Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

ÐỨC MARIA, HÌNH ẢNH GIÁO HỘI và mẫu gương của đời sống Kitô hữu

Tuyết Nguyên

Thánh nữ tiến sĩ Têrêxa Giêsu Hài đồng nói về Ðức Maria:

"Không nên nói về Mẹ Maria những chuyện không tưởng cao siêu, nhưng hãy nêu một tấm gương có thể bắt chước được, và hãy trình bày Ðức Maria như là người mẹ hơn là một nữ hoàng."

Công đồng Vatican II đã đặc biệt dành chương VIII của hiến chế: Ánh sáng muôn dân Lumen Gentium để nói về Ðức Maria. Trong chương nầy, tất cả những nghiên cứu, tìm hiểu và suy nghĩ thần học đã đem lại cho Ðức Maria vị trí mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ, và cũng trong chương nầy cho phép chúng ta khám phá ra nơi Ðức Maria một biểu tượng của Giáo hội và là gương mẫu của đời sống kitô hữu.


I. NHÌN TỔNG QUÁT LỊCH SỬ

Trước khi đề cập đến chương VIII của hiến chế "Ánh sáng muôn dân (Lumen Gentium): "Ðức Maria trong mầu nhiệm Ðức Kitô và Giáo hội", nghĩ cũng nên nhìn qua một chút về lịch sử thánh mẫu học, để nhờ đó chúng ta có thể hiểu thêm rõ vị trí của Ðức Maria trong luận thuyết Kitô giáo theo dòng lịch sử.

1- Tân Ước.

Mục đích chính của Tân ước là loan báo ơn cứu rỗi, vì thế vị trí của Ðức Maria được đặt trong mối liên hệ với việc loan báo Ðức Kitô phục sinh: Ðức Maria hiện diện nơi trọng tâm của mầu nhiệm Nhập thể, mầu nhiệm khổ nạn, chết và mầu nhiệm Phục sinh. Ðó là chóp đỉnh của mầu nhiệm Cứu rỗi.

2- Thời các giáo phụ. (thế kỷ I đến VII)

Các giáo phụ nêu rõ ý nghĩa sứ mạng của Ðức Maria múc lấy từ nơi Kinh thánh về mầu nhiệm đời sống đức Kitô. Những nét chính yếu về luận thuyết thánh mẫu học kitô giáo được diễn tả rõ ràng trong bốn điểm: Evà-Maria; Evà-Giáo hội; Maria-Giáo hội và Ðức tin-Ðức Maria. Ðây cũng là những tư tưởng chính về Ðức Maria trong mầu nhiệm của Ðức Kitô và Giáo hội.

3-Thời Trung cổ ( thế kỷ VII đến XV)

Trong thời kỳ nầy, Giáo hội được hướng dẫn bởi hai sức mạnh chính: một là ảnh hưởng thiêng liêng của các dòng tu; hai là ảnh hưởng tư tưởng các nhà thần học. Cả hai luồng tư tưởng nầy trình bày Ðức Maria trong ngôn từ Kitô giáo của mình.

4-Thời Cận đại và Hiện đại (thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX).

Những vấn đề chính về Ðức Maria được tạo nên chung quanh vấn đề Cải cách (Réforme: Martin Luther giữ lại kinh nghiệm truyền thống về Ðức Maria), chung quanh vấn đề Chống cải cách (Contre-Réforme: phong trào thánh mẫu học bành trướng mạnh mẽ với những luận thuyết về Ðức Maria) và trong bối cảnh của công đồng Vatican I (cổ võ việc tôn kính Ðức Maria: tháng 5 kính Ðức Maria, Ðức Mẹ hiện ra, tín điều Vô nhiễm nguyên tội năm 1854...). Theo truyền thống, có năm tín điều về Ðức Maria được xác nhận: Mẹ Thiên Chúa, Vô nhiễm nguyên tội, Mẹ rất thánh, Trọn đời đồng trinh, Hồn xác lên trời.

II. NHỮNG CHIỀU KÍCH THÁNH MẪU HỌC TRONG GIÁO HỘI

1) Trước Vatican II.

Hai chiều hướng trong luận thuyết thánh mẫu học:

- Chiều hướng đi từ Ðức Maria hướng Ðức Kitô: khoa thánh mẫu học là khoa Kitô học thu gọn.

- Chiều hướng đặt lại vị trí của Ðức Maria. Khuynh hướng nầy có đặc tính là trở về nguồn của Thánh kinh, Giáo phụ, Tín lý Phụng vụ;à nhất là sự hiện diện của Giáo hội trong thế giới ngay nay trong cộng đoàn nhân loại với tinh thần đại kết.

2) Với Vatican II.

Cộng đồng Vatican II đánh dấu khúc quanh quan trọng về thánh mẫu học trong việc đặt lại vị trí của "Ðức Maria trong mầu nhiệm Ðức Kitô và Giáo hội".

Ðây là việc làm mang nhiều khó khăn vì cần phải thay đổi não trạng về thánh mẫu học đã có trước đây:

a- Dự định đầu tiên.

Trong chiều hướng tiếp tục nối dài nền thánh mẫu học đã có, các nghị phụ yêu cầu công đồng ra một bản tài liệu về Ðức Maria và tuyên bố tín điều "Ðức Maria, Ðấng trung gian!"

Trong cuộc hội nghị bàn thảo vào năm 1963: vấn đề được đặt ra là chương về Ðức Maria được tách rời hay nằm trong lược đồ Giáo hội? Hai đức hồng y Santos và Koenig trình bày hai luồng tư tưởng để soi sáng công nghị biểu quyết. Cuộc biểu quyết rất khít khao: 1114 phiếu đồng ý nằm trong lược đồ Giáo hội, và 1074 phiếu đồng ý tách rời khỏi lược đồ Giáo hội. Như thế cần phải làm sáng tỏ vấn đề trong bản văn đúc kết.

Học thuyết về Ðức Maria có liên quan chặt chẽ với học thuyết về Giáo hội liên hệ trực tiếp với Ðức Kitô; vì thế cần một tên mới cho đề mục:

"Ðức Trinh nữ Maria trong mầu nhiệm Ðức Kitô và Giáo hội."

Khi công bố bản văn nầy (21/11/64), Ðức Giáo hoàng Phaolô VI đã phát biểu: "Chương VIII của hiến chế nầy liên quan đến Ðức Trinh nữ Maria là tột điểm của thiên luận về Giáo hội của Ðức Kitô.

b-Nội dung chương VIII.

Chương VIII được mang tên: "Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Ðức Kitô và Giáo hội." Và từ đó, chúng ta có thể khai triển bốn ý tưởng chính kèm thêm một ý tưởng phụ.

1- Mầu nhiệm đức tin (Ánh sáng muôn dân. (LG) số 55-59)

Giáo lý về Ðức Maria theo hiến chế "Ánh sáng muôn dân" (LG) đã đi vào trọng tâm của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được mạc khải bởi Ðức Kitô trong Giáo hội.

Mầu nhiệm bày tỏ ý định theo chương trình Thiên Chúa là Thiên Chúa muốn cứu rỗi toàn thể nhân loại. Chương trình nầy được sắp đặt bởi Thiên Chúa Cha khi tạo dựng thế gian, được mạc khải qua mầu nhiệm Nhập thể của Ðức Kitô sinh bởi Ðức Trinh nữ Maria để cứu rỗi con người tội lỗi, và được chiếu sáng theo dòng lịch sử bởi sự hướng và tác động của Thánh thần Thiên Chúa. Trực diện với mầu nhiệm nầy, vừa khi phát sinh một thái độ tin tưởng, là phát hiện thái độ tin tưởng của Ðức Maria, vì mỗi sự ưng thuận của loài người đều được ghi nhận trong tiếng XIN VÂNG của Ðức Maria.

Ðức Maria được kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi vì luôn được liên kết cách hoàn hảo với toàn thể Giáo hội mà Người là phần tử ưu tú: vì Ðức Maria vừa là Mẹ Con Thiên Chúa Ðấng cứu thế và là người nữ được ưu tuyển của Thiên Chúa Cha và là đền thờ của Thiên Chúa Ngôi Ba(LG 53); và vì Ðức Maria luôn giữ mối liên hệ mật thiết với dòng tộc Abraham và được cứu rỗi cách tuyệt diệu phi thường như là mẹ của các phần tử của Ðức Kitô, Mẹ đã cộng tác vào việc khai sinh Giáo hội mà Mẹ là phần tử ưu tú tuyệt diệu có một không hai, Mẹ là tấm guơng và mẫu mực của Giáo hội. (LG 54). Trong Giáo hội, Ðức Maria ưu chiếm một chỗ cao trọng nhất sau Ðức Kitô. (LG 5).

Trong lịch sử cứu rỗi, Ðức Maria chiếm giữ vai trò đặc biệt trong ý định Thiên Chúa Ba Ngôi đã tôn phong Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng Ðức Maria đứng về bên những người được cứu rỗi: đó là sứ mạng của Ðức Maria trong cộng cuộc cứu rổi. Giáo hội học và Thánh mẫu học liên kết lại trong mầu nhiệm Nhập thể cứu rỗi.

2-Ðức Maria trong mối liên hệ với Ðức Kitô.

Mối liên hệ với Ðức Kitô bắt nguồn từ Thánh kinh, các Giáo phụ và nhờ đó làm sáng tỏ vai trò Ðức Maria:

- Nguồn thánh kinh làm nổi bật giá trị đức tin của Ðức Maria (Lc 1,45), cuộc hành trình đức tin của Mẹ (LG 58). Trong suốt cuộc đời của mình, Ðức Maria đã nghe và giữ lời của Thiên Chúa (Lc 2,19-21)

- Nguồn giáo phụ nhắc lại sự đối chiếu song song giữa Evà và Maria. Lời kinh nguyện của Ðức Maria xin ơn Thánh Linh cho Giáo hội bằng việc mông triệu thăng thiên của Maria và khai mở mối liên hệ giữa Ðức Maria và Giáo hội.

3-Ðức Maria với Giáo hội.

Mối liên hệ của Ðức Maria với Giáo hội được diễn ra bằng ba ngôn từ: "chi thể, mẹ và mẫu gương"

- Ðức Maria là chi thể của Giáo hội: Ðức Maria luôn hiện diện cách trọn vẹn trong cộng đồng dân Chúa: là Giáo hội, sự hiệp thông bí tích của Ðức Kitô.

- Ðức Maria là Mẹ.Tình mẫu tử nầy là mẫu tử thiêng liêng trong Thánh Linh phát sinh bởi Ðức Kitô (Ga 19,27). Ðức Maria đã được kết hiệp trong mầu nhiệm nhập thể và mầu nhiệm cứu chuộc như là tớ nữ khiêm cung đã cộng tác cách tuyệt vời bởi sự vâng phục, bởi đức tin, lòng cậy trông và tình yêu thương nồng cháy (LG 61). Ðối với chúng ta, Maria là người mẹ trong ân sủng ; có nghĩa là tình yêu Thiên Chúa được trao ban tràn đầy cách nhưng không bởi mầu nhiệm nhập thể cứu rỗi. Ðức Maria nắm giữ vai trò quan trọng trong đức tin hơn là trong tình cảm.

- Ðức Maria là gương mẫu, là hình ảnh Giáo hội. Ðức Maria là Ðấng tinh tuyền, là Mẹ và là Ðấng thánh, thì Giáo hội cũng được kêu mời trở nên thánh, tinh tuyền trong cách làm mẹ của mình. Các văn kiện công đồng đã chỉ rõ thế nào là sự tinh tuyền, chức năng làm mẹ của Ðức Maria được thể hiện trong Giáo hội để trở thành người mẹ trong việc sinh sản con cái trong đức tin mà vẫn luôn tinh tuyền trong sự thánh hiến toàn vẹn cho Ðức Kitô (LG 63,64).

4-Việc tôn kính Ðức Maria.

Giáo lý công đồng Vatican II canh tân việc tôn kính Ðức Maria:

- Các việc tông đồ mang ý nghĩa trung thực chính là công tác mà Thánh linh trao phó cho Ðức Maria.

- Phát động việc tăng triển chiều kích thiêng liêng trong phụng vụ.

- Ðặt lại vị trí của Ðức Maria theo ý muốn Thiên Chúa.

Ðức Maria là mẫu gương Giáo hội trên đường lữ hành trong đức tin. Người cũng là mẫu gương của sự hiệp thông với các thánh trong vinh quang của Ba Ngôi Thiên Chúa (LG 69).

Vì thế, giáo lý về Ðức Maria theo Vatican II được khai triển rộng rãi về thần học, phụng vụ, tu đức và truyền giáo vì nó được đặt trọng tâm nơi Ðức Kitô, thâm nhập trong đời sống Giáo hội, chủ tâm trong lịch sử cứu rỗi và được cử hành như dấu chỉ của tạo vật mới.

5-Ðức Maria là Mẹ Giáo hội.

Trong diễn từ kết thúc ngày 21/11/64, Ðức Giáo hoàng Phaolô VI đã đặt tước hiệu : Ðức Maria, Mẹ Giáo hội.

Tư tưởng nầy của thánh Augustinô, được các thầy dòng thời Trung cổ, và được khai triển bởi các Ðức Giáo hoàng Benoit XIV (1748) trong bản sắc "Aurea gloriosae Dominae". Ðức Giáo hoàng Léon XIII với thông điệp "Adjutricem populi". Các Ðức Giáo hoàng Pio XII, Gioan XXIII, Phaolô VI, Gioan Phaolô ÌI cũng dùng tước hiệu Ðức Maria, Mẹ Giáo hội.

Ðức Giáo hoàng Phaolô VI xác định tước hiệu: "Ðức Maria, Mẹ Giáo hội", có nghĩa là Mẹ của toàn thể dân chúa ám chỉ tín hữu như chủ chăn.

Tính cách làm mẹ liên hệ đến các tín hữu như các chủ chăn là sự nối dài của tình mẹ thiên tính bắt nguồn từ mối liên quan giữa Ðức Maria và Chúa Kitô và với Giáo hội. Giáo hội không phải là con cái của Ðức Maria, nhưng Giáo hội là một gia đình mà Ðức Maria là Mẹ.

Dưới chân thánh giá, Ðức Maria đã chấp nhận ước nguyện của Ðức Kitô con mình là cứu rỗi nhân loại; trong ý nghĩa nầy Ðức Maria thật là Mẹ của loài người. Và đối với tất cả chi thể trong thân thể mầu nhiệm mà Ðức Kitô là đầu, sự cầu bàu của Mẹ Maria làm phát sinh ngọn lửa mới: Mẹ Maria nguyện cầu cho các chi thể tuỳ theo sức của mình mà thi hành được chút gì đó nhờ Ðức Kitô, với Ðức Kitô và trong Ðức Kitô, họ được cứu rỗi và có thể Cứu rỗi được kẻ khác. Với ý nghĩa nầy, Ðức Maria được kêu cầu như là Mẹ của Giáo hội.

3) Sau Vatican II.

Sau công đồng Vatican II, có khủng hoảng về sự tôn kính Ðức Maria. Ðể giải quyết vấn đề và nhất là để củng cố hoạt động của công đồng Ðứ٣ Giáo hoàng Phaolô VI đã ra tông dụ "Maria cultus" (2.2.1974) và Ðức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II ra thông điệp "Redemptoris Mater" (25.3.1987).

- Maria cultus.

Tông dụ không bàn về việc tôn kính Ðức Maria, nhưng đặt lại đúng vị trí của Ðức Maria trong việc phượng tự kitô giáo và người kitô đối với Ðức Maria. Tất cả những nghi lễ phụng vụ trong việc tôn kính Ðức Maria đều phải mang đặt tính giáo hội. Nguyên tắc căn bản nầy hướng dẫn học thuyết kitô giáo về Ðức Maria và chỉ dẫn rõ hướng đi của nền thánh mẫu học phải nằm trong thần học Thiên Chúa Ba Ngôi, Kitô học và Giáo hội học.

Thánh mẫu học và nghi lễ phụng vụ về Ðức Maria phải đáp ứng theo tiêu chuẩn thánh kinh, phụng vụ, mang tinh thần đại kết và nhân chủng.

- Redemptoris Mater.(25/3/1987).

Ðức Giáo hoàng Giaon Phaolô II ra thông điệp nầy nhằm mục đích là tiếp tục nói về mầu nhiệm cứu rỗi trong chương trình mạc khải của Thiên Chúa. Thông điệp nầy có thể tóm gọn trong một câu và ba điểm chính:

- Một câu: Trong mầu nhiệm Ðức Kitô. Mẹ Maria hiện diện trong lòng Giáo hội đang lữ hành , Mẹ thi hành sự trung gian mẫu tử trong việc thông công của các phần tử giáo hội.

- Ba điểm:

- Con đường đức tin của Ðức Maria thực hiện cách đầy đủ con đường đức tin của Giáo hội.

- Vai trò ưu tiên của Ðức Maria trong lịch sử cứu rỗi.

- Sự nghiên cứu, tìm hiểu thần học cần được linh hoạt bởi Thánh kinh và Truyền thống có thể dùng vào việc day giáo lý cổ võ việc dấn thân hoạt động trong chương trình đại kết cũng như trong chương trình phục vụ người nghèo khổ. (bài kinh Magnificat)

THAY LỜI KẾT...

1- Ðức Maria, hình ảnh của Giáo hội.

Những mối tương quan giữa Ðức Maria và Giáo hội.

Trước Vatican II, Ðức Maria trực diện với Giáo hội và Ðức Maria hướng về Giáo hội.

Với Vatican II, Ðức Maria trong Giáo hội và Ðức Maria là trưởng nữ của Giáo hội.

Sau Vatican II, không thể nghĩ đến Giáo hội mà không nghĩ đến Ðức Maria, vì Giáo hội luôn với Ðức Maria và luôn muốn trở nên như Ðức Maria.

Ðức Giáo hoàng Phaolô VI đã nói: "Nếu chúng ta muốn trở nên kitô hữu, chúng ta phải trở nên giống Ðức Maria." Câu nầy có nghĩa là Giáo hội phải trút bỏ những tư tưởng đắc thắng tự tôn tự đại trong uy quyền và giáo sĩ trị, để hưởng nhận được ân sủng đức tin trong niềm vui phục vụ, đón nhận với tinh thần nghèo khó. Giáo hội nhận lãnh vai trò Ðức Maria trong lịch sử nhân loại.

2-Ðức Maria, gương mẫu đời sống kitô hữu;

Ðức Maria là một biểu tượng quan trọng của Kitô giáo, vì nơi Ðức Maria biểu lộ ba tác động đức tin:

- Ðức Maria luôn cởi mở đón nhận chương trình của Thiên Chúa. Vui mừng đón nhận chương trình trong đời sống hằng ngày là điều kiện cần thiết để tỏ lòng tôn kính Ðức Maria.

- Sẵn sàng đón nhận thánh giá. Chấp nhận sự đau khổ trái ý trong cuộc sống trong sự phó thác, đó là người thật sự khiêm tốn trong tâm hồn.

- Trung tín đón nhận sự khám phá mới trong đời sống. Trong suốt cuộc đời của mình, Ðức Maria lần lần phám phá sứ mạng của con mình và âm thầm chấp nhận cộng tác trong xin vâng. Chính vì thế mà Ðức Maria trở nên Mẹ Ðấng cứu thế.

Như thế, Ðức Trinh nữ Maria mang tước hiệu đúng nghĩa:

Ðức Maria, hình ảnh của Giáo hội và là mẫu gương của đời sống kitô hữu.