CĂN TÍNH
“Người ta tìm kiếm sự hợp nhất với Thượng Đế như thế nào?”
"Con càng khổ công tìm kiếm bao nhiêu thì con càng tạo ra khoảng cách
giữa Chúa và con bấy nhiêu.”
“Vậy người ta nên làm gì đối với khoảng cách đó?”
“Con phải hiểu rằng khoảng cách đó không có.”
“Điều đó có nghĩa là Chúa và con chỉ là một ư?”
“Không phải một, cũng không phải hai.”
“Làm sao có thể như thế được?”
“Mặt trời và ánh sáng mặt trời, đại-dương và những đợt sóng của đại-dương,
ca-sĩ và bài ca - không phải một. Cũng không phải hai."
PHÂN BIỆT
Người bị tình phụ nói: "Con bị phỏng tay một lần. Con sẽ không bao giờ
si tình nữa."
Minh Sư đáp: "Con chẳng khác nào con mèo bị phỏng vì ngồi ở trên lò
lửa, rồi từ chối sẽ không bao giờ ngồi xuống nữa."
MÁY MÓC
Ngày kia, Minh Sư hỏi đệ tử: "Điều nào quan-trọng hơn: minh triết hay
hành động?"
Các đệ tử đều nhất trí trả lời: "Hành động dĩ nhiên rồi. Có ích lợi gì
nếu sự minh triết không được thể hiện bằng hành động?"
Minh Sư đáp: "Và hành động có ích lợi gì nếu phát xuất từ một quả tim
không thức giác?"
TÔN KÍNH
Đối với một đệ tử tỏ ra tôn kính một cách thái quá, Minh Sư bảo: "Ánh
sáng phản chiếu trên tường. Tại sao phải tôn kính bức tường? Con nên chú tâm
vào ánh sáng thì hơn."
TRÁNH NÉ
Một du khách xem xét chân dung các vị Minh Sư quá cố ở trong đền thờ và
nói: "Còn có những Minh Sư nào ở trên đời này nữa không?"
Hướng dẫn viên trả lời: "Còn có một vị."
Du khách van nài được diện kiến vị Minh Sư đó và bắt đầu đặt câu hỏi: “Ngày
nay người ta có thể tìm gặp những vị đại Minh-Sư ở đâu?"
Minh Sư la lên: "Này lữ khách!"
Du khách kính cẩn trả lời: "Thưa ngài!"
"ÔNG đang ở đâu vậy?"
SỐ PHẬN
Một bà than vãn về số phận của mình, Minh Sư bảo: "Chính bà làm nên số
phận của bà."
"Nhưng chắc chắn không phải tôi chịu trách nhiệm việc tôi sinh ra làm
đàn bà?"
"Sinh ra làm đàn bà không phải là số phận. Đó là định mệnh. Số phận là
cách thức mà bà chấp nhận nữ tính của mình và là điều mà bà làm nên với cái nữ
tính ấy."
TÁI SINH
Minh Sư bảo: "Hãy đoạn tuyệt với quá khứ và con sẽ giác ngộ."
“Con đang thực hiện điều đó từng giai đoạn một"
"Sự tăng trưởng đạt được qua từng giai đoạn. Giác ngộ thì nhất
thời."
Về sau, Minh Sư nói: "Hãy nhảy vọt! Con không thể vượt qua cái
hố bằng những bước nho nhỏ được."
MƠ MỘNG
“Chừng nào con Giác Ngộ?”
Minh Sư trả lời: "Khi con thấy được.”
“Thấy được gì?”
“Thấy cây cối, bông hoa và trăng sao.”
“Nhưng con thấy các thứ đó mỗi ngày.”
“Không, những gì con thấy là những cây cối bằng giấy, bông hoa bằng giấy,
và trăng sao bằng giấy. Bởi vì con không sống trong thực tại mà sống trong ngôn
ngữ và tư duy của con mà thôi."
Và vì cẩn trọng, Minh Sư dịu dàng nói thêm: "Khổ nỗi, con sống một
cuộc sống bằng giấy và con sẽ chết một cái chết bằng giấy."
BIẾN ĐỔI
Một đệ tử không ngừng than phiền những người chung quanh; Minh Sư phán bảo
anh ta: "Nếu con muốn được yên tĩnh, con phải lo thay đổi chính con, chứ
không phải thay đổi người khác. Bao bọc chân mình bằng đôi hài thì dễ hơn là
lót thảm khắp cùng mặt đất."
PHẢN ỨNG
Người ta hỏi Minh Sư dựa trên tiêu chuẩn nào để chọn lựa đệ tử.
Ngài bảo: "Nhất cử nhất động, tôi đều thực thi trong sự phục tùng
khiêm tốn. Do đó, những người tỏ ra cao ngạo trước sự khiêm tốn của tôi, tôi
chối từ ngay. Đối với những người quá tôn kính tôi vì tôi có thái độ khiêm tốn,
thì tôi cũng từ chối nhanh như thế.”
TRIẾT LÝ
Trước khi xin làm đệ tử, thỉnh sinh muốn Minh Sư xác quyết đôi điều.
“Thầy có thể dạy bảo con về mục đích của nhân sinh không?"
“Thầy không thể.”
“Hay ít ra, thầy có thể dạy con về ý nghĩa cuộc đời chứ?”
“Thầy không thể.’
“Thầy có thể cắt nghĩa cho con bản chất sự chết và sự sống ở đời sau
không?”
“Thầy không thể."
Khách hành hương ra về, lòng đầy khinh miệt. Đệ tử chán nản vì Minh Sư đã
để lộ sự kém cỏi của mình.
Bằng một giọng dịu dàng, Minh-Sư giải thích như sau: "Tìm hiểu bản chất
và ý-nghĩa cuộc sống để làm gì, nếu các con không bao giờ cảm nếm cuộc sống?
Thầy mong muốn các con nên thưởng thức mẩu bánh của mình hơn là nói dông nói
dài về cái bánh ấy."
LÀM ĐỆ TỬ
Một khách hành hương muốn trở thành đệ tư,û Minh Sư nói với ông: "Bạn
có thể sống với tôi, nhưng bạn đừng trở thành người theo tôi.”
“Như vậy, con sẽ theo ai?”
“Không theo ai hết. Ngày nào bạn theo một ai đó thì bạn hết theo
Chân-Lý."
MÙ QUÁNG
“Con có thể trở thành đệ tử của thầy không?”
"Con chỉ là đệ tử vì mắt con nhắm nghiền lại. Ngày nào mắt con mở ra,
con sẽ thấy rằng không có gì để con có thể học hỏi với thầy hay với bất cứ ai.”
“Như vậy Minh Sư để làm gì?”
“Để cho con thấy rằng không cần phải có Minh Sư."
TRUNG GIAN
Một khách hành hương hỏi một đệ tử: "Tại sao bạn cần tới Minh
Sư?"
Đệ tử trả lời: "Để được đun nóng, nước cần tới một cái ấm để làm trung
gian giữa nó với lửa."
SỐNG CÒN
Ngày nào cũng thế, đệ tử chỉ hỏi Minh Sư mỗi một câu: "Làm thế nào con
gặp được Thượng Đế?"
Và ngày nào Minh Sư cũng trả lời một câu giống nhau, đầy bí ẩn: "Bằng
sự ước muốn.”
“Nhưng con ao ước Thượng Đế hết tâm-hồn! Vậy tại sao con không gặp được
Ngài?"
Ngày kia, có dịp Minh Sư cùng đệ tử đó đi tắm trong một dòng sông. Ngài dìm
đầu đệ tử xuống nước và cứ giữ như thế trong khi đệ tử đáng thương kia vùng vẫy
một cách tuyệt vọng để cố thoát thân.
Hôm sau, Minh Sư bắt đầu gợi chuyện: "Tại sao con cố vùng vẫy như thế
khi thầy dìm đầu con xuống nước?”
“Bởi vì con muốn hít thở không khí.”
“Khi con nhận lãnh ơn khao khát hít thở Thượng Đế cũng như con khao khát
hít thở không khí thì con sẽ gặp gỡ Ngài."
LỆ THUỘC
Một đệ tử quá lệ thuộc vào sách vở, Minh Sư bảo anh:
"Một người đi chợ bị mất mảnh giấy ghi chép các món hàng phải mua.
Nhưng khi kiếm lại được, anh ta rất đỗi vui mừng, vội vàng đọc đi đọc lại và
bám vào đấy cho đến khi mua sắm xong - sau đó anh vứt đi như một mảnh giấy lộn
vô giá trị."
TRỐN THOÁT
Minh Sư đã trở thành một huyền thoại trong khi còn sống. Tiếng đồn ngày kia
Chúa hỏi ý kiến như sau: "Cha muốn chơi trò cút bắt với loài người. Cha đã
hỏi các thiên sứ chỗ nào tốt nhất để ẩn trốn. Có thiên sứ nói ở dưới đáy đại
dương. Thiên-sứ khác nói ở trên đỉnh núi cao. Thiên sứ khác lại nói ở mặt tối
phía sau mặt trăng hay ở một hành tinh xa xôi nào đó. Còn con, con đề nghị thế
nào?"
Minh Sư thưa: "Xin Cha hãy ẩn núp trong tâm con người. Đó là nơi cuối
cùng mà người ta nghĩ tới!"
BẤT BẠO ĐỘNG
Một con rắn độc ở trong làng đã cắn nhiều người đến nỗi ít ai dám mạo hiểm
đi ra ngoài đồng.
Người ta nói rằng Minh Sư thánh thiện đến nỗi ngài đã chế ngự con rắn và
khuyên bảo nó thực thi tinh thần bất bạo động.
Chẳng bao lâu, dân làng khám phá ra rằng con rắn đã trở thành vô hại. Họ
bắt đầu ném đá và kéo đuôi nó.
Họ đánh đập con rắn một cách tồi tệ và một đêm kia nó đã bò vào nhà Minh Sư
để ta thán. Ngài bảo nó: "Bạn ơi, bạn không làm cho dân làng sợ nữa, tội
nghiệp thật!"
"Nhưng phải chăng chính ngài đã dạy tôi thực thi tinh thần bất bạo
động?”
“Tôi bảo bạn đừng cắn - chứ không bảo bạn đừng rít lên."
ĐÃNG TRÍ
Các đệ tử bàn cãi sôi nổi để xem công việc nào là khó khăn nhất:
Viết ra điều mà Chúa mạc khải là Thánh Kinh, hiểu những gì Chúa đã mạc khải
trong Thánh Kinh hoặc giải nghĩa cho kẻ khác về Thánh Kinh sau khi mình đã lãnh
hội được.
Khi được hỏi kiến, Minh Sư trả lời: "Thầy biết được một công việc khó
khăn hơn bất cứ việc nào trong ba việc kể trên."
"Đó là gì?”
“Là cố gắng làm cho một đám ngu muội như các con nhận thức đúng thực
tế."
HỒI HƯƠNG
Minh Sư bảo: "Có ba giai đoạn trong tiến trình tu đức đối với mỗi
người: giai đoạn thể chất, giai đoạn tâm linh và giai đoạn thần linh."
Các đệ tử nôn nóng hỏi: "Giai đoạn thể chất là gì?”
“Đó là giai-đoạn mà người ta thấy cây cối là cây cối và núi non là núi non.
“Giai đoạn tâm linh là gì?”
“Đó là khi người ta nhìn sự vật một cách thâm sâu hơn - và rồi người ta
nhận thấy cây cối không còn là cây cối nữa và núi non không còn là núi non
nữa.”
“Và giai đoạn thần linh là gì?"
Minh Sư cười sảng khoái trả lời: "À! Đó là Giác Ngộ, khi cây cối trở
lại cây cối và núi non trở lại núi non."
CẰN CỖI
Minh Sư cho rằng những bài diễn văn uyên bác chẳng ích lợi gì. Ngài gọi đó
là "Những viên ngọc quí của sự minh triết."
Các đệ tử hỏi: "Nếu những diễn từ đó là những viên ngọc quí, sao thầy
tỏ vẻ khinh miệt như thế?"
Minh Sư trả lời: "Các con biết có viên ngọc quí nào từng mọc lên khi
người ta ươm trồng chúng trong một cánh đồng không?"
THINH LẶNG
"Kiến thức và lòng mộ đạo của các con thì có ích lợi gì? Một con lừa
có trở thành khôn ngoan chăng vì sống ở trong thư viện? Hay một con chuột có
đạt sự thánh thiện chăng vì sống ở trong nhà thờ?”
"Vậy thì chúng con cần phải có điều gì?”
“Một con tim.”
“Làm thế nào để có được?"
Minh Sư lặng thinh không nói. Ngài phải nói sao để họ không biến mọi
sự thành một môn để học hoặc một đối tượng để thờ?
TỚI ĐÍCH
“Con đường đưa tới thức giác khó hay dễ?"
"Cũng không khó, cũng không dễ.”
“Tại sao vậy?”
“Tại vì thức giác không thực hữu.”
“Vậy phải đi như thế nào để tới đích?”
“Không phải đi. Đó là một hành trình không có khoảng cách. Hãy dừng bước và
các con sẽ tới."
TIẾN HÓA
Ngày hôm sau Minh Sư bảo: "Trời hỡi! Đi thì dễ hơn dừng lại."
Các đệ tử muốn biết tại sao.
“Vì ngày nào các con còn bước đi để đạt tới một mục đích, thì các con còn
có thể bám víu vào một ước mơ. Khi dừng lại, các con phải đối diện với thực
tế."
Các đệ tử đâm ra hoang mang nên hỏi: "Làm thế nào các con có thể thay
đổi được nếu không có mục tiêu hay những điều ước mơ?”
“Thay đổi thực sự là thay đổi mà không cần ý chí. Hãy đối diện với thực tế,
rồi sự thay đổi không ý chí sẽ xảy ra."
VÔ Ý THỨC
“Con có thể tìm thấy Thượng Đế ở đâu ?"
"Ngài đang ở trước mặt con đây.”
“Vậy tại sao con không nhìn ra Ngài?”
“Tại sao người say rượu không thể nhìn ra ngôi nhà của mình?"
Về sau, Minh Sư nói: "Con hãy tìm cho ra điều đã làm cho con say sưa.
Muốn nhìn ra, các con phải điều độ hơn."
TRÁCH NHIỆM
Minh Sư đi chu du với một đệ tử. Tới gần làng, họ gặp phải ông Thống Đốc.
Vị này tưởng nhầm hai thầy trò tới chúc mừng ông đến thăm làng nên tuyên bố:
"Thật không cần thiết phải phiền quí vị đến đây để đón tiếp tôi."
Đệ tử trả lời: "Thưa ngài, ngài lầm rồi, chúng tôi đi chu du. Nhưng
giả như chúng tôi có biết ngài đến thăm, chúng tôi sẵn sàng nhọc công hơn nữa
để đến đón tiếp ngài."
Minh Sư không thốt lời gì. Chiều tối, ngài nói: "Có thật cần thiết để
con nói ra là chúng ta đã không đến để chúc mừng ông thống-đốc? Con có nhận ra
là ông ta cảm thấy mình ngớ ngẩn như thế nào không?”
“Nhưng nếu chúng ta không nói lên sự thật, chẳng phải là chúng ta sẽ cảm
thấy có lỗi vì đã dối gạt ổng sao?”
“Chúng ta không hề dối gạt. Chính ông ta tự lừa dối mình thôi."
VÔ THẦN
Các đệ tử rất vui mừng khi được Minh Sư cho biết là ngài mong muốn có được
một chiếc áo mới cho ngày sinh nhật của ngài. Người ta đã mua vải tốt nhất. Ông
thợ may trong làng đã đến lấy ni cho Minh Sư và hứa rằng, nếu Thượng Đế muốn,
chiếc áo sẽ hoàn tất trong một tuần lễ.
Sau một tuần, một đệ tử được phái tới nhà ông thợ may trong khi Minh Sư
đang hết sức mong đợi chiếc áo mới. Ông thợ may phân trần: "Vì có một chút
trục trặc. Nhưng nếu Chúa muốn, chiếc áo sẽ hoàn tất ngày mai."
Hôm sau, ông thợ may lại phân bua: "Rất tiếc, chiếc áo chưa xong được.
Xin vui lòng trở lại ngày mai nữa và, nếu Chúa muốn, chiếc áo sẽ xong, chẳng
chút sai chạy."
Hôm sau nữa, Minh Sư bảo đệ tử: "Con hãy hỏi ông ta phải mất hết bao
lâu nếu ông để Chúa đứng ngoài công việc ấy?"
PHÓNG TÂM
“Tại sao mọi người ở đây đều hạnh phúc đến thế, chỉ trừ một mình con
thôi?"
Minh Sư trả lời: "Bởi vì họ đã học cách thấy đâu đâu cũng đều thiện
hảo và đẹp đẽ cả.”
“Tại sao con không thấy thiện hảo và tốt đẹp ở đâu hết?”
“Tại vì con không thể nhìn thấy ở bên ngoài con điều mà con không thấy được
ở bên trong con."
ƯU TIÊN
Theo một huyền thoại, Thượng Đế đã sai một Thiên Sứ đến với Minh Sư kèm
theo sứ điệp như sau: "Con hãy xin sống tới một triệu năm và lời cầu xin
đó sẽ được chấp nhận. Cho dẫu một triệu triệu năm cũng được. Vậy con muốn sống
bao nhiêu năm?"
Minh Sư trả lời không chút do dự: "Tám chục năm."
Các đệ tử rầu rĩ: "Nhưng, thầy ôi, nếu thầy sống tới một triệu năm,
thầy thử xem bao nhiêu thế hệ sẽ được hưởng lợi ích do sự minh triết của thầy.”
"Nếu thầy sống tới một triệu năm, người đời sẽ tha thiết muốn kéo dài
đời sống hơn là trau dồi sự minh triết."
KHÔNG CẦN NỖ LỰC
Có một người do dự dấn thân vào việc thăng tiến tâm linh vì sợ phải nỗ lực
và từ bỏ; Minh Sư bảo người ấy:
"Phải cần đến bao nhiêu nỗ lực và từ bỏ để mở mắt ra mà nhìn
thấy?"
Gs. Đỗ Tân Hưng chuyển ngữ