Tôi đã định chia sẻ với mọi người thật nhiều về một câu chuyện tôi gặp được ở một làng quê êm ả phía bắc Việt Nam, một làng quê có đời sống xã hội và đời sống đạo đầy nét tinh khôi mà tôi đã được trải nghiệm trong một chuyến đi công việc ngắn ngày. Những người dân quê mộc mạc, những sinh hoạt kinh sách rân ran các khu ngõ ban đêm, những hình ảnh các bạn trẻ và thiếu niên đầy ắp sân Nhà Thờ mỗi tối để học bổn, để tập hát, để đọc kinh, những hình ảnh bà mẹ già oằn lưng trên những luống rau sân nhà nhưng miệng vẫn lẩm bẩm lời kinh Mai Khôi… Anh em ở tại chỗ nói với tôi: “Ở đây không bao giờ mất cắp, chỉ có một lần nhà kia có quả bầu bị cắt mất một nửa, có lẽ do bọn trẻ nó nghịch”.
Hôm ấy, hôm ở Xứ Đạo miền quê ầy, sau bài đọc một trong Thánh Lễ, bài đáp ca có lời của Chúa nói với mọi người: “Chớ đem thần lạ về nhà, thần ngoại bang chớ hề cúng bái”. ( Đáp ca ngày thứ sáu sau Chúa Nhật III Mùa Chay, Thánh Vịnh 80 ).
Câu xướng trong bài đáp ca đã làm cho lòng tôi băn khoăn và suy nghĩ rất nhiều, suy nghĩ về một cuộc sống của cộng đồng Dân Thiên Chúa, suy nghĩ về những cơn bão táp loạn lạc trong xã hội, bao giờ nó đến, bao giờ nó quét qua bầu khí tinh ròng này, khi nào thì các thần lạ sẽ lần mò xâm nhập ? Bao giờ thì nó tàn phá như đang tàn phá rất nhiều nơi trên mảnh đất thân yêu Việt Nam ? Những cảm xúc ấy vẫn theo tôi cho đến khi trở lại Sàigòn.
Nhưng rồi đến khi ngồi vào bàn phím máy vi tính, tôi đã bị hút vào một câu chuyện khác nóng bỏng hơn, vì thế xin đành hẹn lại một dịp khác, tôi sẽ quay trở lại câu chuyện làng quê miền Bắc. Vâng, tôi bất ngờ lướt qua trang mạng của Nhà Dòng, mục “Việt Nam Tuần Qua”, thì nghe được cô Huyền Trang, phóng viên của Truyền Thông Chúa Cứu Thế, chia sẻ với mọi người một câu chuyện khác, câu chuyên về một chứng nhân, được mệnh danh là người tù xuyên thế kỷ, Ông Nguyễn Hữu Cầu ( xin xem: www.chuacuuthe.com, https://www.youtube.com/watch?v=tthomX3wcT0 ).
Trước năm 75, ông là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa, ông bị bắt và bị lên án tử hình, và phải ngồi tù suốt 37 năm qua. Đến trước Tết 2014, người cháu nội của ông đã viết thư cho Chủ Tịch nước để xin cho ông được về với gia đình, nghe nói đã có nhân viên an ninh đến nhà thông báo ông sẽ được về trước Tết, vậy mà đến Tết ông vẫn biệt vô âm tín. Sau Tết, người cháu nội ấy lại một lần nữa viết thư xin cho ông trở về, và cuối cùng ông vừa được thả về tuần qua.
Điều bất ngờ là khi trở về với gia đình, ông thu xếp để lên thành phố khám bệnh, đã đến thăm ngay Nhà Dòng chúng tôi, ông cho biết trong tù ông đã trở thành Kitô hữu, cha Giuse Nguyễn Công Đoan, Dòng Tên, bạn tù với ông, đã âm thầm cử hành Bí Tích Thánh Tẩy cho ông đúng Lễ Phục Sinh 1986, đặt tên Thánh là Gioan Baotixita. Bây giờ thì ông xin chúng tôi dẫn vào Nhà Thờ Kỳ Đồng Sàigòn để cám ơn Chúa và Đức Mẹ, ông đã khóc rất nhiều trong Nhà Thờ, người tù xuyên thế kỷ tưởng đã cạn khô nước mắt nay lại dâng trào, ông véo mạnh liên tục vào hai tay của mình mà hỏi: “Tôi có nằm mơ không ?”
Trong chương trình “Việt Nam Tuần Qua”, ông chia sẻ về hành trình Đức Tin của mình, một người tù xuyên thế kỷ được gặp Chúa và những người tù khác đã được gặp Chúa, họ được biến đổi hoàn toàn, những hận thù đau đớn biến mất trong ông, còn lại chỉ là niềm bình an sâu xa, sức mạnh tinh thần và lòng yêu thương, những người khác cũng vậy, ông kể về một bạn tù: “Nó biến đổi hoàn toàn, không còn như xưa nữa, trước đây nó là trùm của các trùm, nay đã thay đổi”.
Điều làm tôi xúc động khi ông kể, lúc bị biệt giam, dây xích quấn quanh cổ chân ông, ông ngồi trong tư thế như vậy ngày này qua ngày khác, nhưng ông bình an vì ông dùng chính dây xích ấy để làm tràng hạt Mai Khôi, cứ vậy, giờ này qua giờ khác, ông lần từng mắt xích lao tù như lần từng đóa hồng dâng Mẹ, và trong dòng sông kinh nguyện Mai Khôi ấy, ông được bình an. Một bài hát cầu nguyện ông sáng tác trong tù, ông đã đổi từ chữ “hận thù” ra chữ khác vì lòng ông không còn hận thù nữa.
Thật lạ khi xem và nghe ông chia sẻ trong chương trình “Việt Nam Tuần Qua”, một tù nhân mang án tử, một người tù xuyên thế kỷ, không một chút hận thù, không mặc cảm sợ xệt, không tự ty thành kiến, ông bình tĩnh và làm chứng về sức mạnh và tình thương. Tôi muốn tự hỏi lại mình, hỏi lại hành trình Đức Tin của chính mình, hỏi lại những xác tín của đời mình, hỏi lại mình trước tấm gương Nguyễn Hữu Cầu, tôi gọi ông là “chứng nhân Đức Tin”.
Cám ơn Nhà Dòng, cám ơn cô Huyền Trang, và cám ơn những người cộng tác, cám ơn một cố gắng “loan báo Tin Mừng theo cách thức mới”.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, Chúa Nhật 30.3.2014