Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2023

“TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN”

 WHĐ (24.02.2023) - Vị mục tử nào nói: “Tôi tin Chúa Thánh Thần”, nên tự hỏi mình một số câu hỏi cơ bản để khám phá hoạt động của Thánh Thần nơi các tín hữu của mình.

Vị mục tử sẽ hỏi một cách cụ thể: “Thiên Chúa hiện diện trong đời sống người dân tôi như thế nào? Người dân của tôi đón nhận sự hiện diện của Ngài như thế nào? Người dân của tôi tuyên xưng Chúa Thánh Thần như thế nào? ” Và trong câu hỏi đó, vị mục tử sẽ phải ghi nhớ rằng cách “tuyên xưng” không chỉ là biểu hiện của một niềm tin, mà sự thể hiện bằng hành vi đó còn làm cho một người trở nên tốt hay xấu; vị mục tử cũng sẽ nhớ rằng “tuyên xưng” là cầu nguyện, một lời cầu nguyện đan xen giữa sự im lặng và lời nói, giữa sự tôn kính và nghi thức.


Những gợi ý mục vụ cho việc dạy giáo lý về Chúa Thánh Thần


“Còn anh em biết Ngài, vì Ngài luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.” (Gioan 14:17). Đây có vẻ là một khởi đầu tốt cho việc dạy giáo lý về Thánh Thần. Vì nếu chúng ta không quyết tâm thờ phượng Thánh Thần bằng cách sống của chúng ta, thì cuối cùng chúng ta sẽ giống như những kẻ khờ dại chỉ nhìn chằm chằm vào ngón tay, khi đối mặt với một ngón tay chỉ lên mặt trăng!


“Anh em biết Ngài, vì Ngài luôn ở giữa anh em …” là lời mời gọi để nhận biết Thánh Thần Thiên Chúa không phải là một điều gì đó mơ hồ, một thụ tạo giữa những thụ tạo khác… nhưng với sự chắc chắn liên quan đến một Thiên Chúa riêng biệt: Đấng “ngự” trong anh em (Rm 8: 11), Đấng là “Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa.” (Rm 8:16), Đấng làm cho chúng ta được kêu lên: “Cha ơi!” (Rm 8, 15), Đấng “chuyển cầu” cho chúng ta: (Rm 8, 26), Đấng “đã được sai đến ngự trong lòng anh em” (Galát 4, 6).


Theo nghĩa này, thật hữu ích khi xem qua các bản văn của các Giáo phụ, có đầy đủ các tham chiếu về việc xức dầu trong ngôi vị Thánh Thần đó, một việc xức dầu giống như việc xức dầu mà Thánh Cyrilô thành Alexandria đề cập đến khi ngài viết: “Nếu, với ấn tín của Thánh Thần, chúng ta đồng nhất với Thiên Chúa, thì làm thế nào mà ấn tín ấy, vốn ghi dấu nơi chúng ta hình ảnh của Thiên Chúa, và làm cho các dấu hiệu thuộc bản chất phi tạo thành hiện hữu nơi chúng ta, lại được tạo thành? Chúa Thánh Thần không phải là một nghệ sĩ mô tả bản chất của Thiên Chúa trong chúng ta, như thể Ngài xa lạ với bản chất đó: đây không phải là cách Ngài dẫn chúng ta nên giống Thiên Chúa; nhưng chính Ngài, là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ghi dấu ấn chính Ngài trong lòng những người tiếp nhận Ngài như đóng con dấu trên sáp”.[1]


“Anh em biết Ngài, vì Ngài luôn ở giữa anh em …”: đây phải là sự khởi đầu của việc dạy giáo lý về Thánh Thần; và từ đó trở đi, sự khôn ngoan mục vụ sẽ gợi ý những khoảnh khắc mạnh mẽ về hành động của Thánh Thần, một kiểu “khi nào” của Thiên Chúa. Các đề xuất có thể xuất hiện ở các dạng như sau:


a) Khi nghịch cảnh không gây phiền hà gì đến chúng ta, không làm chúng ta tê liệt, không làm chúng ta bực mình, và chúng ta nói: “Chúa ôm chặt, nhưng không làm ngạt thở” và chúng ta khẳng định một ý chí tiếp tục sống bởi vì “điều đó đáng sống”. Thánh Thần ở trong chúng ta, vì đây là Thánh Thần của sự mạnh mẽ, Đấng làm cho chúng ta cảm thấy rằng “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Philíp 4:13).


b) Khi đối mặt với sự không thể cứu vãn - cái chết của một người thân yêu, sự ra đời của một đứa trẻ khuyết tật, một cặp vợ chồng không thể có con - chúng ta có thể nói với đức tin: “Thiên Chúa muốn điều đó theo cách này” và chấp nhận nó với sự thanh thản, và ôm lấy sự phong nhiêu ẩn kín trong nỗi đau, trong khi những kẻ ngốc nghếch sẽ chỉ nhìn thấy cái chết hoặc sự mệt mỏi của cuộc sống. Chính Thánh Thần đã đánh thức niềm hy vọng cao cả hơn này và làm cho chúng ta sống mối phúc cuối cùng của Tin Mừng: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Gioan 20:29).


c) Khi chúng ta chuẩn bị làm điều gian ác, nhưng chúng ta không làm vì “điều đó xảy ra ngoài ý muốn của chúng ta” hoặc vì “chúng ta bị xúi giục”. Thánh Thần đã đến để giúp đỡ chúng ta, bởi vì đó là “sự sáng chứa chan hồng phúc, xin chiếu soi tràn ngập tâm hồn tín hữu của Ngài” và đó là Đấng hướng dẫn “chỉnh đốn lại chỗ trật đường” (Ca Tiếp Liên Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ).


d) Khi cay đắng nhận ra tội lỗi của mình, vì “sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7:19), chúng ta không tuyệt vọng, nhưng tìm kiếm sự tha thứ. Thánh Thần, Đấng bênh vực bảo vệ chúng ta trước mặt Thiên Chúa Cha (1Gioan 2: 1), nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta phải tự trấn an bất cứ khi nào lòng chúng ta lên án chúng ta, “vì Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta” (1Gioan 3: 19-20).


e) Khi chúng ta buộc mình phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, không tự khẳng định mình một cách kiêu ngạo, nhưng để mình tùy thuộc vào sự sắp đặt của Thiên Chúa.


Khi chúng ta cố gắng hiểu biết về Thiên Chúa, về thế giới và về bản thân, và chúng ta có thể nhận ra rằng mọi thứ đều là ân huệ của Thiên Chúa.


Khi chúng ta hài lòng với thành quả của nỗ lực của mình, nhưng chúng ta nhận ra rằng mọi thứ đều là ân huệ của Thiên Chúa.


Khi chúng ta có thể hiểu rằng sự vâng phục của chúng ta đối với Thiên Chúa không phải là sự phục tùng của nô lệ, và mối ràng buộc của chúng ta với Thiên Chúa mang lại cho chúng ta tầm vóc và sự kiên định đích thực của chúng ta.


Khi chúng ta yêu gia đình và bạn bè của mình mà không tìm cách thống trị họ hoặc phục tùng một cách nô lệ, nhưng sống ngay chính với người khác và với chính mình.


Khi chúng ta thấy mình được liên kết tốt đẹp hơn với Thiên Chúa và cảm thấy hạnh phúc khi phục vụ anh em.


Khi chúng ta nhận ra rằng câu chuyện không bắt đầu và kết thúc với chúng ta…


Trong những giây phút đó, Thánh Thần ngự trong chúng ta và “đặt” chúng ta làm con cái của Chúa Cha, và anh em của Chúa Con, khiến chúng ta nghe thấy và kêu lên: “Abba! Cha ơi!" ( Rôma 8:15; Galát 4: 6).


f) Khi chúng ta tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu, và tin vào quyền năng của Thánh Thần của Ngài trong các bí tích, và sự kéo dài của sự hiện diện và quyền năng đó trong các bí tích; và chúng ta tuyên xưng khả năng sinh sôi và quyền năng thanh tẩy trong nước thánh tẩy, khả năng tháp nhập chúng ta vào Chúa Kitô qua việc xức dầu - thực tế là chúng ta đã “được xức dầu bởi Đấng Thánh” (1Gioan 2:20) - và chúng ta tôn thờ Mình và Máu của Chúa trong Bí tích Thánh Thể, và chúng ta cảm thấy Chúa đồng hành với chúng ta trong lời nói và cử chỉ của các Bí tích. Chính Thánh Thần ban cho chúng ta đức tin và dạy chúng ta mọi điều chúng ta cần (Gioan 16: 13-15).


g) Khi chúng ta trung thành với di sản đức tin đã truyền lại cho chúng ta, và trung thành canh giữ mọi điều đã được dạy dỗ cho chúng ta, thì chính Thánh Thần nhắc nhở chúng ta về tất cả những điều này (Gioan 14:16), chính cùng một Thánh Thần là Đấng đã nói qua các tiên tri và là Đấng chỉ cho chúng ta hướng đi của những bước đi đích thực của lịch sử cứu độ.


h) Khi chúng ta tin vào Giáo hội, dân Chúa và phẩm trật, mặc dù đó là Giáo hội gồm mọi người - gồm các vị thánh và những tội nhân - “chúng ta tin rằng Thánh Thần cai quản chúng ta và hướng dẫn linh hồn chúng ta đến sự cứu độ cũng là một Thánh Thần trong Chúa Kitô, Chúa chúng ta, là chàng rể và trong Hội thánh là tân nương của Ngài; bởi vì Hội thánh - Mẹ thánh của chúng ta - được hướng dẫn và điều khiển bởi cùng một Thánh Thần và Chúa chúng ta, Đấng đã ban Mười Điều Răn”[2].


* * *


Những cơ hội này đem lại cho những tín hữu của chúng ta một khởi đầu tốt đẹp cho việc dạy giáo lý về Chúa Thánh Thần, bởi vì chính những hành động của dân Chúa cho thấy sự hiện diện của Chúa Thánh Thần: “Không ai có thể nói rằng: "Chúa Giêsu là Chúa", nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1Cr 12, 3).


Thay vì trú thân sau những hành động có vẻ tinh tuyền, chúng ta được kêu gọi hướng mình đến những khu vực có manh mối báo hiệu rõ ràng trước con đường, nơi đó chúng ta phân định một địa hình thích hợp để xác nhận những gì có thể xác nhận, củng cố những gì còn yếu kém, sửa chữa những gì đã đi chệch hướng.


Đó là một con đường thay thế giữa sự ngây thơ thoải mái của những người nói “mọi thứ đều ổn cả” và thái độ chỉ trích thái quá mà đằng sau nó lại che giấu những giả định ý thức hệ, vốn dĩ cuối cùng sẽ phá hủy những gì đã được bắt đầu, bằng cách không muốn hiểu.


Chúng ta nên đưa việc chăm sóc mục vụ của mình vào khuôn khổ dựa trên cùng một niềm hy vọng mà Giáo hội khuyến khích chúng ta cầu nguyện cho những người hấp hối: “Lạy Chúa, chúng con phó dâng cho Chúa linh hồn này là người đã không chối bỏ Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,” thừa nhận giá trị của những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa làm nơi tín hữu của chúng ta.


Trung thành với Thánh Thần


Đối với chúng ta, dường như có ba bước chính để dạy về sự trung thành với Thánh Thần. Chúng ta xây dựng chúng theo cách này:


1) Nhận biết Thánh Thần như một bản thể cá vị. Các gợi ý mục vụ mà chúng tôi đã bày tỏ, tập trung vào tuyên bố: “Anh em biết Ngài vì Ngài vẫn ở với anh em”, có xu hướng củng cố niềm tin vào một ngôi vị vốn “cư ngụ”, “kêu gọi”, “tác động”…


Mặc dù đúng là Thánh Thẩn được mời gọi đến là để tỏ cho thấy sự khôn tả của Thiên Chúa, trong Ba Ngôi, nhưng điều này không biện minh cho sự im lặng về Thánh Thần khi chúng ta dạy giáo lý, ngay cả khi chúng ta nói với những người dân đơn sơ của chúng ta.


2) Ý thức rằng Thánh Thần là nơi gặp gỡ với Chúa Cha và Chúa Con. Trong một số phong trào hiện nay, có một mối nguy là một thứ “Hạ phục thuyết” (subordinationism) sẽ hoạt động với mặt trái của nó. Một cách vô tình, Thánh Thần bị nhầm lẫn với bất cứ một thứ “thần khí” nào đó - nói chung là nhầm lẫn với “thần khí” của riêng chúng ta - và do đó, Chúa Cha bị ra lệnh phải tuân theo các kế hoạch của chúng ta, và Chúa Con bị điều khiển để cứu độ thế gian theo cách của chúng ta, và Giáo hội bị chỉ bảo phải tiếp tục công việc cứu rỗi như thế nào.


Ai đó đã từng nói: “Tất cả chúng ta đều có một chú chim nho nhỏ trong đầu; nhưng rắc rối là một số người tin rằng đó là Chúa Thánh Thần ”.


3) Vâng phục Thánh Thần, chứ không phải thao túng Thánh Thần. Chính Thánh Thần “đã phán qua các tiên tri,” như Kinh Tin Kính của chúng ta tuyên xưng, cho thấy rằng cùng một Thánh Thần hiện diện trong toàn bộ lịch sử nhân loại, mang lại cho lịch sử đó sự thống nhất và ý nghĩa.


Thánh Thần của sự kết hợp chứ không phải của những mâu thuẫn dẫn đến bế tắc; và chúng ta biết rằng Thánh Thần vượt qua những mâu thuẫn bế tắc chẳng hạn như “đặc sủng đối lại với thể chế”, “không tưởng đối lại với thực tại”, v.v…


Chính Thánh Thần là Đấng làm cho chúng ta hòa hợp với tình trạng thụ tạo của chúng ta như một điều kiện để đạt đến phẩm giá của chúng ta là những người con và chính Thánh Thần thuyết phục chúng ta rằng lịch sử không bắt đầu và không kết thúc với chúng ta.[3]


Phêrô Phạm Văn Trung

Chuyển ngữ từ: laciviltacattolica.com (17.08.2020)


[1] Cyril of Alexandria,Thesaurus of the Holy and Consubstantial Trinity, 34.


[2] Thánh Inhaxiô thành Loyola, Linh Thao, số 365. Thánh Inhaxiô, trong Bài giảng về giáo lý Kitô giáo (một báo cáo mô tả việc tông đồ ở Rôma bằng tiếng Ý), cũng nói: “Vì Giáo hội là một hội thánh của các tín hữu Kitô giáo, và được Chúa là Thiên Chúa của chúng ta soi sáng và cai quản, chúng ta phải hiểu rằng chính cùng một Chúa của chúng ta, Đấng đã ban Mười Điều Răn, cũng là Đấng chính yếu trong những đấng ban ơn cho Hội Thánh, để những người còn lại của chúng ta mỗi khi vâng phục và phục vụ Quyền Uy của Ngài chắc chắn sẽ được cứu độ.”


[3] Văn bản này được trích từ M. Á. Fiorito, Escritos, III, Rome, La Civiltà Cattolica, 2019, 339-346.


Miguel Ángel Fiorito, SJ

và José Luis Lazzarini, SJ

La Civiltà Cattolica