Kinh Tin Kính là bản tóm lược chính thức của niềm tin tôn giáo. Kinh Tin Kính Kitô giáo đã có một lịch sử lâu dài và đôi khi phức tạp. Từ những lời dạy căn bản trong thời các thánh Tông Ðồ, qua sự phát triển của những câu hỏi khuôn mẫu cho việc tuyên xưng đức tin trong phép rửa tội, đến những tuyên ngôn trưởng thành trong các công đồng như Nicaea, Constantinople I, và kinh Tinh Kính của các Thánh Tông Ðồ.
1. Việc tuyên xưng đức tin trong Phép Rửa
Trong Tân Ước cũng như trong thời giáo hội sơ khai đã không có một kinh Tin Kính chính thức. Dầu vậy, đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy các chân lý căn bản đã hình thành một phần của việc giảng dạy của các tông đồ về “Kerygma” (sự công bố về ơn cứu rỗi qua Ðức Kitô). Thoạt đầu là việc tuyên xưng một Thiên Chúa hằng sống; các thánh Tông Ðồ giảng về sự sinh ra, sự chết và sự sống lại của Ðức Giêsu Kitô như Con Thiên Chúa và việc Chúa Thánh Thần đến trong thế gian. Các câu Kinh Thánh liên hệ đã được tìm thấy trong các thư (Do-thái 3:1; 4:14); (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:15); (Rô-ma 6-17); (Cô-lô-sê 2:7); (Ê-phê-sô 4:5). Nhiều đoạn trong sách Tông Ðồ Công Vụ đã cho thấy việc tuyên xưng đức tin đã được đòi hỏi trong phép rửa tội. Trước khi Phi-líp rửa tội cho viên hoạn quan người Ê-thi-ô-pi-a, ông này đã tuyên xưng: “Tôi tin Ðức Giêsu Kitô là con Thiên Chúa.” (8:36-38). Bà Lydia đã tuyên xưng: “Nếu các ngài đã xét là tôi đã tin thật vào Chúa...” (16:14-15). Các đoạn tương tự như ở các thư (Rô-ma 10:9); (Ê-phê-sô 1:13).
Qua thế kỷ thứ II, thánh Justin Tử Ðạo xác định nghi thức rửa tội, theo đó các tân tòng phải ăn chay, cầu nguyện xin Chúa tha tội. Họ sẽ được dội nước nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Cuối cùng, tài liệu Tông Truyền (Apostolic Tradition) của Hippolytus thành Roma đã qui định nghi thức rửa tội cùng với việc tuyên xưng đức tin. Bản tuyên xưng này rất gần với kinh Tin Kính cổ ở Roma mà hiện nay giáo hội vẫn còn dùng trong nghi thức rửa tội (ba câu hỏi và thưa: ‘con tin’). Ðến giữa thế kỷ thứ III, nhiều công thức của đức tin với một vài khác biệt nho nhỏ đã được phát triển trong những giáo hội lớn đặt căn bản trên công thức Ba Ngôi do Chúa Kitô xác định cho phép Rửa Tội (Mát-thêu 28:19).
Các thánh phụ hay những nhà thần học nổi tiếng cũng có những công thức đức tin cho riêng giáo khu của mình như Ignatius thành Antioch, Eusebius thành Caesarea, Irenaeus thành Lyons, Polycarp thành Smyrna. Thánh Justin Tử Ðạo trong hai bản văn của ngài, Apology và Dialogue with Trypho phản ảnh những bản tuyên ngôn đức tin ngắn liên hệ tới cả hai công thức Ba Ngôi và Kitô học dùng để chuẩn bị cho các tân tòng. Vì vậy. cùng với những câu hỏi trong Phép Rửa, những công thức tuyên xưng đức tin từ từ đã được hình thành đễ rồi trở thành một khuôn mẫu như kinh Tin Kính.
2. Kinh Tin Kính cổ ở Roma
Trong tập “Chú giải về kinh Tin Kính của các Tông Ðồ”, ông Rufinus thành Aquileia đã ghi nhận rằng kinh nói trên và kinh Tin Kính cổ ở Roma chỉ khác nhau vài chữ. Ông nói rằng các thánh Tông Ðồ trước khi ra đi rao giảng đã thỏa thuận với nhau về một biểu hiệu (symbolon) ngắn cho những điều các ngài sẽ rao giảng. Ðiều này phù hợp với bản “Explanatio sumboli ad initiandos” có lẽ của thánh Ambros; và bản Tông Truyền ở thế kỷ thứ IV liên quan với qui tắc đức tin mà các thánh Justin Tử Ðạo, Irenaeus và ông Tertullian tin rằng đã truyền xuống từ các thánh Tông Ðồ. Ðây chính là kinh Tin Kính “cũ” mà chúng ta vẫn đang đọc hàng ngày trong gia đình.
3. Những kinh Tin Kính trong các Công Ðồng
a. Kinh Tin Kính của Công Ðồng Nicaea
Công Ðồng Nicaea diễn ra ở Antioch năm 325, qui tụ các Ðức Giám Mục ở Palestine, Arabia, Phoenicia, Coele-Syria và Cappadocia mục đích để bầu Giám Mục mới cho Antioch. Tuy nhiên các ÐGM đã nhân cơ hội này công bố một tuyên ngôn đức tin nhằm chống lại bè rối Arianism. Bản tuyên ngôn này đã thêm các câu “từ bản thể (substance. Trước đây đã được dịch là bản tính) của Ðức Chúa Cha” và “cùng bản thể với Ðức Chúa Cha” (homoousios). Bản tuyên xưng nói trên đã được các vị sau đây công nhận: thánh Athanasius, thánh Basil thành Caesarea; đồng thời được đưa vào công vụ của các công đồng Ephesus (431) và Chalsedon (451).
b. Kinh Tin Kính của Công Ðồng Constantinople I
Mặc dù không lấy trực tiếp từ kinh tin kính ở Công Ðồng Nicaea, nhưng bản tuyên ngôn đức tin ở Công Ðồng Constantinople I năm 381 chỉ là sự tái xác định tuyên ngôn của Công Ðồng năm 325, với một vài cải đổi để dùng trong phụng vụ và nội dung được hội nhập với những đòi hỏi thần học của công đồng này. Có lẽ bản tuyên xưng đức tin này đã phản ảnh tuyên ngôn đức tin đầy đủ hơn được ghi nhận bởi Thượng Hội Ðồng ở Constantinople năm 382.
Ông Theodore thành Mopsuestia ghi nhận rằng 150 nghị phụ ở Công Ðồng Constantinople I chỉ đơn thuần xác định kinh Tin Kính Nicaea. Các ngài đã thêm câu “Từ Ðức Chúa Thánh Thần và Trinh Nữ Maria” để bảo vệ tín điều liên quan tới Ngôi Ba Thiên Chúa. Công Ðồng Chalcedon (453) xác định rằng: “Kinh Tin Kính của 318 cha thánh ở Công Ðồng Nicaea nên được giữ nguyên; và vì những người chống lại Chúa Thánh Thần, kinh ấy phê chuẩn phần dạy thêm của 150 cha thánh qui tụ ở vương thành (Constantinople, 381) quan hệ tới bản thể của Chúa Thánh Thần, không như sự viện dẫn cho bất cứ điều gì thiếu sót từ những vị tiền nhiệm của họ, nhưng là xác định qua những dẫn chứng của Kinh Thánh quan niệm của các ngài về Chúa Thánh Thần...” Kinh Tin Kính của Constantinople I, bắt nguồn từ kinh Tin Kính Nicaea, được đọc tại Công Ðồng Chalcedon đã trở thành kinh Tin Kính mà ngày nay chúng ta thường dùng trong các thánh lễ (mẫu dài).
Các câu được thêm như “Ngài đã nhập thể từ Chúa Thánh Thần và Trinh Nữ Maria” trực tiếp minh chứng đức tin trước bè rối Apollinarianism. Câu “Nước Ngài sẽ không bao giờ cùng” (lấy từ Lu-ca 1:33) được thêm vào để đánh đổ bè rối của Marcellus thành Ancyra. Câu “và là Ðấng ban sự sống” có căn nguyên từ các thư (2 Cô-rin-tô 3:17-18), (Rô-ma 8:2), và Phúc Âm theo thánh Gioan (6:63), được thêm để phá vỡ bè Pneumatomacchians hay Macedonians.
Chính Ðức Kitô đã diễn tả Chúa Thánh Thần như “Thần Khí chân lý đến từ Ðức Chúa Cha” (Gioan 15:26). Câu: “Ngài đã nói qua các tiên tri” đã được thu nhập từ thư (2 Phê-rô 1:21). Câu: “Ðấng cùng với Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con cùng được phụng thờ và cùng được tôn vinh” đã đến từ giáo huấn của thánh Athanasius và của thánh Basil thành Caesarea. Cuối cùng những câu liên quan tới giáo hội, phép rửa, sự tha tội, sự sống lại của kẻ chết, và sự sống đời sau không có trong kinh Tin Kính Nicaea nhưng đã có trong tất cả những công thức tuyên xưng đức tin của phép Rửa Tội từ ban đầu.
Có một điểm vẫn gây thắc mắc trong giới thần học là tại sao các nghị phụ không dùng chữ Homoousios (đồng bản thể) với Ðức Chúa Cha, khi nói về Ðức Chúa Thánh Thần, như các ngài đã dùng cho Ðức Chúa Con? Lời giải thích qua các dữ kiện lịch sử cho thấy rằng các ngài chỉ muốn “nhẹ tay” với bè rối Macedonians và mong cho họ trở lại.
Trong các giáo hội Tây Phương, kinh Tin Kính của Công Ðồng Constantinople I đã không được “nồng nhiệt” đón nhận vì các nghị phụ của công đồng này đã chỉ muốn nâng chức giám mục thành Constantinople lên hàng thứ nhì sau Roma. Mãi đến đầu thế kỷ thứ IX các giáo hội Tây Phương mới bắt đầu dùng kinh Tin Kính này.
4. Kinh Tin Kính của các thánh Tông Ðồ (Apostle’s Creed)
Kinh Tin Kính được dùng để dạy tân tòng hầu như luôn luôn là kinh Tin Kính cổ ở Roma. Ông Rufinus thành Aquilea đã minh chứng những dữ kiện cho thấy sự hiện diện của một kinh Tin Kính do các thánh Tông Ðồ ở Roma viết và ở Aquilea trong hậu bán thế kỷ thứ IV. Một kinh Tin Kính rất tương tự đã được dùng ở Milano.
Một tài liệu được gọi là Textus Receptus của kinh Tin Kính của các Thánh Tông Ðồ do ông Pirminius thành Reichenau trưng dẫn trong tập Scarapus hay “Sổ tay của tín điều Kitô giáo” của ông vào khoảng giữa các năm 710 và 724. Kinh Tin Kính của các thánh Tông Ðồ này đã thay thế kinh Tin Kính Constantinople khoảng cuối thế kỷ thứ X, trước khi có cuộc phân chia Ðông, Tây. Ðến triều đại của Ðức Giáo Hoàng Innocent III (d. 1216) bản Textus Receptus của kinh Tin Kính của các thánh Tông Ðồ đã được toàn giáo hội Tây Phương công nhận như kinh Tin Kính chính thức. Thánh Tô-ma A-qui-nô (Thomas Aquinas) cũng chấp nhận kinh này. Các nhà cải cách Tin Lành như Luther, Calvin và Zwingli cũng công nhận kinh này như tài liệu căn bản cho đức tin Kitô giáo.
Ngày nay đôi khi giáo hội Công Giáo đã thêm vào kinh Tin Kính của các thánh Tông Ðồ những đoạn cần thiết để phù hợp với hoàn cảnh, như khi thu nhận một người từ bè rối trở lại, khi có cuộc tuyên xưng đức tin của các tân giám mục, giáo sư thần học v.v...
Công Ðồng Vatican II năm 1963 và thượng hội đồng ở Rhodes năm 1964 đã khơi lại tầm quan trọng của kinh Tin Kính của các thánh Tông Ðồ. Hiện tại kinh này đã trở thành tài liệu căn bản và khởi đầu cho những thương thảo về hòa đồng giữa các giáo hội Kitô.
Như vậy, kinh Tin Kính “cũ” của chúng ta đã có từ thời các thánh Tông Ðồ. Kinh “mới” thường được dùng trong các thánh lễ ngày Chúa Nhật là kinh Tin Kính từ Công Ðồng Nicaea, năm 325. Trong suốt chiều dài lịch sử của Giáo Hội, đôi khi kinh này được thêm câu cần thiết để phù hợp với những sự kiện đã xảy ra (như để xác định sự sai lầm của một bè rối).
Trong các tập “Missa Hôm Nay” (Today’s Missal) dành cho các giáo dân tham dự thánh lễ ở Mỹ, cả hai kinh đã cùng được in và khuyến khích dùng tùy theo hoàn cảnh.
Tín lý và thần học chỉ hữu ích cho kẻ có lòng tin, và khi người ta đã có lòng tin thì tín lý và thần học chính là hành động của họ. Sống đức tin mới quan trọng, ngôn ngữ ở trường hợp này đã trở nên thứ yếu. Lịch sử kinh Tin Kính Nicaea cho thấy đã có sự tương đối về việc nên hay không nên thêm một câu nào đó vào kinh này. Nhiều điều đã do hoàn cảnh tạo nên!
LM. Phaolô Nguyễn Văn Tùng (tổng hợp)
Nguồn: Lm Paul T. Nguyen