“Chúa Kitô là tấm bánh được gieo vào cung lòng trinh nữ Maria, được dậy men trong xác thân của Mẹ Maria, được nhào luyện trong sự thương khó, được nung nấu trong lò luyện mồ, được lưu trữ trong Giáo Hội, được phơi bày trên bàn thờ để thành bánh trời cho mọi người hằng ngày.” (Peter Chrysologus). Chính vì thế mà Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gọi Mẹ là “Người Nữ Thánh Thể.” Bởi vì, nơi Mẹ chất chứa mầu nhiệm của Đức tin, Mẹ là ngôi đền thờ sống động của Thiên Chúa. Nơi Mẹ chan hòa tình yêu, một tình yêu dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa Cha.
Vì lẽ đó, chúng ta cùng tìm hiểu về Mẹ Maria kính yêu của chúng ta, để yêu mến Mẹ nhiều hơn và cùng Mẹ tôn sùng Chúa Giêsu Thánh Thể.
I. Đức Maria, Người nữ của niềm tin
Đức Maria luôn tin tưởng vào Chúa một cách tuyệt đối. Chính Thánh Augustino chứng nhận “Mẹ đã cưu mang Lời của Thiên Chúa trước khi cưu mang Đấng Cứu Thế”.
Thật vậy, Mẹ đã tin lời sứ thần truyền như là Lời Chúa phán cùng Mẹ, sẽ được thực hiện: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ Thần truyền.” (Lc 1,38)
Nhờ Đức tin mà Mẹ nhận ra rằng Con Mẹ sinh ra sẽ là Đấng Cứu Thế. Với đức tin, Mẹ đã dấn bước theo sát Chúa Kitô trong suốt hành trình sứ vụ, trên con đường núi Sọ và can đảm đứng dưới chân Thập giá.
Do đó, khi nói về đức tin của Mẹ Maria, Thánh Alphongso đồng ý với Cha Suarez khi nói: “Rất thánh Đồng trinh Maria đã có đức tin hơn tất cả mọi người và thiên thần. Mẹ đã nhìn Con mình trong máng cỏ Belem và tin Người là Đấng Tạo hóa của vũ trụ”.
Niềm tin của Mẹ thật sống động, đáng được ca tụng và đáng được nêu gương cho các tín hữu: “Mẹ đã thấy Người thoát khỏi tay Hêrôđê và tin Người là Vua các Vua. Mẹ đã thấy Người được sinh ra và tin Người đã có từ đời đời. Mẹ đã thấy Người nghèo hèn, cần lương thực và tin Người là Chúa của vũ trụ. Mẹ đã thấy Người nằm trong cỏ rơm và tin Người là Đấng quyền năng. Mẹ quan sát đã thấy Người không nói và tin Người khôn ngoan vô cùng. Mẹ đã nghe người khóc và tin Người là niềm vui của Thiên đàng. Sau cùng, Mẹ đã thấy Người trong sự chết, bị khinh bỉ và chịu đóng đinh, mặc dù đức tin của những người khác lung lay, Đức Maria vẫn tin vững vàng rằng Người là Thiên Chúa.” (Glories of Mary Part IV, chapter 4)
Như vậy, theo Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: “Theo một nghĩa nào đó, Đức Maria đã sử dụng đức tin Thánh Thể của mình ngay trước khi Bí tích Thánh Thể được thiết lập.”
Quả thật, Mẹ là người nữ của niềm tin tuyệt vời.
II. Maria, Ngôi nhà Tạm của Ngôi Lời
Khi nghe Thiên sứ báo tin Mẹ sẽ thụ thai, sinh hạ con trai, Người là Con của Đấng Tối Cao…Mẹ liền thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng.” (Lc 1, 34). Đó là thắc mắc hiện sinh mang tính con người của Mẹ, biểu hiện đức tin siêu vượt của Mẹ. Thật vậy, sau khi được giải thích, Mẹ thưa tiếng xin vâng với sứ thần Gabriel, ngay tức thì nơi Mẹ xảy ra Mầu Nhiệm Nhập Thể. Mẹ đã hiến dâng cung lòng trinh khiết, vẹn toàn của Mẹ để Ngôi Lời Thiên Chúa ngự vào. Mẹ trở nên đền thờ sống động cho Đấng Cứu Thế: “Bà sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai.” (Lc 1, 31) Vì thế mà trong kinh cầu Đức Mẹ có chép “Đức Mẹ như đền vàng” và “Đức Mẹ như hòm bia Thiên Chúa.”
Do đó, trong thông điệp Giáo Hội về Bí tích Thánh Thể, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Mẹ đã mang trong cung lòng Ngôi Lời làm người, Mẹ trở nên một “Nhà Tạm” một cách nào đó. “Nhà Tạm”đầu tiên trong lịch sử. Trong đó, Con Thiên Chúa chưa thấy được với mắt loài người được bà Isave tôn thờ, như thể chiếu tỏa ánh sáng của Ngài qua ánh mắt và tiếng nói của Đức Maria”
Như vậy, Mẹ chính là Ngôi nhà Tạm hoàn mỹ của Ngôi Lời Thiên Chúa.
III. Đức Maria, Tấm bánh hy tế dâng lên Thiên Chúa
Cùng với Chúa Giêsu và trong Đức Giêsu, Mẹ là người nữ diễm phúc được Thiên Chúa tuyển chọn và chúc phúc “Đấng đầy ơn phúc.” (Lc 1, 28). Đấng được mọi người ca tụng. Đặc biệt qua lời ca bất hủ của Bà Elizabet “Bởi đâu, tôi được Mẹ Thiên Chúa đến thăm tôi.” (Lc 1, 43)
Cả cuộc đời Mẹ là tấm bánh, hy tế tiến dâng Thiên Chúa. Bởi vì mọi hành vi cử chỉ, lời nói ý nghĩ Mẹ đều qui hướng về Thiên Chúa, luôn sống đẹp lòng Thiên Chúa “Bà đẹp lòng Thiên Chúa.” (Lc 1, 30) Nên ngay biến cố truyền tin, Mẹ nhận ra “từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.” (Lc 1, 48)
Nhưng diễm phúc của Mẹ là diễm phúc của sự hy hiến “chính nơi bà một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” (Lc 2,35)
Thật vậy, ngay lúc sinh con, Mẹ đã gặp cảnh “màn trời chiếu đất” sống nơi đồng hoang hiu quạnh, chuồng súc vật (Lc 2,7). Khi sinh con rồi phải trốn chui, trốn lủi nơi đất khách quê người (Mt 2,13 -18). Năm con 12 tuổi thì bị lạc con trong đền thờ. Đau đớn hơn nữa, khi cùng con từng bước từng bước tiến dần đến đỉnh đồi Can vê để thi hành Ý Cha. Nhất là dưới chân Thập giá, hơn ai hết Mẹ đã hiệp thông đau khổ của mình nên một với Con yêu dấu là Chúa Giêsu đê trở nên tấm bánh hy hiến dâng tiến Chúa Cha.
Như vậy, “trong suốt cuộc đời của Mẹ, bên cạnh Chúa Kitô, và không chỉ trên đồi Canvê, Đức Maria đã lấy chiều kích hy tế của Bí tích Thánh Thể làm của mình” (TĐ GH về BTTT của ĐTC Gioan Phaolô II) mà hiến dâng Thiên Chúa Cha.
Kết luận
Chúng ta nhận ra Mẹ là người nữ Thánh Thể qua việc Mẹ dẫn dắt chúng ta đến với Chúa Giêsu nơi Bí tích cực Thánh: “Vì giữa Mẹ và Bí tích này có một mối liên hệ sâu xa” (Gioan Phaolô II). Vì thế mà Đức Gioan Phaolô II mời gọi mỗi người: “Hãy sống Bí tích Thánh Thể bằng chính niềm tin và tình yêu của Mẹ Maria, một trinh nữ lắng nghe, một trinh nữ nguyện cầu. Một trinh nữ hiến dâng, một hiền mẫu trinh nguyên, một trinh nữ gương mẫu và cũng là Bà Thầy của lòng tôn thờ thiêng liêng trong cuộc sống thường ngày, đã biến đổi chính Mẹ thành của lễ hiến dâng đẹp lòng Thiên Chúa”
Ước gì trong cuộc đời thánh hiến, chúng ta biết siêng năng chạy đến trường học của Đức Maria, người nữ Thánh Thể để chúng ta được biến đổi mỗi ngày thành của lễ tình yêu vẹn toàn dâng lên Chúa Cha.
Sr. Thiên Lan, OP
AS số 250
https://daminhtamhiep.net/2012/10/duc-maria-nguoi-nu-thanh-the/