(Hình ảnh lấy từ nguồn Internet) |
Trong tâm tình sám hối, Lm Ns Văn Chi (*) đã trải niềm tâm sự qua bài Thánh ca “Giọt Lệ Trong Lời Kinh”. Giai điệu và tiết tấu của bài này không cầu kỳ nhưng vẫn có thể thu hút lòng người, và có điều gì đó khiến cõi lòng chùng xuống, lắng đọng,…
“Giọt Lệ Trong Lời Kinh” được tác giả lồng trong nhịp 4/4. Cả bài là những lời van xin tha thiết, là lời cầu nguyện chân thành, với niềm mong ước được “nên người” như Chúa muốn.
Phần phiên khúc được viết ở âm thể thứ, với ca từ đầy chất thơ:
1a. Những mùa Thu đã tới, những mùa Thu qua đi, con van xin Ngài làm con chiên ngoan đạo. Rồi những mùa Thu héo hắt, góp từng cơn gió heo may, lá úa tàn theo gió bay.
1b. Những hạt kinh thắm thiết đắm chìm trong Thu sang, mênh mông dịu hiền là giấc mơ hiền hòa. Rồi những mùa Thu đến mãi, vượt qua cõi không gian, tiếng kinh con nguyện cầu là tâm tư đời hiến dâng.
Mùa Thu là mùa được dùng để ám chỉ đời người. Phải chăng vì mùa Thu có sự thay đổi sắc màu và có lá rụng? Cả cuộc đời phàm nhân, suốt đường trần lữ hành, tứ thời bát tiết, mùa đến rồi mùa đi, ước mơ vẫn chỉ là ước mơ, mãi mà không lột được xác sói, xác cọp, vẫn chưa thành chiên ngoan được, đôi khi cảm thấy tự trách mình!
Càng xấu hổ, càng trách mình, mơ ước càng cháy bỏng hơn, lời cầu càng thống thiết hơn:
2a. Như lời kinh thắp sáng khi hoàng hôn buông lơi, con van xin Ngài, đời con bao lỗi lầm. Một đời nguyện xin tha thứ, mắt lệ vương cõi ưu tư, năm tháng đời con vẫn trao.
2b. Đây lòng con thổn thức, đôi bàn tay đưa cao, ăn năn tội tình, nguyện dâng Cha dịu hiền. Từng ngày dài con ao uớc tìm quên những âu lo, xóa tan bao muộn phiền, tìm quên với đời hiến dâng.
Phần điệp khúc “sáng lên” trong âm thể trưởng, diễn tả lời cầu nguyện đầy tin yêu và hy vọng:
Con van xin yêu Ngài, làm con chiên ngoan đạo, con van xin yêu Ngài, dù Thu đến hay đi. Con van xin yêu Ngài, dù đời bao giông tố, Thu sang con nguyện cầu, nguyện dâng trót tình yêu.
Lời cầu nguyện đơn giản, niềm mơ ước đơn sơ lắm: Chỉ muốn trở thành “con chiên ngoan đạo” mà thôi. Vâng, chỉ thế thôi chứ nào dám mong gì hơn! Tuy nhiên, tinh thần hăng hái mà xác thịt lại yếu đuối quá (Mc 14:38), thế nên điều mơ ước ấy tưởng chừng đơn giản mà lại quá nhiêu khê!
Dọc đường thập giá, Chúa Giêsu đã ba lần ngã xuống đất vì kiệt sức và vì sức nặng của thập giá. Chúng ta cũng vậy, cứ té lên té xuống mà vẫn chưa nên người, chưa nên hoàn thiện theo ý Chúa muốn. Khốn nạn thật!
Thánh Phaolô đã ba lần xin Chúa cho mình thoát khổ, nhưng Chúa quả quyết: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12:9a). Được lời như mở cờ trong bụng, Thánh Phaolô thanh thản cho chúng ta biết: “Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi” (2 Cr 12:9b).
Kỳ diệu quá, vì chính lúc chúng ta yếu đuối là sức mạnh của Đức Kitô đang hoạt động trong chúng ta. Như vậy, chúng ta đừng bao giờ thất vọng, hãy can đảm đứng dậy và làm lại cuộc đời, luôn vững tâm tín thác vào lòng thương xót của Chúa! Hãy để Chúa hành động, vì không có Ngài thì chúng ta chẳng làm được gì đâu! (Ga 15:5).
Mùa Chay về, chợt nhớ câu nhắc nhở trong ca khúc “Trở Về cát Bụi” (Ns Lê Dinh): “Người nhớ cho ta là cát bụi, trở về cát bụi, xin người nhớ cho!”. Tuy là ca khúc đời nhưng thiết nghĩ vẫn rất phù hợp với tinh thần Mùa Chay, vì trong Thứ Tư Lễ Tro, Giáo hội nhắc nhở mỗi chúng ta khi được xức tro: “Hãy nhớ mình là bụi đất và sẽ trở về bụi đất” (St 3:19).
TRẦM THIÊN THU
Mùa Sám Hối – 2014
(*) Tên thật là Phaolô Chu Văn Chi, sinh ngày 14-5-1949 tại Ninh Bình, với các bút hiệu khác: Văn Uyên, Thu Văn.