Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

ÐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN

Thanh Thủy
Mối tương quan giữa Chúa Thánh Thần và Ðức Maria là một khía cạnh khá mới trong suy tư thần học về Thánh mẫu học. Theo truyền thống Công giáo, Ðức Maria thường được gọi với những công thức "Trạng sư", "Ðức Mẹ chỉ bảo đàng lành", "Ðấng an ủi", "Ðấng trung gian" ... của Dân Chúa.
Tất cả những công thức trên nói lên vai trò Ðấng dìu dắt chúng ta đến với Chúa Kitô, thế nhưng theo Tân ước, vai trò trên chỉ được gắn cho Chúa Thánh Thần mà thôi. Ðiều này không có nghĩa là những công thức trên sai lạc, nhưng đặt lại vấn đề giúp chúng ta hiểu rõ hơn mối tương quan giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần.

Mối tương quan này được đặt căn bản trên văn bản Tân ước ghi lại trong Tin Mừng theo Thánh Luca 1,35 và sách Tông Ðồ Công Vụ 2,1.13

1. Luca 1,26-38: Trình thuật Truyền Tin.

Trong tất cả các văn bản Thánh Kinh liên quan đến Ðức Maria thì trình thuật truyền tin được coi như bản văn quan trọng nhất. Cho dù cảnh truyền tin đặt trọng tâm vào Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa nhưng cùng lúc Lu-ca đã trưng dẫn điều Maria đón nhận làm cho việc Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử nhân loại có thể thành tựu. Cho nên Lu-ca 1,26-38 còn là văn bản căn bản của khoa "Thánh mẫu học" vì hầu hết mọi phương diện về mầu nhiệm Ðức Maria cũng đều được soi sáng qua bản văn này. Trong bài này, chúng ta chỉ tìm hiểu 2 câu liên quan trực tiếp về mối tương quan giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần:

Thiên sứ vào và chào Maria bằng từ "chairè" (Hãy vui lên). Từ này mang hai ý nghĩa : có thể là một lời chào hỏi đơn thuần như khi hai người Hy lạp gặp nhau họ dùng từ "chairè" để chào nhau, hoặc khi người Do thái chào nhau họ chào bằng câu chúc bằng an "Shalom"; nhưng "chairè" còn mang một nghĩa khác sâu xa hơn như lời mời gọi vào sự vui mừng. Trong Kinh Thánh bản LXX (bảy mươi), từ "chairè" được dùng trong bối cảnh dân Sion được mời gọi vào sự vui mừng thiên sai trong một viễn tượng tương lai (Gio-en 2,21-23; Xô-phô-ni-a 3,14; Da-ca-ri-a 9,9). Vì thế trong trình thuật truyền tin, từ này như thể gợi lại những câu sấm mời gọi vui mừng vì sự cứu chuộc của Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại: "Reo vui lên ! Hỡi thiếu nữ Sion! Hò vang dậy đi nào, It-ra-en hỡi! Hãy vui mừng, hãy hoan hỉ hết lòng, hỡi thiếu nữ Giêrusalem, Án lệnh phạt ngươi, Gia-vê đã rút lại, thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa. Gia-vê của It-ra-en ở cùng ngươi sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ" (Xô-phô-ni-a 3,14-15). Gợi lại câu sấm này, Lu-ca đưa hình ảnh Ðức Maria biểu trưng cho toàn dân giao ước đón nhận biến cố cứu độ rao truyền. Maria như thiếu nữ Sion mới mà từ đây Thiên Chúa sẽ hiện diện ngay cung lòng. Ngài là khuôn mặt của Giáo Hội tông truyền.

Thiên sứ gọi Maria là "Kecharitômenê" nghĩa là "ân sủng". Trong Tân ước, ân sủng luôn luôn là một ân huệ do Thiên Chúa ban. Ðức Maria ở đây được coi như một người đầy ân sủng của Thiên Chúa. Ngài được Thiên Chúa chiếu cố cách đặc biệt và ân sủng đó tồn tại mãi mãi. Ðức Maria là người được Chúa chọn và là người yêu quí của Ðức Vua.

"Dưới bóng Ðấng Quyền Năng". Quyền năng Ðấng Tối cao bao phủ Maria ngợp bóng như mây trải dài bao phủ trong Lều che hòm bia Giao ước và lấp tràn vinh quang Thiên Chúa để biểu hiện vinh quang Người. Trong bối cảnh truyền tin, Ðức Maria chính là đền thờ mới mà vinh quang Chúa nhập thế nơi Ðức Giêsu đến cư ngụ. Ý này cũng dễ hiểu vì một khi ngài là Mẹ Con Thiên Chúa thì ngài cũng là một nơi mới mà Thiên Chúa hiện diện.

2. Công vụ Tông Ðồ 1,14.

Trong tác phẩm thứ hai, Thánh sử Luca còn trình bày Ðức Maria chuyên cần câu nguyện với các Tông đồ sau khi Chúa Giêsu về trời, và chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ðức Maria đã cùng với các Tông đồ cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần xuống trên Giáo Hội sẽ được khai sinh. Chắc hẳn các môn đệ Chúa Kitô đã in giữ sự hiện diện của Ðức Maria trong ngày Giáo Hội hình thành. Bắt đầu từ đây, Ðức Maria khuôn mặt của It-ra-en giữ vai trò là "Mẹ Giáo Hội". "Sứ mạng này bao hàm một vai trò đặc biệt của Mẹ trong việc hình thành và phát triển đời sống Kitô giáo nơi mỗi người, mà hồng ân Thánh thần lại là ơn huệ cơ bản nhất từ đó phát sinh đời sống Kitô giáo, nghĩa là đời sống trong Thánh Thần. Chức làm mẹ thiêng liêng của Ðức Mẹ là làm mẹ theo Thánh Thần" (Chúa Thánh Thần, Ðấng ban sự sống, trang 214).

Tóm lại, chúng ta có thể nói mối tương quan giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần có những nét chính yếu như sau : Ðức Maria là đền thờ sống động nơi Chúa Thánh Thần ngự. Qua mầu nhiệm nhập thể, Ngài trở nên dấu chỉ và là hình ảnh của Chúa Thánh Thần. Vì thế Ðức Maria còn được gọi là "bạn của Thánh Thần" và là "người mang Thánh Thần".