Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Một số văn kiện Giáo Lý về Đức Maria

 Trước tiên xin được trích dẫn hai bài giảng của Chân Phúc Joan-Paulo II nhân dịp năm thánh 2000

Ðức Maria
Nữ Tử Dấu Ái của Chúa Cha
Sau mấy ngày mở màn cho Cuộc Ðại Mừng Kỷ Niệm, hôm nay, Tôi muốn bắt đầu Buổi Triều Kiến Chung lần đầu tiên trong Năm 2000 đây bằng việc gửi đến hết mọi người lời chúc mừng thân ái nhất của Tôi cho Năm Mừng Kỷ Niệm: chớ gì Năm Mừng Kỷ Niệm này thực sự là một thời gian ân sủng, hòa giải và canh tân nội tâm. Năm ngoái đây, năm cuối cùng để sửa soạn gần cho Cuộc Mừng Kỷ Niệm, chúng ta đã cùng nhau suy niệm về mầu nhiệm Chúa Cha. Hôm nay đây, để chấm dứt loạt bài suy niệm ấy, cũng là để đặc biệt mở đầu cho loạt bài giáo lý về Năm Thánh, một lần nữa, chúng ta hãy ưu ái hướng đến con người của Ðức Maria.


Nơi Mẹ, "Nữ Tử dấu ái của Chúa Cha" (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, đoạn 53), dự án thần linh yêu thương nhân loại được tở hiện. Vì nhắm tuyển lựa Mẹ làm mẹ cho Con của mình, Chúa Cha đã chọn Mẹ giữa tất cả mọi tạo vật và đã nâng Mẹ lên tới một phẩm vị cao cả nhất cũng như lên tới một sứ vụ trọng đại nhất trong việc phục vụ dân của Ngài.

Dự án của Chúa Cha bắt đầu được mạc khải qua "Protoevangelium" (phúc âm tiên khởi), khi mà, sau lúc Adong và Evà sa ngã phạm tội, Thiên Chúa loan báo cho biết rằng Ngài sẽ gây mối thù giữa con rắn và người nữ: chính người con trai của người nữ sẽ đạp nát đầu con rắn (x.Gen 3:15).

Lời hứa này đã được nên trọn trước hết ở biến cố Truyền Tin, khi Mẹ Maria được mời gọi trở nên một Người Mẹ của Ðấng Cứu Thế.

2- "Hãy vui lên hỡi cô đầy ân phúc" (Lk 1:28). Lời đầu tiên Chúa Cha nói với Mẹ Maria, qua thiên thần của Ngài, là một thể thức chào mừng có thể được coi như một lời kêu mời hãy hân hoan vui mừng, một lời kêu mời âm vang lời tiên tri Zacaria nói với toàn thể dân Yến Duyên: "Hãy vui mừng hớn hở, hỡi nữ tử Sion! Kìa đức vua của các cô đang đến với các cô" (Zec 9:9; xem Zep 3:14-18). Qua lời nói đầu tiên với Mẹ Maria ấy, Chúa Cha đã tỏ cho thấy chủ ý Ngài muốn thông đạt niềm vui chân thực và hoàn toàn cho nhân loại. Niềm vui của Chúa Cha, ở chỗ có Con của Ngài ở với Ngài, được hiến ban cho hết mọi người, nhưng trước hết được ký thác cho Mẹ Maria, để niềm vui ấy được từ Mẹ lan ra khắp cộng đồng nhân loại.

3- Ðối với Mẹ Maria, lời kêu mời hãy vui lên ấy có liên quan đến một tặng ân đặc biệt Mẹ được Chúa Cha ban cho, đó là tặng ân "Ðầy ơn phúc". Kiểu diễn tả "kecharitoméne" theo Hy ngữ thường được chuyển dịch, không phải là không có lý do, thành nghĩa "đầy ơn phúc": thật vậy, đó là một tình trạng dồi dào đã đạt đến mức độ cao nhất.
Chúng ta có thể thấy rằng lời diễn đạt ấy như thể nói lên chính dang xưng của Mẹ Maria, một "tên gọi" Chúa Cha đặt cho Mẹ từ khi Mẹ bắt đầu hiện hữu. Thật vậy, từ giây phút đầu thai trong lòng thai mẫu, linh hồn của Mẹ đã được đầy mọi phúc lành, khiến Mẹ sống thánh thiện trổi vượt trọn cả cuộc sống trần gian của Mẹ. Dung nhan của Mẹ phản ánh dung nhan huyền diệu của Chúa Cha. Nét êm ái dịu dàng vô cùng của Thiên Chúa Tình Yêu được tỏ hiện nơi những đặc tính từ mẫu của Mẹ Chúa Giêsu.

4- Mẹ Maria là người mẹ duy nhất, khi nói về Chúa Giêsu, Mẹ có thể nói "con của Mẹ", cũng như Chúa Cha nói: "Con là Con của Cha" (Mk 1:11). Về phần mình, Chúa Giêsu gọi Chúa Cha là "Abba, lạy Cha", "Ba" (x. Mk 14:36), trong khi đó Người gọi Mẹ Maria là "Má", bằng tất cả lòng cảm mến của mình khi xưng hô như vậy.

Gặp lại mẹ mình sau khi đã bỏ mẹ mình lại ở Nazarét mà lên đường, Người đã gọi Mẹ là "bà" để nhấn mạnh rằng giờ đây Người chỉ làm theo lệnh truyền của một mình Cha của Người thôi, đồng thời Người cũng tuyên bố cho biết Mẹ chẳng những là một người mẹ theo xác thể, mà Mẹ còn có một sứ mệnh cần phải làm hoàn tất với tư cách là một "nữ tử Sion" cũng như với tư cách là người mẹ của dân Tân Ước nữa. Mục tiêu Mẹ Maria nhắm tới là luôn luôn hoàn toàn theo ý muốn của Chúa Cha.

Trường hợp của Mẹ không phải là trường hợp của tất cả mọi người trong gia đình của Chúa Giêsu. Phúc Âm thứ bốn đã cho chúng ta thấy rằng các người thân thuộc "không tin vào Người" (Jn 7:5), và Thánh Marcô nói "họ đến bắt Người vì họ nói 'Hắn ngớ ngẩn rồi'" (Mk 3:21). Chúng ta có thể đoan chắc một điều là những tâm tưởng của Mẹ Maria hoàn toàn khác hẳn. Chúng ta tin như vậy, khi căn cứ vào Phúc Âm Thánh Luca, một Phúc Âm thuật lại việc Mẹ Maria tỏ mình ra như là một "người tôi tớ (thấp hèn) của Chúa" (Lk 1:38). Có như thế chúng ta mới hiểu được câu trả lời của Chúa Giêsu, lúc mà Người "được cho biết 'Mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng ở ngoài muốn được gặp Ngài' (Lk 8:20; x. Mt 12:46-47; Mk 3:32); Chúa Giêsu đáp rằng: 'Mẹ của Tôi và anh em của Tôi là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành' (Lk 8:21). Thật vậy, Mẹ Maria là gương mẫu của việc nghe Lời Thiên Chúa (x. Lk 2:19,51), và cũng là gương mẫu cho tính chất đơn sơ dễ dạy đối với Lời của Thiên Chúa.

5- Ðức Nữ Trinh vẫn kiên trì lập lại việc Mẹ hoàn toàn sẵn lòng đã tỏ ra trong Ngày Truyền Tin. Ðặc ân bao la và sứ mệnh cao cả trong việc làm Mẹ Con Thiên Chúa không làm đổi thay việc Mẹ khiêm hạ phục tùng dự án của Chúa Cha. Trong số những khía cạnh thuộc dự án thần linh này, Mẹ đã đảm trách việc giáo dục theo vai trò làm mẹ của mình. Một người mẹ chẳng những sinh con mà còn phải chủ động trong việc huấn luyện và phát triển nhân cách của đứa con mình nữa. Tác hành của Mẹ Maria chắc chắn đã ảnh hưởng tới việc làm của Chúa Giêsu. Chẳng hạn, người ta có thể nghĩ rằng hành động rửa chân (x. Jn 13:4-5), lưu lại cho các môn đệ một mẫu gương để noi theo, đã phản ánh những gì chính Chúa Giêsu thấy được từ nhỏ nơi hành động của Mẹ Maria, khi Mẹ rửa chân cho khách trong tinh thần phục vụ khiêm tốn. Theo chứng từ Phúc Âm, trong thời gian ở Nazarét, Chúa Giêsu đã "vâng lời" Mẹ Maria và Thánh Giuse (x. Lk 2:51). Như thế là Người đã thực sự được Mẹ Maria giáo dục cho nên thân nên người. Trái lại, Mẹ Maria cũng tìm hiểu và học hỏi nơi Con Mẹ. Trong việc tỏ mình ta từ từ của Chúa Giêsu, Mẹ đã càng ngày càng nhận ra Chúa Cha sâu xa hơn và dâng lên Ngài tất cả tấm lòng của mình trong việc tôn kính mến yêu Ngài. Giờ đây việc của Mẹ là giúp cho Giáo Hội bước theo chân Chúa Kitô như Mẹ đã thực hiện.


(Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ, dựa theo Tuần san L'Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 12/1/2000)


Mẹ Maria Cộng Tác
vào Dự Án Cứu Ðộ của Thiên Chúa

1- Sau khi hoàn tất việc chúng ta suy niệm về Mẹ Maria ở cuối loạt bài giáo lý kính Chúa Cha, hôm nay chúng ta muốn nhấn mạnh đến vai trò của Mẹ trong cuộc chúng ta hành trình về với Chúa Cha. Chính Ngài muốn có sự hiện diện của Mẹ Maria trong lịch sử cứu độ. Khi quyết định sai Con mình vào trần gian, Ngài đã muốn Người đến với chúng ta bằng việc được hạ sinh bởi một người nữ (x Gal 4:4). Như thế là Ngài đã muốn người nữ này, con người đầu tiên lãnh nhận Con của Ngài, phải thông truyền Người ra cho toàn thể nhân loại.

Bởi vậy, trên con đường từ Chúa Cha đến loài người, Mẹ Maria đã có mặt như là một người mẹ tặng ban Người Con Cứu Thế cho tất cả mọi người. Ðồng thời Mẹ còn có mặt trên cả con đường nhân loại phải đi qua để đến với Chúa Cha qua Chúa Kitô trong Thần Linh nữa (x Eph 2:18).

2- Ðể hiểu được việc Mẹ Maria hiện diện trong cuộc chúng ta hành trình về cùng Chúa Cha, chúng ta phải cùng với toàn thể Giáo Hội công nhận rằng Chúa Kitô là "đường, là sự thật và là sự sống" (Jn 14:6) và là Vị Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người (x 1Tim 2:5). Mẹ Maria được gồm tóm trong vai trò trung gian độc nhất vô nhị của Chúa Kitô và hoàn toàn phụ giúp vào vai trò này mà thôi. Bởi thế Công Ðồng Chung Vaticanô II mới nhấn mạnh trong Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân Lumen Gentium rằng: "Phận sự của Mẹ Maria là mẹ của nhân loại không thể nào che khuất hay làm suy giảm vai trò trung gian độc nhất vô nhị của Chúa Kitô, trái lại làm sáng tỏ quyền năng của vai trò ấy" (đoạn 60). Chúng ta không thể nào nói rằng Mẹ Maria nắm một vai trò trong đời sống Giáo Hội ở ngoài hay đồng hành với vai trò trung gian của Chúa Kitô, như thể đó là một vai trò tương đương hay tương tranh.

Như Tôi đã nói rõ trong Thông Ðiệp Mẹ Ðấng Cứu Thế Redemptoris Mater, vai trò trung gian từ mẫu của Mẹ Maria "là vai trò trung gian trong Chúa Kitô" (đoạn 38). Công Ðồng Chung Vaticanô II đã giải thích rằng: "Ảnh hưởng cứu độ của Ðức Nữ Trinh nơi con người không phát xuất từ một quan thiết nội tại nào, mà là từ việc Thiên Chúa ấn định. Ảnh hưởng ấy bắt nguồn từ công nghiệp dồi dào của Chúa Kitô, dựa vào vai trò trung gian của Người, hoàn toàn lệ thuộc vào vai trò trung gian của Người, và lấy được tất cả quyền lực của mình từ vai trò trung gian của Người. Ảnh hưởng ấy không hề ngăn cản mối hiệp nhất trực tiếp giữa tín hữu với Chúa Kitô, trái lại, còn bồi dưỡng cho mối hiệp nhất này nữa" (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, đoạn 60).

Cả Mẹ Maria nữa cũng được Chúa Kitô cứu chuộc và thực sự là người đầu tiên được cứu chuộc, vì ân sủng do Thiên Chúa là Cha ban cho Mẹ ngay từ giây phút hiện hữu đầu tiên của Mẹ là bởi "các công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Thế của loài người", như Ðức Piô IX xác nhận trong Sắc Chỉ Ineffabilis Deus (DS 2803). Tất cả mọi sự cộng tác của Mẹ Maria vào việc cứu độ đều được căn cứ vào vai trò trung gian của Chúa Kitô, một vai trò mà, như Công Ðồng Chung Vaticanô II minh nhiên nói là "không loại trừ song làm phát sinh một sự cộng tác đa diện, đó chính là việc thông phần vào cùng một nguồn mạch duy nhất" (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, đoạn 62).

Theo quan điểm này thì vai trò trung gian của Mẹ Maria phát xuất như là một hoa trái cao quí nhất từ vai trò trung gian của Chúa Kitô và chính yếu nhắm đến việc mang chúng ta tới cuộc hội ngộ với Chúa Kitô một cách mật thiết và sâu xa hơn: "Giáo Hội không ngần ngại tuyên xưng vai trò phụ thuộc này của Mẹ Maria, vai trò mà Giáo Hội luôn luôn cảm thấy và khích lệ tín hữu hết sức chú tâm đến, để nhờ ơn phù giúp của Mẹ nâng đỡ, họ được gắn bó chặt chẽ hơn với Vị Trung Gian và Cứu Chuộc" (cùng nguồn vừa dẫn).

3- Thật vậy, Mẹ Maria không muốn kéo con người chú ý đến Mẹ. Mẹ đã sống trên thế gian bằng ánh mắt gắn chặt lấy Chúa Giêsu và Cha trên trời. Ước muốn lớn nhất của Mẹ là hướng chú tâm của mọi người về cùng một mục tiêu đó. Mẹ muốn khơi lên cái nhìn tin tưởng và cậy trông vào Chúa Cứu Thế là Ðấng Chúa Cha đã sai đến với chúng ta. Ánh mắt tin tưởng và cậy trông của Mẹ nêu gương đặc biệt trong cuộc tai biến khổ nạn của Con Mẹ mà Mẹ vẫn một lòng tin tưởng nơi Người cũng như nơi Chúa Cha. Trong khi các vị môn đệ bị bấn loạn bởi các diễn biến và đức tin của các vị bị rung chuyển tận gốc, thì Mẹ Maria, mặc dầu bị sầu thương, vẫn hoàn toàn tin tưởng vào lời tiên báo của Chúa Giêsu sẽ được nên trọn, đó là "Con Người... sẽ sống lại vào ngày thứ ba" (Mt 17:22-23). Mẹ không bao giờ mất niềm tin, cho dù Mẹ có ôm vào lòng một xác thể vô hồn của người con tử giá của mình.

4- Với cái nhìn tin tưởng và cậy trông này, Mẹ Maria phấn khích Giáo Hội và các tín hữu luôn luôn làm trọn ý muốn của Chúa Cha được Chúa Kitô tỏ ra cho chúng ta.
Những gì Mẹ đã nói với các người phục dịch để phép lạ xẩy ra ở Cana vang vọng tới mọi thế hệ Kitô hữu, đó là "Hãy làm những gì Người bảo" (Jn 2:5).
Lời khuyên của Mẹ đã được tuân theo khi các người phục dịch đổ nước đầy vào chum. Mẹ Maria ngỏ với chúng ta cùng một lời mời gọi ấy. Mẹ thúc giục chúng ta hãy tiến vào giai đoạn mới của lịch sử này bằng một ý hướng thi hành những gì Chúa Kitô nói trong Phúc Âm thay Cha Người và nay tỏ ra cho chúng ta biết qua Chúa Thánh Thần là Ðấng ở trong chúng ta.

5- Những lời "Hãy làm những gì Người bảo" hướng chúng ta về Chúa Kitô, nhưng chúng cũng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đang ở trên con dường về cùng Cha. Chúng trùng hợp với tiếng Chúa Cha phán ở trên núi Biến Hình: "Này là Con Ta yêu dấu? hãy lắng nghe lời Người" (Mt 17:5). Vị Cha này, qua lời của Chúa Kitô cũng như dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, kêu gọi chúng ta, hướng dẫn chúng ta và chờ đợi chúng ta.

Cuộc sống thánh thiện của chúng ta là ở chỗ thi hành mọi sự Chúa Cha bảo chúng ta làm. Ðó là giá trị nơi cuộc sống của Mẹ Maria, ở chỗ làm trọn ý muốn của Thiên Chúa. Ðược Mẹ Maria hỗ trợ và nâng đỡ, chúng ta hãy tri ân nhận lấy ngàn năm mới này từ bàn tay của Chúa Cha, và hãy quyết tâm đáp ứng ân huệ của ngàn năm mới ấy bằng một lòng khiêm cung và tha thiết mộ mến.


(Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ, dựa theo Tuần san L'Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 19/1/2000)

Hỏi đáp về Đức Mẹ:
Ðức Maria, Mẹ Của Chúa Giêsu
Và Mẹ Chúng Ta

Bấy giờ Ðức Maria nói: "Vâng, này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa làm cho tôi như lời thiên sứ nói". (Lc 1,26-38)

1. H. Ðức Maria đã góp phần với Chúa Giêsu trong công cuộc cứu thế cách nào?
T. Ngài đã đáp lời Thiên Chúa trong sự vâng phục đức tin, đã sinh ra Chúa Giêsu, nuôi dạy Ngài, và cùng chịu đau khổ với Ngài trong cuộc thương khó.
2. H. Như vậy Ðức Maria được những đặc ân nào?
T. Vì là Mẹ Ðấng Cứu Thế nên Ngài đã được giữ gìn khỏi mọi tội lỗi, kể cả tội tổ tông truyền, được ơn đồng trinh trọn đời, và khi chết được lên trời cả hồn lẫn xác.
3. H. Mẹ Maria có phải là Mẹ Hội Thánh và Mẹ của ta không?
T. Phải, vì Mẹ đã sinh ra Chúa Kitô là Ðầu Hội Thánh, và hằng góp phần sinh ra các chi thể của Hội Thánh là chúng ta.
4. H. Ngày nay ở trên trời Mẹ làm gì cho ta?
T. Mẹ luôn cầu bầu và chăm sóc ta như mẹ hiền, vì Mẹ là Mẹ Hằng Cứu Giúp, luôn phù hộ các giáo hữu.
5. H. Ðể tỏ lòng tôn kính và yêu mến Mẹ, ta nên làm gì?
T. Ta năng lần chuỗi Mân Côi, cầu nguyện với Mẹ, và nhất là noi gương bắt chước các nhân đức của Mẹ.