Gioan Phaolô II
Lm Phan Tấn Thành, OP dịch
Từ nhiều năm qua, Đức Gioan Phaolô II đã dành những buổi tiếp kiến chung vào ngày thứ tư hàng tuần để giải thích Kinh Tin kính, bắt đầu từ Chúa Cha tạo thành vũ trụ, Chúa Con nhập thể và cứu thế, Chúa Thánh Thần nguồn ban sức sống và sự thánh thiện. Chính trong phần thứ ba của Kinh Tin kính, sau khi đã giải thích bản chất và sứ mạng của Hội thánh, Đức Thánh Cha đã dành 70 bài để nói về Đức Maria, kéo dài từ ngày 7.9.1995 đến ngày 13.11.1997.
Ai cũng biết Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II có lòng tôn kính đặc biệt với Đức Mẹ. Khẩu hiệu đã được chọn từ khi làm giám mục đã bộc lộ điều đó: “Totus tuus”, (toàn thân con thuộc về Mẹ), một công thức dâng hiến dựa theo học thuyết của thánh Louis Marie Grignon de Montfort. Đừng kể rất nhiều bài giảng, huấn từ, và những kinh ký thác được soạn vào những hoàn cảnh khác nhau, ngài đã viết một thông điệp về Đức Maria: Redemptoris Mater (Thân mẫu Đấng Cứu chuộc, ngày 25.03.1987). Trong những bài huấn giáo sau đây, với một lối văn đơn giản, ngài muốn trình bày “một toát lược căn bản của lòng tin Hội thánh về Đức Maria” (xc. bài 10). Dựa theo hướng đi của công đồng Vaticano II trong Hiến chế Hội thánh, thiên chức và sứ mạng của Đức Maria được nghiên cứu dựa theo mối tương quan với Đức Kitô (Con Thiên Chúa Nhập thể và Đấng Cứu chuộc nhân loại) và với Hội thánh (Nhiệm thể của Đức Kitô).
I. NHẬP ĐỀ (BÀI 1-11)
Trước hết, Đức Thánh Cha điểm qua những tước hiệu mà các Kitô hữu đã gán cho Đức Maria trải qua lịch sử Hội thánh, - từ những tước hiệu cổ điển đã gặp thấy trong Tân ước (chẳng hạn như: Thân mẫu của Đức Giêsu, Thân mẫu của Đức Emmanuel, Đức Trinh nữ), cho đến những tước hiệu xuất hiện vào thời các giáo phụ (chẳng hạn như : Đức Mẹ Chúa Trời), cũng như những chứng tích về lòng thảo hiếu của các tín hữu dâng lên Người (các kinh nguyện, các lễ phụng vụ, các cuộc hành hương,vv) - . Từ đó, ngài muốn vạch ra vài đường hướng để hiểu rõ hơn bản thân và thiên chức của Đức Mẹ.
1/ Dĩ nhiên, những chân lý đức tin về Đức Maria cần được đặt nền tảng trên Thánh kinh và Thánh truyền (bài 4). Trên thực tế, phần lớn các bài huấn giáo đều dựa trên các bản văn Thánh kinh (cả Cựu ước lẫn Tân ước), được giải thích theo truyền thống của Hội thánh công giáo.
2/ Thần học về Đức Maria (Thánh-Mẫu-học) không phải chỉ là công trình của các cuộc suy tư lý thuyết nhưng đã nhận được sự đóng góp quan trọng do lòng đạo đức bình dân (bài 5). Ngày nay, một yếu tố giúp đào sâu hơn sứ mạng của Đức Maria là “phong trào nữ quyền”, khi vạch ra những đức tính của người phụ nữ cũng như sự đóng góp đặc trưng của nữ giới vào đời sống xã hội (bài 7-8).
3/ Dựa theo công đồng Vaticanô II, bức chân dung của Đức Maria sẽ trở nên phong phú và trung thực khi được đặt trong mối tương quan với Chúa Kitô và với Hội thánh (bài 9). Đức Thánh Cha còn muốn mở rộng ra đến mối tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa nữa (bài 11).
4/ Sau khi nhận ra vai trò của Đức Maria trong chương trình cứu độ, cần phải rút ra những hệ luận thực hành cho đời sống của người Kitô hữu: ngưỡng mộ, yêu mến, bắt chước các mẫu gương nhân đức, tin tưởng ký thác (bài 10).
II. ĐỨC MARIA THEO KINH THÁNH
A. Những lời tiên báo trong Cựu ước về vai trò của Đức Maria
1/ Người nữ chiến thắng con rắn: St 3,15 (bài 12)
2/ Những đoạn văn nói về bà Mẹ của Đấng Mêsia: Is 7,14; Mk 5,1-2 (bài 13); và những bà mẹ của các ngôn sứ (bài 14).
3/ Những phụ nữ góp phần vào việc giải phóng dân tộc (bài 15), và những phụ nữ đức hạnh (bài 16).
B. Đức Maria theo Tân ước
Trong các tác phẩm Tân ước, Đức Maria được nói nhiều hơn cả trong Phúc âm theo thánh Luca, đặc biệt là trong hai chương đầu (quen gọi là “Phúc âm thời niên thiếu”).
1/ Đức Gioan Phaolô II đã dừng lại khá lâu (bài 19-33) ở cảnh Truyền tin (Lc 1,26-38), để bàn về các tước hiệu của Đức Maria: “đầy ơn phước” (bài 19), “toàn thánh” (bài 20), “trinh nữ” (bài 26), “nữ tì của Thiên Chúa” (bài 32). Đây cũng là cơ hội để giải thích những chân lý đức tin về “Vô nhiễm nguyên tội” (bài 21-23) và “Trọn đời đồng trinh” (bài 31).
2/ Tiếp đến là những đoạn chú giải trình thuật về cuộc Thăm viếng bà Isave (bài 34-35), Giáng sinh (bài 36)- nền tảng của tín điều “Đức Mẹ Chúa Trời” (bài 37) -, Tiến dâng (bài 39-41), Lạc mất và tìm gặp lại Con trong đền thờ (bài 42).
3/ Trong cuộc đời công khai của Đức Kitô, Phúc âm thánh Gioan để lại haiđoạn văn quan trọng nói về vai trò của Đức Maria trong công trình cứu thế: tại tiệc cưới Cana (bài 44-45) và dưới chân thập giá (bài 47-50).
4/ Sau cùng, chúng ta theo dõi cuộc đời Đức Maria từ khi Chúa Kitô phục sinh (bài 51) và trao ban Thánh Thần, khai trương Hội thánh (bài 52), cho đến khi Người lìa đời (bài 53), đối tượng của tín điều Mông triệu Thăng thiên (bài 54-55).
III. ĐỨC MARIA VỚI HỘI THÁNH
1/ Đức Maria là một phần tử ưu việt của Hội thánh (bài 57-58): Người là điển hình và khuôn mẫu cho Hội thánh: trong chức vụ làm mẹ (bài 59), trong việc chung thủy với Chúa Kitô tựa như trinh nữ với Hôn thê (bài 60), trong việc thực hành các nhân đức (bài 61), trong việc thờ phượng Thiên Chúa (bài 62).
2/ Đức Maria là Mẹ của Hội thánh trong hệ trật ơn sủng (bài 63), đặc biệt là qua việc chuyển cầu cho chúng ta (bài 64-65).
3/ Đáp lại, các tín hữu bày tỏ lòng mộ mến hiếu thảo, qua việc tôn kính (bài 66-68), khẩn cầu (bài 69), và tín thác (bài 70).
Ngoài mục tiêu huấn giáo, thiết tưởng những bài trên đây có thể được sử dụng vào việc suy niệm (đặc biệt khi đọc kinh Mân côi), hoặc học hỏi về Thánh mẫu học. Thiết tưởng không phải là thừa khi nhắc lại vài văn kiện quan trọng của Huấn quyền cận đại về Đức Maria:
- Công đồng Vaticano II, Hiến chế tín lý về Hội thánh Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), chương VIII, số 52-69 (ngày 21.11.1964).
- GH Phaolô VI, tông huấn Marialis cultus “Việc tôn kính Đức Maria” (ngày 02.02.1974).
- GH Gioan Phaolô II, thông điệp Redemptoris Mater “Thân mẫu Đấng Cứu thế” (ngày 25.3.1987).
Một sách tham khảo không thể thiếu là Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (ngày 11.10.1992), viết tắt GLCG.
Chúng tôi sẽ quy chiếu các bản văn này khi chú dẫn các bài huấn giáo.
BÀI 1: SỰ HIỆN DIỆN CỦA ĐỨC MARIA VÀO LÚC KHỞI NGUYÊN CỦA HỘI THÁNH
Tiếp tục loạt bài huấn giáo về Hội thánh, Đức Thánh Cha muốn trình bày loạt bài về Đức Maria. Việc gắn liền Đức Maria với mầu nhiệm Hội thánh không những phù hợp với hướng đi của công đồng Vaticanô II (xc. bài số 9), nhưng có nền tảng từ Tân ước. Sách Tông đồ công vụ đã ghi nhận sự hiện diện của Mẹ Maria vào buổi khai nguyên của Hội thánh, tại nhà Tiệc ly tại Giêrusalem, trong những ngày cầu nguyện khẩn cầu Chúa Thánh Thần. Đức Maria hiện diện như một nhân vật hướng dẫn Hội thánh trong sự đồng tâm cầu nguyện và trung thành ghi nhớ Chúa Kitô.
1.- Sau khi đã dừng lại trong những bài huấn giáo trước đây để đào sâu về bản chất và sứ mạng của Hội Thánh, giờ đây tôi thấy cần phải hướng mắt nhìn lên thánh Trinh nữ Maria, Đấng đã thể hiện sự thánh thiện của Hội thánh một cách toàn hảo, và trở thành khuôn mẫu cho sự thánh thiện đó.
Đó cũng là điều mà các Nghị phụ công đồng Vaticano II đã làm: sau khi đã trình bày đạo lý về thực thể lịch sử cứu độ của Dân Thiên Chúa, các Nghị phụ đã muốn hoàn tất đạo lý đó với việc trình bày vai trò của Đức Maria trong công cuộc cứu độ[1]. Thực vậy, chương VIII của Hiến chế Ánh sáng muôn dân không những chỉ nhằm nêu bật chiều kích Hội thánh của đạo lý về Đức Maria, mà còn muốn làm sáng tỏ sự đóng góp mà hình ảnh của Đức Maria mang lại cho chúng ta trong việc hiểu biết thêm về mầu nhiệm của Hội thánh.
2.- Trước khi trình bày hành trình của Công đồng để tìm hiểu Đức Maria tôi ước muốn nhìn ngắm Đức Maria vào lúc khởi nguyên của Hội thánh, đã được sách Tông đồ công vụ kể lại. Thánh Luca mở đầu tác phẩm Tân ước trình bày cuộc sống của cộng đoàn đầu tiên của các Kitô hữu, sau khi nhắc tới danh tánh của từng vị Tông đồ(1,13), đã nói rằng: “Tất cả mọi người đều chuyên chăm đồng tâm cầu nguyện cùng với một vài phụ nữ và với Đức Maria, Thân mẫu của Đức Giêsu, và với các anh em của Chúa” (1,14).
Trong quang cảnh đó, chúng ta thấy nổi bật lên Đức Maria, nhân vật duy nhất được nhắc tới đích danh - ngoài các thánh Tông đồ ra: Đức Maria đã tượng trưng cho một khuôn mặt của Hội thánh vừa khác biệt vừa bổ túc cho khuôn mặt tác vụ và phẩm trật của Hội thánh.
3.- Thực vậy, câu nói của thánh Luca đã kể lại sự hiện diện, trong nhà Tiệc ly, của một vài phụ nữ, và như vậy ông đã muốn nêu bật tầm quan trọng của các phụ nữ trong đời sống Hội thánh ngay từ lúc ban đầu. Sự hiện diện này đã được nối kết chặt chẽ với sự bền bỉ kiên trì của cộng đoàn trong sự cầu nguyện và đồng tâm nhất trí. Những nét này đã diễn tả một cách toàn hảo hai khía cạnh căn bản của sự đóng góp đặc thù mà các phụ nữ mang lại cho đời sống của Hội thánh. Nam giới thường nghiêng về những khuynh hướng hoạt động ở bên ngoài; vì thế họ cần các phụ nữ giúp đỡ để biết chú ý hơn đến những tương quan liên-bản-vị và tiến triển đến sự kết hợp của các tâm hồn.
Đức Maria, “kẻ được chúc phúc hơn mọi người nữ” (Lc 1, 42) , đã chu toàn một cách nổi bật sứ mạng đó của phụ nữ. Thử hỏi xem có ai, hơn Đức Maria, đã cổ võ giữa hết mọi tín hữu sự kiên trì trong việc cầu nguyện? Có ai, hơn Mẹ, đã cổ động sự hòa hợp và tình yêu thương?
Vì đã nhận chân sứ mạng mục vụ được Chúa Giêsu đã ủy thác cho Mười Một Tông đồ, các phụ nữ trong nhà Tiệc ly, cùng với Đức Maria ở giữa họ, đã kết hiệp với lời cầu nguyện của các tông đồ, và đồng thời minh chứng cho sự hiện diện trong Hội thánh của những người tuy không lãnh nhận sứ mạng tông đồ nhưng cũng là những phần tử trọn vẹn của cộng đoàn đã được kết hiệp trong đức tin vào Đức Kitô.
4.- Sự hiện diện của Đức Maria trong cộng đoàn cầu nguyện đón chờ Chúa Thánh Thần xuống (x. Cv 1,14) đã gợi lên phần đóng góp của Đức Maria trong cuộc Nhập thể của Con Thiên Chúa do quyền năng của Chúa Thánh Thần (x. Lc 1,35). Cả hai vai trò của Đức Trinh nữ Maria, lúc khai mào trước đây và lúc Hội thánh xuất hiện bây giờ vào lễ Hiện xuống, đều có liên lạc mật thiết với nhau.
Sự hiện diện của Đức Maria vào thời buổi sơ sinh của Hội thánh mang sắc thái nổi bật khi đối chiếu với sự thông dự kín đáo của Người trong giai đoạn trước đây, nghĩa là vào thời gian hoạt động công khai của Đức Giêsu. Vào lúc Con của Người thi hành sứ vụ thì Đức Maria ở lại Nazaret, tuy dù sự cách ly đã không loại bỏ vài cuộc tiếp xúc đầy ý nghĩa như là tại Cana, và nhất là đã không ngăn cản Người tham dự vào hy tế trên núi Calvariô[2].
Ngược lại, trong cộng đoàn tiên khởi, Đức Maria giữ một vai trò đáng kể. Sau khi Chúa Giêsu lên trời và đang lúc chờ đợi lễ Ngũ tuần, Thân mẫu của Đức Giêsu đã đích thân hiện diện tại những bước đầu của công trình mà người Con của Mẹ đã khai trương[3].
5.- Sách Tông đồ công vụ đã nhấn mạnh rằng Mẹ Maria có mặt trong nhà Tiệc ly cùng với “các anh em của Đức Giêsu” (Cv1,14), nghiã là cùng với các họ hàng thân thích của Chúa, như là truyền thống Hội thánh vẫn hiểu: đây không phải là một cuộc tụ họp gia đình cho bằng, dưới sự hướng dẫn của Mẹ Maria, gia đình tự nhiên của Đức Giêsu đã trở thành gia đình tinh thần của Đức Kitô: “ ai tuân hành ý của Thiên Chúa – như Đức Giêsu đã nói - thì người đó là anh, chị em và là mẹ của tôi” (Mc 3, 34).
Cũng trong một hoàn cảnh đó, thánh Luca đã đặt danh hiệu cho Đức Maria là: “Thân mẫu của Đức Giêsu” (Cv 1,14), ra như muốn gợi ý rằng có cái gì của Đức Kitô lên trời vẫn còn tồn tại qua sự hiện diện của bà Thân mẫu. Đức Maria nhắc nhở cho các môn đệ khuôn mặt của Đức Giêsu, và với sự hiện diện ở giữa cộng đoàn, Mẹ trở thành dấu hiệu cho lòng chung thủy của Hội thánh đối với Chúa Kitô.
Trong bối cảnh này, danh hiệu “Thân mẫu” nói lên thái độ gần gũi và ân cần mà Đức Maria sẽ tiếp tục theo dõi đời sống của Hội thánh. Đức Maria sẽ mở cửa lòng mình cho Hội thánh để bày tỏ những kỳ công mà Thiên Chúa toàn năng và lân tuất đã thực hiện ở nơi Người.
Ngay từ buổi đầu, Đức Maria đã thi hành chức vụ làm “Thân mẫu của Hội thánh”: hoạt động của Mẹ đã giúp cho các tông đồ duy trì sự đoàn kết, được thánh Luca trình bày như là “đồng tâm hiệp ý”, khác xa với sự cãi cọ mà trước đây đã xảy ra giữa họ với nhau.
Sau cùng, Đức Maria đã thực thi sứ mạng làm mẹ đối với cộng đoàn các tín hữu, không những cầu xin cho Hội thánh được các hồng ân của Chúa Thánh Thần, cần thiết cho sự hình thành và cho tương lai của Hội Thánh, mà đồng thời còn dạy dỗ các môn đệ của Đức Kitô được biết liên lỉ kết hiệp với Thiên Chúa.
Như vậy, Đức Maria trở thành người giáo dục dân Chúa về sự cầu nguyện, về sự gặp gỡ Thiên Chúa, một yếu tố quan thiết ngõ hầu hoạt động của các mục tử và của các tín hữu luôn luôn bắt đầu và tìm thấy động lực sâu xa ở trong Thiên Chúa.
6.- Những nhận xét vắn tắt trên đây cho thấy rõ là mối tương quan giữa Đức Maria và Hội thánh dẫn đưa tới việc đối chiếu lý thú giữa hai bà mẹ với nhau. Mối tương quan ấy làm sáng tỏ chức phận làm mẹ của Đức Maria, và thúc đẩy Hội thánh cũng luôn luôn đi tìm hiểu chân tướng của mình qua việc ngắm dung nhan của Đức Mẹ Chúa Trời.
________________________________________
[1] Bố cục của Hiến chế tín lý về Hội thánh Ánh sáng muôn dân, gồm 8 chương: I. Mầu nhiệm Hội thánh. II. Dân Thiên Chúa. III. Cơ cấu phẩm trật của Hội thánh. IV. Các giáo dân. V. Ơn gọi tất cả mọi người nên thánh. VI Các tu sĩ. VII. Đặc tính cánh chung của Hội thánh lữ hành. VIII. Thánh mẫu Maria trong mầu nhiệm Đức Kitô và Hội thánh.
[2] Xc bài 46
[3] Xc bài 52
BÀI 2: KHUÔN MẶT CỦA MẸ MARIA TRONG NHỮNG THẾ KỶ ĐẦU TIÊN
Từ những thế kỷ đầu tiên của Hội thánh, Đức Maria đã được gọi là “Mẹ của Đức Giêsu”, “Mẹ đồng trinh”, “Mẹ Thiên Chúa”: cả ba đều nhằm diễn tả mối tương quan giữa Đức Maria với mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người.
1.- Trong Hiến chế Anh sáng muôn dân, công đồng Vaticanô II đã quả quyết rằng “ các tín hữu liên kết với Đức Kitô là đầu thì cũng kết hiệp với hết các thánh của Người, và cũng phải tôn kính “trước hết là Đức Maria vinh hiển trọn đời đồng trinh, Thân mẫu Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa và Chúa chúng ta”(số 52). Hiến chế của Công đồng đã dùng những lời của Lễ Quy Rôma để nói lên rằng Đức tin vào Đức Maria là Thân mẫu Thiên Chúa đã hiện diện trong tư tưởng Kitô giáo ngay từ những thế kỷ đầu tiên.
Trong Hội thánh mới khai sinh, Đức Maria được nhắc nhớ với tước hiệu là “Thân mẫu của Đức Giêsu”. Chính thánh sử Luca đã tặng tước hiệu này cho Người ở sách Tông đồ công vụ, một tước hiệu cũng phù hợp với những gì đã nói ở trong các sách Phúc âm. Theo thánh sử Marcô (6, 3) người dân ở Nazarét đã hỏi nhau rằng: “ông ta …không phải là con của bà Maria đó ư?”; còn thánh sử Matthêu (13,55) ghi lại: “Tên bà mẹ ông ta là Maria phải không?”.
2.- Dưới mắt của các môn đệ, tụ họp nhau lại sau khi Chúa lên trời, tước hiệu “Thân mẫu của Đức Giêsu” đã mặc một ý nghĩa rất là sâu đậm. Đức Maria đối với họ là một nhân vật có một không hai: Người đã nhận được hồng ân đặc biệt là sinh hạ Đấng Cứu chuộc nhân loại, Người đã sống lâu năm bên cạnh Chúa, và trên núi Calvariô đã được Chúa mời gọi giữ vai trò của một “người mẹ mới” đối với môn đệ yêu dấu và, qua người môn đệ này, của tất cả Hội thánh.
Đối với những ai tin kính và bước theo Chúa, “Thân mẫu của Đức Giêsu” là một tước hiệu tôn kính sẽ còn tồn tại mãi mãi trong đời sống và trong niềm tin của Hội thánh. Cách riêng, qua tước hiệu này, các Kitô hữu muốn khẳng định rằng không thể nào tìm về nguồn gốc của Đức Giêsu mà không nhận biết vai trò của một người phụ nữ đã sinh ra Người trong Chúa Thánh Thần theo bản tính nhân loại. Chức vụ làm mẹ của Đức Maria cũng có ảnh hưởng tới sự sinh hạ và phát triển của Hội thánh. Khi nhắc tới vai trò của Đức Maria trong cuộc đời của Đức Giêsu, các tín hữu mỗi ngày khám phá ra sự hiện diện đắc lực của Mẹ trong hành trình thiêng liêng của mình.
3.- Ngay từ đầu, Hội thánh đã nhìn nhận Đức Maria là mẹ đồng trinh. Như các Phúc âm thời niên thiếu đã hé cho thấy, các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên đã thu thập lại những ký ức của Đức Maria về những hoàn cảnh huyền nhiệm chung quanh việc thụ thai và sinh hạ Chúa Cứu thế. Cách riêng, trình thuật về việc Truyền tin đã đáp lại lòng khát khao của các môn đệ muốn biết một cách sâu đậm hơn những việc có liên quan tới những giây phút bắt đầu cuộc sống dương thế của Đức Kitô Phục sinh. Xét cho cùng, Đức Maria là nguồn gốc mặc khải về mầu nhiệm sự thụ thai trinh khiết do quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Chân lý đó, khi cho thấy nguồn gốc thiên tính của Đức Giêsu, đã được các Kitô hữu nguyên thủy nắm bắt được tầm quan trọng, và đã được liệt vào những điều xác tín quan trọng của đức tin. Tuy được coi là con của ông Giuse theo luật pháp, nhưng trên thực tế Đức Giêsu nhờ sự can thiệp đặc biệt của Chúa Thánh Thần, xét về nhân tính thì chỉ là con của bà Maria mà thôi, bởi vì Người đã được sinh ra mà không do sự can dự của một nam nhân.
Như vậy sự trinh khiết của Đức Maria đã mang một giá trị đặc biệt, vì làm sáng tỏ sự sinh hạ và về mầu nhiệm làm con của Đức Giêsu , bởi vì sự sinh hạ trinh khiết là dấu chỉ rằng Đức Giêsu chỉ có Thiên Chúa là Cha mà thôi[1].
Các giáo phụ đã nhìn nhận và tuyên xưng chân lý đức tin về “Mẹ đồng trinh”; chân lý này không bao giờ có thể tách ra khỏi bản tính của Đức Giêsu, là người thật và là Thiên Chúa thật, bởi vì “Người đã được sinh ra bởi Đức Trinh nữ Maria” như là chúng ta tuyên xưng trong tín biểu của công đồng Nixêa-Constantinopolis. Đức Maria là kẻ duy nhất vừa là trinh nữ và cũng là mẹ. Sự hiện diện khác thường của cả hai đặc ân trong con người của thiếu nữ Nazarét đã đưa các tín hữu tới chỗ gọi Đức Maria dưới một danh hiệu đơn giản là “Đức Trinh nữ” kể cả lúc họ tôn kính người Từ mẫu.
Đức trinh khiết của Đức Maria đã khai mào trong cộng đoàn Kitô hữu sự phổ biến của đời trinh khiết, được ôm ấp bởi những người được Thiên Chúa kêu gọi. Ơn gọi đặc biệt này đạt tới tột đỉnh nơi Đức Kitô, trở thành một kho tàng thiêng liêng vô giá cho Hội thánh hết mọi thời đại, và tìm thấy hứng khởi và khuôn mẫu ở nơi Đức Maria.
4.- Lời khẳng định “Đức Giêsu sinh bởi Trinh nữ Maria” đã hàm ngụ sự hiện diện của một mầu nhiệm siêu việt trong biến cố này, mà riêng chỉ có thể được giải thích thỏa đáng nơi chân lý về Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Chân lý nòng cốt này của đức tin Kitô giáo này đã được liên kết chặt chẽ với chân lý về chức làm mẹ Thiên Chúa của Đức Maria : thực vậy, Người là Thân mẫu của Ngôi Lời Nhập thể, Đấng là “ Thiên Chúa bởi Thiên Chúa … Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”.
Tước hiệu “Thân mẫu Thiên Chúa”, đã được Matthêu chứng tỏ qua dạng thức tương đương là “Thân mẫu của Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x. Mt 1, 23) đã được gán cho Đức Maria một cách minh nhiên sau một cuộc suy tư lâu dài kéo dài hai thế kỷ. Chính các Kitô hữu ở thế kỷ thứ III bên Ai-cập đã bắt đầu kêu cầu Đức Maria dưới tước hiệu “Theotokos”, Thân mẫu Thiên Chúa (Đức Mẹ Chúa Trời).
Với tước hiệu này, được vang lên trong nhiều kinh nguyện, Đức Maria đã xuất hiện trong chiều kích đích thực của chức làm mẹ: Người là Thân mẫu của Con Thiên Chúa, Người đã sinh hạ Con Thiên Chúa theo nhân tính, đã dưỡng dục bằng tình hiền mẫu, đã góp phần vào sự trưởng thành nhân bản của Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng đã đến để thay đổi thân phận của nhân loại.
5.- Một sự kiện rất có ý nghĩa là kinh nguyện cổ điển nhất dâng lên Đức Maria (Sub tuum praesidium[2]) đã hàm chứa lời cầu: “Théotokos, Thân mẫu Thiên Chúa”. Tước hiệu này không phát xuất từ một cuộc suy tư của các nhà thần học, nhưng từ một sự trực giác đức tin của Dân Thiên Chúa. Những ai đã nhìn nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa thì cũng hướng về Đức Maria như là “Đức Mẹ Chúa Trời” và hy vọng sẽ được sự giúp đỡ uy quyền của Người trong những cơn thử thách của cuộc sống.
Công đồng Ephêsô năm 431 đã xác định tín điều về Thân mẫu Thiên Chúa khi chính thức gán cho Đức Maria tước hiệu “Théotokos”, nhắm đến về ngôi vị duy nhất của Đức Kitô, là Thiên Chúa thật và là người thật.
Ba tước hiệu mà trải qua thời gian Hội thánh đã diễn tả niềm tin vào chức làm Mẹ của Đức Maria - “Thân mẫu của Đức Giêsu” , “Mẹ đồng trinh” và “Thân mẫu của Thiên Chúa” - đều bày tỏ rằng chức làm mẹ của Đức Maria gắn liền với mầu nhiệm Nhập thể. Đó là những lời xác tín đạo lý, tuy cũng gắn liền với lòng đạo đức bình dân, đã đóng góp vào sự xác định bản chất đích thật của Đức Kitô.
________________________________________
[1] Đề tài này sẽ được quảng diễn ở các bài 26-29.
[2] Đó là kinh “Chúng con trông cậy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời …”. Xem bản dịch mới ở bài 37.
BÀI 3: DUNG NHAN THÂN MẪU ĐẤNG CỨU THẾ
Trong những thế kỷ đầu tiên, Đức Maria được nhìn trong tương quan với Ngôi Lời Nhập thể, với các tước hiệu “Thân mẫu Đức Giêsu, Thân mẫu Thiên Chúa”. Dần dần các tín hữu để ý đến sự hợp tác của Người vào công trình cứu độ của Đức Kitô; từ đó Người được nhìn nhận như là “Thân mẫu Đấng Cứu chuộc”, “Kẻ đồng thụ nạn”, “Mẹ tinh thần của nhân loại”. Ý nghĩa của những đề tài này sẽ được khai triển trong các bài 47-50.
1.- Khi nói rằng “Đức Trinh nữ Maria được nhìn nhận và tôn kính như là Thân mẫu Thiên Chúa , Thân mẫu Đấng Cứu thế.” (HT 53), Công đồng đã muốn chúng ta chú ý tới mối liên hệ giữa chức làm mẹ của Đức Maria với ơn Cứu độ.
Sau khi đã ý thức vai trò làm mẹ của Đức Maria, - đã được đạo lý và phụng tự của các thế kỷ đầu tiên tôn kính như là Mẹ trinh khiết của Đức Giêsu Kitô và là Mẹ của Thiên Chúa -, sang thời Trung cổ lòng đạo đức và suy tư thần học của Hội thánh đã đào sâu sự cộng tác của Đức Maria vào công trình của Chúa Cứu thế.
Có thể giải thích lý do của sự chậm trễ này ở chỗ các Giáo phụ và các Công đồng đầu tiên của Hội thánh chú trọng tới mầu nhiệm về bản thể của Đức Kitô cho nên đã bỏ qua những khía cạnh khác của tín điều. Dần dần chân lý mạc khải mới có thể được phát biểu với tất cả nội dung phong phú của nó. Trải qua các thế kỷ, thần học về Đức Maria (Thánh mẫu học) luôn luôn hướng về thần học về Đức Kitô (Kitô học). Chân lý về Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa được Công đồng Êphêsô công bố nhằm khẳng định một ngôi vị duy nhất của Đức Kitô. Một điều tương tự như vậy đã xảy ra khi đào sâu sự hiện diện của Đức Maria trong chương trình cứu độ.
2.- Vào cuối thế kỷ thứ II, thánh Irênêô, môn đệ của ông Pôlicapô, đã nêu bật sự đóng góp của Đức Maria vào công trình cứu chuộc. Thánh Irênêô đã hiểu biết giá trị của sự ưng thuận của Đức Maria vào lúc Truyền tin, khi ông nhận thấy sự vâng lời và sự tín thác của Trinh nữ Maria vào sứ điệp truyền tin như là phản chứng hoàn toàn với sự bất tuân và bất tín của bà Evà, mang lại hiệu quả may lành cho số phận nhân loại. Thật vậy, cũng như bà Evà đã gây ra sự chết thì Đức Maria với lời “xin vâng” đã trở thành “nguyên nhân cứu rỗi” cho chính mình và cho tất cả nhân loại (xc. Chống lại các lạc giáo 3.22,4). Tuy nhiên đây chỉ là một ý kiến chưa được các giáo phụ khác khai triển.
Vào cuối thế kỷ thứ X, đạo lý này được phát biểu một cách có hệ thống lần đầu tiên trong quyển “Cuộc đời Đức Maria” do một đan sĩ Byzantin tên là Gioan Geometra. Ở đây Đức Maria đã được liên kết với Đức Kitô, theo chương trình của Thiên Chúa, trong suốt công trình cứu độ, qua việc thông dự vào thập giá và chịu đau khổ vì phần rỗi của chúng ta. Người đã kết hiệp với Đức Kitô “trong hết mọi hành động, thái độ và ý muốn”. Đức Maria đã kết hợp vào công trình cứu độ của Đức Giêsu bằng tình yêu của một bà mẹ, một tình yêu được ân sủng thúc đẩy và tăng thêm sức mạnh siêu việt: người không có mê đắm thì lại tỏ ra động lòng trắc ẩn hơn cả.
3.- Bên Tây phương, Thánh Bênađô (qua đời năm 1153), đã hướng về Đức Maria và chú giải cảnh dâng hiến Đức Giêsu trong đền thờ như sau: “Thánh Trinh nữ ơi, xin hãy dâng Con của Người, xin hãy dâng tiến cho Thiên Chúa hoa trái của lòng mình. Vì sự hòa giải của chúng con xin hãy dâng lên hy lễ thánh thiện đẹp lòng Chúa, để cho chúng con được hòa giải với tất cả mọi người” (Bài giảng 3 nhân lễ Thanh tẩy, số 2)
Một đồ đệ và bạn thân của thánh Bênađô, ông Arnalđô Chartres, đã nêu bật sự dâng hiến của Đức Maria trong hy lễ núi Calvariô. Ông ta đã phân biệt ở nơi thập giá “hai bàn thờ: một bàn thờ ở trong trái tim của Đức Maria, một bàn thờ ở nơi thân xác của Đức Kitô. Đức Kitô đã hiến tế xác của mình còn Đức Maria đã hiến tế hồn của mình”. Đức Maria đã hiến tế trong tinh thần qua việc kết hiệp sâu sắc với Đức Kitô và khẩn cầu ơn cứu rỗi cho thế giới : “Điều mà bà mẹ kêu xin thì Con chuẩn y và Cha đã trao ban” (Bảy lời của Chúa trên Thập giá).
Từ đó trở đi, các tác giả đã trình bày đạo lý về sự cộng tác đặc biệt của Đức Maria vào hy lễ cứu chuộc.
4. Đồng thời, đề tài về Đức Maria “đồng thụ nạn” đã được phát triển trong phụng tự và lòng đạo đức bình dân, đặc biệt qua những bức tượng vẽ Đức Maria chịu đau khổ. Sự tham dự của Đức Maria vào bi kịch thập giá đã biến cho biến cố này trở thành hết sức đậm tình người và giúp cho các tín hữu đi sâu vào mầu nhiệm: sự đồng khổ của bà mẹ giúp hiểu biết thêm cuộc khổ hình của Người Con.
Với việc tham dự vào công trình cứu chuộc của Đức Kitô, Đức Maria được nhìn nhận như là bà mẹ thiêng liêng của hết mọi người. Bên Đông phương, ông Gioan Geometra thưa với Đức Maria như sau: “Người là mẹ của chúng con”. Khi tạ ơn Đức Maria “vì những khổ hình và đau khổ đã chịu đựng vì chúng con” ông ta đã vạch lên tình hiền mẫu và những đặc trưng của một bà mẹ đối với hết những kẻ được lãnh nhận ơn cứu chuộc.
Bên Tây phương, đạo lý về tình mẹ thiêng liêng được phát triển với thánh Anselmô khi ông ta quả quyết rằng: “Bà là mẹ… của sự hòa giải và của những người được hòa giải, mẹ của sự cứu độ và những người được cứu độ” (xc. Oratio 52,8).
Đức Maria không ngừng được tôn kính như là Thân mẫu Thiên Chúa, nhưng sự kiện Người trở thành mẹ của chúng ta đã mang lại cho chức vụ làm Mẹ Thiên Chúa của Người một khuôn mặt mới và mở ra cho chúng ta con đường kết hiệp thắm thiết hơn với Người.
5.- Chức hiền mẫu của Đức Maria đối với chúng ta không phải chỉ bao gồm một mối liên hệ về tình cảm mà thôi: nhờ những công trạng và nhờ lời cầu bầu, Người đã đóng góp hữu hiệu vào việc chúng ta được sinh ra về tinh thần và vào sự tăng trưởng đời sống ơn thánh nơi chúng ta. Vì lý do đó Đức Maria đã được gọi là: “Mẹ của ân sủng”, “Mẹ của sự sống”.
Tước hiệu “Mẹ của sự sống” đã được thánh Grêgôriô Nissênô sử dụng và được ông Guerrico Igny (qua đời năm 1157) giải thích như sau: “Người là Mẹ của Sự Sống nhờ đó tất cả mọi người được sống: khi sinh ra Sự Sống này, thì một cách nào đó Người đã sinh hết những người sẽ được sống. Duy chỉ một người đã được sinh ra, nhưng tất cả chúng ta đã được tái sinh” (In Assumptione I,2).
Một bản văn thuộc thế kỷ thứ XIII, mang tựa là “Mariale”, đã dùng một hình ảnh rất táo bạo khi gọi việc tái sinh chúng ta là “một cuộc sinh đẻ đau đớn” trên núi Calvariô, nhờ đó “Người trở thành bà mẹ tinh thần của tất cả nhân loại”; thật vậy “trong lòng dạ trinh trắng của mình Người đã thụ thai, bằng sự đồng khổ nạn, tất cả các con cái của Hội thánh”
6.- Công đồng Vaticano II, sau khi đã khẳng định rằng Đức Maria “đã cộng tác một cách hết sức đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu chuộc…”, đã kết luận như sau: “vì thế mà đối với chúng ta Người đã trở thành bà mẹ trong hệ trật ân sủng” (HT 61) và như vậy, công đồng đã xác nhận tâm tình của Hội thánh nhìn Đức Maria bên cạnh Con mình như là bà Mẹ tinh thần của toàn thể nhân loại.
Đức Maria là mẹ của chúng ta: chân lý đầy an ủi này, - được Hội thánh trình bày càng ngày càng rõ rệt và sâu đậm -, đã và còn nâng đỡ đời sống thiêng liêng của tất cả chúng ta và khích lệ chúng ta hãy tin tưởng và hy vọng kể cả những lúc đau khổ.
BÀI 4, 5, 6
BÀI 4 : ĐỨC MARIA TRONG KINH THÁNH VÀ TRONG SUY TƯ THẦN HỌC
Đức Thánh Cha ôn lại sự tiến triển đạo lý về Thánh-mẫu-học. Dựa trên những dữ kiện căn bản của Tân ước, ngành này đã đào sâu thêm những chân lý liên quan đến bản thân và sứ mạng của Đức Maria, điển hình qua việc tuyên bố hai tín điều “Vô nhiễm nguyên tội” và “Hồn xác lên trời”. Đừng kể sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, một nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển của Thánh-mẫu-học là lòng đạo đức bình dân, phát biểu cảm quan đức tin của Dân Chúa.
1.- Trong những bài trước, chúng ta đã thấy rằng đạo lý về chức làm mẹ của Đức Maria từ công thức đầu tiên “Thân mẫu của Đức Giêsu” dần dần bước sang công thức “Thân mẫu của Thiên Chúa” hoàn bị hơn, cho tới những khẳng định về bà mẹ tham gia vào việc cứu độ nhânloại.
Đối với các khía cạnh khác của đạo lý về Đức Maria cũng cần phải chờ nhiều thế kỷ thì mới có thể đạt tới sự xác định minh nhiên về các chân lý mạc khải liên quan tới Người. Những trường hợp điển hình của chặng đường đức tin nhằm khám phá ra sâu xa hơn chức phận của Đức Maria trong lịch sử cứu độ là hai tín điều: Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội và Hồn xác lên trời, đã được hai vị tiền nhiệm của tôi tuyên bố, đó là Đức Piô IX năm 1854, và Đức Piô thứ XII nhân dịp năm thánh 1950[1].
Thánh-mẫu-học là một môn thần học độc đáo: trong ngành này lòng mộ mến Đức Maria của Dân Kitô giáo lắm lần đã trực giác vài khía cạnh của mầu nhiệm về Đức Trinh nữ trước khi các nhà thần học và các vị mục tử chú ý tới.
2. Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận rằng các sách Phúc âm cung cấp rất ít dữ kiện về thân thế và cuộc đời Đức Maria. Dĩ nhiên là chúng ta ước mong có nhiều chi tiết dồi dào hơn để giúp hiểu rõ hơn về người Thân mẫu của Đức Giêsu .
Lòng khao khát đó coi như cũng không được thỏa mãn khi bước sang các tác phẩm khác của Tân Ước, bởi vì ở đây cũng chẳng thấy phát triển đạo lý rõ rệt về Đức Maria. Các thư của Thánh Phaolô trình bày cho chúng ta một tư tưởng rất là phong phú về Đức Kitô và về sự nghiệp của Ngài, nhưng chỉ giới hạn vào một đoạn súc tích rằng Thiên Chúa đã sai Con của mình đến, “sinh bởi một người nữ” (Gl 4,4).
Về gia đình của Đức Maria chúng ta cũng thấy hầu như không có gì. Đừng kể những trình thuật về thời thơ ấu, trong Phúc âm nhất lãm chúng ta chỉ thấy có hai lần nhắc tới Đức Maria: một lần khi nói tới mưu toan của các “anh em” nghĩa là những bà con muốn dẫn Đức Giêsu về lại Nazarét (xc. Mc 3, 21; Mt 12, 48); một lần khác, khi đáp lại lời chúc tụng của một phụ nữ về hạnh của bà mẹ của Đức Giêsu (Lc 11, 27).
Tuy nhiên, ông Luca trong Phúc âm thời thơ ấu, - với những chuyện Truyền tin, Thăm viếng, Sinh hạ Đức Giêsu, Tiến dâng Hài nhi trong đền thờ, và gặp lại Người giữa các thầy dạy lúc lên 12 tuổi - , thì không những đã cung cấp cho chúng ta một vài dữ kiện quan trọng, mà còn trình bày cho chúng ta một thứ “tiền thánh mẫu học” hết sức hữu ích. Các dữ kiện của ông Luca đã được gián tiếp bổ túc do ông Matthêu khi thuật lại việc truyền tin cho thánh Giuse (1,18-25), tuy chỉ liên quan tới việc thụ thai trinh khiết của Đức Giêsu mà thôi.
Hơn nữa, Phúc âm theo ông Gioan đã đào sâu giá trị lịch sử cứu rỗi của vai trò Thân mẫu Đức Giêsu, khi ghi nhận sự hiện diện của bà vào lúc bắt đầu và kết thúc cuộc đời công khai của Chúa. Sự can dự của Đức Maria ở bên cạnh Thánh giá mang một tầm ý nghĩa đặc biệt, khi mà Người lãnh nhận từ Con của mình đang hấp hối chức vụ làm mẹ của người môn đệ dấu yêu, và qua người đó, làm mẹ tất cả các Kitô hữu (xc Ga 1, 12 và Ga 19, 25-27). Sau hết, Tông đồ công vụ đã nhắc tới đích danh Thân mẫu của Đức Giêsu ở giữa các phụ nữ của cộng đoàn tiên khởi vào những ngày chờ đón lễ Ngũ tuần (x. Cv 1, 14).
Ngược lại, chúng ta không biết gì về cuộc đời của Đức Maria sau biến cố Ngũ tuần cũng như về ngày giờ và hoàn cảnh tạ thế, bởi vì không có những chứng tích của Tân ước hay của những nguồn sử liệu chắc chắn. Chúng ta chỉ có thể giả thiết rằng Người tiếp tục sống với tông đồ Gioan và theo sát sự phát triển của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi.
3.- Những dữ kiện ít ỏi về cuộc đời dương thế của Đức Maria đã được bù lại bằng phẩm tính và sự phong phú thần học của chúng, mà khoa chú giải Kinh thánh hiện đại đã vạch ra.
Mặt khác, chúng ta cần phải nhớ lại rằng viễn tượng của các tác giả Phúc âm hoàn toàn tập trung vào Chúa Kitô và chỉ nhắc tới bà Mẹ trong tầm mức có liên hệ tới việc loan báo Tin mừng của Người Con. Như Thánh Ambrosiô đã ghi nhận, khi trình bày mầu nhiệm Nhập thể, thánh sử “đã không cần đi tìm những chứng cớ nào khác về Đức trinh khiết của Đức Maria, vì không muốn tỏ ra rằng mình lo bảo vệ Đức Trinh nữ hơn là công bố một mầu nhiệm” (Expositio in Lucam, 2, 6).
Trong việc này chúng ta có thể nhận ra một ý định của Chúa Thánh Thần. Người muốn gợi lên trong Hội thánh một nỗ lực truy tầm luôn đặt trung tâm điểm nơi mầu nhiệm của Đức Kitô, không tản mạn về những chi tiết của cuộc đời Đức Maria nhưng nhằm khám phá ra vai trò của Mẹ trong công trình cứu chuộc, sự thánh thiện bản thân và chức vụ làm mẹ trong đời sống các Kitô hữu.
4.- Khi hướng dẫn nỗ lực truy tầm của Hội thánh, Chúa Thánh Thần cũng đòi hỏi Hội thánh hãy thu nhận những tâm tình giống như Đức Maria. Khi kể lại cuộc sinh hạ Đức Giêsu, ông Luca ghi nhận rằng thân mẫu của Người đã gìn giữ tất cả những điều đó, “chiêm niệm ở trong tâm hồn” (2,19), nghĩa là cố gắng “thu thập đối chiếu” (symballousa) với cái nhìn sâu sắc tất cả những biến cố mà Mẹ đã trở thành một chứng nhân ưu tuyển.
Một cách tương tự như vậy, dân Thiên Chúa cũng được Chúa Thánh Thần thúc đẩy để hiểu biết sâu xa tất cả những gì đã được nói về Đức Maria, hầu tiến triển trong việc hiểu biết sứ mạng của Người đã được liên kết mật thiết với mầu nhiệm của Chúa Kitô.
Trong việc phát triển Thánh-mẫu-học, Dân Chúa đã đóng một vai trò hết sức đặc biệt. Dân Chúa, qua việc khẳng định và làm chứng đức tin, đã cộng tác vào sự tiến triển đạo lý về Đức Maria. Thánh-mẫu-học không phải chỉ là thành quả của các nhà thần học tuy dù vai trò của họ không thể nào thiếu trong việc đào sâu và trình bày sáng suốt những dữ kiện đức tin và cảm nghiệm Kitô giáo .
Lòng tin của những người đơn sơ đã được Đức Giêsu ca ngợi, vì Người đã nhìn nhận đó như là sự bày tỏ đường lối diệu kỳ của Cha lân tuất (xc. Mt 11, 25; Lc 10, 21). Lòng tin chất phác đó, trải qua các thế kỷ, vẫn tiếp tục tuyên dương những kỳ công của lịch sử cứu độ, mà các nhà thông thái không thấy. Lòng tin này, rất hợp điệu với tính đơn sơ của Đức Trinh Nữ, đã góp phần vào việc tiến triển của sự nhận thức về sự thánh thiện bản thân cũng như về giá trị cao siêu trong sứ mạng làm mẹ của Đức Maria.
Mầu nhiệm của Đức Maria thúc đẩy hết mọi người Kitô hữu, trong niềm hiệp thông với Hội thánh, hãy “chiêm niệm trong tâm hồn” điều mà mặc khải Phúc âm đã khẳng định về Thân mẫu Chúa Kitô. Dựa trên luận lý của kinh Magnificat, mỗi người sẽ cảm nghiệm ở nơi mình, theo gương của Đức Maria, tình yêu của Thiên Chúa và sẽ khám phá qua những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa Ba Ngôi đã thực hiện nơi Đấng “đầy ơn phúc” một dấu hiệu của tình thương âu yếm của Thiên Chúa đối với con người.
BÀI 5 : ĐỨC MARIA TRONG CẢM NGHIỆM THIÊNG LIÊNG CỦA HỘI THÁNH
Trong bài trước, Đức Thánh Cha trình bày sự tiến triển của đạo lý về Đức Maria trải qua thời đại. Sự tiến triển này không phải chỉ là kết quả của những suy tư thần học, nhưng còn được thúc đẩy bởi lòng đạo đức của các tín hữu. Trong bài hôm nay, Đức Thánh Cha điểm qua vài hình thức tôn kính Mẹ Maria được phát triển qua các thời đại: kinh nguyện, nghệ thuật, linh đạo, thánh điện.
1.- Qua những bài huấn giáo vừa rồi, chúng ta đã theo dõi sự tiến triển của những suy tư của cộng đoàn Kitô hữu từ buổi đầu về khuôn mặt và vai trò của Đức Trinh nữ trong lịch sử cứu độ. Lần này chúng ta sẽ suy nghĩ về cảm nghiệm Hội thánh về Đức Maria.
Sự tiến triển về suy tư thần học về Đức Maria và về lòng tôn kính Đức Trinh nữ dọc theo các thế kỷ đã làm thêm rõ nét khuôn mặt Maria của Hội thánh. Dĩ nhiên Đức Trinh nữ hoàn toàn quy hướng về Đức Kitô, nền tảng của đức tin và của cảm nghiệm Hội thánh, và dẫn về Đức Kitô. Tuy vậy, vì vâng lệnh Đức Giêsu, Đấng đã dành cho Thân mẫu của mình một vai trò rất đặc biệt trong nhiệm cục cứu độ, các Kitô hữu cũng đã tôn kính, yêu mến và cầu khẩn Đức Maria hết sức đặc biệt và chân tình. Họ đã dành cho Người một vị trí nổi bật trong đức tin và trong lòng đạo, nhận ra nơi Người một con đường ưu tuyển dẫn tới Đức Kitô, Đấng trung gian tuyệt đỉnh.
Do đó chiều kích Maria của Hội thánh đã tạo thành một yếu tố không thể chối được của cảm nghiệm dân Kitô hữu. Chiều kích này được bộc lộ qua nhiều hình thức phát biểu của đời sống các tín hữu, chứng tỏ vị trí mà Đức Maria đã chiếm được trong tâm hồn của họ. Đây không phải là một thứ tình cảm hời hợt, nhưng là một mối dây thân tình sâu đậm và có ý thức, đâm rễ sâu trong đức tin, và thúc đẩy các Kitô hữu hôm qua cũng như hôm nay năng chạy đến cùng Đức Maria, ngõ hầu kết hiệp chặt chẽ hơn với Chúa Kitô.
2.- Từ sau kinh nguyện cổ điển nhất được xuất phát bên Ai cập bởi các cộng đoàn Kitô hữu vào thế kỷ thứ III để khẩn nài “Đức Mẹ Chúa Trời” che chở trong cơn gian nan[2], rất nhiều lời kinh khẩn nài đã được các Kitô hữu dâng lên Đấng mà họ tin là rất quyền thế để chuyển cầu với Chúa.
Ngày nay, kinh nguyện phổ thông hơn cả là kinh Kính mừng Maria, với phần thứ nhất gồm bởi những lời trích từ Phúc âm(xc. Lc 1, 28.42). Các Kitô hữu đã được dạy để đọc kinh này ở trong nhà, ngay từ thuở ấu thơ, và ra như đón nhận một món quà quí báu cần phải gìn giữ suốt đời. Kinh Kính mừng được lặp đi lặp lại nhiều lần trong kinh Mân côi, giúp cho nhiều tín hữu đi vào việc cầu nguyện chiêm niệm các mầu nhiệm Phúc âm, và hàn huyên thân mật với Thân mẫu Đức Giêsu. Ngay từ thời Trung cổ, kinh Kính mừng là kinh nguyện phổ thông nhất của hết mọi tín hữu kêu xin Đức Thánh Mẫu đồng hành và chở che họ trong cuôc sống hàng ngày (xc. tông huấn Marialis cultus, số 42-55).
Ngoài ra, các Kitô hữu còn bày tỏ lòng mộ mến Đức Maria bằng cách gia tăng những hình thức tôn kính khác: các thánh thi, các kinh nguyện, các bài thơ, dù chất phác hay tài nghệ, đều chứa đựng mối tình đối với Người mà Chúa Giêsu trên Thập giá đã ban cho nhân loại làm mẹ. Trong số đó, một vài kinh chẳng hạn như là thánh thi “Akatistos” và kinh “Lạy Nữ Vương” đã ghi dấu sâu đậm trên đời sống Đức tin của các tín hữu[3].
Lòng tôn sùng Đức Maria còn được trau dồi bởi những tác phẩm nghệ thuật bên Đông phương cũng như Tây phương, đưa biết bao thế hệ đến trầm trồ vẻ đẹp tinh thần của Đức Maria. Các họa sĩ, điêu khắc gia, nhạc sĩ và thi sĩ đã để lại nhiều kiệt tác làm nổi bật lên những khía cạnh khác nhau của vẻ cao trọng của Đức Trinh nữ, và giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa và giá trị của sự đóng góp của Người vào công trình cứu chuộc.
Nghệ thuật Kitô giáo đã nhìn thấy nơi Đức Maria sự thể hiện một nhân loại mới, đáp ứng với dự án của Thiên Chúa, do đó trở thành một dấu chỉ cao vời của niềm hy vọng cho toàn thể nhân loại.
3.- Những Kitô hữu đã nhận được một ơn gọi tận hiến đặc biệt thì lại càng hiểu rõ sứ điệp đó hơn nữa. Thực vậy, trong các dòng tu, trong các hiệp hội tận hiến, Đức Maria đã được tôn kính một cách đặc biệt. Rất nhiều dòng tu, nhất là các dòng nữ - tuy không phải chỉ có những dòng nữ -, đã lấy một tước hiệu của Đức Maria làm danh xưng. Dù sao, bên trên những hình thức bề ngoài, linh đạo của nhiều dòng tu cũng như của nhiều phong trào - một số không nhỏ mang tính cách Maria -, đã nêu bật mối dây liên hệ đặc biệt đối với Đức Maria, nhằm bảo đảm cho đặc sủng được sống trung thực và toàn vẹn.
Sự quy hướng về Đức Maria trong cuộc đời của những kẻ được Chúa Thánh Thần ưu tuyển cũng đã phát triển chiều kích huyền nhiệm, cho thấy rằng người Kitô hữu có thể cảm nghiệm được một cách sâu đậm sự can thiệp của Đức Maria.
Sự quy hướng về Đức Maria đã liên kết không những là những Kitô hữu đã dấn thân phục vụ Chúa, mà cả những tín hữu với lòng tin chất phác và thậm chí những người “xa đạo”; đối với những người này đôi khi lòng tôn kính Đức Maria là mối dây duy nhất còn ràng buộc họ với Hội thánh. Một dấu chỉ biểu lộ tâm tình chung của các tín hữu đối với Đức Maria là những cuộc hành hương về các thánh điện kính Đức Maria, thu hút rất nhiều đoàn tín hữu lũ lượt quanh năm. Một vài đền thánh kính Đức Mẹ rất lừng danh, tựa như Lourdes, Fatima, Lorêtô, Pompêi, Guađalupê, Czestochowa. Còn biết bao nhiêu thánh điện khác chỉ được biết trong một quốc gia hay một địa phương. Trong tất cả các thánh điện ấy, việc kính nhớ Đức Maria thường được gắn liền với một vài biến cố mà Mẹ đã cứu giúp trong quá khứ, bày tỏ tình âu yếm của Mẹ và mở rộng tâm hồn đón nhận ơn thánh Chúa.
Những địa điểm cầu khấn Đức Maria là những bằng chứng của tình Chúa lân tuất đã đến với con người nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria. Những phép lạ chữa bệnh, ăn năn hối cải, là những dấu chỉ tỏ tường của việc Đức Maria tiếp tục, cùng với Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần, công tác của một bà mẹ nâng đỡ dìu dắt.
4.- Các đền Thánh mẫu thường trở thành những trung tâm truyền giảng Tin mừng: thực vậy, ngay trong Hội thánh thời nay cũng như trong cộng đoàn đón chờ lễ Ngũ tuần, lời cầu kinh cùng với Đức Maria đã thúc đẩy nhiều Kitô hữu đi hoạt động tông đồ và phục vụ anh chị em. Ở đây tôi muốn đặc biệt nhắc tới ảnh hưởng của lòng tôn kính Đức Maria đối với việc thực hành bác ái và những công cuộc từ thiện. Được khuyến khích do sự hiện diện của Đức Maria, các tín hữu thường cảm thấy nhu cầu muốn dấn thân phục vụ những người nghèo, những người bất hạnh, những người bệnh tật, hầu có thể trở nên đối với những người bần đinh đó dấu hiệu của sự che chở hiền mẫu của Đức Trinh nữ , một bức hình sống động của lòng Cha lân tuất.
Qua những điều vừa nói trên đây, chúng ta thấy chiều kích Maria đã thông qua tất cả mọi sinh hoạt của Hội thánh. Khi quy hướng về Mẹ Maria, thì việc loan truyền Lời Chúa, Phụng vụ, những hình thức biểu lộ đức ái và lòng đạo đức đều tìm thấy cơ hội để được bồi dưỡng và canh tân.
Dân Thiên Chúa, dưới sự hướng dẫn của các vị Chủ chăn, được mời gọi hãy biết phân định qua sự kiện này tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng đã thúc đẩy lòng tin Kitô giáo trên con đường khám phá ra dung nhan của Đức Maria. Chính Chúa Thánh Thần đã thực hiện những điều kỳ diệu tại những nơi tôn kính Đức Maria. Chính Chúa Thánh Thần khi thúc đẩy Dân Chúa tìm hiểu và yêu mến Đức Maria, thì đang hướng dẫn các tín hữu tìm đến trường của Đức Trinh nữ của kinh Magnificat, ngõ hầu biết tìm đọc những dấu chỉ của Thiên Chúa ở trong lịch sử, và thủ đắc được đức khôn ngoan giúp mỗi người trở thành kẻ kiến tạo một nhân loại mới.
BÀI 6 : ẢNH HƯỞNG CỦA ĐỨC MARIA TRONG ĐỜI SỐNG HỘI THÁNH
Đối với Hội thánh, Đức Maria là đấng chuyển cầu cho các tín hữu, đồng thời cũng là mẫu gương của các nhân đức: tin và giữ Lời Chúa, hy vọng, thinh lặng, khiêm tốn và kín đáo, thanh tịnh và dịu hiền, đồng cảm, giao hòa, vui tươi. Đề tài về gương các nhân đức sẽ còn được tiếp tục ở bài 61.
1.- Sau khi đã suy nghĩ về chiều kích Maria của đời sống Hội thánh, bây giờ chúng ta hãy nêu bật kho tàng thiêng liêng dồi dào mà Đức Maria đã thông chuyển cho Hội thánh bằng mẫu gương và sự chuyển cầu của mình.
Trước hết, chúng tôi muốn dừng lại để nghiên cứu vắn tắt một vài khía cạnh có ý nghĩa của bản thân Đức Maria, cống hiến cho mỗi tín hữu những hướng dẫn quí giá để đón nhận và thực hiện ơn gọi của mình.
Đức Maria đã đi trước chúng ta trên con đường đức tin: khi tin vào sứ điệp của thiên sứ, Người đã đón tiếp mầu nhiệm Nhập thể trước hết mọi người và một cách hoàn hảo hơn bất cứ ai khác (xc. Thông điệp Thân mẫu Đấng Cứu thế, số 13). Cuộc hành trình đức tin của Người đã bắt đầu trước khi khởi sự chức vụ làm mẹ Thiên Chúa và còn được phát triển trong suốt cuộc đời dương thế. Đức tin của Người mang tính cách táo bạo: vào lúc truyền tin, Người đã tin vào một điều không thể thực hiện nổi theo sức loài người, và ở Cana đức tin của Người đã thúc đẩy Đức Giêsu thực hiện phép lạ đầu tiên bày tỏ quyền năng thiên sai (xc. Ga 2, 1-5).
Đức Maria giáo dục các Kitô hữu hãy sống đức tin như là một con đường dấn thân, và liên lỉ đòi hỏi tính táo bạo và kiên trì ở hết mọi lứa tuổi và mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
2.- Gắn liền với đức tin là sự ngoan ngoãn làm theo ý Chúa. Khi tin vào Lời của Chúa, Người đã có thể đón tiếp Lời Chúa vào trong cuộc sống của mình; và khi bày tỏ sẵn sàng tuân theo kế hoạch cao cả của Chúa, Người đã chấp nhận tất cả những gì mà Thiên Chúa đòi hỏi ở nơi mình.
Sự hiện diện của Đức Trinh nữ trong Hội thánh khuyến khích tất cả các Kitô hữu hãy biết dành ra mỗi ngày lắng nghe Lời của Chúa, ngõ hầu hiểu ra kế hoạch tình thương của Chúa, trong hết mọi cảnh huống của cuộc đời, bằng cách cộng tác trung thành vào việc thực hiện kế hoạch đó.
3.- Nhờ vậy Đức Maria dạy dỗ cộng đoàn các tín hữu hãy nhìn về tương lai với lòng phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Trong kinh nghiệm bản thân của Đức Trinh nữ, đức trông cậy đã được tăng cường nhờ những động lực luôn luôn đổi mới. Ngay từ lúc Truyền tin, Đức Maria đã tập trung nơi Con Thiên Chúa Nhập thể trong lòng dạ trinh khiết của mình tất cả mọi nỗi chờ mong của dân Israel. Niềm trông đợi của Mẹ đã được kiện toàn trải qua những giai đoạn kế tiếp trong cuộc đời ẩn dật tại Nazarét và thời hoạt động công khai của Đức Giêsu. Niềm tin lớn lao vào lời của Đức Kitô, Đấng đã tiên báo cuộc sống lại vào ngày thứ ba, đã khiến cho Người không bị lung lay kể cả khi phải đối đầu với bi kịch Thập giá: Người đã duy trì niềm hy vọng vào việc thành tựu chương trình cứu chuộc; Người đã trông đợi không chút ngần ngừ, - sau những cơn tối tăm của thứ sáu tuần thánh -, hừng đông của ngày sống lại.
Trong con đường cam go trải qua dòng lịch sử, giữa ơn cứu độ “đã lãnh nhận” và “chưa hoàn tựu”, cộng đoàn các tín hữu biết rằng mình có thể tin tưởng nơi sự trợ giúp của “Mẹ nguồn cậy trông”, Đấng đã cảm nghiệm được sự chiến thắng của Đức Kitô trên các quyền lực sự chết, và thông đạt cho họ một khả năng luôn mới mẻ để biết chờ đợi tương lai của Thiên Chúa và tín thác nơi những lời Chúa hứa.
4.- Tấm gương của Đức Maria giúp cho Hội thánh biết quý trọng giá trị của thinh lặng. Sự thinh lặng của Đức Maria không phải chỉ là nói năng ít lời, nhưng nhất là khả năng khôn ngoan biết nhớ lại và thâu thập - trong một cái nhìn đức tin - tất cả mầu nhiệm của Ngôi Lời Nhập thể và những diễn biến của cuộc đời của Chúa.
Đây chính là sự thinh lặng đón nhận Lời Chúa, khả năng chiêm ngắm mầu nhiệm của Đức Kitô, mà Đức Maria đã truyền lại cho dân các tín hữu. Trong một thế giới huyên náo và đủ thứ tin tức, chứng tá của Người giúp cho chúng ta quý trọng một sự thinh lặng phong phú về tinh thần và cổ võ tinh thần chiêm niệm.
Đức Maria làm chứng cho giá trị của một cuộc sống khiêm tốn, ẩn dật. Thường tất cả mọi người đòi hỏi và đôi khi còn yêu sách phải đánh giá cao bản ngã và những tài năng của mình. Ai ai cũng đều thích trọng vọng và danh giá. Phúc âm nhiều lần nói rằng các Tông đồ cũng mong mỏi được chiếm những chỗ cao trong Nước Chúa, họ tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất, và Chúa Giêsu đã phải dạy cho họ biết sự cần thiết của đức khiêm nhường và sự phục vụ (xc. Mt 18, 1-5; 20, 20-28; Mc 9,30-37; 10, 35-45; Lc 9,46-48; 22,24-27). Ngược lại, Đức Maria không hề ước ao danh dự hay những đặc ân lợi lộc; Người luôn luôn đi tìm cách chu toàn ý Chúa và sống một đời tuân theo kế hoạch của Cha.
Với những ai thường cảm thấy gánh nặng của một cuộc sống xem ra vô nghĩa, Đức Maria cho họ thấy rằng cuộc đời thật là quý giá nếu biết sống cho tình yêu Đức Kitô và tình yêu anh em mình.
5.- Ngoài ra, Đức Maria còn làm chứng tá cho giá trị của một cuộc đời thanh tịnh và đầy ưu ái đối với hết mọi người. Vẻ đẹp của linh hồn Người, được trao hiến tất cả cho Thiên Chúa, đã thành đối tượng ngưỡng mộ cho tất cả các Kitô hữu. Nơi Đức Maria, cộng đoàn Kitô hữu luôn luôn thấy lý tưởng của một phụ nữ, đầy tình thương âu yếm, bởi vì đã sống thanh sạch trong tâm hồn và thân xác.
Trong một nền văn hóa thời đại thường coi rẻ đức khiết tịnh và hạ giá giới tính, tách rời nó ra khỏi nhân phẩm và kế hoạch của Thiên Chúa, Đức Trinh nữ Maria đã trưng bày cho chúng ta thấy chứng tá của một sự thanh tịnh soi sáng lương tâm và dẫn tới một tình yêu cao cả hơn đối với các tạo vật và đối với Thiên Chúa.
6.- Hơn thế nữa, đối với các Kitô hữu của mọi thời, Đức Maria tỏ ra như là một người đồng cảm với những nỗi khổ đau của nhân loại. Sự thông cảm đó không phải chỉ diễn ra nơi sự chia sẻ cảm thông mà còn biểu lộ qua sự giúp đỡ hữu hiệu và cụ thể đứng trước những khổ đau vật chất và tinh thần của nhân loại.
Noi theo Đức Maria, Hội thánh được kêu gọi hãy đảm nhận một thái độ tương tự đối với những người nghèo khổ trên mặt đất. Lòng ân cần của Thân mẫu Đức Kitô đối với những giọt nước mắt, những nỗi khổ và những khó khăn của con người thuộc mọi thời đại, cần thúc đẩy các Kitô hữu, cách riêng vào lúc bước sang ngàn năm thứ ba, hãy tăng gia những dấu chỉ cụ thể hữu hiệu của một tình yêu giúp cho những người bé nhỏ và đau khổ ngày hôm nay có thể tham gia vào những lời hứa và những niềm hy vọng của một thế giới mới, được sinh ra bởi mầu nhiệm Phục sinh.
7.- Tâm tình thảo hiếu sùng mộ của con người đối với Thân mẫu Chúa Kitô đã vượt lên trên những biên cương hữu hình của Hội thánh và thúc đẩy các tâm hồn tiến tới sự hòa giải. Giống như một người mẹ, Đức Maria muốn cho tất cả con cái mình đoàn kết với nhau. Sự hiện diện của Người trong Hội thánh tạo nên một lời mời gọi hãy duy trì sự hòa hợp các tâm hồn giống như vào hồi khai nguyên của Hội thánh (x. Cv.1,14), và do đó, hãy đi tìm những con đường dẫn tới sự hợp nhất và hòa bình giữa hết mọi người thiện tâm.
Khi chuyển cầu với Con của mình, Đức Maria nài xin ơn hiệp nhất của toàn thể nhân loại, nhằm tới sự kiến tạo một nền văn minh tình thương, vượt lên trên những khuynh hướng chia rẽ, những cơn cám dỗ hận thù, oán ghét và sự quyến rũ sử dụng bạo lực.
8.- Nụ cười hiền mẫu của Đức Trinh nữ Maria, được rất nhiều họa phẩm ghi lại, đã bày tỏ sự tràn trề duyên dáng và an bình muốn được thông đạt. Việc biểu lộ tâm hồn bình an góp phần hữu hiệu vào việc giới thiệu một khuôn mặt vui tươi của Hội thánh.
Nhận lời của thiên sứ lúc Truyền tin “hãy vui lên” (khaire: xc Lc 1,28), Đức Maria là người đầu tiên được thông dự vào niềm vui của thời Cứu tinh, - đã được các ngôn sứ báo trước cho “ Thiếu nữ Sion” (xc.Is 12,6; Xp 3,14-15; Zac 9.8), và Người truyền thụ lại cho nhân loại qua hết mọi thời đại.
Khi kêu cầu Đức Maria như là “ nguyên nhân niềm vui của chúng con”[4], các Kitô hữu khám phá ra nơi Mẹ như kẻ có khả năng thông đạt niềm vui phát sinh từ niềm hy vọng, cho dù ở giữa những thử thách cuộc đời, và kẻ dẫn đưa những ai tín thác vào Mẹ đến niềm vui bất tận.
________________________________________
[1] Nên biết là Hội thánh đã tuyên bố bốn “tín điều” (chân lý mặc khải) về Đức Maria: 1/ Mẹ Thiên Chúa; 2/ Trọn đời đồng trinh; 3/ Vô nhiễm nguyên tội; 4/ Hồn xác lên trời.
Hai tín điều đầu tiên đã thành hình ngay từ các thế kỷ đầu tiên. Hai tín điều cuối thì được xác nhận vào thế kỷ XIX và XX. Trong các bài huấn giáo sau đây, các tín điều được trình bày dọc theo cuộc đời Đức Maria: 1/ Thụ thai vô nhiễm (bài 23); 2/ Đồng trinh (bài 26); 3/ Thân mẫu Thiên Chúa (bài 37); 4/ Hồn xác lên trời (bài 54).
[2] Tức là kinh “Sub tuum praesidium” (Chúng con trông cậy), đã nhắc tới ở bài 2 ( đoạn 5).
[3] Đề tài này sẽ được khai triển ở bài 68.
[4] Causa nostrae laetitiae, trong Kinh cầu Đức Bà, quen đọc trong bản dịch tiếng Việt là: “ Đức Bà làm cho chúng con vui mừng”
BÀI 7-11
BÀI 7 : ĐỨC MARIA VÀ GIÁ TRỊ CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ
Bên cạnh những nhân tố cổ truyền đóng góp vào sự tiến triển của Thánh mẫu học (Thánh kinh, thánh truyền, thần học, lòng đạo đức), cần phải thêm một nhân tố văn hóa của thời đại, đó là phong trào nữ quyền. Đức Maria là điển hình của người nữ can đảm chấp nhận một vai trò có ảnh hưởng đến số phận của nhân loại. Trước đó, Đức Maria là biểu hiện của sự quý trọng mà Thiên Chúa dành cho phụ nữ, khi mời gọi họ tham gia vào kế hoạch cứu độ của Người.
1.- Trong thế kỷ thứ XX, Thánh mẫu học đã tiến triển dưới khía cạnh thần học và tu đức, gần đây đã tăng thêm tầm quan trọng dưới khía cạnh xã hội và mục vụ, kể cả trong việc hiểu biết thêm vai trò của người phụ nữ trong cộng đoàn Kitô hữu và trong xã hội, như đã được nêu bật trong vài văn kiện đầy ý nghĩa của Huấn quyền Hội thánh.
Vào lúc kết thúc Công đồng Vaticano II ngày 08.12.1965, các nghị phụ đã nói như sau trong sứ điệp gửi cho tất cả các phụ nữ trên thế giới: “Giờ đã đến, khi mà ơn gọi của phụ nữ đã được diễn tả trọn vẹn, giờ mà người phụ nữ đã chiếm được trong xã hội một tầm ảnh hưởng, một địa bàn và một thế lực chưa từng thấy xưa nay”.
Vài năm sau đó, tôi đã lặp lại những lời khẳng định đó trong Tông thư Phẩm giá người phụ nữ: “Trong những năm gần đây, phẩm giá và thiên chức của người phụ nữ, - đề tài tư duy của lý trí và của Kitô giáo -, đã mặc lấy một tầm quan trọng đặc biệt” (số 1).
Trong thế kỷ này, vai trò và phẩm giá người phụ nữ là đối tượng tranh đấu của phong trào nữ quyền. Phong trào này đã muốn phản đối, đôi khi với hình thức sôi nổi, chống lại những gì, trong quá khứ cũng như hiện tại, đã làm ngăn trở việc đánh giá cao và phát triển nhân cách của phụ nữ, cũng như việc tham gia của họ vào đời sống xã hội và chính trị. Những sự đòi hỏi này, phần nhiều là chính đáng, đã mang lại một cái nhìn quân bình hơn về vấn đề phụ nữ trong thế giới hiện đại. Trước những yêu sách đó, Hội thánh, nhất là trong thời gian gần đây, đã tỏ ra sự quan tâm đặc biệt, và cũng được thúc đẩy do sự kiện là nếu biết nhận ra chân dung đích thực của Đức Maria thì sẽ tìm gặp một lời giải đáp hữu hiệu cho khát vọng giải phóng phụ nữ. Đức Maria là người duy nhất đã thể hiện được cách tuyệt diệu chương trình yêu thương mà Thiên Chúa dành cho nhân loại.
2.- Kế hoạch của Thiên Chúa đã được biểu lộ ngay từ trong Cựu ước, với trình thuật của sự tạo dựng trình bày một cặp nam nữ đầu tiên được tạo dựng theo giống hình ảnh Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã dựng con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa dựa theo hình ảnh mình mà dựng nên con người có nam có nữ” (St 1,27). Như vậy người nữ không thua kém người nam, bởi cũng mang trong mình sự “tương tự” với Thiên Chúa. Đối với người phụ nữ, do việc xuất hiện trên mặt đất như là hiệu quả của công trình Thiên Chúa, như lời đánh giá sau đây cũng được ứng dụng: “ Thiên Chúa nhìn thấy những gì mình đã làm, và quả thật là một điều rất tốt đẹp” (St 1,31). Trong viễn ảnh đó, sự khác biệt giữa người nam và người nữ không hề bao hàm sự thấp kém của người phụ nữ hoặc sự bất bình đẳng, nhưng tạo thành một yếu tố mới mẻ tăng sự phong phú cho kế hoạch của Thiên Chúa, được biểu lộ như là một điều “rất tốt”.
Thế nhưng kế hoạch của Thiên Chúa còn đi xa hơn sự mặc khải của sách Sáng thế nữa. Thực vậy nơi Đức Maria, Thiên Chúa đã gợi lên một phụ nữ vượt xa hoàn cảnh bình thường của người phụ nữ được biểu lộ nơi sự tạo dựng bà Eva. Sự siêu việt độc đáo của Đức Maria trong thế giới ân sủng và sự hoàn thiện của Người là kết quả của lòng ưu ái đặc biệt của Thiên Chúa, Đấng đã muốn nâng hết mọi người, nam cũng như nữ, lên tới cấp hoàn hảo và thánh thiện của hàng thiên tử. Đức Maria là kẻ “được chúc phúc hơn các phụ nữ”; tuy vậy, có thể nói được rằng mỗi người phụ nữ cũng được tham dự cách nào đó vào phẩm giá siêu việt của Đức Maria trong chương trình của Thiên Chúa.
3. Hồng ân đặc biệt dành cho Thân mẫu của Chúa không những cho thấy điều mà chúng ta nói được là sự kính trọng mà Thiên Chúa dành cho phụ nữ, mà còn làm sáng tỏ vai trò không thể thay thế được của người phụ nữ trong lịch sử của nhân loại dựa theo ý định của Thiên Chúa.
Các phụ nữ cần phải khám phá sự quý trọng mà Thiên Chúa dành cho mình ngõ hầu ý thức hơn về phẩm giá cao quý của họ. Phong trào nữ quyền đã nổi lên để phản ứng lại một tình trạng lịch sử và xã hội không biết tôn trọng các giá trị của phụ nữ, những kẻ thường bị gạt vào vai trò thứ yếu và đôi khi bị gạt ra bên lề xã hội. Tình trạng này đã không cho phép người phụ nữ biểu lộ toàn vẹn những sự phong phú của mình về trí năng và khôn ngoan của nữ tính. Thực vậy, trải qua dòng lịch sử, nhiều lần các phụ nữ đã đau khổ vì tài năng của họ đã bị coi rẻ và đôi khi còn bị hạ thấp và gánh chịu những thiên kiến bất công. Đây là một tình trạng mà tiếc thay, mặc dù đã có một vài cải tiến, nhưng vẫn còn tồn tại ngày nay ở nhiều nước và không ít lãnh vực trên thế giới này.
4.- Dung nhan của Đức Maria đã bày tỏ sự quý trọng của Thiên Chúa dành cho người phụ nữ, chặt đứt hết mọi cơ sở lý thuyết cho mọi hình thức kỳ thị phụ nữ.
Công trình tuyệt diệu mà Đấng Tạo hóa đã thực hiện nơi Đức Maria cung cấp cho hết mọi người nam nữ một cơ hội để khám phá một vài chiều kích mà trước đây chúng ta chưa đánh giá đúng mức. Khi nhìn lên người Thân mẫu của Chúa, các phụ nữ có thể hiểu biết hơn về phẩm giá và thiên chức cao quý của mình. Kể cả người nam nữa, dưới ánh sáng của Đức Trinh nữ Maria, cũng có thể có một cái nhìn toàn diện và quân bình hơn về bản sắc của người phụ nữ, về gia đình và về xã hội.
Việc nghiên cứu kỹ lưỡng khuôn mặt của Đức Maria, theo như Kinh Thánh trình bày và Hội thánh giải thich, cũng cần thiết để sửa chữa một vài lối giải thích của một vài trào lưu nữ quyền, khi họ hạ giá Người. Vài tác giả trình bày Đức Trinh nữ Nazarét như một biểu tượng của một người nữ khép kín giữa bốn bức tường chật hẹp của gia thất.
Trái lại, Đức Maria thật là khuôn mẫu của sự phát triển sung mãn của thiên chức phụ nữ, bởi vì, bất chấp những giới hạn khách thể áp đặt lên điều kiện xã hội của mình, Đức Maria đã gây được một ảnh hưởng vô biên đối với thân phận của nhân loại và đối với sự biến đổi xã hội.
5.- Ngoài ra, đạo lý về Đức Maria còn nêu bật những cách thức khác nhau mà đời sống ân sủng có thể cổ võ nơi vẻ đẹp tinh thần của người phụ nữ.
Đứng trước sự khai thác bỉ ổi của những kẻ muốn biến phụ nữ thành một đối tượng không còn phẩm giá, chỉ dành cho sự thỏa mãn đam mê dục tính, thì Đức Maria tái khẳng định giá trị cao vời của nét đẹp phụ nữ, một hồng ân và phản ánh vẻ đẹp của Thiên Chúa.
Thoạt tiên xem ra sự hoàn hảo của người nữ được thực hiện ở nơi Đức Maria là một trường hợp ngoại lệ, không tài nào bắt chước được, một mẫu gương quá cao xa không thể họa lại được. Thực vậy, sự thánh thiện độc nhất vô nhị của Đấng nhận được đặc ân thụ thai trinh khiết đã thường được coi như là dấu hiệu của một khoảng cách không vượt qua được. Tuy nhiên, sự thánh thiện tuyệt vời của Đức Maria, thay vì trở thành một sự ngăn cản trên con đường đi theo Chúa, thì theo chương trình của Chúa, phải trở nên dấu chỉ khuyến khích hết mọi Kitô hữu hãy cởi mở cho quyền năng thánh hóa của ơn Chúa: đối với Chúa không có chi mà không thể làm được. Vì thế nơi Đức Maria, hết mọi người được kêu gọi hãy tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa toàn năng, Đấng có thể thay đổi con tim, dìu dắt nó tới chỗ hoàn toàn thuận nhận tiếp đón kế hoạch yêu thương quan phòng của Người.
BÀI 8 : VAI TRÒ NGƯỜI PHỤ NỮ DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA ĐỨC MARIA
Tiếp nối tư tưởng của bài trước, Đức Thánh Cha trình bày ba đặc điểm mà Đức Maria làm nêu bật đối với thiên chức của phụ nữ: sự hợp tác tránh nhiệm vào vận mạng nhân loại; chức làm mẹ; đức trinh khiết do động lực trao hiến bản thân. Những đề tài này đã được quảng diễn trong tông thư Mulieris dignitatem .
1.- Như tôi đã có dịp trình bày trong những bài huấn giáo trước đây, vai trò mà Thiên Chúa ủy thác cho Đức Maria trong công trình cứu chuộc đã làm sáng tỏ thiên chức của người phụ nữ ở trong đời sống của Hội thánh và của xã hội, khi xác định sự khác biệt của người nữ so với người nam. Thực vậy, khuôn mẫu đã được thiết định nơi Đức Maria đã cho thấy rõ đâu là đặc trưng của nhân cách phụ nữ.
Trong thời gian gần đây, một vài trào lưu của phong trào nữ quyền, nhằm đẩy mạnh sự giải phóng người phụ nữ, đã muốn đồng hóa hoàn toàn người nữ với người nam. Tuy nhiên, ý định của Thiên Chúa được tỏ ra qua việc tạo dựng, tuy muốn người phụ nữ bình đẳng như người nam về phẩm chức và giá trị, nhưng cũng đồng thời khẳng định một cách rõ rệt về sự khác biệt và về đặc trưng của phụ nữ. Căn tính của người phụ nữ không thể nào nằm ở chỗ là một bản sao chép của người nam, bởi vì người nữ có những đức tính và yêu sách đặc hữu, mang lại cho họ một sự khác biệt cần phải được cổ võ và tán trợ.
Những yêu sách và đặc trưng của nhân cách phụ nữ đã đạt tới mức phát triển toàn vẹn nơi Đức Maria. Ơn sủng tràn trề của Chúa đã giúp cho mọi khả năng đặc hữu người phụ nữ được phát triển toàn diện ở nơi Người.
Vai trò của Đức Maria trong công trình cứu chuộc hoàn toàn tùy thuộc vào Đức Kitô. Đây là một chức vụ duy nhất, nằm trong kế hoạch hoàn tất mầu nhiệm Nhập thể: chức làm mẹ của Đức Maria cần thiết để trao ban cho thế giới Đấng Cứu chuộc, Con của Thiên Chúa thật, nhưng cũng hoàn toàn là con người.
Sự hợp tác cần thiết của một người nữ để cho Đức Kitô đến với trần gian đã được sáng tỏ trong sáng kiến của Thiên Chúa khi mà, qua trung gian của thiên sứ, Ngài đã thông báo cho trinh nữ Nazarét ý định cứu rỗi của Ngài, ngõ hầu Đức Trinh nữ có thể hợp tác một cách ý thức và tự do, bằng cách biểu lộ sự ưng thuận của mình một cách quảng đại.
Ở đây chúng ta thấy thể hiện khuôn mẫu cao cả nhất của sự hợp tác một cách có trách nhiệm của người phụ nữ vào việc cứu độ của con người, - của toàn thể con người-. Khuôn mẫu này tạo thành một điểm quy chiếu cho hết mọi khẳng định về vai trò và chức phân của người phụ nữ trong lịch sử.
2.- Khi thực hiện hình thức hợp tác cao cả đó, Đức Maria cũng tỏ cho chúng ta thấy một phong thái, nhờ đó mà người phụ nữ cần phải diễn tả sứ mạng của mình ra cụ thể.
Đứng trước lời loan báo của thiên sứ, Đức Trinh nữ đã không tỏ lộ một thái độ đấu tranh kiêu hùng, cũng không đòi đáp ứng những tham vọng cá nhân. Thánh Luca đã trình bày cho chúng ta thấy là Đức Trinh nữ chỉ ước mong cống hiến sự phục vụ khiêm tốn của mình trong tâm tình tín thác hoàn toàn vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đây là ý nghĩa của lời đáp của Người: “Này đây tôi là nữ tỳ của Chúa, xin hãy xảy ra nơi tôi điều mà Ngài đã nói” (Lc 1,38).
Thực vậy, đây không phải là một sự đón nhận hoàn toàn thụ động, bởi vì sự ưng thuận của Người đã được bộc lộ sau khi đã trình bày nỗi khó khăn gây ra bởi quyết định giữ mình trinh khiết, mà Người đã ôm ấp vì muốn thuộc trọn về Chúa.
Sau khi đã nhận được lời giải đáp của thiên sứ, Đức Maria đã lập tức bày tỏ thái độ sẵn sàng của mình, qua sự phục vụ khiêm tốn.
Chính sự phục vụ khiêm tốn quý giá mà biết bao nhiêu phụ nữ, dõi theo gương của Đức Maria đã và đang cống hiến cho Hội thánh nhằm mở rộng Nước Chúa.
3.- Hình ảnh của Đức Maria nhắc nhở cho các phụ nữ ngày nay giá trị của chức làm mẹ. Trong thế giới hôm nay, không phải lúc nào người ta cũng nhìn nhận giá trị đó một chỗ đứng quân bình. Tại một vài nơi, hiện tượng các phụ nữ phải đi kiếm việc làm để trám vào những yêu sách không ngừng gia tăng của gia đình và quan niệm sai lầm về tự do đã coi việc săn sóc con cái như là một trở ngại cho sự tự lập và những khả năng khẳng định của phụ nữ; não trạng đó đã làm lu mờ ý nghĩa của chức làm mẹ đối với sự phát triển nhân cách phụ nữ. Ngược lại, trong một vài trường hợp khác, người ta đề cao quá đáng khía cạnh sinh đẻ về thể chất đến nỗi đã làm mờ nhạt những khả năng khác mà người phụ nữ có thể biểu lộ chức năng thiên phú làm mẹ.
Nơi Đức Maria, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa đích đáng của thiên chức làm mẹ, được đạt tới cao điểm trong ý định cứu rỗi của Thiên Chúa. Đối với Người, việc làm mẹ không những mang lại sự phát triển trọn vẹn cho nhân cách phụ nữ, bởi vì người nữ đã được hướng tới việc trao ban sự sống, nhưng mà đồng thời nó còn tạo nên một sự đáp ứng trong đức tin cho thiên chức đặc hữu của người phụ nữ; thiên chức này chỉ đạt được giá trị chân chính trong ánh sáng của giao ước với Thiên Chúa (tông huấn Mulieris dignitatem, số 19).
4.- Khi chú ý ngắm nhìn Đức Maria, chúng ta khám phá nơi Người khuôn mẫu của sự trinh khiết vì Nước Trời.
Là Trinh nữ điển hình, Người đã nuôi dưỡng trong tâm hồn lòng ước ao muốn sống hoàn cảnh đó ngõ hầu có thể đạt tới sự thân mật khắng khít mãi mãi với Thiên Chúa.
Đối với những người nữ được gọi vào sự khiết tịnh đồng trinh, Đức Maria khi bày tỏ ý nghĩa cao cả của ơn gọi đặc biệt này, đã lôi kéo chú ý đến sự phong nhiêu tinh thần mà sự trinh khiết bao hàm ở trong chương trình của Thiên Chúa: một tình mẹ ở vào hệ trật cao cấp hơn, tình mẹ trong Chúa Thánh Thần (tông huấn Mulieris dignitatem, số 21).
Trái tim hiền mẫu của Đức Maria, được mở rộng tới hết mọi nỗi khổ đau của nhân loại, cũng nhắc nhở các phụ nữ rằng sự phát triển nhân cách phụ nữ đòi hỏi sự xả thân cho tình bác ái. Rất bén nhạy với những giá trị của con tim, người phụ nữ tỏ ra một khả năng cao cả biết trao hiến bản thân.
Đối lại với những ai vào thời đại hôm nay chỉ muốn trưng bày những khuôn mẫu ích kỷ để khẳng định nhân cách phụ nữ, thì khuôn mặt sáng ngời và thánh thiện của người Thân mẫu của Chúa cho thấy rằng chỉ có trong việc trao hiến bản thân và quên mình đi vì tha nhân thì mới có thể thực hiện cách chân chính kế hoạch Thiên Chúa dành cho cuộc đời của mỗi người.
Vì thế, sự hiện diện của Đức Maria khuyến khích các người phụ nữ nuôi dưỡng những tâm tình trắc ẩn và liên đới đối với những hoàn cảnh đau thương của nhân loại, và gợi lên những ý định muốn xoa dịu những nỗi khổ cực của những người đang đau khổ: những người nghèo, những người bệnh và những người hoạn nạn đang cần được cứu giúp.
Nhờ mối dây liên kết đặc biệt với Đức Maria, người phụ nữ trải qua dòng lịch sử thường thể hiện việc Thiên Chúa gần gũi với nỗi mong chờ tình nhân ái âu yếm của nhân loại bị thương tổn do sự căm thù và do tội lỗi. Họ gieo vào thế giới những mầm mống của một nền văn minh lấy tình thương đáp lại hận thù.
BÀI 9 : SỰ HIỆN DIỆN CỦA ĐỨC MARIA TẠI CÔNG ĐỒNG VATICANO II
Đức Gioan Phaolô II ôn lại vài điểm chính của đạo lý công đồng Vaticanô II về Đức Maria. Trước hết, công đồng đã bàn về Đức Maria trong văn kiện về Hội thánh, thay vì soạn một văn kiện riêng biệt. Đức Maria được nhìn trong mối tương quan với Chúa Kitô và với Hội thánh. Dưới một viễn ảnh mới, Người được nhìn nhận như là “Mẹ của Hội thánh”, cũng như là “điển hình” và “mẫu gương” cho Hội thánh.
1.- Hôm nay tôi muốn dừng lại để suy nghĩ về sự hiện diện đặc biệt của “Mẹ của Hội thánh” tại một biến cố chắc hẳn là quan trọng nhất trong thế kỷ chúng ta: công đồng Vaticano II được khai mạc do Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII vào sáng ngày 11 tháng10 năm1962 và kết thúc do Đức Phaolô VI, ngày 8 tháng 12 năm 1965.
Một sắc thái Maria đã được ghi nhận nơi Công đồng này ngay từ khi triệu tập. Trong tông thư “Celebrandi Concilii Oecumenici” (11.4.1962), vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Đức Gioan XXIII, đã muốn ký thác công đồng cho sự chuyển cầu quyền năng của Đức Maria, “Người mẹ của ơn thánh và vị bảo trợ trên trời của Công đồng”.
Kế đó, năm 1962, nhân dịp lễ Đức Maria chịu thanh tẩy, Đức Gioan XXIII đã ấn định khai mạc Công đồng vào ngày 11 tháng 10, và giải thích sự chọn lựa này là để nhớ đến công đồng Êphêsô vào ngày hôm đó đã công bố Đức Maria là “Theotokos”, Thân mẫu Thiên Chúa. Rồi trong bài diễn văn khai mạc, Đức Thánh Cha đã ký thác cho Đức Maria dưới tước hiệu “Kẻ Cứu giúp các Kitô hữu, Kẻ Cứu giúp các Giám mục” để xin Người cầu bầu với tình mẹ để cho công tác của Công đồng được kết thúc mỹ mãn.
Các Nghị phụ của Công đồng cũng hướng tới Đức Maria một cách minh thị trong sứ điệp gởi cho thế giới vào ngày khai mạc Công đồng, khi viết như sau: “Chúng tôi, những kẻ thừa kế các tông đồ, đang kết hiệp trong kinh nguyện cùng với Đức Maria, Thân mẫu Đức Giêsu, họp thành một đoàn tông đồ duy nhất”; như thế các nghị phụ đã muốn nối kết, trong sự thông hiệp với Đức Maria, với Hội Thánh nguyên thủy đón chờ Chúa Thánh Thần (xc. Cv1,14).
2. Trong khóa họp thứ hai của Công đồng, người ta đã muốn du nhập thiên bàn về Đức Trinh nữ Maria vào trong Hiến chế về Hội thánh. Sáng kiến này, tuy đã được Ủy ban thần học giới thiệu rõ ràng, nhưng đã gợi lên nhiều ý kiến tương phản.
Một vài người nghĩ rằng việc lồng trong Hiến chế về Hội Thánh thì sẽ không nêu bật đủ sứ mạng rất đặc biệt của Thân mẫu Đức Giêsu ở trong Hội thánh; vì thế, họ đã chủ trương soạn ra một văn kiện riêng biệt thì mới có thể diễn tả được chức phẩm cao quý, sự thánh thiện tuyệt vời, vai trò vô song của Đức Maria trong cuộc cứu chuộc mà Con của Người đã thực hiện. Thêm vào đó, họ cho rằng Đức Maria phần nào ở trên Hội thánh, vì thế họ bày tỏ sự lo ngại rằng việc gắn liền đạo lý Đức Maria trong chương bàn về Hội Thánh thì sẽ không làm nổi bật xứng đáng những đặc ân của Đức Maria, vì sẽ thu gọn chức vụ của Người ngang với những phần tử khác của Hội thánh (Acta Synodalia, II, III, 338-342).
Đối lại, một vài người khác đã ủng hộ đề nghị của Ủy ban thần học, muốn trình bày đạo lý Đức Maria và về Hội Thánh trong một văn kiện duy nhất. Theo họ, hai thực thể này không thể được tách rời ra tại một công đồng chủ trương tái khám phá bản chất và sứ mạng của dân Thiên Chúa. Vì thế, cần phải bày tỏ sự gắn bó sâu xa với Đấng đã trở thành điển hình và mẫu gương của Hội thánh về đức trinh khiết và về chức làm mẹ. Thực vậy Đức Trinh Nữ Maria, trong tư cách là phần tử ưu việt của cộng đoàn Hội thánh, đã chiếm một chỗ đứng đặc biệt trong đạo lývề Hội thánh. Ngoài ra khi nêu bật sự liên kết giữa Đức Maria và Hội Thánh, đạo lý của Công đồng về Đức Maria sẽ trở nên dễ hiểu hơn đối với các Kitô hữu thuộc phái Tin Lành (Acta Synodalia, II, III, 343-345).
Như vậy, các Nghị phụ, tuy được thúc đẩy do cùng một lòng yêu mến Đức Maria, nhưng đã muốn nêu bật những khía cạnh khác nhau của khuôn mặt của Người, nên đã đi đến những chủ trương đạo lý khác nhau. Một vài người muốn chiêm ngưỡng Đức Maria cách đặc biệt trong mối tương quan với Chúa Kitô; một số người khác thì muốn nhìn ngắm Người như là một phần tử của Hội Thánh.
3.- Sau khi cân nhắc thâm sâu về đạo lý và bàn xét về thiên chức của Đức Maria Thân Mẫu Thiên Chúa cũng như về sự hiện diện đặc biệt của Người trong đời sống Hội thánh, các nghị phụ đã quyết định xen khảo luận về Đức Maria vào trong văn kiện của Công đồng bàn về Hội thánh (Acta Synodalia II, III, 627).
Bản lược đồ mới về Đức Trinh Nữ Maria, được soạn ra để được xen vào Hiến chế Tín lý về Hội thánh, đã cho thấy một sự tiến triển thần học quan trọng. Việc nhấn mạnh đến đức tin của Đức Maria cũng như việc đặt đạo lý của Đức Maria trên nền tảng Kinh Thánh đã trở thành những yếu tố quan trọng và hữu ích để làm giàu cho lòng sùng kính và sự học hỏi của các Kitô hữu về Đức Thánh Mẫu. Với dòng thời gian, những nguy cơ về sự “hạ bệ” mà một vài nghị phụ lo ngại đã không xảy ra : sứ mạng và những đặc ân của Đức Maria đã được khẳng định một cách rộng rãi; sự cộng tác của Người vào công trình cứu rỗi của Thiên Chúa đã được nêu bật; việc dung hợp giữa sự cộng tác của Đức Maria với đạo lý về Đức Kitô Đấng Trung gian duy nhất đã thành sáng tỏ hơn.
Hơn nữa, lần đầu tiên, huấn quyền của Công đồng đã trình bày cho Hội thánh một học thuyết về vai trò của Đức Maria trong chương trình cứu chuộc của Đức Kitô và trong đời sống của Hội thánh.
Vì thế chúng ta phải nhìn nhận rằng sự lựa chọn của các nghị phụ thực là một quyết định do Chúa quan phòng, bởi vì nó đã mang nhiều hậu quả phong phú cho công cuộc nghiên cứu đạo lý sau này.
4.- Trong các khóa họp Công đồng, đã có một thỉnh nguyện của nhiều nghị phụ muốn tăng gia đạo lý về Đức Maria với những định tín về vai trò của Đức Maria vào công trình cứu chuộc[1]. Khung cảnh đặc biệt của các cuộc tranh luận về Đức Maria tại công đồng Vatican II đã không cho phép chấp nhận những ước nguyện đó, dù khá phổ biến. Dù sao thì toàn bộ những học thuyết của Công đồng về Đức Maria vẫn được vững chắc và quân bình, và những đề tài nói trên tuy không được định tín, nhưng đã được bàn giải sâu xa trong toàn bộ khảo luận về Đức Maria.
Vì thế những dè dặt của một vài nghị phụ đối với tước hiệu “Mẹ Trung gian” đã không ngăn trở Công đồng một lần sử dụng nó, và khẳng định, - cùng với vài từ ngữ khác-, vai trò trung gian của Đức Maria qua việc chấp thuận lời thiên sứ truyền tin để trở thành người mẹ trong hệ trật ân sủng (xc. HT 62)[2]. Ngoài ra, Công đồng đã khẳng định sự hợp tác của Người “một cách hết sức đặc biệt” vào công trình tái tạo đời sống siêu nhiên trong các linh hồn (xc. HT 61). Sau cùng dù tránh sử dụng tước hiệu “Mẹ của Hội thánh”, bản văn của Hiến chế đã nhấn mạnh rõ ràng rằng Hội thánh đã tôn kính Đức Maria như là người mẹ rất đáng yêu mến[3].
Đọc suốt khảo luận của chương 8 của Hiến chế Tín lý về Hội thánh, chúng ta thấy rằng những sự dè dặt về từ ngữ đã không ngăn trở việc trình bày một đạo lý với nội dung sâu sắc tích cực, biểu hiện của niềm tin và lòng yêu mến đối với Đấng mà Hội thánh nhận là mẹ và mẫu gương cho đời sống của mình.
Mặt khác, những quan điểm khác nhau của các nghị phụ, nảy lên trong các cuộc tranh luận tại Công đồng, quả là nằm trong chương trình của Chúa quan phòng, bởi vì khi đối chiếu và hòa hợp với nhau, các ý kiến đó giúp cho lòng tin và thảo hiếu của dân Chúa một sự trình bày hoàn bị và quân bình hơn về thiên chức của Thân mẫu Chúa Giêsu và về vai trò của Người trong công trình cứu chuộc.
BÀI 10: MỤC TIÊU VÀ PHƯƠNG PHÁP TRÌNH BÀY ĐẠO LÝ VỀ ĐỨC MARIA
Những bài huấn giáo về Đức Maria sẽ chú trọng vào hai phần chính: 1/ Phần đạo lý, bàn đến chức vụ của Đức Maria trong Mầu nhiệm Nhập thể và Nhiệm thể (tức là Hội thánh). 2/ Phần thực hành, sau khi ý thức vai trò của Đức Maria trong đời sống của Hội thánh và của từng tín hữu, chúng ta cảm thấy sự cần thiết phải bắt chước các mẫu gương nhân đức và tín thác nơi tình hiền mẫu của Người.
1.- Trong chương 8 của Hiến chế tín lý về Hội thánh, công đồng Vat. II đã muốn trình bày “chức vụ của Đức Maria trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể và Nhiệm Thể của Chúa Kitô, cũng như những nghĩa vụ của những con người đã được cứu chuộc đối với Thân Mẫu Thiên Chúa”[4], tôi cũng muốn họa theo Công đồng để trình bày, trong những bài huấn giáo sau đây, một toát lược căn bản đức tin của Hội thánh về Đức Maria, tuy phải khẳng định - giống như Công đồng - là không muốn trình bày “toàn bộ đạo lý đầy đủ” cũng như không muốn “giải quyết những vấn đề mà các nhà thần học còn đang tranh luận” (xc. HT 54)[5].
Trước hết, tôi muốn trình bày “chức vụ của Đức Trinh nữ trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể và Nhiệm Thể”, dựa trên những dữ kiện của Kinh thánh và truyền thống của các Tông đồ cũng như lưu ý tới sự tiến triển đạo lý trong Hội thánh cho tới ngày hôm nay.
Ngoài ra, xét vì vai trò của Đức Maria trong lịch sử cứu độ được liên kết chặt chẽ với mầu nhiệm của Đức Kitô và của Hội Thánh, cho nên tôi sẽ không bỏ qua việc quy chiếu vào hai mầu nhiệm đó, vì khi đặt đạo lý của Đức Maria vào đúng vị trí thì sẽ khám phá ra sự phong phú dồi dào của nó.
Việc tìm hiểu mầu nhiệm củaThân mẫu Chúa Cứu Thế thật bao la và trải qua giòng lịch sử đã thu hút nhiều vị mục tử và nhiều nhà thần học. Có tác giả muốn nêu bật những khía cạnh cơ bản của Thánh mẫu học, nên đã bàn tới Đức Maria trong thiên khảo luận về Đức Kitô hoặc về Hội thánh. Tuy nhiên, dù vẫn duy trì mối tương quan với hết tất cả mầu nhiệm đức tin, Đức Maria đáng được dành một thiên khảo luận riêng biệt, nhằm làm sáng tỏ thân thế và chức vụ của Người trong lịch sử cứu rỗi dựa trên Kinh thánh và truyền thống Hội thánh.
2.- Ngoài ra, theo hướng đi của Công đồng, xem ra cũng cần phải trình bày “những nghĩa vụ của những người đã được cứu chuộc đối với Thân mẫu Thiên Chúa, Thân mẫu Đức Kitô, Mẹ của loài người, đặc biệt là của các tín hữu”.
Thực vậy, vai trò mà Thiên Chúa đã muốn dành cho Đức Maria trong công trình cứu chuộc đòi hỏi các Kitô hữu không những là đón tiếp và lắng nghe Mẹ, mà còn là các hành động cụ thể diễn tả ra cuộc sống những tâm tình Phúc âm của Đấng đã đi tiên phong trước Hội thánh về đức tin và sự thánh thiện. Như thế Đức Maria đã được dành một chỗ đứng có tác dụng đặc biệt về cách thức cầu nguyện của các tín hữu. Chính Phụng vụ của Hội thánh đã nhìn nhận một vị trí đặc biệt dành cho Mẹ trong việc đạo đức và trong cuộc sống của người tín hữu.
Cần phải nhấn mạnh rằng đạo lý về lòng tôn kính Đức Maria không phải là hậu quả của cảm tình ướt át. Mầu nhiệm Đức Maria là một chân lý mạc khải hướng tới trí năng của các tín hữu và đòi hỏi những người giữ vai trò nghiên cứu và dạy dỗ trong Hội thánh phải có một phương pháp suy tư đạo lý không kém nghiêm túc so với phương pháp được áp dụng trong toàn bộ môn thần học.
Mặt khác, chính Đức Giêsu đã mời các người đương thời không nên bị lôi cuốn bởi sự phấn khởi khi trông thấy Thân mẫu của Người: bà Maria được tuyên dương là có phúc nhất là vì đã lắng nghe Lời của Chúa và đem ra thực hành (xc. Lc 11,28).
Chúng ta không nên chỉ chiều theo tâm tình nhưng phải để cho ánh sáng của Chúa Thánh Thần dìu dắt khi tìm hiểu Thân mẫu Đức Giêsu và cách Người đóng góp vào chương trình cứu độ.
3.- Bàn về sự chừng mực và quân bình cần duy trì trong đạo lý cũng như là trong lòng sùng kính Đức Maria, Công đồng đã khuyên nhủ các nhà thần học và các nhà giảng thuyết Lời Chúa rằng “cần phải tránh hết mọi sự thái quá ngang trái …”(xc. HT 67).
Những sự thái quá này xảy ra nơi luồng “phóng đại”, khi họ muốn áp dụng cho Đức Maria những ưu phẩm của Đức Kitô và hết mọi đặc sủng của Hội thánh[6].
Không, khi trình bày về Đức Maria, cần phải duy trì sự khác biệt vô song giữa bản thể con người của Đức Maria và bản thể thiên tính của Đức Giêsu. Không thể lấy sự “tối đa” làm tiêu chuẩn cho Thánh mẫu học, bởi vì môn này phải luôn luôn quy chiếu về những gì mà mặc khải đã làm chứng về các hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Trinh nữ chiếu theo sứ mạng cao cả của Người.
Một cách tương tự như vậy, Công đồng cũng khuyến khích các nhà thần học và các nhà giảng thuyết hãy “tránh não trạng chât hẹp”, nghĩa là tránh cái nguy cơ “giảm thiểu”[7] được biểu lộ qua các chủ trương đạo lý hoặc chú giải Kinh thánh hoặc những việc đạo đức; khuynh hướng này ra như là dẹp bỏ tầm quan trọng của Đức Maria trong lịch sử cứu rỗi, sự trọn đời đồng trinh và sự thánh thiện của Người.
Chúng ta nên luôn luôn tránh những chủ trương cực đoan bởi vì chúng ta cần phải dựa vào chân lý mặc khải, được diễn tả trong Thánh kinh và truyền thống các thánh tông đồ.
4.- Chính Công đồng đã cống hiến cho chúng ta một tiêu chuẩn để phân định đạo lý chân chính về Đức Maria: “trong Hội thánh, Đức Maria chiếm một chỗ cao nhất và gần nhất với chúng ta sau Chúa Kitô” (HT 54).
Chỗ đứng cao nhất: chúng ta cần phải khám phá tầm quan trọng của Đức Maria trong mầu nhiệm cứu chuộc. Tuy nhiên, đó là một sứ mạng luôn luôn quy chiếu về Đức Kitô.
Chỗ đứng gần nhất với chúng ta: cuộc sống của chúng ta được thấm nhuần sâu đậm do mẫu gương và lời chuyển cầu của Đức Maria. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tự vấn về phần cố gắng của chúng ta để được gần gũi với Người. Toàn thể môn sư phạm của lịch sử cứu rỗi đều mời gọi chúng ta hãy nhìn ngắm Đức Trinh nữ. Khoa tu đức Kitô giáo ở hết mọi thời đại đều mời gọi chúng ta hãy nghĩ đến Người như một gương mẫu của việc thuận theo ý Chúa. Là khuôn mẫu của sự thánh thiện, Đức Maria dìu dắt những bước đi của các tín hữu trên con đường về thiên quốc.
Vì gần gũi với những biến cố trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, Đức Maria nâng đỡ chúng ta trong lúc thử thách, phấn chấn chúng ta những lúc khó khăn, luôn luôn chỉ tỏ cho chúng ta tiêu điểm của ơn cứu rỗi đời đời. Như vậy, vai trò làm mẹ của Người càng ngày càng nổi bật: Người là Thân mẫu của Thánh tử Giêsu, Người là bà mẹ âu yếm, tỉnh thức đối với mỗi người chúng ta, bà mẹ mà từ thập giá Chúa Cứu chuộc đã ký thác để chúng ta đón nhận như là những người con trong đức tin.
BÀI 11
ĐỨC MARIA
TRONG MỐI TƯƠNG QUAN VỚI CHÚA BA NGÔI
Từ bài này, Đức Thánh Cha bắt đầu bình giảng chương VIII của Hiến chế Ánh sáng muôn dân, với những lời dẫn nhập đề cao mối tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi: “Thân mẫu của Con, ái nữ của Chúa Cha, đền thờ Thánh Thần”. Chính mối tương quan này là nguồn gốc sự cao sang của Đức Maria. Tuy nhiên, những tước vị ấy nằm trong kế hoạch mặc khải tình thương của Thiên Chúa đối với loài người, vì thế nên cũng đặt Đức Maria gần gũi với chúng ta.
1.- Chương VIII của Hiến chế về Hội thánh đã chỉ mầu nhiệm Đức Kitô như là điểm quy chiếu cần thiết cho Thánh-mẫu-học. Những lời mở đầu của chương này thật là đầy ý nghĩa: “Vì Thiên Chúa rất mực khoan dung và thượng trí đã muốn thực hiện việc cứu chuộc nhân loại, nên vào thời viên mãn Ngài đã sai Con Mình đến, sinh bởi người nữ…ngõ hầu chúng ta lãnh nhận ơn làm nghĩa tử” (Gl 4, 4-5)(HT 52). Con của Chúa chính là Đấng Mêsia mà dân Cựu ước ngóng trông, được Chúa Cha sai đến vào lúc quyết liệt của lịch sử, tức là “tới thời viên mãn” (Gl 4,4), trùng với việc Con Chúa giáng sinh vào thế giới chúng ta do một người phụ nữ. Đấng đã đưa Con hằng hữu của Thiên Chúa vào thế giới loài người không thể nào tách rời khỏi Vị được đặt vào trung tâm của kế hoạch mà Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.
Chức thủ lãnh của Đức Kitô đã được biểu lộ trong Hội thánh, nhiệm thể của Người: thực vậy trong Hội thánh “các tín hữu gắn bó với Đức Kitô là nguyên thủ và hiệp thông với tất cả các thánh của Người”(xc. HT 52). Chính Đức Kitô đã thu hút hết mọi người đến với mình. Do chức phận làm mẹ hằng kết hiệp khắng khít với Con mình, Đức Maria đã đóng góp phần vào việc quy hướng cặp mắt và con tim của các tín hữu tới Đức Kitô.
Đức Maria là con đường dẫn tới Đức Kitô: thực vậy, Đấng mà lúc thiên sứ Truyền tin “đã đón nhận Lời của Thiên Chúa vào con tim và thân thể của mình” (HT 53) thì cũng chỉ tỏ cho chúng ta thấy cách đón nhận vào cuộc đời chúng ta Chúa Con từ trời xuống, dạy cho chúng ta biết đặt Chúa Giêsu làm trung tâm và là “quy luật” tối cao trong cuộc sống của chúng ta.
2.- Đồng thời Đức Maria cũng giúp cho chúng ta khám phá ra ở cội nguồn của toàn thể công trình cứu độ là tác động chủ tể của Chúa Cha, Đấng đã kêu gọi tất cả mọi người trở thành dưỡng tử trong Con Một của Người. Khi nhắc đến những lời tuyệt tác của thư gởi Êphêsô: “Thiên Chúa giàu lòng lân tuất, do tình yêu vô biên mà Người đã yêu chúng ta, đang lúc chúng ta còn chết cho tội lỗi, thì Người đã cho chúng ta sống lại với Đức Kitô”(Ep 2,4), Công đồng đã gán cho Thiên Chúa tước hiệu là “Đấng rất mực khoan dung”: như vậy Người Con “được sinh bởi người nữ” đã xuất hiện như là hoa trái của lòng khoan dung của Chúa Cha và cho hiểu rõ hơn rằng người Nữ đó là “mẹ của lòng khoan dung”.
Cùng trong mạch văn đó, Công đồng đã gọi Thiên Chúa là Đấng “rất mực thượng trí”, ra như gợi lên cho chúng ta mối dây khắng khít giữa Đức Maria và sự cao minh của Thiên Chúa đã muốn cho Đức Trinh nữ làm mẹ theo chương trình huyền diệu của Người.
3.- Bản văn của Công đồng cũng nhắc tới mối dây đặc biệt liên kết Đức Maria và Chúa Thánh Thần, khi dùng những lời của tín biểu Nixêa Constantinôpôlis mà chúng ta đọc trong phụng vụ Thánh lễ: “vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần Người đã nhập thể trong lòng Đức Trinh nữ Maria”.
Khi phát biểu đức tin hằng cửu của Hội thánh, Công đồng nhắc nhở cho chúng ta biết cuộc Nhập thể kỳ diệu của Chúa Con đã diễn ra trong cung lòng của Trinh nữ Maria không do sự hợp tác của người nam nhưng là do quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Như vậy, những lời mở đầu của chương VIII Hiến chế về Hội thánh đã cho thấy chiều kích Chúa Ba Ngôi là một nét căn bản của Thánh mẫu học. Thực vậy, tất cả đã diễn ra do ý định của Chúa Cha, Đấng đã sai Con mình vào thế gian, bày tỏ Người cho nhân loại và đặt Người làm đầu của Hội thánh và trung tâm của lịch sử. Đây là một kế hoạch được hoàn tất trong cuộc Nhập thể, công trình của Chúa Thánh Thần, nhưng cũng do sự cộng tác tất yếu của một người nữ, Đức Trinh nữ Maria, và như thế Người đã trở nên một thành phần của kế hoạch thông ban Chúa Ba Ngôi cho nhân loại.
4.- Tương quan của Đức Maria với Ba Ngôi còn được lặp lại qua những lời chính xác khi mô tả mối tương quan của Thân mẫu Chúa với Hội thánh: “Người đã được trao tặng chức vụ và phẩm giá là Thân mẫu của Con Thiên Chúa, và vì thế trở thành ái nữ của Chúa Cha và Đền thờ của Chúa Thánh Thần” (HT 53).
Tước phẩm căn bản của Đức Maria là “Thân mẫu Con Thiên Chúa”, được đạo lý và phụng tự Kitô giáo diễn đạt với tước hiệu là “Thân mẫu Thiên Chúa”.
Đây là một tước hiệu phi thường, bày tỏ sự hạ mình của Con một Thiên Chúa trong cuộc Nhập thể của Người, và gắn liền với sự tự hạ là đặc ân cao quý trao tặng cho một thụ tạo được gọi sinh ra Ngôi Lời về xác thịt.
Là Mẹ của Chúa Con, Đức Maria là “ái nữ của Chúa Cha” một cách độc nhất vô nhị. Mối tình mẹ của Người có thể so sánh phần nào với tình Cha của Thiên Chúa.
Ngoài ra, tuy dù mỗi Kitô hữu là “Đền thờ Chúa Thánh Thần” theo như lời tông đồ Phaolô đã nói (1Cr 6, 19) , nhưng lời khẳng định đó mang một ý nghĩa khác thường nơi Đức Maria: thực vậy, ở nơi Người mối tương quan với Chúa Thánh Thần đã được tô điểm với chiều kích hôn ước. Tôi đã nhắc lại điểm này trong thông điệp Thân mẫu Đấng Cứu thế: “Chúa Thánh Thần đã ngự xuống ở trên Người, và Người đã trở thành hiền thê trung tín vào lúc truyền tin, khi đón tiếp Lời của Thiên Chúa thật” (số26)[8].
5.- Mối tương quan đặc biệt của Đức Maria với Chúa Ba Ngôi đã mang lại cho Người một tước phẩm vượt xa trên mối tương quan của các thụ tạo khác. Công đồng đã nói tới điều đó một cách minh thị như sau: do “hồng ân siêu việt” Đức Maria đã vượt xa hết mọi loài thụ tạo” (HT 53). Tuy vậy, phẩm tước cao vời đã không ngăn cản Đức Maria trở thành liên đới với từng người chúng ta, thực vậy, Hiến chế Ánh sáng muôn dân nói tiếp như sau: “Người đã liên kết, trong dòng dõi Ađam, với tất cả những người cần được ơn cứu rỗi” và Người “đã được cứu chuộc một cách tuyệt vời nhờ vào công trạng của Con mình”.
Chúng ta thấy rõ ý nghĩa chính xác của những đặc ân ban cho Đức Maria và của những mối tương quan đặc biệt với Chúa Ba Ngôi: những đặc ân đó nhằm biến Người trở nên xứng đáng cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại. Vì thế sự cao cả vô biên của Thân mẫu Chúa là một hồng ân của tình thương mà Chúa dành cho tất cả mọi người. Khi tuyên xưng Người là “kẻ có phúc” (Lc 1,48}, mọi thế hệ tuyên dương những “kỳ công” (Lc 1, 49) mà Đấng Toàn năng đã thực hiện nơi Người nhằm tới toàn thể nhân loại khi Chúa “nhớ lại lòng khoan dung” (Lc 1,54).
________________________________________
[1] Một số nghị phụ đã yêu cầu công đồng định tín đạo lý Đức Mẹ “Đồng công cứu chuộc” và “Trung gian các ơn”.
[2] Xc. bài 64-65 dưới đây.
[3] Xc. bài 63 dưới đây.
[4] Bố cục chương 8 của Hiến chế Ánh sáng muôn dân, gồm 3 phần. I. Nhập đề (số 52-54). II Chức vụ Đức Maria trong kế hoạch cứu độ (số 55-59). III. Đức Maria với Hội thánh (số 60-68).
[5] Nói cách khác, những bài huấn giáo không giống như các lớp thần học! Đức Thánh Cha không muốn đi sâu vào chi tiết các vấn đề còn tranh luận. Dù vậy, cũng có thể ghi nhận rằng trong loạt bài huấn giáo này, Đức Gioan Phaolô II không chỉ dừng lại ở các tín điều liên quan đến Đức Maria (các bài 23; 26; 37; 54), hoặc những gì đã được Huấn quyền nhìn nhận (chẳng hạn tước hiệu Mẹ của Hội thánh, bài 63), nhưng ngài cũng trình bày quan điểm đối với một vài vấn đề thần học, chẳng hạn: Đức Maria không hề phạm tội, dù chỉ là tội nhẹ (bài 24); Đức Maria đã trải qua cái chết trước khi được sống lại (bài 53); Người là “môi giới” theo nghĩa là hợp tác với Đức Kitô trong tư cách làm mẹ (bài 65; xc bài 48). Không thể áp dụng cho thánh Giuse đặc ân vô nhiễm nguyên tội (bài 23).
[6] Khuynh hướng “phóng đại” (maximalismus) muốn gán cho Đức Maria tất cả mọi ưu phẩm như Chúa Kitô (thí dụ: trung gian của hết mọi ơn lành), hay tất cả mọi đặc sủng của Hội thánh (thí dụ: tông đồ, tử đạo, truyền giáo).
[7] Khuynh hướng “giảm thiểu” (minimalismus) muốn cho Đức Maria cũng chia sẻ những khiếm khuyết giống như bao nhiêu thụ tạo khác, thí dụ những nghi nan do dự đứng trước mầu nhiệm đức tin, đời sống vợ chồng thường tình, vv.
[8] Mối liên hệ của Đức Maria với Chúa Thánh Thần được bàn rộng ở Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 721-726.
BÀI 12-15
BÀI 12 : ĐỨC MARIA TRONG “PHÚC ÂM TIÊN KHỞI
Việc trình bày đạo lý về Đức Maria cần phải dựa trên mặc khải, được biểu lộ qua Thánh kinh và Thánh truyền. Khởi đầu việc khảo sát các bản văn Kinh thánh nói về Đức Maria từ Cựu ước, bài hôm nay bàn về đoạn Sáng thế (3,15) được đặt tên là “Phúc âm tiên khởi”. Đức Thánh Cha sẽ còn trở lại đoạn văn này trong bài 21, khi bàn về tín điều “Vô nhiễm nguyên tội”.
1.- “Các sách của Cựu ước đã mô tả lịch sử cứu độ, trong đó việc xuất hiện của Đức Kitô vào thế giới đã được chuẩn bị một cách tiệm tiến. Những tài liệu nguyên khởi này, khi được đọc trong Hội thánh và được hiểu dưới ánh sáng của mặc khải trọn vẹn, đã từ từ cho thấy khuôn mặt của một người nữ: Thân mẫu Đấng Cứu thế” (HT 55).
Qua những lời trên đây, Công đồng Vaticano II nhắc cho chúng ta nhớ rằng khuôn mặt của Đức Maria đã được phác họa ngay từ buổi khởi nguyên của lịch sử cứu độ. Khuôn mặt ấy đã thoáng hiện ngay từ những bản văn của Cựu ước, nhưng chỉ được hiểu rõ tường tận khi được “đọc trong Hội thánh” và được giải thích dưới ánh sáng của Tân ước.
Thực vậy, Chúa Thánh Thần khi linh ứng cho các tác giả khác nhau của Thánh Kinh, đã định hướng mặc khải Cựu ước về Đức Kitô, Đấng sẽ đến thế gian từ cung lòng của Trinh nữ Maria.
2.- Trong số những lời Kinh thánh tiên báo Thân mẫu Đấng Cứu thế, trước hết Công đồng đã trưng dẫn những lời mà Thiên Chúa mặc khải chương trình cứu độ sau khi ông Ađam và bà Evà sa ngã. Thiên Chúa nói với con rắn, tiêu biểu của thần dữ, như sau: “Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người nữ, giữa dòng dõi của mi và dòng dõi của người nữ; người này sẽ đạp dập đầu mi và mi sẽ rình để cắn gót chân của người”(St 3, 15).
Những lời vừa nói, được truyền thống Kitô giáo từ thế kỷ thứ XIV đặt tên là “Phúc âm tiên khởi” (Protoevangelium), đã hé mở cho chúng ta thấy ý định cứu độ của Thiên Chúa ngay từ buổi khai nguyên của nhân loại. Thực vậy, đứng trước tội lỗi, theo như trình thuật của tác giả sách thánh, thì phản ứng đầu tiên của Thiên Chúa không phải là trừng phạt những tội nhân, nhưng là mở ra cho họ một nhãn giới cứu độ và kêu gọi họ tham gia trực tiếp vào công trình cứu chuộc. Như vậy Chúa đã tỏ ra lòng quảng đại bao la ngay cả đối những kẻ xúc phạm đến Người.
Ngoài ra, những lời của Phúc âm tiên khởi còn cho thấy sứ mạng đặc biệt của người phụ nữ, dù đã đi trước người nam trong việc chiều theo sự cám dỗ của con rắn, nhưng theo chương trình của Thiên Chúa, lại trở thành người đồng minh thứ nhất của Chúa. Trước đây bà Evà đã trở thành đồng minh của con rắn lôi kéo con người vào vòng tội lỗi. Thiên Chúa lật ngược lại tình hình, loan báo rằng Người sẽ biến người đàn bà trở thành thù địch của con rắn.
3.- Các nhà chú giải Kinh thánh đều đồng ý rằng bản văn của sách Sáng thế, dựa theo nguyên bản Hipri, đã gán tác động kháng cự con rắn không phải là trực tiếp cho người nữ, nhưng là cho dòng dõi của bà. Tuy vậy bản văn cũng nêu bật vai trò của người nữ trong việc chiến đấu chống lại kẻ cám dỗ: thực vậy, kẻ chiến thắng con rắn sẽ là hậu duệ của bà.
Người nữ đó là ai? Bản văn Kinh thánh không cho biết danh tánh của người đó, nhưng hé mở cho thấy một phụ nữ mới, đã được Chúa định để sửa chữa sự sa ngã của bà Evà: thực vậy bà ấy đã được gọi để chấn hưng chức vụ và phẩm giá của phụ nữ và góp phần vào việc thay đổi vận mạng nhân loại, bằng việc hợp tác vào cuộc chiến thắng của Thiên Chúa đối với thần dữ qua sứ mạng làm mẹ.
4.- Dưới ánh sáng của Tân ước và của truyền thống Hội thánh, chúng ta biết rằng người “nữ mới”[1] được Phúc âm tiên khởi loan báo là chính Đức Maria, và chúng ta nhìn nhận ở nơi “dòng dõi” của bà (St 3,15), người con, Đức Giêsu, kẻ chiến thắng quyền năng của Satan nhờ mầu nhiệm Vượt qua.
Đồng thời, chúng ta nhận thấy rằng mối thù địch mà Chúa đã đặt giữa con rắn và người nữ, đã được thể hiện nơi Đức Maria bằng hai cách. Là đồng minh của Thiên Chúa và thù địch của ma quỷ, Đức Maria đã được thoát khỏi vòng thống trị của Satan nhờ việc thụ thai vô nhiễm, khi mà Người được nhào nặn trong ân huệ của Thánh Thần và được gìn giữ khỏi mọi tì vết của tội lỗi. Ngoài ra, khi liên kết với công trình cứu chuộc của Con mình, Đức Maria đã được lôi kéo vào vòng chiến đấu chống lại thần dữ.
Như thế, hai tước hiệu Vô nhiễm nguyên tội và Đồng công cứu chuộc, được đức tin Hội thánh gán cho Đức Maria để tuyên dương vẻ đẹp tinh thần và sự thông dự sâu xa vào công trình tuyệt diệu của sự cứu chuộc, đã bày tỏ sự đối kháng không đội trời chung giữa con rắn và bà Evà mới.
5.- Các nhà chú giải sách thánh và các nhà thần học nhận định rằng ánh sáng của bà Evà mới, tức là Đức Maria, từ những trang sách Sáng thế đã được phóng rọi lên toàn thể chương trình Cứu độ, và họ đã nhìn thấy trong bản văn đó mối dây liên kết giữa Đức Maria và Hội thánh. Ở đây chúng ta hân hoan ghi nhận rằng danh từ “người nữ”, được dùng một cách tổng quát trong bản văn của sách Sáng thế, thúc đẩy chúng ta đặc biệt liên kết các phụ nữ với Đức Trinh nữ Nazarét và với nhiệm vụ của Người trong công trình cứu chuộc. Các phụ nữ cũng được Thiên Chúa kêu gọi dấn thân vào cuộc chiến đấu chống lại thần dữ.
Giống như bà Evà, các phụ nữ cũng có thể nhượng bộ trước những sự quyến rũ của Satan; nhưng nhờ sự liên đới với Đức Maria, họ nhận được một sức mạnh cao cấp hơn để chiến đấu với thù địch, và như vậy họ trở thành những đồng minh đầu tiên của Thiên Chúa trên con đường cứu rỗi.
Sự liên minh huyền diệu giữa Thiên Chúa với người nữ đã được biểu lộ qua nhiều hình dạng khác nhau ngay cả vào thời đại của chúng ta: qua việc các phụ nữ chuyên cần cầu nguyện cá nhân vào cử hành phụng tự, qua việc phục vụ cuộc huấn giáo và chứng tá của lòng bác ái, qua vô vàn ơn gọi phụ nữ vào đời thánh hiến, qua việc giáo dục đạo đức trong gia đình...
Tất cả những dấu hiệu này tạo nên sự hiện thực cụ thể của lời tiên báo trong Phúc âm tiên khởi. Thực vậy, bản văn này, khi gợi ý mở rộng tầm áp dụng danh từ “người nữ” đến mức phổ quát, ở trong và ở ngoài biên cương hữu hình của Hội thánh, cho thấy rằng ơn gọi độc nhất của Đức Maria không thể nào tách rời khỏi ơn gọi của toàn thể nhân loại, và cách riêng ơn gọi của mỗi người phụ nữ. Ơn gọi của họ được soi sáng nhờ sứ mạng của Đức Maria, được tuyên dương là người đồng minh đầu tiên của Thiên Chúa trong cuộc chống lại Satan và sự dữ.
BÀI 13 : LỜI TIÊN BÁO VỀ BÀ MẸ ĐẤNG MÊSIA
Tiếp tục khảo sát những đoạn Cựu ước tiên báo về Đức Maria, lần này Đức Thánh Cha tìm hiểu đoạn văn của Isaia 7,1 (được trích dẫn ở Mt 1,23), và Mikha 5,1 (được trích dẫn ở Mt 2,6). Đó là những lời tiên báo về bà mẹ của Đấng Mêsia, và mẹ đồng trinh.
1.- Khi bàn về hình bóng của Đức Maria trong Cựu ước, công đồng Vaticano II nhắc tới bản văn nổi tiếng của Isaia (HT 55), bản văn này đã thu hút sự chú ý đặc biệt của các Kitô hữu tiên khởi: “Này đây, trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một người con được đặt tên là Emmanuel”(Is 7,14).
Trong cảnh Thiên sứ truyền tin mời ông Giuse hãy đón nhận Maria làm bạn của mình, “bởi vì Người được sinh ra là do Thánh thần”, thánh Matthêu đã gán cho bản văn nói trên một ý nghĩa hướng về Đức Kitô và về Đức Maria. Thực vậy, thánh sử chú thích rằng: “tất cả điều này xảy ra hầu ứng nghiệm điều đã được Chúa nói qua miệng ngôn sứ rằng: này đây Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một người con được đặt tên là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1, 22-23).
2.- Trong bản văn tiếng Hipri, lời tiên báo không có nói tới việc sinh hạ trinh khiết của Đấng Emmanuel: danh từ trong tiếng Do thái (almah) chỉ có nghĩa là “một thiếu nữ”, chứ không hẳn là một trinh nữ. Ngoài ra, chúng ta biết rằng truyền thống Dothái không có đề cao lý tưởng trinh khiết trọn đời, cũng không hề trình bày tư tưởng một người mẹ đồng trinh.
Tuy nhiên, trong bản dịch Hy lạp, danh từ Hipri đã được dịch ra là “parthenos”, “trinh nữ”. Sự kiện này bề ngoài xem ra chỉ là một chi tiết của việc chuyển dịch, nhưng cần phải nhìn nhận rằng đây là một sự định hướng nhiệm mầu của Chúa Thánh Thần cho đoạn văn ông Isaia, nhằm chuẩn bị cho chúng ta hiểu sự sinh hạ lạ thường của Đấng Messia. Việc chuyển dịch sang từ ngữ “trinh nữ” có thể được giải thích bằng sự kiện là bản văn của Isaia đã chuẩn bị một cách trang trọng cho việc loan báo việc thụ thai như là một dấu chỉ đặc biệt của Thiên Chúa (Is 7, 10-11), và gợi lên niềm trông đợi một việc thụ thai lạ kỳ. Thế nhưng chuyện một thiếu nữ thụ thai một đứa con sau khi đã giao hợp với chồng mình thì đâu phải là một sự kiện khác thường. Mặt khác, sấm ngôn không hề đả động tí nào tới một người chồng. Sự kiện này đã gợi lên nơi người dịch ra tiếng Hy-lạp sự giải thích theo chiều hướng đã nói.
3.- Trong văn mạch nguyên thủy, sấm ngôn Is 7,14 là lời đáp lại của Thiên Chúa đối với sự thiếu niềm tin của vua Acap. Trước mối đe dọa của quân đội đối phương xâm lăng, vua Acap đi tìm sự cứu thoát cho mình bằng cách đi tìm sự che chở nơi nhà vua Assyria. Khi khuyên nhủ nhà vua hãy đặt tín thác vào một mình Thiên Chúa, khước từ sự can thiệp đáng e ngại của nước Assyria, ngôn sứ Isaia đứng về phía Thiên Chúa để kêu gọi vua hãy tin tưởng vào quyền năng của Người : “Nhà vua hãy xin Chúa một điềm lạ”. Trước sự từ chối của nhà vua, bởi vì ông muốn đi tìm sự cứu thoát bằng các phương tiện thế trần, ngôn sứ đã tuyên bố sấm ngôn nổi tiếng như sau: “ Hỡi nhà Đavít hãy nghe đây! ngươi đã quấy rầy sự kiên nhẫn của loài người chưa đủ hay sao, bây giờ ngươi lại còn muốn quấy rầy sự kiên nhẫn của Chúa ta nữa? Vì thế Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi một dấu chỉ. Này đây người trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một người con được đặt tên là Emmanuel”(Is 7, 13-14).
Việc loan báo dấu chỉ Emmanuel, “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”, hàm ngụ rằng lời hứa Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử sẽ được hiện thực đầy đủ trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập thể.
4.- Khi loan báo sự sinh hạ diệu kỳ của Đấng Emmanuel, việc nhắc tới một người nữ thụ thai và sinh con đã có ý liên kết số phận người mẹ với số phận người con, - một hoàng tử mang sứ mạng thiết lập vương quốc lý tưởng, vương quốc của Đấng Mêsia- và cho thấy kế hoạch của Thiên Chúa muốn làm nổi bật vai trò của người nữ.
Thực vậy, dấu hiệu không chỉ áp dụng cho hài nhi mà thôi, nhưng sự thụ thai kỳ diệu được bày tỏ qua việc sinh hạ, là một biến cố đầy hy vọng làm nổi bật vai trò chính yếu của người mẹ.
Ngoài ra, sấm ngôn của Đấng Emmanuel cần được hiểu qua viễn tượng đã được mở ra bởi lời hứa dành cho nhà Đavit gặp thấy trong quyển II sách Samuel. Ngôn sứ Nathan đã hứa với nhà vua về hồng ân Thiên Chúa dành cho hậu duệ của ông: “Người sẽ xây một nhà cho Danh Ta và Ta sẽ cho ngôi báu nước người tồn tại mãi mãi. Ta sẽ là cha của người và người sẽ là con của Ta”(2Sm 7, 13-14).
Đối với dòng dõi Đavit, Thiên Chúa muốn đảm nhận vai trò của người cha; điều này được thực hiện cách trọn vẹn trong Tân ước với việc Con Thiên Chúa nhập thể trong nhà Đavit (xc. Rm 1, 3).
5.- Ngôn sứ Isaia, trong một đoạn văn nổi tiếng, đã nhấn mạnh tính cách khác thường của việc sinh hạ Đấng Emmanuel. Những lời đó như sau: “Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, một trẻ thơ được ban cho chúng ta. Dấu hiệu của quyền bá chủ được đặt lên vai của Người; tên của Người: Cố vấn diệu kỳ. Thiên Chúa hùng mạnh, Cha vạn đại, Thái tử hòa bình”(9, 5). Qua chuỗi những danh hiệu của hài nhi, ngôn sứ muốn diễn tả những đặc trưng của vương quyền của ông: cao minh, quyền thế, nhân hậu như người cha, công tác trị an.
Đoạn văn này không nói tới bà mẹ, nhưng việc tuyên dương người con mang lại cho nhân dân tất cả những gì mà họ trông mong ở triều đại của Đấng Mêsia, cũng được tràn sang bà mẹ đã cưu mang và sinh hạ Đấng Mêsia.
6.- Một sấm ngôn thời danh của ngôn sứ Mikêa cũng nói tới việc sinh hạ Đấng Emmanuel. Ngôn sứ nói như sau: “Còn ngươi, hỡi Betlem Ephrata, ngươi quá nhỏ nên không đáng được kể vào số thủ phủ Giuđa; nhưng từ ngươi sẽ nảy ra Vị Thống lĩnh Israel; nguồn gốc của Người đã bắt đầu từ thuở xa xưa. Vì thế Thiên Chúa sẽ đặt quyền năng của người khác nơi ngươi cho đến khi Kẻ sinh sẽ sinh”(5, 1-2). Những lời này ta thấy vang lên sự trông mong một cuộc sinh hạ tràn đầy hy vọng của thời Mêsia, trong đó một lần nữa ta thấy nổi bật vai trò của bà mẹ, được nhắc tới qua biến cố trọng đại mang lại vui mừng và cứu thoát.
7.- Chức làm mẹ đồng trinh của Đức Maria đã được chuẩn bị một cách phổ quát hơn nữa qua hồng ân mà Chúa ban cho những người khiêm tốn khó nghèo (xc. HT 55).
Những người này chỉ biết đặt tin tưởng nơi Thiên Chúa, và qua thái độ của ho, họ đã nêu bật trước ý nghĩa sâu xa của sự trinh khiết của Đức Maria. Người đã khước từ sự phú quý của chức làm mẹ theo lối thường tình, và chờ mong sự phong nhiêu từ nơi Thiên Chúa.
Do đó, Cựu ước không chứa đựng một lời loan báo rõ rệt về một người mẹ đồng trinh như sẽ được mặc khải trong Tân ước. Tuy vậy, sấm ngôn của Isaia(7,14) đã chuẩn bị cho sự mặc khải mầu nhiệm này và đã được xác định qua bản dịch Hylạp ở Cựu Ước. Khi trích dẫn lời sấm ngôn theo bản dịch Hylạp, Phúc âm của Matthêu đã công bố sự hoàn tất trọn vẹn của nó qua việc thụ thai Đức Giêsu trong cung lòng trinh khiết của Đức Maria.
BÀI 14 : THIÊN CHỨC LÀM MẸ LÀ DO ƠN CHÚA
Bên cạnh những đoạn văn Cựu ước đã được Tân ước áp dụng cho Đức Maria, Đức Thánh Cha suy nghĩ đến những trường hợp Thiên Chúa can thiệp vào việc cho những bà mẹ son sẻ được có con, đặc biệt là vào những giai đoạn quan trọng trong lịch sử dân tộc Israel ( ông Isaac, ông Giuse, ông Samson, ông Samuel). Những trường hợp này chuẩn bị sự can thiệp của Thiên Chúa cho Trinh nữ Maria làm mẹ Đấng Cứu thế.
1.- Thiên chức làm mẹ là một hồng ân của Thiên Chúa.
“Tôi đã được Chúa ban cho một con người”(St 4,1), đó là lời bà Evà thốt lên sau khi đã thụ thai Cain người con đầu lòng. Qua những lời này, sách Sáng thế trình bày cho thấy thiên chức làm mẹ tiên khởi trong lịch sử nhân loại như là một hồng ân và là một niền vui bắt nguồn từ lòng lân tuất của Đấng Tạo hóa.
2.- Vào lúc khởi nguyên của Dân được tuyển chọn, Sách thánh cũng mô tả cách tương tự như vậy về sự sinh hạ ông Isaac.
Ông Abraham không có con cái và đã cao niên. Thiên Chúa hứa cho ông một dòng tộc đông đúc như sao trên trời (xc. St 15, 5). Lời hứa đó đã được vị tổ phụ đón nhận trong đức tin, mở cho con người thấy chương trình Thiên Chúa: “ông đã tin vào Thiên Chúa, và ông đã được coi là người công chính” (xc. St 15, 6).
Lời hứa trên đây được xác nhận bằng những lời Chúa phán nhân dịp ký kết giao ước với ông Abraham: “Này đây: giao ước của Ta sẽ ở với ngươi và ngươi sẽ trở thành cha của một đoàn dân đông đúc”(St 17,4).
Những biến cố phi thường và nhiệm mầu đã nêu bật rằng thiên chức làm mẹ của bà Sara là kết qủa của lòng lân tuất của Thiên Chúa, Đấng đã ban sự sống vượt quá tầm tính toán của con người: “Ta sẽ chúc phúc cho bà và Ta sẽ ban cho ngươi một người con do bà; Ta sẽ chúc phúc cho nó và nó sẽ trở thành những dân tộc; vua chúa các dân nước sẽ sinh ra bởi bà”(St 17, 15-16).
Thiên chức làm mẹ được trình bày như là một hồng ân của Thiên Chúa: tổ phụ Abraham và bà vợ sẽ nhận một tên mới nhằm nói lên sự thay đổi lạ thường mà Thiên Chúa tác động trong cuộc đời của họ.
3.- Việc ba nhân vật huyền bí, mà các Giáo phụ coi như là tiên báo Chúa Ba Ngôi đã loan báo cách cụ thể hơn cho ông Abraham sự hoàn tất lời hứa: “Chúa hiện tới ông Abraham tại Mambrê, khi ông ta ngồi ở cửa lều vào giờ nóng nhất trong ngày. Ông ta ngước mắt nhìn và ông thấy ba người đứng trước mặt ông” (St 18, 1-2).
Ông Abraham liền hỏi: “Một người đã trăm tuổi còn có thể sinh con được không? Bà Sara 90 tuổi còn có thể sinh con được không?” (St 17, 17; 18, 11-13). Vị thượng khách trả lời: “Có điều gì mà Thiên Chúa không thể làm được? Vào thời đã định Ta sẽ trở lại với ngươi và bà Sara sẽ có con” (St 18,14; xc. Lc 1,37).
Trình thuật này cho thấy hiệu quả việc Thiên Chúa đến thăm viếng là ban cho một đôi vợ chồng son sẻ trở thành phong nhiêu. Tin vào lời hứa, ông Abraham trở thành người cha bất chấp mọi hy vọng, và “người cha trong đức tin” bởi vì do đức tin của ông “truyền thụ” đức tin của dân tuyển chọn.
4.- Kinh thánh còn thuật lại nhiều trình thuật về những người phụ nữ đã được cứu thoát khỏi cảnh son sẻ và được Chúa ban cho niềm vui làm mẹ. Đó là những hoàn cảnh bứt rứt mà sự can thiệp của Chúa biến đổi thành những dịp hân hoan khi Người chấp nhận lời cầu nguyện thống thiết của những kẻ đã hết hy vọng nếu xét theo sự tính toán loài người. Chẳng hạn như bà Rakhel, “thấy rằng mình không thể nào sinh con cho ông Giacóp được, bà trở thành ghen tương với bà chị Lia và nói với ông Giacóp rằng: hãy cho tôi con cái, nếu không thì tôi chết mất! Ông Giacóp tức giận và nói: phải chăng ta có quyền như Chúa, Đấng đã khước từ hoa trái của lòng bà hay sao?” (St 30, 1-2).
Tuy nhiên liền đó bản văn Kinh thánh thêm rằng “Thiên Chúa nhớ lại bà Rakhel; Thiên Chúa nhận lời bà và ban cho bà có con. Bà đã thụ thai và sinh ra một người con” (St 30, 22-23). Người con đó, ông Giuse, đã thi hành một chức vụ rất quan trọng đối với Dân Israel vào lúc di cư sang nước Ai cập.
Trong trình thuật vừa rồi cũng như trong trình thuật khác, khi nêu bật điều kiện son sẻ của người phụ nữ, Kinh thánh muốn nêu bật sự can thiệp kỳ diêu của Thiên Chúa trong những hoàn cảnh đặc biệt, nhưng đồng thời cũng cho thấy chiều kích ơn huệ trong hết mọi trường hợp làm mẹ.
5.- Điều tương tự cũng xảy ra trong trình thuật về việc sinh ông Samson. Bà vợ của ông Manoac chưa bao giờ có thể sinh con, thì đã nhận được lời loan báo của thiên sứ như thế này: “Kìa, bà son sẻ và không con, nhưng bà sẽ thụ thai và sinh một người con” (Tl 13, 3). Việc thụ thai bất ngờ và lạ lùng đã loan báo những kỳ công mà Chúa sẽ thực hiện qua ông Samson.
Trong trường hợp bà Anna mẹ của ông Samuel, vai trò đặc biệt của sự cầu nguyện đã được nhấn mạnh. Bà Anna sống trong sự tủi nhục vì son sẻ, nhưng bà luôn luôn đặt niềm tin vào Thiên Chúa; bà liên lỉ cầu khẩn xin Chúa giúp bà vượt qua cơn thử thách. Một ngày kia, khi lên Đền thờ bà đã khấn hứa: “Lạy Chúa các cơ binh, nếu Chúa không quên người nữ tì này và nếu Chúa ban cho nữ tì một người con trai, thì con sẽ dâng cho Chúa hết mọi ngày đời nó” (1Sm 1,11).
Lời cầu của bà đã được chấp nhận: “Thiên Chúa nhớ tới bà và bà thụ thai sinh một người con trai đặt tên là Samuel”(1Sm 1, 19-20).
Thực hiện lời khấn, bà Anna đã dâng con cho Thiên Chúa: “vì đứa con này mà con đã khẩn cầu và Thiên Chúa đã ban cho con hồng ân mà con xin. Vì thế con cũng xin dâng lại cho Chúa: nó sẽ được nhượng lại cho Chúa trong hết mọi ngày đời nó” (1Sm 1, 27-28). Bé Samuel được Chúa ban cho bà Anna và rồi bà Anna đã dâng lại cho Chúa, và người thiếu niên đó đã trở thành mối dây liên kết khắng khít giữa bà Anna với Thiên Chúa .
Do đó, việc sinh hạ bé Samuel trở thành kinh nghiệm của niềm hân hoan và cơ hội để tạ ơn. Sách 1 Samuel còn thuật lại một thánh thi, được gọi là “Magnificat” của bà Anna, và xem ra đã đi trước kinh Magnificat của Đức Maria : “tâm hồn tôi hớn hở trong Thiên Chúa, nhờ ơn Chúa mà trán tôi ngẩng lên ” (1Sm 2, 1).
Hồng ân làm mẹ được Thiên Chúa ban cho bà Anna, do lời cầu nguyện liên lỉ của bà, đã gợi lên nơi bà một lòng quảng đại mới. Việc dâng hiến Samuel chính là sự đền đáp biết ơn của một người mẹ, khi thấy rằng người con của mình là hoa trái của lòng Chúa lân tuất của Chúa; bà đã đáp lại hồng ân bằng cách ký thác người con thân yêu của mình cho Chúa.
6.- Khi thuật lại những cảnh làm mẹ khác thường được nhắc trên đây, chúng ta thấy rằng Kinh thánh đã trao cho các bà mẹ một chỗ đứng quan trọng nơi sứ mạng của con mình. Trong trường hợp Samuel, bà Anna đã giữ một vai trò quyết định khi dâng hiến con mình cho Chúa. Một sứ mạng cũng quan trọng như vậy đã được thực hiên do một bà mẹ khác, bà Rêbecca, khi đi tìm kẻ kế nghiệp cho ông Giacóp (St 27). Trong sự can thiệp của bà mẹ chúng ta thấy dấu hiệu của một việc Chúa tuyển chọn làm dụng cụ cho chương trình của Người.
Chính Chúa đã chọn đứa em, ông Giacóp, như là người chuyển ban lời chúc phúc và gia tài của người cha, và như thế ông được chọn làm người chăn dắt và hướng dẫn dân mình. Chính Thiên Chúa là Đấng khoan dung và thượng trí đã ấn định và điều khiển vận mạng của từng người (Kn 10, 10-12).
Sứ điệp Kinh thánh về chức làm mẹ cho chúng ta thấy rất nhiều khía cạnh quan trọng vẫn còn giá trị cho đến ngày hôm nay: thực vậy, nó làm nêu bật tính cách ân huệ, được bày tỏ cách riêng trong trường hợp những bà son sẻ; giao ước đặc biệt giữa Thiên Chúa với người phụ nữ và mối dây liên kết giữa số phận của người mẹ và số phận của người con.
Đồng thời sự can thiệp của Thiên Chúa, vào những giai đoạn quan trọng của lịch sử Dân Người, đã ban cho những bà mẹ son sẻ được có con, đã chuẩn bị đức tin cho sự can thiệp của Thiên Chúa vào thời kỳ viên mãn, để làm cho một Trinh nữ mang thai để thực hiện việc Con Chúa nhập thể.
BÀI 15 : NHỮNG PHỤ NỮ THAM GIA VÀO VIỆC CỨU THOÁT DÂN TỘC
Trong lịch sử dân Do thái, Thiên Chúa đã gợi lên nhiều phụ nữ để giải thoát dân tộc khỏi cơn nguy biến: bà Đêbôra, bà Giuđitha, bà Ester. Thiên Chúa đã thực hiện những kỳ công qua những con người yếu ớt. Ngoài ra, không nên bỏ qua vai trò chuyển cầu của họ. Những đặc trưng này sẽ nổi bật nơi Đức Maria.
1.- Cựu ước đã khiến chúng ta khâm phục một người phụ nữ phi thường, những người dưới sự thôi thúc của Thần khí Chúa, đã tham gia vào những cuộc chiến đấu và chiến thắng của Dân Israel hoặc là đã góp phần vào cuộc cứu thoát dân tộc. Sự hiện diện của các bà vào các biến cố của dân tộc không phải chỉ ở bên lề hoặc thụ động: các bà xuất hiện như là những nhân vật chủ chốt của lịch sử cứu độ. Sau đây là một vài thí dụ điển hình.
Sau cuộc vượt qua biển Đỏ, sách thánh đã nhắc tới sáng kiến của một phụ nữ được linh ứng để ca ngợi biến cố trọng đại này: “bà ngôn sứ Maria , em ông Aharon, đã cầm lấy trống: nhiều phụ nữ theo bà cũng cầm trống họp thành nên ca đoàn nhảy múa. Bà Maria cùng với họ ca lên điệp khúc: Hãy ca ngợi Chúa vì Người đã chiến thắng lạ lùng: Người đã đẩy xuống vực sâu chiến binh với kỵ mã” (Xh 15, 20-21).
Việc nhắc tới sáng kiến của phụ nữ trong một khung cảnh cử hành lễ hội đã làm nêu bật không những là sự đóng góp của phụ nữ mà còn nói tới thái độ đặc biệt của họ trong việc ca ngợi tạ ơn Chúa.
2.- Vào thời các Thủ lãnh, bà ngôn sứ Đêbôra còn thi hành một công cuộc quan trọng hơn. Sau khi đã ra lệnh cho vị chỉ huy đạo quân hãy chiêu mộ các người nam và xuất trận, bà đã xác quyết sự thành công của quân đội Israel, khi báo trước rằng một phụ nữ khác tên là Giael sẽ giết tướng giặc.
Ngoài ra, để ca mừng cuộc chiến thắng vĩ đại, bà Đêbôra xướng lên một bài thánh thi tuyên dương hành vi của bà Giael : “Bà đáng chúc tụng giữa hàng phụ nữ, … bà được chúc tụng giữa các phụ nữ trong lều trại!” (Tl.5,24). Lời khen ấy vang vọng lên trong Tân ước qua những lời bà Isave đã ngỏ với Đức Maria : “Em đáng chúc tụng hơn mọi phụ nữ” (Lc 1,42).
Vai trò quan trọng của các người phụ nữ trong việc giải phóng dân tộc, đã được gợi lên qua những khuôn mặt của bà Đêbôra và bà Giael, lại được trưng bày một lần nữa trong tiểu sử của một bà ngôn sứ khác tên là Culda, sống vào thời vua Giosia.
Được tư tế Chelkia thỉnh vấn, bà Culda đã tuyên sấm loan báo một thời kỳ ân xá cho nhà vua đang lo sợ cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Như vậy bà Culda đã trở thành sứ giả của tình thương xót và hòa bình (xc. 2V 22, 14-20).
3.- Các sách bà Giuđitha và bà Esther, với mục đích tuyên dương cách lý tưởng sự đóng góp của phụ nữ vào lịch sử của dân ưu tuyển, đã trình bày hai khuôn mẫu của phụ nữ đã mang lại chiến thắng và cứu thoát cho Dân Israel. Sách Giuđitha kể lại một quân đội hùng cường do vua Nabucôđônôso gửi đến chiếm đóng nước Israel. Đạo quân địch, dưới sự hướng dẫn của tướng Holophernê, chuẩn bị xâm chiếm thành Bêtulia vào lúc nhân dân đang bị hoảng hốt, vì họ cho rằng mọi sự kháng cự đều vô ích, và họ yêu cầu các nhà lãnh đạo hãy đầu hàng.
Trong khi những vị bô lão của thành phố, khi thấy không còn sự trợ lực nào nữa, đang chuẩn bị trao nộp thành Bêtulia cho địch quân, thì bà Giuđitha đã khiển trách sự thiếu đức tin, và bà tuyên xưng sự tín thác vào ơn cứu thoát mà Chúa sẽ ban.
Bà Giuđitha, - biểu tượng của lòng trung thành với Chúa, của lời cầu nguyện khiêm tốn và của ý chí muốn giữ khiết tịnh -, sau khi đã khẩn cầu Thiên Chúa, bà đã đi tới dinh tướng địch Holopherne, tính khí kiêu căng, thờ tà thần và sống phóng đãng.
Khi ở riêng một mình với ông, bà Giuđitha đã khẩn cầu với Thiên Chúa trước khi hạ ông ta rằng: “Lạy Chúa dân Israel, xin ban cho con sức mạnh trong giây phút này” (Gđt 13,7). Thế rồi bà đã dùng chính gươm của ông Holopherne mà chặt đầu ông ta.
Ở đây cũng như trong trường hợp của ông Đavit khi đối diện với Goliat, Thiên Chúa đã dùng sự yếu đuối để chiến thắng vũ lực. Tuy nhiên, trong trường hợp này, người mang lại chiến thắng là một phụ nữ: bà Giuđitha, không bị lung lạc do sự hèn nhát và thiếu tin tưởng của các thủ lãnh nhân dân, bà đã dám tiến tới và giết Holopherne, và đã đáng được Thượng tế và các bô lão Giêrusalem cảm tạ và ngợi khen. Hướng về người phụ nữ đã chiến thắng địch quân, họ đã thốt lên: “Bà là vinh quang của Giêrusalem, bà là danh dự của Israel, bà là huy hoàng xán lạn của Dân tộc. Bà đã tự tay làm được những việc này, bà đã thực hiện được những việc vĩ đại cho dân tộc Israel, Thiên Chúa đã vui lòng với những chuyện đó. Bà đáng được Chúa toàn năng chúc lành” (Gđt 15, 9-10).
4.- Vào một hoàn cảnh khác khá bi đát đối với dân tộc Israel chúng ta thấy xuất hiện bà Ester. Trong nước Ba-tư, ông Aman một tể tướng của nhà vua đã quyết định tru diệt dân Do thái. Để tránh khỏi cơn hoạn nạn, ông Marđôkêô, một người Do thái sống tại thành Susa, đã chạy tới người cháu Ester, đang sống trong cung điện nhà vua nơi mà bà đã được phong hoàng hậu. Bà dám đi ngược lại luật pháp, đã đến trình diện với nhà vua tuy dù không được triệu đến, liều mình lãnh án tử hình, để yêu cầu nhà vua thu hồi lệnh tru diệt.
Ông Aman đã bị xử tử, ông Marđôkêô đã được chức vụ, và người Do-thái được giải thoát khỏi sự đe dọa và đã thắng được đối thủ của mình.
Hai bà Giuđitha và Ester đã dám liều mạng sống để mang lại sự cứu thoát cho dân tộc mình. Tuy nhiên, hai lần can thiệp có những điều khác nhau: bà Ester không giết đối thủ của mình, nhưng bà đóng vai trò một người trung gian để cầu bàu cho những người đang bị đe dọa phải bị tru diệt.
5.- Vai trò chuyển cầu cũng xuất hiện nơi chân dung của một phụ nữ khác tên là Abigain, vợ của ông Napan được nói tới trong sách Samuel. Ở đây cũng vậy, nhờ sự can thiệp của bà mà diễn ra một cuộc cứu thoát.
Bà ta đã đi gặp vua Đavit khi ông đã quyết tâm tiêu hủy gia đình ông Napan. Bà ta đã xin tha tội phạm của chồng mình và như vậy bà đã cứu thoát gia đình bà khỏi cảnh tan nát (1Sm 25).
Như chúng ta nhận thấy, truyền thống Cựu ước, đặc biệt là những tác phẩm viết vào thời gần kề Đức Kitô, đã nhiều lần nêu cao hành động của người phụ nữ mang lại ơn giải thoát cho Israel. Như vậy Chúa Thánh Thần, qua những sự tích của các phụ nữ Cựu ước, đã dần dần họa ra nét rõ rệt những đặc trưng của sứ mạng Đức Maria trong công cuộc cứu thoát toàn thể nhân loại[2].
________________________________________
[1] Xc. dưới đây: bà “Evà mới” (bài 33); và “thiếu nữ Sion mới” (bài 18).
[2] Xem thêm GLCG số 64; 489
BÀI 16-20
BÀI 16: ĐỨC HẠNH CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ
Cựu ước không chỉ ca ngợi những phụ nữ đã góp phần vào cuộc giải phóng dân tộc, nhưng còn tuyên dương những phụ nữ đức hạnh: những đức tính của đàn bà trong gia đình, và nhất là lòng trung tín với luật Chúa. Những trang này chuẩn bị cho Đức Maria, phụ nữ toàn thiện trong Tân ước.
1.- Cựu ước và truyền thống Do thái chứa đầy những lời tuyên dương đức hạnh của người phụ nữ, được biểu lộ cách riêng qua thái độ tín thác vào Thiên Chúa, qua lời cầu nguyện để xin ơn làm mẹ, qua việc khẩn nài xin Chúa cứu thoát Israel khỏi những cuộc tấn công của quân thù. Đôi khi, như trong trường hợp của bà Giuđitha, những đức tính này đã được toàn thể cộng đoàn tuyên dương, trở thành đối tượng thán phục cho hết mọi người.
Cạnh những mẫu gương sáng ngời của các anh thư cũng không thiếu những chứng tá tiêu cực của một vài phụ nữ, tựa như bà Đalila người đã quyến rũ ông Samson vào chỗ diệt vong (Tl 16, 4-21), những bà ngoại kiều đã lôi cuốn lão vương Salômon xa tránh Thiên Chúa và thờ lạy tà thần (xc. 1V 11,1-8). Bà Gezabel đã tàn sát tất cả các ngôn sứ của Chúa (xc. 1V 18, 13), và đã giết ông Nabot để chiếm vườn nho cho vua Acab (1V 21), bà vợ của ông Giop đã mắng nhiếc ông ta trong cơn hoạn nạn, xúi giục ông nổi loạn (G 2,9).
Trong những trường hợp này, thái độ của người đàn bà làm ta nhớ tới bà Evà. Tuy vậy, viễn cảnh ở trong Kinh Thánh vẫn là chiều hướng được gợi lên nơi Phúc âm tiên khởi, nhìn người đàn bà như là đồng minh của Thiên Chúa.
2.- Thực vậy, nếu các người phụ nữ ngoại kiều bị tố cáo là đã làm vua Salomon xa lạ chính đạo của Chúa, thì Sách bà Ruth cho thấy khuôn mặt cao quý của một phụ nữ ngoại kiều: bà Ruth người Moap là gương mẫu của lòng hiếu thảo đối với cha mẹ và của sự khiêm tốn thành thực và quảng đại. Bà đã chia sẻ đời sống và đức tin của dân Israel, bà đã trở thành bà cố nội của vua Đavit và bà tổ của Đấng Mêsia. Khi xen tên của bà vào sổ gia phả của Chúa Giêsu, ông Matthêu (1,5) đã đặt bà làm dấu chỉ của ơn cứu rỗi phổ quát và loan báo tình thương của Thiên Chúa mở rộng đến hết mọi người.
Trong hàng tổ tiên của Đức Giêsu, ông Matthêu cũng nhắc tới bà Thama, bà Racap và vợ của ông Uria, ba người phụ nữ tội lỗi tuy không phải là hạng trắc nết; họ đã được kể vào bậc tổ tiên của Đấng Mêsia để tuyên dương rằng lòng lân tuất của Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi. Nhờ ân sủng, Thiên Chúa đã cho phép những cuộc kết hôn ngang trái của họ cũng góp phần vào kế hoạch cứu rỗi, và như vậy chuẩn bị cho tương lai.
Một mẫu gương tận tụy khiêm nhường, khác với bà Ruth, là trường hợp của con gái ông Giepte. Chị đã chấp nhận trả giá cuộc chiến thắng của cha mình bằng cái chết bản thân (Tl 11,34-40). Khi than tiếc số phận hẩm hiu của mình, chị ta đã không phản loạn nhưng tự nguyện chết để thực hiện một lời khấn hứa dại dột của thân phụ, trong bối cảnh của những tục lệ sơ khai (xc. Gr 7,31; Mik 6,6-8).
3.- Văn chương khôn ngoan, tuy thường vạch ra các khuyết điểm của phụ nữ, nhưng cũng nhận ra nơi họ một kho tàng giấu ẩn :”Ai tìm được một người vợ là tìm được một kho tàng, tìm được một ân huệ của Chúa”(xc. Cn 18,22). Như thế tác giả sách Châm ngôn đã bày tỏ sự trân trọng đối với phụ nữ, coi như một bảo vật Chúa ban.
Vào cuối sách, tác giả phác họa chân dung một phụ nữ lý tưởng. Đây không phải là một hình bóng xa vời, nhưng là một đề nghị cụ thể, phát xuất từ kinh nghiệm của những phụ nữ đáng giá: “Ai kiếm được một phụ nữ hoàn hảo? Giá trị của họ quý giá gấp ngàn lần trân châu ngọc bảo”(Cn 31,10).
Văn chương khôn ngoan cho thấy sự trung thành của phụ nữ đối với giao ước Chúa như là tuyệt đỉnh mọi khả năng của họ và ngọn nguồn gây niềm cảm phục. Thực vậy dù đôi khi họ có thể gây thất vọng, nhưng phụ nữ sẽ vượt lên hết mọi kỳ vọng khi con tim của họ trung thành với Chúa: “nhan sắc giả dối, nhưng người phụ nữ nào kính sợ Thiên Chúa thì đáng được ca ngợi “ (Cn 31,30).
4.- Trong bối cảnh đó, Sách Macabê, trong truyện một người mẹ với bảy đứa con chịu tử đạo nhân cuộc bách hại của vua Antiôcô, đã trưng bày cho chúng ta một gương mẫu của tâm hồn cao thượng trong cơn thử thách.
Sau khi đã tả lại cái chết của bảy anh em, tác giả bình chú: “Bà mẹ thật là đáng ca ngợi và đáng được ghi nhớ muôn đời, bởi vì khi thấy bảy đứa con của mình chết trong một ngày, bà đã chịu đựng một cách bình thản nhờ niềm hy vọng đặt nơi Thiên Chúa. Bà đã khuyên nhủ từng đứa con một bằng tiếng mẹ đẻ, chất chứa những tâm tình cao thượng, và bà đã dung hòa vẻ dịu dàng của nữ tính với lòng can trường của nam nhân”. Bà đã phát biểu niềm hy vọng vào sự sống lại tương lai như sau: “Chắc chắn rằng Đấng tạo thành trời đất, Đấng đã dựng nên con người và đã xếp đặt sự sinh sản của mọi người, do lòng lân tuất Chúa sẽ ban lại cho chúng ta thần khí và sức sống, như các con bây giờ đã dám từ bỏ mạng sống để tùng phục luật Chúa” (2Mcb 7, 20-23).
Khi khuyến khích đứa con út chấp nhận thà chịu chết còn hơn là vi phạm luật của Chúa, bà mẹ đã bày tỏ niềm tin vào công trình của Thiên Chúa đã tạo dựng hết mọi sự từ hư không: “Con ơi, mẹ van con hãy nhìn trời đất, hãy xem tất cả mọi vật trong vũ trụ và hãy biết rằng Thiên Chúa đã làm tất cả từ hư vô; và nguồn gốc của loài người cũng vậy. Con đừng sợ tên lý hình này, nhưng con hãy tỏ ra xứng đáng với các anh của con, hãy chấp nhận cái chết, ngõ hầu mẹ có thể gặp lại con cùng với các anh trong ngày lân tuất của Chúa”(2Mcb 7, 28-29).
Sau cùng, tới lượt mình phải chịu cái chết dữ dằn sau khi đã chứng kiến bảy lần tử đạo trong con tim, bà đã chứng tỏ một đức tin kiên cường, một niềm hy vọng vô biên và lòng can đảm anh hùng.
Nơi những khuôn mặt phụ nữ trên đây, qua đó các kỳ công của ơn Chúa được biểu lộ, chúng ta thoáng nhìn thấy Đấng sẽ trở thành một phụ nữ vô song: Thánh mẫu Maria[1].
BÀI 17 : THIẾU NỮ SION
Theo các nhà chú giải, Tân ước đã áp dụng cho Đức Maria nhiều tư tưởng mà các ngôn sứ dành cho “thiếu nữ Sion”. Đây là một biểu tượng của dân Israel được phục hưng, trông chờ Đấng Mêsia để tái lập giao ước tình yêu vĩnh cửu. Trong bài hôm nay, Đức Thánh Cha trình bày ý nghĩa của từ ngữ “thiếu nữ Sion”. Trong bài tới, ngài sẽ giải thích việc áp dụng vào Đức Maria.
1.- Kinh thánh thường dùng từ ngữ “thiếu nữ Sion”[2], để ám chỉ dân cư thành phố Giêrusalem, nơi mà núi Sion là địa điểm quan trọng hơn cả xét về lịch sử và tôn giáo (xc. Mk 4, 10-13; Xp 3,14-18; Gr 2,14; 9, 9-10).
Sự diễn tả một thành phố bằng hình ảnh một thiếu nữ làm cho dễ hiểu việc giải thích mối tình Thiên Chúa và Israel qua những quan hệ hôn nhân, thường được mô tả qua các hạn từ: “kẻ đính hôn” hay “hiền thê”.
Lịch sử cứu rỗi là lịch sử tình yêu về phía Thiên Chúa, nhưng thường cũng là lịch sử bất trung về phía loài người. Lời Chúa thường khiển trách dân-hiền thê đã bẻ gãy hôn ước mà Chúa đã thiết lập: “Ví như một người vợ đã bât trung với chồng mình, thì các ngươi, hỡi nhà Israel, các ngươi đã bất trung với Ta cũng thế”(Gr 3, 20); và Lời Chúa mời con cái Israel hãy tố giác bà mẹ của mình: “Hãy tố giác bà mẹ các ngươi, hãy tố cáo bà ta đi, bởi vì bà không còn là vợ của Ta nữa và Ta không còn là chồng của nó nữa!”(Hs 2,4).
Tội bất trung của Israel, “hiền thê” của Gia-vê, nằm ở chỗ nào? Tội nặng nhất ở chỗ thờ lạy tà thần ngẫu tượng: theo Sách thánh, đối với Chúa việc dân ưu tuyển đi thờ tà thần ngẫu tượng thì giống như tội ngoại tình.
2.- Ngôn sứ Hôsê là người đã khai triển, bằng những hình ảnh rất là mạnh mẽ và bi thảm, đề tài về giao ước hôn nhân giữa Thiên Chúa với dân Người và sự phản bội của họ: cuộc đời bản thân của ông trở thành biểu tượng hùng hồn của sự phản bội đó. Thực vậy, khi đứa con được sinh ra, ông ta đã nhận được lệnh như sau: “Hãy gọi nó là đứa-không-được-yêu, bởi vì Ta không còn yêu thương nhà Israel nữa, Ta không còn thương xót nó nữa”, và Chúa còn thêm: “Hãy kêu nó Không-phải-Dân-Ta bởi vì các ngươi không phải là Dân Ta và Ta không còn đoái hoài đến các ngươi nữa”(Hs 1,6.9).
Lời khiển trách của Chúa và kinh nghiệm chua chát của việc chạy theo ngẫu tượng đã làm cho người vợ bất trung phải hối hận và bà đã thốt lên: “Tôi sẽ trở về với chồng cũ, bởi vì hồi đó tôi được hạnh phúc hơn bây giờ” (Hs 2,9). Nhưng chính Thiên Chúa đã ước ao tái lập lại giao ước, và lúc ấy Lời Chúa nhắc nhớ lại lòng lân tuất và âu yếm: “vì thế này đây Ta sẽ lôi kéo nó lại, Ta sẽ mang nó vào sa mạc và thỏ thẻ vào tim nó”(Hs 2,16). Thực vậy sa mạc là nơi mà Thiên Chúa, sau khi đã giải thoát dân tộc khỏi cảnh nô lệ, đã thiết lập giao ước vĩnh viễn với Dân của mình.
Qua những hình ảnh yêu đương vừa nói, diễn tả mối quan hệ trắc trở giữa Thiên Chúa và Israel, ngôn sứ cho thấy cảnh bi đát của tội lỗi, sự bất hạnh của con đường bất trung, và những nỗ lực của tình yêu Chúa để thủ thỉ vào trái tim con người và đưa nó trở về với giao ước.
3.- Bất chấp những khó khăn trong hiện tại, Thiên Chúa, qua miệng ngôn sứ, loan báo một giao ước hoàn hảo hơn trong tương lai: “Vào ngày ấy - sấm ngôn của Chúa - ngươi sẽ kêu Ta: Chồng tôi chứ không còn gọi: Ông chủ tôi nữa... Ta sẽ đặt ngươi làm vợ của Ta mãi mãi, Ta sẽ đặt ngươi thành vợ của Ta trong công chính và luật pháp, trong tình yêu lân tuất, Ta sẽ đính ước với ngươi trong tình chung thủy và ngươi sẽ nhận biết Chúa của ngươi” (Hs 2,18.21-21).
Thiên Chúa đã không nản lòng trước những yếu đuối của con người, nhưng Người đã đáp lại những bất trung của con người bằng cách đề nghị một cuộc kết hợp bền chặt hơn: “Ta sẽ gieo hạt giống mới và Ta sẽ yêu kẻ-không-đượcyêu: và với đứa đã mang tên là Không-phải-Dân-Ta, Ta sẽ gọi nó là Dân-Ta, và nó sẽ thưa lên: Chúa của tôi” (Hs 2,25).
Viễn tượng một giao ước mới cũng được ngôn sứ Giêrêmia trình bày cho dân chúng đang bị lưu đày: “Vào ngày ấy - sấm ngôn của Chúa - Ta sẽ là Thiên Chúa của hết mọi chi tộc Israel và chúng sẽ là dân của Ta”. Đây là Lời Chúa : “Ta đã tỏ lòng ưu ái trong sa mạc đối với một dân được thoát lưỡi gươm; Israel hướng tới một nơi an cư lạc nghiệp”. Chúa đã hiện ra từ xa xa với họ: “Ta đã yêu ngươi với tình yêu muôn thuở, chính vì thế mà Ta luôn tỏ lòng thương xót ngươi. Ta sẽ tạo dựng ngươi một lần nữa và ngươi sẽ được tái dựng, hỡi người trinh nữ Israel” (Gr 31,1-4).
Bất chấp những bất trung của dân, tình yêu muôn thưở của Thiên Chúa luôn luôn sẵn sàng tái lập giao ước tình yêu và ban ơn cứu thoát vượt lên trên mọi sự mong đợi.
4.- Ngôn sứ Ezekiel và Isaia cũng nói tới hình ảnh của một người vợ bất trung được tha thứ.
Qua miệng ông Ezekiel, Chúa đã nói với người vợ như sau: “Ta sẽ nhớ tới giao ước đã ký kết với ngươi lúc thanh xuân và Ta sẽ lập với ngươi một giao ước vĩnh viễn” (Ez 16,60).
Sách Isaia đã ghi lại một sấm ngôn rất là tình tứ: “Hôn phu của ngươi là Đấng Tạo thành ngươi... Ta đã bỏ rơi ngươi trong giây lát, nhưng Ta đã lấy lại ngươi trong tình yêu vô bờ bến. Trong cơn nóng giận Ta đã ẩn mặt đi một lát: nhưng với tình yêu vĩnh viễn Ta lại thương xót ngươi, đó là Đức Chúa, Đấng cứu chuộc ngươi, nói như vậy”(Is 54,5.7-8).
Lời hứa với thiếu nữ Sion là một tình yêu mới và chung thủy, một niềm hy vọng bao la vượt xa việc bỏ rơi bà vợ bất trung: “Hãy nói với thiếu nữ Sion: này đây, Đấng cứu thoát ngươi đang tới, Người mang theo phần thưởng với mình, và thành tích đi ngay trước mặt. Người ta sẽ kêu họ là dân thánh được Thiên Chúa cứu chuộc. Ngươi sẽ được gọi là Kẻ được tìm kiếm, Thành không bị bỏ rơi” (Is 62,11-12).
Ngôn sứ xác định thêm :” Không ai còn kêu ngươi là Kẻ bị bỏ rơi, không ai gọi đất của ngươi là Đất hoang tàn, nhưng ngươi sẽ được gọi là Đấng Ta yêu dấu. và đất của ngươi được gọi là Hiền thê, bởi vì Thiên Chúa thương xót ngươi và đất của ngươi sẽ có một vị hôn phu. Thực vậy, cũng như một thanh niên kết hôn với một trinh nữ, thì ngươi cũng sẽ kết hôn với chủ tể của ngươi; cũng như hôn phu vui mừng vì hôn thê, thì Thiên Chúa của ngươi cũng vui mừng vì ngươi” (Is. 62,4-5).
Những hình ảnh và những cử chỉ âu yếm đó được sách Diễm ca đã tóm kết qua lời như sau: “Ta thuộc về người yêu của Ta và người yêu thuộc về Ta” (Dc 6,3). Và như thế, mối tương quan giữa Giavê và dân Người đã được trình bày lại một cách hết sức lý tưởng.
Khi nghe đọc những sấm ngôn của các ngôn sứ, chắc hẳn Đức Maria đã nhìn tới viễn tượng đó và đã nuôi dưỡng trong tâm hồn niềm hy vọng vào thời Mêsia.
Những lời than trách dân tộc bất trung chắc hẳn đã gợi lên trong Người sự cam kết nồng nhiệt sẽ trung thành với giao ước, mở rộng tinh thần của Người tới đề nghị thông hiệp bền bỉ với Chúa mình trong ân sủng và tình yêu. Chính qua giao ước đó mà ơn cứu rỗi đã được ban cho toàn thể thế giới.
BÀI 18 : THIẾU NỮ SION MỚI
Từ bài hôm nay, Đức Thánh Cha bước sang phần chú giải những đoạn văn Kinh thánh Tân ước bàn về Đức Maria. Đoạn văn súc tích hơn cả là cảnh thiên sứ truyền tin (Lc 1,26-38). Chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa thâm thúy của những lời mở đầu của thiên sứ nếu đối chiếu với các sấm ngôn Cựu ước mời gọi thiếu nữ Sion hãy vui mừng vì Vua Mêsia đến. Đức Maria là hiện thân của “thiếu nữ Sion”, tức là dân Israel, đón tiếp tin vui mừng. Hơn thế nữa, Người đại diện cho cả nhân loại để đón nhận Thiên Chúa đến với chúng ta.
1.- Vào lúc Truyền tin, Đức Maria , “thiếu nữ Sion tuyệt vời” (xc. HT 55), đã được thiên sứ chào mừng như là đại diện nhân loại, được yêu cầu bày tỏ sự ưng thuận việc Nhập thể của Con Thiên Chúa .
Lời đầu tiên của sứ thần hướng tới Đức Maria là một lời mời gọi hoan hỉ: Khairê, có nghĩa là: hãy vui lên. Danh từ Hy lạp được dịch sang tiếng Latinh là “Ave”, một lời chào thông thường, nhưng xem ra không tương xứng hoàn toàn với dụng ý của thiên sứ và với mạch văn của cuộc hội ngộ.
Thực ra, khairê cũng là một lời chào hỏi, thường được người Hy lạp sử dụng. Tuy nhiên, hoàn cảnh khác thường cho thấy những lời này vượt quá không khí một cuộc gặp gỡ thường lệ. Thực vậy, chúng ta đừng nên quên rằng thiên sứ ý thức là mình đang mang một lời loan báo độc nhất vô nhị trong lịch sử nhân loại: vì thế mà một lời chào hỏi thông thường thì không hợp cảnh. Ngược lại, xem ra dịch khairê là “hãy vui lên” thì thích hợp hơn với hoàn cảnh đặc biệt này. Như các giáo phụ Hy lạp thường chú giải khi trích dẫn sấm ngôn của các ngôn sứ, lời mời gọi “vui lên” vốn đi kèm theo việc loan báo Đấng Mêsia đến.
2.- Trước hết, chúng ta có thể trưng dẫn ngôn sứ Sophonia. So với sấm ngôn của ông, những lời của thiên sứ lúc truyền tin cho thấy sự tương đồng đầy ý nghĩa: “Hãy vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, hãy rộn ràng lên, hỡi Israel, hãy nhảy mừng với tất cả con tim của mình, hỡi thiếu nữ Giêrusalem!” (Xp 3,14).
Chúng ta thấy một lời mời hãy vui mừng : “Hãy nhảy mừng với tất cả con tim của mình” (14). Chúng ta thấy nói tới sự hiện diện của Thiên Chúa : ”Vua Israel là Thiên Chúa ở giữa ngươi” (15). Chúng ta thấy có lời khuyến khích đừng sợ hãi: “Này Sion, đừng sợ, đừng để tay buông xuôi” (16). Sau cùng có lời hứa Thiên Chúa sẽ can thiệp để cứu độ: “Thiên Chúa ở giữa ngươi là một Đấng Cứu Tinh quyền năng” (17). Những điểm trùng hợp vừa nhiều vừa sát nghĩa đưa chúng ta nhìn nhận nơi Đức Maria quả thực là “ thiếu nữ Sion” mới, có đủ lý do để vui mừng bởi vì Thiên Chúa đã quyết định thực hiện chương trình cứu độ.
Một lời mời hãy vui mừng tương tự, tuy trong một mạch văn khác, cũng gặp thấy nơi ngôn sứ Gioel: “Đừng sợ, hỡi địa cầu, nhưng hãy vui lên bởi vì Thiên Chúa đã làm nên những việc lạ lùng... các ngươi sẽ nhận ra rằng Ta ở giữa dân tộc Israel...” (Ge 2,21.27).
3.- Ngoài ra sấm ngôn của ông Zacaria, được trưng dẫn vào lúc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem (xc. Mt 21,5; Ga 12,15) cũng có ý nghĩa. Trong đoạn văn này, lý do của sự vui mừng là Vua Mêsia ngự đến: “Hãy vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, hãy nhảy mừng, hỡi thiếu nữ Giêrusalem! này đây, Vua của ngươi đang đến. Người là Đấng công chính và chiến thắng, khiêm tốn, … Người sẽ loan báo bình an cho các dân tộc” (Dcr 9,9-10).
Sau cùng, sách Isaia đã bộc lên lời loan báo vui mừng cho Sion mới, trước một đàn con đông đảo, dấu chỉ của sự chúc lành của Thiên Chúa: “Hãy vui lên, hỡi người son sẻ không sinh con, hãy nhảy mừng, kẻ đã không cảm thấy đau đớn, bởi vì con cái của kẻ bị bỏ rơi thì đông hơn đàn con của phụ nữ có chồng, Chúa đã phán như vậy” (Is 54,1).
Có ba lý do trong lời mời hãy vui mừng: sự hiện diện của Thiên Chúa cứu độ giữa Dân người, Vua Mêsia đang ngự đến, và sự phong nhiêu dồi dào; cả ba động lực này được thể hiện đầy đủ nơi Đức Maria. Chúng cho thấy ý nghĩa mà truyền thống đã gán cho lời chào của sứ thần mang. Khi mời Đức Maria hãy ưng nhận việc thực hiện lời hứa về Đấng Mêsia và loan báo cho Người chức phận cao vời của Thân mẫu Thiên Chúa, những lý do ấy đương nhiên mời Người hãy vui mừng. Thực vậy, như công đồng Vatican II đã nói “với Người là thiếu nữ Sion tuyệt vời, sau khi đã chờ đợi lời hứa từ lâu năm, thì thời gian đã hoàn tất và khai trương một nhiệm cục mới, khi mà Con Thiên Chúa đã mặc lấy nơi người bản tính nhân loại, để giải thoát con người ra khỏi tội lỗi bằng những huyền nhiệm của thân xác Người” (HT 55).
4.- Trình thuật của cuộc Truyền tin cho phép chúng ta nhìn nhận nơi Đức Maria “thiếu nữ Sion” mới, được Thiên Chúa mời gọi hãy vui mừng khôn xiết. Nó nói lên vai trò phi thường của Thân mẫu Đấng Mêsia, và hơn thế nữa, vai trò của Thân mẫu Con Thiên Chúa. Đức Maria đã đón nhận sứ điệp nhân danh toàn dân Đavit; nhưng cũng có thể nói rằng Người đã đón nhận sứ điệp nhân danh toàn thể nhân loại, bởi vì Cựu ước đã mở rộng vai trò của Đấng Mêsia tới hết muôn dân (xc. Tv 2,8; 71,8). Trong ý định của Thiên Chúa, lời truyền tin cho Đức Maria nhằm tới sự cứu độ toàn thế giới.
Để xác định cho viễn tượng phổ quát của chương trình cứu rỗi, chúng ta có thể nhắc lại một vài bản văn của Cựu ước và của Tân ước, khi so sánh ơn cứu rỗi với một bữa tiệc của hết muôn dân ở trên núi Sion (Is 25,6) và loan báo bữa tiệc cánh chung ở trong nước Thiên Chúa (xc. Mt 22,1-10).
Với tư cách là “thiếu nữ Sion”, Đức Maria là Trinh nữ của giao ước được Thiên Chúa thiết lập với toàn thể nhân loại. Vai trò đại diện của Đức Maria trong hoàn cảnh này thật là rõ rệt. Và thật là việc đầy ý nghĩa khi một người phụ nữ được mời chu toàn chức vụ đó.
5.- Thực vậy, với tư cách là “thiếu nữ Sion” mới, Đức Maria là kẻ xứng hợp để ký kết một giao ước hôn nhân với Thiên Chúa. Người xứng đáng hơn hết mọi phần tử của Dân được tuyển chọn, Người đã có thể dâng hiến cho Chúa con tim của Hiền thê.
Với Đức Maria, “thiếu nữ Sion” không còn phải là một chủ thể tập đoàn nữa, nhưng là một cá nhân thay mặt cho nhânloại và, vào lúc Truyền tin, đã đáp trả cho lời đề nghị tình yêu của Thiên Chúa bằng chính tình yêu hôn thê của mình.
Như thế, Đức Maria đã tiếp đón một cách đặc biệt niềm vui mà các ngôn sứ đã loan báo, niềm vui đạt tới tột đỉnh, vào lúc chương trình của Thiên Chúa được hoàn thành.
BÀI 19 : “NGƯỜI ĐẦY ƠN PHÚC”
Thiên sứ chào Đức Maria là “kẻ đầy-ơn-phúc”, kiểu như gọi bằng một tên riêng, biểu lộ lòng ưu ái của Thiên Chúa đổ tràn đầy ân huệ xuống trên một tạo vật thấp hèn.
1.- Trong trình thuật Truyền tin, lời đầu tiên của thiên sứ: “Hãy vui lên” tạo nên một lời mời vui mừng, nhắc tới những sấm ngôn của Cựu ước hướng tới “thiếu nữ Sion”. Trong bài huấn giáo trước đây chúng ta đã nêu bật điểm đó cùng với việc trình bày những lý do thúc đẩy vui mừng: sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Người, vua Mêsia ngự đến và sự phong nhiêu của bà mẹ. Ba lý do ấy đều ứng nghiệm ở nơi Đức Maria.
Sau lời chào khairê “hãy vui lên”, thiên sứ Gabriel ngỏ lời với Trinh nữ Nazaret, đã gọi Người là kekharitomêne, “Đầy ơn phúc”.
Trong bản văn Hy lạp, hai từ Khairê và Kekharitomene có tư tưởng liên lạc mật thiết với nhau: Đức Maria được mời gọi hãy vui mừng bởi vì Thiên Chúa yêu thương Người và đổ tràn ân phúc trên Người nhằm tới chức vụ làm Mẹ Thiên Chúa .
Đức tin của Hội thánh và kinh nghiệm của các Thánh đều dạy rằng ân sủng là nguồn vui mừng và niềm vui chân thực bắt nguồn từ Thiên Chúa. Nơi Đức Maria, cũng như nơi các Kitô hữu, ân huệ của Thiên Chúa phát sinh ra một niềm hoan lạc sâu đậm.
2.- Kekharitomene: hạn từ này dành cho Đức Maria được coi như là một đặc tính của một phụ nữ được Chúa định làm Thân mẫu Đức Giêsu. Hiến chế về Hội thánh đã khẳng định như sau: “Trinh nữ Nazaret, do lệnh Chúa, đã được thiên sứ đến truyền tin chào kính là ‘đầy ơn phúc’” (HT 56).
Việc thiên sứ gọi Người bằng danh xưng này mang lại cho lời chào của sứ thần một giá trị rất là quan trọng: nó bày tỏ kế hoạch cứu độ huyền nhiệm của Thiên Chúa đối với Đức Maria. Như tôi đã viết trong thông điệp Thân mẫu Đấng Cứu Thế: “Sự đầy tràn ơn phúc ám chỉ tất cả việc ban phát siêu nhiên dồi dào mà Đức Maria nhận lãnh, bởi vì Người đã được chọn làm Thân mẫu Đức Kitô” (số 9).
“ Đầy ơn phúc” là tên gọi mà Đức Maria được đặt dưới con mắt của Thiên Chúa. Thực vậy, theo như trình thuật của thánh sử Luca, thiên sứ đã dùng danh xưng đó trước khi kêu tên Maria, muốn làm nêu bật khía cạnh trổi vượt mà Chúa đã nhận ra nơi bản thân của người Trinh nữ Nazaret.
Thành ngữ “Đầy ơn phúc” dịch từ Hy lạp kekharitomêne là một phân-từ thể thụ động. Để có thể lột hết sự súc tích của bản văn Hy Lạp thì thay vì nói rằng “đầy ơn phúc “ cần phải dịch là “được tràn ơn phúc” hay là “được đổ đầy ơn phúc”; điều này có nghĩa là một hồng ân được Chúa ban cho Trinh nữ. Từ ngữ, đặt ở thể quá khứ, cũng xác định hình ảnh của một ân phúc toàn hảo và bền vững kèm theo sự sung mãn. Cũng động từ ấy, theo nghĩa “ban cấp ân huệ” được sử dụng trong thư gửi Ephêsô để ám chỉ sự dồi dào ân sủng mà Chúa Cha đã đổ tràn cho chúng ta trong Thánh tử yêu dấu (1,6). Đức Maria đã lãnh nhận sự dồi dào ân sủng như là hoa trái đầu mùa của ơn cứu chuộc (xc. Thân mẫu Đấng Cứu thế, số 10).
3.- Trong trường hợp của Đức Trinh nữ, hành động của Thiên Chúa quả là phi thường. Đức Maria không có một tước hiệu phàm trần nào để đáng lãnh nhận lời loan báo Đấng Mêsia sẽ đến. Người không phải là một vị Thượng tế đại diện chính thức cho đạo Do thái, cũng chẳng phải là một người nam, nhưng chỉ là một cô gái không có ảnh hưởng gì trong xã hội đương thời. Hơn thế nữa, Người xuất thân từ Nazaret, một làng không hề được nhắc tới trong Cựu ước. Nazaret chẳng được tiếng tăm gì, theo như lời ông Natanael được kể lại trong Phúc âm thánh Gioan: “Từ Nazaret có cái gì tốt đâu ?” (Ga 1,46).
Tính cách phi thường và ân huệ nơi sự can thiệp của Thiên Chúa lại còn được nổi bật hơn khi chúng ta đối chiếu với bản văn Luca thuật lại cảnh thiên sứ hiện ra với ông Zacaria. Thực vậy, thánh sử nêu bật điều kiện ông ta là một thượng tế, và đời sống của ông cũng như của bà vợ Elisabet là khuôn mẫu của người công chính theo Cựu ước: hai ông bà “ tuân giữ nghiêm chỉnh tất cả lề luật của Thiên Chúa” (Lc 1,6).
Đối lại, nguồn gốc bà Maria thì không được thánh Luca nói tới : từ ngữ “thuộc nhà Đavít” (Lc 1,27) được dành cho ông Giuse mà thôi. Ngoài ra chúng ta cũng không thấy mảy may gợi ý đến tác phong của Người. Với lối hành văn như vậy, thánh sử muốn nêu bật rằng nơi Đức Maria tất cả đều là ân huệ của Chúa. Những gì được ban cho Người thì không phải do công trạng của mình, nhưng hoàn toàn do lòng ưu ái của Thiên Chúa.
4.- Dĩ nhiên nói thế không có nghĩa là thánh Luca không muốn hạ thấp tư cách cao sang của Đức Trinh Nữ. Đúng ra ông muốn trình bày Người như là hoa trái của lòng ưu ái của Thiên Chúa, Đấng đã chiếm hữu trọn vẹn Đức Maria đến nỗi theo như lời của thiên sứ, “đổ tràn ân phúc” xuống cho Người. Chính sự dồi dào ân sủng tạo ra sự dồi dào thiêng liêng ẩn tàng nơi Đức Maria .
Trong Cựu ước, Chúa Giavê đã bộc lộ tình thương dồi dào qua thiên hình vạn trạng. Vào lúc bình minh của Tân ước, lòng lân tuất của Thiên Chúa đạt tới cao điểm ở nơi Đức Maria. Nơi Người sự tuyển chọn mà Chúa dành cho dân riêng, đặc biệt là cho những người khiêm tốn và khó nghèo đã đạt tới chóp đỉnh.
Nhờ được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và nhờ cảm nghiệm của các thánh, Hội thánh khuyến khích các tín hữu hãy đưa mắt nhìn lên Thân mẫu Đấng Cứu thế và hãy cảm thấy rằng mình cũng được Thiên Chúa yêu thương. Hội thánh mời các tín hữu chia sẻ sự khiêm tốn và khó nghèo của Người, ngõ hầu theo gương Mẹ và nhờ Mẹ chuyển cầu, họ có thể bền đỗ trong ơn sủng của Chúa thánh hóa và thay đổi con tim.
BÀI 20 : ĐỨC MARIA HOÀN TOÀN THÁNH THIỆN
Tiếp tục chú giải lời thiên sứ chào Maria là kẻ “đầy ơn phúc”, Đức Thánh Cha trình bày lịch sử tiến triển của tín điều Vô nhiễm nguyên tội (kéo dài cho đến bài 23). Bắt đầu từ đặc tính “tòan thánh” của Đức Maria vì được chọn làm Mẹ Đấng Cứu thế, từ thế kỷ thứ VI, vài giáo phụ đã suy tư về sự thánh thiện ngay từ lúc bắt đầu cuộc đời.
1.- Nơi Đức Maria, “đầy ân phúc”, Hội thánh đã nhận biết “kẻ toàn thánh và không bị nhiễm vết nhơ tội lỗi”, “ngay từ lúc thụ thai đã được trang điểm với những ánh quang thánh thiện hết sức đặc biệt” (HT 56).
Lời tuyên dương này đã đòi hỏi một chặng đường suy tư đạo lý lâu dài, cuối cùng đưa tới việc xác định long trọng tín điều Vô nhiễm nguyên tội.
Danh xưng “được đổ tràn ơn thánh”, do thiên sứ chào Đức Maria vào lúc Truyền tin, đã gợi lên một ân huệ khác thường mà Thiên Chúa đã ban cho thiếu nữ Nazaret nhằm tới chức vụ làm mẹ, nhưng tự nó từ ngữ này mô tả hiệu quả mà ân phúc Chúa đã để lại nơi Đức Maria. Đức Maria đã được thấm nhuần ân phúc và vì thế đã được thánh hóa. Đặc tính kekharitomene mang một ý nghĩa rất súc tích, mà Chúa Thánh Thần đã không ngừng giúp Hội thánh đào sâu thêm.
2.- Trong bài huấn giáo trước, tôi đã nêu bật rằng trong lời chào của thiên sứ, từ ngữ “Đầy ân phúc” có giá trị như là tên riêng: đó là tên của Đức Maria trước mặt Thiên Chúa. Theo phong tục Do thái, tên biểu lộ tính chất của một người và một đồ vật. Do đó, danh xưng “Đầy ân phúc” bày tỏ khía cạnh sâu đậm nhất nơi nhân cách của thiếu nữ Nazaret: Người đã được ân huệ và tình thương của Chúa nhào nặn đến nỗi đã có thể được định nghĩa bằng lòng ưu ái riêng biệt như vậy.
Công đồng nói rằng nhiều giáo phụ đã nhắc đến chân lý đó khi họ gọi Đức Maria là “ Đấng toàn thánh”, đồng thời các ngài cũng nói rằng” Đức Maria ra như được Thánh Thần nhào nặn biến đổi thành tạo vật mới” (HT 56).
Ân phúc, hiểu theo nghĩa là “thánh sủng” tác dụng sự thánh hóa bản thân, đã thực hiện nơi Đức Maria một sự tạo dựng mới, hoàn toàn phù hợp với chương trình của Thiên Chúa.
3.- Như vậy suy tư thần học đã có thể gán cho Đức Maria một sự thánh thiện hoàn hảo, mà để được đầy đủ ý nghĩa, cần phải bao gồm ngay cả lúc khởi đầu sự sống của Người.
Dường như tác giả đầu tiên của chiều hướng giải thích sự tinh tuyền nguyên thủy là một giám mục ở Palestina tên là Theoteknos Livias, sống khoảng giữa năm 550 và 650. Ông đã trình bày Đức Maria “thánh thiện và tuyệt đẹp”, “trong trắng không tì ố”, và bàn tới việc Người được sinh ra với những lời này:” Người sinh ra giống như các Kêrubim, bằng đất sét tinh ròng vô nhiễm” (Bài giảng lễ Đức Mẹ lên trời).
Những lời cuối cùng, nhắc đến việc tạo dựng con người đầu tiên, được tạo dựng bởi đất sét không bị hoen ố vì tội lỗi, đã gán cũng những đặc tính đó cho việc Đức Maria sinh ra : nguồn gốc của Đức Trinh nữ cũng “tinh tuyền vô nhiễm”, nghĩa là không có tội gì. Việc so sánh với các Kêrubim còn muốn nói tới sự thánh thiện trổi vượt, đặc trưng của cuộc đời Đức Maria ngay từ lúc bắt đầu hiện hữu.
Khẳng định của Giám mục Theoteknos đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong suy tư thần học về mầu nhiệm Thân mẫu Đấng Cứu Thế. Trước đó, các giáo phụ Hy lạp và Đông phương thường nói tới một sự thanh tẩy do ơn thánh tác động nơi Đức Maria hoặc là trước khi xảy ra cuộc nhập thể, (T. Grêgôriô Nazian) hoặc là vào chính lúc Thiên Chúa nhập thể (thánh Ephrem, ông Saveriano Gabala, ông Giacobe Sarug).
Còn ông Theoteknos có lẽ muốn Đức Maria được thanh tịnh ngay từ lúc bắt đầu cuộc sống. Thực vậy, Đấng đã được Chúa định làm Thân mẫu Đấng Cứu Thế không thể nào không có một nguồn gốc hoàn toàn thánh thiện, không bị vương vấn vết nhơ nào hết.
4.- Vào thế kỷ thứ VIII, ông Anrê giám mục Crêta là nhà thần học đầu tiên đã coi ngày sinh nhật của Đức Maria như là một cuộc tạo dựng mới. Ông lập luận như sau: “Hôm nay nhân loại đã nhận được vẻ đẹp cố hữu của mình với tất cả vẻ sáng ngời của sự tinh tuyền. Những hổ thẹn vì tội lỗi trước đây đã làm che khuất ánh sáng và vẻ đẹp của bản tính nhân loại; nhưng khi Thân mẫu Đấng Tuyệt Mỹ được sinh ra, thì bản tính nhân loại đã lấy lại những đặc ân cổ truyền ở nơi Người, và đã được đúc nặn lên theo khuôn mẫu hoàn bị mà Thiên Chúa đã muốn... Hôm nay bắt đầu việc canh cải bản tính con người, và thế giới cũ kỹ đã được Thiên Chúa biến đổi, nó đã nhận được những hoa trái đầu mùa của cuộc tạo dựng lần thứ hai” (Bài giảng I lễ Sinh nhật Đức Maria).
Rồi lấy lại hình ảnh của khối đất sét nguyên thủy, ông nói tiếp :” Thân xác của Đức Trinh nữ là một mảnh đất mà Thiên Chúa tác tạo, là hoa trái đầu mùa của dòng dõi Adam được thần hóa nơi Đức Kitô, là hình ảnh thực sự giống với vẻ đẹp nguyên thủy, là đất sét đã được bàn tay của Nghệ sĩ thiên linh nhào nặn” (Bài giảng I Lễ An nghỉ của Đức Maria).
Do đó sự thụ thai tinh tuyền và vô nhiễm của Đức Maria được coi như là khởi thủy của cuộc tạo dựng mới. Đây là một đặc ân ban riêng cho cá nhân của người phụ nữ được chọn làm Thân mẫu Đức Kitô, khai nguyên một thời gian ân sủng dồi dào mà Chúa muốn ban cho toàn thể nhân loại.
Đạo lý này, được thánh Germanô Constantinopolis và thánh Gioan Đamascô, cũng vào thế kỷ thứ VIII, lặp lại, làm sáng tỏ giá trị của sự thánh thiện nguyên thủy của Đức Maria, được trình bày như là khởi nguyên của sự cứu chuộc thế giới.
Vì thế, cuộc suy tư lý của Hội thánh đã làm phát triển ý nghĩa của tước hiệu “đầy ơn phúc”, mà thiên sứ đã gán cho Đức Trinh nữ. Đức Maria đầy tràn ơn thánh sủng, và ngay từ lúc bắt đầu hiện hữu. Ơn thánh này, trong thư gửi Ephesô (1,6) được Chúa Kitô ban cho tất cả các tín hữu. Sự thánh thiện nguyên thủy của Đức Maria trở thành một khuôn mẫu vô lường của hồng ân và của việc đổ tràn ân phúc Đức Kitô vào thế giới.
******
[1] Xem thêm: bài 20; 61.
[2] Cũng có người dịch là: “cô gái Sion” hoặc “con gái Sion”.
BÀI 21-24
BÀI 21 : VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
Bài huấn giáo hôm nay xét tới nền tảng Kinh thánh của chân lý Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội, qua việc khảo sát vài đoạn văn cổ điển: 1/ Lc 1,28: Đức Maria được thiên sứ gọi tên là “Đầy tràn ơn phúc”. 2/ St 3,15: mối thù truyền kiếp giữa người nữ đòi hỏi Đức Maria không hề ở dưới quyền hành của ma qủy. 3/ Kh 12,1: người nữ khoác áo mặt trời.
1.- Như chúng ta đã thấy trong những bài huấn dụ trước, trong suy tư đạo lý của Hội thánh bên Đông phương, thành ngữ “ Đầy ơn phúc” từ thế kỷ thứ VI đã được giải thích về sự thánh thiện chi phối suốt cuộc đời Đức Maria. Như vậy Người đã khai trương một cuộc tạo dựng mới.
Bên cạnh trình thuật việc Truyền tin của thánh Luca, Truyền thống và Huấn quyền đã coi bản văn gọi là “Phúc âm nguyên thủy” (St. 3,15) như là một nguồn nữa của Sách Thánh bàn về chân lý Vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria.
Đoạn văn này, dựa theo bản dịch Latinh: “Bà sẽ đạp dập đầu ngươi”, đã gợi hứng cho rất nhiều bức họa vẽ Đức Vô nhiễm đạp con rắn ở dưới chân mình.
Trước đây chúng tôi đã có dịp lưu ý rằng bản dịch Latinh không có sát với nguyên bản Do thái, theo đó không phải là người nữ, nhưng là dòng dõi của bà, miêu duệ của bà, chà đạp đầu con rắn. Do đó bản văn quy gán sự chiến thắng Satan không phải là cho Đức Maria, nhưng là cho Con của Người. Tuy nhiên bởi vì quan niệm Kinh thánh đặt ra một sự liên kết chặt chẽ giữa cha mẹ với dòng dõi, cho nên cũng phù hợp với nghĩa nguyên bản khi trình bày Đức Nữ Vô nhiễm đạp dập đầu con rắn, không phải do quyền năng riêng của mình nhưng do ân huệ của Con mình.
2.- Hơn nữa, bản văn Kinh Thánh vừa nói còn nhắc tới sự thù địch giữa một bên là người phụ nữ và dòng dõi của người đó, còn bên kia là con rắn với dòng dõi của nó. Đó là một sự thù địch do chính Thiên Chúa đã ấn định và mang một ý nghĩa đặc biệt khi chúng ta nghĩa tới sự thánh thiện của Đức Trinh Nữ. Để có thể diễn tả sự thù địch giữa con rắn và dòng dõi của nó, Đức Maria cần phải được cứu thoát khỏi quyền lực của tội lỗi ngay từ lúc bắt đầu hiện hữu.
Về điểm này, thông điệp Fulgens Corona, do Đức Thánh Cha Piô XII công bố năm 1953 để kỷ niệm 100 năm tuyên bố tín điều Vô nhiễm nguyên tội, đã lý luận như sau : “Giả như đã có một lúc nào đó Đức thánh Trinh nữ Maria đã không được ơn thánh Chúa phù giúp, để cho vết nhơ của tội nguyên tổ chiếm đoạt, thì giữa Người và con rắn sẽ đâu còn sự thù địch truyền kiếp mà truyền thống đã nói tới khi định nghĩa tín điều Vô nhiễm nguyên tội; trái lại, đã xảy ra một sự khuất phục của Đức Maria đối với con rắn ”.
Vì thế sự thù địch tuyệt đối mà Chúa đã thiết lập giữa người nữ và ma quỷ đòi hỏi rằng nơi Đức Maria sự Vô nhiễm nguyên tội, nghĩa là hoàn toàn được cứu thoát khỏi tội lỗi ngay từ lúc bắt đầu hiện hữu. Người Con của Đức Maria đã mang lại chiến thắng trên Satan và đã cho bà Mẹ được hưởng trước cuộc chiến thắng đó, bằng cách cứu Người ra khỏi tội lỗi.
Do đó, Chúa Con đã ban cho Người quyền năng chống cự ma quỷ, và như thế trong mầu nhiệm vô nhiễm nguyên tội, Chúa đã thể hiện hậu quả của công trình cứu chuộc một cách lạ thường.
3.- Danh xưng “ Đầy ơn phúc “ và Phúc âm nguyên thủy, khi lôi kéo sự chú ý của chúng ta đến sự thánh thiện đặc biệt của Đức Maria và sự cứu thoát khỏi ảnh hưởng của Satan, làm cho chúng ta nghĩ tới, - qua một đặc ân duy nhất Chúa ban cho Đức Maria -, về sự khởi đầu một trật tự mới như là hậu quả của tình thân hữu với Thiên Chúa, và do đó tạo ra một sự thù địch giữa con rắn và loài người.
Khi tìm căn bản Kinh Thánh cho tín điều Vô nhiễm nguyên tội, người ta cũng thường trưng dẫnđoạn văn ở chương 12 sách Khải huyền, nói tới một “người nữ khoác áo mặt trời”(12,1). Khoa chú giải ngày nay đồng ý cho rằng người nữ tượng trưng cho cộng đoàn dân Chúa, đau đớn sinh ra Đấng Mêsia sống lại.
Tuy nhiên, bên cạnh việc giải thích theo nghĩa tập thể, bản văn cũng gợi ý nói tới một cá nhân khi khẳng định rằng : “Bà ấy sẽ sinh ra một con trai, được sắp xếp để thống trị các dân nước bằng vương miện bằng sắt” (12,5). Như vậy, liên quan tới việc sinh con, người ta chấp nhận có sự đồng hóa người nữ khoác áo mặt trời với Đức Maria, người đàn bà đã sinh ra Đấng Mêsia. Thực vậy, người đàn bà “tập thể” được miêu tả với những nét tương tự như người đàn bà Thân mẫu Đức Giêsu.
Đặc trưng của người đàn bà này là việc làm mẹ: bà “thụ thai và kêu gào vì những sự đau quặn lúc sinh” (12,2). Chi tiết này gợi lên cảnh tượng Thân mẫu Đức Giêsu đứng gần bên Thập giá (xc. Ga19,25), nơi mà Người thông dự vào cuộc sinh hạ cộng đoàn các tín hữu với tâm hồn bị luỡi gươm đâm thâu qua (xc. Lc 2, 35).
Mặc dù đau đớn, nhưng bà “được khoác áo mặt trời”, - nghĩa là bà phản chiếu ánh quang của Thiên Chúa, và trở thành “một điềm lạ vĩ đại” của mối tương quan tình thương của Thiên Chúa dành cho dân Người.
Tuy những hình ảnh này không đả động trực tiếp đến ân huệ Vô nhiễm nguyên tội, nhưng chúng có thể được giải thích như là cách diễn tả lòng âu yếm của Chúa Cha đã bao trùm Đức Maria bằng ân phúc của Đức Kitô và ánh quang của Chúa Thánh Thần.
Sau cùng, sách Khải huyền còn mời gọi hãy nhìn chiều kích Hội thánh nơi bản thân Đức Maria: người đàn bà khoác áo mặt trời tượng trưng cho sự thánh thiện của Hội thánh, sự thánh thiện này đã được thực hiện toàn vẹn nơi Thánh Trinh nữ, do một ân huệ đặc biệt.
4.- Đối lại với những lời khẳng định đặc biệt của Kinh thánh mà Truyền thống và Huấn quyền dựa vào để chứng minh đaọ lý về sự Vô nhiễm nguyên tội, xem ra có những vấn nạn dựa trên nhữngđoạn văn Kinh thánh nói tới tội lỗi tràn ngập nhân loại.
Cựu ước nói tới một sự ô nhiễm tội lỗi chi phối hết mọi người “sinh ra bởi người nữ” (Tv 50,7; G 14,2). Trong Tân ước, Thánh Phaolô tuyên bố rằng do tội của ông Ađam, “tất cả mọi người đều mắc tội” và “vì tội của một người mà sự luận phạt đã được đổ xuống hết mọi người” (Rm 5,12.18). Vì thế, như sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo đã nói, tội nguyên tổ đã “chi phối bản tính con người”, vì thế nó bị “rơi vào tình trạng suy đồi”. Tội đã được truyền lại “do sự phát triển của nhân loại, nghĩa là do việc truyền đạt bản tính con người đã mất ơn thánh và sự công chính nguyên thủy” (s.404). Tuy nhiên thánh Phaolo đã khẳng định một khỏan trừ của định luật tổng quát vừa nói: đó là Đức Kitô, Đấng đã “không biết chi đến tội lỗi” (2Cor 5,21), và như thế Người có thể mang ơn thánh dồi dào đến nơi “mà tội lỗi tràn ngập” (Rm 5,20).
Những lời vừa nói không hẳn đưa tới kết luận rằng Đức Maria cũng bị gộp trong vòng nhân loại tội lỗi. Sự so sánh của thánh Phaolô giữa ông Ađam với Đức Kitô được bổ túc với sự so sánh giữa bà Evà với Đức Maria. Vai trò của người nữ vào lúc xảy ra bi kịch tội lỗi cũng được diễn lại vào lúc cứu chuộc nhân loại.
Thánh Irênêô đã trình bày Đức Maria như là bà Eva mới: Đức Maria nhờ lòng tin và sự tuân phục đã làm nghiêng lại cán cân của sự bất tín và bất tuân của bà Eva. Một vai trò như vậy trong lịch sử cứu độ đòi hỏi phải được miễn trừ khỏi tội lỗi. Vì thế, cũng tương tự như Đức Kitô Adam mới, thực là một điều xứng hợp cho Đức Maria bà Eva mới, cũng không biết đến tội lỗi và như thế có khả năng cộng tác vào công cuộc cứu chuộc.
Tội lỗi, ví như dòng thác lôi cuốn tất cả nhân loại đã phải dừng lại trước Đấng Cứu Thế và cộng-sự-viên trung tín của Người. Dĩ nhiên là có một sự khác biệt căn bản: Đức Kitô hoàn toàn thánh thiện do hiệu lực của ơn kết hợp nhân tính với thiên tính; còn Đức Maria được nên thánh do ân sủng được lãnh nhận nhờ công trạng của Chúa Cứu Thế.
BÀI 22 : VÔ NHIỄM: ĐƯỢC CỨU CHUỘC NHỜ ĐƯỢC PHÒNG NGỪA TỘI LỖI
Tiếp tục trình bày sự tiến triển của đạo lý về Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội, trong bài huấn giáo hôm nay, Đức Thánh Cha đề cập đến một vấn nạn then chốt nảy ra vào thời Trung cổ: nếu Đức Maria không mắc tội – tội nguyên tổ cũng như tội cá nhân - thì Người đâu cần ơn cứu chuộc của Chúa Kitô? Chân phước Duns Scôtô đã tìm ra một câu trả lời: Đức Maria vẫn cần được Chúa Kitô cứu chuộc; tuy nhiên ơn cứu chuộc tác động nơi Đức Maria theo một cách thức khác với chúng ta. Người được phòng ngừa khỏi mắc tội lỗi, còn chúng ta được cứu ra khỏi tình trạng vướng mắc tội lỗi.
1.- Đạo lý về sự thánh thiện của Đức Maria ngay từ khi thụ thai đã gặp phải vài sự chống đối ở bên Tây phương, bởi vì nó đụng tới những lời khẳng định của thánh Phaolô về tội nguyên tổ và về sự bành trướng của tội lỗi trên toàn thể nhân loại; những luận cứ cũng đã được thánh Augustinô lặp lại và khẳng định.
Thực ra thánh Augustinô đã nhìn nhận Đức Maria được thanh tịnh hoàn toàn và thánh thiện vô song, xét vì Người được Chúa chọn làm Mẹ của một người Con cực thánh. Chính vì thế, trong cuộc tranh luận với ông Pelagiô, thánh Augustinô nhấn mạnh rằng sự thánh thiện của Đức Maria là một hồng ân ngoại lệ của ơn thánh, và ông nói như sau :” Chúng ta hãy miễn trừ Đức Maria, tôi không muốn rằng chúng ta nói tới tội lỗi ở nơi Người bởi vì chúng ta cần phải tôn kính Thiên Chúa: nào chúng ta không biết rằng Người đã được ban một ơn ngoại lệ nhằm để chiến thắng hoàn toàn tội lỗi, Người đã xứng đáng thụ thai và sinh hạ Đấng không hề mắc tội lỗi nào hết hay sao ?” (De natura et gratia, 42).
Thánh Augustino đã nhấn mạnh tới sự thánh thiện hoàn toàn nơi Đức Maria và Người không mắc tội lỗi cá nhân nào chiếu theo chức phẩm cao vời làm Thân mẫu Thiên Chúa. Tuy nhiên ông không thể nào quan niệm được Đức Maria hoàn toàn thoát khỏi hết mọi tội lỗi ngay từ lúc thụ thai, bởi vì điều này không thể dung hợp được với đạo lý về mọi người đều mắc tội tổ tông và đạo lý về mọi người con cháu Adam đều cần được cứu chuộc. Để có thể giải quyết vấn nạn này, cần phải đào sâu sự hiểu biết đức tin của Hội thánh thì mới làm sáng tỏ được vấn đề Đức Maria đã có thể hưởng nhờ hồng ân cứu chuộc của Đức Kitô ngay từ lúc thụ thai.
2.- Vào thế kỷ thứ IX, lễ Thụ thai của Đức Maria đã du nhập vào Tây phương, đầu tiên là tại miền Nam nước Italia, ở Napoli, rồi sang Anh quốc.
Vào khoảng năm 1128, một đan sĩ ở Canterbury, ông Eadmêrô đã viết khảo luận đầu tiên về việc Thụ thai Vô nhiễm. Ông than phiền rằng lễ phụng vụ đã bị dẹp bỏ, mặc dù lễ này mang lại sự thích thú cho những kẻ “chất phát và khiêm tốn phụng sự Chúa” (Tractatus de conceptione B.M.V. 1-2) . Vì muốn cổ động tái lập lễ này, ông đã gạt bỏ vấn nạn của thánh Augustinô chống lại đặc ân vô nhiễm nguyên tội căn cứ vào đạo lý về sự truyền bá tội nguyên tổ cho toàn thể dòng dõi nhân loại. Ông Eadmerô sử dụng hình ảnh của một trái dẻ “được mọc giống, nuôi dưỡng và hình thành ở gai góc nhưng vẫn không bị gai đâm” (Tractatus, 10) . Rồi ông lập luận như sau: “giữa những gai nhọn của sự sinh sản tự nó truyền thông tội nguyên tổ, Đức Maria đã được che chở cho khỏi mọi vết nhơ do ý muốn của Thiên Chúa, Đấng đã “có thể làm và đã muốn như vậy. Do đó nếu Chúa đã muốn thì tất nhiên Người đã làm”.
Dù ông Eadmerô đã dẫn một chứng cớ thuận lợi, nhưng các nhà thần học thế kỷ XIII vẫn còn quay về những vấn nạn do thánh Augustino đưa ra, và họ lập luận như sau: ơn cứu độ do Đức Kitô mang lại sẽ không còn tính cách phổ quát nếu điều kiện tội lỗi đã không bao trùm tất cả mọi người. Nếu Đức Maria đã không mắc tội nguyên tổ, thì Người không cần được cứu chuộc. Thực vậy, ơn cứu chuộc hệ tại sự giải thoát những người ở trong tình trạng tội lỗi.
3.- Tiếp theo một vài nhà thần học thế kỷ XII, ông Duns Scôtô đã cung cấp chìa khóa để vượt qua những vấn nạn về đạo lý Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội. Ông chủ trương rằng Đức Kitô, Đấng Trung gian hoàn hảo, đã thực hiện việc trung gian nơi Đức Maria một cách tuyệt vời, bằng cách phòng ngừa Đức Maria khỏi tội Nguyên tổ.
Nhu vậy, ông Duns Scôtô đã du nhập vào thần học tư tưởng “cứu chuộc phòng ngừa”, theo đó Đức Maria được cứu chuộc một cách rất lạ lùng: không phải bằng cách giải thoát khỏi tội lỗi, nhưng bằng cách phòng ngừa cho khỏi tội lỗi.
Quan điểm của ông Duns Scôtô, được đặt tên là “Tiến sĩ của đạo lý Vô nhiễm”, từ thế kỷ thứ XIV trở đi đã được nhiều nhà thần học, cách riêng thuộc dòng Phanxicô, tán thành. Sau khi Đức Giáo Hoàng Sixtô IV phê chuẩn Bài Lễ Thụ thai vô nhiễm năm 1477, đạo lý này dần dần được các trường phái thần học khác chấp nhận.
Sự tiến triển về phụng vụ và về đạo lý đã chuẩn bị con đường đưa tới việc định tín về phía Huấn quyền tối thượng. Điều này chỉ đạt được sau nhiều thế kỷ, duới sự thúc đẩy của một trực giác đức tin căn bản đó là: Thân mẫu Đức Kitô phải được thánh thiện hoàn toàn ngay từ lúc bắt đầu hiện hữu.
4.- Không ai không nhận ra rằng đặc ân ban cho Đức Maria làm nổi bật tác động cứu chuộc của Đức Kitô, Đấng không những chỉ giải thoát mà còn phòng ngừa khỏi tội lỗi. Chiều kích phòng ngừa - được thể hiện hòantoàn nơi Đức Maria - nằm trong chương trình cứu chuộc của Đức Kitô, Đấng giải thoát con người khỏi tội lỗi, và còn ban cho nó ân huệ và sức mạnh để chiến thắng ảnh hưởng của tội lỗi trong suốt đời mình.
Như thế, tín điều Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội không làm lu mờ nhưng còn làm nổi bật những hậu quả của ơn cứu chuộc của Đức Kitô đối với bản tính nhân loại. Tất cả các Kitô hữu nhìn lên Đức Maria, - người đầu tiên được Đức Kitô cứu chuộc, người đã được đặc ân không hề bị lệ thuộc quyền năng của sự dữ và tội lỗi -, như là một khuôn mẫu hòantoàn và bức chân dung sống động của sự thánh thiện (xc. HT 65); sự thánh thiện mà họ được kêu gọi đạt tới trong cuộc sống, nhờ ơn thánh Chúa.
BÀI 23 : VIỆC TUYÊN BỐ TÍN ĐIỀU VÔ NHIỄM
Bài huấn giáo hôm nay giải thích nội dung của tín điều Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội, được long trọng tuyên bố do Đức Giáo hoàng Piô IX, với sắc chiếu fabiIneflis Deus, ngày 8.12.1854. Vài chi tiết của tín điều được đức Piô XII bổ túc trong thông điệp Fulgens Doctrina, nhân dịp kỷ niệm 100 năm công bố.
1.- Niềm xác tín rằng Đức Maria đã được phòng ngừa khỏi hết mọi tì vết tội lỗi ngay từ lúc thụ thai, đến nỗi có thể đáng được gọi là Đấng toàn thánh, trải qua dòng thời gian đã đâm sâu vào phụng vụ và thần học. Vào đầu thế kỷ thứ XIX, sự tiến triển đó đã gợi lên một phong trào thỉnh nguyện khi tuyên bố tín điều về đặc ân Vô nhiễm nguyên tội.
Đáp lại lời yêu cầu đó, vào giữa thế kỷ, Đức Thánh Cha Piô IX, sau khi đã tham khảo các nhà thần học, đã thỉnh ý tất cả các Giám mục về việc có nên và có thể định nghĩa tín điều hay không, ra như triệu tập một “công đồng bằng thư tín”. Kết quả thực là đầy ý nghĩa: đại đa số 604 Giám mục đã trả lời đồng ý với đề nghị.
Sau khi đã xúc tiến cuộc tham khảo rộng rãi, biểu lộ mối ưu tư của Đức Piô IX trước việc phát biểu đức tin của Hội thánh khi xác định tín điều, ngài cũng rất cẩn thận trong việc soạn thảo văn kiện.
Ủy ban thần học, do Đức Thánh Cha Piô IX thiết lập để khảo sát về chân lý mạc khải, đã dành cho sự sống đạo của Hội thánh một vai trò quan yếu. Chính tiêu chuẩn này đã ảnh hưởng tới việc phát biểu tín điều, bởi vì những biểu thức của đời sống Hội thánh, của đức tin và phụng tự của Dân Chúa, chiếm chỗ đứng đặc biệt hơn là những lý luận của kinh viện.
Sau cùng, năm 1854, Đức Piô IX, với sắc chiếu Ineffabilis, đã long trọng công bố tín điều Vô nhiễm nguyên tội như sau: “Chúng tôi long trọng tuyên bố (declaramus, pronuntiamus et definimus) rằng đây là một đạo lý được Chúa mặc khải: Trinh nữ Maria rất thánh, ngay từ lúc đầu tiên thụ thai, đã được phòng ngừa khỏi tì ố của tội nguyên tổ , nhờ ân sủng diệu kỳ và do đặc ân của Thiên Chúa toàn năng, và vì nhắm tới công trạng của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu chuộc nhân loại. Vì vậy, chân lý đó cần phải được hết mọi tín hữu tin vững chắc”.
2.- Lời công bố tín điều Vô nhiễm đã diễn tả nòng cốt của dữ kiện đức tin. Đức Giáo Hoàng Alêxandrô VII, trong sắc chiếu Sollicitudo, năm 1661, đã nói tới ơn phòng ngừa của linh hồn Đức Maria “vào lúc được dựng nên và phú bẩm vào trong thân xác”. Trái lại, định tín của Đức Piô IX không đả động gì đến cách thức phú bẩm linh hồn vào trong thân xác, và áp dụng việc được gìn giữ khỏi mọi tì ố của tội nguyên tổ cho bản thân Đức Maria, vào giây phút đầu tiên của việc thụ thai.
Việc phòng ngừa “khỏi mọi tì ố của tội nguyên tổ” cũng bao hàm một hệ quả tích cực là sự phòng ngừa khỏi hết mọi tội lỗi, và việc công bố Đức Maria thánh thiện hoàn toàn. Đạo lý được sự công bố tín điều mang lại sự đóng góp quan trọng. Thực vậy, việc diễn tả đặc ân một cách tiêu cực, - bị chi phối do những cuộc tranh luận bên Tây phương về tội nguyên tổ -, cần được bổ túc bằng việc phát biểu tích cực về sự thánh thiện của Đức Maria, được truyền thống Đông Phương nhấn mạnh rõ rệt.
Sự tuyên tín của Đức Piô IX chỉ nói tới sự gìn giữ khỏi tội nguyên tổ và không minh thị bao hàm sự gìn giữ khỏi các dục vọng. Tuy nhiên, việc Đức Maria được gìn giữ khỏi hết mọi vết nhơ tội lỗi cũng mang theo hệ luận rằng Người cũng được giữ gìn cho khỏi những dục vọng, nghĩa là những khuynh hướng vô trật tự , theo như công đồng Trentô đã nói, xuất phát từ tội lỗi và hướng chiều về tội lỗi.
3.- “Nhờ ân sủng diệu kỳ và do đặc ân của Thiên Chúa toàn năng”, sự gìn giữ khỏi tội nguyên tổ là một đặc ân của Thiên Chúa có tính cách hoàn toàn nhưng-không, mà Đức Maria đã lãnh nhận ngay từ lúc đầu tiên của sự hiện hữu.
Công thức định tín không nói rằng đây là một đặc ân độc nhất vô nhị, nhưng hiểu ngầm như vậy. Tính cách độc nhất vô nhị được khẳng định rõ rệt trong thông điệp Fulgens corona, năm1953, khi Đức Thánh Cha Piô XII nói tới “một đặc ân duy nhất không hề được ban cho một ai khác”, như vậy đã loại trừ ý kiến (tuy chẳng có nền tảng) của vài người nghĩ rằng đặc ân cũng có thể được ban cho Thánh Giuse.
Trinh nữ Maria đã lãnh nhận đặc ân Vô nhiễm nguyên tội “nhắm tới công trạng của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu chuộc nhân loại”, nghĩa là nhờ việc cứu chuộc phổ quát của Chúa Kitô.
Bản văn định tín không nói minh thị rằng Đức Maria đã được cứu chuộc; tuy vậy, sắc chiếu Ineffabilis đã khẳng định ở một chỗ khác rằng “Người đã được cứu chuộc cách vượt bực”. Đây là một chân lý diệu kỳ: Đức Kitô là kẻ cứu chuộc Thân mẫu của mình và đã tác động nơi Người một sự cứu chuộc “một cách hết sức tuyệt hảo”(Fulgens corona), ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc hiện hữu. Công đồng Vaticano II đã tuyên bố rằng Hội thánh “trầm trồ tán dương nơi Đức Maria hoa trái phúc lộc nhất của cuộc Cứu chuộc” (Hiến chế Phụng vụ số 103).
4.- Đạo lý được long trọng công bố như là “do Chúa mặc khải”. Đức Giáo Hoàng Piô IX thêm rằng chân lý đó “cần phải được hết mọi tín hữu tin vững chắc”. Do đó, những ai không chấp nhận, hoặc duy trì một ý kiến đối nghịch thì “đức tin của ho bị chìm đắm” và “đã tự tách rời khỏi sự hợp nhất công giáo”.
Khi công bố chân lý về tín điều Vô nhiễm nguyên tôi, vị tiền nhiệm của tôi đã ý thức rằng mình đang thực hiện quyền giáo huấn bất khả ngộ với tư cách là mục tử của toàn thể Hội thánh, một điều sẽ được định tín tại công đồng Vaticano I sau đó. Người đã dùng quyền giáo huấn bất khả ngộ nhằm phục vụ đức tin của toàn thể Dân Chúa. Thực là có ý nghĩa khi mà sự phục vụ thể hiện qua việc xác định một đặc ân của Đức Maria.
BÀI 24 : THÁNH THIỆN SUỐT ĐỜI
Tự nó, tín điều Vô nhiễm nguyên tội chỉ khẳng định rằng Đức Maria được phòng ngừa khỏi tì ố của tội nguyên tổ. Tuy nhiên, truyền thống Hội thánh, nhất là bên Đông phương, đã nhìn Đức Maria như Đấng “Toàn thánh” (hoàn toàn thánh thiện). Người không mắc tội riêng cũng không mắc những khiếm khuyết luân lý.
1.- Việc xác định tín điều Vô nhiễm nguyên tội chỉ nhắm trực tiếp đến lúc đầu tiên của cuộc đời Đức Maria; ngay từ lúc ấy Người đã được “phòng ngừa khỏi hết mọi tì ố của tội nguyên tổ”. Như vậy Huấn quyền của Đức Thánh Cha chỉ muốn xác định chân lý đã trở thành đối tượng của những cuộc tranh luận trải qua các thế kỷ: việc phòng ngừa khỏi tội nguyên tổ, chứ không bận tâm đến việc định nghĩa sự thánh thiện suốt đời của Đức Trinh nữ Thân mẫu của Chúa. Chân lý này đã nằm trong cảm thức chung của các Kitô hữu rồi. Cảm thức này chứng thực rằng Đức Maria không mắc tội nguyên tổ thì cũng được giữ gìn cho khỏi hết mọi tội cá nhân, và sự thánh thiện nguyên thủy đã được ban cho Người hầu làm tràn đầy trót cuộc sống của mình.
2.- Hội thánh luôn luôn nhìn nhận rằng Đức Maria thánh thiện và được thoát khỏi hết mọi tội lỗi và mọi khiếm khuyết luân lý. Công đồng Trentô bày tỏ niềm xác tín đó khi quả quyết rằng không ai “có thể tránh được, trong suốt cuộc đời, khỏi hết mọi tội lỗi dù là tội nhẹ đi nữa, nếu không do một đặc ân khác thường, như Hội thánh vẫn hiểu về Đức Thánh Trinh nữ” (DS 1573). Kể cả người Kitô hữu, dẫu đã được ơn thánh biến đổi và canh tân, vẫn còn có thể phạm tội. Thực vậy, ơn thánh không phòng ngừa khỏi hết mọi tội lỗi trong suốt đời, trừ khi nào được một đặc ân đảm bảo sự miễn trừ tội lỗi, như công đồng Trentô đã khẳng định. Điều này đã xảy ra nơi Đức Maria.
Công đồng Trentô đã không muốn định tín về đặc ân này, nhưng đã tuyên bố rằng Hội thánh “chủ trương” (tenet), nghĩa là nắm giữ, khẳng định chắc chắn. Đây là một sự lựa chọn từ ngữ nhấn mạnh đến tính cách vững chắc của đạo lý, chứ không muốn xếp vào những loạai lòng tin tưởng đạo đức hay ý kiến sốt sắng; chân lý này đã hiên diện trong niềm tin của Dân Chúa. Mặt khác, niềm thâm tín đó dựa trên ân phúc mà thiên thần nhận thấy nơi Đức Maria vào lúc Truyền tin. Khi gọi Người là “Đấng đầy ân phúc”, kekharitomênê, thiên sứ đã nhìn nhận nơi Người một phụ nữ được trang điểm bằng sự toàn hảo bền vững và sự tràn đầy thánh thiện, không có bóng dáng tội lỗi, không có khiếm khuyết về luân lý và đạo đức.
3.- Một vài giáo phụ thuộc những thế kỷ đầu tiên, khi chưa thủ đắc niềm thâm tín về sự thánh thiện toàn diện của Đức Maria, cho nên đã gán cho Người một vài sự bất toàn hay khuyết điểm. Ngay cả một vài tác giả gần đây cũng lấy lại ý kiến đó. Tuy nhiên những bản văn Phúc âm được họ trưng dẫn để bảo vệ ý kiến này không thể nào cho phép dùng làm cơ sở để khẳng định về một tội lỗi hay bất toàn luân lý ở nơi Thân mẫu Đấng cứu chuộc.
Câu trả lời của Đức Giêsu cho Thân mẫu của mình, lúc lên 12 tuổi: “Tại sao ông bà tìm tôi? Ông bà không biết rằng tôi phải lo lắng những công chuyện của Cha tôi sao?”(Lc 2,49), đôi khi đã được giải thích như là một lời trách móc kín đáo. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ bản văn hơn thì chúng ta thấy rằng Đức Giêsu đã không khiển trách bà mẹ và ông Giuse vì đã đi tìm Người, xét vì hai vị có trách nhiệm phải trông nom mình.
Khi gặp lại Đức Giêsu sau khi đã khổ cực tìm kiếm, Đức Maria chỉ muốn hỏi lý do của cách cư xử như vậy: “Con ơi, tại sao con đã làm như vậy?” (Lc 2,48). Và Đức Giêsu đã trả lời bằng việc giải thích “tại sao”, chứ không hề trách móc; Người chỉ gợi lên mầu nhiệm mình là con Thiên Chúa.
Những lời nói tại Cana: “Này bà, việc gì đến bà với tôi? Giờ tôi chưa tới” (Ga 2, 4), cũng không thể nào được giải thích như là một lời trách móc.
Đứng trước cảnh lúng túng sẽ xảy ra cho đôi tân hôn vì thiếu rượu, Đức Maria ngỏ lời với Đức Giêsu một cách đơn sơ, tỏ bày vấn đề cho Người biết. Đức Giêsu, tuy biết mình là Đấng Mêsia chỉ phải vâng theo ý của Cha, đã đón nhận lời yêu cầu của Mẹ. Nhất là Người đã đáp lại đức tin của Đức Trinh nữ, và như vậy Người đã khởi đầu những phép lạ, bày tỏ vinh quang của Người.
4.- Một vài tác giả khác cũng giải thích theo lối tiêu cực lời tuyên bố của Đức Giêsu, khi mà vào lúc bắt đầu cuộc đời công khai, Đức Maria và thân quyến muốn được gặp Người. Khi kể lại câu trả lời của Đức Giêsu đối với kẻ trình rằng: “Kìa mẹ và anh em của Thầy đứng ở ngoài và muốn gặp Thầy”, thánh sử Luca đã cho chúng ta chìa khóa để giải thích câu chuyện, nghĩa là phải đi từ tâm tình nội tại của Đức Maria, khác hẳn với những “anh em họ hàng” (xc. Ga 7,5).
Đức Giêsu trả lời: “Mẹ tôi và anh em tôi là những người lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8, 21). Thực vậy, trong trình thuật Truyền tin, ông Luca đã trình bày Đức Maria như là khuôn mẫu của viêc lắng nghe Lời Chúa và sự quảng đại tuân hành. Được giải thích trong bối cảnh đó, câu chuyện này trở thành một dịp ca ngợi Đức Maria, kẻ đã chu toàn kế hoạch của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình. Những lời của Đức Giêsu, vừa chống lại mưu toan của anh em họ hàng, vừa tán dương lòng trung thành của Đức Maria đối với ý của Chúa cũng như vẻ cao cả của Người đã làm mẹ không những về thể lý mà nhất là về tinh thần.
Khi bày tỏ sự ca ngợi một cách gián tiếp như vậy, Đức Giêsu đã sử dụng một phương pháp độc đáo: Người đã nêu bật thái độ cao quý của Đức Maria, dưới ánh sáng của những lời khẳng định mang tính cách phổ quát, và bày tỏ sự liên đới và gần gũi của Đức Trinh nữ đối với nhân loại đang tiến lên con đường khó nhọc của việc nên thánh.
Sau cùng, những lời mà Chúa Giêsu dùng để đáp lại lời của một phụ nữ khen bà mẹ của mình có phúc: “Phúc cho những người lắng nghe Lời Chúa và tuân giữ!” (Lc 11, 28), không hề nghi ngờ sự toàn thiện của Đức Maria; trái lại, muốn nêu bật việc Người trung tín chu toàn Lời của Chúa: đó là điều mà Hội thánh vốn hiểu khi dùng những lời đó vào những lễ phụng vụ kính Đức Maria.
Thực vậy, bản văn Phúc âm, qua những lời tuyên bố của Đức Giêsu , đã muốn bày tỏ lý do cao quý nhất của Đức Mẹ nằm ở chỗ kết khắng khít với Thiên Chúa và gắn bó hoàn toàn với Lời Chúa.
5.-Đặc ân mà Thiên Chúa đã ban cho Đấng “Toàn thánh” đưa chúng ta đến chỗ ca ngợi những kỳ công mà ơn thánh đã thực hiện trong cuộc đời Đức Maria.
Đặc ân đó cũng nhắc nhở chúng ta rằng Đức Maria luôn luôn thuộc về Chúa, và không có sự bất toàn nào làm sứt mẻ sự hòa hợp giữa Người với Thiên Chúa.
Do đó, cuộc sống dương thế của Người được đánh dấu bằng việc tiến triển không ngừng về đức tin, cậy và mến. Vì vậy, đối với các tín hữu, Đức Maria là dấu hiệu sáng ngời của lòng Chúa khoan dung và là kẻ hướng dẫn chắc chắn tiến tới những đỉnh cao của sự trọn lành Phúc âm và sự thánh thiện[1].
[1] Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã trình bày cả hai khía cạnh: tiêu cực, Đức Maria không mắc tì ố tội lỗi (số 488-493); tích cực, Người là Đấng Toàn thánh (số 721-726; 2767). Đức Maria được vô nhiễm nhờ ơn thánh gìn giữ khỏi tội lỗi, và trở thành lý do để chúng ta tin tưởng vào quyền năng của ơn thánh gìn giữ chúng ta khỏi phạm tội (số 2853-2854). Nơi Đấng Toàn thánh, chúng ta chiêm ngưỡng lý tưởng thánh thiện (số 829; 967).
BÀI 25-28
BÀI 25 : KẺ ĐÃ TIN
Sau khi đã dừng lại ở những lời “Đầy ơn phước” để trình bày tín điều Vô nhiễm nguyên tội, Đức Thánh Cha tiếp tục phân tích trình thuật Truyền tin. Khi đối chiếu cảnh Truyền tin cho ông Giacaria và cảnh Truyền tin cho Đức Maria, ta thấy nổi bật đức tin của Trinh nữ Nazarét. Người đã tin vào quyền năng Thiên Chúa có thể thực hiện một điều chưa hề xảy ra trong lịch sử: trinh nữ làm mẹ.
1.- Trong trình thuật Phúc âm về cuộc đi Thăm viếng, bà Elisabet “tràn đầy Chúa Thánh Thần”, khi tiếp đón bà Maria, đã thốt lên: “Phúc cho người đã tin vào sự hoàn tất những lời của Chúa” (Lc 1, 45). Chân phúc này, xuất hiện lần đầu tiên ở trong Phúc âm Luca, đã trình bày Đức Maria như là kẻ nhờ đức tin của mình đã dẫn đầu Hội thánh trong việc thực hành tinh thần các mối phúc thật.
Lời ca ngợi mà bà Elisabet dành đức tin của Đức Maria còn được củng cố khi đối chiếu với cảnh thiên thần truyền tin cho ông Giacaria. Nếu chỉ đọc lướt qua bản văn thì chúng ta thấy những lời đáp của ông Giacaria và của Đức Maria với lời loan báo của sứ thần giống y như nhau. Ông Giacaria nói rằng: “Làm sao tôi có thể biết được điều đó? Tôi đã già và vợ tôi đã cao niên”. Còn Đức Maria thì nói: “Điều đó sẽ xảy ra như thế nào? Tôi không biết người nam”(Lc 1, 18.34). Tuy nhiên, sự khác biệt sâu xa giữa thái độ của hai nhân vật đã được vạch lên qua những lời của sứ thần. Vị này đã khiển trách ông Giacaria vì thiếu lòng tin, còn đối với vấn nạn của đức Maria thì thiên sứ tìm cách giải thích. Khác với người chồng của bà Elisabet, Đức Maria đã hoàn toàn thuận nhận chương trình của Thiên Chúa, không đặt điều kiện cho sự chấp thuận là Chúa phải ban một dấu lạ hữu hình.
Khi thiên thần đưa ra đề nghị làm mẹ, Đức Maria trình bày ý định giữ mình đồng trinh. Tuy vẫn tin rằng lời loan báo có thể thực hiện được, nhưng Đức Maria đã hỏi thiên sứ về cách thức của cuộc thực hiện đó, ngõ hầu mình có thể thi hành ý Chúa một cách hoàn hảo hơn, như thánh Augustinô đã chú giải: “Đức Maria tìm hiểu cách thức, chứ Người không nghi ngờ về sự toàn năng của Thiên Chúa “(Bài giảng số 291).
2.- Kể cả khung cảnh diễn ra hai cuộc truyền tin cũng góp phần vào việc tán dương đức tin của Đức Maria. Trong bài trình thuật của Luca, chúng ta thấy khung cảnh thật là thuận lợi đối với ông Giacaria, nhưng lời đáp của ông thì lại hoàn toàn bất xứng. Ông đã nhận được lời truyền tin của sứ thần trong đền thánh Giêrusalem, tại bàn thờ trước mặt “Đấng cực thánh”(xc Xh 30, 6-8); thiên sứ hiện ra đang khi ông tiến hương, nghĩa là đang khi thực hiện chức vụ tư tế, vào một giây phút nghiêm trọng của cuộc đời; ý định của Thiên Chúa đã được thông đạt cho ông qua một thị kiến. Những hoàn cảnh ấy giúp cho việc hiểu biết sứ điệp của Thiên Chúa một cách chính xác hơn và tạo lý do để thúc giục ông mau mắn đón nhận sứ điệp.
Đối lại, việc truyền tin cho Đức Maria xảy ra trong một khung cảnh giản dị bình thường, không có những yếu tố linh thiêng ở bên ngoài kiểu như ông Giacaria. Thánh sử Luca không có chỉ rõ địa điểm chính xác diễn ra cuộc Truyền tin việc sinh hạ Đấng Cứu thế: ông chỉ nói rằng Đức Maria đang ở Nazaret, một làng tầm thường, không có dấu gì xứng hợp với biến cố trọng đại đó. Ngoài ra, thánh sử không đặt nặng thời khắc mà thiên sứ hiện ra, bởi vì ông không có xác định khung cảnh lịch sử của nó. Trong cuộc tiếp xúc với thiên sứ, mọi chú ý đều dồn vào nội dung của những lời nói của thiên sứ, và đòi hỏi nơi Đức Maria sự chú ý lắng nghe và một đức tin tinh tuyền.
Nhận xét này cho phép chúng ta trân trọng đức tin cao cả của Đức Maria, nhất là khi chúng ta đối chiếu với khuynh hướng của con người xưa nay đòi hỏi phải có những dấu hiệu khả giác thì mới tin. Ngược lại, việc chấp thuận ý Chúa của Đức Trinh nữ chỉ dựa trên lòng kính mến Thiên Chúa mà thôi.
3.- Đức Maria đã được yêu cầu chấp thuận một chân lý cao siêu hơn là điều được loan báo cho ông Giacaria.
Ông Giacaria được mời gọi hãy tin vào một cuộc sinh ra lạ lùng sẽ được thực hiện ở giữa một đôi hôn nhân son sẻ, mà Thiên Chúa muốn cho nó được phong nhiêu: sự can thiệp này đã từng xảy ra nơi một vài phụ nữ Cựu ước, như là bà Sara (St 17, 15-21; 18, 10-14), bà Raken (St 30, 22), bà mẹ ông Samson (Tl 13, 1-7), bà Anna mẹ của ông Samuel (1Sm 1, 11-20). Những chuyện ấy đều làm nổi bật hồng ân ban không của Thiên Chúa.
Còn Đức Maria thì được mời gọi hãy tin vào việc làm mẹ đồng trinh, điều chưa hề có tiền lệ trong Cựu ước. Thực ra sấm ngôn của ông Isaia: “Này đây trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con trai đặt tên là Emmanuel” (7,14), tuy không loại trừ viễn ảnh đó nhưng nó chỉ được giải thích một cách rõ rệt theo chiều hướng này sau khi Đức Kitô đã đến, và dưới ánh sáng của mặc khải Tin mừng.
Đức Maria được yêu cầu chấp nhận một chân lý chưa hề nghe biết trong lịch sử trước đó. Người đã đón nhận với một tinh thần đơn sơ và táo bạo. Với câu hỏi: “Điều này sẽ diễn ra như thế nào?”, Người bày tỏ sự tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa dung hợp sự đồng trinh với chức làm mẹ khác thường và độc nhất.
Khi đáp: “Chúa Thánh Thần sẽ đáp xuống trên chị, quyền năng của Đấng tối cao sẽ phủ rợp bóng trên chị”(Lc 1, 35), thiên sứ đã cống hiến một giải pháp khôn lường của Thiên Chúa đối lại với câu hỏi mà Đức Maria đã nêu lên. Sự trinh khiết, xem như là một trở ngại, thì đã trở nên một khung cảnh cụ thể qua đó Chúa Thánh Thần sẽ tác động việc thụ thai Con Thiên Chúa nhập thể ở nơi Người. Lời đáp của thiên sứ mở cho Trinh nữ một con đường hợp tác với Chúa Thánh Thần vào việc sinh Đức Giêsu.
4.- Kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện nhờ sự cộng tác tự do về phía con người. Nhờ tin vào lời của Chúa, Đức Maria đã hợp tác vào việc hoàn tất chức làm mẹ được thiên sứ loan báo.
Các giáo phụ thường nhấn mạnh khía cạnh này trong việc thụ thai trinh khiết Đức Giêsu. Nhất là thánh Augustinô, khi chú giải Phúc âm về việc Truyền tin, đã nói như sau: “thiên sứ truyền tin, Trinh nữ lắng nghe, tin và chịu thai” (Bài giảng 13 lễ Giáng sinh). Ông còn thêm: “Đức Kitô đã được tin và thụ thai nhờ đức tin. Trước hết đức tin đã đến trái tim của Trinh nữ, rồi sau đó sự phong nhiêu mới tới lòng dạ của bà Mẹ” (Bài giảng 213).
Đức tin của Đức Maria nhắc lại đức tin của ông Abraham, Người mà vào lúc bình minh của Cựu ước đã tin vào Thiên Chúa và trở thành thủy tổ của một dòng dõi đông đúc (xc. St 15, 6; Thân mẫu Đấng Cứu thế số 14). Vào lúc khai nguyên giao ước mới, Đức Maria nhờ lòng tin của mình cũng đã gây ảnh hưởng quyết liệt đến việc thực hiện mầu nhiệm Nhập thể, khởi nguyên và tóm lược tất cả sứ mạng cứu chuộc của Đức Giêsu .
Mối quan hệ chặt chẽ giữa đức tin và sự cứu rỗi, được Đức Giêsu nhiều lần đề cập tới trong cuộc đời công khai (xc. Mc 5,34; 10,52; v.v..), cũng giúp cho chúng ta hiểu được vai trò quan trọng mà đức tin của Đức Maria đã và đang tác dụng đối với ơn cứu rỗi của nhân loại.
BÀI 26 : CHÂN LÝ ĐỨC TIN VỀ SỰ TRINH KHIẾT CỦA ĐỨC MARIA
Trong trình thuật về việc Truyền tin, thánh Luca gọi đức Maria là “Trinh nữ”., tạo nên cơ hội để trình bày đức tin Hội thánh về sự trinh khiết của Mẹ Maria (từ bài 26 đến bài 31). Lần này, Đức Thánh Cha khảo sát sự khẳng định chân lý này trong Kinh thánh (bốn Phúc âm và thánh Phaolô), và Thánh truyền (các giáo phụ, các Công đồng chung, các giáo hoàng).
1.- Đón nhận và đào sâu chứng tá của các Phúc âm theo Luca, Matthêu, và có lẽ của Gioan, Hội thánh luôn luôn chủ trương rằng sự trinh khiết[1] của Đức Maria là một chân lý đức tin.
Trong trình thuật về sự Truyền tin, thánh sử Luca đã gọi Đức Maria là “trinh nữ”, vừa muốn nói lên chủ tâm duy trì sự trinh khiết vừa muốn nói lên chương trình của Thiên Chúa dung hợp cách lạ lùng giữa điều dốc tâm đó với chức làm mẹ. Lời khẳng định về sự thụ thai[2] đồng trinh do tác đông của Chúa Thánh Thần đã loại bỏ hết mọi giả thuyết sinh sản đơn tính (partenogenesis) tự nhiên, hoặc những giải thích theo chiều hướng khai triển một chủ đề Do thái hoặc bắt nguồn từ một huyền thoại ngoại giáo.
Cấu trúc của bản văn Luca (xc. Lc 1, 26-38; 2, 19.51) đi ngược với những lối giải thích giảm thiểu. Bố cục chặt chẽ của nó cắt xén những từ ngữ hoặc lối nói khẳng định việc thụ thai trinh khiết do tác động của Chúa Thánh Thần.
2.- Thánh sử Matthêu, khi thuật lại việc thiên sứ truyền tin cho ông Giuse, cũng khẳng định giống ông Luca về việc thụ thai do “Chúa Thánh Thần” (Mt 1, 20), loại trừ những quan hệ vợ chồng.
Ngoài ra, việc sinh hạ trinh khiết của Chúa Giêsu được thông báo cho ông Giuse ở giai đoạn hai: thiên sứ không đến yêu cầu ông thỏa thuận trước khi việc thụ thai Con của bà Maria xảy ra, bởi vì nó là hậu quả của tác động siêu nhiên của Chúa Thánh Thần và do sự hợp tác của bà mẹ mà thôi. Ông Giuse chỉ được yêu cầu hãy tự do chấp nhận vai trò của mình làm bạn của Trinh nữ và vai trò làm cha đối với Hài nhi.
Thánh Matthêu đã trình bày nguồn gốc trinh khiết của Chúa Giêsu như là ứng nghiệm lời tiên tri của Isaia: “Này đây, trinh nữ thụ thai và sinh một người con được đặt tên là Emmanuel, có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1, 23; xc Is 7,14). Như vậy ông Matthêu đưa chúng ta tới kết luận rằng việc thụ thai trinh khiết đã là một đối tượng suy tư của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi; họ nhận thấy sự kiện phù hợp với chương trình cứu độ của Chúa và việc liên kết với căn tính Đức Giêsu, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
3.- Khác với Luca và Matthêu, Phúc âm thánh Marcô không nói tới việc thụ thai và ra đời của Chúa Giêsu. Tuy vậy, nên lưu ý là ông Marcô không hề nhắc tới ông Giuse, chồng của bà Maria. Dân cư Nazaret gọi Đức Giêsu là “con của bà Maria”, hoặc trong một khung cảnh khác, “Con Thiên Chúa” (3,11; 5,7; xc. 1, 1.11; 9, 7; 14, 61-62; 15, 39). Những dữ kiện này phù hợp với đức tin vào mầu nhiệm Đức Giêsu đã được sinh ra cách trinh khiết.
Chân lý này, dựa theo một sự khám phá gần đây của môn chú giải, xem ra cũng được chứa đựng trong chương 13 của Lời tựa Phúc âm thánh Gioan. Một vài tác giả uy tín thời xưa (thí dụ ông Irênêô và ông Tertulianô) đã trình bày bản văn không phải là ở số nhiều, nhưng là ở số ít: “Người được sinh ra, không phải do máu huyết, cũng không phải do ước muốn của nhục thể, cũng không phải là do ước muốn của người nam, nhưng do bởi Thiên Chúa”.
Sự diễn tả ở số ít sẽ xếp Lời tựa của thánh Gioan vào số những chứng tá quan trọng nhất về việc sinh hạ trinh khiết của Chúa Giêsu, được lồng trong khung cảnh của Mầu nhiệm nhập thể.
Lời khẳng định tương phản của thánh Phaolô: “Khi thời gian tới thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của mình, sinh bởi một phụ nữ… ngõ hầu chúng ta lãnh nhận ơn dưỡng tử” (Gl 4, 4-5), cũng mở đường cho câu hỏi về thân thế của người Con và vì thế cũng đặt vấn đề về việc sinh hạ trinh khiết.
Chứng tá đồng nhất của các Phúc âm cho thấy niềm tin vào việc thụ thai trinh khiết của Chúa Giêsu đã được đâm rễ sâu trong những bối cảnh khác nhau của Hội thánh nguyên thủy. Điều này cho thấy một vài lối giải thích gần đây là thiếu cơ sở vững chắc. Có ý kiến cho rằng việc thụ thai trinh khiết chỉ có ý nghĩa bóng, như là một biểu tượng nhằm diễn tả Đức Giêsu là hồng ân của Thiên Chúa ban cho nhân loại. Một ý kiến khác cho rằng trình thuật về sự trinh khiết thụ thai chỉ là một theologoumenon, (nghĩa là một thể thức diễn tả đạo lý về Đức Giêsu là con Thiên Chúa), hoặc chỉ là một huyền thoại.
Như chúng ta đã thấy, các Phúc âm chứa đựng sự khẳng định minh thị về một sự thụ thai trinh khiết theo nghĩa sinh lý, do quyền năng của Chúa Thánh Thần; chân lý này đã được Hội thánh chấp nhận ngay từ những công thức đức tin tiên khởi (xc GLCG số 496).
4.- Đức tin mà Phúc âm phát biểu đã được truyền thống kế tiếp củng cố không ngừng. Các công thức đức tin của các văn gia đầu tiên của Kitô giáo đều giả thiết việc khẳng định Chúa Giêsu được sinh ra một cách trinh khiết: các ông Aristiđê, Giustinô, Irênêô, Tertulianô đều hợp ý với thánh Inhaxiô Antiôkia để tuyên xưng rằng Đức Giêsu “thực sự sinh ra bởi một trinh nữ”(Thư gởi giáo đoàn Smyrna 1, 2).
Những tác giả này muốn nói tới một cuộc sinh hạ trinh khiết của Chúa Giêsu theo nghĩa thực tế và lịch sử, chứ họ không chỉ nói tới một sự trinh khiết về luân lý hoặc là một hồng ân gì đó được phát hiện vào lúc Hài nhi sinh ra.
Những lần định tín trang trọng của các Công đồng chung hoặc của Huấn quyền Giáo hoàng, tiếp theo những công thức đức tin ngắn gọn của thời nguyên thủy, đều hòa hợp với chân lý vừa nói. Công đồng Calxêđônia (năm 451), trong bản tuyên xưng đức tin được soạn thảo với những từ ngữ được cân nhắc kỹ lưỡng, đã khẳng định rằng Đức Kitô “đã được sinh ra … theo nhân tính, vào những ngày này, vì chúng ta và vì phần rỗi của chúng ta, bởi Đức Trinh nữ Maria, Thân mẫu Thiên Chúa”. Một cách tương tự, công đồng Constantinôpôlis III (năm 681) tuyên xưng rằng Đức Giêsu “đã được sinh ra … về nhân tính, do Chúa Thánh Thần và do Đức Trinh nữ Maria, Đấng đáng được gọi đúng lý là Thân mẫu Thiên Chúa”. Các Công đồng chung khác (Constantinôpôlis II, Latêranô IV và Lyon II) đều tuyên bố rằng Đức Maria “trọn đời đồng trinh”, như vậy nhấn mạnh tới sự trinh khiết trọn đời. Những lời tuyên bố trên đây được công đồng Vaticanô II lặp lại, và nêu bật rằng Đức Maria “nhờ lòng tin và vâng phục…đã sinh ra Con của Chúa Cha trên mặt đất này, không biết đến người nam, nhưng dưới bóng rợp của Chúa Thánh Thần”(HT 63).
Bên cạnh các lời định tín của các Công đồng còn phải thêm những lời định tín của các Đức Giáo Hoàng, liên quan tới tín điều Vô nhiễm nguyên tội của “Trinh nữ Maria chí thánh” và tín điều về sự lên trời của “Đức Vô nhiễm Thân mẫu Thiên Chúa trọn đời đồng trinh”.
5.- Mặc dù những lời xác quyết của Huấn quyền, - ngoại trừ công đồng Latêranô năm 649 do ý muốn của Đức Giáo Hoàng Martinô I -, đã không xác định ý nghĩa của từ “trinh khiết”, nhưng đã rõ là nó được hiểu theo nghĩa thông thường: nghĩa là kiêng tránh những hành vi tự ý của quan hệ tính dục và bảo toàn sự nguyên vẹn của thân thể. Dù sao, sự tinh tuyền thể lý được coi như là một điều thiết yếu của chân lý đức tin về sự thụ thai trinh khiết của Chúa Giêsu (xc. GLCG số 496).
Việc gọi Đức Maria là “Thánh thiện, trọn đời đồng trinh, vô nhiễm” gợi lên sự chú ý tới mối liên kết giữa sự thánh thiện và sự trinh khiết. Đức Maria đã muốn sống trinh khiết bởi vì Người được thôi thúc bởi ước muốn dâng hết trọn con tim cho Thiên Chúa.
Diễn ngữ được dùng vào dịp tuyên bố tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời, “Đức Vô nhiễm Thân mẫu Thiên Chúa, trọn đời đồng trinh” gợi lên ý tưởng về mối liên hệ giữa sự trinh khiết và chức làm mẹ của Đức Maria: cả hai đặc tính đều được kết hiệp một cách lạ lùng trong việc sinh hạ Đức Giêsu, Thiên Chúa thật và người thật. Vì thế sự trinh khiết của Đức Maria được liên kết với chức làm Mẹ Thiên Chúa và với sự thánh thiện hoàn toàn.
BÀI 27 : QUYẾT TÂM GIỮ MÌNH TRINH KHIẾT
Qua cuộc đối đáp với thiên sứ, chúng ta được biết là Đức Maria không những đang còn trinh mà còn có ý giữ mình trinh khiết. Trong xã hội Do thái, sự trinh khiết không phải là một lý tưởng cao thượng. Quyết định của Đức Maria chắc là không tùy thuộc vào xã hội đương thời cho bằng tuân theo một đặc sủng của Thánh thần. Dù sao, quyết tâm giữ mình đồng trinh vừa biểu lộ lòng yêu mến Chúa, vừa diễn tả tâm tình của “nhóm nghèo của Chúa”, đặt trọn niềm tin tưởng nơi Ngài.
1.- Khi thiên sứ báo tin sự thụ thai và sinh hạ Đức Giêsu, Đức Maria đặt câu hỏi: “Điều đó sẽ xảy ra như thế nào? Tôi không biết người nam”(Lc 1, 34). Câu hỏi đó xem ra kỳ dị nếu như chúng ta nghĩ tới những trình thuật Kinh thánh về việc loan báo một sự sinh hạ lạ thường do một người phụ nữ son sẻ. Trong những trường hợp này, họ là những phụ nữ đã có chồng, nhưng lâm cảnh hiếm muộn, và Thiên Chúa đã ban cho họ một đứa con qua đời sống vợ chồng thường tình (xc. 1Sm 1, 19-20), đáp lại lời khẩn nài thống thiết của họ (xc. St 15, 2; 30, 22-23; 1Sm 1, 10; Lc 1, 13).
Hoàn cảnh của Đức Maria vào lúc đón nhận lời loan báo của sứ thần thì khác hẳn. Người không phải là một phụ nữ đã kết bạn và gặp son sẻ; do một quyết định tự do, Người đã muốn giữ mình trinh khiết. Bởi đó, quyết định giữ mình trinh khiết, hoa quả của lòng mến Chúa xem ra là một trở ngại cho việc làm mẹ theo như được thiên thần báo tin.
Thoạt tiên những lời của Đức Maria xem ra chỉ diễn tả tình trạng hiện tại của sự trinh khiết: ra như Đức Maria chỉ nói rằng “không biết” người nam, nghĩa là còn trinh khiết.
Tuy nhiên, mạch văn mà Đức Maria đặt lên câu hỏi “ điều đó sẽ xảy như thế nào?” và lời khẳng định tiếp đó “tôi không biết người nam” làm nổi bật vừa sự trinh khiết hiện tại của Đức Maria, vừa quyết tâm muốn giữ mình trinh khiết. Lời lẽ mà Đức Maria đã sử dụng, với thể động từ ở hiện tại, cho thấy rằng đây là một tình trạng thường xuyên và liên tục.
2.- Khi trình bày vấn nạn, Đức Maria không hề muốn chống lại dự án của Thiên Chúa, trái lại Người đã bày tỏ ý định sẽ thuận theo hoàn toàn.
Mặt khác, thiếu nữ Nazaret vốn sống hòa hợp với ý muốn của Chúa, và Người đã chọn cuộc sống trinh khiết nhằm làm đẹp lòng Chúa. Thực vậy, quyết định giữ mình trinh khiết chuẩn bị cho tâm hồn Người đón nhận ý muốn của Chúa với tất cả bản ngã nữ tính của mình, và qua sự đáp trả bằng đức tin, Người đã bày tỏ sự hợp tác hoàn toàn với ơn thánh Chúa, - ơn thánh chuẩn bị và nâng đỡ- , cũng như hoàn toàn ngoan ngoãn cho Chúa Thánh Thần tác động (Thân mẫu Đấng Cứu Thế số13).
Đối với một vài người, những lời nói và ý định của Đức Maria xem ra không thể tin được, bởi vì trong khung cảnh xã hội Do thái thời đó, sự trinh khiết không phải là một giá trị cũng như không phải là một lý tưởng đáng theo đuổi. Các bản văn Cựu ước đã chứng minh điều đó qua một vài sự tích. Trong sách Thủ lãnh chẳng hạn, người ta kể rằng cô gái của ông Giéptê, khi phải đương đầu với sự chết lúc chưa có chồng, thì đã khóc than vì sự trinh khiết của mình, nghĩa là cô đã than khóc vì không có thể kết hôn (Tl 11, 38).
Ngoài ra, việc kết hôn, do một lệnh truyền của Chúa: “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều” (St 1,28) , được coi như là thiên chức tự nhiên của người phụ nữ, mang theo những vui mừng và những đau khổ của chức phận làm mẹ.
3.- Để có thể hiểu được bối cảnh trong đó quyết định của Đức Maria được chín mùi, thì cần lưu ý rằng vào thời đại kề sát kỷ nguyên Kitô giáo, trong một vài giới Do thái người ta đã bắt đầu nảy ra một định hướng tích cực đối với sự trinh khiết. Chẳng hạn như nhóm Essênô, mà người ta đã khám phá ra nhiều văn bản ở Qumran, họ đã sống độc thân hoặc hạn chế việc sử dụng hôn nhân, vì muốn giữ đời sống chung và đi tìm sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa.
Ngoài ra, bên Ai cập, đã có một cộng đoàn phụ nữ, - có liên lạc với linh đạo của nhóm Essênô -, họ cũng giữ mình khiết tịnh. Những phụ nữ đó, gọi là Térapéutê, thuộc giáo phái được ông Philô Alexanđria kể lại (De vita contemplativa, 21-90), dành hết tâm lực vào việc chiêm ngắm và truy tầm sự khôn ngoan.
Không chắc gì Đức Maria đã được thông tin về những nhóm tôn giáo Do thái đã theo đuổi lý tưởng độc thân và trinh khiết như vậy. Nhưng sự kiện ông Gioan Tẩy giả có lẽ đã sống đời độc thân, và sự độc thân đã được đánh giá cao trong cộng đoàn các môn đệ của ông, điều này có thể giả thiết rằng lòng quyết tâm trinh khiết của Đức Maria được lồng trong một khung cảnh mới về tôn giáo và văn hóa.
4.- Tuy nhiên, hoàn cảnh khác thường của Đức Trinh nữ Nazaret không nên để cho chúng ta rơi vào chỗ sai lầm là hoàn toàn gắn liền những tâm tình của Người với não trạng thời đại, xóa bỏ tính cách độc nhất của mầu nhiệm diễn ra nơi Người. Cách riêng, chúng ta không được quên rằng Đức Maria, ngay từ lúc khởi nguyên của cuộc sống, đã lãnh nhận một ân huệ phi thường mà thiên sứ đã nhìn nhận vào lúc Truyền tin. “Được đầy ơn phúc”(Lc 1, 28), Đức Maria đã được trau dồi với sự thánh thiện trọn hảo khởi đầu từ lúc đầu tiên của cuộc sống, theo như Hội thánh đã giải thích: đặc ân duy nhất của việc Vô nhiễm nguyên tội đã gây tác dụng trên toàn thể sự phát triển đời sống thiêng liêng của thiếu nữ Nazaret.
Vì thế cần phải nói rằng Đức Maria đã được hướng dẫn tới lý tưởng trinh khiết nhờ một sự linh ứng khác thường mà Chúa Thánh Thần, trong dòng lịch sử của Hội thánh, sẽ gợi lên nơi nhiều phụ nữ trên con đường tận hiến trinh khiết.
Sự hiện diện đặc biệt của ơn thánh trong cuộc đời Đức Maria đưa chúng ta đến kết luận rằng Người đã cam kết giữ mình trinh khiết. Được đầy tràn những ân huệ Thiên Chúa ngay từ lúc bắt đầu cuộc sống, Người đã hướng tới sự dâng hiến toàn thể con người - cả hồn và xác- cho Thiên Chúa qua một cuộc hiến dâng trinh khiết.
Ngoài ra, lòng khao khát đời sống trinh khiết còn hòa hợp với sự “khó nghèo” trước mặt Thiên Chúa mà Cựu ước đã gán cho một giá trị lớn lao. Khi dấn thân vào con đường này, Đức Maria đã khước từ chức làm mẹ, được coi như là sự phong phú tự nhiên của người phụ nữ, rất được quý trọng ở Israel. Như vậy “Đức Maria đã trổi vượt trên hết mọi người và trong những người nghèo của Thiên Chúa, những kẻ đã tin tưởng trông chờ và đã lãnh nhận ơn cứu độ nơi Người”(HT 55). Tuy nhiên, khi trình diện trước mặt Thiên Chúa như là người nghèo và chỉ nhằm tới sự phong nhiêu tinh thần, hoa quả của lòng mến Chúa,vào lúc Truyền tin, Đức Maria đã khám phá rằng sự khó nghèo của mình đã được Thiên Chúa biến đổi thành sự giàu sang: Người sẽ trở thành người mẹ trinh khiết của Con Đấng tối cao. Sau này, Người sẽ khám phá ra rằng chức làm mẹ của mình sẽ được mở rộng ra cho tới hết mọi người mà Con mình đã đến để cứu rỗi (xc. GLCG số 501).
BÀI 28 : Ý NGHĨA VIỆC THỤ THAI TRINH KHIẾT
Bài huấn giáo hôm nay tìm hiểu ý nghĩa của mầu nhiệm thụ thai trinh khiết trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. (1) Mầu nhiệm này làm nổi bật chân lý về Đức Giêsu là Con Thiên Chúa: Đức Giêsu chỉ có một cha, Cha hằng hữu xét về thiên tính cũng là Cha xét về nhân tính. (2) Mầu nhiệm này cũng nêu cao vai trò của Thánh thần trong việc Nhập thể: Thánh thần “trao ban” Lời Chúa cho nhân loại, liên kết thiên tính với nhân tính của Đức Giêsu, khởi đầu của cuộc tạo dựng mới, khi con người được mời vào chia sẻ sự sống thần linh.
1.- Trong chương trình cứu rỗi, Thiên Chúa đã muốn cho Con Một của Người sinh bởi một trinh nữ. Quyết định của Thiên Chúa đòi hỏi một tương quan chặt chẽ giữa sự trinh khiết của Đức Maria và mầu nhiệm Nhập thể của Ngôi Lời. “Khi đối chiếu với toàn bộ mạc khải, cái nhìn đức tin có thể khám phá ra những lý do huyền nhiệm mà Thiên Chúa, - trong kế hoạch cứu rỗi - đã muốn cho Con của Người sinh bởi một trinh nữ. Những lý do này liên quan vừa tới bản thân và sứ mạng cứu chuộc của Đức Kitô, vừa về phía Đức Maria chấp nhận sứ mạng ấy nhắm tới toàn thể nhân loại” (GLCG số 502).
Việc thụ thai trinh khiết, khi loại bỏ một người cha về phía loài người, khẳng định rằng người cha duy nhất của Đức Giêsu là Chúa Cha trên trời và việc sinh hạ của Con trong thời gian phản ánh lại việc sinh hạ Người từ thuở đời đời: Chúa Cha, Đấng đã sinh Chúa Con từ thuở đời đời, thì cũng sinh trong thời gian như là con người.
2.- Trình thuật Truyền tin làm nổi bật bản tính là “Con Thiên Chúa”, do hậu quả của sự can thiệp của Thiên Chúa vào việc thụ thai: “Chúa Thánh Thần sẽ xuống trên chị, quyền năng Đấng Tối cao sẽ rợp bóng trên chị. Đấng bởi chị sinh ra sẽ là thánh và được gọi là Con Thiên Chúa “ (Lc 1, 35).
Đấng sinh bởi Đức Maria đã là Con Thiên Chúa, do việc sinh hạ từ đời đời. Việc sinh hạ trinh khiết do sự can thiệp của Đấng Tối cao chứng tỏ rằng Đức Giêsu cũng là Con Thiên Chúa, dù khi xét như là con người.
Việc mặc khải sự sinh hạ đời đời trong sự sinh hạ trinh khiết cũng được gợi lên qua những lời lẽ chứa đựng trong bài tựa của Phúc âm thánh Gioan, khi nối kết việc tỏ mình của Thiên Chúa vô hình, nhờ tác động của “Con Một ở cung lòng Chúa Cha”(1, 18), với việc Người đến thế gian: “Ngôi Lời trở nên người phàm và đến cư ngụ giữa chúng ta; và chúng ta đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang như là của Con Một bởi Chúa Cha, đầy tràn ân sủng và chân lý (1, 14).
Khi thuật lại cuộc sinh hạ của Đức Giêsu, hai thánh sử Luca và Mátthêu cũng khẳng định vai trò của Thánh Thần. Thánh Thần không phải là cha của Hài nhi: Đức Giêsu chỉ là Con của Chúa Cha hằng cửu mà thôi (Lc 1, 32-35); Chúa Cha, qua trung gian của Thánh Thần, đã tác động trong thế giới và sinh ra Ngôi Lời xét về bản tính loài người.
Thực vậy, trong khi Truyền tin, thiên sứ đã gọi Thánh Thần là “quyền năng của Đấng Tối cao” (Lc 1, 35), phù hợp với Cựu ước, trình bày Thánh Thần như là sinh lực thiên linh tác động trong cuộc sống con người, khiến cho con người có khả năng làm những hoạt động kỳ diệu. Quyền năng này, - vốn dĩ là Tình yêu ở trong nội tại của Ba ngôi Thiên Chúa- khi tỏ hiện ở mức tuyệt đỉnh trong mầu nhiệm Nhập thể, có chức năng là ban Ngôi Lời Nhập thể cho nhân loại.
3.- Cách riêng, Thánh Thần là Ngôi vị thông ban những kho tàng thiên linh cho con người, và chia sẻ với con người sự sống của Chúa. Thánh Thần, Đấng là sự kết hợp giữa Chúa Cha và Chúa Con trong mầu nhiệm Ba Ngôi, khi thực hiện việc sinh hạ trinh khiết của Đức Giêsu thì cũng liên kết con người với Thiên Chúa.
Mầu nhiệm Nhập thể cũng làm nêu bật vẻ cao sang vô lường của chức phận làm mẹ trinh khiết của Đức Maria: việc thụ thai Đức Giêsu là kết quả của việc Người hợp tác quảng đại với tác động của Thánh Thần tình yêu, nguồn mạch của mọi sự phong nhiêu.
Do đó, trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, sự thụ thai trinh khiết là một cuộc loan báo cuộc tạo dựng mới: nhờ tác động của Thánh Thần, Đức Maria sinh ra Đấng sẽ là con người mới. Như sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã khẳng định “Đức Giêsu đã được thụ thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần trong cung lòng trinh nữ Maria, bởi vì Người là ông Ađam mới khai trương một cuộc tạo dựng mới”(số 504).
Trong mầu nhiệm của cuộc tạo dựng mới này vai trò của chức làm mẹ trinh khiết của Đức Maria tỏa ngời đặc biệt. Khi gọi Đức Kitô là “Trưởng tử của Đức Trinh nữ” thánh Irênêô nhắc nhở rằng, sau Đức Giêsu, còn nhiều người khác cũng được sinh bởi Đức Trinh nữ, theo nghĩa là họ đã nhận được sự sống mới của Đức Kitô. “Đức Giêsu là Con một của Đức Maria. Nhưng mà chức làm mẹ thiêng liêng của Đức Maria mở rộng cho hết mọi người mà Đức Kitô đã đến để cứu chuộc: Đức Maria đã sinh ra một người Con mà Thiên Chúa đã đặt làm ‘trưởng nam của số đông anh em’ (Rm 8, 29), nghĩa là của các tín hữu mà Đức Maria đã cộng tác vào việc sinh hạ và đào tạo với một tình yêu hiền mẫu” (GLCG số 501).
4.- Sự thông ban đời sống mới cũng là sự thông ban ơn làm con Thiên Chúa. Ở đây chúng ta có thể nhớ lại viễn ảnh mà thánh Gioan đã mở ra trong lời tự của Phúc âm: Đấng được Thiên Chúa sinh ra thì đã ban cho những tín hữu quyền được trở thành con cái của Thiên Chúa (xc. Ga 1, 12.13). Sự sinh hạ trinh khiết kéo dài tình phụ tử của Thiên Chúa: con người trở thành dưỡng tử của Thiên Chúa trong Đấng là Con của Đức Trinh nữ và của Chúa Cha.
Việc chiêm ngắm mầu nhiệm cuộc sinh hạ trinh khiết cho chúng ta nhận thấy rằng Thiên Chúa đã chọn cho Con mình một người Mẹ đồng trinh, để ban cho nhân loại cách rộng rãi tình Cha của Ngài.
________________________________________
[1] “Virgo” được dịch là “trinh khiết”, hoặc “đồng trinh”.
[2] Trong bài này, sự “thụ thai trinh khiết” được hiểu về việc Đức Maria mang thai và sinh Đức Giêsu mà vẫn còn đồng trinh; khác với việc Đức Maria “thụ thai vô nhiễm”, được hiểu về việc Người được phòng ngừa khỏi mọi tì ố tội lỗi ngay từ lúc “thụ thai” (trong lòng bà thánh Anna), nghĩa là từ lúc bắt đầu hiện hữu.
BÀI 29-32
BÀI 29
ĐỨC MARIA MẪU GƯƠNG TRINH KHIẾT
Trước đây (bài 27), Đức Thánh Cha đã bàn đến việc Đức Maria quyết tâm giữ mình trinh khiết. Các giáo phụ đã nhìn nhận Đức Maria như mẫu gương cho đời sống trinh khiết trong Hội thánh. Đáp lại tiếng gọi mà Chúa Thánh thần gợi lên trong con tim, nhiều tín hữu đã khấn giữ trinh khiết theo gương Đức Maria. Họ muốn dâng hiến trót cả cuộc đời để bày tỏ sự gắn bó với tình yêu Chúa, phục vụ tha nhân, tiên báo Nước Trời mai hậu.
1.- Sự quyết tâm giữ mình trinh khiết, được bày tỏ qua những lời của Đức Maria vào lúc Truyền tin, đã được truyền thống coi như là khởi đầu và cảm hứng cho đời sống trinh khiết ở trong Hội thánh.
Thánh Augustinô nhìn nhận rằng sự quyết tâm như vậy không phải nhằm để thực hành một lệnh truyền của Thiên Chúa nhưng là một sự khấn hứa tự nguyện. Như thế, có thể giới thiệu Đức Maria làm khuôn mẫu cho các “thánh trinh nữ” dọc theo dòng lịch sử của Hội thánh. Đức Maria “đã hiến dâng sự trinh khiết của mình cho Thiên Chúa, khi bà chưa biết kẻ mà mình sẽ thụ thai, ngõ hầu việc bắt chước cuộc sống thiên giới ở trong một thân xác phàm tục mỏng dòn được thi hành bằng lời khấn hứa chứ không phải vì luật truyền, bằng việc lựa chọn tình yêu chứ không phải vì sự cấp bách phục vụ” (De Sancta virginitate IV,4).
Thiên sứ không đòi Đức Maria phải tiếp tục giữ mình trinh khiết; nhưng chính Đức Maria đã tự động bày tỏ ý định giữ mình trinh khiết. Quyết tâm này cho thấy một sự lựa chọn tình yêu để hiến dâng toàn thân cho Thiên Chúa với một cuộc đời trinh khiết.
Tuy đề cao quyết định tự phát của Đức Maria, nhưng chúng ta đừng nên quên rằng khởi nguyên của hết mọi ơn gọi là sáng khởi của Thiên Chúa. Khi nhắm tới cuộc sống trinh khiết, thiếu nữ Nazaret đã đáp lại một tiếng gọi nội tâm, nghĩa là đáp lại linh ứng của Chúa Thánh Thần đã soi sáng cho Người biết về ý nghĩa và giá trị của sự hiến thân trinh khiết. Không ai có thể đón nhận hồng ân đó nếu không cảm thấy mình được kêu gọi và nếu không nhận được ánh sáng và sức mạnh cần thiết do Chúa Thánh Thần .
2.- Tuy dù Thánh Augustinô đã dùng từ “khấn hứa” (votum) để cho những người mà ông gọi là “thánh trinh nữ” có thể tìm thấy một mẫu gương cho bậc sống của mình, nhưng Phúc âm không nói tới việc Đức Maria đã minh thị tuyên khấn. Sự khấn hứa là một hình thức tận hiến và dâng mình cho Thiên Chúa, thịnh hành vào những thế kỷ đầu tiên của Hội thánh. Theo Phúc âm chúng ta chỉ biết là Đức Maria đã quyết định duy trì đức trinh khiết, hiến dâng con tim của mình cho Thiên Chúa.
Đức Maria đã muốn trở thành người hiền thê chung thủy của Chúa, thực hiện ơn gọi của “thiếu nữ Sion”[1]. Tuy vậy, do quyết định của mình, Đức Maria đã trở thành khuôn mẫu cho tất cả những kẻ nào trong Hội thánh đã chọn lựa việc phục vụ Thiên Chúa với con tim không chia sẻ trong bậc trinh khiết.
Phúc âm và các bản văn khác của Tân ước không nói cho chúng ta biết vào lúc nào Đức Maria đã lựa chọn sống trinh khiết. Tuy nhiên, qua lời chất vấn thiên sứ thì đã rõ là vào lúc Truyền tin, sự dốc tâm đó đã trở nên vững chắc rồi. Đức Maria đã không ngại bày tỏ ước muốn duy trì sự trinh khiết kể cả trong viễn ảnh của chức làm mẹ, và cho thấy rằng Người đã suy nghĩ chín chắn về điều đó.
Thực vậy, Đức Maria lựa chọn sống trinh khiết không phải là để làm Mẹ của Thiên Chúa, một điều không thể nào lường trước được; nhưng sự lựa chọn đã được chín mùi trong thâm tâm trước khi xảy ra biến cố Truyền tin. Chúng ta có thể giả thiết rằng Người đã luôn luôn nuôi dưỡng ý tưởng trong tâm trí: chắc hẳn là ơn thánh chuẩn bị cho Người làm mẹ đồng trinh cũng đã ảnh hưởng tới việc phát huy bản ngã của mình, và Chúa Thánh Thần không ngừng gợi lên, ngay từ thuở thiếu thời, ước muốn kết hiệp hoàn hảo hơn với Thiên Chúa.
3. Những việc kỳ diệu mà Thiên Chúa thực hiện , kể cả ngày hôm nay, trong con tim của biết bao nhiêu thanh niên thiếu nữ, thì tiên vàn Ngài đã được thực hiện trong tâm hồn của Đức Maria. Ngay cả vào thời đại chúng ta, mặc dù bị sao lãng bởi những cám dỗ của một nền văn minh hời hợt và tiêu thụ, nhưng không ít bạn trẻ đã biết đón tiếp lời mời gọi qua tấm gương của Đức Maria và đã dâng hiến tuổi xuân cho Chúa và để phục vụ anh em đồng loại.
Một sự lựa chọn như vậy không phải là từ khước các giá trị nhân bản, nhưng là lựa chọn những giá trị cao lớn hơn. Về điểm này, vị tiền nhiệm của tôi, Đức Phaolô VI, trong tông huấn Marialis Cultus đã nhấn mạnh rằng: nếu ai nhìn tới chứng tá của Phúc âm một cách khách quan, thì “sẽ nhận thấy rằng việc Đức Maria chọn lựa bậc trinh khiết… không phải là một hành vi khép kín đối với những giá trị của bậc sống hôn nhân, nhưng là một sự lựa chọn can đảm, nhằm tận hiến cuộc đời cho tình yêu của Chúa” (số 37).
Tóm lại, việc lựa chọn bậc trinh khiết được thúc đẩy bởi việc gắn bó hoàn toàn với Đức Kitô. Điều này đã xảy ra một cách đặc biệt ở nơi Đức Maria. Dù trước lúc Truyền tin Đức Maria chưa ý thức điều đó, nhưng Chúa Thánh Thần đã gợi lên việc dâng hiến trinh khiết nhằm tới Đức Kitô: Đức Maria giữ mình trinh khiết để có thể đón tiếp Đấng Mêsia Cứu thế với tất cả con người của mình. Như thế sự trinh khiết được khởi đầu từ Đức Maria mang theo chiều kích Kitô, và cũng là chiều kích cốt yếu cho đời sống trinh khiết ở trong Hội thánh: họ tìm thấy một mẫu gương tuyệt diệu nơi Thân mẫu của Đức Kitô. Tuy dù rằng sự trinh khiết của Đức Maria được liên kết với chức làm mẹ Thiên Chúa là một sự kiện độc nhất vô nhị, nhưng nó đã soi sáng và mang lại ý nghĩa cho hết tất cả những cuộc tận hiến trinh khiết.
4.- Trong lịch sử Hội thánh, đã có biết bao thiếu nữ, khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp cao sang của trái tim thanh khiết của vị Thân mẫu Chúa, họ cảm thấy được phấn khích để đáp lại quảng đại tiếng gọi của Chúa bằng việc ôm ấp lý tưởng trinh khiết! Như tôi đã nhắc tới trong thông điệp Thân mẫu Đấng Cứu thế “Chính sự trinh khiết đó, theo gương người trinh nữ Nazaret, là nguồn mạch của sự phong nhiêu tinh thần đặc biệt: nó là nguồn mạch của chức làm mẹ trong Thánh Thần”(số 43).
Cuộc sống trinh khiết của Đức Maria đã gợi lên trong toàn thể Kitô giáo lòng quý trọng đối với hồng ân trinh khiết và lòng mong ước được thấy gia tăng trong Hội thánh dấu chỉ của chỗ đứng siêu việt dành cho Thiên Chúa và dấu chỉ tiên báo cuộc sống mai hậu.
Chúng ta hãy cùng nhau tạ ơn Chúa vì ngày nay vẫn còn những người quảng đại dâng hiến cuộc đời bằng việc sống trinh khiết để phục vụ Nước Trời.
Đồng thời, đang khi mà tại nhiều vùng gốc Kitô giáo, hiện nay chủ nghĩa khoái lạc và tiêu thụ xem ra đã làm ngăn cản nhiều thanh niên thiếu nữ ôm ấp đời sống tận hiến, chúng ta cần phải nài xin Thiên Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria , ban cho một mùa dồi dào ơn thiên triệu tu sĩ . Nhờ thế khuôn mặt của Thân mẫu Đức Kitô, được phản chiếu qua những trinh nữ cố gắng bước theo Thầy chí thánh, sẽ trở thành trước mặt nhân loại dấu hiệu của lòng lân tuất dịu hiền của Thiên Chúa[2] .
***
BÀI 30
SỰ KẾT HIỆP TRINH KHIẾT
GIỮA ĐỨC MARIA VÀ THÁNH GIUSE
Tuy Đức Maria giữ mình đồng trinh nhưng Người đã đính hôn với ông Giuse. Rất có thể là cả hai đều được Chúa Thánh Thần soi sáng để thỏa thuận sống trinh khiết. Nhưng một điều chắc chắn là Chúa đã muốn sự hiện diện của thánh Giuse để cộng tác vào việc thực hiện mầu nhiệm Nhập thể: hài nhi Giêsu cần một người cha để phát triển nhân cách. Tuy không sinh Đức Giêsu, nhưng thánh Giuse được gọi thi hành chức vụ làm cha đối với Người.
1.- Khi giới thiệu Đức Maria là “trinh nữ”, Phúc âm thánh Luca thêm rằng “người đã đính hôn với một người thuộc nhà Đavít tên là Giuse”(Lc 1, 27).
Thoạt tiên, xem ra hai dữ kiện này mâu thuẫn. Tuy nhiên cần ghi nhận rằng trong tiếng Hy lạp, đoạn văn này không nói rằng người nữ đã kết hôn và sống trong bậc vợ chồng, nhưng mà chỉ nói đến việc đính hôn. Khác với các nền văn minh tân tiến, trong phong tục Do thái cổ truyền, việc đính hôn bao gồm một giao ước và thường có tính cách chung quyết: thực vậy, nó dẫn những cặp đính hôn tiến tới hôn nhân, mặc dù hôn nhân chỉ được hoàn tất kể từ lúc chú rể đưa cô dâu về nhà mà thôi.
Vào lúc Truyền tin, Đức Maria ở trong tình trạng đính hôn. Thử hỏi: tại sao Người đã chấp nhận sự đính hôn một khi đã dốc lòng giữ mình trinh khiết suốt đời?
Thánh sử Luca đã nhận thấy sự khó khăn đó, nhưng ông chỉ ghi nhận tình hình mà không đưa ra một lời giải thích nào hết. Sự kiện thánh sử nêu bật quyết tâm sống trinh khiết của Đức Maria nhưng đồng thời cũng trình bày như là vợ của ông Giuse là một dấu chỉ cho thấy cả hai chi tiết này đều đáng tin về khía cạnh lịch sử.
2.- Có thể giả thiết rằng giữa ông Giuse và bà Maria, vào lúc đính hôn, họ đã đồng ý với nhau về cuộc sống trinh khiết. Mặt khác, Chúa Thánh Thần, Đấng đã gợi hứng cho Đức Maria lựa chọn sự trinh khiết để nhằm tới mầu nhiệm Nhập thể và đã muốn cho mầu nhiệm này diễn ra trong khung cảnh một gia đình thích hợp cho sự tăng trưởng của Hài nhi, thì ắt là Ngài cũng có thể gợi nơi ông Giuse lý tưởng trinh khiết.
Sứ thần của Chúa, khi hiện ra với ông Giuse trong giấc mơ, đã nói như sau: “Này, ông Giuse, con vua Đavít, đừng sợ đón bà Maria về làm vợ, bởi vì đứa con mà bà sinh ra là do Thánh Thần” (Mt 1, 20). Như vậy ông Giuse đã nhận được lời xác nhận ơn gọi sống con đường hôn nhân một cách hết sức đặc biệt.
Qua việc hiệp thông trinh khiết với người nữ đã được chọn để sinh hạ Đức Giêsu, Chúa đã gọi ông Giuse hợp tác vào việc thực hiện chương trình cứu chuộc.
Kiểu hôn nhân mà Chúa Thánh Thần hướng dẫn bà Maria và ông Giuse chỉ có thể hiểu được trong toàn bộ kế hoạch cứu độ và trong khung cảnh một linh đạo cao siêu. Việc thực hiện cụ thể mầu nhiệm Nhập thể đòi hỏi một sự sinh hạ trinh khiết để nêu bật Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, và đồng thời đòi hỏi một gia đình để bảo đảm cho nhân cách của Hài nhi được phát triển điều hòa.
Chính vì phải góp phần vào mầu nhiệm của Ngôi Lời nhập thể mà ông Giuse và bà Maria đã lãnh nhận ơn thánh để họ vừa sống đặc sủng trinh khiết vừa sống hồng ân hôn nhân. Sự thông hiệp tình yêu trinh khiết giữa Đức Maria và ông Giuse, tuy tạo nên một trường hợp hết sức đặc biệt, gắn liền với việc thực hiện mầu nhiệm Nhập thể, nhưng vẫn là một hôn nhân đích thực. (xc. tông huấn Redemptoris Custos, số 7)[3].
Nỗi khó khăn trong việc hình dung mầu nhiệm cao siêu của sự thông hiệp vợ chồng giữa hai ngài đã đưa vài tác giả, ngay từ thế kỷ thứ II, tới chỗ mường tượng ông Giuse đã cao niên và coi ông như là người hộ thủ hơn là chồng của bà Maria.
Tuy nhiên, có lý do để giả thiết rằng lúc đó ông Giuse không phải là một người già, nhưng mà do sự hoàn thiện nội tâm, hoa quả của ơn thánh, ông đã có thể sống với mối tương quan vợ chồng với Đức Maria với tâm tình trinh khiết.
3.- Sự kết hiệp của ông Giuse vào Mầu nhiệm nhập thể cũng bao hàm việc thực hiện chức vụ làm cha đối với Đức Giêsu.
Chức vụ này đã được thiên sứ nhìn nhận khi hiện ra với ông trong giấc mơ, và mời gọi ông đặt tên cho Hài nhi: “bà Maria sẽ sinh một con trai và ông sẽ đặt tên là Giêsu: bởi vì Người sẽ cứu dân khỏi tội lỗi”(Mt 1, 21).
Tuy không có sự sinh ra theo thể lý, nhưng chức vụ của ông Giuse làm cha có thực chất chứ không phải là giả hiệu.
Khi phân biệt người “cha” và “thân sinh”, một tác phẩm cổ điển về sự trinh khiết của Đức Maria - De Margarita (thế kỷ thứ IV) - đã khẳng định rằng “những lời cam kết làm vợ chồng giữa Đức Trinh nữ và ông Giuse đã đáng cho ông được gọi bằng danh hiệu là cha; một người cha mà không sinh con”. Như vậy ông Giuse đã thực hiện chức vụ làm cha đối với Đức Giêsu: ông được sử dụng một quyền hành mà Chúa Cứu chuộc đã tự ý “suy phục” (Lc 2, 51), ông đã đóng góp vào việc giáo dục và truyền đạt nghề làm thợ mộc.
Các Kitô hữu luôn luôn nhìn thấy nơi ông Giuse như là Đấng đã sống thân mật với Đức Maria và Chúa Giêsu, và họ kết luận rằng kể cả khi qua đời ông cũng đã được hưởng được sự hiện diện âu yếm và khích lệ của hai ngài. Từ truyền thống lâu đời đó, nhiều nơi đã phát triển lòng tôn kính Thánh Gia, trong đó thánh Giuse đã được tôn kính như là kẻ hộ thủ của Chúa Cứu thế. Như mọi người đã biết, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã ký thác việc bảo trợ toàn thể Hội thánh cho Người.
***
BÀI 31
ĐỨC MARIA TRỌN ĐỜI ĐỒNG TRINH
Mặc dù Tân ước nhấn mạnh đến sự trinh khiết của Đức Maria lúc cưu mang Chúa Giêsu, nhưng Hội thánh tin rằng Đức Maria giữ mình trinh khiết suốt đời. Điều này xem ra đã được gói ghém trong tính từ “Trinh nữ” dành cho Đức Maria (Lc 1,27). Dù sao, đức tin của Hội thánh đã được diễn tả trong các tín biểu qua các dụng ngữ “trọn đời đồng trinh”, hoặc “đồng trinh trước khi sinh, đang khi sinh và sau khi sinh”.
1.- Hội thánh luôn bày tỏ niềm tin nơi sự trinh khiết trọn đời của Đức Maria. Những bản văn cổ điển nhất, khi nói tới việc thụ thai Đức Giêsu, đã gọi Đức Maria cách đơn sơ là “người Trinh nữ”, ra như muốn cho thấy rằng đức tính này là một sự kiện bền bỉ, kéo dài suốt cuộc đời.
Các Kitô hữu ở những thế kỷ đầu tiên đã diễn tả niềm xác tín đó qua một từ ngữ bằng tiếng Hy lạp aeiparthenos -“trọn đời đồng trinh”- một tính từ được đặt ra để diễn tả cách độc đáo và chính xác thân thế của Đức Maria và cô đọng trong một từ ngữ niềm tin của Hội thánh vào sự trinh khiết trọn đời của Người. Chúng ta thấy từ ngữ này được sử dụng ở tín biểu thứ hai của thánh Epiphanio, vào năm 374, khi bàn đến việc Nhập thể: Con Thiên Chúa “đã nhập thể, nghĩa là đã được sinh ra cách hoàn hảo bởi Thánh Maria, trọn đời đồng trinh, nhờ Chúa Thánh Thần” (Ancoratus, 119,5).
Từ ngữ “trọn đời đồng trinh” được lặp lại ở công đồng Constantinôpôlis II (năm 553), khi khẳng định rằng: Ngôi Lời Thiên Chúa, “được nhập thể và được sinh ra bởi Thánh mẫu Thiên Chúa Đức Maria vinh hiển và trọn đời đồng trinh”. Đạo lý này còn được xác nhận bởi hai công đồng chung, - Latêranô IV (1215) và Lyon II (1274) - , và bởi đoạn văn tuyên bố tín điều Mẹ lên trời (1950), trong đó sự trinh khiết trọn đời của Đức Maria được trưng dẫn như là một trong những động lực của việc hồn xác được cất nhắc vào vinh quang trên trời.
2.- Qua một công thức ngắn gọn, truyền thống Hội thánh đã trình bày Đức Maria như là “trinh khiết trước khi sinh, trong khi sinh, sau khi sinh”; như thế qua việc chỉ định ba giai đoạn, muốn nêu bật rằng Đức Maria không hề bao giờ mất sự trinh khiết.
Trong ba giai đoạn vừa kể, đã hẳn sự khẳng định trinh khiết “trước khi sinh” là điểm quan trọng hơn cả, bởi vì liên quan đến việc thụ thai Đức Giêsu và liên hệ trực tiếp tới mầu nhiệm Nhập thể. Ngay từ đầu, chân lý này đã được kể vào đức tin của Hội thánh .
Sự trinh khiết “trong khi sinh” và “sau khi sinh”, tuy đã hàm chứa trong danh hiệu “trinh nữ” được gán cho Đức Maria ngay từ đầu của Hội thánh, nhưng chỉ trở thành đối tượng cho sự đào sâu đạo lý từ khi mà có người bắt đầu tỏ dấu hoài nghi. Đức Giáo Hoàng Ormisđa xác định rằng “Con Thiên Chúa trở thành Con Người, được sinh ra trong thời gian theo cách thức của một người, mở lòng dạ của mẹ mình vào lúc sinh và, do quyền năng của Thiên Chúa, đã không làm phá hủy sự trinh khiết của người mẹ”. Đạo lý này đã được công đồng Vaticano II xác nhận, khi nói rằng người Con đầu lòng của Đức Maria “đã không làm suy giảm nhưng đã thánh hiến sự tinh tuyền khiết trinh của Người” (HT 57).
Về sự trinh khiết sau khi sinh, thì tiên vàn cần phải lưu ý là không có lý do gì để nghĩ rằng ý định giữ mình đồng trinh, được Đức Maria bày tỏ vào lúc Truyền tin (Lc 1,34), sau đó lại thay đổi. Ngoài ra, ý nghĩa trực tiếp của những lời mà Chúa Giêsu từ thập giá ngỏ với Đức Maria và với môn đệ yêu dấu - “Người nữ ơi, đây là con của bà”; “đây là mẹ của con” (Ga 19, 26) -, giả thiết rằng lúc đó Đức Maria không có đứa con nào khác đang có mặt.
Những người phủ nhận sự trinh khiết của Đức Maria sau khi sinh cho rằng có thể tìm thấy chứng cớ ở nơi từ ngữ “con đầu lòng” mà Phúc âm đã gắn cho Đức Giêsu (Lc 2, 7), ra như giả thiết rằng sau đó Đức Maria còn có những con khác. Tuy nhiên tiếng “con đầu lòng” chỉ có nghĩa là đứa con không có “anh chị nào” trước, chứ tự nó không đả động gì đến những đứa con theo sau. Ngoài ra, thánh sử muốn nhấn mạnh tới đặc tính này của Chúa Giêsu, bởi vì, khi sinh người con đầu lòng, luật Do thái đã đòi hỏi phải tuân giữ môt vài điều, bất kể sau đó bà mẹ có sinh thêm con khác nữa hay không. Do đó, đứa con một cũng bị lệ thuộc vào những điều truyền đó, bởi vì nó “được sinh ra trước hết”(xc. Lc 2, 23).
3.- Theo một vài tác giả, sự trinh khiết của Đức Maria sau khi sinh cũng bị phủ nhận bởi những đoạn văn Phúc âm nói tới bốn “anh em của Đức Giêsu”: Giacôbê, Giuse, Simon và Giuđa (Mt 13, 55-56; Mc 6, 3), và một vài chị em.
Nên biết rằng, trong tiếng Do thái cũng như trong tiếng Arameo, không có một danh từ riêng để ám chỉ người “anh em họ”; vì thế từ ngữ “anh em” và “chị em” có một nghĩa rất rộng bao hàm nhiều cấp độ họ hàng khác nhau. Trên thực tế, tiếng “các anh em của Đức Giêsu” chỉ về những “người con” của một bà Maria đi theo Đức Kitô (xc. Mt 27, 56), bà này được xác định như là “bà Maria khác” (Mt 28, 1). Đó là những họ hàng thân thích của Đức Giêsu, theo một dụng ngữ khá thông thuộc trong Cựu ước (xc. GLCG số 500).
Như vậy Đức Maria rất thánh là người “trọn đời đồng trinh”. Đặc ân này là hậu quả của chức làm mẹ Thiên Chúa, đã hiến dâng suốt đời Người cho sứ mạng cứu chuộc của Đức Kitô.
***
BÀI 32
NỮ TỲ VÂNG PHỤC THIÊN CHÚA
Khi tự xưng là “nữ tỳ của Chúa”, Đức Maria đặt mình vào số những đầy tớ của Chúa trong Cựu ước được gọi để phục vụ Dân Chúa. Dưới ánh sáng của Tân ước, những lời đó cũng tiên báo thái độ căn bản của Chúa Giêsu, Đấng đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Đức Maria sẽ kết hợp với Con trong việc tuân hành ý muốn của Chúa Cha.
1.- Những lời của Đức Maria vào lúc Truyền tin: “Này đây, tôi là nữ tỳ của Chúa, xin hãy xảy ra nơi tôi điều mà Ngài đã nói”(Lc 1, 38) làm nổi bật một tâm tình đặc trưng của lòng đạo đức người Do thái. Vào lúc khởi nguyên của Cựu ước, ông Môisen khi đáp lại tiếng Chúa kêu gọi, đã bày tỏ rằng mình là tôi tớ của Chúa(xc. Xh 4, 10; 14, 31). Vào lúc bắt đầu Tân ước, Đức Maria cũng đáp lại Thiên Chúa bằng một hành vi tự do suy phục và tự tình phó thác theo ý của Chúa, qua việc bày tỏ tâm tình muốn là ”nữ tỳ của Chúa ”.
Đặc trưng “tôi tớ”[4] của Chúa vốn đã là một mẫu số chung trong Cựu ước áp dụng cho những người được Chúa gọi thi hành một sứ vụ nhằm phục vụ dân ưu tuyển: ông Abraham (St 26, 24), ông Isaac (St 24, 14), ông Giacóp (Xh 32, 13; Ed 37,25), ông Giosuê(Gs 24, 29), ông Đavít (2Sm 7, 8 v.v..).
Cũng thuộc vào số “tôi tớ” các ngôn sứ và tư tế, những người được ủy thác nhiệm vụ đào tạo một dân tộc trung thành phục vụ Thiên Chúa. Sách Isaia đã đề cao nơi sự tận tụy của “người tôi tớ đau khổ” một mẫu gương trung thành với Thiên Chúa với niềm hy vọng cứu thoát dân chúng ra khỏi tội lỗi ( Is. chương 42 – 53). Những mẫu gương về sự trung thành cũng nhìn thấy nơi một vài phụ nữ, tựa như là hoàng hậu Esther, trước khi đứng ra làm trung gian để can thiệp cứu dân Do thái, bà ta đã dâng lời cầu khẩn cùng Thiên Chúa, trong đó nhiều lần bà tự xưng là “nữ tỳ của Ngài” (Et 4, 17).
2.- Đức Maria, kẻ “đầy ơn phước”, khi nhận mình là “nữ tỳ của Chúa”, đã bày tỏ quyết tâm muốn đích thân thi hành cách hoàn hảo sự phục vụ mà Thiên Chúa đang chờ đợi nơi Dân của Ngài.
Những lời: “này đây, tôi là nữ tỳ của Chúa”, tiên báo cho Đấng mà một ngày kia sẽ nói về mình rằng: “Con Người không đến để được phục vu, nhưng để phục vụ và dâng mạng sống mình cho nhiều người được cứu chuộc”(Mc 10, 45; xc. Mt 20, 28). Như thế Chúa Thánh Thần đã thực hiện một sự hòa hợp tâm trạng giữa bà Mẹ với người Con, nhằm giúp cho Đức Maria chấp nhận trọn vẹn vai trò làm mẹ bên cạnh Đức Giêsu, đồng hành với Người trong sứ mạng làm tôi tớ.
Trong suốt cuộc đời, Đức Giêsu luôn luôn duy trì ý chí phục vụ: thực vậy, là Con Thiên Chúa, lẽ ra Người có đủ lý do để được phục vụ. Khi gán cho mình danh hiệu “Con người”, được sách Đaniel phát biểu là : “tất cả mọi dân, mọi nước và mọi ngôn ngữ sẽ phục vụ Ngài” (Đn 7, 14), lẽ ra Người có quyền đòi hỏi sự thống lãnh người khác. Thế nhưng, ngược với não trạng của thời đại được biểu lộ qua việc các môn đệ khao khát được chiếm chỗ ngồi trên cùng (xc. Mc 9,34) và qua việc ông Phêrô phản đối lúc Người rửa chân cho các môn đệ (xc Ga 13,6), Đức Giêsu không muốn được phục vụ, nhưng mà ước ao được phục vụ cho đến nỗi trao hiến chính mạng sống của mình để cứu chuộc nhân loại.
3. Kể cả Đức Maria, cho dù nhận biết chức phẩm cao sang của mình, nhưng vào lúc thiên thần truyền tin, Người đã tự ý tuyên bố rằng mình là “nữ tỳ của Chúa”. Quyết tâm phục vụ này cũng bao gồm sự phục vụ tha nhân, như ta thấy qua việc gắn liền biến cố Truyền tin và Thăm viếng: được thiên thần báo tin bà Isave đang chờ đợi sinh con, Đức Maria đã “vội vã” (Lc 1,39) lên đường về Giuđêa để giúp đỡ bà chị họ của mình chuẩn bị sinh con. Đức Maria cống hiến cho các Kitô hữu thuộc mọi thời đại một khuôn mẫu cao vời của việc phục vụ.
Những lời: “Xin hãy xảy đến nơi tôi điều Ngài đã nói”(Lc 1, 38) chứng tỏ nơi Đấng đã tuyên bố là nữ tỳ của Chúa một sự hoàn toàn tuân phục ý muốn của Chúa. Thể văn ước nguyện genoito “xin hãy xảy đến” do Luca sử dụng, không những bày tỏ sự chấp nhận, nhưng còn bày tỏ sự xác tín thâu nhận kế hoạch của Thiên Chúa, coi như là của mình, huy động hết mọi năng lực bản thân.
4.- Khi thuận nhận ý muốn của Thiên Chúa, Đức Maria đã tiên báo và đồng hóa với thái độ của Đức Kitô, Đấng mà lúc vào trần gian , - theo như tác giả của thư gởi Do thái-, đã thưa rằng: “Lạy Chúa, Ngài đã không muốn hy tế và hiến lễ, nhưng đã tạo dựng cho con một thân xác… vì thế con đã nói: Này đây, con đến…để làm theo ý Ngài” (Dt 10, 5-7; Tv 39, 7-9).
Đồng thời, sự thuận lãnh của Đức Maria cũng loan báo tâm tình thuận lãnh của Đức Giêsu trong suốt sứ vụ công khai cho đến núi Calvario. Một ngày kia Đức Kitô sẽ nói: “lương thực của Tôi là làm theo ý của Đấng đã sai Tôi và hoàn tất công tác của Ngài” (Ga 4,34). Trong chiều hướng đó Đức Maria đã lấy ý định của Thiên Chúa làm nguyên tắc chỉ đạo cho tất cả cuộc sống của mình, tìm trong ý Chúa sức mạnh cần thiết để thực hiện sứ mạng đã được ủy thác.
Nếu vào lúc Truyền tin Đức Maria chưa biết hết những hy sinh sẽ kèm theo sứ vụ của Đức Kitô, nhưng lời tiên báo của ông Simêon đã hé mở phần nào số phận đau thương của con mình (Lc 2, 34-35).
Đức Trinh nữ sẽ liên kết chặt chẽ vào số phận đó qua việc thông dự trong tâm hồn. Với lòng hoàn toàn tuân phục thánh ý Chúa, Đức Maria cũng sẵn sàng sống tất cả những gì mà tình yêu Chúa đã phác họa cho mình, kể cả “lưỡi gươm” sẽ đâm thâu qua tâm hồn.
________________________________________
[1] Xem lại bài 17.
[2] Xem thêm bài 60.
[3] Tông huấn Redemptoris Custos (Kẻ gìn giữ Đấng Cứu thế) , về dung mạo và sứ vụ của thánh Giuse trong đời sống Đức Kitô và Hội thánh, do Đức Gioan Phaolô II ban hành ngày 15.8.1989, để ghi nhớ 100 năm thông điệp Quamquam pluries của Đức Lêô XIII.
[4] “Tôi tớ” hay “đầy tớ” cùng nghĩa; khi áp dụng cho phái nữ thì dịch là “nữ tỳ”.
BÀI 33-37
BÀI 33
ĐỨC MARIA “BÀ EVA MỚI”
Mở đầu loạt bài chú giải trình thuật Truyền tin, Đức Maria được giới thiệu như là “thiếu nữ Sion mới” (bài 18), tượng trưng cho dân Israel trung thành với giao ước. Để kết thúc loạt bài này, Đức Thánh Cha nhìn Đức Maria như “bà Eva mới”, tượng trưng cho dòng dõi loài người, đón nhận Lời Chúa. Nhờ đức tin và vâng phục, Đức Maria trở thành “bà mẹ của những người sống”.
1.- Khi bình giải biến cố Truyền tin, công đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh đặc biệt tới giá trị của sự thỏa thuận của Đức Maria với những lời của thiên sứ. Khác với những trường hợp tương tự được kể lại trong Kinh thánh, lần này thiên sứ rất mong đợi sự thỏa thuận của Đức Maria: “Chúa Cha giàu lòng từ bi muốn rằng sự thỏa thuận của Đấng được định làm mẹ thì đi trước cuộc Nhập thể, bởi vì như thế, cũng như một người nữ đã góp phần vào việc mang lại sự chết, thì một người nữ cũng góp phần vào việc mang lại sự sống” (HT 56).
Hiến chế Anh sáng muôn dân đã nhắc lại sự đối chọi giữa cung cách của bà Eva và của Đức Maria, đã được thánh Irênêo diễn tả như sau: “Cũng như bà kia -nghĩa là bà Evà- đã bị quyến rũ do lời lẽ của một thiên sứ, đến nỗi đã lìa xa Thiên Chúa bởi vì làm lỗi lời của Người, thì bà này -nghĩa là bà Maria- đã tiếp nhận tin mừng do lời lẽ của một thiên thần đến nỗi đã cưu mang Thiên Chúa bởi vì vâng theo lời của Người. Cũng như bà kia đã bị dụ dỗ để bất tuân Thiên Chúa thì bà này đã được khuyến dụ để vâng lời Chúa. Vì thế mà trinh nữ Maria trở thành trạng sư cho bà trinh nữ Eva. Cũng như nhân loại đã bị cái chết đô hộ vì một trinh nữ, thì cũng được giải thoát khỏi cái chết nhờ một trinh nữ; như vậy sự bất tuân của một trinh nữ đã được chấn chỉnh lại nhờ sự tuân phục của một trinh nữ…” (Adversus haereses 5,19.1).
2.- Khi nói lên lời “xin vâng” đối với kế hoạch của Thiên Chúa, Đức Maria hoàn toàn tự do trước mặt Chúa. Đồng thời Người cảm thấy có trách nhiệm trước mặt nhân loại, bởi vì tương lai của họ lê thuộc vào lời đáp của mình.
Thiên Chúa đã trao vào tay của một thiếu nữ vận mạng của tất cả nhân loại. Tiếng “xin vâng” của Đức Maria được đặt làm tiền đề ngõ hầu có thể thực thi chương trình mà Thiên Chúa vì tình yêu đã dự định cho phần rỗi nhân loại.
Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã tóm tắt giá trị quyết liệt cho toàn thể nhân loại nhờ sự thỏa thuận tự do của Đức Maria vào chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa: “Đức Trinh nữ Maria đã hợp tác vào sự cứu độ nhân loại bằng niềm tin tự do và bằng sự vâng phục. Người đã nói lên tiếng “xin vâng” nhân danh toàn thể nhân loại - “locus totius humanae naturae”: nhờ sự vâng phục của mình, Người đã trở thành bà Eva mới, bà mẹ những người sống[1]” (số 511).
3.- Qua thái độ của mình, Đức Maria đã nhắc nhở cho mỗi người chúng ta về trách nhiệm nặng nề biết đón nhận kế hoạch của Thiên Chúa vào cuộc đời của chúng ta. Khi tuân theo không chút dè dặt vào ý định cứu chuộc của Thiên Chúa được lời của thiên sứ tỏ bày, Đức Maria trở thành mẫu gương cho những kẻ mà Chúa Giêsu đã tuyên bố là có phúc, vì họ “lắng nghe Lời của Chúa và tuân hành” (Lc 11, 28). Khi trả lời một người phụ nữ, giữa đám đông, tán dương bà mẹ Người thật có phúc, Chúa Giêsu tỏ cho thấy đâu là nguyên do đích thực của hạnh phúc của Đức Maria: sự tuân theo ý Chúa đã đưa Người đến chỗ chấp thuận làm mẹ của Thiên Chúa.
Trong thông điệp Thân mẫu Đấng Cứu thế tôi đã nêu bật rằng chức làm mẹ tinh thần, mà Đức Giêsu nói ở đây, tiên vàn nhằm tới Đức Maria. Thực vậy, Đức Maria không phải là người đầu tiên thuộc về số những kẻ lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành đó sao? Vì vậy lời chúc phúc mà Đức Chúa Giêsu đã công bố khi đáp lại lời của một bà vô danh không phải là tiên vàn nhằm tới Đức Maria hay sao? (số 20). Như thế, theo một nghĩa nào đó Đức Maria đã được tuyên bố là người môn sinh đầu tiên của Con mình, và qua tấm gương đó, Người mời gọi tất cả các tín hữu hãy quảng đại đáp ứng ơn Chúa.
4.- Công đồng Vaticanô II còn dừng lại để giải thích sự tận tụy Đức Maria đối với việc phục vụ bản thân và sự nghiệp của Đức Kitô: “Như một nữ tỳ của Chúa, Đức Maria đã dâng hiến toàn thân cho bản thân và công trình của Con mình, đặt mình phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc ở dưới Đức Kitô và cùng với Đức Kitô, hợp với ân sủng của Thiên Chúa toàn năng” (HT 56).
Đối với Đức Maria, sự hiến thân cho bản thân và sự nghiệp của Đức Giêsu có nghĩa là kết hiệp mật thiết với Con mình, góp phần tình mẹ vào sự tăng trưởng nhân bản của Đức Giêsu và hợp tác vào công cuộc cứu chuộc của Người. Khía cạnh cuối cùng này đã được Đức Maria thực ở “dưới Đức Kitô”, nghĩa là trong một vị trí suy phục, hoa trái của ân sủng. Tuy nhiên, nó cũng là một sự cộng tác, bởi vì được thực hiện “cùng với Đức Kitô’ và bao hàm một sự tham dự trực tiếp vào công trình cứu chuộc, kể từ lúc Truyền tin .
Công đồng Vaticanô II nhận định: “Như vậy các Giáo phụ đã có lý khi nói rằng Đức Maria không phải chỉ là một dụng cụ hoàn toàn thụ đông trong tay Chúa, nhưng Người đã cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại bằng đức tin tự do và sự vâng phục. Thực vậy, như thánh Irênêô đã nói, ‘nhờ vâng lời, Người đã trở thành nguyên nhân cứu rỗi cho bà Eva và cho tất cả nhân loại” (HT 56).
Khi được kết nạp vào việc Đức Kitô chiến thắng tội lỗi của nguyên tổ, Đức Maria tỏ ra thực sự là “mẹ của những người sống”. Chức làm mẹ của Người, được chấp thuận tự do bằng việc tuân phục chương trình của Thiên Chúa, trở nên nguồn sự sống cho toàn thể nhân loại.
***
BÀI 34
MẦU NHIỆM THĂM VIẾNG
KHAI MÀO SỨ MẠNG CỦA ĐẤNG CỨU THẾ
Trong trình thuật Thăm viếng (Lc 1,39-45), thánh Luca không chỉ mô tả một cuộc viếng thăm tình nghĩa. Khi phân tích lối hành văn, ta thấy thánh sử muốn giới thiệu Đức Maria như kẻ mang Tin mừng sự xuất hiện Đấng Mêsia. Đức Maria ra như chuẩn bị những chặng đường truyền giáo của Con mình, Đấng rao giảng Tin mừng và đổ tràn Thánh thần. Ngoài ra, qua lời ca ngợi của bà Êlisabét, chúng ta nhận biết cội nguồn hạnh phúc của Đức Maria là đức tin vào Lời Chúa.
1.- Khi thuật lại cảnh Thăm viếng, thánh Luca cho thấy rằng hồng ân Chúa Nhập thể, sau khi đã tràn ngập Đức Maria, thì cũng mang lại sự cứu rỗi và vui mừng cho nhà bà Elisabet. Đấng Cứu chuộc nhân loại, nằm trong lòng của Mẹ mình, đã đổ tràn Thánh Thần, như vậy đã tỏ mình khi vừa mới đến trần gian.
Khi tả việc lên đường của Đức Maria về miền Giuđêa, thánh sử dùng động từ Hy lạp “anistemi” có nghĩa là “chỗi dậy, di chuyển”. Động từ này đã được Phúc âm dùng để ám chỉ sự sống lại của Chúa Giêsu (Mc 8, 31; 9, 9.31; Lc 24, 7.46) hoặc là những hành động bao hàm một sự thúc đẩy tinh thần (Lc 5, 27.28; 15, 18.20); vì thế, chúng ta có thể giả thiết rằng qua hạn từ này thánh Luca muốn nêu bật sự thúc đẩy mãnh liệt đưa Đức Maria, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, mang Chúa Cứu thế đến cho nhân loại.
2.- Ngoài ra, bản văn Phúc âm nói rằng Đức Maria lên đường “vội vàng” (Lc 1, 39). Kể cả sự ghi chú “về miền núi”(Lc 1,39) trong mạch văn của Luca còn muốn nói cái gì hơn là một địa điểm địa lý, bởi vì nó gợi lên sự liên tưởng tới người mang tin mừng được ngôn sứ Isaia diễn tả: “đẹp thay trên miền núi những bước chân của người mang tin mừng loan báo bình an, sứ giả tin mừng cứu rỗi nói với Sion: Thiên Chúa của ngươi hiển trị” (Is 52, 7).
Cũng như thánh Phaolô đã nhận ra sự hoàn tất đoạn văn tiên tri đó nơi việc truyền giảng Phúc âm (Rm 10,15), thì dường như thánh Luca cũng mời gọi chúng ta hãy nhìn nơi Đức Maria như là kẻ “rao giảng tin mừng” tiên phong, phổ biến tin vui, khai trương cho những cuộc hành trình truyền giáo của Con mình.
Sau cùng, mục tiêu chuyến hành trình của Đức Trinh nữ cũng mang ý nghĩa đặc biệt: đó là từ Galilê hướng về Giuđêa, cũng tương tự như con đường truyền giáo của Chúa Giêsu (xc 9, 51).
Thực vậy, với việc thăm viếng bà Êlisabét, Đức Maria đã thực hiện việc khai mào Sứ vụ của Chúa Giêsu. Người đã cộng tác vào công trình cứu chuộc của Con mình ngay từ lúc bắt đầu chức vụ làm mẹ; do đó, Đức Maria trở thành mẫu gương cho những kẻ trong Hội thánh lên đường để mang ánh sáng và niềm vui của Chúa Kitô cho những người mọi nơi mọi thời.
3.- Cuộc gặp gỡ bà Êlisabét mang những tính chất của một biến cố cứu độ hân hoan, vượt quá cảm tình bộc phát của tình nghĩa gia đình. Tại nơi mà sự câm nín của ông Giacaria đã đánh dấu mối nghi nan, thì Đức Maria đã bộc phát niềm vui của đức tin mau mắn: “Khi vào nhà ông Giacaria, Người đã chào bà Êlisabét” (Lc 1, 40).
Thánh Luca thuật lại rằng “khi bà Êlisabét vừa nghe lời chào của bà Maria, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng” (Lc 1, 41). Lời chào của Đức Maria đã gợi lên nơi đứa con của bà Êlisabét sự nhảy mừng: việc Đức Giêsu, nhờ bà Mẹ của mình, vào nhà bà Êlisabét, mang lại cho vị ngôn sứ tương lai niềm hân hoan mà Cựu ước loan báo như là dấu chỉ hiện diện của Đấng Mêsia.
Khi nghe tiếng chào của Đức Maria, niềm vui của thời Mêsia cũng cuốn cả bà Êlisabét, “bà được đầy Chúa Thánh Thần và lớn tiếng thốt lên: ‘Bà đáng chúc tụng hơn mọi người nữ, và hoa trái của lòng bà đáng được chúc tụng’!”(Lc 1, 41-42).
Nhờ ơn trên soi sáng, bà Êlisabét được rằng Đức Maria cao cả hơn bà Raen và bà Giuđitha, những hình ảnh tiên trưng của Người trong Cựu ước[2]. Người được chúc tụng hơn các phụ nữ tại vì hoa trái đang mang trong lòng, đó là Đức Giêsu vị Mêsia.
4.- Sự cao rao của bà Êlisabét , “một cách lớn tiếng”, bày tỏ một niềm hoan hỉ đạo đức, mà kinh “Kính mừng” vẫn còn làm vang lên trên môi của các tín hữu, như là một ca khúc ngợi khen của Hội thánh vì những công trình vĩ đại mà Đấng Tối cao đã thực hiện nơi Thân mẫu của Con mình. Khi ca ngợi Đức Maria là kẻ “được chúc tụng hơn các phụ nữ”, bà Êlisabét đã cho biết rằng lý do hạnh phúc của Đức Maria là vì đã tin: “Phúc thay kẻ đã tin rằng những lời Chúa phán sẽ hoàn tất” (Lc 1, 45). Sự cao cả và niềm vui của Đức Maria bắt nguồn từ chỗ Người là kẻ đã tin[3].
Đứng trước sự cao cả của Đức Maria, bà Êlisabét cũng cảm thấy được niềm vinh dự của mình vì cuộc viếng thăm: “Vì đâu mà mẹ của Chúa tôi đến với tôi?” (Lc 1, 43). Qua những lời “Chúa tôi” bà Êlisabét nhìn nhận rằng Con của bà Maria là Vua, là Đấng Mêsia. Thực vậy, trong Cựu ước, tiếng “Chúa tôi” được sử dụng khi thưa với nhà vua (xc.1V 1, 13-20) hay để nói về Vua-Mêsia (Tv 110, 1). Thiên sứ đã nói về Đức Giêsu như sau: “Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít, tổ tiên của Người” (Lc 1, 32). Bà Êlisabét “đầy Thánh Thần”, cũng đã ý thức như vậy. Về sau, vinh quang phục sinh của Đức Kitô sẽ cho thấy cần phải hiểu tước vị này theo một nghĩa khác, theo nghĩa siêu việt là “Đức Chúa”[4](xc. Ga 20, 28; Cv 2, 34-36).
Qua lời tán tụng cảm phục, bà Êlisabét mời gọi chúng ta hãy biết trân trọng tất cả những gì mà sự hiện diện của Đức Trinh nữ mang lại cho đời sống của mỗi người tín hữu.
Trong cuộc Thăm viếng, Đức Trinh nữ đã mang lại cho thân mẫu của Gioan Đức Kitô, Đấng đổ tràn Thánh Thần. Vai trò trung gian đó đã được làm nổi bật qua những lời của bà Êlisabét: “Này, khi lời chào của em vừa đến tai tôi, thì con trẻ đã nhảy mừng ở trong bụng tôi” (Lc 1, 44). Sự can thiệp của Đức Maria đã mang lại hồng ân Thánh Thần, ra như là khai mào cho lễ Ngũ tuần, xác nhận một lần nữa rằng sự hợp tác của Đức Maria, được khởi đầu với biến cố Nhập thể, sẽ còn kéo dài suốt công trình cứu chuộc của Thiên Chúa.
***
BÀI 35
TRONG KINH MAGNIFICAT
ĐỨC MARIA CA NGỢI KỲ CÔNG CỦA THIÊN CHÚA
Trong bài ca Magnificat (Lc 1,46-55), Đức Maria ca tụng kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện ở nơi mình, đó là mầu nhiệm Nhập thể. Đồng thời, bài ca này tuyên dương Thiên Chúa là Đấng “Toàn năng” “Lân tuất”: Người lưu tâm đến những kẻ khó nghèo khiêm tốn. Đức Maria không những chỉ cảm tạ Thiên Chúa vì những đặc ân dành cho bản thân mình, nhưng còn chúc tụng Người vì tấm lòng trung tín và quảng đại dành cho dân Israel và toàn thể nhân loại. Đối lại, bài ca này mở màn cho những lời chúc tụng mà Hội thánh dâng lên Đức Maria, kẻ có phúc vì đã tin.
1.- Gợi hứng từ truyền thống Cựu ước, qua bài ca Magnificat Đức Maria cất lên lời ca tụng những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi mình. Bài ca này là lời Đức Trinh nữ đáp lại mầu nhiệm Truyền tin: thiên sứ đã mời Người hãy vui lên, giờ đây Đức Maria bày tỏ sự hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa Đấng cứu độ. Niềm vui của Người phát sinh từ chỗ cảm nghiệm nơi bản thân cái nhìn ưu ái mà Thiên Chúa đã dành cho mình, một thụ tạo nghèo nàn và không có ảnh hưởng gì trong lịch sử.
Qua lời Magnificat (tiếng latinh chuyển dịch một từ Hy lạp với ý nghĩa tương tự), Đức Maria đã tán dương sự cao cả của Thiên Chúa, Đấng mà qua lời báo của thiên sứ, đã bày tỏ sự toàn năng, vượt xa những niềm trông mong của dân Cựu ước, vượt xa cả những ước ao quý trọng nhất trong tâm hồn con người.
Đứng trước Thiên Chúa toàn năng và lân tuất, Đức Maria bày tỏ cảm tưởng bé nhỏ của mình: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi, bởi vì Người đã đoái nhìn phận nữ tỳ hèn mọn” (Lc 1, 47.48). Từ ngữ “tapéinosis” có lẽ đã vay mượn từ bài ca của bà Anna mẹ của ông Samuel. Nó nói lên sự “nhục nhã” “hèn hạ” của một người đàn bà son sẻ bày tỏ nỗi khổ tâm của mình với Chúa (xc1Sm 1, 11). Với lời lẽ như vậy, Đức Maria bộc lộ tình cảnh nghèo nàn và biết rằng mình bé nhỏ trước mặt Chúa, Đấng đã để mắt nhìn đến mình, một thiếu nữ tầm thường ở Nazaret, và đã gọi mình trở thành người Mẹ của Đấng Messia.
2.- Những lời “từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1, 48) đã tiếp nối vào câu nói của bà Isave chúc tụng Đức Maria là “kẻ có phúc” (Lc 1, 45). Bài ca đã tiên báo cách táo bạo, sự tuyên dương càng ngày càng lan rộng trải qua dòng lịch sử. Đồng thời bài ca muốn nói lên lòng tôn kính đặc biệt dành cho Thân mẫu Đức Giêsu về phía công đoàn các Kitô hữu vào thế kỷ thứ I. Kinh Magnificat là khởi điểm của nhiều hình thức tôn kính mà thế hệ này qua thế hệ khác đã kéo dài trong Hội thánh lòng mộ mến đối với Trinh nữ Nazaret.
3.- “Đấng Toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người là Thánh: từ đời nọ tới đời kia Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”(Lc 1, 49-50).
Đâu là những “điều cao cả” mà Đấng Toàn năng đã thực hiện ở nơi Đức Maria? Hạn từ này đã được sử dụng trong Cựu ước để ám chỉ công cuộc giải thoát Dân Israel ra khỏi Ai-cập và khỏi Babilonia; còn trong kinh Magnificat, nó ám chỉ biến cố nhiệm mầu của việc thụ thai trinh khiết Đức Giêsu, xảy ra tại Nazaret sau khi thiên sứ loan tin.
Trong kinh Magnificat, một bài ca đầy tính chất thần học bởi vì bày tỏ cảm nghiệm của Đức Maria về khuôn mặt của Thiên Chúa, Đấng không những chỉ là Toàn năng, không có điều gì mà Người không làm được, như thiên sứ Gabriel đã nói (xc. Lc 1, 37), nhưng còn là Hằng thương xót, tỏ lòng lân tuất và chung thủy đối với hết mọi người.
4.- “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh dẹp tan phường lòng trí kiêu căng; Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao những kẻ khiêm nhường; kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.”(Lc 1, 51-53).
Khi nhìn lại lịch sử dưới cặp mắt khôn ngoan, Đức Maria mời gọi chúng ta hãy khám phá ra những tiêu chuẩn hành động nhiệm mầu của Thiên Chúa. Chúa đã lật ngược tất cả những phán đoán của thế gian, Người đã đến trợ giúp những người nghèo nàn và bé nhỏ, chẳng màng chi đến những người giàu sang quyền thế, và lạ thay, Người đổ tràn ân phúc cho những người khiêm tốn biết ký thác cuộc đời nơi Chúa (xc.Thông điệp Thân mẫu Đấng Cứu thế số 37).
Những lời của bài ca này, một đàng trình bày cho chúng ta thấy nơi Đức Maria một khuôn mẫu cụ thể và tuyệt vời, đàng khác cho chúng ta biết rằng chính tâm hồn khiêm tốn mới lôi cuốn lòng lân tuất của Thiên Chúa.
5.- Sau cùng, bài ca đã tán dương sự hoàn tất những lời hứa và việc Thiên Chúa trung tín với dân tuyển chọn: “Chúa độ trì Israel tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta vì Người đã nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1, 54-55).
Đức Maria được đầy dẫy những hồng ân Thiên Chúa, nhưng Người không chỉ nhìn lại bản thân của mình; Người hiểu rằng những hồng ân này biểu lộ lòng lân tuất của Chúa đối với toàn thể dân mình. Thiên Chúa đã hoàn tất nơi Người những lời hứa một cách trung thành và quảng đại vô bờ bến.
Tuy dù kinh Magnificat đã được gợi hứng từ Cựu ước và linh đạo của thiếu nữ Sion, nhưng nó vượt xa những bản văn tiên tri đó, bởi vì nó cho thấy nơi Đấng “đầy ơn phước” khởi đầu của một cuộc can thiệp của Thiên Chúa vượt xa những niềm hy vọng của Israel về Đấng Mêsia: đó là mầu nhiệm thánh của Ngôi Lời nhập thể.
***
BÀI 36
ĐỨC MARIA LÚC SINH HẠ CHÚA GIÊSU
Trình thuật tả lại việc Chúa giáng sinh tại Bêlem gợi lên vài đặc trưng của sứ vụ tương lai của Chúa Cứu thế: nếp sống khó nghèo; bị đồng bào khước từ. Đức Maria cũng chia sẻ thân phận đó. Mặt khác, Người cũng chia sẻ niềm vui của các mục đồng, tượng trưng cho lớp người khiêm tốn, được Thiên Chúa lân tuất đặc biệt chiếu cố. Người cũng trở thành mẫu gương chiêm niệm cho Hội thánh, lưu giữ những mầu nhiệm trong lòng để nghiền ngẫm và loan truyền.
1.- Khi thuật lại việc Chúa ra đời, thánh sử Luca đã kể lại một vài dữ kiện giúp cho chúng ta hiểu biết thêm về ý nghĩa của biến cố này.
Trước tiên, thánh sử nói tới một cuộc kiểm tra dân số do Hoàng đế César Augustô truyền lệnh, bắt buộc ông Giuse, “ từ dòng tộc Vua Đavít”, và bà Maria vợ mình phải đi về “thành của vua Đavít tên là Belem”(Lc.2,4).
Khi thuật lại cho chúng ta biết những hoàn cảnh của cuộc hành trình và việc sinh hạ, thánh sử trình bày một tình hình khổ cực và nghèo khó, hé mở cho thấy một vài đặc tính của vương quyền Đấng Mêsia: một vương quyền không có danh dự và quyền bính trần thế, đi theo Đấng sẽ tuyên bố về mình trong cuộc đời công khai rằng : “Con Người không có nơi dựa đầu” (Lc 9,58).
2.- Trình thuật của thánh Luca còn trình bày cho chúng ta một vài chi tiết, thoạt tiên xem ra không quan trọng cho lắm, với chủ ý thúc đẩy người đọc hãy đi vào sâu hơn về mầu nhiệm Chúa giáng sinh và về những tâm tình của Đấng sinh hạ Con Thiên Chúa.
Khi thuật lại cách sơ sài việc sinh hạ Chúa Giêsu, thánh sử đã mô tả Đức Maria thông dự sâu sắc vào điều đang diễn ra ở nơi Người, “bà đã hạ sinh con trai đầu lòng của mình, quấn khăn và đặt trong một máng cỏ...”(Lc 2,7). Hành động của Đức Trinh nữ là kết quả của tâm tình hoàn toàn sẵn sàng hợp tác với chương trình của Thiên Chúa, đã biểu lộ vào lúc Truyền tin với những lời: “Xin hãy xảy ra nơi tôi điều mà Ngài đã nói” (Lc 1,38).
Đức Maria đã sống cảm nghiệm của việc sinh con trong một điều kiện cực kỳ khó nghèo: bà không thể dâng cho Con Thiên Chúa những gì mà các bà mẹ thường quen cung cấp cho trẻ sơ sinh của mình. Trái lại, Người đã phải đặt con “trong một máng cỏ”, trong một cái nôi biến báo, hoàn toàn trái ngược với thiên chức của “Con Đấng Tối Cao”.
3.- Phúc âm ghi chú rằng “không còn chỗ cho họ trong quán trọ” (Lc 2,7). Đây là một câu nói nhắc tới bản văn của lời tựa của thánh Gioan: “Nhưng người nhà đã không đón tiếp Người” (1,11), ra như tiên báo nhiều lần bị khước từ mà Chúa Giêsu sẽ phải chịu đựng trong suốt cuộc đời dương thế.
Khi nói “không còn chỗ cho họ” thì hiểu là sự khước từ gồm cả người con lẫn bà mẹ, và cho thấy Đức Maria đã được liên kết với số phận đau khổ của Con mình và tham gia sứ mạng cứu chuộc.
Bị “người nhà” bỏ rơi, Chúa Giêsu đã được tiếp đón bởi những mục đồng, hạng người quê mùa và tai tiếng, nhưng họ đã được Chúa chọn để trở thành những người đầu tiên tiếp nhận tin vui Chúa Cứu Thế giáng trần.
Sứ điệp mà Thiên thần ngỏ với họ là một lời mời hãy vui lên: “Này đây tôi báo cho các bạn một tin vui mừng, cũng sẽ là nỗi vui của toàn dân” (Lc 2,10), kèm theo một lời phấn chấn hãy vượt qua mọi sợ hãi: “Các bạn đừng sợ”.
Thực vậy, cũng như đã xảy ra vào lúc Truyền tin, đối với các mục đồng thì tin Chúa Giêsu giáng sinh là một dấu hiệu trọng đại của lòng Chúa lân tuất với loài người. Nơi Chúa Cứu chuộc xuất hiện dưới dạng nghèo khó trong hang Belem, ta có thể nhận thấy một lời mời hãy tin tưởng tiến lại gần với Đấng là nguồn hy vọng của nhân loại.
Bài ca của các thiên sứ: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời cao thẳm và bình an dưới thế cho những người Chúa yêu thương”, và cũng có thể dịch là: “cho những người thành tâm thiện chí” (Lc 2,14), bày tỏ cho các mục đồng điều mà Đức Maria đã diễn tả trong kinh Magnificat. Chúa Giêsu sinh ra là dấu hiệu của tình thương lân tuất của Thiên Chúa, được biểu lộ cách đặc biệt cho những người khiêm tốn khó nghèo.
4.- Đáp lại lời mời của thiên sứ, các mục đồng trả lời cách hoan hỉ và nhanh nhẩu: “Nào chúng ta hãy tiến về Belem, chúng ta hãy xem điều mà Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta biết” (Lc 2,15)
Cuộc tìm kiếm của họ đã không uổng công: “Họ đã gặp thấy Đức Maria, và ông Giuse cùng với Hài nhi” (Lc 2,16). Như công đồng Vaticanô II đã nhắc lại, “Thân mẫu Thiên Chúa đã hoan hỉ tỏ cho họ … Con đầu lòng của mình ”(HT 57). Đây là một biến cố quyết liệt cho cuộc đời của họ.
Nỗi ước muốn tự nhiên của các mục đồng muốn thuật lại “điều đã được nói về Hài nhi” (Lc 2,17), sau cảm nghiệm tuyệt diệu được gặp gỡ Thân mẫu cùng với Hài nhi, gợi ý cho các nhà truyền giảng Phúc âm của hết mọi thời đại về tầm quan trọng, - phải nói là sự cần thiết thì mới đúng -, của một mối quan hệ tinh thần sâu đậm với Đức Maria để biết rõ Đức Giêsu hơn, ngõ hầu trở nên những người phấn khởi loan truyền Tin mừng cứu độ.
Đứng trước những biến cố trọng đại này, thánh sử Luca nói cho chúng ta biết rằng Đức Maria “đã lưu giữ hết những điều này, suy niệm chúng trong tâm hồn” (Lc 2,19). Đang khi các mục đồng bước từ chỗ sợ hãi đến chỗ kinh ngạc và ngợi khen, thì Đức Trinh Nữ nhờ lòng tin của mình, đã duy trì cách sống động kỷ niệm về những biến cố liên quan đến Con của mình, và Người đào sâu chúng bằng cách đối chiếu trong “con tim” của mình, nghĩa là nơi thâm tâm sâu thẳm nhất của con người. Nhờ thế, Đức Maria đã gợi cho một bà mẹ khác, tức là Hội thánh, hãy biết trân trọng hồng ân và bổn phận suy niệm và suy tư thần học, ngõ hầu có thể đón nhận mầu nhiệm cứu độ, hiểu biết mầu nhiệm sâu rộng hơn, và loan truyền mầu nhiệm với nhiệt tình mới mẻ cho mọi người thuộc mọi thời đại[5].
BÀI 37
ĐỨC MARIA, THÂN MẪU THIÊN CHÚA
Ngay từ những thế kỷ đầu tiên, các Kitô hữu đã cầu khẩn Đức Maria dưới tước hiệu “Theotokos”, Đức Mẹ Chúa Trời. Tước hiệu này được công đồng Êphêsô long trọng tuyên bố năm 431. Tín điều này tiên vàn tuyên xưng rằng Đức Kitô chỉ có một ngôi vị duy nhất. Đức Maria, tuy chỉ là mẹ của Đức Kitô xét theo nhân tính, nhưng chức làm mẹ có liên quan đến ngôi vị. Dù sao, khi tuyên xưng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Hội thánh cũng khẳng định rằng Ngôi Lời đã thực sự trở thành con người, do một bà mẹ sinh ra.
1.- Việc chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Cứu Thế giáng sinh đã đưa các tín hữu không những gọi Đức Trinh Nữ rất thánh là Mẹ của Đức Giêsu, mà còn nhìn nhận Người là Mẹ của Thiên Chúa .
Chân lý này đã được đào sâu và cảm nhận như là một điều thuộc về gia sản đức tin của Hội thánh ngay từ những thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Kitô giáo, và công đồng Êphêsô tuyên bố long trọng năm 431.
Trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, khi các môn đệ càng ý thức rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa thì họ cũng càng thâm tín rằng Đức Maria là Theotokos, Mẹ của Thiên Chúa[6]. Tước hiệu này không xuất hiện rõ ràng trong các bản văn Phúc âm, tuy rằng ở đây ta thấy nói tới “Mẹ của Đức Giêsu” và Đức Giêsu là Thiên Chúa (Ga 20,28; xc. 5,18; 10,30.33). Dù sao Đức Maria được giới thiệu như là Mẹ của Đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta (Mt 1,22-23).
Từ thế kỷ III, như có thể suy diễn từ một chứng tá cổ điển, các Kitô hữu ở Ai cập đã hướng tới Đức Maria với lời cầu nguyện như sau: “Lạy Đức Mẹ Chúa Trời, Ngài xiết bao thánh thiện, này chúng con chạy đến tìm nương ẩn nơi Ngài. Lúc sa vòng gian khổ, khi gặp cảnh phong trần, lời con cái nài van, xin Mẹ đừng chê bỏ, nhưng xin hằng giải thoát, khỏi ngàn nỗi hiểm nguy, ôi vinh diệu ai bì, Trinh nữ đầy ơn phúc!” (xc. Giờ Kinh Phụng Vụ). Trong chứng tá cổ kính này, lần đầu tiên từ ngữ Theotokos “Đức Mẹ Chúa Trời” đã được sử dụng một cách minh thị.
Trong các huyền thoại của dân ngoại, thường thường có trường hợp một nữ thần được trình bày như là bà mẹ của một vị thần. Chẳng hạn như vị chủ tể Jupiter chúa tể có bà mẹ tên là nữ thần Rea.
Bối cảnh này có lẽ đã giúp cho các Kitô hữu tạo ra tước hiệu “Theotokos”, “Thánh Mẫu” dành cho bà mẹ của Đức Giêsu . Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng tước hiệu này chưa hề được sử dụng, nhưng là do các Kitô hữu đặt ra để diễn tả một lòng tin hoàn toàn khác với thần thoại của dân ngoại: đức tin vào việc thụ thai trinh khiết, trong lòng Đức Maria, của Đấng vốn là Ngôi Lời hằng hữu của Thiên Chúa .
2.- Đầu thế kỷ thứ IV, tước hiệu Théotokos đã trở thành thông dụng bên Đông phương và bên Tây phương. Kinh nguyện cũng như thần học sử dụng thường xuyên tước hiệu này, đã đi vào gia sản đức tin của Hội thánh .
Vì thế người ta hiểu được rằng cả một phong trào chống đối đã nổi lên vào thế kỷ thứ V, khi ông Nestoriô đặt ra nghi vấn về sự hợp thức của danh hiệu “Thân mẫu Chúa Trời”.
Thực vậy, ông ta có khuynh hướng muốn nhìn nhận Đức Maria chỉ là mẹ của con người Giêsu, và ông cho rằng tước hiệu duy nhất phù hợp với đạo lý là “Thân mẫu của Đức Kitô”. Ông Nestoriô đã rơi vào sự sai lầm như vậy bởi vì ông gặp thấy khó khăn khi chấp nhận một ngôi vị duy nhất của Đức Kitô, và do việc giải thích sai lầm về sự phân biệt giữa nhân tính và thiên tính hiện diện trong Đức Kitô[7].
Công đồng Ephêsô (năm 431) đã phi bác thuyết của ông Nestôriô, và khẳng định rằng thiên tính và nhân tính đồng hiện hữu nơi một ngôi vị duy nhất của Chúa Con. Công đồng tuyên bố Đức Maria là Đức Mẹ Chúa Trời.
3.- Những khó khăn và vấn nạn do ông Nestôriô nêu lên đã cống hiến cơ hội cho chúng ta suy nghĩ chín chắn, ngõ hầu hiểu biết và giải thích tước hiệu này một cách đứng đắn. Thành ngữ Theotokos, theo nguyên văn có nghĩa là “Kẻ đã sinh ra Thiên Chúa”[8] , thoạt tiên xem ra kỳ dị. Thực vậy, nó gợi lên câu hỏi: làm thế nào một thụ tạo có thể sinh ra Thiên Chúa? Câu trả lời của đức tin Hội thánh thì đã quá rõ: chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria chỉ áp dụng vào việc sinh ra Con Thiên Chúa theo tính loài người mà thôi, chứ không áp dụng vào việc sinh ra bản tính Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã được sinh ra từ thuở đời đời bởi Chúa Cha và đồng bản tính với Chúa Cha. Trong sự sinh ra hằng hữu này, dĩ nhiên là Đức Maria không có vai trò nào hết. Tuy nhiên Con Thiên Chúa, cách đây 2000 năm, đã lãnh nhận bản tính loài người của chúng ta, và do đó đã được thụ thai và sinh ra bởi Đức Maria .
Khi tuyên xưng Đức Maria là “Đức Mẹ Chúa Trời” Hội thánh muốn khẳng định rằng Đức Maria là “Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng là Thiên Chúa. Do đó chức làm mẹ của Người không áp dụng cho tất cả Ba ngôi Thiên Chúa nhưng chỉ liên can đến Ngôi Hai, tức là Chúa Con Đấng mà khi nhập thể, đã lãnh nhận bản tính loài người từ nơi Đức Maria .
Việc làm mẹ là một mối tương quan giữa hai bản vị: một bà mẹ không phải chỉ là mẹ của thân xác hay là của chất thể sinh ra từ lòng mình, nhưng là mẹ của ngôi vị mà mình sinh ra.
Vì thế, Đức Maria đã sinh ra Đức Giêsu, một bản vị xét về nhân tính mà cũng là một ngôi vị Thiên Chúa, cho nên Người thực sự là Mẹ của Thiên Chúa .
Khi công bố Đức Maria là “Đức Mẹ Chúa Trời”, Hội thánh đã tuyên xưng đức tin về người Con và người Mẹ trong cùng một biểu thức duy nhất. Sự kết hợp này đã được nổi bật ngay tại công đồng Ephêsô: qua việc định tín chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, các nghị phụ đã muốn bày tỏ đức tin vào thiên tính của Đức Kitô. Mặc dù đã có nhiều vấn nạn xưa nay được trưng lên để chống lại việc sử dụng tước hiệu Đức Mẹ Chúa Trời, nhưng các Kitô hữu thuộc mọi thời đại, khi giải thích đứng đắn ý nghĩa của chức làm mẹ đó, họ đã tìm thấy một biểu thức đặc biệt để diễn tả niềm tin vào thiên tính của Đức Kitô và của lòng yêu mến đối với Đức Trinh nữ Maria.
Nơi Đức Theotokos, một đàng Hội thánh bảo đảm rằng việc Nhập thể đã xảy ra thực sự, bởi vì - như Thánh Augustino đã nói - “giả như bà Mẹ mà giả thì thân xác của Đức Kitô cũng giả, … những vết thương còn mang sau khi Phục sinh cũng giả tuốt” (Tractatus in evangelium Ioannis, 8, 6-7). Đàng khác, Hội thánh sững sờ chiêm ngắm và cung kính cử hành sự cao cả được ban cho Đức Maria bởi Đấng đã muốn làm Con của Người. Tước hiệu “Đức Mẹ Chúa Trời” cũng hướng tới Lời của Thiên Chúa, Đấng mà qua mầu nhiệm Nhập Thể đã mặc lấy sự khiêm tốn của thân phận con người chúng ta, ngõ hầu nâng con người lên hàng nghĩa tử của Thiên Chúa. Ngoài ra, tước hiệu đó, dưới ánh sáng của chức phẩm cao vời dành cho thiếu nữ Nazaret, cũng tuyên dương sự cao quý của phụ nữ và thiên chức của họ. Thực vậy, Thiên Chúa đã đối xử với Đức Maria như là một bản vị tự do và có trách nhiệm, và chỉ có thể thực hiện việc Nhập thể của Con Ngài sau khi nhận được sự thỏa thuận của Đức Maria.
Theo gương các Kitô hữu tại Ai cập thời xưa, các tín hữu ký thác mình cho Người, vì là Đức Mẹ Chúa Trời, nên có thể xin Con mình cho họ ơn giải thoát khỏi mọi nỗi nguy nan và ơn được cứu rỗi đời đời.
________________________________________
[1] Theo sự giải thích của tác giả sách Sáng thế (3,20), tên bà Evà có nghĩa là “mẹ của chúng sinh” (mẹ của những người sống).
[2] Xc. bài 15.
[3] Xc. bài 25.
[4] Trong ngôn ngữ Cựu ước, “Chúa tôi” nhiều khi được dùng để xưng hô với Đức Vua (hoặc: Chúa Thượng). Tuy nhiên, trong Tân ước, các Kitô hữu đã tuyên xưng Đức Kitô là “Chúa” (hoặc Đức Chúa), bởi vì nhìn nhận thiên tính của Người, ngang hàng với Đức Chúa Giavê (Ađônai) trong Cựu ước. xc GLCG số 446-451
[5] Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo cung cấp thêm chất liệu để suy niệm về Mầu nhiệm Chúa giáng sinh ở các số 525-526; 456-460.
[6] Như đã nói trước đây, danh hiệu này có thể dịch nhiều kiểu: Mẹ của Thiên Chúa, Thân mẫu Thiên Chúa, Đức Mẹ Chúa Trời.
[7] Xc. GLCG số 466.
[8] Tương đương với Dei Genitrix trong tiếng latinh.
BÀI 38 : NHÀ GIÁO DỤC CON THIÊN CHÚA
Đức Maria thi hành chức vụ làm Mẹ của Đức Giêsu không nguyên chỉ vì đã sinh ra Người, nhưng còn góp phần vào việc giáo dục con mình được trưởng thành dưới khía cạnh nhân bản và đạo đức. Công tác này không đơn giản gì, bởi vì lắm lần từ chỗ làm “nhà giáo”, bà mẹ đã trở thành học trò của Con mình.
1.-Tuy rằng cuộc sinh hạ Đức Giêsu được thực hiện do tác động của Chúa Thánh Thần và của một người Mẹ trinh khiết, nhưng việc này cũng diễn ra giống như hoàn cảnh của những con người khác, trải qua các giai đoạn thụ thai, cưu mang và sinh hạ. Ngoài ra, chức vụ làm mẹ của Đức Maria không chỉ hạn chế vào sinh đẻ, nhưng tựa như các bà mẹ khác, bà mẹ còn góp phần quan thiết để đứa con được tăng trưởng và phát triển . Đức Maria không phải chỉ là một người đàn bà sinh một đứa con, nhưng còn nuôi nấng và dưỡng dục nó; hơn thế nữa, chúng ta có thể nói rằng, dựa theo chương trình của Thiên Chúa, việc giáo dục là sự kéo dài đương nhiên của việc sinh đẻ.
Đức Maria là Theotokos không những vì đã sinh ra Con Thiên Chúa mà còn vì đã đồng hành Ngài trong sự trưởng thành về nhân tính.
2.- Ta có thể tưởng tượng rằng Đức Giêsu đã có hết mọi sự sung mãn của thiên tính, cho nên không cần đến người giáo dục nữa. Tuy nhiên mầu nhiệm Nhập thể cho chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến trần gian trong một điều kiện con người hoàn toàn giống như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi (xc. Dt 4,15). Cũng như đã xảy ra cho hết mọi con người, sự trưởng thành của Đức Giêsu từ thuở thiếu thời cho tới lúc tráng niên (xc Lc 2,40) đòi phải có việc giáo dục của cha mẹ.
Tin Mừng thánh Luca, lưu ý cách riêng đến giai đoạn thơ ấu của Đức Giêsu, kể lại rằng tại Nazaret Người đã tùng phục ông Giuse và bà Maria (xc. Lc 2,51). Sự tùng phục như vậy cho thấy rằng Đức Giêsu có thái độ sẵn sàng lãnh nhận công tác giáo dục về phía bà mẹ của mình và ông Giuse; các ngài thực thi chức vụ này cũng nhờ thái độ ngoan ngoãn mà Đức Giêsu tỏ ra đối với họ.
3.- Những hồng ân đặc biệt mà Chúa đã đổ tràn trên Đức Maria, đã giúp Người có đủ khả năng thích hợp để chu toàn sứ mạng làm bà mẹ và nhà giáo dục. Trong những hoàn cảnh cụ thể hằng ngày, Đức Giêsu có thể tìm thấy nơi bà mẹ một khuôn mẫu để theo dõi và bắt chước, một tấm gương về tình yêu toàn thiện đối với Thiên Chúa và anh chị em.
Bên cạnh sự hiện diện của Đức Maria hiền mẫu, Đức Giêsu còn có thể tìm thấy khuôn mặt hiền phụ của ông Giuse, người công chính (xc. Mt 1,19),bảo đảm cho sự quân bình cần thiết của công tác giáo dục. Khi thi hành chức vụ làm cha, ông Giuse đã hợp tác với vợ mình để biến căn nhà Nazaret thành một môi trường thuận tiện cho sự trưởng thành của Đấng Cứu độ loài người. Và rồi khi tập cho Đức Giêsu làm thợ mộc, ông Giuse đã đưa Người đi vào thế giới lao động và đời sống xã hội.
4.- Những chi tiết ít ỏi mà chúng ta lượm được từ Phúc âm không cho phép chúng ta biết rõ hơn và đánh giá những hình thái sư phạm mà Đức Maria đã áp dụng cho Con mình. Điều chắc chắc là Đức Maria cùng với thánh Giuse đã dẫn dắt Đức Giêsu vào những lễ nghi và luật truyền của ông Môisen, vào lời kinh dâng lên Thiên Chúa của Giao ước bằng việc đọc các thánh vịnh, vào lịch sử của dân tộc Israel tựu trung nơi cuộc xuất hành ra khỏi Ai cập. Đức Giêsu đã học nơi Mẹ Maria và ông Giuse thói quen năng vào hội đường và thi hành cuộc hành hương hằng năm lên đền Giêrusalem nhân lễ Vượt qua.
Khi nhìn đến các kết quả, chắc hẳn chúng ta có thể suy diễn rằng việc giáo dục của Đức Maria đã đâm rễ sâu và đã tìm thấy nơi tâm thức của Đức Giêsu một mảnh đất rất là trù phú.
5.- Công tác giáo dục của Đức Maria, dành cho một người con rất đặc biệt, mang một vài tính chất khác thường so với vai trò của các bà mẹ khác. Đức Maria chỉ bảo đảm một vài điều kiện thích hợp để có thể phát triển những động cơ và những giá trị của sự tăng trưởng, đã hiện hữu nơi Con của mình. Thí dụ Đức Giêsu chẳng hề có tội lỗi gì, vì thế mà Mẹ Maria cần phải chuyển hướng về phía tích cực, chứ không cần phải can thiệp để sửa bảo trừng phạt. Ngoài ra, nếu Đức Maria đã dẫn dắt Đức Giêsu vào nền văn hóa và tập tục của dân tộc Israel, thì chính Đức Giêsu sẽ bày tỏ cho Mẹ, từ biến cố tìm gặp lại Người trong đền thờ, ý thức rõ rệt rằng Người là Con Thiên Chúa, được sai tới để chiếu tỏa chân lý vào thế giới và Người chỉ vâng phục ý định Chúa Cha mà thôi. Từ chỗ là “nhà giáo” của Con mình, Đức Maria đã trở nên một môn sinh khiêm tốn của Thầy mà mình đã sinh ra.
Dù sao, chúng ta cũng thấy vẻ cao trọng của chức vụ làm mẹ của Đức Maria: Người đã giúp đỡ con Giêsu của mình, từ thuở sơ sinh cho tới lúc trưởng thành, được “lớn lên trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng” (Lc 2,52), và được đào tạo để thi hành sứ mạng tương lai.
Vì thế, Đức Maria và ông Giuse trở thành khuôn mẫu của hết mọi nhà giáo dục. Các ngài nâng đỡ họ trong những nỗi khó khăn lớn lao mà ngày nay gia đình gặp phải, và các ngài trưng bày cho họ con đường tiến tới một sự đào tạo có hiệu quả sâu đậm đối với con cái.
Kinh nghiệm giáo dục của các ngài tạo nên một điểm quy chiếu chắc chắn cho các bậc cha mẹ Kitô giáo, những người cũng được kêu gọi phục vụ sự tăng trưởng toàn diện của con cái mình, trong những điều kiện mỗi ngày một phức tạp và khó khăn hơn, ngõ hầu chúng sống một cuộc đời xứng đáng với con người và đáp ứng chương trình của Thiên Chúa.
BÀI 39 : TIẾN DÂNG ĐỨC GIÊSU TRONG ĐỀN THỜ
Từ bài hôm nay, Đức Thánh Cha bước sang trình thuật dâng tiến Đức Giêsu trong đền thờ (Lc 2, 22-38). Những tình tiết khác nhau của biến cố này trở thành đề tài suy niệm cho đến bài 43. Bài hôm nay chỉ mới gợi lên vài nét chính: việc trung thành tuân giữ lề luật; thái độ của người nghèo biểu lộ qua lễ phẩm; niềm trông đợi ơn cứu độ của dân Israel được mãn nguyện.
1.- Trong câu chuyện tiến dâng Đức Giêsu trong đền thờ, thánh Luca đã nêu bật số phận Đức Giêsu như là Mêsia. Theo bản văn của Luca, mục đích trực tiếp của việc Thánh gia hành hương từ Bêlem về Giêrusalem là để chu toàn lề luật : “Khi đã đến kỳ thanh tẩy của các ngài theo luật Môisen, bà Maria và ông Giuse đem hài nhi lên Giêrusalem để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong luật Chúa rằng: mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh dành cho Chúa; và cũng để dâng hy lễ theo luật Chúa truyền là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non” (Lc 2,22-24).
Với cử chỉ này, bà Maria và ông Giuse bày tỏ ý định muốn trung thành vâng phục ý Chúa, khước từ hết mọi hình thức đặc ân. Việc hai ngài lên đền thờ Giêrusalem mang ý nghĩa của một sự hiến dâng cho Thiên Chúa, ngay tại nơi hiện diện của Ngài. Đức Maria vì nghèo khó nên chỉ dâng một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu, nhưng, trên thực tế Người đã hiến dâng Chiên thật sẽ cứu chuộc nhân loại. Như vậy, bằng cử chỉ này, Người đã thực hiện trước thời gian hy lễ đích thực, mà Luật Cũ đã tiên báo qua các lễ tế.
2.- Tuy dù lề luật chỉ đòi buộc bà mẹ phải thanh tẩy sau khi sinh con, nhưng thánh Luca nói tới “ kỳ thanh tẩy của các ngài” (2,22), có lẽ bởi vì muốn ám chỉ những lề luật chi phối cả người mẹ và người con đầu lòng.
Hạn từ “thanh tẩy” có thể gây ngạc nhiên cho chúng ta, bởi vì đang bàn đến một bà Mẹ mà do ơn thánh đặc biệt, đã được vô nhiễm thanh tịnh ngay từ lúc bắt đầu hiện hữu, và một Hài nhi hoàn toàn thánh thiện. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng ở đây không phải là chuyện thanh tẩy lương tâm cho khỏi tội lỗi, nhưng chỉ là phục hồi sự thanh khiết về nghi thức, điều mà, theo não trạng thời đó, đã bị hoen ố do việc sinh đẻ tuy dù không có mắc lỗi lầm nào về luân lý.
Thánh sử Luca đã lợi dụng cơ hội để nhấn mạnh một mối dây liên kết đặc biệt giữa Đức Giêsu , xét vì là “Trưởng nam”(Lc 2,7 và 23) , và sự thánh thiện của Thiên Chúa, đồng thời cũng muốn ám chỉ tinh thần hiến dâng khiêm tốn của Đức Maria và ông Giuse (xc. Lc 2,24). Thực vậy, cặp chim gáy hay cặp bồ câu non là “hiến lễ của những người nghèo” (Lv 12,8).
3.- Trong đền thờ, ông Giuse và bà Maria đã gặp gỡ ông Simêon, một người công chính và sùng đạo mong chờ niềm an ủi của Israel”(Lc.2,25).
Trình thuật của Luca không nói gì đến quá khứ cũng như chức vụ của ông Simêon ở trong đền thờ, mà chỉ nói đến một con người hết sức sùng đạo đang nuôi dưỡng trong lòng sự khát khao mãnh liệt chờ đợi Đấng Mêsia, kẻ an ủi dân tộc Israel. Thực vậy “Thánh Thần … ngự trên ông” và “đã báo cho ông biết rằng ông sẽ không chết trước khi được thấy Đấng Mêsia của Chúa” (Lc 2,26).
Ông Simêon mời gọi chúng ta hãy nhìn ngắm hành vi lân tuất của Thiên Chúa, Đấng đã đổ tràn Thánh Thần trên các tín hữu của mình ngõ hầu hoàn tất dự án huyền nhiệm của tình yêu của Ngài. Ông Simêon, mẫu gương của con người mở rộng lòng tới tác động của Thiên Chúa, “do Thánh Thần thúc đẩy”(Lc.2,27), ông lên đền thờ, nơi mà ông gặp Đức Giêsu , ông Giuse và bà Maria. Ông ẵm lấy Hài nhi trên tay và chúc tụng Chúa rằng :” Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi” (Lc 2,29).
Là một nhân vật biểu trưng cho Cựu ước, ông Simêon đã cảm nhận được niềm vui vì được gặp gỡ Đấng Mêsia và ông cảm thấy đã đạt tới mục tiêu cuộc đời; do đó ông đã có thể xin Đấng Tối Cao để về nơi an bình của thế giới bên kia.
Trong biến cố hiến dâng Chúa Giêsu vào đền thờ, chúng ta có thể nhận ra sự gặp gỡ của niềm hy vọng dân Israel với Đấng Mêsia. Chúng ta cũng có thể nhận ra một dấu hiệu tiên báo sự gặp gỡ giữa con người với Đức Kitô. Sở dĩ cuộc gặp gỡ này có thể thực hiện được là bởi vì Chúa Thánh thần gợi lên trong con tim nỗi khát khao được tìm gặp Đấng Cứu Thế, và Chúa Thánh Thần cũng tạo điều kiện để cho niềm trông mong đó được toại nguyện[4].
Chúng ta cũng không nên bỏ qua vai trò của Đức Maria khi trao Hài nhi cho ông cụ Simêon. Do ý muốn của Thiên Chúa, chính là bà Mẹ đã ban Chúa Giêsu cho nhân loại.
4.- Khi mặc khải tương lai của Đấng Cứu Thế, ông già Simêon đã nhắc tới lời tiên tri của “người Tôi tớ” được sai tới Dân ưu tuyển và các dân tộc. Thiên Chúa đã nói với ông ta như sau: “Ta đã nhào nặn nên ngươi và đã đặt ngươi làm giao ước của dân tộc và ánh sáng cho muôn dân” (Is 42,6). Và còn thêm : “Thật là chẳng thấm thía gì việc ngươi là tôi tớ của Ta để chấn hưng lại các bộ lạc Giacóp và đưa những đồng bào Israel còn sống sót được hồi cư. Ta sẽ biến ngươi thành ánh sáng của muôn dân ngõ hầu ngươi mang ơn cứu độ của Ta cho tới tận cùng trái đất” (Is 49,6).
Trong bài ca, ông Simêon đã lật ngược lại viễn ảnh, vì đã đặt chiều kích phổ quát của sứ mạng Đức Giêsu lên hàng đầu: “Chính mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân, ánh sáng soi đường cho dân ngoại và vinh quang của Israel dân Người” (Lc 2,30-32).
Làm sao không khỏi ngạc nhiên đứng trước những lời đó? “Cha mẹ Hài nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simêon vừa nói về Người” (Lc.2,33). Dĩ nhiên ông Giuse và bà Maria, với cảm nghiệm vừa rồi, đã hiểu rõ ràng hơn tầm quan trọng của việc hiến dâng của mình. Trong đền Giêrusalem họ đã hiến dâng Đấng là vinh quang của dân tộc mình và cũng là sự cứu độ của toàn thể nhân loại.
BÀI 40 : LỜI TIÊN BÁO CỦA ÔNG SIMÊON LIÊN KẾT ĐỨC MARIA VỚI SỐ PHẬN ĐAU KHỔ CỦA CON MÌNH
Trong bài trước, Đức Thánh Cha trình bày quang cảnh tổng quát của việc tiến dâng Đức Giêsu trong đền thờ, lần này, ngài dừng lại ở lời tiên báo của ông Simêon dành cho Mẹ Maria. Người sẽ chia sẻ số phận đau khổ của Chúa Cứu thế. Những lời tiên báo này được coi như “lời truyền tin thứ hai”, bổ túc cho lời thiên sứ Gabriel nói về sứ mạng của Thân mẫu Đấng Mêsia.
1.- Sau khi đã nhận ra nơi Đức Giêsu “ánh sáng soi đường cho dân ngoại” (Lc 2,32), ông Simêon đã loan báo cho Đức Maria biết về cuộc thử thách lớn lao dành cho Đấng Mêsia và sự thông phần của bà mẹ vào số phận đau thương đó.
Việc đề cập tới hy lễ cứu chuộc, điều mà trước đây thiên sứ không đả động đến vào lúc Truyền tin, cho thấy sấm ngôn của ông Simêon tương đương với “cuộc truyền tin thứ hai” (Thân mẫu Đấng Cứu thế số 16), đưa Đức Maria tới chỗ hiểu biết sâu xa hơn về mầu nhiệm của Con mình.
Cho tới lúc này, ông Simêon đã ngỏ lời với tất cả mọi người hiện diện, cách riêng ông đã chúc phúc cho ông Giuse và bà Maria; nhưng bây giờ ông chỉ loan báo cho Đức Maria rằng bà sẽ thông dự vào số phận của Con mình. Được Thánh Thần linh ứng, ông loan báo như sau: “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy, dấu hiệu bị người đời chống báng - còn phần bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu hồn bà-, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra” (Lc 2, 34-35).
2.- Những lời này tiên báo một tương lai đau khổ dành cho Đấng Mêsia. Thực vậy chính Người là “dấu hiệu bị người đời chống báng”, sẽ gặp một sự đối kháng về phía người đương thời của mình. Nhưng ông Simêon cũng liên kết vào những đau khổ của Đức Kitô hình ảnh tâm hồn của Đức Maria bị một lưỡi gươm đâm thâu, và như vậy đã liên kết người Mẹ vào chung một với số phận đau khổ của người Con.
Vì thế, cụ già Simêon, sau khi vạch ra sự chống đối càng ngày càng gia tăng mà Đấng Mêsia gặp phải, thì cũng nhấn mạnh tới sự đau khổ ấy tràn sang trái tim của bà Mẹ. Sự đau khổ của người mẹ sẽ đạt tới cao điểm vào lúc tử nạn, khi ma Người kết hiệp với Con của mình trong hy lễ cứu chuộc.
Sau khi đã nhắc tới những bài ca đầu tiên về người Tôi tớ của Chúa (Is 42,4-6; 49,6) được lặp lại ở Lc 2,32[5], bây giờ những lời của ông Simêon làm cho chúng ta liên tưởng tới lời tiên tri về người Tôi tớ đau khổ (Is 52,13-53,12), “bị đâm thâu” vì tội lỗi chúng ta (Is.53,5), người đã dâng mình “làm của lễ xá tội” (Is 53,10) qua hiến lễ của bản thân, vượt xa các hy tế theo nghi thức cổ truyền.
Ở đây chúng ta có thể ghi nhận rằng lời tiên báo của ông Simêon cho thấy sự đau khổ tương lai của Đức Maria có điểm tương đồng với tương lai đau khổ của “Người Tôi tớ”.
3.- Bà Maria và ông Giuse đã tỏ vẻ ngạc nhiên không ít khi nghe ông Simêon tuyên bố rằng Đức Giêsu là “ánh sáng soi đường cho dân ngoại và vinh quang của Israel dân Ngài” (Lc 2,32). Còn khi nói tới lời tiên báo về lưỡi gươm sẽ đâm qua hồn, bà Maria không nói gì hết. Cùng với ông Giuse, bà đã thinh lặng đón nhận những lời bí nhiệm cho thấy một cuộc thử thách rất là đau thương, và bày tỏ ý nghĩa sâu xa của việc tiến dâng Chúa Giêsu vào đền thờ. Thực vậy theo ý định của Thiên Chúa, hy lễ của “một đôi chim gáy hay đôi bồ câu non theo luật truyền” (Lc 2,24) chỉ là điềm báo của hy lễ của Đức Giêsu, “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29). Trong hy lễ đó, cuộc “tiến dâng” trọn nghĩa sẽ được thực hiện và Đức Maria sẽ được kết hiệp với Con mình vào công trình cứu chuộc.
4.-Tiếp theo lời tiên báo của ông Simêon là cuộc gặp gỡ với bà tiên tri Anna: “Bà ta cũng tiến lại gần cảm tạ Chúa, và nói về Hài nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem”(2, 38). Niềm tin và sự khôn ngoan ngôn sứ của bà cụ, - một người đã “phục vụ Thiên Chúa ngày đêm” (Lc 2, 37), nuôi dưỡng niềm trông mong Đấng Mêsia bằng việc ăn chay cầu nguyện-, đã cống hiến thêm cho Thánh gia một động lực sâu xa hơn để đặt hy vọng vào Thiên Chúa của Israel. Trong một giây phút trọng đại này, đối với Đức Maria và ông Giuse thì thái độ của bà Anna xuất hiện như là một dấu hiệu của Thiên Chúa, một sứ điệp của đức tin trong sáng và sự phục vụ tận tụy.
Kể từ lời tiên báo của ông Simêon, Đức Maria đã kết hiệp chặt chẽ cuộc đời của mình với sứ mạng đau khổ của Đức Kitô: Người sẽ trở thành người hợp tác chung thủy với Con mình nhằm cứu rỗi nhân loại.
________________________________________
[1] Như đã nói trước đây, danh hiệu này có thể dịch nhiều kiểu: Mẹ của Thiên Chúa, Thân mẫu Thiên Chúa, Đức Mẹ Chúa Trời.
[2] Xc. GLCG số 466.
[3] Tương đương với Dei Genitrix trong tiếng latinh.
[4]đoạn văn này chứa đựng cả một nền thần học về ơn cứu rỗi của người ngoại đạo. Chúa Thánh thần đã dàn xếp để cho ông Simêon (tín đồ Do thái) được gặp gỡ Chúa Cứu thế, nghĩa là được cứu rỗi. Đức Thánh Cha muốn mở rrộng nhãn giới họat động của Chúa Thánh thần: Ngài đã khơi lên trong tâm hồn của biết bao nhiều người lòng khao khát được cứu rỗi, nghĩa là lòng khao khát được gặp gỡ Chúa Cứu thế. Cũng chính Chúa Thánh thần tạo điều kiện cho để cho lòng khao khát ấy được tọai nguyện. Xc. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 22; GLCG số 851-852.
[5] Người tôi tớ được đặt là, “giao ước với Israel và ánh sáng muôn dân”, xc. bài 39.
BÀI 41 : TRONG CUỘC TIẾN DÂNG CHÚA GIÊSU VÀO ĐỀN THỜ, CHÚA BÀY TỎ SỰ HỢP TÁC CỦA “NGƯỜI NỮ” VÀO VIỆC CỨU CHUỘC
Trong trình thuật tiến dâng Đức Giêsu trong đền thờ, chúng ta thấy sự có mặt của hai phụ nữ: Đức Maria và bà Anna. Đức Maria dâng tiến Đức Giêsu cho Thiên Chúa, tiên báo việc liên kết với hy lễ thập giá của Chúa Kitô mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Bà Anna tượng trưng cho biết bao phụ nữ dâng hiến cuộc đời để phụng sự Chúa qua việc cầu nguyện và thực hành các nhân đức.
1.- Những lời của cụ Simêon báo cho Đức Maria việc Người tham gia vào sứ mạng cứu chuộc của Đấng Mêsia, đã làm sáng tỏ vai trò của người phụ nữ trong mầu nhiệm cứu chuộc.
Thực vậy, Đức Maria không phải chỉ là một cá nhân mà thôi, nhưng còn là “thiếu nữ Sion”[1], người phụ nữ “mới” được đặt bên cạnh Đấng Cứu thế để chia sẻ cuộc khổ nạn và tái sinh trong Thánh Thần những người con của Chúa. Thực tại này đã được lòng đạo đức bình dân diễn tả qua “bảy lưỡi gươm” đâm thâu qua trái tim của Đức Maria[2]: hình thức này muốn nói lên mối liên kết sâu xa giữa bà mẹ, - được đồng hóa với thiếu nữ Sion và với Hội thánh - , và số phận đau khổ của Ngôi Lời nhập thể.
Khi trao trả lại người Con mà mình vừa được nhận lãnh bởi Thiên Chúa, để hiến dâng Người cho sứ mạng cứu chuộc, Đức Maria cũng dâng hiến chính mình cho sứ mạng đó nữa. Đây là một thái độ chia sẻ nội tâm chứ không nguyên chỉ là hoa quả của tình mẹ; nhất là nó biểu lộ sự thỏa thuận của người đàn bà “mới” vào công trình cứu chuộc của Đức Kitô.
2.- Trong lời phát biểu của mình, ông Simêon đã bày tỏ mục tiêu của hy lễ của Đức Giêsu và của Mẹ Maria: những điều này sẽ xảy đến “ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm của nhiều người phải lộ ra”(Lc 2,35).
Đức Giêsu “dấu hiệu bị chống báng” (Lc 2,34), Đấng lôi cuốn bà mẹ mình vào vòng đau khổ, sẽ là kẻ bắt buộc con người phải bày tỏ thái độ đối với Người, mời gọi họ hãy dứt khoát lập trường. Thực vậy, Người là “duyên cớ cho nhiều người phải vấp ngã hay được chỗi dậy ở Israel (Lc 2,34).
Do đó, đối với công trình cứu chuộc, Đức Maria kết hiệp với Con của mình “trong sự chống báng”. Đành rằng sẽ có nguy cơ bị hủy diệt dành cho những ai khước từ Đức Kitô; tuy nhiên, công hiệu tuyệt diệu của cuộc cứu chuộc là sự chỗi dậy của nhiều người. Nguyên chỉ lời loan báo này đã đủ gợi lên một niềm hy vọng lớn lao trong con tim của những người được chứng kiến hoa quả của hy lễ.
Khi đặt trước mắt Đức Trinh nữ Maria viễn ảnh của ơn cứu rỗi trước khi tiến dâng hy lễ theo luật truyền, ông Simêon xem ra gợi ý cho Người hãy thực hiện cử chỉ này để đóng góp vào việc cứu chuộc nhân loại. Thực vậy ông không ngỏ lời với ông Giuse hay là về ông Giuse; những câu nói của ông chỉ hướng về Đức Maria, mà ông đã liên kết với số phận của Con mình.
3.- Xét theo thời gian, việc dâng hiến của Đức Maria đi trước việc dâng hiến của Đức Kitô, tuy nhiên nó không làm mờ ám hy lễ của Đức Kitô. Công đồng Vatican II khi định nghĩa vai trò của Đức Maria trong chương trình cứu chuộc, đã nhắc nhở rằng Đức Maria “đã hiến dâng mình … cho bản thân và sự nghiệp của Con mình, phục vụ chương trình cứu chuộc ở dưới Đức Kitô và cùng với Đức Kitô” (HT 56).
Khi tiến dâng Đức Giêsu vào đền thờ, Đức Maria đã phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc ở dưới Đức Kitô và cùng với Đức Kitô : chính Đức Kitô là nhân vật chính của cuộc cứu rỗi, và Người cần được chuộc lại bằng một cuộc dâng hiến theo luật truyền. Đức Maria kết hiệp với hy lễ của Con mình bằng lưỡi gươm đâm thâu qua tâm hồn.
Địa vị tối thượng của Đức Kitô không những không gạt bỏ nhưng còn nâng đỡ và đòi hỏi người phụ nữ một vai trò riêng biệt không thể thay thế được. Khi lôi cuốn bà mẹ vào hy lễ của mình, Đức Kitô đã muốn tỏ lộ cho thấy hy lễ mang bộ mặt nhân đạo và tiên báo hy lễ tư tế trên thập giá. Việc Thiên Chúa mong mỏi người phụ nữ đóng góp vào công tác cứu chuộc được bày tỏ qua sự kiện là lời tiên báo của ông Simêon chỉ hướng tới Đức Maria, cho dù lúc ấy ông Giuse cũng có mặt vào nghi thức tiến dâng.
4.- Kết luận của câu chuyện tiến dâng Đức Giêsu trong đền thờ xem ra xác nhận ý nghĩa và vai trò của sự hiện diện của người phụ nữ trong chương trình cứu chuộc.
Sự gặp gỡ một người phụ nữ tên là Anna đã kết thúc những hồi quan trọng của việc chuyển tiếp từ Cựu ước sang Tân ước.
Cũng như ông Simêon, bà Anna không phải là một nhân vật nổi nang trong xã hội, nhưng cuộc đời của bà đã có một giá trị lớn lao trước mặt Chúa. Ông Luca gọi bà là “nữ ngôn sứ”, có lẽ bởi vì bà đã được nhiều người đến tham vấn khi thấy bà được đặc sủng phân định và bởi vì cuộc sống thánh thiện của bà dưới sự hướng dẫn của Thần Khí Chúa.
Bà Anna là người cao niên, lúc ấy bà đã 84 tuổi và đã góa chồng từ lâu năm. Bà đã tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, “bà không rời bỏ đền thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm phụng thờ Thiên Chúa” (Lc 2,37). Bà tượng trưng cho biết bao nhiêu người sống trong niềm hy vọng mãnh liệt chờ đợi Đấng Mêsia, và đã được diễm phúc đón nhận sự hoàn tất của lời hứa trong niềm hân hoan vô tận. Thánh sử kể lại rằng “lúc ấy bà đã tới nơi, và bà đã cảm tạ Thiên Chúa “ (2,38).
Vì sống thường ngày trong đền thờ, bà đã có cơ hội, có lẽ còn dễ dàng hơn ông Simêon, để mà gặp gỡ Chúa Giêsu vào lúc cuộc đời tận hiến cho Thiên Chúa sắp chấm dứt, cuộc đời đã được tô điểm bằng việc lắng nghe Lời Chúa và bằng sự cầu nguyện.
Vào lúc bình minh của thời cứu chuộc, chúng ta có thể nhận thấy nơi bà ngôn sứ Anna tất cả những phụ nữ, bằng cuộc sống thánh thiện và lời cầu nguyện tha thiết, họ đã mau mắn đón tiếp sự hiện diện của Đức Kitô và hằng ngày ngợi khen Thiên Chúa vì những kỳ công và lòng lân tuất của Ngài đã thực hiện.
5.- Được Thiên Chúa chọn lựa để gặp gỡ Hài nhi Giêsu, ông Simêon và bà Anna đã sống xứng đáng với hồng ân đó, họ đã chia sẻ với Đức Maria và ông Giuse niềm vui của sự hiện diện của Chúa Giêsu và đã chiếu tỏa niềm vui đó ra chung quanh. Cách riêng bà Anna đã bày tỏ lòng hăng say khi nói về Đức Giêsu, chứng tỏ cho lòng tin đơn sơ và quảng đại. Niềm tin của bà chuẩn bị cho những người khác đón nhận Đấng Mêsia vào cuộc đời của mình.
Kiểu nói của ông Luca, “bà ta nói về Hài nhi cho những người đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc dân Israe”(2,38), xem ra giới thiệu bà như là biểu tượng của những phụ nữ đã dấn thân loan truyền Phúc âm, khơi dậy và nuôi dưỡng niềm hy vọng vào ơn cứu độ.
Bài 42 : ĐỨC GIÊSU BỊ LẠC MẤT VÀ ĐƯỢC TÌM THẤY TRONG ĐỀN THỜ
Sau khi thuật lại việc tiến dâng Đức Giêsu trong đền thờ, nơi mà Mẹ Maria nhận được một mặc khải về vai trò của mình qua miệng ông Simêon, thánh sử Luca còn kể lại một biến cố khác xảy ra tại đền thờ , vào lúc Đức Giêsu lên 12 tuổi (Lc 2,41-50). Qua câu trả lời của Chúa cho bà Mẹ đang xao xuyến, chúng ta có thể nhận ra một lời “mặc khải” về sứ mạng của Đức Maria trong công trình cứu chuộc. Đức Giêsu phải thực hiện kế hoạch của Chúa Cha, vì thế Người phải lìa xa các mối dây ràng buộc gia đình. Mẹ Maria được yêu cầu vượt lên tình cảm tự nhiên của người mẹ, để hợp tác với Chúa trong việc thực hiện kế hoạch của Chúa.
1.- Thánh sử Luca đã đặt cuộc hành hương của Đức Giêsu lên đền thờ Giêrusalem như là trang cuối của những trình thuật của thời thơ ấu, trước khi ông Gioan Tẩy giả bắt đầu giảng thuyết. Đây là một hoàn cảnh độc đáo chiếu lên một tia sáng vào những năm tháng dài dẵng của cuộc đời ẩn dật tại Nazaret.
Vào dịp này, Đức Giêsu đã tỏ ra bản lĩnh cương nghị của mình, ý thức về sứ vụ của mình, và mang lại cho chuyến đi lần thứ hai “vào nhà Cha” ý nghĩa của một việc dâng hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa, một đặc tính đã được gợi lên vào lúc Người được dâng tiến vào đền thờ.
Đoạn văn này có vẻ tương phản với lời chú dẫn của ông Luca, theo đó Đức Giêsu phục tùng ông Giuse và bà Maria (xc. 2,51). Thế nhưng nếu nhìn kỹ hơn, xem ra ở đây Đức Giêsu đã chủ ý muốn đối chọi lại với điều kiện là một người con bình thường, nhằm nêu bật sự xa lìa bà Maria và ông Giuse. Đức Giêsu tuyên bố rằng tiêu chuẩn cho hết mọi cách cư xử của mình ở chỗ mối liên hệ với Chúa Cha, chứ không phải là những mối dây tình cảm gia đình dưới thế.
2.- Qua biến cố này, Đức Giêsu đã chuẩn bị cho mẹ mình đến mầu nhiệm cứu chuộc. Bà Maria, cùng với ông Giuse, đã sống ba ngày thổn thức khi mà Con của mình đã xa lánh để ở lại trong Đền thờ, tiên báo ba ngày khổ nạn, chết và sống lại.
Khi để cho mẹ mình và ông Giuse trở về Galilêa mà không nói cho họ ý định của mình ở lại Giêrusalem, Đức Giêsu đã dẫn họ đi vào mầu nhiệm của cuộc đau khổ đưa tới vinh quang, tiên báo điều mà sau này Ngài sẽ nói với các mộn đệ khi loan báo mầu nhiệm Vượt qua.
Theo trình thuật của ông Luca, trên đường trở về Nazaret, sau một ngày đường, bà Maria và ông Giuse bồi hồi lo lắng cho số phận của Hài nhi Giêsu, hai ông bà đã tìm kiếm Người giữa họ hàng thân thuộc. Khi quay lại Giêrusalem và gặp thấy Người trong đền thờ, hai ông bà bỡ ngỡ vì thấy Người “ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi” (Lc 2,46). Thái độ của Người rất là khác thường. Và dĩ nhiên việc tìm gặp Người vào ngày thứ ba đã trở thành một cơ hội để cho hai ông bà khám phá ra một khía cạnh khác liên quan đến bản thân và sứ mạng của Người.
Đức Giêsu đóng vai trò của một thầy dạy, như Người sẽ thực hiện sau này trong cuộc đời công khai. Người nói những lời gây ra sự kinh ngạc: “Ai nghe cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu” (2,47). Khi bày tỏ một sự khôn ngoan gây kinh ngạc cho các thính giả, Chúa Giêsu khai mào nghệ thuật đối thoại, một đặc trưng của sứ mạng cứu rỗi của Người.
Bà mẹ hỏi cậu Giêsu : “Con ơi, sao Con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng đi tìm Con!”(Lc.2,48). Ở đây chúng ta có thể bắt được tiếng vang của câu hỏi “tại sao” của biết bao bà mẹ đứng trước sự khổ tâm do con cái gây ra, cũng như tiếng vang của những câu hỏi nảy lên trong con tim của mỗi người khi gặp cơn thử thách.
3.- Câu trả lời của Đức Giêsu dưới thể chất vấn cũng đầy ý nghĩa không kém: “Tại sao các vị lại tìm Con ? Các vị không biết rằng Con phải quan tâm đến những sự việc của Cha Con hay sao?” (Lc 2,49).
Như vậy, một cách bất ngờ và không lường được, Đức Giêsu đã bày tỏ cho bà Maria và ông Giuse biết mầu nhiệm về Thân thế của mình. Người mời hai ông bà hãy vượt qua những dáng vẻ bên ngoài và Người mở cho họ những viễn ảnh mới về tương lai. Trong câu trả lời với bà mẹ đang xao xuyến, Đức Giêsu đã giải thích lý do của cách cư xử của mình. Mẹ Maria đã nói “cha của con” ám chỉ ông Giuse; còn Đức Giêsu trả lời “Cha của Con” nhưng lại hiểu về Cha trên trời.
Khi đề cập đến nguồn gốc thiên tính của mình, Đức Giêsu không muốn khẳng định rằng Đền thờ là nhà của Cha mình, nơi mà Chúa hiện diện; đúng hơn, Người muốn nhấn mạnh rằng mình phải bận tâm tất cả những gì liên quan tới Cha và kế hoạch của Cha. Duy chỉ có ý muốn của Cha mới là tiêu chuẩn ràng buộc sự vâng phục của mình.
Việc nhắc tới sự hiến thân hoàn toàn cho kế hoạch của Thiên Chúa lại càng được rõ rệt nơi bản văn Phúc âm qua dụng ngữ đặt ở đầu câu trả lời “con cần phải”, dụng ngữ này về sau sẽ được sử dụng khi loan báo cuộc khổ nạn (xc. Mc 8,31).
Do đó, Đức Giêsu yêu cầu song thân hãy để cho mình ra đi chu toàn sứ mạng tới nơi mà ý muốn của Cha trên trời sẽ dẫn mình tới.
4.- Thánh sử chú giải rằng : “Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói”(Lc 2,50).
Bà Maria và ông Giuse không hiểu được nội dung của câu trả lời của Đức Giêsu , cũng như không hiểu được cách thức mà Đức Giêsu đã phản ứng lại mối băn khoăn của hai ông bà, dường như là Người làm ngơ không biết. Qua thái độ này, Đức Giêsu có ý mạc khải những khía cạnh huyền nhiệm của mối tương quan thân mật giữa Người với Chúa Cha, những khía cạnh mà Đức Maria chỉ mới linh cảm nhưng chưa biết móc nối với sự thử thách mà mình đang trải qua.
Những lời của thánh sử Luca cho phép chúng ta biết Đức Maria đã sống tình tiết độc đáo này như thế nào trong thâm tâm của mình: “Người ghi nhớ tất cả những sự việc đó trong tim của mình” (Lc 2,51). Thân mẫu của Đức Giêsu đã chắp nối tất cả những sự kiện về mầu nhiệm của Con mình, đã được mặc khải vào lúc Truyền tin, và đào sâu những biến cố đó trong sự thinh lặng chiêm niệm, hiến dâng sự cộng tác của mình trong tinh thần ”xin vâng” được lặp lại thêm một lần nữa.
Từ đây bắt đầu một xâu chuỗi dài những biến cố dẫn đưa Đức Maria dần dần vượt qua vai trò tự nhiên của tình mẹ, để tiến tới việc phục vụ sứ mạng của Con mình là Thiên Chúa.
Tại đền thờ Giêrusalem, trong buổi khai mào sứ mạng cứu độ của mình, Đức Giêsu đã muốn kết hợp bà Mẹ với mình; bà không phải chỉ là kẻ đã sinh ra mình, mà còn là người Phụ Nữ, qua việc tuân phục chương trình của Chúa Cha, có khả năng cộng tác vào mầu nhiệm cứu độ.
Và như thế, Đức Maria khi lưu giữ trong con tim một biến cố đầy ý nghĩa như vậy, đã đạt thêm một chiều kích mới trong việc cộng tác vào việc cứu độ.
BÀI 43 : MẸ MARIA TRONG CUỘC ĐỜI ẨN DẬT CỦA ĐỨC GIÊSU
Tân ước không cung cấp tin tức về những năm ẩn dật của Chúa Giêsu tại Nazaret. Đó cũng là những năm ẩn dật của Mẹ Maria. Trong bầu khí trầm tĩnh và cần cù làm việc, Mẹ cố gắng tìm hiểu thêm về bản tính và sứ mạng của Con mình. Đây là thời kỳ mà Mẹ tiến triển về đức tin, đức cậy, đức mến khi sống kề bên Chúa Giêsu. Đây là một mẫu gương cho cuộc sống của chúng ta, “được ẩn dật” với Chúa Kitô.
1.- Các Phúc âm cung cấp cho chúng ta rất ít dữ kiện về những năm tháng Thánh gia sống ở Nazaret.
Thánh Matthêu kể lại quyết định của thánh Giuse, sau khi từ Ai cập trở về, đã định cư Thánh gia tại Nazaret (xc. Mt 2, 22-23), nhưng ông không cho chúng ta thêm một tin tức nào khác, ngoại trừ ông Giuse làm nghề thợ mộc (x. Mt 13, 55). Về phần mình, thánh Luca hai lần nói tới việc Thánh gia trở về Nazaret (xc. Lc 2,39.51) và cung cấp hai chỉ dẫn ngắn ngủi về những năm thiếu thời của Đức Giêsu, trước và sau trình thuật của cuộc hành hương về Giêrusalem: “Hài nhi lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan và hằng được ơn nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40) , và “ Đức Giêsu, ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến” (Lc 2, 52).
Khi ghi lại vắn tắt cuộc đời của Đức Giêsu như vậy, có lẽ Thánh Luca đã ghi nhận từ những ký ức của Đức Maria liên quan tới một giai đoạn sống rất thân mật với Con mình. Sự kết hợp giữa Đức Giêsu và Đấng “Đầy ơn phước” vượt xa mối tương quan thường tình giữa bà mẹ với đứa con, bởi vì nó được cắm rễ trong một điều kiện siêu nhiên, và được củng cố bằng việc cả hai đều thuận tuân theo ý định của Thiên Chúa.
Như vậy có thể kết luận được rằng bầu khí an bình của nhà Nazaret cũng như quyết tâm thi hành kế hoạch của Thiên Chúa, đã mang lại cho sự kết hiệp giữa hai mẹ con một sự sâu sắc lạ thường vô tiền khoáng hậu.
2.- Nơi Đức Maria, ý thức về việc chu toàn một sứ mạng đã được Thiên Chúa giao phó đã mang lại một ý nghĩa cao sâu cho cuộc sống hằng ngày. Đối với Người, những việc làm đơn sơ khiêm tốn hàng ngày mang một ý nghĩa đặc biệt, bởi vì được Người đánh giá như là sự phục vụ sứ mạng của Đức Kitô.
Mẫu gương của Đức Maria soi sáng và khích lệ kinh nghiệm của biết bao nhiêu phụ nữ thực hành công tác hằng ngày giữa bốn bức tường của căn nhà mình. Đó là một công tác khiêm tốn, ẩn dật, lặp đi lặp lại, và thường không được đánh giá đúng mức. Tuy vậy, những năm tháng mà Đức Maria trải qua tại nhà Nazaret đã bộc lộ cho thấy những tiềm năng mãnh liệt của tình yêu chân chính và của sự cứu độ. Thực vậy cuộc sống đơn sơ của biết bao nhiêu bà nội trợ, một khi đã được nhận thức như là sứ mạng phục vụ và yêu thương, thì nó gói ghém một giá trị phi thường trước mắt của Thiên Chúa.
Có thể nói được rằng cuộc sống tai Nazaret, đối với Đức Maria, không phải chỉ là cuộc sống nhàm chán. Khi được tiếp xúc với Đức Giêsu đang dần dần trưởng thành, Mẹ Maria cố gắng đi sâu vào mầu nhiệm của Con mình, trong sự chiêm ngắm và thờ lạy.
Thánh Luca đã viết: “Bà Maria đã lưu giữ tất cả những điều này suy niệm trong con tim” (2,19; xc. 2, 51). “Tất cả những điều này”: đó là những biến cố mà Đức Maria đã vừa giữ vai trò chủ động vừa giữ vai trò chứng kiến, khởi sự từ cảnh Ttruyền tin, và nhất là tất cả cuộc sống của Hài nhi.
Mỗi ngày được sống gần kề Đức Giêsu là một lời mời gọi hãy tìm hiểu Người hơn, khám phá ra sâu xa hơn ý nghĩa của sự hiên diện và của mầu nhiệm bản thân Ngài.
3.- Có lẽ có người sẽ nghĩ rằng đối với Mẹ Maria việc thực hành đức tin là điều dễ dàng, bởi vì Người được chung đụng với Đức Giêsu mỗi ngày. Tuy nhiên, cần phải nhớ lại rằng những khía cạnh ngoại thường của bản thân của Chúa Con thường là được che kín. Cho dù cung cách đối xử của Ngài thật là gương mẫu, nhưng Ngài đã sống một cuộc đời giống như bao nhiêu người cùng trạc tuổi.
Trong vòng ba mươi năm sống tại Nazaret, Đức Giêsu đã không tỏ lộ những đức tính siêu việt và không làm một phép lạ nào. Lúc Đức Giêsu bắt đầu một vài việc phi thường vào lúc khởi sự sứ mạng đi rao giảng, thì thân nhân của Người (được Phúc âm gọi là: các “anh em”) đã cảm thấy có bổn phận phải dẫn đưa Ngài về nhà, bởi vì - theo vài ý kiến chú giải- họ cho rằng cách hành động của Ngài mang triệu chứng bất bình thường (xc. Mc 3,21).
Trong khung cảnh cần cù tại Nazaret, Mẹ Maria cố gắng tìm hiểu đường hướng mà Chúa Quan phòng dành cho sứ mạng của Con mình.
Về điểm này, Mẹ Maria đã nghiền ngẫm cách riêng về câu nói mà Đức Giêsu đã trả lời tại đền thờ Giêrusalem khi lên mười hai tuổi: “Các vị không biết rằng con phải lo lắng về công chuyện của Cha con sao?” (Lc 2, 49). Khi suy gẫm điều đó, Đức Maria có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và về chức làm mẹ của mình; bà cố gắng quan sát qua những cử chỉ của con mình, những nét biểu lộ sự tương đồng Ngài với Đấng được gọi là “Cha của con”.
4.- Sự thông hiệp đời sống với Đức Giêsu, tại nhà Nazaret, đưa Đức Maria không những tiến triển “trên cuộc cuộc lữ hành đức tin” (HT 58), mà cả trên con đường hy vọng nữa. Được nuôi dưỡng với việc nhắc lại biến cố Truyền tin và những lời của ông Simêon, nhân đức này[3] trải dài suốt trọn cuộc sống dương thế, nhưng nó đã được thực hiện cách riêng trong khoảng ba mươi năm thinh lặng, ẩn dật tại Nazaret.
Sau những bức tường của Nazaret, Đức Trinh nữ đã sống đức hy vọng ở cao độ. Người biết rằng sự trông đợi của mình không hão huyền, tuy dù Người không biết chừng nào và bằng cách nào Thiên Chúa sẽ thực hiện những lời hứa. Trong cảnh đêm tối của đức tin và không thấy những dấu hiệu lạ kỳ báo tin khởi điểm sứ vụ Mêsia của Con mình, Mẹ Maria đã hy vọng bất chấp những dấu hiệu hiển minh, trông chờ từ nơi Chúa việc thực hiện những lời hứa.
Gia đình Nazaret là khung cảnh cho sự tăng trưởng về đức tin và niềm hy vọng, và cũng là nơi chứng tá của tình yêu. Tình yêu mà Đức Kitô muốn chiếu tỏa trên thế giới đã được khơi lên và bừng cháy trong con tim của Đức Mẹ: chính nơi tổ ấm gia đình mà việc loan báo Tin mừng tình thương của Thiên Chúa được chuẩn bị.
Khi nhìn tới nhà Nazaret, khi chiêm ngưỡng mầu nhiệm cuộc đời ẩn dật của Đức Giêsu và của Đức Maria , chúng ta được mời gọi hãy nghĩ tới của chính cuộc đời chúng ta, cuộc đời - mà thánh Phaolô đã nói - “ẩn dật với Đức Kitô trong Thiên Chúa” (Cl 3, 3).
Thường thường đời chúng ta là một cuộc sống khiêm tốn, ẩn dật trước mắt người đời, tuy nhiên theo gương của Đức Maria, cuôc đời này có thể bộc lộ những tiềm năng cứu độ, khi chiếu tỏa tình yêu và sự an bình của Đức Kitô.
________________________________________
[1] Xem lại bài 17-18.
[2] Chủ đề này cũng gắn liền với việc tôn kính “bảy sự đau đớn” của Đức Mẹ.
[3] Nhân đức “hy vọng” cũng là nhân đức “trông cậy”.
BÀI 44 : ĐỨC MARIA TẠI TIỆC CƯỚI CANA
Phúc âm thánh Gioan nhắc đến Đức Maria hai lần đầy ý nghĩa: một lần tại tiệc cưới Cana (2,1-11) vào lúc Chúa Giêsu khai mạc sứ vụ công khai, và một lần khi Chúa kết thúc sứ vụ trên Thập giá (19,25-27). Vào cả hai dịp đó, Chúa đã xưng hô với thân mẫu là “Người nữ”. Bài huấn giáo hôm nay theo dõi diễn tiến phép lạ Cana dựa theo bản văn Tin mừng, nhất là theo dõi ý kiến của các nhà chú giải về hai câu trả lời của Chúa “Giữa bà với tôi có chuyện gì? Giờ tôi chưa đến”. Bài huấn giáo lần tới sẽ tìm hiểu vai trò của Đức Maria trong câu chuyện này.
1.- Trong câu chuyện tiệc cưới Cana, thánh Gioan đã trình bày việc can thiệp đầu tiên của Đức Maria trong cuộc đời công khai của Đức Giêsu, và làm nêu bật sự hợp tác của Người vào sứ mạng của Con.
Ngay từ đầu trình thuật, thánh sử đã ghi nhận rằng “có cả thân mẫu của Đức Giêsu” (2,1) và, ra như muốn gợi ý rằng chính sự hiện diện của Mẹ Maria đã là nguồn gốc của việc đôi tân hôn mời Đức Giêsu và các môn đệ đến (xc. Thân mẫu Đấng Cứu thế, số 21), thánh sử viết tiếp: “Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự” (2,2). Qua những lời ghi chú đó, xem ra thánh Gioan muốn ám chỉ rằng, tại Cana, cũng như tại biến cố căn bản của Mầu nhiệm Nhập thể, Đức Maria là kẻ giới thiệu Chúa Cứu thế.
Ý nghĩa và vai trò của việc Đức Maria hiện diện đã được biểu lộ khi thiếu rượu. Là một bà nội trợ từng trải và tinh mắt, Đức Maria nhận biết tình cảnh và can thiệp để khỏi mất niềm vui của mọi người, và nhất là để giúp đỡ đôi tân hôn đang gặp khó khăn.
Mẹ Maria đã ngỏ lời với Đức Giêsu như sau: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Người bày tỏ lòng ưu tư của mình trước một tình trạng, và chờ đợi một sự can thiệp để giải quyết. Theo một số nhà chú giải, chính Đức Maria đã chờ đợi một dấu hiệu lạ lùng, xét vì Đức Giêsu không có mang rượu theo.
2.- Sự lựa chọn của Đức Maria, thay vì đi tìm rượu ở chỗ khác, đã biểu lộ lòng can đảm của niềm tin của Người, bởi vì cho tới lúc đó Đức Giêsu chưa hề làm một phép lạ nào, dù ở Nazaret dù ở nơi nào khác. Tại Cana, Đức Maria lại bày tỏ một lần nữa tâm tình tín thác vào Thiên Chúa. Vào hồi Truyền tin, Đức Maria đã tin vào Chúa Giêsu trước khi thấy Người, cho nên đã đóng góp vào phép lạ của việc thụ thai trinh khiết; giờ đây khi tin tưởng vào quyền năng chưa được tỏ lộ của Đức Giêsu, Mẹ đã gợi lên “dấu lạ đầu tiên”, thay đổi nước thành rượu.
Như thế Đức Maria đã dẫn đầu đức tin cho các môn đệ, theo như thánh Gioan nói, họ sẽ tin sau khi xảy ra phép lạ: Đức Giêsu “đã bày tỏ vinh quang của Người và các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2,11). Hơn thế nữa khi xin được một dấu lạ, Đức Maria đã mang lại một sự nâng đỡ cho niềm tin của họ.
3.- Đức Giêsu đã trả lời cho Đức Maria như sau: “Người nữ ơi, giữa tôi với bà có chuyện gì đâu? Giờ tôi chưa tới” (Ga 2,4). Thoạt tiên xem ra những lời này là một sự khước từ, và thử thách niềm tin của Đức Maria.
Theo một ý kiến giải thích, Đức Giêsu, từ khi bắt đầu sứ mạng, xem ra đã muốn xét lại mối tương quan tự nhiên về tình mẫu tử. Câu nói vừa rồi, theo ngôn ngữ đương thời, nhằm nêu bật một khoảng xa cách giữa hai người, không chấp nhận sự thông hiệp giữa đôi bên. Sự xa cách này không loại bỏ lòng tôn kính; lời xưng hô “người (phụ) nữ ơi[1]” được sử dụng trong vài cuộc đối thoại như là với bà Cananêa (xc. Mt 15, 28), với người thiếu phụ Samaria (xc. Ga 4, 21), với người đàn bà ngoại tình (xc. Ga 8,10) và với bà Maria Magđala (xc. Ga 20, 13), trong những khung cảnh bày tỏ một sự trân trọng với người phụ nữ.
Qua thành ngữ: “Giữa bà với tôi có chuyện gì đâu?” Chúa Giêsu muốn nêu bật sự hợp tác của Đức Maria vào chương trình cứu chuộc; sự hợp tác này đòi hỏi phải vượt lên vai trò của người mẹ tự nhiên, và bước sang lãnh vực của đức tin và hy vọng.
4.- Động lực mà Chúa Giêsu trưng dẫn mới thật là quan trọng: “Giờ tôi chưa đến” (Ga 2,4).
Một vài nhà chú giải Kinh thánh, họa theo lối giải thích của Thánh Augustino đã đồng hóa “giờ” với biến cố của cuộc Tử nạn. Ngược lại, đối với một vài tác giả khác, từ ngữ này nói tới phép lạ đầu tiên mạc khải quyền năng Mêsia của ngôn sứ Nazaret.
Ngoài ra, một vài tác giả khác chủ trương rằng câu nói phải đặt ở thể nghi vấn và tiếp nối câu hỏi trước đó: “Giữa bà với tôi có chuyện gì đâu? Giờ tôi chưa đến hay sao?”. Đức Giêsu muốn cho Đức Maria hiểu rằng từ nay Người không còn lệ thuộc vào mẹ nữa nhưng Người cần phải dành sáng khởi để thi hành công tác của Chúa Cha. Vì thế mà Đức Maria không khẩn khoản Người thêm nữa, nhưng chỉ hướng về các người đầy tớ và yêu cầu họ hãy tuân phục Người.
Dù sao, lòng tin tưởng của Đức Maria nơi Con mình đã được thưởng. Người đã dành tất cả sáng kiến cho Đức Giêsu; Chúa đã thực hiên phép lạ, và như vậy là đã nhìn nhận lòng can đảm và mềm dịu của Đức Maria: “Đức Giêsu nói với họ: ‘Các anh đổ đầy nước vào chum đi’; và họ đổ đầy tới miệng”(Ga 2, 7). Do đó sự vâng phục của họ cũng đã đóng góp vào việc lãnh nhận rượu một cách dồi dào.
Lời yêu cầu của Mẹ Maria : “Các anh hãy làm điều mà Người truyền” vẫn còn một giá trị đối với các Kitô hữu thuộc hết mọi thời đại, và câu nói này vẫn còn sẽ mang lại hiệu quả diệu kỳ trong cuộc sống của mỗi người. Đức Maria mời gọi chúng ta hãy tín thác không chút do dự, nhất là khi chúng ta không hiểu được ý nghĩa và công dụng của điều mà Chúa Kitô truyền dạy chúng ta.
Cũng như trong trình thuật về bà Cananêa (Mt 15, 24.26), việc khước từ bề ngoài của Đức Giêsu làm tăng thêm đức tin của người phụ nữ, thì ở đây những lời nói của người Con: “Giờ tôi chưa đến”, cùng với việc thực hiện phép lạ đầu tiên, đã cho thấy đức tin lớn mạnh của Mẹ và mãnh lực của lời Người cầu khẩn.
Câu chuyện tiệc cưới Cana khuyến khích chúng ta hãy can đảm trong đức tin, hãy cảm nghiệm trong cuộc sống chúng ta chân lý của lời Phúc âm: “ Các con hãy xin thì sẽ được” (Mt 7, 7; Lc 11, 9).
BÀI 45 : TẠI CANA, ĐỨC MARIA GIỤC CHÚA GIÊSU THỰC HIỆN PHÉP LẠ ĐẦU TIÊN
Tại Cana, do lòng trắc ẩn Đức Maria đã xin Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên. Đối lại, Đức Maria được Chúa mời gọi hãy cộng tác như “người nữ” vào công trình cứu độ. Các giáo phụ còn giải thích trình thuật về tiệc cưới Cana theo nhiều nghĩa biểu tượng khác nữa: sự chuyển tiếp từ nước thanh tẩy của Cựu ước sang rượu của Tân ước; tiệc cưới của Giao ước vĩnh viễn; rượu của Bí tích Thánh thể.
1.- Khi kể lại sự hiện diện của Đức Maria trong cuộc đời công khai của Đức Giêsu , công đồng Vaticanô II đã nhắc tới sự tham gia của Người tại Cana nhân dịp phép lạ đầu tiên: “Tại tiệc cưới ở Cana Galilêa, Đức Maria động lòng trắc ẩn, đã van nài xin Đức Giêsu Đấng Mêsia, bắt đầu các phép lạ(xc. Ga 2,1-11)” (HT 58).
Theo gót thánh sử Gioan, Công đồng ghi nhận vai trò kín đáo nhưng lại hữu hiệu của Đức Mẹ, Đấng đã thúc giục Đức Kitô thực hiện “phép lạ đầu tiên” do lời khẩn nài của mình.
Tuy chỉ gây được ảnh hưởng kín đáo của bà mẹ, nhưng cuối cùng, sự hiện diện của bà đã đưa tới hiệu quả quyết định. Sáng kiến của Đức Trinh nữ Maria lại còn đáng kinh ngạc hơn nữa nếu chúng ta nhớ tới điều kiện thấp bé của người phụ nữ trong xã hội Do thái.
Thực vây, tại Cana, Đức Giêsu không những nhìn nhận phẩm giá và vai trò của tài năng người phụ nữ, nhưng khi đón nhận sự can thiêp của người Mẹ, Đức Giêsu đã mở ra cho bà một cơ hội tham dự vào công trình của Đấng Mêsia. Việc gọi Đức Maria là “người nữ ơi” không đi ngược lại ý tưởng vừa nói. Thực vậy lời “người (phụ) nữ” không bao hàm một ý nghĩa tiêu cực nào, và sẽ còn được Đức Giêsu sử dụng khi ngỏ lời với Đức Maria dưới chân Thập giá(xc. Ga 19, 26)[2]. Theo một vài nhà chú giải, danh hiệu “Người Nữ”[3] trình bày Đức Maria như là bà Evà mới, mẹ của tất cả những người tin.
Trong đoạn văn trích dẫn trên đây, công đồng Vaticanô II đã nói rằng “Đức Maria động lòng trắc ẩn”, muốn cho thấy rằng Người đã được thúc đẩy bởi con tim nhân từ của mình. Khi nhìn thấy cảnh bối rối của đôi tân hôn và của khách vì thiếu rượu, Đức Maria động lòng xót thương đã gợi cho Đức Giêsu can thiệp bằng quyền năng Mêsia của mình.
Đối với một vài người, lời xin của Đức Maria xem ra quá đáng, bởi vì nó đặt việc khai mào các phép lạ phải lê thuộc vào một hành vi trắc ẩn. Đức Giêsu đã trả lời cho vấn nạn đó khi Người đã thỏa thuận làm theo lời yêu cầu của Đức Mẹ; Người chứng tỏ cho thấy Chúa đã đáp lại những ước mong của nhân loại một cách dồi dào, và đồng thời cũng cho thấy tình yêu của một người mẹ có thể có hiệu lực đến đâu.
2.- Sự sử dụng từ ngữ “khởi đầu cho các phép lạ” trong bản văn của Công đồng, dựa trên thánh sử Gioan, đáng cho chúng ta lưu ý. Hạn từ trong tiếng Hy lạp Arkhe, được dịch là “bắt đầu” hay là “khởi nguyên”, đã được thánh Gioan dùng ở trong Lời tựa của Phúc âm: “Lúc khởi nguyên đã có Ngôi Lời”(1, 1). Sự trùng hợp đầy ý nghĩa này dẫn cho phép chúng ta thiết lập một sự song song giữa khởi nguyên của việc tỏ bày vinh quang của Đức Kitô vào hồi nguyên thủy và của việc bày tỏ vinh quang của Người trong sứ vụ trần thế.
Khi làm nêu bật sáng kiến của Đức Maria trong phép lạ đầu tiên và khi nói tới sự hiện diện của Người trên núi Calvariô dưới chân Thập giá, thánh sử giúp cho chúng ta thấy rằng sự hợp tác của Đức Maria kéo dài ra suốt sự nghiệp của Đức Kitô. Lời yêu cầu của Đức Maria nằm trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa.
Trong phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu, các Giáo phụ đã nhìn thấy một chiều kích biểu tượng, khi nhận ra trong việc đổi nước thành rượu, sự loan báo việc chuyển tiếp từ Cựu ước sang Tân ước. Tại Cana, nước ở các chum dùng vào việc thanh tẩy của người Do thái và việc chu toàn những lề luật Môisen( x. Mc 7, 15), trở thành rượu mới của một tiệc cưới, biểu tượng của sự kết hợp vĩnh viễn giữa Thiên Chúa và con người.
3.- Khung cảnh của tiệc cưới, được Đức Giêsu chọn lựa để thực hành phép lạ đầu tiên, quy hướng tới biểu tượng hôn nhân, thường được Cựu ước sử dụng để ám chỉ giao ước giữa Thiên Chúa với Dân Người (xc. Hs 2, 21; Gr 2, 1-8; Tv 44; vv) và trong Tân ước để ám chỉ sự kết hợp của Đức Kitô với Hội thánh (xc. Ga 3, 28-30; Ep 5, 25-32; Kh 21, 1-2; vv).
Sự hiện diện của Đức Giêsu tại Cana còn bày tỏ ý định cứu chuộc của Thiên Chúa đối với hôn nhân. Trong khung cảnh này, sự thiếu rượu có thể được giải thích theo nghĩa là gợi lên việc thiếu tình yêu, thường đe dọa sự hòa thuận vợ chồng. Đức Maria xin Chúa Giêsu can thiệp nhằm giúp đỡ cho tất cả mọi đôi hôn nhân, mà chỉ duy một tình yêu đặt nơi Thiên Chúa mới có thể giải quyết được những mối nguy của sự bất trung, hiểu lầm, chia rẽ. Ân sủng của bí tích mang lại cho các đôi hôn nhân một sức mạnh của tình yêu, để có thể củng cố lòng quyết tâm chung thủy kể cả trong những hoàn cảnh khó khăn
Ngoài ra theo sự giải thích của một số tác giả khác, phép lạ Cana cũng hàm chứa ý nghĩa về bí tích Thánh thể. Khi làm phép lạ này - cũng như phép lạ tăng bánh (xc. Ga 6, 4)- vào lúc gần đại lễ Vượt qua của người Do thái (xc. Ga 2, 13), Đức Giêsu bày tỏ ý định chuẩn bị cho một bữa tiệc Vượt qua, đó là bí tích Thánh thể.
Sự móc nối bữa tiệc Cana với ý nghĩa Thánh thể còn có thể được giải thích qua sự hiện diện của rượu, hình bóng của máu Giao ước mới và trong khung cảnh của một bữa tiệc.
Do đó, Đức Maria, sau khi là nguồn gốc của sự hiện diện của Đức Giêsu tại tiệc cưới, đã xin được phép lạ của rượu mới, tượng trưng cho bí tích Thánh thể, dấu hiệu cao cả của sự hiện diện của Con mình ở giữa các môn đệ sau khi sống lại.
4.- Kết thúc trình thuật về phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu, được thực hiện do lòng tin sắt đá của Thân mẫu của Chúa, thánh sử Gioan kết luận rằng: “các môn đệ đã tin vào Người” (2,11). Tại Cana Đức Maria đã khởi đầu con đường đức tin của Hội thánh, đi trước các môn đệ và lôi kéo sự chú ý của các môn đệ về với Đức Kitô.
Lời chuyển cầu không ngừng của Đức Maria khuyến khích tất cả những ai phải gặp cảm nghiệm của sự “thiếu vắng Thiên Chúa”. Họ được mời gọi hãy trông cậy dù không còn gì để trông cậy[4], luôn luôn đặt tin tưởng vào lòng lân tuất của Chúa.
________________________________________
[1] Thường được dịch là “Bà ơi!”. Nhưng ở đây “bà” là một danh từ (người đàn bà, người phụ nữ), chứ không phải là một đại danh từ xưng hô.
[2] xc. bài 49 dưới đây.
[3] “Người Nữ” hay “Người Phụ nữ”, “Người Đàn bà”.
[4] xc. Rm 4,18.
BÀI 46 : MẸ MARIA TRONG CUỘC ĐỜI CÔNG KHAI CỦA ĐỨC GIÊSU
Trong suốt thời kỳ Chúa Giêsu thi hành sứ vụ, Đức Maria theo dõi cách lặng lẽ những hoạt động của Con mình, nghiền gẫm những lời giảng của Chúa, và chia sẻ sự đau khổ của Chúa vì bị nhiều người khước từ.
1.- Sau khi đã nhắc tới sự can thiệp của Đức Maria tại tiệc cưới Cana, công đồng Vaticanô II đã diễn tả việc Người tham dự vào cuộc đời công khai của Đức Giêsu như sau: “Trong thời gian Đức Kitô đi rao giảng, Mẹ Maria đã đón nhận những lời mà Chúa Con đã đề cao Nước Thiên Chúa lên trên những mối tương quan và ràng buộc ruột thịt, những lời công bố chân phúc của những người lắng nghe và tuân giữ lời của Chúa (xc. Mc 3,35 và ss.; Lc 11, 27-28) và Mẹ đã trung thành thực hiện điều đó (x. Lc 2, 19.51)” (HT 58).
Việc khai mào sứ vụ của Đức Giêsu cũng đánh dấu việc cách ly khỏi Mẹ mình. Đức Maria đã không luôn luôn đi theo Con trong cuôc lữ hành trải qua những chặng đường Palestina. Đức Giêsu đã tự ý chọn lựa sự cách ly khỏi Mẹ mình và khỏi những cảm tình của gia đình, như Người đã nói rõ về những điều kiện đặt ra cho các môn đệ để đi theo Người và dấn thân rao truyền Nước Chúa.
Tuy vậy, đôi khi Đức Maria cũng đã lắng nghe lời giảng của Con mình. Chúng ta có thể giả thiết rằng Mẹ đã hiên diện tại Hội đường Nazaret, khi Đức Giêsu đọc những lời của ngôn sứ Isaia, chú giải đoạn văn và áp dụng cho mình nội dung của nó (xc. Lc 4,18- 30). Đức Maria hẳn đã phải đau khổ rất nhiều vào lúc đó, bởi vì sau khi đã chia sẻ sự thán phục của mọi người vì những lời duyên dáng phát sinh từ miệng Người (Lc 4, 22), Mẹ đã nhận thấy sự chống đối của đồng bào xua đuổi Đức Giêsu ra khỏi Hội đường và thậm chí đã âm mưu giết Người! Những lời của thánh sử Luca cho thấy tình cảnh thật gay cấn: “Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành, họ kéo Người lên tận đỉnh núi cao để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi” (4, 29-30).
Sau biến cố này, Đức Maria, linh cảm về những thử thách khác sẽ xảy tới, đã khẳng định và đào sâu lòng gắn bó với ý định của Chúa Cha, dâng cho Ngài sự đau khổ của một người mẹ và sự cô đơn của mình.
2.- Theo các Phúc âm, Đức Maria đã có dịp lắng nghe Con của mình vào những hoàn cảnh khác nữa. Trước hết là tại Capharnaum, nơi mà Đức Giêsu, sau tiệc cưới Cana, đã tới “cùng với mẹ mình, các anh em và các môn đệ” (Ga 2,12). Ngoài ra, có lẽ Mẹ Maria cũng gặp Đức Giêsu tại Giêrusalem nhân dịp lễ Vượt qua, trong Đền thờ mà Đức Giêsu đã gọi là nhà của Cha mình và Người đã bộc lộ lòng nhiệt thành (xc. Ga 2,16-17). Rồi Người cũng có mặt trong đám đông, khi mà không thể đến gần Đức Giêsu được, Người nghe Chúa trả lời cho kẻ loan báo sự hiện diện của Người và của họ hàng như sau: “mẹ Ta và anh em của Ta là những người lắng nghe Lời của Chúa và đem ra thực hành”(Lc 8, 21).
Tuy coi nhẹ những mối tương quan gia đình, nhưng kỳ thực Đức Kitô đã tỏ lòng ca ngợi Đức Mẹ, khẳng định một mối dây liên lạc cao sâu hơn với Người. Thực vậy, Đức Maria, trong tư cách lắng nghe Con của mình, đã đón nhân tất cả những lời của Chúa và trung thành đem ra thực hành.
Chúng ta có thể hình dung rằng, tuy Mẹ Maria không đi theo sát Đức Giêsu trong cuộc hành trình truyền giáo, nhưng luôn được thông tin về diễn biến các hoạt động tông đồ của Con mình, thu nhận cách ưu ái và hồi hộp các tin tức về những bài giảng của Con mình do những kẻ đã gặp Người thuật lại.
Sự cách ly không có nghĩa là xa biệt về tâm trí, cũng như sự cách ly không ngăn cản bà mẹ theo dõi Con bằng tinh thần, bằng việc lưu giữ và suy niệm lời giáo huấn của Con như trước đây Người đã thi hành trong giai đoạn ẩn dật tại Nazarét. Thực vậy đức tin đã cho phép Người tìm thấy ý nghĩa của những lời của Chúa Giêsu trước cả các môn đệ và còn hơn họ nhiều, bởi vì những ông này thường không hiểu hết những lời giáo huấn của Chúa và đặc biệt những đoạn loan báo cuộc Tử nạn tương lai (xc. Mt 16, 21-23; Mc 9, 32; Lc 9, 45).
3.- Đức Maria, khi theo dõi từ xa những sự cố xảy tới cho Con mình, đã tham dự vào mối bi kịch của Con mình bị phần lớn dân Do thái khước từ. Sự khước từ này được biểu lộ khi Đức Giêsu trở về làng Nazaret, và càng ngày càng bộc lộ rõ ràng hơn qua những lời nói cũng như cử chỉ của các nhà thủ lãnh.
Đức Trinh nữ thường biết được những lời chỉ trích, sỉ nhục và đe dọa dành cho Đức Giêsu. Ngay tại Nazaret, tâm hồn của Mẹ nhiều lần đã phải xót xa vì sự cứng lòng tin của những bà con thân thuộc: họ muốn cưỡng bách Đức Giêsu phải theo dụng ý của họ (xc. Ga 7, 2-5) hay là họ muốn làm gián đoạn sứ mạng của Người (xc. Mc 3,21).
Chính qua những sự đau khổ chịu đựng trong âm thầm, Đức Maria đã chia sẻ hành trình của Con mình “hướng về Giêrusalem”(Lc 9, 51), và cộng tác với Con mình vào công cuộc cứu chuộc, qua sự kết hiệp càng ngày càng chặt chẽ bằng đức tin, đức cậy và đức mến.
4.- Như vậy, Đức Trinh nữ Maria trở thành một gương mẫu cho tất cả những người đón nhận lời của Đức Kitô. Ngay từ lúc Truyền tin, Đức Maria đã đón nhận sứ điệp của Thiên Chúa và hoàn toàn gắn bó với bản thân của Đức Kitô. Mẹ Maria dạy cho chúng ta hãy biết lắng nghe một cách tin tưởng vào Chúa Cứu thế, và nhận ra nơi Người Lời của Chúa có khả năng thay đổi và canh tân cuôc đời chúng ta. Kinh nghiệm của Đức Maria khuyến khích chúng ta chấp nhận những đau khổ thử thách do việc trung thành với Chúa Kitô, và luôn luôn nhớ tới chân phúc mà Đức Giêsu đã hứa cho những kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời của Chúa.
BÀI 47 : ĐỨNG KỀ BÊN THÂP GIÁ, ĐỨC MARIA THÔNG DỰ VÀO THẢM KỊCH CỨU CHUỘC
Sự tham dự của Mẹ Maria vào công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu đạt tới cao điểm khi Người đứng gần kề bên Thập giá. Mẹ kết hợp với hy tế của Con mình, và thuận nhận dâng hiến Thánh tử vì phần rỗi nhân loại. Mẹ trở thành tấm gương cho niềm hy vọng vào ánh sáng Phục sinh giữa đêm tối của Thập giá.
1.- Regina coeli laetare, alleluia! Lạy Nữ Vương thiên đàng hãy vui mừng, alleluia!
Hội thánh đã hát như vậy trong mùa Phục sinh[1], mời gọi các tín hữu hãy hợp với niềm hoan hỉ của Đức Maria, Thân mẫu của Chúa Phục sinh. Niềm vui của Đức Mẹ vì Chúa Phục sinh lại càng lớn lao hơn nữa nếu chúng ta nhìn tới việc Người tham gia bền chặt vào suốt cuộc đời Đức Giêsu.
Khi hoàn toàn chấp nhận lời của sứ thần Gabriel báo tin rằng mình sẽ trở thành Mẹ của Đấng Mêsia, Đức Maria đã khởi sự tham gia vào bi kịch cứu chuộc. Mẹ bị lôi cuốn vào hy lễ của con mình, theo như ông Simêon đã tiên báo vào lúc tiến dâng Con vào Đền thờ; điều này đã được tiếp diễn qua việc lạc mất và tìm được Đức Giêsu lúc 12 tuổi, và kéo dài trong suốt cuộc đời công khai. Tuy nhiên, sự liên kết của Đức Trinh nữ Maria vào sứ mạng của Đức Kitô đạt tới tột đỉnh tại Giêrusalem, vào lúc Đấng Cưú thế bị khổ nạn và chịu chết. Như Phúc âm thứ IV đã nói tới, vào những ngày đó Đức Maria có mặt tại Thành thánh, có lẽ là để cử hành lễ Vượt qua của dân Do thái.
2.- Công đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh tới chiều kích sâu thẳm của việc Đức Maria hiện diện trên núi Calvario, khi nói rằng “Đức Maria đã trung tín duy trì sự kết hiệp với Con mình cho tới cây Thập giá” (HT 58). Công đồng cũng thêm rằng sự kết hiệp vào công trình Cứu chuộc đã được bày tỏ từ lúc thụ thai trinh khiết Đức Kitô cho tới khi Chúa chịu chết (HT 57).
Với cái nhìn được tia sáng Phục sinh chiếu rọi, chúng ta hãy dừng lại để chiêm ngắm việc Đức Mẹ gắn bó với cuộc khổ nạn cứu chuộc của Con mình, và được diễn ra qua việc thông dự vào cuộc đau khổ của Đức Kitô. Chúng ta hãy trở lại dưới chân Thánh giá, nơi mà Đức Maria đã “đau đớn khổ cực cùng với Con một của mình, và đã liên kết bằng tình mẹ với hy lễ của Con, thuận nhận vào sự hiến tế của lễ-vật do mình sinh ra” (HT 58).
Với những lời này, Công đồng nhắc tới sự “đồng tử nạn của Đức Maria”[2]: những gì mà Đức Giêsu đã chịu đau khổ trong tâm hồn và trong thân xác thì đều vọng lại trong con tim của Mẹ. Đức Maria đã bày tỏ ý chí muốn tham dự vào hy lễ cứu chuộc và kết hiệp sự đau khổ của một người mẹ vào sự hiến tế của Con.
Ngoài ra, bản văn của Công đồng cũng nêu bật rằng sự ưng thuận của Đức Maria vào hy lễ của Đức Giêsu không phải chỉ là một sự chấp nhận thụ động, nhưng là một hành vi yêu thương, qua đó Mẹ đã hiến dâng Con mình làm hy lễ xá tôi cho toàn thể nhân loại.
Sau cùng, Hiến chế về Hội thánh đã đặt Đức Trinh nữ Maria trong mối tương quan với Đức Kitô, nhân vật chính của việc cứu chuộc, xác nhận rằng khi kết hiệp với “hy lễ của Đức Kitô”, Đức Maria luôn luôn tùy thuộc vào Con của mình.
3.- Trong Tin mừng thứ IV, thánh Gioan kể lại rằng “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có Thân mẫu Người, chị của bà Thân mẫu là bà Maria vợ ông Clêôpha, cùng với bà Maria Magđala” (19,25). Khi dùng động từ “đứng”, dịch sát nghĩa là “đứng thẳng”, có lẽ thánh sử muốn trình bày tính can trường trong khi Đức Maria và các bà khác chịu đựng đau khổ.
Cách riêng, thế “đứng thẳng” của Đức Maria gần bên Thập giá nhắc tới sự cương quyết và lòng can đảm của Người khi đối đầu với sự đau khổ. Trong bi kịch núi Calvariô, Đức Maria đã được nâng đỡ nhờ đức tin, một đức tin đã được củng cố trong trót cuộc sống, và nhất là trong cuộc đời công khai của Đức Giêsu. Công đồng nhắc lại rằng “Đức Trinh nữ Maria đã tiến tới trên hành trình đức tin và duy trì sự kết hiệp với Con mình cách trung thành cho tới cây Thập giá” (HT 58).
Đối lại với những lời nhục mạ Đấng Mêsia bị đóng đinh, Mẹ Maria cùng chia sẻ những tâm tình của Con mình, đã van nài sự tha thứ, kết hiệp với lời khẩn nguyện dâng lên Chúa Cha: “Xin Cha tha cho họ bởi vì họ không biết điều họ làm” (Lc 23,34). Thông dự vào tâm tình phó thác cho ý muốn của Chúa Cha, được biểu lộ qua những lời sau hết của Đức Giêsu trên Thập giá: “Lạy Cha, con xin phó thác thần trí con trong tay Cha” (Lc 23,46), Mẹ đã biểu lộ một sự thỏa thuận âu yếm , - như Công đồng đã nói- , “vào sự hiến tế của lễ-vật do mình sinh ra” (HT 58).
4.- Trong tiếng “xin vâng” tột độ này, Đức Maria biểu lộ niềm hy vọng tin tưởng vào tương lai huyền nhiệm, bắt đầu từ cái chết của Con mình trên Thập giá. Trên đường về Giêrusalem Đức Giêsu đã nói với các môn đệ rằng “Con Người sẽ phải đau khổ rất nhiều, bị ruồng bỏ bởi những Kỳ mục, Thượng tế cùng Kinh sư, bị giết chết và sau ba ngày sống lại” (Mc 8, 31); những lời này đã vang lên trong con tim của Mẹ Maria vào lúc bi thảm trên núi Calvariô, gợi lên niềm chờ đợi và khao khát sự phục sinh. Lòng hy vọng của Đức Maria đứng dưới chân Thập giá chứa đựng một ánh sáng còn mạnh hơn sự tối tăm ở trong nhiều tâm hồn: đứng trước Hy lễ cứu chuộc, nảy sinh ra nơi Đức Maria niềm hy vọng của Hội thánh và của nhân loại.
BÀI 48 : ĐỨC MARIA, NGƯỜI CỘNG TÁC ĐỘC ĐÁO VÀO VIỆC CỨU CHUỘC
Trong bài trước, Đức Thánh Cha đã suy nghĩ về sự “đồng thụ nạn” của Đức Maria, nghĩa là Mẹ đã chia sẻ sự đau khổ của Con mình. Đây là một đề tài đã được mọi người chấp nhận. Tiến thêm một bước nữa, trong bài hôm nay, Đức Thánh Cha bàn về tước hiệu “cộng tác viên” vào việc cứu rỗi (thường được dịch là “đồng công cứu chuộc”). Có những tác giả đã phản đối việc sử dụng tước hiệu này, với lý do là duy có Đức Kitô mới là vị Cứu chuộc nhânloại. Công cuộc cứu chuộc thành tựu do Đức Kitô, chứ không cần nhờ đến ai khác. Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa chính xác của vai trò “cộng tác” của Mẹ Maria: Người đã cộng tác với danh nghĩa là “Thân mẫu của Thiên Chúa”; Người cũng cần được Chúa Kitô cứu chuộc; Người đã hợp tác với Chúa Kitô vào chính lúc thành hình ơn cứu chuộc và còn tiếp diễn trong Nhiệm thể Chúa Kitô, tức là Hội thánh.
1.- Trải qua dòng lịch sử, Hội thánh đã suy nghĩ về sự cộng tác của Đức Maria vào công cuộc cứu chuộc, phân tích cách thức kết hiệp của Người vào hy lễ cứu chuộc của Đức Kitô. Thánh Augustinô đã gán cho Đức Trinh nữ Maria danh hiệu “công sự viên” (cooperatrix) của việc cứu chuộc (xc. De Sancta Virginitate, 6), một tước hiệu vừa nêu bật sự đồng lao cộng tác vừa nói tới sự lệ thuôc của Mẹ Maria vào Đức Kitô Đấng cứu chuộc.
Từ thế kỷ XV sự suy tư đã phát triển theo chiều hướng ấy. Có người lo sợ rằng như vậy là sẽ đặt Đức Maria ngang hàng với Đức Kitô. Thực ra, giáo huấn của Hội thánh Công giáo luôn luôn nêu bật sự khác biệt giữa Đức Maria và Đức Kitô trong công trình cứu chuộc, nhằm chứng tỏ cho thấy rằng Đức Trinh nữ là cộng sự viên, tùy thuộc vào Đấng Cứu chuộc duy nhất.
Mặt khác, khi khẳng định rằng “chúng tôi là những cộng tác viên của Chúa” (1Cr 3, 9), thánh Phaolô chủ trương rằng con người có thể thực sự cộng tác với Thiên Chúa. Dĩ nhiên, sự cộng tác của các tín hữu không có nghĩa là họ ngang hàng với Thiên Chúa; sự cộng tác diễn ra qua việc loan báo Tin mừng và góp phần vào việc đưa Tin mừng đâm rễ trong con tim của hết mọi người.
2.- Khi áp dụng vào Đức Maria, danh từ “công tác” mang một ý nghĩa riêng biệt. Sự cộng tác của các Kitô hữu vào công trình cứu độ diễn ra sau biến cố Calvariô, từ đó họ quyết tâm quảng bá những hoa trái của Thập giá bằng lời cầu nguyện và sự hy sinh. Còn sự hợp tác của Đức Maria thì diễn ra trong biến cố Calvariô và với danh nghĩa của bà mẹ; do đó nó trải rộng ra toàn thể công trình cứu chuộc của Đức Kitô. Duy chỉ Đức Maria được kết nạp với danh nghĩa đó vào hy lễ cứu chuộc mang lại ơn cứu rỗi cho hết mọi người. Hợp với Đức Kitô và tùy thuộc vào Đức Kitô, Mẹ Maria đã cộng tác vào việc khẩn nài ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.
Nền tảng của vai trò đặc biệt mà Đức Maria góp phần vào công trình cứu chuộc là chức vụ Thân mẫu Thiên Chúa. Như công đồng Vaticanô II đã nói, “Người đã cộng tác một cách hết sức đặc biệt vào chương trình của Đấng Cứu thế” (HT 61), bằng việc sinh ra Đấng được đặt làm Đấng cứu chuộc nhân loại, bằng việc nuôi dưỡng Người, dâng tiến Người trong Đền thờ, cùng chịu đau khổ với Người trên thập giá. Tuy dù lời Thiên Chúa mời gọi cộng tác vào công trình cứu chuộc được hướng tới tất cả mọi người, nhưng sự tham gia của Thân mẫu Đấng Cứu thế vào công việc cứu chuộc nhân loại là một sự kiện duy nhất và vô tiền khoáng hậu.
Tuy dù sự cộng tác của Maria vào việc cứu chuộc mang tính cách rất độc đáo, nhưng chúng ta đừng quên rằng chính Người cũng là kẻ được cứu chuộc. Đức Maria là người đầu tiên được cứu chuộc, được Đức Kitô giải thoát “một cách siêu việt” trong đặc ân thụ thai vô nhiễm (xc. sắc chiếu Ineffabilis Deus của Đức Piô IX[3]) và Người đã được Chúa Thánh Thần đổ tràn ân sủng.
3.- Những điều vừa nói gợi lên câu hỏi khác: ý nghĩa việc cộng tác của Đức Maria vào chương trình cứu chuộc của Chúa như thế nào? Thưa rằng ý nghĩa của nó cần phải đi tìm trong ý định của Thiên Chúa dành cho Thân mẫu Đấng Cứu thế vào hai cơ hội đặc biệt, đó là tại Cana và dưới chân Thánh giá, khi Chúa Giêsu gọi Người bằng tước hiệu “người nữ” (xc. Ga 2,4; 19,26). Đức Maria được kết hiệp với tư cách là người Phụ nữ (Đàn bà) vào công trình cứu chuộc. Trước đây Thiên Chúa đã tạo dựng loài người “có nam có nữ” (xc. St 1, 27); bây giờ, trong công trình cứu chuộc, Chúa cũng muốn kết nạp với “ông Ađam mới” một “bà Evà mới”. Đôi nguyên tổ đã dẫn đường tới tội lỗi; một đôi mới, Con Thiên Chúa với sự cộng tác của Thánh mẫu, sẽ hồi phục phẩm giá nguyên thủy của mình.
Như vậy, Đức Maria bà Evà mới, trở thành họa phẩm tuyệt mỹ của Hội thánh. Trong chương trình của Thiên Chúa, dưới chân Thập giá Đức Maria tượng trưng cho nhân loại được cứu chuộc, nhưng đồng thời cũng có khả năng đóng góp vào sự phát triển của công trình cứu chuộc.
4.- Đó là tư tưởng của công đồng Vaticanô II, khi nhấn mạnh tới sự cộng tác của Đức Trinh nữ Rất thánh không những chỉ vào lúc sinh hạ Đấng Cứu thế, mà còn kéo dài ra suốt cuộc đời của Nhiệm thể Chúa suốt dòng lịch sử cho đến ngày tận thế: trong Hội thánh, Đức Maria đã và đang cộng tác vào công cuộc cứu rỗi (xc. HT 53; 63). Khi giải thích mầu nhiệm Truyền tin, Công đồng đã nói rằng Đức Trinh nữ Nazaret “khi lãnh nhận ý định cứu rỗi của Thiên Chúa, đã hoàn toàn hiến thân như là nữ tỳ của Chúa để phục vụ thân thế và sự nghiệp của Thánh tử Giêsu, phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc ở dưới Đức Kitô và cùng với Đức Kitô, nhờ ơn sủng của Thiên Chúa toàn năng” (HT 56). Ngoài ra Công đồng trình bày Đức Maria không những như là “Thân mẫu của Đấng Cứu thế” mà còn như là “một người bạn hết sức quảng đại”, đã cộng tác “hết sức cách đặc biệt vào công trình của Chúa Cứu thế bằng sự tuân phục, đức tin, đức cậy và lòng mến nồng nàn”. Và Công đồng cũng nhắc tới hoa trái tuyệt diệu của sự cộng tác này, đó là chức làm mẹ phổ quát: “Chính vì thế Đức Maria đã trở thành mẹ của chúng ta trong hệ trật ân sủng” (HT 61)[4].
Vì vậy chúng ta có thể hướng về Đức Trinh nữ Rất thánh, tin tưởng khẩn nài Người cứu giúp, bởi vì ý thức được vai trò đặc biệt mà Thiên Chúa đã ủy thác cho Người, tức là vai trò cộng tác vào ơn Cứu chuộc, một vai trò đã được thi hành trong suốt cuộc đời và một cách đặc biệt ở dưới chân thập giá.
BÀI 49 : “HỠI NGƯỜI NỮ, ĐÂY LÀ CON BÀ!”
Bài huấn giáo lần này và lần tới dành cho việc phân tích hai lời nói mà Chúa Giêsu dành cho bà mẹ và người môn đệ thân yêu (Ga 19,26.27). Khi gọi Đức Maria là “người nữ” (đàn bà), Chúa Giêsu muốn mời người giữ vai trò của bà Eva mới, làm mẹ của tất cả các tín hữu, được tái sinh nhờ ơn cứu chuộc. Đức Maria được đặt làm mẹ của tất cả các môn đệ của Chúa Giêsu.
1.- Sau khi đã nhắc tới sự hiện diện của Đức Maria và của những người phụ nữ khác bên cạnh Thập giá của Chúa, thánh Gioan kể lại rằng: “bấy giờ Đức Giêsu, thấy Thân mẫu Người và bên cạnh Người là người môn đệ yêu dấu, nói với Thân mẫu rằng: ‘Hỡi người nữ, đây là con bà!’. Và rồi Người nói với môn đệ: ‘Đây là mẹ của anh!’”(Ga 19, 26.27).
Những lời cảm động này tạo nên một “quang cảnh mặc khải”: bởi vì nó mặc khải những tâm tình thâm sâu của Đức Kitô đang hấp hối, và chứa đựng một kho tàng dồi dào ý nghĩa cho đức tin và linh đạo Kitô giáo. Thực vậy, lúc sắp lìa đời, khi hướng về Thân mẫu và môn đệ yêu dấu, Đấng Mêsia trên Thập giá đã ấn định những tương quan mới về tình yêu giữa Đức Maria và các Kitô hữu.
Đôi khi có người giải thích những lời vừa rồi như là sự bày tỏ tâm tình thảo hiếu của Đức Giêsu đối với bà mẹ, qua việc gửi gắm bà cho người môn đệ yêu dấu. Tuy nhiên, những lời vừa rồi vượt quá tầm mức của một câu chuyện gia đình. Thực vậy, khi nghiên cứu kỹ lưỡng bản văn, với sự giải thích của nhiều Giáo phụ và của Hội thánh, chúng ta thấy rằng hai lời trao phó của Đức Kitô tạo nên một trong những sự kiện nổi bật nhất để hiểu được vai trò của Đức Trinh nữ trong công trình cứu độ.
Thực ra, những lời mà Đức Giêsu đang hấp hối bộc lộ ý định, không phải là ký thác bà Mẹ cho ông Gioan, cho bằng gửi gắm người môn đê cho Đức Maria, trao cho Người một sứ mạng làm mẹ mới. Ngoài ra, danh hiệu “người nữ”, - trước đó đã được Đức Giêsu dùng tại tiệc cưới Cana để hướng dẫn Đức Maria tới một chiều kích mới của việc làm mẹ -, cho thấy rằng những lời của Chúa Cứu thế không phải chỉ là kết quả của một tâm tình con thảo, nhưng nhằm mở ra một bình diện cao hơn nhiều.
2.- Cái chết của Đức Giêsu, tuy có gây ra sự đau khổ rất lớn cho Đức Maria , nhưng không làm thay đổi những điều kiện sinh sống vốn đã quen. Thực vậy, khi rời bỏ Nazaret để bắt đầu cuộc đời công khai, Đức Giêsu đã để Đức Maria ở một mình rồi. Ngoài ra, sự hiện diện ở dưới Thập tự của một người bà con khác, bà Maria Clêôpa, cho phép giả thiết rằng Đức Maria vẫn duy trì mối liên hệ tốt đẹp với gia đình thân thuộc, và họ có thể đón tiếp Người sau khi Con mình đã chết.
Ngược lại, những lời của Đức Giêsu mặc một ý nghĩa cao quý khi được lồng trong sứ mạng cứu độ. Những lời này, được tuyên bố vào lúc tiến dâng hy lễ cứu chuộc, mang một ý nghĩa do hoàn cảnh trọng đại đó.
Thực vậy, sau khi đã thuật lại những lời của Đức Giêsu với Mẹ Maria, thánh Gioan đã chú giải như sau: “Sau đó, Đức Giêsu biết là mọi sự đãhoàn tất” (Ga19, 28), ra như muốn nhấn mạnh rằng Đức Kitô đã hoàn tất hy lễ với việc ký thác Thân mẫu cho ông Gioan và, qua ông Gioan, cho tất cả mọi người; từ nay Đức Maria trở thành người mẹ của họ trong công cuộc cứu rỗi.
3.- Những lời của Đức Giêsu đã tạo nên một thực trạng, - đó là chức làm mẹ của Đức Maria đối với người môn đệ -, biểu lộ cũng một tình yêu mến đã thúc đẩy Chúa dâng hiến cuộc đời cho hết mọi người. Trên núi Calvario, tình yêu này được biểu hiện qua việc ban phát một người mẹ - chính Thân mẫu của mình - để trở thành người mẹ của chúng ta.
Nên nhớ rằng, theo truyền thống, ông Gioan là kẻ mà Đức Trinh nữ đã nhận làm con của mình; tuy nhiên ngay từ buổi đầu, các Kitô hữu đã giải thích đặc ân này như là dấu hiệu của một cuộc sinh ra về tinh thần, bao trùm toàn thể nhân loại.
Lòng mẹ phổ quát của Đức Maria, - người “nữ” của tiệc cưới Cana và của núi Calvariô -, nhắc nhở tới bà Evà, mẹ của hết mọi loài sinh linh” (St 3, 20). Tuy nhiên, trong khi bà Eva đã góp phần vào việc du nhập tội lỗi vào thế giới, thì bà Eva mới, Đức Maria, đã hợp tác vào công cuộc cứu chuộc của Đức Kitô[5]. Vì thế nơi Đức Trinh nữ Maria, hình ảnh của “người nữ” đã được hồi phục, và chức làm mẹ mang nhiệm vụ là truyền thông sự sống mới của Đức Kitô cho mọi người.
Chính vì muốn nhắm tới sứ mệnh đó mà Đức Maria đã được yêu cầu thực hiện một hy sinh rất đau khổ, đó là chấp nhận cái chết của người Con Một yêu . Lời nói của Đức Giêsu: “Hỡi người nữ, đây là con của bà” cho phép Đức Maria nhận ra một tình mẹ mới, kéo dài và mở rộng hơn mối tình mẹ trước đây. Do đó, tiếng “xin vâng” thuận theo chương trình này trở thành sự chấp nhận hy lễ của Đức Kitô, mà Người đã quảng đại ưng thuận khi gắn bó với ý Chúa. Cho dù trong chương trình của Thiên Chúa, ngay từ đầu chức làm mẹ của Đức Maria đã được nhắm tới toàn thể nhân loại, nhưng mà chỉ trên núi Calvariô, do hiệu quả của hy lễ của Đức Kitô, chiều kích phổ quát của chức hiền mẫu mới được bày tỏ.
Những lời của Đức Giêsu: “Đây là con của bà”, thực hiện điều mà nó diễn tả, biến Đức Maria là mẹ của ông Gioan và của tất cả các môn đệ sẽ được lãnh nhận hồng ân Thánh sủng.
4.- Trên Thập giá, Đức Giêsu không những chỉ tuyên bố chức làm mẹ phổ quát của Đức Maria, nhưng đã thực sự thiết lập một mối quan hệ mẫu tử giữa Đức Maria và người môn đệ yêu dấu. Qua quyết định này, chúng ta nhận ra mối quan tâm của Chúa không muốn cho tình mẹ đó được giải thích một cách mơ hồ, nhưng Người muốn cho mối tương quan giữa Đức Maria với từng người Kitô hữu phải có tính cách thực sự đậm đà.
Mong sao cho mỗi người chúng ta, khi ý thức tính cách cụ thể của chức làm mẹ phổ quát của Đức Maria, được diễn tả một cách cụ thể như vậy, biết nhìn nhận Người thực sự là Mẹ của mình, và ký thác đời mình cho tình hiền mẫu của Người.
BÀI 50 : “ĐÂY LÀ MẸ CỦA CON”
Sau khi đã mời gọi Đức Maria đảm nhận chức làm Mẹ các tín hữu, Chúa Giêsu quay sang môn đệ yêu dấu để yêu cầu anh hãy đón nhận Đức Maria làm Mẹ. Những lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu tạo nên mối tình mẫu tử giữa Mẹ Maria với mỗi người tín hữu. Lòng thảo hiếu mà các tín hữu dành cho Mẹ dựa trên lời ký thác của Chúa Giêsu.
1.- Sau khi đã ký thác môn đệ Gioan cho Đức Maria với những lời:“Hỡi người nữ, đây là con của bà!”, từ trên Thập giá Chúa Giêsu quay sang người môn đệ yêu dấu và nói với anh: “Đây là mẹ của anh!” (Ga19,26-27). Với những lời này, Đức Giêsu mặc khải cho Đức Maria tuyệt đỉnh của chức làm mẹ: vì là Mẹ của Đấng Cứu thế, Đức Maria cũng là mẹ của những người được cứu chuộc, mẹ của tất cả các phần tử của Nhiệm thể Con mình.
Đức Trinh nữ Maria đã đón nhận trong thinh lặng việc được nâng lên tới chóp đỉnh của chức làm mẹ về ân sủng, cũng như trước đây, Người đã ưng nhận qua tiếng “Xin vâng” lúc Truyền tin.
Đức Giêsu không những nhắn nhủ ông Gioan hãy chăm sóc Đức Maria với một tình yêu đặc biệt, nhưng còn ủy thác Mẹ cho ông để nhìn nhận như là mẹ của mình.
Trong bữa Tiệc ly, “môn đệ mà Chúa Giêsu yêu mến” đã lắng nghe lệnh truyền của Thầy mình: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12) và, khi tựa đầu trên ngực của Chúa, người môn đệ đã nhận lãnh một dấu hiệu đặc biệt của tình yêu. Những cảm nghiệm đó đã chuẩn bị cho ông lĩnh hội những lời của Đức Giêsu mời gọi hãy đón tiếp kẻ mà Thầy đã ban làm mẹ, và hãy yêu mến Người như chính Thầy với tình con cái hiếu thảo.
Ước chi hết mọi người biết khám phá ra nơi những lời của Đức Giêsu : “Đây là mẹ con!”, lời mời gọi hãy đón nhận Đức Maria làm mẹ, và hãy đáp lại tình mẹ của Người bằng lòng hiếu thảo.
2.- Qua lời ký thác của Đức Kitô cho người môn đệ yêu dấu, chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa thích đáng của lòng tôn kính mà Hội thánh dành cho Mẹ Maria [6]. Thực vậy, lòng tôn kính này đặt các Kitô hữu trong mối tình con thảo của Đức Giêsu đối với Thân mẫu của mình, và nó giúp cho các tín hữu được tăng trưởng trong tình yêu mến đối với cả hai vị.
Lòng tôn kính mà Hội thánh dành cho Đức Trinh nữ Maria không phải chỉ là kết quả của một sáng khởi bộc phát của các tín hữu khi đứng trước một nhân vật cao trọng và ý thức vai trò của Người trong công cuộc cứu chuộc, nhưng nó dựa trên ý định của Chúa Kitô. Những lời nói “Đây là mẹ của con!” bộc lộ ý định của Chúa Giêsu muốn khơi dậy nơi các tín hữu một thái độ yêu mến và tin tưởng đối với Đức Maria, dẫn đưa họ tới việc nhìn nhận Người như người mẹ của mình, mẹ của hết mọi tín hữu.
Khi đến thụ giáo với Đức Maria, các môn đệ cũng như ông Gioan sẽ học biết cách hiểu biết Chúa Kitô một cách sâu đậm hơn, và thể hiện một mối tương quan yêu mến sâu xa bền bỉ hơn với Chúa.
Đồng thời, các tín hữu cũng khám phá ra niềm vui biết ký thác nơi tình mẹ của Đức Maria, sống như những người con cái thảo hiếu ngoan ngoãn.
Lịch sử của lòng đạo đức Kitô giáo dạy cho chúng ta biết rằng Đức Maria là con đường dẫn tới Chúa Kitô, và lòng thảo hiếu đối với Mẹ Maria không làm suy giảm lòng kính mến đối với Đức Giêsu; trái lại nó còn làm cho lòng kính mến đó tăng gia và tiến tới mức độ trọn hảo cao siêu.
Những thánh điện kính Đức Mẹ rải rác trên khắp thế giới chứng tỏ cho thấy những kỳ công mà ơn thánh Chúa đã được thực hiện qua lời chuyển cầu của Đức Maria, Thân mẫu của Chúa Kitô và là mẹ của chúng ta.
Được thu hút bởi sự hiền dịu của Người, những kẻ chạy đến cùng Đức Maria cũng tìm thấy Chúa Giêsu, Đấng cứu chuộc và là Chủ tể của đời họ.
Nhất là những người nghèo, chịu thử thách trong tâm hồn hay về vật chất, họ được gặp thấy nơi Đức Mẹ Chúa Trời một chỗ ẩn náu và an bình, họ khám phá ra rằng sự phú quý đích thực nằm ở ơn cải hóa và đi theo Chúa Kitô .
3.- Trong nguyên bản Hy lạp, bản văn Phúc âm tiếp tục như sau : “Từ giờ đó người môn đệ đón tiếp Người vào số tài sản của mình” (Ga 19,27). Bản văn nhấn mạnh thái độ mau mắn và quảng đại của ông Gioan đón nhận Thân mẫu của Chúa Giêsu, cũng như cho chúng ta biết về tâm tình của ông như là kẻ bảo vệ trung thành và một con ngoan ngoãn của Đức Trinh nữ Maria.
“Giờ” của sự tiếp đón cũng là giờ hoàn tất công trình cứu chuộc[7]. Chính trong bối cảnh đó mà chức làm Mẹ thiêng liêng của Đức Maria bắt đầu, cũng như bắt đầu việc tỏ lộ mối tương quan giữa Người với các môn đệ của Chúa.
Thánh Gioan đã tiếp đón Mẹ “vào giữa khối tài sản của mình”. Lối nói này xem ra muốn nêu bật thái độ của ông Gioan, đầy tôn kính và yêu mến: không những ông đã tiếp rước Đức Maria vào nhà của mình, nhưng nhất là ông đã sống một cuộc chia sẻ hiệp thông với Mẹ Maria. Thực vậy, theo tiếng Hy lạp, “giữa khối tài sản của mình” không phải chỉ hiểu về khối tài sản vật chất, bởi vì - như thánh Augustinô đã nói -, ông Gioan không có tài sản riêng tư nào hết (In Ioannis evangelium, tractatus 119,3), nhưng những lời đó ám chỉ tài sản thiêng liêng và những hồng ân do Chúa Kitô đã ban: ân sủng (Ga1,16), Lời Chúa (Ga12,48; 17,8), Thánh Thần (Ga 7, 39; 14,17), Thánh Thể (Ga 6,32-58)... Trong số những hồng ân mà người môn đệ đã nhận lãnh từ tình thương của Chúa Giêsu, ông cũng đón nhận Đức Maria như là mẹ, thiết lập với Người một mối thông hiệp sự sống sâu đậm.
Ước chi mỗi người Kitô hữu, theo gương của người môn đệ yêu dấu, “hãy đưa Đức Maria về nhà mình”, hãy dành chỗ cho Người trong cuộc sống hằng ngày của mình, biết nhìn nhận một vai trò của Người mà Chúa đã xếp đặt trong con đường cứu rỗi.
________________________________________
[1] Bài huấn giáo này được đọc ngày 3/4/1997, trùng vào thứ tư trong tuần Bát nhật lễ Phục sinh. Tâm tình của Mẹ Maria vào dịp Chúa Phục sinh sẽ được bàn trong bài 51.
[2] Com-passio: cùng chịu khổ.
[3] xem lại bài 23 (số 3).
[4] Chủ đề này sẽ được khai triển ở bài 64.
[5] Xem lại bài 33: Đức Maria, bà Evà mới.
[6] Xc. bài 66.
[7] Tại Cana, Chúa Giêsu nói với Đức Maria: “Giờ chưa đến” (Ga 2,4). Theo các nhà chú giải, trong Phúc âm thánh Gioan, tiếng “giờ” mang một ý nghĩa chuyên môn, ám chỉ “giờ” mà Chúa Giêsu thực hiện việc cứu chuộc trên thập giá (Ga 12,23.27; 13,1).
BÀI 51 : ĐỨC MARIA VỚI CHÚA KITÔ PHỤC SINH
Từ bài hôm nay, Đức Thánh Cha chuyển sang “các mầu nhiệm mùa Mừng” của kinh Mân côi, bắt đầu với mầu nhiệm Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết. Tại sao các Phúc âm không kể lại những lần Chúa hiện ra với Đức Mẹ? Bởi vì các thánh sử chỉ ghi lại những lần hiện ra với các người được ủy thác làm chứng nhân cho Hội thánh. Chắc chắn là các Phúc âm không liệt kê hết các lần Chúa hiện ra. Mặt khác, nếu Mẹ Maria là kẻ đã tham dự sâu xa hơn hết vào cuộc tử nạn Thập giá, thì ắt là Người cũng là kẻ đầu tiên được tham dự vào mầu nhiệm Phục sinh. Ngày từ thế kỷ V, ông Sedulius đã nghĩ rằng Mẹ Maria là người đầu tiên được Chúa gặp gỡ sau khi sống lại.
1.- Sau khi đã an táng Chúa Giêsu trong mồ, Mẹ Maria là người duy nhất duy trì ngọn lửa đức tin được cháy sáng, để chuẩn bị đón tiếp sự loan báo vui mừng và bất ngờ của việc phục sinh. Niềm mong đợi của ngày thứ bảy tuần thánh tạo nên một trong những thời điểm cao nhất của đức tin của Thân mẫu Chúa Cứu thế: trong cảnh tối tăm bao trùm vũ trụ, Đức Maria hoàn toàn phó mình cho Thiên Chúa của sự sống và, khi suy gẫm những lời của Con mình, Mẹ trông chờ sự thực hiện của những lời hứa của Chúa.
Các Phúc âm đã kể lại nhiều lần Chúa Phục sinh hiện ra, nhưng không nói đến những cuộc gặp gỡ của Chúa với người mẹ của mình. Sự im lặng này không cho phép kết luận rằng sau khi Phục sinh, Chúa Kitô không hiện ra với Đức Maria. Ngược lại, sự thinh lặng đó thúc đẩy chúng ta hãy đi tìm những lý do vì sao các thánh sử đã chọn lựa lối trình bày như vậy.
Nếu giả thiết rằng đây là một chuyện bị “bỏ sót”, thì điều này có thể được giải thích theo chiều hướng là những gì cần được biết về phần rỗi thì đã được ủy thác cho những “chứng nhân được Chúa chọn” (Cv 10,41), nghĩa là các Tông đồ, những kẻ đã làm chứng cho cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu (x.Cv.4,33). Trước các Tông đồ, Chúa phục sinh đã hiện ra với một vài phụ nữ trung tín bởi vì họ mang một chức vụ trong Hội thánh: “Các bà hãy đi loan báo cho anh em của tôi để họ đi về Galilê, và ở đó họ sẽ gặp tôi” (Mt 28,10).
Sở dĩ các tác giả của Tân ước không nói tới cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria với Chúa Phục sinh, thì điều này có thể được giải thích theo nghĩa là lời chứng của một bà mẹ có lẽ ít giá trị xét về phía những ai phủ nhận sự Phục sinh của Chúa, bởi vì họ sẽ nghĩ rằng chứng tá của những người thân thuộc thì quá chủ quan nên không có giá trị.
2.- Ngoài ra Phúc âm chỉ thuật lại một ít lần hiện ra của Chúa Giêsu Phục sinh, và chắc hẳn đó không phải là một bản liệt kê đầy đủ của tất cả những gì xảy ra trong vòng 40 ngày sau lễ Vượt qua. Thánh Phaolô có nói tới một cuộc hiện ra với hơn 500 anh em một lúc” (1Cor 15,6). Làm thế nào mà giải thích được một sự kiện được rất nhiều người biết đến như vậy, nhưng lại không được các Thánh sử nói tới? Đó là một dấu hiệu cho thấy rằng nhiều lần hiện ra của Chúa Giêsu Phục sinh, tuy đã được nhiều người biết tới, nhưng không được thuật lại.
Thử hỏi: Đức Trinh nữ Maria, người đã hiện diện trong lòng cộng đoàn của các môn đệ sơ khởi (Cv 1,14), thì làm sao lại có thể bị loại khỏi số những người được gặp lại Con của mình sống lại từ cõi chết?
3.- Thật là có lý khi nghĩ rằng Mẹ Maria là người đầu tiên mà Chúa Giêsu Phục sinh đã hiện ra. Sự vắng mặt của Đức Maria trong số những phụ nữ đi ra mồ từ sáng sớm (Mc 16,1; Mt 28,1), phải chăng là một dấu chỉ cho thấy rằng Mẹ đã gặp Chúa Giêsu rồi? Sự suy luận này được củng cố thêm qua dữ kiện là những chứng nhân đầu tiên của sự Phục sinh, theo ý muốn của Chúa Giêsu, là những phụ nữ đã trung thành ở lại dưới chân Thập giá, và do đó là những kẻ có đức tin can trường.
Thực vậy, Chúa Phục sinh đã ủy thác cho một phụ nữ, bà Maria Magdala, sứ điệp cần phải truyền lại cho các Tông đồ (Ga 20.17-18). Chi tiết này cũng cho phép chúng ta nghĩ rằng Đức Giêsu trước đó đã hiện ra với Thân mẫu của Người, Đấng là kẻ trung thành nhất với Người và đã duy trì đức tin nguyên tuyền kể cả lúc bị thử thách.
Sau cùng, sự hiện diện độc đáo của Đức Trinh nữ trên núi Calvariô và việc kết hiệp hoàn hảo với Thánh tử đang đau khổ trên Thập giá, cả hai điều đều đòi hỏi một sự tham dự hết sức đặc biệt vào mầu nhiệm Phục sinh.
Một tác giả sống vào thế kỷ thứ V, ông Sedulius, chủ trương rằng Chúa Kitô đã tỏ ra trong ánh vinh quang của sự phục sinh cho Thân mẫu của mình trước tiên. Thực vậy, Đấng mà vào lúc Truyền tin đã là con đường đưa Chúa gia nhập vào thế giới thì cũng đã được kêu gọi để loan truyền Tin Mừng của sự Phục sinh, ngõ hầu trở thành kẻ loan báo việc trở lại vinh quang của Chúa. Được tràn ngập vinh quang của Đấng Phục sinh như vậy, Đức Maria đã tiên báo vẻ huy hoàng của Hội thánh (xc, Sedulius, Carmen Pascale, 5, 354-364) .
4.- Vì Đức Maria là hình ảnh và khuôn mẫu của Hội thánh, một Hội thánh mong chờ Chúa Phục sinh, và một Hội thánh qua các môn đệ, đã gặp Người, cho nên xem ra thật là hữu lý khi nghĩ tới Đức Maria đã có một cuộc tiếp xúc cá nhân với Chúa Con Phục sinh, ngõ hầu Mẹ cũng được hưởng sự sung mãn của niềm vui Phục sinh.
Đức Maria đã hiện diện trên núi Calvariô vào ngày thứ sáu tuần thánh (Ga19,25) và trong nhà Tiệc ly vào dịp lễ Ngũ tuần (Cv1,14), thì chắc hẳn Mẹ cũng là một chứng nhân ưu tuyển của Chúa Kitô Phục sinh; như vậy là hoàn tất việc tham dự vào hết các giai đoạn chính yếu của mầu nhiệm Vượt qua. Ngoài ra, khi đón tiếp Đức Kitô Phục sinh, Đức Maria là dấu hiệu và điểm chỉ tiên báo cho một nhân loại đang hy vọng vào sự hoàn thành sung mãn của mình với việc kẻ chết được sống lại[1].
Trong mùa Phục sinh, cộng đoàn Kitô hữu khi hướng về Thân mẫu của Thiên Chúa, đã mời Người hãy vui mừng: “Lạy Nữ Vương Thiên đàng, hãy vui mừng, alleluia!”. Họ nhắc lại niềm vui của Đức Maria vì cuộc Phục sinh của Đức Giêsu, kéo dài qua lời mời gọi của thiên sứ vào lúc Truyền tin “hãy vui lên”[2], ngõ hầu Mẹ trở thành “nguyên nhân vui mừng”[3] cho toàn thể nhân loại.
BÀI 52 : ĐỨC MARIA VỚI HỒNG ÂN THÁNH THẦN
Tân ước nhắc đến Đức Maria lần sau hết ở sách Tông đồ công vụ (1,14), khi Người hiện diện tại nhà Tiệc ly vào những ngày chờ đón Chúa Thánh thần. Đức Maria hợp ý với các môn đệ để cầu xin Thánh thần xuống trên Hội thánh. Cách riêng, Người xin Chúa Thánh thần cho chính bản thân để chu toàn chức vụ mới được trao phó, đó là làm Mẹ của các môn đệ Đức Kitô.
1.- Tiếp tục hành trình cuộc đời của Đức Trinh nữ Maria, Công đồng Vaticanô II đã nhắc tới sự hiện diện của Người trong cộng đoàn đón chờ Lễ Ngũ tuần[4] : “Bởi vì Thiên Chúa đã muốn rằng mầu nhiệm cứu độ của loài người sẽ không được tỏ lộ long trọng trước khi trút đổ Thánh thần mà Đức Kitô đã hứa, cho nên chúng ta thấy các Tông đồ trước ngày lễ Ngũ tuần đã ‘đồng tâm hiệp ý với nhau trong lời cầu nguyện cùng với các phụ nữ và Đức Maria Thân mẫu Đức Giêsu và anh em của Chúa’ (Cv 1,14). Đức Maria cũng cầu nguyện khẩn nài hồng ân Thánh Thần, Đấng đã bao phủ Người vào lúc Truyền tin”(HT 59).
Cộng đoàn tiên khởi tạo nên mầm mống cho việc khai sinh của Hội thánh; sự hiện diện của Đức Trinh nữ Maria đã đóng góp vào việc nặn lên khuôn mặt rõ nét của Hội thánh, hậu quả của hồng ân lễ Ngũ tuần.
2.- Trong khung cảnh chờ đợi tại Nhà Tiệc ly, sau khi Chúa lên trời[5], thử hỏi vai trò của Đức Maria như thế nào đối với việc Chúa Thánh Thần hiện xuống?
Công đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh rõ rệt tới sự hiện diện của Đức Maria cầu nguyện để xin Chúa Thánh Thần xuống: Đức Maria đã “cầu nguyện khẩn nài hồng ân Thánh Thần”[6]. Chi tiết này mang một ý nghĩa đặc biệt khi chúng ta biết rằng vào lúc Truyền tin, Chúa Thánh Thần đã đáp xuống trên Người, bao phủ rợp bóng và mở đầu cho việc Ngôi Lời Nhập thể.
Sau khi đã cảm nghiệm về hậu quả của hồng ân Thánh Thần như vậy, Đức Trinh Nữ rất thánh đã biết trân trọng Chúa Thánh Thần hơn hết mọi người. Thực vậy, chính nhờ sự can thiệp huyền nhiệm của Thánh Thần mà Đức Maria trở thành Mẹ; Chúa Thánh Thần đã biến Người thành con đường dẫn Chúa Cứu thế vào thế giới.
Khác với những người hiện diện trong nhà Tiệc ly đang hồi hộp đợi chờ, Đức Maria đã ý thức tầm quan trọng của lời hứa của Con mình với các môn đệ” (xc. Ga14,16), Người giúp cho cộng đoàn chuẩn bị cho Đấng “Yên ủi” .
Do đó, cảm nghiệm đặc biệt của Người đã giúp cho Người thiết tha mong đợi Chúa Thánh Thần đến, đồng thời chính Người cũng chuẩn bị tâm trí của các môn đệ ở bên cạnh để đón tiếp Chúa Thánh Thần.
3.- Vào lúc cầu nguyện tại nhà Tiệc ly, trong tình thông hiệp với các Tông đồ, với một vài phụ nữ và với “anh em của Đức Giêsu”, Thân mẫu của Chúa đã cầu xin hồng ân Chúa Thánh Thần cho chính bản thân và cho cộng đoàn.
Trước kia, sự đổ tràn Thánh Thần trên Đức Maria nhằm tới chức làm Mẹ Thiên Chúa; giờ đây, sự đổ tràn Thánh Thần sẽ được đổi mới và củng cố nhằm tới một chức vụ mới. Thực vậy, dưới chân Thánh giá, Đức Maria đã lãnh nhận một chức làm Mẹ mới, đó là mẹ của các môn đệ Chúa Giêsu. Thiên chức này đòi hỏi một hồng ân mới của Chúa Thánh Thần. Vì thế mà Đức Trinh nữ đã ước ao mãnh liệt hồng ân ngõ hầu để chu toàn chức làm mẹ tinh thần này.
Vào giây phút Nhập thể, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên Người như là một kẻ được mời gọi tham gia vào mầu nhiệm cao cả; còn bây giờ thì mọi sự diễn ra nhắm tới Hội thánh: Đức Maria đã được mời gọi trở thành khuôn mẫu, hình ảnh và là mẹ của Hội thánh.
Trong Hội thánh và vì Hội thánh, Đức Maria nhớ lại lời hứa của Chúa Giêsu, đã trông mong ngày lễ Ngũ tuần và cầu xin cho hết mọi người được dồi dào hồng ân, tùy theo khả năng và sứ mạng của mỗi người.
4.- Trong cộng đoàn Kitô hữu, lời cầu của Đức Maria mang một ý nghĩa đặc biệt: Người khẩn nài Thánh Thần đến, cầu xin Chúa tác động trong con tim của các tín hữu trong thế giới. Cũng như vào lúc Nhập thể, Chúa Thánh Thần đã nhào nặn trong lòng Người thân thể của Đức Kitô, thì giờ đây trong nhà Tiệc ly, cũng chính Chúa Thánh Thần xuống để linh hoạt thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô.
Do đó, lễ Ngũ tuần cũng là hoa trái của sự cầu khẩn không ngừng của Đức Trinh nữ Maria: Chúa Thánh Thần chiếu cố đến lời cầu nguyện ấy cách riêng bởi vì nó biểu lộ tình thương hiền mẫu dành cho các môn đệ Chúa Kitô.
Khi suy ngắm lời khẩn nài của Đức Maria đón chờ Chúa Thánh Thần, các Kitô hữu thuộc mọi thời đại, trên con đường nhọc nhằn tiến tới ơn cứu độ, thường chạy đến nhờ Mẹ chuyển cầu để họ được lãnh nhận dồi dào những hồng ân Chúa Thánh Thần.
5.- Đáp lại lời khẩn nài của Đức Trinh nữ và cộng đoàn đang tụ họp trong nhà Tiệc ly vào ngày lễ Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần đã đổ tràn đầy các hồng ân xuống trên Đức Trinh nữ và những người hiện diện, gây ra một sự biến đổi sâu đậm hướng tới công cuộc truyền bá Tin Mừng. Thân mẫu Đức Kitô cũng như các môn đệ đã được Chúa ban một sức mạnh mới và một nghị lực tông đồ mới, nhằm giúp cho Hội thánh tăng triển. Cách riêng, sự trút đổ Thánh Thần nhằm dẫn đưa Đức Maria đến việc thực hiện chức làm mẹ tinh thần cách độc đáo, qua việc hiện diện đượm thắm tình yêu và qua việc chứng tá đức tin.
Trong Hội thánh vừa mới khai sinh, Đức Maria trao lại cho các môn đệ, như một kho tàng vô giá, những ký ức của mình về mầu nhiệm Nhập thể, về giai đoạn thơ ấu, về cuộc đời ẩn dật và sứ mạng của Thánh tử. Nhờ vậy, Mẹ giúp cho các tín hữu được hiểu biết Chúa Giêsu hơn và đào sâu thêm đức tin của họ.
Chúng ta không được thông tin gì về hoạt động của Đức Maria trong Hội thánh nguyên thủy, nhưng chúng ta có quyền giả thiết rằng, kể cả sau lễ Ngũ tuần, Đức Maria tiếp tục một cuộc đời ẩn dật kín đáo, tuy rất tỉnh thức. Nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn, Đức Maria đã có ảnh hưởng sâu đậm trên cộng đoàn các môn đệ của Chúa[7].
BÀI 53 : GIẤC NGỦ CỦA ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI
Kinh thánh không nói gì về sự kết liễu cuộc đời dương thế của Đức Maria. Truyền thống Hội thánh tin rằng Mẹ đã được Chúa đưa cả hồn xác về vinh quang thiên quốc. Đây là chủ đề của ba bài huấn giáo (số 53-56). Lần này, Đức Thánh Cha tìm hiểu ý nghĩa cái chết của Mẹ Maria, một điểm đã được nhiều giáo phụ bàn đến.
1.- Về việc kết liễu cuộc đời dương thế của Đức Maria, Công đồng Vaticanô II lấy lại những lời lẽ của sắc chiếu định nghĩa tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời như sau : “Đức Trinh Nữ Vô nhiễm được gìn giữ cho khỏi tội nguyên tổ, sau khi đã mãn cuộc đời dương thế, đã được đưa cả hồn lẫn xác về vinh quang thiên quốc”(HT 59).
Qua những lời đó, Hiến chế về Hội thánh, theo gót Đức Giáo Hoàng Piô XII, đã không muốn lên tiếng về vấn đề cái chết của Đức Maria. Thực ra Đức Piô XII không chủ ý phủ nhận cái chết, nhưng Người nghĩ rằng không nên tuyên bố cái chết của Đức Mẹ Chúa Trời như là một chân lý buộc hết mọi tín hữu phải chấp nhận.
Thực vậy, một vài nhà thần học đã chủ trương rằng Đức Maria được miễn khỏi phải chết và Người đã được đưa thẳng từ cuộc sống đời này về vinh quang trên trời. Tuy nhiên, ý kiến này chỉ mới xuất hiện từ thế kỷ XVII, trong khi mà đã có một lưu truyền lâu đời coi cái chết của Đức Maria như là sự dẫn đưa vào vinh quang trên trời.
2.- Có thể nào Đức Maria Nazaret lại phải trải qua thảm cảnh chết chóc nơi thân xác mình hay không?
Khi suy nghĩ tới số phận của Đức Maria và mối tương quan với Chúa Con, xem ra có thể đưa ra câu trả lời khẳng định như sau: chính vì Đức Kitô đã chết, vì thế khó lòng chủ trương một điều trái ngược đối với Thân mẫu của Chúa.
Các giáo phụ đã lập luận theo đường hướng đó, và họ không mảy may nghi ngờ gì về điểm này. Chỉ cần trích dẫn thánh Giacôbê Sarug (+ năm 521), theo đó “ca đoàn mười hai Tông đồ”, khi Đức Maria đã đến “thời đi vào con đường của hết mọi thế hệ”, nghĩa là con đường của sự chết, thì đã tụ họp để an táng “thân xác trinh khiết của Đấng đáng chúc tụng” (Diễn từ về sự an táng Đức Thánh mẫu, 87-99). Thánh Modestô Giêrusalem (+ năm 634) , sau khi đã dài dòng bàn về “giấc ngủ hạnh phúc của Đức Mẹ Chúa Trời”, đã kết luận “lời từ giã” qua việc tán dương sự can thiệp diệu kỳ của Chúa Kitô, Đấng đã cho Đức Maria “chỗi dậy từ ngôi mộ” để đưa Người về với mình trong vinh quang. Thánh Gioan Đamascêno (+ năm 704) đã tự hỏi: “Tại làm sao mà Đấng vào lúc sinh hạ đã vượt qua hết mọi giới hạn của thiên nhiên, giờ đây lại phải chịu khuất phục những luật lệ của thiên nhiên, và làm sao thân thể vô nhiễm của Người lại có thể khuất phục cái chết?”. Và ông đã trả lời : “Chắc hẳn là cái phần hay chết cần phải được chôn táng để có thể mọc lên sự bất tử, xét vì chính Chủ tể thiên nhiên cũng đã không muốn khước từ cảm nghiệm cái chết. Thực vậy, Người đã chết theo xác thể và bằng cái chết Người đã hủy diệt cái chết, Người đã mang lại sự bất diệt cho sự hủy hoại, và Ngài đã biến cái chết thành nguồn của sự sống lại” (Diễn từ về Lễ an giấc của Đức Mẹ Chúa Trời, 10).
3.- Đành rằng, dựa theo mặc khải, cái chết được trình bày như là án phạt của tội lỗi. Tuy vậy, sự kiện Hội thánh tuyên bố Đức Maria được giải thoát khỏi tội nguyên tổ do một đặc ân của Chúa, không đưa đến một kết luận rằng Đức Maria cũng đã lãnh nhận đặc ân bất tử về thân xác. Bà Mẹ không thể hơn Con mình được, Đấng đã lãnh nhận cái chết, để ban cho nó một ý nghĩa mới và biến đổi nó thành một dụng cụ của sự cứu rỗi.
Được lôi cuốn vào công trình cứu chuộc và được kết hợp với hy lễ cứu độ của Đức Kitô, Mẹ Maria đã được chia sẻ sự đau khổ và cái chết ngõ hầu cho nhân loại được cứu rỗi. Đối với Mẹ, có thể áp dụng những gì mà ông Sêvêrô Antiôkia khẳng định về Đức Kitô: “Nếu không có một cái chết đi trước thì làm sao có sự sống lại được?” (Antijulianistica, Beirut 1931, 194). Để có thể thông dự vào sự sống lại của Đức Kitô, tiên vàn Đức Maria cũng phải chia sẻ cái chết của Chúa nữa.
4.- Tân ước không cung cấp cho chúng ta một tin tức nào về những hoàn cảnh của cái chết của Đức Maria. Sự thinh lặng này đưa đến giả thiết rằng sự chết đã diễn ra một cách thường tình, không có gì đáng nói. Nếu không, thì thử hỏi làm sao nó có thể giấu kín đối với người đương thời và không được truyền lại cách nào đó cho chúng ta?
Bàn về những nguyên nhân đưa tới cái chết của Đức Maria, những ý kiến muốn loại trừ những nguyên nhân tự nhiên thì xem ra không có cơ sở. Điều quan trọng hơn là đi tìm hiểu thái độ thiêng liêng của Đức Trinh nữ lúc Người sắp ra đi khỏi đời này. Về điểm này, thánh Phanxicô de Sales cho rằng cái chết của Đức Maria đã xảy đến như là hậu quả của một cuộc thăng tiến về tình yêu. Ông ta nói đến một cái chết “trong tình yêu, do tình yêu gây ra và vì tình yêu”. Vì thế ông đã kết luận rằng Đức Mẹ Chúa Trời đã chết vì yêu mến quý tử Giêsu của mình (Traité de l’Amour de Dieu, lib. 7, c. XIII-XIV).
Cho dù cuộc đời của Đức Maria đã chấm dứt do một sự kiện hữu cơ hay sinh lý nào đi nữa, chúng ta vẫn có thể nói rằng việc chuyển bước từ cuộc đời này đến cuộc đời bên kia đối với Đức Maria là một sự trưởng thành của ơn thánh tiến tới vinh quang; vì thế cái chết của Người có thể được quan niệm như là một “giấc ngủ”[8].
5.- Nơi một vài giáo phụ, chúng ta thấy mô tả cảnh Chúa Giêsu đến để đem mẹ mình về vinh quang thiên quốc vào chính lúc chết[9].
Như vậy, họ đã trình bày cái chết của Đức Maria như là một biến cố tình yêu dẫn Người tới gặp gỡ Con yêu dấu của mình để chia sẻ cuộc sống bất tử. Vào cuối cuộc đời dương thế, Đức Maria đã nếm thử, cũng như thánh Phaolô và còn hơn thánh Phaolô, ước ao được rời bỏ thân xác này để có thể ở với Chúa Kitô luôn mãi (Pl 1,23).
Cảm nghiệm về sự chết đã làm cho bản thân Đức Maria được thêm phong phú: bởi vì đã nếm số phận chung của hết mọi người, Đức Maria có khả năng thực hiện một cách hữu hiệu hơn chức vụ làm mẹ tinh thần của mình đối với những người đi tới giây phút chót của cuộc đời.
________________________________________
[1] Về những lần Chúa Phục sinh hiện ra có thể đọc thêm Sách GLCG số 641-644. Về ý nghĩa của sự Phục sinh của Đức Kitô xem GLCG số 651-655. Về niềm hy vọng vào sự sống lại của chúng ta xem GLCG số 989-1004.
[2] Xem bài 18.
[3] “Causa nostrae laetitiae” trong Kinh cầu, được dịch là: “Đức Bà làm cho chúng tôi vui mừng”.
[4] “Ngũ tuần” có nghĩa là 50 ngày. Người Do thái mừng lễ “Ngũ tuần” 50 ngày sau lễ Vượt qua, để ghi nhớ biến cố ban bố Lề luật trên núi Sinai. Chúa Thánh thần được ban cho các môn đệ Đức Kitô vào dịp lễ này, đánh dấu việc hoàn tất Giao ưóc mới.
[5] Về ý nghĩa của việc Chúa lên trời - mầu nhiệm thứ hai Mùa Mừng - xem Sách GLCG số 659-663.
[6] “Hồng ân Thánh thần”: hiểu theo nghĩa là Thiên Chúa ban Thánh Thần như là một hồng ân cho Hội thánh; khác với “hồng ân của Thánh Thần” (ân do Chúa Thánh thần ban).
[7] Về ý nghĩa của lễ Ngũ tuần có thể đọc thêm Sách GLCG số 731-736.; 767-768; 2632.
[8] “Dormitio”: giấc ngủ, an nghỉ. Đây cũng là tên đặt cho lễ phụng vụ kính ngày tạ thế của Mẹ Maria bên các Hội thánh Đông phương.
[9] Xem các tư tưởng giáo phụ được trích dẫn ở bài 55.