(Những
bài Suy Niệm Và Cầu Nguyện
của
Linh Mục Nguyễn Tầm Thường, SJ.)
Theo Phúc Âm thánh Máccô, những lời giảng hệ trọng mà Chúa mạc
khải cho các môn đệ của Ngài đều xảy ra trong lúc đi đường. Chỉ khi bắt đầu lên
đường về Jerusalem chịu tử nạn, Chúa mới nói rõ cho môn đệ biết sứ mạng của
Ngài như thế nào. Ðây là sơ đồ những gì đã xẩy ra trên đường Jerusalem những
ngày đó:
- Phêrô tuyên tín Ðức Kitô là Con Thiên Chúa (8,27-30).
Báo Thương Khó 1:
- Con Người phải chịu nhiều đau khổ (8,31).
- Môn đệ chậm hiểu: Phêrô kéo Ngài lại mà cản ngăn Ngài
(8,32).
- Chúa giảng dạy: Kẻ nào cứu mạng sống mình sẽ mất mạng sống
(8,34).
Báo Thương Khó 2:
- Con Người bị nộp trong tay người đời (9,30-32).
- Môn đệ chậm hiểu: Họ tranh luận với nhau ai lớn hơn ai
(9,34).
- Chúa giảng dạy: Ai muốn làm đầu thì hãy làm tôi tớ (9,35).
Báo Thương Khó 3:
- Chúng ta lên Jerusalem và Con Người sẽ bị nộp (10,32-34).
- Môn đệ chậm hiểu: Xin cho chúng tôi một người ngồi bên hữu,
một ngồi bên tả trong vinh quang của nước Ngài (10,37).
- Chúa giảng dạy: Con Người đến để phục vụ chứ không phải để
được phục vụ (10,41-45).
Ba lần báo thương khó đều xảy ra giống nhau, qua ba giai đoạn:
Trước hết, Chúa loan báo về cuộc tử nạn. Nhưng các môn đệ chẳng hiểu gì. Rồi
Chúa giảng dạy cho họ thái độ phải theo Chúa.
Các môn đệ không phải là những người thông minh. Trong cuộc
loan báo thương khó lần thứ nhất, Phêrô cản ngăn Chúa đừng về Jerusalem kẻo bị
chết. Chúa đã mắng Phêrô đó là ý nghĩ của Satan. Nhưng rồi sau lần loan báo
thương khó thứ hai, trên đường đi, họ lại tranh luận với nhau là ai lớn hơn ai.
Một lần nữa, Chúa phải cắt nghĩa cho họ về Nước Thiên Chúa. Ai ngờ đâu, sau
cuộc loan báo thương khó thứ ba, họ lại xin được ngồi bên hữu và bên tả khi
Ngài chiến thắng trong vinh quang! Họ chẳng hiểu lối đi của thập giá là gì.
Lạy Chúa, Chúa không phải là người khó tính. Chúa nhẫn nại.
Cho dù môn đệ của Chúa chậm hiểu, Chúa chẳng đuổi họ về. Một điều duy nhất mà
Chúa đòi hỏi là có muốn theo Chúa hay không. Kẻ nào theo Chúa sẽ dạy dỗ. Ðể
tuyển lựa một người, người ta có nhiều cuộc thi. Chúa chẳng trắc nghiệm gì cả.
Chúa gọi. Ai theo Chúa cũng được. Chúa khởi công giáo dục họ từ những bước lầm
lỡ tệ hại nhất. Ðiều ấy nói với con rằng, không vì con lầm lỡ tệ hại nhất. Ðiều
ấy nói với con rằng, không vì con yếu đuối mà Chúa chê. Chúa không chờ con nên
thánh thiện Chúa mới nhận, nhưng nhờ Chúa nhận mà con mới có hy vọng trở nên
thánh thiện.
Hình ảnh các môn đệ chậm hiểu đi theo Chúa cho con nhiều can
đảm. Chúa đã chẳng chối từ vì sự kém cỏi của họ. Chúa chẳng chê bai lòng muốn
địa vị của Yacôbê và Yoan, lòng nhát đảm của Phêrô. Con cũng chậm hiểu như vậy.
Con cũng muốn danh vọng như thế. Các môn đệ đã được Chúa trực tiếp giáo dục mà
còn như thế, thì huống gì con. Lòng nhẫn nại của Chúa cho con niềm trông cậy.
Con tin Chúa sẽ chỉ dậy con nếu con lên đường với Chúa.
Báo Thương Khó
Tuyên tín của Phêrô và Báo Thương Khó 1. Ðức Kitô ra đi với các môn đệ
đến những làng mạc giáp Caisaria. Trên đường đi Ngài hỏi môn đệ: "Theo như
người ta nói, thì ta là ai?" Họ thưa Ngài rằng: "Yoan Tẩy Giả; nhóm
khác là Elia; nhóm khác nữa: là một vị tiên tri nào đó". Rồi Ngài hỏi họ:
"Còn các ngươi, các ngươi nói Ta là ai?" Ðáp lại Phêrô nói:
"Thầy là Ðức Kitô!" Và Ngài bắt đầu giảng dạy họ: "Con người
phải chịu nhiều đau khổ, và bị hàng niên trưởng cùng các thượng tế và ký lục
phế thải, bị giết đi và sau ba ngày sẽ sống lại" (Mc 8,27-31).
Báo Thương Khó 2. Ra khỏi đó, họ đi băng qua Galilêa... Ngài nói với các
môn đệ: "Con Người sẽ bị nộp trong tay người đời, họ sẽ giết Ngài, và bị
giết rồi, sau ba ngày Ngài sẽ sống lại" (Mc 9,30-31).
Báo Thương Khó 3. Họ đang đi dọc đàng để lên Jerusalem và Ngài nói với
họ những điều sắp xảy đến cho Ngài: "Này chúng ta lên Jerusalem và Con
Người sẽ bị nộp... người ta sẽ nhạo báng Ngài, khạc nhổ trên Ngài, đánh đòn
Ngài và giết đi, và sau ba ngày Ngài sẽ sống lại" (Mc 10,32-34).
Tuyên tín Ðức Kitô là ai tức là xác định đường mình đi. Ý nghĩa
việc tuyên tín của Phêrô là Phêrô đã tuyên tín trên đường hành trình với Chúa.
"Còn các ngươi, các ngươi nói Ta là ai?" Chúa không hỏi môn đệ câu ấy
trong lúc nghỉ ngơi, nhưng trong lúc đi đường! Biết Ðức Kitô và theo Ðức Kitô
là hai chuyện khác nhau. Những ngày đó, ở Jerusalem, ở Galilêa, ở Nazareth,
người ta nói về Ðức Kitô, người ta xem Ðức Kitô làm phép lạ, họ gọi Ngài là
Elia, là Yoan Tẩy Giả, là một vị tiên tri nào đó. Không ai biết Ngài là Con
Thiên Chúa. Ðể biết Ngài, phải sống và hành trình với Ngài. Cùng đi với Ngài
trên mọi lối nẻo. Chính vậy, Chúa mạc khải cho các môn đệ trong lúc lên đường,
đi với Chúa mà thôi. Ðất đã xới, sẵn sàng cho hạt gieo, bấy giờ Lời Chúa mới
đến. Như Phêrô đã chỉ có thể biết Ngài khi tâm hồn mở ra cho lý tưởng cùng chung
một nhịp tim đập với Ngài.
Còn Chúa, xác nhận mình là ai, cuộc đời và sứ mạng mình là gì
tức là xác định con đường của mình như thế nào. Ðường dẫn tới đâu. Cả ba lần
nói cho môn đệ biết mình là ai đều xẩy ra trên đường đi. Chỉ có lên đường về
Jerusalem, nơi ấy mới có Khổ Nạn và Phục Sinh. Cao điểm của toàn thể Kinh Thánh
và mầu nhiệm cứu rỗi hệ tại Thập Giá và Phục Sinh. Ngài phải lên đường về
Jerusalem để thực hiện. Trong cuộc báo thương khó lần thứ ba, Chúa không nói:
"Ta lên đường về Jerusalem". Nhưng Ngài nói: "Chúng ta lên
Jerusalem". Chữ "chúng ta" Chúa dùng ở đây có thầm nhắn nhủ với
tôi: có tôi ở trong đó, tôi cũng phải lên đường, Lên đường về đâu? Về
Jerusalem. Ðể làm gì? Ðể thực hiện Thập Giá và Phục Sinh.
Lạy Chúa, Chúa không dối lòng người. Cả ba lần báo thương khó,
Chúa nói rõ ngay từ ban đầu là Chúa sẽ bị nộp và bị đóng đinh, nhưng Chúa sẽ
sống lại. Chúa nói thẳng chứ không dùng những hình ảnh ngọt ngào, những danh từ
khéo léo để kéo nhiều người theo. Chúa dứt khoát chứ không nhượng bộ. Nếu Phêrô
bỏ Chúa, Chúa sẽ đi một mình. Nét đẹp và oai hùng của Chúa là người nghệ sĩ đi
tìm sáng tạo. Người nghệ sĩ chân chính không sáng tác theo nhu cầu lười biếng
của quần chúng. Kẻ yêu nghệ thuật sẽ mãi mãi đi tìm cái đẹp và chẳng chịu buông
tâm hồn xuống những mảnh đất tầm thường.
Chúa dạy con rằng người nghệ sĩ phải hướng tâm hồn lên cao mới
có hương trời thanh khiết. Không có tác phẩm nào đẹp nếu cưu mang trong con tim
u ám. Chính thế, người nghệ sĩ phải trả giá cho tác phẩm của mình. Cánh vạc chỉ
đẹp khi cất cánh bay mãi vào trời cao thăm thẳm. Tiếng vạc kêu trong sương mai
chỉ thanh thót trong không gian đó. Cánh vạc sẽ mất đẹp khi lần mò bên bò ao,
dưới bụi lau sậy.
Môn Ðệ Chậm Hiểu
Phêrô muốn theo Chúa, nhưng không muốn về Jerusalem, vì nơi đó
sẽ có thập giá. Người nghệ sĩ sẽ chết. Nhưng tác phẩm của họ trường tồn. Tác
phẩm là vẻ đẹp. Ngày nào nhân loại còn cần đến vẻ đẹp đó để làm êm dịu cuộc đời
thì ngày đó vẫn có mặt của người nghệ sĩ. Bởi thế, người nghệ sĩ chỉ thực sự chết
khi tác phẩm của mình chết. Thập Giá và Phục Sinh là tác phẩm của người nghệ sĩ
Yêsu. Ngày nào nhân loại còn cần Thập Giá và Phục Sinh thì ngày đó người nghệ
sĩ Yêsu chưa chết. Nếu không có tác phẩm Thập Giá và Phục Sinh thì con người
nghệ sĩ Yêsu đã mờ nhạt trong muôn ngàn nấm mộ im lặng. Chỉ là nghệ sĩ khi có
sáng tạo. Trong ý nghĩa đó, tác phẩm làm nên nghệ sĩ chứ không hẳn nghệ sĩ làm
nên tác phẩm. Theo Chúa là đi làm sáng tạo, là đi xây dựng tác phẩm. Satan biết
rõ nếu không có tác phẩm, con người nghệ sĩ Yêsu sẽ chết trong lòng nhân loại.
Do đấy, qua bóng tối của tâm hồn Phêrô, Satan đã cản ngăn Chúa đi sáng tạo tác
phẩm của mình. Chúa đã mắng Phêrô: "Xéo đi sau Ta, hỡi Satan! vì ý tưởng
của ngươi không là ý tưởng của Thiên Chúa mà là ý tưởng của loài người"
(Mc 8,33). Người nghệ sĩ có tâm hồn đẹp sẽ nhìn thấy vẻ đẹp và muốn chết trong
vẻ đẹp.
Chúa Giảng Dạy
Sau khi mắng Phêrô rồi, Chúa giảng giải cho các môn đệ về ý
nghĩa của tác phẩm: "Kẻ nào muốn cứu lấy mạng sống mình, sẽ mất; còn kẻ
nào mất mạng sống mình vì Ta, và Tin Mừng, thì nó sẽ được cứu" (Mc 8,35).
Không có tác phẩmkhông ai biết đến người nghệ sĩ. Ðó là cái chết thật. Vì thế,
chết mà tác phẩm sống thì người nghệ sĩ vẫn sống. Tác phẩm Phục Sinh phải sáng
tạo bằng Thập Giá. Thập Giá phải sáng tạo bằng cái chết. Mà chết bằng Thập Giá
là đi vào Phục Sinh. Chối từ Thập Giá và Phục Sinh là mất tác phẩm. Im lặng. Ðó
là cõi vắng. Không là nghệ sĩ nữa. Chết.
Nhưng nếu người nghệ sĩ Yêsu chỉ vì muốn cho tác phẩm của mình
sống mà chấp nhận chết, thì thực sự, người nghệ sĩ đó cũng chẳng có gì đáng
nhớ. Người nghệ sĩ đó cũng chẳng có gì đáng nhớ. Người nghệ sĩ có tâm hồn thanh
thoát không mơ tưởng danh vọng. Giá trị của tác phẩm là nó nẩy sinh vẻ đẹp cần
thiết cho đời. Nét đẹp nơi Thập Giá và Phục Sinh của Chúa Kitô là sức sống của
Thập Giá và Phục Sinh đem tới cho nhân loại. Chính vì sự sống đó mà Chúa chấp
nhận chết để xây dựng tác phẩm. Chứ không phải vì muốn có tác phẩm để được sống
trong lòng người mà Chúa chấp nhận chết. Do đó, tác phẩm có giá trị là tác phẩm
vì yêu thương mà sáng tạo.
Thánh Máccô kể rằng: "Họ đã đến Caphanaum. Vào nhà, Ngài
hỏi họ: Dọc đàng các ngươi đã tranh luận gì với nhau? Họ làm thinh, vì dọc đàng
họ đã tranh luận với nhau ai lớn hơn ai. Ngồi xuống, Ngài gọi nhóm Mười Hai lại
và nói với họ: Ai muốn làm đầu thì ở cuối hết mọi người, và làm tôi tớ mọi
người" (Mc 9,33-35).
Phục vụ, đó là con đường sáng tạo của kẻ theo Ngài. Người nghệ
sĩ của Chúa Kitô là kẻ yêu thương đời mà xây dựng tác phẩm chứ không xây dựng
tác phẩm để đời nhớ đến mình. Quên mình vì người khác là lối đi của thập giá.
Con đường của trần gian là xây dựng tác phẩm để đời nhớ đến mình. Bởi đó, có
khi là tranh giành, là ghen tương, là sợ người khác nổi danh hơn mình, là hạ
thấp nhau. Còn kẻ thương đời mà sáng tạo tác phẩm thì không ước ao phải là
tiếng chuông vang xa, nhưng bình an là tấm ván im lặng trong lầu chuông gỗ.
"Các ngươi biết, thủ lãnh các dân tộc thì làm chúa trên họ, và những người
làm lớn thì phủ uy quyền trên đầu họ. Nơi các ngươi thì không không như thế, ai
muốn cầm đầu trong các ngươi thì hãy làm tôi tớ cho các ngươi. Cũng như Con
Người không đến để được hầu hạ, nhưng là để hầu hạ và thí mạng sống mình làm
giá chuộc thay cho nhiều người" (Mt 20,24-28).
*
* *
Lạy Chúa, Chúa đã mạc khải cho các môn đệ biết Ðường là gì
trong lúc đi đường. Vì chỉ có ai lên đường thì mới gặp Ðường. Ðường là để dẫn
tới, nhưng nếu không lên đường thì chẳng bao giờ tới. Con cũng vậy, muốn có tác
phẩm, con phải lên đường thực hiện. Từ ý nghĩ đến tác phẩm là một đoạn đường.
Tùy giá trị của tác phẩm mà đoạn đường đó ngắn hay dài, dễ dàng hay phải cố
gắng nhiều.
Lên đường thực hiện tác phẩm, con lại phải có tâm hồn nghệ sĩ
như Chúa. Yêu sự đẹp, sống cho sự đẹp và chết cho sự đẹp. Sự thật không còn là
sự thật nếu vì dư luận, lo âu mà thay đổi bản chất của mình. Vẻ đẹp cũng thế,
nếu mở cửa cho sự xấu òa vào, nó sẽ trở thành xấu. Chúa đã chọn vẻ đẹp để sáng
tạo bằng tất cả hơi thở. Chúa cũng muốn con trung thành với ơn gọi như vậy. Dù
đất bùn nhưng sen vẫn phải mang hương thơm của sen. Dù cuộc đời có xô đẩy tới
đâu, trồng ở phương bắc hay phương nam thì hoa hướng dương vẫn xoay mặt nhìn
theo mặt trời.
Lên đường thực hiện tác phẩm, con lại phải có tâm hồn nghệ sĩ
như Chúa. Con phải hỏi lòng, tác phẩm có làm đẹp cho đời, hay chỉ mong làm đẹp
cho mình.
Muốn là nghệ sĩ phải học sáng tác nghệ thuật. Ai sẽ là thầy
dạy con? Chúa sẽ dạy, với điều kiện con phải lên đường. Tác phẩm không bao giờ
thành hình chỉ bằng ý nghĩ.
Sau Phục Sinh, thánh sử Máccô ghi lại: "Ngài đã tỏ mình
ra cho hai người trong nhóm họ đi đường" (Mc 16,12). Và thánh Luca đã viết
những dòng thật đẹp về tâm sự của hai môn đệ trên đường Emmau chiều hôm ấy:
"Lòng chúng ta lại đã không cháy bừng bừng, lúc dọc đường Ngài ngỏ lời với
chúng ta, và giải nghĩa Kinh Thánh cho ta đó sao?" (Lc 24,32).
Một lần nữa, Chúa lại chọn lúc hai môn đệ đang đi đường để tỏ
mình là ai. Con cũng có hy vọng lòng con sẽ cháy bừng bừng vì Chúa sẽ giải
nghĩa Kinh Thánh cho con, sẽ dạy con xây dựng tác phẩm nghệ thuật. Ngày đó sẽ
đến nếu con lên đường.