. Ngài đã là Thiên Chúa từ trước. Ðúng hơn, đó là thời điểm mà trong sự tiến triển và minh giải đức tin của mình, dưới sức ép của lạc giáo, Giáo Hội ý thức đầy đủ và xác định lập trường của mình về chân lý đó.

Việc khám phá ra một ngôi sao mới cũng tương tự như thế : không phải lúc ánh sáng của nó chiếu tới địa cầu và nhà quan sát thâu được thì lúc đó nó mới ra đời, nhưng nó đã hiện hữu từ trước, có thể từ cả hàng ngàn năm ánh sáng. Việc định tín của Công Ðồng là lúc ngọn đèn được đặt lên trụ đèn, tức là Kinh Tin Kính của Giáo Hội.

Trong tiến trình dẫn đến việc long trọng công bố Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta phân biệt ba giai đoạn chính.

Mẫu tính "thể lý" của Ðức Maria : thời kỳ chống thuyết ngộ đạo.

Lúc ban đầu và trong suốt thời kỳ mà cuộc chiến chống các lạc giáo ngộ đạo và ảo thân chi phối, mẫu tính của Ðức Maria được xem xét hầu như chỉ dưới khía cạnh thể lý. Các lạc giáo này phủ nhận việc Ðức Kitô có một thân xác nhân loại đích thực, hoặc nếu có thì thân xác đó không phải sinh bởi một người nữ, hay nếu sinh bởi một người nữ đi nữa, thì nó không thực sự là hoa quả do xác thịt, máu huyết của người nữ đó. Ðể chống lại chủ trương như thế, cần phải mạnh mẽ khẳng định rằng Giêsu thực sự là con của Ðức Maria và là "hoa quả lòng Người" (Lc 1, 42), và rằng Maria thực sự và xét theo bản tính, là Mẹ của Ðức Giêsu. Là vì một số người theo lạc giáo vẫn công nhận Ðức Giêsu sinh bởi Ðức Maria, nhưng họ lại không nghĩ rằng Ngài đã được thụ thai trong lòng Ðức Maria, từ chính xác thịt của Ðức Maria : Ðức Kitô sinh "qua" Ðức Trinh Nữ, chứ không sinh "bởi" Ðức Trinh Nữ, vì "từ trời, Ngài được đưa vào lòng Ðức Trinh Nữ và Ngài ra khỏi đó như kiểu là đi qua hơn là một sinh sản thực sự. Ngài đến không phải bởi Ðức Trinh Nữ mà là qua Ðức Trinh Nữ, nên đối với Ngài, Ðức Trinh Nữ không phải là Mẹ mà là con đường 2",Ðức Maria "không mang thai Ðức Giêsu như là con mình nhưng như khách trọ của mình 3".

Mẫu tính của Ðức Maria, trong giai đoạn đầu tiên này, được dùng chủ yếu để chứng minh nhân tính đích thực của Ðức Giêsu. Ðiều khoản trong Kinh Tin Kính : "Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã sinh ra - Người đã mang lấy xác phàm - bởi Ðức Trinh Nữ Maria". Ban đầu, bản văn này chỉ muốn khẳng định rằng Ðức Giêsu là Thiên Chúa và là người : Thiên Chúa, xét vì Ngài sinh ra theo Thần Khí, nghĩa là bởi Thiên Chúa, và là người, xét vì Ngài sinh ra theo xác phàm, nghĩa là bởi Ðức Maria.

Mẫu tính "siêu hình" của Ðức Maria : thời kỳ tranh luận lớn về Kitô học.

Tước hiệu Theotókos đã xuất hiện lần đầu tiên trong thời kỳ xa xưa đó, thời mà mẫu tính thực sự hay mẫu tính tự nhiên của Ðức Maria được khẳng định để chống lại phái ngộ đạo và ảo thân, và rồi, việc xử dụng tước hiệu này sẽ dẫn Giáo Hội đến chỗ khám phá ra mẫu tính thần linh sâu thẳm hơn, và chúng ta có thể gọi đó là mẫu tính siêu hình. Những tranh luận lớn về Kitô học thế kỷ V là nguyên lai của bước tiến triển này. Vấn đề trọng tâm về Ðức Giêsu Kitô lúc bấy giờ không còn là vấn đề nhân tính đích thực của Ngài mà là vấn đề về sự "duy nhất" ngôi vị của Ðức Kitô. Mẫu tính của Ðức Maria được hiểu không những trong sự qui chiếu về nhân tính của Ðức Kitô, mà đúng hơn qui chiếu về ngôi vị duy nhất của Ngôi lời làm người. Và bởi ngôi vị duy nhất đó sinh ra theo xác phàm không gì khác hơn là ngôi vị thần linh của Chúa Con nên Ðức Maria xuất hiện như là "Mẹ Thiên Chúa" đích thực.

Về điều này, chúng ta có thể xem những gì xảy đến với tư cách làm mẹ bình thường của con người như một ví dụ. Một người mẹ cho con mình thân xác, còn linh hồn trực tiếp do Thiên Chúa phú bẩm. Thế nhưng tôi không gọi là mẹ của thân xác tôi mà chỉ gọi là "mẹ tôi", mẹ của tất cả con người tôi, bởi lẽ nơi tôi linh hồn và thân xác làm thành một bản tính độc nhất, chỉ một thực tại con người mà thôi. Cũng tương tự như thế, Ðức Maria phải được gọi là Mẹ Thiên Chúa, dù rằng Người chỉ cho Ðức Giêsu nhân tính chứ không cho thần tính, vì nơi Ngài nhân tính và thần tính làm thành một ngôi vị duy nhất.

Mối liên hệ giữa Ðức Maria và Ðức Kitô không chỉ thuộc bình diện thể lý mà còn thuộc bình diện siêu hình. Ðiều này đặt Ðức Maria lên một đỉnh cao chất ngất, vì qua đó, Ðức Maria có một mối liên hệ độc nhất vô nhị với Chúa Cha. Tại Công Ðồng Êphêsô, chân lý này mãi mãi trở thành một thủ đắc của Giáo Hội. Một bản văn được Công Ðồng này phê chuẩn tuyên bố : "Nếu ai không tuyên xưng rằng Thiên Chúa thực sự là Ðấng Emmanuel (và do đó) không tuyên xưng rằng Ðức Maria, vì sinh Ngôi Lời Thiên Chúa làm người theo xác phàm, là Theotókos, người đó phải vạ tuyệt thông 4". Lời tuyên bố của bản văn này đã khiến cho dân Êphêsô, những người đang chờ các nghị phụ ra khỏi phòng họp Công Ðồng, reo mừng hớn hở và, với đèn đuốc trong tay, họ hát lên những bài thánh ca, tháp tùng các nghị phụ đến tận nơi ở của các vị. Lời công bố này làm dậy nên lòng sùng kính không ngơi đối với Mẹ Thiên Chúa, ở Ðông cũng như Tây phương. Các ngày lễ trong Phụng Vụ, các ảnh thánh (icônes), các thánh thi và vô số thánh đường được xây dựng để mừng kính Ðức Maria là sự biểu lộ hùng hồn lòng sùng kính đó.

Mẫu tính "tinh thần" của Ðức Maria : cống hiến của Tây phương.

Ðào sâu như vậy chưa phải đã đến mức tận cùng. Sau cấp độ thể lý, sau cấp độ siêu hình, còn một cấp độ khác cần phải khám phá về mẫu tính thần linh (chức làm Mẹ Thiên Chúa) của Ðức Maria. Trong các tranh luận Kitô học, tước hiệu Theotókos, mặc dầu là một tước hiệu về Ðức Maria, nhưng giá trị của nó được khẳng định nhằm đến ngôi vị Ðức Kitô hơn là vì con người Ðức Maria. Người ta vẫn chưa rút ra tất cả các hệ quả của tước hiệu đó đối với con người của Ðức Maria và nhất là sự thánh thiện vô song của Người. Theotókos thay vì là sự biểu lộ của đức tin và của lòng kính mến của Giáo Hội đối với Ðức Maria, lại có nguy cơ trở thành một vũ khí giữa các trào lưu thần học đối nghịch. Một chi tiết nhỏ đủ cho thấy rõ điều đó : khi cuộc tranh luận lên đến cực điểm, thánh Cyrille thành Giêrusalem đã chiến đấu như một mãnh sư để bảo vệ cho tước hiệu Theotókos, thế nhưng trên thực tế, trong số các Giáo Phụ, ngài lại là người buông ra một cung chói tai trong bản hòa tấu ca ngợi, tôn vinh sự thánh thiện của Ðức Maria. Ngài đứng vào số ít người gán cho Mẹ Chúa những yếu đuối và khiếm khuyết, nhất là trên đồi Canvê. Theo sau Origène, Cyrille không thể nào chấp nhận được việc một phụ nữ, dù đó là Mẹ Ðức Giêsu, lại có thể có một đức tin và một lòng dũng cảm lớn lao hơn các tông đồ, là những người, tuy là bậc nam nhi, cũng đã phải chao đảo, rúng động trong cuộc Khổ Nạn 5. Những kiểu suy nghĩ như vậy phát xuất từ sự đánh giá thấp phụ nữ khá phổ biến trong thế giới cổ thời. Ðiều đó cũng cho thấy rằng việc nhìn nhận mẫu tính thể lý hay siêu hình của Ðức Maria cũng chẳng lợi ích bao nhiêu nếu người ta không đồng thời biết nhìn nhận một mẫu tính tinh thần nơi Ðức Maria, mẫu tính đó không những ghi sâu nơi thân xác mà còn cả nơi tâm hồn.

Ðóng góp lớn lao của các văn sĩ Latinh, nhất là thánh Augustino, chính là ở điểm này. Mẫu tính của Ðức Maria được trình bày như là mẫu tính trong đức tin, một mẫu tính tâm linh. Chúng ta thấy cả một bài thơ vĩ đại ca ngợi lòng tin của Ðức Maria. Trước lời của Ðức Giêsu : "Ai là Mẹ Ta .", thánh Augustino đã gán� cho Ðức Maria, ở mức độ cao nhất, mẫu tính tinh thần đó, tức là việc thi hành Thánh Ý Cha : "Ðức Trinh Nữ Maria, kẻ đã tin bằng lòng tin, đã thụ thai bằng lòng tin, đã được chọn để khai sinh ơn cứu độ nhân loại, kẻ đã được tạo thành bởi Ðức Kitô trước khi Ðức Kitô được tạo thành nơi Người, chẳng lẽ Người đã không thi hành Thánh Ý Cha ? Chắc chắn Ðức Maria rất thánh đã thi hành Thánh Ý Cha, và vì thế, đối với Ðức Maria, việc làm môn đệ Ðức Kitô là điều lớn lao hơn so với việc làm Mẹ Ðức Kitô 6".

Như thế, mẫu tính thể lý và mẫu tính siêu hình của Ðức Maria được hoàn thành nhờ sự nhìn nhận về mẫu tính tinh thần hay mẫu tính của lòng tin, chính mẫu tính này đã khiến Ðức Maria trở thành nữ tử đầu tiên và là môn đệ ngoan hiền nhất của Ðức Kitô và, như thánh Augustino viết, là thụ tạo mà "vì vinh dự của Chúa, người ta thậm chí không nhắc đến khi nói về tội lỗi 7". Do mối quan hệ đặc biệt và độc nhất mà mẫu tính thể lý (maternité physique) hay mẫu tính thực (maternité réelle) tạo nên giữa Ðức Maria và Ðức Giêsu, giữa Ðức Maria với cả Ba Ngôi Thiên Chúa, nên mẫu tính đó xét cách khách quan, là và vẫn mãi là đặc quyền lớn lao nhất, khôn sánh. Nhưng, mẫu tính thể lý sở dĩ được như thế là vì nó có được lời giải đáp phát xuất từ tâm hồn (réponse subjective), trong lòng tin khiêm hạ của Ðức Maria. Với Evà, "làm mẹ chúng sinh" chắc chắn là một ưu quyền độc nhất vô nhị, nhưng vì không có lòng tin, điều đó chẳng ích lợi gì cho bà, hay nói đúng hơn, chính vì đó mà bà trở nên bất hạnh thay vì hạnh phúc.

"Con của con mình" : một cách chiêm ngắm Mẹ Thiên Chúa.

Giờ đây, chúng ta tiếp cận tín điều Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, theo cách thứ hai : tiếp cận bằng chiêm niệm. Chiêm niệm không phải là tìm kiếm chân lý, nhưng là thưởng thức chân lý đã gặp được, thưởng nếm chiều sâu và sự phong phú của nó. Như đã có tác giả viết, các tín điều của Giáo Hội cổ thời giống như "những hoàng tử và những nàng công chúa kiều diễm thiếp ngủ trong lâu đài thần tiên ; chỉ cần đánh thức là chúng chỗi dậy trong tất cả vẻ huy hoàng rực rỡ 8".tìn Ðiều Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa cũng nằm trong số đó : chúng ta có bổn phận phải làm cho nó sống động bằng hơi thở của Thánh Thần, vì Thần Khí ban lại sự sống, ngay cả cho những bộ xương khô. Tựa mặt trời mỗi ngày vẫn mọc lên trong tất cả ánh huy hoàng của nó, như trong buổi bình minh của tạo dựng và làm cho mắt phàm nhân được chan hòa ánh sáng, các chân lý đức tin cũng phải như thế mới có thể phát huy hiệu lực của chúng.

Một số icône Ðông phương, như bức Trinh Nữ của Vladimir, hay Trinh Nữ Dịu Hiền, nếu có được trước mắt để chiêm ngắm trong phần suy niệm này thì rất tốt, vì đó là những khuôn mẫu tuyệt vời nhất cho việc chiêm ngắm Me Thiên Chúa. Giữa bức icône về Mẹ Thiên Chúa và một bài giảng về Mẹ Thiên Chúa, có một sự tương đồng rất sâu xa. Dù là qua cái nhìn hay qua sự lắng nghe của lòng tin, cả hai đều phải làm cho mầu nhiệm vừa cổ xưa vừa luôn mới mẻ được lộ diện. Người vẽ icône lắng đọng tâm hồn, cầu nguyện, ăn chay, không phải để sáng tạo ra một điều gì đó mới lã, độc đáo hay để khai triển một lối nhìn của riêng mình, nhưng là để có thể làm thực tại vô hình được định hình trong màu sắc. Nhà giảng thuyết cũng thế, phải đánh thức mầu nhiệm, làm cho mầu nhiệm trở thành thực tại sinh động, và để làm được như thế, người ấy phải giữ lấy truyền thống, tiếp nhận cả một di sản và thông tuyền di sản đó. Nếu có trích dẫn các Giáo Phụ, thi sĩ, triết gia, thì không phải vì chú trọng đến sự thông thái, mà vì các lời hằng sống của Thiên Chúa chỉ có thể thông truyền trong một môi trường sống động, như truyền thống và văn hóa. Giữa hai điều đó, icône và bài giảng có sự trao đổi hỗ tương. Lời cần đến sự trợ giúp của màu sắc, như hiện tại tôi đang làm, nhưng màu sc81 cũng cần sự tợ giúp của lời.

Ở tất cả các icône về Mẹ Thiên Chúa, phía trên hay bên cạnh, người ta luôn đọc thấy các quy tắc : "Mẹ Thiên Chúa". Tại sao lại có quy tắc vẽ icône lạ lùng như thế ? Chẳng lẽ nghệ sĩ vẽ icône lãi nghĩ chúng ta có thể lầm và tưởng đó là một người phụ nữ khác chứ không phải là Ðức Maria? Chắc chắn là không. Câu ghi đó không nhằm làm cho người ta nhận ra nhân vật, vì đó là điều vô ích, nhưng nó công bố chân lý đức tin, bằng lời, bằng chữ viết. Ðó không phải là một didascalie (lời chỉ dẫn) mà là một homologie (lời xưng nhận), một lời tuyên xưng đức tin mà nghĩa của nó là : chúng tôi tin rằng người nữ này là Mẹ Thiên Chúa.

Chúng ta hãy cố hướng nhìn về Mẹ Thiên Chúa bằng "một cái nhìn thư thái, thấm sâu, trìu mến và yên định (vì chiêm niệm là như thế)". Nếu có thể, chúng ta hãy đặt ảnh thánh của Người trước mắt. Dần dần chúng ta sẽ khám phá thấy tước hiệu Mẹ Thiên Chúa thật là phong phú. Tước hiệu đó lần lượt nói cho chúng ta về Ðức Giêsu, về Thiên Chúa và về Ðức Maria.

"Mẹ Thiên Chúa" nói cho chúng ta về Ðức Giêsu.

Mẹ Thiên Chúa ban đầu là tước hiệu liên hệ đến Ðức Giêsu nhiều hơn là Ðức Trinh Nữ Maria. Ðối với Ðức Giêsu, như chúng ta thấy, tước hiệu này chứng thực rằng Ngài đích thực là người : "Tại sao chúng ta nói Ðức Kitô là người nếu không phải vì Ngài sinh bởi Ðức Maria, một con người 9". Ngài là người không những xét về yếu tính mà còn cả trong hiện hữu của Ngài, bởi lẽ Ngài muốn chia sẽ không những bản tính mà còn cả kinh nghiệm nữa. Ngài đã sống cuộc đời con người trong tất cả thực tại cụ thể của nó : "Thiên Chúa nói : người ta luôn nói đến Gương Chúa Giêsu. Ðó là sự bắt chước, con người muốn bắt chước Con của Thiên Chúa cách trung thực . Nhưng cuối cùng, đừng quên rằng Con Ta đã khởi đầu bằng việc bắt chước con người cách đặc biệt. Ðặc biệt trung thực. Một sự bắt chước tới mức trở nên đồng nhất hoàn toàn. Khi Người mặc lấy thân phận con người một cách quá trung thực, quá trọn vẹn. Khi Người bắt chước sinh ra một cách quá trung thực, quá trọn vẹn. Và bắt chước đau khổ. Và sống. Và chết 10". Ban đầu, khía cạnh người ta khó chấp nhận nhất nơi Ðức Kitô đó là việc Ngài được thụ thai và sinh hạ bởi một người nữ. Với một trong những người lạc giáo mà chúng ta đã nói đến trên đây, rùng mình trước ý tưởng về một Thiên Chúa "co lại trong dạ mẹ, sinh ra trong đau đớn, được rửa ráy và quấn tã", Tertullien đã trả lời : "Ðó là vì Ðức Kitô yêu thương con người và cùng với con người, Ngài đã yêu mến cả cách con người sinh ra đời 11". Và ông còn nói thêm, sự sinh ra của một con người và nỗi đau đớn của người đàn bà lúc sinh con, đó là điều tự nhiên ta phải kính trọng, còn ngươi lại đi khinh thường. Thế ngươi đã sinh ra đời như thế nào ?

Tiếp đến, tước hiệu "Mẹ Thiên Chúa" chứng thực Ðức Giêsu là "Thiên Chúa" chứ không phải chỉ là một con người, dù là một tiên tri vĩ đại nhất, bấy giờ mới có thể gọi Ðức Maria là "Mẹ Thiên Chúa". Nếu không, người ta có thể gọi Người là Mẹ của Ðức Giêsu, Mẹ của Ðức Kitô, chứ không gọi là Mẹ Thiên Chúa. Tước hiệu "Mẹ Thiên Chúa" như một cuốn sách chỉ dẫn, như người lính canh có nhiệm vụ giữ cho tước hiệu "Thiên Chúa" dành cho Ðức Giêsu không bị mất đi ý nghĩa của nó. Khi không còn nhìn nhận Ðức Giêsu là Thiên Chúa làm người thì tước hiệu Mẹ Thiên Chúa không còn chính đáng, thậm chí trở thành điều lộng ngôn, phạm thượng. Suy cho kỹ thì đây là tước hiệu duy nhất có thể loại bỏ mọi hàm hồ, nghi nghĩa về thần tính của Ðức Giêsu, bởi đây là người lính canh do chính bản tính đặt lên chứ không chỉ đơn thuần là suy tư triết học (như tước hiệu homooùsios - đồng bản thể). Người ta có thể gọi Giêsu là Thiên Chúa, nhưng, như trong quá khứ và ngay cả ngày nay đáng tiếc là vẫn xảy ra, người ta hiểu chữ "Thiên Chúa" với những nội dung hết sức khác nhau : Giêsu là Thiên Chúa do được thừa nhận, được Thiên Chúa ngự bên trong (par inhabitation) hay chỉ là một cách nói (Dieu par manière de parler). Trong những trường hợp như thế, người ta không còn có thể tiếp tục gọi Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa nữa. Người chỉ là Mẹ Thiên Chúa nếu Ðức Giêsu là Thiên Chúa ngay từ lúc Ngài sinh ra bởi Người. Những gì xảy ra sau đó không còn liên hệ đến người mẹ trong tư cách là mẹ nữa. Không thể nói Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa nếu người ta hiểu chữ "Thiên Chúa" khác với những gì mà Giáo Hội muốn nói lên tại Công Ðồng Nicée và Chalcédoine.

Cuối cùng, liên hệ đến Ðức Giêsu, tước hiệu Mẹ Thiên Chúa chứng thực rằng Ngài là Thiên Chúa và là người trong cùng một ngôi vị. Ðây là lý do chính khiến các nghị phụ Công Ðồng Êphêsô chấp nhận tước hiệu này. Nó diễn tả sự hiệp nhất sâu xa giữa Thiên Chúa và con người thực hiện nơi Ðức Giêsu,nói lên cách thức mà Thiên Chúa kết hiệp với con người cũng như cách thức mà Ngài muốn con người hiệp nhất với Ngài, trong sự duy nhất thâm sâu nhất, sự duy nhất của ngôi vị. Như các Giáo Phụ đã nói, cung lòng Ðức Maria như chiếc "giường cưới" (lit nuptial) nơi hoàn tất hôn lễ giữa Thiên Chúa và nhân loại, là "máy dệt" dệt nên tấm áo hiệp nhất, là xưởng thợ (ergastérion), nơi thực hiện sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa và con người 12.

Nếu nơi Ðức Giêsu, nhân tính và thần tính kết hiệp với nhau chỉ bằng sự hiệp nhất luân lý chứ không phải hiệp nhất ngôi vị, như những người lạc giáo bị kết án ở Công Ðồng Êphêsô chủ trương, thì người ta không thể gọi Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa, mà chỉ có thể gọi là Mẹ Ðức Kitô, Chritotókos, chứ không phải là Theotókos. "Các nghị phụ không sợ gọi Ðức Trinh Nữ là �Mẹ Thiên Chúa�, chắc chắn không phải vì bản tính của Ngôi Lời hay thần tính của Ngài phát xuất từ Ðức Maria, nhưng là vì chính bởi Ðức Maria mà thân xác thánh thiện của Ngài sinh ra, một thân xác được phú ban một linh hồn có lý trí và Ngôi Lời đã kết hiệp với thân xác đó đến mức, cùng với thân xác đó làm thành một ngôi vị duy nhất 13". Như thế, tước hiệu Mẹ Thiên Chúa khác nào một thành trì để chống lại khuynh hướng biến Ðức Giêsu thành một ý niệm, một nhân vật theo vẻ bề ngoài (personnage) chứ không còn đúng thực là một ngôi vị (vraie personne), và đằng khác, chống lại sự phân cắt nhân tính khỏi thần tính nơi Ðức Giêsu, vì điều này sẽ khiến ơn cứu độ bị hủy hoại. Ðức Maria là người đã neo chặt Thiên Chúa vào trần gian, vào nhân loại, và bằng mẫu tính thần linh và nhân linh trọn vẹn vủa Người, Người đã làm cho Thiên Chúa mãi mãi trở thành Ðấng Emmanuel, Vì Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, Người đã làm cho Ðức Kitô trở thành anh em của chúng ta.


"Mẹ Thiên Chúa" nói cho chúng ta về Thiên Chúa.

Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa còn nói cho chúng ta về Thiên Chúa. Nó bộc lộ cho chúng ta khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa là Cha, con và Thánh Thần. Ngày hôm nay, có thể nói việc làm sáng tỏ khía cạnh này sẽ là điều hữu ích nhất và đúng thời nhất, giống như tước hiệu trên đã có ý nghĩa như thế nào trong thời gian xảy ra những tranh luận lớn vào thế kỷ thứ V. Quả vậy, ngày nay vấn đề trở nên triệt để hơn lúc bấy giờ. Nó liên quan đến Thiên Chúa theo nghĩa rộng nhất của từ ngữ, rộng hơn gấpbội so với những khía cạnh riêng biệt nào đó của mầu nhiệm Kitô giáo. Vấn đề không còn là nhất tính thuyết (monophysisme) nữa mà là vô thần thuyết (athéisme).

Vậy tước hiệu của Ðức Maria nói cho chúng ta điều gì về Thiên Chúa ? Trước tiên nói về sự khiêm hạ của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã muốn có một người mẹ, trong khi ngày nay, một số người đi đến chỗ cảm thấy rằng đối với con người, việc có một người mẹ là điều lạ lùng, thậm chí là điều xúc phạm, vì nó bao hàm sự lệ thuộc triệt để, và nói lên rằng con người không tự làm nên chính mình, không thể một mìnhxây dựng dự phóng của chính cuộc đời mình mà không nhờ đến ai !

Tự bao giờ, con người vẫn tìm kiếm Thiên Chúa trên những đỉnh coa. Bằng nỗ lực tu đức hay tri thức, con người tìm cách xây dựng lên một thứ kim tự tháp, nghĩ rằng trên chóp đỉnh của nó, họ sẽ gặp được Thiên Chúa hay một điều tương đương, và trong một số tôn giáo thì đó là Hư Không. Con người không nhận ra rằgn Thiên Chúa đã đi xuống, đã đảo lộn kim tự tháp và đặt mình tận nền sâu để mang lấy tất cả, mang tất cả chúng ta trên Ngài. Thiên Chúa đã đến nơi cung lòng một người nữ trong âm thầm lặng lẽ. Quả thực phải nói rằng : điều đó đáng tin, chính vì đó là điều điên rồ. Ðiều đó chắc chắn, chính vì đó là điều bất khả ; đó là việc của Thiên Chúa, vì nó không do loài người 14. Tương phản biết bao với Thiên Chúa của các triết gia, quả như gáo nước lạnh dội vào lòng trí tự kiêu của con người và như lời mời gọi hãy sống khiêm hạ ! Thiên Chúa xuống ngay giữa lòng vật chất, bởi lẽ mẹ, mater, phát xuất từ vật chất, matière, theo nghĩa cao quí nhất của từ ngữ, nghĩa là thực tại cụ thể. Vị Thiên Chúa thành xác phàm trong lòng một người nữ cũng chính là Ðấng mà sau đó đã hiện diện ngay giữa lòng vật chất của thế giới này, hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể : chỉ một và cùng một nhiệm cục, chỉ một và cùng một phong cách. Thánh Irênê đã có lý khi cho rằng người nào không hiểu được việc Thiên Chúa sinh ra bởi Ðức Maria thì cũng không thể hiểu được BÍ tích Thánh Thể. Tất cả những điều này, hơn bất cứ lời lẽ nào, công bố rằng Thiên Chúa của người Kitô hữu là ân sủng, và người ta đón nhận được ân sủng đó bằng con đường dâng hiến chứ không phải bằng con đường chinh phục.

Khi chọn sinh ra bởi một người mẹ, để mạc khải chính mình ngài cho chúng ta, Thiên Chúa đã nhắc nhở con người mê muội - vốn xem là xấu điều không có gì xấu, còn chính điều xấu lại không nhận�� ra - biết rằng tất cả đều thanh sạch. Ngài công bố những gì Ngài tạo dựng nên đều là thánh thiện. Ngài thánh hóa và cứu chuộc không những bản tính theo nghĩa trừu tượng, mà cả sự sinh ra của con người cũng như tất cả thực tại của cuộc sống làm người.

Ðặc biệt, Thiên Chúa đã tỏ cho thấy phẩm giá của người phụ nữ : "Khi thời viên mãn đến, Thiên Chúa đã sai Con của Người, sinh bởi người phụ nữ" (Ga 4, 14). Nếu Thánh Phaolô viết : "Sinh bởi Maria", thì hẳn người ta sẽ thấy đó chỉ là một chi tiết tiểu sử. Khi nói : "Sinh bởi một người nữ", ngài đã làm cho khẳng định của mình mang một tầm mức phổ quát, rộng lớn. Nơi Ðức Maria, chính người phụ nữ, mỗi một phụ nữ được nâng lên tới một chiều cao không thể tưởng. Maria ở đây là người NỮ. Ngày nay, người ta thường xuyên nói đến việc thăng tiến phụ nữ, đó là một trong những dấu đẹp nhất, khích lệ nhất của thời đại chúng ta. Tuy nhiên, so với Thiên Chúa thì chúng ta đi quá trễ. Ngài đã đi trước tất cả chúng ta. Ngài tặng ban cho người phụ nữ một vinh dự đến mức chúng ta phải câm lặng và suy nghĩ về tội của mình.

"Mẹ Thiên Chúa" nói cho chúng ta về Ðức Maria.

Cuối cùng, tước hiệu "Mẹ Thiên Chúa" nói cho chúng ta về Ðức Maria. Trong hoàn vũ này, Ðức Maria là người duy nhất có thể nói với Ðức Giêsu bằng chính lời của Chúa Cha : "Con là Con Ta, hôm nay Ta đã sinh ra Con !" (x. Tv 2, 7 ; Hr 1, 5). Thánh Ignatio thành Antiokia nhìn nhận Ðức Giêsu là "bởi Thiên Chúa và bởi Ðức Maria 16" một cách thật đơn sơ, và hầu như ngài cũng không lường được tầm vóc mà ngài dành cho một tạo vật qua câu nói đó, như khi chúng ta nói về một người rằng người đó là con của ông này và của bà kia. Dante Alighieri đã tóm tắt hai nghịch lý về Ðức Maria, là "Trinh Nữ đồng thời là Mẹ" và là "Mẹ đồng thời là con" trong một câu thơ duy nhất : "Hỡi Trinh Mẫu, nữ tử của Con Bà 17".

Tước hiệu "Mẹ Thiên Chúa", chỉ nguyên mình nó cũng đã đủ làm nên sự cao cả của Ðức Maria và biện minh cho vinh dự dành cho Mẹ. Ðôi lúc người ta trách người Công Giáo đã gán cho Ðức Maria một vinh dự và tầm quan trọng quá đáng. Cần phải nhìn nhận điều đó : lời trách cứ có thể đúng, ít là trong sự trình bày các sự việc. Thế những người ta lại không bao giờ nghĩ đến những gì Thiên Chúa đã thực hiện. Thiên Chúa đi sâu vào việc làm cho Ðức Maria được vinh dự khi cho Người trở thành Mẹ Thiên Chúa, đến nỗi không ai có thể làm hay nói gì hơn nữa, dù người đó, như chính Luther đã viết, có lưỡi nhiều như lá cỏ : "Khi gọi Người là Mẹ Thiên Chúa thì mọi vinh dự thuộc về Người đều được hàm chứa trong đó. Không ai có thể nói về Người hay nói với người điều gì lớn lao hơn nữa, dù người đó có lưỡi nhiều như lá cỏ, nhiều như sao trời, cát biển. Vì thế tâm hồn chúng ta cần phải suy nghĩ xem việc làm Mẹ Thiên Chúa có nghĩa là thế nào 18".

Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa đặt Ðức Maria trong mối liên hệ độc nhất vô nhị với mỗi ngôi vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong mỗi lời kinh, thánh Phanxicô thành Assise đã diễn tả điều đó như sau : "Lạy Ðức Thánh Trinh Nữ Maria, trong các phụ nữ trên đời, không có ai được giống như Mẹ : là ái nữ và là Nữ Tỳ của Vua chí cao, của Cha trên trời, là Mẹ của Chúa chúng con, Ðức Giêsu Kitô chí thánh, là Hiền Thê của Thánh Thần . xin cầu cùng Con chí thánh và chí ái của Mẹ, là Chúa và là Thầy của chúng con, cho chúng con 19".

Mẹ Thiên Chúa là một tước hiệu vĩnh viễn, mãi mãi không thay đổi, vì Mầu Nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời vẫn còn mãi. Bởi chưng, nhân tính của Ðức Kitô, của Ðấng đã chết và giờ đây hằng sống (x. Kh 1, 18) đang hiện hữu nơi Giêrusalem Thiên Quốc, và cả người nữ được nhìn nhận và được tôn kính như là Mẹ của Ngài cũng thế. Nếu Ðức Giêsu đã không thẹn mà gọi chúng ta là anh em của Ngài (x. Hr 2, 11tt), thì chẳng lẽ bạn lại nghĩ rằng Ngài sẽ thẹn mà gọi Ðức Maria là Mẹ Ngài sao ! Ðể chứng tỏ chân tính của mình và để biểu lộ sự độc lập của một Vì Thiên Chúa, Ngài chẳng cần phải phủ nhận việc mình đã có một người mẹ, như một số hiệp sĩ vĩ� đại ngày nay muốn bảo vệ cho tự do con người.

Tước hiệu "Mẹ Thiên Chúa" ngày nay còn là điểm gặp gỡ và là nền tảng chung cho mọi Kitô hữu, từ nền tảng đó chúng ta có thể tìm lại sự nhất trí về vị trí của Ðức Maria trong đức tin. Ðây là tín hiệu duy nhất mang tính đại kết, không những trên nguyên tắc vì đã được định tín trong một Công Ðồng chung, mà cả trên thực tế, vì nó được tất cả các Giáo Hội nhìn nhận. Chúng ta vừa thấy Luther có những suy nghĩ như thế nào. Trong một dịp khác, ông viết : "Tín điều khẳng định Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa đã có hiệu lực trong Giáo Hội ngay từ ban đầu, Công Ðồng Êphêsô không định tín như một điều khoản mới, vì đó là một chân lý đã được xác lập trong Tin Mừng và trong Kinh Thánh . Những lời này (Lc 1, 32 ; Ga 4, 4) tuyên bố một cách hết sức quả quyết rằng Ðức Maria quả thật là Mẹ Thiên Chúa 20"."Chúng tôi tin, dạy và tuyên xưng rằng Ðức Maria được gọi cách chính đáng là Mẹ Thiên Chúa và quả thật Người là như thế 21", đó là lời người ta đọc thấy trong một định tín đức tin được soạn sau khi ông mất. Một trong những người khởi xướng phong trào Cải Cách khác viết : "Theo nhận định của tôi, Ðức Maria được gọi là Mẹ Thiên Chúa, Theotókos thần linh, được tuyển chọn trước khi có đức tin 22". Phần Calvin thì viết : "Kinh Thánh minh nhiên cho chúng ta biết rằng Ðấng sẽ sinh bởi Ðức Trinh Nữ Maria sẽ được gọi là Con Thiên Chúa (Lc 1, 32), và rằng chính Ðức Trinh Nữ là Mẹ của Chúa chúng ta 23".

Như thế, Mẹ Thiên Chúa, Théotokos, là tước hiệu mà chúng ta phải luôn qui chiếu về, đồng thời, như anh em Chính Thống đã làm rất đúng, phân biệt tước hiệu đó với vô vàn danh xưng, tước hiệu khác của Ðức Maria. Nếu tước hiệu này được tất cả các Giáo Hội coi trọng và thực sự làm nổi bật chứ không chỉ đơn thuần nhìn nhận như một chân lý thuộc tín lý, thì có lẽ đủ tạo nên sự duy nhất căn bản chung quanh Ðức Maria, thay vì là nguồn chia rẽ giữa các Kitô hữu, Ðức Maria trở thành nhân tố quan trọng nhất sau Chúa Thánh Thần, cho sự hiệp nhất tất cả các Kitô hữu (đại kết), bởi trong vai trò làm Mẹ, Người đã giúp "thâu họp con cái Thiên Chúa tản mác về lại làm một" (x. Yn 11, 52). Với các Giáo Hội Tin Lành còn đang dè dặt đối với Ðức Maria (và như tôi đã nói, phần nào là do lỗi chúng ta), và mặc dù tôi nhìn nhận có sự khác biệt vô cùng giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần, nhưng tôi xin được lặp lại lời mà, một lúc nào đó, một Giáo Phụ đã kêu lên nhằm thúc giục những người đương thời vượt qua những do dự, nghi nan để tôn xưng thần tính trọn vẹn của Chúa Thánh Thần : "Cho tới bao giờ chúng ta còn để đèn dưới đáy thùng ? Ðã đến lúc đặt đèn lên giá để nó chiếu sáng trong tất cả các Giáo Hội, trong tất cả các tâm hồn và trên toàn thế giới 24". Trong thời gian họp Công Ðồng Êphêsô, một Giám Mục đã nói với các nghị phụ trong bài giảng lễ như sau : "Chúng ta đừng tước mất của Ðức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa vinh dự mà Mầu Nhiệm Nhập Thể đã trao cho Người. Tôn vinh thập giá ô nhục đã mang Ðức Kitô đồng thời với việc tôn vinh các bàn thờ, và làm cho thập gía đó rạng rỡ trên khuôn mặt Hội Thánh, rồi sau đó lại không muốn nhìn nhận vinh dự làm Mẹ Thiên Chúa của người đã tiếp nhận thần tính vì nhắm tới một việc thiện hảo lớn lao đến thế, chư huynh kính mến, đấy lại không là điều vô lý sao 25".

Mẹ Ðức Kitô : noi theo Mẹ Thiên Chúa.

Trên con đường bước theo Ðức Maria, phương thế tiến hành của chúng ta là chiêm ngắm mỗi "bước chân" mà Mẹ đã thực hiện, để rồi sau đó noi theo trong đời sống của mình. Nhưng làm sao noi theo Ðức Trinh Nữ Maria trong việc làm Mẹ Thiên Chúa ? Ðức Maria có thể nào là "hình bóng của Giáo Hội", nghĩa là khuôn mẫu của Giáo Hội, ngay cả về điểm này ? Không những là có thể mà là còn chắc chắn nữa, như Origène, thánh Augustino, thánh Bernard, đã đi đến chỗ nói rằng, nếu không noi theo được thì tước hiệu của Ðức Maria sẽ chẳng có ích gì đối với họ. Origène nói : "Nếu Ðức Kitô sinh ra một lần bởi Ðức Maria tại Belem mà không sinh ra cả trong linh hồn tôi nhờ bởi đức tin, thì ích gì cho tôi 26"?

Chúng ta cần nhớ lại rằng mẫu tính thần linh của Ðức Maria thực hiện trên hai bình diện, thể lý và tâm linh. Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa không những vì Người mang Ngài cách thể lý nơi lòng dạ mình, mà còn vì trước tiên Ngài đã thụ thai trong tâm hồn nhờ bởi đức tin. Hiển nhiên chúng ta không thể noi theo Ðức Maria theo nghĩa thứ nhất, sinh hạ Ðức Kitô một lần nữa, nhưng chúng ta có thể noi theo Người theo nghĩa thứ hai, nghĩa đức tin.

Chính Ðức Giêsu đã khởi đầu áp dụng tín hiệu "Mẹ Ðức Kitô" cho Giáo Hội khi Ngài tuyên bố : "Mẹ Ta và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành" (Lc 8, 21 ; Mc 3, 31tt ; Mt 12, 49). Thánh Augustino viết : "Tôi hiểu chúng ta là những anh em của Ðức Kitô, và các tín hữu, các phụ nữ thánh thiện là những chị em của Ðức Kitô. Nhưng có thể hiểu chúng ta là những người mẹ của Ðức Kitô theo nghĩa nào ? Chúng ta có thể nói gì đây ? Liệu chúng ta có dám gọi mình là Mẹ của Ðức Kitô ? Hẳn đi chứ, hãy dám gọi mình là Mẹ Ðức Kitô ! Quả vậy, tôi đã chẳng gọi anh em tất cả là những anh em của Ngài, rồi tôi lại không dám gọi anh em là Mẹ Ngài sao ? Nhưng phủ nhận điều mà Ðức Kitô khẳng định thì tôi lại càng không dám. Nào, anh em rất yêu quí của tôi, anh em xem Giáo Hội là Hiền Thê của Ðức Kitô như thế nào, và đó là điều hiển nhiên. Ðiều khó hiểu hơn nhưng lại là sự thật, đó là Giáo Hội là Mẹ Ðức Kitô. Ðức Trinh Nữ Maria đi trước Giáo Hội như là hình bóng của Giáo Hội. Vậy, xin hỏi anh em, làm sao Ðức Maria là Mẹ Ðức Kitô, nếu không phải là vì Mẹ đã sinh ra các chi thể Ðức Kitô ? Anh em, những người mà tôi đã hỏi : Ai sinh ra anh em ? Anh em là chi thể của Ðức Kitô. Tôi nghe thấy tiếng từ lòng anh em : "Mẹ Giáo Hội chúng ta", Người Mẹ thánh thiện, được ban vinh dự như Ðức Maria, sinh hạ mà vẫn còn khiết trinh . Vậy, các chi thể Ðức Kitô sinh hạ nhờ Thần Khí, như Ðức Trinh Nữ Maria đã sinh hạ Ðức Kitô từ lòng dạ mình : anh em sẽ trở nên Mẹ của Ðức Kitô là như thế. Ðây không phải là điều vượt quá khả năng của anh em, cũng không phải là điều không thể dung hợp với cương vị hiện tại của anh em ; anh em đã trở nên những người con thì cũng hãy là những người mẹ 27".

Trong truyền thống, chân lý này được áp dụng theo hai mức độ bổ túc cho nhau. Mức độ thứ nhất, như trong bản văn vừa trích dẫn của thánh Augustino, ta thấy mẫu tính đó được thể hiện trong Giáo Hội xét như một toàn thể, xét như là "Bí Tích phổ quát của ơn cứu độ". Trong mức độ thứ hai, mẫu tính đó được thể hiện nơi mỗi cá nhân hay nơi mỗi kẻ tin. Công Ðồng Vatican II đứng trong viễn tượng thứ nhất khi viết : "Giáo Hội cũng được làm Mẹ, vì nhờ việc� rao giảng và ban phép Thanh Tẩy, Giáo Hội sinh hạ những người con được thũ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và sinh hạ ra do Thiên Chúa để họ lãnh nhận đời sống mới và bất diệt 28".

Nhưng trong tuyền thống, việc áp dụng riêng cho mỗi tâm hồn còn rõ ràng hơn. Thánh� Ambrôsiô viết : "Mỗi tâm hồn tin đều thụ thai và sinh hạ Ngôi Lời Thiên Chúa. Nếu theo xác phàm, chỉ có một người là Mẹ Ðức Kitô, thì theo đức tin, mọi tâm hồn đều sinh hạ Ðức Kitô khi đón nhận Lời Thiên Chúa 29". Bên Ðông phương, một Giáo Phụ khác lặp lại tương tự : "Ðức Kitô luôn sinh ra cách bí nhiệm nơi tâm hồn, bằng cách mang lấy thân xác của những kẻ đã được cứu và làm cho linh hồn sinh ra Ngài trở thành một người mẹ trinh khiết 30". Một tác giả thời Trung Cổ, một cách nào đó, đã tổng hợp các lối giải thích này, ông viết : "Ðức Maria và Giáo Hội là một người mẹ và là nhiều người mẹ, một trinh nữ và là nhiều trinh nữ". Cả hai đều thụ thai bởi Chúa Thánh Thần, không có sự lôi cuốn của xác thịt. Cả hai sinh con cái cho Thiên Chúa mà không vương tội. Một bên sinh hạ Ðầu cho Thân Mình, không hề mắc tội ; một bên làm nảy sinh một Thân Mình cho Ðầu, qua việc tha tội. Cả hai đều là Mẹ Ðức Kitô, nhưng không bên nào sinh ra Ðức Kitô toàn thể mà không có bên kia. Vì thế, trong các Sách Thánh được Thiên Chúa linh hứng, đều nói cách tổng quát về Mẹ trinh khiết là Giáo Hội được áp dụng cách đặc biệt cho Ðức Maria là chính đáng, cũng thế, điều nói cách đặc biệt về Mẹ trinh khiết là Ðức Maria thì hiểu cách tổng quát về Mẹ trinh khiết là Giáo Hội . Cuối cùng, mỗi tâm hồn tín hữu theo thể cách riêng của mình, là Hiền Thê của Ngôi Lời Thiên Chúa, đồng thời là mẹ, là con gái và là chị em của Ðức Kitô, vừa trinh khiết vừa phong nhiêu. Như thế chính khôn ngoan của Thiên Chúa, Ngôi Lời của Chúa Cha cùng lúc chỉ rõ Giáo Hội theo nghĩa phổ quát, Ðức Maria theo nghĩa hết sức đặc biệt, và mỗi tâm hồn tín hữu cách riêng biệt 31".

Làm thế nào thụ thai và sinh hạ Ðức Kitô một lần nữa.

Giờ đây, chúng ta chú tâm đến việc áp dụng tước hiệu Mẹ Thiên Chúa vào những gì liên quan đến mỗi người chúng ta cách riêng biệt. Thử xem, chúng ta có thể trở thành Mẹ Ðức Giêsu trong đời sống cụ thể như thế nào. Ðây là giai đoạn áp dụng suy niệm này vào đời sống thiêng liêng.

Ðức Giêsu dạy chúng ta trở nên Mẹ của Ngài như thế nào ? Qua hai việc : lắng nghe Lời và đem ra thực hành.

Ðể hiểu được điều này, chúng ta hãy nhớ lại Ðức Maria đã trở thành Mẹ bằng cách nào : bằng cách thực thi và sinh hạ Ðức Giêsu. Có hai cách làm mẹ bất toàn hoặc hai thứ cắt đứt vai trò làm mẹ : một thứ đã xa xưa và ai cũng biết đó là làm hư thai. Ðiều này xảy ra khi người ta thụ thai nhưng không sinh hạ, lý do là vì giữa thời gian đó, do những nguyên nhân tự nhiên hay do tội của con người mà thai nhi bị chết. Cho tới thời gian gần đây, đó là trường hợp duy nhất về mẫu tính bất toàn mà người ta biết tới. Ngày nay, chúng ta lại biết một trường hợp khác ngược lại, trường hợp sinh một đứa con nhưng không thụ thai người con đó. Ðây là trường hợp những hài nhi thụ thai trong ống nghiệm sau đó được đưa vào lòng một phụ nữ, hay trường hợp vô cùng đáng buồn và bi thảm hơn nữa đó là người ta cho mượn tử cung, trả tiền nếu cần, làm nơi tạm trú cho một sinh mạng đã được thụ thai nơi khác. Trong trường hợp này, đứa con mà người phụ nữ sinh ra không do từ xương thịt mình và không được thụ thai "trong tâm hồn trước khi được thụ thai trong thân xác người phụ nữ đó". Lạ thay, thời xưa, chúng ta cũng đã thấy có những người lạc giáo nghĩ tương tự như thế về Ðức Maria, người "cho tạm trú" hơn là sinh ra Ðức Kitô, nguồn gốc thân xác của Ngài là ở trên cao, vì thế đối với Ngài, Ðức Maria là một "lối đi qua" hơn là một người "mẹ".

Khốn thay, hai tình huống đáng buồn đó lại gặp thấy cả trên bình diện thiêng liêng. Thụ thai mà không sinh hạ Ðức Giêsu, đó là đón nghe Lời mà không đem ra thực hành, kẻ làm hư bào thai hết lần này đến lần khác qua việc lập ra những dự định hoán cải để rồi sau đó quên bẵng mất, từ bỏ dự định giữa chừng, và cả những người xử sự với Lời Chúa như một kẻ ngắm xem vội vàng : anh ta soi gương xem mặt mày ra sao, soi rồi thì đi mất, mà quên ngay không nhớ mình thế nào (x. Lc 1, 23 - 24). Nói tóm lại là kẻ có đức tin nhưng không có việc làm.

Ngược lại, sinh ra nhưng không thụ thai Ðức Kitô là kẻ thực hiện được rất nhiều việc ngay cả những việc lành, nhưng những việc đó không phát xuất từ tâm hồn, từ tình yêu đối với Thiên Chúa và từ một ý hướng ngay chính, mà đúng hơn là từ thói quen, thói giả hình, từ sự tìm kiếm vinh quang cho riêng mình, từ ý thích của mình hoặc chỉ vì sự thoả mãn do hoạt động mang lại. Nói chung là kẻ có việc làm nhưng không có đức tin.

Như vậy, trong hành trình của chúng ta, chúng ta đã đi tìm đến vấn đề các việc lành. Sau ân sủng của Thiên Chúa và sự đáp trả của con người, đã đến lúc nói đến các việc làm. Chúng ta hãy nghe phần tiếp theo bản văn của Thánh Tông Ðồ mà chúng ta đã gặp khi nói về ân sủng và đức tin : "Chính bởi ân sủng mà anh em đã được cứu, nhờ lòng tin, và lại không do từ anh em. Ðó là ơn Thiên Chúa ban ; không phải do tự việc làm, để đừng có ai vênh vang tự đắc. Quả ta là trước tác của Người đã được dựng nên trong Ðức Giêsu Kitô hầu làm các việc lành, con đường Thiên Chúa dọn trước cho ta đi" (Ep 2, 8 - 10). Chúng ta là công trình của Thiên Chúa : đó là điều cốt yếu ; công trình tốt lành mà chính Thiên Chúa đã thực hiện trong Ðức Kitô, không phải là để chúng ta trong sự trơ lỳ, thụ động hay tệ hơn nữa, ở lỳ trong tội, nhưng là để chúng ta có khả năng, đến lượt mình thực hiện những việc lành, nhờ ân sủng và lòng tin, những việc mà Ngài đã chuẩn bị trước cho chúng ta và là những hoa quả của Thần Khí, những nhân đức Kitô giáo : hãm mình, các việc bác ái, cầu nguyện, lòng nhiệt thành hăng say mở rộng Nước Chúa.

Hành trình thiêng liêng của chúng ta sẽ bị ngưng lại ở điểm này và thậm chí như bị sẩy thai, nếu chúng ta không chấp nhận qui luật đó, nếu chúng ta không xem xét một cách nghiêm túc vấn đề đem Lời ra thực hành, nếu chúng ta không bao giờ đi từ sự chiêm ngắm sang việc noi theo Ðức Kitô. Như chúng ta đã thấy, chỉ thực hiện các việc lành thôi thì không đủ. Những việc đó chỉ "lành" khi chúng phát xuất từ tâm hồn, khi chúng được cưu mang trong lòng tin và bởi tình yêu đối với Thiên Chúa. Nói tóm lại, nếu ý hướng dẫn dắt chúng ta là ngay chính. Lời Kinh Thánh nói : "Phàm điều gì không do xác tín (conviction de foi) thì điều ấy là tội" (Rm 14, 23).

Mối liên hệ giữa đức tin và việc làm là một vấn đề đòi hỏi hơn một trong những tổng hợp khó khăn lắm mới xây dựng nổi giữa các Kitô hữu, sau bao thế kỷ tranh luận giữa người Công Giáo và người Tin Lành. Giờ đây, sự nhất trí trên bình diện lý thuyết, thần học, hầu như đã hoàn toàn. Người ta biết rằng : chúng ta được cứu không phải bởi viêc làm, nhưng chúng ta cũng không thể được cứu nếu không có �việc làm. Chúng ta được công chính hóa bởi tin, nhưng chính đức tin lại thúc đẩy chúng ta đến việc làm, nếu ít ra chúng ta không muốn giống như đứa con trong ví dụ hai người con, đứa con vồn vã thưa vâng khi nghe cha bảo đi làm việc ngoài đồng nhưng sau lại không đi (x. Mt 21, 28tt).

Tổng hợp này cần phải được thực hiện không những trên bình diện nghiên cứu thần học mà còn phải thực hiện cả trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Hẳn nhiên là phải khởi sự, nhưng vấn đề là từ đâu ? Một triết gia phái Luther rất nổi tiếng hiện nay đã đề nghị khởi sự từ việc làm. Ông nêu lý do : "Nguyên lý việc làm thì đơn giản hơn là nguyên lý đức tin 32". Trên thực tế, đạt tới một thái độ tin chính thực đòi hỏi phải có một chiều sâu nội tâm và một tâm trí thuần khiết khó có thể đạt tới, mỗi thế hệ họa hoằn mới có vài người có thể đạt được. Ngược lại, khởi sự làm một điều gì đó, dù làm cách bất toàn, thì dễ dàng hơn. Khi từ bỏ mình, nếu người ta đã khởi sự thực hiện một điều gì đó thì sẽ dễ tin hơn. Triết gia nói trên tiếp tục : "Khi phải xử sự với một kẻ lười biếng, cứ nói thẳng với anh ta : Anh có thể cho biết các hành động của anh ? Nếu anh ta cam đoan, thề thốt rằng tự trong "thâm tâm" sẵn sàng hy sinh mọi sự, rằng trong thâm tâm anh cảm thấy hoài mong được hát lên những bài thánh ca, được chay tịnh trong sự thinh lặng của một tu viện, trong khi cuộc sống bên ngoài của anh ta lại chạy tìm lợi lộc, thích chỗ danh dự nơi công hội, thì hãy nói với anh ta điều này (và đó là sự đơn giản) : Không, anh bạn quí của tôi, xin lỗi, chúng tôi muốn biết các hành động của anh ! Luther đã khám phá ra nguyên lý công chính hóa bởi tin : đó là điều chắc chắn, nhưng người ta dễ dàng quên rằng, triết gia đó viết tiếp, ông khám phá ra nguyên lý đó sau bao năm tập sống đời khổ hạnh nghiêm ngặt nhất trong tu viện, nếu không có thời gian tập lâu như thế thì liệu ông có khám phá ra nguyên lý đó không, ai mà biết được. Ngày nay rất nhiều người muốn khởi sự nơi mà Luther đã kết thúc.

Hai ngày lễ của Hài Nhi Giêsu.

Chúng ta đã xem xét trường hợp tiêu cực về mẫu tính bất toàn do thiếu lòng tin hay thiếu việc làm. Giờ đây chúng ta xét đến trường hợp tích cực về mẫu tính đích thực và trọn vẹn mà nhờ đó chúng ta được nên giống Ðức Maria. Thánh Phanxicô Assise có một câu nói tóm tắt đầy đủ những điều tôi muốn làm sáng tỏ. Ngài nói : "Chúng ta là những người mẹ của Ðức Kitô khi chúng ta mang Ngài trong tâm hồn và trong thân xác chúng ta bằng tình yêu, bằng trung thành và sự thuần khiết của lương tâm, và chúng ta sinh ra Ngài bằng những hành vi tốt lành, những hành vi trở nên một ánh sáng, một gương mẫu cho tha nhân . Ôi thật là thành thiện và qúi giá, thú vị và mọn hèn, đầy an ủi và êm ái, đáng mến và đáng ước ao, được có một người anh và một người con như thế : "Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta 33" ! Thánh Phanxicô nói, chúng ta thụ thai Ðức Kitô khi chúng ta yêu mến Ngài trong sự chân thật của tâm hồn và bằng sự ngay thẳng của lương tâm, và chúng ta sinh ra Ngài khi chúng ta hoàn thành những việc thiện khiến Ngài được tỏ lộ cho mọi người. Ðiều này vọng lại lời của Ðức Giêsu : "Ánh sáng của các ngươi phải chói lọi trước mặt người ta, ngõ hầu họ thấy việc lành các ngươi làm mà tôn vinh Cha các ngươi, Ðấng ngự trên trời" (Mt 5, 16).

Thánh Bonaventure, môn đệ và là người con của vị Thánh Nghèo, đã khai triển chủ đề này trong một tiểu phẩm mang tựa đề "Năm ngày lễ của Hài Nhi Giêsu". Trong phần dẫn nhập, ngài kể lại việc, ngày kia, khi về ẩn nơi Alverne, ngài bỗng nhớ đến lời các thánh phụ nói rằng, linh hồn tận hiến cho Thiên Chúa, bởi ơn Chúa Thánh Thần và bởi quyền năng Ðấng Tối Cao, có thể thụ thai Ngôi Lời đáng chúc tụng và là Con Một của Chúa Cha cách thiêng liêng, có thể sinh hạ Ngài, đặt tên cho Ngài, bái thờ Ngài cùng với các đạo sĩ, và cuối cùng sung sướng dâng Ngài cho Thiên Chúa Cha trong Ðền Thờ.

Trong năm giai đoạn hay năm ngày lễ về Hài Nhi Giêsu mà linh hồn cần phải sống lại, chắc hai giai đoạn đầu khiến chúng ta lưu ý nhất : thụ thai và sinh hạ.

Theo thánh Bonaventure, linh hồn thụ thai Ðức Giêsu khi không còn thoả mãn với đời sống mình đang sống, được thôi thúc bởi những cảm hứng thánh thiện, được thôi thúc bởi niềm khao khát thánh thiện, và cuối cùng cương quyết dứt ra khỏi những thói quen và những khuyết điểm của con người cũ, linh hồn như thụ thai cách thiêng liêng bởi ơn Chúa Thánh Thần và cưu mang quyết tâm sống một đời sống mới. Ðó chính là sự thụ thai Ðức Kitô ! Một khi đã thụ thai, Con Thiên Chúa sẽ sinh ra trong tâm hồn chúng ta khi chúng ta lập tức đem ra thực hiện quyết tâm thánh thiện đó sau khi đã có sự biện biệt khôn ngoan, đã xin những lời khuyên thích đáng, và khấn xin Thiên Chúa trợ giúp khởi sự thực hiện những gì mình đã cưu mang lâu dài trong tâm trí nhưng đã luôn trì hoãn vì sợ mình bất���� lực 34. Thiết tưởng cần phải nhấn mạnh đến một điểm : quyết tâm sống đời sống mới cần phải được diễn tả ra ngay, không chậm trễ và diễn tả bằng một hành vi cụ thể, bằng một sự thay đổi bên ngoài và có thể nhìn thấy được hết sức có thể, trong đời sống cũng như trong các thói quen của chúng ta. Nếu quyết định mà không chuyển qua hành động thì Ðức Giêsu được cưu mang nhưng không được sinh ra, và chúng ta nhận ra đó là một trong nhiều vụ phá thai trên bình diện thiêng liêng, và như thế người ta sẽ không bao giờ cử hành "ngày lễ thứ hai" của Hài Nhi Giêsu, tức là ngày lễ Giáng Sinh, Noel ! Ðó sẽ là một trong rất nhiều sự trì hoãn có thể đã đánh dấu cuộc đời chúng ta, và là một trong những nguyên nhân chính khiến rất ít người đạt tới sự thánh thiện.

Nếu bạn quyết định thay đổi lối sống của bạn để gia nhập hạng người nghèo khó, khiêm hạ, là những người như Ðức Maria, chỉ tìm được nghĩa với Thiên Chúa mà không màng đến chuyện làm vui lòng người ta, thì bạn hãy trang bị cho mình lòng dũng cảm, vì bạn sẽ cần đến nó. Bạn sẽ phải đương đầu với hai hình thức cám dỗ. Như thánh Bonaventure nói, trước tiên những con người xác thịt thân cận với bạn sẽ đến nói với bạn : "Những gì anh muốn thực hiện là quá khó đấy, anh sẽ không bao giờ làm nổi đâu, anh sẽ làm tổn hại đến danh dự, danh giá chức nghiệp của mình đấy ." Khi Vượt Qua được những chướng ngại đó thì những người khác sẽ xuất hiện, những kẻ có vẻ là tốt lành, đạo đức, có thể là như vậy, nhưng họ không thực sự tin vào quyền năng của Thiên Chúa và Thần Khí Người. Những người đó sẽ bảo bạn rằng, nếu anh khởi sự sống theo lối đó, dành nhiều thời gian để cầu nguyện, tránh những chuyện tầm phào vô ích, làm các việc bác ái, lập tức anh sẽ được coi như một ông thánh, một người đạo đức thiêng liêng đấy, và vì anh quá hiểu rằng mình chưa được như thế, rốt cuộc anh sẽ trở thành một kẻ lừa bịp người khác, anh sẽ là một tên giả hình, anh sẽ kéo cơn thịnh nộ của Thiên Chúa xuống trên mình, bởi Ngài là Ðấng dò thấu tâm can. Trước tất cả những cơn cám dỗ đó, bạn hãy trả lời với tất cả lòng tin : "Không đâu, tay Giavê không quá ngắn đến nỗi không thể cứu độ !" (Ys 59, 1). Và như thể nổi giận với chính mình, bạn hãy kêu lên như Augustino lúc sắp trở lại : "Ðiều ông nọ bà kia được, tại sao tôi lại không ? Si isti et istae, cur non ego 35" ?

Tôi vừa trích dẫn thánh Augustino thêm một lần nữa. Tôi xin kết thúc phần này bằng một trong những lời của ngài mời gọi chúng ta hãy noi theo Mẹ Thiên Chúa : "Mẹ Ngài mang Ngài nơi lòng dạ mình, còn chúng ta mang Ngài nơi tâm hồn chúng ta. Ðức Trinh Nữ mang thai bởi việc Nhập Thể của Ðức Kitô, chớ gì chúng ta cũng được mang thai bởi lòng tin vào Ðức Kitô. Mẹ đã sinh Ðấng Cứu Thế, chớ gì chúng ta cũng sinh ơn cứu độ và lời ngợi ca. Chớ gì tâm hồn chúng ta không bị cằn cỗi mà trở nên phong nhiêu cho Thiên Chúa 36".



CHÚ THÍCH

1. Ancien répons de Noel.
2. Tertullien, Contre les Valentiniens 27, 1 (CC 2, p. 772).
3. Tertullien, Sur la chair de Christ 21, 4 (CC 2, p. 911).
4. Saint Cyrille d�Alexandrie, Anathène I contre Nestorius, dans �Enchiridion Symbolorum, cité, n. 252.
5. Saint Cyrille d�Alexandrie, Sur l�Évangile de Jean XII, 19, 25 - 27 (PG 74, 661 ss).
6. Saint Augustino, Sermon 72A (= Denis 25), 7 (Miscellanea Agostiniana I, p. 162).
7. Saint Augustino, Nature et grâce 36, 42 (CSEL 60, p. 263).
8. S. Kierkegaard, Journal IIA 110.
9. Tertullien, Sur la chair du Christ 5, 6 (CC 2, p. 881).
10. Ch. Péguy, Le mystère des Saints Innocents, dans Oeuvres poétiques, op. Cit, p. 692.
11. Tertullien, Sur la chair du Christ 4, 3 (CC2, p. 878).
12. Saint Basile, Homélie sur la sainte génération du Christ 3 (PG 31, 1464) ; Proclus de Constantinople, Homélie sur la Mère de Dieu I (PG 65, 681).
13. Saint Cyrille d�Alexandrie, Lettre II à Nestorius (PG 77, 448).
14. Cf. Tertullien, Sur la chair du Christ 5, 4 (CC2, p. 881).
15. Saint Irénée, Contre les hérésies V, 2, 3 (Sch 153, p. 34s).
16. Saint Ignace d�Antioche, Lettre aux Ephésiens 7, 2.
17. Dante Alighieri, Paradis XXXIII, 1.
18. Luther, Commentaire sur le Magnificat (éd. Weimar 7, p. 572s).
19. Saint Francois d�Assise, Office de la Passion du Seigneur. (Saint Francois d�Assise, Documents, Paris, 1968, p. 158).
20. Luther, Des conciles de l�Église (éd. Weimar 50, p. 591s).
21. Formule d�entente de l�année 1577, art. 8, 7.
22. H. Zwingli, Expositio fidei, dans Zwingli, Hauptschriften der Theologe III, Zurich, 1948, p. 329 ; Idem, Fidei ratio 6.
23. Calvin, Institution de la religion chrétienne II, 14, 4.
24. Saint Grégoire de Nazianze, Discours 12, 6 (PG 77, 1472).
25. Acace de Mélitène, Discours Augustino concile d�Éphèse (PG 77, 1472).
26. Cf. Origène, Commentaire sur l�Évangile de Luc 22, 3 (Sch 87, p. 302).
27. Saint Augustino, Sermon 72A (= denis 25), 8 (misc. Agost, I, p. 164).
28. Lumen gentium, 64.
29. Saint Ambroise, Sur l�Évangile selon Luc II, 26 (CSEL 32, 4, p. 55).
30. Saint Maxime le Cofesseur, Commentaires sur le "Notre Père" (PG 90, 889).
31. Isaac de l�Étoile, Discours 51 (PL 194, 1863).
32. S. Kierkegaard, Journal XI 2A. 301.
33. Saint Francois d�Assise, Lettre aux fidèles I (Documents, cité, p. 106).
34. Saint Bonaventure, Les cinq fêtes de l�Enfant Jésus (éd. Quaracchi, 1949, p. 207ss).
35. Saint Augustino, Confessions VIII, 8, 19.
36. Saint Augustino, Sermons 189, 3 (PL 38, 1006).
II. ÐỨC MARIA, MỘT TẤM GƯƠNG CHO GIÁO HỘI
TRONG MẦU NHIỆM VƯỢT QUA.


4. "NÀY BÀ, GIỮA TÔI VÀ BÀ CÓ VIỆC GÌ ?"

ÐỨC MARIA DẠY CHÚNG TA BIẾT TỪ BỎ CHÍNH MÌNH.

Chúng ta phải nhìn nhận rằng : trong Tân Ước, Ðức Maria được nói đến không nhiều lắm. Ít ra là không được thường xuyên như người ta mong ước nếu tính đến sự phát triển sùng kính đối với Mẹ Thiên Chúa trong Giáo Hội. Thế nhưng, nếu chú ý, chúng ta sẽ thấy Ðức Maria không hề vắng mặt trong ba thời điểm chính yếu cấu thành Mầu Nhiệm Cứu Ðộ. Thật vậy, ba thời điểm hết sức rõ rệt cũng đánh dấu Mầu Nhiệm Cứu Chuộc lớn lao : việc Nhập Thể của Ngôi Lời, Mầu Nhiệm Vượt Qua và Lễ Ngũ Tuần. Nhập Thể là lúc mà chính Con Người Ðấng Cứu Thế, là Thiên Chúa và là người được cấu thành, là Ðấng trong cương vị là người có thể đại diện cho chúng ta và chiến đấu cho chúng ta, và trong cương vị là Thiên Chúa, Ngài đem lại cho những điều Ngài thực hiện một giá trị vô tận và phổ quát, khiến Ngài có thể cứu độ tất cả những ai đến bên Ngài. Mầu Nhiệm Vượt Qua là thời điểm mà bản thân Ðấng Cứu Thế được cấu thành như trên, nghĩa là một ngôi vị vừa thần linh vừa nhân linh hoàn thành công trình cứu độ tối hậu qua việc phá hủy tội lỗi bằng cái chết của Ngài, và canh tân sự sống bằng sự Phục Sinh của Ngài. Cuối cùng Lễ Ngũ Tuần là lúc Chúa Thánh Thần đến trên Giáo Hội, và sau đó đến trên mọi kẻ tin nhờ Phép Rửa, chính Ngài làm cho ơn cứu chuộc do Ðức Kitô thực hiện được thể hiện trong hiện tại và luôn phát sinh hiệu lực trong dòng thời gian. Nếu thiếu dù chỉ một trong ba thời điểm này thì sẽ không có Mầu Nhiệm Kitô giáo hay nó sẽ là một điều gì đó hoàn toàn khác.

Suy nghĩ kỹ, chúng ta sẽ thấy Ðức Maria không hề vắng mặt trong ba thì căn bản đó. Người chắc chắn không vắng mặt trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, là Mầu Nhiệm thành sự nơi Người, và như chúng ta đã thấy ở trên, khi nói về Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa, Người là "giường cưới", là "máy dệt", là "xưởng thợ", nơi đó Mầu Nhiệm Nhập Thể được hoàn thành. Ðức Maria cũng không vắng mặt trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, vì như đã viết : "Ðứng bên khổ giá Ðức Giêsu có Mẹ Ngài ." (x. Yn 19, 25). Cuối cùng, Người đã không vắng mặt trong ngày lễ Ngũ Tuần, vì Kinh Thánh còn viết rằng, Thánh Thần xuống trên các tông đồ trong khi "hết thảy họ đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện cùng với Ðức Maria, Mẹ Ðức Giêsu" (x. Cv 1, 14).

Ba lần hiện diện đó của Ðức Maria trong ba thời điểm chủ chốt của ơn cứu độ không thể là chuyện tình cờ. Chính điều này bảo đảm cho Người một vị trí độc nhất vô nhị bên Ðức Giêsu trong công trình cứu chuộc. Ðức Maria là người duy nhất trong mọi tạo vật làm chứng nhân, và là người tham dự vào ba biến cố đó.

Trong phần thứ hai này của hành trình, chúng ta muốn bước theo Ðức Maria trong Mầu Nhiệm Vượt Qua và để cho Người dẫn dắt chúng ta tới sự hiểu biết sâu xa hơn về Ðức Kitô và hướng chúng ta đến việc tham dự vào những đau khổ của Ðức Kitô, Ðức Maria cầm tay và khuyến khích chúng ta bước đi cùng với Người trên con đường đó, Người nói với chúng ta như một người mẹ nói với đoàn con đang xum họp : "Nào cả chúng ta nữa, chúng ta sẽ cùng chết với Ngài !" (Yn 11, 16). Trong Tin Mừng, thánh Tôma là người nói ra lời đó, nhưng Ðức Maria mới là người đem ra thực hành.

Người đã phải đau khổ dãi dầu mà học cho biết vâng phục.

Mầu Nhiệm Vượt Qua, trong cuộc đời Ðức Giêsu, không phải chỉ khởi đầu lúc Ngài bị bắt trong vườn Dầu và thời gian không chỉ giới hạn trong Tuần Thánh. Tất cả cuộc đời của Ngài, từ khi Gioan Tẩy Giả chào Ngài là Chiên Thiên Chúa, là một chuẩn bị cho cuộc Vượt Qua. Theo Tin Mừng Luca, đời sống công khai của Ðức Giêsu là một cuộc "đi lên Giêrusalem" tiệm tiến, không ngừng nghỉ, tiến về nơi Ngài sẽ hoàn tất cuộc xuất hành của mình (x. Lc 9, 5tt). Việc Ngài chịu thanh tẩy bên sông Giođan đã là khúc dạo đầu cho cuộc Vượt Qua, vì lúc bấy giờ lời của Chúa Cha mặc khải cho Ðức Giêsu biết Ngài sẽ là Ðấng Mêsia đau khổ và bị ruồng bỏ như người Tôi Tớ Thiên Chúa mà Isaia đã nói tới.

Song song với con đuờng của Ađam mới, sống trong sự vâng phục, là con đường Eva mới. Ðối với Ðức Maria, mầu nhiệm Vượt Qua đã khởi đầu rất sớm. Những lời của cụ Simêon về dấu gợi lên chống đối, về lưỡi gươm sẽ đam thâu tâm hồn Người, đã chứa đựng một triệu báo mà Ðức Maria giữ kỹ trong lòng cùng với tất cả những lời khác. "Bước" mà chúng ta muốn thực hiện ở trong phần suy niệm này là theo chân Ðức Maria trong cuộc đời công khai của Ðức Giêsu và phân biệt ra được những điều mà, trong giai đoạn sống này, Người là hình bóng và là khuôn mẫu.

�Trên con đường nên thánh, thường điều gì xảy ra khi một linh hồn đã được tràn đầy ân sủng, sau khi quảng đại đáp lại lời "xin vâng" của lòng tin và hết lòng hết sức thực hiện những việc lành và vun trồng các nhân đức ? Ðiều gì sẽ xảy đến sau thời gian sống trong "ân sủng ban đầu" (grâce initiales), mà đôi lúc người ta có thể gần như chạm tới Thiên Chúa ? Thời gian thanh tẩy và tự hủy sẽ tới. Ðêm tối đức tin sẽ đến. Chúng ta sẽ thấy Ðức Maria trong giai đoạn sống này, Người là dẫn đầu và là một khuôn mẫu cho chúng ta, Người chỉ cho chúng ta phải biết sống như thế nào khi đến "thời cắt tỉa". Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong thông điệp "Mẹ Ðấng Cứu Thế" (Mater Redemptoris) đã áp dụng cho cuộc đời Ðức Trinh Nữ Maria phạm trù "tự hủy" (kénose) một phạm trù quan trọng mà Thánh Phaolô đã dùng để minh giải cuộc sống tại thế của Ðức Giêsu : "Ðức Giêsu Kitô : Ngài, phận là phận của một Vị Thiên Chúa nhưng Ngài đã không nghĩ phải dành cho được chức vị ngang hàng cùng Thiên Chúa, song Ngài đã hủy mình ra không" (ekénosen) (Ph 2, 6 - 7). Ðức Thánh Cha viết : "Với một lòng tin như thế, Ðức Maria đã kết hiệp hoàn toàn với Ðức Kitô trong sự tự hủy của Ngài . Dưới chân thập giá, Ðức Maria, bằng lòng tin, đã thông dự vào mầu nhiệm tự hủy đó, một mầu nhiệm khiến ta bị đảo lộn 1". Sự tự hủy này hoàn tất dưới chân thập giá nhưng đã khởi sự trước đó rất lâu. Ngay ở Nazareth và nhất là trong suốt cuộc đời công khai của Ðức Giêsu, Người đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin. Từ đó ta dễ dàng nhìn thấy được "một nỗi đau khổ nào đó trong tâm hồn kèm theo một thứ đêm tối đức tin 2".

Tất cả những điều đó khiến cuộc đời Ðức Maria hết sức có ý nghĩa đối với chúng ta, và khôi phục vị trí của Người trong Giáo Hội và trong nhân loại. Chúng ta phải vui mừng và ghi nhận rằng, đã có một tiến bộ lớn lao trong Giáo Hội Công Giáo về việc tôn sùng Ðức Maria. Ai sống thời gian trước và sau Công Ðồng Vatican II có thể dễ dàng nhận thấy điều đó. Trước Công Ðồng, phạm trù căn bản để giải thích sự cao trọng của Ðức Trinh Nữ Maria là phạm trù "đặc ân" (privilège) hoặc "miễn trừ". Người ta nói rằng Ðức Maria không những được miễn khỏi tội nguyên tổ, khỏi sự hư hoại (là những đặc ân mà Giáo Hội định tín qua các tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội và Mông Triệu), người ta còn đi xa hơn nữa đến mức cho rằng� người được miễn những đau đớn khi sinh con, được miễn khỏi đau khổ, hoài nghi, cám dỗ, vô tri và cuối cùng, quan trọng hơn hết, được miễn khỏi cái chết. Quả vậy, đối với một số người thì Ðức Maria được cất lên trời mà không phải ngang qua cái chết. Người ta nghĩ rằng vì là Ðấng không vương tội, nên Ðức Maria hẳn phải được miễn khỏi đau đớn, đau khổ đó vốn là những hậu quả của tội. Người ta đã không nhận thức được rằng, quan niệm như thế là đã tách lìa hoàn toàn thay vì "liên kết" Ðức Maria với Ðức Giêsu, vì Ðức Giêsu mặc dù không có tội, đã muốn sống lấy những thực tế đó vì chúng ta : đau khổ, đau đớn, xao xuyến, những cơn cám dỗ và cái chết. Các tranh ảnh về Ðức Mẹ, tượng, tranh hoặc hình cũng phản ảnh lối nhìn đó : thường trình bày một con người� được lý tưởng hóa, xuất thế (désincarnée) với một vẻ đẹp đôi khi hoàn toàn là vẻ đẹp của một phàm nhân, một vẻ đẹp mà hẳn bất cứ phụ nữ nào cũng ao ước được như thế ; nói chung là một Maria Trinh Nữ mà gót chân chỉ thoáng chạm hồng trần.

Sau Công Ðồng Vatican II, phạm trù căn bản hướng dẫn chúng ta trong việc giải thích sự thánh thiện vô song của Ðức Maria là phạm trù đức tin hơn là phạm trù đặc ân. Ðức Maria đã bước đi, thậm chí là "tiến bộ" trong đức tin. Ðiều này chẳng những không làm suy giảm mà còn tôn lên sự cao cả của Người đến tuyệt mức. Bởi chưng sự cao cả của một tạo vật trước mặt Thiên Chúa trên bình diện thiêng liêng được đo lường không phải theo những gì Thiên Chúa ban cho người đó cho bằng theo những gì mà Thiên Chúa đòi hỏi nơi người đó. Chúng ta sẽ thấy chính Thiên Chúa đã đòi hỏi Ðức Maria rất nhiều, hơn mọi tạo vật khác, hơn cả Abraham.

Tân Ước đã cho chúng ta những lời hết sưc mạnh mẽ về Ðức Giêsu. Một trong những lời đó là "Quả thế, Thượng Tế ta có không phải là người không thể cảm thông với nỗi yếu hèn của ta, song là Ðấng đã dãi dầu thử thách, muôn sự đều tương tự trừ phi là tội" (Hr 4, 15). Và một đoạn văn khác : "Dẫu là Con, Ngài đã phải đau khổ dãi dầu mà học cho biết vâng phục" (Hr 5, 8).

Nếu Ðức Maria đã bước theo Con của Người trong sự tự hủy thì, cho dù có tất cả những mức độ khác biệt giữa Ðức Giêsu và Ðức Maria, những lời đó cũng phù hợp với Ðức Maria, và là chìa khoá đích thực giúp chúng ta hiểu được cuộc đời của Người. Ðức Maria, dẫu là Mẹ Ðức Giêsu cũng đã phải đau khổ dãi dầu mà học cho biết vâng phục. Vậy phải chăng Ðức Giêsu trong thời thơ ấu đã không vâng phục đủ, hay phải chăng Ngài đã không biết thế nào là vâng phục, nên sau đó mới phải học cho biết vâng phục "những điều Người sẽ phải chịu ?" Không phải vậy ! Học ở đây, như ta thường thấy trong Kinh Thánh, "có nghĩa là biết", với tính chất cụ thể của kinh nghiệm, của sự nếm cảm. Ðức Giêsu thực thi vâng phục. Ngài lớn lên nhờ những đau khổ Ngài phải chịu. Cần phải có sự vâng phục càng lúc càng quyết liệt hơn để có thể vượt thắng được những trở ngại, những thử thách ngày càng dữ dội hơn, cho đến thử thách tột cùng là cái chết. Ðức Maria cũng đã học tin và vâng phục. Người đã lớn lên trong lòng tin, trong sự vâng phục nhờ tất cả những đau khổ Người phải chịu. Chúng ta có thể nói về Người với tất cả niềm xác tín : Người Mẹ chúng ta có không phải là người không thể cảm thông với những nỗi yếu hèn, những nỗi đau, những cám dỗ chúng ta phải chịu, vì Người đã dãi dầu thử thách, muôn sự đều tương tự như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.

Ðức Maria trong cuộc đời công khai của Ðức Giêsu.

Trong quá khứ, với bầu khí bị chi phối bởi ý niệm đặc ân, người tín hữu cảm thấy khó chịu đối với một số đoạn Tin Mừng, nhưng đối với chúng ta ngày nay thì đó lại là những đoạn văn đánh dấu hành trình đức tin của Ðức Maria. Chúng ta chẳng có lý do gì để bỏ qua một bên hoặc giảm nhẹ ý nghĩa của các đoạn văn đó bằng những lối giải thích giả tạo, vặn vẹo. Chúng ta hãy xem qua các bản văn này.

Trong đoạn nói về lạc mất Ðức Giêsu nơi đền thờ (x. Lc 2, 41tt), Luca làm nổi bật sự kiện tìm thấy Ðức Giêsu "sau ba ngày" : Ðây có thể đã là một ám chỉ về cái chết và sự Phục Sinh của Ðức Kitô, về Mầu Nhiệm va. Nhưng, chắc chắn đối với Mẹ Ngài, đây đã là sự tự hủy, khởi đầu mầu nhiệm Vượt Qua. Quả vậy, sau khi tìm được Ðức Giêsu, Người đã được nghe câu trả lời như thế nào ? "Sao lại tìm con ?" Lại còn không biết là con phải ở nơi Nhà Cha Con sao ? Một bà mẹ hẳn có thể hiểu được lòng Ðức Maria cảm thấy như thế nào trước những lời như vậy. Sao lại tìm con? Câu trả lời như thế cho thấy có một ý muốn khác xen vào giữa Ðức Giêsu và Ðức Maria, một ý muốn khác vô cùng quan trong hơn, đẩy mọi mối liên hệ khác xuống hàng thứ yếu, ngay cả mối liên hệ mẫu tử.

Chúng ta hãy đi xa hơn. Ðức Maria được nói đến torng tiệc cưới Cana, xứ Galilêa, lúc Ðức Giêsu khởi đầu sứ vụ công khai. Chúng ta đã biết các sự kiện. Vậy Ðức Giêsu đã trả lời thế nào trước lời xin can thiệp kín đáo của Ðức Maria ? "Này Bà, giữa tôi và Bà, nào có việc gì ?" (Yn 2, 4). Dù chúng ta có tìm cách giải thích những lời này thế nào đi nữa thì âm vang của chúng vẫn mang tính chất cứng cỏi, làm chết điếng ; những lời đó dường như một lần nữa tạo ra khoảng cách giữa Ðức Giêsu và Mẹ của Ngài.

Các tác giả Nhất Lãm thuật lại một đoạn khác trong cuộc đời công khai. Ngày kia, khi Ðức Giêsu đang giảng thì Mẹ Ngài và một vài thân nhân đến muốn nói với Ngài. Có thể rằng, như là điều tự nhiên đối với một người mẹ, Ðức Maria lo lắng cho sức khoẻ của Con mình, vì trước đó một ít, có đoạn nói Ðức Giêsu, đã không có thì giờ mà ăn nữa, vì đám đông dân chúng (x. Mc 3, 20). Chúng ta hãy lưu ý một chi tiết : Ðức Maria, Mẹ Ngài, đã phải xin cà cái quyền được gặp Con và nói với Con của mình. Người đã không xăm xăm vào giữa đám đông ra quyền mình là mẹ. Ngược lại, Người đứng ngoài xa để những người khác vào báo với Ðức Giêsu : "Này Mẹ Thầy và anh em Thầy đang tìm Thầy ở ngoài". Ðiều quan trọng là lời của Ðức Giêsu vẫn luôn cùng một kiểu như thế : "Ai là Mẹ Ta và ai là anh em Ta ?" (Mc 3, 33). Phần tiếp theo chúng ta đã biết. Hãy thử đặt mình vào vị trí Ðức Maria - mẹ của một Linh Mục chẳng hạn, xem chúng ta sẽ hiểu được sự mất mặt và nỗi đau khổ ma những lời đó gây ra cho Người. Ngày nay chúng ta hiểu những lời đó thực ra hàm chứa sự khen ngợi hơn là việc không thừa nhận, nhưng lúc bấy giờ Ðức Maria đâu có biết là như thế. Chắc hẳn Người chỉ cảm thấy nỗi cay đắng vì bị chối từ. Câu chuyện không nói đến về việc sau đó Ðức Giêsu đi ra để nói chuyện với Người. Ðức Maria có lẽ đã phải ra đi mà không gặp được Con mình.

Một ngày khác, thánh Luca kể, từ giữa đám dân chúng, một bà cất tiếng nói với Ðức Giêsu : "Phúc cho lòng dạ cưu mang ông và vú ông đã bú". Nhưng Ðức Maria, không biết Người có ở đó không hay có nghe biết lời đó không ? Hẳn sẽ không thể dừng lâu ở lời đó để mà vui sướng, bởi lẽ Ðức Giêsu lập tức sửa lời bà ta ngay : "Phải hơn, phúc cho những ai nghe Lời Thiên Chúa và noi giữ"�������������� (Lc 11, 27 - 28).

Một chi tiết cuối cùng mang nét tương tự. Thánh Luca bói đến "một phụ nữ đi theo Ðức Giêsu", được kể tên và là những người đã được Ðức Giêsu chữa lành, họ đã "lấy của cải mình mà trợ giúp Ngài" (x. Lc 8, 2 - 3), họ chăm lo các nhu cầu vật chất cho Ngài và các tông đồ, như dọn bữa ăn, giặt giũ hay khâu vá . Thế mà Mẹ Ngài lại không có mặt trong số phụ nữ đó. Và chúng ta cũng biết, có một người mẹ thèm muốn được đích thân chăm chút cho con những việc như vậy là thế nào, nhất nữa đó là đứa con đã được hiến thánh cho Thiên Chúa. Ðây quả là sự hy sinh trọn vẹn tâm hồn.

Tất cả những điều đó có nghĩa như thế nào ? Một chuỗi những sự kiện lời nói quá rõ ràng, liên kết quá chặt chẽ, không thể là sự tình cờ. Ðức Maria cũng đã phải đi qua con đường tữ hủy của mình. Sự tự hủy của Ðức Kitô là ở chỗ thay vì giữ cho được các quyền, các đặc lợi của một vì Thiên Chúa, thì đã trút bỏ tất cả, lãnh lấy phận tôi đòi, trở nên giống phàm nhân. Sự tự hủy của Ðức Maria là ở chỗ thay vì giữ cho được các quyền của một người mẹ Ðấng Mêsia, Người đã chấp nhận bị tước bỏ, trước mặt mọi người, làm một phụ nữ như bao phụ nữ khác. Tư cách là Con Thiên Chúa không được dùng để miễn cho Ðức Kitô bất cứ sự tự hạ nào ; cũng thế, tư cách là Mẹ Thiên Chúa đã không được dùng để miễn cho Ðức Maria sự hạ mình nào. Ðức Giêsu từng nói Lời là phương thế Thiên Chúa dùng để tỉa sạch : "Các ngươi đã được cắt tỉa bởi Lời ." (Yn 15, 3). Ðó chính là những Lời Ngài nói với Mẹ Ngài. Và đó lại không phải chính là Lời, là thanh gươm mà theo lời cụ Simêon, ngày kia sẽ đâm thâu tâm hồn Ðức Maria ?

Mẫu tính của Ðức Maria còn là và tiên vàn là một mẫu tính nhân linh, mang khía cạnh "xác thịt" theo nghĩa tích cực của từ ngữ ; như chúng ta vẫn nói hai đứa con sinh bởi cùng một mẹ là anh em ruột thịt với nhau. Ðứa con đó là con của Người, là kho tàng và chỗ nương dựa duy nhất của Người trong cuộc đời. Thế mà Người đã phải từ khước tất cả những gì đem lại niềm hứng khởi đối với một con người trong ơn gọi của mình. Người bị chính con mình đặt vào tình huống không thể tìm được bất cứ lợi ích trần thế nào do chức vụ làm Mẹ. Ðẫu là mẹ, Người đã đi theo Ðức Giêsu "như thể Người không phải là" Mẹ của Ngài. Sau khi bắt đầu sứ vụ và rời khỏi Nazareth, Ðức Giêsu không còn chỗ tựa đầu và Ðức Maria không còn chỗ tựa lòng.

Ðức Maria đã rất nghèo về đời sống vật chất, Người lại còn sống sự nghèo khó tinh thần ở mức độ cao nhất. Nghèo khó tinh thần ở đây là chấp nhận từ bỏ mọi đặc quyền, không còn cậy dựa vào bất cứ điều gì dù là quá khứ, dù là tương lai, dù là những lời mạc khải hay các lời hứa, như thể tất cả những điều đó không thuộc về mình, như thể Chúa không hề có. Ðó là điều mà Thánh Gioan Thánh Giá gọi là "đêm tối ký ức". Khi nói về điểm này, thánh nhân minh nhiên đề cập đến Ðức Maria 4. Ðêm tối ký ức là quên đi, hay nói đúng hơn, không còn có thể nhớ lại quá khứ, muốn cũng không được, chỉ còn biết hướng về phía Chúa, chỉ còn sống trong niềm cậy trông. Ðây là nghèo khó trong lòng thật sự và triệt để, nếu có đầy dư là đầy dư Thiên Chúa nữa mà thôi, và sự đầy dư đó vẫn là trong hy vọng. Phaolô xác định rõ : sống "quên hẳn quá khứ" (Ph 3, 13).

Ðức Giêsu sử sự với Mẹ của Ngài như một vị linh hướng sáng suốt và đòi hỏi, khi nhận ra một tâm hồn đặc biệt thì không để tâm hồn đó mất thời gian, lần chần bên dưới với những tình cảm, những an ủi tự nhiên. Bởi chính Ngài là Ðấng Thánh, Ngài lôi cuốn Người vào cuộc hành trình không ngưng nghỉ, đi tới sự từ bỏ trọn vẹn để kết hiệp với Thiên Chúa. Ðức Giêsu đã chỉ dạy cho Ðức Maria sự từ bỏ chính mình. Với những ai bước đi theo Ngài qua các thời đại, thì Ngài chỉ dẫn bằng Tin Mừng của Ngài, nhưng với Mẹ Ngài thì Ngài đích thân hướng dẫn bằng lời nói. Một bàn tay Ngài để Cha dùng Thần Khí dẫn dắt mình đến nơi nào Cha muốn : vào sa mạc để chịu cám dỗ, lên núi để biến hình, đến vướn Dầu để mướt mồ hôi máu . và Ngài nói "Ta hằng làm những sự đẹp lòng Người" (Yn 8, 29). Bàn tay kia Ngài dẫn Mẹ đi trên cùng một hành trình để chu toàn Thánh Ý Cha. Từ nay, được tôn vinh trên trời bên Con mình, Ðức Maria có thể giơ bàn tay từ mẫu của Người cho chúng ta và dẫn đưa chúng ta, những đứa con rất nhỏ bé, theo sau Người, và nói với chúng ta với lời hợp với Ðức Maria hơn cả thánh Tông Ðồ : "Anh em đã noi theo tôi như tôi đã noi theo Ðức Kitô" (1C 11, 1)




Nếu hạt lúc không chết đi.

Nghe lời này, chúng ta, những con người xác thịt, hẳn phải tự hỏi : tất cả những điều đó tại sao tất yếu phải như vậy ? Ðức Maria chẳng lẽ đã không là thánh, đầy lòng tin và đầy thử thách sao ? Thiên Chúa có thật là tình yêu, như lời đã viết không ?

Ðức Giêsu đã làm như thế, đó là giải pháp đầu tiên cho câu hỏi đó. Và Ðức Maria phải gần với Ðức Giêsu để vẫn luôn là người môn đệ đầu tiên và hoàn hảo nhất của Ngài. Chính Ðức Maria hẳn sẽ không đổi một "đặc quyền" như thế vì bất cứ điều gì.

Còn một lý do khác mầu nhiệm hơn. Ðể hiểu được lý do này, thiết tưởng chúng ta phải khởi đi từ lời của Thánh Phaolô : "Máu thịt không thể thừa hưởng Nước Thiên Chúa, cũng như sự hủy hoại không thừa hưởng được sự bất hoại" (1C 15, 50). Bình diện ân sủng khác với bình diện tự nhiên, điều vĩnh cửu khác với điều xảy ra trong thời gian. Ta không thể đi từ bình diện này sang bình diện khác thẳng một đường mà không phải chịu đau đớn, nhưng là bằng một bước nhảy mang tính chất vô hạn. Ðể đi từ bình diện này sang bình diện khác, đòi hỏi một sự đoạn tuyệt, một sự chết. Một điều gì đó của trật tự ban đầu phải bị đảo lộn để đạt tới một hiện hữu khác hơn và cao hơn. Mẫu tính của Ðức Maria như chúng ta đã nói, cũng là mẫu tính thuộc thời gian, rất chi là người, được thực hiện "trong máu và thịt". Ðể có thể trở thành thực tại vĩnh cửu thần thiêng, một thực tại chỉ còn thuộc về Nước Trời mà thôi, thì mẫu tính đó cần phải trải qua cái chết, vả lại, đó cũng là điều mà nhân tính rất thánh của Chúa Con đã phải trải qua trước khi được tôn vinh và trở nên thần thiêng.

Ở đây tội có vai trò nào không ? Tội đã có vai trò của nó như đã có với Ðức Giêsu, theo nghĩa Ðức Giêsu đã đến chiến thắng tội lỗi bằng cách mang vào mình những hậu quả của tội. Ðức Giêsu muốn Ðức Maria liên kết với Ngài trên con đường đó, nhờ ân sủng và bằng cách noi theo.

Tuy nhiên, lý do tối hậu có lẽ liên quan đến các mối liên hệ giữa tự nhiên và ân sủng, chứ không chỉ dừng lại ở bình diện tội lỗi : "Ngay cả đối với một bản tính thánh thiện và vô tội, việc vượt sang trật tự siêu nhiên không bao giờ có thể thực hiện được nếu không trải qua cái chết theo một nghĩa nào đó. Lý do là vì sự vô hạn của Thiên Chúa không phải là "vô hạn phức hợp" (l�infini composé), thứ vô hạn giả hiệu mà người ta có thể đạt tới bằng cách chỉ cần kéo dài cái hữu hạn ! Ðối với hữu thể hữu hạn, vấn đề không phải chỉ là bằng lòng để cho một Ðấng khác ban cho tầm vóc của mình thêm "được vài phân". Con người cần phải thuận lòng "tế hiến mình trọn vẹn hơn rất nhiều 5".

"Thần Khí ban sự sống" : đúng như vậy, nhưng trước tiên phải làm cho xác thịt chết đi đã : "Nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em đã giết chết việc xấu của thân xác, anh em sẽ sống" (Rm 8, 13). Ân sủng không đậu xuống trên bản tính tự nhiên cách nhẹ nhàng như một vương miện đẹp đẽ đặt trên đầu. Bản tính tự nhiên cần phải được khuôn đúc lại, cần phải được thần thiêng hóa để phục sinh trong ân sủng. Ðức Giêsu đã đưa ra ví dụ về hạt lúa (Yn 12, 24). Hạt lúa đã phạm tội gì để phải chết trong lòng đất ? Không có tội gì cả. Nó chết đi chỉ là để nó sai hoa lắm quả. Còn có một ví dụ khác trong thiên nhiên đáng kinh ngạc hơn nữa vì nó liên quan đến một sinh vật : đó là con tằm. Cuộc "phiêu lưu" của nó quả là một dụ ngôn tuyệt vời cho đời sống thiêng liêng. Khi đã chấm dứt công việc của mình, thu mình trong kén, con tằm khô quắt lại như để chết đi. Trước tiên, da nó nứt ra phía trên lưng, sau đó, qua những hồi run rẩy, con quặn, con tằm đã lột xác cách đau đớn, tất cả đều bị xé rách cùng với lớp da : mũ sọ cứng, các hàm răng, mắt, chân, dạ dày. Xác cũ lô�t ra, mềm nhũn trong một góc kén và, thay cho con tằm là một cơ thể hình quả hạnh đào, một đầu tròn, một đầu nhọn xuất hiện : đó là con nhộng, thể hiện tình trạng trung gian giữa con tằm ban đầu và con bướm, là tình trạng thay hình đổi dạng cuối cùng. Ðộ 20 ngày, con nhộng tự hé mở như một quả chín, và từ lớp vỏ cứng, con bướm cố thoát ra ánh sáng. Con tằm bé nhỏ đã phạm tội gì nên nỗi phải trải qua sự hủy mình đi ? Không có tội gì cả. Trước kia nó bò sát mặt đất, giờ đây trong điều kiện sống mới, nó bay cao trong tự do chất ngất.

Ðức Maria, môn đệ Ðức Kitô.

Giờ đây, chúng ta dừng lại ở điểm cần phải làm sáng tỏ hơn cả. Ðức Maria đã phản ứng như thế nào tước cách đối xử của Con mình và cũng là của chính Thiên Chúa đối với mình ? Người đã trả lời như thế nào ? Chúng ta hãy đọc lại các bản văn với chiếc kính lúp nếu cần. Chúng ta nhận thấy một điều hiển nhiên : nơi Ðức Maria, không hề có dấu hiệu có ý chống lại, bác bẻ hay tự biện minh cho mình. Không hề có chút toan tính làm thay đổi quyết định của Ðức Giêsu. Một sự ngoan ngùy tuyệt đối. Ở đây, Mẹ Thiên Chúa, kỳ công vĩ đại nhất của ân sủng, bộc lộ sự thánh thiện của chính con người Mẹ, một sự thánh thiện vô song. Chỉ cần một vài so sánh là chúng ta biết điều đó.

Chẳng hạn với thánh Phêrô. Khi Ðức Giêsu tỏ cho ông biết là sự ruồng bỏ, cuộc khổ nạn và cái chết đang chờ đợi Ngài ở Giêrusalem thì Phêrô đã "phản đối lại" và nói : không đâu, lạy Chúa, điều đó không thể xảy ra (cf Mt 16, 22). Ông lo lắng cho Chúa Giêsu mà cũng lo cho chính mình. Nơi Ðức Maria không hề có như thế.

Maria nín lặng. Lời đáp của Người là sự thinh lặng. Không phải là sự thinh lặng khép mình lại và buồn bã, bởi lẽ có một thứ thinh lặng mà ở bên trong, nơi chỉ mình Thiên Chúa nghe thấy, lại chỉ là tiếng ồn ào của con người cũ. Thinh lặng của Ðức Maria là thinh lặng đúng nghĩa. Chúng ta thấy điều đó tại Cana, xứ Galilê. Thay vì tỏ ra mình bị xúc phạm, Ðức Maria hiểu,� trong lòng tin và có thể trong cái nhìn của Ðức Giêsu, mình có thể làm điều đó và Người nói với các người hầu : "Ngài có bảo gì hãy làm theo" (Yn 2, 5). (Ở Cana, Ðức Maria được "Ơn hiểu biết" [don de science] là ơn trong số các đặc sủng dường như chỉ sự chắc chắn siêu nhiên rằng Thiên Chúa sắp hành động, Ngài sắp thực hiện một điều gì đó, một phép lạ, và do đó ta có thể loan báo điều đó). Cũng thế, sau lời cứng cỏi của Ðức Giêsu được tìm thấy lại trong đền thờ, Kinh Thánh nói : Ðức Maria đã không hiểu, và còn thêm, Người thinh lặng và "giữ kỹ các điều dó trong lòng" (Lc 2, 51).

Thinh lặng không có nghĩa là mọi sự dễ dàng đối với Ðức Maria, không có nghĩa là Người không phải Vượt Qua những chiến đấu, những nỗi đau khổ và bóng tối. Người được miễn khỏi tội nhưng không miễn khỏi chiến đấu và những "nỗi gian khổ của lòng tin". Nếu Ðức Giêsu đã phải chiến đấu đến mướt mồ hôi máu để cho ý muốn nhân loại của mình hoàn toàn nên một với Thánh Ý Cha, thì việc Ðức Maria cũng phải "hấp hối" phải chiến đấu có gì đáng ngạc nhiên đâu ? Có điều chắc chắn rằng Ðức Maria hẳn không khi nào muốn lùi bước, vì bất cứ lý do gì. Khi hỏi những tâm hồn được Thiên Chúa dẫn dắt qua những con đường tương tự, liệu họ có muốn người ta cầu nguyện để mọi sự được kết thúc và trở lại như trước không, thì họ vẫn trả lời ngay là không, mặc dầu họ đang sống trong tình trạng rối bời, đảo lộn và có lúc như đang đứng bên bờ tuyệt vọng.

Sau khi chiêm ngắm Mẹ Ðức Kitô trong phần suy niệm trước, giờ dây chúng ta chiêm ngắm người môn đệ Ðức Kitô. Về lời của Ðức Giêsu : "Ai là Mẹ Ta ?. Ai làm theo ý Thiên Chúa thì người ấy là anh chị em và là Mẹ Ta" (Mc 3, 33 - 35), thánh Augustino chú giải : "Ðức Trinh Nữ Maria, kẻ đã tin bằng lòng tin, đã thụ thai bằng lòng tin, kẻ đã được tạo dựng bởi Ðức Kitô trước khi Ðức Kitô được tạo thành trong lòng Người, chằng lẽ Người đã không thi hành Thánh Ý Chúa Cha sao ? Ðức Maria rất thánh đã thi hành Thánh Ý Cha và đã thi hành cách trọn vẹn. Bởi đó, đối với Ðức Maria, so với việc làm Mẹ Ðức Kitô thì việc làm môn đệ Ðức Kitô là điều đáng yêu thích hơn nữa. Ðức Maria sung sướng hạnh phúc vì trước khi sinh hạ Con mình, Người đã được mang Vị Thầy trong lòng dạ . Chính vì thế mà Ðức Maria cũng diễm phúc như vậy, vì Người đã lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành". "Về mặt thể xác, Ðức Maria chính là Mẹ Ðức Kitô, nhưng về mặt tâm linh, Người là một người chị em và là một Người Mẹ của Ngài 6".

Một trong những ông tổ của phong trào cải cách cũng đưa ra lời giải thích như vậy. Dựa vào cùng một bản văn Tin Mừng trong đó Ðức Giêsu hỏi : "Ai là Mẹ Ta ?", ông viết : "Qua lời đó, Ngài không có ý chối bỏ Mẹ mình, nhưng chỉ cho thấy ý nghĩa sâu kín của những điều Người thực hiện. Người đã đón nhận Lời Chúa và cũng thế, kẻ lắng nghe Lời Ngài sẽ đón nhận Thần Khí Thiên Chúa. Người đã thụ thai trong tư cách là một trinh nữ tinh tuyền và cũng thế, kẻ gìn giữ Lời Chúa tuân giữ và sống bằng Lời Chúa, kẻ ấy sẽ sinh hoa trái tốt đẹp lạ lùng 7".

Như vậy, phải chăng chúng ta cần nghĩ rằng, cuộc đời Ðức Maria được dệt nằng những nỗi đau khổ triền miên, một cuộc đời đầy sầu muồn ? Ngược lại là khác. Dựa vào kinh nghiệm các thánh mà suy xét thì chúng ta phải nói rằng, trên con đường từ bỏ mình, Ðức Maria ngày càng khám phá một niềm vui hoàn toàn mới lạ sánh với niềm vui làm mẹ ở Bethlem hay ở Nazareth, khi Giêsu nép sát vào lòng, còn Người thì ôm chặt lấy con. Niềm vui không làm theo ý riêng. Niềm vui của lòng tin. Niềm vui được hiến dâng cho Thiên Chúa điều quí giá nhất đối với mình, vì trong những quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, ta cũng thấy vui khi cho đi hơn là lãnh nhận. Niềm vui khám phá ra một Thiên Chúa mà những nẻo đường của Người là vô phương dò thấu và tư tưởng của Người không phải là tư tưởng của phàm nhân chúng ta. Nhưng chính qua đó ngài tỏ mình cho chúng ta biết Ngài là như thế nào : Thiên Chúa là Ðấng Thánh : "Quả thật, Ngài là Thiên Chúa ẩn thân, Thiên Chúa của Israel, Ðầng Cứu Ðộ !" (Is 45, 15). Ngài là Thiên Chúa ẩn thân, huyền nhiệm : Ðức Maria hẳn thấy rõ điều đó và có lẽ Người đã gật đầu đồng ý khi nghe công bố lời tiên tri đó trong Hội đường hay nơi nhà của Người !

Một nhà thần bí vĩ đại, từng sống những kinh nghiệm tương tự đã nói đến một niềm vui đặc biệt trí óc con người không thể nào hiểu được, bà gọi đó là "niềm vui của sự không thể thấu hiểu". Niềm vui này nằm ở chỗ hiểu rằng, mình không thể thấu hiểu. Một Thiên Chúa mà ta thấu hiểu được sẽ không còn là Thiên Chúa. Việc không thể thấu hiểu được đó sinh ra niềm vui thay vì nỗi buồn, vì nó cho thấy rằng Thiên Chúa giàu có và vĩ đại hơn những gì bạn thấu hiểu được, và vì Thiên Chúa đó lại là "Thiên Chúa của bạn !" Ðó là niềm vui của các thánh trên trời, niềm vui mà Ðức Thánh Trinh Nữ đã cảm nghiệm ngay từ đời này, tuy là một cách khác, chưa phải là kinh nghiệm Quê Trời.

Nếu ai muốn theo Ta .

Như thường lệ, đã đến lúc chuyển từ Ðức Maria sang Giáo Hội. Việc áp dụng những điều chúng ta chiêm ngắm trong cuộc đời Ðức Maria cho đến đây được chính Ðức Giêsu làm trong Tin Mừng (chúng ta đã nói, Ðức Giêsu đích thân hướng dẫn Mẹ Ngài, còn chúng ta thì Ngài dẫn dắt bằng Tin Mừng). Trong Tin Mừng Marcô, chúng ta đọc thấy việc, ngày kia "sau khi gọi dân chúng lại làm một với các môn đồ", Ðức Giêsu như muốn làm cho khẳng định của mình thêm long trọng, Ngài tuyên ���bố : "Nếu ai muốn theo Ta, thì hãy chối bỏ chính mình, hãy vác thập giá mình mà theo Ta. Vì kẻ ���nào . muốn cứu lấy sự sống mình thì sẽ mất, còn kẻ nào mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được nó" (Mc 8, 34 - 55). Tôi cho đây là cốt lõi tu đức của Tin Mừng. Tin Mừng ngoài khía cạnh rao giảng (aspect kérygmatique) tức là việc công bố Nước Trời, còn hàm chứa một khía cạnh tu đức, chỉ ra con đường thực hiện hoàn hảo luân lý noi theo Ðức Kitô. Những lời chúng ta vừa nghe là bí quyết và là điểm mấu chốt của con đường đó.

Những lời đó có ý nghĩa như thế nào ? Nếu muốn bước theo Ðức Kitô thì tôi không được đứng về phía mình, bào chữa cho mình hay cho bản tính tự nhiên của mình, không bám víu lấy mình để cố làm sao cho sự sống mình được bảo đảm. Ngược lại, phải biết nói không với chính mình, với những khuynh hướng tự nhiên của mình, chối bỏ mình trong sự sẵn sàng đối với Thiên Chúa, sẵn sàng đến mất mạng sống. Ðiều đáng chú ý là trong Tân Ước, cùng một động từ "chối" (arnéomai) được dùng đi dùng lại thường xuyên, trong hai văn mạch khác nhau : khi nói về việc chối bỏ chính mình và khi nói đến việc chối bỏ Ðức Kitô : "Ai chối bỏ Ta trước mặt người đời ." (Mt 10, 33). Theo Tin Mừng, hai nghĩa này có một mối tương liên rất chặt chẽ. Ngay cả phải lựa chọn một trong hai : hoặc chối bỏ chính mình, hoặc chối bỏ Ðức Kitô. Không thể theo bên này mà lại không chối từ bên kia, vì "hai bên xác thịt và Thần Khí" có những đam mê trái ngược nhau (x. Ga 5, 17).

Việc chối bỏ tự nó không bao giờ là một cứu cánh, cũng không phải là một lý tưởng tự thân. Thực tại tích cực vẫn là điều quan trọng hơn cả : "Nếu ai muốn theo Ta" : theo Ðức Kitô. Nói không với chính mình là phương tiện, nói vâng với Ðức Kitô là mục đích. Thánh Phêrô trong Tin Mừng là một minh họa bi thảm cho điều đó : Ông bất ngờ (thực ra Ðức Giêsu đã tìm cách cảnh giác ông) rơi vào một tình thế phải lựa chọn lập tức giữa hai khả thể. Ðứng trước lựa chọn đó, Phêrô đã "chối Ngài" : "Ông lại thề mà chối : tôi không biết người ấy !" (Mt 26, 70 ; Mc 14, 68). Trong nguyên bản, cùng một động từ "chối" (arnéomai) trở đi trở lại trong tất cả đoạn văn này. Vì không chối chính mình, Phêrô đã chối Ðức Kitô. Vì muốn cứu lấy mạng sống mình, ông đã đánh mất nó, ông đã đánh mất cuộc sống thực của mình, cái tôi thực của mình, đánh mất những gì tốt đẹp mà ông có được, ngay cả lẽ sống của ông. Ðáng thương thay Phêrô ! Khi vừa chối xong, ông nhận ra là đã mất đi chính mình, vì không có Thầy, từ nay Phêrô có là gì nữa đâu ? Không là gì cả ! Vì thế, ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết. Lời nói đó của Ðức Giêsu chạm đến trọng tâm của vấn đề. Vấn đề là phải biết chúng ta muốn đặt cuộc sống của mình lên nền tảng nào : cái tôi hay là Ðức Kitô ; chúng ta muốn sống cho ai : cho chính mình hay cho Chúa ? Lựa chọn đó đã xảy đến cách quyết liệt trong cuộc đời các vị tử đạo. Ðến một ngày họ đứng trước lựa chọn, hoặc chối chính mình, hoặc chối Ðức Kitô. Lựa chọn đó, dưới những hình thức khác nhau, mọi người môn đệ đều buộc phải đặt ra, đặt ra mỗi ngày và ngay cả mỗi giây phút của cuộc đời mình. Mỗi tiếng không nói với mình, bởi lòng mến, là một tiếng vâng nói với Ðức Kitô.

Thế nhưng khổ chế Kitô giáo trong bản chất là một cái gì hoàn toàn khác với sự từ khước, khác với việc biết nói "không" với điều này hay điều kia. Nó là cái gì hoàn toàn khác với sự tự hủy hoại (autodestruction). Nó là con đường giúp đạt tới một đời sống tràn đầy hơn. Một cuộc chuyển đổi thật tốt đẹp. Việc một người nghèo rời bỏ nơi anh sống, một túp lều tồi tàn, tối tăm, ẩm ướt để đến ở trong một cung điện tráng lệ, được trang hoàng bởi tất cả những thiện hảo của Thiên Chúa, đến ở một cách nhưng không, chẳng lẽ chúng ta gọi đó là sự từ bỏ đối với anh ta sao ? Sự từ bỏ đúng hơn lại không phải là điều ngược lại hay sao : thích ở lại trong căn nhà tồi tàn với những bức tường nứt nẻ ? Cái "tôi" phàm nhân chính là túp lều đó, hết sức tồi tàn, thảm hại, sánh với việc chiếm hữu cung điẹ�n là Ðức Kitô.

Niềm vui chúng ta đón nhận trong cuộc đời tương ứng với đối tượng chúng ta lựa chọn. Nếu chọn chính bản thân mình thì niềm vui của chúng ta sẽ được nuôi dưỡng bởi một nguồn suối cạn khốc, một bầu sữa cạn khô. Nếu chúng ta chọn Ðức Kitô thì Ngài sẽ là nguồn vui bất tuyệt, không bao giờ vơi cạn, bởi Ngài đã Phục Sinh.

Chẳng cần cố gắng lắm cũng có thể thấy được rằng cuộc đời chúng ta trôi dần qua đi, tàn lụi như thế nào. Vậy tại sao lại không thực hiện bước nhảy đó khi đang còn thời gian. Hãy hình dung một kẻ đắm tàu giữa dòng sông đang cuộn dâng, bị giòng nước cuốn đi trên mảng gỗ. Anh trôi dần đến cửa sông, chỗ nước đổ ra biển và khi đã ra biển thì hết phương thoát nạn. Bỗng nhiên, tại một khúc quanh của giòng sông, mảng gỗ lướt chạm mặt đất vững chắc ; cơ hội có lẽ là độc nhất vô nhị. Phúc cho kẻ đắm tàu đó nếu anh ta dám nhảy ngay, không một giây chần chờ. Anh thoát nạn. Anh đã "đặt chân trên đá tảng". Cốt lõi khổ chế của Tin Mừng thoạt nhìn có lẽ khô khẳng, mà thực ra là tươi sáng và đẹp đẽ biết bao.


Tuy nhiên, khi bàn về việc từ bỏ mình, một nguy cơ nghiêm trọng đe dọa chúng ta : nguy cơ dừng lại trên bình diện lý thuyết. Vấn đề không phải là biết hết mọi lẽ về sự từ bỏ theo quan niệm Kitô giáo, về giá trị cũng như lợi ích của nó, điều quan trọng là từ bỏ mình thực sự. Một bậc thầy trong đời sống thiêng liêng cổ thời đã nói : "Có thể bỏ ý mình cả chục lần trong một khoảng thời gian rất ngắn, tôi sẽ giải thích cho anh em tại sao. Một người đi dạo, thấy vật gì đó, ý nghĩ bảo ông ta : "Hãy nhìn vật đó xem", nhưng anh ta đáp lại : "Không, tôi không nhìn đâu", và như thế người đó đã bỏ ý mình và không nhìn. Sau đó, anh gặp những người đang trò chuyện với nhau, ý nghĩ bảo anh : "Mình cũng hãy góp chuyện đi chứ", anh bỏ ý mình và không nói gì. Ý nghĩ của anh một lần nữa lại gợi chuyện : "Phải đi hỏi ông thầy ở nhà bếp xem ông dọn những gì", anh bỏ ý mình, không đi đến đó".

Những ví dụ này rút ra từ đời sống đan tu, nhưng có thể thích hợp với đời sống mỗi người. Trên truyền hình có cảnh bất nhã, con người cũ của bạn gợi ý : hãy xem cảnh đó đi, thực ra mình đã lớn chứ có phải con nít đâu : mình làm gì xấu nào ? Bạn nói : Không ! Thế là bạn đã từ bỏ chính mình. Người ta đưa tới cho bạn cơ hội kiếm được một mối lợi bất chính : bạn nói không, và thế là bạn đã từ bỏ mình. Bạn nghĩ mình là nạn nhân của một lầm lỗi : bạn muốn tỏ cho mọi người biết bằng cách sống lầm lỡ trong sự thinh lặng đầy trách móc. Bạn nói không, bạn phá vỡ thinh lặng và nối lại sự đối thoại. Bạn đã từ bỏ mình và đã cứu được đức ái. Và cứ thế .

Ðấy là một chương trình rất hay, nhưng để khỏi ru mình trong ảo tưởng, có lẽ cần phải thêm ngay rằng, chương trình đó cũng rất khó, hết sức khó thực hiện. Bản tính tự nhiên sẽ vận dụng hết mọi khả năng chống cự của nó trước khi chịu nhường bước ; nó muốn cứu lấy sự sống mình chứ không muốn đánh mất. Nó bảo vệ không gian sống của mình từng bước một, nhằm làm sao giữ Thiên Chúa bên ngoài ranh giới của mình, bởi nó biết rằng Thiên Chúa đến gần có nghĩa là sự yên bình tự chủ của mình kết thúc. Bản tính tự nhiên xem chính giới hạn của con người mình như hàng rào bảo vệ, và vì thế nó đòi được yên thân trong những việc vụn vặt của con người, còn các việc của Thiên Chúa cứ để cho Thiên Chúa. Theo một số nhà thần học Trung Cổ, thì đó chính là bản chất của tội đã khiến Lucifer và Ađam sa ngã, và phải nói thêm, đã làm cho bao đầu óc kiêu căng trong thời chúng ta sa ngã, những kẻ đã thực sự khinh thường sự từ bỏ.

Ðây là lúc chúng ta cần nhớ rằng chúng ta có một Người Mẹ không phải là Người không thể cảm thông với nỗi yếu hèn của chúng ta, bởi lẽ Người đã dãi dầu thử thách, muôn sự đều tương tự, trừ phi là tội. Hãy chạy đến với Mẹ. Hãy đơn sơ nói với Người : Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con đừng làm theo ý mình. Xin làm cho chúng con cùng khám phá ra niềm vui mới trong việc hiến dâng cho Thiên Chúa một điều gì đó, bao lâu chúng con còn sống trong cuộc đời này, thay vì cứ mãi xin Thiên Chúa tặng ban cho chúng con.


CHÚ THÍCH

1. Jean Paul II, Encyclique Redemptoris Mater, 18 (AAS 79, 1987, p. 382 s).
2. Ibid, 17.
3. Lumen Gentium 58.
4. Saint Jean de la Croix, La montée du Carmel III, 2, 10.
5. H. de Lubac, Le mystère du surnaturel, Paris, 1965, p. 52.
6. Saint Augustine, Sermon 72A (= Denis 25), 7 (Misc, Agost, 1, p. 162) ; La sainte virginité 5 - 6 (PL 40, 399).
7. H. Zwingli, Von Klarheit und Gewissheit des Wortes Gottes, dans Zwingli, Hauptschriften, I, Zurich, 1940, p. 104.
8. Le livre de la Bienheureuse Angèle de Foligno, Instruction III (éd, Quaracchi, Grottaferrata, 1985, p. 468).
9. Dorothée de Gaza, Oeuvres spirituelles I, 20 (Sch 92, p. 177).
5. "ÐỨNG BÊN KHỔ GIÁ CHÚA GIÊSU, CÓ MARIA MẸ NGÀI".

MARIA, MẸ CỦA NIỀM HY VỌNG.

Khi chiêm ngắm Ðức Maria trong mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta đã để trước mắt mình bức icône được gọi là bức "Trinh Nữ dịu hiền" hay bức Trinh Nữ của Vladimir. Bức ảnh trình bày Hài Nhi Giêsu trong tay Mẹ Ngài. Nơi đường nét của các nhân vật, những nét vẻ Người Con hòa vào nét vẽ Người Mẹ. Ðến mức cả hai như làm thành một thân mình. Tay trái Ðức Maria choàng lấy Hài Nhi, còn tay phải mời gọi kẻ ngắm nhìn đến với Người, đi vào trong thế giới của Người. Hài Nhi hai tay choàng lấy cổ Mẹ, mà áp má và đưa miệng gần tới miệng Người, để thông truyền, người ta nghĩ như vậy, hơi thở thần linh của khôn ngoan. Ðức Maria không có vẻ gì là hành động hay rạng niềm vui hoàn toàn tự nhiên của một người mẹ hạnh phúc. Dáng vẻ của Người rất kín đáo, trầm tư, gần như mang nét buồn. Nhưng khi nhìn ngắm Người, không ai nghi ngờ rằng, Người tràn đầy niềm vui thần thiêng nơi thẳm sâu tâm hồn.

Ðã đến lúc chúng ta phải thay đổi icône. Chúng ta chuyển sang icône về Ðức Maria trong mầu nhiệm Vượt Qua, icône đóng đinh thập giá. Thật tương phản biết bao ! Giêsu không còn trong vòng tay Mẹ, mà là trong những cánh tay khác ; Ngài không còn kề đầu vào má Người, mà là vào má khác cứng rắn hơn nhiều ; má gỗ Thập Giá. Maria từ đây giấu đôi bàn tay trống trải, vô dụng, dưới tấm khăn choàng vai. Giữa Mẹ và Con chừ�ng như có một khoảng ngăn cách không gì có thể lấp đầy. Giêsu bị treo lơ lững giữa trời và đất "bên ngoài cổng thành" (x. Hr 13, 12) và bên trên cổng thành. Giữa Người và Con là cả một thế giới thực tại và hình ảnh : bên trái, một thiên thần đẩy một phụ nữ tượng trưng cho Hội Ðồng Dothái xa khỏi Thập Giá đó.

So sánh giữa hai icône đó giúp chúng ta đo lường được ngay con đường từ bỏ, vứt bỏ mà Ðức Maria đã thực hiện. Trong Thánh Vịnh 22, là Thánh Vịnh Ðức Giêsu đã cất lên trên Thập� Giá : "Lạy Chúa Trời tôi, lạy Chúa Trời tôi, sao Người lại bỏ tôi ?", có một lúc, vịnh gia nói : "Người đã đưa tôi ra khỏi dạ mẹ và đặt tôi an toàn trên lòng mẹ�. Thật là một cảm giác khó tả khi nghĩ đến việc Ðức Giêsu đã có thể thầm nhủ những điều đó, và đứng trước Ngài là Người Mẹ mà ngày xưa Ngài đã từng ngủ yên trên ngực.

Trong phần suy niệm này, chúng ta cũng thế, hãy đến dưới chân Thập Giá, "chúng ta hãy ra ngoài doanh trại mà đến cùng Ngài, vác lấy khổ nhục của Ngài" (Hr 13, 13). Nếu bạn là đàn ông thì hãy đứng bên Gioan và cúi đầu để tôn thờ trong thinh lặng, theo gương ông. Nếu bạn là phụ nữ, thì hãy đứng bên Ðức Maria, chia sẻ sự thinh lặng và nỗi đau của Người, như những phụ nữ đạo đức trong bức icône đã làm.

Ðức Maria trong Mầu Nhiệm Vượt Qua.

Lời Chúa đi cùng chúng ta trong chương này là lời của Gioan, người "đã trông thấy và người biết là đã nói thật" (Yn 19, 35) : "Ðứng bên khổ giá Ðức Giêsu có Mẹ Ngài, Maria, vợ Clôpas. Và Maria người Magdala. Vậy Ðức Giêsu thấy Mẹ Ngài, và môn đồ Ngài yêu mến đứng bên cạnh thì Ngài nói với Mẹ : "Hỡi Bà, này là con Bà", đoạn lại nói với môn đồ : "Này là Mẹ con". Và từ giờ đó, môn đồ đã lãnh Bà về nhà mình" (Yn 19, 25 - 27).

Từ bản văn rất súc tích đó, trong lúc này, chúng ta chỉ xét đến phần đầu tiên, phần tường thuật. Các lời của Ðức Giêsu chúng ta sẽ dành trong chương kế tiếp.

Như đã nói, trong Tân Ước, Ðức Maria hiện diện trong cả ba thời điểm cấu thành mầu nhiệm Kitô giáo : Nhập Thể, Vượt Qua và lễ Ngũ Tuần. Thế nhưng, Ðức Maria dường như chỉ hiện diện trong phân nửa mầu nhiệm Vượt Qua chứ không phải trong toàn thể. Mầu nhiệm Vượt Qua đầy đủ quả thực bao gồm cái chết và sự Phục Sinh của Ðức Kitô, không thể tách rời. Mầu nhiệm này là sự Vượt Qua từ sự chết đến sự sống, Vượt Qua thế gian để đến cùng Cha (x. Yn 13, 1), mở đường cho chúng ta, những kẻ tin, để chúng ta cũng được Vượt Qua từ sự chết đến sự sống. Thế nhưng, Ðức Maria chỉ được nói đến dưới chân Thập Giá và trong cái chết của Ðức Giêsu. Còn trong biến cố Phục Sinh thì không. Không hề có dấu vết nào trong các Tin Mừng cho thấy Ðấng Phục Sinh có hiện ra với Mẹ của Ngài. Phần chúng ta, chúng ta lại muốn theo sát các Tin Mừng.

Nhưng chính khi theo sát các Tin Mừng, chúng ta sẽ khám phá thấy rằng Ðức Maria đã sống tất cả mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm của sự chết và sự Phục Sinh, của tự hạ và suy tôn. Người đã sống gần kề Ðức Giêsu hơn bất cứ ai khác - Gioan, soạn giả Tin Mừng, nói cho chúng ta về Ðức Maria dưới chân Thập Giá. Mà trong Tin Mừng Gioan, Thập Giá Ðức Kitô, đồi Canvê thể hiện điều gì ? Ai cũng rõ : Ðó là "Giờ", giờ Con Người sẽ được tôn vinh, giờ mà vì đó Ngài đã đến trong thế gian (x. 12, 23 - 27). Ðức Giêsu nói với Cha về giờ của Ngài bằng những lời : "Lạy Cha, giờ đã đến, xin hãy tôn vinh Con Cha" (Yn 17, 1). "Khi các ngươi nhắc Con Người lên cao" - lời Ðức Giêsu chỉ đến cái chết của Ngài -� "Bấy giờ các ngươi sẽ biết : chính là Ta" (x. Yn 8, 27). Vì thế giờ chết là giờ mà vinh quang của Ðức Kitô, quyền uy Thiên Chúa tối thượng của Ngài tỏ lộ trọn vẹn. Và bấy giờ Ðức Giêsu xuất hiện như là Ðấng ban Thần Khí. "Quả vậy, Thần Khí chưa có bởi Ðức Giêsu chưa được tôn vinh" (Yn 7, 39).

Ðối với Gioan, lễ Vượt Qua Cũ chuyển qua lễ Vượt Qua Mới được thực hiện trên Núi Sọ, soạn giả Tin Mừng làm nổi bật điều đó khi xác định thời gian Ðức Giêsu vào sau trưa 14 tháng Nisan, là lúc người ta sát tế chiên Vượt Qua trong Ðền Thờ Giêrusalem, đồng thời tác giả trích dẫn qui định liên quan đến chiên Vượt Qua trong sách Xuất Hành (x. Yn 19, 37 : Xh 12, 46). Bên kia diễn biến cũng như niên biểu của các sự kiện, tác giả, nhờ mạc khải của Thiên Chúa, nhận ra được ý định thâm sâu của Thiên Chúa, theo ý định đó, Thập Giá là thời điểm chuyển từ Giao Ước Cũ sang Giao Ước Mới, từ các lời tiên tri sang thực tại. Ðó là lúc mà "mọi sự được hoàn tất" (Yn 19, 30). Phục Sinh được chiêm ngắm như là điều đã hiện diện tiềm tàng và hoạt động trong giờ tử nạn của Ðức Kitô. Phục Sinh được hiểu trong căn nguyên của nó, đó là sự vâng phục trong lòng mến của Chúa Con, vâng phục đến chết, cùng với lời hứa của Chúa Cha tôn vinh Con.

Vì thế, Tin Mừng thứ Tư tuy có đoạn nói đến mồ trống và những lần hiện ra của Ðấng Phục Sinh, nhưng không nhằm mục đích hộ giáo như ta thấy trong các Tin Mừng Nhất Lãm. Dưới ánh sáng những lời Ðức Giêsu nói với Tôma, thì những sự kiện đó là một nhượng bộ đối với lòng tin yếu kém của các tông đồ, những người "chưa hiểu lời Kinh Thánh là Ngài phải sống lại từ cõi chết" (Yn 20, 9). Tự chúng không thiết yếu để bảo đảm cho sự kiện Phục Sinh. Quả vậy, Ðức Giêsu đã nói với Tôma : "Phúc cho những ai không thấy mà tin" (x. Yn 20, 29).

Trong viễn tượng này, sự kiện Tin Mừng thứ Tư không hề nói đến lần hiện ra nào của Ðấng Phục Sinh với Mẹ Ngài không còn là điều quan trọng hay lạ lùng gì lắm. Ba ngày sau, vào sáng sớm, các phụ nữ mới biết được Ðức Kitô Phục Sinh, nhưng Ðức Maria biết điều đó sớm hơn nhiều. Người biết lúc bình minh của Phục Sinh hé lộ trên Thập Giá, lúc trời "vẫn còn tối" (x. Yn 20, 1).

Về điều nói trên, nghĩa là việc, đối với Gioan, giờ Núi Sọ đã bao hàm sự Phục Sinh của Ðức Kitô, chúng ta có được sự xác nhận trên bình diện lịch sử. Ta biết rằng các Giáo Hội ở Tiểu Á, là những Giáo Hội đã được Ngài thiết lập hoặc dẫn dắt, đã cử hành lễ Phục Sinh vào ngày 14 tháng Nisan là ngày kỷ niệm cái chết chứ không phải sự Phục Sinh của Ðức Kitô. Ở những nơi khác, Giáo Hội cử hành lễ Phục Sinh vào ngày Chúa Nhật. Qua các bản văn còn giữ lại được cho đến ngày nay, người ta còn biết được rằng, trong các Giáo Hội Á Châu này, ngày lễ đó tưởng niệm không những cái chết mà cả cuộc chiến thắng và sự Phục Sinh của Ðức Kitô ở mức độ ngang nhau.

Như thế, khi trình bày Ðức Maria dưới chân Thập Giá, Gioan đã đặt Ðức Maria vào ngay trung tâm của mầu nhiệm Vượt Qua. Người không chỉ có mặt trong sự thất bại và cái chết của Con mình mà cả trong sự tôn vinh. "Chúng tôi đã được ngắm vinh quang của Ngài", Gioan kêu lên như thế trong Lời Tựa. Ngài chủ yếu muốn nói đến vinh quang của Thập Giá. Ðức Maria cũng có thể nói mình đã nhìn thấy vinh quang của Ngài, một vinh quang thật khác biệt, thật mới mẻ so với mọi thứ vinh quang mà loài người đã nghĩ ra. Người đã được ngắm "vinh quang của Thiên Chúa", Ðấng là Tình Yêu.

Ðức Maria : chiên non tinh tuyền.

Như vậy, phải chăng Ðức Maria đã không đau khổ trên Núi Sọ ? Phải chăng Thập Giá chỉ là sự Vượt Qua ngắn ngủi ? Ðức Giêsu, Ðấng đã gọi giây phút đó là giờ vinh quang, vậy thì Ngài có chịu đau khổ thật không ? Phải chăng sự tàn bạo, ác liệt của cuộc khổ nạn bởi đó đã được giảm nhẹ ? Ðức Giêsu của Tin Mừng thứ Tư đã rung động tâm hồn trong Vườn Dầu (x. Yn 12, 27), nếm vòng gai, tạt vả, đòn roi (x. Yn 19, 1tt), gánh chịu Phêrô chối bỏ, Giuđa phản bội và tất cả những điều khác. Vinh quang nằm trên một bình diện khác với bình diện hữu hình của các sự kiện lịch sử : nó liên quan đến ý nghĩa các sự kiện, đến hành động của Thiên Chúa : "Thiên Chúa đã đặt làm Chúa và làm Kitô, Ðức Giêsu mà các người đã đóng đinh kia" (Cv 2, 36). Việc đóng đinh thuộc quyền con người, nằm trong lịch sử. Việc tôn vinh là bởi Thiên Chúa, ngoài giới hạn của lịch sử, thuộc về cánh chung. Người ta có thể nhìn thấy nó trong lòng tin.

Ðức Maria cũng đã uống cạn chén khổ nạn. Có thể nói về Người như đã nói về Nữ Tử Sion, Người "đã uống chén lôi đình từ tay Giavê, Người đã uống, đã nốc cạn ly" (x. Ys 51, 17). Nếu bên khổ giá Ðức Giêsu, trên Núi Sọ, có Maria Mẹ Ngài, thì điều đó có nghĩa là trong những ngày đó Người có mặt tại Giêrusalem, đã chứng kiến tất cả, đã tham dự vào tất cả cuộc khổ nạn. Người đã nghe thấy tiếng la hét : "Không phải hắn mà là Barabas !" ; Người đã thấy Ecce homo ; Người đã nhìn thấy thịt bởi thịt mình bị đòn roi, đẫm máu, bị đội vòng gai, nửa thân trần trụi trước đám đông dân chúng, Người đã chứng kiến tấm hình hài đó run rẩy, co giật bởi những cơn rùng mình của cái chết. Người đã nghe tiếng búa nện và những lời lăng nhục : "Nếu mày là Con Thiên Chúa .". Người đã nhìn thấy những tên lính chia nhau áo xống của Ngài, cả tấm áo trong mà chính tay Người đã dệt. Tâm tình đạo đức Kitô giáo quả đã không lầm khi áp dụng cho Ðức Maria những lời mà Nữ Tử Sion thốt lên tong nỗi buồn sầu đau đớn : "Hỡi những khách qua đường, hãy trông xem : có đớn đau nào như nỗi đớn đau hành hạ thân tôi" (Ac 1, 12). Nếu Thánh Phaolô đã có thể nói : "Tôi mang nơi thân mình tôi những vết hằn của Ðức Giêsu" (Ga 6, 17), thì Ðức Maria có thể nói đến thế nào nữa ? Ðức Maria là người đầu tiên trong Kitô giáo được in thương tích vô hình, hằn sâu trong trái tim, như sau này sẽ xảy ra nơi các thánh nam nữ.

"Ðứng bên khổ giá Ðức Giêsu, có Mẹ Ngài, và người chị em của Mẹ Ngài, Maria vợ của Clôpas và Maria người Magđala" : Một nhóm phụ nữ bốn người tất cả, không chỉ có mình Ðức Maria, Người là một trong những phụ nữ này. Ðúng vậy, nhưng Ðức Maria đứng đó trong tư cách là "Mẹ Ngài" : đây là điều làm thay đổi tất cả và đặt Người trong một tình huống hoàn toàn khác. Thỉnh thoảng tôi có tham dự đám tang thanh niên, tôi đặc biệt nghĩ đến một chàng thanh niên, rất nhiều phụ nữ đi dự đám tang, tất cả đều vận đồ đen, tất cả đều khóc, họ trông người nào cũng như người nào. Thế nhưng, trong số phụ nữ đó, có một phụ nữ trông vẫ�n khác, người mà ai cũng nghĩ đến, ai cũng len lén quay lại nhìn : người mẹ. Bà đã góa bụa và chỉ còn đứa con này. Bà nhìn chiếc quan tài, người ta thấy đôi môi bà lẩm bẩm tên con không ngừng. Khi tới kinh Sanctus, các tín hữu bắt đầu tung hô : Thánh, Thánh, Thánh, bà cũng bắt đầu thầm thĩ : Thánh, Thánh, Thánh, và có lẽ cũng không rõ mình đang nói gì . lúc đó tôi bỗng nghĩ đến Ðức Maria dưới chân Thập Giá. Ðức Maria bị đòi hỏi phải có một cử chỉ khó khăn hơn vạn bội : tha thứ. Khi nghe Con mình cầu xin : "Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm" (Lc 23, 34), Người hiểu Cha trên trời đang chờ đợi điều gì nơi Người : hãy mang vào lòng chính những lời đó : "Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm". Người đã nói những lời đó. Người đã tha thứ.

Người ta không thuật lại tiếng khóc than nào của Ðức Maria dưới chân Thập Giá như đã thuật lại tiếng khóc than của các phụ nữ đi theo Ðức Giêsu lên Núi Sọ (x. Lc 23, 27). Không một lời nào được thuật lại, như khi tìm thấy Ðức Giêsu trong Ðền Thờ, hay như ở Cana xứ Galilê. Chỉ có sự thinh lặng của Người. Trong Tin Mừng Luca, Maria lặng thinh lúc sinh hạ Ðức Giêsu. Trong Tin Mừng Gioan, Người im lặng lúc Ðức Giêsu tắc thở. Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gởi tín hữu Corintho đã đặt "Lời của Thập Giá" (verbum crucis) đối lập lại với khôn ngoan của lời (sapientia verbi) ; nghĩa là, ngôn ngữ của Thập giá và ngôn ngữ của khôn ngoan nhân loại đối lập nhau. Sự khác biệt nằm ở chỗ : khôn ngoan của lời hay khôn ngoan của thế gian thì diễn tả bằng lời nói, bằng những diễn từ văn hoa. Ngược lại Thập Giá diễn tả bằng thinh lặng. Ngôn ngữ của Thập Giá là thinh lặng. Thinh lặng giữ hương thơm của hy tế cho riêng Thiên Chúa mà thôi. Nó giữ cho đau khổ không bị tiêu tán, không tìm kiếm và tìm thấy phần thưởng đền bù nơi trần thế này.

Nếu Ðức Maria có chịu cám dỗ như Ðức Giêsu đã từng chịu trong sa mạc, thì phải là và nhất là dưới chân Thập Giá : một cơn cám dỗ vào loại thâm hiểm nhất mà cũng là đau đớn nhất, bởi lẽ chính Ðức Giêsu lại là căn cớ. Người đã tin vào các lời hứa, Người tin rằng nếu Ðức Giêsu cầu xin thì hẳn Chúa Cha sẽ gởi đến cho Ngài "hơn mười hai cơ binh thiên thần" (x. Mt 26, 53). Thế mà Ðức Giêsu đã không làm gì cả. Nếu Ngài tự cứu mình khỏi Thập Giá thì cũng là cứu Người khỏi nỗi đau đớn khủng khiếp. Thế nhưng Ðức Maria đã không kêu : "Hãy xuống khỏi Thập Giá đi, Con hãy tự cứu mình mà cũng là cứu cả Mẹ nữa !". người cũng không nói : "Con cứu bao nhiêu người khác, thế sao bây giờ không thể tự cứu mình nữa, hở Con ?". Dù rằng một ý nghĩ, một niềm ao ước như thế tự nhiên phải nẩy lên trong tâm hồn người mẹ, đó là điều dễ hiểu, thế nhưng Người thậm chí cũng không hỏi Ðức Giêsu : "Này Con, tại sao Con làm thế với cha mẹ ?", như khi xưa, lúc Người tìm được Ðức Giêsu trong Ðền Thờ (Lc 2, 48). Maria lặng thinh "dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một Người Mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra 1, lời của Công Ðồng Vatican II. Người đã cùng với Ðức Giêsu cử hành lễ Vượt Qua của Ngài.

Như lời Tin Mừng Luca, cha mẹ Ðức Giêsu "hàng năm đi Giêrusalem dự lễ Vượt Qua". Khi Ðức Giêsu lên mười hai tuổi, ông bà lên theo Ngài, nhưng Ngài ở lại Giêrusalem đã không trở về cùng với các Ngài (x. Lc 2, 41tt). Giờ đây, Ðức Maria lại một lần nữa cùng đi với Ðức Giêsu để cử hành lễ Vượt Qua cuối cùng của Ngài.

Lễ Vượt Qua, lần này, là chính Ngài, và Ngài sẽ không bao giờ còn trở về nhà mình, ngay cả ba ngày sau. Vị Giám Mục của một trong những Giáo Hội non trẻ ở Tiểu Á mà tôi nói đến ở trên, đã nhắc nhở điều đó trong một bài giảng đêm Phục Sinh khoảng giữa những năm 160 và 180 sau Công Nguyên như sau : "Lề Luật đã trở thành Ngôi Lời, lệnh truyền biến thành ân sủng, hình bóng thành sự thật, chiên con thành Ngôi Con . chính Ngài là Con Chiên câm lặng . chính Ngài là Ðấng sinh bởi Ðức Maria, Chiên Non tinh tuyền ; Ðấng chịu sát tế chiều hôm đã Phục Sinh từ trong kẻ chết 2".

Ðối với người môn đệ rất xa xưa này của thánh Gioan, Ðức Maria dưới chân Thập Giá đã xuất hiện như là "chiên non tinh tuyền" đứng bên Chiên Con chịu sát tế. Người đã sinh ra hy lễ Vượt Qua và đã hiến mình cùng với Ngài. Chiên con ngậm câm bên Chiên Con "không hề mở miệng" (x. Ys 53, 7). Phụng vụ Byzantine đã xử dụng tước hiệu này của Ðức Maria, "chiên non mỹ miều", trong Giờ Kinh Phụng Vụ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, lấy từ một Thánh Thi của Romanos le Mélode 3.

Ðức Maria hiệp nhất với hy tế của Con mình, cách nhìn đó đã được diễn tả cách đúng mức, giản dị và trang trọng trong một bản văn Công Ðồng Vatican II : "Như thế, Ðức Trinh Nữ cũng tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên Thập Giá, là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Người đã đứng ở đó. Ðức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con Một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra 4".

Như thế, Ðức Maria không đứng "bên khổ giá Ðức Giêsu", đứng gần bên Ngài chỉ theo nghĩa thể lý và địa lý, mà còn theo nghĩa tâm linh. Người được hiệp nhất với Thập Giá của Ðức Giêsu, chia sẻ cùng một đau khổ. Người chịu khổ cùng với Ngài. Người chịu khổ trong tâm hồn những điều mà Con của Người phải chịu nơi thân xác. Liệu ai có thể nghĩ khác được nếu hiểu một chút thế nào là mẹ ? Nếu Ðức Kitô� đã kêu lớn tiếng : "Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi, nhân sao Người lại bỏ��� tôi ?" (Mt 27, 46), thì hẳn Ðức Maria cũng phải chịu một nỗi đau xuyên thấu, một nỗi đau tương ứng với nỗi đau đớn của Con, trên bình diện nhân loại. "Hồn bà, mũi gươm sẽ đâm thâu ngõ hầu tâm tư của nhiều tâm hồn phải bày ra" (x. Lc 2, 35), ngay cả tâm tư của Người : "Ngươi có còn dám tin nữa không, liệu ngươi có còn đủ khiêm hạ để thực sự tin rằng mình là kẻ được chọn giữa muôn phụ nữ, kẻ đã đắc sủng nơi Thiên Chúa 5 !". Một anh em Tin Lành đã viết những dòng đó. Nếu một người trong chúng ta viết như thế, tuyên bố Ðức Maria bị xuyên thấu bởi một nỗi đau tương ứng với nỗi đau đớn của Con, xét trên bình diện con người, thì hẳn người ta sẽ cho là quá đáng. Thế nhưng đó là sự thật miễn là người ta lưu ý đến những chữ "xét trên bình diện con người".

Ðức Giêsu là người, và trong tư cách là người thì lúc này, dưới mắt thiên hạ, Ngài chỉ là một đứa con bị hành quyết trước mắt mẹ mình. Một thứ thần học bút chiến nào đó (hoặc hộ giáo, nếu là Công Giáo), vì quá chú trọng đến việc tránh không đặt Ðức Maria và Ðức Kitô, Ðấng cứu độ và con người được cứu độ trên cùng một bình diện, đã thực sự rơi vào nguy cơ làm cho mầu nhiệm Nhập Thể thành vô giá trị, và quên rằng Ðức Kitô đã trở nên "tương tợ với chúng ta trong muôn sự, trừ phi là tội"���� (x. Hr 4, 15). Chắc hẳn khi một người con hấp hối trong những hoàn cảnh như thế, bị mọi người ruồng bỏ, tìm nương náu nơi trái tim, nơi ánh mắt người mẹ, người đã sinh ra và biết Con mình vô tội, thì có gì là "tội" đâu. Ðó chỉ là bản tính tự nhiên, là sự đồng cảm của con người. Và bởi đó là sự đồng cảm của con người chứ không phải là tội, nên Ðức Giêsu đã cảm nghiệm nó trong giây phút hấp hối. Ðừng để sự khác biệt vô cùng giữa Ðức Kitô và Ðức Maria làm quên đi sự tương tợ, bởi sự tương tợ giữa hai người cũng vô cùng vô hạn ; nếu không như thế thì� sẽ rơi vào thuyết ảo thân và phủ nhận Ðức Giêsu là người thật.

Ðức Giêsu không còn nói : "Này bà, giữa tôi với bà, nào có việc gì ? Giờ của tôi chưa đến" (Yn 2, 4). Bây giờ, "giờ" của Ngài đã đến, giữa Ngài và Mẹ có chung một thực tại lớn lao : cùng một niềm đau khổ. Trong những giây phút cực điểm này, những giây phút mà chính Chúa Cha cũng ẩn khuất cách bí nhiệm khỏi mắt trần của Ngài, Ðức Giêsu chỉ còn lại ánh mắt của Mẹ, như là nơi Ngài có thể tìm trợ lực, náu nương. Nếu trong Vườn Dầu, Ngài đã ngỏ ý với các môn đệ : "Các ngươi hãy ở lại đây mà thức với Ta" (Mt 26, 38), lẽ nào Ngài lại không màng gì đến sự hiện diện đầy ủi an của một người mẹ ?

Ðức Maria "đứng" bên khổ giá, khuôn mặt của Người hầu như ngang với khuôn mặt Ðức Giêsu, cúi xuống từ trên Thập Giá. Khi nói với Người : "Hỡi Bà, này là con Bà !", chắc chắn Ðức Giêsu đã quay về nhìn Mẹ, đến nỗi không cần phải gọi tên của Người. Ai có thể thấu được ánh mắt đó giữa Mẹ và Con, trong giây phút như vậy. Mọi nỗi đau khổ của con người đều hàm chứa một chiều kích "riêng tư" thân thiết, và người ta chia sẻ đau khổ theo "gia đình", giữa những người gắn bó với nhau bằng mối dây máu mủ ruột thịt. Niềm đau khổ của Ðức Kitô và của Ðức Maria cũng đã được chia sẻ như thế !

Một niềm vui trong đau đớn tột cùng chuyển thông giữa hai người như nước trong hai bình thông nhau. Niềm vui đến từ việc, từ đây, các Ngài chẳng những không còn chống chọi lại nỗi đau đớn, mà ngay cả để cho nỗi đau đó tự do xâm nhập vào tận những gì thâm sâu nhất. Sau cuộc chiến đấu là niềm bình an. Các Ngài nên một với đau khổ và tội lỗi của toàn nhân thế. Ðức Giêsu nên một cách trực tiếp trong tư cách là "hy lễ đền tạ tội lỗi của thế gian" (x. 1Yn 2, 2). Còn Ðức Maria thì một cách gián tiếp, qua sự kết hiệp với Con bằng cả thân xác và tâm hồn.

Hành vi cuối cùng của Ðức Giêsu trên Thập Giá, khi nói lên lời : "Lạy Cha, con ký thác hồn Con trong tay Cha" (Lc 23, 46) là một hành vi tôn thờ Thánh Ý Cha với tấm lòng yêu mến, trước khi đi vào bóng tối của sự chết. Ðức Maria hiểu mình phải bước theo Con cả trong điều đó và Người đã tôn thờ Thánh Ý khôn dò thấu của Chúa Cha, trước khi một nỗi cô đơn khủng khiếp phủ xuống tâm hồn Người và đọng lại đó cho đến chết.

Ðứng gần khổ giá Ðức Giêsu.

Trung thành với nguyên tắc hướng dẫn, theo đó Ðức Maria được xem là hình bóng và là tấm gương, hoa trái đầu tiên và là gương mẫu của Giáo Hội, chúng ta cần phải đặt ra câu hỏi : Thánh Thần muốn nói gì với Giáo Hội khi để cho sự hiện diện của Ðức Maria cũng như lời của Ðức Giêsu nói về Người được ghi lại trong Kinh Thánh ? Ðức Maria là "bức thư sống" được viết bởi chính ngón tay của Thiên Chúa. Một bức thư viết với thật ít lời nên chúng ta không thể để mất đi một lời nào.

Cả lần này nữa, chính Lời Chúa, một cách mặc nhiên, chỉ cho Giáo Hội con đường của Ðức Maria, và cho chúng ta biết những gì mà mỗi tín hữu phải thực hiện để noi gương Người. "Ðứng bên khổ giá Ðức Giêsu có Mẹ Ngài, và bên cạnh Mẹ Ngài là môn đệ Ngài yêu mến". Trình thuật này hàm chứa lời khuyến thiện (parénèse). Ðiều xảy ra hôm đó chỉ cho thấy những gì phải diễn ra mỗi ngày : đứng cạnh Ðức Maria, bên Thập Giá Ðức Giêsu như người môn đệ Chúa yêu đã làm.

Câu nói này gợi ra hai bài học : trước hết, phải đứng "bên khổ giá" và thứ đến phải đứng bên khổ giá "của Ðức Giêsu". Chúng ta sẽ tìm hiểu từng bài học riêng biệt, bắt đầu từ bài hai là bài quan trọng nhất.

Ðứng bên khổ giá "của Ðức Giêsu". Những từ đó nói cho chúng ta biết điều phải làm trước tiên và cũng là điều quan trọng nhất, không phải là đứng bên khổ giá theo nghĩa chung chung, mà là đứng bên khổ giá "của Ðức Giêsu". Không phải chỉ cần đứng bên khổ giá, chịu đau khổ là đủ, ngay cả chịu đựng trong câm lặng đi nữa. Không ! Nếu chỉ có như thế thì có vẻ anh hùng đấy nhưng đó chưa phải là điều quan trọng nhất, thậm chí có khi chẳng là gì cả. Ðứng bên khổ giá "của Ðức Giêsu" đó mới là điều quyết định. Ðiều quan trọng không phải là thập giá của chúng ta mà là Thập Giá của Ðức Kitô. Không phải sự kiện chịu đau khổ nhưng là lòng tin, và qua đó nhận đau khổ của Ðức Kitô làm của mình. Ðức tin mới là điều quan trọng hàng đầu. Ðiều cao cả nhất của Ðức Maria dưới chân Thập Giá là lòng tin hơn là nỗi đau khổ của Người. Thánh Phaolô nói : lời của Thập Giá "là quyền năng của Thiên Chúa và là khôn ngoan của Thiên Chúa đối với những ai được kêu gọi". (x. 1C 1, 18. 24). Ngài còn nói Tin Mừng là quyền năng của Thiên Chúa "đối với mọi kẻ tin" (x. Rm 1, 16). Ðối với những ai được kêu gọi và đối với những kẻ tin chứ không phải đối với bất cứ ai chịu đau khổ, mặc dầu, như chúng ta sẽ thấy, những điều đó thường đi liền với nhau.

Ở đây chúng ta khám phá thấy nguồn suối đem lại tất cả sức mạnh và sự phong nhiêu cho Giáo Hội. Sức mạnh của Giáo Hội� phát xuất từ việc rao giảng Thập Giá của Ðức Giêsu, một chủ đề mà dưới con mắt thế gian là chính biểu tượng của sự điên rồ, của sự hèn yếu. Vì thế, Giáo Hội từ khước mọi khả năng hay ý muốn đương đầu lại với thế gian cứng lòng và dửng dưng bằng các phương tiện của nó : sự khôn ngoan của khoa ngôn ngữ, sức mạnh của lý luận, sự châm biếm, lố lăng, sự châm chích cay độc và tất cả "những gì là mạnh mẽ của thế gian" (x. 1C 1, 27). Phải từ khước mọi ưu thế phàm tục để sức mạnh Thiên Chúa chứa đựng trong Thập Giá Ðức Kitô được tỏ lộ và phát huy hiệu lực. Việc nhấn mạnh đến điểm đầu tiên này là hết sức cần thiết. Ða số các tín hữu đã chưa bao giờ được giúp đỡ để biết đi vào mầu nhiệm này, một mầu nhiệm trọng tâm của Tân Ước, tâm điểm của lời rao giảng tiên khởi và là mầu nhiệm làm thay đổi đời sống chúng ta.

"Ðứng bên khổ giá". Ðâu là dấu hiệu, là bằng chứng chúng ta thật sự tin vào Thập Giá của Ðức Kitô. Ðâu là dấu hiệu, là bằng chứng cho thấy "Lời của Thập Giá" không phải chỉ là một từ ngữ, một nguyên lý trừu tượng, một thần học hay một ý thức hệ, nhưng thực sự là Thập Giá ? Dấu hiệu và bằng chứng, là vác lấy Thập Giá của mình và theo Ðức Giêsu (x. Mc 8, 34). Dấu hiệu là thông phần vào các thống khổ của Ngài (Ph 3, 10 ; Rm 8, 17) là cùng chịu đóng đinh với Ngài (Ga 2, 20), là lấy chính những đau khổ của mình, bù đắp những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Ðức Kitô phải chịu������� (Co 1, 24). Ðời sống người Kitô hữu phải trở nên một hy tế sống động như hy tế của Ðức Kitô��������� (x. Rm 12, 1). Nhưng vấn đề không phải chỉ là nỗi đau khổ mình phải chấp nhận, phải chịu đựng, mà còn là đau khổ chủ động, tự ý tìm kiếm : "Tôi đối xử khắc nghiệt với thân xác tôi và bắt nó quỵ lụy phục tùng" (1C 9, 17).

Tôi nhấn mạnh đến điểm này là vì, như vẫn làm trong các phần suy niệm trước, chúng ta tìm cách xây dựng một tổng hợp. Tổng hợp những điều mà trong Giáo Hội, dần theo thời gian đã đi đến chỗ bị xem như là những điều đối lập với nhau trong khi lẽ ra chúng phải được gắn liền với nhau. Ðức Maria là dấu chứng tốt đẹp nhất về một Giáo Hội chưa bị chia cắt, chưa bị chia nhỏ thành nhiều tên gọi, trường phái, trào lưu khác nhau. Người có thể giúp chúng ta tìm lại sự duy nhất bằng cách trước hết làm nẩy sinh lại nơi chúng ta hoài vọng về sự duy nhất.

Ðứng trước Thập Giá và cuộc Khổ Nạn của Ðức Kitô, quả thật chúng ta thấy có hai thái độ khác biệt trong Giáo Hội : một thái độ đặc trưng của thần học Tin Lành, đặt nền trên đức tin và đón nhận trong tâm hồn, thái độ này dựa vào Thập Giá Ðức Kitô và không muốn biết thứ vinh quang nào khác ngoài Thập Giá Ðức Kitô. Thái độ thứ hai đặc biệt được khai triển, ít là trong quá khứ, trong thần học Công Giáo. Thái độ này nhấn mạnh đến việc cùng chịu đau khổ với Ðức Kitô, thông phần cuộc khổ nạn của Ngài và, như trường hợp một số vị thánh, sống lại cuộc khổ nạn của Ðức Kitô nơi bản thân mình.

Chúng ta thấy vấn đề làm sao giữ cho hai thái độ này kết hợp với nhau thay vì đối chọi với nhau là điều hết sức trọng yếu. Chúng ta được kêu gọi khôi phục lại tính "toàn thể" của đức tin Công Giáo về Thập Giá cũng như về ân sủng và đức tin, bằng cách vượt qua những đối nghịch giả tạo, nẩy sinh trong những thời kỳ cá biệt do những lệch lạc và lạm dụng. Tinh thần đại kết đích thực và sâu xa khởi sự từ mức độ này : đặt các ân sủng lại với nhau trong một toàn thể để tìm lại sự quân bình đã bị phá vỡ. Lời Chúa gợi cho thấy điều quan trọng không phải là lựa chọn giữa thái độ này hay thái độ kia, nhưng là giữ cho hai thái độ đó kết hợp với nhau và phát triển cả hai thái độ đó : thái độ tin và thái độ noi theo. Hiển nhiên vấn đề không phải là đặt công trình của Ðức Kitô và việc làm của chúng ta lên cùng một bình diện, nhưng là đón nhận lời Kinh Thánh, vì lời Kinh Thánh dạy rằng đức tin và việc làm gắn liền với nhau, nếu không thì dù là đức tin, dù là việc làm cũng ra vô ích (x. Yc 2, 14tt).

Có thể nói, vấn đề rõ ràng liên hệ đến đức tin. Niềm tin vào Thập Giá Ðức Kitô phải trải qua đau khổ để trở thành đức tin chính thực. Thư thứ nhất Phêrô nhắc lại rằng đau khổ là "lò luyện" đức tin, và đức tin cần đến đau khổ để được tinh luyện, như vàng trong lửa (x. 1P 1, 6 - 7). Nói cách khác, thập giá của chúng ta tự nó không phải là ơn cứu độ, không phải là quyền năng cũng chẳng phải là khôn ngoan, tự nó, thập giá chỉ thuần túy là việc làm của con người ngay cả là sự trừng phạt. Thập giá trở nên quyền năng và khôn ngoan của Thiên Chúa trong mức độ nó kết hợp chúng ta lại với Thập Giá của Ðức Kitô, và điều này phải là do quyết ý của Thiên Chúa và gắn liền với đức tin. "Chịu đau khổ có nghĩa là khai mở lòng cách đặc biệt để cho sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa, được ban cho nhân loại trong Ðức Kitô, tác động 6". Ðau khổ đưa đến sự kết hợp với Thập Giá Ðức Kitô không phải chỉ trên bình diện trí tuệ nhưng là kết hợp cách hiện sinh, cụ thể. Ðó là một thứ kênh đào, một con đường dẫn tới Thập Giá Ðức Kitô, không phải là con đường song song nhưng làm một với đức tin.

Muốn cùng chịu đau khổ với Ðức Kitô và thông phần vào những nỗi thống khổ của Ngài, phải chăng sẽ làm nẩy sinh nơi con người sự tự mãn hão huyền về việc làm ? Hẳn là thế, nhưng khốn thay, còn một nguy cơ tự vinh vang khác có lẽ còn thâm hiểm hơn, đó là khi người ta bằng lòng với một đức tin tinh tuyền, không cần gì khác, làm như thể nơi chúng ta, phàm nhân thụ tạo, lại có thể có một điều gì đó thật tinh tuyền. Nếu người ta có thể vinh vang về đau khổ của mình thì người ta cũng có thể vinh vang về đức tin của mình như vậy. Mà điều này còn nguy hiểm hơn vì nó tinh vi và khó phát hiện hơn. Phủ nhận điều đó là quá ngây ngô và làm cho người ta tưởng rằng tất cả những gì các nhà thần học trong quá khứ viết về "chỉ đức tin mà thôi" (sola fides) cũng như về "thần học Thập Giá" không hề bị bất cứ sự chi phối nào của tính kiêu căng hư hão, không hề có óc tự tôn hay bất cứ dấu vết nào của khôn ngoan nhân loại.

Ðàng khác, Kinh Thánh không hề nói rằng, mang lấy Thập Giá và thực thi sám hối thì tất sẽ sinh ra thói hư danh. Chính Thập Giá, trong trường hợp này, đảm nhận việc loại bỏ mọi ý muốn tự vinh vang. Nếu đức tin đích thực diệt trừ thói hư danh ít ra cũng không kém. Cũng có thể có sự vinh vang chính đáng về những đau khổ của mình, như chính Thánh Phaolô cho ta một ví dụ khi Ngài viết : "Vậy tôi rất đỗi vui sướng mà vinh vang nơi các sự yếu đuối của tôi . Tôi vui thoả trong các nỗi yếu đuối, trong quẫn bách, cùng khốn vì Ðức Kitô " (x 2C 12, 9tt). Những thống khổ tôi phải chịu vì Ðức Kitô chứ không phải của Ðức Kitô chịu vì tôi ! Cũng chính Thánh Tông Ðồ coi trọng những gian truân cùng khốn của chúng ta, đến mức ngài nói rằng, những gian truân đó "sắm cho chúng ta đời đời một khối vinh quang siêu vời tuyệt đỉnh" (2C 4, 17).

Thập Giá phân chia và nối kết.

Nếu chúng ta cần phải "đứng bên Khổ Giá Ðức Giêsu" như Ðức Maria, thì điều thiết yếu đối với chúng ta là ngày càng phải hiểu rõ hơn về mầu nhiệm Thập Giá để có thể sống lấy mầu nhiệm đó. Trong các thư của Thánh Phaolô, người ta có thể nhận thấy có một sự đối lập rõ ràng về chủ đề sức mạnh của Thập Giá Ðức Kitô. Trong nhóm thư, chủ yếu là các thư được gọi là "Phaolô đệ nhất" (Protopauliniennes) vì là những thư thuộc giai đoạn hoạt động đầu tiên của Thánh Phaolô, Thập Giá trước hết có sức phân chia và tách biệt. Quả vậy, Thập Giá tách biệt điều do tự Thần Khí với điều bởi xác thịt (x. Ga 5, 24), điều thuộc về đức tin với điều thuộc về lề luật (x. Ga 5, 11), tách biệt con người mới với con người cũ (x. Rm 6, 6), tín hữu với kẻ vô tín, Kitô hữu với người Dothái và người Hylạp (x. 1C 1, 18tt) và tách biệt Kitô hữu với thế gian : "Thập Giá . mà nhờ đó thế gian bị đóng đinh cho tôi và tôi cho thế gian" như lời của Thánh Tông Ðồ (Ga 6, 14). Thập Giá dựng lên giữa Kitô hữuvà thế gian.

Ngược lại, trong nhóm thư thứ hai, được gọi là "Phaolô đệ nhị" (Deutéropauliniennes) thuộc giai đoạn hoạt động thứ hai của Thánh Tông Ðồ, hoặc theo ý kiến một số người, đây là những� thư do một môn đệ hay một người bắt chước Thánh Phaolô soạn, thì Thập Giá lại nối kết, triệt hạ các bức tường ngăn cách, giảng hòa con người lại với Thiên Chúa và với nhau. Chỉ cần đọc bản văn sau đây, trích trong thư Êphêsô là bức thư thuộc nhóm thứ hai này cũng đủ thấy điều đó :

"Nhưng nay trong Ðức Kitô Giêsu, anh em, những kẻ xưa kia ở xa thì đã nên gần nhờ bửu huyết của Ðức Kitô. Vì chính Ngài là sự bình an của ta, Ðấng đã làm cho đôi bên nên một, triệt hạ tường ngăn thành chắn tiêu biểu cho mối hằn thù - nhờ thân xác Ngài - thủ tiêu lề luật nguyên là những điều răn lệnh chỉ, ngõ hầu trong Ngài, Ngài tạo dựng hai loại người ấy nên một người mới ; đem lại bình an và giảng hòa hai dân - trong một Thân Mình - với Thiên Chúa, nhờ Thập Giá, giết chết hằn thù - nơi Mình Ngài. Và Ngài đã đến loan báo Tin Mừng bình an cho anh em, những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Vì chính nhờ Ngài, chúng ta đôi bên, trong một Thần Khí, được đến cùng Cha" (Ep 2, 13 - 18).

Nhờ Thập Giá Ðức Kitô mà những kẻ ở xa nay trở nên gần, tường ngăn cách bị phá đổ, tất cả được nối kết lại. Chính từ bản văn này mà trong Kitô giáo cổ thời, ý nghĩa biểu tượng của Thập Giá vũ trụ (croix cosmique) đã phát triển, Thập Giá được xem như một cây giữ cho vũ trụ được hiệp nhất : "Cây gỗ ấy mang những kích thước vũ trụ, vươn lên từ đất, thấu tận trời cao, là nền tảng của muôn loài muôn sự, trụ cột của thế giới, chống đỡ cả vũ hoàn, là mối dây vũ trụ giữ cho bản tính con người vốn không bền vững được hiệp nhất, gìn giữ nó an toàn bằng những chiếc đinh vô hình của Thần Khí, ngõ hầu một khi đã được nối kết chặt chẽ với thần tính, nó không còn có thể tách rời ra được. Với đỉnh chạm tới trời và chân củng cố mặt đất, Thập Giá giữ cho tinh thần trung gian và đa tạp của các bầu trời được gắn bó chặt chẽ với nhau mọi bề, bằng những cánh tay dài vô hạn của nó 7".

Theo ý nghĩa biểu tượng này, cánh tay ngang của Thập Giá nối kết lại tất cả những gì bị phân chia trên mặt đất : dân ngoại với dân Dothái, nghĩa là nối kết hai dân tộc với nhau, người nam với người nữ, người tự do với kẻ nô lệ . khi tất cả thế gian này đã được giảng hòa lại với nhau, thân đứng của Thập Giá sẽ nối kết nó lại với Thiên Chúa : "Thập Giá nối kết đất với trời, con người với Thiên Chúa, đến mức từ nay chúng ta được đến cùng Cha, cả đôi bên ở trong một Thần Khí duy nhất" (Khi hiểu như thế chúng ta sẽ thấy một số icône Ðức Giêsu chịu đóng đinh rời xa tinh thần của Tân Ước như thế nào, chẳng hạn như bức tranh chúng ta mô tả ở trên, trình bày một thiên thần đẩy Giáo Hội về phía Thập Giá, trong khi một thiên thần khác đẩy Hội Ðường Dothái xa khỏi Thập Giá. Thư Êphêsô khẳng định ngược lại, Ðức Kitô chết để nối kết người Dothái và dân ngoại lại với nhau trong cùng một dân duy nhất chứ không phải để chia rẽ họ !).

Như thế ở đây chúng ta đứng trước hai cách quan niệm về vai trò của Thập Giá : một đàng Thập Giá phân chia, đàng khác, Thập Giá kết hợp. Thế nhưng không hề có mâu thuẩn trong Phaolô cũng như trong Tân Ước. Thập Giá mang cả hai vai trò đó, Thập Giá phân biệt để nối kết, tách biệt khỏi thế gian để kết hợp với Thiên Chúa ; cứu khỏi sự hư hoại, và hợp nhất những kẻ chấp nhận cùng chịu đóng đinh với Ðức Kitô lại với nhau, mặc cho mọi khác biệt giữa họ. Thập Giá vượt trên mọi khác biệt để tỏ cho thấy rằng, so với sự khác biệt mới mẻ và tận căn, phân biệt giữa bạn hữu và "thù địch đối với Thập Giá Ðức Kitô" thì những lời khác biệt trên chỉ là phụ thuộc và tương đối" (x Ph 3, 18).

Vì thế chúng ta phải tránh rơi vào cám dỗ phân chia Kinh Thánh để nắm lấy điều mình thấy vừa lòng hơn hoặc có vẻ củng cố cho truyền thống thần học của mình : "Ðiều gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly !" Chúng ta phải giữ lấy hai cách nhìn đó cách trọn vẹn và với lòng biết��� ơn : cách nhìn của Phaolô đệ nhất và của Phaolô đệ nhị.

Thập Giá phân rẽ và chia cắt : đó là dụng cụ mà Thiên Chúa xử dụng để cắt tỉa nhành của cây nho vĩ đại là Thân Mình Ðức Kitô ngõ hầu nó sinh nhiều hoa trái. Như lời của Michel-Ange điêu khắc là "nghệ thuật đẽo gọt đi". Cũng thế, chúng ta đạt tới sự thánh thiện "bằng nghệ thuật đẽo gọt đi", loại bỏ những mảnh vô dụng, những ham muốn, hướng chiều của xác thịt đang che phủ tạo vật mới. Ngày nọ, nhà điêu khắc vũ trụ người Florentin đang đi dạo trong một khu vườn ở Florence, ông nhìn thấy một phiến cẩm thạch chơ vơ bị che lấp mất một nửa. Dừng ngay lại, như thể vừa gặp phải ai đó, ông kêu lên : "Một thiên thần đang ẩn trong khối đá này ; tôi sẽ kéo người ra". Và ông cầm lấy chiếc đục. Chúng ta như thế nào thì Thiên Chúa nhìn như vậy, như một khối đá thô bị đất phủ lấp. Và rồi Thiên Chúa nói : "Hình ảnh của Con Ta đang bị che giấu trong đó, một tạo vật mới mẻ và đẹp�������� đẽ : Ta muốn kéo nó ra !". Ngài dùng Thập Giá là nhằm mục đích đó.

Thập Giá còn là và nhất là sức nối kết. Thập Giá trước tiên kết hợp chúng ta lại với nhau, hiệp nhất con người với đồng loại của mình. Thập Giá làm cho chúng ta thông cảm và liên đới với nhau. Người chịu đau khổ thường bắt đầu ra khỏi cái tôi ích kỷ của mình, bắt đầu nhận ra được những nhu cầu của anh em, người đó không còn trơ lỳ đối với niềm trắc ẩn.

Trên hết, Thập Giá hợp nhất chúng ta với Thiên Chúa. Ðiểm cuối cùng này đã được thánh Bonaventura minh họa một cách hết sức gợi hình gợi cảm ở trong tác phẩm "Hành trình của tâm hồn đến với Thiên Chúa". Ngài muốn vạch ra một con đường nâng tâm hồn lên với Chúa gồm bảy cấp. Ở cấp thứ nhất, linh hồn đến gần Chúa qua sự hiện diện của Người để lại trong vũ trụ ; cấp thứ hai, qua dấu vết của Người trong thế giới hữu hình ; cấp thứ ba, qua hình ảnh của Người in vào trong các năng lực tự nhiên của con người ; cấp thứ tư, qua hình ảnh của Người nơi con người được khôi phục lại nhờ ân sủng ; cấp thứ năm, qua chiêm niệm Thiên Chúa duy nhất ; cấp thứ sáu, qua chiêm niệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Còn lại cấp thứ bảy, có gì cao vời hơn Ba Ngôi nữa chăng ? Cuộc gặp gỡ thực sự giữa con người với Thiên Chúa, theo thánh Bonaventura, sẽ diễn ra ở đâu ?

Lúc này, thánh nhân dẫn độc giả trở về mặt đất, dẫn lên đồi Canvê, chỉ lên Thập Giá mà nói : Ðây là đường, đây là phương thế, đây là nơi. "Ðiều còn lại chúng ta cần phải làm là vượt qua và siêu vượt bằng chiêm niệm, không những thế giới khả giác mà còn siêu vượt chính linh hồn. Trong cuộc Vượt Qua này, Ðức Kitô là "Ðường và là Cửa, là Thang và là Cỗ xe". Ngài là Bàn Xá Tội đặt trên Khám của Thiên Chúa và là "Mầu Nhiệm giấu ẩn từ ban đầu". Vậy ai quay mặt vào thẳng Bàn Xá Tội và đăm nhìn lên Ðức Giêsu Kitô treo trên Thập Giá, với lòng tin, niềm cậy trông và lòng mến, với tâm tình khâm sùng, say mến, với niềm kính thờ, ngợi ca và hân hoan mừng rỡ, người ấy dự lễ Vượt Qua cùng với Ngài, nghĩa là dự vào cuộc Vượt Qua, nhờ cây Thập Giá, người đó Vượt Qua Biển Ðỏ, ra khỏi Aicập để vào sa mạc, và ở đó thưởng nếm manna giấu ẩn� 8".

Cách nói về Thập Giá như thế xuất hiện ngày từ thời xa xưa nhất của Kitô giáo trong bài thánh thi về Thập Giá vũ trụ nhắc đến ở trên, ta đọc thấy : "Ðối với tôi, cây gỗ này là ơn cứu độ muôn đời. Tôi được dưỡng nuôi, được no thoả bằng cây đó. Bởi rễ của nó mà tôi đâm rễ sâu, bởi cành của nó mà tôi vươn rộng ; sương của nó làm tôi ngất say, và bởi Thần Khí của nó như làn gió tuyệt vời mà tôi thành phong nhiêu. Dưới bóng của nó tôi dựng lều và tìm được nơi ẩn náu khỏi nóng bức mùa hè. Nhờ hoa của nó mà tôi nở hoa, nhờ trái của nó mà tôi thỏa thuê vui sướng, tôi mặc sức hái ăn, bởi đó là trái dành cho tôi ngay từ thuở ban đầu. Cây gỗ đó là thức ăn cho cơn đói, nguồn suối cho cơn khát và là trang phục cho sự trần trụi của tôi. Cây gỗ đó bảo vệ tôi khi tôi e sợ Thiên Chúa, là chỗ dựa khi tôi lao đao, là phần thưởng khi tôi chiến đấu, là chiến lợi phẩm khi tôi chiến thắng khải hoàn. Với tôi, cây gỗ đó là lối nhỏ, là con đường hẹp, là chiếc thang Giacóp, là đường đi của thiên thần, trên đỉnh của nó Chúa thực sự đã tựa vào 9".

Người tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông.

Cho dù tất cả những gì mà người ta có thể nói về quyền năng của Thập Giá đi nữa, Thập Giá tự nó không đủ. Mầu nhiệm Vượt Qua không chỉ nằm trong Thập Giá Ðức Kitô cũng như không chỉ nằm trong sự Phục Sinh của Ngài, cũng không nằm trong cả hai điều đó, nếu hiểu đó là hai điều tiếp nối nhau, nằm kề nhau hay hợp lại với nhau. Mầu nhiệm Vượt Qua nằm trong sự Vượt Qua từ điều này sang điều kia, từ sự chết sang sự sống, nằm trong sự "trải qua cái chết mới vào vinh quang, vào Nước Thiên Chúa" (x. Lc 24, 26 ; Cv 14, 22). Mầu nhiệm Vượt Qua là một thực tại động chứ không phải tĩnh, là một vận hành hay một biến cố mà người ta không thể chia cắt thành từng mãnh mà không hủy hoại nó.

Trí óc của con người thường khó hiểu được và chấp nhận những điều đối nghịch với nhau cùng một lúc và điều đó cũng bộc lộ rõ ở đây. Lý luận con người tìm cách giơ rìu của nó cả trên cốt lõi thâm sâu nhất của đức tin để phân chia và đôi khi đặt đối lập, theo nguyên lý aut aut, hoặc là hoặc là, giữa cái chết và sự Phục Sinh, giữa thần học Thập Giá và thần học vinh quang. Nếu trong quá khứ, có những lúc người ta nhấn mạnh đến chiến thắng của Ðức Kitô trong sự Phục Sinh đến mức làm cho thực tại vĩnh viễn của Thập Giá bị chìm trong bóng tối, thì ngày nay người ta lại có khuynh hướng rơi vào thái cực ngược lại, tôn dương thần học Thập Giá đến độ làm cho thần học vinh quang thành đáng ngờ, như thể vinh quang có thể làm cho Thập Giá mờ nhạt đi và khiến cho Giáo Hội đi trệch khỏi bổn phận của mình. Thần học Tin Lành vốn đi đầu trong việc đem lại giá trị cho thần học Thập Giá, thế những cũng đã có những tiếng nói gióng lên ngay giữa lòng thần học Tin Lành, phản ứng chống lại khuynh hướng trên. Một nhà thần học Tin Lành viết : "Việc nhấn mạnh đến Thập Giá mang tính chất một chiều đã khiến cho thần học Tin Lành bị chặn mất con đường đưa tới việc hiểu sứ điệp Tân Ước trong ý nghĩa trọn vẹn của nó 10".

Chẳng hạn, dựa vào Rm 3, 25 để nói rằng Thánh Phaolô cho ơn công chính hoá chỉ tùy thuộc Thập Giá mà thôi, thì không đúng vì ở chỗ khác ngài rõ ràng cho thấy ơn công chính có Phục Sinh của Ðức Kitô (x. Rm 4, 25) và ngài thêm, nếu không có Phục Sinh thì chúng ta sẽ còn ở trong tội của chúng ta (x. Lc 15, 17). Theo Thánh Phaolô, Giáo Hội, đức tin, ơn công chính hoá, ơn tha tội, tất cả đều tùy thuộc vào sự chết và sự Phục Sinh của Ðức Kitô, nghĩa là tùy thuộc vào một mầu nhiệm Vượt Qua duy nhất, không tách rời. Không thể chỉ dừng lại ở một bản văn, mà phải nắm các bản văn trong cùng một tổng thể.

Có những lúc người ta nghĩ rằng chiêm ngắm cái chết và sự Phục Sinh của Ðức Kitô cùng một lúc như Gioan đã làm trên đồi Canvê thì sẽ làm phai đi tính khốc liệt của Thập Giá Ðức Giêsu, như thể khi đi đến cái chết, Ngài đã chắc mẫm về sự Phục Sinh của mình, giống như kẻ thủ sẵn con chủ bài, có thể rút ra lúc thuận lợi. Nghĩ như thế là hiểu sai đường lối của Thiên Chúa, như chúng ta có thể thấy điều đó trong cuộc đời các thánh. Trong thân phận làm người, Ðức Giêsu chỉ ý thức chắc chắn một điều : con đường Ngài đi là do Cha dẫn dắt và dù tình huống có xảy ra thế nào đi nữa, chiến thắng chung cuộc sẽ là chiến thắng của Cha chứ không phải của hận thù. Các Tin Mừng nhất trí chứng thực rằng : Ðức Giêsu giữ niềm tín thác vào Cha cho đến cùng, Ngài đã chết trong niềm vâng phục chứ không như một kẻ tuyệt vọng. Thánh Phaolô rất có lý khi nói, chính vì điều đó, vì sự vâng phục của Ngài mà Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài, đã cho Ngài sống lại (x. Ph 2, 11). Mối liên kết nội tại giữa ngày thứ Sáu Tuần Thánh và sự Phục Sinh trong mầu nhiệm Vượt Qua không nằm trong quyền năng của Ðức Kitô, mà là trong sự vâng phục của Ngài. Thánh Phêrô, trong sách Tông Ðồ Công Vụ, đã áp dụng cho Ðức Kitô lúc hấp hối lời Thánh Vịnh : "Cả thân tôi cũng ở trong trông cậy, vì Người sẽ không thể bỏ tôi nơi âm phủ" (Cv 2, 26 - 27). Cũng thế, Thánh Vịnh 22 nổi tiếng mà Ðức Giêsu cất lên trên Thập Giá ("Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi, sao Người lại bỏ tôi ?", kết thúc bằng tiếng kêu hy vọng : "Và tôi, tôi sẽ sống cho Người, dòng giống tôi sẽ làm tôi Người, thiên hạ sẽ rao truyền Chúa cho hậu thế ."

Những điều nói trên cũng phù hợp với Ðức Maria, tuy chỉ theo nghĩa phụ thuộc. Khi nói trên Núi Sọ, Ðức Maria đã sống tất cả mầu nhiệm Vượt Qua chứ không phải chỉ sống một nửa mầu nhiệm đó, là bao hàm rằng Người đã ở bên Thập Giá "trong niềm hy vọng", Người chia sẻ với Con không những cái chết mà cả niềm hy vọng về sự Phục Sinh. Hình ảnh về Ðức Maria dưới chân Thập Giá, như hình ảnh gợi hứng từ bài Stabat Mater (Mẹ đứng đó), trong đó Ðức Maria chỉ có "buồn và sầu khổ" mà thôi, chỉ còn là Người Mẹ sầu khổ (Mère des douleurs), hình ảnh đó sẽ rất thiếu sót, không đầy đủ vì như thế là không lý gì đến sự kiện chính Gioan trình bày hình ảnh đó, và theo Gioan, Thập Giá còn hàm chứa giá trị vinh quang và của chiến thắng. Trên Núi Sọ, Ðức Maria không chỉ là "Mẹ sầu bi" mà còn là Người Mẹ cậy trông, Mater spei, như một thánh thi của Giáo Hội đã cầu khẩn Người.

Theo lời Kinh Thánh, bởi tin, Abraham đã hiến dâng Isaac khi Thiên Chúa thử lòng, và ông tiến dâng đứa con một, ông là người đã đón nhận các lời Chúa, là kẻ đã được (Thiên Chúa) phán bảo : "Nơi Isaac, ngươi sẽ có dòng giống đội tên ngươi, bởi ông tính rằng : Thiên Chúa quyền phép đủ để làm cho người chết sống lại, do đó ông đã được lại con ông, sự đã nên như triệu báo" (Hr 11, 17 - 19). Isaac đã nên "như triệu báo", nên lời tiên tri về điều gì ? Theo một truyền thống chú giải có ngay từ thời kỳ đầu của Giáo Hội, Isaac là hình bóng cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Ðức Kitô. Nếu Isaac là hình bóng của Ðức Kitô, thì Abraham, người đã dẫn ông đi để chịu sát tế, là hình bóng của Thiên Chúa Cha trên trời và là hình bóng của Maria dưới thế.

Thánh Phaolô khẳng định về Abraham trong thử thách : đó là "tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông, ông đã tin" (Rm 4, 18). Lời tuyên bố này áp dụng cho Ðức Maria dưới chân Thập Giá lại càng đúng hơn : tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông, Mẹ đã tin. Tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông là gì nếu không phải là "chẳng còn là lý do gì để hy vọng, ở trong một tình cảnh hoàn toàn bị tước hết mọi hy vọng, xét trên bình diện nhân loại, và hoàn toàn đối nghịch với lời hứa, nhưng không vì thế mà vơi niềm cậy trông, chỉ duy còn dựa vào lời hy vọng mà Thiên Chúa đã phán vào thời của Người 11".

Cũng như lời Kinh Thánh nói về Abraham, Ðức Maria đã tin, một niềm tin chúng ta không thể giải thích nổi và có lẽ chính Người cũng không giải thích được, tin rằng Thiên Chúa đủ quyền năng làm cho Con mình sống lại "cũng từ trong kẻ chết". Nếu nghĩ rằng, gán một tình cảm như thế cho Ðức Maria là quá đáng thì hẳn là không biết một chút gì về lòng cậy trông có thể đi đến mức liều lĩnh như thế nào. Một bản văn Công Ðồng Vatican II nói đến lòng cậy trông của Ðức Maria dưới chân Thập Giá như là yếu tố quyết định trong ơn gọi làm Mẹ của Người : dưới chân Thập Giá "Người đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế như lòng vâng phục, như đức tin, đức cậy và đức ái nồng nàn 12".



Những người gắn bó với niềm hy vọng nhỏ nhoi.

Giờ đây, chúng ta nói đến Giáo Hội và nói đến chính chúng ta trong tương quan với vận hành thứ hai này của mầu nhiệm Vượt Qua. Như lời thánh Augustinô : "Cuộc Vượt Qua của chúng ta từ sự chết đến sự sống, công trình của đức tin, được thực hiện bởi niềm hy vọng vào sự Phục Sinh tương lai và vinh quang chung cuộc". Về ba biến cố mà Giáo Hội tưởng niệm trong Tam Nhật Vượt Qua : Ðóng đinh, Táng xác, Chúa sống lại - "Trong cuộc đời hiện tại, chúng ta sống lấy việc chịu đóng đinh, còn táng xác và Phục Sinh là những điều chúng ta nắm giữ bằng đức tin và đức cậy 13". Như Ðức Maria, Giáo Hội sống sự Phục Sinh "trong niềm cậy trông", nếu Thập Giá là đối tượng của niềm cậy trông. Ðối với chúng ta, Ðức Maria là bậc thầy về đức tin trong mầu nhiệm Nhập Thể, còn trong mầu nhiệm Vượt Qua, Người trở nên bậc thầy về đức cậy.

Như Ðức Maria đã đứng bên Người Con chịu đóng đinh,Giáo Hội cũng được mời gọi đứng bên cạnh những kẻ bị đóng đinh của ngày hôm nay ; những người nghèo, những người chịu đau khổ, những kẻ bị hạ nhục, những người bị áp bức. Vậy Giáo Hội có thể thực hiện được sứ mạng này như thế nào ? Trong niềm cậy trông như Ðức Maria. Nếu chỉ đồng cảm với những đau khổ của họ hoặc ngay cả tìm cách xoa dịu những nỗi đau đó mà thôi thì chưa đủ. Còn quá ít. Ai có thể làm được điều đó, ngay cả người không biết đến sự Phục Sinh. Giáo Hội cần phải đem đến niềm hy vọng, cậy trông, bằng cách công bố rằng đau khổ không phải là phi lý, nó có một ý nghĩa, bởi lẽ sẽ có sự phục sinh kẻ chết. Giáo Hội phải "trả lẽ về niềm hy vọng của nó nơi mình" (x. 1P 3, 15). Chính ánh sáng của bình minh Vượt Qua hơn là suy tư về cuộc đời tại thế của Ðức Giêsu, mới dần dần hé mở cho cộng đoàn Kitô hữu ý nghĩa cái chết gây đão lộn, choáng váng của Ðức Kitô. Ngày hôm nay cũng thế, chỉ có ánh sáng Phục Sinh của Ðức Kitô cũng như niềm hy vọng về sự phục sinh của chính chúng ta mới cho chúng ta hiểu được ý nghĩa của đau khổ và sự chết. Chúng ta hiểu Thập Giá khi nhìn đến các hiệu quả của nó hơn khi nhìn vào các nguyên nhân, vì các nguyên nhân là bí nhiệm, không thể giải thích được.

Con người cần hy vọng để sống như cần oxy để thở. Nhu cầu này là khẩn thiết đến nỗi chỉ nguyên nghe nói đến hy vọng là người ta đứng thẳng dậy, và có thể nói, họ nhìn vào tay bạn, xem bạn may ra có điều gì đó đáp ứng lại nỗi khát khao của họ. Người ta nói, bao lâu còn hy vọng thì bấy lâu còn sự sống. Gần đây, "thần học hy vọng" được người ta hân hoan đón nhận, đó là dấu hiệu về nhu cầu khẩn thiết đó. Chính tư tưởng ngoài tôn giáo (laique) cũng đã ưu tư về hy vọng, nhưng lại là một hy vọng đã thế tục hóa mà người ta gọi là "nguyên lý Hy Vọng !" "Nguyên lý" này làm nổi bật khả năng hy vọng của mỗi người và khả năng kiến tạo một tương lai trần thế khác. Ðiều này ngược lại với những điều nhân đức đối thần mang đến, vì đức cậy là ơn ban, ân sủng thiên phú trước khi là việc làm của con người, đối tượng trực tiếp của nó là Thiên Chúa và đời sống vĩnh cửu chứ không chỉ nhắm tới một tương lai trần thế không tưởng (avenir terrestre utopique). Tất cả những điều đó tỏ cho thấy thế giới mang niềm hoài mong (nostalgie) về hy vọng, nó không thể không cần đến hy vọng, mà nếu niềm hy vọng lớn lao đến từ Thiên Chúa lịm tắt đi thì nó phải tạo cho mình hy vọng khác, một hy vọng nhỏ nhoi theo tầm cỡ con người.

Ðã từ lâu và cho đến tận hôm nay, đức cậy vẫn là con gái út, đứa em tội nghiệp của các nhân đức đối thần. Ngay cả trong lịch sử Kitô giáo, người ta thường thấy có những tín hữu quan niệm, như phái tĩnh tịch (quiétisme) muốn gác đức cậy qua một bên, lấy cớ rằng, đức cậy hàm chứa lời hứa nên nó làm suy giảm đức mến hay đức ái tinh tuyền. Còn có một số khác muốn gạt bỏ đức cậy vì đức cậy làm suy giảm đức tin, giảm đi tính vô vị lợi và sự tăm tối của đức tin.

Những lập trường như thế bộc lộ một quan niệm sai lầm về bản chất của đức cậy, bởi lẽ vẫn có niềm cậy trông đó, người ta hầu như quên đi chính mình mà chỉ chú tâm đến Thiên Chúa, không mảy may nghi ngờ lòng nhân lành và tín trung của Người. Vẫn có niềm cậy trông đến mức "tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông" như niềm cậy trông của Ðức Maria. Niềm cậy trông ở mức độ thẳm sâu này không còn như một sở hữu người ta tùy ý sử dụng và dựa vào đó để làm cho tăm tối và đau khổ nhẹ vơi. Thánh Catherine thành Gênes 14, trong đêm tối đức tin dày đặc nhất, đã kêu lên : "Ðức tin đã mất, lòng cậy trông đã chết", nhưng trên thực tế, ngài vẫn kiên vững và luôn tấn tới trong đức tin và đức cậy.

Người ta có thể phạm đến đức cậy theo hai cách : hoặc hết hy vọng vào ơn cứu độ, hoặc cho rằng mình được cứu độ mà không cần có công phúc ; thất vọng và tự phụ. Cả ở điểm này nữa, cần phải giữ cho Thập Giá và Phục Sinh gắn liền với nhau. Chịu đau khổ mà không hy vọng Phục Sinh, đó là sự tuyệt vọng, hy vọng Phục Sinh mà không chịu đau khổ, đó là sự tự phụ.

Ðôi lúc tôi tự hỏi tại sao Thiên Chúa rất thích lòng cậy trông, Ngài không ngừng đòi chúng ta cậy trông vào Ngài. Vẫn một lòng cậy trông cho� dù tất cả mỗi lúc một trở nên khó khăn, nghiệt ngã hơn, hơn là thực tế hiển nhiên mỗi lần xảy đến đều đập tan niềm hy vọng, chính đó là tin vào Thiên Chúa hơn là vào các sự kiện hiển nhiên ; là luôn luôn chấp nhận cho Thiên Chúa có thêm một quyền, một khả năng nữa ; là đặt trọn niềm tin tưởng vào Ngài. Giả dụ Thiên Chúa đã không tạo dựng thiên đàng trước thì hẳn Ngài cũng sẽ tạo dựng nó, bởi lẽ con cái Ngài trông mong điều đó. Có người cha nào, khi biết con mình đang chờ đợi một món quà Noel, món quà mà mình đã không nghĩ tới, chờ đợi với niềm tin chắc chắn tràn trề, lại không hết sức tìm mua cho nó để nó không phải thất vọng ? Con người hữu hạn có thể e sợ và không muốn người ta đặt quá nhiều hy vọng nơi mình, vì ý thức những giới hạn của bản thân và biết rằng, dù có muốn đi nữa, thì không phải lúc nào cũng đáp ứng được hy vọng người ta đặt nơi mình. Thiên Chúa thì không có vấn đề như thế : Ngài chẳng những không cảm thấy khó chịu vì con người đặt cậy trông nơi Ngài, mà còn mong muốn và chờ đợi nữa : Ðức Giêsu� nói : "Cho đến nay các ngươi đã không xin gì " (x. Yn 16, 24) ; "mọi điều các ngươi cầu nguyện kêu xin, các ngươi hãy tin là đã được (đức cậy là như thế !) và các ngươi sẽ thấy thành sự" (x. Mc 11, 24).

Sánh với tin, người ta thấy đức cậy mang một huyền nhiệm thẳm sâu. Ðức tin nhằm đến Thiên Chúa và các công trình của Người, các công trình đó không tùy thuộc chúng ta. Hiện hữu của Thiên Chúa là đối tượng đức tin ; cuộc tử nạn của Ngài vì tội chúng ta là đối tượng đức tin. Thực tại đời sống vĩnh cửu là đối tượng đức tin. Những điều đó vẫn luôn luôn như thế và thực sự là như thế dù chúng ta có tin hay không. Thiên Chúa vẫn hiện hữu cho dù tôi không muốn tin rằng Ngài hiện hữu. Ðối tượng đức tin vì thế thuộc bình diện thực tại. Còn đối tượng của (đức cậy) chỉ có khi tôi hy vọng nó. Chính tôi làm cho nó hiện hữu bằng hy vọng. Quả vậy, niềm hy vọng liên quan đến những điều thiện hảo mà Thiên Chúa sẽ không thực hiện nếu không có tự do của chúng ta. Hiện hữu của Thiên Chúa là đối tượng đức tin, còn việc chính tôi sẽ chiếm hữu Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ là Thiên Chúa sẽ tôi, và tôi sẽ sống mãi muôn đời, đó là đối tượng của đức cậy. Nhưng nếu tôi không cậy trông điều đó thì mãi mãi nó sẽ không bao giờ có. Thiên Chúa sẽ không bao giờ là của tôi. Ðức cậy là một yếu tố cấu thành ơn cứu độ của chúng ta. Lời của Thánh Phaolô "Ơn cứu thoát đã đến cho ta như một hy vọng" (Rm 8, 24) mang một ý nghĩa sâu xa hơn nhiều so với những gì chúng ta thoạt tiên tưởng nghĩ.

Như lời thi sĩ Péguy, chúng ta cần phải trở nên "những người gắn bó với niềm hy vọng nhỏ nhoi 15". Bạn đã tha thiết, hy vọng một điều gì đó, hy vọng một sự can thiệp của Thiên Chúa và rồi chẳng thấy gì phải không ? Có phải bạn lại hy vọng thêm một lần nữa mà rồi vẫn không được gì ? Tất cả cứ vẫn như trước mắt cho thấy mình sắp được đoái nhận? Xin bạn cứ tiếp tục hy vọng, cậy trông thêm một lần nữa, cậy trông mãi mãi, cho đến tận cùng. Hãy trở nên gắn bó với niềm hy vọng. Trở nên người gắn bó với hy vọng là chấp nhận để cho Thiên Chúa làm bạn thất vọng, để cho Thiên Chúa lừa dối bạn trên cuộc đời này bao nhiêu tùy ý Ngài. Còn hơn thế nữa : là thuận lòng, tận thẳm sâu tâm hồn, với việc Thiên Chúa không đoái nghe lời bạn lần thứ nhất cũng như lần thứ hai, với việc Ngài tiếp tục không đoái nghe lời bạn, vì như thế là Người cho phép bạn được dâng cho Người thêm một bằng chứng, được thực hiện thêm lòng cậy trông, mỗi lúc một khó khăn hơn. Người đã ban cho bạn một ân huệ lớn lao hơn nhiều so với điều bạn kêu xin : ơn trông cậy vào Người.

Tuy nhiên, chúng ta phải coi chừng : Ðức cậy không phải chỉ là một thái độ nội tâm đẹp đẽ, thi vị, hoặc cứ cho là khó đạt được đi nữa, nhưng trong thực tế vẫn để chúng ta trong trạng thái thụ động, không có dấn thân cụ thể và rốt cuộc vẫn là một thái độ cằn cỗi, không sinh hoa kết quả. Ngược lại, cậy trông có nghĩa là khám phá ra rằng, còn phải làm một điều gì đó nữa, phải chu toàn một bổn phận, và vì thế, thấy mình không bị rơi vào sự trống rỗng hoặc rơi vào trạng thái tê liệt vì không hoạt động. Cậy trông vào Chúa trong những lúc gian nan khốn khó là nhận ra rằng, nếu thử thách gian nan vẫn còn thì nguyên do của nó nằm ở chúng ta chớ không phải nơi Thiên Chúa. Vì Ngài là tình yêu vĩnh hằng, vô hạn. Và nếu nguyên do nằm ở nơi chúng ta, thì nó mời gọi chúng ta hãy làm thêm một điều gì nữa để thay đổi, một lời kêu gọi thực hiện thêm một bổn phận . nếu không thì phải chịu thất vọng thôi. Vì như lời người bạn triết gia của chúng ta, đứng trước Thiên Chúa, con người luôn luôn là kẻ tội lỗi, điều khiến con người có được niềm vui là : luôn luôn có một điều gì đó để làm, luôn luôn có một nhiệm vụ nào đó để thực hiện, và nhờ đó, con người có hy vọng mọi sự có thể trở nên tốt đẹp hơn, và mọi sự sẽ nên tốt đẹp hơn khi con người cải thiện chính mình . nghĩa là khi con người làm việc nhiều hơn, cầu nguyện nhiều hơn, có tình yêu sâu xa hơn, tinh thần hăng say hơn . Tất cả những điều đó không đem lại niềm vui hay sao ? . Khi không còn gì để thực hiện, ngay cả đau khổ cũng không còn là một bổn phận, thì bấy giờ, vâng, bấy giờ tuyệt vọng sẽ đến. Bao lâu còn có một nhiệm vụ để hoàn thành, bao lâu còn có một dự phóng nào đó, bấy lâu con người không bị rơi vào tình trạng vô vọng, bị bỏ rơi . Ðến nỗi, dù tôi có phải chịu số phận cay nghiệt nhất, chưa từng có ai phải chịu như thế và tuyệt không còn gì để làm nữa, thì vẫn còn niềm vui được hoàn thành một bổn phận : bổn phận chịu đựng với lòng nhẫn nại. Mà nếu phải có một lòng nhẫn nại vượt mọi giới hạn, như chưa từng có ai bị đòi hỏi như thế, thì vẫn còn niềm vui này là còn một bổn phận, bổn phận đừng để mất sự kiên nhẫn, ngay cả khi đã nhẫn nại đến mức tột cùng 16".

Ngay cả khi chúng ta làm hết sức mình để thay đổi một hoàn cảnh khó khăn đi nữa thì vẫn luôn luôn còn một nhiệm vụ lớn lao để hoàn thành, một nhiệm vụ đòi chúng ta phải dấn thân và giữ cho chúng ta khỏi thất vọng : nhẫn nại chịu đựng đến cùng. Ðó là "bổn phận" lớn lao mà Ðức Maria đã biết làm tròn khi giữ vững niềm cậy trông dưới chân Thập Giá. Về điểm này, Người rất sẵn lòng trợ giúp chúng ta.

Kinh Thánh trình bày cho thấy có những niềm cậy trông như bùng phát, trào dâng hết sức sống động. Một ví dụ trong sách Aica, với khúc hát của một tâm hồn trong cơn thử thách đau đớn nhất : "Tôi,� một người từng nếm cảnh lầm than, dưới roi phẫn nộ của Người. Người đã xua đi và dẫn tôi vào trong tăm tối chứ không phải vào ánh sáng . Người đã xây tường vít tôi, không để cho ra. Tôi kêu, tôi la, Người đã bịt lối trước lời tôi cầu nguyện . Và tôi nói : Thế là mất rồi chỗ dựa, và hy vọng tôi nơi Ðức� Giavê ." Và rồi, niềm cậy trông lại bùng lên làm đảo lộn tất cả. Người đó lại thốt lên với chính� mình : "Quả ơn nghĩa Giavê không hết, lòng xót thương của Người không cạn ! Thế nên tôi trông cậy vào Người ! Ðức Chúa sẽ không rẫy bỏ phàm nhân đời đời, cho dù Người có hành hạ, Người sẽ chạnh thương, chiếu theo lòng nhân hải hà. Có lẽ còn hy vọng" (x Ac 3, 1 - 29).

Tôi muốn bắt đầu cậy trông trở lại ! Vinh quang thay cho Thiên Chúa, an ủi thay cho con người nếu những lời đó luôn luôn được lập lại ! "Vạn sự tôi đã trông cả ở Giavê, và Người đã đoái nhìn lại", đó là lời một vịnh gia cảm nghiệm sự phục sinh nhờ có lòng trông cậy (Tv 40, 1), và một vịnh gia khác : "Tôi trông cậy, lạy Giavê hồn tôi trông cậy, tôi những trông cậy ở Lời Người" (Tv 130, 5). "Israel, hãy trông cậy vào Ðức Giavê, từ bây giờ cho đến muôn đời" (Tv 131, 3).

Thư gửi tín hữu Dothái xem niềm hy vọng, cậy trông như thể một chiếc neo, không neo vào đất nhưng là neo vào trời : "Hãy nắm chắc hy vọng đặt trước mặt ta. Niềm hy vọng khác nào neo của hồn ta, bền chắc, vững chãi, thấu tận bên trong bức màn, nơi Ðức Giêsu đã vào vì chúng ta" (x. Hr 6, 18-19).

Một lần nữa, chúng ta hãy� nhìn về Người đã biết đứng bên Thập Giá, tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông, hãy biết năng kêu cầu Người dưới danh hiệu "Mẹ cậy trông", và nếu lúc này ta đang gặp thử thách, muốn thất vọng buông xuôi, thì hãy lấy lại bình tĩnh bằng cách lập lại cho chính mình những lời này : "Quả ơn nghĩa Giavê không hết, lòng thương xót của Người không cạn, nên tôi trông cậy vào Người".

CHÚ THÍCH

1. Lumen gentium 58.
2. Meliton de Sardes, Sur la Pâque 7, 71 (SCh 123, p. 64. 98).
3. Romanos le Mélode, Hymne XXXV, 1 (SCh 128, p. 160).
4. Lumen gentium 58.
5. S. Kierkegaard, Journal XIII A 45.
6. Jean Paul II, Salvifici doloris 23 (AAS 76, 1984, p. 231).
7. Ancienne homélie pascale 51 (SCh 27, p. 177).
8. Saint Bonaventure, Itinéraire de l�âme vers Dieu VII, 1 - 2 (éd. Quaracchi, 1938, p. 344s).
9. Ancienne homélie pascale 51 (SCh 27, p. 177).
10. W. von Lowenich, Luthers Theologia crucis, Munich, 1954, p. 2.
11. H. Schlier, Der Romerbrief, Fribourg-en-Br., 1979, ad loc.
12. Lumen gentium 61.
13. Saint Augustin, Lettre 55, 2, 3 ; 14, 24 (CSEL 34, 2, p. 171 - 195).
14. Sainte Catherine de Gênes, Vie, ch. 19 (Turin, 1962, p. 207).
15. Ch. Péguy, Le porche ., dans Oeuvres poétiques, op. Cit., p. 655.
16. S. Kierkegaard, L�Évangile de la souffrance IV.
6. "HỠI BÀ, NÀY LÀ CON BÀ !"

MARIA, MẸ CÁC TÍN HỮU.

Trong chương này, chúng ta suy tư phần thứ hai đoạn Tin Mừng theo thánh Gioan : "Vậy Ðức Giêsu thấy Mẹ Ngài và� môn đồ Ngài yêu mến đứng bên cạnh, thì Ngài nói với Mẹ : "Hỡi Bà, này là con Bà". Ðoạn lại nói với môn đồ : "Này là Mẹ con !". Và từ giờ đó, môn đồ đã lãnh nhận Bà về nhà mình" (Yn 19, 26 - 27).

Trong phần suy nghĩ về Ðức Maria trong mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta đã chiêm ngắm Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa ; trong suy tư về Ðức Maria trong mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta muốn chiêm ngắm Ðức Maria là Mẹ các tín hữu và là Mẹ chúng ta.

"Mỗi người hãy sống theo ân sủng đã lãnh nhận".

Chúng ta cần xác định ngay từ đầu rằng, hai tước hiệu hay hai chân lý được bàn đến không nằm trên cùng một bình diện. "Mẹ Thiên Chúa" là một tước hiệu được định tín cách long trọng, dựa trên mẫu tính thực (maternité réelle) chứ không chỉ trên mẫu tính tinh thần (maternité spirituelle) ; tước hiệu này liên hệ cách chặt chẽ và tất yếu với chân lý trung tâm của đức tin chúng ta, chân lý đó là : Ðức Giêsu là Thiên Chúa và là người trong chỉ cùng một ngôi vị. Tước hiệu này được chấp nhận trong toàn Giáo Hội. "Mẹ các tín hữu" hay "Mẹ chúng ta" liên hệ đến mẫu tính tinh thần. Mối liên hệ với chân lý trung tâm của Kinh Tin Kính ít chặt chẽ hơn. Không thể nói rằng, trong Kitô giáo, tước hiệu này đã được đón nhận "khắp nơi, mọi thời và bởi mọi người". Nó biểu thị giáo lý và lòng đạo đức của một số Giáo Hội, đặc biệt là Giáo Hội Công Giáo, nhưng không phải chỉ Giáo Hội Công Giáo mà thôi.

Thánh Augustinô giúp chúng ta phân biệt rõ những dị đồng giữa hai vai trò làm Mẹ của Ðức Maria : "Ðức Maria, về mặt thể xác, chỉ là Mẹ Ðức Kitô, trong khi về mặt tinh thần, bởi Người đã thi hành Thánh Ý Thiên Chúa, nên Người là chị em và là Mẹ Ðức Giêsu, là Mẹ về mặt tinh thần, nhưng Người không đóng vai trò đó đối với Ðầu là chính Ðấng Cứu Thế, mà đúng hơn, Người là con của Ðầu xét về mặt tinh thần. Người chắc chắn là Mẹ về mặt tinh thần của các chi thể là chúng ta, bởi lẽ Mẹ đã cộng tác, bằng lòng mến, vào việc sinh ra các tín hữu trong Giáo Hội, những chi thể của���� Ðầu 1".

Sự khác biệt giữa hai tước hiệu của Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ các tín hữu, được nhấn mạnh như thế cho thấy rằng, đối với tước hiệu thứ hai là tước hiệu phản ánh lòng đạo đức, sùng kính hơn là tín lý, thì việc chấp nhận một sự tự do nào đó đối với tước hiệu này giữa các Giáo Hội Kitô là điều có thể, thậm chí, là đúng đắn nữa. Dù vẫn dựa trên Lời Chúa, nhưng đó không phải là một hệ quả buộc mọi người phải chấp nhận với cùng một mức độ mạnh mẽ, cùng một mức độ hiển nhiên. Trong phần suy niệm ở đây, chúng ta mong muốn khám phá ra tất cả sự phong phú hàm chứa trong tước hiệu này, và xem ơn sủng nào của Ðức Kitô, được biểu lộ qua tước hiệu đó : làm như thế chúng ta không những thêm cho Ðức Maria một vinh dự nữa, mà chính chúng ta cũng được xây dựng trong đức tin và được tăng triển trong việc noi theo Ðức Kitô. Phần suy niệm còn nhằm làm cho anh em Tin Lành hiểu được tước hiệu này cũng như ý nghĩa của nó theo như người Công Giáo chúng ta hiểu, vì anh em Tin Lành khó có thể chấp nhận tước hiệu này cũng như một số tước hiệu khác nói lên sự tham dự tích cực của Ðức Maria vào ơn cứu chuộc và vào đời sống của Giáo Hội, ngay cả trong hiện tại.

Phải chăng đây là lúc cần nhắc lại một đoạn Kinh Thánh về sự phân phối các ân lộc, hay các đoàn sủng (charismes) trong Thân Mình Ðức Kitô : "Mỗi người tùy theo ân lộc đã được, hãy lợi dụng mà phục vụ nhau như những người quản lý giỏi giang về ân sủng muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa" (1P 4, 10). Lời này không chỉ áp dụng cho những nhân vật đặc biệt trong Giáo Hội, mà còn áp dụng cho những nhóm, những trào lưu khác nhau, cho các truyền thống hình thành trong lòng Giáo Hội. Như thế, ý nghĩa của bản văn sẽ là : mỗi Giáo Hội, tùy theo ân lộc đã được, hãy lợi dụng mà phục vụ nhau như những người quản lý giỏi giang về ân sủng quá sức lớn lao và sung mãn đến nỗi không thể rút lại thành độc "dạng".

Một số hình thức tôn sùng Ðức Trinh Nữ Maria là một đoàn sủng, một ơn đặc biệt cho Giáo Hội Công Giáo được Giáo Hội Chính Thống chia sẻ phần lớn. Các Giáo Hội này cần phải duy trì và phát triển những hình thức đặc biệt đó để các Kitô hữu khác cũng được hưởng nhờ, nhưng không vì thế mà đòi buộc họ phải chấp nhận thực hành như thế. Các Giáo Hội Cải Cách lại được ân huệ đặc biệt đào sâu Lời Kinh Thánh theo một cách thức nào đó, và ngày nay các Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống đang được hưởng nhờ.

Dựa vào Lời Chúa mà chúng ta vừa nhắc đến, có hai đòi hỏi đề ra cho chúng ta : trước hết, hãy sống ơn sủng đã lãnh nhận, làm cho nó sinh hoa kết quả, và sau đó đưa ra phục vụ tha nhân. Ðây chính là điều chúng tôi đề nghị thực hiện. Với cách nhìn như thế, tước hiệu Ðức Maria "Mẹ các tín hữu" tuy không phải là điều bắt buộc mọi người phải chấp nhận, nhưng tầm quan trọng của nó đối với chúng ta không vì thế mà suy giảm đi chút nào. Theo một nghĩa nào đó, nó còn tăng thêm phần quan trọng : chúng ta cũng chịu trách nhiệm về ân sủng đó đối với các anh em khác.

"Mọi người chúng ta đều sinh ra tại đó".

Tương tự như mẫu tính thể lý, mẫu tính tinh thần thể hiện qua hai giai đoạn và hai hành vi : thụ thai và sinh hạ. Mỗi giai đoạn tự nó không đủ. Ðức Maria đã trải qua hai giai đoạn đó. Người đã thụ thai và sinh hạ chúng ta cách thiêng liêng. Người đã thụ thai chúng ta, nghĩa là đã đón nhận chúng ta trong tâm hồn của Người, khi mà có thể ngay lúc Truyền Tin và chắc chắn về sau, lúc Ðức Giêsu dần dần tiến tới trong sứ mạng của Ngài, Người khám phá ra rằng Con của mình không phải như những đứa con khác, nghĩa là một cá nhân riêng lẻ, nhưng là "Trưởng Tử giữa một đàn em đông đúc"���� (Rm 8, 29), và chung quanh Ngài, một "số sót" tập hợp lại, làm thành một cộng đoàn.

Ðể tìm một hình ảnh tương tự, tuy chưa đúng tầm mức, tâm trí chúng ta nghĩ đến những bà mẹ của các Linh Mục sáng lập hoạt động từ thiện, chẳng hạn như bà mẹ của Don Bosco, thấy những nhóm "bạn nhỏ", "tụi nhóc đáng thương" kéo đến nhà mình ngày một đông, do chính con mình cầm đầu, lặng lẽ, không cần giải thích nhiều, các bà mẹ đó bắt đầu tự thích ứng với những đòi hỏi mới và bảo đảm cơm ăn, chốn ở, phí tổn nuôi dưỡng cho những đứa trẻ mới đến đó, như thể chúng là con ruột của mình.

Trong trường hợp Ðức Maria, điều đó còn sâu xa hơn rất nhiều. Về những kẻ mới đến này, những người mà Ðức Giêsu gọi là "anh em, chị em và Mẹ Ta". Ngài nói : "Những gì các ngươi làm (cho cơm ăn,áo mặc, thăm viếng) cho một trong anh em hèn mọn nhất của Ta là các ngươi đã làm cho chính Ta" (Mt 25, 40). Ðức Maria, trong thời gian đó,khi nghe hoặc được biết Con mình đã nói : "Hãy đến với Ta, hết thảy những ai lao đao vác nặng ." (Mt 11, 28) hẳn Người hiểu rằng, mình không thể lánh mặt hay từ chối đón nhận làm con tất cả những kẻ được Con mình mời đến, nếu không, Người sẽ không còn là Mẹ của Ngài về mặt tinh thần nữa.

Ðó là thời gian thụ thai, thời gian nói lên tiếng "xin vâng" của tâm hồn. Dưới chân Thập Giá là giờ sinh hạ, Ðức Giêsu nói với Mẹ Ngài bằng tiếng "Hỡi Bà". Tuy không thể khẳng định chắc chắn, nhưng vì biết thánh sử Gioan thường nói theo lối ẩn dụ, biểu trưng, gợi nhắc, nên chúng ta có thể nói rằng, lời này liên quan đến điều Ðức Giêsu từng nói : "Ðàn bà sinh con thì ưu phiền vì giờ của Bà đã đến". Lời đó còn ám chỉ đến những gì sách Khải Huyền nói về người đàn bà, ở đây trước tiên là Giáo Hội, cộng đoàn Giao Ước Mới, sinh ra con người mới và thế giới mới, thì Ðức Maria được bao gồm trong đó trước hết, như là sự khởi đầu và là người đại diện cho cộng đoàn tín hữu đó. Giáo Hội đã sớm nhận ra mối quan hệ gần gũi giữa Ðức Maria và người đàn bà khi nhìn Ðức Maria như là Evà mới, "Mẹ của chúng sinh mới" (thánh Irênê đã nhận ra điều đó, mà ngài là môn đệ của Polycarpe, và vị này lại là môn đệ của Gioan).

Giờ đây chúng ta nhìn vào bản văn của Gioan, xem ngài có thể soi sáng về điểm này như thế nào. Lời của Ðức Giêsu nói với Ðức Maria "Hỡi Bà, này là con Bà", và với Gioan "Này là Mẹ con" trước tiên có một nghĩa trực tiếp và cụ thể. Chúng ta không nên vội lướt qua ý nghĩa trực tiếp này : Ở đây ta khám phá thấy một khía cạnh quan trọng trong hành trình thiêng liêng của Mẹ Thiên Chúa. Một lần nữa, ta thấy Người như khách kiều cư lữ thứ trong thế giới này, không mái ấm, không nơi ở thực sự là của mình trên trần gian. Người để cho Thiên Chúa "đặt định" thời gian sinh Con, khi Lời Chúa đặt Người vào trong hoàn cảnh hoàn toàn cô đơn trước mọi người, Thiên Chúa yêu cầu Giuse đón nhận Ðức Maria : "Giuse, con của Ðavít, ngươi chớ sợ cưới Maria vợ ngươi về nhà" (Mt 1, 20). Tỉnh giấc, Giuse đã đem Người về nhà mình. Giờ đây, lúc Con chết, một lần nữa Người lại đơn độc trong cuộc đời. Thiên Chúa yêu cầu Gioan đem Người về nhà mình và "Gioan từ giờ ấy đã lãnh lấy Bà về nhà mình". Maria quả là người phụ nữ lênh đênh, không bám vào đâu cả, từ đầu đến cuối, Người để cho Thiên Chúa quyết định cuộc đời mình. Ðối với chúng ta, Người như hiện thân của nghèo khó, "Ðức Bà Nghèo Khó".

Tuy nhiên, điều này chưa phải đã nói hết ý nghĩa cảnh tượng đó. Khoa chú giải hiện đại, nhờ những tiến bộ lớn lao trong hiểu biết về ngôn ngữ cũng như về những kiểu diễn tả của Tin Mừng thứ Tư, đã xác tín về điều đó còn hơn thời các Giáo Phụ. Nếu chỉ dùng một chìa khoá duy nhất để hiểu đoạn văn này, coi đó như những lời trăn trối cuối cùng thì, như người ta nói, bản văn trở thành như "một con cá bắt ra khỏi nước", không hòa hợp với văn mạch. Ðối với Gioan, giờ chết là Giờ tôn vinh Ðức Giêsu, Giờ hoàn tất trọn vẹn Kinh Thánh, hoàn tất mọi sự. Ngay trước những lời liên quan đến Ðức Maria, Gioan nói đến tước hiệu "Vua dân Dothái" với ám chỉ rõ ràng đến nghĩa tiên tri và nghĩa viên mãn của nó. Ngài nói đến chiếc áo chùng không có đường khâu (x. Yn 19, 23), gợi lại chiếc áo chùng của Vị Thượng Tế, vì áo đó cũng được dệt liền mảnh (Xh 28, 31), và gợi lại sự hoàn tất lời tiên tri. Ngay sau những lời đó, ta đọc thấy Ðức Giêsu "phó thác Thần Khí", nghĩa là Ngài tắt thở nhưng cũng có nghĩa là Ngài sai Thánh Thần, như lời ghi chú tiếp theo sau về máu và nước chảy ra từ cạnh sườn cho thấy rõ điều đó. Thư thứ Nhất của thánh Gioan làm sáng tỏ : "Có ba nhân chứng : Thần Khí, nước và máu" (1Yn 5, 7 - 8). Cạnh sườn khai mở ám chỉ lời tiên tri Êzêkiel : nước hằng sống trào ra từ bên hông Ðền Thờ Mới (x. Ez 47, 1tt). Chính Ðức Giêsu từng nói về thân mình Ngài bị phá hủy như về Ðền Thờ Mới (x. Yn 2, 19tt).

Toàn văn mạch cho thấy rõ, bản văn sẽ bị giải thích cách gượng ép nếu người ta chỉ muốn thấy trong đó một nghĩa riêng tư, cá nhân, thay vì, cùng với lối chú giải truyền thống, nhận ra rằng bản văn mang một nghĩa phổ quát, nghĩa Giáo Hội rõ rệt hơn, có liên hệ với khuôn mặt người "đàn bà" trong Khởi Nguyên 3, 15 và trong Khải huyền 12. Nghĩa Giáo Hội của bản văn đó là : người môn đệ ở đây không chỉ là Gioan, nhưng là người môn đệ, trong tư cách là môn đệ Ðức Giêsu, thực tế là mọi môn đệ. Ðức Giêsu trong cơn hấp hối trao họ cho Ðức Maria để họ nên con của Người, và trao Ðức Maria cho họ, để Người nên Mẹ của họ.

Lời của Ðức Giêsu có khi mô tả một thực tại đã có, mạc khải điều đang hiện diện ; có khi ngược lại, Lời của Ngài sáng tạo, làm cho hiện hữu điều mà nó diễn tả. Những lời của Ðức Giêsu lúc hấp hối nói với Maria và với Gioan thuộc vào loại thứ hai này. Khi nói : "Này là Mình Thầy". Ðức Giêsu biến bánh trở thành Thân Mình Ngài. Cũng thế - tuy vẫn có tất cả những khác biệt - khi nói : "Này là Mẹ con" và "Này là con Bà", Ðức Giêsu đã làm cho Ðức Maria nên Mẹ của Gioan, và Gioan nên con của Ðức Maria. Ðức Giêsu không công bố vai trò làm Mẹ mới của Ðức Maria, nhưng đã thiết lập vai trò làm Mẹ đó. Vai trò làm Mẹ này không bởi Ðức Maria, nhưng bởi Lời Chúa, không dựa trên công phúc, nhưng là trên ân sủng.

Như thế, dưới chân Thập Giá, Ðức Maria xuất hiện như là Nữ Tử Sion, sau khi chịu tang các con mình, đã được Thiên Chúa ban cho một dòng dõi mới, không theo xác thịt nhưng theo Thần Khí, một dòng dõi đông hơn dòng dõi ban đầu. Ðây là điều mà một thánh vịnh được phụng vụ áp dụng cho Ðức Maria nói lên : "Kìa xứ Philitinh, thành Tyr cùng miền Ethiopi, tại đó kẻ này người nọ đã sinh ra". Nhưng về Sion, người ta có thể nói : "Người người sinh tại đó ." Chúa ghi vào sổ bộ các dân : "Kẻ này người nọ đều sinh ra tại đó" (Tv 87, 2tt). Ðúng vậy :tất cả chúng ta đều sinh ra tại đó, mọi người đã sinh ra. Về tôi, về bạn.

Phải chăng chúng ta đã không "được tái sinh nhờ Lời Hằng Sống và vĩnh cửu của Thiên Chúa" (x. 1P 1, 23) ? Phải chăng chúng ta đã không sinh ra "do bởi Thiên Chúa" (Yn 1, 13) ? Không tái sinh "bởi nước và Thần Khí" (Yn, 5) ? Hẳn rồi ! Nhưng điều đó không loại trừ việc chúng ta còn được sinh ra bởi lòng tin và nỗi đau khổ của Ðức Maria, theo một nghĩa khác, nghĩa tùng phục và nghĩa dụng cụ. Nếu Thánh Phaolô, là tôi tớ và là tông đồ của Ðức Kitô, có thể nói với các tín hữu của ngài : "Nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em trong Ðức Giêsu Kitô" (1C 4, 15), thì Ðức Maria còn có lý gấp mấy để nói như thế, vì Người là Mẹ của họ : "Này con cái của tôi, những kẻ tôi đã phải quặn đau mà sinh ra" (Yn 4, 19) ? Ai có thể nói lời đó của thánh Tông Ðồ đúng hơn Ðức Maria ? Người sinh chúng ta "một lần nữa" dưới chân Thập Giá, bởi lẽ Người đã sinh chúng ta lần đầu tiên, không phải trong quặn đau mà là trong vui mừng khi Người sinh cho đời "Lời Hằng Sống và vĩnh cửu" là Ðức Kitô, trong Ngài, chúng ta được tái sinh.

Các Lời Thiên Chúa hứa không liên hệ đến những điều trừu tượng, đến các thành phố hay các bức tường, nhưng dành cho những con người cụ thể mà các biểu tượng hay hình ảnh biểu thị. Vậy nếu liên hệ đến những con người cụ thể thì những lời đó ứng nghiệm nơi ai rõ ràng nhất nếu không phải là nơi Ðức Maria, Nữ Tử Sion khiêm hạ, khởi đầu của "số sót", ngay cả trên bình diện niên biểu - những người mà Thánh Phaolô nói : "Các lời hứa đã được dành cho họ" (x. Rm 11, 5tt) ?

Vậy, như chúng ta đã áp dụng cho Ðức Maria khúc Ai ca về Sion bị tàn phá, phải uống chén nghĩa nộ của Thiên Chúa, giờ đây, tin vào khả năng chứa đựng và sự phong phú vô cùng của Lời Chúa, vốn vượt xa các lược đồ chú giải, chúng ta áp dụng cho Ðức Maria bài ca Sion được tái thiết sau lưu đày. Tròn mắt kinh ngạc khi nhìn thấy những đứa con mới của mình, Người kêu lên : "Những người ấy ai đã dưỡng dục" ? (Ys 49, 21).

Áp dụng như thế không phải là chủ quan mà là khách quan, vì không dựa trên việc Ðức Maria lúc bấy giờ có nghĩ hay không nghĩ đến những lời ấy, do sự sắp xếp của Thiên Chúa, đã được thực hiện cách khách quan nơi Ðức Maria. Nhận ra được điều này là nhờ cách đọc Kinh Thánh theo Thần Khí (lecture spirituelle), thực hiện trong Giáo Hội và cùng với Giáo Hội. Nếu không đặt mình trong điều kiện như thế, người ta sẽ không thể khám phá ra điều đó. Mất đi Thần Khí, người ta đành thỏa mãn với văn tự. Khoa giải thích hiện đại đã đưa ra một nguyên tắc rất hay : để hiểu một bản văn, người ta không thể không kể đến những gì mà nó tạo ra cũng như những âm vang nó có được trong lịch sử (Wirkungsgeschichte). Nguyên tắc này càng có giá trị hơn đới với các bản văn Kinh Thánh : người ta chỉ có thể hiểu được các bản văn đó trong nội dung toàn thể cũng như các khả năng tiềm tàng của chúng nhờ tất cả những gì chúng đã tạo ra trong lịch sử, trước hết là nơi Israel và sau đó là nơi Giáo Hội, nhờ ánh sáng và sức sống mà chúng làm tỏa phát. Ðiều này rất đúng, nhất là đối với những lời Kinh Thánh như chúng ta đang tìm hiểu. "Lịch sử các ứng nghiệm" (histoire des réalisations) này được Giáo Hội gọi là truyền thống.

Tổng hợp về Ðức Maria của Công Ðồng Vatican II.

Công Ðồng Vatican II đã đem lại một lối diễn đạt mới cho giáo lý Công Giáo truyền thống về Ðức Maria, Mẹ các tín hữu. Giáo huấn về Ðức Maria được lồng vào một khung cảnh rộng lớn hơn, qua đó Ðức Maria được đặt vào trong lịch sử cứu độ và trong mầu nhiệm Ðức Kitô : "Vì muôn đời, Ðức Nữ Trinh đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa. Và theo chương trình của Chúa Quan Phòng trên trần gian, Ngài đã trở nên Mẹ cao trọng của Ðấng Cứu Chuộc thần linh, và cách đặc biệt hơn mọi người khác, Ngài là cộng sự viên quảng đại và tôi tá khiêm hạ của Chúa vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Kitô, đã dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha trong Ðền Thánh và cùng đau khổ với Con mình chết trên Thập Giá. Ðức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy trên bình diện ân sủng, Ngài thật là Mẹ chúng ta 2". Và Công Ðồng lưu tâm xác định ý nghĩa vai trò làm Mẹ này của Ðức Maria : "Vai trò làm Mẹ của Ðức Maria đối với loài người không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò trung gian duy nhất của Ðức Kitô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực của sự trung gian ấy. Vì mọi ảnh hưởng có sức cứu rỗi của Ðức Nữ Trinh trên nhân loại không phát sinh từ một sự cần thiết khách thể nào, nhưng từ ý định nhân lành của Thiên Chúa và bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Kitô. Ảnh hưởng nương tựa và hoàn toàn tùy thuộc vào sự trung gian của Chúa Kitô, nguồn mạch mọi quyền lực của ảnh hưởng đó. Nhưng ảnh hưởng này không làm cản trở gì, trái lại còn giúp đỡ các tín hữu kết hiệp trực tiếp với Chúa Kitô 3".

Bên cạnh tước hiệu Mẹ Thiên Chúa và Mẹ các tín hữu, một phạm trù căn bản khác được Công Ðồng sử dụng để minh họa vai trò của Ðức Maria, đó là phạm trù mẫu mực hay hình bóng : "Ðức Trinh Nữ, nhờ ân huệ và sứ mệnh làm Mẹ Thiên Chúa, nhờ đó Ngài được hiệp nhất với Con là Ðấng Cứu Chuộc, và nhờ các ơn và nhiệm vụ đặc biệt khác, Ngài còn kết hiệp mật thiết với Giáo Hội, như thánh Ambrôsiô đã dạy, Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái, và hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Kitô 4".

Nhờ những bản văn này soi sáng và qua những gì chúng ta đã nói cho đến lúc này, chúng ta có thể tóm tắt mối quan hệ kép của Ðức Maria với Ðức Giêsu và với Giáo Hội. Với Ðức Giêsu, Người là "Mẹ và là môn đệ". Với Giáo Hội, Người là "Mẹ và là Thầy", nghĩa là mẫu mực, khuôn mặt gương mẫu. Người quả thực có thể nói như thánh Phaolô, và còn hơn Phaolô nữa: "Anh em hãy theo gương tôi, cũng như tôi đối với Ðức Kitô" (1C 11, 1). Người quả là mẫu mực của chúng ta vì Người là môn đệ và là người noi theo Ðức Kitô cách hoàn hảo.

Ðiểm hết sức mới mẻ của giáo huấn về Ðức Maria chính là vị trí mà nó được lồng vào : hiến chế tín lý về Giáo Hội. Làm được điều này, tuy không phải là không gặp những đau khổ, xâu xé như vẫn luôn xảy ra trong những trường hợp như vậy, Cồng Ðồng quả đã thực hiện một canh tân sâu xa về Thánh Mẫu học so với các thế kỷ trước. Khảo luận thần học về Ðức Maria không còn là một đề tài riêng lẻ, cách biệt, như thể nó chiếm một vị trí trung gian giữa Ðức Kitô và Giáo Hội, nhưng được đưa trở lại vào lãnh vực Giáo Hội như vào thời các Giáo Phụ. Thánh Augustinô từng nói đến điều đó : Ðức Maria là chi thể tuyệt hảo của Giáo Hội, nhưng là một trong các chi thể của Giáo Hội chứ không phải là người ở bên ngoài hay bên trên Giáo Hội : "Ðức Maria thánh thiện, Ðức Maria đầy phúc,� nhưng Giáo Hội quan trọng hơn Ðức Maria. Vì sao ? Vì Ðức Maria là một phần của Giáo Hội, một chi thể thánh thiện, tuyệt vời, trỗi vượt trên mọi chi thể khác, thế nhưng vẫn là một chi thể của toàn thân thể. Nếu là một chi thể của toàn thân thì thân thể hiển nhiên quan trọng hơn một chi thể 5".

Tuy vậy, Giáo Hội vẫn làm nổi bật vai trò làm Mẹ Ðức Kitô như là mối quan hệ độc nhất vô nhị mà phần còn lại của Giáo Hội không tham dự vào. Chương bàn về điểm này mang tựa đề : "Ðức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội". Việc xác định rõ ràng như thế có tầm quan trọng của nó : không những trong mầu nhiệm Giáo Hội, mà cả trong mầu nhiệm Ðức Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể.

Ngay sau Công Ðồng, Ðức Phaolô VI đã khai triển chủ đề mẫu tính của Ðức Maria, Mẹ các tín hữu. Ngài gán cho Ðức Maria tước hiệu Mẹ Giáo Hội cách minh nhiên và long trọng : "Vì vinh danh Ðức Maria và vì niềm an ủi của chúng ta, chúng tôi tôn xưng Ðức Trinh Nữ Maria Rất Thánh là Mẹ Giáo Hội, nghĩa là Mẹ của toàn Dân Chúa, của tín hữu cũng như của các mục tử, những người gọi Ngài là Mẹ rất mến yêu. Và chúng tôi mong muốn từ nay, với tước hiệu rất dịu êm này. Ðức Trinh Nữ sẽ càng được toàn dân Kitô giáo tôn kính và khấn cầu hơn nữa 6".

Ðức Maria, Mẹ các tín hữu trong viễn tượng đại kết.

Giờ đây, chúng ta cố gắng tìm hiểu rõ hơn tước hiệu Mẹ các tín hữu và Mẹ Giáo Hội của Ðức Maria khởi từ một số mẫu gương trong Kinh Thánh, với hy vọng làm cho anh em Tin Lành hiểu được niềm tin này của Giáo Hội Công Giáo, không còn cảm thấy đó là điều gây vấp phạm.

Trước hết, tôi muốn làm sáng tỏ nguyên lý căn bản cho những suy tư dưới đây. Như chúng ta đã thấy, Ðức Maria được đặt vào trong Giáo Hội cách căn bản, vì thế những phạm trù, những khẳng định Kinh Thánh được dùng để soi sáng vấn đề là những phạm trù, khẳng định liên quan đến những con người làm thành Giáo Hội, và được áp dụng cho Ðức Maria theo nghĩa mạnh hơn (a fortiori), hơn là những bản văn liên quan đến các ngôi vị Thiên Chúa hay Ðức Kitô được áp dụng cho Ðức Maria bằng cách "giảm trừ". Chẳng hạn, để hiểu cách chính xác khái niệm tế nhị về sự trung gian của Ðức Maria trong công trình cứu độ, chúng ta khởi đi từ trung gian của thụ tạo, trung gian từ dưới (médiation par le bas), như trung gian của Abraham, của thánh Phaolô, của các tông đồ hơn là khởi đi từ trung gian thần nhân của Ðức Kitô (médiation humano-divine) và đó là điều hữu ích và hợp thời hơn. Khoảng cách lớn nhất không phải là khoảng cách giữa Ðức Maria với phần còn lại của Giáo Hội, mà là khoảng cách giữa một bên là Ðức Maria và Giáo Hội, với bên kia là Ðức Kitô và Ba Ngôi, hoặc khoảng cách giữa các thụ tạo với Ðấng Sáng Tạo. Xây dựng một Kitô học "từ dưới" (une Christologie par le bas), khởi từ con người thay vì từ Thiên Chúa là điều bất khả, thậm chí là nguy hiểm nữa, vì "không ai có thể lên trời ngoài Ðấng từ trời xuống" (x. Yn 13, 13). Không ai có thể xin cho Ðức Kitô phẩm vị Thiên Chúa, nếu ngay từ đầu Ngài không là Thiên Chúa. Người ta trở thành người chứ không trở thành Thiên Chúa được. Ngược lại, cố gắng xây dựng một Thánh Mẫu học từ dưới là điều có thể được, ngay cả là đúng đắn nữa. Ðã có một thời người ta dùng phương pháp diễn dịch để suy diễn ra tất cả các tước hiệu của Ðức Maria khởi từ một nguyên lý tín lý, chẳng hạn như "Ðầy ân sủng", hoặc "Mẹ Thiên Chúa". Nhưng dưới ánh sáng hiến chế của Công Ðồng Vatican II, chúng ta có thể đi con đường khác, dùng phương pháp qui nạp, khởi từ Lời Chúa.

Loại suy từ dưới (analogie par le bas) đầu tiên mà Kinh Thánh đưa ra về Ðức Maria là loại suy từ Abraham. Chúng ta đã so sánh thoáng qua Abraham với Ðức Maria rất nhiều lần. Ðây là lúc chúng ta sử dụng so sánh đó cách thấu đáo hơn. Trong Tân Ước, một điều lưu ý là Ðức Kitô không bao giờ được gọi là Abraham mới, trong khi Ngài nhận được tước hiệu Ysaac mới, Yacob mới, môsê mới, Aaron mới .v.v. Ysaac con của Abraham mới đúng là hình bóng của Ðức Kitô. Abraham không có nét tương ứng với Ðức Kitô mà là với Ðức Maria. Bởi được đặt làm Cha trong đức tin, ông là người tiêu biểu về đức tin : trong Tân Ước, điều này không hề được qui cho Ðức Giêsu nhưng lại rất đúng với Ðức Maria, khi Người được tuyên bố là có phúc bởi đã tin (x. Lc 1, 45).

Sự so sánh giữa đức tin� của Abraham với đức tin của Ðức Maria được phác họa trong chính trình thuật về truyền tin. Ðức Maria lưu ý thiên thần về tình trạng sống trinh khiết của mình, một tình trạng ngược lại với lời hứa. Người nhận được cùng một câu trả lời như Abraham sau khi Sara nêu cùng một nhận xét về sự già nua, son sẻ của mình. Sự đồng nhất giữa hai câu trả lời càng rõ hơn nữa trong bản LXX : "Với Thiên Chúa, nào có gì lại là không có thể 7" (x. Lc 1, 37 ; Kn 18, 14).

Sự tương ứng còn nổi bật hơn nữa qua các sự kiện. Cuộc đời Abraham được đánh dấu bởi hai hành vi lớn của đức tin. Trước hết, bởi tin, Abraham đã tin tưởng vào Lời Thiên Chúa hứa rằng ông sẽ có một con trai, mặc dầu "ông đã nhìn đến thân xác chết cằn của mình và lòng dạ tàn cỗi của Sara" (Rm 4, 19 ; Hr 11, 11). Sau đó, "Bởi tin, Abraham đã hiến dâng Ysaac khi Thiên Chúa thử lòng, và ông tiến dâng đứa con một, ông là người đã đón nhận các lời hứa" (Hr 11, 170. Như thế, Abraham đã tin khi Thiên Chúa ban cho ông một con trai và ông đã tin khi Thiên Chúa cất đi của ông người con ấy.

Cuộc đời của Ðức Maria cũng thế, chúng ta cũng thấy có hai hành vi lớn lao của đức tin. Mặc dầu đang sống trinh khiết, Ðức Maria đã tin khi Thiên Chúa loan báo cho Người về một người con sẽ sinh ra, người con đó sẽ là kẻ thừa hưởng mọi lời hứa. Sau đó, Maria đã tin khi Thiên Chúa đòi Người tham dự vào cuộc hiến tế Người Con mà Ngài đã ban cho Mẹ. Ở đây, mọi ánh sáng đều tắt ngấm, con người thực sự đi vào trong đêm tối đức tin. Thiên Chúa dường như tiền hậu bất nhất, Người như quên đi các lời hứa của Người . Người nói : "Ngài sẽ làm lớn và được gọi là Con của Ðấng Tối Cao", thế mà ngược lại, Ngài đã bị nghiền tán dưới đòn roi và nhục mạ. Người nói : "Ngài sẽ làm vua trên nhà Yacob cho đến đời đời", vậy mà Ngài đã bị đóng đinh Thập Giá ! Ðức Maria phải hy vọng cho đến cùng, bởi Người cũng phải tiến bước trong đức tin, trong lòng cậy trông, chứ không phải trong thị kiến hy vọng Thiên Chúa sẽ can thiệp, dòng sự việc sẽ đổi thay. Mẹ đã hy vọng điều đó sau khi Chúa bị bắt, rồi trước mặt Philatô, trước khi bản án được tuyên bố, và trên đồi Canvê, trước khi mũi đinh đầu tiên đóng vào thân thể, hy vọng đến tận giây phút Chúa gục đầu, trút hơi thở cuối cùng. Thế nhưng vẫn không có gì cả !

So với Abraham, Ðức Maria bị đòi hỏi hơn rất nhiều. Với Abraham, Thiên Chúa đã can thiệp vào giây phút cuối cùng, dung mạng cho Ysaac. Với Ðức Maria, Người đã vượt qua cái ranh giới không thể quay trở lại là cái chết. Chúng ta hãy lưu ý sự khác biệt này giữa Cựu Ước Và Tân Ước ; "Abraham nắm lấy con dao nhưng đã được lại Ysaac. Sự việc thực ra không nghiệt ngã. Tột điểm của tấn kịch nằm trong sự thử thách nhưng sau đó là niềm vui sướng được lại mạng sống. Trong Tân Ước thì hoàn toàn khác. Không phải một lưỡi gươm treo sợi tóc, lơ lững trên đầu Ðức Maria để thử xem Người có thể kiên vững trong sự vâng phục của đức tin không, lưỡi gươm đã thực sự đâm thấu, làm tan vỡ trái tim của Mẹ, nhưng cũng nhờ đó mà Mẹ có được một bảo đảm về vĩnh cửu : điều mà Abraham không có được 8".

Có thể rút ra kết luận nào từ tất cả những điều đó ? Nếu, do những việc ông làm, Abraham đã được xứng danh hiệu là "cha" (x. Lc 16, 24), : cha của chúng ta hết thảy", trong Kinh Thánh nghĩa là của mọi tín hữu (x. Rm 4, 16), thì việc gọi Ðức Maria là "Mẹ của chúng ta hết thảy", Mẹ của mọi tín hữu, có gì lạ lùng đâu ? Abraham nhận được tước hiệu đó không phải lúc sinh tiền mà là về sau, khi dân tộc ông suy tư, nghiền ngẫm lại đức tin của ông. Ðức Maria cũng vậy, Người nhận được tước hiệu này là do suy tư về sau của dân tộc Người là Giáo Hội, lúc Người còn sống, Kinh Thánh chỉ cho biết rằng Người đã tin các lời Chúa phán cùng Người sẽ được thực hiện. Tước hiệu của Abraham "cha các kẻ tin" được ghi trong Kinh Thánh và vì thế buộc mọi người nhìn nhận, không phải bàn cãi. Một tước hiệu như vậy, khi Giáo Hội gán cho Ðức Maria, hẳn cũng phải được tôn trọng, sùng kính, ít ra là cùng một mức độ như thế, và chúng ta thấy tước hiệu đó cũng dựa vào chính Kinh Thánh một cách hết sức chắc chắn.

So sánh giữa Abraham và Ðức Maria giúp chúng ta hiểu sâu hơn, không chỉ dừng lại ở tước hiệu, mà còn có thể đi vào nội dung và ý nghĩa của nó. Mẹ các tín hữu phải chăng là một tước hiệu danh dự, hay còn điều gì hơn thế nữa ? Khi chú giải đoạn Kinh Thánh Thiên Chúa nói với Abraham : "Nơi ngươi mọi tông tộc trên trần sẽ được chúc phúc" (Kn 12,3), Calvin chú giải theo nghĩa "Abraham không phải chỉ là khuôn mẫu, là vị thầy, mà còn là nguyên nhân của sự chúc phúc 9". Cũng theo nghĩa này, một nhà chú giải Tin Lành thời nay viết : "Người ta tự hỏi, phải chăng những lời này chỉ có ý khẳng định rằng Abraham sẽ trở nên một loại công thức chúc lành, và lời chúc lành mà ông được hưởng trở thành điển hình . Nhưng, theo quan điểm của khoa chú giải, việc giới hạn một mệnh đề được sắp xếp kỹ lưỡng và có một văn phong rất cao nhã như vậy vào một nghĩa độc nhất và yếu nhất là một việc sai lầm . Vì thế, cần phải trở lại với lối chú giải truyền thống, hiểu lời nói của Yavê "như một lệnh truyền đối với lịch sử" (B. Jacob). Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Abraham được dành cho vai trò làm trung gian cho sự chúc phúc đối với mọi thế hệ trên trần gian 10".

Tất cả những điều này giúp chúng ta rất nhiều để hiểu được những điều Truyền Thống nói về Ðức Maria, kể từ thánh Irênê : Người không phải chỉ là một "mẫu gương" về sự chúc phúc và ơn cứu độ, mà một cách nào đó còn là "nguyên nhân" của ơn cứu độ, tất nhiên là nguyên nhân phụ thuộc và dụng cụ hoàn toàn tùy thuộc ân sủng và ý muốn của Thiên Chúa. Vai trò làm Mẹ của Ðức Maria đối với Giáo Hội không phải chỉ mang tính cách danh dự, hay chỉ là một kiểu nói. Thánh Irênê viết : "Vậy, cũng như Evà vì bất tuân đã trở thành nguyên nhân sự chết cho bà và cho tất cả nhân loại, cũng thế Ðức Maria ., vì vâng phục, đã trở nên "nguyên nhân ơn cứu độ" cho Người và cho toàn thể nhân loại 11".

Anh em Tin Lành thân mến, những lời : "Mọi đời sẽ khen tôi có phúc" (Lc 1, 48), không phải chúng tôi, những người Công Giáo, đã đưa vào Kinh Thánh mà chính là Chúa Thánh Thần. Những lời đó lại không cần phải được coi như "một lệnh truyền của Thiên Chúa đối với lịch sử", như những lời với Abraham : "Nơi ngươi, mọi dòng tộc trên trần sẽ được chúc phúc" hay sao ? Nếu người ta nhìn nhận Abraham có một vai trò "trung gian", thì tại sao lại không nhìn nhận như thế, và còn đúng lý hơn thế đối với Ðức Maria ?

Ta không thể nói rằng, một trung gian thực sự như trung gian của Abraham chỉ có giá trị trong nhiệm cục Cựu Ước chứ không có giá trị trong nhiệm cục Tân Ước, vì từ nay chúng ta đã có Ðấng Trung Gian độc nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại, một người, là Ðức Giêsu Kitô (x. 1Tin Mừng 2, 5). Không thể nói như vậy được, bởi lẽ vai trò trung gian độc nhất của Ðức Kitô cũng hoạt động, trong Giao Ước Mới, xuyên qua những trung gian thụ tạo và nhân loại, do chính Ngài thiết lập, chẳng hạn sự trung gian của các dấu Bí Tích, hay qua con người các tông đồ.

Không nên hiểu những nhận xét này theo kiểu suy nghĩ của kẻ muốn nói với người khác : Ex ore tuo te judico, "ta cứ lời ngươi mà xét xử ngươi". Ðúng hơn, những nhận xét này muốn cho thấy rằng anh em Tin Lành, nhờ cảm thức đặc biệt về Kinh Thánh, có thể mang lại một sự đóng góp không thể thay thế cho việc xây dựng đức tin chung, kể cả trong những gì liên quan đến Ðức Maria. Nói khác đi chúng nói lên một lời mời gọi, một mong muốn hiệp thông hơn là một phán đoán về sự nhất quán hay không nhất quán. Quả thực, chính trên lãnh vực Kinh Thánh mà người Công Giáo và Tin Lành sẽ có thể tìm được sự hiệp thông trọn vẹn, ngay cả trong những gì liên quan đến Ðức Maria, đó là điều ngày càng trở nên rõ ràng hơn.

Quả vậy, nếu theo một nghĩa Ðức Maria là thành phần của Giáo Hội và Công Ðồng Vatican II đã đưa Người vào trong hiến chế về Giáo Hội một cách hợp lý, chặt chẽ, thì theo một nghĩa khác, Người còn là một chương quan trọng của Kinh Thánh, của Lời Chúa và cần phải được giải thích dựa vào hiến chế về mạc Khải, Dei Verbum. Thánh Grêgoriô Cả nói : "Thiên Chúa dạy chúng ta khi thì bằng lời, khi thì bằng các công trình 12". Một đoạn trong Dei Verbum giải thích công cuộc mạc khải cũng theo chiều hướng này ; công cuộc mạc khải được thực hiện bằng hai cách : bằng hành động và bằng lời nói (gestis verbisque) 13.

Như thế, một thực tế rõ ràng trong Kinh Thánh được làm sáng tỏ, đó là : Kinh Thánh không chỉ gồm những lời nói mà còn là những hành động, những hành vi mang tính biểu trưng, hoặc ngay cả những cuộc đời mà tự chúng đã mang tính tiên tri. Ðức Maria là một trong những cuộc đời mang tính tiên tri này, và xét dưới khía cạnh đó thì Ðức Maria là dụng cụ mạc khải, không những và không phải vì những gì Người là. Ðức Maria, theo cung cách của mình, là một "lời hữu hình", một lời "bằng hành động", giống như thánh Augustinô định nghĩa dấu chỉ Bí Tích 14.

Sau Abraham, loại suy từ dưới thứ hai là loại suy từ các tông đồ. Thư gửi tín hữu Êphêsô nói, các tín hữu "được xây cao lên trên nền móng là các tông đồ và tiên tri, mà đỉnh góc chính là Ðức Kitô Giêsu" (Ep 2, 20). Làm sao các tông đồ và tiên tri có thể là "nền móng", vì đã có viết rằng : "Về nền móng thì không ai có thể đặt cái khác, ngoài nền móng đã đặt rồi, tức là Ðức Giêsu Kitô" (1C 3, 11) ? Câu trả lời thật đơn giản : việc được "xây nền" trên ai đó có thể quan niệm theo nhiều cách khác nhau. Nếu ta có thể được "xây nền" trên các tông đồ, vì các ngài là những người đầu tiên truyền lại cho chúng ta lời sự sống, thì chẳng lẽ chúng ta lại không thể nói như thế và còn hơn thế, rằng chúng ta được "xây nền" trên Ðức Maria và được "sinh" bởi Ðức Maria, vì Người đã truyền lại cho chúng ta chính tác giả của Lời và truyền lại không phải cho Giáo Hội này hay Giáo Hội kia như mỗi một tông đồ, mà là cho toàn thế giới.

Thiên Chúa, Ðấng đã không khinh màng việc kêu gọi các thụ tạo cả nam lẫn nữ, cộng tác với Ngài trong việc trao ban sự sống tự nhiên, thì hẳn Ngài có thể, nếu Ngài muốn, kêu gọi một thụ tạo là Ðức Maria cũng như kêu gọi mọi người, theo cách khác, cộng tác với Ngài trong việc trao ban sự sống siêu nhiên, trở thành "dụng cụ của ân sủng" Ngài. Ðược kêu gọi như thế, thụ tạo vẫn không là gì trước mắt Thiên Chúa, tất cả hoàn toàn là ân sủng và chỉ là ân sủng mà thôi. Chúng ta hãy tránh, ngay cả khi muốn bảo vệ tính siêu việt của Ngài, mang một ý tưởng "chật hẹp" tầm thường về Thiên Chúa, ý tưởng về một Thiên Chúa "ghen tương", ghen tương không theo nghĩa Kinh Thánh mà là ganh ghét theo nghĩa phàm nhân, như thần linh của người Hylạp. Sự "cả ghen" của Thiên Chúa trong Kinh Thánh nhắm vào các ngẫu tượng chứ không nhằm đến các dụng cụ, các trung gian của Ngài.

Thật là khích lệ khi khám phá thấy rằng, ngay cả những nhà khai sáng phong trào Cải Cách cũng đã nhìn nhận tước hiệu và đặc quyền làm Mẹ của Ðức Maria, Mẹ theo nghĩa Mẹ của chúng ta và Mẹ của ơn cứu độ. Chúng ta hãy nghe Luther trong một bài giảng lễ Giáng Sinh : "Niềm an ủi và lòng nhân hậu dư tràn của Thiên Chúa là thế này : khi tin, con người có thể tự vinh vang về niềm hạnh phúc quí giá đến nhường ấy, được Ðức Maria thực sự làm Mẹ, Ðức Kitô làm Anh và Thiên Chúa làm Cha của mình . Nếu bạn tin như thế thì bây giờ bạn thực sự được nghỉ ngơi nơi lòng Ðức Trinh Nữ Maria và bạn là con chí ái của Người 15".

Zwingli, trong một bài giảng vào năm 1524, đã gọi Ðức Maria là "Maria Trinh Nữ vẹn tuyền, Mẹ ơn cứu độ chúng ta". Ông thêm rằng, ông đã không bao giờ "suy nghĩ và cũng không dạy hay khẳng định công khai điều gì báng bổ, làm ô danh, bất xứng hay xấu xa 16" về Ðức Maria.

Nếu vậy, tại sao chúng ta lại đi đến tình trạng hiện tại trong đó anh em Tin Lành cảm thấy khó chịu đối với Ðức Maria như thế ? Tại sao lại đi đến mức, có một số nhóm nhỏ bên lề cho mình có trách nhiệm phải hạ thấp Ðức Maria, liên tục tấn công người Công Giáo về điểm này và quên đi tất cả những gì Kinh Thánh nói về Ðức Maria ? Những gì xảy ra đối với Ðức Maria phần nào giống với những gì đã xảy đến đối với giáo lý về Bí Tích Thánh Thể. Ðiều lẽ ra phải là những dấu chỉ và là những tác tố mạnh mẽ nhất của sự hiệp nhất và với Bí Tích Thánh Thể, là chính Bí Tích của sự hiệp nhất, lại đã thành nhiều trở ngại nổi bật nhất, trở thành những nguyên nhân lớn nhất gây ra sự bất đồng.

Tôi không có tham vọng đưa ra giải đáp cho những vấn nạn đó : mong muốn duy nhất của tôi là chỉ ra con đường mà, theo tôi nghĩ, có thể giúp vượt ra khỏi tình trạng đáng buồn này về Ðức Maria. Con đường này đi qua một cử chỉ thành thực về phía chúng ta, những người Công Giáo, biết nhìn nhận rằng, thường ra nhất là trong những thế kỷ cuối này, chúng ta đã góp phần quyết định trong việc làm cho Ðức Maria trở thành không thể chấp nhận được đối với anh em Tin Lành. Chúng ta tôn kính Ðức Maria đôi khi một cách quá đáng, thiếu suy nghĩ, thận trọng, nhất là không đặt sự sùng kính đó vào trong một khuôn khổ Kinh Thánh rõ ràng, để làm nổi bật vai trò phụ thuộc của Ðức Maria đối với Lời Chúa, với Chúa Thánh Thần và với chính Ðức Giêsu. Thánh Mẫu học của những thế kỷ cuối cùng này đã trở thành một xưởng thường xuyên chế tạo các tước hiệu mới, các việc sùng kính mới, mà thường là để chống lại anh em Tin Lành, đôi khi dùng chính Ðức Maria - Người Mẹ chung - như vũ khí chống lại họ. Công Ðồng Vatican II đã chống lại khuynh hướng này đúng lúc. Công Ðồng khuyên các tín hữu "phải hết sức cẩn thận tránh xa mọi lời nói hay cử chỉ có thể làm cho các anh em ly khai hay các anh em khác có thể hiểu sai giáo lý đích thực của Giáo Hội". Công Ðồng nhắc các tín hữu nhớ rằng "lòng sùng kính đích thực không hệ tại chút nào trong những tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại ở một sự dễ tin phù phiếm 17".

Về phía anh em Tin Lành, tôi thiết nghĩ cần phải ghi nhận rằng, trong thái độ của họ đối với Ðức Maria, không phải chỉ có cuộc luận chiến bài Công Giáo gây ra ảnh hưởng tiêu cực, mà còn có cả thuyết duy lý nữa. Ðức Maria không phải là một ý niệm mà là một con người cụ thể, một phụ nữ, và vì thế không thể dễ dàng bị "lý thuyết hóa" hay bị giản lược thành một nguyên lý trừu tượng. Người là hình tượng (icône) về sự đơn giản của Thiên Chúa. Vì thế, trong một bầu khí bị chủ thuyết duy lý cực đoan chế ngự. Ðức Maria không thể không bị loại ra khỏi chân trời thần học.

Một người phái Luther, hết sức gắn bó với đức tin của mình, sau khi đọc lại những bản văn của Luther, đã tràn đầy niềm kính phục đối với Ðức Trinh Nữ Maria, bà viết : "Khi đọc những lời này của Luther, một người mà cho đến tận cuối đời, đã tôn kính, thánh hóa các ngày lễ về Ðức Maria và mỗi ngày hát lên lời kinh Magnificat, chúng ta cảm thấy mình, nói chung, đã rời xa thái độ đúng đắn đối với Người đến như thế nào, thái độ mà Luther đã chỉ ra cho chúng ta dựa trên nền tảng Kinh Thánh . chúng ta thấy mình, những người Tin Lành đã để cho chủ nghĩa duy lý nhấn chìm đến thế nào. Thuyết duy lý đã hoàn toàn không hiểu một chút gì mầu nhiệm về sự thánh thiện của Thiên Chúa . Con người duy lý muốn thấu triệt tất cả, và điều gì họ không có khả năng hiểu thì họ loại bỏ. Chủ nghĩa duy lý, vì chỉ chấp nhận điều gì có thể hiểu được bằng lý trí, nên khi thể hiện ra ngoài, nó đã loại các ngày lễ về Ðức Maria và tất cả những gì liên quan ra khỏi Giáo Hội Tin Lành. Nó làm mất đi ý thức về các quy chiếu Kinh Thánh về Ðức Maria. Ngay cả hôm nay, chúng ta còn đang phải gánh chịu di sản đó. Nếu qua câu nói : "Sau Ðức Kitô, Mẹ là châu báu quý giá nhất trong tất cả Kitô giáo, không bao giờ ngợi ca cho đủ", Luther muốn khắc sâu lời ca ngợi đó vào trong tâm khảm chúng ta, thì phần tôi, tôi phải thú nhận mình thuộc vào số những người, suốt bao nhiêu năm tháng cuộc đời đã không làm điều đó, đã không màng đến điều mà Kinh Thánh nói : "Này từ đây, mọi thế hệ sẽ khen tôi diễm phúc" (Lc 1, 48). Tôi đã không đặt mình vào số những thế hệ đó 18".

Ðây không phải là một tiếng nói đơn độc. Sau Công Ðồng, nhiều nhà thần học thuộc nhiều chân trời khác nhau của Tin Lành phái Luther, Cải Cách, Anh Giáo, Tin Lành, Ngũ Tuần đã có cùng một tiếng nói như vậy. Một người trong số họ, khi tham chiếu các bản văn Công Ðồng, đã viết : "Người Công Giáo phải đi dặm đường đầu tiên trong nỗ lực khôi phục lại một trình thuật thần học đúng đắn về Ðức Maria. Người tin Lành có bổn phận phải đi dặm thứ hai trong việc, cùng với anh em Công Giáo, chú tâm xem xét những gì Tân Ước nói cho chúng ta về vị trí của Ðức Maria trong đức tin Kitô giáo"���� (R. McAfee Brown). Một thần học gia Tin Lành khác viết : "Ðức Kitô là Ađam thứ hai, là CON NGƯỜI MỚI, và chúng ta đã được tháp nhập vào Ngài để nên thành phần của nhân tính toàn thể (humanité totale) của Ngài. Nếu điều đó có nghĩa là chúng ta được nhận vào trong mối tương quan không những với Ngài mà còn với Ðấng mà từ đó Ngài đã nhận lấy xác phàm, thì như vậy, Ðức Maria không còn chỉ là Mẹ của Ngài, Người còn trở thành Mẹ của chúng ta". "Vì lợi ích của chính mình, Giáo Hội Tin Lành (chrétienté évanggélique) cần có mối liên hệ với Mẹ Chúa chúng ta và với toàn thể các thánh, một mối liên hệ phải rõ ràng tích cực hơn những gì mà Giáo Hội dạy cho đến nay" (J.C. de Satgé). Một vị khác nữa viết : "Có lẽ, việc xem xét lại ý nghĩa của Ðức Maria sẽ có thể là một khía cạnh trong cuộc Hoán Cải lớn lao hơn mà Giáo Hội Tin Lành, trong những thời gian sống mãnh liệt nhất của mình, đã luôn luôn tìm kiếm" (J.A.Ross Mackenzie).

Bầu không khí mới mẻ này về Ðức Maria đã tạo điều kiện cho "Hội Ðại Kết về Ðức Trinh Nữ Maria" (Société Oecuménique de la Bienheureuse Vierge Marie) nảy sinh và phát triển rộng, nhất là ở các nước nói tiếng Anh, trong hội này, các nhà thần học, mục sư thuộc nhiều Giáo Hội Kitô khác nhau hội họp lại để cùng suy tư, đối chiếu các quan điểm về vai trò của Ðức Maria trong lịch sử cứu độ và trong Giáo Hội 19.

Những suy tư này cho phép chúng ta ấp ủ niềm hy vọng : một ngày nào đó không xa, người Công Giáo và Tin Lành sẽ không còn chia rẽ, mà là được hợp nhất với nhau nhờ Ðức Maria trong cùng một niềm tôn kính đối với Người, một sự tôn kính có thể là khác trong các hình thức, trong sự diễn tả, nhưng đồng tâm nhất trí trong việc nhìn nhận Người là Mẹ Thiên Chúa, và theo một nghĩa khác, là Mẹ các tín hữu. Chúng ta đang tiến gần đến năm 2000. Mừng sinh nhật của Hài Nhi mà hoàn toàn quên bẵng Người Mẹ đã sinh Hài Nhi đó cho thế gian thì liệu có đúng đắn không ? Liệu có đúng với đạo làm Kitô hữu và thậm chí, đơn giản hơn, có đúng với đạo làm người không ? Và nhất là, Ðức Kitô mà chúng ta loan báo, có thực là Lời thành xác phàm, là Vị Thiên Chúa đã đi vào trong lịch sử, muôn sự đều tương tự với chúng ta : trong sự sinh ra, cuộc sống và cái chết của Ngài nữa chăng ?

Và từ giờ ấy môn đồ đã nhận lấy Người về nhà mình.

Như phương pháp đã đề ra, đây là lúc chúng ta chuyển từ sự chiêm ngắm một tước hiệu, hay một giai đoạn cuộc đời Ðức Maria sang sự noi gương thực hành, xem Ðức Maria như là hình bóng và là tấm gương của Giáo Hội. Trong chương này, chúng ta chiêm ngắm Ðức Maria trong vai trò là "Mẹ chúng ta", thế nên việc áp dụng thực hành thuộc vào loại đặc biệt. Hiển nhiên nó không hệ tại ở việc noi theo Ðức Maria mà là ở việc đón nhận Người. Chúng ta hãy bắt chước Gioan, lãnh lấy Ðức Maria vào trong cuộc đời chúng ta, ngay từ hôm nay. Tất cả vấn đề là ở đó.

Câu : "Và môn đồ đã lĩnh lấy Bà về nhà mình" (els tu ídin) trong nguyên bản có thể có hai nghĩa, và tất nhiên phải bảo tồn cả hai nghĩa đó. Môn đồ đã lĩnh lấy Bà "về nhà mình" và môn đồ đã nhận Bà "vào số những gì mình quí giá nhất".

Người ta rất ít nghĩ đến tất cả sự phong phú của câu văn thật ngắn ngủi đó. Nó chứa đựng bên trong một tin có tầm quan trọng lớn lao và được bảo đảm về mặt lịch sử, bởi nó được chính người có liên quan viết ra. Ðức Maria đã sống những năm cuối đời với Gioan. Những điều chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng thứ Tư, về Ðức Maria ở Cana xứ Galilê và dưới chân Thập Giá, thì đã được người sống dưới cùng một mái nhà với Ðức Maria viết ra. Quả không thể không nhìn nhận có mối liên hệ chặt chẽ, nếu không muốn nói là đồng nhất, giữa "người môn đệ Chúa Giêsu yêu" và tác giả Tin Mừng thứ Tư. Câu : "Và Lời đã thành xác phàm" được viết bởi người đã sống dưới cùng một mái nhà với Ðức Maria, Ðấng mà điều nhiệm lạ đó đã thành sự nơi lòng mình, hay ít ra là được viết bởi người đã quen biết, năng lui tới với Ðức Maria.

Ðược Ðức Maria ở với mình, nơi nhà mình ngày đêm, ai có thể nói được điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với người môn đệ Chúa yêu ? Ðược cầu nguyện với Người, dùng bữa với Người, có Người ở trước mặt như thính giả khi người môn đồ đó nói với các tín hữu, được cùng với Người cử hành mầu nhiệm của Chúa ? Ðức Maria sống kề cận người môn đệ Chúa yêu như vậy, chẳng lẽ lại không có ảnh hưởng nào đến công việc suy tư, đào sâu lâu dài, đưa đến việc biên soạn Tin Mừng thứ Tư hay sao ? Thời xưa, dường như Origène ít ra đã trực giác được bí ẩn nằm trong vấn đề đó. Các nhà thông thái, các nhà phê bình Tin Mừng thứ Tư, kể cả các người tìm về các nguồn hình thành Tin Mừng thứ Tư, thường cũng không chú ý đến điều đó. Origène viết : "Khởi đầu của các Tin Mừng là Tin Mừng Gioan, không ai có thể hiểu được nghĩa thâm sâu của nó nếu người đó không tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu và không lãnh nhận Ðức Maria làm Mẹ mình từ Ðức Giêsu, nhưng, để là một Gioan khác thì, như Gioan, phải trở nên người được Ðức Giêsu chỉ đến như là chính Ðức Giêsu. Bởi chưng nếu theo những người có ý kiến lành thánh về Ðức Maria, không ai khác là con của Ðức Maria ngoài Ðức Giêsu và nếu Ðức Giêsu đã nói với Mẹ Ngài : "Này là con Bà" chứ không nói : "Này, cả người đó nữa cũng là con Bà", thì như thế, Ngài như thể muốn nói : "Này, người này là Giêsu mà Bà đã sinh ra". Quả vậy, người đã đạt tới sự hoàn hảo thì không còn sống nữa mà là Ðức Kitô sống trong người đó (x. Gal 2, 20), và vì Ðức Kitô sống trong người đó nên mới có lời nói với Ðức Maria về người đó : "Này là con Bà, Ðức Kitô 20". Bản văn này cho thấy Origène dựa vào giáo lý về nhiệm thể và về người Kitô hữu hoàn hảo như là một Ðức Kitô khác để giải thích lời Ðức Giêsu hấp hối, là lời nói không những với Gioan mà là với mọi môn đệ.

Chúng ta đặt thêm câu hỏi : việc lãnh lấy Ðức Maria về nhà mình có ý nghĩa đối với chúng ta cụ thể như thế nào ? Tôi thiết tưởng đây là lúc để nói về cốt lõi lành mạnh, giản dị của linh đạo Monfort về niềm tín thác vào Ðức Maria : "Thực hiện mọi hành động nhờ Ðức Maria, với Ðức Maria, trong Ðức Maria, ngõ hầu thực hiện chúng cách hoàn hảo hơn nhờ Ðức Giêsu, với Ðức Giêsu, trong Ðức Giêsu và vì Ðức Giêsu". "Cần phải phó thác theo tinh thần của Ðức Maria để được thúc đẩy và dẫn dắt theo cách thức Người muốn. Phải tự đặt mình trong đôi tay trinh khiết của Người, như một dụng cụ trong tay người thợ, như chiếc đàn "luýt" (luth) trong tay người nhạc công tài tình. Phải buông mình phó thác cho Người như viên đá ném vào biển cả : điều này thực hiện cách đơn giản, trong một khoảnh khắc bằng chỉ một liếc mắt của tâm trí, một chuyển động nhỏ của ý chí hay bằng môi miệng 21".

Nhưng, như thế phải chăng là tiếm đoạt vị trí của Chúa Thánh Thần trong đời sống Kitô hữu, vì chính Thánh Thần mới là Ðấng chúng ta phải "để cho Ngài dẫn dắt" (x. Ga 5, 18), chính Ngài mới là Ðấng chúng ta phải để cho hoạt động và nguyện cầu trong chúng ta (Rm 8, 26), để ta được nên đồng hình đồng dạng với Ðức Kitô ? Kinh Thánh lại đã không viết rằng người Kitô hữu phải làm mọi sự "trong Thánh Thần" sao ? Trong một số hình thức tôn sùng Ðức Maria trước Công Ðồng, người ta thấy có việc gán những chức năng riêng biệt của Chúa Thánh Thần cho Ðức Maria 22 (Monfort đã tránh được) và điều này không phải là không nguy hại. Sở dĩ như thế là vì� thiếu một ý thức sáng suốt và tích cực về vai trò và vị trí của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội. Ðức Maria là một trong những phương thế ưu việt mà Chúa Thánh Thần dùng để dẫn dắt các tâm hồn và dẫn đưa họ đến chỗ nên giống Ðức Kitô, bởi lẽ Ðức Maria là thành phần của Lời Chúa, chính bản thân Người là một lời bằng hành động (parole en action) của Thiên Chúa. Câu "ad Jesum per Mariam", nhờ Ðức Maria tới Ðức Giêsu, phải được hiểu theo nghĩa Chúa Thánh Thần dùng Ðức Maria để dẫn đưa chúng ta tới Ðức Giêsu thì mới có thể chấp nhận được. Trung gian thụ tạo (médiation crée) của Ðức Maria, giữa Ðức Giêsu và chúng ta, sẽ tìm lại được tất cả hiệu lực của nó nếu được hiểu như là phương tiện của trung gian bất thụ tạo (médiation incrée) là Chúa Thánh Thần.

Chúng ta cần đến một loại suy từ dưới để hiểu điều này rõ hơn. Thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu hãy xem những gì ngài làm và thấy ngài làm như thế nào thì hãy thi hành như vậy : "Các điều anh em đã thụ giáo, đã chịu lấy, đã nghe và thấy nơi tôi, anh em hãy đem thi hành" (Ph 4, 9). Và chắc chắn Phaolô không có ý đặt mình vào vị trí của Chúa Thánh Thần, ngài chỉ đơn giản nghĩ rằng noi theo ngài là trợ giúp Thần Khí Thiên Chúa (x. 1C 7, 40). Ðiều này càng đúng với Ðức Maria hơn và giải thích cho ý nghĩa của câu "làm tất cả với Ðức Maria và như Ðức Maria".

Một loại suy khác có thể được, lần này là từ trên, đó là Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Ðức Maria không đồng nhất với Khôn Ngoan của Thiên Chúa, vì Khôn Ngoan của Thiên Chúa là Lời hoặc Thần Khí thì đúng hơn. Tuy nhiên Ðức Maria được Giáo Hội, Latinh cũng như Chính Thống, nhìn như là "Ngai Tòa Khôn Ngoan" (Tòa Ðấng Khôn Ngoan), như là người được Khôn Ngoan nắn đúc. Theo nghĩa phát sinh này, người Kitô hữu có thể nói về Ðức Maria những điều mà người môn đệ nói về Khôn Ngoan trong Cựu Ước : "Vậy tôi đã quyết cưới lấy Khôn Ngoan để cùng chung sống, biết rằng Khôn Ngoan sẽ là cố vấn đường lành, là nguồn an ủi trong tư lự phiền sầu . Khôn Ngoan biết rõ điều đẹp ý Người, sự gì ngay chính chiếu theo các lịnh Người truyền" (Kng 8, 9 ; 9, 9).

Lãnh lấy Ðức Maria về nhà mình, theo nghĩa thiêng liêng là như thế ; lãnh nhận Người như bạn đồng hành, như người cố vấn, biết rằng Người biết rõ hơn chúng ta đâu là những mong muốn của Thiên Chúa về chúng ta. Nếu chúng ta tập hỏi ý kiến, tập lắng nghe Người trong mọi sự thì Người sẽ thực sự trở thành vị nữ tôn sư trác tuyệt của chúng ta về các đường lối của Thiên Chúa dạy dỗ chúng ta cách âm thầm lặng lẽ, thâm sâu trong tâm hồn. Sau đây là chứng từ sống thực sự kinh nghiệm đó với Ðức Maria : "Từ ít lâu nay, tâm hồn tôi nảy sinh niềm khao khát ngày càng dành nhiều chỗ hơn cho Ðức Maria trong cuộc đời tôi, và thậm chí, tôi cảm thấy thích thú được mời Người sống lại trong tôi tình yêu của Người dành cho Ðức Giêsu, cho Ba Ngôi Thiên Chúa, sống lại niềm thinh lặng và kinh nguyện của Người. Tôi tự hiến cho Người với bao niềm tin tưởng, để trở thành một không gian cụ thể, trong đó Người có thể đi xuống và lại sống trên trần gian, tôi tự hiến cho người để trở thành sự tiếp nối con người của Mẹ nơi trần thế. Chính vì vậy, tôi cảm thấy mình phải biến thành khoảng trống, hố sâu, thành niềm trông đợi Thiên Chúa, với tấm lòng và tâm trí đắm nhìn vào Ðức Maria".

Có lẽ phải nói thêm rằng, dù hiểu như thế, đời sống với Ðức Maria không phải là con đường tất yếu và độc nhất,� buộc mọi người phải chấp nhận. Nếu Chúa Thánh Thần dẫn dắt một số tâm hồn bằng phương thế tuyệt hảo đó, thì chính Ngài cũng có thể dẫn dắt một số tâm hồn khác bằng những phương thế khác, như bằng Kinh Thánh, là Lời Chúa viết thành văn, và cũng phải được đọc với Chúa Thánh Thần. Chẳng hạn như trong lectio divina (đọc chiêm niệm). Vì vậy, dù mang lại lợi ích, vẫn nên không tuyệt đối hóa thực hành này (sống với Ðức Maria). Trong một vài trường hợp, nó có thể kéo dài cả cuộc đời. Thông thường hơn, nó có thể giúp nuôi dưỡng, dẫn dắt một tâm hồn trong một giai đoạn sống, giúp cho tâm hồn hoàn thành một chặng đường và sau đó nhường chỗ để Thiên Chúa dẫn dắt theo cách khác. Là vì Thiên Chúa không chỉ dùng một phương pháp để dẫn dắt mọi tâm hồn, cũng không dẫn dắt mỗi tâm hồn luôn luôn với cùng một phương pháp. Có những điều mà trong quá khứ đã là nguồn sáng lớn lao, mạch nước dồi dào cho tâm hồn mỗi lần đến kín múc, nhưng rồi đến một lúc nó tắt ngấm và cạn kiệt, đó là điều rất thường xảy ra. Lúc bấy giờ tâm hồn phải biết nhu thuận, chấp nhận thay đổi nguồn nuôi dưỡng, chứ không đòi hỏi Thiên Chúa phải thay đổi đường lối của Người.

Vì thế, nếu dựa vào lòng sùng kính của mình đối với Ðức Maria, hoặc dựa trên một số hình thức cá biệt của lòng sùng kính này để phê phán chỉ trích anh em là một thói quen rất xấu. Một Linh Mục trong suốt nhiều năm hoặc ngay cả không bao giờ nói về Chúa Cha, Chúa Thánh Thần thì có thể chẳng ai lấy làm điều khó coi hoặc tức giận. Ấy thế mà một Linh Mục nào đó giảng hai ba bài mà không nêu tên Ðức Maria thì có thể, và thực sự đã xảy ra, là Linh Mục đó lãnh lấy những lời khiển trách và bị kết án là không yêu mến Ðức Maria.

Lịch sử linh đạo Kitô giáo cho thấy hoạt động mẫu tử của Ðức Maria, mặc dầu hướng đến mọi tín hữu, nhưng trong một số thời, một số nơi, hoạt động đó rất dè dặt, kín đáo và hầu như hoàn toàn ẩn giấu, chẳng hạn như trong linh đạo các Giáo Phụ sa mạc, và nơi một số nhà thần bí, trong đó có Gioan Thánh Giá. Ở điểm này cũng vậy, chúng ta cần phải được áp dụng nguyên tắc được nhắc đến ở trong phần Ðại Kết : "Mỗi người tùy theo ân lộc đã được, hãy lợi dụng mà phục vụ nhau, như những người quản lý giỏi giang về ân sủng muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa" (1P 4, 10).

"Sự can trường mà Người đã chứng tỏ ..."

Trước khi kết thúc phần chiêm ngắm về Ðức Maria trong mầu nhiệm Vượt Qua, tôi muốn trở lại đôi chút về chủ đề Ðức Maria, khuôn mẫu của đức tin và đức cậy. Có những giờ phút trong cuộc đời chúng ta cần có được một đức tin và một đức cậy nhỏ của Ðức Maria. Ðó là những giờ phút Thiên Chúa như không còn lắng nghe lời chúng ta kêu cầu, những lúc có thể nói Ngài đã quay đi và rút lời, lúc Ngài để cho chúng ta phải chịu hết thất bại này đến thất bại khác, và quanh ta quyền lực của bóng tối như chiếu thẳng trên mọi mặt, bóng tối vây phủ trên ta, như thưở ấy có tối tăm xảy đến "trên toàn cõi đất" (Mt 27, 45). Lúc mà, như lời thánh vịnh, dường như "Thiên Chúa đã quên thương xót, vì giận hờn mà khép kín từ tâm" (Tv 77, 10). Khi những giây phút như thế xảy đến với bạn, bạn hãy nhớ lại lòng tin của Ðức Maria, và bạn hãy kêu lên như nhiều người khác đã từng làm : "Lạy Cha, con không còn hiểu nổi Cha, nhưng con tín thác nơi Cha !"

Có thể trong giờ phút đó, Thiên Chúa đòi chúng ta hiến tế "Isaac" nghĩa là hy sinh con người, hoặc sự vật, dự định, công trình thiết lập, hoặc chức vụ mà chúng ta hết sức quí báu, những điều do chính Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta trước kia và chúng ta cũng đã cống hiến tất cả đời sống của mình để làm việc, phục vụ cho những điều đó. Ðây là cơ hội Thiên Chúa dành cho chúng ta để chúng ta chứng tỏ cho Ngài thấy, đối với chúng ta, Thiên Chúa quí giá hơn tất cả, quí giá hơn cả những ân huệ Ngài ban, quí hơn công việc mà chúng ta làm cho Ngài. Thiên Chúa thử thách Ðức Maria trên đồi Canvê như đã thử thách dân Ngài trong sa mạc là "để thử cho biết đáy lòng của Người như thế nào" (x. Tl 8, 2), và nơi tấm lòng của Ðức Maria, Ngài lại tìm thấy tiếng "xin vâng", tiếng "amen� của ngày Truyền Tin còn nguyên vẹn, thậm chí còn mạnh mẽ hơn thế nữa. Trong những giờ phút như vậy, liệu Ngài có thể gặp thấy tấm lòng chúng ta cũng sẵn sàng thưa lên với Ngài tiếng "xin vâng" và "amen" như thế không. Khi đứng "bên khổ giá Ðức Giêsu", Ðức Maria như thể luôn thầm thì : "Này con đây ! Con đang ở đây, lạy Thiên Chúa của con ; con luôn sống vì Ngài". Nếu nói theo phương diện loài người, Ðức Maria hẳn có rất nhiều lý do để kêu lên với Thiên Chúa : "Người đã lừa dối tôi !", hay như tiên tri Giêrêmia ngày kia đã kêu : "Người đã dụ dỗ tôi, lạy Giavê, và tôi đã để mình bị dụ !" (x. Yr 20, 7), và rất nhiều lý do để chạy trốn khỏi Núi Sọ, nhưng ngược lại, Ðức Maria đã không chạy trốn, Người vẫn "đứng đó" trong thinh lặng. Khi hành động như thế, Người đã trở nên vị tử đạo (martyre, chứng nhân) của lòng tin, trở nên chứng nhân tuyệt mức của lòng tín thác vào Thiên Chúa, theo sau Con của Người.

Thiên Chúa phán với Abraham : "Vì ngươi đã làm điều ấy, và đã không từ chối với Ta con một ngươi, thì Ta sẽ ban phúc, chúc lành cho ngươi, Ta sẽ làm cho dòng giống ngươi nên đông đúc ... Ta sẽ cho ngươi trở thành cha của hằng hà sa số dân tộc" (Khôn Ngoan 17, 5 ; 22, 16tt). Giờ đây Ngài cũng nói với Ðức Maria như thế và còn hơn thế rất nhiều : "Ta sẽ cho ngươi trở thành mẹ của hằng hà sa số dân tộc, Mẹ của Giáo Hội Ta ! Nhờ danh ngươi mà mọi thị tộc trên trần sẽ được chúc phúc. Mọi đời sẽ khen ngươi có phúc !".

Chính vì thế, như dân Israel trong những lúc bị thử thách nặng nề nhất đã thưa cùng Thiên Chúa : "Xin Người nhớ lại Abraham, cha chúng tôi", thì chúng ta cũng có thể thưa : "Xin Người nhớ lại Maria, Mẹ chúng tôi !". Và cũng như họ đã thưa với Thiên Chúa : "Xin đừng rút lại lòng nhân của Người với chúng tôi, vì Abraham kẻ Người yêu mến" (Dn 3, 35), chúng ta có thể thưa với Ngài : "Xin đừng rút lại lòng nhân của Người với chúng tôi, vì Maria, kẻ Người yêu mến !"

Như chúng ta đã thấy trong chương trước, Ðức Maria đã kết hiệp với Con của Người trong tôn thờ Thánh Ý Chúa Cha, qua đó Người đã thực hiện ơn gọi là "hình bóng của Giáo Hội" đến mức hoàn hảo. Bây giờ Người đang đứng đó chờ đợi chúng ta. Về Ðức Kitô, đã có lời viết rằng : "Ngài sẽ hấp hối cho đến ngày tận thế đừng ngủ mê trong thời gian đó 23". Nếu Ðức Kitô hấp hối trên Thập Giá cho đến ngày tận thế, điều này rất đúng dù chúng ta không thấu hiểu, vậy suốt thời gian đó Ðức Maria có thể ở đâu nếu không phải là ở với Ngài "bên khổ giá" ?. đây chính là nơi Người mời gọi và hẹn gặp các tâm hồn quảng đại để họ kết hợp với Người trong sự tôn thờ Thánh Ý Chúa Cha. Tôn thờ Thánh Ý Chúa Cha ngay cả khi không thấu hiểu được. Ðừng để Mẹ đứng đó một mình. Ðức Maria hiểu rằng chính đó là những gì lớn lao nhất mà chúng ta có thể thực hành được trong cuộc đời chúng ta, thực hiện ít ra một lần trước khi lìa đời. Ðiều này không miễn trừ hay ngăn cản chúng ta trong việc tìm cách làm dịu bớt nỗi đau khổ cụ thể của những người sống quanh ta, những nỗi đau của toàn thế giới. Ngược lại, chính ở đó mà chúng ta trở nên ân cần, chăm chú hơn, bởi lẽ chúng ta đã nên một với tấm lòng của Thiên Chúa. Chính vì là "Mẹ khổ đau" (Mère des douleurs) mà Ðức Maria cũng là "Ðấng an ủi người đau khổ".

Kinh Thánh viết, khi bà Yudita trở về nhà sau khi đã liều mạng sống để cứu dân tộc mình, dân thành chạy ra đón, và Vị Thượng Tế lên tiếng chúc phúc cho bà : "Hỡi con, phúc cho con nơi Thiên Chúa Tối Cao, hơn mọi người nữ trên trần . Quả thực, lòng trông cậy của con đời đời sẽ không rời khỏi lòng những ai nhớ đến sức mạnh Thiên Chúa" (Ydt 13, 18tt). Chúng ta cũng nói lên với Ðức Maria những lời như thế : phúc cho Người giữa mọi phụ nữ ! Lòng cậy trông, sự can trường và niềm tín thác mà Người đã chứng tỏ mãi mãi sẽ không bao giờ bị xoá mờ trong tâm khảm và ký ức của Giáo Hội !

Chúng ta có thể thâu tóm sự tham dự của Ðức Maria vào mầu nhiệm Vượt Qua bằng cách áp dụng cho Người những lời mà thánh Phaolô đã dùng để thâu tóm mầu nhiệm Vượt Qua của Ðức Kitô, tuy nhiên vẫn phải giữ những khác biệt tất yếu :

"Ðức Maria, Người phận là Mẹ Thiên Chúa
Nhưng đã không nghĩ phải giằng cho được
Mối liên hệ độc nhất của mình với Thiên Chúa
Song Người đã hủy mình ra không
Lãnh lấy phận tớ nữ
Và với dáng vẻ của Người,
Người tương tự như bao phụ nữ khác
Người đã sống trong sự ẩn thân, khiêm hạ
Vâng phục Thiên Chúa cho đến cái chết của Con mình
Và là cái chết trên Thập Giá.
Bởi vậy Thiên Chúa đã siêu tôn Người
Và ban cho Người một danh hiệu,
Vượt trên mọi danh hiệu
Sau danh hiệu của Ðức Giêsu
Hầu trước danh hiệu của Ðức Maria
Mọi gối đều phải bái quỳ
Chốn hoằng thiên, trên địa cầu, dưới gầm đất
Và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng
Maria là Mẹ Chúa
Mà làm vinh quang cho Thiên Chúa Cha. Amen !"


CHÚ THÍCH


1. 1.      Saint Augustine, La sainte virginité 5 - 6 (PL 40, 399).
2. 2.      Lumen gentium 61.
3. 3.      Ibid 60.
4. 4.      Ibid 63.
5. 5.      Saint Augustine, Sermons 72A (= Denis 25), 7 (Misc. Agost. 1, p. 163).
6. 6.      Paul VI. Discours de clôture de la troisième période du concile (AAS 56, 1964, p. 1016).
7. 7.      Cf. M. Thurian, Marie, mère du Seigneur, figure de l�Église, Taizé, 1963, p. 98s.
8. 8.      S. Kierkegaard, Journal X 4 A 572.
9. 9.      Calvin, Le livre de la Genèse, Genève 1961, p. 195.
10. 10.  G. Von Rad, Das erste bush Moses, Genesis, Ch. II, 18, Gottingen 1972.
11. 11.  Saint Iréné, Contre les hérésies III, 22, 44 (SCh 211.p. 442).
12. 12.  Saint Grégoire le Grand, Homélies sur les Evangile XVII, 1 (PL 76, 1139).
13. 13.  Dei Verbum 2.
14. 14.  Saint Augustine, Sur L�Évangile de Jean 80, 3 (CC 36, p. 529).
15. 15.  Luther, Kinchenpostille (éd. Weimar, 10, 1. P. 73).
16. 16.  Zwingli, Predigt von der Gottgebarerin Maria, Dans Zwingli Hauptschripten, der prediger I Zurich, 1940, p. 159.
17. 17.  Lumen gentium 67.
18. 18.  Basilea Schlink, Maria, der Weg der Mutter des herrn, Darmstadt, 1982, p. 149 - 152.
19. 19.  Cf. E. R. Carroll, Understanding the Mother of Jésus, Dublin, 1979.
20. 20.  Origène, Commentaire sur l�Évangile de Jean 1, 6, 23 (SCh 120 p. 70 - 72).
21. 21.  Saint L� Grignion de Montfort, Traité de la vraie dévotion à Marie, n. 257 - 259 (Oeuvres complètes, Paris, 1966, p. 660s).
22. 22.  Cf. H. Muhlen, Una mystica persona (� 11, 92), Paderborn, 1967.
23. 23.  B. Pascal, Le mystère de Jésus (Pensées, 553, Brunschvicg).
24. III. ÐỨC MARIA, MỘT MẪU GƯƠNG CHO GIÁO HỘI
25. TRONG NGÀY LỄ NGŨ TUẦN.
26.
27.
28. 7. "CHUYÊN CẦN CẦU NGUYỆN VỚI ÐỨC MARIA, MẸ ÐỨC GIÊSU"
29.
30. CÙNG VỚI ÐỨC MARIA TRÔNG ÐỢI CHÚA THÁNH THẦN NƠI NHÀ TIỆC LY.
31.
32. Trong sách Tông Ðồ Công Vụ, sau khi đã kể tên 11 vị tông đồ, thánh Luca tiếp tục nói những lời hết sức quý giá đối với các Kitô hữu : "Hết thảy họ đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện, cùng với các phụ nữ và Ðức Maria, Mẹ Ðức Giêsu và các anh em Ngài" (Cv 1, 14). Trong suy niệm này, chúng ta sẽ đi tới Núi Canvê, đến Nhà Tiệc Ly, và đi từ mầu nhiệm Vượt Qua sang mầu nhiệm Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
33.
34. Biến cố Thánh Thần Hiện Xuống bất thần xảy đến vào cuối cuộc đời Ðức Giêsu, sau khi lịch sử Cứu Ðộ đã đạt tới tột đỉnh. Chúng ta hiểu điều đó, vì giữa chúng ta và Chúa Thánh Thần như có hai bức tường ngăn cách, ngăn cản mối liên hệ trao đổi : bức tường tự nhiên và bức tường tội lỗi. Bức tường tự nhiên : vì Chúa Thánh Thần là Thần Khí, còn chúng ta là xác thịt. Giữa Thánh Thần và xác thịt là một vực thẳm. Bức tường tội lỗi : vì ngoài sự phân cách do bản tính, còn có sự phân cách do tội lỗi nữa : "Chính tội ác của các ngươi đã ngăn cách giữa các ngươi và Thiên Chúa của các ngươi" (Ys 59, 2). Hai bức tường này phải được phá đổ hay nói cách khác đi, hai vực thẳm này phải được lấp đầy để Thần Khí có thể tràn xuống trên chúng ta. Ðây chính là điều mà công trình Cứu Chuộc của Ðức Kitô đã thực hiện. Nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, Ngài đã phá đổ bức tường ngăn cách tự nhiên, nối kết nơi chính mình Ngài : Thiên Chúa và con người, Thần Khí và xác thịt. Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Ngài đã phá đổ bức tường ngăn cách của tội lỗi. Như chúng ta đọc thấy trong� Tin Mừng Gioan : "Thần Khí chưa có, bởi Ðức Giêsu chưa được tôn vinh" (Yn 7, 39). Trước hết Ðức Giêsu phải chết đi để Ðấng An Ủi có thể đến (x. Yn 16, 7). Khi chết cho tội lỗi, Ðức Giêsu đã phá đổ bức tường thứ hai này. Thánh Phaolô đã nói : "Ngài đả phá hủy thân xác tội lỗi" (Rm 6, 6). Từ đó, không còn gì có thể ngăn cản Thánh Thần tuôn đổ, điều này quả thực đã xảy ra vào ngày lễ Ngũ Tuần.
35.
36. Tuy nhiên, nếu trong việc thực hiện hay tạo ra ơn cứu độ, Thánh Thần Hiện Xuống xảy ra ở điểm kết thúc, thì trong việc áp dụng ơn cứu độ cho chúng ta, Thánh Thần Hiện Xuống phải được đặt ở điểm khởi đầu. Nói rõ hơn : chúng ta không kết thúc với Thánh Thần mà là khởi đầu với Thánh Thần. Trong đời sống Giáo Hội cũng như trong đời sống mỗi người chúng ta, Thánh Thần không đến để hoàn thành tất cả, hay như một phần thưởng cho các việc làm, cho những gian lao thử thách của chúng ta. Ngược lại mới đúng. Nếu không có Thánh Thần thì chúng ta không thể làm được gì, ngay cả nói : "Giêsu là Chúa !" một cách có hiệu quả (x. 1C 12, 3). Ðời sống thiêng liêng của chúng ta khởi đầu với bí Tích Rửa Tội, và đó cũng chính là ngày lệ Ngũ Tuần của chúng ta.
37.
38. Tất cả điều này đủ để chúng ta hiểu rằng giai đoạn thứ ba của cuộc hành trình theo bước chân Ðức Maria không giống như một thứ phụ trương, một sự thêm vào những chân lý lớn lao chiêm ngắm thấy trong mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Vượt Qua. Giai đoạn này là phương thế thiết yếu để những chân lý lớn lao đó trở nên có hiệu lực trong đời sống chúng ta. Chính nhờ Thánh Thần mà chúng ta có thể bắt chước Ðức Maria trong mầu nhiệm Nhập Thể qua việc thụ thai, sinh hạ Ðức Giêsu và trở nên, cả chúng ta nữa, Mẹ của Ngài theo nghĩa thiêng liêng. Chính nhờ Thánh Thần mà chúng ta có thể bắt chước Ðức Maria trong mầu nhiệm Vượt Qua, việc đứng dưới chân Thập Giá như Mẹ, trong lòng tin và niềmcậy trông.
39.
40. Ðức Maria trong và sau ngày lễ Ngũ Tuần.
41.
42. Khi thấy Tân Ước ít nói về Ðức Maria bao nhiêu thì người ta lại lấy làm ngạc nhiên bấy nhiêu khi gặp lại Ðức Maria đúng lúc, sau đồi Canvê là nhà Tiệc Ly, vào giây phút Thánh Thần Hiện Xuống. Như thế, Ðức Maria đã hiện diện vào ba thời điểm chủ chốt của mầu nhiệm Kitô giáo và của Giáo Hội : Nhập Thể, mầu nhiệm Vượt Qua và lễ ngũ Tuần.
43.
44. Ðiều quan trọng trước tiên là cần phải loại bỏ một cảm tưởng sai lầm trong vấn đề chúng ta đang đề cập. Ở nhà Tiệc Ly cũng như trên đồi Canvê, Ðức Maria được nhắc tới cùng với các phụ nữ khác. Người ta� có thể nghĩ rằng Ðức Maria hiện diện ở đó chỉ như một người trong số họ. Nhưng, cả ở đây nữa, tước hiệu "Mẹ Chúa Giêsu" theo sau tên của Người đã làm thay đổi tất cả, và đặt Ðức Maria lên một bình diện không những hoàn toàn vượt trên các phụ nữ mà còn vượt trên cả các tông đồ. Sự kiện Ðức Maria hiện diện ở đó trong tư cách là Mẹ Ðức Giêsu có ý nghĩa gì ? Thưa, có ý nghĩa là, Thánh Thần, Ðấng sắp ngự xuống, chính là "Thần Khí của Con Mẹ !" Giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần có một mối liên kết khách quan, không thể cắt đứt : mối liên kết đó là chính Ðức Giêsu mà các ngài cùng sinh ra. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta đọc rằng Ðức Giêsu đã nhập thể "trong lòng Ðức Trinh Nữ Maria bởi phép Chúa Thánh Thần". Vì vậy Ðức Maria hiện diện ở nhà Tiệc Ly không phải chỉ như một trong số các phụ nữ, mặc dù bên ngoài không có điều gì phân biệt Người với những người khác và dù Người đã không làm gì để phân biệt mình với các phụ nữ khác.
45.
46. Dưới chân Thập Giá, Ðức Maria xuất hiện như là Mẹ của Giáo Hội, ở đây, nơi nhà Tiệc Ly, Người xuất hiện như Người Mẹ đỡ đầu Giáo Hội. Một Người Mẹ đỡ đầu mạnh mẽ và đáng tin cậy. Ðể có thể chu toàn vai trò của mình, mẹ đỡ đầu phải là người đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Ðức Maria là một Người Mẹ như thế : Người đã chịu Phép Rửa bởi Thánh Thần, và giờ đây Người mang Giáo Hội đến chịu Phép Rửa bằng Thánh Thần. Nếu người sắp chịu Phép Rửa là người đã trưởng thành thì người mẹ đỡ đầu giúp họ trong việc chuẩn bị : đó chính là điều Ðức Maria đã làm đối với các tông đồ và là điều Người đang làm đối với chúng ta.
47.
48. Trước khi chào từ biệt Mẹ Thiên Chúa vào giờ Mẹ sắp rời bỏ trần gian, chúng ta thử nhìn vào đời sống của Mẹ sau ngày lễ Ngũ Tuần. Trong lãnh vực này, các nguồn tài liệu không nói gì về mặt lịch sử, chúng ta chỉ biết rằng Mẹ đã sống ở nhà Gioan. Tuy nhiên, chúng ta còn một tài liệu đặc biệt "nhờ phương pháp qui nạp". Nguồn này phát xuất từ kinh nghiệm của các thánh và từ đó ngược lên đến kinh nghiệm của Người Mẹ Toàn Thánh. Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa của Công Ðồng Vaticanô II nói : "Sự nhận thức các sự việc cũng như lời nói trong Kinh Thánh sẽ tăng triển hoặc nhờ sự chiêm ngắm và học hỏi của các tín hữu hoặc nhờ sự thông hiểu những điều thiêng liêng họ cảm nghiệm được 1". Ðiều đó có nghĩa là sự nhận thức tăng triển không chỉ khởi đi từ việc chú giải Lời Chúa, mà còn từ những hoa trái và những thành tựu mà chính Lời Chúa đã làm phát sinh trong Giáo Hội. Từ kinh nghiệm của các thánh, chúng ta không thể kết luận gì về cuộc đời bên ngoài của Ðức Maria, nhưng chúng ta có thể rút ra từ đó một số điều về đời sống nội tâm của Mẹ, vì trong lãnh vực của đời sống thánh thiện cũng có một số những định luật, những tính chất không đổi, giống như trong lãnh vực nghệ thuật hay khoa học. Những điều này không liên hệ gì đến sự hiểu biết phát xuất từ những mạc khải tư về cuộc đời Ðức Trinh Nữ Maria, những mạc khải thực sự hay phỏng đoán là như thế, có ý thuật lại những hoàn cảnh bên ngoài hoặc những biến cố nào đó xảy ra trong cuộc đời Ðức Maria trước hoặc sau lễ Vượt Qua.
49.
50. Trước tiên, chúng ta có thể nêu lên một sự kiện mang tính chất phủ định nhưng lại là một chỉ dẫn mang tính chất khẳng định về Ðức Maria : qua thư của các tông đồ, đặc biệt qua những lời chào cuối thư mà chúng ta biết được một số lớn nhân vật, thuộc cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, trong dó có cả những phụ nữ với tên gọi cũng như nghề nghiệp của họ. Chúng ta biết bà Lydie buôn len cánh kiến ở thành Philip, Aquilla và Priscilla làm nghề dệt lụa như thánh Phaolô . chúng ta cũng thấy nói tới một Maria nào đó (x. Rm 16, 6) nhưng không phải là Mẹ của Ðức Giêsu. Về Maria Mẹ của Ðức Giêsu, ta không thấy nói đến. Mẹ ẩn khuất trong thinh lặng sâu thẳm nhất. Ðức Maria là vị ẩn tu đầu tiên của Giáo Hội, tôi thích nghĩ như thế. Sau Lễ Ngũ Tuần, Người như đã đi vào đời sống tu viện. Từ nay, cuộc sống của Người là "một cuộc sống ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa" (x. Co 3, 3). Ðây là trường hợp luận chứng được rút ra từ sự "thinh lặng", tuy khác với những gì diễn ra thông thường, nhưng lại là một luận chứng chắc chắn nhất và hùng hồn nhất. Ðức Maria đã mở đầu ơn gọi hay cái hồn thứ hai trong Giáo Hội, đó là hồn ẩn giấu và cầu nguyện bên cạnh hồn tông đồ hoặc hoạt động. Sau khi lãnh nhận Thánh Thần, các tông đồ lập tức ra chốn công đường rao giảng và sau đó các ngài ra đi, thiết lập và cai quản các giáo đoàn, coi thường việc bị điệu ra tòa xét xử, và ngay cả triệu tập một công đồng. Ðức Maria thì không như thế. Nói một cách lý tưởng, Người đã ở lại cầu nguyện với các phụ nữ trong nhà Tiệc Ly, qua đó cho thấy rằng trong Giáo Hội, hoạt động không phải là tất cả, ngay cả là hoạt động vì Nước Trời, hoạt động không thể thiếu những tâm hồn cầu nguyện trợ lực. Ðức Maria là nguyên mẫu của Giáo Hội cầu nguyện.
51.
52. Ðây chính là điều mà bức icône về Ðức Maria lúc Ðức Giêsu Lên Trời muốn trình bày : bức icône này đi kèm với những suy niệm vừa rồi. Bức tranh không chỉ diễn tả lúc Chúa Lên Trời mà còn cho ta thấy đặc sủng và chỗ đứng riêng của Ðức Maria trong thời gian Giáo Hội, là thời gian bắt đầu với sự ra đi của Ðức Giêsu. Ðiều này càng đúng hơn nữa khi thánh Phaolô, tuy đã không hiện diện lúc Ðức Giêsu Lên Trời, nhưng đã được vẽ trên icône (phía bên phải, nếu nhìn vào Ðức Maria). Ðức Maria đứng thẳng đôi tay giang ra trong tư thế cầu nguyện, tách biệt với phần cảnh còn lại bởi các thiên thần vận đồ trắng, vây quanh Người như một bức tường. Mẹ ở giữa như cột buồm to lớn bảo đảm sự thăng bằng và vững vàng cho con tàu. Chung quanh Mẹ là các tông đồ, mỗi vị nhấc một chân hoặc giơ một tay lên trong tư thế chuyển động, diễn tả Giáo Hội hoạt động, ra đi thi hành sứ mạng rao giảng và hoạt động. Bên dưới Ðức Giêsu, Ðức Maria đứng yên, ngay nơi điểm mà từ đó Ngài đã cất mình lên, như thể để gìn giữ ký ức và niềm trông đợi Ðức Giêsu.
53.
54. Chúng ta có thể hiểu được đặc sủng này của Ðức Maria bằng cách khởi đi từ kinh nghiệm của các thánh để từ đó� lên tới Ðức Maria như chúng ta đã nói. Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu đã mô tả việc khám phá ra ơn gọi của mình torng Giáo Hội như thế nào. Khi nghe thánh Phaolô kể ra các đặc sủng khác nhau, Têrêsa ước ao mãnh liệt được sống tất cả các đặc sủng đó. Ngài những mong được làm tông đồ, Linh Mục, trinh nữ, tử đạo . nhưng làm thế nào đây ? Những niềm khát khao đó đã thực sự trở thành mối đau khổ dằn vặt thánh nữ, cho tới ngày Têrêsa khám phá ra rằng : Thân Thể Ðức Kitô có một trái tim, và trái tim này làm cho mọi chi thể hoạt động, không có trái tim, tất cả sẽ ngừng hoạt động. Với niềm vui sướng ngập tràn, thánh nữ kêu lên : "Trong trái tim Giáo Hội, Mẹ của tôi, tôi sẽ là tình yêu và như thế tôi sẽ là tất cả ! 2". Têrêsa khám phá ra điều gì trong ngày đó ? Thánh nữ đã khám phá ra ơn gọi của Ðức Maria. Làm trái tim yêu thương trong Giáo Hội, trái tim mà không ai nhìn thấy.
55.
56. Vậy, sau ngày Lễ Ngũ Tuần, cuộc đời Ðức Maria được dệt bằng gì ? Bằng cầu nguyện. Tác giả hạnh thánh Phanxicô Assisi khẳng định rằng, về cuối đời "không còn là một người cầu nguyện nữa nhưng chính cầu nguyện đã làm người 3". Ở đây, phải nói thế nào về Mẹ Thiên Chúa ?
57.
58. Chúng ta không biết đời sống cầu nguyện của Ðức Maria là như thế nào, nhưng xuất phát từ "nhận thức những điều thần thiêng" có thể rút ra từ kinh nghiệm các thánh, chúng ta có thể có được một vài trực giác về điều đó. Các nhà thần bí đã mô tả điều xảy ra trong tâm hồn mình sau khi trải qua đêm tối đức tin và được biến đổi trong Ðức Kitô. Tâm hồn họ trở nên như một ngọn lửa tình yêu. Ðời sống của họ, như định nghĩa của thánh Augustinô, biến đổi "trọn vẹn thành niềm khao khát thánh thiện 4". Thánh Gioan Thánh Giá có viết một bài thơ ngắn mang tựa đề : "Bài ca của linh hồn mòn mõi khát khao được nhìn thấy Thiên Chúa". Mỗi đoạn thơ kết thúc bằng điệp khúc : "Tôi chết vì tôi không�� chết 5". Ở đây, sự chia lìa với Thiên Chúa là điều không thể chịu nổi và đau đớn đối với linh hồn hơn là với sự chia lìa với thân xác. Chính vì thế linh hồn đã nói : "Tôi chết vì tôi không chết". Một nhà thần bí cổ thời người Syri, khi diễn tả những cảm nghiệm giống như những cảm nghiệm của thánh Gioan Thánh Giá, đã khẳng định rõ : "Tôi mong mõi héo hon không phải vì tiệc cưới nhưng bởi niềm khao khát vị Hôn Phu 6". Ông muốn nói ; linh hồn khao khát trời cao không phải để được lãnh nhận phần thưởng, nhưng duy chỉ vì yêu Chúa mà thôi.
59.
60. Một khi đạt tới mức độ đó, nhu cầu và ước muốn của linh hồn được kết hiệp với Thiên Chúa và chiếm hữu Ngài trọn vẹn trở nên mãnh liệt đến nỗi, theo như lời các thánh, việc tiếp tục sống nơi trần gian trở thành một cuộc tử đạo thực sự. Linh hồn không hiểu nổi tại sao Thiên Chúa để mình tiếp tục sống xa Ngài, như thể Thiên Chúa hoàn toàn lãng quên, không còn nhớ đến mình, đồng thời linh hồn biết mình không còn có thể nào sống xa cách với Ngài. Một phụ nữ Mêhicô, là mẹ một gia đình, sau đó góa chồng, và vụ án phong thánh cho bà được tiến hành, có một đời sống thần bí mà một số người đã so sánh với đời sống thần bí của thánh Têrêsa Avila. "Khoảng 20 năm cuối đời, người ta thấy nơi bà một hình thức sùng kính mới đối với Ðức Maria, đó là bắt chước "đời sống cô tịch" của Mẹ Thiên Chúa lúc cuối đời, khi mà đời sống yêu thương của Mẹ Ðức Giêsu đạt tới tột đỉnh 7". Sự cô tịch của Ðức Maria hay soledad, như bà đã gọi, có nghĩa vừa là sự cô đơn vừa là sự cô quạnh, một cuộc tử đạo lặng lẽ trong đức tinh tuyền và trong sự vắng mặt bề ngoài của Con mình, đang ở trên trời.
61.
62. Tất cả những điều này mang đến cho chúng ta một ánh sáng mới về đời sống của Ðức Maria sau lễ Vượt Qua. Cũng như mọi tín hữu khác. Ðức Maria cảm thấy gì khi đọc Thánh Vịnh 42 : "Linh hồn con khao khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống. Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan ?" (Tv 42, 3). Bao giờ tôi được thấyNgài, bao giờ ? Ðức Giêsu từng nói, kho tàng chúng ta ở đâu thì lòng chúng ta ở đó (x. Mt 6, 21). Từ nay kho tàng của Ðức Maria ở đâu ? Ðức Giêsu đang ở đâu ? Nếu điều này đúng trên bình diện nhân loại đối với rất nhiều bà mẹ mất đi đứa con trẻ và đang phải sống cô quạnh, thì chúng ta nghĩ xem nó phải đúng với Ðức Maria đến thế nào nữa. Nếu thánh Phaolô, tất nhiên là người bạn nghĩa thiết, nhưng là bạn chứ không là mẹ của Ðức Giêsu, đã có thể nói : "Tôi ước mong được thoát khỏi thân xác để được ở cùng Ðức Kitô" (x. Ph 1, 23), thì phải nói thế nào về Ðức Maria ? Và Người đã cảm thấy gì khi đọc lên những Thánh Vịnh hành hương : "Tấm thân con mòn mõi đợi trông Ngài . Mảnh hồn này khát khao mòn mõi, mong tới được khuôn viên đền vàng" (Tv 63, 2 ; 84, 3).
63.
64. Sau lần xuất thần ở Ostie, nơi mà thánh Monica cùng với con là Augustinô phần nào cảm nếm được đời sống vĩnh cửu, thánh nữ đã lặp đi lặp lại : "Tôi làm gì ở đây nhỉ ?" vài ngày sau, thánh nữ qua��� đời 8. "Tôi làm gì ở đây nhỉ ?" Mẹ Ðức Giêsu đôi lúc lại không thốt ra những lời như thế hay sao ? Kierkegaard, triết gia và là một Kitô hữu, đã viết : "Các nhà thông thái của Giáo Hội cứ việc tranh cãi về Ðức Trinh Nữ Maria được đưa lên trời, phần tôi, việc Người được đưa lên trời không phải là điều không thể hiểu được, vì lẽ Ðức Maria đã không còn thuộc về trần gian này 9".
65.
66. Chúng ta đã nói Ðức Maria, vào ngày Lễ Ngũ Tuần và thời gian sau đó, là nguyên mẫu của tâm hồn cầu nguyện. Chúng ta có thể biết gì về đời sống cầu nguyện của Ðức Maria ? Thánh Augustinô giải thích, bản chất của cầu nguyện là niềm khao khát Thiên Chúa "trào dâng từ đức tin, đức cậy và đức mến. "Niềm khao khát đó là lời cầu nguyện của bạn, nếu niềm khao khát của bạn liên tục thì lời cầu nguyện của bạn cũng liên tục. Vì thế, không phải là vô ích khi thánh Tông Ðồ nói : "Hãy cầu nguyện không ngừng" (1Th 5, 17). Nhưng phải chăng lúc nào chúng ta cũng quì gối, cúi mình giơ cao tay, vì thánh Phaolô nói : "Hãy cầu nguyện không ngừng ?" Nếu cầu nguyện là như thế thì tôi nghĩ chúng ta không thể làm điều đó mà không phải ngừng nghỉ. Có một cách cầu nguyện khác thuộc nội tâm và không gián đoạn : đó là niềm khao khát. Dù bạn có làm việc gì đi nữa, nếu bạn khát mong ngày "Sabbat" này, bạn sẽ không khi nào ngừng cầu nguyện. Chính vì thế, nếu bạn không muốn ngừng cầu nguyện thì bạn hãy khát khao không ngơi. Niềm khao khát liên tục của bạn sẽ như một tiếng kêu xin liên lỉ 10". Ðức Maria đã biết cầu nguyện liên lỉ vì niềm khao khát Thiên Chúa, khao khát ngày "Sabbat" vĩnh cửu và sự yên nghỉ nơi Giêrusalem Thiên Quốc của Người là niềm khao khát không ngơi.
67.
68. Ngay cả trong thời gian sau Lễ Ngũ Tuần, đời sống Ðức Maria hẳn phải giữ được đặc tính căn bản mà chúng ta gặp thấy trong mọi kỳ công vĩ đại của Thiên Chúa : đó là vẻ hết sức đơn giản bên ngoài gắn liền với nét cao cả, huy hoàng của thực tại bên trong. Bên ngoài, Ðức Maria hẳn mang dáng vẻ của "một phụ nữ luống tuổi, nhỏ nhắn, hiền lành, mỗi lúc một nhăn nheo hơn và mỗi lúc một hiền hậu hơn". Là Trinh Nữ và là Mẹ, Ðức Maria cũng đã là "quả phụ" và là Mẹ, vì thế Người đã thánh hóa cảnh ngộ này của rất nhiều phụ nữ bằng chính cuộc đời mình. Ðức Maria là như thế nào "trong thẳm sâu", đó vẫn là một bí ẩn mà Thiên Chúa giữ vững cho một mình Ngài. Một tác giả tu đức thế kỷ IV đã mô tả đời sống nội tâm của những người đạt tới sự kết hiệp trọn vẹn với Thiên Chúa. Xuyên qua đời sống thiêng liêng đã đạt đến mức hoàn hảo, chúng ta có thể biết được điều gì đó xảy ra nơi tâm hồn, trong trái tim của Mẹ Thiên Chúa : "Ðôi lúc, họ như bị chìm ngập trong buồn sầu và nước mắt, vì thế họ không ngừng cầu nguyện cho con người, nước mắt trào tuôn vì tình yêu mãnh liệt dành cho nhân loại. Ðôi khi thì ngược lại, nhờ Thánh Thần, họ cháy bừng niềm vui và lòng mến đến nỗi, nếu có thể được, họ muốn mang lấy tất cả mọi người trong trái tim mình, không phân biệt người lành cũng như kẻ dữ. Có những lúc, vì khiêm hạ, họ thấy mình ở dưới mọi người . Thường thì tâm hồn họ an nghỉ trong thinh lặng thần nhiệm, trong an tĩnh và yên bình, họ đắm mình trong hoan lạc thần thiêng, trong sự hài hòa tuyệt hảo. Họ nhận được những ơn ưu việt : ơn thông hiểu, ơn khôn ngoan khôn tả, ơn hiểu biết vô tận của Thánh Thần, theo cách này, ân sủng dạy cho họ những điều mà ngôn ngữ không thể trình bày, lời nói không thể diễn tả. Ngược lại những lúc khác họ xử sự như mọi người 11".
69.
70. Ðây là những tia sáng đầu tiên của đời sống vĩnh cửu, mở đầu cho sự gặp gỡ đối diện với Thiên Chúa. Nơi Ðức Maria, những tia sáng này chắc chắn đã không yếu hơn, nhưng mãnh liệt hơn nhiều so với tất cả các thánh.
71.
72. Cầu nguyện để đón nhận Thánh Thần.
73.
74. Giờ đây, theo thói quen, chúng ta tiến tới việc chiêm ngắm Ðức Maria như hình bóng và tấm gương của Giáo Hội. Ðức Maria nói gì với chúng ta qua sự hiện diện của Người ở nhà Tiệc Ly vào ngày Lễ Ngũ Tuần, và qua sự hiện diện cầu nguyện trong lòng cộng đoàn Kitô hữu sau Lễ Ngũ Tuần ? Với ước mong theo sát với bản văn Công Vụ Tông Ðồ bao nhiêu có thể, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể tóm tắt giáo huấn về Ðức Maria trong ba điểm :
75.
76. Ðiểm thứ nhất : Trước khi thực hiện bất cứ điều gì và trước khi tiến bước trên các nẻo đường trần gian, Giáo Hội cần phải đón nhận Thánh Thần.
77. Ðiểm thứ hai : Ðể đón nhận Thánh Thần đến, Giáo Hội phải chuẩn bị nhất là bằng cầu nguyện.
78.
79. Ðiểm thứ ba : Việc cầu nguyện đó phải đồng tâm nhất trí và kiên trì.
80.
81. Trước hết, Chúa Thánh Thần rất cần thiết cho Giáo Hội. Khi các tông đồ hỏi xem bao giờ Vương Quyền Thiên Chúa sẽ đến, Ðức Giêsu trả lời : "Các ngươi sẽ nhận lấy quyền lực Thánh Thần sẽ đến trên các ngươi, các ngươi sẽ là chứng tá của Ta" (Cv 1, 6 - 8). Ðức Giêsu dặn họ đừng rời khỏi Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi lời hứa được thực hiện và họ "được thanh tẩy trong Thánh Thần"���� (Cv 1, 4 - 5). Lời dặn bảo này của Ðức Giêsu kết thúc Phúc Âm thánh Luca : "Các ngươi hãy ở lại trong thành cho đến bao giờ các ngươi được mặc lấy mãnh lực trên ban" (Lc 24, 49).
82.
83. Các môn đệ còn mang ý tưởng sai lầm về Nước Thiên Chúa và về việc Nước Chúa đến. Qua những lời nói đó, Ðức Giêsu uốn nắn lại quan niệm sai lầm của họ về bản chất của Nước Thiên Chúa và về việc Nước Chúa đến. Họ sẽ lãnh nhận Thánh Thần và nhờ Thánh Thần, họ sẽ làm chứng cho Ðức Giêsu, sẽ rao giảng� Tin Mừng của Ngài. Người ta sẽ trở lại, và đó chính là Nước Chúa đến. Ðoạn tiếp theo của trình thuật cho thấy lời hứa được thực hiện đúng thời gian. Các môn đệ chờ đợi Chúa Thánh Thần ngự đến. Họ được mặc lấy quyền lực trên ban. Họ bắt đầu rao giảng cho đám đông dân chúng cách mạnh dạn. Ba ngàn người bị đâm thấu lòng. Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi ra đời. Tất cả những điều này được trình bày cách rõ ràng như một định luật, một mẫu mực, được đặt ra ngay từ buổi đầu của lịch sử Giáo Hội, để nói cho Giáo Hội ở mọi thời biết Nước Chúa đến như thế nào, theo định luật nào, và đâu là những đòi hỏi hay động lực phát triển của Nước Chúa. Vì thế điều này cũng có giá trị cho chúng ta hôm nay. Chúng ta không thể đi rao giảng nơi các quảng trường cách kết quả nếu không đi qua nhà Tiệc Ly, nếu trước hết không mặc lấy quyền lực trên ban. Trong Giáo Hội, tất cả mang sức mạnh và ý nghĩa nhờ Thánh Thần hoặc sẽ không có sức mạnh và ý nghĩa gì. Thật chí lý khi có lời��� viết : "Không có Thánh Thần, Thiên Chúa sẽ vẫn ở thật xa ; Ðức Kitô vẫn ở trong quá khứ ;� Tin Mừng là chữ chết, Giáo Hội đơn thuần là một tổ chức, quyền bính chỉ là sự thống trị ; các công cuộc truyền giáo chỉ là sự tuyên truyền ; phụng tự đơn thuần là kỷ niệm ; cuộc sống của các Kitô hữu chỉ là một thứ luân lý của những kẻ nô lệ. Nhưng trong Thánh Thần, thế giới chỗi dậy và rên siết trong cơn đau sinh hạ Nước Chúa ; con người chiến đấu chống lại xác thịt ; Ðức Kitô Phục Sinh hiện diện ;� Tin Mừng làm sự sống nẩy mầm ; Giáo Hội là dấu chỉ của hiệp thông Ba Ngôi ; quyền bính phục vụ cho sự giải thoát ; các công cuộc truyền giáo là một lễ Hiện Xuống, Phụng Vụ là một tưởng niệm và là một sự thực hiện trước ; cuộc sống Kitô hữu là một cuộc sống được thần hóa 13".
84.
85. Ðiểm thứ hai là việc chuẩn bị cho Lễ Ngũ Tuần, cho ơn ban Thánh Thần bằng cầu nguyện. Thái độ của các tông đồ trước khi Chúa Thánh Thần Hiện Xuống thực tế là thái độ nào ? Phải chăng các ngài tranh cãi về bản tính của Chúa Thánh Thần hay về điều gì đó tương tự ? Không, các ngài đã cầu nguyện ! Ðể cho sự kiện này được nổi rõ hơn, thiết tưởng cần phải xác định thêm một chút. Sau khi đề cập đến nhóm nhỏ chuyên cầu nguyện (Cv 1, 14), sách Công Vụ nói về việc tuyển chọn người thay thế Giuđa (Cv 1, 15 - 26), ngay sau đó là trình thuật về Lễ Ngũ Tuần. Như thế, có vẻ như Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trên các tông đồ không phải lúc họ đang cầu nguyện mà là trong lúc họ tranh luận, bàn thảo. Nhưng, qua khảo sát bản văn, người ta thấy sự việc được mô tả trong Công vụ 1, 15 - 26 là một sự việc có thể đã diễn ra vào lúc khác nhưng người ta đã đặt xen vào đó (bản văn nói đến một trăm hai mươi người tề tựu nên khó có thể nào vào phòng trên lầu mà trước đó có nói đến). Trình thuật Thánh Thần Hiện Xuống rõ ràng gắn với việc cầu nguyện sốt sắng nhiệt thành của nhóm nhỏ mà chúng ta vừa nói tới 14.
86.
87. Như vậy, điều xảy ra lúc Ðức Giêsu chịu phép rửa đã được lặp lại ở đây : "Ðức Giêsu cũng chịu phép rửa và đang khi Ngài cầu nguyện thì trời mở ra, Thánh Thần xuống trên Ðức Giêsu" (Lc 3, 21 - 22). Theo thánh Luca, dường như chính lời cầu nguyện của Ðức Giêsu đã xé rách bầu trời và làm cho Thánh Thần Hiện Xuống. Cũng tương tự như thế ở nhà Tiệc Ly. Trong khi Giáo Hội đang cầu nguyện, "thì bỗng xảy đến từ trời một tiếng rào rào như thể do cuồng phong thổi đến . Hết thảy họ được đầy Thánh Thần" (Cv 2, 2 - 4).
88.
89. Một ghi nhận rất đáng lưu ý đó là : trong sách Công Vụ, việc Thánh Thần ngự đến luôn được đặt trong mối liên hệ với việc cầu nguyện. Các bản văn tuy không quên vai trò quyết định của Phép Rửa�������� (x. Cv 2, 38), nhưng vẫn nhấn mạnh hơn đến vai trò của việc cầu nguyện. Saulô "đang cầu nguyện" khi Chúa sai Hananya đến để làm cho ông thấy lại và thông ban Thánh Thần cho ông (Cv 1, 9 - 11). Sau khi Phêrô và Gioan bị bắt và được giải thoát, cộng đoàn đang cầu nguyện : "Lúc cầu nguyện xong thì chỗ họ nhóm họp rung chuyển và hết thảy, họ được đầy Thánh Thần" (Cv 4, 31). Khi các tông đồ nghe tin xứ Samaria đã đón nhận Lời Thiên Chúa thì sai Phêrô và Gioan đến với họ "các ngài xuống và đã khẩn cầu để họ được chịu lấy Thánh Thần" (Cv 8, 15). Cũng dịp này, khi Simon làm nghề phù thủy, dâng tiền để được chịu lấy Thánh Thần, thì các tông đồ đã phẫn nộ chống lại (x. Cv 8, 18tt). Thánh Thần không thể mua tậu được, người ta chỉ có thể khẩn xin nhờ cầu nguyện. Ðó là khí giới duy nhất của chúng ta, và là một khí giới luôn hiệu nghiệm vì chính Ðức Giêsu bảo đảm với chúng ta điều đó.
90.
91. Quả thực, Ðức Giêsu đã nối kết ơn ban Thánh Thần với cầu nguyện : "Vậy nếu các ngươi tuy là ác, còn biết lấy của lành làm quà cho con, thì huống hồ chi là Cha các ngươi, từ trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những ai xin Người" (Lc 11, 13). Ngài chẳng những đã nối kết ân huệ này với lời cầu nguyện, của chúng ta mà còn nối kết với lời cầu nguyện của chính Ngài. Khi nói : "Ta sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các ngươi một Ðấng Bầu Chữa khác" (Yn 14, 16). Lời cầu nguyện của các tông đồ khi tụ họp ở nhà Tiệc Ly với Ðức Maria là lời khẩn xin Thánh Thần (épiclèse) đầu tiên, trọng đại, mở đầu cho chiều kích khấn xin Thánh Thần (dimension epiclétique) của Giáo Hội, lời nguyện "Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến" sẽ vang lên trong Giáo Hội suốt mọi thời đại, và phụng vụ sẽ hát lên lời kinh đó lúc khởi đầu các hành động phụng vụ quan trọng nhất.
92.
93. Tuy nhiên, trước tiên người ta có thể bác bẻ : nếu Thánh Thần là một "ân huệ", ngay cả là ân huệ tuyệt hảo của Thiên Chúa, thì tại sao cầu nguyện lại cần thiết để nhận được ân huệ đó ? Ân huệ lại không phải là nhưng không sao ? Cả hai khía cạnh của vấn đề đều đúng : Thánh Thần là một ân huệ và Thiên Chúa thường chỉ ban ơn đó cho những ai xin Người. Thiên Chúa không áp đặt mà là đưa ra các ân huệ của Người. Cầu nguyện là biểu lộ sự đón nhận, biểu lộ niềm khát khao của con người thụ tạo chúng ta. Cầu nguyện là biểu lộ của tự do mở ra cho ân sủng.
94.
95. Thứ đến, người ta có thể bác bẻ : trong Tân ước có những khẳng định dường như nói ngược lại, đó là phải lãnh nhận Thánh Thần đã rồi mới có thể cầu nguyện. Theo thánh Phaolô, Thánh Thần đến nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta. Ngài chuyển cầu cho ta và dạy ta biết cầu nguyện (x. Rm 8, 26). Nếu không bởi sức Thánh Thần thì ngay cả nói : Giêsu là Chúa, cũng không thể được (x. 1C 12, 3), mà đó mới chỉ là lời cầu nguyện đơn giản nhất. Vậy phải nói thế nào về việc Thiên Chúa ban Thánh Thần cho những ai xin Người ? Ðiều gì chiếm vị trí đầu tiên : Thánh Thần hay cầu nguyện ? Ở đây cũng thế, cả hai khía cạnh đều đúng. Giữa cầu nguyện và ơn Thánh Thần chúng ta thấy có cùng một mối liên hệ tương thông, tương nhập như giữa ân sủng và tự do. Chúng ta cần lãnh nhận Thánh Thần để có thể cầu nguyện, và chúng ta cần cầu nguyện để có thể lãnh nhận Thánh Thần. Khởi đầu là việc ban ân sủng, sau đó phải cầu nguyện để gìn giữ và phát triển ân huệ đó.
96.
97. Không phải chỉ có một Lễ Ngũ Tuần, đó là chúng ta nhận thấy khi đọc Tông Ðồ Công Vụ. Lúc ban đầu, Thánh Thần đã Hiện Xuống (x. Cv 2, 1tt) ngay sau việc các tông đồ cùng với Ðức Maria chuyên cần cầu nguyện (x. Cv 1, 14). Người ta có thể nghĩ rằng, từ nay Giáo Hội đã có những gì cần thiết và có thể một mình theo đuổi cho tới ngày Quang Lâm. Thế nhưng, chỉ sau đó ít lâu, khi phải đối diện với những khó khăn trầm trọng, Giáo Hội lại phải cầu nguyện và lĩnh ơn Thánh Thần để có thể tiếp tục hiên ngang rao giảng Lời Thiên Chúa (x. Cv 4, 23 - 31). Ra khỏi nhà Tiệc Ly, Giáo Hội phải quay trở lại đi theo định kỳ để ở đó, không ngừng "được mặc lấy mãnh lực trên ban".
98.
99. Ước gì tất cả những điều này không còn là một giáo huấn trừu tượng và mơ hồ. Mỗi người phải tự cảm thấy mình bị chất vấn. Bạn có muốn lãnh nhận Thánh Thần không ? Bạn có muốn thấy mình yếu đuối và ao ước được mặc lấy mãnh lực trên ban không ? Bạn có cảm thấy nguội lạnh và muốn được sưởi ấm lại không ? Bạn có cảm thấy mình quá khô khan và muốn được tưới gội không ? Bạn có cảm thấy mình bị chai cứng và muốn được trở nên mềm mại không ? Bạn có cảm thấy mình không hài lòng với cuộc sống đã qua và muốn được đổi mới không ? Hãy cầu nguyện và cầu nguyện thật nhiều đi ! Ước gì trên môi miệng bạn không ngớt thốt ra lời kêu nài khiêm tốn này : Veni Sancte Spiritus, Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến ! "Ôi lạy Thần Khí của Thiên Chúa Hằng Sống, xin hãy đến chạm vào trái tim con, xin hãy là Thầy dạy trong con, thăm dò con, hướng dẫn con trong tình yêu của Người".nếu với lòng tin, một người hay một nhóm bước vào cầu nguyện, trong sự cô tịch, cương quyết không chỗi dậy bao lâu chưa được mặc lấy mãnh lực trên ban, và chưa được thanh tẩy trong Thánh Thần, thì chắc chắn người đó sẽ không chỗi dậy mà lại không được thoả nguyện vượt mọi chờ mong.
100.
101. Những người kiên trì cầu nguyện.
102.
103. Chúng ta qua điểm thứ ba là điểm đáng chú ý hơn nữa. Phải cầu nguyện thế nào để có thể lãnh nhận Thánh Thần ? Ðức Maria và các tông đồ đã cầu nguyện như thế nào ? Các Ngài đã cầu nguyện "đồng tâm nhất trí và chuyên cần". Ðồng tâm nhất trí, (homothymadon) hiểu sát nghĩa là một lòng mà thôi. Ðức Giêsu từng nói, khi dâng của lễ lên trước thiên nhan Thiên Chúa thì phải đi làm hòa với anh em trước đã (x. Mt 5, 23). Thánh Phaolô khuyên các Kitô hữu hãy tâm đầu ý hợp với nhau "ngõ hầu tôn vinh Thiên Chúa cùng một lòng" (cùng từ ngữ diễn tả như trong Cv 1, 14) và "cùng một miệng lưỡi" (Kn 15, 5 - 6).
104.
105. Thánh Thần là hiệp thông ; Ngài là mối dây hiệp nhất trong Chúa Ba Ngôi và trong Giáo Hội. Ai ở ngoài sự hiệp nhất thì không thể lãnh nhận Thánh Thần. Thánh Augustinô viết : "Linh hồn đối với thân xác ta thế nào thì Chúa Thánh Thần cũng như thế đối với Thân Thể của Ðức Kitô là Giáo Hội 15". Nếu một phần thân thể, như bàn tay chẳng hạn, muốn sống một mình, không liên hệ gì với các phần còn lại của thân thể, liệu linh hồn có bỏ phần còn lại của thân thể để đến với bàn tay không ? Linh hồn có để cho phần còn lại chết để làm cho bàn tay sống không ? Chắc chắn là không ! Chính bàn tay sẽ không có linh hồn và sự sống. Nó trở nên bàn tay "khô bại" như tay của người mà Phúc Âm nói tới (x. Mt 12, 10). Trên bình diện thiêng liêng cũng như thế. Qua đó, ta thấy tầm quan trọng quyết định của sự hiệp nhất, cảm thông, hòa giải nơi những người ao ước và chuẩn bị đón nhận Thánh Thần. Thánh Phaolô còn nói : phải "duy trì sự hiệp nhất của Thánh Thần nhờ mối dây liên kết hòa thuận"�� (x. Ep 4, 3).
106.
107. Một vài tuần lễ trước, khi hội họp với Ðức Giêsu trong nhà Tiệc Ly để cử hành lễ Vượt Qua, các tông đồ tranh cãi nhau xem "ai trong họ là người lớn nhất" (x. Lc 22, 24). Giờ đây, cũng chính thánh Luca đã kể lại cho chúng ta rằng họ đồng tâm nhất trí, cùng một tấm lòng. Sự hiện diện của Mẹ Ðức Giêsu ở giữa họ chắc hẳn đã góp phần tạo nên bầu khí mới mẻ này, bầu khí hiệp nhất và hòa thuận khi cầu nguyện một lòng một dạ, không ai lại cầu nguyện chỉ cho riêng mình, nhưng mỗi người cầu nguyện cho mọi người, và lời cầu nguyện bay lên tới Chúa là bởi toàn thân thể. Và vì mỗi người cầu nguyện cho mọi người nên mọi người cầu nguyện cho mỗi người ; sức mạnh của lời cầu nguyện được tăng bội, đó là phép lạ của đức ái. Thánh Augustinô đã có lý khi kết luận bài giảng ngày lễ Hiện Xuống bằng những lời sau đây : "Vậy, nếu các bạn muốn đón nhận Thánh Thần, các bạn hãy giữ đức ái, yêu mến sự thật, ao ước sự hiệp nhất 16".
108.
109. Lời cầu nguyện của Ðức Maria và của các tông đồ còn cho thấy một đặc tính khác. Chúng ta sẽ dừng lại ở điểm này lâu hơn : đó là sự kiên trì. Từ gốc Hylạp diễn tả khía cạnh này của kinh nghiệm Kitô giáo (proskarterountes) nhấn mạnh đến tính bền bỉ của hành động. Hành động cách chuyên cần và bền đỗ. Người ta dịch là "những người kiên trì", hay "những người chuyên cần" cầu nguyện. Cũng có thể dịch là "bền bỉ bám chắc" vào cầu nguyện.
110.
111. Ðây là một từ ngữ quan trọng vì nó được lặp đi lặp lại rất thường xuyên khi Tân Ước nói về cầu nguyện. Trong Tông Ðồ công Vụ ta thấy từ ngữ này được nói tới xa hơn một chút : các tín hữu đầu tiên nói tới đức tin "đã chuyên cần với lời giáo huấn, với việc bẻ bánh và kinh nguyện" (Cv 2, 42). Thánh Phaolô khuyên "hãy kiên trì cầu nguyện" (Rm 12, 12 ; Co 4, 2). Trong một đoạn thư gửi tín hữu Êphêsô, chúng ta đọc thấy : "Hãy lấy kinh nguyện và cầu xin mà khẩn cầu mọi thời mọi buổi, nhờ sức Thần Khí và vì thế hãy tỉnh thức, một lòng bền đỗ không lơi mà cầu xin cho các thánh hết thảy"����� (Ep 6, 18).
112.
113. Nền tảng của giáo huấn này bắt nguồn từ chính Ðức Giêsu. Dụ ngôn về bà góa quấy rầy đưa ra kết luận "phải cầu nguyện luôn, đừng chán nản" (x. Lc 18, 1). Người phụ nữ Canaan là một minh họa cho việc khẩn khoản nài xin, không chút nản lòng, và chính vì sự khẩn khoản đó mà cuối cùng bà được thỏa nguyện. Ðầu tiên, bà xin Ðức Giêsu chữa bịnh cho con gái bà : Ðức Giêsu "không đáp lại một lời". Bà nài nỉ : Ðức Giêsu lại nói Ngài chỉ được sai đến với các chiên lạc nhà Israel thôi. Bà sụp lạy dưới chân Ngài. Ðức Giêsu đáp lại ; không nên lấy bánh của con cái mà ném cho đàn chó. Quả là chán nản quá sức ! Nhưng người đàn bà Canaan vẫn thưa : "Vâng, nhưng đàn chó cũng ." Bấy giờ Ðức Giêsu vui mừng kêu lên : "Hỡi bà, lòng tin của bà mạnh thật ! Bà muốn sao thì được như thế"� (Mt 15, 21tt).
114.
115. Cầu nguyện lâu giờ và kiên trì không có nghĩa là nói nhiều lời hay lảm nhảm như dân ngoại (x. Mt 6, 70. Kiên trì trong cầu nguyện có nghĩa là cầu xin thường xuyên, luôn hy vọng, không bao giờ ngừng. Ðiều đó có nghĩa là không cho phép mình ngơi nghỉ và cũng không để cho Thiên Chúa nghỉ yên : "Các ngươi, những kẻ khao khát tưởng niệm đến Chúa, các ngươi chớ hề ở yên ! Các ngươi đừng để Người ở yên cho đến khi Người mang lại sự vững chắc cho Giêrusalem" (Ys 65, 24).
116.
117. Vậy tại sao phải kiên trì cầu nguyện ? Tại sao Thiên Chúa không nhận lời ngay lúc ta xin ? Phải chăng, trong Kinh Thánh, Thiên Chúa đã không hứa nhận lời ngay lúc ta kêu xin Người, ngay cả trước khi ta dứt lời cầu xin sao ? "Trước khi chúng kêu, Ta đã đáp lại, chúng còn đang nói, Ta đã nhậm lời" (Ys 65, 24). Ðức Giêsu đã nhắc lại : "Và Thiên Chúa lại không công bằng mà xét xử cho kẻ Người chọn hằng kêu cứu với Người đêm ngày sao ? Lẽ nào Người cứ khất lần với họ mãi ? Ta nói cho các ngươi biết : Người sẽ cứ công bằng mà xét xử cho họ ngay tức khắc" (Lc 18, 7).
118.
119. Kinh nghiệm đã chẳng hiển nhiên phủ nhận những bảo đảm tương tự như thế sao ? Chắc chắn là� không ! Thiên Chúa đã hứa luôn đoái nghe, đoái nghe ngay lúc chúng ta kêu cầu Người. Thực sự Người đã làm như thế. Nhưng phần chúng ta thì phải biết mở mắt nhìn. Quả thật, Thiên Chúa đã giữ lời : khi trì hoãn giúp đỡ là Người đã giúp chúng ta rồi. Chính sự trì hoãn đó là một sự giúp đỡ. Như thế là sao ? nếu Người đoái nghe ước muốn của kẻ kêu xin quá nhanh chóng, thì Người sẽ không thể ban cho người đó một sức khoẻ hoàn hảo. Bởi lẽ cần phải phân biệt rõ : người cầu xin có thể được đoái nhận hoặc theo lời họ cầu xin hoặc theo nhu cầu đích thực của họ, và trong trường hợp này là ơn cứu độ. Thiên Chúa luôn luôn và lập tức nhận lời khi liên quan đến ơn cứu độ của người cầu xin (và ơn cứu độ này là hoặc phải là ước muốn sâu xa của người cầu xin). Còn đối với ước muốn nhất thời, mà ước muốn đó có thể là không tốt, thì Thiên Chúa không luôn luôn đoái nhận 17. Ðôi khi chúng ta hát các Thánh Vịnh : "Ôi lạy Chúa, xin hãy nghe. Hãy lắng tai, lạy Chúa", và dường như Thiên Chúa không bao giờ nghe chúng ta. Bạn hãy coi chừng, Người đã nghe lời bạn rồi ! Nếu bạn tiếp tục cầu nguyện, đó chính là vì Người đã đoái nghe bạn. Nếu không, bạn đã không còn cầu nguyện nữa.
120.
121. Thiên Chúa đã hứa luôn ban "các sự lành", ban "Thánh Thần" cho những ai kêu xin Người. Người hứa thực hiện tất cả những gì chúng ta xin "theo ý Người" (x. 1Yn 5, 14). Người không ban cho chúng ta điều không theo như ý Người cũng như những điều sẽ không phải là "sự lành" cho chúng ta, và do đó sẽ gây ra sự dữ cho chúng ta. Như thế, có phải là Người đã không lắng nghe, thấu tỏ đời sống và lời cầu nguyện của chúng ta ? Nếu đứa con xin bánh, chẳng lẽ người cha lại cho nó con rắn ? Không !��� (x. Mt 7, 7tt). Nếu con xin rắn, mà chính nó cũng không biết là rắn, liệu người cha có đưa rắn cho con dù con mình có khóc lóc dậm chân và kết tội cha không yêu nó không ? Người cha sẽ thà chịu kết án cách bất công chứ không cho con mình thuốc độc hay nọc độc.
122.
123. Thiên Chúa lắng nghe ngay cả khi Người không nghe lời. Sự trì hoãn của Người ngay cả việc ban những điều lành là một cách lắng nghe và đoái nhận. Thật vậy, khi trì hoãn nhận lời, Người làm cho đức tin của ta mạnh lên, Người dẫn chúng ta tới chỗ biết cầu xin những gì tốt hơn. Rất thường khi chúng ta bắt đầu cầu nguyện là xin những điều nhỏ mọn chẳng là gì, những nhu cầu vụn vặt của cuộc sống hiện tại. Chúng ta không biết điều gì là thực sự quan trọng. Sự trì hoãn nhận lời khiến chúng ta dần dần nhận ra những nhu cầu đích thực, nhu cầu về Thiên Chúa, về đức tin, về lòng kiên nhẫn, về đức ái, về đức khiêm nhường hơn là những giá trị vật chất. Như thế Thiên Chúa đã làm cho tâm hồn chúng ta mở rộng để có thể đổ đầy tâm hồn chúng ta theo mức độ xứng với nó. Chúng ta hãy nhớ lại mẫu gương của người phụ nữ Canaan. Nếu Ðức Giêsu đã nghe lời bà ngay từ lời cầu xin đầu tiên thì điều gì sẽ xảy ra ? Con gái bà sẽ được cứu thoát khỏi quỷ ám, nhưng mọi sự khác vẫn tiếp tục như trước, bà mẹ và người con sẽ kết thúc ngày sống của mình như bao người khác. Vì vậy, khi trì hoãn nghe lời bà xin, Ðức Giêsu làm cho đức tin và òng khiêm hạ của bà lớn lên, lớn lên hơn nữa cho tới khi Ðức Giêsu vui sướng kêu lên : "Hỡi bà, lòng tin của bà lớn thật !" (Mt 15, 28). Người đàn bà quay trở về nhà mình : bà không chỉ thấy con gái mình khỏi bệnh, mà chính bà còn được biến đổi, bà tin vào Ðức Kitô : một trong những tín hữu đầu tiên thuộc dân ngoại vì bà là người Syro-Phénici. Một giá trị như thế sẽ tồn tại muôn đời. Khi không được nhận lời ngay mà chúng ta cứ vẫn tiếp tục cầu xin thì chúng ta cũng sẽ nhận được như vậy.
124.
125. Khi đối tượng của lời cầu nguyện của chúng ta là một hồng ân tuyệt hảo, hồng ân mà Chúa muốn ban cho chúng ta, là Chúa Thánh Thần, chúng ta phải tránh một ảo tưởng có thể có. Bởi lẽ chúng ta có thể làm cho Thánh Thần trở thành một hồng ân không phải là tốt mà là xấu. Ðiều này xảy ra khi chúng ta, với ít nhiều ý thức, tưởng tượng Thánh Thần như một sức trợ giúp mạnh mẽ trên ban, một luồng sinh khí đem lại sức sống cách dễ chịu cho lời cầu nguyện, cho lòng sốt sắng của chúng ta, làm cho tác vụ của chúng ta được hữu hiệu và vác thánh giá đỡ nặng nề. Bao năm tháng bạn đã cầu nguyện theo kiểu này để được Thánh Thần Hiện Xuống, và dường như không có lấy một hơi gió dù rất nhẹ đáp lại lời bạn cầu xin. Tất cả những gì bạn mong chờ đều không xảy đến. Nhưng, Thánh Thần không được ban để củng cố lòng ích kỷ của chúng ta. Hãy quan sát kỹ hơn chung quanh bạn. Có thể Thánh Thần mà bạn nài xin cho mình thì Chúa đã ban, nhưng là cho người khác. Có thể nhờ lời cầu xin của bạn mà đời sống cầu nguyện của những người chung quanh được bạn canh tân trong khi đời sống cầu nguyện của bạn vẫn tiếp tục khó nhọc như trước. Những người khác cảm thấy bị đâm thấu lòng, tâm hồn đầy ăn năn, hối hận trong nước mắt ; phần bạn, bạn còn phải xin cho được ơn đó. Hãy lấy làm vinh hạnh để cho Thiên Chúa tự do hành động. Ðó là cách Người đã chọn để ban Thánh Thần cho bạn và là cách tốt nhất. Biết đâu trong ngày Lễ Ngũ Tuần, khi nhìn thấy đám đông đấm ngực ăn năn, bị Lời Chúa làm đảo lộn và lên tiếng hỏi các tông đồ : "Chúng tôi phải làm gì, thưa các vị ?" Biết đâu lại không có một tông đồ nào đó cảm thấy thèm muốn và ngượng ngùng khi nghĩ đến việc mình chưa bao giờ khóc vì đã đóng đinh Giêsu Nazareth. Thánh Phaolô, một người mà lời rao giảng được quyền năng và sự tỏ hiện của Thần Khí kèm theo, đã ba lần xin thoát khỏi cái dằm đâm vào thân xác. Nhưng ngài đã không được nhận lời, và phải nhẫn nại sống với cái dằm đó, ngõ hầu quyền năng của Thiên Chúa được tỏ lộ hơn nữa (x. 2C 12, 8tt).
126.
127. Ðôi khi, sự kiên trì cầu nguyện gây ra một sự đảo ngược lạ lùng, nhất là đối với người có một đời sống thiêng liêng sâu xa và nghiêm túc, chúng ta nên biết điều này để không bỏ lỡ một cơ hội quí giá. Các vai bị đảo lộn thứ tự : Thiên Chúa trở thành kẻ cầu xin và bạn trở thành kẻ được cầu xin. Bạn bắt đầu cầu nguyện để xin một điều gì với Thiên Chúa và khi đang cầu nguyện, bạn nhận thấy rằng chính Thiên Chúa đưa tay ra và xin bạn điều gì đó. Bạn đến xin Người cất đi cái dằm đang nằm trong thân xác bạn, cất đi thánh giá này, thử thách kia, cho bạn thoát khỏi chức vụ này, hoàn cảnh nọ hoặc thoát khỏi sự gần gũi của ai đó . Nhưng rồi chính Thiên Chúa lại xin bạn chấp nhận thánh giá, hoàn cảnh, chức vụ đó, chấp nhận con người đó.
128.
129. Một bài thơ của thi hào Tagore có thể giúp tả hiểu điều này. Trong bài thơ, một người ăn xin kể lại kinh nghiệm của mình, đại để như sau : tôi đang ăn xin từ nhà này sang nhà nọ dọc theo đường làng, bỗng từ xa xuất hiện một cỗ xe tứ mã sơn son thếp vàng. Ðó là xe của hoàng tử. Tôi thầm nghĩ� : cơ hội cuộc đời mình là đây. Tôi ngồi xuống, túi ăn xin mở thật rộng, chờ được bố thí, mà có lẽ chẳng cần phải mở miệng xin, bạc vàng cũng sẽ như mưa rơi xuống quanh mình. Nhưng, thật ngạc nhiên hết sức, khi đến sát bên tôi, chiếc xe ngừng lại, hoàng tử bước xuống giơ tay phải ra nói với tôi : "Bạn có gì cho tôi không ?" Cử chỉ giơ tay mới vương giả làm sao ! Ngượng ngùng, do dự, tôi thò tay vào túi ăn xin lấy một hạt gạo, chỉ một hạt thôi và là hạt bé nhất trao vào tay hoàng tử. Chiều về, thật buồn quá đỗi và khi đổ túi ăn xin ra, tôi thấy một hạt vàng rất nhỏ, nhỏ như hạt gạo mà tôi đã cho vị hoàng tử. Tôi khóc chua xót vì đã không can đảm cho vị hoàng tử tất cả 18.
130.
131. Chớ gì khi cuộc đời xế bóng, chúng ta không phải khóc vì đã không dâng cho Chúa tất cả những gì Ngài xin chúng ta dâng cho Ngài. "Cử chỉ giơ tay ra xin một người nghèo mới vương giả làm sao !" Ðúng vậy, đó là cử chỉ của Thiên Chúa, một cử chỉ thần linh : Ngài làm kẻ ăn xin để chúng ta được thuộc vào số những người có điều gì đó để cho Ngài.
132.
133. Trường hợp đảo lộn các vai trò tuyệt vời nhất, đó là Ðức Giêsu. Tại Vườn Dầu, Ðức Giêsu xin Cha cất chén đắng khỏi mình. Chúa Cha đã xin Ðức Giêsu uống chén đó, vì đó là điều cần phải làm để Người có thể tìm lại được mọi người con khác. Ðức Giêsu thưa : "Nhưng đừng cho ý con mà là ý Cha được thực hiện" - và Ðức Giêsu đã dâng lên Chúa Cha lời xin vâng mà Chúa Cha mong đợi. Ngài không chỉ dâng một giọt máu mà là hết mọi giọt máu của mình. Buổi chiều thứ Sáu (Tuần Thánh), sau khi uống cạn chén đắng, Ðức Giêsu gặp Chúa Cha, Ðấng đặt Ngài làm Chúa, ngay cả trong tư cách là người, ban cho Ngài một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu và tôn vinh Ngài. Làm sao diễn tả nổi tất cả những gì Chúa Cha ban cho Ngài để đổi lấy "hạt lựu" là tiếng "xin vâng" của Ngài.
134.
135. Cầu nguyện liên lỉ.
136.
137. Sách Công Vụ cho chúng ta biết, các Tông đồ, Ðức Maria và một số phụ nữ khác, sau khi chịu lấy Thánh Thần, vẫn "chuyên cần cầu nguyện" (Cv 2, 42). Tuy nhiên, dường như đã có một sự thay đổi nào đó về nội dung và tính chất của kinh nguyện. Từ nay, họ chỉ còn "ca rao những việc lớn lao của Thiên Chúa" (Cv 2, 11). Vì thế, ngay cả trong các bữa ăn, "họ đầy lòng hân hoan và ngợi khen Thiên Chúa" (Cv 2, 46tt). Kinh nguyện của họ trở nên kinh nguyện ngợi khen chứ không chỉ là kinh nguyện cầu xin mà thôi. Ðiều trước tiên xảy ra với Ðức Maria thì nay được lặp lại với Giáo Hội. Thật vậy, sau khi chịu lấy Thánh Thần trong ngày Truyền Tin, Ðức Maria đã cất tiếng tôn dương Thiên Chúa, hớn hở trong Thiên Chúa và ca rao những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện nơi mình (x. Lc 1, 46tt). Thánh Thần Hiện Xuống không chấm dứt việc chuyên cần cầu nguyện, nhưng làm phong phú và mở rộng chân trời của việc cầu nguyện. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và nâng lời cầu nguyện lên tới những hình thức cao cả nhất với Thiên Chúa : ca ngợi, thờ lạy, ca rao sự cao cả và thánh thiện của Thiên Chúa. Tân Ước không chỉ nói về sự kiên trì trong cầu xin, nhưng còn nói và nói nhiều hơn về sự kiên trì trong lời ca ngợi, tạ ơn và chúc tụng. Trong cùng một văn mạch của thư gửi tín hữu Êphêsô, được nhắc đến ở trên, ta đọc thấy : "Ðừng say sưa rượu chè, chỉ tổ hư thân, nhưng hãy làm sao cho được no đầy Thần Khí ! Hãy đối đáp với nhau Thánh Vịnh, lời ca, lời vãn của Thần Khí, xướng ca tụng niệm kính Chúa hết lòng anh em. Mọi thời, vì mọi sự, hãy nhân Danh Chúa chúng ta, Ðức Giêsu kitô, mà tạ ơn Thiên Chúa và là Cha" (Ep 5, 18 - 20). Thiết tưởng đó là mục đích khuyến khích chúng ta khẩn cầu và chờ mong Thánh Thần : để nhờ sự thúc đẩy của Thánh Thần mà tôn thờ Thiên Chúa "trong Thần Khí và Sự Thật", chúc tụng và tôn vinh Người trước toàn thể nhân loại. Trước khi các tông đồ đi rao giảng, Chúa Thánh Thần đã dẫn đưa họ vào cầu nguyện bằng các thứ tiếng (x. Cvtd 2, 4tt). Ðiều đó cũng đã xảy ra khi Chúa Thánh Thần xuống trên Cornêliô và người nhà của ông : "Họ nghe những người ấy nói bằng các thứ tiếng và ca rao Thiên Chúa" (Cv 10, 46).
138.
139. Chính khi suy nghĩ về sự cầu nguyện trong Thần Khí, dệt bởi những lời khẩn cầu, và hơn nữa, bởi lời ca ngợi, mà thánh Phaolô đã đưa ra nguyên tắc về việc cầu nguyện liên lỉ, và nguyên tắc này đã có một tiếng vọng rất lớn trong lịch sử linh đạo Kitô giáo : "Anh em hãy vui mừng luôn và đừng ngớt cầu nguyện, hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh" (1Th 5, 16 - 18). Ðiều này nhắc lại lời của Ðức Giêsu "phải cầu nguyện luôn, đừng nản chí" (x. Lc 18, 1). Nguyên tắc này giúp chúng ta vượt qua một quan niệm vụ nghi thức hay vụ luật nào đó về cầu nguyện gắn liền với những giờ, những nơi xác định. Cầu nguyện liên lỉ là một thái độ căn bản, một định hướng thường hằng, một sinh hoạt tự nhiên, gần như việc hô hấp của thân thể. Chúng ta phải tha thứ bao nhiêu lần ? Ðức Giêsu trả lời : phải tha thứ luôn luôn ! (x. Mt 18, 22). Chúng ta phải cầu nguyện bao nhiêu lần ? Ðức Giêsu trả lời : Luôn luôn ! hỏi xem ta phải cầu nguyện với Thiên Chúa bao nhiêu lần trong một ngày thì chẳng khác gì hỏi phải yêu mến Ngài bao nhiêu lần một ngày. Cầu nguyện cũng như tình yêu, không chấp nhận tính toán như thế. Người ta có thể yêu với ý thức nhiều hay ít sâu xa về tình yêu của mình, chứ không thể yêu với những khoảng cách nhiều hay ít đều đặn.
140.
141. Lý tưởng cao cả của việc cầu nguyện liên lỉ này được diễn tả cách khác nhau ở Ðông phương và Tây phương. Nền linh đạo Ðông phương thực hành việc cầu nguyện liên lỉ qua điều được gọi là lời kinh Ðức Giêsu, được mô tả như sau : lời kinh Ðức Giêsu, lời kinh nội tâm và bền bỉ, là một lời cầu khấn Danh Ðức Giêsu liên lỉ, không ngơi, với cả lòng trí, trong niềm tin chắc chắn về sự hiện diện của Ngài mọi lúc, mọi nơi, ngay cả trong giấc ngủ. Lời kinh gồm những lời này : "Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con !" Người quen đọc lời cầu khẩn này sẽ nhận được những niềm an ủi lớn lao và tự cảm thấy cần phải đọc lời kinh đó không ngừng. Sau một ít thời gian, người đó không thể nào sống mà không có lời kinh đó, và lời kinh cứ tự trào dâng 19".
142.
143. Hình thức cầu nguyện này, ở mức độ cao nhất của nó, đi đến chỗ dần dần dẹp bỏ mọi suy tưởng, và chỉ để lại cho tâm trí một hoạt động duy nhất đó là cầu nguyện. Phương thế của nó là tiết độ, nghĩa là tỉnh thức và tránh xa tất cả những gì không dẫn tới Thiên Chúa ; hoa quả của nó là tấm lòng trong sạch. Lời kinh này đã giúp biết bao tâm hồn kết hiệp với Thiên Chúa ngay từ đời này, trong sự an tĩnh sâu thẳm (hesychia). Philocalie, tác phẩm căn bản của nền linh đạo Chính Thống Nga đã được soạn nhằm giúp thực hiện việc cầu nguyện liên lỉ này.
144.
145. Do tính chất của nó, hình thức cầu nguyện liên lỉ này như đã được thực hành ở Ðông phương, gắn liền với một lối sống nào đó theo kiểu đan tu, mặc dù đó không phải là mối liên hệ độc nhất. Phía Tây phương, với thánh Augustinô, đã đưa ra nguyên tắc về việc cầu nguyện liên lỉ, nhưng mềm dẽo hơn và do đó vừa tầm với mọi người hơn, chứ không chỉ dành riêng cho những người chọn đời sống đan tu. Theo thánh Augustinô, bản chất của cầu nguyện là niềm khao khát. Nếu niềm khao khát Thiên Chúa liên lỉ thì cầu nguyện cũng liên lỉ. Nếu không, ta có thể kêu lên bao nhiêu tùy ý, còn đối với Chúa, ta vẫn là câm lặng. Niềm khao khát Thiên Chúa thầm kín đó bao gồm ký ức, niềm hướng vọng bền bỉ về Nước Trời và nỗi hoài mong Thiên Chúa, có thể vẫn nồng cháy khi tâm trí buộc phải chuyên chú vào điều khác : "Cầu nguyện lâu giờ không phải là điều xấu hay vô ích khi ta có thời gian thảnh thơi để làm điều đó, nghĩa là khi nó không gây cản trở cho những việc tốt lành và cần thiết khác ; dù vậy, ngay cả khi thực hiện những việc đó, ta cần phải luôn cầu nguyện bằng ước muốn. Thật vậy, cầu nguyện lâu giờ không đồng nghĩa với cầu nguyện bằng nhiều lời như một số người vẫn tưởng. Nói nhiều là một chuyện, có một ước muốn thâm sâu và liên lỉ lại là một chuyện khác . Cầu nguyện nhiều là gõ vào cánh cửa của Ðấng mà chúng ta cầu khẩn bằng hoạt động sốt mến, không ngơi của tâm hồn 20".
146.
147. Một tác giả vô danh thời Trung Cổ cũng theo đường hướng đó : "Cũng vì thế, bạn hãy chú ý tới hoạt động đó, tới cách thức kỳ diệu và thâm sâu của nó trong tâm hồn bạn. Nếu hiểu cho thật đúng thì hoạt động đó chỉ là một chuyển động thình lình, như không ngờ nổi, lao nhanh về phía Thiên Chúa như một tia than hồng. Và thật tuyệt vời khi đếm những chuyển động có thể xảy ra trong một giờ nơi một tâm hồn đã sẵn sàng với hành động đó. Tuy nhiên, chỉ cần một trong các chuyển động đó cũng đã đủ để linh hồn bỗng chốc quên đi mọi tạo vật. Nhưng ngay sau mỗi chuyển động, do xác thịt hư hỏng, linh hồn lại rơi xuống trên một ý nghĩ hay một hành động đã thực hiện hay chưa thực hiện. Nhưng có hệ�� gì ? Vì ngay sau đó nó lại lao lên cũng đột ngột như lần trước 21". Ðà vươn này không gì khác hơn là "niềm khao khát Thiên Chúa đơn thuần". Ðơn thuần hay trần trụi vì nó chẳng xin gì khác ngoài Thiên Chúa. Khao khát hoặc đà vươn (élan), bởi đây là hành vi qua đó ý chí luôn vươn về Thiên Chúa.
148.
149. Như biển cả đẩy những con sóng nhấp nhô vào bờ. Không biết chán, cũng thế, trong sự cầu nguyện liên lỉ, linh hồn hướng ý tưởng và tấm lòng vươn lên với Chúa không biết chán. Thân xác cũng tham dự vào đó bằng cách lặp đi lặp lại thật lâu một lời, chẳng hạn như "Lạy Thiên Chúa" hay "Lạy Chúa Giêsu", hoặc một lời kêu cầu vắn tắt nào đó ; điều này chỉ nhằm giữ sự cầm trí, làm cho tâm trí được an định nhờ vào hoạt động cần thiết tối thiểu đó. Ở đây, việc nhìn thấy hay cảm thấy không phải là điều cần thiết. Tình trạng có �thể nói là thường xuyên nhất của việc cầu nguyện này diễn ra giữa hai làn mây dày đặc : một làn mây của sự quên lãng nằm bên dưới bạn, giữa bạn và mọi sự vật khác, và một làn mây của sự vô tri bên trên bạn, giữa bạn và Thiên Chúa.
150.
151. Việc cầu nguyện này có thể hình dung như những dòng sông chảy ở những địa hình các-tơ (karstiques), nghĩa là những dòng sông khi thì chảy trên mặt, khi thì chảy ngầm dưới đất. Khi gặp lớp đất cứng thì chúng chảy trên mặt, sau đó nếu gặp lớp đất khác, thấm nước được, thì chúng thấm sâu xuống và chảy ngầm bên dưới cho đến khi lộ ra ngoài trở lại. Việc cầu nguyện liên lỉ cũng như thế. Có những lúc, khi hoạt động ngừng lại, chúng ta được tự do thảnh thơi cầu nguyện thì nó lộ ra ngoài trở thành lời kinh ca ngợi, tôn thờ với tất cả ý thức. Những lúc khác, khi chúng ta chìm ngập trong hoạt động, nó lại chìm sâu xuống tận đáy lòng, âm thầm chảy ở đó, như một trương lực vô hình của tình yêu hướng tới Chúa, sẵn sàng chỗi dậy ngay khi có thể. Vì thế, việc cầu nguyện có thể tiếp diễn ngay trong giấc ngủ như lời vị hôn thê trong sách Diệu Ca : "Tôi ngủ nhưng lòng vẫn thức" (Dc 5, 2 x. BJ). Tôi biết có những người thợ được ơn cầu nguyện như thế suốt một thời gian dài. Vì thế, nhờ ơn Chúa, bậc sống nào cũng có thể cầu nguyện liên lỉ được. Một trong những người thợ đó thức giấc giữa đêm khuya và có cảm giác linh hồn mình đang cầu nguyện mọi lúc. Ông muốn ngủ lại bằng cách nghĩ đến những công việc sáng mai đang đợi mình, nhưng ông đã quyết định không để kinh nghiệm dịu ngọt đó bị cắt đứt. Buổi sáng thức dậy, ông thấy mình tươi tỉnh, thư thái, như thể mình đã ngon giấc trọn đêm.
152.
153. Tuy nhiên, phát triển việc cầu nguyện được gọi là liên lỉ mà không dành những thời gờ nhất định và riêng biệt để cầu nguyện sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Ðức Giêsu trải qua những đêm cầu nguyện, nhưng chúng ta cũng biết rằng sau đó Ngài đã lên Ðền Thờ hoặc vào hội đường cầu nguyện cùng với những người khác. Và ba lần mỗi ngày ; lúc mặt trời mọc, sau trưa vào giờ hiến lễ ban chiều, và khi mặt trời lặn, Ngài hợp lòng với mọi người Dothái đạo đức quay về Ðền Thờ và đọc các kinh nguyện thường ngày. Thánh Augustinô viết : "Vì vậy, chính trong lòng tin, cậy, mến, bằng ước muốn liên lỉ mà chúng ta cầu nguyện luôn luôn, nhưng chúng ta cũng dùng lời nói mà dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện xin vào những khoảng thời gian và hoàn cảnh ấn định. Ðiều này nhằm làm cho chúng ta, qua những dấu hiệu cụ thể, biết được, hiểu được mình đã tiến tới thế nào trong niềm khao khát Thiên Chúa và để khích lệ chúng ta làm cho ước muốn đó tăng triển hơn nữa 22".
154.
155. Khi cầu nguyện trở nên nặng nề và chán nản.
156.
157. Chúng ta phải hết sức tránh giản lược hóa việc cầu nguyện, hoặc tránh nghĩ rằng một khi đã khám phá ra một cách cầu nguyện nào đó, chúng ta có thể duy trì nó cho tới chết. Cầu nguyện cũng như cuộc sống, không tránh khỏi những mùa lên cao và mùa xuống thấp. Và có một mùa sớm muộn gì cũng đến, không tránh được, đó là mùa đông. Ðừng nuôi ảo tưởng. Ðến một lúc mà việc cầu nguyện như thiên nhiên vào mùa đông, trơ trụi, như thể chết đi. Bấy giờ cầu nguyện trở nên như một cuộc chiến đấu, khổ nhọc, ngắc ngoải. Nó không còn là làn nước từ trời rơi xuống hay dòng nước chảy tự nhiên, trên mặt hay ngầm dưới đất, mà là một thứ nước, nói như thánh Têrêsa Avila, phải kín lấy từ đáy giếng với một cái xô, bằng sức mạnh của đôi tay, và một phần khá lớn lại bị rơi rớt trên đường 23.
158.
159. Có nhiều hình thức chiến đấu khác nhau trong cầu nguyện. Hình thức đầu tiên là chống lại sự chia trí. Các thánh đã có kinh nghiệm này. Chính thánh Têrêsa Avila thừa nhận : "Có những lúc, tôi không có lấy một ý tưởng chính xác hay hợp lý nào về Thiên Chúa hoặc về bất cứ sự lành nào, tôi không thể cầu nguyện được dù đang ở nơi cô tịch. Tuy nhiên tôi lại ý thức rất rõ rằng mình đã có một kiến thức tổng quát về Thiên Chúa. Ở đây, trí hiểu và trí tưởng tượng thất tai hại cho tôi, tôi hiểu điều đó. Còn về ý chí, tôi thấy ý chí tốt và hợp với mọi điều lành. Ngược lại, trí tuệ thì quá nhớn nhác, vẫn vơ, đến nỗi nó giống như một người điên dữ tợn, không ai kìm được ; vì thế tôi bất lực, không thể cầm trí trong khoảng thời gian đọc một Kinh Tin Kính 24".
160.
161. Cầu nguyện trong tình trạng này cũng tương tự như ra khơi với chiếc thuyền nhỏ mà đáy lại bị nước vào, qua nhiều vết nứt. Trong thời gian chỉ lo tát nước khỏi thuyền, không thể làm việc gì khác, bởi lẽ, chỉ cần dừng tay một chút là con thuyền đầy nước, muốn chìm. Không thể khoanh tay nhìn ngắm bầu trời. Rồi đến lúc quay vào bờ bạn mới thấy mình đi mà không ngắm được gì, ngay cả một cái nhìn thanh thản lên khoảng trời xanh, hay nhìn ra biển rộng ; cũng không bắt được con cá nào, chỉ thấy mình làm một công việc duy nhất là tát nước khỏi thuyền. Chúng ta cầu nguyện là để hưởng nếm Chúa, chiêm ngắm những kỳ công của Người, lắng nghe Người, khám phá nơi Người, nơi chúng ta những điều mới lạ, ấy thế mà tâm trí chúng ta lại "phân tán" đầy những chia trí lo ra. Trong tình trạng như thế, cầu nguyện trở thành một cuộc chiến đấu mệt nhọc chống lại những ý tưởng phù phiếm, vô ích và cũng không có cách nào để thoát khỏi : phải chấp nhận lao đao khó nhọc.
162.
163. Nếu là cuộc chiến đấu chống lại sự chia trí, thì cần phải trang bị cho mình đức kiên nhẫn, lòng can đảm, và đừng để mình rơi vào lầm tưởng, nghĩ rằng tiếp tục cầu nguyện là vô ích. Tốt hơn, hãy tìm cách thích nghi cách khiêm tốn. Hãy đọc những lời kinh ngắn hơn, ngay cả đọc thật nhanh như chạy, tất cả những điều chúng ta thấy cần để Chúa biết đến. Ðể nói những lời : "Lạy Chúa Giêsu, con yêu Chúa, con tin, con cậy nơi Ngài. Con ăn năn mọi tội con phạm, xin tha hết cho con. Cám ơn Chúa về ơn ban Thánh Thần. Cám ơn Chúa vì Chúa đang ở đây và con biết Chúa đang lắng nghe con !" Phải dùng bao nhiêu thời gian ? Chỉ một vài giây, thế nhưng tôi đã nói lên điều chính yếu và Chúa đã lắng nghe. Chúng ta cần phải khám phá lại vẻ đẹp của "những lời nguyện tắt, oraisons jaculatoires", những lời kinh ngắn gọn, phóng thẳng lên như những mũi tên (iacula). Một số người khác, trong những trường hợp tương tự, lại thấy ích lợi khi lặp đi lặp lại những kinh mà mình đặc biệt yêu thích. Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu viết ; "Ðôi lúc, khi tâm trí tôi rơi vào tình trạng khô khan đến nổi không thể nào rút ra được một ý tưởng giúp kết hiệp với Chúa, thì tôi đọc thật chậm kinh "Lạy Cha", sau đó là kinh Truyền Tin. Bấy giờ, những kinh đó làm tôi vui say, nuôi dưỡng tâm hồn tôi hơn là nếu tôi đọc những kinh đó hàng trăm lần với cách vội vàng 25".
164.
165. Mỗi người có một cách thế, và mỗi cách thế sẽ không bao giờ hoàn hảo hay chiến thắng trong mọi trường hợp, chính vì đó là thời của thất bại, thời mà chúng ta cần phải nhận rằng, nếu có những lúc mình cầu nguyện sốt sắng thì đó hoàn toàn là bởi Chúa. Một đoạn Thánh Vịnh 31 mô tả lời cầu nguyện đó rất tuyệt vời :
166.
167. "Còn tôi, trong cơn hốt hoảng tôi đã kêu lên : "Tôi bị truất khỏi mắt Người"
168. Song Người đã nghe tiếng tôi nài van lúc tôi kêu cứu với Người" (Tv 31, 23).
169.
170. Vì chúng ta không cảm thấy gì cả, dường như Thiên Chúa không nghe gì cả, Người không lắng nghe lời chúng ta xin, dường như chúng ta bị đuổi khỏi Thánh Nhan Người. Nhưng ngược lại, chính lúc đó, Người rất chăm chú lắng nghe và hài lòng hơn bao giơ �hết.
171.
172. Mặc dù chúng ta rút được rất ít lợi ích từ việc cầu nguyện đó, nhưng quan trọng là không tự nhận mình thất bại và không rời bỏ cầu nguyện dần dần để đắm mình vào công việc. Khi Thiên Chúa vắng mặt thì điều quan trọng là chỗ của Người vẫn phải để trống, chứ không để một ngẫu tượng nào đó chiếm lấy, ngẫu tượng công việc chẳng hạn. Ðể tránh rơi vào điều tệ hại đó, chúng ta nên thỉnh thoảng ngừng công việc để ít là nghĩ tới Chúa, hoặc ít ra hy sinh chút thời gian cho Ngài. Ðối với Thiên Chúa, đó là một bông hoa cầu nguyện, mặc dầu đối với chúng ta là "ăn miếng bánh lầm than đau khổ" (x. Tv 127, 2).
173.
174. Trong hạnh các thánh Giáo Phụ sa mạc, chúng ta đọc thấy một giai thoại như sau về thánh Antôn Cả, tổ phụ các vị ẩn tu : "Một hôm, khi còn sống trong sa mạc, cha thánh Antôn cảm thấy chán nản, bóng tối dày đặc phủ vây tâm trí. Và ngài thưa với Chúa : "Ôi lạy Chúa ! Con muốn trốn thoát, nhưng rồi những suy nghĩ ngăn cản con. Con có thể làm gì trong cơn sầu não này ?" Thế rồi, khi đi ra một quãng, ngài thấy một người cũng là ẩn sĩ như ngài, đang ngồi làm việc, rồi vị ẩn sĩ dừng công việc đứng lên cầu nguyện, rồi lại ngồi xuống dệt chiếu, sau đó lại đứng lên và cầu nguyện. Ðó là một sứ thần của Thiên Chúa được sai đến để nâng đỡ thánhAntôn và ban sức mạnh cho ngài. Và thánh nhân nghe sứ thần Chúa nói với mình : "Hãy làm như thế và con sẽ được giải thoát". Nghe những lời đó, thánh nhân tràn đầy niềm vui và can đảm, ngài đã làm như thế và đã được giải thoát 26". Thánh� Antôn đã hiểu rằng không thể cầu nguyện lâu giờ mà không chia trí, thỉnh thoảng nên dừng công việc lại để đọc những câu kinh vắn tắt. Có lẽ vị sứ thần Chúa đó cũng đang nói với tôi, người viết và với bạn là người đang đọc, những lời đã nói với thánh Antôn xưa kia : "Hãy làm như thế và con sẽ được giải thoát".
175.
176. Tất cả những điều đó không vô ích. Thiên Chúa phải chăng cần đến hay cảm thấy được an ủi vì lòng sốt sắng của chúng ta, hay vì những lần chúng ta xuất thần ? Những cuộc xuất thần của chúng ta thêm gì cho Chúa ? Ðiều Ngài cần đó là sự tùng phục của chúng ta, lòng khiêm hạ của chúng ta, sự trung tín của chúng ta, những điều chúng ta có thể đạt được nhờ cầu nguyện, khi nó trở thành một cuộc chiến đấu đầy lao nhọc.
177.
178. Chúng ta gặp thấy một hình thức cầu nguyện chiến đấu khác (prière de lutte) tế nhị và khó khăn hơn nhiều, đó là cuộc chiến đấu với Thiên Chúa. Ðiều xảy ra khi Thiên Chúa đòi hỏi bạn một điều gì đó mà bản tính tự nhiên của bạn không sẵn sàng dâng cho Người và khi hành động của Thiên Chúa trở thành không thể hiểu nổi và làm cho bạn sững sờ, chưng hửng. Ông Yob đã nếm cuộc chiến đấu này. Có lẽ Ðức Maria cũng đã trải qua một lúc nào đó trong cuộc đời, như dưới chân Thập Giá chẳng hạn. Ðặc biệt là Ðức Giêsu đã trải qua cuộc chiến đấu đó trong vườn Ghetsêmani : "Sa cơn hấp hối (agonia), Ngài cầu nguyện càng khẩn thiết hơn" (bản dịch của cha Thuấn : lâm chiến, Ngài cầu nguyện ...). sa vào tâm trạng hấp hối, ngắc ngoải, Ðức Giêsu chẳng những không ngừng cầu nguyện mà còn cầu nguyện "càng khẩn thiết hơn". Ngài trở nên mẫu gương tuyệt hảo cho việc kiên trì cầu nguyện.
179.
180. Nhưng vì sao Ðức Giêsu lại chiến đấu ? Ðây chính là một bài học lớn lao mà chúng ta cần phải học. Ngài không chiến đấu để khiến Thiên Chúa phải thuận theo ý Ngài, nhưng để ý nhân loại của Ngài tuân phục Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh chúng ta gặp thấy một trạng huống tương tự : trạng huống này cho phép đo lường sự khác biệt giữa Ðức Giêsu và những người cầu nguyện khác. Ðó là cuộc chiến đấu của Giacob với Thiên Chúa (x. Kn 32, 23 - 33). Cuộc chiến đấu này cũng diễn ra vào ban đêm, bên kia khe Yabbog, như cuộc chiến đấu của Ðức Giêsu diễn ra trong đêm tối, bên kia suối Cédron. Tại sao Giacob lại chiến đấu với thiên thần khi cầu nguyện ? Ông nói : "Tôi không buông Người ra, từ khi là Người chúc lành cho tôi", nghĩa là bao lâu Người chưa làm cho tôi điều tôi xin Người. Ông còn nói : "Xin tỏ cho tôi biết Danh Người". Giacob tin chắc rằng nếu ông biết được danh đó thì nhờ vào uy lực của nó, ông có thể chiến thắng người anh đang săn đuổi ông. Nhưng, Thiên Chúa chỉ chúc lành chứ không tỏ cho ông biết Danh Người.
181.
182. Giacob cầu nguyện để Thiên Chúa phải thuận theo ý mình, Ðức Giêsu cầu nguyện để chính mình thuận theo ý Thiên Chúa. Chúng ta giống ai khi cầu nguyện trong giờ phút xao xuyến khắc khoải ? Nếu ngẫm nghĩ lại, thì phần nhiều chúng ta giống Giacob, giống con người của Cựu Ước chứ không giống Ðức Giêsu. Chúng ta chiến đấu để khiến Thiên Chúa thay đổi quyết định của Người. Chúng ta chiến đấu để Ngài cất Thập Giá khỏi chúng ta hơn là để có khả năng vác Thập Giá với Ngài. Với Giacob, Thiên Chúa không tỏ cho biết Danh Người, Danh tượng trưng cho quyền năng Thiên Chúa. Với Ðức Giêsu, Thiên Chúa ban cho một Danh vượt trên mọi danh, và là Danh mang lại mọi quyền năng (x. Ph 2, 11).
183.
184. Cầu nguyện bức bách.
185.
186. Trong tình trạng khô khan, phải chiến đấu này, chúng ta còn phải khám phá một hình thức cầu nguyện đặc biệt khác : cầu nguyện bức bách. Thánh Angèle de Foligno viết : "Nếu với ơn Chúa, bạn cầu nguyện cách sốt sắng, bạn tỉnh thức và chịu khó làm việc lành thì đó là điều tốt, đẹp lòng Chúa ; nhưng nếu ơn Chúa giảm đi mà bạn vẫn không giảm bớt cầu nguyện, tỉnh thức và làm việc lành, thì điều đó còn làm đẹp lòng Chúa hơn nữa. Khi không còn ân sủng, bạn cũng hãy hành động như khi bạn có ân sủng ... Hỡi con, hãy làm phần của mình và Thiên Chúa sẽ làm phần của Người. Cầu nguyện trong sự ép mình, bức bách chính mình là điều rất đẹp lòng Chúa 27". Giờ phút cầu nguyện của Ðức Giêsu trong vườn Ghetsêmani là giờ phút cầu nguyện bức bách. Ngài sấp mặt xuống đất, đứng dậy, trở về với các môn đồ, quay trở lại, quì xuống một lần nữa, mồ hôi như máu vã ra (x. Mt 26, 36tt ;����������� Lc 22, 44). Bản văn nói về việc Ðức Giêsu những ngày còn tại thế "đã dâng lời cầu xin khẩn nguyện với lớn tiếng kêu van cùng nước mắt" (x. Hr 5, 7) chính là dựa vào giờ phút đó.
187.
188. Việc cầu nguyện này có thể thực hiện với thân xác hơn là với tinh thần. Thường ý chí truyền khiến tâm trí thì tâm trí không tuân phục, còn truyền khiến thân xác thì thân xác lại tuân phục. Một kết ước thầm kín gắn liền ý chí với thân xác, và vì thế cần phải xử dụng thân xác để làm cho tâm trí tỉnh lại. Thường thường, khi ý chí của chúng ta không thể truyền cho tâm trí phải có hoặc không được có những ý tưởng nào đó, thì nó vẫn có thể truyền khiến thân xác : truyền cho gối phải bái quì, tay khoanh lại, mở miệng ra đọc lên lời nào đó, chẳng hạn : "Vinh Danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần".
189.
190. Chúng ta đừng coi thường cách cầu nguyện bằng thân xác này, vì có những lúc, đó là điều duy nhất chúng ta có thể làm được. Nó hàm chứa một bí ẩn. Khi tâm hồn chúng ta bị thúc bách bởi tiếng kêu nổi loạn hoặc bởi những tâm tình, ý tưởng sôi sục thù hận đối với anh em, bạn hãy đến trước Nhà Tạm hay trước một ảnh Chịu Nạn, rồi cứ quì gối xuống. Bạn đã làm gì ư ? Bạn đã đặt mọi kẻ thù của Ðức Kitô cuống dưới bệ chân Ngài ! Hãy đứng lên đi, bạn đã chiến thắng. Isaac người Syrie có một câu nói tôi thấy thật tuyệt vời : "Khi lòng đã chết và không còn có lấy một lời kinh hay lời khẩn nguyện nào, thì chớ gì người có thể gặp thấy chúng ta đang phủ phục, sấp mặt xuống đất mãi mãi".
191.
192. Cách thế duy nhất để chúng ta tiếp tục là những người chuyên cần cầu nguyện lúc bấy giờ là : lưu lại bằng thân xác của bạn, trong nhà thờ hay trong nơi bạn đã chọn để cầu nguyện, "lưu lại" trong cầu nguyện, thế thôi. Chúa biết chúng ta có thể đi làm hàng ngàn công việc khác ích lợi hơn, mà chúng ta cũng thích làm hơn, nhưng dù không làm được gì chúng ta cũng cứ ở đó cho hết thời gian như thời biểu đã ấn định hoặc do chúng ta quyết định dâng cho Ngài. Ðối với Ngài đó là "hương thơm của con mình". Với người môn sinh than vãn không thể cầu nguyện vì những sự lo ra chia trí, một tu sĩ ngày xưa đáp : "Tư tưởng của con đi đâu mặc nó, nhưng thân xác chúng ta thì hãy cứ lưu lại trong cầu nguyện ! Và nếu bạn không thể làm gì khác, bạn hãy để người anh em hèn mọn là thân xác quì xuống, rồi ngước mắt lên trời thưa với Chúa : "Lạy Chúa, thân xác con cầu nguyện với Chúa đây !" Với tất cả cố gắng xem ra vô ích đó, trên thực tế, chúng ta đón nhận được Chúa Thánh Thần.
193.
194. Những trạng huống như vậy là thời gian nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta có một người mẹ, một bậc thầy về cầu nguyện. Cách đây ít năm, tôi có sống một thời gian trong sự cô tịch của một tu viện nhỏ dòng Phanxicô. Một bé gái trong vùng thường đến quì bên thầy này hoặc thầy nọ mà em thấy đang cầu nguyện, em khoanh tay lại rồi nhìn vào mắt thầy đó mà nói cách hết sức vững vàng : "Nào, thầy dạy cho con cầu nguyện đi !". chúng ta có thể bắt chước em bé đó. Hình dung mình đang ở bên cạnh Ðức Maria và nói với Người : "Mẹ dạy con cầu nguyện đi !"
195.
196. Theo một nghĩa nào đó, suy niệm dài của chúng ta về cầu nguyện đã là một cách thế chuyên cần cầu nguyện trong sự chờ đợi Thánh Thần. Một cách thế thực tiễn, giản dị để luôn là những người chuyên cần cầu nguyện cùng với Ðức Maria, Mẹ Ðức Giêsu, đó là chuỗi Mân Côi. Chuỗi Mân Côi giúp chúng ta sống lại tất cả các mầu nhiệm, và biến tất cả Kinh Thánh cũng như lịch sử cứu độ thành kinh nguyện. Xin Ðức Maria cũng hãy làm Người Mẹ đỡ đầu đầy nghị lực và yêu thương đối với chúng ta, chuẩn bị chúng ta lãnh nhận Phép Rửa bằng Thánh Thần và tham dự vào Lễ Ngũ Tuần. Chớ gì, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, lời hứa của Ðức Giêsu cũng được thực hiện cho cả chúng ta : "Còn các ngươi, không mấy ngày nữa sẽ được Thanh Tẩy trong Thánh Thần" (Cv 1, 5).
197.
198. CHÚ THÍCH
199.
200. 1. Dei verbum 8.
201. 2. Manuscrits autobiographiques B, f. 3 (éd. Carmel de Lisieux 1957, p. 229).
202. 3. Thomas de Celano. Deuxième vie de Saint Francois d�Assise 95 (Documents, cité, p. 405).
203. 4. Saint Augustine, Sur la première lettre de Jean 4, 6 (PL 35, 2008).
204. 5. Saint Jean de la Croix, Poèmes, dans Oeuvres complètes, Bruges-Paris, Desclée de Brouwer, 1967.
205. 6. Saint Grégoire de Narek, Prières 12 (SCh 78, p. 103).
206. 7. M. M. Philipon, Conchita, Journal spirituel d�une mère de famille, Paris, Desclée de Brouwer 1974,
207. ��� p. 183s.
208. 8. Saint Augustine, Confessions IX, 10s.
209. 9. S. Kiergaard, Le journal du séducteur, Paris, Gallimard, 1943, p. 60.
210. 10. Saint Augustine, Sur les Psaumes 37, 14 (CC 38, p. 392).
211. 11. Homélie spirituelle attribuée à saint Macaire l�Égyptien 18, 7ss (PG 34, 649).
212. 12. Le livre de la Bienheureuse Angèle de Fologno, cité p. 388 - 390.
213. 13. Ignace de Latakia, Dossier d�Uppsala 1968, Genève, WCC 1969, p. 298.
214. 14. Cf. C. Schneider, Die Apostelgeschichte, I, Fribourg-en-Br., 1980, ad loc.
215. 15. Saint Augustine, Sermon 267, 4 (PL 38, 1232).
216. 16. Ibid.
217. 17. Saint Augustine, Sur la première lettre de Jean 6, 6 - 8 (PL 35, 2023).
218. 18. Tagore, Gitanjali 50.
219. 19. Anonyme, Récits d�un pélerin Russe I.
220. 20. Saint Augustine, Lettres 130, 10, 19 - 20 (CSEL 44, p. 62s).
221. 21. Anonyme, La nuée de l�inconnaissance 4, Paris, Seuil, 1977 p. 29s.
222. 22. Saint Augustine, Lettres 130, 9, 18 (CSEL 44, p. 60s).
223. 23. Sainte Thérèse d�Avila, Vie XI, 9.
224. 24. Ibid. XXX, 16.
225. 25. Sainte Thérèse de l�Enfant Jésus, Manuscrits autobiographiques C, f. 25 (éd. Citée, p. 291).
226. 26. Apophtegmes des Pères, Antoine I (PG 65, 76).
227. 27. Le livre de la Bienheureuse Angèle de Foligno, cité, p. 576 ss.
228. 28. Apophtegmes des Pères du manuscrit Coislin, n. 205 (éd. Nau. Revue de l�Orient chrétien 13, 1908,
229. ����� p. 279).
230. 8. "THÁNH THẦN SẼ ÐẾN TRÊN NGƯỜI".
231.
232. ÐỨC MARIA, CON NGƯỜI CỦA THÁNH LINH, CỦA ÐẶC SỦNG THÁNH THẦN ÐẦU TIÊN TRONG GIÁO HỘI.
233.
234. Thánh Thần tái hoạt động.
235.
236. Nếu có thể nói đến một ơn đặc biệt của Giáo Hội hôm nay thì phải nói đó là ơn liên hệ đến chính Chúa Thánh Thần. Thế kỷ của chúng ta, đặt trong lịch sử Giáo Hội, sẽ mãi là thế kỷ Thánh Thần hoạt động. Không những do việc tái khám phá chỗ đứng của Chúa Thánh Thần trong thần học và phụng vụ Công Giáo sau Công Ðồng, mà hơn thế nữa, vì Giáo Hội cảm nghiệm thấy Thánh Thần đang liên tục được đổ xuống "trên mọi xác phàm", và từ đó làm nẩy nở các phong trào Thánh Linh, đặc sủng Thánh Thần khác nhau (mouvements pentecôtistes et charismatiques) trong hầu hết các Giáo Hội Kitô. Ðối với rất nhiều Kitô hữu, sấm ngôn của tiên tri Yôel, không chỉ là một trưng dẫn thú vị được thánh Phêrô đưa ra trong bài giảng ngày Lễ Ngũ Tuần, nhưng đã thành hiện thực sống động trước mắt họ. Họ có thể làm chứng rằng "Trong những ngày sau hết, Thiên Chúa đã đổ Thần Khí của Ngài trên mọi xác phàm : trên các con trai, con gái, người thanh niên, kẻ già lão, trên các tôi nam tớ nữ của Ngài"��������� (x. Yô 3, 1tt ; Cv 2, 17 - 18).
237.
238. Bất chấp mọi khó khăn, làn gió Hiện Xuống mạnh mẽ lại thổi trong Giáo Hội, và đó là hy vọng lớn lao nhất cho công cuộc hiệp nhất các Kitô hữu. Chính luồng gió này đã tạo nên sự hiệp nhất đại kết buổi ban đầu. Vào thời đó, có sự phân chia, phân rẽ sâu xa về mặt tôn giáo, chia cắt người Dothái với dân ngoại : và chúng ta cũng đã biết sự chia cắt đó gây rất nhiều đau khổ cho Giáo Hội tiên khởi. Vậy Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy Giáo Hội như thế nào để Giáo Hội đi đến với dân ngoại và đón nhận cả họ nữa trong cùng một niềm tin vào Ðức Kitô ? Ngài đã phán bảo chính thủ lĩnh của Giáo Hội là thánh Phêrô đến nhà Cornêliô, viên bách quản ngoại đạo, và trong lúc vị tông đồ còn đang phải giải thích các lý do khiến một người Dothái không thể bước vào nhà một người dân ngoại, thì Thánh Thần cho ngài tham dự vào một cuộc Hiện Xuống mới trên mọi người hiện diện, với những dấu hiệu, đặc tính y như lần Thánh Thần ngự xuống lần đầu tiên trên các tông đồ. Phêrô chỉ còn biết rút ra kết luận : "Nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cũng đồng một ơn huệ như Người đã ban cho chúng ta ... thì tôi là ai mà có thể ngăn cấm được Thiên Chúa ?" (Cv 11, 17).
239.
240. Ðó là điều đang tái diễn trong Giáo Hội hôm nay, một Giáo Hội cũng bị xâu xé bởi những phân ly, phân rẽ khác, ngay giữa những Kitô hữu với nhau. Thiên Chúa sai Thánh Thần của Ngài đến, thường là dưới những hình thức như nhau, trên các tín hữu thuộc các Giáo Hội Kitô khác nhau, để khiến chúng ta rút ra cùng một kết luận như thánh Phêrô : chúng tôi là ai mà có thể từ chối các anh em này, hay coi họ như người ở ngoài Thân Mình đích thực của Ðức Kitô, nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một Thánh Thần như chúng ta ? Làm sao cả họ nữa lại không thể thuộc về Thân Mình Chúa Kitô trong khi họ được Thần Khí của Ðức Kitô nuôi dưỡng thúc đẩy ?
241.
242. Một trong những điểm đang được Thánh Thần chữa lành các thương tích và chuẩn bị cho sự hiệp nhất, đó là điểm liên hệ đến Mẹ Thiên Chúa. Tôi mong muốn qua cuốn sách này, đóng góp phần nhỏ bé của mình theo chiều hướng đó. Trong suy tư thần học sau Công Ðồng, mối quan tâm mới về Chúa Thánh Thần cũng tác động đến khoa Thánh Mẫu học. Và điều này biểu hiện theo chiều ngược lại, không đi từ Ðức Maria tới Giáo Hội nhưng từ Giáo Hội tới Ðức Maria. Giáo Hội một khi tự khám phá thấy mình là Giáo Hội Thần Khí (Église pneumatique), được Thánh Thần thúc đẩy, làm cho sinh động, thì tự nhiên nhận thấy khuôn mẫu của mình là Ðức Maria, người mà nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, đã cưu mang Ðầu và Cứu Chúa của Giáo Hội.
243.
244. Mối quan hệ giữa "Ðức Maria và Thánh Thần" là một khía cạnh khá mới mẻ trong suy tư của Giáo Hội Latinh cũng như Giáo Hội Ðông phương. Tất cả những gì người ta có thể góp nhặt được trong tư tưởng của các Giáo Phụ và các tác giả Trung Cổ, kể cả thánh Bênađô, đều không vượt ra khỏi việc lặp lại một vài dữ kiện Kinh Thánh hiếm hoi, tức là Ðức Maria đã chịu thai "bởi tác động của Chúa Thánh Thần" với những chú giải rời rạc, thường nhằm làm sáng tỏ ngôi vị Thánh Thần hơn là chính Ðức Maria. Trái lại, ngày nay chúng ta chứng kiến nhiều cố gắng khác nhau có tính hệ thống nhằm quan hệ giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần. Ở đây cũng như những nơi khác, tôi mong muốn dừng lại ở Lời Chúa, ở các dữ kiện Kinh Thánh. Ðiều đó cho phép ta nói ít hơn về mối tương quan trên, buộc phải chừng mực, nhưng bù lại, nó giúp cho ta đứng trên một cơ sở vững chắc hơn và dễ được tất cả các Kitô hữu chấp nhận. Những hệ thống thần học lớn, nhất thiết phải dành nhiều chỗ cho những giả thiết và những nguyên tắc gắn liền với hệ thống này hay hệ thống nọ, và do đó có tính đặc thù hơn.
245.
246. Ngày nay, yếu tố mới soi sáng cho mối liên hệ giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần chủ yếu là do sự kiện : chúng ta có được hiểu biết sâu rộng hơn so với quá khứ về sự tiến triển trong mạc khải về Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh, tôi muốn nói đến một hiểu biết đầy đủ hơn về khoa Thánh linh học Thần Khí (Pneumatologie biblique). Hiểu biết này chúng ta có được là nhờ những công trình nghiên cứu Kinh Thánh hiện đại, nhất là nhờ một khoa học mới mẻ mà các Giáo Phụ chưa biết tới, đó là khoa thần học Kinh Thánh.
247.
248. Khi đọc Kinh Thánh, các Giáo Phụ theo phương pháp phân tích thuộc thời đại các ngài, phương pháp này giải thích từng cuốn sách, hết bản văn này sang bản văn khác, và mỗi bản văn thì giải thích hết chữ này sang chữ khác. Các ngài thiếu phương pháp lịch sử, là phương pháp giúp nắm bắt sự phát triển của một chủ đề xuyên qua toàn bộ Kinh Thánh, và ghi nhận không những những điểm giống nhau mà cả những điềm khác nhau giữa thời đại này với thời đại khác, giữa môi trường này với môi trường kia. Các ngài có cảm thức về tính duy nhất hơn là cảm thức về tính khác biệt trong Kinh Thánh. Có thể nói rằng, mỗi lần đọc Kinh Thánh là các ngài đọc "toàn thể trong từng phần", nghĩa là nơi mỗi bản văn các ngài muốn giải thích, các ngài đều thấy đó là một phản ánh của toàn thể Kinh Thánh, không hề có sự đối nghịch. Chúng ta thì ngược lại, thích đọc "từng phần trong toàn thể", định vị một bản văn trong văn mạch của nó, soi sáng một đoạn Kinh Thánh bằng văn thể, bằng môi trường nguyên thủy của nó.
249.
250. Áp dụng vào chủ đề "Ðức Maria và Chúa Thánh Thần", tôi muốn theo phương pháp thật đơn giản. Tôi sẽ thử giải thích phương pháp này. Ðể biết về mối liên hệ giữa Chúa Thánh Thần và Ðức Maria trong mầu nhiệm Nhập Thể, và trong lễ Hiện Xuống (Ngũ Tuần), chúng ta có� Tin Mừng Luca ; và riêng về mầu nhiệm Nhập Thể, có� Tin Mừng Matthêu. Vậy chúng ta xem thử đâu là quan niệm đặc biệt của thánh Luca về Chúa Thánh Thần. Tác động của Chúa Thánh Thần khi Ngài đến tìm một người hay trên Giáo Hội, đối với Luca là tác động gì ? Từ đó chúng ta khám phá ra điều mà, theo thánh Luca, Chúa Thánh Thần thực hiện nơi Ðức Maria. Nhờ thế, chúng ta có thể tìm cách khai thác những dữ kiện hiếm hoi liên quan đến Ðức Maria và Chúa Thánh Thần, nhưng không khởi sự bằng cách khai triển mang tính chất hệ thống và suy lý, vì điều này tất sẽ dễ đưa vào những yếu tố chủ quan, mà sẽ khởi sự bằng cách khai triển rộng bên trong Kinh Thánh, và như thế sẽ có được tính thuần nhất và khách quan, vì được đặt trong cùng một não trạng và được diễn tả bằng ngôn ngữ của cùng một tác giả. Ðiều này có nghĩa là giải thích một bản văn dựa vào văn mạch của nó, như người ta phân tích một miếng vải nhỏ khi biết được tấm vải lớn từ đó nó được cắt ra. Chúng ta sẽ thấy công trình Chúa Thánh Thần thực hiện cho toàn thể Giáo Hội được phản ánh, thu nhỏ nơi Ðức Maria như thế nào.
251.
252. Ðức Maria và Chúa Thánh Thần trong� Tin Mừng Luca.
253.
254. Trong sách Công Vụ, thánh Luca trình bày Ðức Maria chuyên cần cầu nguyện trong sự chờ đợi Chúa Thánh Thần. Ở đầu sách� Tin Mừng, ngài trình bày cũng chính Ðức Maria là người đợi Thánh Thần ngự xuống trên mình. Một số yếu tố gợi cho thấy có sự song song (parallélisme) chặt chẽ giữa việc Chúa Thánh Thần xuống trên Ðức Maria vào ngày� Truyền Tin và việc Ngài xuống trên Giáo Hội vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Sự song song này hoặc do chủ ý của thánh sử, hoặc do sự tương hợp khách quan giữa hai hoàn cảnh.
255.
256. Thánh Thần được hứa ban cho Ðức Maria như là "quyền năng Ðấng Tối Cao" "sẽ đến" trên Người (x. Lc 1, 35). Thánh Thần cũng được hứa ban cho các tông đồ như là "quyền năng Trên ban" "sẽ đến" trên họ (x. Lc 24, 29 ; Cv 2, 8). Sau khi nhận lãnh Thánh Thần, Ðức Maria đã cất lời ngợi khen chúc tụng (megalynei) những việc lớn lao (megala) Chúa đã thực hiện nơi Người, bằng một ngôn ngữ thần hứng (Lc 1, 46 - 49). Cũng vậy, sau khi lãnh nhận Thánh Thần, các tông đồ bắt đầu dùng những ngôn ngữ khác nhau mà công bố những việc lớn lao (megaleia) của Thiên Chúa (x. Cv 2, 11). Công Ðồng Vaticanô II đã cho thấy có một mối liên hệ giữa hai biến cố : nơi nhà Tiệc Ly, ta thấy "Ðức Maria tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần, là Ðấng đã rợp bóng trên Người trong ngày Truyền Tin 1".
257. Tất cả những điều này chỉ có tầm quan trọng tương đối so với khẳng định hết sức rõ ràng về Ðức Maria được thuật lại trong� Tin Mừng : "Thánh Thần sẽ đến trên Người và quyền năng Ðấng Tối Cao trên Người rợp bóng" (Lc 1, 35). Song song với khẳng định rõ ràng này, chúng ta có thể thấy trong� Tin Mừng Luca có một sự kiện khác cũng bộc lộ cho thấy điều đó. Sau khi được Thánh Thần ngự xuống, Ðức Maria được sai đến với ai thì người đó, đến lượt mình, cũng được Thánh Thần đụng chạm tới hoặc thúc đẩy bên trong� (Lc 1, 41 ; 2, 27). Chắc chắn rằng chính sự hiện diện của Ðức Giêsu mới phát tỏa Thần Khí, nhưng Ðức Giêsu lại ở trong Ðức Maria và hành động nhờ Người : Người là như Hòm Bia hay Ðền Thờ Chúa Thánh Thần : đó chính là điều được gợi lên qua hình ảnh đám mây đã rợp bóng trên Người và cũng gợi nhớ đám mây tỏa sáng trong Cựu Ước, dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa hay việc Người đến nơi Trướng Tao Phùng (x. Xh 13, 22 ; 19, 16).
258.
259. Thánh Matthêu xác nhận dữ kiện căn bản đó về Ðức Maria và Chúa Thánh Thần khi ngài viết rằng, Ðức Maria "đã có thai do tự Thánh Thần" (Mt 1, 18), và thai sinh nơi Người là "do tự Thánh Thần"�� (Mt 1, 20).
260.
261. Giáo Hội đã đón nhận dữ kiện được Mạc Khải này và đã nhanh chóng đặt nó vào giữa kinh Tin Kính của mình. Từ cuối thế kỷ II, người ta đã gặp thấy trong kinh Tin Kính các Tông Ðồ lời khẳng định : "Ðức Giêsu sinh bởi Thánh Thần và bởi Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria". Trong Công Ðồng chung Constantinople năm 381, là Công Ðồng định tín về thần tính của Chúa Thánh Thần, điều khoản đức tin này đã có chỗ đứng trong kinh Tin Kính Nicée-Constantinople : Ðức Kitô được trình bày là "Bởi phép Chúa Thánh Thần, người đã Nhập Thể trong lòng Trinh Nữ Maria".
262.
263. Như thế, đây là một dữ kiện đức tin được tất cả các Kitô hữu đón nhận, Ðông phương cũng như Tây phương, người Công Giáo cũng như người Tin Lành, và là một nền tảng chắc chắn, có bề dày của nó. Ðức Maria xuất hiện như là người được liên kết với Chúa Thánh Thần bằng một mối dây khách thể, cá vị và bất khả hủy : mối dây đó là chính con người Ðức Giêsu mà hai Ðấng cùng sinh ra, dù rằng phần đóng góp của mỗi bên hoàn toàn khác nhau. Nếu người ta muốn tách rời Ðức Maria khỏi Chúa Thánh Thần thì cũng phải tách rời chính Ðức Kitô nữa, vì các hoạt động khác nhau của Ðức Maria và Chúa Thánh Thần đã được cụ thể hóa và thể hiện (khách thể hóa, objectivées) nơi Ngài cách vĩnh viễn. Dù người ta có muốn hay không muốn gọi Ðức Maria là Hiền Thê của Chúa Thánh Thần, như thánh Phanxicô Assisi và các vị thánh khác sau ngài đã gọi, thì vẫn phải nhận rằng : Ðức Giêsu đã nối kết Ðức Maria và Chúa Thánh Thần còn sâu xa hơn một người con nối kết cha và mẹ mình, vì nếu đứa con, chỉ nguyên sự hiện diên của nó, đã nói lên việc cha và mẹ kết hợp với nhau theo xác thịt trong giây lát, thì người con là Ðức Giêsu nói lên rằng Chúa Thánh Thần và Ðức Maria đã kết hợp "theo Thần Khí" và do đó, là sự kết hợp cách bền vững, vĩnh viễn. Ngay cả nơi Giêrusalem Thiên Quốc, Ðức Giêsu Phục Sinh vẫn là Ðấng đã được "sinh ra bởi Chúa Thánh Thần và bởi Ðức Trinh Nữ Maria". Trong Bí Tích Thánh Thể cũng vậy, chúng ta nhận lãnh Ðấng đã được "sinh ra bởi Chúa Thánh Thần và bởi Trinh Nữ Maria".
264.
265. Giờ đây dựa vào thánh Luca và� Tin Mừng Nhất Lãm nói chung, chúng ta hãy tìm hiểu Chúa Thánh Thần là Ðấng nào và Ngài đã thực hiện điều gì. Ở đây chúng ta có thể dựa vào sự tiến triển trong hiểu biết về Chúa Thánh Thần mà tôi đã nói ở trên. Luca và nhất là Matthêu, đã đi theo tới cùng một hướng phát triển của Maạc Khải về Chúa Thánh Thần, hướng phát triển này gắn liền với Cựu Ước. Theo hướng tư tưởng đó, Chúa Thánh Thần được trình bày như là "sức mạnh của Thiên Chúa khiến con người có thể tuyên ngôn và thực hiện các hành động mà tự sức con người không thể nào làm��� được 2".
266.
267. Ðể nắm vững khía cạnh đặc biệt của quan điểm trên, chúng ta cần nhớ lại một hướng phát triển mạc khải về Chúa Thánh Thần quan trọng khác, hướng này đạt tới đỉnh cao của nó nơi thánh Gioan và thánh Phaolô : theo hướng tư tưởng này, Chúa Thánh Thần được xem như sức mạnh thánh hóa, chiếm hữu con người, biến đổi cõi lòng và làm nên một tạo vật mới. Trong trường hợp thứ nhất, Chúa Thánh Thần đến trên một người để làm cho người đó có khả năng thực hiện một hành vi vượt quá sức mình. Hành động của ngài không dừng lại nơi người nhận lãnh, tiên tri, thủ lãnh, người được linh hứng hay một ai khác, nhưng qua người đó, tác động đến cộng đoàn hay lịch sử. Nơi bản thân và trước mặt Thiên Chúa, người lãnh nhận Thánh Thần có thể vẫn như trước kia, rất ít hoặc không hề được biến đổi do việc Thánh Thần đi qua con người mình. Trong trường hợp thứ hai thì không như thế : tác động của Chúa Thánh Thần trực tiếp nhằm vào người lãnh nhận Ngài, dừng lại, lưu lại nơi người đó và làm nẩy sinh một tình trạng mới, một đời sống mới. Hiển nhiên đây không phải là sự mâu thuẩn nội tại trong Kinh Thánh nhưng là hai cách thể hiện, cũng chân thật và có giá trị cứu độ như nhau của cùng một Thánh Thần, và độc giả Kinh Thánh không được tách biệt hay đối lập (như một đôi khi người ta đã làm một cách đáng tiếc), nhưng phải liên kết chúng với nhau. Cả ở đây nữa, cũng cần phải tìm lại "cái toàn thể" (le tout) và trong trường hợp này, cái toàn thể là chính Chúa Thánh Thần trong thực tại trọn vẹn của Ngài gồm cả Ðoàn Sủng và Ðức Ái.
268.
269. Quan niệm về Chúa Thánh Thần như là sức mạnh của Thiên Chúa, làm cho con người có khả năng thực hiện những hành động vượt trên sức nhân loại, lộ rõ hầu như trong mọi lần� Tin Mừng Nhất Lãm đề cập đến Thánh Thần. Thánh Thần đến trên Ðức Giêsu khi Ngài chịu Phép Rửa và chúng ta thấy Ðức Giêsu chiến thắng Satan trong những cơn cám dỗ, xua trừ ma quỉ, loan báo Nước Trời, giảng dạy với uy quyền và thực hiện những việc lạ lùng (Mt 12, 28). Hoạt động của Chúa Thánh Thần, mỗi lần thể hiện, đều đưa tới kết quả rõ ràng, có thể sờ chạm được. Vai trò độc nhất vô nhị của Ðức Giêsu bộc lộ qua việc Ngài là Ðấng mang Thánh Thần cách trọn vẹn, tối hậu, Ngài hành động luôn luôn là trong Thần Khí và là Ðấng "đầy" Thánh Thần (x. Lc 4, 1. 14, 18), không như các tiên tri hay những người được linh hứng trong quá khứ, vì họ hành động trong Thần Khí chỉ trong một số thời điểm.
270.
271. Hướng tư tưởng trên phát xuất từ Cựu Ước, trong đó Thần Khí (Ruăh) thường được xem như là sức mạnh sáng tạo của Thiên Chúa, sức mạnh này xâm chiếm con người và làm cho người đó được đầy khôn ngoan hoặc có được các năng khiếu nghệ thuật (x. Xh 31, 3 ; 35, 31) ; ban cho người khác đặc sủng tiên tri (Mt 3, 8) ; đổ tràn trên người khác nữa và ban cho người đó có khả năng cai trị phi thường (Ys 11, 2) hay khả năng biện biệt (x. Dn 13, 45 - 46).
272.
273. Hai trích dẫn của thánh Luca, một trong sách� Tin Mừng và một trong sách Công Vụ, làm sáng tỏ quan niệm nói trên về Thần Khí trong dòng tư tưởng của Cựu Ước. Trích dẫn thứ nhất lấy trong Isaia 61, 1 : "Thần Khí Chúa ngự trên tôi ..." Trích dẫn này muốn nói lên rằng : sức mạnh đặc sủng của Thần Khí đã đổ xuống đầy tràn viên mãn nơi Ðức Giêsu, trong tư cách là người và là Ðấng Mêsia, khiến Ngài có thể đem� Tin Mừng cho người nghèo khó, cho kẻ mù được thấy và giải thoát kẻ bị áp bức. Trong trích dẫn thứ hai, lấy từ sách Yôel 3, thánh Luca cũng khẳng định hoạt động của Thần Khí, nhưng là đối với Giáo Hội. Chính Thánh Thần làm cho Giáo Hội sẵn sàng trước sứ vụ tiên tri bằng cách ban cho Giáo Hội đủ các hình thức đặc sủng : chiêm điềm mộng, thị kiến và nhất là Thần Khí tiên tri (x. Cv 2, 17 - 18).
274.
275. Tuy nhiên, có một khía cạnh khiến cho hoạt động đặc sủng và tiên tri của Thánh Thần trong Giáo Hội khác biệt hơn so với Cựu Ước. Ngày xưa Thánh Thần được dành riêng cho một vài người và chỉ ban cho họ trong một số trường hợp nào đó, tùy theo sứ mạng riêng biệt của họ. Từ nay, Ngài được ban cho tất cả mọi thành phần của cộng đoàn mới và ban một cách thường xuyên. Như thế, lời ước nguyện của Môisê đã được thực hiện : "Phải chi toàn dân Giavê đều được làm tiên tri bởi được Giavê ban Thần Khí xuống trên họ" (Ds 11, 2a). vâng, mong ước đó đã trở thành hiện thực ; tất cả mọi người trong toàn dân Thiên Chúa đều là tiên tri.
276.
277. Ðức Maria, người được đặc sủng đầu tiên của Giáo Hội.
278.
279. Tất cả những điều trên cho chúng ta biết gì về mối liên hệ giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần ? Cho biết rằng : sau Ðức Giêsu, Ðức Maria là người được đặc sủng lớn lao nhất trong lịch sử cứu độ. Nhưng không theo nghĩa là người được hưởng số lượng đặc sủng nhiều nhất. Ngược lại là khác, vì xét bên ngoài, Người dường như không thực thi được mấy đặc sủng. Ðâu là những phép lạ Người thực hiện được ? Về các tông đồ, người ta bảo ngay cả bóng của các ngài cũng chữa lành được những bệnh nhân (Cv 5, 15). Còn về Ðức Maria, chúng ta không hề thấy Người làm được phép lạ, hành vi ngoạn mục hay kỳ diệu nào lúc sinh thời. Người là kẻ được đặc sủng lớn lao nhất chính là vì nơi Người, Thánh Thần đã thực hiện hành vi tuyệt vời nhất trong số các hành vi kỳ diệu của Ngài, đó là hành vi khơi dậy nơi Ðức Maria, không phải một lời khôn ngoan, không phải ơn cai trị, không phải một thị kiến, một giấc chiêm bao hay một lời tiên báo, mà là chính sự sống của Ðấng Mêsia !
280.
281. Khi chúng ta đọc thấy trong� Tin Mừng Luca : "Thánh Thần sẽ đến trên Người và quyền năng Ðấng Tối Cao trên Người rợp bóng", thì từ nay chúng ta hiều "Thánh Thần" đó là gì : là "quyền năng của Ðấng Tối Cao", là sức mạnh sáng tạo của Thiên Chúa hình thành nên sự sống của Hài Nhi vô song đó. Trong đoạn văn này cũng như trong Matthêu 1, 20 "niềm tin vào sự can thiệp sáng tạo của Thần Khí Thiên Chúa đã có trong Cựu Ước 3". Thánh Ambrosiô chú giải Lc 1, 35 rất hợp lý khi ngài viết : "Việc sinh con của Ðức Trinh Nữ Maria là công trình của Thánh Thần ... vì thế Thần Khí mà chúng ta biết là tác giả việc Nhập Thể của Chúa, là Thần Khí "sáng tạo", đó là điều chúng ta không thể nghi ngờ ... Ðiều đó bởi một người thì hoặc do bởi bản thể hoặc do bởi quyền năng người đó ... Vậy Ðức Maria lãnh nhận trong lòng điều do bởi Thánh Thần là theo nghĩa nào ? Chắc chắn không phải bởi bản thể của Ngài, vì như vậy Thánh Thần sẽ trở thành xương, thịt. Vậy nếu Ðức Trinh Nữ đã thụ thai nhờ hoạt động và quyền năng của Thánh Thần thì ai có thể phủ nhận Thánh Thần đó là Thánh Thần Sáng��� Tạo 4". Thánh Ambrosiô đã đồng hóa Thánh Thần được nói đến trong Lc 1, 35 với chính Ngôi Thánh Thần, Ngôi Ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Và điều này sẽ trở thành cách hiểu chung của toàn Giáo Hội, dưới ánh sáng mà giáo lý về Chúa Thánh Thần, trong quá trình phát triển, đón nhận từ nơi thánh Phaolô và Gioan, dù rằng thánh Augustinô sau này cẩn thận xác định rõ : Việc gán cho Thánh Thần công trình Nhập Thể cũng như việc linh hứng Thánh Kinh chỉ là sự qui gán thích hợp mà thôi (par appropriation), chứ tự thân thì đó là công trình của cả Ba Ngôi 5.
282.
283. Ðể hiểu rõ đặc tính độc nhất vô nhị của mối quan hệ giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể khởi đi từ mối quan hệ mà hành vi sáng tạo của Thiên Chúa thiết lập giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần, một mối quan hệ khác biệt và cao hơn, sánh với tất cả các tiên tri. Cho đến Gioan Tẩy Giả, lời Thiên Chúa "đến" trên các tiên tri (factum set verbum Domini super ,,,) (x. Lc 3, 2), theo nghĩa, Lời trở thành một "thực tại hoạt động" (réalité active) nơi họ. Còn nơi Ðức Maria, Lời không chỉ đến trong một khoảnh khắc, nhưng bởi phép Chúa Thánh Thần, Lời đã lưu ngụ nơi Người, Lời không chỉ trở thành thực tại hoạt động, mà đả trở thành xác phàm (Yn 1, 14). Hơn nữa, dù tiên tri đã "ăn" đã nhét đầy lòng cuộn sách ghi Lời Chúa (x. Yr 15, 16 ; Ez 3, 1tt ; Kh 10, 8tt). Nhưng điều đó có nghĩa gì sánh với điều đã xảy đến nơi Ðức Maria ? Lòng Người tràn đầy Lời, không phải chỉ theo nghĩa ẩn dụ mà là trên bình diện thực tại.
284.
285. Các Giáo Phụ đôi lúc đã gán cho Ðức Maria tước hiệu nữ tiên tri 6, nhất là khi nghĩ tới kinh Magnificat, hoặc vì áp dụng sai câu Kinh Thánh Ys 8, 3 7. Nói đúng ra, không thể xếp Ðức Maria vào hàng các tiên tri được. Tiên tri là người nói nhân danh Thiên Chúa. Ðức Maria đã không nói nhân danh Thiên Chúa, Người hầu như luôn luôn giữ thinh lặng. Nếu là tiên tri thì Người là tiên tri theo một nghĩa mới mẻ, tuyệt vời : Người đã "thốt ra" trong thinh lặng Lời độc nhất của Thiên Chúa, đã cho Lời đó chào đời.
286.
287. Tác động của Thánh Thần nơi Ðức Maria không phải chỉ là một trường hợp linh hứng tiên tri thông thường ; tác động đó có thể và phải được nhìn nhận như một đoàn sủng, và như là đoàn sủng lớn lao nhất chưa hề được ban cho một người nào, một đoàn sủng vượt trên cả đoàn sủng của các tác giả thánh được Thánh Thần linh hứng hay thúc đẩy để nói nhân danh Thiên Chúa (2P 1, 21). Thật vậy, đoàn sủng là gì, đâu là định nghĩa ? Thánh Phaolô cho ta biết : đó là "sự tỏ hiện đặc biệt của Thánh Thần để mưu ích chung cho mọi người" (1C 12, 7). Vậy có sự tỏ hiện nào của Thánh Thần "mưu ích chung cho mọi người" hơn là vai trò làm Mẹ Thiên Chúa của Ðức Maria ? Quả là đau lòng khi thấy giữa các Kitô hữu, có những nơi hoặc những nhóm Thánh Linh (groupes pentecôtistes) có thái độ hết sức thù địch đối với Ðức Maria. Một thái độ như thế không phải tự nhiên mà có : nó hẳn là di sản của những ngộ nhận trong quá khứ.
288.
289. Thần học cũng định nghĩa đoàn sủng (đặc sủng, charisme) như một ân sủng hoàn toàn nhưng không (gratis data), khác với hình thức tác động của Thánh Thần mà tôi có nói ở trên, tức là tác động mang lại một trái tim mới, phú ban lòng mến, ân sủng này làm cho tạo vật được nghĩa trước mặt Chúa (gratum faciens). Mẫu tính thần linh (vai trò làm Mẹ Thiên Chúa) thực sự là một ân sủng tuyệt đối nhưng không, hoàn toàn phát xuất từ lựa chọn tự do và tối thượng của Thiên Chúa.
290.
291. Khi đặt Ðức Maria trong mối liên hệ thâm sâu với Thánh Thần như thế, trước hết trong mầu nhiệm Nhập Thể, sau đó, theo một cách khác, trong ngày lễ Hiện Xuống, thánh Luca, theo cách quan niệm của mình về tác động của Thánh Thần, đã trình bày Ðức Maria như một con người của Thần Khí (créature pneumatique) đến mức tuyệt hảo, một người hành động dưới ảnh hưởng của Thánh Thần và như là nơi quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa tỏ lộ. Tuy nhiên, tất cả những điều đó không vì thế mà khiến chúng ta đi đến chỗ nghĩ rằng, mối liên hệ giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần chỉ mang tính chất khách thể (objective), hoạt động bên ngoài (opérative) chứ không động tới lãnh vực thâm sâu nhất của chủ vị (personne), với những tình cảm, xúc cảm của nó. Ðức Maria không chỉ là "nơi" Thiên Chúa hành động. Thiên Chúa đối xử với con người như� là con người chứ không phải như nơi chốn, Ngài coi họ như những cộng sự viên, như người đối thoại. Tiên tri Amos nói với chúng ta : "Ðức Chúa là Thiên Chúa không làm gì mà không mạc khải bí mật của Ngài cho các tôi tớ của Ngài là các tiên tri" (Am 3, 7). Vậy phải nói gì về Ðức Maria ?
292.
293. Luca biết rõ sự ngây ngất nhẹ nhàng mà Thánh Thần tạo nên qua tác động của Ngài. Ngài đã chứng tỏ điều đó trong cuộc đời Ðức Giêsu, Ðấng một ngày kia đã "hân hoan" dưới tác động của Chúa Thánh Thần (Lc 10, 21). Ngài ghi nhận điều đó nơi các tông đồ : sau khi lãnh nhận Thánh Thần, các vị bắt đầu nói nhiều thứ tiếng và đã ở trong tình trạng hân hoan lạ thường đến nỗi người ta đã nghĩ là các ngài say rượu (Cv 2, 13), sau cùng, ngài ghi nhận điều đó nơi Ðức Maria : sau khi Thánh Thần xuống trên Người, Người đã "đon đả" đi thăm Elizabeth và hát lên bài Magnificat, là bài ca diễn tả tất cả sự hân hoan của Người. Một nhà thần bí hiểu được những hiệu quả của tác động Thánh Thần, đã mô tả Ðức Maria trong lúc đó như sau : "Thánh Thần ngự xuống trên Người, nung đốt tâm hồn Người như một ngọn lửa thần linh và thánh hóa thân xác Người bằng sự tinh trong hoàn hảo, và "quyền năng Ðấng Tối Cao đã rợp bóng trên Người" để Người có thể chịu nổi sức rực nóng như thế. Như vậy, do tác động và sự hiện diện của Ngài, ngay lập tức một thân xác đã được hình thành, một linh hồn được tạo dựng và đồng thời cả hai được kết hợp với thần tính trong Ngôi Con, để cũng chính Ngài là Thiên Chúa và là người, cũng là một, các đặc tính riêng của mỗi một trong hai bản tính vẫn nguyên vẹn. Ôi nếu như bạn có thể hiểu được, dù chỉ là một chút, đám lửa rực cháy từ trời, sự dịu mát tỏa lan, niềm an ủi được ban tặng lúc bấy giờ như thế nào, mênh mông đến là bao ! Nếu bạn hiểu Ðức Trinh Mẫu được nâng lên đến phẩm giá nào, nhân loại được tôn cao và Ðấng Chí Tôn hạ cố lạ lùng đến mấy ! Nếu như bạn có thể nghe thấy những bài ca hoan lạc của Ðức� Nữ Trinh, được cùng với Ðức Bà ra đi lên miền núi, được chiêm ngắm sự ôm hôn ngọt ngào của người son sẻ và kẻ đồng trinh, chiêm ngắm cách đôi bên chào nhau, trong đó người tôi tớ hèn mọn nhận ra Chúa của mình, vị tiền hô nhận ra Ðấng Thẩm Phán, tiếng nhận ra Lời ! Tôi đoán chắc rằng, khi đó bạn sẽ cùng Ðức Trinh Nữ diễm phúc cất bài thánh ca : "Hồn tôi tôn dương Chúa ..." bằng giọng hát ngọt ngào, và tôi tin chắc bạn sẽ hợp cùng hài nhi tiên tri để tôn thờ sự thụ thai khiết trinh kỳ diệu trong niềm rung cảm, hân hoan 9".
294.
295. Chính Luther cũng cho rằng bài thánh ca của Ðức Trinh Nữ là do tác động phi thường của Chúa Thánh Thần. Người đã cảm thấy, cảm nghiệm Chúa Thánh Thần. Thánh Thần đã thực hiện một trong những quyền năng chính yếu của Ngài là khai mở tâm trí trước ý nghĩa của Lời, ban cho thông hiểu sâu xa các đường lối của Thiên Chúa. Ông viết: "Ðể hiểu rõ bài thánh ca ngợi khen này, cần lưu ý rằng Ðức Trinh Nữ Maria diễm phúc nói về chính kinh nghiệm của mình sau khi đã được Thánh Thần soi sáng và dạy dỗ. Bởi chưng, không ai có thể hiểu được Thiên Chúa cũng như Lời của Ngài nếu không được Thánh Thần trực tiếp ban cho. Nhưng, lãnh nhận hồng ân của Thánh Thần có nghĩa là có kinh nghiệm, cảm nghiệm như là ngôi trường riêng của Ngài, ngoài ngôi trường đó, người ta không thể học được gì ngoại trừ những ngôn từ, những chuyện ba hoa trống rỗng. Vì thế, Ðức Thánh Trinh Nữ, khi cảm nghiệm nơi bản thân, Thiên Chúa đã thực hiện nơi mình những điều cao cả, dẫu mình hèn mọn, nghèo khó, bị khinh khi, Thánh Thần đã dạy cho Người sự hiểu biết, khôn ngoan phong phú, theo đó Thiên Chúa chính là Ðấng thích nâng cao người khiêm hạ và hạ thấp kẻ muốn tự nâng cao 10".
296.
297. Ðức Maria, hình bóng của một Giáo Hội Thần Khí và đặc sủng.
298.
299. Ít có lãnh vực nào mà việc chuyển từ Ðức Maria sang Giáo Hội lại trong sáng và tự nhiên như ở đây. Từ những gì chúng ta đã thấy về mối quan hệ giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ làm sáng tỏ hai áp dụng có thể có được ; một áp dụng thuộc bình diện Bí Tích, liên quan đến Giáo Hội xét trong toàn thể, như là "Bí Tích phổ quát của ơn cứu độ", một áp dụng khác có tính cách cá nhân hơn, liên hệ đến chiều kích đoàn sủng của Giáo Hội và của những ai đã chịu Phép Rửa.
300.
301. Bản văn của Công Ðồng Vaticanô II cho chúng ta biết : "Bởi lòng tin và vâng phục, Ðức Maria đã sinh chính Con Chúa Cha nơi trần gian, mà không hề biết đến người nam, nhưng được Chúa Thánh Thần rợp bóng ... và Giáo Hội, khi chiêm ngưỡng sự thánh thiện huyền diệu của Ðức Maria, noi gương đức ái của Người và trung thành chu toàn Thánh Ý Chúa Cha, Giáo Hội cũng được làm Mẹ, nhờ đón nhận Lời Thiên Chúa trong lòng tin : Giáo Hội sinh hạ những người con được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và sinh bởi Thiên Chúa để họ lãnh nhận một đời sống mới và bất diệt 11".
302.
303. Bản văn này phản ánh một cách hiểu tín khoản : "Nhập thể bởi phép Chúa Thánh Thần và bởi Ðức Trinh Nữ Maria" theo nghiã Giáo Hội, cách hiểu này đã có từ rất xa xưa. Khi xác định việc sinh ra của Ðức Kitô là sự sinh ra "thuộc Thần Khí" (spirituelle) nghĩa là do tác động của Chúa Thánh Thần ; và là sự sinh ra "trinh khiết" (virginale) nghĩa là bởi Ðức Trinh Nữ Maria , điều khoản này của kinh Tin Kính đã được các Giáo Phụ xem như là nền tảng và khuôn mẫu của sự sinh ra Ðức Kitô cách Bí Tích bởi Trinh Nữ-Giáo Hội, do tác động của Thánh Thần. Một tác giả viết : giếng Rửa tội chỉ chính Giáo Hội "do tác động của Chúa Thánh Thần, trở thành Mẹ của tất cả các tín hữu mà vẫn khiết trinh 12". Thánh Ambrosiô viết : "Giáo Hội thánh thiện nguyên tuyền khi mang thai, phong nhiêu trong sinh hạ, là trinh nữ do sự trinh khiết của mình, là mẹ do con cái sinh ra. Giáo Hội sinh hạ chúng ta như một trinh nữ, mang thai không bởi nam nhân nhưng do Thánh Thần 13".
304.
305. Thánh Augustinô luôn luôn đặt điều khoản kinh Tin Kính về việc Ðức Giêsu sinh ra bởi phép Chúa Thánh Thần và bởi Ðức Trinh Nữ Maria trong mối liên hệ với điều khoản về "Hội Thánh". Về điều khoản thứ nhất, ngài viết : "Sinh bởi phép Chúa Thánh Thần và bởi đức Trinh Nữ Maria : đây là con đường mà Ðấng đã đến đã dùng để đi qua và là người mà Ngài đã đến cùng : Bởi Ðức Trinh Nữ Maria, nơi Người, Chúa Thánh Thần đã hành động chứ không phải một người chồng nhân loại ; Thánh Thần đã làm cho kẻ khiết trinh thụ thai mà vẫn giữ cho trinh khiết vẹn tuyền". Tiếp đến, trong cùng một bài giảng, chuyển sang điều khoản về Hội Thánh, ngài nói : "Hội Thánh vừa trinh khiết vừa sinh hạ. Hội Thánh noi theo Ðức Maria, Người đã sinh ra Chúa. Thánh Nữ Maria lại không phải là trinh nữ sao và dầu vậy, Người đã chẳng sinh hạ mà vẫn trinh khiết hay sao ? Về Giáo Hội cũng thế : Giáo Hội sinh hạ và đồng thời vẫn trinh khiết. Nếu suy nghĩ bạn sẽ thấy Giáo Hội thực sự sinh hạ Chúa Kitô, bởi lẽ những người được Rửa Tội là chi thể của Ngài. Vậy nếu Giáo Hội sinh ra các chi thể của Ðức Kitô thì điều đó muốn nói rằng Giáo Hội giống Ðức Maria trong mọi sự 14".
306.
307.
308. Mãi cho tới thời gian gần đây, trong thần học Công Giáo, giáo lý Kinh Thánh về Chúa Thánh Thần, theo đó Thánh Thần được trao ban để thực hiện một số hành vi siêu nhiên, hầu như chỉ còn áp dụng trong bình diện Bí Tích và trong sự thực thi Huấn Quyền, nghĩa là trong những hình thức thuộc về cơ chế. Trong Bí Tích Thánh Thể, Thánh Thần đến, biến đổi bánh và rượu bằng một tác động giống như tác động Ngài đã thực hiện trên Ðức Maria, khi Ngài làm nẩy sinh sự sống của Ðức Giêsu nơi Ðức Maria. Với Bí Tích Truyền Chức Thánh, Thánh Thần được trao ban cho một số người để họ có quyền thực hiện những hành vi siêu nhiên như tha tội hoặc trợ giúp Huấn Quyền trong việc giải thích Mạc Khải cách chính thức.
309.
310. Hình thức hoạt động của Thánh Thần, như chúng ta thấy thực hiện nơi Ðức Maria, vẫn là điều nằm bên ngoài khuôn khổ đó. Chính vì thế, qua tấm gương của mình, Ðức Maria có thể giúp chúng ta khôi phục lại tầm quan trọng của hoạt động tự do, bất ngờ của Thánh Thần Thiên Chúa, được thể hiện dưới hình thức những ân điển được trao ban cả bên ngoài những máng thông ơn đã được thiết định, nhưng luôn luôn nhằm thiện ích chung và nhằm mục tiêu phục vụ. Ðó là điều Công Ðồng Vaticanô II đã làm sáng tỏ với bản văn nổi tiếng về các đoàn sủng : "Thánh Thần không chỉ thánh hóa và hướng dẫn Dân Thiên Chúa bằng các bí Tích, các thừa tác vụ, và trang điểm họ bằng các nhân đức, nhưng Ngài còn ban phát các ân sủng đặc biệt cho mọi cấp bậc các tín hữu, phân chia ân huệ cho mỗi người theo ý Ngài " (1C 12, 11), khiến người lãnh nhận các ân sủng ấy có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau, mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo Hội như lời chép rằng : "Thánh Thần hiển hiện trong mỗi người hầu mang lại lợi ích" (1C 12, 7). Phải lãnh nhận những đoàn sủng này, từ các ơn chói lọi nhất đến các ơn thường mà nhiều người lãnh được, với lòng tri ân và yên ủi, vì các ơn đó mang ích lợi và phù hợp với các nhu cầu của Giáo Hội 15".
311.
312. Trong sự khôn ngoan vô cùng của Ngài, Thiên Chúa đã lập ra hai con đường khác biệt để thánh hóa Giáo Hội, hai con đường đó giống như hai hướng thổi khác nhau của cùng một Thần Khí. Có thể nói, có Thần Khí thổi từ trên, được thông ban qua Ðức Thánh Cha, qua các Giám Mục, các Linh Mục, hoạt động trong Huấn Quyền của Giáo Hội, trong phẩm trật, trong quyền bính và nhất là trong các Bí Tích. Thần Khí còn thổi theo một hướng khác, đối lập với hướng trên theo một nghĩa nào đó, đó là hướng thổi từ dưới, từ nền, từ mỗi tế bào làm nên Giáo Hội. Chính đó là nơi mà gió muốn thổi đâu thì thổi (Yn 3, 8). Ở đây Thần Khí phân chia các đặc sủng cho mỗi người "như Ngài muốn" (x. 1C 12, 11). Giáo Hội, xét như một toàn thể, là một cơ thể được Thánh Thần tưới thấm, linh hoạt, vì thế Giáo Hội bao gồm và là kết quả của hai hướng, hai con kênh thông chuyển ân sủng.
313.
314. Các Bí Tích là ơn ban cho mọi người nhằm mưu ích cho mỗi người ; đặc sủng là ơn ban cho mỗi người nhằm mưu ích cho mọi người. Các Bí Tích là những ơn ban cho toàn thể Giáo Hội nhằm thánh hóa từng người riêng biệt. Các đặc sủng là những ơn được thông tuyền cho những người riêng biệt nhằm thánh hóa toàn thể Giáo Hội.
315.
316. Như thế, ta dẽ dàng hiểu được Giáo Hội sẽ phải chịu mất mát đến như thế nào, nếu một trong hai con kênh đó : hoặc kênh Bí Tích, hoặc kênh đặc sủng. Khốn thay, phải thừa nhận rằng, tình trạng đó đã diễn ra trong Giáo Hội, nếu không phải trong các nguyên tắc thì ít là trên bình diện đời sống thực tiễn. Sau Công Ðồng Vaticanô II, mọi người đều nhìn nhận rằng, trong quá khứ, cơ cấu thánh hóa của Giáo Hội một cách nào đó đã bị thu hẹp, gây phương hại đến các đặc sủng. Khi đó, tất cả chỉ còn được thông chuyển theo chiều đứng, qua những máng thông ơn được uỷ thác cho phẩm trật hoặc do phẩm trật thiết lập. Qua những máng thông ơn đó, dân Kitô giáo lãnh nhận Lời Chúa, các Bí Tích và ơn tiên tri, ơn được xem như đặc sủng gắn liền với Huấn Quyền của Giáo Hội trong việc giảng dạy chânlý cách bất khả ngộ.
317.
318. Sự quân bình cũng như dự hiện diện đồng thời của các Bí Tích và các đặc sủng bảo đảm cho Giáo Hội, ngoài những thiện ích khác, còn có được một sự hài hòa lành mạnh giữa nhắc lại và sáng kiến, giữa tiếp nối và sự mới mẻ. Giả thiết rằng đời sống Kitô hữu chỉ dựa trên các Bí Tích và những dịch vụ thuộc phẩm trật, thì đời sống đó hẳn sẽ dễ dàng xuôi theo một lối sống lặp đi lặp lại và từ đó rơi vào thói quen máy móc. Ngược lại, đời sống Kitô giáo nếu thiếu mất những giá trị trên và chỉ còn bao gồm những canh tân, những ngẫu phát của đặc sủng thì tất sẽ đi đến chỗ hỗn loạn và tùy tiện. Sự hài hòa tốt đẹp giữa hai kênh chuyển thông ân sủng mới cho phép ta hưởng được cái "toàn thể". Sáng kiến giữ cho việc thực hành lặp đi lặp lại gìn giữ cho sáng kiến. Nói khác đi, các đặc sủng làm sống động cơ chế, còn cơ chế lại che chở cho các đặc sủng, vì cả hai đều bởi một Thần Khí độc nhất. Theo nghĩa này, thánh lễ có thể coi như một kiểu mẫu và là một biểu tượng cho đời sống Kitô giáo : Quả vậy, trong thánh lễ ta thấy có :những phần bất động" như lễ qui, và "những phần linh động" như các bài đọc, các lời cầu nguyện, các bài giảng ; có những phần lặp đi lặp lại và có những phần đổi mới.
319.
320. Các đặc sủng, theo nghĩa là những an thiệp trực tiếp của Thiên Chúa nhằm phá vỡ tình trạng ngừng trệ, làm cho dân của Người lại biết lắng nghe và tiến bước, dường như được phản ánh trong lời của Isaia : "Dân này lại gần Ta chỉ bằng môi miệng ... việc chúng kính thờ Ta chỉ là giới điều do phàm nhân dạy. Cho nên Ta sẽ cứ gieo thêm vô vàn đềiu lạ ..." (Ys 29, 13 - 14). Qua các tiên tri, Thiên Chúa đã can thệip mạnh mẽ để canh tân một truyền thống và một nền phụng tự đã ra máy móc và vụ hình thức, để làm sống lại sự khôn ngoan mà lúc đó đã bị biến thành một thứ hiểu biết phàm nhân, sách vở, được hệ thống hóa, qui tắc hóa. Ðây cũng chính là điều mà Ðấng Mêssia đã đến thực hiện trong lịch sử, việc Ngài đến là một mới mẻ lớn lao mà chính Ðức Giêsu đã sánh với sự xuất hiện của rượu mới. Ðức Maria, khi trở thành Mẹ Thiên Chúa bởi tác động của Thánh Thần, đã ở vào trung tâm cuộc canh tân lớn lao nhất cvủa Thiên Chúa và đã là khí cụ cho công cuộc canh tân đó. Mẹ đã là "bầu da mới" đầu tiên, chứa đựng nơi mình rượu mới hảo hạng là Ðức Giêsu cho tất cả chúng ta����������������� (x. Yn 2, 10).
321.
322. Người cho hãy có lòng đơn thành.
323.
324. Việc thực thi các đặc sủng không phải là không có những khó khăn, nhưng nguy cơ của nó không phải tự nhiên là tốt đẹp. Con người có thể biến những tài năng tự nhiên của trí tuệ, ý chí, của khả năng yêu thương thành xấu, sử dụng cách sai trái và thậm chí dùng để chống lại Thiên Chúa. Cũng vậy, con người có thể biến những tài năng siêu nhiên là các đặc sủng thành xấu và sử dụng chúng cách sai trái. Trong lnh4 vực này, Ðức Maria, người đầu tiên là con người đặc sủng vĩ đại nhất sẽ trợ giúp chúng ta qua tấm gương của Người.
325. Hơn ai hết, thánh Phaolô, ý thức về những nguy cơ mà con người yếu đuối có thể gặp phải khi sử dụng các đặc sủng, vì thế, sau khi kể ra các đặc sủng, ngài đã xác định rõ những thái độ nội tâm thiết yếu để thực thi các ẩn điều đó : "Kẻ phân phát thì đừng tính toán so đo ; kẻ chủ sự hãy gắng nhiệt thành ; kẻ thương giúp hãy giúp cách vui tươi" (Rm 12, 8).
326.
327. Chúng ta hãy dừng lại ở thái độ đầu tiên, thái độ căn bản mà người phải có : "không tính toán" hoặc, sát nghĩa hơn, "hết sức đơn thành". "Người cho", nói cách tổng quát là người chia sẻ nơi người khác điều mình sở hữu hoặc đạt được, vì thế người bố thí và chịu trách nhiệm lo cho người nghèo cũng thuộc loại này. Thánh Tông Ðồ nói, người đó phải hành động với sự đơn thành, không nhằm mục đích nào khác ngoài việc cho đi, không vì lý do nào khác ngoài việc mình đã lãnh nhận. Ðức Giêsu diễn tả đòi hỏi này khi Ngài nói : "Các ngươi đã nhận nhưng không thì cũng hãy cho nhưng không" (Mt 10, 8). "Nhưng không" không chỉ là không đòi bù đắp về tiền bạc mà còn là không đòi hỏi đáp lại bất cứ điều gì, không đòi lòng biết ơn, không đòi vinh quang, không tìm cách ra vẻ là kẻ làm ơn, không làm cho người ta thấy giá trị của điều mình cho. Phải hành động sao cho tay trái không biết việc tay phải làm như Ðức Giêsu cũng đã dạy (Mt 6, 3).
328.
329. Những điều ấy chúng ta thấy đã được thực hiện cách tuyệt hảo nơi Ðức Maria. Ðặc sủng của Người là đặc sủng trao ban. Người đã trao ban Ðấng Mêssia là Ðức Giêsu kitô� cho thế gian và Người làm điều đó với lòng đơn thành, nhưng không, không có mục đích nào khác ngoài việc trao ban mà không tìm phần thưởng. Khi chiêm ngắm Ðức Maria trong cuộc đời công khai của Ðức Giêsu và trong mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta thấy Người để mình bị tước mất các quyền của một người mẹ trên Ðức Giêsu như thế nào, có thể nói Người chịu mất đi những quyền đó để trao ban Ðức Giêsu cho những người khác. Ðã có lúc tất cả mọi người đều có thể đến bên Ðức Giêsu, Con của Mẹ, cách tự do dễ dàng, ngoại trừ chính Mẹ, thậm chí Mẹ phải xin những người khác can thiệp để có thể nói với Con mình.
330.
331. Về thái độ nội tâm mà thánh Phaolô gọi là lòng đơn thành, chúng ta cũng hãy xem thái độ đó như thế nào nơi Ðức Maria. Qua một vài dữ kiện trong các sách� Tin Mừng và kinh Magnificat, chúng ta thấy Ðức Maria như là chính hiện thân của sự đơn thành. Người không hề vinh vang về ơn huệ đã lãnh nhận hay về việc mình được làm "Mẹ của Ðấng Giêsu", điều mà mọi phụ nữ Israel đều mong ước. Chẳng những Người không đòi vinh dự hay đòi được nhìn nhận, mà ngay cả đặc ân mình được lãnh nhận Người cũng không nhắc đến. Lần duy nhất dường như Ðức Maria nhắc đến thì Người lại nói theo cách làm nổi bật hành động của Thiên Chúa hơn là của chính mình : "Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những điều cao cả". Các sách� Tin Mừng thuật lại những cuộc gặp gỡ đối thoại có mặt Ðức Maria như cuộc Thăm Viếng, Giáng sinh, Dâng Con vào Ðền Thờ, nhưng không bao giờ Ðức Maria tỏ ra một chút gì là tự thỏa mãn. Ở Cana cũng vậy, kín đáo và khiêm hạ biết bao !
332.
333. Làm thế nào mà Ðức Maria đã có thể chống lại áp lực gây ra bởi ý nghĩ : "Người là Mẹ của Giêsu, Mẹ của Ðấng Mêsia ?" Lucifer đã không cưỡng nổi ý nghĩ mình là tạo vật sáng láng nhất, hắn cảm thấy thỏa mãn và đã gục ngã. Ðức Maria vẫn đứng vững, hẳn là bởi ơn Chúa, nhưng nơi Người, ơn Chúa quả đã không ra "vô ích". Sự đơn thành của Ðức Maria đã khiến Luther lên lời khen ngợi : "Một tinh thần như thế biểu lộ rất rõ con người Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Giữa biết bao ân phúc, Ðức Maria không dính bén hay tìm sự thích thú nơi những điều đó, Người vẫn giữ cho tâm trí mình tinh tuyền trong lòng mến, trong lời ca ngợi lòng nhân lành của Thiên Chúa mà thôi, nếu Thiên Chúa có muốn cất đi mọi sự và chỉ để lại cho Người một tinh thần nghèo khó, trơ trọi, thiếu thốn, thì Người sẵn lòng tuân phục. Thế nhưng, giữ được thái độ mực thước trong sự giàu có, trong danh giá cao sang hay trong quyền lực thì khó hơn là trong nghèo khó, yêu đuối và ô nhục bội phần.
334.
335. Vì thế tâm hồn tinh tuyền đến độ tuyệt vời của Ðức Maria càng đáng ca ngợi hơn biết bao nhiêu, vì trong khi nhận được một vinh dự lớn lao như thế, Người vẫn không để mình sa vào cám dỗ. Người như thể không nhìn thấy, vẫn đứng vững trên đường ngay chính, và chỉ một lòng tựa nương vào lòng nhân lành của Thiên Chúa dù không nhìn thấy hay nghe thấy. Những ân phúc Ðức Maria cảm nhận, Người để lại tất cả, không xây vinh quang cũng không tìm sự thích thú nơi những điều đó. Vì thế, Người đã có thể hát lên cách đúng đắn và chân thực : "Thần trí tôi vui mừng trong Thiên Chúa, Ðấng cứu độ��� tôi 16".
336.
337. Mỗi khi được sai đi loan báo Lời Chúa ở một nơi nào đó, tôi lại thường nhớ đến sự đơn sơ, giản dị của Ðức Maria với nỗi bối rối, sững sờ. Những lúc thấy mình như có một lời "mạnh mẽ" của Chúa để loan báo, một lời mà tôi cảm thấy có sức soi sáng và an ủi các tâm hồn, thì tôi lại phải chiến đấu thật gay go để giữ được sự giản dị, siêu thoát ngõ hầu Lời Chúa được tự do tác động, nhưng rồi cũng thất bại biết bao lần !
338.
339. Ðức Maria mang đến cho cả thế giới Lời trọn vẹn, Lời thành xác phàm, thế mà Người vẫn khiêm hạ, ẩn mình biết bao ! Chính nơi điều này mà Ðức Maria quả thực là khuôn mẫu tuyệt hảo cho những người được đặc sủng trong Giáo Hội. Những gì Ðức Maria dạy chúng ta qua sự thinh lặng của Người đã quá hùng hồn, không cần phải thêm gì vào đó nữa.
340.
341. Sự đơn sơ khiêm hạ giúp cho người mang đặc sủng biết đặt mình trong một thái độ đúng đắn, vừa tự do nhưng cũng vừa tuân phục đối với cơ chế và phẩm trật. Ðược Ðức Kitô ở cùng, Ðức Maria vẫn không tự thấy mình được miễn chu toàn các qui định của luật Môisê. Sau Lễ Ngũ Tuần, Ðức Maria cùng sống với tông đồ Gioan trong một giáo đoàn, có lẽ ở Êphêsô hay một nơi khác, nhưng Người không đóng vai trò cai quản hay đứng đầu, mà đã dành các trách nhiệm và vinh dự đó cho Tông đồ Gioan. Không hề có tài liệu nào tham chiếu các chỉ thị do Ðức Maria đưa ra, hay các gợi ý của Người, trong khi đó, có rất nhiều tài liệu nói đến quyền bính của Gioan. Khi thực thi các đặc sủng của mình là trao sự sống cho Ðức Kitô và trung thành đi theo Ngài đến tận Thập Giá, Ðức Maria tan biến trong Giáo Hội như muối hòa tan trong nước.
342.
343. Mẫu gương của Ðức Maria còn dạy chúng ta về một khía cạnh quan trọng khác : vị trí đặc sủng trong đời sống thiêng liêng của người thực thi đặc sủng đó. Thánh Augustinô khẳng định : "Ðối với Ðức Maria, được làm môn đệ Ðức Kitô thì còn hơn là làm Mẹ Ðức Kitô", và ngài đi đến chỗ nói rằng "mối liên hệ mẫu tử hẳn chẳng ích gì cho Ðức Maria nếu Người đã không cưu mang Ðức Kitô trong tâm hồn hơn là trong thân xác cách hạnh phúc hơn nữa 17" ; điều này cũng gần với điều mà thánh Phaolô nói về mối tương quan giữa đặc sủng và lòng mến (đức ái) : "Giả như tôi được ơn tiên tri ... mà tôi lại không có lòng mến thì tôi vẫn là không" (1C 13, 2).
344.
345. Nếu một nguyên tắc như thế có giá trị đối với đặc sủng làm Mẹ của Ðức Maria thì đối với những đặc sủng nhỏ bé của chúng ta như ơn tiên tri, ơn giảng dạy, cai quản, làm sinh động kinh nguyện, thì còn phải nói thế nào nữa ? Ðức Giêsu đã loan báo cho biết : Ngườit có thể chết trong án phạt địa ngục ngay cả sau khi đã thi hành các đặc sủng như nói tiên tri, trừ quỉ, làm các phép lạ (x. Mt 7, 21 - 23).
346.
347. Về Ðức Maria, tôi nhấn mạnh đến đặc sủng làm Mẹ. Nhờ� Tin Mừng, chúng ta được biết nơi Ðức Maria, đặc sủng này được kết hợp cách độc nhất vô nhị với đặc sủng trinh khiết. Chúa Thánh Thần cho Ðức Maria thụ thai đồng thời vẫn bảo toàn nguyên vẹn sự trinh khiết của Người. Bởi cùng một Thánh Thần, Người đã lãnh nhận hai đặc sủng đó cùng một lúc như thể là một đặc sủng duy nhất, đến nỗi người có thể gần với các bà mẹ cũng như với các trinh nữ. Cả hai bậc sống này trong Giáo Hội đều được vinh dự có Ðức Maria là nguồn gốc và là khuôn mẫu cho bậc sống của mình.
348.
349. Chúng ta hãy kết thúc bằng cách chiêm ngắm Ðức Maria vừa là Trinh Nữ vừa là Mẹ, hay nói như người bạn thi sĩ của chúng ta, một thụ tạo vừa có xác thân vừa thuần khiết, hoàn toàn phục vụ cho sự sống và hoàn toàn là tinh tuyền, Người đã hiến dâng cho Thiên Chúa không những lòng dạ mà cả trái tim và lòng tin của mình.
350.
351. "Nơi mọi tạo vật đều thiếu mất điều gì đó.
352. Nơi tạo vật mang xác thân
353. Thiếu mất sự tinh tuyền
354. Chúng ta đã biết
355. Nhưng nơi tạo vật thuần khiết
356. Lại thiếu mất xác thân.
357. Còn nơi Người, không thiếu điều gì cả
358. Vì tuy là xác thể, vẫn thật tinh trong
359. Và cho dù tinh trong, Người vẫn là xác thể
360. Và vì thế, Người không chỉ là
361. Một người nữ vô song giữa muôn vàn phụ nữ
362. Mà còn là tạo vật có một không hai giữa muôn tạo vật
363. Ðúng thật, Người là tạo vật hàng đầu sau Thiên Chúa
364. Sau Ðấng Sáng Tạo
365. Sát ngay sau mà thôi 18".
366.
367.
368. CHÚ THÍCH
369.
370. 1. Lumen Gentium 59.
371. 2. E. Schweizer, Pneuma, dans Th. W. N. T. VI, p. 401.
372. 3. Ibid. p. 400.
373. 4. Saint Ambroise, Sur L�Esprit Saint II, 38 - 42 (CSEL 79, p. 101).
374. 5. Saint Augustin, Sermons 213, 7 (PL 38, 1063).
375. 6. Saint Irénée, Contre les hérésies III, 10, 2 (Sch 211, p. 118).
376. 7. Cf. Eusèbe de Césarée, Extraits prophétiques 4, 5 (PG 22, 1205).
377. 8. Cf. Saint Thomas d�Aquin, Somme théo logique I - Iiae,q. III, a. 1ss.
378. 9. Saint Bonaventure, l�arbre de vie, I, 3 (éd Quarachi 1949, p. 164).
379. 10. Luther, commentaire sur le Magnificat, introduction (éd. Weimar 7, p. 546).
380. 11. Lumen Gentium 63 - 64.
381. 12. Dydime de Alexandrie, sur la Trinité II, 13 (PG 39, 692).
382. 13. Saint Ambroise, sur l�Évangile selon luc II, 7 (CSEL 32, 4, p. 45).
383. 14. Saint Augustin, Sermon 213, 3. 7 (PL 38, 1061 - 1064).
384. 15. Lumen Gentium 12.
385. 16. Luther, commentaire sur le Magnificat (éd. Weimar 7, p. 558).
386. 17. Saint Augustin, Sermon 72A (= Denis 25), 7 (Mise, Agost I, p. 162) ; la sainte virgirité 3 (PL 40,
387. ����� 398).
388. 18. Ch. Péguy, Le porche ... dans Oeuvres poctiques, op. Cit, p. 175ss.
389. 9. "VÀ GỤC ÐẦU XUỐNG, NGÀI PHÓ THÁC THẦN KHÍ"
390.
391. ÐỨC MARIA TRONG LỄ HIỆN XUỐNG THEO TIN MỪNG GIOAN.
392.
393. Tân ước trình bày không phải một mà là hai lễ Hiện Xuống : lễ Hiện Xuống theo Luca trong sách công Vụ và lễ Hiện Xuống theo Gioan trong Yn 20, 22 ; trong đó tác giả thuật lại cử chỉ của Ðức Giêsu thổi hơi trên các tông đồ và nói : "Hãy chịu lấy Thánh Thần". Lễ Hiện Xuống theo Gioan cũng diễn ra tại nhà Tiệc Ly như lễ Hiện Xuống theo Luca, nhưng không cùng một thời điểm, vì nó xảy đến vào ngay chiều ngày Phục Sinh chứ không phải năm mươi ngày sau đó. Trên con đường theo dấu chân của Ðức Maria, ở chặng thứ chín này, chúng ta sẽ cố tìm ra chỗ đứng của Ðức Maria trong lễ Hiện Xuống theo thánh Gioan cũng như giáo huấn mà ngài dành cho Giáo Hội trong dịp này.
394.
395. Lễ Hiện Xuống của� Tin Mừng Gioan.
396.
397. Thực tế về một lễ Hiện Xuống thứ hai trong Tân Ước đã được các Giáo Phụ nhìn nhận. Thánh Augustinô nói : "Thưa anh em, hãy cẩn thận. Một ai đó có thể hỏi tôi : "Tại sao Ðức Kitô lại ban Thánh Thần đến hai lần ? Chúa đã ban cho các tông đồ Hồng Ân Thánh Thần không phải một lần nhưng là hai lần, và ban cách rõ ràng. Vừa mới Phục Sinh từ trong kẻ chết Ngài đã thổi hơi trên họ và nói : "Hãy chịu lấy Thánh Thần". Bởi Ngài đã ban Thánh Thần cho họ lúc bấy giờ rồi nên có thể sau đó Ngài đã không gửi Thánh Thần được hứa ban chăng ? Hay phải chăng Thánh Thần mà Ðức Kitô thổi trên họ và Thánh Thần mà Ngài gửi đến từ trời lại không phải là cùng một Thánh Thần 1 !"
398.
399. Chính thánh Augustinô cũng đã giải thích sự kiện này theo nghĩa biểu trưng, ngài nói : "Thánh Thần được ban hai lần có lẽ là để nhắc chúng ta nhớ rằng, có hai giới luật về đức ái : yêu mến Chúa và yêu thương anh em. Một số Giáo Phụ đưa ra những cách giải thích khác chẳng hạn, việc ban Thánh Thần mà Gioan nói đến chỉ mới là ban một phần, ít mạnh mẽ và giới hạn hơn xét về nội dung cũng như về số người lãnh nhận so với việc ban Thánh Thần cách đầy đủ hơn, phổ quát hơn, năm mươi ngày sau� đó 2.
400.
401. Một lối giải thích khác nữa nói đến hoa quả đầu mùa của Thánh Thần : Ðấng Cứu Thế, bằng hành vi thổi hơi rõ rệt, đã ban Thánh Thần cho các thánh tông đồ như là hoa quả đầu mùa của một bản tính đã được đổi mới ... bởi cần phải làm cho mọi người biết rõ rằng Ngài là Ðấng ban Thánh Thần ... vì thế, các ngài đã được tham dự vào ơn Thánh Thần ngay sau khi Ngài thổi hơi trên họ và nói : "Hãy chịu lấy Thánh Thần". Ðức Kitô không thể nói "Hãy chịu lấy" mà lại không ban gì cả. Mặt khác vào ngày lễ Hiện Xuống, Thiên Chúa đã diễn tả hồng ân của Người cách rõ ràng hơn, tỏ lộ Thánh Thần, Ðấng đang ngự trong lòng họ cách hiển nhiên rõ rệt hơn 3".
402.
403. Khó khăn chính mà các Giáo Phụ trên vấp phải là do câu Yn 7, 39. Làm sao Ðức Giêsu có thể ban Thánh Thần trước khi lên trời, vì đã có lời rằng Thánh Thần sẽ không đến trước khi Ðức Giêsu được "tôn vinh". Theo các ngài, việc tôn vinh Ðức Giêsu chỉ được thực hiện qua việc Ðức Giêsu trở về cùng Chúa Cha.
404.
405. Ngày nay, với tiến bộ của các nghiên cứu Kinh Thánh, chúng ta có thể đưa ra một giải đáp đơn giản hơn cho vấn đề hai lễ Hiện Xuống. Hai lần Hiện Xuống tương ứng với hai cách quan niệm và trình bày Hồng Ân Thánh Thần khác nhau, không loại trừ, mà đúng hơn bổ túc cho nhau, và cũng không phải tìm cách dung hòa chúng với nhau.
406.
407. Dưới hai quan điểm và với hai quan tâm thần học khác nhau, Luca và Gioan mô tả cùng một biến cố căn bản của lịch sử cứu độ, đó là sự tuôn đổ Thánh Thần nhờ có hy tế Vượt Qua của Ðức Kitô. Sự tuôn đổ này được thể hiện bằng nhiều cách, ở nhiều thời điểm khác nhau. Theo cái nhìn của Luca, Thánh Thần được ban cho Giáo Hội chủ yếu là vì sứ mạng của Giáo Hội, vì thế ngài đã nhấn mạnh một trong những thời điểm đó, tức là năm mươi ngày sau Phục Sinh ; ngày mà người Dothái cử hành Lễ Ngũ Tuần : một thời điểm hẳn phải có âm vang và tầm quan trọng đặc biệt trong bước khởi đầu sứ mạng của Giáo Hội. Theo cái nhìn của Gioan, Thánh Thần chủ yếu là Hồng Ân Phục Sinh mà Ðức Kitô ban cho các môn đệ Ngài, vì thế Ngài làm nổi bật những biểu lộ đầu tiên của sự hiện diện mới mẻ của Thánh Thần ngay từ ngày Phục Sinh. Mặt khác, thánh Luca cũng không có ý trình bày việc Thánh Thần Hiện Xuống được thuật lại trong đoạn 2 sách Công Vụ như là lần hiện xuống độc nhất, vì trong phần tiếp theo, ngài còn cho biết những lần Thánh Thần hiện xuống khác, rất giống với lần đầu tiên (Cv 4, 31 ; 10, 44tt).
408.
409. Luca giải thích việc ban Thánh Thần vào thời sau hết như đã hứa dựa theo lời tiên tri Yôel cũng như Khởi Nguyên 11, 1 - 9 : lễ Hiện Xuống thực sự là sự tuôn đổ Thần Khí tiên tri, và là sự khôi phục lại sự duy nhất vốn đã bị phá hủy ở tháp Babel. Gioan lại giải thích ơn đó dựa theo Khởi Nguyên 2, 7 (Thiên Chúa thổi hơi sống cho Ađam) và Ezekiel 37, 9 (hơi thổi của Thần Khí làm hồi sinh những bộ xương khô) : lễ Hiện Xuống là khởi đầu một đời sống mới và như là một sáng tạo mới.
410.
411. Ngay từ đầu sách� Tin Mừng , Gioan đã thuật lại một lời hứa : một ngày kia sẽ có phép Thanh Tẩy trong Thánh Thần (Yn 1, 33). Lời hứa này được củng cố và xác định rõ trong cuộc gặp gỡ với người phụ nữ xứ Samari về Nước hằng sống (Yn 4, 14). Sau đó, lới hứa lại được đặt trong mối liên hệ chặt chẽ với việc Ðức Giêsu được tôn vinh (Yn 7, 39) mà như chúng ta biết, việc tôn vinh đó không phải chỉ là Phục Sinh mà còn là sự giương cao trên Thập Giá và là Thập Giá vinh quang. Thật không thể nào nghĩ rằng Gioan kết thúc� Tin Mừng mà lại không cho thấy lời hứa đó đã được thực hiện, hoặc nghĩ rằng ngài đưa ra việc thực hiện lời hứa đó sang một cuốn sách khác, sách Công Vụ các Tông Ðồ, một cuốn sách mà có lẽ ngài cũng không biết là nó có.
412.
413. Bởi đó, chúng ta có một lễ Hiện Xuống trong Tin Mừng Gioan, một trình thuật về việc Chúa Thánh Thần ngự đến. Cũng như đối với lễ Phục Sinh, lịch sử phụng vụ Giáo Hội đã xác nhận rõ ràng về điều đó. Trong những thế kỷ đầu của Giáo Hội, lễ Hiện Xuống được giải thích theo hai hướng chính. Theo hướng thứ nhất, lễ Hiện Xuống, là lễ mừng Chúa Thánh Thần ngự đến vào "ngày thứ năm mươi" sau lễ Phục sinh, và đây là hướng về sau được xác nhận và trở thành phổ biến cho đến ngày nay. Theo hướng thứ hai, kỳ cựu hơn, lễ Hiện Xuống là lễ "Năm mươi ngày" sau Phục Sinh, tưởng niệm sự hiện diện thiêng liêng, hay hiện diện "theo Thần Khí" của Ðức Giêsu giữa các môn đệ, kể từ lúc Ngài Phục Sinh. Sự hiện diện này được hiểu như là kết quả đầu tiên của sự sống mới và là sự thể hiện trước đời sống vĩnh cửu. Chẳng hạn đối với Tertullien, lễ Hiện Xuống "là thời gian mà các môn đệ được củng cố rất nhiều lần về sự Phục Sinh của Chúa, thời gian khai mạc ân sủng Thánh Thần và là thời gian biểu lộ niềm hy vọng Chúa đến 4". Cũng trong chiều hướng này, thánh Athanase viết : "Tiếp theo lễ Phục Sinh là lễ Hiện Xuống, ngày lễ mà chúng ta đang hối hả tiến tới, như thể từ lễ này sang lễ khác, để mừng Chúa Thánh Thần, Ðấng hiện đã ở bên chúng ta trong Ðức Giêsu kitô 5".
414.
415. Theo quan điểm kỳ cựu này, lễ Hiện Xuống bắt đầu lúc kết thúc canh thức Phục Sinh, và tiếp diễn như một ngày lễ duy nhất, kéo dài, như một ngày Chúa Nhật duy nhất, liên tục.
416.
417. Và lập tức có máu và nước chảy ra.
418.
419. Như vậy, ngay từ thời xa xưa, Giáo Hội đã ý thức về hai lễ Hiện Xuống, hai cách trình bày về việc tuôn đổ Thánh Thần thời cánh chung. Khoa chú giải hiện đại tiến thêm một bước : nhìn nhận có một lễ Hiện Xuống theo Gioan, chắc chắn là như thế, nhưng khoa này đã xem lễ Hiện Xuống đó đã khởi đầu trên đồi Canvê, lúc Ðức Kitô chết, vì lúc Ngài chết cũng là lúc Ngài bắt đầu được tôn vinh. Có thể� nói : ngày nay, lối giải thích này đã được chấp nhận, không phải bản cãi, dù rằng các nhà chú giải chưa phải đã rút ra được tất cả các hệ quả.
420.
421. Khi thánh sữ gioan nói : Ðức Giêsu "gục đầu xuống, Ngài phó thác Thần Khí" (19, 30) thì như thường thấy nơi Gioan, ngài muốn nói lên hai sự thật, một thuộc bình diện tự nhiên và lịch sử, một thuộc bình diện thần bí : Ðức Giêsu trút hơi thở và sai Thần Khí. Nước chảy từ cạnh sườn bị đâm thâu được Gioan hiểu như là sự thực hiện lời hứa về những dòng sông tuôn chảy nước hằng sống tự lòng Ngài và như dấu chỉ của Thần Khí mà các kẻ tin vào Ngài sẽ được lãnh nhận (Yn 7, 39). Ở đây, trong Phép Rửa của Giáo Hội, nước biểu thị điều mà chim câu biểu thị lúc Ðức Giêsu chịu phép rửa : một biểu tượng hữu hình của thực tại vô hình là Thánh Thần. Ðiều đó còn được Gioan xác nhận cách minh nhiên khi ngài nói đến ba nhân chứng cho Ðức Giêsu : "Thánh Thần, nước và máu" (1Yn 5, 8) và điều này rõ ràng qui chiếu về đồi Canvê. Nước và máu là những phương thế Bí Tích qua đó Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội, hay nói một cách đơn giản, nước là máu là biểu tượng của việc Thánh Thần thực sự tuôn tràn trên Giáo Hội. Trong bản dịch Thánh Kinh Ðại Kết (TOB), chúng ta thấy đoạn Gioan 19 cũng được hiểu theo nghĩa biểu tượng : vả lại dựa vào văn mạch và giọng văn rất trang trọng của chính bản văn, đoạn văn này buộc phải hiểu theo nghĩa đó 6.
422.
423. Ðức Kitô sinh thì tuôn ban Thần Khí như Gioan đã hiểu là điều mà ngay cả các Giáo Phụ đầu tiên cũng đã nhận ra. Ðề tài này được các ngài đề cập trong mối liên hệ với chủ đề thuộc hôn lễ, đó là chủ đề về Giáo Hội, Evà Mới, sinh ra từ cạnh sườn Ðức Kitô, Ađam Mới chìm trong giấc ngủ sự chết, chúng ta hãy nghe một bài giảng lễ Phục Sinh vào cuối thế kỷ II hoẵc đầu thế kỷ III. "Vì muốn phá hủy các việc làm của người đàn bà (Evà) và chống lại kẻ mang sự chết, tức là người nữ xuất từ cạnh sườn Ađam thuở ban đầu, thì này đây Người khai mở cạnh sườn Rất Thánh của Người để từ đó máu, nước tuôn trào như những khúc dạo đầu cho hôn lễ thiêng liêng và thần bí và như là dấu chỉ cho ơn nghĩa tử và sự tái sinh ... "Quả thực, Ngài sẽ thanh tẩy anh em trong Thánh Thần và lửa" (Mt 3, 11) ; nước chỉ Phép Rửa trong Thánh Thần, máu chỉ Phép Rửa trong lửa 7". Tác giả còn nhận ra một ám chỉ về sự tuôn đổ Thánh Thần trong Lc 23, 46 và trình bày trong chiều kích vũ trụ của nó : "Cả vũ trụ sắp rơi trở lại vào hỗn mang, sắp biến tan bởi nỗi kinh hoàng do cuộc Khổ Nạn, nếu như Ðức Kitô đã không tuôn ban Thần Khí của Ngài khi kêu lên : "Lạy Cha, con phó thác hồn con trong tay Cha:������ (Lc 23, 46). Mọi vật rung chuyển, đảo lộn vì sợ hãi. Nhưng khi Thánh Thần Thiên Chúa lại bay lên thì vũ trụ như được hồi sinh, tác sinh, củng cố và tìm lại được sự vững chãi của mình 8". Thần Khí mà Ðức Giêsu tuôn ra từ trên Thập Giá được đối chiếu với Thần Khí Thiên Chúa bay là là trên mặt nước thuở khai thiên (x. Kn1, 2). Vì thế cái chết của Ðức Kitô được xem như một cuộc sáng tạo mới.
424.
425. Giờ đây, chúng ta hãy chiêm ngắm bức icône đóng đinh mà trong phần nói về mầu nhiệm Vượt Qua chúng ta đã học cách nhìn ngắm. Các thời điểm, giai đoạn khác nhau mà Gioan nhắc đến liên quan đến cảnh này gắn liền với nhau rất chặt chẽ. Tất cả đều nằm trong sự hoàn tất, thực hiện chung cuộc lời Kinh Thánh. Sau khi đã ký thác Ðức Maria cho Gioan và Gioan cho Ðức Maria, Ðức Giêsu thấy rằng "mọi sự đã hoàn tất" (x. Yn 19, 28). Việc hoàn tất công trình của Ngài ở đây chính là việc khai sinh Giáo Hội mà Ðức Maria và Gioan là đại diện. Ðức Maria trong tư cách là Mẹ, Gioan trong tư cách là tín hữu. "Có thể nói, cảnh được mô tả trong các câu 25 - 27 là cảnh Giáo Hội khai sinh, nơi con người Ðức Maria và nơi người môn đệ yêu dấu ... Hành vi qua đó Ðức Giêsu hoàn tất công trình của Ngài là hành vi chỉ rõ rằng Mẹ của Ngài từ nay là "Người Nữ", là Nữ Tử Sion cánh chung mà các tiên tri đã nói tới, và cũng vì thế, Mẹ trở thành hình bóng của Giáo Hội ... Ðức Giêsu đã biểu lộ tình yêu tột cùng của Ngài trên Thập Giá khi Ngài thiết lập Dân Mới của Thiên Chúa nơi chính Mẹ Ngài và người môn đệ yêu dấu, và thông ban cho họ Hồng Ân Thánh Thần 9".
426.
427. Ðàng sau bối cảnh đầy ý nghĩa và đầy những biểu tượng này, chúng ta cần nêu ra một sự kiện cụ thể khó có thể nghi ngờ về tính chất lịch sử của nó : Tự cạnh sườn của Ðức Giêsu bị lưỡi đòng người lính đâm thâu có một ít nước pha lẫn với máu chảy ra. Và vì đây là một chi tiết lịch sử nên thiết tưởng chúng ta có lý để nghĩ rằng dù suy diễn này không cùng giá trị với những suy diễn ở trên - chính Mẹ của Ngài hiện diện ở đó là người đã đến gần, dùng tay hay mảnh áo của mình lau đi tia nước và máu lăn chảy từ thân thể Người Con vừa tắt thở. Tôi không sao nghĩ được rằng một bà mẹ hiện diện ở đó và cuối cùng đã có thể đến bên xác con lại bỏ qua, không tự mình làm điều đó, hoặc đứng yên để người khác làm thay. Nếu sự việc diễn ra như chúng ta nghĩ thì Ðức Maria lúc bấy giờ đã lãnh nhận dấu chỉ khả giác của hoa quả đầu mùa của Thánh Thần. Chính Maria mới là người đầu tiên được "Thanh Tẩy trong Thánh Thần", dưới chân Thập Giá, trong tư cách là người đại diện cho cả Giáo Hội.
428.
429. Thánh Thần, Ðấng ban sự sống.
430.
431. Ở đây, điều quan trọng đối với thánh sử không phải là làm sáng tỏ điều liên quan đến những người trực tiếp lãnh nhận hồng ân là Ðức Maria, Gioan, các phụ nữ - cho bằng làm sáng tỏ điều liên quan đến tác giả của hồng ân là Ðức Giêsu, và chính hồng ân là Chúa Thánh Thần. Ðối với Gioan, đây là lúc "Hồng Ân Thiên Chúa" được ban hẳn cho thế gian, lúc lời hứa được hoàn thành, lúc chiếc bình bạch ngọc được đập vỡ và là lúc cả nhà ngát mùi thơm cam tùng (x. Yn 12, 3 ; Mt 26, 6). Vì thế chúng ta có thể tìm kiếm những điều mới mẻ mà các bản văn đó có thể mang lại về mối liên hệ giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần, với điều kiện chúng ta nên hiểu các văn bản đó chỉ gián tiếp qui về Ðức Maria chứ không phải là trực tiếp.
432.
433. Ðể tránh sự tùy tiện khi đào sâu ý nghĩa mối liên hệ giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần trong lễ Hiện Xuống theo Gioan, chúng ta chỉ có một con đường, đó chính là con đường chúng ta đã theo khi bàn về lễ Hiện Xuống theo Luca : tìm hiểu xem Thánh Thần là ai và đã làm gì trong� Tin Mừng Gioan để rồi sau đó áp dụng cho Ðức Maria. Cũng như Phaolô, Gioan đưa hướng khai triển mạc khải về Chúa Thánh Thần đến chỗ hoàn tất, và đây là một hướng khai triển khác mà tôi đã có ám chỉ đến trong chương trước : theo hướng này, Thánh Thần được xem không phải như một sức mạnh thần linh đến trên một số người, trong những trường hợp đặc biệt nào đó, để họ có khả năng thực hiện những hành động phi thường, nhưng như là "nguyên lý" hoặc "ngôi vị" thần linh, đi vào và cư ngụ trong tâm hồn con người mới. Ðó là Thánh Thần thánh hóa hơn là Thánh Thần tác giả các việc lạ lùng.
434.
435. Trong Cựu Ước, cái nhìn mới mẻ và sâu sắc hơn về Chúa Thánh Thần như nói trên, xuất hiện lần đầu tiên là nơi tiên tri Ézékiel, lúc mà ở Israel, người ta bắt đầu nói tới một giao ước mới : "Trên các ngươi, Ta sẽ rảy nước trong ngần, và các ngươi sẽ trở thành trong trắng ; Ta sẽ rửa các ngươi sạch mọi vết nhơ, quét sạch mọi uế thần các ngươi thờ lạy. Ta sẽ tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt Thần Khí mới vào lòng, lấy khỏi mình các ngươi quả tim chai đá, ban tặng một quả tim biết yêu thương, Thần Khí của Ta, Ta sẽ đặt vào tận đáy lòng các ngươi, giúp các ngươi bước đi vững vàng theo Thánh Chỉ, tuân giữ và thi hành những quyết định của Ta" (Ez 36, 25 - 27). Ở đây Thánh Thần cũng gắn liền với nước và xuất hiện như nguyên lý cho cuộc canh tân nội giới, làm cho con người có khả năng tuân giữ luật Chúa và như thứ nước hằng sống làm nẩy sinh sự sống mới.
436.
437. Gioan lấy lại những chủ đề này khi nói về Nước hằng sống. Theo ngài, Thánh Thần chủ yếu là nguyên lý của sự "tái sinh" hoặc "sinh bởi Trên" (x. Yn 1, 12 - 13 ; 3, 5), nguyên lý của sự sống mới, sự sống của Thần Khí như lời Ðức Giêsu : "Thần Khí mới tác sinh" (Yn 6, 63).
438.
439. Thay vì nói "tái sinh bởi Thần Khí", thánh Phaolô lại nói đến Thần Khí làm cho ta trở thành "nghĩa tử" của Thiên Chúa (x. Rm 8, 15 - 16; Ga 4, 6). Thực ra cùng một cái nhìn. Thánh Phaolô cũng nói đến "Thần Khí ban sự sống trong Ðức Giêsu Kitô" (Rm 8, 2) và tạo nên con người mới, con người "bước đi theo Thần Khí" (x. Ga 15, 16). Như vậy, Thánh Tông Ðồ đã tổng hợp hai cách nhìn về Thần Khí : Thần Khí ban các đặc sủng và Thần Khí thông ban tình yêu trong tâm hồn. Cả hai đều là những tỏ hiện của cùng một Thần Khí, nhưng tỏ hiện thứ hai trỗi vượt hơn tỏ hiện thứ nhất, vì lòng mến tồn tại mãi thì cao cả hơn các đặc sủng sẽ bị tàn phai (1C 12 - 13).
440.
441. Vậy theo Gioan, đó chính là Thần Khí mà Ðức Giêsu ban cho các môn đệ từ trên Thập Giá vào buổi chiều Vượt Qua. Thần Khí là chính sự sống của Ðức Giêsu, là "Thần Khí sự thật" làm cho Ðức Giêsu được nhận biết (x. Yn 16, 13) và bảo đảm sự hiện diện liên lỉ của Ðức Giêsu trong chúng ta và chúng ta trong Ðức Giêsu (x. Yn 14, 13). Thần Khí đó sẽ lưu lại trong lòng các môn đệ (x. Yn 14, 17). Ðó là Thần Khí mà Ðức Maria đã lãnh nhận được những hoa quả đầu mùa khi đứng bên Khổ Giá Ðức Giêsu.
442.
443. Ðức Maria, người bạn của Thiên Chúa.
444.
445. Phải chăng trước kia Ðức Maria đã không có Thánh Thần thánh hóa, Ðấng mà xét cho cùng, đồng nhất với chính ân sủng ? Hẳn nhiên là có, vì Người "đầy ân sủng" do được Thiên Chúa tuyển chọn. Tuy nhiên, sự hiện diện của Ðức Maria dưới chân Thập Giá xác định rõ Thần Khí và ân sủng mà nhờ đó Người đã được thánh hóa trước kia phát xuất từ đâu. Ân sủng đó phát xuất từ công trình cứu chuộc của Ðức Kitô, là chính "ân sủng của Ðức Kitô" và là "Thần Khí của Ðức Kitô".
446.
447. Thánh Augustinô viết : "Không có Chúa Thánh Thần, chúng ta không thể yêu mến Ðức Kitô hay tuân giữ các giới răn của Ngài. Càng có ít Thánh Thần bao nhiêu chúng ta càng ít có khả năng làm điều đó bấy nhiêu, trong khi đó chúng ta càng có thể yêu Ðức Kitô, tuân giữ các giới răn của Ngài khi chúng ta càng có dồi dào Thánh Thần. Vì thế không phải vô lý mà Thánh Thần được hứa ban không những cho người chưa có mà cho người đã có Thánh Thần : cho người chưa có để họ được có Thánh Thần, cho người đã có để họ có Thánh Thần cách dồi dào hơn 10". Như vậy, Thánh Thần có thể cư ngụ trong tâm hồn con người theo mức độ dồi dào nhiều hay ít. Nếu về Ðức Giêsu, xét là con người, mà Kinh Thánh còn nói : "Ngài lớn lên về ân sủng" (x. Lc 2, 52), thì phải nói thế nào về những người khác, kể cả Ðức Maria ? Người được đầy ân sủng vào lúc truyền tin, theo những khả năng và sự cần thiết lúc bấy giờ, đầy ân sủng theo nghĩa tương đối chứ không tuyệt đối.
448.
449. Kinh Thánh nói, Thiên Chúa ban Thánh Thần "cho những ai vâng phục Người" (Cv 5, 32). Sự vâng phục mà Ðức Maria thể hiện dưới chân Thập Giá đã trương rộng tâm hồn của Người và làm cho Người có khả năng đón nhận Thánh Thần trong một mức độ dồi dào hơn nữa. Thánh Thần tuôn đổ liên tục trên cuộc đời một con người tương ứng theo nghĩa vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả, với sự trương rộng tâm hồn liên tục, làm cho tâm hồn đó cũng có khả năng đón nhận và chiếm hữu Thiên Chúa. Nơi Ðức Maria cũng vậy, sự trương rộng hay sự xé nát tâm hồn đến tột cùng dưới chân Thập Giá tương ứng với một mức độ lớn lao hơn về ân sủng, về lòng tin, lòng cậy trông và nhất là lòng mến.
450.
451. Một bản văn Công Ðồng nói, Ðức Maria "như một tạo vật mới do Chúa Thánh Thần uốn nắn và tác thành 11". Ðiều này không chỉ liên hệ đến lúc Ðức Maria thụ thai mà thôi, như thể mọi hoạt động của Chúa Thánh Thần trên Ðức Maria đã hoàn tất lúc đó. Cần phải trải dài hoạt động đó trong suốt cuộc đời của Người, nhất là lúc Người tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua. Dựa vào những gì Gioan và Phaolô viết về tác động của Thánh Thần nơi các tín hữu, thì quả thực, chính trong mầu nhiệm Vượt Qua mà Ðức Maria được Chúa Thánh Thần hoàn hảo nhào nặn và tác thành, trở nên như một tạo vật mới, có khả năng yêu thương hết sức mình : "Vì cùng chịu đau khổ với Con mình chết trên Thập Giá, Ðức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt 12".
452.
453. Ðã đến lúc phải nói về "đức ái nồng nhiệt" của Ðức Maria. Chúng ta đã chiêm ngắm đức tin của Ðức Maria trong mầu nhiệm Vượt Qua, giờ đây chúng ta chiêm ngắm đức ái của Người trong lễ Hiện Xuống. Thánh Phaolô xem tình yêu là hoa trái tuyệt hảo của việc Thánh Thần ngự đến : "Tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ xuống lòng ta nhờ bởi Thánh Thần Người đã ban cho ta" (Rm 5, 5). Theo thánh Augustinô, tình yêu ở đây là tình yêu mà "nhờ đó Thiên Chúa làm cho chúng ta yêu mến Ngài và yêu thương anh em", hơn là tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Ðó là tình yêu mà nhờ đó Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên bạn hữu của Ngài (dilectores sui).
454.
455. Kinh Cầu Ðức Mẹ kể ra rất nhiều, thậm chí là quá nhiều tước hiệu, khó mà đếm nổi. Nhưng chúng ta hẳn phải thêm vào một tước hiệu khác : Ðức Maria, người bạn của Thiên Chúa ! Trong Cựu Ước có Abraham được gọi theo lối hoán xưng là người bạn của Thiên Chúa. "Abraham, bạn của Ta", chính Thiên Chúa gọi ông như thế (Ys 41, 8). Dân Irsael biết điều đó và họ đã dựa vào tình bạn này để được Chúa tha thứ : "Xin vì bạn thân Ngài là Abraham mà đừng rút lại lòng thương xót chúng tôi" (Dn 3, 35). Trong Tân Ước, từ nay Thiên Chúa có một người bạn : Ðức Maria. Phụng vụ áp dụng những lời sách Diệu Ca cho Ðức Maria : "Bạn hiền ơi, bạn xinh đẹp biết bao, xinh đẹp biết bao" (Dc 4, 1).
456.
457. Như thế, khi áp dụng tiếng kêu hài lòng đó cho Thiên Chúa, Giáo Hội không hề đi ngược lại Lời Chúa. Thuở khai nguyên, chẳng phải Thiên Chúa đã tuyên bố rằng các tạo vật của Ngài "thật xinh đẹp" đó sao ? (Kn 1, 31). Sau nhân tính của Ðức Kitô, chắc chắn Ðức Maria là tác phẩm tuyệt vời nhất của Thiên Chúa, là kiệt tác của ân sủng Ngài. Chúng ta có thể dựa vào tình bạn này giữa Thiên Chúa và Ðức Maria : đó chính là điều mà trải qua bao thế kỷ, dân Kitô giáo đã làm bằng vô vàn cách.
458.
459. Làm cho con người trở thành bạn hữu của Thiên Chúa, đó là công trình tuyệt hảo của Chúa Thánh Thần. Chính Ngài cất đi quả tim bằng đá và ban cho quả tim bằng thịt, một trái tim vì yêu Chúa tự nguyện chu toàn điều Thiên Chúa truyền ban. Có lời chép về Ðức Khôn Ngoan rằng : "Qua các thế đại, khôn ngoan chuyển đến các linh hồn lành thánh, biến họ thành bạn của Thiên Chúa và thành tiên tri" (Kng 7, 27), không chỉ thành "tiên tri" mà còn thành "bạn" của Thiên Chúa, không chỉ thành nhiều người nói nhân danh Thiên Chúa, thực hiện những dấu chỉ, những việc lạ bởi sức Thánh Thần, mà còn trở nên những người mang tâm hồn của người con chứ không phải của kẻ nô lệ, yêu mến Thiên Chúa và kêu lên với người với tất cả tự do: Abba, lạy Cha !
460.
461. Thánh Irênê nói, Thánh Thần làm cho chúng ta "ăn khớp" (aptat) với Thiên Chúa 14. Hình ảnh này khiến chúng ta� liên tưởng tới bác thợ mộc bào nhẵn những tấm ván để gắn chúng lại với nhau cho thật khít khao, hoặc đến người nhạc sĩ làm cho giọng này hòa với giọng kia, hoặc làm cho mỗi giọng riêng biệt hòa vào dàn hợp xướng. Nói cách khác, Ngài làm cho tư tưởng chúng ta hòa hợp với tư tưởng của Thiên Chúa, ý chúng ta với ý Chúa, tâm tình chúng ta với tâm tình của Ðức Kitô. Ngài là chính nguyên lý sự "thông hiệp" của chúng ta với Thiên Chúa 15.
462.
463. Một nhà tiên phong quan trọng khác trong việc khám phá vai trò Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội, thánh Basile, đã có một nhận xét rất tuyệt vời. Thánh nhân kể ra các hoạt động khác nhau của Chúa Thánh Thần : công trình tạo dựng sẽ không diễn ra nếu không có Ngài, tổ chức Giáo Hội tùy thuộc vào Ngài ; nhờ Ngài mà có các phép lạ, việc lạ. Nhưng ở tâm điểm các hoạt động xuyên qua con người chứ không dừng lại nơi chính con người, thánh Basile nhận thấy có một hoạt động đặc biệt khác với các hoạt động khác, một hoạt động thực dụng chạm đến chính con người và mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa. Ngài lặp lại hai lần : Chúa Thánh Thần "tạo nên sự thân thiết với Thiên Chúa". Vậy sự "thân thiết (okeiosis) đó là gì ? Trực giác về điều này thì dễ hơn là định nghĩa nó ; mặc dù đó là một cái gì rất thật, rất cụ thể. Nhưng nó không phải là một ý tưởng hay một sự vật cho bằng là một trạng thái tâm hồn, một cảm giác. Sự thân thiết làm tiêu tan nỗi sợ hãi Thiên Chúa, thay vào đó là nỗi khát mong mãnh liệt trong tâm hồn, muốn làm cho Thiên Chúa vừa lòng, đẹp ý. Lòng khao khát này giúp xa tránh tội nhiều hơn và tốt hơn là sự sợ hãi tội lỗi. Chính sự thân thiết khiến cho vợ chồng có thể sống thật sự tự do trước mặt nhau, không phải che đậy, giấu diếm điều gì.
464.
465. Về phần mình, Thiên Chúa "thân thiết" với chúng ta, bởi Ngài đã hứa đến ở "trong chúng ta" (intus), biến tâm hồn chúng ta thành nơi cư ngự của ngài (x. Yn 14, 17). Thậm chí, Ngài hiện diện "thâm sâu nơi tôi hơn cả chính tôi 17". Thánh Thần trợ giúp chúng ta để chúng ta cũng thân thiết với Thiên Chúa, nghĩa là hiện diện với Ðấng Hiện Diện, không để mình tản mạn ra bên ngoài trong lúc ngài hiện diện sâu trong chúng ta.
466.
467. Thánh Basile nói, những tâm hồn mang Chúa Thánh Thần, những "pneumatophores" làm tỏa lan ân sủng ra quanh mình như "những vật thể trong suốt trở nên lấp lánh khi một tia sáng chiếu vào và chúng ta phải chiếu ánh sáng đó lên những vật thể khác 18". Ðức Maria đó là tâm hồn mang Thánh Thần tuyệt hảo (l�âme pneumatophore) : là kẻ mang Thánh Thần. Chúng ta đưa ra ý tưởng đó không phải do diễn dịch cách tiên thiên (a priore) từ một nguyên lý trừu tượng nào đó, nhưng là đón nhận lấy cách hậu nghiệm (a posteriori) từ những gì chúng ta đã nhìn thấy, đã quan chiêm, đã sờ chạm đến trong suốt dòng lịch sử Giáo Hội. Chính Luther từng nói về Ðức Maria : "Không một hình ảnh phụ nữ nào cho người những ý tưởng thuần khiết đến mức như Ðức nữ Trinh 19". Ðức Maria là sự lộ hiện trong suốt của Thiên Chúa. Nơi con người và nơi cuộc đời của Người, Thiên Chúa hiện lộ.
468.
469. Ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi.
470.
471. Lần này, việc chuyển từ Ðức Maria sang Giáo Hội sẽ rất ngắn, vì tất cả đã được nói rồi. Thậm chí cũng chẳng có sự phân biệt nào giữa Ðức Maria và Giáo Hội, bởi lẽ theo Gioan, Mẹ đứng dưới chân Thập Giá như là khởi đầu và là hình ảnh của Giáo Hội để đón nhận những hoa quả đầu mùa của Thánh Thần. Ở đây, chúng ta chỉ nhắc lại một số điểm trong đó mẫu gương của Ðức Maria cũng như mối tương quan của Người với Thánh Thần thánh hóa chắc hẳn chứa đựng rất nhiều bài học cho chúng ta trong thời điểm lịch sử đó.
472.
473. Trong lễ Hiện Xuống theo Gioan, Ðức Maria nhắc chúng ta nhớ rằng dù đã chịu Phép Rửa, đã lãnh nhận ân sủng và Thánh Thần, chúng ta vẫn có thể và phải cầu nguyện để Thần Khí một lần nữa lại được đổ xuống trên chúng ta. Rằng trong cuộc đời chúng ta ít ra cũng phải có được hai lễ Hiện Xuống. Rằng, cũng như đối với Ðức Maria, một trong hai lễ Hiện Xuống đó thường xảy ra lúc chúng ta đứng dưới chân Thập Giá với lòng yêu mến và vâng phục. Thánh Augustinô nhắc chúng ta rằng, chỉ duy có Ðức Giêsu, Ðấng đã lãnh lấy Thánh Thần cách vô lường hạn, mới không cần phải lãnh nhận nhiều lần mà vẫn có Thánh Thần ngày càng dư dật đầy tràn. Còn mọi người khác đều phải lãnh nhận nhiều lần thì mới có Thánh Thần nhiều thêm mãi. Không phải vì Thánh Thần bị giới hạn trong việc tự trao ban mà là vì chúng ta bị giới hạn trong việc đón nhận Ngài. Vả lại, chính Ðức Giêsu, dù có Thánh Thần đầy tràn, vô lường hạn, do sự hiệp nhất với Ngôi Lời, nhưng Ngài cũng đã lãnh nhận Thánh Thần theo một cách thức mới nơi sông Giođan để có thể thực hiện sứ mạng Thiên Sai Cứu Thế của Ngài. Mỗi một sứ mạng mới Thiên Chúa giao phó cho chúng ta đều cần phải có một ân sủng tương ứng và một cuộc thăm viếng mới của Chúa Thánh Thần. Vì thế mà Ðức Maria, dù được đầy ân sủng từ lúc thụ thai, vẫn lãnh nhận Thánh Thần nhiều lần : lúc Truyền Tin, dưới chân Thập Giá và nơi nhà Tiệc Ly.
474. Tôi còn muốn đưa ra ánh sáng một bài học khác, bài học rút từ sự chiêm ngắm Ðức Maria trong lễ Hiện Xuống theo Gioan. Ðức Maria nhắc nhở chúng ta đâu là giới luật đầu tiên và quan trọng nhất : "Ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi ; và đồng loại ngươi như chính mình" (Lc 10, 27). Người nhắc chúng ta nhớ rằng chỉ có lòng mến là "không hề tàn tạ"���� (1C 13, 8). Mọi sự sẽ chấm dứt : các nhân đức, các đặc sủng, đức tin, đức cậy ... chỉ có tình yêu là không bao giờ qua đi. Rằng giá trị con người tùy theo mức độ người đó yêu mến Thiên Chúa và anh em đồng loại, không còn gì khác nữa.
475.
476. Như đã nói ngay từ đầu, Ðức Maria là hình bóng và là khuôn mẫu của Giáo Hội, nhưng không theo kiểu làm mẫu của con người, đứng bất động để người ta họa lại chân dung, càng bất động bao nhiêu thì càng được đánh giá cao bấy nhiêu. Ðức Maria là khuôn mẫu hoạt động, giúp chúng ta noi theo Người. Giống như người hướng dẫn leo núi : sau một đoạn đường khó khăn, ông ta chờ những người theo mình vượt qua được đoạn đường đó, nếu thấy họ không vượt nổi, ông quay trở lại, nắm tay giúp họ đi lên. Ðó là điều Ðức Maria làm cho chúng ta. Người giúp chúng ta nhất là trong đoạn đường "Vượt Qua" quyết định, đưa chúng ta ra khỏi lòng yêu bản thân để đi vào lòng mến đối với Thiên Chúa. Người dạy chúng ta nghệ thuật cao cả, nghệ thuật yêu Chúa. Trong Giáo Hội, Ðức Maria được kêu cầu là "Mẹ của tình yêu cao đẹp", một lời rút ra từ trong Kinh Thánh (Hc 24, 18) không phải là không hợp lý.
477.
478. Kinh Thánh mời gọi chúng ta yêu mến Thiên Chúa bằng hai mối tình khác nhau, dù chúng phát xuất từ cùng một Thần Khí : tình hiền tử (amour filial) và tình hiền thê (amour sponsal). Tình hiền tử là tình yêu được diễn tả bằng sự vâng phục. Nó hệ tại ở việc tuân giữ các lệnh truyền của Thiên Chúa như Ðức Giêsu yêu mến Cha và đã giữ lệnh truyền của Cha (x. Yn 15, 10). Bạn muốn yêu Chúa nhưng không biết phải làm thế nào ư ? Bạn bất lực không cảm thấy niềm hướng vọng hay cảm mến nào đối với Thiên Chúa ư ? Rất đơn giản : bạn hãy bắt đầu tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, nhất là lệnh truyền mà lúc này Lời Ngài ban cho bạn, rồi bạn sẽ biết một cách chắc chắn là mình đang yêu mến Ngài ! Như lời tiên tri Ézékiel, Thần Khí được ban cho chúng ta là để chúng ta có thể đem ra thực hành mọi luật điều của Thiên Chúa (x. Ez 11, 20).
479.
480. "Tình hiền thê" là mối tình bao hàm sự chọn lựa. Người ta không chọn lựa cha mình nhưng chồng hay vợ thì lựa chọn nhau. Yêu Thiên Chúa bằng tình hiền thê nghĩa là chọn Chúa, mỗi lần đều lựa chọn lại cách ý thức, chọn Ngài là Thiên Chúa của mình, là tất cả cho mình, bằng cách từ bỏ ngay cả bản thân nếu cần, để có thể chiếm hữu Ngài. "Quả vậy, yêu Chúa có nghĩa là vì Chúa mà trút bỏ tất cả những gì không phải là Chúa 20".
481.
482. Như thế, con đường chúng ta theo bước Ðức Maria đã đạt tới điều "sẽ không bao giờ cùng" là đức�� mến ; đạt tới điểm mà ở đó đời sống hiện tại mở ra với đời sống vĩnh cửu. Chúng ta dừng lại nơi đây. Người mà cho đến bây giờ vẫn đi trước chúng ta như là "con đường" để đến với Chúa, thì giờ đây đứng trước chúng ta như "cánh cửa" để bước vào Trời : Janua coeli, cửa Trời (cửa Thiên Ðàng), như lòng đạo đức Kitô hữu đã gọi Người.
483.
484. Khi chuyển từ các đặc sủng sang đức mến, thánh Phaolô viết : "Tôi sẽ chỉ cho anh em một con đường siêu vời" (1C 12, 31). Những lời trên có thể áp dụng cho Ðức Maria một cách rất chính xác : Tôi sẽ chỉ cho anh em một con đường trổi vượt : Maria ! Chúng ta biết rõ chỉ mình Ðức Giêsu là đường đích thực. Ðức Maria chỉ là "con đường tốt nhất" để đến với Ðức Kitô, hay đúng hơn, là con đường qua đó Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta đến với Chúa Kitô. Con đường tốt nhất theo nghĩa là con đường dễ đến gần nhất, gần gũi với thân phận hiện tại của chúng ta nhất, vì cũng như chúng ta, Ðức Maria đã tiến bước trong đức tin, đức cậy và đức mến. Maria là thành phần của con đường lớn là Lời Chúa, Người là một lời hành động, hay đúng hơn, một lời bằng xương bằng thịt.
485.
486. Chính vì Ðức Maria là thành phần của Lời Chúa mà chúng ta có thể áp dụng cho Người điều ta đọc thấy trong sách tiên tri Isaia, như thể chính Thiên Chúa đề ngị với chúng ta về Ðức Maria : "Ðường kia kìa, hãy đi theo đó" (Ys 30, 21). Thánh Bênađô nói rằng, Ðức Maria là "con đường hoàng vương" qua đó Thiên Chúa đã đến với chúng ta, và giờ đây chúng ta có thể đi đến với Ngài qua con đường đó 21. Ngày xưa, con đường hoàng vương là con đường được gìn giữ cách đặc biệt kỹ lưỡng, thẳng và rộng, để đức vua hay hoàng đế đi qua lúc viếng thăm một thành.
487.
488. Một nghệ sĩ có thể đào tạo các môn đệ của mình bằng cách đề nghị họ đọc những tác phẩm do ông viết để biết được những tư tưởng của ông về nghệ thuật, chẳng hạn về hội họa. Ông cũng có thể mời họ xem những bức tranh ông vẽ, và nhất là bức tranh mà ông coi là kiệt tác của mình. Chính theo cách thứ hai này mà Chúa Thánh Thần dùng Ðức Maria để dạy chúng ta bước theo Ðức Kitô. Có người nghệ sĩ nào lại tự cho mình bị xúc phạm khi thấy các học trò ngồi quanh kiệt tác của mình, ngây ngất và chiêm ngắm lâu dài để cố gắng bắt chước, thay vì chỉ giới hạn ở việc đọc các tác phẩm ông viết về nghệ thuật ? Vậy thì tại sao lại nghĩ rằng việc chiêm ngắm Ðức Maria sẽ làm mất đi điều gì đó của Ðức Kitô hoặc của Chúa Thánh Thần ? Hẳn nhiên, để việc chiêm ngắm và tôn kính Ðức Maria được đúng đắn thì chúng ta cần phải thực hiện trong tinh thần và ý thức hết sức mãnh liệt mà Ðức Maria luôn mang trong tâm hồn : Người chỉ là khí cụ trong bàn tay Thiên Chúa. Nhưng, chúng ta phải thành thực nhìn nhận rằng : trong quá khứ không phải lúc nào người ta cũng giữ được điều đó.
489.
490.
491. CHÚ THÍCH
492.
493. 1. Saint Augustin, Sermon 265, 8, 9 (PL 38, 1222) ; Sur l�Évangile de Jean 74, 2 (CC 36, p. 513).
494. 2. Cf. Saint Cyrille de Jérusalem, Catéchèse XVII, 12 - 14 (PG 33, 984s).
495. 3. Saint Cyrille d�Alexandrie, Sur l�Évangile de Jean XII, 1 (PG 74, 716ss).
496. 4. Cf Tertullien, Sur le baptême 19, 2 (CC 1, p. 293).
497. 5. Saint Athnase, Lettres festales 14, 6 (PG 26, 1422).
498. 6. Cf. Traduction Oecuménique de la Bible, Paris, 1985, ad. Loc.
499. 7. Ancienne homélie pascale 53 (SCh 27, p. 181).
500. 8. Ibid. 55 (SCh 27, p. 183).
501. 9. I. De la Potterie, "Le symbolisme du sang et de l�eau en Jean 19, 34", dans Didaskalia 14, 1984, p.
502. ��� 217s.
503. 10. Saint Augustin, Sur l�Évangile de Jean 74, 2 (CC 36, p. 514).
504. 11. Lumen Gentium 56.
505. 12. Ibid. 61.
506. 13. Saint Augustin, L�Ésprit et la lettre 32, 56 (PL 44, 237).
507. 14. Saint Irénée, Contre les hérésies III, 17, 2 (Scl 211, p. 332).
508. 15. Saint Irénée, Contre les hérésies V, 1, 1 (SCh 153, p. 20).
509. 16. Saint Basile, Sur l�Éprit Saint 19, 49 (PG 32, 157).
510. 17. Saint Augustin,, Confessions III, 6.
511. 18. Saint Basile, Sur l�Éprit Saint, 9, 23 (PG 32, 109).
512. 19. Luther, Kirchenpostille (é�d. Weimar, 10, 1, p. 168).
513. 20. Saint de la Croix, La Montée du Carmel II, 5, 7.
514. 21. Cf Saint Bernard, Homélie I pour l�Avent (éd. Cister. IV, Rome, 1966).
515. PHẦN KẾT
516.
517. "THẦN TRÍ TÔI VUI MỪNG TRONG CHÚA"
518.
519.
520. ÐỨC MARIA TRONG VINH QUANG,
521. BẢO CHỨNG CỦA NIỀM HY VỌNG CHẮC CHẮN CHO GIÁO HỘI.
522.
523. "Lại đây, Ta sẽ chỉ cho ngươi Tân Nương, Hiền Thê của Chiên Con" (Kh 21, 9) : đó là những lời mà một trong số các thiên thần đã nói với Gioan trong sách Khải Huyền, và thiên thần đem ngài đi trong khi ngài ngất trí, để chỉ cho thấy "Thành Thánh Giêrusalem từ trời xuống, từ nơi Thiên Chúa, chói lọi vinh quang Thiên Chúa". Nếu Thành Thánh� được xây dựng không phải chỉ bằng tường, tháp mà là bằng những con người, những kẻ được cứu, và nếu Thành Thánh không phải là điều trừu tượng mà là một thực tại, thì Ðức Maria là thành phần của Thành đó. Trong� Tin Mừng, Gioan cho chúng ta thấy Ðức Maria như là "Người Nữ" hiện thân của Nữ Tử Sion. Dưới chân Thập Giá, Người là biểu tượng và như là hiện thân của Giáo Hội lữ hành. Giờ đây trên Thiên Quốc, Người lại là hoa quả đầu mùa của Giáo Hội vinh quang, là viên đá quí giá nhất của Thành Thánh. Thánh Augustinô nói Thành Thánh Giêrusalem Thiên Quốc thì lớn lao hơn, quan trong hơn Ðức Maria, vì Thành Thánh là toàn thể, còn Ðức Maria chỉ là một thành phần, cho dẫu là thành phần cao quí nhất của Thành 1.
524.
525. Vào cuối cuộc hành trình đi theo vết chân trần thế của Ðức Maria, tôi cũng mạo muội nói với bạn là Người đã cùng tôi chung bước, tôi muốn lập lại cho bạn những lời của thiên thần : "Lại đây, tôi sẽ chỉ cho bạn Tân Nương, Hiền Thê của Chiên Con !" Làm sao tôi có thể chỉ Người cho bạn ư ? Phải chăng tôi đã hoặc có thể lên tận trời cao ? Không đâu ! Tôi sẽ chỉ cho bạn thấy Người như Người được tỏ bày cho tôi và cho tất cả chúng ta trong đức tin : qua những lời Kinh Thánh, và thêm vào đó là một số chứng từ như những lời chú giải đáng tin nhất chứng từ của những người noi theo thánh Phaolô, được nhắc lên tầng trời thứ ba và được nghe những lời không được phép nói lại. Thế là chúng ta đã đến bên bờ đại dương, nơi thời gian kết thúc và vĩnh cửu bắt đầu. Người ta tiến tới chỉ bằng cách đi trên nước mà thôi. Những chiếc giày cũ kỹ của tri thức, của kinh nghiệm nhân linh không còn hữu dụng, phải để chúng lại trên bờ. Chỉ có đức tin mới cho phép đi trên nước.
526.
527. Sau khi chiêm ngắm Ðức Maria nơi trần thế như là dấu chỉ của những gì mà Giáo Hội hiện tại "phải trở nên", giờ đây chúng ta chiêm ngắm Người như dấu chỉ của Giáo Hội "sẽ hoàn thành" mai sau. Trong Hiến chế Lumen gentium, chúng ta đọc thấy : "Ngày nay Mẹ Chúa Giêsu đã được vinh hiển hồn xác lên trời, là hình ảnh và là khởi thủy của Giáo Hội sẽ hoàn thành đời sau ; cũng thế, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến, Người chiếu sáng như dấu chỉ lòng� cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho Dân Chúa đang lữ hành 2". Theo giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, dựa trên một truyền thống mà cả Giáo Hội Chính Thống cũng chấp nhận tuy không định tín, thì Ðức Maria đi vào trong vinh quang không phải chỉ bằng thần trí của người mà là một cách trọn vẹn với tất cả con người, như hoa quả đầu mùa sự Phục Sinh mai hậu, theo sau Ðức Kitô. Thi sĩ Dante đã đặt vào môi miệng thánh Bênađô trên trời những lời thơ dâng lên Ðức Maria : "Nơi đây, Người là ngọn đuốc hết sức rực rỡ cho chúng con về lòng mến, và nơi trần thế, Người là mạch suối trào tuôn niềm hy vọng giữa chúng nhân 3".
528.
529. Maria là ví dụ sáng tỏ nhất minh chứng sự thật của lời Kinh Thánh : "Nếu chúng ta cùng chịu đau khổ với Ngài, ta sẽ được thông phần vinh hiển với Ngài" (x. Rm 8, 17). Không ai đã cùng chịu đau khổ với Ðức Giêsu đến mức như Ðức Maria, cũng không ai được tôn vinh bên Ðức Giêsu bằng Ðức Maria.
530.
531. Vậy vinh quang của Ðức Maria là những gì ? Chúng ta có thể nhìn thấy được phần nào vinh quang của Ðức Maria nơi trần gian : có người nào được yêu mến, được kêu cầu trong mừng vui, trong đau khổ, trong nước mắt hơn Ðức Maria ? Có tên ai được nhân loại nhắc đến thường xuyên đến như thế ? Sau Ðức Kitô, có tạo vật nào được con người dâng những lời kinh, những khúc thánh thi, những ngôi thánh đường nhiều hơn chăng ? Có khuôn mặt nào được con người cố họa lại trong các nghệ phẩm như khuôn mặt Mẹ ? "Mọi đời sẽ khen tôi có phúc", Ðức Maria đã thốt lên như thế về mình ; hay đúng hơn, Thánh Thần đã loan báo điều đó về Ðức Maria. Hai mươi thế kỷ đang đứng đó để chứng tỏ rằng đó quả thực là một lời tiên tri. Một cô bé vô danh không thể nào thốt ra lời như thế, những người khác cũng không thể nói như vậy về cô mà không do Thiên Chúa tác động. Hoặc đó là lời của kẻ cuồng, điên, hoặc là lời của người được Ðấng biết rõ tương lai linh hứng.
532.
533. Ðiều này đưa chúng ta tới suy nghĩ : vội vã coi kinh Magnificat �là một Thánh Vịnh đã có trước được người ta gán cho Ðức Maria, làm như thế có đúng lắm không ? Ngoài Ðức Maria, ai có thể thốt ra một lời như thế ? Nếu có ai khác đã nói lời đó thì rõ ràng lời đó cũng chỉ ứng nghiệm nơi Ðức Maria chứ không phải nơi chính người đó. Vì thế kinh Magnificat thực sự là của Ðức Maria, cho dù không phải do Người viết ra. Tác giả, dù có là ai đi nữa, thì cũng viết lời kinh đó "cho Ðức Maria". Chính Mẹ mới là người mà Chúa Thánh Thần muốn nói đến. Ðiều người ta nói về các bài ca Người Tôi Tớ Giavê thì cũng có giá trị đối với bài ca Người Tớ Nữ của Thiên Chúa : người viết không nói "về chính mình nhưng là về ai khác" (x. Cv 8, 34). Chúng ta có quyền dùng kinh Magnificat để hiểu tâm hồn Ðức Maria cũng như chúng ta dùng Isaia 53 để hiểu cuộc khổ nạn của Ðức Kitô. Mà còn hơn thế nữa, vì việc gán kinh Magnificat cho Ðức Maria phát xuất trực tiếp từ chính Kinh Thánh.
534.
535. Ôi Mẹ Thiên Chúa, mọi thế hệ sẽ khen Người diễm phúc. Thế hệ của chúng con cũng thế, muốn ca ngợi Mẹ diễm phúc vì tuân theo lệnh truyền của Thiên Chúa cho lịch sử, về Mẹ, qua những lời trên. Cuốn sách này là một dấu hiệu nhỏ, qua đó, thế hệ chúng con muốn công bố rằng Mẹ diễm phúc. Này hỡi Maria, chỉ khi nào Ðức Giêsu thôi không còn là "hoa quả lòng Người" thì Người mới thôi không còn "là người diễm phúc trong nữ giới".
536.
537. Một ngày kia, Thiên Chúa hứa với chị Angèli de Foligno, người bạn và là người dẫn đường của chúng ta : "Ta muốn con cứu giúp và ban ơn huệ cho bất cứ ai nghĩ đến con hay chỉ nghe đến tên con 4". Sau tám thế kỷ, tôi có thể làm chứng rằng, Thiên Chúa đã trung thành giữ lời Ngài hứa. Ðó cũng chính là điều mà Ngài đã làm từ xa trước và làm hơn thế nhiều đối với Ðức Maria : Ngài chúc phúc ngay cả cho người chỉ nghe đến tên Mẹ.
538.
539. Vinh quang của Ðức Maria trên trần gian quả là lớn lao. Nhưng phải chăng đó là tất cả vinh quang, tất cả phần thưởng, dành cho Người vì đã cùng chịu đau khổ với Ðức Kitô ? Chúng ta là những người đang bị cầm hãm trong quan niệm về vinh quang, một quan niệm phát xuất từ não trạng ngoại giáo cổ thời mà cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn thoát ra được. Theo quan niệm này, vinh quang (dóxa) chủ yếu liên hệ đến lãnh vực của hiểu biết, của tiếng tăm hoặc của dư luận. Vinh quang là "được biết đến minh nhiên, gắn liền với lời ca ngợi". Thế nhưng Ðức Maria ở trong "vinh quang của Thiên Chúa", chứ không ở trong vinh quang của con người. Vinh quang của con người trên trần gian và trong Giáo Hội chỉ là tia phản chiếu mờ nhạt của vinh quang Thiên Chúa. Vậy vinh quang của Thiên Chúa (kabôd) mà Kinh Thánh nói đến là gì ? Nó không chỉ liên hệ đến lãnh vực tri thức mà cả lãnh vực hữu thể nữa. Vinh quang của Thiên Chúa là chính Thiên Chúa, theo nghĩa hữu thể của Ngài là ánh sáng, là vẻ đẹp, là sự huy hoàng và trước hết là tình yêu. Vinh quang là cái gì thực đến nỗi nó lấp đầy nơi ở, đi qua trước mặt Môisê (Xh 33, 22 ; 40, 34), có thể thấy được và chiêm ngắm được trên khuôn mặt Ðức Kitô (Yn 1, 14 ; 2C 4, 6). Vinh quang là nét huy hoàng đầy sức mạnh, từ bản thể Thiên Chúa thoát ra như khí thiêng (Hr 1, 3 ; Kng 7, 25tt). Vinh quang đích thực của Ðức Maria là ở sự tham dự vào vinh quang của Thiên Chúa, Người được bao bọc, được chìm ngập trong đó. Từ nay, Người được "tràn đầy tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa" (x. Ep 3, 19). Về điều này, chúng ta không được phép biết thêm hay nói thêm điều gì nữa.
540.
541. Ðức Maria làm gì trong vinh quang đó ? Người thực hiện ơn gọi mà vì đó mọi con người cũng như cả Giáo Hội đã được tạo dựng. Trên Thiên Quốc, Ðức Maria hoàn toàn trở nên "Lời ca ngợi vinh quang" (x. Ep 1, 14). Maria ca ngợi, tôn vinh Thiên Chúa. "Sion hỡi hãy ca tụng Thiên Chúa", một lời trong Thánh Vịnh (147, 12) : từ nay Ðức Maria là Sion tôn vinh Thiên Chúa. Lời "ca ngợi vinh quang" là ý thức chiêm ngưỡng khâm phục của tạo vật trước Thiên Chúa, Ðấng hiện hữu và tràn đầy vinh quang. Chính Ðức Maria là vinh quang của Thiên Chúa theo nghĩa Mẹ lấy làm vinh dự về Thiên Chúa, Ðấng tạo dựng nên mình và theo nghĩa Thiên Chúa lấy làm hãnh diện về Ðức Maria, tạo vật của Ngài. Trong Cựu Ước, ta thấy Thiên Chúa lấy làm hãnh diện về ông Yob và nói với kẻ đối địch (Satan) : "Ngươi có lưu ý đến Yob, tôi tớ của Ta chăn ? Chẳng có ai như nó ..." (Yb 1, 8). Người sẽ nói thế nào về Ðức Maria ?
542.
543. Chúng ta chiêm ngắm Ðức Maria trong vinh quang, vì Mẹ là hình ảnh và là bảo chứng cho điều mà một ngày kia tất cả Giáo Hội sẽ đạt tới. Ðức Maria ca ngợi Thiên Chúa, vui sướng ca ngợi Ngài, Mẹ vui hưởng và hân hoan. Giờ đây,� quả thực thần trí Người "mừng vui trong Chúa". Ðiều chúng ta cố gắng nói về niềm vui của Ðức Maria chẳng là gì vì có lời viết : "Ðiều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, và đã không hề nảy lên nơi lòng một người phàm, đó là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người". (1C 2, 9). Ðức Maria đã đi vào trong niềm vui của Chúa mình (Mt 25, 21) và niềm vui của Chúa đã đi vào trong con người Mẹ.
544.
545. Như đã nói, Ðức Maria ngợi khen Thiên Chúa và ngợi khen trong vui mừng hân hoan, Người cũng��� nói : "Tôi ngợi khen Thiên Chúa và vui mừng hân hoan ca ngợi Ngài, tôi vui hưởng lời ca khen Ngài. Việc mến uêu và ca ngợi phải là nhưng không ? Ðó là mến yêu và ca ngợi đơn thuần, chứ không vì điều gì khác 5". Những lời tiên tri mà Ðức Maria làm vọng lại trong lời kinh Magnificat nay đã ứng nghiệm hoàn toàn :
546.
547. "Tôi hân hoan vui sướng trong Ðức Giavê
548. mạng tôi nhảy mừng trong Thiên Chúa tôi thờ
549. vì Người đã mặc cho tôi áo cứu độ
550. chiến bào công chính Người phủ lên tôi
551. như Tân Lang chỉnh tề đai mão
552. và Tân Nương điểm trang phục sức" (Ys 61, 10).
553.
554. Không một tạo vật nào có thể chịu đựng nổi ngần ấy vinh quang và hạnh phúc trừ phi được sức mạnh của Thiên Chúa nâng lên và ban cho khả năng đó. Trên trần gian, những vị thánh cảm nghiệm được một chút hạnh phúc đã kêu thét lên : "Ðủ rồi, lạy Chúa, đã đủ niềm vui : trái tim con không thể chứa đựng thêm nữa !". Ðó là niềm vui do tình yêu giữa Thiên Chúa và tạo vật đến mức thành toàn. Chỉ có kinh nghiệm của các thánh mới có thể giúp chúng ta nắm lấy một tia sáng mờ nhạt hầu soi sáng những thực tại vượt quá kinh nghiệm của chúng ta. Một ngày kia, vào dịp lễ Dâng Ðức Giêsu vào Ðền Thờ, chân phước Angèle được một thị kiến : ngài nhìn thấy những gì xảy ra khi chúng ta, chỉ là thân tạo vật, bước qua ngưỡng cửa vĩnh cửu, được "trình diện" trước Thiên Chúa, và khi mọi bức màn đều rơi xuống, Thiên Chúa tự vén mở cách huyền diệu cho tạo vật của Ngài, và tạo vật vén mở với Thiên Chúa và với chính mình : "Khi đó tâm hồn tôi tỏ bày trước Chúa trong niềm vui sướng quá đỗi lớn lao, chưa bao giờ tâm hồn tôi được biết đến, với niềm hỷ hoan thật cao vời, mới mẻ, và do một phép lạ hết sức khác thường, đến nỗi tôi chưa bao giờ được trải qua một kinh nghiệm tương tự. Bấy giờ tôi được gặp gỡ với Thiên Chúa và cùng lúc tôi hiểu và cảm nghiệm nơi bản thân mình thế nào là tỏ lộ và trình bày tâm hồn trước Chúa. Chính niềm hoan lạc phát sinh từ đó cũng khác với những niềm hoan lạc trước kia. Tôi được nghe những lời hết sức cao siêu mà tôi không muốn ngài ghi lại 6". Trong một kinh nghiệm tương tự, thánh Phaolô nói ngài cũng được nghe những lời bí nhiệm mà người phàm không được phép nhắc lại (2C 12, 4). Dựa vào những mạc khải tương tự chúng ta đọc thấy nơi các thánh mà suy xét thì phải nói rằng, những lời cao siêu, bí nhiệm đó là những lời Thiên Chúa bày tỏ sự hài lòng của Ngài đối với tạo vật của mình, và tỏ cho người đó biết, dưới mắt Ngài, người đó quí giá và đẹp đẽ biết bao : những lời như thế có thể khiến kẻ không hiểu biết, phàm tục, đi đến chỗ nghĩ rằng, không phải tâm hồn đã được Chúa xuống thăm mà là tên Cám Dỗ.
555.
556. Tâm tưởng Ðức Maria còn hướng đến chúng ta hay không ? Phải chăng trong vinh quang, Người đã quên chúng ta ? Như Esther khi đã được đưa vào hoàng cung, người không quên dân mình đang bị đe dọa, vì dân, người kêu cầu cho đến khi nào kẻ thù bị loại trừ, kẻ đang tìm cách tiêu diệt dân tộc của người. Có lẽ không ai có thể áp dụng những lời sau đây của thánh Têrêsa Hài đồng� đúng hơn Ðức Maria : "Tôi cảm thấy sứ mạng của tôi cho các tâm hồn. Nếu Thiên Chúa đoái nhận những ước vọng của tôi, thì tôi sẽ sống phúc Thiên Ðàng trên trần gian cho đến tận thế. Vâng, tôi muốn sống phúc Thiên Ðàng để thi ân trên trần gian 7". Têrêsa đã tái khám phá và nhận ơn gọi của Ðức Maria làm của mình mà không hay. Người đã sống phúc Thiên Ðàng để thi ân trên trần gian, và tất cả chúng ta đều là chứng nhân cho điều đó.
557.
558. Ðức Maria đang chuyển cầu. Về Ðức Giêsu, Kinh Thánh nói rằng Ngài đã sống lại và "đang chuyển cầu cho chúng ta" (x. Rm 8, 34). Ngài đang chuyển cầu cho ta bên Chúa Cha, Ðức Maria chuyển cầu cho ta bên Chúa Con. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô xác định : "Sự trung gian của Ðức Maria mang đặc tính chuyển cầu 8". Mẹ là người trung gian theo nghĩa Mẹ chuyển cầu. Tước hiệu này của Ðức Maria, vốn gây nhiều dè dặt, sẽ có thể hiểu được đối với anh em Tin Lành nếu chúng ta dùng đến những hình ảnh loại suy từ dưới có trong Kinh Thánh. Trong sách Macabê II (15, 14) chúng ta thấy Yêrêmia, một người đã chết từ nhiều thế kỷ trước, đang cầu khấn cho dân mình. Cuốn sách này dù không được mọi Kitô hữu xem là sách được linh hứng, nhưng ít ra cũng làm chứng về một niềm tin tưởng đã có trong Kinh Thánh ngay từ thời Cựu Ước. Chính Yêrêmia cũng đã trình bày Môisê và Samuel như những vị chuyển cầu đầy thế giá (Yr 15, 1). Dân nài xin Thiên Chúa nhớ đến Abraham, Ðavít và những thử thách các vị đã trải qua mà cứu giúp họ trong giây phút hiện tại (x. Dn 3, 35 ;����� Tv 132, 1). Vì thế, việc Giáo Hội gán cho Mẹ Thiên Chúa khả năng chuyển cầu thì có gì lạ đâu ? Trong Cựu Ước, chúng ta nghe Giavê Thiên Chúa than không tìm thấy trên mặt đất "những kẻ bầu chữa" (chuyển cầu) bên Ngài để Ngài đừng xuống tay đánh dân (Ys 59, 16 ; Ez 22, 30). Lẽ nào Ngài lại phải thốt lên tiếng than đó giữa các thánh trên trời sao ?
559.
560. Niềm tin vào khả năng chuyển cầu vô song của Mẹ Thiên Chúa xây dựng trên chân lý về các thánh thông công (hiệp thông các thánh, communion des saints) vốn là một điều khoản trong kinh Tin Kính chung. Và chắc chắn rằng sự hiệp thông này không loại trừ các thánh, những người mà từ nay đang ở bên Thiên Chúa.
561.
562. Khả năng chuyển cầu của Ðức Maria trên trời khác với khả năng người thể hiện ở Cana, khi Người� nói : "Họ không có rượu nữa !" (Yn 2, 3). Việc biến đổi đã xảy ra, điều hết sức quan trọng đối với chúng ta là hiểu được sự kiện này. Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa trong cuộc đời trần thế của Ngài, nhưng Ngài sống theo phận làm Con đó "theo xác phàm", nghĩa là một cách ẩn giấu, trong thân phận khiêm hạ, chịu đau khổ, chịu chết. Qua sự Phục Sinh, Ngài trở thành "Con Thiên Chúa với quyền năng" (Fils de Dieu avec puissance) (Rm 1, 3 - 4). Một điều gì đó tương tự cũng đã xảy ra với Ðức Maria. Người đã là Mẹ Thiên Chúa từ trần gian này, nhưng Người sống chức vụ làm Mẹ đó cách ẩn giấu, trong sự từ bỏ chính mình. Khi đã được thông dự vào vinh quang của Con mình, Người trở thành "Mẹ Thiên Chúa với quyền năng". Giờ đây Thiên Chúa có thể bày tỏ ra trọn vẹn điều Ngài đã thực hiện nơi Mẹ. Quyền năng của Mẹ Thiên Chúa không phải là một quyền năng độc lập riêng biệt, song song với quyền năng của Thiên Chúa hay của Ðức Kitô mà là một quyền năng cầu bầu.
563.
564. Ðức Maria có thể "ra lệnh" cho Thiên Chúa, như tâm tình đạo đức của các tín hữu một đôi khi nói đến hay không ? Ðó không phải là lời lộng ngôn phạm thương sao ? Thánh nữ Catherine de Gênes, một vị thánh mà ngay cả anh em Tin Lành cũng quí mến và hân hoan chấp nhận vì ý thức của ngài về tính siêu việt của Thiên Chúa và vì sự từ khước của ngài không cậy vào các ân xá hay những điều tương tự cách dễ dãi, đã nói rằng, đôi lúc, ngài cầu nguyện với ý định xin Chúa điều gì đó, thế nhưng trong nội tâm, ngài lại nghe thấy tiếng của Tình Yêu nói với mình : "Hãy ra lệnh, vì Tình Yêu có thể làm như vậy 9". Vì thế, ta có thể nói rằng khi cầu khẩn, Ðức Maria "ra lệnh" cho Thiên Chúa, điều này đúng và có thể chấp nhận được, miễn là đừng làm sai lệch ý nghĩa của nó. Quyền năng cầu bầu của Ðức Maria dựa trên tình yêu của Người đối với Thiên Chúa. Thiên Chúa hứa ban tất cả những gì chúng ta xin "theo ý Ngài" (1Yn 5, 14). Những điều Ðức Maria xin, Ngài lại càng nhận lời hơn nữa vì Người chỉ xin những gì đúng theo Thánh Ý Thiên Chúa. Khi một thụ tạo mong muốn tấ cả những điều Thiên Chúa thực hiện thì Thiên Chúa thực hiện tất cả những gì thụ tạo đó mong muốn.
565.
566. Ở đây, chúng ta không chế tác ra những suy diễn trừu tượng. Quyền năng cầu bầu của Ðức Maria được chứng tỏ qua lịch sử, nghĩa là "cách hậu nghiệm" (a posteriori) chứ không phải "cách tiên thiên" (a priori) khởi từ một nguyên lý nào đó không biết. Từ thực tế xảy ra (d�être) ta được phép đi ngược lên đến cái khả năng làm cho thực tế đó có thể xảy ra (pouvoir d�être). Việc Ðức Maria xin được các ân sủng và sự trợ giúp cho Giáo Hội lữ hành là thật vì đó là việc đã xảy ra và ta có thể nhận thấy được. Có những người xin được rất nhiều ơn lành và qua những dấu hiệu rõ rệt, họ ý thức rằng mình được những ơn đó là nhờ Ðức Maria ! Nếu từ ngữ "Ðấng trung gian" gây ra khó khăn nào đó thì cứ việc dùng những từ khác hoặc không dùng từ nào cả nếu muốn. Nhưng xin hãy tin vào thực tại, tin vào "đám mây nhân chứng lớn lao" (Hr 12, 1), để đừng xúc phạm đến Ðấng đã muốn sự thể như vậy.
567.
568. Vai trò của Ðức Maria đối với đoàn dân lữ hành của Thiên Chúa có thể so sánh với vai trò của "vầng mây sáng" trong sa mạc, vầng mây là sự trợ lực ban ngày và là ánh sáng ban đêm cho đoàn dân đang tiến về Ðất Hứa. Ðến nỗi họ có thể đi vào cả ban đêm (Xh 13, 21tt ; Tl 9, 16).
569. Theo nghĩa này, vai trò của Ðức Maria cũng có thể lấy hình ảnh mặt trăng để minh họa. Vầng trăng không chiếu tỏa bằng ánh sáng riêng mình nhưng bằng ánh sáng mặt trời nó đã nhận và phản chiếu trên địa cầu. Cũng vậy, Ðức Maria không chiếu soi bằng ánh sáng riêng của Người nhưng bằng ánh sáng của Ðức Kitô. Vầng trăng soi sáng ban đêm khi mặt trời đã lặn và trước khi mặt trời mọc lại. Ðức Maria thường soi sáng những người đi qua đêm tối tội lỗi, nếu họ ngõ lời kêu cầu Người. Vào lúc ban mai khi mặt trời mọc, vầng trăng tự xóa mình đi, không dám có ý cạnh tranh với mặt trời : cũng vậy khi Ðức Kitô đến trong tâm hồn và thăm viếng tâm hồn bằng sự hiện diện của Ngài, thì Ðức Maria tự xóa mình và nói như Gioan Tẩy Giả : "Ðó là niềm vui của tôi, niềm vui đã tràn đầy. Ngài phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại" (Yn 2, 19tt).
570.
571. Các Giáo Phụ thích áp dụng hình ảnh biểu tượng mặt trời mặt trăng này cho mối tương quan giữa Ðức Kitô và Giáo Hội 10 : như vậy chúng ta thấy Ðức Maria và Giáo Hội là những thực tại gợi nhớ tên nhau biết bao nhiêu, như thể là hình bóng của nhau.
572.
573. Ðức Maria là như thế đối với chúng ta và đã làm như thế cho chúng ta. Ðể đáp lại chúng ta phải làm gì ? Lời tiên tri Isaia dường như trả lời cho câu hỏi này : chỉ cần thay thế tên Giêrusalem bằng tên của Ðức Maria, thiếu nữ Sion, và khi đó sẽ có một lời mời gọi tuyệt vời gửi đến tất cả chúng ta :
574.
575. "Hãy chia vui với Maria
576. Hãy nhảy mừng vì Người, những ai yêu mến Người
577. Với Người, hãy hân hoan vui sướng
578. Tất cả những ai đã mang tang Người !
579. Ngõ hầu các ngươi được bú no nê sữa ủi an
580. phát nguồn nơi Người
581. Ngõ hầu các ngươi được hút uống thoả thuê
582. sữa vinh quang từ Người ứa ra
583.
584. Vì đây là lời của Giavê :
585. Này Ta sẽ hướng bình an tới Người như dòng sông cả
586. nguồn phú vinh các nước như thác lũ
587. và các ngươi sẽ được bú mớm,
588. được bế bên sườn và được nâng niu trên đầu gối" (Ys 66, 10 - 12).
589.
590. Chúng ta có thể làm nhiều hơn là vui mừng với Ðức Maria và nhảy mừng hân hoan về Người. Chúng ta có thể giúp Người tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi vì điều Thiên Chúa đã thực hiện nơi Người. Một vịnh gia đã nói : "Hãy tôn dương Giavê làm một với tôi, cùng nhau ta hãy tán tụng Danh Người !" (Tv 34, 4). Ðức Maria cũng mời gọi chúng ta như vậy. Có lẽ chúng ta không thể dâng lên Người niềm vui nào lớn hơn là việc làm cho trái đất vang lên bài thánh ca của Người, để ca tụng và tạ ơn Thiên Chúa về những việc lớn lao Người đã thực hiện nơi Người.
591.
592. Và tiếp đến là bắt chước noi gương. Nếu chúng ta yêu mến, chúng ta hãy noi theo là kết quả tốt nhất của tình yêu. Việc cùng đi với Ðức Maria của chúng ta chỉ mong là một cách noi theo Người, thật sự nhận Mẹ làm Người Hướng Dẫn thành thạo am tường trên con đường tiến tới sự biến đổi trọn vẹn trong Ðức Kitô và tiến tới sự thánh thiện. Khi đã đến cuối đường và khi chiêm ngắm Người lên trời "cả hồn lẫn xác", chúng ta hãy nhớ đến một cuộc lên trời khác, tuy rất khác với cuộc lên trời của Người, đó là cuộc lên trời của Elia. Trước khi thấy người thầy và là người cha của mình biến đi trên chiếc xe bằng lửa, Elysa, người môn đệ trẻ, đã xin thầy : "Xin cho con được gấp đôi về Thần Khí của Ngài" (2V 2, 9). Với Ðức Maria, người mẹ và là người thầy của chúng ta, chúng ta cũng dám xin điều tương tự : Ô�i lạy Mẹ, xin cho Thần Khí của Mẹ trở thành Thần Khí của chúng con ; xin cho lòng tin, lòng cậy trông, lòng mến của Mẹ trở thành của chúng con ; xin cho lòng khiêm hạ và đơn sơ của Mẹ trở thành của chúng con. Xin cho tình yêu của Mẹ đối với Thiên Chúa trở thành của chúng con ! "Ước chi tâm hồn của Ðức Maria ở trong mỗi người chúng ta, để người tôn dương Thiên Chúa ; ước chi Thần Khí của Ðức Maria ở trong mỗi người chúng ta, để Thần Khí Người nhảy mừng trong Thiên Chúa 11".
593.
594. Trong cuốn sách này, chúng ta nói về Ðức Maria, và đã được "soi gương" nơi Ðức Maria, nhưng luôn luôn quy tất cả về Thiên Chúa, và Ðức Maria chỉ được xem như một dụng cụ, chúng ta đã tôn vinh Thiên Chúa chứ không phải tôn vinh Ðức Maria. Tuy nhiên, nếu trước khi chia tay, mà chúng ta không nói với Người, dụng cụ khiêm nhường và là "tấm gương không tỳ vết", một lời cám ơn từ thẳm sâu tâm hồn thì quả là vô ơn, tệ bạc. Chúng ta nghĩ con đường của Mẹ gian khổ và chông gai biết bao, và Mẹ đã yêu thương chúng ta ngần nào. Chúng ta cám ơn Mẹ bằng cách mượn lại ngôn từ của một trong rất nhiều người đã trở về với Chúa nhờ Ðức Maria :
595.
596. "Bởi vì Người ở đó mãi mãi,
597. Chỉ vì Người là Maria,
598. Chỉ vì Người hiện hữu,
599. Ô�i Mẹ Ðức Giêsu kitô,
600. Xin được tạ ơn Người 12" !
601.
602.
603. CHÚ THÍCH
604.
605. 1. Saint Augustin, Sermons 72A (= Denis 25), 7 (Miscell. Agost I, p. 163).
606. 2. Lumen gentium 68.
607. 3. Dante Alighieri, Paradis XXXIII, 10 - 12.
608. 4. Le livre de la Bienheureuse Angèle de Foligno, op. cit p. 256.
609. 5. Saint Augustin, Sur les Psaumes 53, 10 (CC 38, p. 653s).
610. 6. Le livre de la Bienheureuse Angèle de Foligno, op. cit p. 394.
611. 7. Sainte Thérèse de l�Enfant Jésus, Novissima Verba, 17 Juillet.
612. 8. Jean Paul II, Encyclique Redemptoris Mater 21 (AAS 79, 4987, p. 389).
613. 9. Sainte Catherine de Gênes, Vie 32 (Turin, 1962, p. 262).
614. 10. Cf. H. Rahner, Symbole der Hirche, Salisbourg, 1964.
615. 11. Saint Ambroise, Sur l�Évangile selon Luc II, 26 (CSEL 32, 4, p. 55).
616. 12. P. Claudel, La vierge à midi, dans Oeuvres poétiques, Paris, Gallimard 1967, p. 541.

MỤC LỤC

DẪN NHẬP.
Ðức Maria, một bức thư viết bởi ngón tay Thiên Chúa hằng sống

I. ÐỨC MARIA, MỘT TẤM GƯƠNG CHO GIÁO HỘI TRONG NHẬP THỂ.

1. "ÐẦY ÂN SỦNG"

Ðức Maria dẫn Giáo Hội tới việc khám phá ân sủng của Thiên Chúa
Hiện tôi có gì là bởi ơn Thiên Chúa.
Ân sủng là gì ?
"Chính bởi ân sủng mà anh em đã được cứu".
Ta cần toàn thể.
Vẻ đẹp của nàng công chúa.
Ân sủng là khởi đầu của vinh quang.
Ðừng để ơn lãnh nhận từ Thiên Chúa ra vô hiệu.
Thánh Maria ân sủng.

2. "PHÚC CHO NGƯỜI LÀ KẺ ÐÃ TIN"

Maria đầy lòng tin.
"Này tôi là tôi tá Chúa".
một mình với Thiên Chúa.
Tiếng xin vâng của hôn lễ.
Theo bước đường của Ðức Maria.
Chúng ta cũng hãy tin.
"Người công chính sẽ sống bởi đức tin".

3. "NGƯỜI SẼ THỤ THAI VÀ SINH MỘT CON TRAI"

Maria, Mẹ Thiên Chúa
"Nếu ai không tin rằng Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa ."
Một cái nhìn về lịch sử hình thành tín điều.
Mẫu tính "thể lý" của Ðức Maria : Thời chống thuyết ngộ đạo.
Mẫu tính "siêu hình" của Ðức Maria : Thời kỳ tranh luận lớn về Kitô học.
Ðức Maria, Mẹ các tín hữu, trong viễn tượng đại kết.
"Và từ giờ ấy, môn đồ đã lãnh lấy Người về nhà mình".
Sự can trường mà Người đã chứng tỏ.

II. ÐỨC MARIA, MỘT TẤM GƯƠNG CHO GIÁO HỘI TRONG MẦU NHIỆM VUỢT QUA.

4. "NÀY BÀ, GIỮA TÔI VÀ BÀ CÓ VIỆC GÌ ?"

Ðức Maria dạy chúng ta biết từ bỏ chính mình.
Người đã phải đau khổ dãi dầu mà học cho biết vâng phục.
Ðức Maria trong cuộc đời công khai của Ðức Giêsu.
Nếu hạt lúa không chết đi.
Ðức Maria, môn đệ Ðức Kitô.
Nếu ai muốn theo Ta .

5. "ÐỨNG BÊN KHỔ GIÁ ÐỨC GIÊSU, CÓ MARIA MẸ NGÀI"

Maria, Mẹ của niềm hy vọng.
Ðức Maria trong mầu nhiệm Vượt Qua.
Ðức Maria, chiên non tinh tuyền.
Ðứng gần khổ giá Ðức Giêsu.
Thập Giá phân chia và nối kết.
Người tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông.
Những người gắn bó với niềm hy vọng nhỏ nhoi.

6. "HỠI BÀ, NÀY LÀ CON BÀ !"

Maria, Mẹ các tín hữu.
"Mỗi người hãy sống theo ân sủng đã lãnh nhận".
"Mọi người chúng ta đều sinh ra tại đó".
Tổng hợp về Ðức Maria của Công Ðồng Vatican II.
Ðức Maria, Mẹ các tín hữ trong viễn tượng đại kết.
Và từ giờ ấy môn đồ đã lãnh lấy Người về nhà mình.
"Sự can trường mà Người đã chứng tỏ."

III. ÐỨC MARIA, MẪU GƯƠNG CHO GIÁO HỘI TRONG NGÀY LỄ NGŨ TUẦN.

7. "CHUYÊN CẦN CẦU NGUYỆN VỚI ÐỨC MARIA, MẸ ÐỨC GIÊSU"

Cùng với Ðức Maria trông đợi Chúa Thánh Thần nơi Nhà Tiệc Ly.
Ðức Maria trong và sau ngày lễ Ngũ Tuần.
Cầu nguyện để đón nhận Thánh Thần.
Những người kiên trì cầu nguyện.
Cầu nguyện liên lỉ.
Khi cầu nguyện trở nên nặng nề và chán nản.
Cầu nguyện bức bách.

8. "THÁNH THẦN SẼ ÐẾN TRÊN NGƯỜI"

Ðức Maria, con người của Thánh Linh, của đặc sủng Thánh Thần đầu tiên trong Giáo Hội.
Thánh Thần tái hoạt động.
Ðức Maria và Chúa Thánh Thần trong Tin Mừng Luca.
Ðức Maria, người được đặc sủng đầu tiên của Giáo Hội.
Ðức Maria, hình bóng của một Giáo Hội Thần Khí và đặc sủng.
"Người cho hãy có lòng đơn thành".

9. "VÀ GỤC ÐẦU XUỐNG, NGÀI PHÓ THÁC THẦN KHÍ".

Ðức Maria trong lễ Hiện Xuống theo Tin Mừng Gioan.
Lễ Hiện Xuống của Tin Mừng Gioan.
"Và lập tức có Máu và Nước chảy ra".
Thánh Thần, Ðấng ban sự sống.
Ðức Maria, người bạn của Thiên Chúa.
Ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi.

PHẦN KẾT

Ðức Maria, Mẹ các tín hữu trong viễn tượng đại kết.
"Và từ giờ ấy, môn đệ đã lãnh lấy Người về nhà mình".
Sự can trường mà Người đã chứng tỏ.