Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Tha Thứ

(Những bài Suy Niệm Và Cầu Nguyện

của Linh Mục Nguyễn Tầm Thường, SJ.)
Có hai thứ mùa xuân, mùa xuân của đất trời và mùa xuân của tâm hồn. Mùa xuân nào thì cũng cần đổi mới. Mới của mùa xuân đất trời là mầm non nẩy lộc. Mới của mùa xuân tâm hồn là sự tha thứ. Tha thứ làm cho mối giây liên hệ đã khô héo hồi sinh, nẩy mầm. Từ đó, cuộc sống thành tươi mát.

Trong khi đi tìm mùa xuân, tôi nghe chung quanh tôi có nhiều tiếng than. Khổ cực của nghèo túng. Dằn vặt của hận thù. Có nhiều loại cay đắng. Ðắng cay vì thất bại làm ăn, vì chuyện gia đình, vì chuyện tình duyên. Ai cũng muốn tránh né nghịch cảnh. Muốn có cuộc sống êm đềm, muốn có một mùa xuân.
Trong các thứ khổ hạnh, giữa những thứ đắng cay, có một thứ rất cay đắng đó là thiếu vắng niềm thông cảm, là một trái tim phải mang hận thù, hận thù người và lo âu người thù hận lại. Khi tôi ghét ai, tâm hồn tôi không còn phẳng lặng nữa. Khi tôi bị người khác ghét, tôi sống trong đề phòng sợ hãi. Cả hai đều là ngục tối. Cả hai đều đánh mất bình an. Người ta đã chẳng thường nói: Thà nghèo nhưng yêu thương nhau thì vẫn hạnh phúc. Vì thế, yêu thương là con đường duy nhất tạo nên bình an và làm cho cuộc sống tươi mát. "Này đây Ta ban cho các con một giới răn mới: các con hãy thương mến nhau" (Yn 13,33).
Có nhiều yếu tố để duy trì một mối liên hệ nhưng yếu tố căn bản vẫn là tha thứ. Người ta chẳng thể yêu nếu không tha thứ, vì tha thứ là ngưỡng cửa mời gọi và tái sinh tình yêu khi mối liên hệ giữa hai người bị sứt mẻ.
Ðã nhiều lần tôi đoan hứa với Chúa, nhưng mỗi lần tôi đoan hứa thì lại như một lời báo trước một sự vấp ngã. Tôi đoan hứa hoài, tôi lỗi lời thề mãi. Nhưng cái lạ lùng trong mối liên hệ giữa tôi và Chúa là Chúa chẳng bao giờ nói rằng Ngài quá mệt mỏi vì tha thứ cho tôi. Nếu Chúa không tha thứ cho tôi được thì tôi cũng chẳng thể yêu Ngài được, bởi tha thứ là lời mời gọi dẫn vào khung trời yêu mến.
Nhìn vào cách đối xử của Chúa, tôi có phải tha thứ cho ai xúc phạm đến tôi không? Câu trả lời có thể là không. Tôi lý luận rằng bởi Chúa là tình yêu vô biên nên Ngài mới tha thứ được. Tôi là con người làm sao có thể tha thứ như Chúa. Xem ra câu nói có vẻ lý luận. Nhưng nếu lắng nghe cõi lòng thì câu trả lời chẳng có vẻ lý luận chút nào cả.
Lý do đơn giản mà tôi phải tha thứ là vì tôi cần được thứ tha.
Chính trong tôi cũng có hai con người: một con người lỗi phạm và một con người công chính. Tôi là một người có nhiều khuyết điểm. Tôi không thể chối từ được điều đó. Tôi được cưu mang trong ảnh hưởng của bao khiếm khuyết. Cuộc đời là nối tiếp những những ý nghĩ bất chính, những hành động sai lạc. Tôi phải chấp nhận thực tại tôi là thế. Chối từ thực tại này là từ chối chính tôi. Chẳng ai có thể từ chối được chính mình, vì sống là nhìn nhận sự hiện hữu của họ. Sự hiện hữu của tôi là tất cả những gì tôi là: sự yếu đuối cũng như con tim biết yêu mến điều thiện hảo. Nếu tôi oán ghét tôi tức là tôi hủy diệt mình. Vì thế, tôi phải tha thứ cho tôi, phải rộng lượng và khoan nhân với mình. Tôi phải cho tôi có cơ hội để làm lại cuộc đời sau khi đã lầm lỗi, chứ không tạo nên trong tôi một bãi chiến trường.
Từ chính tôi, tôi đã hiểu rằng tôi cần được tha thứ. Tôi thương tôi mà tôi vẫn xử dụng tự do cách sai lạc để xúc phạm đến chính tôi, để làm tàn úa mùa xuân bình an trong hồn mình. Như vậy, đối với tha nhân, kẻ mà tôi thường không thông cảm đủ, không hiểu rõ họ thì làm sao tránh xúc phạm đến họ được?
Tôi xúc phạm đến họ thì tôi cần được tha thứ. Có khi tôi cần được tha thứ hơn là họ cần sự tha thứ của tôi.
Khi chối từ tha thứ cho người khác là bảo rằng tôi không cần sự thứ tha. Chỉ có kẻ nào không bao giờ lầm lỗi thì mới không cần được tha thứ. Nếu tôi tự cho mình chẳng bao giờ làm điều sai, khi nào cũng công chính, tôi chẳng cần ai tha thứ, thì tôi đã kiêu ngạo một cách đáng thương hại.
Tha thứ là lời mời gọi duy nhất để tình yêu lớn lên. Tha thứ là cửa ngõ để cho tôi, cho người tôi ghét có cơ hội làm lại mối giây liên hệ đã dập gẫy.
Không tha thứ là tôi đóng chặt cửa ngõ đó để kẻ tôi giận không còn có cơ hội nói rằng họ cũng cùng thân phận yếu đuối, họ cũng cần sự nâng đỡ của tôi. Cái gian nan của con người là sự bất toàn của họ. Tôi bất toàn. Cha mẹ tôi có khuyết điểm. Người yêu tôi không hoàn hảo. Cha xứ bất toàn. Người trong họ đạo bất toàn. Thầy dạy của tôi bất toàn. Bởi bất toàn nên mới có lầm lỗi. Nếu tôi khẳng định chối từ tha thứ cho họ. Tôi đóng chặt tâm hồn mình thì tôi thiệt thòi bởi vì tôi chối từ một tình mến kẻ khác trao tặng, và tôi lại gây thêm một sứt mẻ vì kẻ muốn làm hòa với tôi phải đau khổ vì bị tôi chối từ. Lúc đó, tôi chối từ sự kiên kết trong cùng một thân thể Ðức Kitô. Khi tôi đóng chặt cõi lòng, không chấp nhận tha nhân để họ không đến với tôi được, là tôi tự xây nên một bức tường cao. Ánh nắng thông cảm chẳng thể lọt qua. Tôi sẽ chẳng bao giờ có mùa xuân ấm và hồn tôi sẽ lên rêu ẩm mốc.
Tình thương và mọi mối giây liên hệ trong gia đình, giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ chồng, giữa cha xứ và giáo dân, giữa những phần tử trong một nhóm, được phong phú hóa bởi tha thứ. Những tình yêu, những mối giây liên hệ tái sinh sau khi được tha thứ thì thường bao giờ cũng rất khác biệt, cũng rực rỡ vô cùng. Nếu Chúa Yêsu không tha thứ cho Phêrô thì họ đã chẳng gắn bó với nhau và Phêrô chắc cũng chẳng sống chết với sứ mạng của Chúa. Sau khi lỗi phạm và được tha thứ, tình yêu của Phêrô đã bừng cháy. Phaolô cũng thế, bởi vì hận thù tôn giáo của Ðức Kitô quá nhiều nên khi được ơn gọi, được tha thứ, Phaolô đã trở nên điên dại trong sứ vụ rao truyền danh Ðức Kitô cho thế giới. Mai Ðệ Liên đã là người tình muôn thuở của Yêsu vì nàng đã cảm nghiệm được yêu thương trong khoan dung.
*
* *
Tôi gặp X một cô bé 15 tuổi học lớp 8 trong lớp giáo lý của tôi. X qua Mỹ với mẹ cách đây mấy năm về trước. Ba của X kẹt lại, nhưng bây giờ đã tới trại tỵ nạn Thailand, tuy nhiên ông lại sống với một người đàn ba khác. Ðiều đó làm X vô cùng đau khổ. Em nói với tôi là em thấy xấu hổ nếu bạn bè của em biết được. Trong buổi nói chuyện đó, X đã khóc. Khi nói với X rằng mùa này là mùa Giáng Sinh, mùa của yêu thương, của biết ơn và tha thứ. Tôi tiếp tục tâm sự với X. Tôi càng nói về yêu thương thì X càng khóc. Chủ nhật sau, X đưa cho tôi một lá thư nhờ tôi xem. Em hỏi tôi nên viết như thế nào. Tôi đọc lá thư và tôi không cầm được nước mắt. Và X cũng khóc theo. Ðây là một đoạn trong lá thư của em.
... con thương Ba. Con mong muốn Ba về với con. Dù Ba đi đâu, nếu Ba bỏ con, thì con cũng vẫn thương Ba. Xin Ba đừng nghĩ rằng con không thích Ba. Nếu Ba chẳng bao giờ gặp con nữa thì con cũng vẫn là con của Ba. Ba đã vất vả để nuôi con từ khi con còn bé. Nên con muốn biết ơn Ba. Con đau khổ vì con chưa bao giờ express cho ba biết là how much con care cho Ba...
Trong lá thư đó, X không viết, nhưng X nói với tôi là có thể Ba của X cũng không hạnh phúc gì ở bên trại, có thể Ba của X cũng có những đau khổ dày vò khác, nên nghĩ tới đó X lại càng thương Ba chứ không oán trách Ba. Ðọc thư, tôi bùi ngùi khôn tả. Tôi không thể góp ý kiến gì với X được nữa, vì đó là tình yêu tuyệt vời rồi.
Ban tối, khi ngồi trong nhà nguyện một mình với Chúa, tôi thấy Chúa đã cho tôi gặp X, để X chỉ cho tôi con đường về yêu thương. Tình loài người bát ngát quá. Tôi thấy mình gần gũi với mọi người chung quanh hơn sau khi tôi gặp X. Bé X đã gặp gỡ Ba của bé trong yêu thương tha thứ, trong nhận thức được sự yếu đuối của con người.
Tôi nghĩ chính trong những yếu đuối, những lầm lỗi của nhau mà tôi gặp gỡ và gần tha nhân hơn là trong sức mạnh, tài năng và ngay cả trong lý tưởng.
Tối hôm đó, trong buổi cầu kinh, tôi nghe như Chúa nói với tôi giống như lời của X viết cho Ba: Cha thương con. Cha mong muốn con về với Cha. Cha không cần biết là bao nhiêu tội con đã phạm. Cha không cần biết con đã làm gì. Dù con bỏ Cha đơn côi một mình trên thập giá, Cha cũng vẫn yêu con. Dù con đẩy Cha vào góc tường và muốn giết Cha thì Cha cũng đành để con giết, chứ Cha sẽ không chiến đấu chống lại con vì Cha thương con.
Tôi thấy mình hạnh phúc quá vì có một Thiên Chúa nhân từ, luôn tha thứ. Trong tha thứ, tình yêu giữa tôi và Chúa rực rỡ hơn. Tôi băn khoăn tự hỏi mình: Làm sao tôi có thể chối từ một tình yêu bao la như thế? Ðây là động lực thúc đẩy tôi đi tới, tôi muốn bước lên cao hơn, muốn thuộc về Ngài nhiều hơn.