Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Giới Thiệu

(Những bài Suy Niệm Và Cầu Nguyện
của Linh Mục Nguyễn Tầm Thường, SJ.)
Mục đích của giới thiệu là để biết nhau. Muốn giới thiệu về một người thì phải biết về người đó. Tùy theo mối liên hệ giữa hai người mà mức độ biết về nhau nhiều hay ít. Nếu không biết rõ về một người thì có thể giới thiệu sai về người ấy. Trong cuộc sống xã giao hàng ngày, giới thiệu là điều rất thường tình. Có khi nào Phúc Âm cũng đề cập đến vấn đề giới thiệu?
Có ba lời giới thiệu tiêu biểu trong Phúc Âm:
- Chúa Cha giới thiệu Chúa Kitô (Mt 4,17).
- Chúa Kitô giới thiệu Chúa Cha (Yn 14,8-9).
- Thánh Yoan giới thiệu Chúa Kitô (Yn 1,19-34).
Chúa Cha giới thiệu Chúa Kitô. Bên bờ sông Jordan, khi Ðức Kitô nhận phép rửa, có tiếng nói từ trời: "Ðây là con Ta yêu dấu, kẻ làm đẹp lòng Ta mọi đàng" (Mt 4,17). Lời giới thiệu của Chúa Cha về Chúa Kitô rất ngắn gọn, đó là Chúa Kitô làm đẹp lòng Cha mọi đàng. Ðức Kitô đã làm đẹp lòng Cha như thế nào?
Toàn bộ Phúc Âm là tiếng nói trả lời cho câu hỏi này. Ðó là cuộc sống, cái chết của Chúa Kitô trên thập giá. Chúa Kitô làm đẹp lòng Cha bằng thái độ kết hợp với Cha, vâng lời, và vâng lời trọn vẹn. "Ðể cho thế gian biết Ta yêu mến Cha, Cha truyền sao, Ta làm vậy" (Yn 14,31). Mức độ tình yêu của Chúa Kitô đối với Chúa Cha được xác định bởi việc Ngài thi hành ý của Cha. Từ đó, cũng tùy mức độ tôi làm theo ý muốn của Chúa mà thẩm định tình yêu của tôi đối với Ngài.
Chúa Kitô giới thiệu Chúa Cha. Người Do Thái thắc mắc, muốn biết về Chúa Cha. Họ đã đến hỏi Chúa Kitô: "Cha ông ở đâu?" Ðức Kitô đáp lại: "Nếu các ngươi biết Ta, các ngươi biết Cha Ta" (Yn 8,19). Philip cũng hỏi Chúa cùng một thắc mắc: "Xin Ngài tỏ cho chúng tôi thấy Cha, thế là đủ cho chúng tôi". Ðức Kitô nói với ông: "Ðã bao lâu rồi Ta ở với các ngươi, thế mà Philip, ngươi không biết Ta ư. Ai thấy Ta là thấy Cha" (Yn 14,8-9). Trong cách giới thiệu này, Chúa Kitô giới thiệu Chúa Cha bằng cách nói đến chính mình. Xác định mình là hình ảnh của Chúa Cha.
Thánh Yoan giới thiệu Chúa Kitô. Ngược lại với cách giới thiệu trên. Yoan giới thiệu Chúa Kitô bằng cách từ chối chính mình. "Ta thanh tẩy các ngươi bằng nước để hối cải, còn kẻ đến sau ta quyền thế hơn ta, và ta không đáng xách dép cho Ngài, Ngài sẽ thanh tẩy các ngươi trong Thánh Thần và Lửa" (Mt 3,12). Nhiều người đã xin theo làm môn đệ Yoan. "Cả xứ Judea và dân thành Jerusalem trẩy đến với ông. Người ta nhờ ông thanh tẩy cho trong dòng Jordan mà xưng thú tội lỗi" (Mc 1,15). Hiện tượng cả xứ Judea đến với Yoan, nói lên tính cách nổi danh của ngài. Dưới mắt quần chúng, Ðức Kitô là một khuôn mặt lu mờ. Ở đây, Yoan đã giới thiệu Chúa Kitô bằng cách so sánh với vai trò của mình.

Vai trò của Yoan
Khuôn mặt Ðức Kitô
Thanh tẩy bằng nước
Thanh tẩy trong Thánh Thần
Thanh tẩy để hối cải
Thanh tẩy để tha tội
Không đáng xách dép
Người là Ðấng quyền thế
Tôi phải nhỏ đi
Người sẽ lớn lên
Kẻ dọn đường
Người sẽ đến
Tôi không phải là Ðức Kitô
Này là Chiên Thiên Chúa

Trong khi toàn miền Jerusalem và Judea đang coi Yoan như thần tượng, thì chỉ vì để giới thiệu Chúa Kitô, Yoan giã từ sự nổi danh của mình, lặng lẽ rút lui. Chúa Kitô giới thiệu Chúa Cha bằng cách nói cho người nghe hãy nhìn vào chính Ngài. Yoan giới thiệu Chúa Kitô bằng cách nói cho người nghe đừng nhìn vào mình, nhưng nhìn thẳng vào Chúa. Ðây là cách giới thiệu chính xác nhất khi con người muốn giới thiệu với con người về Thiên Chúa.
*
* *
Con người giới thiệu Thiên Chúa cho con người.
Trong Phúc Âm ta chỉ thấy Thiên Chúa mặc khải, tức là Ngài giới thiệu Ngài cho con người. Không bao giờ thấy con người giới thiệu cho Thiên Chúa. Ðiều ấy hàm ý, Thiên Chúa đã biết rõ con người. Bởi thế, thái độ của con người khi nói về Thiên Chúa phải luôn luôn là thái độ khiêm tốn. Những gì tôi biết về Ngài chỉ là những gì Ngài cho tôi biết.
Chúa Cha đã giới thiệu Chúa Kitô. Chúa Kitô cũng giới thiệu Chúa Cha cho loài người. Trong cả hai cách này, con người không thể bắt chước được. Tôi không hiểu biết Chúa Kitô như Chúa Cha. Tôi không làm đẹp lòng Chúa Cha như Chúa Kitô. Thiên Chúa là Chúa vô biên. Tôi chỉ là loài thụ tạo giới hạn, nhỏ bé. Tôi không thể biết Ngài nếu Ngài không cho tôi biết.
Ðể giới thiệu Chúa, tôi phải biết Chúa. Nhưng bằng cách nào tôi có thể biết Chúa?
Ðể tìm câu trả lời, tôi phải hỏi ngược lại: Bằng cách nào Chúa đã cho tôi biết Ngài? - Chúa Kitô đã cho tôi biết về Ngài bằng cách Ngài sống với tôi. Ngài đến trong trần gian. "Ngài là Thiên Chúa, nhưng đã hạ mình, lãnh phận tôi đòi, trở thành giống hẳn người ta, đem thân đội lốt người phàm" (Phil 2,6-7).
Vì thế, để biết Ngài, tôi cũng phải đi cùng con đường Ngài đã chỉ lối. Ðó là sống với Ngài. Cách Chúa gọi các môn đệ tiên khởi là Chúa gọi để sống với Chúa. Phúc Âm Yoan thuật lại: "Ðức Yêsu hỏi họ: Các ngươi tìm gì? Họ thưa Ngài: Thưa Thầy, Thầy lưu lại nơi đâu? Ngài bảo họ: Ðến mà xem. Vậy họ đã đến và thấy nơi Ngài ở. Họ đã lưu lại với Ngài ngày hôm ấy" (Yn 1,38-39). Bài học đầu tiên của các môn đệ là lưu lại với Ngài. Chỉ khi sống với Ngài mới biết Ngài. Vì thế, để giới thiệu về Chúa, phải biết Chúa, để biết Chúa, chỉ có con đường duy nhất là sống với Chúa.
Sự hiểu biết về một người tùy theo mức độ liên hệ với người ấy. Mức độ liên hệ của con người với Chúa không bao giờ thắm thiết và thông hiểu như liên hệ của Chúa Kitô với Chúa Cha. Do vậy, con người, không ai có đủ tư cách để giới thiệu đủ về Thiên Chúa. Nếu thế, tại sao Yoan Tẩy Giả đã giới thiệu Ðức Kitô cho nhân loại? Tại sao Ðức Kitô cũng đã gọi tôi: "Hãy theo Ta" (Mc 1,17). Hơn nữa, tại sao Ngài lại sai tôi đi giới thiệu Ngài cho muôn dân: "Ngài kêu nhóm Mười Hai lại để Ngài sai đi rao giảng Tin Mừng" (Mc 3,13-14). Tôi không biết về Ngài đủ. Vậy mà Ngài cũng cho tôi quyền giới thiệu vè Ngài. Ðiều đó chỉ có thể hiểu được: đấy là hồng ân Ngài ban tặng.
Ai cũng sợ người khác giới thiệu sai về mình. Giới thiệu sai về một người là xúc phạm đến người đó, và cũng mắc lỗi với người mình giới thiệu. Tôi là người bất toàn trong biết bao phương diện, nhất là phương diện đức tin, và tình yêu đối với Chúa. Vì thế, khi Chúa chấp nhận và kêu gọi tôi đi giới thiệu cho người khác về Ngài, là Chúa đã chấp nhận phần nào thua thiệt về phần Chúa rồi.
Sự không hiểu đủ về Thiên Chúa làm tôi ngại ngùng khi nói với người khác về Ngài. Nhưng ngại ngùng không có nghĩa là làm tôi sợ hãi và chối từ. Làm con của Chúa là ân sủng, thì nói với người khác về Cha mình phải là một niềm vui. Ðó là yếu tính của ơn gọi Kitô hữu. Chối từ nói về cha của mình là chối từ ân sủng làm con. Sự ngại ngùng chỉ mang ý nghĩa là tôi phải cẩn thận, phải cầu nguyện với Ngài khi tôi nói về Ngài.
Quyền được giới thiệu Chúa cho nhân loại, tự nó là một ân sủng, thì không vì một lý do gì Chúa lại ngần ngại cho tôi ân sủng để tôi thực hiện được ân sủng giới thiệu về Chúa. Dựa vào ân sủng của Chúa để giới thiệu Ngài, thì chính khi giới thiệu Chúa là lúc tôi được thánh hóa. Chỉ ở điểm này mà giới thiệu về Chúa khác tất cả các hình thức giới thiệu khác. Người giới thiệu phải lắng nghe chính lời mình giới thiệu.
Như Yoan Tẩy Giả tự nhận mình phải nhỏ đi để Ðức Kitô lớn lên. Vì thế, bất cứ lời giới thiệu nào nói về Chúa mà trong đó vẫn thầm mong người nghe đến với mình thì đấy không phải nói về Chúa mà chỉ mong xây dựng liên hệ cho riêng mình.
Ðâu là khuôn mặt đích thực của Chúa Kitô để tôi giới thiệu?
Phúc Âm Yoan định nghĩa: "Chúa là tình yêu" (1Yn 4,16). Bởi vậy, bất cứ lời giới thiệu nào về Chúa Kitô mà không diễn tả lòng thương xót của Ngài, đấy là dấu hiệu nói cho tôi biết tôi đang giới thiệu sai về khuôn mặt của Chúa. Những hình ảnh: Chúa phạt! Chúa định cho tôi phải sự dữ! Chúa là quan tòa nghiêm khắc! là những hình ảnh mà con người đã làm vỡ vụn khuôn mặt thật của Chúa. Chúa của tình thương thì không thể là Chúa của sợ hãi. Chúa của tôi là Thiên Chúa trẻ trung, "chậm bất bình và hết sức khoan nhân" (Joel 2,13). Chúa của hy vọng vì "chung quanh tôi, bóng tối đã thành ánh sáng" (Is 42,16). Chúa yêu cuộc đời. Dọc theo Phúc Âm, chính Chúa Kitô đã tự bày tỏ khuôn mặt của Ngài rõ ràng:
- Chúa khóc trước mộ Lazaro (Yn 11,35).
- Chúa chạnh lòng khi thấy người ta đói (Mc 8,1-10).
- Chúa chữa người phung hủi, tật nguyền (Mc 8,22-36).
- Chúa ngồi cùng bàn với người tội lỗi (Mt 9,10-13).
- Chúa bênh vực người bị xã hội kết án (Yn 8,1-11).
- Chúa thích nói chuyện với con nít (Mt 19,14).
- Chúa là người chăn chiên đi tìm chiên lạc (Lc 15,4-7).
- Chúa là người cha đợi con hoang trở về (Lc 15,11-31).
"Chúa là tình yêu". Từ định nghĩa đó, lời giới thiệu trung thực về Chúa Kitô phải là lời ca ngợi về một Chúa của tình thương. Ðể nói về tình thương, tôi phải có kinh nghiệm vè tình thương. Ðể có kinh nghiệm về tình thương của Chúa, tôi phải đến với Ngài, mở rộng cõi lòng trước bàn tay giầu lòng nhân từ của Ngài. Nếu người con đi hoang không trở về thì chẳng bao giờ anh ta kinh nghiệm được tình thương của cha. Sám hối, trở về là thay đổi nội tâm khởi đầu mở đến cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa. Không sám hối, không cảm nhận được xót thương. Không trở về không có gặp gỡ. Từ đó, lời giới thiệu về Chúa sẽ là một Thiên Chúa xa lạ, khô cằn.
Cách tôi có thể làm được để giới thiệu với người khác về tình thương của Chúa, là tôi chuyển thông kinh nghiệm tình thương của Chúa đối với tôi cho tha nhân. Cách chuyển thông chính xác nhất là tôi yêu tha nhân bằng lòng thành của tôi: "Nơi điều này ta biết được lòng mến: là Ðấng ấy đã thí mạng vì ta. Và ta, cũng phải thí mạng vì anh em" (1Yn 3,16).
*
* *
Lạy Chúa, xin cho con cảm nghiệm được lòng giàu xót thương của Chúa để con có thể giới thiệu với người khác về Chúa là một người Cha hay thương xót. Xin cho con làm chứng được tình thương ấy bằng thái độ, cách suy tư, lối sống biết chia sẻ của con với người đồng loại.
Chúa Cha là người nói rất ít. Lời giới thiệu của Chúa Cha quá ngắn. Ðiều đó nhắn nhủ con, để giới thiệu về Chúa, chưa chắc đã cần nói nhiều. Vì nói nhiều chưa chắc đã là nói hay. Nói hay mà không nói đúng thì chỉ làm người nghe thêm lạc lối. Ðể giới thiệu về Chúa, Chúa chỉ muốn con nói đúng. Khuôn mặt đúng nhất của Chúa là Thiên Chúa của lòng hay thương xót.