Nói đến tính xã hội là nói đến
những cuộc gặp gỡ, những cuộc trao đổi và những tương tác giữa các hữu thể. Nhờ
đó, con người được lớn lên và trở thành một con người bình thường. Phải nói
rằng: nhu cầu gặp gỡ là một nhu cầu cần thiết và cấp bách trong cuộc sống con
người. Do đó, làm người mà không gặp gỡ thì cuộc sống của họ không còn là một
cuộc sống của một con người bình thường và trọn vẹn. Cũng thế, gặp gỡ là khởi
điểm để có một đời sống thiêng liêng tròn đầy và mạnh mẽ, vì “ Khởi đầu cho
cuộc sống Kitô hữu không phải là một quyết định đạo đức hay một tư tưởng vĩ
đại, nhưng là một cuộc gặp gỡ với một biến cố, với một con người, Đấng mang lại
cho chúng ta một chân trời mới và từ đó một định hướng dứt khoát”[1].
Là Kitô hữu, chúng ta đã gặp gỡ
và sống cho một cuộc gặp gỡ, nhưng vẫn còn thao thức vì một cuộc gặp gỡ. Cái
nghịch lý ấy đan chéo trong cuộc hành trình đức tin và làm cho cuộc gặp gỡ này
khác với bao cuộc gặp gỡ khác. Dưới cái nhìn của thánh Bênađô, đó là một kinh
nghiệm; nhưng không phải là một kinh nghiệm thường nghiệm, trái lại là kinh
nghiệm thần bí. Một kinh nghiệm mà chúng ta như hòa tan trong Đấng ta gặp gỡ và
tự hỏi ai gặp gỡ ai?
I.
Về một cuộc
gặp gỡ
Có những cuộc gặp gỡ do tình cờ
hay ngẫu nhiên, con người gặp nhau đó rồi nhanh chóng đi vào quên lãng; nhưng
cũng có những cuộc gặp gỡ dẫn chúng ta đến một tình bạn tri kỷ. Có những gặp gỡ
đọa đày, đau khổ; bên cạnh đó có những cuộc gặp gỡ mang lại sự sống, niềm vui
và hạnh phúc, định hướng cho cuộc đời, như cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với bà
Maria Madalena, đã thay đổi cuộc đời của bà từ một phụ nữ bê tha đến một thánh
nhân; cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với thánh Phaolô trên đường Damas, biến ông
thành một nhà truyền giáo đại tài và can đảm. Tuy nhiên, cho dầu cuộc gặp gỡ
nào đi nữa thì những cuộc gặp gỡ ấy phải là cuộc gặp gỡ của riêng tôi, nó để lại trong tôi một dấu
ấn, một kinh nghiệm và một sắc thái riêng. Tôi có một cảm nghiệm rất khác với
người khác cho dù cùng chung một cuộc gặp gỡ. Tôi không thể cảm nghiệm thay cho
người khác hay cảm nghiệm điều mà người khác cảm nghiệm được. Như thế, gặp gỡ
dẫn tôi vào sự hiểu biết, nhưng không phải cái biết của trí khôn; trái lại là
cái biết của tình yêu, cái biết của con tim. Hai cái biết này có cách diễn tả
hoàn toàn khác nhau: một bên nghiêng về lý trí với cách thức diễn tả có chủ ý;
bên kia là ngôn từ của biểu cảm, vì có sự đồng nhất giữa cảm xúc với con người
diễn tả ra nó. Cái biết này có vẻ như câm lặng, nhưng nó vượt lên trên cái biết
của lý trí, vì trong cái vẻ bên ngoài câm điếc đó, nó ẩn chứa một nội hàm rất
lớn, đến nỗi nó có thể nói lên điều mà lý trí không thể diễn tả được.
Vì phát xuất từ con tim và ngôn
ngữ của nó là ngôn ngữ của tình yêu, nên gặp gỡ là một lời mời gọi hướng đến
đối tượng của cuộc gặp gỡ. Lời mời gọi luôn luôn đợi chờ một tiếng đáp trả, chứ
không phải là một câu trả lời. Vì câu trả lời được dành cho sự hạch hỏi, tra
vấn và một khi đã trả lời thì vấn đề xem như đã chấm dứt; trái lại, lời mời gọi
đòi hỏi một sự đáp trả liên tục và điều đó cũng hàm ẩn một sự vượt ra khỏi
chính mình để bước vào một cuộc phiêu lưu, một sự dấn thân liên tục, như Samuel
thốt lên với Thiên Chúa: “Lạy Chúa con đây, này tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”[2]
hay như Phaolo trên đường Damas : “ Lạy Ngài, Ngài là ai?”[3].
Là ngôn ngữ của con tim, nên gặp
gỡ dẫn đưa con người lại gần nhau hơn, đồng thời giải phóng con người khỏi tính
vị kỷ và cái nhìn duy ngã. Chính vì thế nó thật hơn là lý trí. Ở đây không muốn
nói lý trí dối trá, nhưng lý trí có thể dối trá; còn ngôn ngữ của con tim là
ngôn ngữ của tình yêu, nên nó rất thật. Nó thật một cách trần trụi, vì nó có
thể cho đi mà không tính toán hơn thiệt và dám dùng sự sống mình để sống cái
thật của tình yêu phát sinh từ cuộc gặp gỡ.
Thế nhưng để sống với cái thật
đó, cần phải giải mã sứ điệp đang ẩn chứa trong cuộc gặp gỡ. Sứ điệp càng thiết
thân, càng gắn liền với sự sống còn của chúng ta, thì chúng ta càng dấn thân
hết mình. Dưới cái nhìn đó, là Kitô hữu, chúng ta phải giải mã sứ điệp của
Thiên Chúa qua cuộc gặp gỡ “Thiên Chúa-Con Người”. Thế mà cuộc gặp gỡ ấy đang
diễn ra trong mỗi người, trong Giáo Hội, thân mình của Chúa Kitô và trong suốt
dòng chảy của thời gian, của lịch sử nhân loại. Chính vì thế, truyền thống của
Hugues de saint Victor mời gọi con người giải mã sứ điệp của Chúa qua cuộc
sống. Vì cuộc sống mà chúng ta đang sống được coi như là cuốn sách, nơi đó
chúng ta “Đọc thấy” Thiên Chúa rất gần và rất thân thiện, để dấn thân vào cuộc
gặp gỡ với Ngài[4]. Trái
lại, trong bài giảng thứ ba về Diễm tình ca, thánh Bênađô nhấn mạnh đến “cuốn
sách của kinh nghiệm”. Khi sử dụng thuật ngữ này, thánh nhân muốn nói rằng gặp
gỡ Thiên Chúa không phải là khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc
đời chúng ta, nhưng là sống với Chúa bằng tất cả những gì chúng ta có, với kinh
nghiệm rất ư là riêng tư. Dưới cái nhìn này, gặp gỡ Thiên Chúa là một sự đón
nhận và trầm mình trong suối nguồn yêu thương của Thiên Chúa. Sự đón nhận ấy in
đậm sắc thái của mỗi cá nhân trong lúc này, chứ không phải ở một chân trời
khác. Bởi thế, kinh nghiệm cá nhân là điều không thể thiếu trong cuộc gặp gỡ.
2. Một kinh nghiệm cá nhân
Đối với thánh Bênađô, kinh nghiệm
cá nhân đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống thiêng liêng của các Đan
sĩ, và kinh nghiệm của người này không thể là của người kia. Có một điều khá
độc đáo trong cuộc gặp gỡ Thiên Chúa, sự độc đáo này hệ tại ở chỗ chúng ta gặp
được Thiên Chúa vô hình trong thân phận hèn yếu của con người hữu hình. Sự gặp gỡ này lại không thực hiện
bằng cách thức thông thường của con người, nhưng lại là một cuộc gặp gỡ thật
sự; nó không có cảm giác là một cuộc gặp
gỡ, nhưng nó chứa chan một niềm vui, một sự hiện diện và một sự no thỏa với ai
đó.
Có lẽ không gì hơn là lắng nghe
chia sẻ của thánh Bênađô về những kinh nghiệm mà Ngài đã kinh qua trong cuộc
đời; những kinh nghiệm đã biến đổi cuộc đời và dẫn Ngài vào một chân trời mới:
Trước hết, đó là kinh nghiệm mang
đậm nét thời thơ ấu. Nhân một đêm Giáng Sinh, Ngài cũng tham dự Thánh Lễ như
các con trẻ khác; tuy nhiên, Ngài lại có một kinh nghiệm thật tuyệt vời, vì qua
việc cử hành phụng vụ, Ngài cảm được rằng Chúa Giêsu không chỉ được sinh ra
trong quá khứ, nhưng đang được sinh ra và nhất là được sinh ra trong lòng Ngài.
Đây cũng là kinh nghiệm của Giáo Hội, vì Giáo Hội, hôm nay và bây giờ không chỉ
cử hành lại quá khứ của mầu nhiệm Giáng Sinh; trái lại, cử hành một Chúa Giêsu
đang được sinh ra ở hiện tại. Như vậy,
khởi từ thánh Bênađô việc Chúa sinh ra biến thành kinh nghiệm bên trong.
Nhưng làm sao việc sinh ra hữu hình có thể trở thành nơi chốn cho một kinh
nghiệm bên trong được?
Sau khi Chúa Giêsu về trời, Ngài
không thể sống như kinh nghiệm bên ngoài; nên chúng ta không thể gặp gỡ Ngài,
đụng chạm đến Ngài như các môn đệ đã làm khi họ sống với Ngài lúc còn ở tại Palestine .
Vì thế, chúng ta không thể gặp được một Chúa Giêsu lịch sử, mà chỉ gặp được
Chúa Giêsu của lòng tin; một Chúa Giêsu đang hiện diện trong Giáo Hội và hiện
diện trong cõi lòng chúng ta. Do đó, điều mà thánh Bênađô kinh nghiệm cũng là
điều Giáo Hội kinh nghiệm xuyên suốt dòng chảy của của lịch sử.
Kế đến, cũng như bao đứa trẻ
khác, thánh Bênađô đã từng thán phục những chiến binh trở về từ đất thánh. Việc
họ được đụng chạm mảnh đất Chúa Giêsu từng sống và uống cùng mạch nước Chúa
Giêsu đã uống… làm tăng thêm lòng tin cho các tín hữu. Tuy nhiên, đối với thánh
Bênađô, điều quan trọng không phải là kinh nghiệm của các chiến binh có về đất
thánh, nhưng là để cho Chúa được sinh ra trong chúng ta và hãy để cho kinh
nghiệm của cuộc viếng thăm của Thiên Chúa trong chúng ta tạo nên một sự biến
đổi. Vì thế, kinh nghiệm ở bên ngoài chỉ hữu ích khi và chỉ khi kinh nghiệm ấy
dẫn chúng ta đến gặp gỡ một Chúa Giêsu đang sống trong lòng thế giới và trong
cõi lòng chúng ta. Sự gặp gỡ Thiên Chúa không còn bị giới hạn vào một nơi nào
đó, nhưng lệ thuộc vào việc gắn bó với một Thiên Chúa sống động đang có đó.
Cuối cùng, vào thế kỷ thứ XIIe là
thế kỷ kế tiếp người ta đợi chờ Chúa lại đến vào lần thứ hai. Thế mà một ngàn
năm qua rồi nhưng Chúa vẫn chưa đến, nên người ta nghĩ đến một thời gian trung
gian giữa hai thời kỳ Chúa đến. Đối với thánh Bênađô, thời gian trung gian này chính
là thời gian mà Chúa Giêsu chưa đến và cũng là thời gian mà Giáo Hội, với tư
cách là hiền thê, đang khẩn nài Chúa Giêsu trở lại. Như thế, sự đợi chờ này
luôn hàm ẩn một sự hiện diện, sự hiện diện của Đấng mà người ta đang đợi chờ.
Điều độc đáo ở đây là: không phải đợi chờ một Đấng chưa đến hay một Đấng sẽ
đến, nhưng đợi chờ Đấng đang có đó. Phải chăng là một nghịch lý? Thánh nhân lý
giải, việc Chúa đến lần thứ ba này mang tính trung gian và ẩn dấu, đồng thời
nội tại, nên cần phải có kinh nghiệm bên trong mới có thể nhận ra và sống sự
đợi chờ này được. Người nào không có kinh nghiệm này thì sẽ không cảm nếm được
sự hiện diện và ngọt ngào của Thiên Chúa. Do đó, chỉ có những ai được Chúa
tuyển chọn mới có thể nhận ra sự hiện diện này[5].
Như vậy gặp gỡ Thiên Chúa phải chăng là một ân huệ, hay là một nổ lực của bản
thân? Chúng ta gặp Thiên Chúa hay Thiên Chúa gặp gỡ chúng ta?
3. Ai gặp ai?
Theo học thuyết của thánh
Augustino, con người luôn luôn hướng về Thiên Chúa như “ Nai vàng tìm kiếm suối
trong”. Thiên Chúa là nguồn sự sống con người phải hướng về và đến kín múc. Con
người không thể sống mà không có Thiên Chúa, vì thế con người luôn thao thức
hướng về để kết hiệp trọn vẹn với Thiên Chúa: “Lạy Chúa, lòng con thao thức mãi
cho đến khi nào được nghĩ yên trong Chúa”[6].
Tuy nhiên, theo thánh Bênađô, ở dương thế này, không thể nào có sự kết hợp trọn
vẹn với Thiên Chúa mà thánh nhân gọi là sự thần hóa. Sự kết hợp ấy chỉ diễn ra
một cách tròn đầy khi con người lìa bỏ thế giới này và về ở bên Thiên Chúa[7].
Cũng theo thánh nhân, để hướng về cuộc gặp gỡ trọn vẹn này, con người không thể
bỏ qua tiến trình của sự gặp gỡ mà khởi đầu là một tình yêu vụ lợi gắn liền với
bản tính yếu hèn của con người. Từ đó, qua sự thanh luyện, con người lột bỏ dần
dần tham, sân, si để biến tình yêu rất ư là trần tục trở thành tình yêu như
Chúa Kitô, Đấng đã đến và yêu con người cho đến chết bằng một tình yêu vô vị
lợi. Trong suốt quá trình ấy, con người luôn tự phủ định chính mình để vươn lên
đến sự thành toàn trong Chúa Kitô. Ở đây, chúng ta thấy hai quá trình song song
nhau mà đôi khi gần giống như là đối chọi lẫn nhau: một đàng con người không
thể đến với Thiên Chúa được nếu Thiên Chúa không lôi kéo; hay nói một cách
khác, tất cả các cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa đều phát xuất từ sáng kiến của
Thiên Chúa. Mặt khác, con người luôn luôn cố gắng đuổi theo để nắm bắt Thiên
Chúa. Điều này đòi hỏi một nổ lực tối đa của con người, nếu không con người
không thể nào thỏa được nỗi niềm khao khát của chính mình. Tại sao?
Thánh Bênađô cho chúng ta ba lý
do khả dĩ lý giải được sự chuyển động trong tiến trình này:
Trước hết, thật không có gì tốt
hơn để Thiên Chúa lôi kéo con người, vì làm như vậy con người không thể nào
chạy theo những lời mời gọi ngọt ngào nhưng mau qua. Thật vậy, kinh nghiệm của
tiên tri Giêrêmia cho thấy sức mạnh của sự cuốn hút nơi Thiên Chúa: “ Lạy Thiên
Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và
Ngài đã thắng”[8].
Kế đến, sự lôi kéo ấy nói lên sự
trung tín của Thiên Chúa, “Vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”[9] và
sự trung tín ấy cũng đánh dấu một sự đảm bảo của niềm tin, mà qua đó con người
nương tựa vào Đấng mà con người cần được tựa nương.
Cuối cùng, khi lôi kéo con người
Thiên Chúa giải thoát họ khỏi sự cô độc, khép kín lòng mình để mở rộng cõi lòng
hướng đến tha nhân, đang cần sự chia sẻ của mình[10].
Với những lý do đó, thánh Bênađo
chứng minh rằng việc lôi kéo của Thiên Chúa là một điều cần thiết để con người
có thể bước theo và khám phá ra sự khôn ngoan, ngọt ngào nơi Thiên Chúa. Thật
vậy, mỗi lần Thiên Chúa lôi kéo con người thì con người như đang bước vào sự
khôn ngoan của Thiên Chúa; và mỗi khi như vậy, con người nổ lực bước theo Đức
Kitô, để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, nhờ đó con người được kết hợp
với Thiên Chúa trọn vẹn. Nói cách khác, cuộc gặp gỡ của con người với Thiên
Chúa trở nên trọn vẹn hơn.
Tuy nhiên, trong thực tế sự gặp
gỡ giữa chúng ta với Thiên Chúa đôi khi giống như trò chơi tình ái mà sách Diễm
Tình Ca diễn tả qua mối tình “Chàng” và “Nàng”. Nàng đi tìm Chàng và tưởng như
đã bắt gặp nhưng lại bị vuột ra khỏi tầm tay; Chàng đang hiện diện đó, nhưng
Nàng cứ mãi tìm kiếm. Nàng càng khát khao, Chàng dường như mất dạng…Thế nhưng
khi Chàng có đó, Nàng vẫn như đang còn ngỡ ngàng…Cứ như thế, cuộc tình giữa
Chàng và Nàng tạo nên một thiên tình ca và một nét đẹp của sự gặp gỡ, bởi vì đã
gặp rồi nhưng hình như chưa bao giờ gặp; đã nắm bắt một thực tại nhưng vẫn còn
thao thức.
Gặp gỡ Thiên Chúa là một thực tại
mà hình như ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần cảm được điều đó, nhưng không
phải lúc nào chúng ta cũng có thể nhận ra, vì nó tuy gần nhưng lại rất xa; xa
mà lại rất gần. Chính vì thế, đôi khi chúng ta cũng có tâm tình như thánh
Augustino: Thiên Chúa luôn có đó nhưng chúng ta vẫn cảm thấy cô đơn, lẽ loi và
vì thế cõi lòng chúng ta như ray rứt và thao thức mãi. Một sự thao thức như
Tagore khi đứng trước vẻ đẹp của Thương Đế qua cảnh vật của trời đất, nhận ra
đó là Ngài mà vẫn còn chờ mong. Chúng ta phải chờ mong mãi vì cuộc sống dương
thế là một cuộc hành trình đi về quê trời và sự thao thức làm cho cuộc sống của
mỗi người trở thành đáng yêu hơn và đẹp hơn.
Thiên Phước
[1] ĐGH
BENEDICTO XVI, Thông điệp “Thiên Chúa là tình yêu”, số 1.
[2] I Sm 3, 10.
[3] Cv
9, 5.
[4] M. FALQUE, kinh nghiệm và đồng cảm nơi Thánh Bênađô, p 657, trong « Tạp chí
nghiên cứu về triết học và thần học», t 89, n° 4, 2005.
[5] THÁNH BÊNAĐÔ, Bài giảng số 5 Mùa Vọng.
[6] THÁNH AUGUSTINO, Đối thoại 5
[7] THÁNH BÊNAĐÔ, Khảo luận về Tình Yêu Thiên
Chúa, số 27
[8] Gr 20,
7.
[9] Tv 136.
[10] THÁNH
BÊNAĐÔ, Bài giảng 21 về Diễm Tình Ca.