Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Nhân Tháng các Đẳng Linh hồn - bàn về Lễ GIỖ

                                                           Phan Xa Minh
 Người Việt Nam chúng ta có một phong tục truyền thống tốt đẹp rất đáng trân trọng, đó là ngày kỵ Giỗ người thân trong gia đình, giòng họ hay xóm làng. Ngày Giỗ là ngày tưởng nhớ người đã khuất, tri ân, cảm tạ. Và hơn tất cả là dịp qui tụ những người còn sống, để ôn lại những kỷ niệm, suy tôn công đức, công trạng của người đã mãn phần. Bài sau đây muốn gói gọn trong ngày Giỗ trong gia tộc.


      Thông thường, đối với phong tục Việt Nam, việc Giỗ chạp được tổ chức vào dịp bách nhật – còn gọi là Giỗ trăm ngày; rồi giỗ đầu ( sau đúng một năm); giỗ tất hay còn gọi là Giỗ đọan tang (sau 3 năm tròn ). Đó là những ngày giỗ hầu hết mọi gia tộc đều tổ chức, lớn hay nhỏ tùy điều kiện kinh tế. Ngòai ra, cứ mỗi năm, không bắt buộc, cứ vào ngày kỵ, tùy gia tộc, hay nhỏ hơn, từng gia đình có thể tổ chức lễ giỗ gọn nhẹ trong nội bộ.

        Ngày Giỗ trong gia tộc, vị đại diện thông báo cho mọi người trong tộc họ về địa điểm, qui mô tổ chức và bàn bạc trao đổi trong thân tộc về việc góp giỗ, qui mô tổ chức. Suy cử người cử hành các lễ nghi hoặc mời các vị Trưởng lão trong họ, vị lãnh đạo tôn giáo chủ lễ. Ngòai các nghi thức về tâm linh còn có nghi thức suy tôn công đức, ôn lại thân thế sự nghiệp của bậc tiền nhân để con cháu, chắt ôn cố, tôn vinh. Sau cùng là phần dự tiệc, con cháu, người thân quây quần bên mâm cỗ. Mâm cỗ long trọng thường được sắp trước bàn thờ gia tiên. Chủ gia thắp hương mời tiên tổ, và dưới sự chứng kiến của vong linh người đã khuất về dự. Sau khi tàn nhang, mọi người  cùng nhau xum họp, hàn huyên, thăm hỏi nhau, cùng tâm tình trong tình yêu thương, đòan kết, đùm bọc lẫn nhau. Thể hiện mong ước của các bậc tiên nhân trong giòng họ. Bàn chuyện giúp nhau làm ăn, cải thiện cuộc sống và tiếp tục hẹn nhau ngày giỗ năm tới, lần tới. . .

     Đối với người Việt Nam Công Giáo, truyền thống tốt đẹp của dân tộc được Giáo hội trân trọng và kế thừa. Đạo Hiếu của dân tộc được Hội Thánh Phúc Âm hóa. Mọi người tín hữu phải “Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả Đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc “ ( Thư Chung 1980 ). Thật vậy, Công đồng chung Vaticanno II đã tuyên bố:”Những gì tốt đẹp trong tâm hồn và  tư tưởng  của lòai người hoặc trong lễ nghi và văn hóa riêng của các dân tộc, họat động của Hội Thánh không nhằm tiêu diệt, nhưng làm cho lành mạnh, nâng cao và kiện tòan, hầu làm vinh danh Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho con người “(GH, 17,1 ). Chính vì thế ngày Giỗ theo truyền thống của dân tộc Việt Nam không có gì xa lạ với người Công Giáo Việt Nam. Có người chưa hiểu cũng đặt câu hỏi “ Người Công Giáo mà cũng có ngày Giỗ à ?” Có chứ! Đó là ngày kỷ niệm, tưởng nhớ, cầu nguyện cho người thân đã ra đi trước . Người Công Giáo chúng ta tin “Tôi tin xác lòai người ngày sau sống lại, tôi tin một cuộc sống vĩnh cửu “( Kinh Tin Kính ). Đức tin đó giúp chúng ta vẫn nhận ra người thân yêu, dù cách biệt chúng ta trong cuộc sống trần gian, nhưng vẫn ở bên chúng ta trong đời sống tâm linh. Người đã khuất vẫn hiệp thông với người còn sống trong Hội Thánh cùng thông công. Người ra đi trước vẫn cần những lời cầu nguyện, những hy sinh, những gương lành của cộng đồng lữ hành dương thế để họ đón nhận được Lòng Chúa thương xót khi không còn tại thế này. Đổi lại, các Linh hồn, khi đã được hưởng vinh phúc nước Trời sẽ cầu bầu cho chúng ta trước tòa Thiên Chúa ( ngôn ngữ dân gian quen gọi là phù hộ độ trì cho chúng ta ).

        Vậy ngày Giỗ của người Công Giáo Việt Nam được tổ chức ra sao ? Xin ghi nhận và giới thiệu đến bà con mình những nét chính của một ngày Giỗ của người Công Giáo Việt Nam hiện nay .

       Trước tiên là việc thông báo, như mọi gia tộc, gia đình, những người trách nhiệm tổ chức bàn bạc, sau khi thống nhất trong gia tộc, gia đình thì báo tin đến họ hàng, thân thích bằng nhắn lời qua nhau. Hiện nay do phương tiện thông tin thuận tiện , nhiều người dùng tin nhắn trên điện thọai. Cũng có người in thiệp báo tin gửi đi trước ngày giỗ ít nhất một tuần. Thư, tin chủ yếu thông báo ngày giờ Lễ Giỗ tại nhà thờ ( nếu  có xin lễ ). Giờ đọc kinh Giỗ tại gia ( nếu không mời dự  Lễ tại nhà thờ). Giờ dự tiệc giỗ .

       Đối với đa số bà con mình thì thường xin lễ cầu nguyện cho người thân tại nhà thờ vào trước một ngày, hay chính ngày, nhưng là lễ sáng sớm hoặc chiều tối, chủ yếu là dòng họ ở gần đến dự, còn ở xa hoặc vì không thuân lợi giờ giấc, thì hiệp thông cầu nguyện. Cũng có gia đình tổ chức cho con cháu, họ hàng vào viếng thân nhân tại nghĩa trang hay nhà Chờ Phục sinh( nhà hài cốt ) của giáo xứ, nơi lưu giữ linh cốt, đọc kinh cầu nguyện. Một số ít gia đình nhân giỗ trăm ngày, Giỗ đầu hay Giỗ tất, có xin lễ riêng,lễ ngòai giờ, thường mời đông đảo bà con, thân hữu đến dự sau đó dự tiệc tại Hội trường, hay nhà hàng . . . Đây là những trường hợp ngọai lệ, không đề cập sâu .

      Với những ngày Giỗ tại gia, gia chủ nên mời mọi người đến sớm hơn khi khai tiệc khỏang 30 phút. Thời gian này để mọi người dự kịp ổn định. Gia chủ mời đọc kinh Giỗ khỏang mươi lăm phút, ngắn gọn nhưng đẩy đủ. Chương trình gợi ý như sau :

 1/ Khai mạc: Người hướng dẫn nói sơ qua ý nghĩa ngày Giỗ, ôn lại thân thế sự nghiệp người quá cố. Đây là lần Giỗ thứ mấy? nêu Thánh danh Linh hồn ? rồi mời mọi người cùng hiệp ý cầu nguyện.

2/ Gia chủ thắp nến, thắp hương trước bàn thờ Thiên Chúa. Vị đại diện niệm hương trước di ảnh người đã khuất trên bàn thờ gia tiên, xin Thiên Chúa đón nhận những lời nguyện xin của con cháu cho Linh hồn cầu nguyện hôm nay, nhận được  lòng Chúa thương  xót.

3/ Kinh Giỗ: - Hát Kinh Chúa Thánh Thần, Kinh ăn năn tội – Lãnh nhận Lời Chúa : Đọc một đọan Phúc Âm - Suy niệm 1-3 phút – Lời nguyện gia đình ( đại diện gia đình đọc  lời nguyện )- Đọc” kinh Vực sâu” hay hát bài” Từ vực sâu u tối” . . .- Kinh cám, Trông cậy. Hát : “ Từ chốn luyện hình u tối” hay” Lạy Mẹ xin yên ủi “– Kết thúc.( Tổng cộng thời gian khỏang 15 phút).  ( Mời tham khảo cuốn KINH NGUYỆN GIA ĐÌNH của Linh Mục ĐAN VINH )

4/ Phần Tiệc Giỗ : Gia chủ mời mọi người vào bàn tiệc và nói ít lời tâm tình, đại ý:  kính mời các vị tiên nhân cùng hiệp thông, chứng giám cho lòng tưởng nhớ, tri ân của những người còn sống. Mọi người cùng xin Chúa chúc lành cho của ăn, cùng hợp lòng chia sẻ trong thân tình. ( Tránh chè chén say sưa, gây phiền hà cho xóm ngõ ) .

       Tổ chức Lễ Giỗ, qua Thánh lễ, qua giờ kinh sốt sắng là điều nên làm, nên khuyến khích. Không chỉ trong các gia đình lớn tam tứ đại đồng đường, nhiều thế hệ chung sống, mà kể cả các Gia đình trẻ hôm nay.  Nên luân phiên nhau trong gia tộc tổ chức ( góp giỗ với nhau ) hầu cho con cháu, những thế hệ sau này biết thờ phượng Thiên Chúa, tôn kính tổ tiên, tri ân công đức các bậc tiên nhân trong họ tộc. Điều này đẹp lòng Chúa và đẹp lòng cha mẹ hai bên, cũng là thể hiện niềm tin giữa những người anh chi em trong xóm ngõ, trong nghề nghiệp, bằng hữu về bổn phận hiếu kính tổ tiên của người Công Giáo chúng ta, luôn biết sống theo Lời Chúa dạy. Xóa đi hiểu lầm đáng tiếc lâu nay cho rằng người Công Giáo Việt Nam không nhớ đến Ông Bà tổ tiên. Đó cũng là một cách thức Loan báo Tin Mừng, đề nghị nên áp dụng ngay từ Năm Đức Tin này, nếu chưa tổ chức xứng hợp lâu nay .