Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Chân dung “con bò” Luca

Ngày 18 tháng 10, Giáo hội kính nhớ Thánh sử Luca. Ngài là một lương y của Chúa, một sử gia và một họa sĩ. Biểu tượng của ngài là Con Bò. Tên Luca viết theo tiếng Hy Lạp cổ là Λουκᾶς hoặc Loukás.
Thánh Luca viết một phần chính của Tân ước, đó là sách Phúc Âm thứ ba và sách Công vụ Tông đồ. Trong 2 cuốn này, ngài cho thấy song song giữa cuộc đời Chúa Kitô và cuộc sống của Giáo hội. Ngài là người duy nhất không phải là Do Thái trong số các tác giả Tin mừng. Truyền thống cho biết ngài là dân bản xứ Antiôkia, thuộc Syria, theo văn hóa cổ Hy Lạp. Thánh Phaolô gọi ngài là “thầy thuốc yêu quý của tôi” (Cl 4:14).

Thánh Luca xuất hiện trong sách Công vụ Tông đồ trong hành trình thứ hai của Thánh Phaolô, lưu lại Philippi vài năm cho đến khi Thánh Phaolô trở về sau hành trình thứ ba, đi cùng Thánh Phaolô tới Giêrusalem và vẫn ở bên cạnh nhau cho tới khi Thánh Phaolô bị tù ở Caesarea. Trong 2 năm đó, Thánh Luca có thời gian tìm hiểu thông tin và phỏng vấn những người biết Chúa Giêsu. Ngài theo thánh Phaolô trên chặng đường nguy hiểm tới Rôma, như Thánh Phaolô xác nhận: “Chỉ còn một mình anh Luca ở với tôi” (2 Tm 4:11). Thánh Luca còn được nhắc tới trong Plm 1:24 và Cl 4:14, còn trong 2 Cr 8:18 có thể là Luca hoặc Banaba: “Cùng với anh Titô, chúng tôi cử một người anh em rao giảng Tin Mừng nổi tiếng trong khắp các Hội Thánh”.

Thánh Luca là một trong bốn tác giả sách Tin Mừng, một trong ba Tin Mừng nhất lãm hoặc kinh điển. Phúc âm theo Thánh Luca có thể được viết trong những năm 70 tới 85. Trong Tân ước, Thánh Luca được nhắc tới thoáng qua vài lần, được Thánh Phaolô gọi là “thầy thuốc” trong thư gởi giáo đoàn Côlôsê, ngài là đệ tử của Thánh Phaolô. Các Kitô hữu thời sơ khai coi ngài là thánh tử đạo, nhưng cũng có những tài liệu nói khác nhau.

Giáo hội Công giáo Rôma tôn kính Thánh Luca là thánh sử, các tôn giáo lớn khác tôn kính ngài là thánh bổn mạng của các họa sĩ, các thầy thuốc, các bác sĩ phẫu thuật, các sinh viên và các đồ tể.

Có chứng cớ cho thấy Thánh Luca ở TP Troas, thành này được kể trong vụ hủy hoại thành Troy cổ. Đóng vai đệ tam nhân (ngôi thứ ba số ít), Thánh Luca viết trong sách Công vụ về Thánh Phaolô và các chuyến đi của ngài tới khi họ tới thành Troas, rồi ngài chuyển sang ngôi thứ nhất số nhiều: Chúng tôi.

Dựa vào cách diễn tả chính xác về các thành phố và các hòn đảo, nhà khảo cổ Sir William Ramsay viết: “Thánh Luca là một sử gia hàng đầu, không chỉ bởi các câu nói của ngài về các sự kiện đáng tin... Nên đặt ngài ngang hàng với các sử gia nổi tiếng khác”. Giáo sư khoa cổ điển tại ĐH Auckland là E. M. Blaiklock đã viết: “Đối với chi tiết chính xác, sách Công vụ là tài liệu đáng tin... Khoa khảo cô đã làm sáng tỏ sự thật”. Học giả Colin Hemer, khoa Tân ước, đã đdưa ra nhiều cách hiểu bản chất lịch sử và sự chính xác của các bản văn do Thánh Luca viết.

Truyền thống Kitô giáo nói rằng Thánh Luca là họa sĩ đầu tiên đã vẽ các hình ảnh thánh. Ngài cũng được coi là người đã vẽ hình Đức Mẹ bồng Chúa Con trên vải thô ở Constantinople, nhưng nay đã thất lạc. Số hình ảnh thánh được coi là do Thánh Họa sĩ Luca vẽ lên tới 600 bức trong thời Trung cổ, kể cả họa phẩm “Black Madonna of Częstochowa” (Đức Mẹ Séc da đen) và họa phẩm “Our Lady of Vladimir” (Đức Mẹ Vladimir). Ngài cũng được coi là tác giả họa phẩm chân dung hai Thánh Phêrô và Phaolô, và đã minh họa sách Phúc Âm bằng các bức tiểu họa.

Truyền thống cũng cho biết rằng Thánh Luca đã vẽ cách hình ảnh Đức Mẹ và Chúa Giêsu rất phổ biến, nhất là trong Chính thống giáo Đông phương. Truyền thống còn đồng ý rằng các Kitô hữu của Thánh Thomas ở Ấn Độ vẫn giữ một trong các biểu tượng Theotokos mà Thánh Luca đã vẽ, và được chính Thánh Thomas đem tới Ấn Độ.

Bạo quân George của Serbia đã mua hài cốt của Thánh Luca từ vua Murad II của Ottaman với giá 30.000 đồng tiền vàng. Sau khi Ottaman chiếm Bosnia, cháu gái của George là Mary đã đem hài cốt Thánh Luca đi từ Serbia như của hồi môn, rồi bán cho Cộng hòa Venetia của Ý.

Thánh Luca sống độc thân và qua đời ở tuổi 84 tại Boeotia. Thi hài ngài được chuyển tới Constantinople năm 357. Ngày nay, thánh tích của Thánh Luca được “phân chia” và được lưu giữ ở 3 nơi: Phần thân ở Tu viện Santa Giustina tại Padua, phần đầu ở Thánh đường St. Vitus tại Prague (tức là TP Praha, Cộng hòa Séc), và phần xương sườn ở ngôi mộ của ngài tại TP Thebes (Hy Lạp).

Lạy Thánh Luca, xin nguyện giúp cầu thay. Ngài là lương y, xin chữa bệnh linh hồn chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU