Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2023

ĐAM MÊ CỦA TÙ NHÂN NGUYỄN VĂN THUẬN

Hy vọng là giá trị đáng mọi người ước ao. Đam mê là động lực giúp con người vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Thông thường, niềm hy vọng nằm sâu trong tâm thức con người. Nó chỉ được vực dậy và khẳng định trong những giờ phút đen tối của cuộc đời. Mà theo thánh Tôma Aquinô hy vọng là một trong những hình thức của đam mê. Lược qua cuộc đời của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê, chúng ta sẽ thêm xác tín về niềm đam mê này nơi ngài, đồng thời tìm được câu trả lời cho những vấn đề liên quan đến đức cậy của Kitô giáo: Hy vọng nơi Ngài là gì ? Hy vọng là sự sống đời đời và là chính Chúa. Nỗi đam mê của Ngài là đam mê sự sống đời đời và đam mê chính nguồn Hy vọng.

Trước tiên, đam mê niềm hy vọng hay sự sống đời đời nơi Ngài được vun trồng từ trong gia đình. Trong phần đầu của cuốn Chứng nhân Hy vọng gồm các bài giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và Giáo Triều Rôma, ngài dành ít lời kính tặng mẹ Êlisabet, ngài viết: “Người đã giáo dục con từ khi con còn ở trong lòng mẹ. Mỗi tối mẹ kể cho con lịch sử các thánh tử đạo Việt Nam… Mẹ là người phụ nữ mạnh mẽ đã chôn xác các anh em mình bị những kẻ phản bội thảm sát…” Tất nhiên, hình ảnh ấy ăn sâu trong ký ức của Ngài không chỉ như một nghĩa cử cao đẹp mà còn đọng lại trong ngài một niềm tin vào sự sống vĩnh cửu. Niềm hy vọng ấy còn được mẹ ngài làm sống động qua truyện các thánh tử đạo Việt Nam, và việc các Ngài lãnh triều thiên tử đạo trên trời. Ngoài ra, việc mẹ ngài tự tay chôn cất các anh em mình đã chết khi bị các kẻ thù giết hại trong các cuộc thảm sát, đã nuôi trong ngài lòng trắc ẩn đối với những người chống đối mình và niềm cảm thương, cùng một niềm tin vào sự sống lại của người đã khuất. Những hình ảnh này đã ăn sâu bám chặt trong tâm thức của ngài ngay từ tuổi thơ và sau này khi sinh hoạt ở tiểu chủng viện. Có thể nói, những bài hát về các thánh tử đạo mà thầy Thuận hát thuộc lòng cũng đã khơi dậy niềm tự hào và còn làm tăng thêm nỗi đam mê hy vọng, đam mê đời sống vĩnh cửu nơi bản thân.

Niềm đam mê ấy còn được biểu hiện trong niềm phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa mà vị Giám Mục trẻ này đã sống mỗi ngày. Đôi khi những kế hoạch và những dự định của ta thường không phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Thật vậy, với sức năng động và sáng tạo của vị Giám Mục trẻ của giáo phận Nha Trang và tầm ảnh hưởng lớn trong hàng ngũ Giám Mục Châu Á (một trong những người sáng kiến của ngài là lập nên đài phát thanh Chân Lý Á Châu còn tồn tại đến ngày nay), Đức Cha Thuận đáng được Đức Gioan Phaolô II tin tưởng đặt làm Phó tổng Giáo Phận Sài Gòn. Với những thao thức lớn lao muốn xây dựng Giáo Hội địa phương ngày càng tốt đẹp hơn - điều này thật chính đáng và tốt lành, nhưng Chúa lại có một chương trình khác cho ngài.

Vào ngày 15 tháng 8 năm 1975, lễ Mẹ hồn xác lên trời, “lúc Mẹ lìa bỏ thế gian mà về với Chúa”, thì ngài sống ơn gọi đặc biệt làm chứng nhân Hy Vọng cho môi trường mới. Ngài tâm sự: “Trong cuộc hành trình, tôi bắt đầu ý thức rằng mình đang mất tất cả” [1], cả đến chức linh mục đời đời cũng bị xoá sổ; chưa hết, cả đến tên gọi cũng bị thay thế bằng một con số xếp dài theo những con người bị tước đoạt nhân phẩm. Họ được gán một bảng hiệu to tướng “cải tạo”. Chính lúc ngài tưởng chừng như bị tước đoạt tất cả, khi không còn gì để mất, ngài nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa dành cho mình. Ngài bộc bạch: “Từ đây, nhà tù này đã là ngôi nhà thờ chính toà đẹp nhất của tôi và những tù nhân này, không loại trừ ai, đã là dân của Thiên Chúa được tín thác cho việc chăm sóc mục vụ của tôi” [2].

Để đi đến một xác tín như trên, ngài đã phải trả giá bằng sự thinh lặng của Thiên Chúa, ngài viết: “Trong đêm đen của lòng tin, trong phục vụ, trong khiêm hạ, ánh sáng của niềm hy vọng đã thay đổi quan niệm của tôi” [3], nghĩa là từ đây Chúa muốn ngài phục vụ không phải một giáo phận mà liên giáo phận từ nam chí bắc; không chỉ những con chiên lạc trong tù mà cả những người thuộc các tôn giáo bạn, những lính canh tù nữa ! Chính lúc ngài chấp nhận từ bỏ việc Chúa là phục vụ giáo phận, ngài đã chọn chính Chúa và quyết thực hiện ý muốn của Người. Quả thật, ý muốn Thiên Chúa vượt xa mọi dự phóng con người.

Trước đây, “Sự lìa xa giáo dân là một cú ‘Sốc’ làm tan nát tim tôi” [4] và những tiếng chuông báo giờ dâng lễ trong ngày vang lên từ các nhà thờ gần nơi ngài bị bắt giam càng làm cho lòng ngài quặn đau, thì bây giờ, sự chia sẻ nghịch cảnh với những bạn tù của ngài là niềm vui trong nỗi đam mê phục vụ hy vọng và ơn cứu độ phổ quát cho con người. Thiên Chúa còn gợi hứng lòng quảng đại của ngài đến những người cách nào đó đã bắt bớ mình. Ngài nói: “Trong thời gian tôi bị bắt giam, tôi được giao cho năm người canh gác. Họ thay phiên nhau luôn luôn, có hai người ở với tôi. Các cấp chỉ huy nói với họ: ‘Cứ mỗi hai tuần chúng tôi sẽ thay đổi các anh bằng một nhóm khác, để các anh không bị ‘tiêm nhiễm’ bởi ông Giám Mục nguy hiểm này”. Sau một thời gian, chính họ lại đổi quyết định: “Chúng tôi sẽ không thay đổi các anh nữa, bởi nếu không thì Giám Mục đó sẽ tiêm nhiễm tất cả công an của chúng ta” [5]. Như thế, chúng ta nhận ra một biểu hiện khác của nỗi đam mê niềm hy vọng nơi ngài là khát khao phục vụ cho ơn cứu độ của mọi người mà ngài gặp gỡ.

Qua đó, chúng ta nhận thấy nỗi đam mê chính đáng luôn có một hấp lực lôi kéo người khác cả những người không cùng chính kiến. Như thế, đam mê Hy Vọng của Đức Hồng Y vượt ra ngoài tường luỹ Giáo Hội. Đam mê ấy đầu tiên chỉ được manh nha trong lòng mẹ và chính gia đình của ngài rồi lan rộng khắp nơi trong nước và được nhân rộng đến quốc tế (những người đã nghe và đọc những tác phẩm của ngài). Có thể nói, chính tình yêu đặt để trong con người đam mê ấy một sức bật vượt mọi giới hạn, từ đó, giúp ngài ra khỏi mình để đến các vùng ngoại biên mà phục vụ quên mình vì Nước Trời. Đồng thời, nỗi đam mê ấy được chính thức mọi người biết đến khi Chúa soi sáng cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (nay là thánh Giáo Hoàng) mời giảng tĩnh tâm cho Giáo Triều Roma. Khi được Đức Thánh Cha hỏi: “Đức Cha đã chọn đề tài nào chưa ?”, ngài trả lời: “…có lẽ con có thể nói về Niềm Hy Vọng”. Và rồi ngài đã giảng bằng tất cả nhiệt huyết của một chứng nhân. Quả thật, ngài xứng đáng được Đức Bênêdictô XVI bàn đến trong thông điệp Spe Salvi như một chứng nhân niềm hy vọng. Phải chăng chính trong nỗi thống khổ gian nan nơi lao tù mà hạt giống của niềm hy vọng nơi vị tôi tớ Chúa đã được nảy mầm sinh hạt gấp trăm ? 

Thiết tưởng, chính khi vị tôi tớ Chúa xác tín rằng “sống phút hiện tại với tất cả tình yêu” mà nỗi đam mê niềm hy vọng ấy được Chúa chúc lành và mặc khải cho vị phúc nhân thấy kế hoạch yêu thương của Ngài là đem ơn cứu độ đến cho mọi nước mọi dân. Cái giá quá đắt để trả cho niềm đam mê này là 13 năm tù, thật sự như một thách đố cho người thời đại và có thể nên cớ vấp phạm cho kẻ kém tin !

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.