Nguyễn đạt Thịnh
Trong nhãn quan của đức cha Antonio Spadaro, Giáo Hoàng Francis là vị lãnh đạo tuyệt vời của Thiên Chúa Giáo; ngồi trong văn phòng, giữa một nhóm ký giả Ý, cha Spadaro trả lời một cuộc phỏng vấn điện thoại; ngài nói, "Chúng ta có một vị Giáo Hoàng tuyệt vời. Tầm nhìn của Ngài bao quát, rộng rãi, nhưng Ngài không tạo ra một thay đổi nào lớn trong tổ chức Giáo Hội. Ngài chỉ quan niệm Giáo Hội phải hiện thực giữa khối nhân loại đang cần được chăm sóc; trong tư tưởng Ngài thấy nhà thờ phải được xây dựng giữa cõi trần ai, chứ không biệt lập, không cõi riêng."
Đức cha Antonio Spadaro: Chúng ta có một vị Giáo Hoàng tuyệt vời
Khi cha Spadaro nói "không có gì thay đổi lớn lao trong tổ chức Giáo Hội," là ông nói về hình thức lễ nghi, nói mọi việc vẫn cứ tiếp tục như cũ. Tuy nhiên, quan niệm của Giáo Hoàng coi Giáo Hội như đang sống lẫn vào với quần chúng, giáo sĩ sát cánh với "khối nhân loại cần được chăm sóc" lại chính là một thay đổi rất căn bản, rất cội gốc, dù hình thức tổ chức giáo đường, dù sinh hoạt lễ bái hàng ngày không thay đổi.
Điều không thể không nhận ra là tiếng nói của Giáo Hoàng chuyên chở một cuộc cách mạng triết lý và quan niệm; thay đổi quan trọng này đang vang dội giữa những sinh hoạt cũ, trong đó quý vị giám mục và linh mục tại nhiều quốc gia, kể cả Hoa Kỳ, coi việc chống ngừa thai, phá thai, chống hôn nhân đồng tính là những ưu tiên trong chính sách của Thiên Chúa Giáo.
Nhiều lần Giáo Hoàng trình bầy là những giáo điều đó cần được nhìn dưới một lăng kính rộng hơn.
Giáo Hoàng nói, "Tôi quan niệm giáo đường là một quân y viện tiền phương; tại đó người quân y sĩ không hỏi anh thương binh mức cholesterol và độ đường trong máu. Ưu tiên điều trị là rửa sạch, băng bó vết thương trước đã, những chi tiết khác sẽ đối phó sau."
Năm nay 76, Giáo Hoàng Francis thường tự hạ mình để xóa bỏ ngăn cách, và tỏ tình yêu thương nhân loại; Ngài hôn chân một thiếu niên tật nguyền, ôm người tị nạn vào ngực để chào mừng. Hãng đo lường dư luận Pew ghi nhận là thái độ khuất nhục của Giáo Hoàng khiến tín đồ Thiên Chúa Giáo Hoa Kỳ quý trọng Ngài nhiều hơn.
Tuy nhiên việc Giáo Hoàng không lên tiếng phản đối phá thai và hôn nhân đồng tính, khiến một vài tổ chức Thiên Chúa Giáo, một vài giám mục tỏ thái độ bất mãn. Ngay trong tháng Chín 2013 này, giám mục Thomas Tobin tuyên bố với tờ nội san của giáo phận ông cai quản, là ông "hơi thất vọng về thái độ không lên tiếng của Giáo Hoàng đối với tệ nạn phá thai;" ông còn nói, "không chỉ riêng mình tôi, nhiều người khác cũng nhận ra điều này."
Trong một cuộc phỏng vấn, Giáo Hoàng kể lại chuyện một người gay gắt hỏi Ngài có chấp nhận việc đồng tính luyến ái hay không. Ngài hỏi lại người đối thoại, "Theo ông thì đứng trước một người đồng tính, Thượng Đế sẽ lên án và loại trừ ông ta, hay chấp nhận và thương yêu ông ta?"
Có lần, trong một cuộc phỏng vấn, Giáo Hoàng nói, "Tôi là ai mà tự cho mình quyền phê phán người khác?"
Nhiều cuộc phỏng vấn trình bầy Giáo Hoàng như một con người bình thường; Ngài thích nghe nhạc Mozart, thích đọc Dostoyevsky, rất yêu thương bà ngoại, và thích phim "La Strada" của Fellini.
Con số những giáo phẩm nói với truyền thông ý thích về văn nghệ của mình cũng không nhiều.
Ngồi vào địa vị tối cao trong hệ thống giáo phẩm Thiên Chúa giáo, Giáo Hoàng còn nói Ngài thích lãnh đạo bằng đường lối tìm hỏi quan điểm của mọi người. Ngài tổ chức một hội đồng cố vấn gồm 8 vị Hồng Y, và tuyên bố là Ngài trông đợi những lời khuyến cáo thật sự chứ không muốn hội đồng này chỉ là một hình thức, ngồi đó để làm vì.
Giáo Hoàng còn nói Ngài ngạc nhiên trước sự phản đối của nhiều giáo sĩ bảo thủ trên khắp thế giới cho là Vatican thiếu tính chất chính thống Thiên Chúa Giáo; có người còn yêu cầu Vatican điều tra, và trừng phạt những giám mục, linh mục phạm phép đạo. Giáo Hoàng cho là việc quản trị đó phải là bận tâm của địa phương, hầu tránh cho Vatican vài trò kiểm soát và xét xử.
Có người hỏi Giáo Hoàng, "Ngài nghĩ thế nào về câu 'think with the church' (tuân chỉ tôn giáo)?" câu châm ngôn của Thánh Ignatius, người sáng lập ra giòng Công Giáo Jesuit, giòng tu mà Giáo Hoàng phụng sự; và Ngài đáp, "Câu này không có nghĩa là phải suy nghĩ theo hệ thống của Giáo Hội."
Giáo Hoàng Francis còn giải thích thêm, "Giáo đường mà chúng ta phải phụng sự là căn nhà vĩ đại, che chở cho mọi người, chứ không phải là ngôi nhà thờ nhỏ chỉ chứa đựng được một số ít những người được tuyển chọn. Chúng ta không được bó hẹp nền tôn giáo toàn cầu này vào kích thước của cái tổ chim chỉ che dấu sự hèn kém của chúng ta."
Nữ ký giả Laurie Goodstein viết trên tờ The New York Times là việc Giáo Hoàng Francis đặt công tác phục vụ người nghèo quan trọng hơn việc bảo vệ giáo điều đạo đức đang tạo nhiều va chạm trong nội bộ giáo hội.
Goodstein trích lại một câu tuyên bố của Giáo Hoàng, "Không nhất thiết lúc nào cũng phải nêu lên việc cấm ngừa thai, cấm phá thai; không cần phải để những vấn đề đó trở thành ám ảnh, mà cần tạo ra một sinh hoạt mới, thăng bằng hơn. Cứ cũ kỹ, cứ thiếu hương thơm như hiện nay thì nền tảng đạo đức của giáo đường rồi cũng xụm xuống như một căn nhà ráp bằng giấy."
Dĩ nhiên mưu cầu thay đổi một sinh hoạt đã có từ hàng ngàn năm nay không phải là việc dễ làm, nhất là làm tại Mỹ, quốc gia tiến bộ nhất, mà cũng thủ cựu nhất thế giới. Quyền lực tư pháp hàng đầu của Hoa Kỳ - Tối Cao Pháp Viện- mà còn không bảo đảm được cho phụ nữ quyền phá thai, thì quan điểm của vị Giáo Hoàng, ngồi xa tít tận La Mã cũng không giúp gì được cho cô gái da đen 15, ít học, ham chơi, lỡ mang bầu, phải gánh chịu bản án bắt cô bỏ học, bắt cô sinh con, nuôi con một mình, phải nghèo đói trọn đời cho đáng cái tội sớm ham thú ăn chơi.
Niềm an ủi của cô là cô đã có được vị Giáo Hoàng tuyệt vời, vị tha, thông cảm được nỗi thống khổ của cô, và đầy thiện chí giúp cô.
Tuy nhiên, xin đừng nêu lên câu hỏi bi thương: Ngài có làm gì được để cứu cô ra khỏi biển trầm luân không? (nđt)