(Những
bài Suy Niệm Và Cầu Nguyện
của
Linh Mục Nguyễn Tầm Thường, SJ.)
Nơi nào có ước mơ, nơi ấy trở thành kỳ diệu. Không có ước mơ
thì không có đi tới, không có nảy sinh. Người ta có thể không thực hiện được
điều mình mơ ước. Nhưng bất cứ một điều gì người ta thực hiện được thì trước đó
họ đã phải xây dựng trên ước mơ. "Ta ước ao được ăn lễ Vượt Qua này với
các ngươi trước khi Ta chịu khổ nạn" (Lc. 22:15).
Ước mơ đó đã thôi thúc Chúa lập phép Thánh Thể để ở lại với tôi. Ước mơ, rồi bảo lòng mình bước tới. Bởi đó, nơi nào có ước mơ thì có hy vọng. Nơi nào có hy vọng thì có khơi mầm sáng tạo.
Ước mơ đó đã thôi thúc Chúa lập phép Thánh Thể để ở lại với tôi. Ước mơ, rồi bảo lòng mình bước tới. Bởi đó, nơi nào có ước mơ thì có hy vọng. Nơi nào có hy vọng thì có khơi mầm sáng tạo.
Một ngày không nuôi hoài bão là một ngày ủ dột, ngủ dài. Hoài
bão là cánh buồm gọi gió, đưa tôi ra khơi. Một ngày không ấp ủ ước mơ là một
ngày trống vắng, lặng lẽ. Lý tưởng nào cũng được ôm ấp bằng những mơ ước. Ước
mơ định hướng cho tôi đi tới. Sống không ước mơ là một cánh bèo trôi dạt buồn
tênh.
Người ta nói tiếc thương quá khứ chứ không nói tiếc thương
tương lai. Vì tương lai chưa tới thì làm gì có phàn nàn, hối hận, thương tiếc.
Cũng vậy, người ta nói mơ ước tương lai chứ không nói ước mơ quá khứ. Vì quá
khứ đã ở sau lưng thì còn gì mà mơ ước. Như thế, lối đi của mơ ước là nẻo hướng
tới trước mặt, là nhìn về tương lai. Quá khứ có thể là sứt mẻ, nhưng tương lai
thì nguyên vẹn. Lối đi trước mặt của đồi non là những chùm lá dâu xanh cho tằm
dệt lụa, nhả tơ. Lối đi trước mặt của bầy sâu xấu xí là lớn lên thành cánh bướm
cho đẹp khóm hoa. Cỏ cây cũng còn cần lối đi trước mặt để hướng tới, để kiện
toàn, huống gì con người. Tôi cần tương lai để thăng hoa. Nẻo đi trước mặt hàm
chứa hy vọng, là nối dài những ước mơ. Vì thế, tôi sống là tôi mơ ước.
Làm gì có bắt gặp nếu không có kiếm tìm. Làm gì có kiếm tìm
nếu không có mơ ước. Bởi vậy, mơ ước là mở lối đi vào mênh mông, là phá ngõ cho
sáng tạo đi về. Có sáng tạo, có triển nở thì vì thế mà đời tôi có thể phong phú
thêm.
*
* *
Ước mơ xác định tôi là ai. Tôi mơ ước điều gì là tôi muốn có
điều đó. Ðiều tôi muốn có ấy nói cho tôi biết tôi như thế nào. "Kẻ gian ác
thì mơ ước điều dữ" (Cách Ngôn 21:10). Vì thế, tôi có thể hướng dẫn đời
tôi bằng cách hỏi xem mình đang mơ ước gì. Nếu dân tộc tôi mơ ước đoàn kết, đấy
là dấu hiệu chúng tôi đang chia rẽ. Nếu tôi mơ ước đi về, đấy là lời thầm nói
tôi đang ở xa. Khi có đau khổ thì mơ ước yêu thương. Khi thấy người khác mơ ước
nụ cười, thì đấy là lời gián tiếp nói cho tôi họ đang buồn. Xem vậy, những điều
tôi mơ ước là những điều tôi thiếu vắng, hoặc có mà còn quá ít ỏi. Nhưng chính
cái thiếu vắng này nói cho tôi biết tình trạng hiện tại con người của tôi ra
sao và tôi muốn trở nên như thế nào.
Mơ ước là đi tìm cái thiếu vắng, nhưng cũng có nghĩa là đang
bắt gặp. Mơ ước nên thánh thiện là tôi đã bắt đầu băn khoăn về tội lỗi của
mình. Mơ ước thuận hòa là khởi điểm đi đến thứ tha. Vì thế, cái thiếu vắng của
mơ ước có gieo mầm gặp gỡ.
Nếu tôi có những ước mơ ngàu đục thì chắc chắn đời tôi không
thể là dòng suối trong. Khô cằn không nảy sinh hoa lá xanh tươi, và chẳng có sự
sống nào đến từ tro than. Truyện Kinh Thánh kể: "Một buổi chiều nọ, David
dậy khỏi giường và đi tản bộ trên sân thượng đền vua. Từ sân thượng, ông thấy
một phụ nữ đang tắm; người phụ nữ dáng vẻ rất xinh đẹp" (2 Samuel 11:2).
Rồi David ước mơ chiếm lấy nàng làm vợ. Ước mơ ấy đã đưa David đến chỗ âm mưu
giết Uriya, chồng người phụ nữ: "Hãy đặt Uriya ở chỗ mặt trận ác liệt
nhất, đoạn bỏ nó mà rút lui, cho nó bị đánh mà chết đi" (2 Samuel 11:15).
Mỉa mai thay, Uriya lại là một sĩ quan cương trực, tài ba và trung thành của
vua.
Cứ hỏi lòng mình và xem điều mình mơ ước đề xác định mình đang
đi về đâu, lý tưởng cuộc sống là gì. Không có lý tưởng nào thoát khỏi vòng cưu
mang của ước mơ. Tội lỗi nào cũng thường đã được thai nghén từ những ý nghĩ thầm
kín. Những xác chết đã được che phủ trong những ngôi mộ bằng đá hoa cương (Mt.
23:28). Những gì người ta ca tụng tôi, chưa hẳn là đúng. Những gì tôi làm bên
ngoài, chưa hẳn đã là phản ảnh trung thực cõi lòng bên trong. Cứ hỏi kỹ hồn tôi
xem mình đang thầm mơ ước gì để xác định mình là ai. Nếu tôi mơ ước cho đi thì
cánh tay tôi sẽ cố gắng giang rộng. Nếu tôi ước mơ thu vào thì bàn tay tôi sẽ
nắm chặt. Lúc mà mơ ước của tôi là những hạt nước mưa đầu mùa cho khu vườn thì
tôi có hy vọng đợi chờ những chùm bông sẽ rộ nở. Lúc tôi ước mơ chiếm đoạt tình
yêu, của cải của người khác là lúc tôi gieo tang tóc. Tang tóc đến từ hành
động. Mà hành động là kết quả của mơ ước.
Ước mơ đúng cũng có thể hành động sai. Nhưng đã ước mơ sai thì
không bao giờ có hành động đúng.
*
* *
Tôi chỉ mơ ước những gì tôi không có. Bởi vậy, tự nó, mơ ước
là những điều không có trong hiện tại. Chính thế, tự nó, mơ ước không là kết
quả. Nếu tôi chỉ mơ ước để sống trong mơ ước thì đời là giấc ngủ buồn vì tôi
hoài hoài sống trong điều không có thực. Bấy giờ, ước mong chỉ là ảo mộng. Sống
trong mộng ảo là lừa dối mình, cho dù lừa dối ấy có đẹp đến đâu thì cũng vẫn là
lừa dối mà thôi.
Ước mơ vẽ ra một vùng trời lý tưởng, ước mơ cất tiếng gọi cho
tôi đi về vùng trời đẹp đó. Thách đố của ước mơ, vòng bạc lấp lánh của vương
miện ước mơ là người ấp ủ mơ ước có lên đường về vùng trời đẹp mà giấc mơ kêu
mời. Mơ ước sẽ nở thành chùm hoa sao rực rỡ hay sẽ âm thầm chết lặng lẽ tùy
thuộc ở thái độ của người ước mơ. Ước mơ là thầy, là đạo, nếu tôi muốn tìm thầy
học đạo thì tôi phải lên đường, chứ đạo không tìm đến tôi.
Tôi lại nhớ đến chuyện người thanh niên giàu có:
- Thưa Thầy, tôi phải làm gì để đạt được ước mơ mà tôi hằng ấp
ủ?
- Hãy từ bỏ hết những gì ngươi có, rồi đi cùng Ta.
Nghe xong, người thanh niên buồn bã bỏ đi (Mt. 19:21-22). Và
từ đó, ước mơ của chàng héo úa theo dòng đời.
*
* *
Tội lỗi nào thì cũng thai nghén từ những ước mơ. Cũng thế,
chẳng có việc kỳ diệu nào mà không sinh nở từ những giấc mộng được ấp ủ bằng
thời gian. Có một người thiếu nữ chết lúc tuổi mới 24 mà nàng đã làm cả bầu
trời nở rợp hoa hồng: Têrêsa Hài Ðồng Yêsu. Người thiếu nữ đã tự thú trong
truyện Một Tâm Hồn: "Một lần cả nhà về quê thăm bà con thân thích. Mẹ bảo
chị Marie lấy áo đẹp nhất vận cho em nhưng đừng vận thứ áo hở cánh. Khi ấy con
không nói gì và làm ra chuyện dửng dưng như các trẻ nhỏ khác, song trong lòng
đã lủng bủng: - Giá cho vận áo hở cánh, có xinh hơn không?" Sau này, khi
lớn lên, Têrêsa viết tiếp: "Với tính nết ấy, con trộm nghĩ, nếu phải tay
cha mẹ không có nhân đức, không biết dạy con, có lẽ con đã là đứa xấu nết dữ
tợn lắm, và mất linh hồn cũng chưa biết chừng" (Một Tâm Hồn, trang 25).
Cái ngày về thăm bà con thân thích ấy, Têrêsa còn bé lắm, vậy mà nàng đã biết
ước mơ được mặc áo hở cánh đó bằng màu áo nữ tu nhà kín ở Lusieux. Cũng như
Ignatio, trước khi về trời với cờ Thánh Giá để thu tập môn sinh lập nên dòng
Tên, chàng sĩ quan Tây Ban Nha đã si mê một người phụ nữ quý tộc đến nỗi mơ ước
được nàng để ý đã làm chàng vào sinh ra tử, coi nhẹ cái chết hầu trở thành anh
hùng của mọi mặt trận.
Ước mơ. Nơi nào có ước mơ, nơi ấy trở thành kỳ diệu.
Trong truyện Một Tâm Hồn, hầu như không trang nào mà Têrêsa
không viết về mơ ước yêu thương. Trong cái can đảm chịu đau đớn trên giường
bệnh, người ta vẫn đọc thấy ước mơ được nũng nịu với Chúa. Có nhiều tước hiệu
được xưng tụng cho Têrêsa. Giáo Hội gọi vị thánh trẻ là nhà truyền giáo thời
danh. Nhưng tôi thích gọi Têrêsa là cô bé làm dáng, một thiếu nữ đa cảm. Cái
làm dáng của Evà nhưng lại đa cảm trong duyên tình thánh của Maria. Tôi muốn
gọi Têrêsa là một nữ tu suốt đời dệt mộng, và là vị thánh của mơ ước. Têrêsa
đâu có đi truyền giáo, chỉ ước mơ thôi, và ước mơ đẹp nhất của Têrêsa có lẽ là
ước mơ về trời để làm mưa hoa hồng xuống trần gian.
Giả từ ước mơ mặc áo hở cánh, Têrêsa đã đốt cháy đời mình bằng
những ước mơ khác. Nàng ước mơ được làm linh mục để đi truyền giáo. Ước mơ được
tới Hà Nội và Sàigòn (Một Tâm Hồn, trang 215). Têrêsa đã chẳng bao giờ tới
Sàigòn được. Nhưng mỗi lần đi ngang nhà Kín, trên con đường Cường Ðể rợp lá me,
tôi thấy dáng như Têrêsa đang trồng những khóm hồng. Têrêsa đã chẳng bao giờ là
linh mục, nhưng ước mơ đã đốt cháy tình yêu của nàng thành muôn ngàn thánh lễ
trọng thể. Chúa Kitô là linh mục đau khổ, kẻ đã chấp nhận thánh ý của Cha mình.
Trong ý nghĩa ấy thì Têrêsa đang dâng thánh lễ trên địa cầu: "Lạy Chúa,
con không muốn nên thánh nửa vời, con chẳng sợ như thế thì phải chịu đau khổ
nhiều vì Chúa đâu... xin Chúa nhận lấy ý riêng con, bởi vì con chọn tất cả những
sự Chúa muốn, con chọn trót ý Chúa" (Một Tâm Hồn, trang 27).
Chẳng chết đâu, Chúa biết ngày nào ngươi ăn trái đó thì mắt
ngươi sẽ mở ra và ngươi sẽ biết mọi điều như Chúa.
Evà thấy giấc mơ đẹp như màu hồng của trái táo. Nàng đã ăn.
Nàng cũng mơ ước cho chồng mình được thông minh như Thiên Chúa. Từ đó, địa đàng
đã đóng ngõ, cài then. Nước lụt dâng về. Có nước mắt. Và màu hồng của trái táo
đã thành màu trắng khăn tang.
Lạy Chúa,
Xin soi sáng cho những ước mơ của con, vì có những mơ ước mà
khi con cắn vào là đời con khổ lụy. Có những mơ ước mà con miệt mài trèo lên,
khi đạt được là lúc con rơi xuống vực sâu.
Thánh thiện hay tội lỗi cũng đều đến từ những ước mơ.