Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

CÔNG VỤ TÔNG ĐỒ

MỘT CUỐN SÁCH VỀ CÁC KỲ CÔNG

        Một ngọn tháp TV vĩ đại nổi bật trên nền trời Đông Đức.  Ngay bên dưới đỉnh ngọn tháp là một nhà hàng quay tròn.  Ý định của chính phủ Cộng Sản là muốn phô trương với Tây Đức.  Nhưng rủi thay, một khuyết điểm trong khi thiết kế đã khiến họ bối rối.  Lý do là bất cứ khi nào mặt trời rọi vào ngọn tháp, thì dưới một góc độ nào đó, ngọn tháp biến thành một cây thánh giá rực rỡ và to lớn.  Chính phủ cho sơn lại ngọn tháp để làm mất đi hình ảnh thánh giá, nhưng cũng hoài công.
       
Những nhà lãnh đạo Do-thái cũng có cùng bài học như vậy sau khi họ đóng đinh Đức Giê-su.  Họ tin là phong trào Ki-tô sẽ chết theo cái chết của Ngài.  Nhưng thực tế lại trái ngược.  Đức Giê-su đã từ cõi chết sống lại và Ki-tô giáo đã lan mạnh như ngọn lửa ào ạt.  Vào khoảng năm 64, Ki-tô giáo đã đâm rễ vững chắc tại kinh thành Rô-ma xa xôi đến nỗi hoàng đế Nê-rô đã lấy làm đích để dồn mọi bách hại vào đó.
        Làm sao Ki-tô giáo đã lớn mạnh từ một hạt giống nhỏ bé trở thành cây cao lớn trong một thời gian thật vắn vỏi như vậy?  Chúng ta hãy dựa vào sách Công Vụ Tông Đồ để tìm ra câu trả lời ấy.

Công Vụ Tông Đồ là sách lịch sử Giáo Hội sơ khai

        Các văn sĩ thời xưa thường dùng từ ngữ Chiến công để nói về những kỳ công của các vĩ nhân.  Thí dụ chúng ta có những Chiến công của thần Hercules, những Chiến công của đại tướng Hannibal, và những Chiến công của Đại vương Alexander.  Những Chiến công của các Tông đồ cũng dựa theo những tác phẩm trên.
        Lu-ca đã viết sách Công Vụ Tông Đồ như những tiếp diễn của sách Tin Mừng (Lc 1:1, Cv 1:1).  Ý định của ngài là kể lại câu truyện những gì đã xảy ra trong vòng ba mươi năm sau khi Đức Giê-su lên trời.  Ngài muốn sách này là câu truyện về Giáo Hội sơ khai.

        Trước khi về cùng Chúa Cha, Đức Giê-su đã nói với các môn đệ:  “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em.  Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:8).

CHÚA THÁNH THẦN NGỰ XUỐNG

        Vào ngày lễ Ngũ Tuần, năm mươi ngày sau khi Đức Giê-su về trời, các Tông đồ đang cầu nguyện trong một căn nhà tại Giê-ru-sa-lem, thì:
“Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp.  Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một.  Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2:2-4).
Kinh nghiệm này đã biến đổi các Tông đồ từ một nhóm người sợ sệt thành một nhóm người rao giảng đầy lòng nhiệt thành.  Đầy ắp quyền lực Thánh Thần, họ đã hăng say làm chứng cho Đức Giê-su
*  bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem,
*  lan rộng đến các vùng Giu-đê và Sa-ma-ri, và
*  tiếp tục đến tận cùng trái đất.

CHỨNG NHÂN TẠI GIÊ-RU-SA-LEM

        Ngay sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, ông Phê-rô đã lên tiếng với đám đông đang tụ tập bàn tán với nhau về “tiếng động như tiếng gió mạnh.”  Phê-rô giải thích mọi việc đã xảy ra.  Họ bị khích động sâu xa do quyền lực của Thánh Thần nơi các Tông đồ.  “Khoảng ba ngàn người” đã tin và được rửa tội ngày hôm ấy (Cv 2:41).

Các Tông đồ chữa lành dân chúng

        Ít ngày sau, Phê-rô và Gio-an lên Đền Thờ cầu nguyện.  Một người ăn xin tàn tật trông thấy các ngài liền đưa tay ra xin tiền.  “Phê-rô nói với anh ta:  ‘Vàng bạc thì tôi không có;  nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây:  nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi!… Anh đứng phắt dậy, đi lại được;  rồi cùng với hai ông, anh vào Đền Thờ, vừa đi vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên Chúa’” (Cv 3:6,8).
        Những ai thấy và nghe phép lạ này đều nhận ra rằng quyền lực chữa lành của Đức Giê-su đã truyền sang các môn đệ Ngài.  Vì thế, dân chúng đã “khiêng cả những kẻ đau ốm ra tận đường phố đặt trên giường trên chõng, để khi ông Phê-rô đi qua, ít ra cái bóng của ông cũng phủ lên được một bệnh nhân nào đó” (Cv 5:15).  Và nhiều người đã được chữa lành.

Các tông đồ bị bách hại

        Phản ứng của các nhà lãnh đạo Giê-ru-sa-lem trước những phép lạ chữa lành này thật dễ dàng đoán được.  Họ ra lệnh cho các Tông đồ phải ngưng ngay hoạt động.  “Nhưng ông Phê-rô và các Tông đồ khác đáp lại rằng:  ‘Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm!’” (Cv 5:29).
        Tiếp đến là một cuộc bách hại Ki-tô hữu dữ dội hơn, cống hiến cho Giáo Hội vị tử đạo tiên khởi là một thầy phó tế trẻ tên là Tê-pha-nô (Cv 7).
        Cuộc bách hại đã đưa đến kết quả thuận theo ý Chúa quan phòng.  Một số đông Ki-tô hữu đã trốn sang Giu-đê và Sa-ma-ri.  Tại đó họ đã rao giảng Tin Mừng về Đức Giê-su và đã có nhiều kẻ tin theo (Cv 8:4).  Như vậy dường như là ngẫu nhiên giai đoạn thứ nhì của sứ mệnh Đức Giê-su trao cho các Tông đồ được khởi phát:  “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy… trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri”…

CHỨNG NHÂN TẠI GIU-ĐÊ VÀ SA-MA-RI

        Một thầy phó tế trẻ tên là Phi-líp-phê đã thành chứng nhân nổi bật tại Sa-ma-ri (Cv 6:5).  Sự hiện diện của Thánh Thần nơi ngài đã tỏa ra mạnh mẽ đến nỗi “các thần ô uế vừa kêu lớn tiếng vừa xuất khỏi nhiều người trong số những kẻ bị chúng ám.  Nhiều người tê bại và tàn tật được chữa lành.  Trong thành, người ta rất vui mừng” (Cv 8:7-8).
        Tin tức về sứ vụ đắc lực của Phi-líp-phê đã khiến Phê-rô và Gio-an tới Sa-ma-ri.  Khi đến, các ngài đặt tay trên những kẻ mới trở lại và cầu nguyện trên họ.  Lập tức Thánh Thần ngự xuống trên những Ki-tô hữu mới trong một “lễ Hiện Xuống tại Sa-ma-ri” (x. Cv 8:17).

Phê-rô rao giảng tại Giu-đê

        Cảm động do thành công của Phi-líp-phê, Phê-rô bắt đầu rao giảng Tin Mừng trong các thành phố khắp vùng Giu-đê.  Một ngày kia đang khi giảng tại Xê-da-rê, trong nhà một viên đại đội trưởng Rô-ma tên là Co-nê-li-ô, Thánh Thần đã xuống trên vị sĩ quan này và cả gia đình ngoại giáo của ông.
        Biến cố đáng kể ấy đã làm thay đổi quan niệm của Giáo Hội trẻ trung về chính mình.  Thánh Thần đã xuống trên những người Do-thái tại Giê-ru-sa-lem trong lễ “Hiện Xuống trên Do-thái” (Cv 2:4) và trên những người nửa gốc Do-thái trong lễ “Hiện Xuống trên Sa-ma-ri” (Cv 8:17), thì giờ đây cũng xuống trên gia đình viên sĩ quan trong lễ “Hiện Xuống trên Dân ngoại” (Cv 10:44).
        Giáo Hội trẻ trung đã lan rộng từ cộng đồng Do-thái tới các dân tộc khác.  Điều rất ý nghĩa, đó là chính Phê-rô đã đích thân chủ tọa trong mỗi biến cố Hiện Xuống mới này.

Phê-rô bị bắt

        Khi Phê-rô trở lại Giê-ru-sa-lem, các nhà lãnh đạo Giê-ru-sa-lem đang chờ đợi ngài.  Họ bắt ngài và tống ngài vào ngục.  Nhưng ngục tù không giữ nổi Phê-rô.  Chỉ một thời gian ngắn sau đó, ngài đã thoát ngục một cách lạ lùng (Cv 12:1-17).
        Sau khi bí mật gặp gỡ các Ki-tô hữu tại Giê-ru-sa-lem, Phê-rô quyết định rời thánh đô.  Ngài thấy rõ sự hiện diện của mình sẽ gây khó khăn không ít cho cộng đoàn Giê-ru-sa-lem.  Theo Êu-sê-bi-ô, một giáo sử gia vào thế kỷ IV, Phê-rô đã lên đường sang Rô-ma.  Việc Phê-rô đến Rô-ma khởi sự cho giai đoạn thứ ba của sứ vụ Đức Giê-su trao cho các môn đệ Ngài:  “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy… cho đến tận cùng trái đất.”

CHỨNG NHÂN GIỮA MUÔN DÂN

        Một đối thủ hàng đầu của Ki-tô giáo sơ khai là một chàng thanh niên tên Sao-lô.  Một ngày kia, Sao-lô lên đường đi Đa-mát.  Bỗng một luồng sáng làm anh lóa mắt và ngã xuống đất.  Có tiếng nói cất lên:  “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?”  Anh ta hỏi:  “Thưa Ngài, Ngài là ai?”  Tiếng đáp lại:  “Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ” (Cv 9:4-5).
        Sao-lô quờ quạng đứng dậy.  Bạn bè đưa tay dắt anh vào trong thành.  Tại đó có một Ki-tô hữu tên là Kha-na-ni-a đã chữa lành cho anh.  Rồi Sao-lô tin và được rửa tội.
        Việc trở lại đạo của Sao-lô khiến các bạn bè Do-thái của anh phải ngạc nhiên.  Từ sửng sốt đó, họ trở nên giận dữ khi Sao-lô bắt đầu rao giảng Đức Giê-su “là con Thiên Chúa” (Cv 9:20).  Rồi Sao-lô phải trốn đi để bảo toàn tính mạng.  Anh đến Tác-xô và ở lại đó một thời gian dài (Cv 9:30).

Ba-na-ba rao giảng tại An-ti-ô-khi-a

        Ba-na-ba là một trong những người đầu tiên trở lại Ki-tô giáo.  Ông bắt đầu rao giảng tại An-ti-ô-khi-a.  Sau một thời gian ông nhận thấy thành phố này chính là nơi lý tưởng cho Sao-lô chia sẻ sứ mệnh với ông.  Vì thế, Ba-na-ba sang Tác-xô đón Sao-lô về (Cv 11:25-26).
        Chính tại An-ti-ô-khi-a là nơi “lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Ki-tô hữu” (Cv 11:26).  Và cũng chính tại đây mà Sao-lô đã đổi cái tên Do-thái của mình để mang cái tên Dân ngoại là Phao-lô.

Cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất của Phao-lô

        Một ngày nọ Thánh Thần đã linh hứng cho cộng đoàn An-ti-ô-khi-a hãy sai Phao-lô và Ba-na-ba đi rao giảng một vòng tại Tiểu Á (ngày nay là Thổ-nhĩ-kỳ).  “Họ đặt tay trên hai ông và tiễn đi” (Cv 13:3).
        Hải cảng đầu tiên các ngài đặt chân đến là đảo Sýp.  Tại đây các ngài rao giảng trong các hội đường và ngay trước mặt viên tổng trấn.  Từ Sýp các ngài đi sang Tiểu Á và ở đó các ngài rao giảng trong các thành phố như I-cô-ni-ô và Lýt-ra.
        Tại Lýt-ra, một câu truyện bất ngờ đã xảy ra.  Người Do-thái nổi giận ném đá Phao-lô và bỏ mặc ngài cho chết luôn (Cv 14:19).  Sau khi Phao-lô bình phục, ngài cùng với Ba-na-ba trở về An-ti-ô-khi-a.  Tính tới lúc ấy, các ngài đã rong ruổi trên đường truyền giáo bốn năm trời và đã mệt mỏi.

Phao-lô và Ba-na-ba đi Giê-ru-sa-lem

        Sau khi trở về An-ti-ô-khi-a một thời gian ngắn, Phao-lô và Ba-na-ba lại đi Giê-ru-sa-lem để tham dự cuộc họp mà người ta gọi là Công Đồng thứ nhất của Giáo Hội:  một cuộc họp của toàn thể các vị lãnh đạo trong Giáo Hội để bàn về những vấn đề của Giáo Hội.  Cuộc họp được triệu tập vì một số Ki-tô hữu gốc Do-thái đã chủ trương rằng những người Dân ngoại phải chịu phép cắt bì trước khi họ muốn thành Ki-tô hữu.
        Các vị lãnh đạo đã cầu nguyện và quyết định chống lại chủ trương trên.  Trong văn kiện của Công Đồng, có một câu như sau:  “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác” (Cv 15:28).  Câu này rõ ràng nói lên việc các ngài xác tín rằng chính Thánh Thần đã dẫn dắt Công Đồng đi tới quyết định trên.

Cuộc hành trình truyền giáo thứ hai của Phao-lô

        Vài tháng sau khi trở về nhà, Phao-lô nóng lòng muốn đi thăm các cộng đoàn ngài đã giảng dạy trước kia.  Do đó ngài đã thu xếp để lên đường lần thứ hai.
        Ngoài việc đến với các cộng đoàn ngài đã thăm viếng, Phao-lô cũng đã lưu lại một số nơi trong vùng Ga-lát và những thành phố như Phi-líp-phê và Thê-xa-lô-ni-ca.  Tại những nơi này, ngài thành lập những cộng đoàn Ki-tô mới.
        Có hai Ki-tô hữu trẻ – Xi-la (Cv 15:36-41) và Ti-mô-thê (Cv 16:1-5) – đã tháp tùng Phao-lô.  Họ đã cùng nhau đem Tin Mừng đến tận lục địa Âu-châu, tới cả những thành phố như A-then và Cô-rin-tô.

Phao-lô rao giảng tại Cô-rin-tô

        Cô-rin-tô là một trung tâm thương mại chính vào thời Phao-lô.  Nhưng thành phố cũng có lắm vấn đề vì những dân cư nơi đó.  Dân tứ xứ từ các nơi trên thế giới đổ về đầy các đường phố, đủ hạng người:  cờ bạc, đĩ điếm và phạm pháp.  Rao giảng cho những người này, Phao-lô lập lại:  “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch” (Mt 5:8).
        Thật là bất ngờ, lời giảng của ngài đã có hiệu quả.  Khi Phao-lô từ giã thành phố vào năm 54, thì cộng đoàn Ki-tô hữu đông đảo tại đây đang lớn mạnh.

Cuộc hành trình truyền giáo thứ ba của Phao-lô

        Chẳng bao lâu sau khi trở về nhà, Phao-lô lại khăn gói lên đường truyền giáo lần thứ ba.  Lần này ngài lại đến thăm những thành phố có các cộng đoàn Ki-tô hữu ngài đã thành lập trước đây.  Rồi ngài đến các thành phố khác và thành lập những cộng đoàn mới.

        Đáng kể nhất là thành công của Phao-lô tại Ê-phê-xô.  Trước khi ngài đến đó, những tay thợ bạc của thành phố đã làm giầu nhờ bán tượng ảnh cho những người ngoại giáo.  Một khi việc rao giảng của Phao-lô kết quả hơn thì cũng là lúc các tay thợ bạc bị lỗ lã trong việc làm ăn.  Do đó tình trạng này đã đưa đến cuộc tranh chấp giữa họ và Phao-lô (Cv 19:23-40).
        Vì muốn lợi cho Ki-tô hữu tại Ê-phê-xô, Phao-lô quyết định tốt hơn ngài nên rời khỏi Ê-phê-xô.  Ngài “mời các môn đệ tới, khuyên nhủ họ, rồi chào biệt và lên đường” (Cv 20:1).
        Phao-lô đã dừng lại một vài nơi, rồi trở về Giê-ru-sa-lem vào năm 58.
        Nhưng những khó khăn của Phao-lô chưa hết đâu, mà thực sự mới chỉ là bắt đầu thôi.

Phao-lô bị bắt

        Việc Phao-lô trở lại Ki-tô giáo và việc ngài rao giảng cho Dân ngoại đã khiến ngài gặp rất nhiều khó khăn đối với người Do-thái tại Giê-ru-sa-lem.  Tình trạng này đã đưa tới việc ngài bị bắt sau khi trở lại thánh đô một thời gian ngắn.
        Nhận thấy mình sẽ không khi nào được xét xử công bằng tại Giê-ru-sa-lem, Phao-lô đã sử dụng quyền công dân Rô-ma của mình và xin các giới chức cho mình được đưa về Rô-ma xét xử.  Lời yêu cầu này đã được thỏa mãn.

Phao-lô đi Rô-ma

        Sách Công Vụ Tông Đồ diễn tả rất tỉ mỉ cuộc hành trình đi Rô-ma này.  Đoạn trình thuật đầy thú vị.  Một thí dụ điển hình là trong thời gian còn lênh đênh trên biển cả, một cơn bão lớn nổi lên, khốc liệt đến nỗi thuyền trưởng “đã ra lệnh cho những ai biết bơi thì nhảy xuống trước bơi vào bờ;  còn những người khác thì bám vào ván hoặc mảnh tàu vỡ mà vào.  Thế là mọi người vào được bờ và được cứu” (Cv 27:43-44).
        Sau những phiêu lưu như thế, Phao-lô đã đến Rô-ma.  Khi ổn định xong xuôi (khoảng năm 61), ngài mời những vị lãnh đạo Do-thái địa phương đến họp.  Họ nóng lòng muốn nói chuyện với ngài:  “Chúng tôi muốn được nghe ông trình bày ý nghĩ của ông, vì chúng tôi biết là phái của ông đến đâu cũng gặp chống đối” (Cv 28:22).
        Phao-lô giải thích Ki-tô giáo cho họ, nhưng họ giả điếc làm ngơ.
        Sách Công Vụ Tông Đồ kết thúc với những lời lẽ sau:  “Suốt hai năm tròn, ông Phao-lô ở tại nhà ông đã thuê, và tiếp đón tất cả những ai đến với ông.  Ông rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy về Chúa Giê-su Ki-tô, một cách rất mạnh dạn, không gặp ngăn trở nào” (Cv 28:30-31).

CÂU TRUYỆN KHÔNG ĐOẠN KẾT

        Sách Công Vụ Tông Đồ đã kết thúc một cách đột ngột mà không cho chúng ta biết chuyện gì đã xảy ra cho Phao-lô sau này.  Truyền thống kể lại rằng Phao-lô bị chém đầu vì đức tin vào khoảng năm 67.
        Tại sao Lu-ca đã không nói cho chúng ta biết điều gì đã xảy tới cho Phao-lô?  Tại sao Lu-ca đã bỏ lửng câu truyện trong Công Vụ Tông Đồ?
        Một trong những giả thuyết thỏa đáng nhất, đó là Lu-ca đã bỏ lửng sách Công Vụ Tông Đồ bởi vì câu truyện thực sự chưa kết thúc.  Việc rao giảng Tin Mừng chưa chấm dứt.  Chính chúng ta phải hoàn tất công cuộc rao giảng Tin Mừng.  Nước Thiên Chúa đã được khởi sự do Đức Giê-su và tiếp tục do Giáo Hội sơ khai, và giờ đây tới phần chúng ta.

ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

        1.  Công Vụ Tông Đồ 4:1-21            Khuyến cáo
        2.  Công Vụ Tông Đồ 9:32-43           Phép lạ
        3.  Công Vụ Tông Đồ 15:1-35           Quyết định
        4.  Công Vụ Tông Đồ 19:23-40 Nổi loạn
        5.  Công Vụ Tông Đồ 27         Đắm tàu

THẢO LUẬN

        1.  Bạn hãy suy nghĩ về ý nghĩa của việc Thiên Chúa quan phòng trong những cuộc bách hại Giáo Hội sơ khai.
2.  Thế nào là những chiều kích khác nhau của biến cố “Hiện Xuống?”
        3.  Tại sao thành công tại Cô-rin-tô lại là một bất ngờ?

CHIA SẺ

        1.  Trong bức thư gửi từ nhà giam Birmingham, Tiến sĩ Martin Luther King viết:  “Nếu Giáo Hội hôm nay không có được tinh thần hy sinh của Giáo Hội sơ khai…, thì nó sẽ bị giải tán tựa như một nhóm người ái mộ không còn hợp thời nữa.”  Ông ta muốn nói gì và tại sao bạn đồng ý hoặc bất đồng với ông?  Nếu một vị giám mục xin bạn đề hãy đề nghị làm những gì giúp cho Giáo Hội hợp thời hơn, thì bạn sẽ đề nghị điều gì?
        2.  Phao-lô có một trở ngại về thể xác mà ngài không nói ra là điều gì.  Ngài chỉ nói:  “Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này.  Nhưng Người quả quyết với tôi:  ‘Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối’” (2 Cr 12:8-9).  Bạn hãy giải thích lời Chúa nói với Phao-lô.  “Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12:10).  Bạn hãy nhớ lại và chia sẻ về một lần nào đó bạn cảm nghiệm được quyền lực Thiên Chúa khi bạn yếu đuối.
        3.  Đâu là trở ngại khiến bạn không cố gắng “hoàn tất” câu truyện sách Công Vụ Tông Đồ bỏ dở?  Bạn có thể đóng góp những gì?



The Catholic Vision  II – 16
Mark Link, S.J.
Chuyển ngữ:  Lm Trần đình Nhi