Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Tình Yêu Và Ðau Khổ

(Những bài Suy Niệm Và Cầu Nguyện
của Linh Mục Nguyễn Tầm Thường, SJ.)
Ðau khổ thường bắt đầu bởi yêu thương. Cũng như thường hiểu thế nào là chia ly khi đã có xum họp. Cho đi rồi đợi chờ, chờ đợi nhưng chẳng thấy vì thế mới có niềm đau. Yêu rồi khổ. Khổ đau đưa tới chân trời của nước mắt và mầu tím của cô đơn.

Nếu không có tình yêu. Nếu không có người yêu. Nếu tôi không yêu thì làm gì có khổ đau. Bởi đó, kẻ vì yêu mà đau khổ thì oán trách tình yêu, oán trách người yêu và oán trách chính mình. Nếu tình yêu tạo nên đau khổ thì muốn tránh đau khổ phải tránh yêu đương. Nhưng nếu lẩn tránh yêu thương thì đâu là ý nghĩa của cuộc sống?
*
* *
Con sâu có thể làm cho cánh hoa mang thương tích. Nhưng nếu giết bầy sâu bằng cách cày nát cả vườn hoa thì là thảm cảnh đáng buốn. Vết cắn của sâu có làm cánh hoa đau đớn, nhưng nếu nhổ sạch vườn hoa thì khu đất sẽ thành hoang vắng, buồn tênh. Ðời tôi cũng vậy, có đau khổ vì một tình yêu nhưng tôi vẫn có hạnh phúc vì còn tình yêu. Ðau khổ của một tình yêu chỉ là một bông hoa bị sâu cắn trong khu vườn khả năng yêu thương của tôi. Chẳng có năng lực nào cản ngăn một bông hoa khác thắm tươi sẽ trổ sinh.
Tình yêu bàng bạc như thời gian nên tình yêu và cuộc đời là một. Không có sự sống nào mà không liên hệ tới yêu thương. Không muốn yêu để tránh đau khổ là không muốn có yêu thương. Mà không có yêu thương thì tự nó đã là một đau thương rồi. Không có khả năng yêu thương thì là gỗ đá, củi mục. Có khả năng yêu thương mà không được yêu thì sự bất hạnh còn đắng cay hơn là đau khổ của tình yêu. Lẩn tránh đau khổ bằng cách oán trách tình yêu và chối từ yêu thương là đi tìm một khổ đau lớn hơn.
Có một con đường, tuy có vất vả nhưng vô cùng bát ngát, mênh mông là hướng về Ngài, Thượng Ðế, tình yêu trọn hảo để đem những khổ đau của mình hòa vào biển rộng yêu thương ấy. Nếu tình yêu có gây đau khổ thì biến đau khổ thành sáng tạo để rồi tiếp tục yêu. Chỉ có tình yêu tuyệt hảo là không nhuốm màu đau khổ. Ðau khổ của tình yêu đến từ yếu đuối và lầm lẫn. Bởi vậy, chỉ có tình yêu không lầm lẫn và yếu đuối của Thượng Ðế mới trọn vẹn vô biên.
Vì yêu mà tôi đau khổ thì có thể vì đau khổ mà tôi biết yêu thương?
*
* *
Kẻ chạy trốn tình yêu, thực ra, là kẻ đang tìm tình yêu mãnh liệt. Kẻ oán trách tình yêu, thực ra, là kẻ đang yêu vũ bão. Không ai trốn tình yêu để rồi không yêu mà chỉ trốn tình yêu này để đi yêu một tình yêu khác.
Tình yêu vô hình nên không oán trách tình yêu được mà chỉ có thể oán trách người yêu thôi, nhưng khó mà chỉ oán trách người yêu mà lại không gây thương tích cho mình. Liên hệ giữa người yêu và kẻ yêu là liên hệ gắn bó, phức tạp. Khi yêu thì kẻ yêu và người yêu đi chung một con đường. Bởi đó, không có sự lạc lối nào mà không ảnh hưởng cả hai. Không có mất mát nào mà chỉ có một người gánh chịu.
Khi nói rằng mối liên hệ ấy bị cắt đứt chỉ có nghĩa là họ không còn đi chung đường. Không đi chung một đường không có nghĩa là đã thoát được mọi ràng buộc. Nhiều khi càng cay nghiến thì lại càng nhớ thương mà càng nhớ thương thì lại càng cay nghiến. Vì thế, khi mối liên hệ bị dập gẫy, bị cắt đứt cũng chưa hẳn là kẻ yêu và người yêu xa cách được nhau.
Khi nào chưa quên được vết thương thì lúc đó vẫn còn là gần gũi. Khi nào còn thao thức thì vẫn còn liên hệ. Nếu còn liên hệ thì oán trách người yêu cũng vẫn là oán trách chính mình. Càng oán trách bao nhiêu thì nỗi đau càng sâu.
Tuy còn ràng buộc, còn thao thức, nhưng vì không đi chung một đường nữa nên cũng có nghĩa là ly biệt. Khi đã tạ từ, khi người yêu đã đi xa thì chỉ còn mình là gần mình thôi. Chỉ còn mình biết rõ nỗi đau của mình thôi. Vì người yêu đã cách xa nên oán trách người yêu cũng chẳng làm cho người yêu đau khổ. Chỉ riêng mình chịu. Vì thế, người yêu có thể gây gây đau khổ, nhưng sau đó chính mình lại là kẻ nuôi dưỡng vết thương khổ đau ấy cho thêm lớn và thêm sâu.
Giã từ. Xin để cho cánh chim muốn bay hãy bay xa. Nó chẳng thuộc về mình và cũng chẳng xứng đáng với tình yêu mình ban tặng.
*
* *
Tình yêu của chủ thể yêu có thể biến đổi khách thể yêu. Ánh mắt khổ đau nhưng khoan dung và tha thứ của Chúa đã biến đổi đời Phêrô. Thái độ của khách thể khi đón nhận tình yêu cũng tác động con tim của chủ thể yêu. Chúa đợi chờ Mai Ðệ Liên. Nàng đã đáp lại bằng những sợi tóc ăn năn. Chính vì sự đáp lại ấy mà Chúa đã nói: Kẻ yêu nhiều thì được tha nhiều.
Chẳng ai sống mà lại không yêu thương. Nếu không muốn yêu thì họ phải có khả năng yêu để yêu cái không muốn yêu. Như vậy thì cũng đã là yêu rồi. Yêu là yêu ai. Thương là thương người nào. Không có tình yêu trống không. Như vậy tình yêu cần đối tượng. Ðối tượng là cảm hứng cho tình yêu. Tuy nhiên, nếu không có chủ thể yêu thì đối tượng cũng là vô nghĩa.
Cả chủ thể yêu và đối tượng yêu đều là con người bất toàn vì tội lỗi. Bởi tội, con người không còn tuyệt hảo, họ sống trong thiếu vắng. Không có hạnh phúc vô cùng thì họ không thể chỉ cho đi mà không hao mòn. Bởi thiếu vắng nên họ cần được đáp lại để đỡ mòn mỏi, khát khao. Khi yêu, tôi cần được tình yêu đáp trả. Nếu tôi cần tình yêu của người để sống thì yêu người cũng chính là yêu tôi. Và nhiều khi tôi yêu tôi hơn là yêu người. Tôi yêu người, muốn chiếm người để khỏa lấp nỗi cô đơn trống vắng trong tôi. Như vậy thì tình yêu của con người dù đẹp đến đâu, thơ mộng đến đâu cũng vẫn thường mang mầm ích kỷ. Nếu có ích kỷ thì làm sao tránh được gây khổ đau cho nhau.
Càng xa ánh sáng càng nhiều lạnh lẽo, càng lắm bóng đêm. Cũng vậy, càng xa Chúa là tình yêu tuyệt hảo thì tình yêu của con người càng lắm bất hảo.
*
* *
Con người được dựng nên bằng tình yêu nên đau khổ không có năng lực giết chết được khả năng yêu thương. Và cái kỳ diệu của cuộc sống là yêu thương có thể nẩy sinh từ đau khổ. Nhiều nhánh hoa tình yêu đã rộ nở sau những đêm dài của khổ đau. Sau đau khổ, cây tình yêu có thể tái sinh và tình yêu nào khi đã đi qua lăng kính của đau khổ thì thường bao giờ cũng sâu thẳm, khác biệt.
Nếu chỉ có tình yêu không có đau khổ thì tình yêu không có đối tượng để trang điểm. Tôi hiểu thế nào là yêu thương bởi trong tôi đã có sẵn khả năng để hiểu thế nào là đau khổ. Làm sao xác định được ánh sáng nếu không có bóng đêm. Chối từ khả năng đau khổ thì cũng chẳng còn khả năng yêu thương nữa. Nếu gọi tình yêu là bông hoa. Nếu bảo cánh bướm là khổ đau vì bướm chỉ hút mật của hoa. Nếu bông hoa chối từ cánh bướm thì vườn hoa cũng cô đơn vì chẳng còn ai để đỏm dáng. Nếu cánh bướm đã làm cho vườn hoa thêm tươi thì có thể bảo đau khổ cũng làm cho tình yêu thêm sâu?
Càng đau khổ tôi càng biết giá trị của yêu thương. Ðau khổ dạy cho tôi thế nào là lầm lẫn, thế nào là mất mát, thế nào là yếu đuối. Nhận thức được sự yếu đuối của mình để hiểu sự yếu đuối của người. Có cay đắng của mất mát để đừng làm kẻ khác mất mát. Khi hiểu sự lầm lẫn của người gây đau khổ cho tôi để biết rằng sự lầm lẫn của tôi cũng gây đau khổ cho người thì đấy là con đường thức tỉnh, là lối đi dẫn tới yêu thương. Như vậy, đau khổ có là tặng vật trong cuộc đời?
*
* *
Khi yêu, tôi không chờ đợi một suối đời ngát trong. Tôi không ước mong một dòng sông thời gian không gợn sóng. Yêu là tôi biết rằng sẽ có khổ đau. Ðau khổ có thể làm cây tình yêu rụng lá. Nhưng sau đó, cây tình yêu có thể trổ sinh mầm non ngọc bạc lấp lánh. Giá trị đời tôi được xác định do thái độ của tôi đối với đau khổ và tình yêu, chứ tình yêu, đau khổ, tự nó chẳng có ý nghĩa gì.