(Hình ảnh lấy từ nguồn Internet) |
Trước đây, Giáo Hội “sợ khoa học”, vì thế, cũng “sợ môn tâm lý học”. Thái độ đó đã thay đổi từ Công Đồng Vatican II khi Giáo Hội nhìn nhận vai trò của môn tâm lý học trong việc đào tạo linh mục: “Các tiêu chuẩn giáo dục Kitô giáo phải được nghiêm chỉnh tuân hành và bổ túc cách thích đáng nhờ việc sử dụng các phát minh mới mẻ của khoa tâm lý và khoa sư phạm lành mạnh. Vì thế, một nền giáo dục khéo tổ chức cũng phải nhằm huấn luyện cho các chủng sinh đạt được mức trưởng thành nhân bản cần thiết” (OT 11). Đây là sự mới mẻ của Công Đồng. Khoa tâm lý học chân chính và khỏe mạnh sẽ là một sự trợ giúp đáng kể cho công cuộc đào tạo linh mục trong Giáo Hội.
ĐỐI THOẠI GIỮA ĐỨC TIN VÀ KHOA HỌC HÀNH VI
Trọng tâm và đường hướng của Công Đồng Vatican II đã đưa tới những thay đổi đáng kể trong cách thức chuẩn bị cho tác vụ của Giáo Hội ở cả hai bình diện nội dung đào tạo và phương pháp. Điều này đã, đang và sẽ có những tác động sâu sắc trên chương trình đào tạo chủng sinh Công Giáo và chính cuộc sống của họ.
Một trong những thách đố mà Công Đồng nêu ra, đó là hình thành việc đối thoại giữa niềm tin tôn giáo và khoa học hành vi hiện đại ngõ hầu các Kitô hữu hiểu rõ hơn về niềm tin của mình và đáp trả ân sủng một cách xác tín. Đây là một chủ đề được quan tâm trong giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II:
“Nền thần học đương đại cần sự trợ giúp hỗ tương không chỉ từ triết học, nhưng còn từ khoa học, nhất là khoa học nhân văn, như là một mấu chốt để trả lời câu hỏi: Con người là gì? Vì thế, cần phải tổ chức các buổi hội thảo liên ngành với nhau trong các học viện thần học.”
Sắc lệnh Đào Tạo Linh Mục bàn về thách đố này bằng cách nhấn mạnh rằng các chiều kích trong chương trình đào tạo nên được thấm nhuần những đòi buộc mục vụ và đề xuất sử dụng khoa học hành vi để nâng cao tính hiệu quả của quá trình đào tạo. Điều này mang lại những gợi mở không những cho các nhà đào tạo linh mục tương lai trong các lĩnh vực mục vụ ơn gọi, tiến trình thẩm định, đào tạo mục vụ và tu đức, nội dung các chương trình thần học, mà còn cho việc canh tân liên lỉ hàng ngũ linh mục.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Công Đồng, rất nhiều văn bản đã ra đời để tận dụng các kiến thức chuyên sâu của khoa tâm lý hiện đại vào công tác đào tạo linh mục. Các văn bản của Hội Thánh sau Công Đồng trình bày những sự hiểu biết này, gồm có: Sacerdotalis Caelibatus (1967), Ratio Fundamentalis (1970), A Guide to Formation in Priestly Celibacy (1974), và đặc biệt Pastores Dabo Vobis (1992). Gần đây nhất, Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo công bố nhiều tài liệu: “Định hướng cho việc sử dụng hiểu biết tâm lý học trong việc tiếp nhận và trong việc đào luyện ứng sinh Linh mục” (30/10/2008) được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI phê chuẩn. Trong đó, Giáo Hội nhìn nhận rằng những sự hiểu biết tâm lý học có thể là một phương tiện hữu hiệu giúp cho việc trưởng thành nhân cách cũng như để phát triển những đức tính nhân bản của ứng sinh linh mục cho một sứ vụ quan trọng như thế.
ĐÁNH GIÁ CÁC ỨNG SINH
Tiến trình phân định ơn gọi là một trong những khía cạnh của quá trình đào tạo phải được hỗ trợ nhiều bởi việc áp dụng khoa tâm lý. Việc mục vụ ơn gọi linh mục của Giáo Hội phải đối diện với hai sứ vụ chính: chọn lọc và đào tạo. Trong Giáo Hội, đó đây vẫn thấy trong các phương pháp áp dụng cho việc đào tạo, quá trình quan trọng giúp đánh giá và thẩm định ứng sinh lại bị xem thường.
Mặc dù trên thực tế, phần lớn các văn kiện quan trọng về đào tạo linh mục và tu sĩ trong 50 năm qua nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá kỹ càng các ứng sinh, dường như vẫn còn có những dè dặt và nghi ngại trong một chừng mực nào đó. Thực tế cho thấy luôn có những hình thức sàng lọc ứng sinh. Có sự thay đổi trong thời gian qua khi Giáo Hội khi đưa vào giáo huấn quả quyết này: “Chọn lọc phải được thực hiện đồng thời với khoa phân tích tâm lý hiện đại mà không bỏ qua quan điểm của các yếu tố siêu nhiên và của sự phức tạp của các ảnh hưởng nhân linh lên mỗi nhân vị.” Nhờ đó khoa phân định ơn gọi đã có tổ chức tốt hơn và kĩ lưỡng hơn.
Thông thường, bề trên các chủng viện sẽ nại đến sự giúp đỡ của các chuyên gia chỉ khi ứng sinh gặp khủng hoảng ơn gọi thật sự. Thường là trước khi chịu chức hoặc tuyên khấn tạm. Vì thế, khả năng đưa ra một sự can thiệp cách hiệu quả trong những tình huống như vậy là rất hạn chế.
Để giúp việc đào tạo các ứng sinh có hiệu quả tốt, việc đánh giá kỹ càng các ứng sinh trước khi nhận họ vào chủng viện là việc làm rất cần thiết và quan trọng. Điều này sẽ “bảo vệ lợi ích của đương sự theo đuổi ơn gọi và của cả chủng viện, học viện và các hội dòng mà người đó muốn thuộc về;” và như vậy có thể sớm nhận dạng các vấn đề nổi trội của ơn gọi trong quá trình đào tạo.
Trong Thư Mục Vụ về Đào Tạo Linh Mục (1979), các giám mục địa phận New England (Hoa Kỳ) bàn về tầm quan trọng của việc phân định ơn gọi. Các giám mục chỉ ra vai trò và làm rõ trách vụ của những người liên quan đến sứ vụ đào tạo này. Các ngài đã chỉ ra 3 “giai đoạn” chính, nói cách khác là các “cơ hội” đặc biệt cho việc phân định ơn gọi. Giai đoạn đầu tiên đó là việc đồng hành ơn gọi và quá trình thâu nhận cách thận trọng. Giai đoạn thứ hai là các đánh giá khác nhau về ứng sinh trong suốt thời gian học ở chủng viện. Giai đoạn thứ ba là giai đoạn phân định đưa đến một khuôn mẫu trưởng thành trên đường nhân đức sau quá trình hai năm đào tạo. Hai giai đoạn đầu thuộc “tòa ngoài” và các yếu tố khách quan, giai đoạn thứ ba gắn liền với “tòa trong”. Cả tòa trong và tòa ngoài đều có những chức năng cần thiết trong việc phận định chính xác ơn gọi trong Giáo Hội.
ĐÀO TẠO CĂN TÍNH LINH MỤC
Thông thường, một ứng sinh sẽ đạt được một số kỹ năng và cảm thức về khả năng mục vụ sau thời gian đào tạo ở chủng viện. Tuy nhiên, vượt trên cả điều này là sự đòi buộc của một sứ vụ ưu việt hơn. Trên thực tế, chính điều này cấu thành mục tiêu chung của toàn bộ quá trình đào tạo, đó là giúp mỗi chủng sinh thiết lập quan niệm chắc chắn về căn tính linh mục, ngõ hầu sự hiện diện toàn bộ con người của chủng sinh được bén rễ từ mối tương quan sâu sắc với Đức Kitô Linh mục và Mục tử.
Các cuộc hội thảo trên thế giới để chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục 1990 đã làm nổi bật nhu cầu xác minh căn tính và sứ vụ của linh mục trong thế giới đương đại. Các nghị phụ nhận thấy đây là tiền đề quan trọng trong việc nỗ lực phác thảo một kế hoạch tổng thể cho công cuộc đào tạo linh mục. Cảm thức này đã được phản ánh trong nội dung của Tông Huấn Pastores Dabo Vobis.
Rõ ràng, việc xác định căn tính và sứ vụ linh mục là công việc của khoa thần học, của cầu nguyện và của phân định thiêng liêng. Tuy nhiên, đóng góp đặc thù của khoa học hành vi là chuyển tải các tư tưởng triết học và tín lý thành các khái niệm thực nghiệm, nhờ sự can thiệp của y học và kinh nghiệm, biến chúng thành các quá trình liên quan đến sự trưởng thành và phát triển con người.
Khái niệm “căn tính linh mục” được hiểu chính xác là gì? Nó không mấy liên hệ tới các hành vi ứng xử bên ngoài, tới các địa vị hay tới thực tiễn. Nó cũng không có nghĩa là đảm trách một vai trò nào đó trong Giáo Hội. Và cũng không phải là một vấn đề của tinh thần tôn giáo.
Người linh mục tìm thấy căn tính đích thực của mình khi toàn bộ đời sống trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Điều này được củng cố và hun đúc nhờ sự siêng năng cầu nguyện, lựa chọn mỗi ngày và hành động cụ thể. Sự đồng hình đồng dạng tâm hồn và con tim theo khuôn mẫu Đức Kitô của các chủng sinh được biến đổi qua bí tích Truyền Chức. Bí tích này làm cho người ứng sinh trở nên “hình ảnh trong suốt và sống động của Đức Kitô Mục Tử”; người “tìm gặp trọn vẹn sự thật về căn tính của mình trong sự kiện mình tham dự một cách loại biệt vào Đức Kitô và nối tiếp chính Đức Kitô.”
Sự đồng hình đồng dạng của một nhân vị với nhân tính của Đức Kitô chỉ có thể có khi toàn bộ chương trình đào tạo chủng viện được kết cấu một cách hệ thống và có chủ ý, nhằm cổ võ quá trình tiếp thu các giá trị “quy thiên” làm nền tảng cho toàn bộ đời sống con người. Việc xem nhẹ vấn đề này sẽ khiến các linh mục tương lai dễ bị tổn thương ơn gọi và có xu hướng chú tâm nhiều đến địa vị và bị phân mảng bởi các vai trò.
Một căn tính linh mục sống động là kết quả tất yếu của quá trình tiệm tiến trở thành của người chủng sinh, khi người đó từng bước hiến dâng cuộc đời cho Chúa, trong tương quan ngày càng thân mật với Đức Kitô. Điều này trái ngược với căn tính “giả” của những người chưa trưởng thành, hay căn tính bị ảnh hưởng bởi các thiếu hụt trầm trọng. Đôi khi cái lốt đạo đức che đậy sự trống rỗng bên trong có thể được ngụy trang bởi sự rập khuôn hình thức, hoạt động nhóm hay tham gia các vấn đề “không ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới”. Thay vì phát triển căn tính linh mục đích thực thì lại là một “vật tế thần” rỗng tuếch, giả hình và luôn luôn “khoác vào” một cái áo choàng; căn tính mà đáng lẽ ra phải trở thành mối tương quan định hình từ các giá trị nền tảng chắc chắn, và phải được thủ đắc một cách từ từ. Vì thế, cần lột bỏ mọi hình thức của chủ nghĩa duy hình thức, đeo mặt nạ và lối đạo đức giả trong đào tạo, để hướng đến việc đào tạo căn tính đích thực của ứng sinh linh mục.
ĐÀO TẠO ĐỘC THÂN LINH MỤC
Tông Huấn Pastores Dabo Vobis đưa ra một khẳng định rõ ràng về đường hướng của Giáo Hội là duy trì bậc sống độc thân của linh mục. Điều này trình bày đầy đủ tư tưởng của các nghị phụ (xem luận đề số 11). Độc thân không chỉ đơn thuần là một đòi buộc pháp lý, một điều kiện khách quan cho việc phong chức linh mục, mà nó còn liên kết chặt chẽ với quá trình nên giống như Đức Kitô của mỗi một ứng sinh.
Ở nhiều vùng trên thế giới, ước nguyện sống độc thân vì Nước Trời thường không được cảm thông và chia sẻ, một số nơi còn bị phản đối. Ngay cả trong Giáo Hội, vẫn còn nhiều người cho rằng độc thân là không thể hay ít nhiều nó giới hạn sự phát triển toàn vẹn con người. Chính trong bối cảnh xã hội và Giáo Hội như vậy, các chủng viện phải nỗ lực để chuẩn bị một cách kĩ lưỡng cho các ứng sinh về đời sống độc thân linh mục.
Mối tương quan sâu sắc giữa cơ cấu bản thể nhân vị và hành vi ân sủng được tỏ lộ rõ nhất qua việc đào tạo độc thân. Một đàng đời sống thiêng liêng căn bản lệ thuộc vào ân sủng trong mầu nhiệm của nó, đàng khác ân sủng được diễn tả trong và qua cơ cấu tinh thần. Ân sủng không phá hủy tự nhiên.
Khoa học hành vi chỉ ra một vài nhân tố liên quan đến sự trưởng thành tình cảm, cũng như ý nghĩa của nó đối với đời sống độc thân. Với bảng dẫn chứng khoa học vững chắc, người ta chỉ ra mối tương tác chặt chẽ giữa mức độ trưởng thành tình cảm của một người với khả năng tự do chọn sống đời sống độc thân của anh ta.
Nghiên cứu của L.M. Rulla Sj, chẳng hạn , đã cho thấy rằng những người hướng ngoại thường có xu hướng tâm dục mạnh (psychosexual). Điều này đòi buộc, nhờ ân sủng, một sự biến đổi nội tâm trên cả hai chiều kích nhân bản và tu đức. Ngược lại, những người gặp thất bại trong việc nhận dạng các nhu cầu vô thức, lạc điệu trong các giá trị ơn gọi, sẽ trải qua rất nhiều căng thẳng về tâm lý tính dục. Nếu tình trạng này kéo dài, những ứng sinh này có nguy cơ tổn thương ơn gọi và mất dần tính hiệu quả trong mục vụ.
Cha Rulla vạch rõ các ứng dụng của vấn đề này trên phạm vi đào tạo chủng viện và các hội dòng. Cha cũng đưa ra khuôn mẫu mới cho một nhà đào tạo, người có đủ trình độ chuyên môn để có thể giúp các ứng sinh giải quyết các chướng ngại vô thức, từ đó ngăn ngừa một cách có hiệu quả một bộ phận lớn ứng sinh cá nhân hóa ơn gọi của mình.
ĐÁNH GIÁ VỀ KHOA TÂM LÝ TRONG ĐÀO TẠO CHỦNG VIỆN
Đã hơn 50 năm kể từ ngày Công Đồng Vatican II kêu gọi sử dụng khôn ngoan khoa khoa học nhân văn và tâm lý như một phương tiện để nâng cao chất lượng đào tạo linh mục và tu sĩ. Chúng ta đã có những đánh giá nào về cách thức mà khoa tâm lý học sử dụng để đóng góp vào công việc đào tạo linh mục tu sĩ trong suốt thời gian qua?
Trước hết, tầm quan trọng của tâm lý học đã dần dần được các nhà đào tạo nhìn nhận. Mối tương quan mật thiết giữa đào tạo tu đức và đào tạo nhân bản là một trong những nguyên tắc chính được đề cập trong Tông Huấn Pastores Dabo Vobis. Tông Huấn bàn luận một vài lĩnh vực cụ thể, ở đó, kiến thức của khoa học tâm lý học đã giúp ích nhiều cho Giáo Hội trong công tác đào tạo các linh mục tương lai.
Thứ hai, phải thành thật thừa nhận rằng không phải mọi thứ được thực hiện với cái mác tâm lý học đều có lợi cho việc đào tạo. Đã có những bằng chứng xác thực cho thấy đã xuất hiện việc áp dụng khoa tâm lý học vào đào tạo linh mục và tu sĩ một cách bừa bãi và thiếu tính phê bình trong thời gian gần đây.
Trong bài nói chuyện với Tòa Thượng Phẩm Rôma (05/02/1987), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chỉ ra những mối nguy hại tới Đức Tin phát xuất từ việc tán thành thiếu phê phán các định đề cơ bản của một vài ngành tâm lý hiện đại. Xét cho cùng, các ngành này về cơ bản đi ngược lại với lập trường Kitô giáo về đời sống và vận mệnh con người. Việc đào tạo linh mục thành công hay thất bại tùy thuộc vào các nguyên tắc nhân chủng học mà nó căn cứ vào. Khi các nguyên tắc đó mơ hồ, thậm chí tệ hơn, không khớp nhau, kết quả sẽ không là gì ngoài những thứ có xu hướng liên hệ tới vài ngành nhân chủng khác. Chúng không thật sự hòa điệu với mục tiêu của chương trình đào tạo chủng viện.
Các ngành tâm lý nhân văn của C. Rogers và A. Maslow cung cấp một minh chứng bổ ích. Có thể hữu ích trong vài bối cảnh nhất định, các ngành tâm lý này chưa thật thích hợp là nền tảng của giáo dục Kitô giáo. Tuy nhiên, chúng đã đang và sẽ “vươn mình” trở thành một cơ sở trong chương trình đào tạo linh mục và tu sĩ. Bất cứ ngành nhân chủng nào xem việc tự hoàn thiện và tự khẳng định mình như là mục tiêu trực tiếp của cuộc sống con người thì nó tương phản biện chứng với Phúc Âm. Mà Phúc Âm này đòi buộc các tín hữu rập đời sống mình theo các giá trị mạc khải khách quan và cho một đời sống tự siêu việt cá vị.
Phải nhắc lại, một vài chương trình đào tạo tu sĩ “hợp thời” đến độ có cảm tưởng chúng có nhiều điểm tương đồng với các triết gia Thời Đại Mới (New Age) hơn là với công trình cứu độ của Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc. Chính Người tác động vào nhân cách các tín hữu một biến chuyển không ngừng nhờ quyền năng của ân sủng.
Thứ ba, nhiều học viện đào tạo đã có tham vọng tận dụng thành quả của khoa học hành vi, trong khi vẫn chưa có sự am hiểu tương xứng về độ phức tạp của sự đối thoại liên ngành với nhau đích thực. Cũng như chưa nỗ lực đủ để chuẩn bị cho các nhà đào tạo các kỹ năng cần thiết để tiến sâu và xa hơn trong lĩnh vực này.
Một kết cục đáng buồn của điều này là xu hướng thay thế linh đạo Công Giáo bằng một vài dạng tâm lý học “nổ”. Dễ bắt gặp một vài nhà đào tạo kém cỏi lại đảm trách các hoạt động giáo dục mà thực tế các hoạt động này không hề có chỗ đứng trong dòng chảy tâm lý học hiên đại. Kết quả méo mó này chẳng khác gì là một dạng chủ nghĩa tương đối liên quan tới các giá trị nền tảng của ơn gọi linh mục.
Hơn nữa, một sự “ngây ngô” về phương pháp thể hiện trong chủ nghĩa “chiết trung” một chiều là đặc điểm chính của nhiều các chương trình đào tạo từ Vatican II. Khi thiếu đi một nền nhân học nhất quán, một nền nhân học đưa ra được một tầm nhìn rõ ràng về quá trình đào tạo và các yếu tố hợp thành, phần lớn các nhà đào tạo phải “cậy” tới một sự chắp vá các phương thức tiếp cận và các kỹ năng – thường được rút ra từ các ngành nhân học lung tung, thậm chí từ nền nhân học tương phản. Thông thường, người ta trông chờ các nhà đào tạo làm việc theo “nhóm”, tuy nhiên, các nhóm này dường như không có sự liên kết nội tại, vì thế dẫn tới thất bại trong việc đưa ra lối tiếp cận toàn vẹn cho đào tạo. Điều này không thể biện minh bằng thuyết đa nguyên, vì kết quả của nó đem lại cho ứng sinh là sự bối rối, mâu thuẫn và giằng xé; và thay vì kích thích sự lớn lên ơn gọi của họ lại làm cho nó nên lụi tàn.
KẾT LUẬN
Ân sủng không phá hủy tự nhiên. Cả hai hỗ trợ và nâng đỡ nhau. Khoa tâm lý học chân chính sẽ là một sự trợ giúp hữu ích cho công tác đào tạo con người như giúp thụ huấn sinh hiểu biết chính mình, nhận biết những yếu tố tự nhiên, các khuynh hướng, nhu cầu, tình cảm, nhân cách, động lực thúc đẩy của họ... Vì thế, các chủng viện và các dòng tu cần có sự mở rộng phạm vi và phương pháp huấn luyện nhằm giúp tránh lối đào tạo “duy tu đức”. Đồng thời cũng phải biết ứng dụng khoa lý học một cách khôn ngoan, đúng chức năng và phạm vi của nó để tránh tình trạng “duy tâm lý” trong đào tạo.
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương