Thứ Tư, 1 tháng 6, 2022

Tại sao Chúa Thánh Thần lại được tượng trưng bằng chim bồ câu?

Hôm nay là lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Trong các bức ảnh được trưng bày trong nhà thờ hoặc trên áo lễ mà linh mục mặc khi cử hành thánh lễ, người ta vẽ hay thêu hình một chim bồ câu để tượng trưng cho Chúa Thánh Thần. Tại sao Chúa Thánh Thần lại được tượng trưng bằng một chim bồ câu? Hình ảnh ấy có ý nghĩa gì?

Trước khi trả lời cho những câu hỏi vừa nêu lên, tôi xin phép lưu ý hai điểm sau đây: thứ nhất, không phải lúc nào chim bồ câu cũng tượng trưng cho Chúa Thánh Thần; thứ hai, Chúa Thánh Thần không phải chỉ được tượng trưng bằng chim bồ câu mà thôi. Tôi xin bắt đầu với điểm thứ nhất, đó là: chim bồ câu không chỉ dành để tượng trưng cho Chúa Thánh Thần. Phong tục bình dân cũng như nghệ thuật còn dùng chim bồ câu để tượng trưng cho những thực tại khác nữa. Một biểu tượng đầu tiên là tính chất đơn sơ thật thà, dựa trên lời của Chúa Giêsu: các con hãy khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như chim câu (Mt 10,6). Một biểu tượng nữa là tâm hồn trong trắng. Chúng ta còn nhớ tích chuyện thánh Biển đức thấy linh hồn của cô em của mình, Scholastica, bay về trời dưới dạng của chim bồ câu. Một biểu tượng khác, quen thuộc hơn với chúng ta, đó là hoà bình tượng trưng bởi con chim câu ngậm cành ô liu. Nguồn gốc của điển tích này là sách Sáng thế: sau khi lụt hồng thủy đã cạn rồi, ông Noe thả con quạ ra đi thám thính; quạ ta thấy nhiều xác chết nên có chỗ làm ăn và không quay về tàu nữa; đến lượt ông Noe thả con chim câu ra, nó lượn một lát vội quay trở về liền. Bảy ngày sau, ông Noe lại thả nó ra, lần này nó bay đi một lát và trở về miệng ngậm cành ô liu, cho thấy nước đã cạn rồi. Và cũng từ đó, hình ảnh con chim câu ngậm cành ô liu tượng trưng cho cảnh vật đã trở lại thanh bình sau những thời giặc giã xáo trộn. Những ý nghĩa vừa nói của chim bồ câu rất dễ hiểu. Nhưng mà còn có những ý nghĩa khác có vẻ thâm thúy hơn, hoặc phải quen với Kinh thánh thì mới hiểu được. Thí dụ như chim bồ câu tượng trưng cho hạng người thanh bạch, vì dựa theo tục lệ của Cựu ước quy định về việc dâng lễ phẩm: dân nhà nghèo không có tiền sắm lễ vật đắt tiền thì kiếm lấy đôi chim câu để dâng cho Chúa. Tục lệ đó được thánh sử Luca nhắc tới (2,24) khi thuật lại rằng ông Giuse và bà Maria dâng hài nhi Giêsu vào đền thờ, và sau đó đã chuộc lại với đôi chim câu. Một ý nghĩa nữa có lẽ hơi xa lạ với tâm tình người Việt, đó là chim câu tượng trưng cho tình nhân. Chúng ta thấy biểu tượng này ở trong Kinh thánh, sách Diễm tình Ca. Ở chương 1, câu 15, (và chương 4 câu 1) đôi mắt của cô nàng được ví như những bồ câu. Sang chương 2 câu 14 (và chương 5 câu 2), cô ta được gọi là “bồ câu của anh ơi”! Thánh vịnh cũng nói tới cánh bồ câu lướt bay mau lẹ (68,14; 55,7).

Những ý nghĩa ấy có dính dáng chi với Chúa Thánh Thần không?

Tôi chắc thế nào khi thấy con chim câu với cành ô liu cũng có người liên tưởng tới Chúa Thánh Thần, Thánh Thần của an bình thuận hoà, hiệp nhất. Nhưng nguồn gốc gần hơn cả của việc tượng trưng Chúa Thánh Thần với chim bồ câu lấy từ Tân ước. Chị con nhớ cảnh Chúa Giêsu lãnh phép rửa ở sông Hoà giang chứ? Các Phúc âm đều thuật lại liền đó tầng trời mở ra, một chim câu đáp xuống trên đức Giêsu, đồng thời có tiếng phán trên không trung: “Này là Con Ta rất yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng”.

Tân ước có ý muốn nói gì khi mô tả Thánh Thần đáp xuống trên đức Giêsu dưới hình chim bồ câu?

Đã có nhiều lối giải thích khác nhau. Có người thì cho rằng Phúc âm muốn ví việc Thánh Thần đáp xuống cách êm thắm tựa như chim bồ câu (J. Jeremias). Có người thì liên tưởng đến cảnh tạo dựng nói ở sách Sáng thế (1,2), khi thần khí lượn trên mặt nước, được truyền thống Do thái so sánh với chim bồ câu: như vậy Thánh Thần được ví như là khai mào công cuộc tái tạo vũ trụ với sứ mạng của đức Kitô. Có người thì liên tưởng tới cảnh chim bồ câu của Noe sau cơn hồng thủy, là là mãi mới tìm được chỗ đáp: một cách tương tự như vậy, Chúa Thánh Thần đã tìm thấy nơi đức Giêsu một bãi tốt để đáp xuống, đổ tràn xuống những hồng ân mà ngôn sứ Isaia đã loan báo.

Nhưng đó là nói tới việc Chúa Thánh Thần đáp xuống trên đức Kitô vào lúc lĩnh phép rửa; chứ còn trong ngày lễ Hiện xuống thì Chúa Thánh Thần đâu có đáp xuống các môn đệ dưới hình bồ câu?

Dĩ nhiên, đây là một sự gán ghép nhiều hình ảnh chồng chất lên nhau. Bởi vì Thánh Thần đáp xuống trên đức Kitô tại sông Hoà giang dưới hình bồ câu, cho nên từ đó mỗi lần mô tả việc Chúa Thánh Thần đến thì các hoạ sĩ đều vẽ hình chim bồ câu. Thí dụ như trong cảnh Truyền tin cho đức Mẹ ở Nazareth, nhiều khi chúng ta thấy hoạ sĩ vẽ bồ câu đáp xuống trên đức trinh nữ, nhằm diễn tả lời của thiên sứ Gabriel đọc thấy ở Tin mừng theo thánh Luca, chương 1 câu 35: “Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên chị”. Trở lại với vấn đề lễ Hiện xuống thì sách tông đồ công vụ tả lại biến cố này dưới hình ảnh lưỡi lửa. Thực ra thì các bức tranh vẽ cảnh nhà tiệc ly đều có các lưỡi lửa trên đầu đức Mẹ Maria và các thánh tông đồ.

Lưỡi lửa tượng trưng cho cái gì vậy?

Có lẽ cần phải tách ra hai hình ảnh khác nhau: một bên là lưỡi và một bên là lửa. Lưỡi là cơ quan để mà nói; vậy thì có thể hiểu là Chúa Thánh Thần ban cho các tông đồ ơn để nói. Nói không những theo nghĩa là đi giảng Tin mừng mà còn theo nghĩa là nói lên lời tán dương ca rao những kỳ công của Chúa: nói cách khác, lời để giảng và lời để ca khen chúc tụng. Tuy nhiên, lưỡi ở đây còn có nghĩa sâu hơn nữa. Trong tiếng La-tinh, lưỡi (lingua) còn có nghĩa là ngôn ngữ, tiếng nói (thí dụ: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt, tiếng Tàu thì cũng đều nói được là “lưỡi” (langue) Anh, Pháp, Việt, Tàu vv). Các nhà chú giải Kinh thánh đều nhận thấy rằng biến cố Hiện xuống lật lại tình thế của tháp Baben. Tại Baben, vì tội kiêu ngạo loài người đã bị phân tán thành nhiều ngôn ngữ bất đồng, chẳng ai hiểu ai nữa. Còn trong ngày Hiện xuống, thì tuy có nhiều lưỡi (tức là nhiều ngôn ngữ) nhưng tất cả đều có thể nghe và hiểu được Tin mừng. Đây là dấu hiệu tính cách hoàn vũ của Hội thánh nhờ tác động của Chúa Thánh Thần: tuy bao gồm nhiều chủng tộc ngôn ngữ khác nhau, nhưng tất cả đều hợp nhất trong một đức tin.

Thế còn lửa ám chỉ cái gì?

Lửa thường ám chỉ cái gì sốt nóng. Trong trường hợp này, nó có thể ám chỉ lòng nhiệt thành rao giảng Tin mừng; nhưng tiên vàn nó ám chỉ tình yêu sốt mến được đốt lên bởi Thánh Thần của tình yêu (Sách Diễm Ca 8,6 đã ví tình yêu với lửa). Những ý nghĩa đó còn được biểu lộ qua phẩm phục màu đỏ dùng trong phụng vụ lễ Hiện xuống (đỏ như lửa). Ngoài ra, thánh Antôn Pađôva (năm nay kỷ niệm 800 năm sinh nhật), đã ví 7 công hiệu của lửa tương ứng với 7 ơn Chúa Thánh Thần như sau: thứ nhất, lửa đốt rụi làm cho những cây cao phải ngã gục; tương ứng với ơn kính sợ Chúa, làm cho ta nên khiêm nhường. Thứ hai, lửa hàn sì những nứt nẻ, tương ứng với ơn thảo hiếu hàn gắn những tâm hồn chia rẽ. Thứ ba, lửa soi sáng vào chỗ tối tăm, tương ứng với ơn thông hiểu. Thứ bốn, lửa thâm nhập thấu tới những chỗ cứng cỏi nhất tựa như sắt; tương ứng với ơn mạnh bạo. Thứ năm, lửa luôn bừng cháy lan rộng, tương ứng với ơn chỉ giáo, thúc đẩy hành động chứ không chịu ở yên. Thứ sáu, lửa luôn bốc lên cao, tương ứng với ơn minh luận, hướng về những sự trên trời. Thứ bảy, lửa đi tới đâu thi tăng thêm năng lượng tác động tới đó; tương ứng với ơn khôn ngoan thượng trí, điều khiển tất cả các hành vi nhân đức (Prediche. Nel dì di Pentecoste).

Trên đây, cha có nói là Chúa Thánh Thần còn được tượng trưng bằng những hình ảnh khác nữa. Cha có thể cho biết đó là những hình ảnh nào?

Chắc chị đã biết là trong tiếng Do thái, “thánh thần” (ruah) có nghĩa là gió. Sách tông đồ công vụ kể lại rằng trong ngày Hiện xuống có tiếng động, gió thổi mạnh. Nhưng mà làm sao mà vẽ được gió? Chỉ có cách là biểu thị qua những hậu quả của nó, tựa như các cửa bị bật toang, hay là các ngọn lá bị cuộn trong cơn lốc. Một hình ảnh nữa là bàn tay hay cánh tay, dựa trên Phúc âm theo thánh Luca 11,20 (Mt 12,28). Thánh ca kinh chiều lễ Hiện xuống cũng gọi Thánh Thần là “ngón tay thần hiệu Chúa thiên đàng”, lẽ ra dịch sát là: ngón tay hữu của Chúa Cha (digitus paternae dexterae): ngón tay (bàn tay) ám chỉ quyền năng tác động: Chúa Thánh Thần là Đấng tác tái tạo vạn vật. Dựa theo Phúc âm thánh Gioan, Thánh Thần cũng được biểu thị như mạch nước hằng sống tuôn ra (Ga 7,37-39). Sau cùng, có nơi còn vẽ Thánh Thần dưới hình của một đám mây: trong Cựu ước, đám mây biểu lộ sự tỏ hiện vinh quang Chúa; trong sứ điệp truyền tin cho đức Maria, thiên sứ Gabriel sau khi khẳng định: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên chị” liền thêm “quyền năng Đấng Tối cao sẽ rợp bóng trên chị”, một hình ảnh của đám mây phủ hòm bia thánh trong Cựu ước (Lc 1,35; Xh 16,10). Để kết luận, nên biết rằng truyền thống của Giáo hội không chấp nhận hình dung Chúa Thánh Thần như một nhân vật, mà chỉ chấp nhận qua những biểu tượng nói lên tác động của Ngài mà chúng ta đã điểm qua: chim bồ câu, lửa, lưỡi, ngón tay hay bàn tay, mạch suối, đám mây (xem thêm Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 694-701).

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, op.