Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

THÁNH MẪU HỌC

DẪN NHẬP
I. Khái niệm. Thiên Chúa Thánh Mẫu là một mầu nhiệm cần được minh giải trong Thần học, vì thế là "một phần Thần học, căn cứ trên những nguyên lý mặc khải, bàn về Ðức Trinh nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa Cứu Chuộc và Mẹ nhân loại, cùng về những đặc sủng khác của Mẹ".

1. Là một phần Thần học. Vì Thần học là khoa học bàn về Thiên Chúa, nên nếu thực sự có Thiên Chúa Thánh Mẫu thì Thần học nhất thiết phải bàn về người Mẹ này. Sở dĩ phải tìm hiểu Mẹ Thiên Chúa theo lối Thần học hoặc như thành phần của Thần học, là vì khoa học nào được nghiên cứu theo tương quan với một đối tượng và nhờ hiệu năng của cùng loại nguyên lý như Thần học, thì là thành phần của Thần học.
2. Căn cứ trên những nguyên lý mặc khải. Thiên Chúa Thánh Mẫu, như Ðấng có địa vị, sứ mạng và những đặc sủng siêu nhiên, là một mầu nhiệm, mà chúng ta chỉ căn cứ vào chính sự mặc khải của Thiên Chúa, mới có thể hiểu biết thoả đáng. Vì thế Thánh Mẫu học thuộc về Thần học, căn cứ trên những nguyên lý mặc khải và dẫn xuất bởi những nguyên lý ấy. Vì thế chẳnh những là một phần Thần học, lại chắc chắn là phần Thần học mật thiết liên hệ đến phần Thần học bàn về Ngôi Lời Nhập Thể .
3. Bàn về Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa Cứu Chuộc. Vì Thần học bàn về mọi vấn đề liên quan đến Thiên Chúa; mà Thân mẫu của Thiên Chúa hẳn phải có tương quan riêng biệt và đặc biệt với Thiên Chúa, lại thân mẫu ấy là chính Ðức Trinh Nữ Maria. Khi mở đầu chương VIII bàn về Ðức Trinh Nữ Maria, Công Ðồng Chung [CÐC] Vatican II đã viết trong Hiến Chế về Giáo Hội: "…các người tín hữu phải kính nhớ ‘trước hết Ðức Maria vinh hiển, trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta’" (LG 52).
4. Và Mẹ nhân loại, đặc biệt là Mẹ những chi thể của Chúa Kitô, vì đã cộng tác trong đức ái để sinh ra các tín hữu trong Giáo Hội (xc. LG số 53). Ðức Maria là một chi thể tuyệt vời của Hội Thánh, xét như Nhiệm thể của Chúa Giêsu, được chính Chúa Giêsu thiết lập với những đoàn sủng và cơ cấu phẩm trật. Mà nếu Ðức Trinh Nữ Maria đã là Mẹ của Ðầu nhiệm thể, tất nhiên cũng là Mẹ của những chi thể, vì lý do chính yếu mà CÐC Vatican II đã viện dẫn.
Như thế chức Thiên Chúa Thánh Mẫu là nền tảng và cội rễ phát sinh mọi tương quan khác với Thiên Chúa, mọi hồng ân siêu nhiên và mọi tương quan với chúng ta, vì thế trong câu định nghĩa có thêm, cùng mọi đặc sủng khác của Người.
Việc Ðức Maria được hoàn toàn vô nhiễm nguyên tội, đầy ân sủng và vinh quang, được trọn đời đồng trinh, được là Evà mới, là Mẹ thiêng liêng của chúng ta, được làm trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, đều phát sinh bởi đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa Cứu Chuộc, và vào thời viên mãn đã thực sự trở thành Mẹ Thiên Chúa Nhập Thể để cứu chuộc. Như vậy chức Thân Mẫu Thiên Chúa là đỉnh chóp của phẩm vị sự sang trọng và cao cả của Ðức Trinh Nữ Maria; là nguồn mạch và mức độ sự thánh thiện và những đặc sủng trong quá khứ và tương lai; là nguồn gốc tương quan của Người đối với chúng ta, và của chúng ta đối với Người.
II. Tầm quan trọng và lợi ích của khảo luận. Ta có thể xét tầm quan trọng của khảo luận này theo khía cạnh lý thuyết và thực hành.
A. Lý thuyết. 1. Tự thể và trực tiếp. Thánh Mẫu Học là phần bổ túc cần thiết cho đạo lý về những mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc, giúp chúng ta am tường đầy đủ những mầu nhiệm ấy hơn. Về điều này sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo [GLGHCG] viết: "Những gì đức tin công giáo tin vềø Ðức Maria thì căn cứ trên những gì đức tin này tin về Chúa Kitô, nhưng những gì đức tin công giáo dạy về Ðức Maria lại soi sáng lòng tin kính Chúa Kitô" (số 487). Như thế hẳn Thánh Mẫu học cũng giúp ta hiểu biết công ơn tạo thành, tiền định và cai quản, vì Ðức Trinh Nữ là vật thụ tạo trổi vượt trên mọi vật khác. Vả lại nếu Thần học nghiên cứu sâu sắc về vũ trụ, về những công việc và tác vụ của các thiên thần, về Giáo Hội, nhiệm thể của Chúa Giêsu, nên càng phải cẩn trọng tìm hiểu Thiên Chúa Thánh Mẫu hơn (Xc. LG số 52).
2. Ngẫu trừ và gián tiếp. Có những lạc thuyết và những giáo phái chủ trương những điều sai lạc về địa vị của Ðức Trinh Nữ: chẳng hạn những người Thệ phản hạ thấp địa vị của Ðức Maria; giáo phái Hy lạp thì coi Thánh Mẫu Học như là chuyện mới lạ; còn những người Duy lý lại cho Thánh Mẫu Học là chuyện phù phiếm, vì thế cần phải trình bày chức Mẫu nghi Thiên Chúa như một đạo lý chắc chắn, đặt nền tảng trên những chân lý được Thiên Chúa mặc khải, chứ không phải giáo thuyết ngoại lai, hoặc chỉ là lối giải thích xuyên tạc chân lý mặc khải. Vì thế CÐC Vatincan II dạy: "Công Ðồng hết sức khuyến khích các nhà thần học và những người rao giảng lời Chúa, khi xét đến phẩm chức phi thường của Mẹ Thiên Chúa, hãy cẩn thận tránh mọi tư tưởng phóng đại sai lầm cũng như mọi tư tưởng hẹp hòi quá đáng" (LG số 67).
B. Thực hành. CÐC Vat. II đã nhắn nhủ chúng ta "trước hết phải kính nhớ Ðức Maria vinh hiển, trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta (LG 52). Nhưng kiến thức đúng đắn về Ðức Trinh Nữ thì cần thiết để việc chúng ta tôn sùng Người cho xứng hợp. Về điểm này CÐC Vatican II cũng dạy: "Phần các tín hữu, hãy nhớ rằng, lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Ðức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta" (LG số 67).
III. Việc sử dụng những nguồn mạch hay những luận cứ trong Thánh Mẫu học. Cố nhiên các nguồn mạch hay luận cứ trong Thánh Mẫu học vẫn là những luận cứ của Thần học nói chung; và từ thời Melchior Cano, các tiến sĩ của Giáo Hội đã phân biệt 10 nguồn mạch thành 7 nguồn mạch nội tại và 3 ngoại tại. Ở đây chúng tôi chỉ nhắc lại cách thức sử dụng những nguồn mạch ấy.
Việc sử dụng các nguồn mạch và những lý chứng phải được thực hiện cách nghiêm minh.
1. Thánh Kinh phải được giải thích phù hợp với những luật chú giải và phải phân biệt các thứ ý nghĩa. Mặc dầu khi chứng minh phải căn cứ vào nghĩa đen, nhưng cũng không loại trừ ý nghĩa sung mãn (sensus plenus) mà trước đây cũng gọi là ý nghĩa tiên trưng (sensus typicus). Về điểm này thánh Thomas viết: "trí tuệ của các ngôn sứ là dụng cụ thiếu xót, và các ngôn sứ chân thật cũng không am tường hết những điều Chúa Thánh Thần nhắm tới qua những thị kiến, những ngôn từ, và cả những việc làm của các tác giả". Ðàng khác Chúa Thánh Thần mà Chúa Kitô đã hứa sẽ dẫn Giáo Hội đến mọi chân lý (Xc. Ga 8,13). Ý nghĩa sung mãn phát xuất từ giá trị đầy dư hàm ẩn trong một bản văn cụ thể của Lịch sử cứu độ, là giá trị mà Thiên Chúa quán triệt.
2. Thánh truyền phải là đạo lý phổ cập với sự đồng thuận của toàn thể Giáo Hội với sự chấp nhận của Huấn quyền: hoặc về mặt thần học, vì có sự đồng thuận của mọi thế kỷ (vẫn có phần liên tục tồn tại), như thế tỏ rõ là đạo lý Tông truyền; hoặc về mặt lịch sử vì có những tang chứng phát xuất từ thời Giáo Hội sơ khai hay từ các Tông đồ; hoặc do thời hiệu (prescriptione), ngược dòng thời gian đến nguồn gốc, vì một đạo lý được giảng dạy vào một thời nhất dịnh, thì nói theo loài người không thể được du nhập sớm hơn. Nhưng phải cẩn thận phân biệt giữa điều đã được Thiên Chúa hoặc Giáo Hội truyền dạy với những truyền tụng, những suy tư và sáng kiến nhân loại, là những điều có thể cùng được truyền tụng và thêm thắt vào.
3. Ðối với những Nghị quyết của các Công Ðồng và của các Ðức Giáo Hoàng, cần phải phân biệt điều được trực tiếp ấn định và những lý lẽ viện dẫn; những lý lẽ này thường thường không được trực tiếp ấn định, và vì thế không có tính cách vô ngộ, dù đã được trình bày bởi thẩm quyền. Và cũng phải phân biệt những lý chứng được chính thức viện dẫn, chẳng hạn như được lấy bởi Thánh Kinh hay bởi các Giáo phụ, và những lời lẽ của Thánh Kinh hay của các Giáo phụ được dùng cách chuyên biệt dể trình bày hay để thích ứng với đạo lý được trình bày.
4. Cũng phải phân biệt giữa những Sắc lệnh, những Chỉ dụ phổ quát không thể trừu lại với những sắc lệnh hoàn toàn riêng lẻ: những sắc lệnh này không cung cấp lý chứng vô ngộ, đừng kể sau đó được sự đồng thuận của Giáo Hội phổ thế. Theo cách đó cũng phải phân biệt giữa những sắc lệnh và những công vụ của các Ðức Giáo Hoàng; những Hiến Chế tín lý, những Tông thư hay Thông điệp, những tuyên ngôn và những Văn thư công bố những ân huệ, ân xá, những lời kinh và những thứ khác tương tự. Các công vụ của các Thánh Bộ Rôma được Ðức Giáo Hoàng châu phê cách thông thường, chứ không phải đặc biệt. Thường thường người ta đồng hoá và viện dẫn những thứ ấy như thể có giá trị như nhau mà không phân biệt.
5. Tương tự như thế, đối với Giáo hội tin tưởng, phải phân biệt điều ta chấp nhận như được mặc khải và thuộc đức tin, hoặc được bảo vệ như chắc chắn, với những điều được coi ý kiến đạo đức hay là cái nhiên; về những điều liên can đến thực hành, đến phụng vụ và những lời kinh của Giáo Hội cũng phải giữ qui luật đó.
6. Ðối với các Giáo phụ và các nhà Thần học cần phải phân biệt điều các ngài dạy như đạo lý của Giáo Hội và những giải thích hoàn toàn nhân loại của các ngài, những ý kiến và những lập trường cá nhân: trong trường hợp thứ nhất có sự chân xác trực tiếp của đạo lý nếu có sự đồng thuận hầu như phổ cập; chẳng vậy chỉ chắc chắn cách gián tiếp, nếu hiển nhiên là vị nào đó nói đến hay làm chứng đạo lý của Giáo hội kiểu khác.
7. Những lý lẽ của lý trí, để được kể là những bảo chứng chắc chắn cần phải được suy diễn theo đúng những qui tắc nghiêm túc của Luận lý học và Siêu hình học.
8. Còn giá trị của những khoa học hỗ trợ, những lập trường của các nhà thông thái và chuyên môn thì chẳng những hệ tại năng khiếu đặc biệt của đương sự để viện dẫn những lý chứng, mà còn tùy theo phương pháp phê bình đúng đắn được sử dụng khi trình bày các văn kiện và dữ kiện lịch sử nữa.
9. Ngày nay còn có lịch sử của các tín khoản. Các tín khoản có thứ sự sống, mà ta có thể phân biệt thành sự sống bên ngoài và bên trong: bên ngoài là những tranh luận mà Giáo hội phải thực hiện chống với những ngoại thù để bảo vệ tín điều. Ví dụ những cuộc tranh luận chống với giáo phái Ario để bảo vệ tín điều về Ngôi Lời đồng bản tính với Chúa Cha, và về chức làm Mẹ Thiên Chúa của Ðức Maria. Ðời sống nội tại của tín điều là sự mặc khải chân lý đức tin và việc làm sáng tỏ chân lý ấy cách cấp tiến cho đến khi nó được hội nhập một cách minh bạch và chính thức vào toàn bộ đạo lý của Giáo Hội. Dõi theo việc tuần tự làm sáng tỏ một tín điều là dùng phương pháp lịch sử. Chẳng hạn lịch sử của tín điều Ðức Mẹ vô nhiễm nguyên tội thì thật là dài. Biết bao nhiêu tài liệu đã được công bố: như Thánh Kinh, bút tích của các Giáo phụ, đạo lý của các tiến sĩ Kinh viện, những tài liệu về phụng vụ, những chứng tá của lòng sùng kính bình dân. Biết bao nhiêu điều mà chỉ lịch sử trung thực có thể làm sáng tỏ ! Nên lịch sử quả là ánh sáng.
IV. Nội dung của khảo luận. Khảo luận này bàn về bốn điểm chính, căn cứ trên bốn khía cạnh đời sống của Ðức Trinh Nữ Maria: như Mẹ Thiên Chúa; như Ðấng thánh thiện tuyệt vời; như Mẹ Giáo Hội và nhân loại, như Ðấng trung gian các ơn; như Ðấng chúng ta phải tôn sùng. Sau hết là tương quan giữa Ðức Trinh Nữ Maria và Hội Thánh. Vì thế khảo luận này gồm năm đoạn sau đây:
Ðoạn I. Ðức Trinh Nữ Maria, Thân Mẫu Thiên Chúa.
Ðoạn II. Ðức Maria, Thân Mẫu thánh thiện tuyệt vời của Thiên Chúa.
Ðoạn III. Những thiên chức của Ðức Maria đối với chúng ta.
Ðoạn IV. Những bổn phận của chúng ta đối với Thân Mẫu Thiên Chúa.
Ðoạn V. Ðức Trinh Nữ Maria với Hội Thánh.
Vì khảo luận này liên hệ mật thiết với khảo luận về Ngôi Lời Nhập thể và Cứu Chuộc, nên có phân chia các phần như khảo luận về Kitô học cũng là thích hợp. Trong Kitô học trước tiên bàn về chính việc ngôi hiệp; rồi đến những hệ quả của việc ngôi hiệp, ấy là những hoàn thiện Ngôi Lời đón nhận một trật với những khuyết điểm; sau đó bàn về sứ mạng của Chúa Giêsu, Ðấng trung gian và Cứu chuộc cùng những tác vụ khác nhau của Người; sau hết bàn về việc chúng ta phải tôn thờ Người.
Gioakim Nguyễn Văn Liêm, OP
ÐOẠN I
ÐỨC TRINH NỮ MARIA,
THÂN MẪU THIÊN CHÚA
 I. Lời nói đầu. Chúa Giêsu là "Ngôi Lời đã trở nên người phàm" (Ga 1,14). Như Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Nhân-Thần [Emmanuel], không khi nào là người phàm mà không phải là Thiên Chúa, thì nếu Ðức Trinh Nữ Maria là Thân Mẫu Ðức Giêsu thì không giây phút nào Người là Mẹ phàm nhân Giêsu mà đồng thời không phải là Mẹ Thiên Chúa. Nhưng nhận thức lại có tính cách phân tách trước khi đi đến tổng hợp, nên phải tìm hiểu mẫu hệ của Ðức Maria đối với Giêsu, như là Ðấng Nhân + Thần, rồi như là Thiên Chúa Cứu Chuộc. Vả chăng đó cũng là đường lối phổ thông trong Giáo Hội như thấy trong "Kinh Cầu Ðức Mẹ". Ngoài ra, như chúng ta có thể nghiên cứu các công trình của Thiên Chúa và của những vật có lý trí, theo phạm vi ý hướng và phạm vi thực hành, thì chúng ta cũng có thể tìm hiểu Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, như đã được Thiên Chúa tiền định từ muôn thuở và như được thể hiện trong thời gian. Thiết tưởng đây cũng điều rất phù hợp với đạo lý tinh tuý của Giáo Hội, vì một đàng thánh Phaolô viết: "Khi thời gian đã đến hồi viên mãn, Thiên Chúa đã cử Con Mình tới…" (Gl 4,4); đàng khác CÐC Vatican II dạy: "Từ muôn đời, Ðức Trinh Nữ đã đuợc tiền định…" (LG số 61). Bởi đó, trong đoạn này chúng tôi sẽ tìm hiểu mẫu hệ của Ðức Trinh Nữ Maria như đã được thể hiện trong thời gian, theo ba dạng thức là Thân Mẫu của Ðức Giêsu Kitô; Thân Mẫu Thiên Chúa; Thân Mẫu của Ðấng Cứu Thế; rồi bàn đến mẫu hệ thần linh ấy như đã được Thiên Chúa tiền định. Vì thế đoạn này gồm bốn chương:
Chương I
Ðức Maria thật là thân mẫucủa con người Giêsu
Trong chương này với ba tiết chúng tôi sẽ tìm hiểu ba vấn đề:
Tiết I. Ðức Trinh Nữ Maria là Mẹ thật của con người Giêsu.
Tiết II. Bản tính mẫu hệ của Ðức Trinh Nữ Maria.
Tiết III. Những nguyên nhân can dự vào việc Ðức Trinh Nữ Maria sinh Chúa Con.

Tiết I
Ðức Trinh Nữ Maria là Mẹ thật của con người Giêsu
       I.            Ðặt vấn đề. Ðức tin dạy, để Ðức Maria được gọi là và thực sự là Thiên Chúa Thánh Mẫu thì nhất thiết Người phải là mẹ thật của con người Giêsu, là Con Thiên Chúa nhập thể. Ðức Maria không phải là mẹ Ðức Giêsu vì đã sinh ra Thiên-Chúa-tính, mà vì đã sinh ra nhân loại tính của Chúa Giêsu, nhưng nơi Chúa Giêsu chỉ có một ngôi vị là Ngôi Hai Thiên Chúa, thành thử Ðức Trinh Nữ Maria là mẹ Ðấng Nhân-Thần, hay là Mẹ Thiên Chúa theo bản tính nhân loại. Vì thế điều kiện tất hữu để Ðức Maria là Mẹ thật của Thiên Chúa, là Người phải là mẹ của một con người, mệnh danh là Giêsu.
II. Những lạc thuyết. Những lạc thuyết sau đây phủ nhận tín điều đó: Thuyết Ảo nhân (Docetae) thế ký thứ 1 và thứ 2 cho rằng thân thể của Ðức Kitô là thứ hình nộm, ngụy tạo, chứ không phải là thân thể thật. Lạc thuyết Valentin, xuất hiện vào thế kỷ thứ 2, không công nhận là Ðức Maria đã thụ thai, cưu mang và sinh hạ Ðức Kitô, họ cho thân thể của Ðức Kitô là thân thể khinh lâng, thiêng liêng, từ trời xuống và kinh qua lòng Ðức Mẹ. Apeles thế kỷ thứ 2 cũng chủ trương như thế, mặc dầu không đả động gì đến Ðức Kitô và Ðức Maria. Marcion quả quyết rằng Ðức Kitô đã đột ngột xuất hiện với thân thể ở trong trạng thái hoàn bị. Nhóm Anabaptistae: Không thanh tẩy vì chỉ công nhận phép rửa tội của những người trưởng thành.
III.- Ðề luận I: Trinh Nữ Maria thực quả là thân mẫu của con người Giêsu, Con Thiên Chúa, vì đã sinh ra Người trong thời gian. (buộc phải tin)
IV. Chứng minh
A. Thánh Kinh. 1. Thánh Kinh đã gián tiếp viện chứng cho tín điều này, khi Cựu Ước loan báo Ðấng Messia thuộc dòng giống người phụ nữ (St 3,15); thuộc dòng dõi các Tổ phụ; là chồi non chính trực nảy sinh từ nhà Ðavit; do trinh nữ thụ thai và sinh hạ (Is 7,14). Tân Ước thì gọi Ðấng Messia là con của nam nhân. Vậy ta không thể hiểu danh xưng ấy, nếu Ðấng Messia không lấy bản tính nhân loại của nam nhân do sinh sản; lại còn gọi là con vua Ðavít, con Abraham, dòng dõi Abraham (Gl 3,16), chồi non và dòng dõi Ðavit (Kh 5,5; 22,16). Lại nói rõ: "Xét như người phàm, Ðức Giêsu Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Ðavit"; xét theo huyết thống cũng cùng một nòi giống các Tổ phụ (Rm 9,5), được tác thành bởi người đàn bà (Gl 4,4).
2. Trực tiếp. Sách Tin Mừng khẳng định tử hệ nhân loại của Ðức Giêsu và mẫu hệ nhân loại của Ðức Trinh Nữ Maria
a) Thiên sứ Gabriel đã loan báo bằng những lời hùng hồn này: "Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu" (Lc 1,31). Do đó việc thành thai của Chúa Giêsu xảy ra như thế này: "..bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần… kìa thần sứ Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: Này ông Giuse, con cháu Ðavit, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su" (Mt 1,18-21); "…bà Maria đã đến ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng" (Lc 2,6-7).
b) Vì thế Ðức Maria được gọi là mẹ Ðức Kitô, và Ðức Kitô đuợc gọi là con Ðức Maria, và quả phúc của lòng Người (Lc 1,42), vì do Người sinh ra. Ðức Trinh Nữ diễm phúc Maria đã sinh ra bản tính nhân loại của Ðức Giêsu, bằng việc sinh sản đích thực theo nghĩa hẹp, nghĩa là đã thụ thai và sinh con là Ðức Kitô, là Con Thiên Chúa.
B. Ðạo lý của Giáo Hội. Như thấy trong Kinh Tin Kính [KTK] của các thánh Tông đồ, theo công thức thứ nhất nói rằng: "Người được sinh ra do quyền năng Chúa Thánh Thần và bởi Ðức trinh nữ Maria"; trong công thức sau thì nói: "Người được thụ thai do Chúa Thánh Thần và sinh bởi Ðức trinh nữ Maria"; KTK của CÐC Niceno-Const. thì viết: "Bởi phép Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng trinh nữ Maria, và đã làm người"; CÐC Chalcedonia (n. 451) thì ấn định rằng: "…vì chúng tôi và vì phần rỗi chúng tôi Người đã được sinh ra về nhân loại tính bởi trinh nữ Maria, Mẹ của Thiên Chúa"; trong KTK của thánh Athanasio ta thấy: "Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là con người… là con người bởi bản thể của mẹ mà sinh ra trong thời gian". Chúng ta còn có thể kê cứu đạo lý của CÐC Ephes. (n. 431); Const. II (n. 553); Later. (n. 649), Const. III (n. 681) chống với thuyết chủ trương Chúa Giêsu có một ý muốn, đã dùng cũng một kiểu nói như CÐC Chalced. để dạy về Ðức trinh nữ Maria, Thiên Chúa Thánh Mẫu [Θεοτοκος] (Xc. DS 555). Thư của thánh Lêo Cả gửi cho Flaviano (Xc. PL 54,763), bản đức tin mà Ðức Innocente III truyền cho nhóm Waldense phải tuyên xưng cũng đều buộc chúng ta phải tin như thế.
C. Các Giáo phụ. Ðạo lý về chức thân mẫu Thiên Chúa của Ðức Maria đã được giãi bày tỏ tường trong biểu thức "Con Thiên Chúa sinh bởi Trinh Nữ Maria mà thánh Ignatio, ông Aristides (Apol. 2,6), thánh Justino (Apol. II,6), ông Tertuliano, Hippolyto, Origenes đã dùng. Thánh Irenaeus thì viết: "Chính [Chúa] là Ngôi Lời hằng hữu đã gồm thâu Ađam nơi mình, đã chịu sinh ra trong Ađam bởi Ðức Maria, Ðấng vẫn đồng trinh: Còn chính tước hiệu Thân mẫu Thiên Chúa, hay Thiên Chúa Thánh Mẫu: Dei Genitrix [Θεοτοκος] thì được sử dụng vào thế kỷ thứ 4 bởi Ðức Cha Alexander, giám mục thành Alexandria, rồi bởi thánh Ephraem, bởi Eusebio, bởi thánh Athanasio, bởi thánh Epiphanio (Ancor. 30 và 75), bởi thánh Basilio, Gregorio Nyss. và Greg. Naz. Thánh nhân viết: "nếu ai không tin thánh Maria là Thân Mẫu Thiên Chúa thì xa lìa Thiên Chúa. Sau CÐC Epheso (n. 431) tước hiệu Thiên Chúa Thánh Mẫu trở thành thông dụng nơi các nhà trước tác của Giáo Hội.
D. Lẽ Thần học. Khi bàn về mầu nhiệm, thì Thần hoc chỉ có thể đưa ra những lẽ xứng tiện.
1. Nếu Chúa Kitô không được thụ thai và sinh ra bởi bởi Trinh Nữ Maria thì sẽ không thuộc về dòng giống chúng ta, không thuộc về bản tính nhân loại sa ngã.
Vì nếu đón nhận nhục thể bởi người mẹ, bởi Ðức Trinh Nữ Maria, mới có thể phát xuất từ Ađam,.
Mà để hoàn thành công cuộc cứu chuộc, và để vực dậy bản tính nhân loại sa ngã, thì Ðức Kitô mặc lấy bản tính nhân loại, đã sa ngã trong Ađam, hay mặc lấy chính nhục thể của bản tính ấy, là điều xứng tiện.
Thánh Thomas viết: "Chúa Kitô mặc lấy bản tính nhân loại để thanh tẩy nó khỏi sự hư hoại. Bản tính nhân loại chỉ cần thanh tẩy vì đã bị ô nhiễm từ nguồn gốc hư đốn phát xuất từ Ađam. Vì thế cần phải mặc lấy nhục thể phát xuất từ Ađam, để nhờ sự cất nhắc này mà bản tính nhân loại được sửa chữa".
2. Ðức Kitô mặc lấy nhục thể thuộc dòng giống Ađam là điều xứng tiện.
Theo thánh Augustin: "Thiên Chúa có thể mặc lấy nhục thể của dòng giống khác, không phải của Ađam, là người đã truyền tội của mình cho nhân loại". Nhưng Thiên Chúa cho việc làm ra con người sẽ thắng kẻ thù bởi chính dòng giống đã bị nó quật ngã thì xứng tiện hơn. Vì:
Theo đức công bình ai đã phạm tội thì phải đền tội. Vì thế, Ðấng đến để đền thay cho cả bản tính sa ngã trong tội, mà mặc lấy nhục thể của bản tính sa ngã ấy, thì quả là xứng hợp.
Ðấng được sinh ra để thắng ma quỉ mà thuộc về cũng một dòng giống nhân loại, đã bị ma quỉ quật ngã, thì quả là xứng hợp để đề cao phẩm giá nhân loại hơn.
Nếu mặc lấy và tôn vinh cũng một bản tính đã bị hư hoại và bệnh hoạn vì tội lỗi thì quyền năng của Thiên Chúa cũng được tỏ hiện rạng rỡ hơn.
3. Ðức Kitô mặc lấy nhục thể bởi một phụ nữ thì xứng hợp.
Thánh Thomas viết: "Dù Con Thiên Chúa có thể tùy ý mặc lấy nhục thể nhân loại bởi bất cứ chất thể nào, nhưng mặc lấy nhục thể bởi một phụ nữ là điều rất xứng hợp:
Vì bằng cách này toàn thể bản tính nhân loại được nâng cao. Thánh Augustin viết: "Sự giải thoát con người phải được giãi bày nơi cả hai giới. Vậy vì phải nhận lấy nam giới, là giới vinh dự hơn, thì cũng xứng hợp để giãi bày sự giải phóng nữ giới, nếu người nam kia được sinh ra bỏi phụ nữ ".
Với cách này sự chân thật của việc nhập thể được khẳng định. Thánh Augustin viết trong thư 137, gửi Volusiano rằng: "Nếu Ðấng Toàn năng đột ngột đưa ra cho thấy một nam nhân, được nhào nặn từ đâu chứ không do lòng mẹ tác thành thì há không củng cố ý kiến sai lầm cho rằng [Ðức Kitô] tuyệt nhiên không mặc lấy một con người thật ư ? Và khi mọi sự xảy ra cách lạ lùng, thì cất mất niềm tin cho rằng Người đã thực hiện một cách xót thương. Trái lại, Ðức Kitô xuất hiện như trung gian giữa Thiên Chúa và con người, phối hợp hai bản tính trong sự thuần nhất của ngôi vị, thì điều thường tình sẽ nhờ những điều phi thường mà được nâng cao, và những điều phi thường sẽ nhờ điều thông thường chế giảm".
Với cách này, mọi dạng thức sinh sản của nhân loại được hoàn tất, vì người nam thứ nhất phát xuất từ bùn đất, không có [sự can dự của] người nam và người nữ; bà Evà thì phát xuất từ người nam; tất cả các người khác thì phát xuất bởi người nam và người nữ. Còn lại dạng thức thứ bốn, dành riêng cho Chúa Kitô, Ðấng phát xuất từ người nữ mà không có người nam.

4. Ðức Kitô mặc lấy nhục thể bởi một trinh nữ thì xứng hợp. Vì bốn lý do:
1) Ðể duy trì phẩm vị nguyên vẹn của Chúa Cha, Ðấng đã cử Ðức Kitô đến. Vì Ðức Kitô là Con thật và tự nhiên của Chúa Cha, nên nếu Người có một người cha nữa, khác với Chúa Cha thì không xứng hợp. Như thế phụ hệ sẽ không được chuyển sang ai khác ngoài Chúa Cha.
2) Chính bản tính của Chúa Con, Ðấng được cử đến cũng đòi hỏi như vậy. Chúa Con là Ngôi Lời Thiên Chúa. Lời [tâm từ] của chúng ta được quan niệm mà không có sự hư hoại của tâm trí; trái lại sự hư đốn của tâm trí không thích hợp với việc quan niệm một tâm từ hoàn bị. Vậy vì nhục thể được Ngôi Lời Thiên Chúa đón nhận để là nhục thể của Ngôi Lời, cho nên được thành thai mà mẹ không bị hư hoại thì quả là xứng hợp.
3) Phẩm giá của nhân loại tính nơi Chúa Kitô cũng đòi hỏi như vậy. Bản tính nào sẽ cất tội trần gian, thì tội lỗi không thể trụ tại bản tính đó, theo lời thánh Gioan: "Ðây Chiên Thiên Chúa", nghĩa là Ðấng vô tội, "Ðấng xoá tội trần gian". Vậy không thể có thân thể, được sinh ra do một bản tính đã bị hư hoại vì sự phối hợp giới phái, mà không vưong phải tội tổ truyền. Bởi đó thánh Augustin viết: "Sự phối hợp giới phái chỉ không có ở đấy, ấy là nơi hôn nhân của Ðức Maria và thánh Giuse, vì trong nhục thể của tội lỗi không thể không có nhục dục, phát sinh bởi tội lỗi; và Ðấng vô tội muốn được thành thai không nhục dục".
4) Vì chính mục đích của việc Nhập thể. Ðể con người được tái sinh thành con cái Thiên Chúa, "không do ý muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do Thiên Chúa" (Ga 1,13), nghĩa là do sức mạnh của Thiên Chúa, thì mẫu mã ấy phải hiển hiện nơi chính việc thành thai của Ðức Kitô. Vì thế thánh Augustin viết trong sách ‘về đức trinh khiết’: "Ðầu của chúng ta, với phép lạ cả thể, phải được sinh ra về phần xác bởi trinh nữ, để biểu thị những chi thể của mình sẽ sinh ra về phần hồn bởi Hội Thánh trinh bạch".

Tiết II
Về bản tính mẫu hệ của Ðức Trinh Nữ Maria
Trong tiết này chúng tôi sẽ bàn về khái niệm của của mẫu hệ nói chung, để rồi áp dụng vào Ðức Trinh Nữ Maria.
I. Khái niệm. Mẫu hệ, cũng như phụ hệ, hàm súc sức truyền sinh chủ động. Sinh đẻ là "sự bắt nguồn của một sinh vật bởi sinh vật khác tiếp giáp đồng loại". Ðể gọi là sinh đẻ cần phải có những điều kiện sau đây:
1. Sự bắt nguồn của một sinh vật bởi một sinh vật khác. Theo cách này Chúa Kitô có cũng một bản tính và một sự sống nhân loại như bà mẹ nhân loại sống động.
2. Bởi một sinh vật khác tiếp giáp, nghĩa là trực tiếp theo nghĩa hẹp như mẹ sinh ra con, chứ gián tiếp theo nghĩa rộng như bà sinh ra cháu. Ðức Maria trực tiếp cung cấp chất thể để nhào nặn nên thân thể Chúa Giêsu, như các bà mẹ khác cung cấp chất thể cho thân thể con cái và chuẩn bị để thụ thai .
3. Ðồng loại, nghĩa là giống nhau về bản tính,theo yếu tính việc sinh sản nhằm tái sản xuất nơi kẻ thụ sinh ra bản tính của người sinh thành: do hiệu lực của sự sinh đẻ, mẹ và con có cũng một bản tính; người mẹ như khuôn đúc một thực tại khác đồng bản tính với mình. Về điểm này chức năng của Ðức Maria hoàn toàn giống với các bà mẹ khác.
II. Mẫu hệ nơi Ðức Maria. Nhưng việc sinh con của Ðức Maria còn có đặc trưng riêng. Ðể hiểu điều này nên lưu ý là mẫu hệ thì khác với phụ hệ, vì hiệu năng của người mẹ là hiệu năng phụ thuộc, vì cốt yếu hệ tại cộng tác với một nguyên lý khác qui định sự hiện hữu của một thực tại sống động mới. Vì thế người mẹ đóng góp nhân tố khả dĩ được qui định (principium determinabile), phụ thuộc vào nhân tố qui định (princ. determinans). Người mẹ có ba chức năng: thụ thai, cưu mang và sinh đẻ.
1. Mẫu hệ cốt yếu hệ tại người mẹ, nhờ một quá trình sinh động, lấy bản thể là máu thịt của mình để hình thành một tế bào, gọi là noãn châu; do nhân tố ngoại lai qui định noãn châu này được thụ tinh và biến thành phôi thai của thân thể con người trong tử cung mẹ; thân thể này được linh hồn mô thể hoá.
2. Rồi người mẹ phải bảo tồn bào thai trong tử cung của mình và, qua trung gian của nhau, lấy khí huyết của mình mà nuôi dưỡng để bào thai được phát triển, và thể hiện việc hô hấp, tuần hoàn và tiêu hoá.
3. Sau hết, khi bào thai phát triển đầy đủ thì bà mẹ sinh con, thai nhi ra chào đời. Ðức Trinh Nữ đã sinh hạ Ðức Kitô thực sự và đúng nghĩa theo bản tính nhân loại:
a.       Người đã cung cấp cách thể lý, mà còn tự ý cúng hiến chất thể cho nhân tố thần linh qui định, chứ không phải nhân tố phàm tục, là tinh dịch của nam nhi: chính quyền năng của Chúa Thánh Thần đã làm cho noãn châu của Ðức Trinh Nữ thành thai và biến thành phôi thai của thân thể phàm nhân của Chúa Kitô. Như thế, bằng cách cung cấp noãn châu, Ðức Nữ Trinh rất thánh chuẩn bị chất thể thích hợp để thụ thai.
b.      Ðức Trinh Nữ cũng cưu mang trong lòng thân thể đang phát triển của Chúa Kitô, lấy máu mình để nuôi dưỡng. Vì có lẽ thân thể Chúa Giêsu không trưởng thành ngay lập tức; có lẽ cũng qua trạng thái bào thai trước khi thành thai nhi để ra chào đời.
c.       Ðức trinh nữ cũng sinh đẻ như các bà mẹ khác, thành thử Chúa Giêsu đã thực sự được sinh ra, đã ra chào đời theo thông lệ.

 Tiết III
Những nguyên nhân can dự vào
việc sinh nở của Ðức Trinh nữ Maria
       I.            Sự thụ thai lạ lùng và tự nhiên. Có nhiều nguyên nhân can dự vào việc sinh nở của Ðức Trinh Nữ Maria: Căn nguyên tác thành xa là chính sự ưng thuận của Ðức Maria; nguyên nhân tác thành gần hay là thừa tác là chính Ðức Trinh nữ, Ðấng cung cấp chất thể, cưu mang và sinh hạ; còn nguyên nhân chính là Chúa Thánh Thần, Ðấng cấu thành thân thể, phú ban linh hồn và phối hợp thai nhi, trong tử cung của Ðức Trinh Nữ Maria, với Ngôi Lời. Vì thế việc thụ thai Ðức Giêsu vừa lạ lùng vừa tự nhiên: về phía mẹ thì tự nhiên; về phía hoạt động của Chúa Thánh Thần thì lạ lùng. Về điều này thánh Thomas viết:
"Nếu chúng ta cứu xét sự thụ thai về phía chất thể, được người mẹ cung cấp, thì toàn là tự nhiên. Nhưng nếu chúng ta lưu ý đến sức chủ động, thì toàn là lạ lùng. Nhưng khi nghiên cứu mỗi thực tại theo mô thể hơn là theo chất thể, và theo nguyên nhân chủ động hơn thụ động thì phải cho việc thành thai của Chúa Kitô cốt yếu là lạ lùng và siêu nhiên, và chỉ là tự nhiên cách phụ thuộc".
II. Việc tác động như chủ căn của Chúa Thánh Thần. Do biệt ứng mà gọi Chúa Thánh Thần là căn nguyên: những công việc của tình yêu, ân sủng và sự thánh thiện thường đuợc biệt ứng cho Chúa Thánh Thần.
Nhưng kỳ thực là cả Ba Ngôi đều thực hiện việc thành thai và nhập thể của Chúa Kitô với một tác dộng chung; cả Ba Ngôi vừa làm thân thể được hình thành vừa phối hiệp thân thể ấy với Ngôi Lời một trật, nhưng theo khía cạnh khác nhau: việc đặc cử (missio) Ngôi Lời xuống thế là công việc của Chúa Cha, vì đã ban tặng Chúa Con cho nhân loại, để Người nhập thể; việc đón nhận nhục thể được biệt ứng cho Chúa Con, vì Ngôi Lời cất nhắc và phối hiệp nhục thể ấy với mình; việc làm cho thân thể và bản tính nhân loại được hình thành nơi Chúa Kitô được biệt ứng cho Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần không được gọi là Cha Chúa Giêsu theo nhục thể. Vì Chúa Kitô không thành thai bởi chính bản thể của Chúa Thánh Thần, và việc thành thai cũng không thành tựu theo cũng một bản tính của Chúa Thánh Thần; đàng khác cũng là công việc chung của cả Ba Ngôi.
Chương II
ÐỨC MARIA LÀ MẸ THẬT THIÊN CHÚA
Trong chương này chúng tôi sẽ tìm hiểu tính cách chân thực của chức làm Mẹ Thiên Chúa, rồi đến sự cao cả của thiên chức ấy. Vì thế chương này gồm hai tiết:
Tiết I. Ðức Maria thật là Thân mẫu Thiên Chúa.
Tiết II. Sự cao sang tuyệt vời của Thân mẫu Thiên Chúa.
Tiết I.
Ðức Maria thật là thân mẫu Thiên Chúa
I. Ðặt vấn đề. Theo đức tin công giáo Trinh nữ Maria chẳng những là Thiên Chúa Thánh Mẫu, nghĩa là mẹ thật Chúa Giêsu, cũng là Thiên Chúa, mà còn là Thân Mẫu Thiên Chúa [Θεοτοκος], nghĩa mẹ thật Thiên Chúa, vì đã thực sự thụ thai, cưu mang và sinh hạ Thiên Chúa.
1. Thực sự hễ đã sinh hạ ai thì quả nhiên là mẹ người ấy, vì vị này không những lọt lòng mẹ, mà còn được mẹ thụ thai, và cưu mang, nghĩa là nhận lấy nhục thể của mẹ như đã giải thích trên.
2. Thiên Chúa, nghĩa là ngôi vị Thiên Chúa. Ðức Maria không phải là Mẹ Thiên Chúa tính, hay là mẹ của bản tính Thiên Chúa, [chủ trương như vậy là rối đạo], mà là Mẹ của một Ngôi vị Thiên Chúa, không phải đích thị như Thiên Chúa, nghĩa là không theo bản tính Thiên Chúa, hay theo thuộc tính Thiên Chúa đã được sinh ra từ thuở đời đời, nhưng theo bản thể của nhục thể, hay là theo nhân loại tính được sinh ra trong thời gian.
3. Theo nghĩa hẹp, đến độ chủ thể được sinh ra là Thiên Chúa hay một Thần Vị, chứ không phải một nhân vị rồi sau trở thành Thiên Chúa. Vì thế Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa theo nghĩa hẹp, chứ không phải theo nghĩa rộng, như một phụ nữ được gọi là hoàng thái hậu vì đã sinh ra một người con sau này lên ngôi vua.
II. Những lạc thuyết.
A. Mặc nhiên: 1. Những người không công nhận nhân loại tính thiết thực và trần phàm của Chúa Kitô và việc Người được thụ thai, như nhóm Ảo nhân, Valentin, Marcion và Apeles.
2. Những người chỉ công nhận nhân loại tính, chứ không công nhận Thiên Chúa tính của Chúa Kitô và chủ trương Người chỉ là dưỡng tử của Thiên Chúa, như nhóm Ebionitae, Cerinthus, Paulus Samosatenus.
3. Nhóm Ario chủ trương Ngôi Lời là vật thụ tạo tiên khởi và hoàn bị nhất của Thiên Chúa.
4. Photinus cho rằng việc ngôi hiệp chỉ thể hiện sau khi Ðức Kitô đã ra chào đời.
5. Sau hết là nhóm Eutiches chủ trương rằng Thiên Chúa tính của Ngôi Lời đã hoá thành bản tính nhân loại, hoặc do hai bản tính ấy tổ hợp nên bản tính mới khác.
Như thế tất cả các lạc thuyết ấy đều chủ trương Ðức Trinh Nữ Maria không sinh ra Thiên Chúa.
B. Minh nhiên: 1. Những người chủ trương Ðức Kitô có hai bản vị hay ngôi vị, hiệp thông với nhau hay chỉ phối hợp với nhau cách ngẫu nhiên, chứ không phối hiệp thực sự về ngôi vị. Vì thế, không phải Ngôi Lời hay Thiên Chúa, mà chỉ có Ðức Kitô là con Ðức Trinh Nữ Maria. Ðức Maria là Thân Mẫu Ðức Kitô [Cristokos] hay là (Ðấng bồng bế Thiên Chúa) chứ không phải là Θεοτοκος (Thân Mẫu Thiên Chúa).
Ðó là chủ trương chủ Diodorus Tarsianus, Theodorus Mopsuestus và Nestorius. Trước hết Nestorius chấp thuận cho linh mục Athanasio giảng rằng: Thiên Chúa không thể có mẹ; về sau chính Nestorius công khai chủ trương đạo lý ấy. Vì thế ta không thể gọi Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa, có chăng chỉ là lạm dụng và theo ý nghĩa bóng bảy, ấy là Thiên Chúa ở trong Ðức Kitô như trong một đền thờ cho nên thông địa vị của mình cho con bà Maria.
2. Những người Thệ phản như Sociani và Unitarii.
3. Những người Duy lý, họ cho rằng đạo lý về Mẹ Thiên Chúa không có trong thời Giáo Hội sơ khai, họ cũng khẳng định rằng, ban đầu Ðức Maria chỉ được coi là một phụ nữ tuyệt vời, rồi như trinh nữ thụ thai, sau cùng như Mẹ Thiên Chúa.
III. Ðề luận II. Ðức Maria là Thân Mẫu thật của Thiên Chúa
IV. Chứng minh. A. Thánh Kinh. Thánh Kinh dạy về mẫu hệ thần linh của Ðức Maria nhiều cách, khi thì trực tiếp và minh nhiên, khi thì gián tiếp và mặc nhiên.
1. Trực tiếp. a) Minh nhiên. Thiên sứ Gabriel đã khẳng định cách chính thức và minh nhiên rằng: "Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao, Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavit, tổ tiên Người, Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận" (Lc 1,31-33).
b) Mặc nhiên. 1) Trong Tin mừng thánh Gioan có chép một cách tương tự rằng: "Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1,14); và do người nữ mà hoá thành nhục thể, vì thánh Phaolô viết: "Khi thời gian đã tròn đầy, Thiên Chúa đã cử Con Mình tới, được cấu thành từ một người đàn bà" (Gl 4,4), nghĩa là được thành thai và sinh ra bởi Ðức Maria, vào đúng thời gian Thiên Chúa đã hoạch định (xc. Lc 1,31). Vậy theo thánh Gioan Ngôi Lời là Thiên Chúa thật. Và Thiên Chúa thật đã hoá thành nhục thể của Ðức Maria; và với cách đó Ðức Giêsu thuộc về dòng tộc vua Ðavít theo huyết thống (Rm 1,3). Cho nên Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa về đàng cốt nhục.
2) Vì thế bà Isave, được đầy Thánh Thần đã kêu lên: "Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này" (Lc 1,43,). Chúa tôi [κúριος] là danh xưng Thiên Chúa, như thấy trong c. 45 và 46 và cả đoạn.
2. Gián tiếp do suy diễn. a) Theo Thánh Kinh, Ðức Maria thật là Thân Mẫu Chúa Giêsu, như đã chứng minh trên đây (Ðề luận I). Vậy Chúa Giêsu là Con thật và tự nhiên của Thiên Chúa; mà Con Thiên Chúa cũng là Thiên Chúa thật [như được bàn giải trong mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập thể]. Nếu Con Ðức Maria là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, thì Ðức Maria quả là Mẹ thật Thiên Chúa. Nói cách khác, Ðức Maria là thân mẫu Chúa Giêsu, mà Chúa Giêsu là một ngôi vị Thiên Chúa. Cho nên Ðức Maria là thân mẫu của ngôi Thiên Chúa, hay là thân mẫu Thiên Chúa.
b) Thánh Phaolô, trong thư gửi dân Rôma nói rằng: "chính Ðức Kitô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ, Người là Thiên Chúa, Ðấng vượt trên mọi sự" (Rm 9,5). Nhưng chỉ nhờ Ðức Maria Ðức Kitô mới thuộc về nòi giống tổ phụ, vì đã được Ðức Maria thụ thai và sinh hạ. Cho nên Ðức Maria là Thân Mẫu của Ðấng là Thiên Chúa đáng chúc tụng đến muôn đời muôn thuở.
Vì thế thánh Thomas viết: "Dù không thấy Thánh Kinh khẳng định cách minh nhiên rằng Ðức Maria là Thân Mẫu của Thiên Chúa, nhưng trong Thánh Kinh thấy rõ ràng Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa (1 Ga 5,20), và Ðức Maria là Thân Mẫu của Chúa Giêsu Kitô (Mt 1,16). Cho nên, theo Thánh Kinh Ðức Maria quả là Thân Mẫu Thiên Chúa. Trong thư gửi Rôma, thánh Phaolô cũng viết: "...Ðức Kitô, là Ðấng vượt trên mọi sự, Chúc tụng Người đến muôn đời muôn thuở, xét theo huyết thống Người thuộc nòi giống Do thái. Nhưng chỉ qua Ðức Maria mà Người thuộc nòi giống Do thái. Vì thế Ðấng ở trên mọi sự, là Thiên Chúa đáng chúc tụng muôn đời, đã được thực sự được sinh ra bởi người mẹ là Ðức Trinh Nữ vinh hiển".
B. Ðạo lý của Giáo Hội. Ðây là điều mà Giáo Hội đã minh bạch ấn định như chân lý đức tin. Trước hết trong CÐC Epheso; trong thư của Ðức Lêo I gửi Ðức Cha Flaviano có câu: "Ðược sinh ra bằng sự đản sinh mới: vì sự [đấng] trinh bạch vô nhiễm không biết đến nhục dục, đã cung cấp nhục thể. Từ người mẹ Chúa nhận lấy bản tính, chứ không phải tội lỗi; CÐC Chalcedonia cũng ấn định: "[Ðức Giêsu Kitô] được Chúa Cha sinh ra từ trước muôn đời về Thiên Chúa tính, nhưng vào những ngày sau hết, vì chúng ta và vì phần rỗi chúng ta, Người đã được sinh ra về nhân loại tính bởi Ðức Trinh Nữ Maria, thân mẫu Thiên Chúa [Θεοτοκος]" (DS 301); trong thư gửi cho những thượng nghị sĩ thành Const. (năm 534) Ðức Gioan đệ II viết: "Chúng tôi dạy người công giáo thẳng thắn tuyên xưng Ðức thánh Maria vinh hiển trọn đời đồng trinh đúng và thật là Thân Mẫu Thiên Chúa và là mẹ Ngôi Lời nhập thể"; trong CÐC Const. II (DS 427); Const. III (n.681) cũng dùng những lời lẽ như Ðức Gioan II đã dùng (DS 555); Hiến chế "Cum quorumdam homi-num…" của Ðức Phaolô IV, ban hành n. 1555, chống lạc thuyết F. Socino, rồi được Ðức Clemente VIII củng cố n. 1603, cũng tuyên xưng Ðức trinh nữ Maria là mẹ thật Thiên Chúa (DS 1880); Công thức tuyên xưng đức tin, mà Ðức Urbano VIII truyền năm 1642, và được Ðức Benedicto XIV tái xác định năm 1743, để chống lạc thuyết Nes-torio, Eutyche và Dioscoro, vẫn nói rõ "rất thánh đồng trinh Maria thật là thân mẫu Thiên Chúa". Trong Hiến chế tín lý về Giáo Hội, CÐC Vatican II cũng tuyên xưng Ðức Trinh Nữ Maria là "Mẹ thật của Thiên Chúa: vera Mater Dei" và "Thân Mẫu của Con Thiên Chúa: Genitrix Dei Filii" (LG số 53).
C. Lưu truyền. Lưu truyền trong Giáo Hội vẫn liên lỉ tuyên xưng chân lý đó, như thấy trong các KTK, cũng như trong các Giáo phụ đông phương và latinh mà ở đây không thể trích dẫn, chỉ nên nhớ trong Kinh cầu Ðức Mẹ chẳng những có câu: "Rất thánh Ðức Mẹ Chúa Trời: Sancta Dei Genitrix", lại còn có câu "Ðức Mẹ sinh Chúa tạo thiên lập địa: Mater Creatoris". Sách GLGHCG cũng nhắc lại rằng: "Giáo Hội tuyên xưng Ðức Maria thật là Thân Mẫu Thiên Chúa: Mariam vere esse Deiparam (Θεοτοκος)" (số 495).
D. Lẽ thần học. 1. Do chính tín điều Nhập thể. Ðấng thụ thai, cưu mang, và sinh hạ một thực tại, có ngôi vị là Thiên Chúa, thì là thân mẫu đích thực của Thiên Chúa.
Vậy Trinh Nữ Maria đã thụ thai, cưu mang và sinh ra Chúa Kitô, có ngôi vị là Thiên Chúa; và chắc chắn là như thế ngay từ khi Chúa Kitô thành thai, đến độ không có lúc nào Chúa Kitô là người mà không phải là Thiên Chúa:
Thực tại được sinh ra không những là bản tính, mà còn là ngôi vị lập hữu nơi bản tính được sinh ra: hoạt động và thụ động thì qui cho bản vị, và không ai được mệnh danh là thân phụ hay thân mẫu của một bản tính, mà của ngôi vị này ngôi vị nọ; lại thực tại được sinh ra hay được làm ra thì thuộc về chủ thể hiện hữu hay lập hữu. Về điều này CÐC Epheso đã xác định rất minh bạch. Ví dụ thân mẫu của anh Giáp dù chỉ cung cấp thân thể cho Giáp vẫn có thể nói là đã sinh ra anh Giáp hay ngôi vị anh Giáp. Cũng một lẽ, Ðức Trinh Nữ Maria được mệnh danh là thân mẫu của một ngôi vị Thiên Chúa, nghĩa là toàn thể Ðức Kitô, dù không sinh ra Thiên Chúa tính, cũng không sinh ra linh hồn, mà chỉ sinh ra nhục thể sẵn sàng để đón nhận linh hồn.
Cho nên Ðức Trinh Nữ Maria thật là Thân Mẫu của Thiên Chúa
2. Do những công hiệu trực tiếp của việc Nhập thể. Do hiệu năng của sự thông hiệp những đặc trưng nơi Ðấng nhân-thần, ấy là những đặc trưng cụ thể của con người, như đau khổ, chịu chết, việc sinh nở và được sinh ra bởi Ðức Trinh Nữ, được qui gán cho ngôi vị Thiên Chúa, vì thế có thể khẳng định đúng đắn là Thiên Chúa được sinh ra, Thiên Chúa chịu khổ hình và chịu chết. Nhưng nếu quả đúng là Thiên Chúa được Ðức Trinh Nữ sinh ra, thì cũng quả nhiên Ðức Trinh Nữ là Thân Mẫu Thiên Chúa, vì đó là hai vế đối đương.
Về điểm này thánh Thomas viết: mọi danh xưng biểu thị bản tính cụ thể, có thể chỉ bất cứ bản vị hay ngôi vị nào của bản thể ấy. Như việc phối hợp trong việc nhập thể thể hiện nơi ngôi vị.. hiển nhiên danh xưng Thiên Chúa có thể biểu thị một ngôi vị có nhân loại tính và Thiên Chúa tính… Việc được thụ thai và sinh ra cũng được qui cho bản vị hay ngôi vị được thụ thai và sinh ra theo bản tính. Vì bản tính nhân loại đã được Ngôi Thiên Chúa cất nhắc ngay lúc thành thai (chứ không phải sau khi thành thai)…, cho nên có thể nói đúng rằng, Thiên Chúa đã được Ðức Trinh Nữ thụ thai và sinh ra, sở dĩ một phụ nữ được mệnh danh là mẹ ai là vì đã thu thai và sinh nở người ấy. Vì thế, Ðức Trinh Nữ được mệnh danh là mẹ thật Thiên Chúa.
3. Do những công hiệu gián tiếp của mầu nhiệm Nhập thể. Chỉ trong hai giả thuyết này Ðức Trinh Nữ mới không phải là Thân Mẫu của Thiên Chúa, ấy là nếu nhân loại tính của Ðức Kitô được thụ thai và sinh nở trước khi con người ấy là Con Thiên Chúa như Photino chủ trương; hoặc nếu nhân loại tính không được cất nhắc và gồm thâu trong một ngôi vị hay bản vị của Lời Thiên Chúa như Nestorio chủ trương. Nhưng hai giả thuyết trên đều sai lạc. Cho nên ai chối không công nhận Ðức Trinh Nữ Maria là Mẹ thật Thiên Chúa thì kẻ ấy là người rối đạo.
V. Hệ luận. 1. Như nơi Ðức Kitô có hai bản tính là bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại (DS 301), thì cũng có hai sự sinh ra (DS 422), vì sự sinh nở thì tương quan với bản tính như sự chuyển dịch tới đích điểm; nhưng tương quan lại hệ tại căn nguyên và chủ thể, nên về tử hệ thì phải phân biệt: nếu bàn về những lý do hoàn bị của tử hệ, là sự sinh sản, thì cũng phải gán cho Ðức Kitô hai tử hệ, vì Người vừa được sinh ra bởi Thiên Chúa từ thuở đời đời theo bản tính Thiên Chúa, vừa được sinh ra bởi Ðức Maria trong thời gian theo bản tính nhân loại; còn nếu bàn về chủ thể của tử hệ, thì nơi Chúa Giêsu chỉ có một tử hệ hằng cửu, vì Người chỉ có một bản vị hằng cửu.
2. Việc loan tin cho Ðức Maria biết chức làm mẹ của Người như thiên sứ đã làm (Lc 1,31) là điều rất thích hợp:
a) Ðể bảo vệ trật tự thích hợp của sự liên kết của Con Thiên Chúa với Ðức Trinh Nữ, cốt sao để Ðức Trinh nữ thai nghén Con Thiên Chúa trong tâm hồn trước khi cưu mang trong lòng dạ, vì thánh Augustin viết: "Khi Ðức Maria lấy đức tin mà đón nhận Ðức Kitô thì hạnh phúc hơn là khi cưu mang Người trong thân thể", rồi thánh nhân thêm: "mẫu hệ không ích gì cho Ðức Maria nếu Người không hân hạnh cưu mang trong trái tim hơn là trong thân xác". Lại linh hồn thì gần gũi Thiên Chúa hơn thân thể, nên sự Thượng trí của Thiên Chúa ở trong cung lòng mà không soi sáng cho tâm hồn thì không thích hợp.
b) Ðể Người có thể là chứng nhân chắc chắn về mầu nhiệm này, vì đã được mặc khải.
c) Ðể Người tình nguyện tuân phục thánh ý Thiên Chúa, và nói lên những lời: "Vâng, con đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho con như lời sứ thần nói" (Lc 1, 31). Lại vì Thiên Chúa không muốn ai phục vụ cách ép uổng; Ðức Maria lại được tuyển chọn để cưu mang bú mớn và bồng bế hài nhi Giêsu, nên phải được loan báo để có thể khiêm nhường, sẵn sàng, ân cần, mau lẹ và tình nguyện phục vụ.
d) Ðể giãi bày một thứ hôn phối thiêng liêng giữa Chúa Con và bản tính nhân loại. Vì thế, sứ thần thỉnh ý Ðức Maria, thay mặt cả nhân loại.
3. Việc loan báo được thực hiện bởi một sứ thần cũng là điều thích hợp:
a) Ðể duy trì kế hoạch của Thiên Chúa, theo đó các thiên sứ là trung gian để truyền đạt những điều thần linh cho loài người.
b) Ðể việc cứu vãn loài người được thích hợp, vì như ma quỉ đã dụ dỗ bà Evà để loài người hư đi, thì một thiên sứ cũng góp phần để Ðức Maria, Evà thứ hai, tự hiến để sinh hạ Ðấng Cứu Thế.
c) Ðể thích hợp với đức đồng trinh của Ðức Maria: đức trinh khiết là điều bản nhiên của thiên thần.
4. Việc sứ thần truyền tin hiện ra để Ðức Maria mục kích cách hữu hình (visione corporali) cũng là điều thích hợp:
a) Vì sứ thần loan báo việc Thiên Chúa vô hình Nhập thể để trở thành hữu hình; vì thế để giãi bày mầu nhiệm này mà một vật thụ tạo vô hình mặc dạng thức hữu hình để loan báo, thì quả là điều thích hợp.
b) Vì địa vị của Mẹ Thiên Chúa, sẽ đón nhận Con Thiên Chúa, chẳng những trong tâm trí, lại trong cả thân thể của mình. Bởi vậy Ðức Trinh Nữ được hoan lạc chẳng những trong tâm trí lại trong cả giác quan là điều thích hợp.
c) Vì sự chắc chắn của mầu nhiệm được loan báo. Những điều được giác quan thâu nhận thì chắc chắn hơn những điều tưởng tượng (Ibi. m. 3).

Tiết II

SỰ CAO SANG TUYỆT VỜI CỦATHÁNH MẪU THIÊN CHÚA
Trong tiết này chúng tôi sẽ ưu tiên so sánh chức Thân Mẫu Thiên Chúa với ân sủng, rồi tìm hiểu một cách đầy đủ địa vị tuyệt vời của Thân Mẫu Thiên Chúa bằng cách nghiên cứu lý do của sự cao sang; những nguyên lý, những nền tảng, những thể thức khác nhau và những tương quan phát xuất từ địa vị ấy. Như thế chúng tôi hy vọng tích lũy một kiến thức tổng hợp chính xác và mạch lạc về toàn thể mầu nhiệm Thiên Chúa Thánh Mẫu. Ðiều đó sẽ giúp chúng ta yêu mến và tôn sùng Mẹ cho đúng đắn và xứng đáng. Vì thế chúng tôi sẽ so sánh chính địa vị Mẹ Thiên Chúa với ơn thánh hoá, rồi đến những tương quan của địa vị ấy với Chúa Ba Ngôi, sau đó sẽ so sánh địa vị ấy với những hoàn thiện, những đặc trưng và những hồng ân khác.
I. Ðề luận III. Ðịa vị của Thân Mẫu Thiên Chúa xét đơn thuần thì tuyệt vời, hoàn toàn đặc biệt; hơn nữa còn là địa vị duy nhất trong các địa vị của các vật thụ tạo. (Ðạo lý chắc chắn)
II. Chứng minh:
A. Lẽ Thần học. Thân Mẫu Thiên Chúa có địa vị cao sang tuyệt vời:
1. Vì là địa vị thuộc về lãnh vực cao viễn.
a) Có ba lãnh vực là tự nhiên, ân sủng và ngôi hiệp. Vậy như lãnh vực ân sủng thì cao sang hơn lãnh vực tự nhiên ngàn trùng, thì lãnh vực ngôi hiệp cũng cao trọng hơn lãnh vực ân sủng ngàn trùng.
Vậy Con Người Giêsu thuộc lãnh vực ngôi hiệp, vì chẳng những liên kết với Thiên Chúa mà còn là ngôi Thiên Chúa, cho nên tất cả những chi thuộc về ngôi vị ấy đều có một phẩm giá riêng biệt và hoàn toàn trác tuyệt, trổi vượt trên mọi vật thụ tạo.
Mà Ðức Maria, vì là Thân Mẫu Chúa Giêsu, có mẫu hệ với Chúa Kitô, nên theo cách qui kết (reductive) cũng thuộc về lãnh vực ngôi hiệp.
Quả thực Thân Mẫu Thiên Chúa đã cộng tác cách thể lý và luân lý vào mầu nhiệm Nhập thể. Cách thể lý vì đã cúng hiến chất thể: máu thịt của Chúa Kitô là do huyết nhục của Ðức Maria. Như các bà mẹ khác, Ðức Maria đã tích cực tham gia vào việc hình thành, và dưỡng nuôi bào thai của Con mình. Cách luân lý hay tinh thần, vì đã ưng thuận lời thiên sứ truyền tin và tự ý thụ thai, sinh hạ và dưỡng nuôi Con mình. Lại theo tư cách là phương tiện hay dụng cụ Chúa Thánh Thần dùng, Ðức Maria đã trở thành cộng tác viên của Chúa Ba Ngôi trong công trình Nhập thể, đến độ mầu nhiệm ngôi hiệp, nghĩa là việc phối hiệp giữa bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại trong Ngôi Lời được thành tựu nơi Ðức Maria, do đó ÐHY Cayetano đã quả quyết là Ðức Maria đã đạt tới biên giới của Thiên Chúa tính vì đã thụ thai, cưu mang, sinh hạ và dưỡng nuôi Thiên Chúa bằng chính sữa của mình, như đã nói trên.
Cho nêân Ðức Trinh Nữ Maria phải trổi vượt hơn chư thần chư thánh ngàn trùng.
b) Vả lại, vì là Thân Mẫu của Thiên Chúa Ðức Maria có quyền lợi trên gia nghiệp của Con của mình. Mà Con của Ðức Maria là Vua chư thần chư thánh và toàn thể vũ tru. Cho nên Ðức Maria là Nữ hoàng chư thần chư thánh và là Bà chúa cả vũ hoàn.. Như lời thánh Bernardini Sen.: "Có bao nhiêu vật thụ tạo phục vụ Chúa Ba Ngôi thì có bấy nhiêu thụ tạo phục vụ Ðức Trinh Nữ; bao nhiêu vật phục thuộc quyền hành Thiên Chúa thì bấy nhiêu phục thuộc Ðức Trinh Nữ" (Bài giảng 41, m.3).
2. So sánh với ân sủng thì chức làm mẹ cao trọng hơn, vì ân sủng thì có thể mất. Còn Mẫu hệ Thần linh thì vĩnh viễn, nhờ đó được quyền bất khả biến để yêu mến Con mình.
Cho nên địa vị của Thân Mẫu Thiên Chúa thì tuyệt vời và hoàn toàn đặc biệt…
3. Ðịa vị luân lý và giá trị của một nhân vật tùy thuộc vào những công việc và những thành quả của nhân vật ấy. Vậy Ðức Maria, theo tư cách là Thân Mẫu Thiên Chúa, đã trổ sinh hoa trái vô giá là Ðức Kitô. Cho nên địa vị của Thân Mẫu Thiên Chúa thì tuyệt vời và hoàn toàn đặc biệt.
4. Ơn thánh hoá thì luôn luôn là hữu hạn, vì có thể quan niệm một ân sủng luôn luôn được tăng thêm. Còn theo môt ý nghĩa nào đó, không thể quan niệm một Mẹ Thiên Chúa cao sang hơn, như đã chứng minh.
B. Thế giá các Giáo phụ. Các ngài đã hết lời tán dương địa vị tuyệt vời này. Thánh Athanasio viết: "Lạy Ðức Nữ Trinh, Thân Mẫu vô nhiễm của Thiên Chúa, là chúa bà rất vinh quang và đại ân nhân của con, mẹ cao phong hơn các tầng trời, trong trắng hơn những ánh huy hoàng, những quang tuyến rạng rỡ của mặt trời bội phần"; thánh Ambrosio viết: "Còn gì cao sang hơn Mẹ Thiên Chúa, còn gì rạng rỡ hơn vị mà chính Ðấng Rạng ngời tuyển chọn"; thánh Gregorio Cả viết: "sự cao sang của Ðức Maria thì rạng ngời hơn mọi thánh nhân"; thánh Gioan thành Ðamas thì nói: "có sự khác biệt vô cùng giữa Ðức Mẹ và các tôi trung của Thiên Chúa"; thánh Bonaventura viết: "Có thể nói về Ðức Trinh Nữ rất thánh theo ba hoàn cảnh, ấy là về ơn thụ thai, ơn công chính hoá, và về bản tính của thân thể. Nếu nói về việc thụ thai [nghĩa là không nói về ơn công chính hoá], tức là do việc là Mẹ Thiên Chúa, thì ta không thể nghĩ ra vật nào cao sang hơn; và mẹ của một Ðấng rất cao quang, như thế Người có một địa vị trọng đại mà không phụ nữ nào sánh tầy. Nếu tất cả mọi vật thụ tạo cao sang tột mức đều hiện diện, ắt cũng đều phải khâm sùng kính tôn Mẹ Thiên Chúa". Ngài còn cho là Thiên Chúa có thể làm nên thế giới và tầng trời to lớn hơn, nhưng không thể làm nên người mẹ cao trọng hơn Mẹ Thiên Chúa. Thánh Thomas thì viết: "Ðức Trinh Nữ, vì là Mẹ Thiên Chúa, nên có một thứ địa vị vô cùng, do điều thiện vô cùng, là Thiên Chúa; và về khía cạnh này không có thụ tạo nào hoàn hảo hơn".
III. Ðề luận IV. Chức Thân Mẫu Thiên Chúa, xét theo những tương quan với Thiên Chúa và với những hệ quả, hàm súc sự thân thuộc và những quan hệ riêng biệt với mỗi ngôi trong Ba Ngôi cực thánh. (Chắc chắn)
IV. Chứng minh. Ðức Maria, theo tư cách là Mẹ Thiên Chúa, và theo nhân loại tính, có họ máu theo trực hệ một đời với Con Thiên Chúa; và do hiệu năng của mẫu hệ ấy có tương quan thân thích với Thiên Chúa tính của Chúa Con, nhiên hậu với ba ngôi trong Chúa Ba Ngôi cực thánh.
Thánh Thomas gọi tương quan đó là một thứ thân thích (affinitas), làm cho Ðức Maria được hội nhập vào gia đình Thiên Chúa. Thứ thân thích này là nền tảng của nhiều ân sủng và đặc sủng và ân huệ.
A. Về thân thích. 1. Ðức Maria vì là Mẹ của Ðấng là Con Ðức Chúa Cha, nên có tương quan thân thích với Chúa Cha, vì được tham dự vào sự phong nhiêu của Chúa Cha. Như một mình Chúa Cha sinh ra Chúa Con theo Thiên Chúa tính từ vĩnh hằng, thì cũng một mình Ðức Trinh nữ đã sinh ra Chúa Con theo nhân loại tính.
2. Có tương quan thân thích đặc biệt là mẹ chẳng những của con người Giêsu, lại của cả Ngôi Lời nhập thể; lý trí làm sao giãi bày cho đủ mối liên kết mật thiết giữa mẹ và con: theo bản thể thiếu nhi cũng đồng nhất với mẹ, như bông trái với cây cối.
3. Tương quan thân thích với Chúa Thánh Thần, vì Chúa Thánh Thần có tương quan với Ðấng thông bản tính Thiên Chúa cho Người. Cho nên trong cung lòng Ðức Maria Chúa Thánh Thần luôn luôn phát xuất từ Chúa Con.
B. Về những tương quan riêng biệt. 1. Là trưởng nữ chí ái của Chúa Cha. Ðược Chúa Cha tiền định cách yêu thương đặc biệt hơn mọi vật thụ tạo khác, vì "được tiền định làm mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa". Vì thế, sau Chúa Kitô và cùng với Chúa Kitô, Mẹ trở thành cùng đích, gương mẫu, trọng tâm và chỗ viên thành của mọi vật thụ tạo.
2. Là bạn đồng hành chí thiết của Chúa Con. Con ban cho Mẹ ơn hết tình và trọn niềm yêu mến Con, như Con tha thiết yêu mến Mẹ. Mẹ đã hiệp thông với Con:
a) Suốt cuộc đời một cách thân tình: bồng bế, bú mớm, che chở, đặt nằm trên máng cỏ; chung sống dưới một mái ấm, cầu nguyện, ăn uống.
b) Trong cuộc Thương khó, cùng Con cảm nghiệm những đau khổ của Con; dùng những dâng hiến, những lời cầu nguyện và những công nghiệp để cộng tác với Con trong việc Cứu chuộc nhân loại.
c) Trong vinh quang vì hạnh phúc bất diệt.
3. Là đền thờ đặc biệt của Chúa Thánh Thần, Ðấng ngự trong Ðức Nữ Trinh để thánh hoá Người cách trác tuyệt và để thực hiện nơi Ðức Mẹ những việc thiêng liêng cao cả, như việc nhập thể, mẫu hệ thần linh, sự sung mãn về ân sủng, những việc được biệt ứng cho Chúa Thánh Thần. Ðức Maria là đền thờ của Chúa Thánh trước chúng ta, vì chỉ nhờ mẫu hệ của Người mà chúng ta được trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần. Vì thế, thiên sứ đã đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế Ðấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa" (Lc 1,35).
4. Một số tác giả còn gọi Ðức Maria là nữ tử của Chúa Cha, là Mẹ Chúa Con, và là hiền thê của Chúa Thánh Thần. Kiểu nói hiền thê của Chúa Cha hay của Chúa Thánh Thần ít được thông dụng bên Á châu. Xin đọc thêm các sách đạo đức và sách GLGHCG về những danh xưng dành cho Ðức Mẹ, đặc biệt là cuốn Giải thích Kinh cầu Ðức Mẹ.
    V.            Ðề luận V: So sánh với những hồng ân và đặc sủng siêu nhiên khác thì chức Thân Mẫu Thiên Chúa thuần tuý vẫn trổi vượt và hoàn bị hơn hết.
Chẳng những trổi vượt và hoàn bị hơn các ơn mệnh danh là nhưng ban, lại còn trổi vượt hơn cả ơn thánh hoá quán tập, ơn nghĩa tử, ơn thị kiến thanh nhàn, nói tóm lại là ơn vĩ đại nhất chỉ thua có bậc ngôi hiệp, là bậc mà Mẹ được gia nhập theo cách qui kết.
Luận đề xét về mẫu hệ thuần tuý, chứ không phải cụ thể, nghĩa là không có những hồng ân hay đặc sủng khác kèm theo. Một số tác giả tân trào, như Suarez, Vasquez, Salmanticenses, Mannens, Pesch, Van Noort, Terrien… không tán đồng chủ trương của Luận đề như được hạn định.
VI. Chứng minh. 1. Ai tự mình có tương quan với Thiên Chúa thì liên kết với Người cách thắm thiết hơn người chỉ có tương quan với Thiên Chúa qua trung gian hay qua sự thông dự nào đó.
Vậy theo hiệu năng của mẫu hệ, Ðức Trinh Nữ rất thánh thiện tự thân đã có tương quan với Thiên Chúa, chứ không qua trung gian hay qua sự thông dự nào hết: vì là Thân Mẫu Thiên Chúa theo bản tính, cách chân thật và thuận xưng theo yếu tính trọn vẹn của mẫu hệ, và theo sự thông ban bản thể riêng; trái lại nhờ ân sủng con người không phải là con tự nhiên và thuận xưng của Thiên Chúa, mà là dưỡng tử của Thiên Chúa do sự thừa nhận hay là thông dự phụ thuộc.
Cho nên so sánh với các những hồng ân và đặc sủng siêu nhiên khác thì…
2. Sự liên kết với hữu thể thể lý và theo mô thể bản thể, thì thắm thiết hơn sự liên kết với hữu thể hữu hướng và theo mô thể phụ thể.
Vậy mẫu hệ thần linh liên kết với Thiên Chúa cách thể lý, vì liên kết với chính hữu thể lập hữu của ngôi Thiên Chúa theo mô thể bản thể, mặc dầu qua trung gian của nhân loại tính của Chúa Kitô; chứ không với hữu thể hữu hướng và theo mô thể phụ thể như thể hiện trong ân sủng và trong thị kiến thanh nhàn.
Cho nên sự liên kết của Thân Mẫu Thiên Chúa với Thiên Chúa thì thắm thiết hơn….
3. Cội rễ, căn nguyên, nguồn gốc và mẫu mực thì lớn hơn mọi thể thức phát sinh bởi cội rễ ấy. Vậy chức Thân Mẫu Thiên Chúa, theo chính bản tính, là cội rễ, là nguồn gốc, là danh nghĩa xứng tiện để xin ơn, là đích và là mẫu mực mọi hồng ân và mọi đặc sủng của Ðức Trinh Nữ Maria. Cho nên so sánh với….
4.      Sự tôn sùng siêu nhiên dành cho Ðức Trinh Nữ rất thánh không phải là tôn thờ [cultus latriae], mà sứ tôn sùng đặc biệt, gọi là biệt tôn (hyperdulia), vì chức mẫu nghi thần linh của Người, và sự cộng tác tích cực của Người trong công trình cứu chuộc nhân loại; còn tôn sùng dành cho các thần thánh sự sùng kính (dulia), vì ân sủng và vinh quang của chư vị (xc. LG số 66).
VII. Hệ luận: Xét cách ngẫu trừ (accidentaliter) hay theo khía cạnh nào đó thì ân sủng và thị kiến thanh nhàn cao trọng hơn chức mẫu nghi thần linh:
Vì sự liên kết được thể hiện bằng những tài năng rất cao trọng là trí tuệ và ý muốn, chứ không bằng năng lực thể lý, như sự sinh sản.
Lại là sự liên kết trực tiếp, còn chức mẫu nghi thì qua trung gian của nhân loại tính nơi Chúa Giêsu.
Vì hạnh phúc trực tiếp mà âân sủng và vinh quang mang lại; còn mẫu nghi thì ban quyền lợi, chứ không trực tiếp và cốt yếu làm cho được hạnh phúc.
CHƯƠNG III

ÐỨC MARIA THẬT LÀ THÂN MẪU CHÚA CỨU THẾ


I. Ðặt vấn đề. Trong Kinh Cầu Ðức Mẹ hiện hành, sau khi tuyên xưng Ðức Maria là: "Rất thánh Ðức Mẹ Chúa Trời: Sancta Dei Genitrix"; "Ðức Mẹ Chúa Kitô: Mater Christi", và sau một loạt những lời biểu dương đức đồng trinh và lòng nhân hậu của Người, lại tiếp đến hai lời tuyên xưng bất hủ: "Ðức Mẹ sinh Chúa tạo thiên lập địa: Mater Creatoris", và "Ðức Mẹ sinh Chúa Cứu Thế: Mater Salvatoris". Theo thứ tự tương tựa như thế, sau khi đã tìm hiểu mẫu hệ thần linh của Ðức Trinh Nữ Maria dưới hai khía cạnh là Mẹ thật của con người Giêsu, và là Thân mẫu đích thực của Thiên Chúa, bây giờ chúng tôi xin tìm hiểu mẫu hệ thần linh này dưới tước hiệu là Mẹ Ðấng Cứu Thế, như Evà mới đồng lao cộng khổ với Ðấng Cứu Chuộc loài người.
Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể để cứu chuộc loài người; Ðức Maria đã ý thức điều đó và đã ưng thuận làm mẹ Ðấng Cứu Chuộc ấy, nên có sánh ví Ngời như Evà mới: vì như tổ mẫu Evà đã cộng tác một cách nhân bản với tổ phụ Ađam làm cho loài người hư đi, thì Ðức Maria đã tình nguyẹân và mật thiết liên kết với Ðức Kitô, Ađam mới để cứu chuộc nhân loại, vì chẳng những Người đã tích cực cộng tác như dụng căn thể lý trong nhiệm cục cứu chuộc, bằng cách hiến dâng huyết nhục của mình cho Ngôi Lời nhập thể, lại còn cộng tác về mặt tinh thần, bằng cách tin tưởng, tuân phục và đồng thuận với Con Thiên Chúa làm người trong nhiệm cục này. Ðức Maria quả đã liên kết mật thiết với Chúa Giêsu để cùng với Chúa Giêsu làm nên một căn nguyên cứu chuộc, thành thử theo kiểu nói của CÐC Vatican II: "như một người nữ đã cộng tác trong sự chết thì cũng một người nữ cộng tác trong sự sống". Trong lãnh vục siêu nhiên Ðức Maria quả là Evà mới.
Anh em Tin Lành phủ nhận việc cộng tác tinh thần của Ðức Maria trong nhiệm cục cứu chuộc; phủ nhận mọi liên đới như thế thì không tài nào hiểu được ảnh hưởng của Ðức Maria trong việc cứu chuộc nhân loại.
II. Ðề luận VI: Ðức Maria thật là Thân Mẫu của Chúa Cứu Thế
III. Chứng minh. A. Thánh Kinh. 1. Trực tiếp. Khi loan tin, thiên sứ đã yêu cầu Ðức Trinh Nữ chấp nhận làm Thân Mẫu của Thiên Chúa làm người, và chính thức làm Thân Mẫu của Ðấng Cứu Thế: "Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao, Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng Ðavit, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận" (Lc 1,31-33).
a) Trong tiếng Do thái danh xưng Giêsu nghĩa là: Thiên Chúa là phần rỗi, Thiên Chúa là sự trợ giúp và cứu độ, Thiên Chúa là Ðấng Cứu chuộc. Chính thiên sứ đã cho thánh Giuse biết ý nghĩa của danh xưng ấy, khi loan báo: "Bà [Maria] sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ" (Mt 1,22).
b) Ðấng Messia đã được các ngôn sứ loan báo trước bằng những dấu hiệu.
Vậy Ðức Maria đã tự ý ưng thuận cưu mang và sinh hạ Ðấng Cứu Thế.
Cho nên Ðức Maria quả là Thân Mẫu của Ðấng Cứu Thế.
2. Gián tiếp. Ðức Maria được mệnh danh là Evà mới. Ðể được như thế Người phải là Mẹ Ðấng Cứu Thế, đích thị như cứu thế: vì cũng như khi vào thế gian Ngôi Lời nhập thể đã nói: "Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể…Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con" (Dt 10,5-7). Ðức Maria cũng thưa: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói" (Lc 1,38). Vậy như Chúa Kitô đã giữ ý định sơ khởi của mình suốt đời, thì Ðức Maria cũng hoàn toàn tuân theo kế hoạch của Thiên Chúa trong mọi hành vi của mình.
IV. Ðề luận VII: Thân Mẫu của ‘Thiên Chúa làm người’ là Evà mới, hiệp lực với Chúa Kitô trong việc cứu chuộc
Như tổ mẫu Evà đã hiệp lực với ông tổ Adam, chứ không phải là chính căn, để truyền tội làm cho nhân loài hư vong, thì theo công luận chắc chắn trong Giáo Hội, cố nhiên Ðức Trinh Nữ Maria không phải là chính căn của công cuộc cứu chuộc, nhưng đã hiệp lực cách thể lý và luân lý với Con Mình là Chúa Giêsu trong công cuộc ấy, nghĩa là do sự an bài của Thiên Chúa, Ðức Trinh Nữ Maria chẳng những đã góp phần chuẩn bị, lại như căn nguyên thứ yếu và lệ thuộc vào Chúa Kitô, đã tiếp tục cộng tác một cách tự do và có công phúc vào công trình Cứu chuộc.
V. Chứng minh. A. Thánh Kinh. 1. Sách Sáng thế chép lời Chúa phán: "Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó" (3,15). Chủ đích của những lời đó là cho ta biết:
a) Nguồn gốc của những điều ác loài người phải chịu là do tội tổ truyền; tội này là do sự phỉnh gạt của con rắn, tức là Satan.
b) Thiên Chúa không hỏi con rắn tại sao làm thế, nhưng tuyên án phạt nó ngay tức khắc (St 3,14). Phản ánh điều này sách Khôn ngoan viết: "Thiên Chúa dã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Ngưòi dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người. Nhưng chính vì quỉ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian" (2,23-24); sách Khải huyền cũng chép: "Con Mãng Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Satan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ" (12,9).
c) Ðể trừng trị ma quỉ, chính Thiên Chúa đã gây mối thù giữa nó và người đàn bà, giữa dòng giống của nó và của người đàn bà.
d) Như thế người đàn bà sẽ không trực tiếp và tự mình tiêu diệt công trình của ma quỉ, nhưng cộng tác vào việc tiêu diệt ấy, vì Thánh Kinh nói rõ về mối thù giữa ma quỉ và người đàn bà, rồi liên kết người đàn bà với dòng giống của bà. Những lời sách Sáng thế đó được coi như Tiền Tin Mừng.
e) Nhưng người đàn bà và dòng giống người là ai đây?
1) Một số vị thuộc cựu trào như ông Josephus Flavius, thánh Ephraem, thánh Ambrosio, thánh Gioan Kim khẩu, thánh Hieronymus; một số tác giả tân trào, như Lagrange, Levesque, Ceuppens,v.v. thì cho là bà tổ mẫu Evà sau khi đã thống hối, vì theo mạch văn trước sau chỉ nói về bà tổ mẫu Eva. Lại các tác giả đồng thời với sách Sáng thế không thể nghĩ đến ý nghĩa khác. Còn dòng giống có thể hiểu về Chúa Kitô, miêu duệ bà Eva, nhưng đúng hơn phải hiểu cách tập hợp về những người công chính, hay về mọi người nhờ ơn Ðấng Cứu Thế chiến dấu với ma quỉ.
2) Tuy nhiên các thánh Giáo phụ, như các thánh Irenaeo, Cypriano, Epiphanio, Proclo, Isidoro, Bernardo, ông Pseudo-Hieronymo, Prudencio, và nhiều nhà chú giải đời mới, như Calmet, Billot, Palmieri, L. Janssens, và Terrien v.v. hiểu theo nghĩa đen về Ðức Maria và về Chúa Giêsu.
1o Về Chúa Kitô, vì ma quỉ đã bị kết án rồi, không cần phải tuyên án nào khác ngoài việc tiêu diệt chiến thắng của nó, vì thế dòng giống người phụ nữ tiêu diệt chiến thắng của ma quỉ quả là Ðấng Cứu chuộc. Vả lại, những tiếng "sẽ đánh vào đầu mi" nói lên sự kiện tương lai xa xăm, chứ không xảy ra ngay lúc gây mối thù và được thể hiện khi đầu con rắn bị đập, như thế không thể hiểu về nhiều chính nhân một cách tập hợp, mà về một người con phân minh. Hơn nữa, đâu đâu trong Thánh Kinh cũng nói về việc cứu chuộc bởi một ngôi vị, như thánh Phaolô khẳng định: "Kinh Thánh không nói và cho những dòng dõi, như thể nói về nhiều, mà chỉ nói về một: và cho dòng dõi người là Ðức Kitô" (Gl 3,16). Phúc đáp của Ủûy Ban Thánh Kinh, ngày 30.6.1909 cũng đã hiểu về Chúa Kitô (DS 3514).
2o Và về Ðức Maria. Vì bà tổ mẫu Evà không có mối thù riêng biệt và quyết liệt nào với tên cám dỗ, đến độ được mô tả một cách thật nghiêm trọng như thế. Lại sách Sáng thế được biên chép sau khi bà Evà qua đời nhiều thế kỷ, nên thật khó mà quan niệm là bà Evà được vị thánh ký trình bày như địch thù đặc biệt của ma quỉ. Hơn nữa, xét về thể lý cũng như luân lý, bà Evà không phải là mẹ những người công chính, ngược lại là đàng khác, như CÐC Vat. II đã xác nhận (Xc. LG cuối số 56).
B. Ðạo lý lưu truyền. Các thánh Giáo phụ, khi đối chiếu lịch sử sa ngã (St.3) với lời thiên sứ truyền tin, và đạo lý của thánh Phaolô về Ađam mới, ngay từ đầu đã minh nhiên dạy rằng, Ðức Maria đã cộng tác nột cách thể lý và luân lý vào việc cứu chuộc loài người. Thánh Justino đã so sánh bà Evà với Ðức Trinh nữ Maria, một đàng cưu mang lời con rắn để sinh ra sự bất tuân và sự chết; một đàng thì tin tưởng và vui vẻ cưu mang Tin mừng của sứ thần Gabriel để sinh ra Ðấng Thánh là Con Thiên Chúa; thánh Irenaeo, môn đệ của thánh Polycarpo, đã viết: "Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của Evà, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Ðức Maria; điều mà trinh nữ Evà đã buộc lại bởi cứng lòng tin, Ðức Maria đã tháo ra nhờ lòng tin"; th. Epiphanio thì viết: "Sự chết bởi Evà thì sự sống bởi Ðức Maria" .
C. Kết luận. Thiết tưởng ngày nay không còn phải tranh luận về vấn đề này nữa, CÐC Vatican II đã chiếu giãi ánh sáng minh bạch rồi. Thực vậy Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân viết: "Thánh Kinh, Cựu Ước cũng như Tân Ước, và Thánh Truyền đáng kính, trình bày ngày một sáng tỏ hơn vai trò của Mẹ Ðấng Cúu Thế trong nhiệm cuộc cứu rỗi, và đưa vai trò ấy ra cho chúng ta chiêm ngắm. Thực vậy, các sách Cựu Ước thuật lại lịch sử cứu rỗi, trong đó ngày Chúa Kitô xuất hiện trên thế giới được chuẩn bị cách tiệm tiến. Các tài liệu tiên khởi này, như Giáo Hội vẫn đọc và về sau hiểu theo ánh sáng mặc khải trọn vẹn, dần dần cho thấy rõ ràng hơn hình ảnh của người nữ, Mẹ Ðấng Cứu Thế. Theo ánh sáng mặc khải ấy, người nữ này đã được phác hoạ trước trong lời hứa chiến thắng con rắn, lời hứa mà Tổ Tông đã nhận được sau khi phạm tội (xc. St 3,15). Cũng thế, Ngài là Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh Con Trai tên là Emmanuel (xc. Is 7, 14; Mk 5, 2-3; Mt 1, 22-23)…(số 55). Tóm lại, theo nghĩa đen, nhưng sung mãn [sensus plenus] hay theo ý nghĩa tiên trưng [sensus typicus], thì người phụ nữ trong sách Sáng thế (3,15) chỉ Ðức Trinh Nữ Maria. Cha B.H. Merkelbach O.P. bàn rất dài rộng về vấn đề này.
CHƯƠNG IV

ÐỨC MARIA ÐƯỢC TIỀN ÐỊNH
LÀM THÂN MẪU THIÊN CHÚA
       I.            Khái niệm. Tiền định, một thứ quan phòng riêng biệt, là "kế hoạch, là chuơng trình chuyển đưa một số người sang cõi sống muôn đời", nghĩa là chương trình được dự kiến từ vĩnh hằng trong trí tuệ Thiên Chúa, theo đó Người quyết định thực sự đưa những người được tuyển chọn đến cuộc sống vĩnh phúc. Ðiều đó hàm súc tình yêu thương và sự tuyển chọn riêng biệt đối với những người đạt tới mục đích siêu nhiên. Thánh Phaolô đã viết về chương trình cứu độ của Thiên Chúa như thế này: "Trong Ðức Kitô, Người [Thiên Chúa] đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Ðức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu".
II. Ơn tiền định của Ðức Maria. Dù mỗi người có một ơn tiền định, nhưng có những người được Thiên Chúa đặc tuyển để thi hành hay cộng tác vào chương trình cứu độ, thành thử có những ơn tiền định chi phối ơn tiền định của nhiều người; thậm chí còn có ơn tiền định bao trùm ơn tiền định của mọi người, đó là ơn tiền định Thiên Chúa dành cho Ðức Trinh Nữ Maria, vì là ơn được dự kiến, được tuyển chọn, tiền định, săn đón, thực hiện vì việc nhập thể, như CÐC Vatican II đã xác định bằng những lời sau đây: "…theo chương trình của Chúa Quan Phòng, trên trần gian Ngài trở nên Mẹ cao trọng của Ðấng Cứu Chuộc thần linh, cách đặc biệt hơn mọi người khác, Ngài là cộng sự viên quảng đại và tôi tớ khiêm hạ của Chúa" (số 61). Chúng ta hãy tìm hiểu xem ơn tiền định Chúa dành cho Ðức Trinh Nữ Maria khác với ơn tiền định của mọi thần thánh về:
1. Cấp bậc, vì được tiền định với ân sủng và vinh quang sung mãn hơn tất cả các thần thánh.
2. Hay về loại nữa. Phải chẳng chỉ một mình Ðức Maria được tiền định lên một dịa vị cao sang nhất về ân sủng và vinh quang, nghĩa là lên chức Thân Mẫu Thiên Chúa.
3. Và trước hết hoặc ưu tiên, trước mọi vật thụ tạo, vì được tiền định một trật với con mình là Chúa Cứu Thế.
Ðó là những điều đã được công nhận trong Chỉ Dụ "Ineffabilis Deus". "Thiên Chúa là Ðấng khôn tả … ngay từ khởi đầu và trước mọi kỷ nguyên đã hoạch định và tuyển chọn cho Con Một của mình một người mẹ, để nhờ người mẹ ấy mà trở thành nhục thể và sinh ra khi thời gian đã hạnh phúc viên mãn" (DS 2800). Trong Tông Hiến Munificentissimus Deus, năm 1950, Ðức Pio XII viết: "Thế nên, ngay từ thuở đời đời, do cùng một nghị quyết tiền định duy nhất, thánh Maria Ðức Mẹ Chúa Trời đã được kết hợp cách huyền nhiệm với Ðức Giêsu Kitô". CÐC Vatican II cũng xác định là: Từ muôn đời, Ðức Nữ Trinh được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa (LG số 61).
III. Ðặt vấn đề. Ba vấn đề được đặt ra:
1. Tội nguyên tổ có phải là cơ hội đeå Ðức Maria được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa, đến độ tội tổ truyền là điều kiện tất hữu "conditione sine qua non" chăng? Hay dù không có tội tổ truyền Người vẫn được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa?
2. Ðức Trinh Nữ được tiền định cách nhưng không để làm Mẹ Thiên Chúa, hay vì công phúc nào đã được dự kiến trước? hay vì Người đã được tiền định để được ân sủng và vinh quang?
3. Ðức Maria được tiền định cách hoàn toàn nhưng không để được ân sủng sung mãn, hay ngược lại, được tiền định như thế vì những công trạng đã được dự kiến trước?
IV. Ðề luận VIII. Căn nguyên đích thực để Ðức Maria được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa là việc nhập thể của Ngôi Lời, được hoạch định vì sự sa ngã của nguyên tổ.
Ðành rằng căn nguyên đích thực để Ðức Trinh Nữ Maria được tiền dịnh làm Mẹ Thiên Chúa là việc Ngôi Lời nhập thể, nhưng các nhà thần học còn tự hỏi phải chăng tội nguyên tổ là cơ may, [tội hồng phúc] đến độ nếu nguyên tổ không sa ngã thì Ðức Kitô mới đến hay dù nguyên tổ không sa ngã Ðức Kitô cũng đến với Mẹ Thiên Chúa? Nghĩa là, theo nhiệm cục hiện hành, giả dụ nguyên tổ Ađam không phạm tội thì Ngôi Lời có nhập thể trong lòng Ðức Trinh Nữ Maria chăng? Thánh Thomas trả lời cách phủ định; còn Scotus và Suarez thì khẳng định. Vẫn là những ý kiến liên can đến vấn đề "nhập thể" được lập lại.
Theo ý kiến thứ hai, việc nhập thể có hai lý do, thiếu lý do nọ thì còn lý do kia, và những người theo ý kiến này lập luận:
1. Phải dành cho Ðức Trinh Nữ mọi đặc ân.
Trả lời: Nguyên lý đó chỉ có giá trị trong giả thiết việc "nhập thể" và đầu thai bởi một người mẹ: phải căn cứ trên địa vị đã chiếm hữu của Mẹ Thiên Chúa, là danh nghĩa của mọi hồng ân, nhưng ta không thể dùng để quyết rằng, việc nhập thể và mẫu nghi thần linh phải thể hiện, và với hoàn cảnh nào đó.
2. Vì Ðức Trinh Nữ làm một với Chúa Giêsu là cùng đích của việc tạo thành. Mà cùng đích thì có trước trong phạm vi ý hướng, và không lệ thuộc vào điều nào khác. Cho nên Chúa Giêsu và Ðức Trinh Nữ không lệ thuộc vào viêc tạo thành hay tội lỗi.
Trả lời. Cùng đích không phải là Chúa Kitô theo tư cách là "phải nhập thể", và Ðức Trinh Nữ Maria vì sinh hạ Chúa Kitô, nhưng là Chúa Kitô như phải được vinh quang làm một với Ðức Trinh Nữ. Ngoài chuyện đó cùng đích không thể lệ thuộc vào chi khác trong phạm vi ý hướng, nhưng có thể lệ thuộc vào điều khác trong phạm vi thực hành, như điều kiện hay như nguyên nhân chất thể, hoặc chuẩn bị hay nguyên nhân tác thành. Các nguyên nhân thì lệ thuộc lẫn nhau và tùy theo phạm vi, nguyên nhân nọ đi trước nguyên nhân kia. Như nguyên nhân cứu cánh thì tuyệt đối đi trước, vì huy động trong phạm vi ý hướng, nhưng trong phạm vi thực hành thì lại đến sau nguyên nhân tác thành; cũng vậy mô thể, xét như mô thể, thì ưu tiên hơn chất thể, nhưng xét theo phạm vi chất liệu và chuẩn bị thì nguyên nhân chất thể lại đến trước. Vì thế không chi cản trở để Chúa Giêsu và Ðức Trinh Nữ là căn nguyên cứu cánh, mô thể và tác thành trong lãnh vực cứu chuộc chúng ta, tuy nhiên lại lệ thuộc vào chúng ta và vào tội lỗi của chúng ta, như điều kiện.
V. Chứng minh. Vì vấn đề được giải đáp trong khảo luận về mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, nên chúng tôi xin vắn gọn rằng, đạo lý mặc khải chỉ đưa ra một lý do của việc nhập thể, là cứu chữa loài người sa ngã. Sắc chỉ Ineffabilis Deus cũng dạy: "Rất thánh Nữ Trinh, đã liên kết cực kỳ mật thiết và không thể phân ly với Chúa Kitô, cùng với Người và nhờ Người giữ những mối thù vĩnh viễn với con rắn độc, và hoàn toàn chiến thắng, đã lấy gót chân vô nhiễm đạp nát đầu nó". Hiến Chế Ánh Sáng Muôn dân đã đưa ra cũng một lý do: chiến thắng con rắn.
VI. Ðề luận IX. Việc tiền định cho Ðức Trinh Nữ làm Mẹ Thiên Chúa thì hoàn toàn nhưng không.
Những ai chủ trương rằng lãnh vực tiền định thì đồng nhất với việc thi hành tất nhiên phải cho rằng, trước hết Ðức Maria được tiền định để được ân sủng, sau đó mới được tiền định lên chức mẫu nghi thần linh, nhiên hậu việc tiền định này lệ thuộc vào những công phúc đã dự kiến, hay ít ra, vào những chuẩn bị của Trinh Nữ rất thánh; và không thuộc vào một lãnh vực khác với sự tiền định của chúng ta.
Nhưng L. Janssens đã nhận thấy rằng, lãnh vực tiền định không nhất thiết đi theo một lãnh vực thực hành.

VII. Chứng minh. 1. Chắc chắn là Ðức Trinh Nữ được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa trước, sau đó được tiền định để được một loạt những ân sủng, và được sung mãn ân sủng và vinh quang. Vì thế, chức mẫu nghi là cội rễ và là lý do của mọi đặc sủng. Do đó sự tiền định dành cho Người thì thuộc lãnh vực khác với ơn tiền định ban cho chúng ta. Ðó là điều Sắc Dụ Ineffabilis Deus đã dạy tỏ tường.
2. Thân Mẫu Thiên Chúa là chức hoàn toàn nhưng không, vì là chức vượt trên mọi công phúc và chuẩn bị của chúng ta. Không ai có thể lập công dể đáng được chức làm mẹ Thiên Chúa cũng như việc ngôi hiệp:
a) Không thể lập công thích đáng [de condigno], nghĩa là theo đức công bình, vì địa vị làm Mẹ Thiên Chúa thuộc lãnh vực vượt trên lãnh vực tự nhiên và ân sủng, và trổi vượt hơn cả hai lãnh vực ấy nghìn trùng.
b) Cũng không thể lập công xứng hợp [de congruo], vì không thể lập công để đạt được nguyên lý của công phúc, chẳng vậy nguyên lý ấy sẽ vừa là căn nguyên vừa là công hiệu của công phúc. Mà việc Nhập thể là căn nguyên mọi ân sủng và cội rễ mọi công phúc; cho nên việc Nhập thể không phải là đối tượng của công phúc, vì thế cả mẫu hệ thần linh, nguyên lý [đang hình thành] của việc Nhập thể cũng không phải là đối tượng của công phúc. Chính Chúa Giêsu cũng như Ðức Trinh Nữ không thể lập công phúc để được. Vì thế trong Tin Mừng nói: "Người đoái thương nhìn tới phận khiêm hạ của nữ tỳ".
Theo đó, trong phạm vi ý hướng, tức là trong ý định của Thiên Chúa, Ðức Trinh Nữ được tuyển chọn và tiền định một cách nhưng không để làm Mẹ Thiên Chúa, vì trước hết Thiên Chúa nhắm tới Ðức Kitô sẽ được sinh ra bởi nữ tử của Ađam, nữ tử mà Chúa sẽ cho được thật thánh thiện.
Những hoàn cảnh nội tại của việc Nhập thể và mẫu hệ thần linh, nghĩa là những chi thuộc về bản thể của hai điều đó, hay là đi theo hai điều đó cách tất yếu, như việc Chúa Kitô được thành thai nhân phép Chúa Thánh Thần và được sinh ra bởi Ðức Nữ Trinh Maria, cũng không thể là đối tượng của công phúc, vì công phúc lệ thuộc vào những điều đó. Còn những hoàn cảnh ngoại tại, không ảnh hưởng đến cốt tính của Nhập thể và cũng không thiết yếu đi theo việc Nhập thể thì khác: chẳng hạn như việc tiên báo của các ngôn sứ, việc truyền tin, sự trinh khiết của người mẹ, v.v..
Tuy nhiên trong lãnh vực thực hành. Ðức Trinh Nữ có thể chuẩn bị cho mẫu hệ thần linh cách nào đó, và để lập công không phải cho chính mẫu hệ thần linh, mà cho mẫu hệ ấy được thể hiện nơi mình, cũng như rất xứng tiện nếu Thiên Chúa khứng nghe lời cầu xin thống thiết của các Tổ phụ và Sứ Ngôn của Cựu Ước để Ngôi Lời nhập thể.
VIII. Ðề luận X. Sự tiền định cho Ðức Trinh Nữ được ân sủng và vinh quang là tiền định nhưng không.
Chức làm Mẹ Thiên Chúa do sự an bài xếp đặt của Thiên Chúa, nhất thiết phải thực sự mang theo sự sung mãn về ân sủng và lũy tích nhiều ân sủng để đưa tới vinh quang, và sung mãn vinh quang, đến độ Thiên Chúa không thể và không muốn để Mẹ Mình phải mất vinh quang trên trời, trái lại đã quyết định đưa Mẹ đến vinh quang bằng mọi phương tiện.
Nhưng Ðức Trinh Nữ trước khi được tiền định để lãnh ân sủng đã đuợc tiền định làm Mẹ Thiên Chúa một cách hoàn toàn nhưng không, như đã chứng minh.
Cho nên cũng được tiền định để lãnh vinh quang theo cũng một cách.
Nhưng Thiên Chúa cũng có thể tiền định để Người dùng công phúc của mình mà lập công và chinh phục vinh quang; vì những hành vi thực hiện dưới ảnh hưởng của ơn hiệu nghiệm không sai trệch là những hành vi sống động, nên phát xuất từ con người sống động, tự do, nên có công phúc. Như thế Người đáng thưởng trên trời chứ không lãnh nhận cách nhưng không.
IX. Hệ luận. Do ơn tiền đinh đặc biệt của Thiên Chúa, Ðức Trinh Nữ đã "được phác hoạ trước trong lời hứa chiến thắng con rắn", nghĩa là tiên báo và biểu trưng bằng những nhân vật và sự vật trong Cựu Ước. Vậy để kết thúc đoạn này, chúng ta hãy điểm qua những nhân vật và sự vật tiên trưng này:
1. Những nhân vật nói chung:
a) Như đối thủ vô địch của con rắn (St 3,15)
b) Như người mẹ khiết trinh (Is 7,14; Mk 5,3)
c) Ðàn bà bao quanh đàn ông (Gr 31,22)
2. Những nhân vật nói riêng:
a) Bà Evà, vì lẽ vừa giống vừa khác (St 3,1-20)
b) Bà Sara, được chúc phúc trong việc sinh nở (St 17, 15) và Anna, thân mẫu của ngôn sứ Samuel (1 Sm 1,10-20).
c) Bà Rebecca, thân mẫu của Giacob (St. 24; 25,20-34)
d) Bà Ra-khen [Rachel], thân mẫu của Giuse, vị cứu tinh (St 29,18; 30,24).
e) Bà Ðơ-vô-ra [Debbora], tán tụng Thiên Chúa vì chiến công (Tl 4,4)
f) Ba Giu-đi-tha [Judith], đã tín thác vào Thiên Chúa và giải phóng dân cách kỳ diệu (Gđt 13,6…)
g) Bà Ét-te [Esther], chuyển cầu và giải thoát dân (Et 5, 6 đến ch. 8)
h) Bà Maria, em gái ông Mose, nữ ngôn sứ hân hoan ca tụng Thiên Chúa (Xh 15,20-21)
i) Bà Bát Se-va [Bethsabee], thỉnh cầu vua Ðavít cho hoàng tử của mình là Salomon (1V 2,19-20);
j) Bà A-vi-ga-gin [Abigail], vì khôn ngoan (1Sm 25,3);
k) Bà Susanna, vì nhan sắc tinh tuyền (Ðn 13).
3. Những sự vật:
a) Vườn Ê-đen, địa đường (St 2…)
b) Tầu ông Nôê, mang theo niềm hy vọng khỏi đắm đuối (St 6,14…).
c) Chim bồ câu, sứ giả bình an (St 8,11)
d) Chiếc thang ông Giacóp (St 28,12…)
e) Bụi gai đang cháy (Xh 3,2…)
Và rất nhiều vật nữa, như được liệt kê một phần trong Kinh cầu Ðức Bà.
ÐOẠN II
Ðức Maria, Thân Mẫu thánh thiện,
tuyệt vời của Thiên Chúa
[Up] [Sự hoàn thiện thân thể của Đức Maria]
Lời nói đầu. Sau khi đã bàn về Ðức Trinh Nữ Maria theo tương quan với Thiên Chúa và với Chúa Cứu Thế, bây giờ phải tìm hiểu Ðức Trinh Nữ theo sự hoàn thiện nội tại của chính con người Ðức Trinh Nữ, gồm linh hồn và thân thể. Linh hồn như dụng cụ luân lý để xứng đáng trở thành Thân Mẫu của Thiên Chúa; thân thể, như dụng cụ thể lý của Ngôi Lời nhập thể. Sự hoàn thiện của Ðức Trinh Nữ Maria thì tương ứng với địa vị cao sang làm Mẹ Thiên Chúa. Nên hẳn cả linh hồn lẫn thân thể Ðức Trinh Nữ Maria đã được trang bị bằng nhiều hồng ân và đặc sủng. Vì thế trong đoạn này chúng tôi sẽ tìm sự hoàn thiện của linh hồn và thân thể Ðức Maria. Ðoạn này gồm hai chương:
Chương I. Sự hoàn thiện về linh hồn của Thân Mẫu Thiên Chúa.
Chương II. Sự hoàn thiện về thân thể của Thân Mẫu Thiên Chúa.

Chương I
Sự hoàn thiện về linh hồn
của Thân Mẫu Thiên Chúa
Lời nói đầu. Có thể xét sự thánh thiện hoàn bị của vật thụ tạo có lý trí hai cách là: tiêu cực và tích cực. Tiêu cực là sạch lâng không vết nhơ, và sự vô nhiễm khỏi mọi tội khiên và mọi tỳ ố. Tích cực là liên kết bền bỉ với Thiên Chúa như thuỷ chung mọi loài, thứ liên kết được thể hiện trong bậc siêu nhiên bằng ân sủng. Vì thế chuơng này gồm hai tiết :
Tiết I. Sự thánh thiện tiêu cực của Mẹ Thiên Chúa.
Tiết II. Sự thánh thiện tích cực của Mẹ Thiên Chúa.

Tiết I.
Sự thánh thiện tiêu cực của Mẹ Thiên Chúa
Lời nói đầu. Sự thánh thiện tiêu cực có thể qui về ba thứ sẽ được bàn trong ba mục là:
Mục I. Ðức Maria vô nhiễm nguyên tội.
Mục II. Ðức Maria sạch lâng tội lỗi.
Mục III. Ðức Maria vô nhiễm bả tội lỗi. (thiếu)

Mục I. Ðức Maria vô nhiễm nguyên tội
Tín điều về ơn vô nhiễm nguyên tội của Ðức Mẹ. Ngày mồng 8.12.1854, với Chiếu chỉ Ineffabilis Deus, Ðức Pio IX đã long trọng tuyên bố: "Chúng tôi ấn định: đạo lý chủ trương rằng, do ơn thánh và đặc sủng riêng biệt của Thiên Chúa toàn năng, vì thấy trước những công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu chuộc nhân loại, Rất Thánh Ðồng Trinh Maria, trong giây phút thành thai đầu tiên, đã được Thiên Chúa phòng ngừa cho khỏi mọi vết nhơ nguyên tội, là đạo lý đã được Thiên Chúa mặc khải, và do đó, mọi tín hữu phải tin cho vững vàng và kiên trì" (DS 2803).
II. Giải thích tín điều
1. Trong giây phút thành thai đầu tiên.
a) Ðây chưa bàn về việc trinh thai, nghĩa là việc Ðức Trinh Nữ thụ thai Chúa Kitô mà vẫn trọn vẹn khiết trinh; cũng không bàn về việc thụ thai chủ động, về mặt khởi đầu, tức là sự sinh đẻ của song thân Ðức Trinh Nữ Maria, hoặc sự sinh đẻ lạ lùng của thánh nữ Anna, là người son sẻ; mà bàn về sự thụ thai thụ động, về mặt thành tựu, hay sự tượng thai của Ðức Maria.
b) Lại cũng không bàn về việc khởi đầu thành thai, đang khi phôi thai được hình thành và phát triển do sự thụ tinh của noãn châu trước khi linh hồn có lý trí được phú vào, vì theo ý kiến của một số học giả, phải mất một thời gian, mà bàn về thành thai hoàn bị và đầy đủ hay sự phối hợp của linh hồn và thân thể, nhờ đó một nhân vật bắt đầu hiện hữu. Như vậy là bàn về nhân vị của Ðức Maria, thứ ngôi vị chưa có khi linh hồn chưa được phú vào thân thể.
c) Như vậy là bàn về giây phút thành thai đầu tiên, để gạt bỏ ý kiến phân biệt giây phút thứ nhất với thứ hai, và cho rằng trong giây phút thứ nhất khi phối hợp với thân thể linh hồn Ðức Trinh Nữ nhiễm lây tội tổ truyền, rồi trong giây phút thứ hai mới được thanh tẩy khỏi tội ấy.
Chắc chắn là Ðức Maria được thánh hoá sau khi linh hồn được phú vào bào thai [thân thể]. Nhưng có thể hiểu tiếng "sau" này là sau của trật tự và bản tính, chứ không nhất thiết là sau về thời gian. Gia dĩ Ðức Maria có là nữ tử của Ađam trước khi là nữ tử của Thiên Chúa theo ơn sủng, vì hành vi sinh nở hàm súc đích hạn (thực tại) được sinh ra, thế nên Ðức Maria là nữ tử, được Ađam sinh ra trước khi là nữ tử Thiên Chúa theo ân sủng; nhưng điều đó không nhất thiết chứng minh là có hai trạng thái nối tiếp nhau, vì trong giây lát hiện hữu thứ nhất Ðức Maria đã có hai tương quan: tương quan với Ađam vì được thành thai theo luật chung; và tương quan với Thiên Chúa là Ðấng đã tuyển chọn Người làm mẹ Con của mình. Theo tương quan với Ađam đương nhiên Người mắc tội tổ truyền; theo tương quan với Thiên Chúa, Người được Chúa ban ơn thánh hoá đặc biệt. Như thế cứ lý Ðức Maria nhiễm phải tội nguyên tổ, nhưng cứ thực thì không. Theo đó ta thấy có sự khác biệt giữa Chúa Giêsu và Ðức Mẹ : Chúa Giêsu dù cứ lý hay cứ thực cũng không nhiễm lây tội tổ truyền, còn Ðức Maria cứ lý thì nhiễm lây, nhưng cứ thực thì không.
2. Ðược phòng ngừa khỏi… vết nhơ nguyên tội
a) Ðây không bàn về hành vi phạm nguyên tội, vì hành vi này chỉ có nơi chính ông Adam, chứ không có nơi con cháu, chút chít.
b) Cũng không bàn về chuyện đương nhiên, là nợ luân lý [debitum morale] mắc phải do nguồn gốc tự nhiên của Adam, mà Ðức Maria lẽ ra phải mắc tội ấy, và lẽ ra đã mắc nếu không được phòng ngừa cho khỏi, mà bàn về việc thực sự nhiễm lây vết nhơ của tội, làm cho Người mất sự công chính nguyên thuỷ và sự sống siêu nhiên, và phải chết siêu nhiên về phần linh hồn. Sắc Chỉ chẳng những dạy Ðức Trinh Nữ được phòng ngừa cách tiêu cực khỏi vết nhơ nguyên tội, mà còn mặc nhiên dạy rằng, trong giây phút đầu tiên Ðức Trinh Nữ được tích cực trang bị ơn thánh hoá, và được thành thai trong ơn thánh.
3. …khỏi mọi vết nhơ, nghĩa là mọi ô nhiễm và mọi tội kèm theo, chẳng kỳ là sự ô nhiễm của tội phạm hay của hình phạt, kể cả đam mê thác loạn và sự dốt nát, phát xuất bởi tội tổ truyền.
4. Ðược phòng ngừa. Người ta có thể không nhiễm lây điều ác hai cách: một là bằng hành vi sửa chữa. Vãn hồi và giải thoát khỏi tội lỗi hay khỏi điều ác đã vướng mắc; hai là phòng ngừa khỏi vương phải tội lỗi hoặc điều ác. Như phòng ngừa cho người bộ hành khỏi vấp chân vào đá thì tốt hơn là băng bó cho người ấy sau khi đã vấp.
5. Vì thấy trước những công nghiệp của Chúa Kitô. Những lời đó đã được mượn bởi Chỉ Dụ "Sollicitudo om-nium Ecclesiarum" của Ðức Alexander VII, ban hành ngày 8.12.1661. Ðức Trinh Nữ Maria không được phòng ngừa khỏi tội tổ truyền do chính sự thành thai, do quyền lợi riêng hay do sức mạnh của mình, như Chúa Giêsu, mà do ơn nhưng không của Thiên Chúa, và do hiệu năng những công nghiệp được dự kiến của Chúa Kitô. Ðang khi, vì hiệu năng của sự thành thai, lẽ ra Ðức Trinh Nữ phải mắc tội tổ truyền, nhưng được phòng ngừa cho khỏi vì những công nghiệp được dự kiến của Ðấng Cứu Chuộc tương lai, Ðấng cứu chuộc Ðức Trinh Nữ, không phải bằng sự cứu chuộc giải thoát hay vãn hồi [redemptione restau-rativa vel liberatrice], vì Ðức Maria đâu có chết vì tội; mà phòng ngừa [sed redemptione praeservativa].
6. Do ơn thánh và đặc sủng riêng biệt. Như Chúa Kitô là căn nguyên lập công của sự thành thai vô nhiễm, thì Thiên Chúa là căn nguyên tác thành và ơn thánh là căn nguyên mô thể. Sau hết, việc thành thai vô nhiễm ấy là đặc sủng riêng biệt, được dành cách chuyên biệt cho Ðức Trinh Nữ Maria, hay ít ra là một ơn hoàn toàn lạ lùng và hoạ hiếm.
III. Những ý kiến sai lầm. Có nhiều ý kiến sai lầm hoặc bất cập hoặc thái quá về ơn vô nhiễm nguyên tội của Ðức Trinh Nữ Maria.
1. Bất cập. Nhiều người, kể cả những nhà thần học thời danh, chối hoặc hoài nghi về ơn đặc biệt này. Như thánh Anselmo, Bernardo, Petrus Lombardo, Alexander Hales, th. Alberto Cả, thánh Bonaventura, và chính th. Thomas, Egidius Romanus, Henricus Gente, Petrus Ta-rantasia, Petrus Paludanus, Capréolus, Cayetanus, nhiều học giả theo thuyết Thomas.
Sau khi ơn vô nhiễm được ấn định như tín điều, những người theo Jansenio và những người Ly giáo Hy lạp, cũng như những người Duy lý vẫn phủ nhận tín điều này.
2. Thái quá. Một số người, đạo đức hơn là thần học gia, muốn gán cho Mẹ Thiên Chúa mọi thứ hoàn bị.
IV. Ðề luận XI. Sự thánh hoá của Ðức Trinh Nữ Maria trong giây phút thành thai đầu tiên là được phòng ngừa khỏi lây nhiễm tội tổ truyền.
V. Chứng minh. A. Thánh Kinh.
1. Cựu Ước. Sấm ngôn của Tiền Tin Mừng: "Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy" (St 3,15). Về bản văn ấy Ðức Pio IX viết: "Lời sấm ấy báo trước cách tỏ tường minh bạch Ðấng Cứu Chuộc đầy lòng thương xót nhân loại… và trình bày thân mẫu rất diễm phúc của Người…. đồng thời cũng biểu thị rõ ràng mối thù của cả hai chống với ma quỉ". Vì thế điều Cựu Ước đã loan báo trong Tiền Tin Mừng phải hiểu theo nghĩa đen sung mãn hay tiên trưng về Trinh Nữ Maria.
a) Lời tiền Tin Mừng ấy minh nhiên tuyên bố cuộc chiến quyết liệt và trường kỳ giữa ma quỉ và người phụ nữ.
b) Mặc nhiên quả quyết người nữ với người con vô địch của mình sẽ thắng ma quỉ và tội lỗi; măïc dầu dòng giống của Người phụ nữ là Chúa Giêsu, nhưng cũng gián tiếp chỉ về Mẹ Người, để sự đối đầu được triệt để và quyết liệt.
Vậy cuộc chiến thắng sẽ không được trọn vẹn và triệt để, nếu người mẹ bị nhiễm lây tội lỗi, bị ở dưới quyền của ma quỉ, dù chỉ một giây lát, và dù chỉ vì tội tổ truyền, bởi ma quỉ là căn nguyên của tội ấy.
c) Do suy diễn. Hình phạt của ma quỉ hệ tại sự hoàn toàn chiến bại, nghĩa là như sự hư vong đã khởi đầu từ người nữ, thì việc cứu chuộc cũng phải bắt đầu từ người phụ nữ. Vậy như tình trạng của Ađam mới thì hoàn toàn tương phản với tình trạng của ông Ađam cũ, thì tình trạng của Evà mới cũng hoàn toàn đối lập với tình trạng của Evà cũ sau khi phạm tội.
2. Tân Ước. Tín điều được nhắc đến trong lời thiên sứ truyền tin : "Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà" (Lc 1,28). Vang vọng những lời ấy là lời bà Elisabeth chúc tụng đang lúc được đầy Chúa Thánh Thần: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc" (ibi. 41).
a) Tiếng hy lạp κεχαριτωμένη phái sinh bởi χαριτόω, có nghĩa là được trang bị bằng ân sủng, được đầy ân sủng. Trong Tân Ước, ân sủng biểu thị ơn thánh hoá nội tại và siêu nhiên như tiếng χάριτος trong Ep 1,6. Ðầy ân sủng là lối nói cường điệu để chỉ đặc sủng riêng biệt, tràn đầy.
Ðức Maria được gọi một cách hoán xưng như thế thay vì tên riêng; nếu không được đầy ân sủng hẳn không được đối đãi đặc biệt như thế; nhất là Ðức Trinh Nữ vì được chào kính như thế vì chức làm thân mẫu thần linh Thiên Chúa dành cho Người, là chức trổi vượt trên mọi chức vị.
b) Thêm những lời "Ðức Chúa ở cùng bà". Ðây không phải là lời biểu thị sự nguyện ước, mong muốn; nhưng là lời khẳng định, nói lên một thực tại cực kỳ quí giá.
Như thế Thánh Kinh đã khẳng định là Ðức Trinh Nữ Maria được sung mãn ân sủng. Nhưng nếu Ðức Maria nhiễm lây tội tổ truyền, dù chỉ trong giây lát, ắt không thể nói được là Người đầy ân sủng.
Cho nên Thánh Kinh đá đưa đến ơn vô nhiễm nguyên tội của Ðức Trinh Nữ Maria.
B. Các Giáo phụ. 1. Về mặt trừu tượng, bằng đạo lý. Vào những thế kỷ đầu, để tán dương Ðức Trinh Nữ Maria các Giáo phụ đã:
a) Dùng những tiếng như trong sạch [pura], vô nhiễm [immaculata], hoàn toàn trong sạch [tota pura], hoàn toàn vô nhiễm [tota immaculata], không chút bợn nhơ [sine macula omnino]. Chẳng hạn thánh Ephraem ca hát: Lạy Chúa, chỉ Chúa và Mẹ Chúa kiều diễm mọi đàng; vì lậy Chúa, nơi Chúa không có sự sa ngã, nơi Mẹ Chúa không có vết nhơ, thánh Athanasio gọi mẹ là Ðấng vô nhiễm, thánh Ambrosio gọi Ðức Maria là Trinh Nữ không hư hoại …nhờ ân sủng mà được vẹn tuyền khỏi mọi vết nhơ tội lỗi. Thánh Augustinus thì viết đại khái như sau: "Ngoại trừ Ðức Trinh Nữ Maria, Ðấng mà khi bàn về tội lỗi tôi không dám đả đụng tới; còn nếu hỏi tất cả các thánh nam nữ khác, hẳn các ngài sẽ đồng thanh trả lời: nếu chúng tôi tự hào là chúng tôi không có tội, tức là chúng tôi tự lừa dối mình, và chân lý không ở trong chúng tôi".
b) Ðã coi Ðức Trinh Nữ Maria như Evà mới, thánh Justinus và Irenaeus đã minh bạch nói rằng: "Vì bất tuân bà Evà trở thành căn nguyên sự chết cho mình và cho nhân loại, còn Ðức Maria vì tuân phục đã trở thành căn nguyên sự sống cho mình và cho nhân loại"; thánh Ephraem thì nói: "Hai phụ nữ vô tội, hai phụ nữ đơn sơ là Maria và Evà; vì đã được tác thành hoàn toàn bằng nhau, nhưng về sau một người là căn nguyên sự chết, còn người kia là căn nguyên sự sống của chúng ta".nhưng ở bên Ðông và bên Tây thì khác nhau. sánh ví Ðức Trinh Nữ Maria với bà Evà, như đã thấy trên đây.
2. Vào những thế kỷ sau, ơn vô nhiễm nguyên tội của Ðức Trinh Nữ đã được trình bày cách rõ rệt và minh bạch, nhưng khác nhau nơi Giáo hội Ðông phương và Tây phương
a) Tại Giáo Hội Ðông phương, sau CÐC Epheso người tín hữu đã dùng mọi cách tán dương sự cao sang trác tuyệt của Mẹ Thiên Chúa mà không gặp trở ngại nào, vì thường thường người ta không bàn tới tội tổ truyền.
b) Trái lại, tại Giáo Hội Latinh, đạo lý ấy bị che khuất phần nào bởi những tranh luận về tội tổ truyền và về ân sủng chống với nhóm Pelage, vì thế những Giáo phụ Latinh nhấn mạnh nhiều đến tính cách phổ cập của tội tổ truyền và của ơn cứu chuộc. Vì thế, nhiều vị hoài nghi hay phủ nhận ơn vô nhiễm nguyên tội của Ðức Trinh nữ Maria, vì không dung hoà được với hai chân lý trên. Về điểm này Guillelmus de Ware, nhâùt là chân phước Don Scotus, môn đệ của Guillelmi, quả có công, vì đã phân biệt chính tội tổ truyền với lẽ đương nhiên, theo kiểu cứ lý và cứ thực, rồi chứng minh rằng Ðức Trinh Nữ đã được cứu chuộc cách hoàn bị nhất, vì bằng cách phòng ngừa [praeservative] chứ không phải bằng giải thoát [non liberative].
C. Phụng vụ. Nguồn gốc của lễ kính Ðức Mẹ vô nhiễm nguyên tội được ghi nhận trước hết ở Ðông phương. Vàøo cuối thế kỷ thứ 7 thấy nhắc đến lễ "thụ thai của thánh Anna bà ngoại Thiên Chúa. Trong một bài giảng, Gioan Euboeensis, đồng thời với thánh Gioan thành Ðamas (+749), có nói: lễ lớn nhất trong các lễ là lễ nhắc nhở việc hai thánh Joachim và Anna được loan báo về sự sinh ra của Ðức Maria hoàn toàn vô nhiễm và là Mẹ Thiên Chúa. Từ điển Thần học Công giáo kể lại nhiều tang chứng về vấn đề này.
Lễ thánh nữ Anna thụ thai được du nhập vào Tây phương vào thế kỷ thứ 9, vì năm 850 đã được kính ở miền nam nước Ý. Vào thế kỷ 11 du nhập vào nước Anh và miền Normandia, và tên lễ được nêu lên như lễ kính sự thụ thai Ðức Maria. Vào thế kỷ 12, những cuộc tranh luận được phát sinh về tiếng thụ thai (conceptio). Tại sao lại kính việc [thánh nữ Anna] thụ thai Ðức Maria? Phải chăng là do những hoàn cảnh thụ thai chủ động lạ lùng của bà Anna son sẻ, hay là sự thánh hoá của Ðức Maria trong lúc thành thai? Ðan sĩ Eadmerus, môn đệ của thánh Anselmo đã minh bạch dạy về Ðức Maria vô nhiễm mọi vết nhơ tội tổ truyền. Nhưng thánh Bernardo đã mạnh mẽ tố cáo việc kính lễ Ðức Mẹ vô nhiễm như điều mới lạ, chưa được Giáo Hội chính thức thiết lập. Thánh Thomas thì có những lời lẽ nhẹ nhàng hơn, vì ngài cho rằng dù Giáo Hội chưa thiết lập lễ đó, cũng nên làm thinh. Còn về chính lập trường tư tưởng của thánh nhân liên can đến chân lý đức tin này như thế nào, thì các học giả còn tranh luận. Ðể hiểu lập trường của thánh tiến sĩ cần phải nắm vững dụng ngữ của thời ấy, dù sao cũng phải thừa nhận phần đóng góp của thánh nhân là san bằng những vướng mắc, cản trở việc hiểu tín điều cho đúng đắn.
Sau khi đã thanh thoả được các khúc mắc, lễ này được phổ biến mau lẹ trong Giáo Hội do quyết định của CÐ Basile (n. 1438), của Ðức Sixto IV (DS 1400), của CÐC Trident. (DS 1516), của Ðức Pio V (n.1567) luận phi lạc thuyết của M. Baii, cho rằng Ðức Maria đã chết vì nhiễm lây tội tổ truyền (DS 1973). Năm 1616 Ðức Phaolô V cấm không được tranh luận công khai về ơn vô nhiễm nguyên tội. Năm 1622 Ðức Gregorio XV cũng cấm không được tranh luận riêng tư về vấn đề ấy nữa. Sau hết, năm 1661, với Ðoản Dụ "Sollicitudo omnium ecclesiarum", Ðức Alexander VII đã quả quyết là mọi người công giáo đều công nhận giáo lý này (DS 2015).
Chúng ta hãy chứng minh bằng những lẽ Thần học đã được Scotus viện dẫn.
D. Lẽ xứng tiện của Thần học.
1. Ðấng trung gian tuyệt vời mà có nước bước hay hành vi khả dĩ hoàn bị nhất để môi giới cho nhân vật nào đó thì quả là xứng tiện. Vậy Ðức Kitô là trung gian hoàn bị nhất. Cho nên có hành vi khả dĩ hoàn bị nhất để môi giới cho nhân vật nào đó. Nhưng Người không có tương quan tuyệt vời với nhân vật nào cho bằng với Ðức Maria. Cho nên Người có nước bước môi giới hoàn bị nhất cho Ðức Maria. Nhưng không có nước bước ấy nếu không lập công để phòng ngừa cho Ðức Maria khỏi nhiễm phải tội tổ truyền. Mà việc phòng ngừa này là điều khả dĩ; vì như Thiên Chúa có thể ban ơn sau giây lát thứ nhất, thì cũng có thể ban ơn trong giây lát đầu tiên.
2. Vả lại, nếu Ðấng Trung gian làm cho Chúa Ba Ngôi vui lòng vì tẩy xoá tội đã phạm, thì phòng ngừa cho ai đó khỏi xúc phạm đến Thiên Chúa Ba Ngôi, hẳn càng làm cho Thiên Chúa Ba Ngôi vui lòng hơn bội phần. Cho nên việc phòng ngừa cho linh hồn Ðức Trinh Nữ Maria khỏi xúc phạm đến Thiên Chúa Ba Ngôi là điều rất xứng hợp, vì Người có tương quan rất đặc biệt với Chúa Ba Ngôi.
3. Ðức Kitô giải hoà và cứu chuộc chúng ta khỏi tội tổ truyền cách trực tiếp hơn là khỏi những tội riêng của mỗi người: vì theo công luận, sở dĩ việc Nhập thể thì cần thiết là do nguyên tội.Vậy theo cũng một công luận, Chúa Kitô là trung gian hoàn bị cho Ðức Maria, vì phòng ngừa Người khỏi mọi tội riêng; nên cũng phòng ngừa Người khỏi tội tổ truyền.
4. Ðàng khác, nguyên tội là hình phạt nặng nề nhất: nặêng hơn cả việc mất thị kiến thanh nhàn. Vậy nhiệm vụ của Ðấng Trung gian hoàn hảo tuyệt vời là cất mọi hình phạt. Vậy nếu Chúa Giêsu là Ðấng Hoà giải và Trung gian hoàn hảo tuyệt vời ắt phải cất hình phạt này cho khỏi ai đó, để người này không khi nào thất sủng với Thiên Chúa. Cho nên phòng ngừa để cất tội tổ truyền khỏi Ðức Trinh Nữ Maria là điều rất xứng hợp.
5. Như thế, Ðức Maria có bổn phận lớn nhất đối với Chúa Giêsu, vì nhờ Chúa Giêsu mà Người đã đạt được điều thiện vĩ đại nhất Người có thể đạt, ấy là được phòng ngừa khỏi tội lỗi. Chẳng vậy không nhân vật nào có bổn phận lớn nhất đối với Chúa Giêsu, vì Người không ban cho ai điều thiện vĩ đại nhất.
6. Ðức Maria là Evà thứ hai và là Nữ Vương các Thiên thần về ân sủng. Lý đương nhiên là Người không thể thua kém bà tổ mẫu Evà và các Thiên thần; và như vậy nếu ít ra Người cũng giống như các Thiên Thần và như bà tổ mẫu thì là điều rất xứng hợp. Mà trong giây lát thứ nhất Thiên thần và tỗ mẫu Evà được ân sủng trang bị. Cho nên Ðức Maria cũng phải được ân sủng trang bị ngay trong giây lát đầu tiên.
Như thế Ðức Maria đã hoàn toàn chiến thắng Sa-tan; và Ðức Maria quả là vườn Ðịa đường của Ađam mới, không bị ô nhiễm mảy may, vì được hoàn toàn phòng ngừa khỏi quyền lực của tên ác quỉ.

Mục 2. Ðức Maria sạch lâng tội lỗi
I. Ðặt vấn đề. Sau khi bàn về ơn vô nhiễm nguyên tội bây giờ phải bàn về ơn không mắc tội cá nhân, tội riêng. Về vấn đề này nên phân biệt sự không phạm tội với sự không thể phạm tội [impeccantiam et impecca-bilitatem]. Có những học giả cho là trước khi thụ thai Con Thiên Chúa Ðức Maria chỉ không phạm tội, còn từ khi Ngôi Lời nhập thể thì Ðức Maria không thể phạm tội; nhưng có học giả cho rằng cả trước lẫn sau khi thụ thai Con Thiên Chúa làm người Ðức Maria không thể phạm tội.
II. Lạc thuyết. 1. Giáo phái Thệ phản, cùng với Luthero và Calvino vu khống cho Ðức Trinh Nữ Maria nhiều tội, như thiếu tin tưởng (Lc 1,34); bất cẩn để thất lạc mất Con (Lc 2,43); lại lo lắng cách thất vọng và bất nhẫn khi đi tìm Con (Lc 2,48); hiếu danh và phô phang khi xin phép lạ (Ga 2,3); ham hố và làm phiền hà cho Chúa Giêsu và tự hào như muốn thi hành quyền làm mẹ trên Chúa Giêsu, khi nhờ người báo cho Chúa: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói truyện với Thầy" (Mt 12,47).
2. Một số Giáo phụ cũng có ý kiến thiếu đứng đắn về vấn dề này, như Tertuliano nói: Ðức Maria đã không tin vào Chúa Kitô trong một thời gian, Origenes, và thánh Cyrillo thành Alexandria thì giải thích lưỡi gươm đau đớn là sự do dự và cớ vấp phạm mà Ðức Maria cảm thấy hồi thương khó của Chúa Giêsu.
III. Ðề luận XII: Ðức Maria, khi được thánh hoá lần đầu tiên, đã lãnh nhận ân sủng lớn lao đến nỗi không hề phạm một tội riêng nào, dù nhỏ mọn đến đâu cũng vậy. (đó là đạo lý Công giáo và chắc chắn)
IV. Chứng minh: A. Thánh Kinh:
1. Thánh Kinh mặc nhiên khẳng định trong Tiền Tin Mừng (St. 3, 15), khi loan báo mối thù tuyệt đối và liên lỉ với ma quỉ tức là sự sạch lâng tội khiên của Ðức Maria, ít là tội trọng.
2. Khi thiên sứ truyền tin: "Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà" (Lc 1,28) đã ám chỉ Ðức Maria sạch lâng mọi tội lỗi và mọi thứ tội lỗi. Vì tội trọng tiêu diệt ân sủng; và ở đâu có tội nhẹ là ở đấy có chỗ khuyết ân sủng; nhưng Ðức Maria lại đầy ân sủng. Cho nên Ðức Maria phải sạch lâng tội lỗi. Vì thế trong sách Diễm Ca nói: "Bạn tình tôi giữa đoàn thiếu nữ có khác gì cánh huệ giữa bụi gai" (2,2), và "Bạn tình ơi, toàn thân nàng xinh đẹp, nơi nàng chẳng một chút vết nhơ" (4,7).
3. Trong sách Khải huyền, thánh Gioan trình bày cho chúng ta mọât điềm lớn, là một người Phụ Nữ mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao, và cho thấy người phụ nữ ấy đã, cùng với con mình, chiến thắng con mãng xà. (Xc. Kh 12,1-5).
B. Ðạo lý của Giáo Hội. CÐC. Tridentino đã ấn định rằng: "Nếu ai nói rằng con người, một khi đã được công chính hoá… thì suốt đời có thể xa lánh mọi tội lỗi, kể cả tội nhẹ mà không cần đặc sủng của Thiên Chúa, như Giáo Hội đã chủ trương đối với Ðức Trinh Nữ rất thánh, thì mắc vạ tuyệt thông". Sắc chỉ Ineffabilis Deus cũng khẳng định là Ðức Trinh Nữ được hoàn toàn và luôn luôn sạch lâng mọi vết nhơ tội lỗi, hoàn toàn kiều diễm và hoàn bị tỏ rõ sự vô tội và thánh thiện sung mãn….
C. Lưu truyền: 1. Vào những thế kỷ đầu thường thấy ông Hermas, Hegesipo và thánh Clemente thành Ale-xandria so sánh Ðức Maria với Giáo Hội, và cho cả hai là như trinh nữ trinh bạch, không lọ lem cũng không vết nhăn.
2. Thế kỷ thứ hai, danh xưng trinh nữ trong trắng được dành cho Ðức Maria như biệt danh của Người.
3. Từ thế kỷ thứ bốn đã nhan nhản những tang chứng của các thánh Athanasio, Ephraem, Ambrosio, Augustin, Gioan thành Ðamas, Bernardo v.v.
D. Lẽ Thần học. Khi Thiên Chúa chọn ai lên một sứ vụ nào đó thì Chúa cũng sửa soạn và chuẩn bị sao cho người ấy được xứng đáng với sứ vụ ấy (xc. 2 Cr 3,6). Vậy Ðức Trinh Nữ đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ Thiên Chúa. Vì thế Thiên Chúa cũng lấy ân sủng mà làm cho Ðức Trinh Nữ được xứng đáng với thiên chức ấy, không hoài nghi (xc. Lc 1,30).
Vậy hễ Ðức Trinh Nữ đã phạm tội, ắt không còn xứng đáng với chức Thân Mẫu Thiên Chúa, vì vinh dự của cha mẹ ảnh hưởng đến con cái theo lời sách Châm ngôn: "Vinh dự của con cái là chính người cha" (17,6).
Vả lại, Ðức Maria có liên hệ mật thiết với Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu đã lấy huyết nhục của Ðức Mẹ. Nhưng trong thư 2 Corinto viết: "Làm sao Ðức Kitô lại hoà hợp được với Belia".
Sau hết, vì Con Thiên Chúa, là sự Thượng trí của Thiên Chúa, ngự trong Ðức Trinh Nữ cách đặc biệt. Mà sách Khôn ngoan viết: "Tâm hồn gian ác, sự Thượng trí chẳng ngự vào, xác thịt đắm chìm trong tội lỗi, sự Thượng trí không cư ngụ" (1,4).
Cho nên phải công nhận là Ðức Maria sạch lâng mọi tội lỗi, dù nhỏ mọn đến đâu cũng vậy.
V. Hệ luận. Về sự Ðức Maria không thể phạm tội.
Chẳng những trong thực tế Ðức Maria không phạm tội, lại cũng không thể phạm tội. Nhưng phải hiểu đặc ân này như thế nào?
Các tác giả phân biệt sự không thể phạm tội thành nhiều thứ :
Không thể phạm tội theo yếu tính, đẩy lui mọi khả năng phạm tội, điều này chỉ phù hợp với Thiên Chúa là hữu thể thuần tuý và là sự thánh thiện theo yếu tính.
Không thể phạm tội theo thông dự như thấy nơi các vật thụ tạo, là những vật có sở năng để phạm tội và xa lìa Thiên Chúa, dù trong thực tế, do sự liên kết với Thiên Chúa, sở năng này không trở thành hiện thực. Sự không thể phạm tội này còn có thể là: siêu hình, vật lý và luân lý.
Theo siêu hình không thể phạm tội chỉ phù hợp với Ngôi Lời nhập thể, vì theo chính bản tính siêu hình ngôi vị Thiên Chúa không thể phạm tội, dù trong bản tính được cất nhắc và gồm thâu; và đây là do việc ngôi hiệp và do chính địa vị thánh thiện vô cùng của Chúa Giêsu.
Theo vật lý không thể phạm tội thì phù hợp với các phúc phân, do ánh vinh quang, vì theo vật lý không thể vừa xem thấy bản tính Thiên Chúa vừa xúc phạm đến Người.

c) Theo luân lý không thể phạm tội là khi nhờ đặc sủng mà rất khó phạm tội, vì người nào đó đã khuynh hướng về điều thiện một cách keo sơn đến nỗi không dễ lìa bỏ điều thiện.
Vậy khi còn sống trên trần thế, không phải theo siêu hình hay vật lý, nhưng chỉ theo luân lý mà Ðức Maria không thể phạm tội. Vì về phần linh hồn được trang bị những đặc ân của sự công chính nguyên thuỷ; mà bao lâu những đặc ân ấy còn tồn tại bấy lâu tội mọn, do sự khuyết điểm của hành vi, không thể mon men, vì những năng lực hạ cấp hoàn toàn tuân phục lý trí, mà lý trí và ý muốn thì hoàn toàn tuân phục Thiên Chúa. Vì thế, không thể phạm tội mọn nếu không phạm tội trọng trước. Mà phạm tội trọng cũng không phải là chuyện dễ, vì Mẹ Thiên Chúa đã được củng cố trong ân sủng.
Như thế, do được đặc biệt tràn đầy ân sủng, phù hợp với thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa, Ðức Maria được củng cố trong điều thiện để không thể hướng chiều về điều ác, mặc dầu vẫn đang thực hiện cuộc du hành đức tin.

(Thiếu Mục 3) Đức Maria vô nhiễm bã tội lỗi

Tiết II
Về sự thánh thiện tích cực
của Mẹ Thiên Chúa
Lời nói đầu. Trong Thánh Kinh chúng ta thấy nhiều vị được đầy ân sủng. Thực vậy thánh Gioan chép về Chúa Giêsu rằng: "Người là Con Một đầy ân sủng và sự thật" (Ga 1,14); theo thánh Luca, chẳng những Ðức Trinh Nữ Maria (Lc 1,28), lại cả thánh Gioan Tẩy giả (Lc 1,15), một trăm hai mươi môn đệ của Chúa Giêsu (Cv 2,4), và thánh Stephano cũng được đầy ân sủng và quyền năng (Cv 6,8). Hơn nữa, thánh Phaolôâ còn mong ước cho các tín hữu được đầy ân sủng (Ep 3,19). Như vậy, cần phải tìm hiểu sự sung mãn ân sủng của Ðức Trinh nữ Maria, xem có khác với ân sủng sung mãn của Chúa Giêsu và của chư thánh chăng? Lại từ khi được tượng thai trong lòng thánh nữ Anna cho đến lúc kết thúc cuộc đời dương thế, Ðức Trinh Nữ Maria vẫn là người du hành đức tin, nên ân sủng của Người vẫn có thể tăng thêm, vì thế cần phải tìm hiểu sự sung mãn ân sủng nơi Ðức Maria trong một vài giai đoạn nhất định. Tiết này sẽ gồm bốn mục dưới đây:
Mục I. Về ân sủng sung mãn đích thị của Ðức Maria.
Mục II. Về ân sủng sung mãn của Ðức Maria trong giai đoạn chuẩn bị.
Mục III. Về ân sủng sung mãn của Ðức Maria trong giai đoạn tăng trưởng.
Mục IV. Về ân sủng sung mãn toàn diện nơi Ðức Maria.

Mục I
Về ân sủng sung mãn đích thị của Ðức Maria
I. Khái niệm. 1. Theo danh định, sự sung mãn là toàn bộ một thực tại nào đó. Cho nên theo thực định ai được đầy ân sủng tức là có tổng thể, có toàn bộ ân sủng. Và nếu hiểu sung mãn như thế thì hình như không thể có mức độ: bình chứa có thể to nhỏ, nhưng khi đã đầy thì không thể nhận thêm chất đặc hay lỏng nào nữa. Nhưng thần học không dừng lại ở đây. Vì :
2. Ta có thể hiểu ân sủng theo hai ý nghĩa khác nhau là cường độ và trương độ, do đó chúng ta có thể nói về hai thứ sung mãn ân sủng, là sung mãn về cường độ và sung mãn về trương độ.
3. Sung mãn về cường độ là xét cách khách thể, nghĩa là theo chính mô thể của ân sủng. Và sự thông dự này có thể là tuyệt đối hay tương đối nên có thểõ phân biệt sự sung mãn về cường độ thành tuyệt đối và tương đối.
Sung mãn về cường độ tuyệt đối, nghĩa là theo toàn thể mô thể của ân sủng mà ai đó được thông dự.
Còn sung mãn về cường độ tương đối là xét cách chủ vị, ấy là sự sung mãn tương xứng với khả năng đón nhận của một chủ thể, hay tùy theo mức dộ Chúa ban để thi hành sứ vụ mà Thiên Chúa ủy cho chủ thể nào.
4. Sung mãn về trương độ biểu thị ảnh hưởng của ân sủng, tức là những công hiệu mà ân sủng có thể phát sinh. Sự sung mãn theo trương độ này cũng có thể là tuyệt đối và tương đối, tùy theo ảnh hưởng của ân sủng này bao trùm mọi thứ công hiệu hay chỉ phổ cập đến một số công hiệu thuộc địa vị hay sứ vụ của chủ thể nào đó thôi.
II. Ðề luận XIV. A. Ân sủng sung mãn của Ðức Trinh Nữ Maria không phải là ân sủng sung mãn tuyệt đối như của Chúa Giêsu; B. mà chỉ là sung mãn tương đối.
III. Chứng minh. Phần A. (Ân sủng sung mãn của Ðức Maria không phải là ân sủng sung mãn tuyệt đối như của Chúa Giêsu)
1. Thánh Gioan chép: "Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật" (1,14). Mà Con thật, Con tự nhiên của Chúa Cha thì chỉ có một duy nhất, cũng như ơn ngôi hiệp với Lời Thiên Chúa chỉ phù hợp cách chuyên biệt với một mình Chúa Giêsu. Cho nên cả sự sung mãn tuyệt đối của ân sủng cũng chỉ có một: ân sủng sung mãn nếu còn thiếu gì về chính yếu tính hay về năng lực của nó thì không thể là sung mãn tuyệt đối được. Chính vì thế mà thánh Gioan dã chép về Chúa Giêsu rằng: "Thiên Chúa ban Thánh Thần cho Người vô ngần vô hạn" (3,34).
2. Ðược sung mãn tuyệt đối về ân sủng là có ân sủng với mức độ tối đa và một cách cực kỳ hoàn bị chứ không là chi khác: Vậy do hiệu năng của việc ngôi hiệp, ngay từ giây phút nhập thể đầu tiên, Chúa Giêsu đã được ân sủng sung mãn tuyệt đối cả về cường độ lẫn trương độ, đến độ không thể tăng thêm. Trước hết về cường độ, vì linh hồn Chúa Giêsu kết hợp với Thiên Chúa một cách cực kỳ mật thiết hơn bất cứ vật thụ tạo nào, nên cũng lãnh nhận ảnh hưởng tối đa của ân sủng, lại lãnh nhận để thông ban cho các vật thụ tạo khác. Về trương độ Chúa Giêsu cũng nhận được ân sủng cho mọi sinh hoạt, hay để phát sinh hoa trái, ấy là các nhân đức và mọi ơn Chúa Thánh Thần. Nói cách khác Người được ân sủng sung mãn cách toàn diện và tuyệt đối.
Phần B. (mà chỉ là sung mãn tương đối)
1. Thánh Phaolô viết: "Mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tùy theo mức độ Chúa Giêsu ban cho" (Ep 4,7). Vậy Ðức Maria được xưng tụng là đầy ân sủng, không phải theo chính ân sủng, nghĩa là theo cường độ, vì Người không lãnh nhận cách hoàn bị tuyệt đối của chính ân sủng; cũng không theo năng lực hay những công hiệu vô cùng vô tận của ân sủng, nghĩa là theo trương độ; nhưng là đầy ân sủng theo tương quan với chính bản thân Ðức Trinh Nữ, ấy là được đầy ân sủng phù hợp với địa vị và chức năng mà Thiên Chúa trao cho Người, ấy là làm Thân Mẫu Thiên Chúa.
2. Thiên Chúa ban ơn cho mỗi người phù hợp mục đích mà Người đã qui định cho họ. Vậy Chúa Giêsu, theo tư cách là người, đã được tuyển chọn và tiền định làm Con Thiên Chúa, với quyền thánh hoá nhân loại, nên điều chuyên biệt của Người là có ân sủng sung mãn để đổ xuống trên mọi người, như lời thánh Gioan: "Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác" (1,14). Còn Ðức Trinh Nữ Maria thì được ân sủng sung mãn lớn lao và rất gần gũi Ðấng là nguồn ân sủng, đến độ được cưu mang trong mình Ðấng đầy ân sủng, và khi sinh hạ Ðấng ấy, Ðức Trinh Nữ đã một cách nào đó làm cho ân sủng đổ xuống trên mọi người.
IV. Hệ luận. 1. Vì thế không thể gọi Ðức Trinh Nữ Maria là thủ lãnh [đầu] của Giáo Hội.
2. Người không thể lập công cho chúng ta cách thích đáng (de condigno) để chúng ta được ân sủng, cũng không phải là tác căn (causa efficiens) trực tiếp thông ơn sủng cho chúng ta.
3. Người cũng không thể thiết lập các nhiệm tích.
Những điều đó được dành cho Chúa Giêsu và không ích lợi gì cho mẫu hệ của Ðức Maria.

Mục II
Về ân sủng sung mãn của Ðức Maria
trong giai đoạn chuẩn bị
I. Lời nói đầu. Nơi Ðức Trinh Nữ Maria, Thân Mẫu Thiên Chúa, nên phân biệt ba giai đoạn sung mãn của ân sủng: là giai đoạn khởi đầu, tức là giai đoạn chuẩn bị để Người xứng đáng trở thành Mẹ Thiên; giai đoạn viên mãn, kể từ khi cưu mang Chúa Giêsu cho đến lúc kết thúc cuộc đời trần thế; và giai đoạn hoàn chỉnh trong vinh quang trên trời. Ở đây, sau khi xác định sự khác biệt giữa sự sung mãn của Chúa Giêsu và của Ðức Mẹ, chúng tôi tìm hiểu sự khác biệt giữa sự sung mãn của Ðức Mẹ và của chư thánh.
II. Xác định một số từ ngữ. Các tiến sĩ của Giáo Hội còn phân biệt sự sung mãn tương đối thành tương đối ưu việt, dư dật, tràn đầy [relativa praeeminens, redun-dans et abundans] và tương đối vừa đủ [relativa mere sufficiens]. Sung mãn tương đối ưu việt, dư dật và tràn đầy là thứ sung mãn riêng biệt của Ðức Trinh Nữ Maria.
III. Ðề luận XV. Ân sủng sung mãn tương đối của Ðức Maria trong giai đoạn chuẩn bị là thứ sung mãn tương đối dư dật và tràn đầy, trổi vượt trên mọi thần thánh. (ý kiến chung)
IV. Chứng minh. A. Ðạo lý của Giáo Hội. Ðức Pio IX Trong Chỉ dụ Ineffabilis Deus đã khẳng định rằng, "Thiên Chúa đã lấy từ kho tàng thần linh của mình để đổ trên Người [Ðức Trinh Nữ] tràn đầy mọi ân huệ, trổi vượt hơn mọi thần thánh".
B. Lẽ Thần học. 1. Ân sủng khởi đầu nơi Ðức Trinh Nữ Maria là ơn chuẩn bị thích hợp cho mẫu hệ thần linh, tức là cho Người xứng đáng làm mẹ Chúa Kitô. Nhưng ân sủng hoàn chỉnh nơi chư thánh không phải là sự chuẩn bị thích hợp cho mẫu hệ thần linh: mẫu hệ này thuộc lãnh vực trác tuyệt, trổi vượt trên mọi thần thánh. Cho nên ân sủng sung mãn của Ðức Trinh Nữ trong giai đoạn chuẩn bị là thứ sung mãn trổi vượt trên ân sủng của mọi thần thánh.
2. Chúa Kitô là nguyên lý của ân sủng: theo Thiên Chúa tính thì Chúa Kitô là tác giả và chính căn của ân sủng; theo nhân loại tính thì như dụng căn thông ơn và lập công. Vì thế, thánh Gioan viết: "ân sủng và sự thật thì nhờ Ðức Giêsu Kitô mà có" (1,17). Mà phàm chi, thuộc bất cứ giống loại nào, càng gần nguyên lý của mình càng nhận được nhiều ảnh hưởng của nguyên lý ấy hơn. Vậy về nhân loại tính, Ðức Maria gần gũi Chúa Giêsu hơn hết mọi người: vì Ðức Kitô nhận lấy nhân loại tính bởi Ðức Maria; các thiên thần chỉ là những sứ giả hay những thừa tác viên của Thiên Chúa. Cho nên Ðức Trinh Nữ phải lãnh nhận từ Chúa Giêsu ân sủng sung mãn trổi vượt trên mọi thánh nhân.
3. Công hiệu của ân sủng là thước đo lường cấp bậc của ân sủng. Vậy ân sủng phát sinh nơi Ðức Maria nhiều công hiệu trác tuyệt hơn nơi chư thánh, vì chỉ một mình Người được phòng ngừa khỏi tội nguyên tổ, khỏi bả tội lỗi, và để, theo thường tình (moraliter), không thể phạm tội, như đã chứng minh trên đây. Cho nên ân sủng sung mãn tương đối nơi Ðức Trinh Nữ Maria thì đầy dư, trổi vượt hơn ân sủng sung mãn của chư thần chư thánh.
4. Vì ân sủng là công hiệu của tình Thiên Chúa mến yêu, và tương ứng với tình mến yêu ấy. Vậy trong giây phút thành thai đầu tiên, Ðức Trinh Nữ Maria đã được Thiên Chúa mến yêu hơn bất cứ thần thánh nào, vì được mến yêu như Mẹ Thiên Chúa. Cho nên Ðức Trinh Nữ cũng được ân sủng sung mãn đầy dư trổi vượt trên mọi thần thánh.
V. Ðề luận XVI. Ân sủng sung mãn tương đối đầu tiên của Ðức Trinh Nữ Maria thì vĩ đại và trác tuyệt hơn ân sủng sau cùng của các thần thánh hợp lại.
Ðây là đạo lý cái nhiên được nhiều học giả bảo vệ, như B. de Medina, Suarez, Miechow, Chr. De Vega, Contenson, thánh Alphonso, Terrien, Hugon, Monsabré, Merkelbach…
VI. Chứng minh. (với những lẽ tương tự như đã được viện dẫn trong đề luận XV.)
1. Ân sủng đầu tiên nơi Ðức Trinh Nữ là sự chuẩn bị để Người trở thành Thân Mẫu Thiên Chúa, nên phải tương xứng với địa vị ấy. Vậy ân sủng sau cùng của các thần thánh hợp lại không thể là mô thể làm cho bất cứ thần thánh nào trở thành Thân Mẫu Thiên Chúa. Cho nên ân sủng đầu tiên của Ðức Trinh Nữ thì vĩ đại và trác tuyệt hơn ân sủng sau cùng của toàn thể các thần thánh hợp lại.
2. Ai được Thiên Chúa mến yêu hơn mọi vật thụ tạo khác, ắt được Thiên Chúa ban ân sủng vĩ đại và trác tuyệt hơn ân sủng mà Người đã từng ban và sẽ ban cho bất cứ vật thụ tạo nào: vì khi Thiên Chúa mến yêu vật nào hơn thì có nghĩa là Người ban điều thiện lớn lao hơn cho vật ấy, chứ không phải chi khác. Vậy trong giây phút tượng thai đầu tiên của mình, Ðức Maria đã được Thiên Chúa yêu mến hơn toàn thể các vật thụ tạo, vì được mến yêu như Thân Mẫu Thiên Chúa. Cho nên ân sủng đầu tiên của Trinh Nữ Maria thì vĩ đại và trác tuyệt hơn ân sủng của toàn thể thần thánh hợp lại.
Mục III
Về ân sủng sung mãn của Ðức Maria
Trong giai đoạn tăng trưởng
I. Lời nói đầu. Như đã thấy trên, chúng tôi hiểu giai đoạn này là thời gian từ khi Ðức Trinh Nữ Maria thụ thai Con Thiên Chúa cho đến khi hoàn tất cuộc du hành trần thế, bởi vậy ân sủng của Ðức Maria có thể tăng trưởng nhiều cách, như do việc và do nhân, vì Người đã thụ thai và cưu mang Con Thiên Chúa, đã lãnh các nhiệm tích, và đã lập nhiều công phúc.
II. Ðề luận XVI. Do sự hiện diện của Con Thiên Chúa nhập thể trong lòng Người, Ðức Trinh Nữ Maria được kiện toàn trong ân sủng.
III. Chứng minh. A. Ðạo lý của Giáo Hội. Sách GLGHCG dạy: "Ðức Maria, trọn đời khiết trinh, Thân mẫu chí thánh của Thiên Chúa là tuyệt tác của việc đặc cử Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần trong thời viên mãn. Vậy nếu Ðức Maria là tuyệt tác mà Thiên Chúa thực hiện khi Ngôi Hai và Ngôi Ba được cử đến trần gian, thì hẳn Ðức Trinh Nữ phải thánh thiện tuyệt vời, và phải được củng cố trong ân sủng.
B. Lẽ Thần học. 1. Cũng như nơi các vật tự nhiên có ba sự hoàn bị: một là thứ hoàn bị của sự chuẩn bị: như chất thể được chỉnh bị để đón nhận mô thể; hai là sự hoàn bị sáng giá hơn của mô thể, cũng như nhiệt lực bởi mô thể của lửa thì hoàn bị hơn là nhiệt lực chỉnh bị để đón nhận mô thể lửa; ba là sự hoàn bị của cùng đích, như lửa đạt được những đặc trưng của mình cách tuyệt hảo khi ở vào đúng vị trí của nó.
Nơi Ðức Trinh Nữ Maria cũng có ba sự hoàn bị về ân sủng: Sự hoàn bị thứ nhất là như sự chuẩn bị để xứng đáng làm Mẹ Ðức Kitô; sự hoàn bị thứ hai do sự hiện diện của Con Thiên Chúa nhập thể trong cung lòng mình; ba là sự hoàn bị trong vinh quang trên trời.
Vậy, như có mô thể thì hoàn bị hơn là chuẩn bị để đón nhận mô thể, thì việc thực sự là mẹ cưu mang Con Thiên Chúa nhập thể, tức là có Con Thiên Chúa hiện diện, cũng hoàn bị hơn là chuẩn bị để làm Mẹ Thiên Chúa.
Nếu sự hiện diện của Chúa Kitô đã đủ để thánh hoá thai nhi Gioan Tẩy giả còn trong lòng bà Elisabeth; và nếu sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh Thể cũng thánh hoá chúng ta khi rước lễ, thì càng phải thánh hoá Ðức Trinh Nữ do chính việc Ngôi Hai nhập thể và cư ngụ ròng rã chín tháng trong cung lòng Người: Chúa Giêsu, là căn nguyên và là nguồn mạch mọi ân sủng, vì "nơi Người tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa tính hiện diện cách cụ thể" (Cl 2,9), đã liên kết cách thể lý và tinh thần với Mẹ mình, thì hẳn phải thông ban ân sủng cho Người cách rất hoàn bị. Như vậy hẳn phải làm cho ân sủng của Ðức Mẹ được tăng trưởng một cách lớn lao, lạ lùng và riêng biệt.
Sách GLGHCG cũng dạy rằng: "Lần đầu tiên trong chương trình cứu độ, và nhờ Chúa Thánh Thần chuẩn bị trước, Chúa Cha đã tìm được nơi Ðức Maria "chỗ ở" để Chúa Con và Chúa Thánh Thần có thể cư ngụ giữa loài người" (số 721). Mà Ngôi Hai và Ngôi Ba ở đâu thì ở đó cũng phải có Ngôi Nhất. Nếu đây là lần đầu tiên Chúa Cha tìm được "chỗ ở" cho cả Ba Ngôi nơi Ðức Maria như thế, thì hẳn Ðức Maria phải được kiện toàn trong ân sủng.
Theo thánh Thomas, khi thụ thai Con Thiên Chúa ân sủng của Ðức Trinh Nữ đuợc hoàn chỉnh, vì củng cố Người trong điều thiện. Còn thánh Alberto thì nói: "Chúng tôi tin rằng, khi thụ thai Con Thiên Chúa, Ðức Trinh Nữ đã được đức mến lớn lao và nồng nàn đến nỗi không ai có thể ngờ là một vật thụ tạo thuần tuý trên dương thế có thể đạt được".
IV. Ðề luận XVII. Từ khi thụ thai Con Thiên Chúa cho đến lúc Ðức Maria kết thúc cuộc đời trần thế, ân sủng sung mãn của Người vẫn có thể và thực sự đã tăng thêm.
V. Chứng minh. 1. Ân sủng và đức ái là những thứ chuẩn bị giúp ta đạt tới vinh quang, nên là những thực tại vốn có thể tăng thêm đến vô tận, vì thế bao lâu ai có ân sủng và đức ái còn du hành trên trần thế, bấy lâu ân sủng và đức ái của người ấy vẫn có thể tăng thêm. Vậy trước khi kết thúc cuộc đời Ðức Maria vẫn là khách du hành trên trần thế, vì theo Thánh Kinh và Thánh truyền, Người vẫn có đức tin, và đức tin đầy công phúc. Như khi tin lời Tổng lãnh Thiên thần Gabriel (Lc 1,45); tin vào những lời của Con mình (Lc 2,19). Thánh Ire-nêo, và thánh Augustino đã tán dương đức tin và đức tuân phục của Trinh Nữ Maria như nguyên nhân của ân sủng và công phúc cho mình và cho các tín hữu.
Theo CÐC Trident. thì các Nhiệm tích Tân Ước luôn luôn ban ân sủng cho những người lãnh nhận mà không đặt ngăn trở. Vậy chắc chắn là Ðức Maria đã rước lễ và rước lễ hằng ngày; mà các nhiệm tích thì sinh công hiệu do sự; đàng khác khi lãnh nhiệm tích ấy, chẳng những Người không đặt cản trở nào lại còn chuẩn bị thật kỹ càng sốt sáng. Nên hẳn là mỗi lần rước lễ Người đều lãnh nhận ân sủng rất hoàn bị.
Theo ý kiến của một số nhà thần học, Ðức Maria đã lãnh nhận nhiệm tích Thanh Tẩy, không phải để tẩy rửa tội lỗi, mà để nhờ ấn tín nhiệm tích mà trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu hơn; trong ngày lễ Ngũ tuần, Ðức Maria đã lãnh nhận ơn nhiệm tích và những công hiệu của phép Thêm sức.
3. CÐC Trident. cũng dạy rằng, sự công chính có thể nhờ việc lành mà tăng thêm, vì thế mọi việc lành của người sống ơn thánh đều là những việc có công phúc, khả dĩ tăng thêm ơn thánh nơi người ấy. Vậy chúng ta có thể chắc chắn rằng trong mọi hành vi, Ðức Trinh Nữ Maria luôn luôn sẵn sàng như đã tỏ ra với thiên sứ trong ngày truyền tin, và đó cũng là điều CÐC Vaticano II đã xác định trong Hiến Chế Ánh sáng muôn dân. Hiến Chế viết: "Vì không bị một tội nào làm trì hoãn, Ðức Maria đã hết lòng đón lấy ý định cứu độ của Thiên Chúa, đã tận hiến làm tôi tớ Chúa, phục vụ chính bản thân và sự nghiệp của Con Thiên Chúa" (LG 56). Vậy nếu Ðức Trinh Nữ Maria đã hiến thân phục vụ chính bản thân và sự nghiệp của Con Thiên Chúa thì hẳn mọi công việc Ðức Trinh Nữ Maria thực hiện, đều được thực hiện với đức ái cao cường, vì không bị ngưng trệ hoặc cản trở bởi đam mê, khuyết điểm, trễ nải hay sự phân tâm nào.
Một số tác giả như thánh Bernardinus Senensis, Suarez, Contenson, P. Terrien, nhất là thánh Franc. Salesius chủ trương rằng Ðức Trinh Nữ Maria đã lập công liên lỉ không bao giờ ngừng, kể cả khi ngủ nghỉ. Cha Hugon cho đó là điều cái nhiên. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này.

Mục IV
Về ân sủng sung mãn toàn diện nơi Ðức Maria
I. Lời nói đầu. Các Giáo phụ Ðông phương gọi Mẹ Thiên Chúa là Ðấng thánh thiện toàn diện (panVgian). Theo cha Hugon, chúng tôi hiểu sự sung mãn toàn diện này như sự sung mãn gồm thâu mọi ân sủng, mọi hồng ân và mọi đăïc sủng mà có thời Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội. Như vậy là gồm: a) Những ơn thánh hoá Thiên Chúa ban để thánh hoá mỗi cá nhân đặc thù; b) ơn nhưng ban, ngày nay quen gọi là đoàn sủng, Thiên Chúa ban để thánh hoá tha nhân; c) những đặc sủng Thiên Chúa ban cho những ai được Người đưa lên địa vị cao sang.
II. Ðề luận XVII. Ðức Maria được ân sủng sung mãn gồm thâu mọi nhân đức và mọi ơn Chúa Thánh Thần.
III. Chứng minh. Phàm ai đã có ân sủng thì có tất cả những chi mật thiết liên kết với ân sủng ấy. Vậy các nhân đức siêu nhiên chẳng kỳ là thần hướng, hay luân lý và các ơn Chúa Thánh Thần, nhất thiết liên kết với chính ơn thánh hoá, hoặc như những thuộc tính phát xuất từ ơn thánh hoá.
Về điểm này CÐC Trident dạy: "trong chính sự công chính hoá cùng với việc tha tội lỗi con người, nhờ Chúa Giêsu mà đương sự tháp vào, nhận lãnh một trật những điều phú bẩm sau đây: tin, cậy, mến". Còn sách GLGHCG thì viết: "Chúa Ba Ngôi Chí Thánh ban cho người đã được rửa tội ơn thánh hoá, ơn công chính hoá để người đó
— có khả năng tin tưởng, trông cậy và yêu mến Người, nhờ các nhân đức thần hướng;
— có thể sống và hành động dưới tác động của Chúa Thánh Thần, nhờ các hồng ân của Chúa Thánh Thần;
— ngày ngày càng hoàn thiện hơn, nhờ các nhân đức luân lý" (số 1266).
Mà Ðức Trinh Nữ đã có ân sủng sung mãn tương đối cách trác tuyệt, nên cũng phải có các nhân đức và những hồng ân của Chúa Thánh Thần cũng như những đặc sủng một cách cao cường và trác tuyệt.
a) Ðức Maria có tất cả các nhân đức ấy đến mức độ anh hùng, ít là theo trạng thái quán tập, nhưng không thể thực hiện những hành vi của những nhân đức hàm súc sự khuyết điểm nào đó, tương phản với địa vị của Ðức Mẹ, như sự thống hối và đền tội: những việc này giả định sự sa ngã phạm tội, là điều không thể có nơi Ðức Maria. Tuy nhiên, điều đó không ngăn trở để Người làm những việc đền tội thay cho tha nhân, vì tình bác ái và lòng xót thương.
b) Ðức Maria cũng có những ơn nhưng ban với mức độ hoàn bị, như ơn làm những điềm thiêng dấu lạ, ơn ngôn sứ, ơn chữa tật bệnh, ơn giải thích Thánh Kinh, ơn biện phân các tâm hồn như thánh Phaolô đã liệt kê trong thư thứ nhất gửi Giáo đoàn Corinto (12, 8-10).
Theo Thần học, chắc chắn là Ðức Trinh Nữ được những đoàn sủng, không hoài nghi, vì Người là Mẹ Giáo Hội. Tuy nhiên, Người không lãnh nhận để triệt để sử dụng các ơn ấy như Chúa Giêsu, mà chỉ sử dụng theo mức độ cần thiết phù hợp với địa vị của Người. Người được ơn thông tuệ để chiêm niệm, theo lời thánh Luca: "Ðức Maria hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng"; nhưng không được ơn thông tuệ để dạy dỗ, vì thời ấy việc giảng dạy không thuộc về nữ giới. Người đã được ơn ngôn sứ, như thấy trong bài ca "Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa". Trong lúc sinh thời Người cũng không làm những điềm thiêng dấu lạ, vì những điềm thiêng ấy được dùng để củng cố giáo thuyết, nên chỉ có Chúa Giêsu và các Tông đồ thực hiện các điềm thiêng dấu lạ thôi.
c) Hơn nữa, Ðức Maria cũng được sung mãn những đặc ân trổi vượt trên mọi thánh nhân. Tương ứng với triều thiên 12 ngôi sao, mà người nữ mặc áo mặt trời đã đội, các tác giả thường liệt kê 12 đặc sủng.
Thánh Bernardo liệt kê các đặc sủng ấy như thế này: Ðức Maria được bốn đặc ân trời ban này: 1o được sinh ra cách lạ lùng, 2o được thiên thần chào kính, 3o được Chúa Thánh Thần can thiệp, và 4o được thụ thai Con Thiên Chúa; tương tự như thế cũng được bốn đặc ân về thân thể: 1o là trinh nữ đầu tiên, 2o thụ thai mà vẫn trinh khiết, 3o cưu mang mà không mệt mỏi, 4o sinh nở mà không đau đớn; sau hết được bốn đặc ân trong tâm trí: 1o kiều diễm trong trinh bạch, 2o nồng nàn trong khiêm hạ, 3o đại đảm trong đức tin, 4o và tuẫn giáo trong tâm hồn.
Thánh Alberto đã phân chia và liệt kê cách cẩn trọng hơn như thế này : 1o Ðức Maria là Mẹ khiết trinh; 2o là Mẹ Thiên Chúa; 3o trinh khiết trên hết các nữ trinh; 4o không ngu dốt cũng không sai lầm: dù không biết hết mọi sự, nhưng biết tất cả những chi Mẹ Thiên Chúa phải biết hoặc nên biết; 5o là đấng trong trắng tuyệt vời: không hề phạm tội mọn nào, dù nhỏ nhoi đến đâu cũng vậy; thường tình không thể phạm tội; hơn nữa được sạch lâng mọi vết nhơ của tội tổ truyền và của nhục dục; 6o có thể lập công trong mọi hành vi; 7o là mẹ mọi người; 8o là sao mai; 9o là cửa thiên đàng; 10o được hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô; 11o được siêu thăng trên mọi vật thụ tạo; 12o là Nữ vương của lòng xót thương.
IV. Ðề luận XVIII: Ðức Maria có các nhân đức thần hướng cách rất hoàn bị.
V. Chứng minh. 1. Tổng quát. Các nhân đức thần hướng, như danh xưng cho thấy, là những nguyên lý gần gũi để hoạt động, trực tiếp khuynh hướng ta về Thiên Chúa và liên kết ta với Thiên Chúa là mục đích siêu nhiên. Vậy Ðức Maria là người hướng về Thiên Chúa và liên kết với Thiên Chúa một cách mật thiết hơn ai hết. Cho nên đừng kể nhân đức mến là nhân đức sẽ tồn tại mãi, hẳn Ðức Maria còn có nhân đức tin, nhân đức cậy phù hợp với tình trạng du hành của Ðức Maria trên trần thế.
2. Cụ thể: a) Về đức tin. Ngược với Luther đã cho viên bách quân có đức tin số một; với Erasme đã phủ nhận đức tin của Ðức Maria, vì không thấy chép Người phục lậy Con sơ sinh của mình; với Theophilacte cho Ðức Trinh Nữ đã thiếu đức tin nên mới đi thăm bà chị Elizabeth để kiểm chứng lời thiên sứ. Ngược với tất cả những ý kiến lầm lạc đó, bà Elizabeth đã tán dương đức tin của Ðức Maria bằng những lời sau đây: "Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em". Ðây là đức tin rất hoàn bị về mọi khía cạnh, và Ðức Maria đã thực hành niềm tin này trong nhiều hoàn cảnh:
1) Khi mau lẹ tin nhận mầu nhiệm cao cả về Ngôi Lời nhập thể và về mẫu hệ thần linh của mình, được thể hiện ngoài những định luật tự nhiên chi phối tất cả những gì đã có từ trước đến nay. Vì thế thánh Ambrosio viết: "Kìa bạn xem Ðức Maria không hoài nghi, nhưng đã tin, và vì thế đã đạt đuợc kết quả của đức tin".
2) Về thời thơ ấu của Chúa Giêsu, thánh Alphonso viết: "Ðức Maria đã thấy Con mình sinh ra trong máng cỏ, nhưng tin đó là Ðấng tạo thành vũ trụ, đã thấy Người phải lẩn trốn vua Herode, nhưng không ngừng tin Người là Vua trên hết các vua; đã thấy Người sinh ra, nhưng tin Người hằng hữu; đã thấy Người nghèo nàn, thiếu cả nhu yếu phẩm, nhưng tin Người là Chủ tể hoàn vũ; thấy người nằm trên rơm rạ, nhưng tin Người là Ðấng toàn năng… thấy Người khóc lóc, nhưng tin Người là niềm vui thiên đàng".
3) Trong khi Chúa Giêsu hiến thân chịu mọi thứ khổ hình và chịu chết, các Tông đồ đã chạy trốn, nhưng Ðức Maria không thể xa lìa thập giá Chúa, đinh ninh tin Người là Thiên Chúa, và không hoài nghi là Người sẽ sống lại. Vì thế thánh Alberto cả viết: "Ðấng đã tin vào những lời Thiên Chúa hứa; Ðấng đã không phân vân đang khi các môn đệ nghi nan; đấng không hoài nghi rằng mọi sự đều khả dĩ đối với kẻ tin, hẳn phải có đức tin tuyệt vời" (in Lc 1).
b) Về đức cậy tháp tùng đức tin. Ðức Maria cũng có đức cậy thật hoàn bị, vì Người đã tuyệt đối tựa vào quyền toàn năng và sự trợ giúp của Thiên Chúa. Vì thế Ðức Maria đã trông cậy một cách hoàn toàn vững vàng, chắc chắn vào Thiên Chúa, và tuyệt nhiên không cậy vào sức riêng. Chẳng hạn như:
1) Người hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ bật mí cho bạn mình là Giuse biết sự trinh bạch và việc thụ thai lạ lùng của mình.
2) Khi chịu đựng một cách nhẫn nại kiên cường những thiếu thốn trong lúc di cư sang Ai cập.
3) Khi nhắn nhủ những chiêu đãi viên tại tiệc cưới Cana, dù Chúa Giêsu đã nói là chưa đến giờ như muốn từ khước.
4) Trong cuộc thương khó, khi hy vọng vào sự toàn thắng của Chúa Giêsu trên sự chết.
5) Lúc Chúa Giêsu đã tắt thở, Mẹ đã hoàn toàn tín thác, không chút hoài nghi, trái lại vẫn hy vọng vào sự phục sinh và chiến thắng vinh quang của Chúa Giêsu.
c) Sau hết, là đức mến nồng nàn thắm thiết hơn bất cứ vật thụ tạo nào đối với Ba Ngôi Thiên Chúa, vì những mối tương quan khôn sánh đối với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Và cũng tận tình thương mến loài người chúng ta, sẵn sàng dâng chính mình và Con mình chịu chết để cứu chuộc chúng ta. Người đã thực hiện đức ái trác tuyệt ấy suốt đời, nhất là trong những hoàn cảnh đặc biệt sau đây:
1) Lúc mới hiện hữu đã hoàn toàn hiến thân cho Thiên Chúa.
2) Khi dâng mình trong Ðền thờ và khấn khiết trinh.
3) Khi ưng thuận lời thiên sứ, chấp nhận sứ điệp của Thiên Chúa vì thiết tha với ơn cứu độ muôn dân.
4) Khi thụ thai và cưu Con Thiên Chúa nhập thể làm người.
5) Khi dâng Con trong Ðền thờ.
6) Khi nôn nóng tìm Con đang vắng bóng, và khi gặp lại Con đang họp tổ với những kinh sư trong Ðền thờ.
7) Trong khi dâng hiến những đau khổ của chính mình làm một với những cực hình Con chịu trên thánh giá, lúc hấp hối và chịu chết để cứu chuộc nhân loại.
VI. Ðề luận XIX. Không chứng minh được rằng A. trong khi còn sống trên dương thế Ðức Maria đã được thị kiến Thiên Chúa; B. Cũng không có kiến thức thanh nhàn liên lỉ hay tạm thời.
VII. Chứng minh. Phần A. (trong khi còn sống ở dương thế chưa được thị kiến Thiên Chúa : ý kiến chung). Sự thị kiến thanh nhàn thủ tiêu đức tin, cản trở việc lập công cho được sống đời đời, và làm cho ân sủng hết tăng thêm. Nhưng suốt cuộc đời trần thế Ðức Maria vẫn có đức tin; Người cũng phải lập công để được sống đời đời, và vì là lữ khách Người cũng có thể tăng thêm ân sủng. Cho nên trong lúc sinh thời Ðức Maria không có thị kiến thanh nhàn.
Phần B. (cũng không có kiến thức thanh nhàn liên lỉ hay tạm bợ : còn được tranh luận).
Một số học giả, như Dionysius Cartusianus, cho đây là điều rất cái nhiên, vì Ông Mose và thánh Phaolo đã được thị kiến Thiên Chúa cách tạm thời trong chốc lát, phương chi là Thân Mẫu Thiên Chúa. Nhưng những nhà Chú giải hiện nay, như Ceuppens, thì lại cho rằng, việc ông Môsê và thánh Phaolô được thị kiến Thiên Chúa là điều không có nền tảng. Cho nên cũng không thể căn cứ vào đó mà suy luận về Ðức Maria.
Thành thử, theo các học giả này, cũng không thể cho rằng Ðức Maria đã được thị kiến thanh nhàn ngay lúc thành thai vô nhiễm nguyên tội, khi sinh hạ Chúa Giêsu và khi Chúa Giêsu phục sinh. Những điều đó là điều khả dĩ mà Thiên Chúa có thể biến thành hiện thực. Nhưng có dấu gì, hay chứng cớ tích cực nào cho thấy những sự kiện đó đã thực sự xảy ra.
VIII. Ðề luận XX. Không chứng minh được rằng, A. Ðức Maria có kiến thức quán tập "tự thể" phú bẩm khi còn sống nơi dương thế; B. mặc dầu trí khôn Người có thể được soi sáng cách tạm thời bằng nhận thức phú bẩm trong một số trường hợp.
IX. Chứng minh : Phần A. Kiến thức "tự thể" phú bẩm thì tự nhiên không thể có trong cuộc sống trần thế này, vì là:
Sự hoàn bị của trí khôn nhân loại khi hoàn tất cuộc đời; vì linh hồn hưởng thị kiến thanh nhàn, có thể được cất nhắc lên trên những giác quan, trở nên giống các thiên thần về tính thiêng liêng và về cách thức hiểu biết; sự hoàn bị ấy cũng phù hợp với linh hồn đã lìa xác, dù chưa được thị kiến thanh nhàn.
Là sự hoàn thiện bản nhiên của trí tuệ thiên thần, và là đặc trưng của các thiên thần.
Là sự hoàn bị hoàn toàn phù hợp với Chúa Giêsu Kitô, ngay trong giây phút đầu tiên đời sống nhân loại của Người, vì Người là thủ lãnh của mọi vật thụ tạo, và xét về linh hồn thì đã được thị kiến thanh nhàn; chẳng vậy phải nhờ sự chết mới được thì là điều không thích hợp.
Nhưng trước khi kết thúc cuộc đời dương thế mà có kiến thức phù hợp với linh hồn đã lìa khỏi xác, là điều không thích hợp với Ðức Maria, vì Người có bản tính khác với bản tính của thiên thần, lại cũng không như Chúa Giêsu, có thị kiến thanh nhàn ngay khi có sự sống nhân loại như đã nói trên.
Phần B. Việc có kiến thức phú bẩm tạm thời trong một số trường hợp là điều phù hợp với Ðức Maria, chẳng hạn trong giây phút tượng thai đầu tiên, khi được ơn vô nhiễm nguyên tội; khi cần hiểu biết đầy đủ một vài mầu nhiệm, hay giải thích những lời Thánh Kinh; vì đó là những ơn Chúa đã ban cho một số ngôn sứ và thánh nhân, như thánh Gioan Tẩy giả.
X. Ðề luận XXI. Ðức Maria có tri thức bản nhiên thủ đắc do những hành vi riêng của Người; hơn nữa nếu tri thức của Người về một số chân lý mà được quảng bác do sự soi sáng thần linh trong một vài trường hợp thì cũng là điều rất xứng hợp.
XI. Chứng minh. Ðức Trinh Nữ Maria có những tài năng giác cảm và tri thức rất linh lợi, phù hợp với những sinh hoạt của các tài năng ấy. Vì thế nhờ kinh nghiệm và trí khôn hoạt động (intellectu agente) Người có thể trừu xuất những giác tượng để đi đến những ý niệm trừu tượng, và hiểu biết yếu tính của các vật.
Nhưng nhận thức bản nhiên của Ðức Maria mà được phát triển sâu rộng nhờ những ảnh niệm thiên phú trong một số trường hợp, để Người có thể chu toàn bổn phận riêng biệt cho thật hoàn bị, thì là điều rất xứng hợp. Vả lại, nếu chính cụ tổ Ađam ngay từ đầu đã có kiến thức phú bẩm cách ngẫu trừ, và các Tông đồ cũng đuợc kiến thức phú bẩm để hiểu Thánh Kinh cho đúng đắn, thì việc Ðức Maria nhận được kiến thức thiên phú liên quan đến những bổn phận của Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Ðấng Cứu chuộc và Mẹ nhân loại thì quả là điều rất xứng hợp. Chẳng hạn như những kiến thức về Thiên Chúa và về chính mình, về những mầu nhiệm đức tin, về những lý do để tin các mầu nhiệm ấy…
Hơn nữa, kiến thức của Ðức Trinh Nữ có thể phát triển: do tài trí riêng, do giáo huấn của cha mẹ và của những giáo trưởng trong Ðền thờ, do đọc và nghe lời Thánh Kinh, do tác vụ của các thiên thần, do sự chung sống thân mật với Chúa Con, cũng có thể do mặc khải riêng của Thiên Chúa.
XII. Ðề luận XXII. Ðức Maria có các nhân đức luân lý cao cường tột độ.
XIII. Chứng minh. 1. Tổng quát. Chức năng của các nhân đức luân lý là điều chỉnh các tập quán của chúng ta cho đúng đắn khi sử dụng những phương tiện để đạt tới cứu cánh. Vậy có bốn nhân đức luân lý nền tảng, tức là nhân đức trụ siêu nhiên, được phú vào linh hồn chúng ta làm một với ơn thánh hoá và đức ái, cùng được phú vào theo mức độ của ơn thánh hoá và đức ái, lại được tăng trưởng hay phát triển theo ơn thánh hoá và đức ái. Mà Ðức Maria đã có ân sủng và đức ái sung mãn đầy dư trổi vượt trên mọi vật thụ tạo. Cho nên Người cũng phải có các nhân đức luân lý cao cường hơn mọi vật thụ tạo.
2. Cụ thể: a) Về đức khôn ngoan, Ðức Maria có đức khôn ngoan tuyệt vời, chẳng vậy không thể thực hành cho đúng đắn nhân đức luân lý nào hết. Vì Người đã điều khiển mọi hành vi theo những qui tắc của lý trí và đức tin, đến độ không đi trệch các qui tắc ấy mảy may. Vì thế Người được tán dương là Trinh Nữ rất mực khôn ngoan: Virgo prudentissima.
Người đã thi hành đức khôn ngoan khi nghe lời thiên sứ truyền tin, suy nghĩ và cân nhắc lời chào lạ thường này, và không trả lời ngay, nhưng muốn chín chắn suy nghĩ về sứ mạng khác thường đó; rồi tìm hiểu cách thức Thiên Chúa muốn thực hiện, vì Người đã khấn giữ mình khiết trinh; sau đó Người đã mau lẹ tuân theo ý Thiên Chúa: "Vâng tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói" (Lc 1,38). Về điểm này ông Richardus hiệu thánh Laurentio viết : "Người khôn ngoan đến nỗi khi bối rối thì im lặng; thấu hiểu những điều đã nghe, và hưởng ứng những điều đã được đề nghị".
b) Về đức công bình. Ðức Trinh Nữ đã đặc biệt giữ công bình đối với tha nhân nói chung, khi hướng cả cuộc đời mình về điều thiện vĩ đại nhất của toàn thể nhân loại sa ngã, đặc biệt là để cứu độ dân tộc của mình bằng cách tuân phục mọi giới răn của luật Mose; nói riêng là tránh không gây hại cho ai, lại cố gắng làm ơn cho mọi người.
Người ân cần giữ công bình đối với Thiên Chúa qua đức thờ phượng, mau lẹ phục vụ Thiên Chúa bằng cách nhìn nhận sự cao cả tuyệt đối của Thiên Chúa và sự hoàn toàn lệ thuộc của mình, như thấy trong bài ca "Ngợi khen"; trong những cách săn sóc và phục vụ Con của mình là Chúa Giêsu, suốt cuộc đời ký thế của Chúa.
Người cũng thực hành lòng thương xót lạ lùng với tha nhân, khi tha thứ cho những kẻ xúc phạm đến Con yêu dấu của Người, cũng như lòng thương xót đối với các tội nhân. Vì thế được gọi là Mẹ đầy lòng xót thương: Mater misericordiae.
c) Về đức can đảm. Ðức Maria đã tỏ rõ đức can đảm phi thường khi cam chịu những vất vả của đời sống, nhất là khi can đảm đứng nhìn Con mình chịu chết nhục nhã trên thánh giá, và can đảm hiến dâng chính mình cùng với hiến lễ mà Con mình dâng lên Chúa Cha trên núi Sọ. Vì thế Người được tôn vinh là Nữ Vương các thánh Tử đạo: Regina Martyrum.
Cùng với đức can đảm, Ðức Trinh Nữ Maria cũng thực thi hành đức đại đảm, đức nhẫn nại, đức kiên trì.
d) Về đức tiết chế. Ðược thưởng thức niềm vui thiêng liêng, Ðức Trinh Nữ đã coi khinh những khoái lạc trần tục. Người đã sống chừng mực, khắc khổ, coi trọng vẻ đẹp tinh thần và thiêng liêng hơn những cái loè loẹt phù du có hại cho tâm hồn.
1) Người đặc biệt thực hành đức khiêm nhường: dù đượïc chọn Mẹ Thiên Chúa vẫn coi mình là nữ tỳ của Chúa. Vì thế thánh Bernardino de Siena viết: "Cũng như sau Con Thiên Chúa không vật thụ tạo nào đã có địa cao trọng về ân sủng như Ðức Maria, thì cũng không có thụ tạo nào đi sâu vào đức khiêm nhường như Người".
2) Ðức Maria cũng rất đoan trang nết na trong lời ăn tiếng nói, trong cách đi đứng, trông nhìn và trong mọi cử chỉ.
XIV. Ðề luận XXIII. Ðức Maria cũng đã nhờ các hồng ơn của Chúa Thánh Thần thăng tiến mau lẹ trong việc thực thi các nhân đức.
XV. Chứng minh. 1. Tổng quát. Các hồng ân của Chúa Thánh Thần là những thể thức siêu nhiên chuẩn bị để con người sẵn sàng tuân theo những soi sáng, hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Vậy Ðức Trinh Nữ Maria, đã được những hồng ân của Chúa Thánh Linh cách dồi dào phi thường cùng với ân sủng sung mãn, chẳng những vì đã thụ thai Con Thiên Chúa do quyền năng Chúa Thánh Thần, lại còn vì đã cùng với các Tông đồ chịu lấy Chúa Thánh Thần, khi Người được cử đến cách hữu hình trong ngày lễ Ngũ tuần.
Cho nên Ðức Trinh Nữ cũng đã nhờ các hồng ân của Chúa Thánh Thần…
2. Cụ thể: 1) Cách riêng Người được ơn minh trí (donum intellectus) giúp Người sống quen thuộc với những thực tại siêu nhiên, để thấu hiểu những mầu nhiệm đức tin, tính cách khả tín cũng như ý nghĩa sâu sắc và sự xứng tiện của những mầu nhiệm ấy. Không phàm nhân thuần tuý nào có kinh nghiệm bản thân về một số mầu nhiệm then chốt như Ðức Trinh Nữ Maria.
2) Nhờ ơn thông tuệ (donum sapientiae), Người đuợc Chúa Thánh Thần soi sáng để nhận biết và phán đoán một cách thấm thía những điều thuộc về Thiên Chúa và những vấn đề nhân loại theo những lý lẽ thần linh. Lại có ơn này cách trác tuyệt và thường xuyên, vì khi cưu mang Con Thiên Chúa Người đã trở nên Toà Ðấng Thượng trí, lại luôn luôn được ngắm nhìn dung nhan, cũng như nghe những lời nói chân thật của Con Thiên Chúa làm người.
3) Nhờ ơn tri thức (donum scientiae) Người được Chúa Thánh thần soi sáng để phán đoán về những việc trần thế theo những nguyên lý đức tin và do kinh nghiệm bản thân, và sử dụng những điều ấy cách chừng mục, khi chúng dẫn đưa Người đến Thiên Chúa và ơn cứu độ.
4) Nhờ ơn khuyến dụ (donum consilii), Người được Chúa Thánh Thần soi sáng để phán đoán về những điều cụ thể phải thực hiện để được sống đời đời; nhất là trong những hoàn cảnh gay go, đột ngột vượt quá tầm mức của lý trí tự nhiên.
5) Nhờ ơn hiếu thảo (donum pietatis) Người được Chúa Thánh Thần hướng dẫn để tận tình yêu mến Thiên Chúa như Cha lân tuất, và tôn trọng tất cả những thực tại thần linh trong tình con thảo, vì người là nữ tử rất yêu dấu của Thiên Chúa.
6) Nhờ ơn dũng mạnh (donum fortitudinis), Người được Chúa Thánh Thần củng cố để đương đầu với mọi gian nguy gay go và trầm trọng, mà sức loài người không kham nổi. Chính vì thế mà Người đã là vị tuẫn giaó trong tâm hồn.
7) Sau hết nhờ ơn kính uý Thiên Chúa (donum timo-ris Domini), Người được Chúa Thánh Thần hướng dẫn để giữ lòng con thảo tôn kính Thiên Chúa là Ðấng cao tôn vĩ đại, ấy là khiêm nhường nhìn nhận sự hư vô của mình trước sự cao sang tuyệt vời và quyền năng vô hạn của Thiên Chúa, để tránh lánh mọi hơi hám của tội lỗi xúc phạm đến Người.
XVI. Ðề luận XXIV. A. Suốt cuộc đời dương thế của mình, Ðức Maria có thể lập công để tăng thêm ân sủng; B. và tăng thêm bằng tất cả và bằng từng hành hành vi nhân tính của mình.
XVII. Chứng minh. Phần A. (Suốt cuộc đời dương thế của mình, Ðức Maria có thể lập công để…)
1. CÐC Trident. đã buộc phải tin rằng: "do những việc lành, mà người công chính thực hiêïn nhờ ân sủng của Thiên Chúa và công phúc của Chúa Giêsu, đương sự có thể lập công để tăng ân sủng, để được trường sinh và (nếu chết trong ân sủng) đạt được chính phúc trường sinh, cùng tăng thêm vinh quang".
Vậy Ðức Maria đã có ân sủng sung mãn tương đối, và Người đã là khách lữ hành trong suốt cuộc đời dương thế.
Cho nên do việc lành thực hiện trong ân sủng, Ðức Maria có thể lập công để tăng thêm ân sủng.
2. Tự mình chiếm hữu điều gì thì hơn là nhờ người khác, vì vật mà ta chiếm hữu do công trạng riêng thì theo khía cạnh nào đó là vật sở hữu của ta. Cho nên, nếu do công phúc riêng mà Ðức Maria được thêm ân sủng thì theo khía cạnh nào đó vẫn hơn là nhận lãnh suông mà không công tác chi hết. Cho nên hẳn Ðức Maria đã lập công phúc để ngày ngày càng tăng thêm ân sủng, và Người quả là như "ánh bình minh, rực rỡ thêm cho đến chính ngọ" (Cn 4,18).
Phần B. (và tăng thêm bằng tất cả và bằng từng hành vi nhân tính của mình)
1. Thánh Phaolô viết: "Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha" (Cl 3,17). Nếu lời khuyến dụ của thánh Phaolô đã hướng về mọi tín hữu như thế, thì hẳn là đã được triệt để thể hiện nơi Ðức Trinh Nữ Maria. Cho nên chắc chắn là Ðức Trinh Nữ đã tăng trưởng trong ân sủng bằng mọi và bằng từng hành vi của mình.
2. Thánh Alberto nói, ở đâu lý trí không thể sai lầm khi biện phân, và ở đâu ý muốn không thể lựa chọn điều ác thì luôn luôn lựa chọn điều tuyệt hảo. Nhưng hai hoàn bị ấy lại hội tụ nơi Ðức Maria. Cho nên Người đã lập công bằng mọi việc và bằng từng việc lành của mình.
3. Những điều kiện để lập công là: hành vi nhân tính, đoan chính về mọi phương diện, siêu nhiên và làm để phục vụ Thiên Chúa. Vậy hiển nhiên là mọi hành vi và mỗi một hành vi của Ðức Trinh Nữ đều hội đủ những điều kiện đó. Cho nên Người có thể tăng thêm ân sủng bằng mọi hành vi và bằng từng hành vi nhân tính của Người.
XVIII. Hệ luận. Ðức Maria được ân sủng sung mãn tương đối hiệu nghiệm, và các nhân đức, để thi hành mọi công việc mang lại kết quả, nhờ đó Người đã cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa hơn ai hết.
Cố nhiên, Ðức Maria không liên lỉ hoạt động trong mọi giây phút đời sống; đây là đăïc ân của Chúa Giêsu là Ðấng luôn luôn chiêm ngưỡng Chúa Cha và đàng khác lại có thể dùng kiến thức phú bẩm và thực thi nhân đức trong mọi giây phút. Nhưng mọi hành vi nhân linh của Ðức Maria, nghĩa là tất cả những hành vi có ý thức và tự do của Người đều là những hành vi siêu nhiên, được thực hiện một cách rất hoàn bị, không mảy may khuyết điểm; lại chính Ðức Trinh Nữ Maria luôn luôn sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và dưới ảnh hưởng của những ơn khởi động; không khi nào Người chống cưỡng, trái lại luôn luôn hưởng ứng nhưng ơn thánh ấy.
Chương II
Sự hoàn thiện về thân thể
của Thân Mẫu Thiên Chúa
Lời nói đầu. Thân thể thì vì linh hồn; mà linh hồn của Ðức Trinh Nữ đã được trang bị bằng những đặc sủng xứng với Thiên Chúa Thánh Mẫu, đầy ân sủng xứng với Nữ vương trời đất, thì hẳn thân thể của Người cũng được Thiên Chúa an bài cùng thiết kế một cách đặc biệt. Trí khôn Ðức Trinh Nữ đã được giữ gìn khỏi dốt nát và sai lầm, lại được soi sáng bằng kiến thức sâu rộng lạ thường; lòng muốn của Người lại đầy ắp lửa mến Chúa, sạch lâng mọi tội lỗi và mọi dục tình, đến độ cứ thường tình không thể phạm tội. Vì thế, nếu thân thể là cơ quan phải phục vụ linh hồn mà được nhào nặn cách hoàn bị để phản chiếu sự hoàn thiện của linh hồn thì quả là điều thích hợp.
1. Theo triết học, thân thể phải tương ứng với linh hồn: vì linh hồn không thể tự nhiên sinh hoạt mà không có sự phục vụ và cộng tác của các cơ quan thể xác. Vậy linh hồn của Ðức Trinh Nữ thì hoàn hảo tuyệt vời, được trang bị bằng những đức tính ngoại nhiên và siêu nhiên. Cho nên thân thể của Ðức Trinh Nữ hẳn cũng được thiết kế hay nhào nặn một cách rất hoàn bị, để cung ứng cho linh hồn sự trợ giúp và phục vụ cần thiết.
2. Vả lại Ðức Maria là Evà thứ hai, ít nhất cũng phải có thân thể hoàn bị như bà tổ Eva. Mà Thiên Chúa đã dựng nên bà Evà với thân thể vẹn toàn. Thành thử chúng ta có lý để tin rằng, Thiên Chúa cũng can thiệp để thân thể của Ðức Trinh Nữ được nhào nặn cách hoàn bị.
3. Ðức Trinh Nữ được tiền định làm Thân Mẫu Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể. Mà theo định luật di truyền, con cái chẳng những kế thừa những đặc tính vật lý và tình trạng thể lý của cha mẹ, lại cả những đức tính tri thức và luân lý của tâm hồn. Vậy thân thể của Chúa Giêsu được nhào nặn bằng huyết nhục của Ðức Trinh Nữ. Cho nên thân thể của Ðức Maria có được nhào nặn cách hoàn bị thì âu cũng là điều rất xứng hợp.
Nhưng thân thể hoàn bị Ðức Trinh Nữ có mãi mãi vẹn toàn chăng? nghĩa là chẳng những vẹn toàn trong khi sống ở dương thế, mà còn vẹn toàn cả khi kết thúc cuộc đời trần thế chăng? Bởi vậy chúng tôi sẽ tìm hiểu sự hoàn bị của thân thể Ðức Trinh Nữ trong cuộc sống hiện tại và trong vinh quang trên trời. Vì thế đoạn này sẽ gồm hai tiết:
Tiết I. Sự hoàn bị của thân thể Ðức Maria trong cuộc sống trên dương thế.
Tiết II. Sự hoàn bị của thân thể Ðức Trinh Nữ Maria trong cuộc sống đời sau.

Tiết I
Sự hoàn bị của thân thể Ðức Maria
trong cuộc sống trên dương thế
Lời nói đầu. Khi bàn về sự hoàn bị của thân thể trong đời sống dương thế chúng tôi có ý hiểu về sự trinh khiết vẹn toàn. Và sự trinh khiết này gồm:
1o Sự trinh khiết thể lý của thân thể, hay là sự vẹn toàn của nhục thể, nghĩa là không mất ngấn đồng trinh và không cảm thấy khoái cảm nhục dục.
2o Sự trinh khiết cốt yếu của linh hồn, tức là ý chí cương quyết xa lánh những chi tương phản với sự trinh khiết vẹn toàn.
3o Sự trinh khiết toàn diện của giác quan, hay là sự sạch lâng hồng trần.
Nhưng vì hai thứ trinh khiết cốt yếu của linh hồn và của giác quan đã được bàn giải khá đầy đủ, nên chỉ còn phải tìm hiểu sự trinh khiết vẹn toàn của thân thể theo ba giai đoạn: a) Trước khi sinh Con, nghĩa là trong chính lúc thụ thai Ðức Giêsu Kitô. b) Trong khi sinh Con, ấy là sinh Chúa Giêsu mà ngấn đồng trinh vẫn nguyên vẹn, không bị sây sứt; nhiên hậu cũng không phải đau đớn. c) Sau khi sinh Con, nghĩa là sau khi sinh Chúa Giêsu Người vẫn xa lánh, không chung chạ chăn gối với nam nhân; ngoài ra Người cũng không mất ngấn đồng trinh vì lý do ngẫu nhiên. Vì thế chương này gồm ba mục:
Mục I. Ðức Maria vẫn trinh khiết trong khi thụ thai.
Mục II. Ðức Maria vẫn trinh khiết trong khi sinh Con.
Mục III. Ðức Maria vẫn trinh khiết sau khi sinh Con.
Mục I
Ðức Maria vẫn trinh khiết
trong khi thụ thai
I. Những lạc thuyết. Ðặc ân trinh khiết của Ðức Maria trước khi sinh con, nghĩa là trong khi thụ thai Chúa Giêsu đã bị phủ nhận:
Bởi những người Do thái thời Chúa Giêsu và thời các Tông đồ: họ cho rằng Chúa Giêsu đã được sinh ra bởi cha mẹ, và là con thật của ông Giuse; thậm chí cả những người cho Ðức Giêsu là Ðấng Messias cũng chủ trương điều đó như thánh Justino kể lại. Hoặc cho Ðức Kitô là con của cô Maria và của một binh sĩ Roma tên là Panther, đó là điều Celsus đã dùng để chế nhạo những Kitô hữu, như Origenes cho biết.
Bởi nhóm Ebionitae thuộc những thế kỷ đầu, như Carpocrates, Cerinthus, họ quả quyết rằng Ðức Kitô được sinh ra bởi bà Maria và ông Giuse theo luật tự nhiên; và ông Giuse là cha thật Ðức Kitô.
Vào thế kỷ 15 nhóm Anabaptistae, nhất là L. Stenberg đã làm sống lại lạc thuyết ban sơ kia.
Vào thế kỷ 20, những người Duy lý như Venturini, Paulus, Strauss, Renan, Hanarck, và một số người theo thuyết Duy Tân như Pseudo-Herzog (Turmel), chủ trương rằng đạo lý công giáo về sự trinh khiết và thánh thiện của Ðức Maria là chuyện thần thoại, hư cấu theo chuyện biến ngôn ngoại giáo, hoặc là do sự xuyên tạc của bản Tin Mừng hy lạp đầu tiên.
II. Ðề luận XXV. Việc Ðức Maria được trinh khiết trong lúc thụ thai, hay trước khi sinh Con là tín điều đức tin.
III. Chứng minh. A. Thánh Kinh. 1. Cựu Ước, Các nhà nghiên cứu Thần học Thánh Kinh ghi nhận rằng, trong những trang Cựu Ước nói về Ðấng Messia tương lai, không bao giờ nhắc đến thân phụ phàm nhân của Người, mà chỉ đề cập đến thân mẫu. Chẳng hạn, Tiền Tin Mừng (St 3,15) gọi Ðấng Messia là "dòng giống người ấy [đàn bà : semen mulieris]"; trong Isaia thấy chép: "Ðức Chúa đã nhớ đến tôi khi tôi còn trong lòng meï" (49,1), "Người là Ðấng nhào nặn ra tôi, từ khi tôi còn trong lòng me,ï để tôi trở thành người tôi trung" (ibi. 5); ngôn sứ Jeremia thì nói: "Ðức Chúa tạo ra điều mới lạ trên mặt đất : đó là đàn bà bao quanh đàn ông" (31,22); trong Michea lại thấy nhắc đến thời kỳ "một phụ nữ sinh con" (5,2); còn trong Thánh vịnh lại có câu: "Ðưa con ra khỏi thai bào, vòng tay mẹ ẵm Chúa trao an toàn" (21,10).
a) Sự kiện đó có thể giải thích về việc Ðức Maria vẫn trinh khiết khi thụ thai Ðấng Messias. Và những trích văn Cựu Ước được trở nên sáng sủa bởi lời tiên báo của ngôn sứ Isaia (7,14) về sự giải phóng dân Do thái khỏi quân thù, đang lăm le tiêu diệt họ. Sự giải phóng và cứu rỗi mọi người phát sinh từ dòng tộc Ðavít. "Một lần nữa Ðức Chúa phán với vua Achaz rằng: Ngươi cứ xin Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu, dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh". Vua Achaz trả lời: "Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Ðức Chúa". Ông Isaia bèn nói: "Nghe đây hỡi nhà Ðavít ! Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn dám làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa? Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi mộït dấu: Này đây trinh nữ thụ thai và sinh hạ [bản hebreo: này thiếu nữ [hm;l]['h;] cưu mang và sinh hạ] con trai, và gọi tên Người là Emmanuel" (Is 7,7-14).
b) Theo thánh Matthêu, Emmanuel là chính Ðức Giêsu (1,22-23). Vậy Mẹ Người là Ðức Maria. Trong sứ ngôn, Mẹ Ðấng Emmanuel được gọi là trinh nữ, với mạo từ xác định [ha almah được bản LXX dịch là º parqXnoV]; người mẹ này đã thụ thai cách lạ lùng, ấy là vẫn còn trinh khiết. Ðây là dấu lạ lùng Thiên Chúa ban, là thị kiến lạ thường mà vị ngôn sứ thấy trước mắt. Messias là Ðấng mọi người hy vọng sẽ mang lại ơn cứu độ; là Ðấng mọi người phải tin, là Ðấng thể hiện lời hứa trung tín của Thiên Chúa: Emmanuel [Thiên Chúa ở cùng chúng ta] đã được sinh ra bởi một trinh nữ. "Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta...danh hiệu của Người là Cố vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ lãnh hoà bình. Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của Ðavít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời" (Is 9,5-6). Người ta đã tranh luận nhiều về lời tiên báo này. Nhưng những điều dưới đây thì có phần chắc chắn:
1) Emmanuel không phải là con của chính vua Achaz, ấy là Ezechia, hay là của vợ chồng Isaia, hoặc của bất cứ người phụ nữ nào vào thời ấy; vì những điều ngôn sứ Isaia nói ở (8,8; 9,5-6).
1o Vì tất cả những phụ nữ trên đây không thể gọi là ha almah : theo thông dụng hạn từ ấy chỉ thiếu nữ chưa có chồng (adulescentem innuptam), và phải kể là trinh nữ, đừng kể khi chứng minh ngược lại. Thánh Hierony-mus viết: "Theo ký ức của tôi, tôi chưa hề đọc thấy ha almah là phụ nữ có chồng, trái lại là trinh nữ, lại không những là trinh nữ mà còn là trinh nữ trẻ măng và trong thời niên thiếu. Vì bà già có thể là khiết trinh; nhưng trinh nữ này hẳn là ở tuổi thiếu niên; hay chắc chắn là trinh nữ, không phải nữ nhi chưa thể biết đến người đàn ông, mà là trinh nữ đã đến tuổi cập kê".
2o Dù từ Emmanuel nguyên nó không nhất thiết biểu thị Ðấng Messia, nhưng vì việc Người sinh ra được loan báo một cách trịnh trọng thì tỏ ra đây là Ðấng Messia; nhất là vì thánh Matthaeus đã chính thức giải thích như thế.
2) Mẹ Ðấng Emmanuel là trinh nữ :
1o Vì hạn từ ha almah có nghĩa như thế.
2o Vì nói là cưu mang mà không có sự can dự của người đàn ông.
3o Vì được Thiên Chúa ban cách trịnh trọng như điềm lạ, mà nếu ha almah chỉ là phụ nữ thụ thai và cưu mang Emmanuel theo thói thường, thì đâu có phải là điềm lạ.
4o Bản LXX đã hiểu như thế; và hiện nay tác giả được linh hứng cũng hiểu như vậy, khi áp dụng hạn từ ấy cho Ðức Maria, Mẹ Ðức Kitô, Ðấng đã thụ thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.
2. Tân Ước. Trong Tân Ước việc Ðức Maria thụ thai mà vẫn trinh khiết được thánh Lucas và Matthaeus kể lại.
Thánh Lucas (1,26…) kể lại rằng: "Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến …gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người, tên là Giuse, thuộc nhà Ðavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà". Nghe lời ấy bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào ấy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: "Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao… Bà Maria thưa với sứ thần rằng: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc chồng con?". Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế Ðấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa" (1,35).
Như vậy, việc thụ thai của Ðức Maria đã xảy ra mà tuyệt nhiên không có sự can dự của nam nhân. Ðức Maria không biết đến người chồng; mẫu nghi của Người thì lạ lùng mọi đàng. Lạ lùng không phải vì là lối sinh sản đơn tính tự nhiên; cũng không phải là sự sinh sản lạ thường của những người son sẻ, hiếm muộn, như Ðức Gioan Phaolô II đã xác định, mà là công trình của Thiên Chúa toàn năng, làm cho Ðức Maria trở thành "người mẹ trinh khiết". Ðó là điều ở trong tầm tay của Thiên Chúa, không hoài nghi, và khi ngỡ ngàng về lời thiên sứ chào mình, thì Ðức Maria đã biết rõ điều đó. Lời Người thỉnh vấn thiên sứ không giống như lời thỉnh vấn của ông Zacharia (Lc 1,18), "vì, theo th. Ambrosius, ông này [Zacharia] nói mình không biết tức là nói mình không tin; còn bà nọ [Maria] tuyên bố mình thực hiện, và khi hỏi cho biết vụ việc sẽ xảy ra cách nào, thì không phân vân về điều phải làm". Thiên thần liền đưa ra tang chứng là như thế như thế, và Thiên Chúa sẽ thực hiện điều này ngay, vì Người đã chuẩn bị cho Ðấng Emmanuel một vị Tiền hô qua việc bà Elizabeth thụ thai cách lạ lùng, dù không phải là thụ thai mà còn trinh. Vì thế, những lời sứ thần nói sau đó không phải để cất sự bán tín bán nghi, nhưng đúng ra là để làm cho Ðức Maria hết ngỡ ngàng. Ðiều đó đã được thể hiện, và khi đủ ngày đủ tháng, Ðức Maria đã sinh Con đầu lòng" (Lc 2,7). Và Ðức Giêsu không phải là Con ông Giuse, như thiên hạ vẫn tưởng (Lc 3,23).
Thánh Matthaeus (1,18…) theo đường lối khác, nhưng cũng trình bày việc trinh thai của Ðức Maria một cách hiệu nghiệm không kém. Thánh nhân liệt kê Gia phả của Chúa Giêsu, và khi đến thánh Giuse thì thánh sử chép một cách cẩn trọng rằng: "ông Giacóp sinh ông Giuse, chồng bà Maria, do bà Ðức Kitô được sinh ra" (1,16). Sau đó thánh sử xác định ngay: "Ðây là gốc tích (generatio) của Chúa Giêsu Kitô : bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: Này ông Giuse, là con cháu Ðavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ". Vậy thánh Giuse ý thức sự trinh bạch của Maria và ngạc nhiên về chuyện xảy ra, đã kín đáo che giấu mầu nhiệm, mà mình không biết; nhưng được sứ thần soi sáng về mầu nhiệm, sẽ được thể hiện do sự cưu mang của Ðức Maria: ấy là người con trai bà sẽ sinh ra, là do Chúa Thánh Thần; nên thánh nhân chấp nhận thi hành quyền làm dưỡng phụ của người con, để đưa Người vào thế gian cho hợp pháp. Tất cả sự việc này xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: "Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta". Như thế lời ngôn sứ Isaia đã có ý nghĩa đầy đủ và được ứng nghiệm trong việc tượng thai của Chúa Giêsu, Ðấng được Ðức Trinh Nữ sinh ra và đuợc gọi là Emmanuel; vì theo tư cách là Thiên Chúa, Người luôn ở với loài người, nhưng chưa bao giờ ở một cách minh bạch đến thế, như thánh Chrysostomus nói.
B. Ðạo lý của Giáo Hội. Sách GLGHCG khẳng định: "Ngay từ những công thức đức tin đầu tiên, Hội Thánh tuyên xưng Ðức Giêsu đã tượng thai trong cung lòng Trinh Nữ Maria chỉ do quyền năng Chúa Thánh Thần, và cũng như vậy, khẳng định khía cạnh thể lý của biến cố này : Ðức Giêsu được tượng thai "bởi Chúa Thánh Thần không cần mầm giống nam nhân" (số 496). Thực vậy, ngay từ thời sơ khai Giáo Hội đã dạy một cách liên lỉ, thích hợp và nhất quán về tín điều Ðức Maria đã thụ thai Chúa Giêsu, mà vẫn còn trinh khiết vẹn tuyền:
1. Kinh Tin Kính [KTK] của các Tông đồ: "tôi tin kính Ðức Giêsu Kitô, Con một Thiên Chúa, Chúa chúng tôi, sinh bởi Chúa Thánh Thần và bởi Ðức Maria khiết trinh" (DS 12).
2. Các KTK khác cũng tuyên xưng như vậy: Chẳng hạn như KTK của CÐC Niceno-Constant.; nghị quyết của CÐC Epheso; KTK của CÐC Chalcedonia (n.451); nghị quyết của CÐC Const. II (n. 553); của CÐ II thành Praga (n. 561); của CÐC Lateran. (n. 649); của CÐ Toledo (n. 675); của CÐC Const. (n.680); của CÐC Firenze (n.1441) v.v.
3. Các văn thư của Ðức thánh Cha Felix gửi Ðức Giám Mục thành Alexandria (năm 270); của thánh Leo Cả gửi Ðức Cha Flaviano (n. 449), của Ðức Gioan II gửi các Thượng nghị sĩ Const. (n. 534). Vào ngày 7.8.1555, với Tông hiến "Cum quorumdam hominum", chính Ðức Phaolô IV đã luận phi nhóm F. Socino, vì họ cho rằng Ðức Giêsu đã được sinh ra như mọi người do thân phụ, là ông Giuse, chứ không do quyền năng của Chúa Thánh Thần.
4. Về diểm này sách GLGHCG viết: "Ðức tin vào việc Mẹ Maria thụ thai Chúa Giêsu mà còn đồng trinh, đã bị những kẻ không tin, bị người Do thái và lương dân chống đối mãnh liệt, bị chế diễu, bị xuyên tạc: đức tin đó không do huyền thoại lương dân, hay mô phỏng các ý tưởng đương thời tạo ra. Ý nghĩa của biến cố này chỉ có thể hiểu được nhờ đức tin, khi đức tin nhìn nhận sự kiện "trong mối dây liên kết các mầu nhiệm với nhau (DS 3016), trong toàn bộ mầu nhiệm Ðức Kitô, từ Nhập thể đến Vượt qua" (số 489).
C. Các thánh Giáo phụ. Thánh Justinus khi tranh luận với Ngươi Do thái đã lấy việc trinh nữ thụ thai như dấu lạ Thiên Chúa ban cho vua Achaz, và cho niềm tin này là chân lý nền tảng của Kitô giáo. Thánh Justino đã xác định những điều sau đây về Chúa Giêsu: "Người đã thực sự được một trinh nữ sinh ra. Người đã thực sự chịu đóng đinh thân xác vì chúng ta, thời Pontio Pilato. Người đã thực sự chịu khổ hình cũng như đã thực sự Phục sinh; thánh Irenaeus thì cho đây là một trong những chân lý hàm chứa trong qui luật đức tin mà mọi người phải tin; thánh Hypolitus thì cho đây là chân lý tông truyền.
Lẽ Thần học. 1. Sự trinh khiết của Ðức Maria khi thụ thai thì xứng hợp để bảo vệ địa vị của Chúa Cha, là Ðấng đã cử Ðức Kitô đến thế gian. Ðức Giêsu Kitô là Con thật Thiên Chúa, nên phụ hệ chuyên biệt của Chúa Cha cần được bảo vệ, chứ không thể chuyển nhượng cho nam nhân nào hết.
2. Sự trinh khiết của Ðức Maria khi thụ thai cũng xứng hợp với đặc tính của Ngôi Lời Thiên Chúa. Lời [tâm từ] được quan niệm mà không làm cho trí tuệ phải mảy may thương tổn; trái lại sự tổn thương của trí tuệ sẽ cản trở việc quan niệm lời [tâm từø] cho hoàn bị. Vậy vì nhục thể đã được Ngôi Lời mặc lấy để trở thành nhục thể của Lời Thiên Chúa, cho nên nếu nhục thể của Ngôi Lời ấy được thụ thai mà thân thể của Mẹ vẫn vẹn toàn không bị tổn thương thì là điều rất xứng hợp.
3. Xứng hợp với phẩm vị của Nhân loại tính nơi Chúa Giêsu. Bản tính nhân loại của Chúa Giêsu phải vô nhiễm, phải sạch lâng tội khiên, vì Người đến để xoá tội trần gian, theo lời thánh Gioan: "Ðây là Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá bỏ tội trần gian" (1,26). Nhưng từ một bản tính, đã bị ô nhiễm tội lỗi do quan hệ xác thịt, không thể sinh ra một con người có thân thể mà không mắc tội tổ truyền.
Xứng hợp với mục đích của việc Con Thiên Chúa nhập thể, ấy là để phàm nhân được tái sinh làm con Thiên Chúa, "không do ý muốn của nhục thể, hoặc do ý muốn của người đàn ông", mà do ý muốn của Thiên Chúa, nghĩa là do chính quyền năng của Thiên Chúa. Vì thế thánh Augustin nói: "Ðầu của chúng ta được sinh ra cách lạ lùng bởi một phụ nữ trinh khiết về thể xác, thì xứng hợp để những chi thể được sinh ra bởi Giáo Hội trinh khiết về tinh thần". Ðó là những lẽ xứng tiện thánh Thomas đã viện dẫn.
IV. Hệ luận. 1. Việc Ðức Kitô được sinh ra bởi Ðức Trinh nữ đã đính hôn cũng là điều xứng tiện:
Về phía Chúa Giêsu : 1o Kẻo bị những người ngoại giáo coi là con ngoại hôn. Vì thế thánh Ambrosio viết: "Làm sao có thể trách những người Do thái, làm sao có thể trách vua Herodes, nếu họ được coi như những người bách hại đứa con ngoại tình? (in Lc 1)
2o Ðể gia phả của Chúa Giêsu được ghi theo họ nội, như lề thói các dân tộc, tính họ theo nam giới.
3o Ðể bảo vệ hài nhi mới sinh, và ma quỉ không nỗ lực gây hại cho Người cách hung hãn hơn.
4o Ðể thánh Giuse dưỡng nuôi Ðức Giêsu, vì thế được gọi là cha nuôi.
b) Về phía Ðức Trinh Nữ: 1o Ðể Người khỏi bị kết tội, nghĩa là để những người Do thái khỏi ném đá Người như kẻ ngoại tình.
2o Ðể Ðức Trinh Nữ khỏi bị ô danh, bởi đã có chồng nên không ai có thể nói là Người bị cưỡng hiếp.
3o Ðể thánh Giuse trợ giúp Người, như thánh Hieronymus đã giải thích (in Mt 1).
c) Cũng là điều xứng hợp về phía chúng ta. 1o Vì nhờ chứng tá của thánh Giuse chúng ta biết được Chúa Kitô Giêsu sinh bởi Ðức Trinh Nữ.
2o Như thế khi Ðức Maria xưng mình là người trinh khiết thì chúng ta dễ tin hơn.
3o Ðể những trinh nữ không biết giữ mình tự nhận ra con đường lầm lỡ, chứ không qui trách cho ai khác.
4o Ðể với cách này biểu thị Giáo hội phổ thế, dù trinh bạch cũng luôn là hiền thê của một người chồng duy nhất là Chúa Kitô, như thánh Augustin nói.
Cha H. Merbelbach đã phi bác nhiều ý kiến sai lạc.
2. Việc Ðức Maria thụ thai Chúa Giêsu mà còn trinh khiết trọn vẹn là một phép lạ, vì là công việc Thiên Chúa thực hiện, vượt trên mọi năng lực thụ tạo. Với quyền lực vô hạn, Thiên Chúa có thể thực hiện theo năng lực và một cách trác tuyệt (virtualiter et eminenter) tất cả những chi căn nguyên đệ nhị có thể làm. Ðây là điều lý trí có thể lý hội.

Mục II

Ðức Maria vẫn trinh khiết
trong khi sinh Con
Lời nói đầu. Ðức tin dạy rằng, Ðức Maria chẳng những trinh khiết vẹn tuyền trong khi thụ thai, lại còn trinh khiết vẹn tuyền trong khi sinh Chúa Giêsu, nghĩa là khi sinh Con cửa lòng của Ðức Maria vẫn như khu vườn cấm, vẫn là giếng nước niêm phong", vẫn không mất ngấn đồng trinh. Vì thế, khi sinh Con Người không phải quặn đau như bao nhiêu bà mẹ khác.
I. Lạc thuyết. Ðặc ân trinh khiết vẹn tuyền khi sinh nở này, chẳng những đã bị những người chối sự khiết trinh của Ðức Maria lúc thụ thai phủ nhận, lại còn bị phủ nhận bởi những người sau đây:
1o Ông Tertuliano cho rằng, chối sự trinh khiết của Ðức Maria khi sinh con, thì dễ làm cho nhóm Ảo nhân công nhận thân thể thật của Chúa Giêsu hơn; có lẽ ông Origenes lúc còn trẻ, khoảng năm 233, cũng chối sự trinh khiết của Ðức Maria trong khi sinh Con.
2o Jovinianus vào thế kỷ thứ bốn, vì ông tưởng rằng, đức trinh khiết không trọng hơn hôn nhân. Ông đã bị các thánh Hieronymus, Ambrosius phi bác, cùng bị Ð.G.H. Siriacus luận phi (n. 390). Vào thế kỷ thứ 7 những đồ đệ của Joviniani tại Tây ban Nha cũng bị CÐ Toledo luận phi.
3o Vào thế kỷ 16 một số anh em Tin Lành, như F. So-cianus, Bucerus, Petrus Martyr, Molineus, Beza, Bullinger v.v. đã làm sống lại lạc thuyết ấy.
4o Vào thời chúng ta có nhóm Duy lý và Duy tân.
II. Ðề luận. XXVI. Ðức Maria vẫn trinh khiết khi sinh nở, nghĩa là sinh Chúa Con mà vẫn trinh khiết vẹn toàn. (buộc phải tin)
III. Chứng minh. A. Thánh Kinh. 1. Theo bản văn được chấp nhận cách phổ cập, Ngôn sứ Isaia đã tiên báo rằng, Mẹ của Ðấng Emmanuel là trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con (Is 7,14).
2. Thánh Matthêu đã cho thấy lời sứ ngôn của Isaia về việc Ðấng Messias ra chào đời đã ứng nghiệm: "Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai…"(1,23)
3. Thánh Luca, một bác sĩ, đã tường thuật việc sinh nở của Ðức Maria như sau: a) "Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ…" (Lc 2,7). Như thế tỏ rõ khi sinh con đầu lòng, Ðức Maria không phải đau đớn như các bà mẹ thường phải trải qua khi ở cữ, nên không thể tự mình đảm đang nhữâng công việc y tế đầu tiên cho con. Thánh Hieronymus viết: "Ở đó không mụ hộ sinh nào, không có sự ân cần của các phụ nữ; chính mẹ đã lấy tã bọc hài nhi, chính mẹ là nữ hộ sinh".
Khi tường thuật việc dâng con trong Ðền thờ như Luật dạy, thánh Luca cũng chẳng nói gì đến việc thanh tẩy bà mẹ mới ở cữ. Ở đây ta nên lưu ý :
1o Trong trình thuật này thánh Luca nhắc đến Luật Mose ba lần (Lc 2,22.23.24), và cho thấy tính cách pháp lý của việc dâng Chúa Giêsu.
2o Việc buộc phải giữ luật vào đúng thời gian liên hệ đến Ðức Maria như đến Ðức Giêsu và thánh Giuse, chứ không có gì hơn; như thế không nói đến việc thanh tẩy Ðức Maria theo đúng nghĩa như bà mẹ sinh con đầu lòng phải được thanh tẩy.
3o Theo qui tắc luật lệ, những người nghèo phải dâng một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non, một con để làm lễ toàn thiêu, một con để làm lễ tạ tội" (Lv 12,5-8); lại buộc phải dâng con đầu lòng cho Thiên Chúa và lấy tiền mà chuộc lại (Xh 13,2.12…). Thánh Luca lưu ý là cha mẹ Chúa Giêsu đã làm cả hai việc đó; nhưng để cho thấy một lần nữa là Ðức Giêsu, là con đầu lòng, đã được sinh ra bởi Mẹ Ðồng Trinh, thì người đã trích dẫn những lời Thánh Kinh nói về việc dâng con đầu lòng, nhưng chủ ý bỏ những lời nói về sự thanh tẩy bà mẹ mới ở cữ, ấy là những lời: "một con để làm lễ toàn thiêu, một con để làm lễ tạ tội". Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội cho nó, và nó sẽ ra thanh sạch" (Lv 12,8).
B. Ðạo lý của Giáo Hội. Ðạo lý này đã được trích dẫn trên đây, nên ở đây chỉ cần nhắc đến quyết định của CÐ Laterano dưới thời Ðức Martino I (n. 649) buộc phải tin Ðức Maria, Thiên Chúa Thánh Mẫu trọn đời trinh khiết và vô nhiễm. Ðức Phaolo IV, trong Hiến chế Cum quorumdam hominum cũng khẳng định: Trinh nữ rất diễm phúc Maria, Thân Mẫu đích thực của Thiên Chúa, luôn luôn giữ mình trinh khiết, nghĩa là trước khi sinh nở, trong khi sinh nở và luôn mãi sau khi sinh nở. Vì thế Ðức Alex. VIII nói, Người không cần phải được thanh tẩy.
C. Lưu truyền. Chân lý này được các thánh Giáo phụ nhất trí quả quyết khi bảo vệ sự vẹn toàn mọi đàng của Ðức Maria. Thánh Irenaeus: "Ðấng Emmanuel bởi Trinh nữ sinh ra"; "do sự sinh nở của Trinh nữ, nghĩa là của Ðức Maria mà lời Thiên Chúa sau đây được ứng nghiệm : Chính con ruột của ngươi, Ta sẽ đặt lên thừa kế ngai vàng" (Tv 131,11); "Nhờ Thiên Chúa ban mà sự sinh nở bất ngờ của Ðức Trinh Nữ trở thành dấu chỉ đó".
Ông Origenes, vào năm 244 đã tự sửa sai, minh bạch quả quyết là Ðức Maria vẫn trinh khiết khi sinh con, ông nói: "vì không phải là phụ nữ đơn thuần mà là trinh nữ". Thánh Gregorius Naziancenus thì nói, Con Thiên Chúa trở thành con loài người "do trinh nữ Maria sinh ra cách huyền nhiệm, không lọ lem (vì ở đâu có Thiên Chúa, Ðấng đến để cứu độ, thì không có lọ lem), Ðấng hoàn toàn là người, và hoàn toàn là Thiên Chúa". Thánh Ambrosius thì viết: "Cửa này là gì nếu không phải Ðức Maria? Ðược đóng phải chăng vì là trinh nữ? Vậy Ðức Maria là cửa mà Ðức Kito qua để vào thế gian, khi chào đời bằng sự sinh nở trinh khiết, và không mở tung cung lòng". Thánh Augustinus viết: "Không phải mặt trời hữu hình, mà là Ðấng Tạo thành vô hình của mặt trời đã thánh hiến ngày này [Giáng sinh] cho chúng ta, khi làm cho chúng ta nhìn thấy Ðấng vô hình, Ðấng đã tạo thành người mẹ trinh khiết đã sinh ra mình, với lòng dạ cưu mang và tử cung vẹn tuyền. Trinh khiết khi thụ thai, trinh khiết khi sinh nở, trinh khiết khi cưu mang, trinh khiết khi bồng con, trinh khiết trọn đời".
C. Lẽ Thần học. 1. Việc Ðức Maria sinh nở trinh khiết xứng hợp với đặc tính của Chúa Giêsu, là Lời Thiên Chúa. Như tâm từ không làm hư hoại tâm trí chẳng những khi được quan niệm, mà cả khi từ tâm trí phát xuất ra. Vậy để tỏ rõ thân thể ấy thuộc về Ngôi Lời thì việc được sinh ra từ tử cung không hư hoại của trinh nữ là điều xứng hợp.
2. Việc Ðức Maria sinh Con mà còn trinh khiết cũng xứng hợp với công hiệu của mầu nhiệm Nhập thể. Chúa Kitô đến thế gian để sửa chữa sự hư hoại của chúng ta; cho nên khi sinh ra lại làm cho đức trinh khiết của Mẹ mình phải hư hoại thì quả là không xứng hợp.
3. Ðấng truyền phải thảo kính cha mẹ, khi sinh ra mà không làm cho Mẹ mất vinh dự mới xứng hợp.
IV. Hệ luận. 1. Việc Ðức Maria vẫn trinh khiết về thể lý trong khi sinh nở là một phép lạ vĩ đại. Phép lạ này không hệ tại thân thể Chúa Giêsu, khi được sinh ra, đã trở thành siêu vi, cũng như đã trở thành lanh lẹ khi Người đi trên mặt nước. Những đặc ân ấy là do sự sung mãn của linh hồn quang vinh phát huy ra nơi thân thể. Nhưng trước khi chịu nạn, Chúa Giêsu vẫn để thân thể hoạt động và chịu đựng theo những thể thức của nó. Cho nên đây là phép lạ do quyền năng của Thiên Chúa, vì tự nhiên hai vật không thể thấu nhập nhau, hay cùng trụ tại một nơi.
2. Hơn nữa còn là một mầu nhiệm vĩ đại. Là mầu nhiêïm đích thực và theo nghĩa hẹp. Sự thụ thai mà còn khiết trinh là điều chúng ta còn hiểu được, nhưng sinh con mà vẫn khiết trinh là điều ta không thể hiểu, tuy nhiên ta cũng không thể chứng minh đó là điều tuyệt đối không thể có. Vì điều xét theo vật lý hay tự nhiên không thể có, thì không vì thế mà cũng tuyệt đối không thể có, tức là theo siêu hình không thể có. Thánh Thomas viết: "Sở dĩ mỗi vật hiện hữu phân biệt nhau là vì những nguyên lý cốt yếu của mỗi vật, như những căn nguyên gần, nhưng lệ thuộc vào Thiên Chúa như căn nguyên đệ nhất. Mà vì căn nguyên đệ nhất có thể duy trí sự hiện hữu của một vật khi các căn nguyên đệ nhị đã ngưng hoạt động, như mệnh đề thứ nhất của sách Về các Căn nguyên đã chứng minh; cho nên sức mạnh của Thiên Chúa, và chỉ có sức mạnh ấy, có thể làm cho phụ thể tồn tại mà không có chủ thể, như đã thể hiện trong Nhiệm tích Thánh Thể. Cũng vậy, nhờ sức mạnh của Thiên Chúa, và chỉ nhờ sức mạnh ấy, một vật thể có thể hiện hữu tách biệt với vật thể khác, dù chất thể của nó không có vị trí tách biệt với vị trí mà chất thể của vật thể khác chiếm cứ. Như thế nhờ phép lạ hai thân thể khác nhau có thể đồng thời trụ tại một nơi.

Mục III
Ðức Maria vẫn luôn luôn trinh khiết
sau khi sinh Con
Lời nói đầu. Một sự kiện không có chi là bí mật, trái lại là chuyện công khai, ấy là trong nhà bác phó mộc Giuse chỉ có một người con, là Ðức Giêsu. Các Tin Mừng tuyệt nhiên không cho thấy là Ðức Maria còn có những người con khác. Giáo Hội luôn luôn tin rằng, sau khi sinh Con, Ðức Maria vẫn trọn đời khiết trinh. Ðúng thế, sách GLGHCH (số 499) viết: "Khi đào sâu đức tin về Ðức Mẹ đồng trinh, Hội Thánh đi đến chỗ tuyên xưng Ðức Maria thật sự và trọn đời đồng trinh (DS 427), ngay cả khi sinh Con Thiên Chúa làm người. Thật vậy, việc hạ sinh Ðức Kitô ‘không làm suy giảm nhưng thánh hiến sự trinh khiết vẹn toàn của Mẹ’. Phụng vụ của Hội Thánh luôn tôn vinh Mẹ là Ðấng •eipVrqenoV ‘trọn đời đồng trinh’ (LG 52)"
I. Lạc thuyết. Có những người cho rằng, Ðức Maria đã cùng với thánh Giuse sử dụng hôn nhân, và đã có con cái, được gọi là những anh em của Chúa Giêsu. Những người chủ trương như thế là:
1o Tertulianus phủ nhận sự trinh khiết trọn đời của Ðức Maria, cũng như đã phủ nhận sự trinh khiết của Ðức Maria khi sinh nở. Origenes nhắc đến một số nhà chú giải cho rằng ngoài Chúa Giêsu, Ðức Maria còn cùng với thánh Giuse có những con khác nữa.
2o Thế kỷ thứ bốn, có Bonosius, giám mục Sardaigne, Helvidius. Jovinianus là những người lấy hôn nhân làm hơn đức trinh khiết, nên đã chối sự khiết trinh trọn đời của Ðức Maria.
3o Hầu hết các người Tin lành cũng phủ nhận sự trọn đời khiết trinh của Ðức Maria.
II. Ðề luận XXVII. Ðức Maria sau khi sinh Con vẫn trinh khiết trọn đời (buộc phải tin).
III. Chứng minh. A. Thánh Kinh. 1. Thánh Kinh mặc nhiên và gián tiếp khẳng định Ðức Maria, sau khi sinh Chúa Giêsu, vẫn trọn đời sống trinh khiết. Như khi Người thưa với thần sứ: "Tôi không biết đến người chồng", Ðức Maria không những tỏ ra sự kiện thực tế, mà còn giải bày một ý định, một quyết tâm; và ta không thể nói rằng sự quyết tâm của Ðấng "đầy ân sủng"này không vững vàng và kiên định.
Lại theo thánh Luca (2,41), thì hằng năm, chẳng những thánh Giuse, lại cả Ðức Maria cũng trẩy hội Ðền thờ Jerusalem mừng lễ Vượt Qua. Sự kiện này giả định rằng Ðức Maria không bận nuôi con thơ mà phải ở nhà.
2. Trong Tin Mừng, những người được gọi là anh chị em Chúa, thì không thấy chỗ nào xác định là con trai hay con gái Ðức Maria, chỉ có Chúa Giêsu được nêu rõ là con của Ðức Maria Ị uÊỴV t­V Mar\aV với mạo từ chỉ định (Mc 6,3). Ðàng khác những người được coi là anh em của Chúa, thì đã xử trí như những đàn anh đối với Chúa Giêsu (Ga 7,5…; Mc 3,21), vì lo lắng cho Người. Nhưng khi thụ thai Chúa Giêsu thì Ðức Maria là thiếu nữ khiết trinh, như thánh Lucas và Matthaeus ghi nhận. Thánh Lucas còn xác định Chúa Giêsu là con đầu lòng của Ðức Maria (xc. Lc 2,7). Vì thế những anh chị em này không thể anh chị em ruột thịt với Chúa Giêsu.
3. Theo thánh sử Gioan, Chúa Giêsu đã nói với Ðức Maria đang đứng dưới chân thánh giá: "Thưa Bà, đây là con của baø". Rồi Người nói với môn đệ: "Ðây là mẹ của anh" (Ga 19,26-27). Ta không thể hiểu việc trối trăng đó nếu Ðức Maria đã sinh hạ những người con khác.
B. Ðạo lý của Giáo Hội. Ngoài những điều nói trên, chỉ cần nhắc lại hạn từ trọn đời đồng trinh của CÐC Const. II (n.553); CÐ Laterano (n. 649) và những điều đã được trích dẫn (ở tr.129). Còn CÐC Vaticano II thì xác định là: "Ngày sinh nhật, Mẹ Thiên Chúa đã vui mừng giới thiệu với các mục đồng và với các nhà bác học đứa Con đầu lòng của mình, mà khi sinh ra đã không làm giảm bớt nhưng còn thánh hiến sự trinh khiết toàn vẹn của Ngài" (LG 57).
C. Lưu truyền. Trong những thế kỷ đầu, niềm tin vào sự trinh khiết trọn đời của Ðức Maria được mặc nhiên công nhận trong niềm tin vào việc thụ thai và sinh Con mà vẫn trinh khiết. Thánh Epiphanius thì nói: "Một điều không thể hoài nghi, ấy là Ðức Trinh nữ không hề biết đến quan hệ xác thịt". Ðến thế kỷ thứ bốn thì hạn từ trọn đời trinh khiết đã trở thành thông dụng, nhất là nơi thánh Athanasio và ông Didymus mù. Rất nhiều thánh Giáo phụ đã căn cứ vào Thánh Kinh để chứng minh sự trọn đời khiết trinh của Ðức Maria, như thánh Ambrosius, thánh Hieronymus, thánh J. Chrys..
D. Lẽ Thần học. Thánh Thomas viết: "Phải kinh tởm lạc thuyết của Helvidii cả gan nói rằng, Thân Mẫu Chúa Kitô sau khi sinh nở, đã sử dụng hôn nhân mà sinh ra những người con khác. Vì chuyện đó:
Hạ thấp sự hoàn bị của Chúa Kitô. Như Chúa Kitô là Con Duy nhất của Chúa Cha về Thiên Chúa tính, như Con hoàn bị mọi đàng, thì cũng phải là Con Duy nhất của Ðức Maria mới xứng hợp, vì là quả phúc cực kỳ hoàn bị của Ðức Maria.
Lăng nhục Chúa Thánh Thần, vì đền thờ của Người phải là cung lòng khiết trinh, tại đó thân thể Chúa Kitô được nhào nặn. Vậy kể từ đó trở đi không nam nhân nào được xâm phạm mới xứng hợp.
Giảm nhẹ phẩm giá và sự thánh thiện của Thân Mẫu Thiên Chúa, vì Người tỏ ra vô ân, không lấy Chúa Giêsu, người Con cực thánh ấy làm đủ, nếu do quan hệ xác thịt mà tự ý đánh mất đức đồng trinh, là nhân đức đã được bảo tồn cách lạ lùng khi thụ thai và sinh nở.
Như thế cũng sẽ phải qui cho thánh Giuse tội kiêu ngạo tầy đình, nếu người cả dám gây ô nhiễm cho Ðấng đã thụ thai do quyền năng Chúa Thánh Thần, như thiên sứ đã mặc khải cho thánh nhân.
Vì thế phải khẳng định cách đơn thuần rằng, Thân Mẫu Thiên Chúa, như vẫn trinh khiết khi thụ thai và khi sinh Con, thì cũng vẫn trọn đời trinh khiết sau khi sinh Con.
IV. Hệ luận. 1. Ðức Maria chẳng những đã trinh khiết về thân thể, mà còn trinh khiết trong tâm hồn; hơn nữa đã khấn đức khiết tịnh.
Quả thực, Ðức Maria đã thỉnh vấn thần sứ của Chúa rằng: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến người chồng" (Lc 1,34). Trước hết, một phụ nữ đã đính hôn, nếu không khấn đức khiết tịnh bất khả xâm phạm, mà thỉnh vấn như thế thì thật là vô lý không thể hiểu. Vì thế cha Philippe cho rằng: "Lời thỉnh vấn ấy tỏ rõ những ý định thầm kín của tâm hồn Ðức Maria. Trinh nữ "đã dính hôn với Giuse" này, đã hoàn toàn hiến thân cho Thiên Chúa, và thuộc về Thiên Chúa cách chuyên biệt". Bởi đó, không thể giải thích lời thỉnh vấn ấy theo lối những người Duy lý rằng: tôi chưa biết đến người chồng, hoặc tôi sẽ cấp tốc biết đến. Ở đây vì Ðức Maria thỉnh vấn vị thiên sứ loan báo cho Người một mẫu hệ tương lai mà không chỉ định thời gian, nên phải hiểu lời thỉnh vấn của Ðức Maria cách đơn sơ về phương thức làm mẹ, vì tôi đã định tâm và quyết chí không biết đến người chồng.
Lại đức trinh khiết và những việc lành khác, được thực hiện vì lời khấn thì đáng khen hơn là được thực hiện mà không có lời khấn. Vì thế, nếu Ðức Maria khấn để thánh hiến đức trinh khiết của Người thì xứng hợp hơn.
2. Trong Tin Mừng chúng ta thấy một số người được gọi là anh em Chúa Giêsu. Chẳng hạn thánh Matthaeus viết: "Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Jacobus, Joseph, Simon và Judas sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao" ?. Thánh Marcus thì chế giảm sự ngạc nhiên đó đôi chút, ngài viết: "Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Jacobi, Joseti, Judae và Simonis sao…?" (Mc 6,3). Trước đó thánh Marco còn chép về các anh em của Chúa Giêsu: "Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí" (Id 3,21); những người này phải chăng là "những anh em của Người không tin vào Người" như thánh Gioan đã quả quyết (Ga 7,5) ? Thánh Luca, khi liệt kê những môn đệ của Chúa Giêsu tập hợp tại nhà Tiệc ly sau khi Chúa Giêsu đã lên trời, có nhắc đến Thân Mẫu của Giêsu và các anh em của Người (Cv 1,14). Chính thánh Phaolo cũng nói, trong số những người loan báo Tin Mừng, có các anh em của Chúa (1 Cr 9,5) Thánh Giacobê hậu được gọi là anh em của Chúa (Gl 1,19). Vậy phải hiểu những anh em này như thế nào đây?
Anh em trong tiếng Hy lạp của các sách Tin Mừng là •delj`V, có nghĩa là anh em của cả cha và mẹ, hoặc của cha hay của mẹ mà thôi, và cũng có thể hiểu theo nghĩa rộng hơn để chỉ họ hàng xa, gần. Nhưng hạn từ •delj`V mà các thánh sử và bản LXX dùng để dịch hạn từ ja; của Thánh Kinh Do thái, và để biểu thị quan hệ họ hàng thân thích, thì ngày nay những thân thích họ hàng được gọi bằng nhiều tên. Trước hết, những hạn từ ấy chỉ anh em của cha và mẹ, hay cùng cha khác mẹ, như thấy trong sách Sáng thế (42,15); hay Levi (18-19); cũng biểu thị họ hàng xa hơn, như cậu cháu, như thấy trong Sáng thế (28,12.15) hay trong Ðệ nhị luật (15,2; 22,1…), và trong thư Rôma (9,3); cũng chỉ người đồng hương, đồng chủng, như trong sách Sáng thế (13,8; 14,14; 29,12…) Vậy bản hy lạp của Tân Ước chỉ là bản địch của sách giáo lý sơ khai bằng tiếng Arameo, nên phải xác định ý nghĩa của tiếng •deljo\ theo ý nghĩa thông dụng của tiếng Arameo.
Vả lại Jacobus và Josetus được gọi là con bà Maria thì Maria ở đây là Maria khác, là Maria mà thánh Gioan (19,25) cho là chị em của Thân Mẫu Chúa Giêsu, là Maria Cleopae (nghĩa là của ông Cleopae). Theo một số tác giả khác, thì bà Maria, chị của thân mẫu Chúa Giêsu, là chị ông Cleopae và Giuse, là chồng Ðức Maria. Còn Judas luôn luôn đi với Simon (Mc 6,3) được ông Hegesippus cho là con của ông Cleopae, và ông này là anh của thánh Giuse. Vậy vì bà Maria Cleopae, ông Cleopas và thánh Giuse, chồng Ðức Maria, là anh chị em, nên các con của bà Mariae Cleopae, của ông Cleopae và chính Chúa Giêsu là anh em họ, hay là chú bác.


Tiết II
Sự hoàn bị của thân thể Ðức Maria
trong cuộc sống đời sau
Lời nói đầu. Trong tiết này chúng tôi bàn về đặc ân tuyệt vời Thiên Chúa ban cho Ðức Maria, đó là đưa thân thể của Người về chốn vinh quang trên trời làm một với linh hồn. Nhưng Tông hiến Munificentissimus Deus, được công bố ngày 1-11-1950, khi ấn định tín điều về vinh quang của thân thể Ðức Maria, thì không xác định là Người có mệnh chung trước khi được cung nghinh lên trời hay chăng. Vả lại CÐC Vatican II, khi nói về Ðức Mẹ hồn xác lên trời, cũng chỉ dùng kiểu nói chung chung là: "Sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Ðức Trinh nữ vô nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác" (số 59); Nhưng Người đã kết thúc cuộc đời trần thế như thế nào? Người có an nghỉ vì linh hồn đã ra khỏi thân xác, hay Người đã kết thúc cuộc đời đang khi linh hồn vẫn ở trong thân thể, nghĩa là đang khi vẫn sống trong những điều kiện trần thế ! Lưu truyền cố cựu dù đã liên lỉ khẳng định là Ðức Maria đã mệnh chung một cách êm ái như một giấc ngủ, nhưng không để lại cho chúng ta một chi tiết nào được coi là chắc chắn về sự kiện đó. Vì thế, các nhà thần học vẫn cố gắng nghiên cứu, tranh luận và học hỏi. Vả lại, dù trong Phụng vụ chỉ kính lễ Ðức Mẹ hồn xác lên trời, nhưng trong Kinh Mân Côi, chúng ta lại suy niệm việc Ðức Mẹ lên trời và việc Người được đăng quang như hai mầu nhiệm riêng biệt. Bởi vậy chúng tôi sẽ tìm hiểu những vấn đề đó trong ba mục dưới:
Mục I. Về những cách thức kết thúc cuộc đời trần thế của Ðức Trinh Nữ Maria.
Mục II. Về việc Ðức Trinh Nữ được đưa lên trời cả hồn lẫn xác. (thiếu)
Mục III. Về việc Ðức Maria được đăng quang làm Nữ Vương trời đất.

Mục I
Về những cách thức kết thúc cuộc đời trần thế
của Ðức Trinh Nữ Maria
I. Hai lập trường. Có hai lập trường liên quan đến cách thức Ðức Maria kết thúc cuộc đời trần thế: Lập trường rất phổ biến cho rằng Ðức Maria đã mệnh chung trước khi được đưa về trời cả hồn lẫn xác, nghĩa là linh hồn Người đã ra khỏi thân xác. Ý kiến thứ hai cho rằng, Ðức Trinh Nữ vẫn bất tử. Ý kiến này đã được một số nhà thần học bênh vực với những lý lẽ cũng nặng ký. Vì Giáo Hội chưa quyết định dứt khoát về vấn đề này, lại ngày 23 tháng 10, 1950, trong diễn văn khai mạc Hội nghị Thánh Mẫu quốc tế tại Roma, Ð.H.Y Pizzardo ngỏ ý mong muốn các nhà thông thái và thần học làm sáng tỏ vấn đề còn mờ tối "để ngưỡng mộ nơi Ðức Trinh nữ lòng quảng đại hoàn toàn rạng ngời của Thiên Chúa", nên chúng tôi xin trình bày ý nghĩa và những lý lẽ của hai lập trường để chúng ta suy nghĩ.
II. Lập trường chủ trương: Ðức Mẹ đã mệnh chung trước khi được cung nghinh về trời.
1o Trước hết, phải xác định ngay rằng, cả lập trường này cũng không chủ trương là Ðức Maria đã mệnh chung vì mắc tội tổ truyền: đây là lạc thuyết của M. Baii đã bị thánh Pio V Giáo hoàng luận phi (DS 1973); cũng không chết một cách đau thương: vì không thể giải thích lưỡi gươm mà cụ già Simeon nói tới (Lc 2,35) theo ý nghĩa này được. Các Giáo phụ và Phụng vụ cũ đã gọi sự chết của Ðức Mẹ là giấc ngủ, sự an táng, sự nghỉ ngơi, sự xuất thần, sự qua đời, sự chuyển đổi, sự chết sinh sống hoá. CÐC Vaticano II khi nói về việc Ðức Mẹ hoàn tất cuộc đời trần thế, chỉ dẫn những chứng tá nói về giấc ngủ của Ðức Mẹ. Vả lại, ngay khi đứng dưới chân thánh giá mục kích cuộc tử nạn của người Con mà Mẹ yêu hơn chính mình, thì Mẹ đã chết trong trái tim, và đã xứng đáng làm Nữ Vương các thánh Tử đạo, dù Mẹ không phải đổ máu. Với lòng đạo đức chúng ta cũng cho rằng, Mẹ không chết vì tuổi tác hay vì bệnh hoạn làm cho sức lực hao kiệt.
2o Theo lập trường thứ nhất này, Mẹ đã mệnh chung vì nhiệt tình yêu mến Thiên Chúa và mong mỏi nhìn thấy nhan thánh Con mình. Sau đây là đại cương những lý lẽ mà lập trường này đã viện dẫn:
A. Lưu truyền của các Giáo phuï. Rất nhiều Giáo phụ đã đá đưa đến sự chết của Ðức Maria, như thánh Augusti-nus khi chú giải thánh vịnh 34, thánh Modestus thành Jerusalem trong bài tán tụng Ðức Mẹ, thánh Gioan thành Ðamas trong bài giảng 1 và 2 về sự An nghỉ của Ðức Maria, thánh Andreas Cretensis khi tán tụng giấc Ngủ của Mẹ Thiên Chúa, thánh Germanus thành Const. trong bài giảng về giấc Ngủ, Joannes thành Thessalonica trong Lời nguyện về sự An nghỉ của Mẹ Thiên Chúa.
B. Phụng vụ. Trong sách de Sacramento của thánh Gregorius có lời nguyện nhập lễ, dùng trong lễ kính Ðức Mẹ hồn xác lên trời, đã nhắc đến việc Ðức Mẹ "đã chịu cái chết tạm thời"; rồi trong lời nguyện tiến lễ cũng nói là: "….Chúng con biết rằng Thân Mẫu Thiên Chúa đã ra đi vì tình trạng của xác thịt…". Những tiếng vì tình trạng xác thịt nói lên cái chết của Ðức Mẹ. Trong Phụng vụ hiện nay, dù trong Lời nguyện nhập lễ và tiến lễ không nói gì đến việc Ðức Mẹ đã chết, nhưng trong lời tiền tụng lại có câu: "Cha không muốn Người chịu cảnh hư nát trong mồ, vì Người đã sinh hạ Con Cha yêu quí, là Ðấng ban sự sống cho mọi loài". Phải chăng kiểu nói đó nhất thiết ngầm hiểu sự chết ?
C. Ðạo lý của Giáo Hội. Mới đây, khi bàn về giấc ngủ của Ðức Mẹ Chúa Trời, Ðức Gioan Phaolo II đã nói : "Khi suy nghĩ số phận của Ðức Maria và mối tương quan với Chúa Con, xem ra có thể đưa ra câu trả lời khẳng định như sau: chính vì Ðức Kitô đã chết, vì thế khó lòng chủ trương một điều trái ngược đối với Thân mẫu của Chúa". Rồi Ðức Giáo Hoàng trích dẫn chứng tá của một số Giáo phụ, trong đó có thánh Giacobus Sarug (+ 521), theo vị thánh này thì, khi Ðức Maria đã đến "thời đi vào con đường của mọi thế hệ", nghĩa là con đường của sự chết, thì "ca đoàn mười hai Tông đồ" đã tụ họp để an táng "thân xác trinh khiết của Ðấng đáng chúc tụng". […] Và Ðức thánh Cha viết tiếp: "Ðành rằng, dựa theo mặc khải, cái chết được trình bày như là án phạt của tội lỗi. Tuy vậy, sự kiện Hội thánh tuyên bố Ðức Maria được giải thoát khỏi tội nguyên tổ do một đặc ân của Chúa, không đưa đến một kết luận rằng Ðức Maria cũng đã lãnh nhận đặc ân bất tử về thân xác. Bà Mẹ không thể hơn Con mình được".
D. Lẽ xứng tiện của Thần học. 1. Một trong các lý do của sự chết này là để Mẹ trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Mà Chúa Giêsu đã chịu chết về phần xác: a) để đền thay chúng ta về những tội lỗi của chúng ta; b) để chứng tỏ Chúa có thân xác thật, chứ không phải giả tạo; c) để làm cho chúng ta khỏi sợ chết. Vậy việc Ðức Maria mệnh chung cũng rất thích hợp: a) để Người được đồng lao cộng khổ với Chúa Giêsu trong việc cứu chuộc nhân loại; b) để củng cố chân lý của mầu nhiệm Nhập thể, vì qua cái chết của Ðức Mẹ, việc Chúa Giêsu đã mặc lấy nhục thể chân thực, có thể chịu đau đớn và chịu chết, được chứng tỏ; c) để chúng ta được yên ủi trong giờ chết và được noi gương Mẹ để tuân theo ý Chúa mà được chết lành. Cho nên việc Ðức Maria phải chết là điều xứng tiện.
Do tình trạng và sự khiếm khuyết của bản tính. Bản tính nhân loại, theo bản thể, thì hay hư nát và có thể chịu đau khổ do chính những nguyên lý của bản tính ấy, nghĩa là vì thân thể con người được kết tinh bởi nhiều yếu tố khác nhau, như những phần chất thể. Và nếu ai đó được bất tử thì chỉ là do ơn riêng của Thiên Chúa. Vì ơn bất tử này không nhất thiết đi theo ân sủng, như thấy nơi Chúa Giêsu.
Một số nhà thần học thì cho rằng, Ðức Maria bị chi phối một cách nào đó bởi cái nợ phải chết (debito mortis); cũng như bị chi phối bởi cái nợ của tội tổ truyền (debito peccati originalis), nghĩa là lẽ ra phải mắc tội tổ truyền, thứ tội mà dù Người được hoàn toàn phòng ngừa khỏi mắc thì xứng tiện; nhưng được phòng ngừa khỏi phải mệnh chung nữa thì không xứng tiện. Ðiều xứng tiện là nhân loại tính của Ðức Maria phải chịu những khuyết điểm chung, để hoàn toàn nên giống chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi, như nhân loại tính của Chúa Giêsu.
Cha N.G. Garcés cho rằng, ngoài phạm vi tín lý, lập trường chủ trương Ðức Mẹ đã mệnh chung được củng cố bởi truyền thống, song hành với chính việc Ðức Mẹ được đưa lên trời; bởi đạo lý của phụng vụ trước và sau khi định tín, nhắc đến cái chết của Ðức Mẹ; lại phần lớn Tông huấn Munificentissimus Deus sẽ mất ý nghĩa nếu giả định rằng Ðức Maria không mệnh chung.
III. Lập trường chủ trương thân thể Ðức Mẹ được ơn bất hoại. Ðây là lập trường của linh mục Timothei; Hesychii, Crisipi, và một số học giả thời mới như Arnaldi Genevensis, Vividia, Permachi, Poupon. Cuối thế kỷ 19, một trào lưu thần học chủ trương Ðức Maria không mệnh chung; họ đã xin Ðức Pio XII ấn định phải tin như thế, nhưng Ðức Giáo Hoàng không đụng đến vấn đề này, nghĩa là không nói rằng Ðức Maria đã mệnh chung hay không mệnh chung.
1o Ở đây cũng phải xác định rằng, giả dụ Ðức Mẹ có được ơn bất tử thì cũng không phải vì quyền lợi riêng, mà vì một đặc ân của Thiên Chúa: ơn bất tử nơi tổ tông chúng ta trước khi phạm tội chỉ là ơn ngoại nhiên (gratia praeternaturalis); và dù thuộc về lãnh vực công chính nguyên thuỷ và thanh nhàn, chứ không thuộc về lãnh vực cứu chuộc, tuy nhiên có thể thuộc về thứ cứu chuộc đặc biệt theo kiểu phòng ngừa, như Ðức Maria đã được phòng ngừa cho khỏi tội tổ truyền.
2o Việc Ðức Mẹ được lên trời cả hồn lẫn xác vừa là một mầu nhiệm vừa là một sự kiện lạ lùng. Lạ lùng vì tự sức riêng Ðức Maria không thể tự cất mình lên trời như Chúa Giêsu; phải có sức mạnh của Chúa Ba Ngôi can thiệp : Thiên Chúa biến đổi thân thể của Mẹ trong nháy mắt từ tình trạng sinh sống trần thế sang tình trạng thiên thai, như Người sẽ thực hiện đối với những người công chính còn sống trong ngày Chúa quang lâm. Như vậy không cần phải làm cho Ðức Maria sống lại trước khi đưa lên trời, như phải ngầm hiểu trong lập trường cho rằng Ðức Mẹ đã mệnh chung. Chúng ta hãy xem những lý lẽ mà lập trường này viện dẫn:
A. Thánh Kinh. 1. Trong thư gửi dân Do thái thánh Phaolo viết rằng: "Ðã định cho mọi người là phải chết một lần" (9,27). Khi chú giải lời này, trước hết thánh Thomas viết: "Ðó không phải là định luật, nhưng do tội mà con người phải chết, vì sách Khôn ngoan dạy: "Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong" (1,13), và thánh tiến sĩ viết tiếp: "Trong sự chết có ba điều nên suy nghĩ, một là nguyên nhân tự nhiên, và do tình trạng của bản tính thì đã định cho mọi người phải chết một lần, vì con người gồm bởi những yếu tố tương phản nhau, mà những yếu tố này mà bị phân tán, tức là con người phải chết. Hai là hồng ân Chúa ban, và về điểm này người nào được ơn công chính nguyên thuỷ, giúp linh hồn cầm giữ thân thể [cho khỏi bị phân hoá], thì có thể không chết. Ba là lương bổng của tội lỗi. Vậy nếu Ðức Maria đã được ơn vô nhiễm nguyên tội, lại cũng không nhiễm phải bất cứ tội nào, thì linh hồn Người có được đặc ơn khả dĩ cầm giữ thân thể để khỏi bị phân hoá, nghĩa là khỏi mệnh chung, hẳn cũng là điều rất xứng hợp.
2. Ơn vô nhiễm nguyên tội. Còn về lương bổng của tội thánh Phaolo viết: "Lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta là sự chết" (Rm 6,23). Nhưng Ðức Maria là Ðấng được ơn vô nhiễm nguyên tội, vì ngay từ giây phút tượng thai đầu tiên Người đã chiến thắng tội lỗi, nên cũng phải chiến thắng sự chết; hay ít ra sự chết của Mẹ phải mặc một dạng thức khác với sự chết do tội lỗi gây nên, khác với sự chết làm cho thân thể bị phân hoá trong mồ. Chẳng vậy, Ðức Maria sẽ biệt liệt một cách bất công vào đại chúng nhân loại tội lỗi, và quyền của Mẹ được bất hoại trong vinh quang sẽ bị thương tổn trầm trọng. Nên nếu thân thể Ðức Mẹ có được ơn bất hoại hẳn cũng là điều xứng hợp.
3. Nhưng thánh Phaolô cũng viết: "Vấn đề là được biết chính Ðức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, trong cái chết của Người" (Pl 3,10). Ðây là điểm chủ yếu của mầu nhiệm. Chúa Giêsu là Ðấng chí thánh, có quyền lợi tuyệt đối để được miễn khỏi phải chết, nhưng Người đã tình nguyện đón nhận cái chết, theo lời thánh Phaolo "Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá" (Dt 12,2). Vâng theo mệnh lệnh của Chúa Cha, Người đã trở thành hiện thân của tội lỗi; đã chọn đau khổ và sự chết để đền vào những hoan lạc bất chính của loài người, và đã lấy cái chết của mình để chiến thắng sự chết.
Nếu thế, thì Ðức Maria, Evà mới, cũng phải đồng phận với Ðức Kitô, Ađam mới. Thiên chức làm Mẹ đã mật thiết và bền bỉ liên kết Mẹ với Con, đã hội nhập Mẹ vào mầu nhiệm cứu chuộc. Bởi vậy, Người phải gánh lấy mọi công hiệu của tội lỗi nhân loại, và lãnh đủ mọi đắng cay của sự thương khó, rồi tình nguyện chịu chết nhục nhã như Con mình, miễn là địa vị làm Mẹ vô nhiễm nguyên tội và quyền được vinh quang bất hoại không bị tổn thương. Ngoài ra Mẹ phải nêu gương cho chúng ta anh dũng theo Chúa và phải lập công cho chúng ta được ơn suy phục nhẫn nại, và can đảm trước cái chết.
Thực ra, Ðức Maria đã sẵn sàng chịu chết với Con mình ngay từ giây phút Chúa Giêsu bắt đầu vật lộn với cơn thử thách cuối cùng, và suốt cuộc tử nạn, nhất là khi Mẹ đứng dưới chân thánh giá. Bằng mẫn cảm, bằng óc tưởng tượng, bằng ký ức, bằng trái tim, bằng ý muốn và bằng trí tuệ, Mẹ đã lãnh trọn vẹn nơi bản thân mọi đau đớn. Sự chung phần đau khổ ấy đã làm cho Mẹ trở thành "đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, trong cái chết của Người" (Pl 3,10).
Nhưng cái chết của Chúa Giêsu hệ tại "linh hồn lìa ra khỏi xác", phân hoá bản tính nhân loại của Người. Vậy linh hồn Ðức Mẹ có cần phải ra khỏi thân thể của Người để có thể nói là đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu trong cái chết của Người chăng?
Hình như không. Thánh Bernardus viết: "Lòng Mẹ đã bị đau khổ đâm thâu, vì vậy chúng con thật có lý mà tuyên bố rằng Mẹ còn hơn cả các vị tử đạo, bởi vì nỗi đau do việc Mẹ cùng chịu khổ chắc chắn đã vuợt quá sự đau khổ trong thân xác…". Ðức Benedicto XV đã viết: "Ðứng gần Con mình chịu đau khổ và chịu chết, Ðức Maria đã rất mực đau khổ như thể đã chết thật với Con". Hiển nhiên là trên núi Sọ, linh hồn Ðức Mẹ không lìa ra khỏi thân thể. Nhưng toàn thể con người của Mẹ cảm thấy thấm thía về những cực hình của Chúa Giêsu, và như phải hấp hối đến chết được. Mẹ hiệp thông với Con, và nghiệm thử tất cả những lo âu, những cay đắng của sự chết. Về điểm này CÐC Vaticano II viết: "Ðức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con Một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ ưng thuận hiến tế hy vật do lòng mình sinh ra" (LG 58). Cái chết tinh thần đó làm nên một hiến tế cao cả đầy hy sinh hơn cả cái chết thể lý, vì khi hiến tế Con mình là Ðức Kitô, Ðức Maria đã hiến tế sự sống của mình làm một với sự sống vô cùng quí giá của Con mình. Sau này, giả dụ linh hồn Mẹ có lìa ra khỏi thân thể, thì cái chết thể lý ấy có làm cho Mẹ được đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu tử nạn hơn chăng ? Nhất là vì người ta vẫn mô tả cái chết của Mẹ thì êm ái, ngọt ngào như giấc ngủ, như tình yêu ngây ngất trong tay Con chí ái của Mẹ. Cái chết như thế chẳng những không làm cho Mẹ nên giống Con mình, trái lại còn làm cho Mẹ khác Con nữa. Vậy nếu trên núi Sọ, với bao nhiêu thống khổ khủng khiếp đến cực độ có thể làm cho Ðức Maria chết, nhưng nhờ lượng An bài đặc biệt, Ðức Maria không chết, thì sau này Người cũng không phải mệnh chung nữa. Ðối với Mẹ, trước hết hy tế cứu chuộc của Chúa Kitô ban cho Mẹ được ơn vô nhiễm nguyên tội, mà ơn này mật thiết liên kết với ơn hồn xác lên trời, cho nên có thể nói rằng: trên thánh giá Chúa Giêsu ra nghị quyết cho Mẹ mình được ơn bất tử.
4. Thánh Phaolô viết : "Ðây tôi nói cho anh em biết mầu nhiệm này : không phải tất cả chúng ta sẽ chết, nhưng tất cả chúng ta sẽ được biến đổi trong một giây lát, trong một nháy mắt, khi tiếng kèn cuối cùng vang lên. Vì tiếng kèn sẽ vang lên, và những kẻ chết sẽ chỗi dậy mà không còn hư nát; còn chúng ta, chúng ta sẽ được biến đổi"; và người thêm: "…rồi đến chúng ta, là những người đang sống, những người còn lại, chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi".
Há thánh Phaolô chả nói rằng, vì tội tổ truyền mà đã định là mọi người đều phải chết một lần ư ? Há thánh Tông đồ chả nói rằng: "vì chúng ta đã nên một với Chúa Kitô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại ư". Thánh Tông đồ rao giảng điều đó cho những người đã vương phải tội tổ truyền, cho những người bị chi phối bởi án lệnh: "phận con người là phải chết một lần" Vậy nếu những người công chính đã mắc tội tổ truyền, và sẽ nên giống Chúa Kitô chịu chết dưới một dạng thức khác, mà trong ngày thế mạt, còn được đưa ngay về trời mà không phải chết, thì chẳng lẽ Chúa lại từ chối đặc ân ấy, mà không ban cho Ðức Trinh Nữ vô nhiễm nguyên tội, là Mẹ và là Ðấng đồng lao cộng khổ với Chúa Giêsu trong việc cứu chuộc loài người. Vì thế chúng ta càng có lý để cho rằng Ðức Maria đã được cung nghinh về trời cả hồn lẫn xác, ngay khi Người vừa kết thúc cuộc đời dương thế, mà không phải qua sự chết và sống lại.
5. Tông hiến ấn định tín điều Ðức Mẹ được lên trời cả hồn lẫn xác, cũng bắt đầu bằng những từ ngữ rất ý vị, ấy là Thiên Chúa vô cùng quảng đại. Sự quảng đại chẳng những hệ tại ân huệ tặng ban mà còn hệ tại cách thức ban tặng. Ðể phục thù và chiến thắng con cựu xà một cách toàn diện, triệt để dứt khoát và minh bạch, Thiên Chúa đã an bài cho Ađam mới một người trợ tá tương xứng: vô nhiễm nguyên tội, đầy ân sủng là sức sống siêu nhiên, đầy nhiệt tình để cộng tác với Ađam mới một cách tích cực và quảng đại trong công cuộc tái sinh những kẻ được kén chọn. Nên Chúa có ban cho Người được hai thứ chiến thắng, là chiến thắng tội lỗi và chiến thắng sự chết thì quả là thích hợp.
B. Ðạo lý của Giáo Hội. 1. Trong Tông hiến Thiên Chúa vô cùng đại lượng ấn định tín điều Ðức Mẹ được đưa lên trời cả hồn lẫn xác, Ðức Pio XII đã dùng lối nói trống là "Ðức Trinh nữ Maria…sau khi đã hoàn tất cuộc đời trần thế’; Hiến chế về Giáo Hội của CÐC Vatcano II cũng vẫn dùng kiểu nói vu khoát như thế, để các nhà Thần học nghiên cứu và tìm hiểu thêm. Hiến chế viết: "Sau cùng, được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết tội tổ truyền, và sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Ðức Nữ Trinh Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác". Vậy Ðức Maria có thể kết thúc cuộc đời trần thế mà không phải mệnh chung, như thánh Phaolo đã khẳng định về những người công chính trong ngay thế mạt.
2. Trong lời nguyện nhập lễ của ngày lễ Ðức Mẹ lên trời cũng chỉ nói "Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã đưa lên trời cả hồn xác Ðức Maria là Trinh Nữ vô nhiễm và là Thánh Mẫu của Con Chúa…", chứ không đả động gì đến sự mệnh chung của Ðức Mẹ, như trước kia nữa.
C. Ðạo lý truyền tụng. Chứng tá của truyền thống về sự kiện này, tuy ít ỏi nhưng rất có thế giá, như linh mục Timotheus thành Jerusalem (n. 535) không cho rằng Ðức Maria phải chết cách độc dữ, việc tuẫn giáo mà cụ già Siméon tiên báo không hệ tại phải chết một cách dữ dội : "Quả thực, gươm sắt thâu qua thân thể, nhưng không phân chia tâm hồn". Và linh mục thêm: "Không phải như thế, vì cho đến ngày nay Ðức Maria vẫn bất hoại; Ðấng đã ngự trong Người đã lên trời thì cũng đưa Người lên đó"; một linh mục khác ở Jerusalem là Hesychius cũng cho Ðức Trinh nữ là cây bất hoại, là vườn trường sinh.
D. Lẽ xứng tiện của Thần học. 1. Do ơn tiền định làm Mẹ Thiên Chúa. CÐC Vaticano II viết: "Từ muôn đời, Ðức Trinh nữ Maria đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa" (LG 61). Thiên chức làm mẹ của Ðức Maria không chỉ là chức năng sinh lý, hay dịch vụ tạm thời hiến cho Con Thiên Chúa nhập thể và cứu chuộc. Ðó là tước hiệu tiền định của Ðức Maria. Vào ngày Ngôi Hai nhập thể, Ðức Maria đã trở nên Mẹ Thiên Chúa bằng cả linh hồn và thân thể. Mẫu hệ của Người đòi hỏi một sự liên kết liên lỷ toàn thể nhân vị của Người với Chúa Con, chẳng những ở trần thế, mà lại ở trên trời nữa; thiên chức của Mẹ vượt qua thời gian và có liên hệ đến Giáo hội chiến thắng. Hiến chế về Giáo Hội đã khẳng định: "Trong nhiệm cục ân sủng, Ðức Maria luôn luôn tiếp tục thiên chức làm mẹ, từ khi Người tin tưởng ưng thuận trong ngày Truyền tin…cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu rỗi mọi người được tuyển chọn" (LG 62).
Vì thế, nếu thân thể của Ðức Mẹ, vì sự mệnh chung, còn phải ở lại thế gian, thì về phía Ðức Mẹ, sự liên kết kia mất tính cách liên lỉ rồi.
Hơn nữa, ngay từ khi Ngôi Lời nhập thể, Ðức Maria đã có tương quan Mẹ Con với Thiên Chúa, một vế của tương quan này là Ðấng Hằng Hữu, nên là tương quan bất diệt. Do đó, nếu sự chết xâm phạm đến Mẹ khiết trinh và phá huỷ nhân vị của Mẹ, thì cũng làm cho mẫu hệ của Người đối với Chúa Con bị gián đoạn. Dù tình trạng mệnh chung này kéo dài vài ngày, vài giờ hay vài phút, thì tương quan bất diệt của Thiên Chúa vẫn thiếu mất một vế : và đối với Ðấng Hằng hữu thì ba ngày hay 20 thế kỷ cũng như nhau.
2. Do tư cách là Evà mới. Ðức Maria đã được coi một cách đích đáng như Evà mới. Vậy như Evà thứ nhất, trước khi phạm tội, đã được ơn bất tử, thì Evà mới, là "Mẹ kẻ sống", nếu được ơn không mệnh chung khi kết thúc cuộc đời dương thế, ắt cũng là điều rất xứng hợp.
IV. Kết luận. Vì đây là mầu nhiệm chưa được Giáo Hội dứt khoát ấn định, nên chúng ta phải khôn ngoan như thánh Epiphanius. Thánh nhân sống vào thế kỷ thứ bốn và đã sống bốn mươi năm ở Jerusalem viết như sau: "Trường hợp của Ðức Maria đã được điều phối bởi sự xếp đặt khôn ngoan của Thiên Chúa, và phải coi như nố trừ của lối xử trí chung, áp đặt cho những ai muốn sống theo Chúa..". Theo Thánh Kinh, ta không biết được "Ðức Maria có mệnh chung hay không mệnh chung; có được mai táng hay không được mai táng". Thánh nhân viết tiếp: "Ðối với tôi, tôi không dám nói về chuyện lạ này; tôi xin giữ trong tâm tư và tôi trầm ngâm". Nhưng thánh nhân không thể trầm ngâm vì khi cứu xét ba giả thiết xuất hiện trong trí khôn ngài : chết tự nhiên, tuẫn giáo, bất hoại vinh quang và không phải mệnh chung, ngài đã chấp nhận giả thiết thứ ba, và ngài kết luận: "Thánh Kinh vượt lên trên trí tuệ con người và đã để điều này lập lờ không chắc chắn, vì lòng cung kính đối với Trinh nữ khôn sánh, để chặn đứng những tư tưởng thấp hèn và phàm phu về vấn đề này".
Nhưng một số tác giả không cẩn trọng đúng mức mà chỉ căn cứ vào những truyền thuyết không mấy bảo đảm, chẳng hạn truyền thuyết cho rằng: "Ðức Maria, khi được thiên thần báo cho biết là sắp đến ngày mệnh chung, thì Người chờ đợi biến cố đó, và đã chuẩn bị thật sốt sáng. Các Tông đồ sống phân tán tại các miền phụ cận Palestina liền tập hợp lại, và qui tụ chung quang Ðức Trinh Nữ đang khi Người phó linh hồn trong Con thần linh của Người, giữa những giọng ca du dương ngọt ngào của các thiên thần. Sau đó ít lâu, người ta đem an táng thi hài của Ðức Trinh nữ trong phần mộ của gia đình tại Gietsemani. Các thiên thần tiễn đưa linh cữu và canh thức ca hát bên mồ ba ngày ròng rã. Ðến ngày thứ ba thì tiếng hát im bặt, thánh Thomas lại vừa về tới nơi, xin cho được chiêm ngưỡng và kính vái thi hài của Ðấng đã là nhà tạm của Thiên Chúa. Các Tông đồ cho mở cửa nhà mồ ra. Khi vào trong nhà mồ thì thấy mồ trống rỗng, không thấy thi hài của Ðức Trinh nữ đâu cả, chỉ thấy những khăn liệm và y phục. Một hương thơm ngào ngạt toả ra khắp mồ. Những người chứng kiến rất đỗi ngạc nhiên và đinh ninh rằng, thân xác Ðức Maria đã được Chúa cho sống lại và được cung nghinh về trời". Thật khó phân biệt yếu tố lịch sử và tính cách truyền thuyết trong sự tích đó.
Sự tích này được loan truyền rộng rãi, khi người ta phổ biến những mặc khải thần bí riêng tư của thánh nữ Maria Agreda và của bà Catharina Emmerich. Nhưng có điều mẫu thuẫn này là, thánh Maria Agreda thì nói là Ðức Mẹ đã mệnh chung ở Jerusalem; còn bà Catharina Emmerich thì bảo là ở thành Epheso !.

Mục II (thiếu)

Mục III
Về việc Ðức Maria được đăng quang
làm Nữ Vương trời đất
Lời nói đầu. 1. Từ lâu lòng sùng kính bình dân đã hướng về Ðức Maria như Nữ Vương. Tang chứng là những lời "Nữ Vương các thánh thiên thần; Nữ Vương các thánh Tổ tông ...; Nữ Vương các thánh nam cùng các thánh nữ; rồi đến kinh "Kính chào Ðức Nữ Vương"; hơn nữa Kinh Mân Côi còn giới thiệu việc đội triều thiên cho Ðức Mẹ ở trên trời, như một mầu nhiệm riêng biệt để suy niệm; Kinh Lậy Nữ Vương thiên đàng hãy vui mừng v.v. Kỳ thực, ta có thể nói, tổng lãnh thiên thần Gabriel là vị đầu tiên chào kính Ðức Maria bằng tước hiệu là Nữ Vương.
2. Nhưng ta đừng hiểu vương quyền và địa vị tuyệt vời của Ðức Maria theo nghĩa tương tự như thực tại của đời sống chính trị, mà theo lối ẩn dụ thì đúng hơn, vì cũng một kiểu nói có thể biểu thị nội dung khác nhau. Bởi vậy, những nghiên cứu thần học muốn đào sâu vương quyền của Ðức Maria, chẳng hạn như tìm hiểu xem Nữ vương này là nữ hoàng hay hoàng thái hậu? Người có cai trị bằng cách cầu khẩn để ảnh hưởng đến Chúa Con hay chăng? Những nghiên cứu ấy có vẻ ấu trĩ.
3. Lại trong những vấn đề liên quan đến Ðức Trinh Nữ rất thánh, các nhà thần học cũng như các nhà giảng thuyết phải cẩn trọng, đừng đi trệch khỏi chính lộ, nghĩa là một đàng đừng thái quá mà trình bày những ý kiến thiếu nền tảng, hoặc bằng những lối nói cường điệu, sai sự thật; đàng khác cũng phải tránh những tư tuởng hẹp hòi khi bàn về địa vị rất đặc biệt, cao viễn và hầu như thần linh mà Thiên Chúa nhân lành vô cùng ban cho Ðức Maria.
Vì thế trong mục này chúng tôi sẽ bàn về việc Ðức Maria được đăng quang làm Nữ vương trời đất; về hiện trạng linh hồn cũng như thân thể của Ðức Maria ở trên trời, nghĩa là về hạnh phúc, tức là sự nhìn thấy Thiên Chúa nhãn tiền và yêu mến Người cách cao cường; hạnh phúc này thường được gọi là thị kiến thanh nhàn theo mọi chiều kích của nó.
I. Ðề luận XXIX. Ðức Maria, Thân Mẫu Thiên Chúa, quả đã được đăng quang làm Nữ Vương trời đất.
II. Chứng Minh. A. Thánh Kinh. 1. Cựu Ước. Thánh vịnh có câu: "Nữ hoàng bên hữu Thánh vương, điểm trang lộng lẫy toàn vàng Ophia" (Tv 44,10). Cũng thánh vịnh này viết tiếp: "Ðẹp lộng lẫy, này đây công chúa. Mặc xiêm y dệt gấm thêu vàng…Ðược dẫn tới Quân vương… Vì thế thần dân nức lòng ca ngợi. Tiếng ngợi ca bất tận muôn đời" (Tv 44,14-18). Những lời đó đã được Phụng vụ dùng để ca tụng Ðức Maria trong ngày Người được lên trời cả hồn lẫn xác. Mà kể cũng đích đáng: Mẹ đã lấy bản tính nhân loại như long bào mặc cho Thiên Chúa làm người, thì lại được Thiên Chúa lấy vinh quang của mình như xiêm y gấm vóc trang sức cho. Áo mà Mẹ dâng cho Chúa Giêsu được dệt bằng những thớ thịt của Mẹ, thì xiêm y gấm vóc Thiên Chúa ban cho Mẹ được dệt bằng vinh quang của Thiên Chúa.
Tân Ước. a) Theo thánh Lucas, Chúa Giêsu là Con Ðấng Tối Cao (Lc 1,32), nhiên hậu là hoàng tử, là vua trời đất. Vậy Ðức Maria đã sinh ra vị Hoàng tử, vị vua trời đất. thì Người quả là Nữ Vương hay Hoàng thái hậu.
b) Chúa Giêsu cũng phán: "Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ơû" (Ga 14,2) Vậy, như Chúa Giêsu đã lên trời cả hồn lẫn xác, và hiện đang ngự bên hữu Chúa Cha, thì hẳn ở trên trời, Ðức Mẹ với cả hồn lẫn xác cũng đáng được một ngai vàng xứng đáng với chức của Người, là Mẹ Thiên Chúa.
B. Ðạo lý của Giáo Hội. Ðức Pio XII đã viết: "Dân Kito giáo, qua các thế kỷ không phải vô lý khi tin rằng người mẹ đã sinh ra Con Ðấng Tối Cao, người Con sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời; là Hoàng tử hoà bình; là Vua muôn vua và Chúa các chúa; người mẹ đã lãnh nhận những hồng ân đặc biệt hơn mọi vật Thiên Chúa đã dựng nên; và khi suy đến mối liên hệ mật thiết giữa mẹ và con, hẳn sẽ dễ nhận ra chức cao cả dành cho Thân Mẫu Thiên Chúa, xứng nữ hoàng của mọi vật thụ tạo".
CÐC Vaticano II cũng xác định: "Ðức Trinh Nữ Maria vô nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn lên làm Nữ Vương vũ trụ, để nên giống Con của Người trọn vẹn hơn, người Con là Chúa các chúa, là Ðấng chiến thắng tội lỗi và sự chết" (LG 59).
C. Lẽ xứng tiện của Thần học. 1. Theo Thánh Kinh người Con của Ðức Maria là Con Ðấng Tối Cao, và Ðức Maria là Thân mẫu của Chúa, thì Ðức Maria quả là Nữ Vương hay Hoàng thái hậu, vì đã sinh ra một người Con ngay từ lúc tượng thai, xét như con người đã là vua và là Chúa muôn loài, do việc ngôi hiệp của bản tính loài người với Ngôi Lời. Do đó, thánh Gioan thành Ðamas đã có thể viết: "Vì là Mẹ của Ðấng Tạo Thành, nên Ðức Maria thật là bà chúa muôn loài".
2. Không những phải tuyên xưng Ðức Maria là Nữ Vương vì Người Thân Mẫu Thiên Chúa mà còn vì, do thánh ý Thiên Chúa, Người đã góp phần tuyệt vời trong việc cứu chuộc chúng ta. Ðức Pio XI đã nói: "Còn gì cao đẹp và ngọt ngào cho bằng việc Chúa Giêsu nắm vương quyền trên chúng ta, chẳng những vì quyền lợi của Con Thiên Chúa, mà còn vì là Ðấng Cứu chuộc chúng ta". Và theo lời thánh Phêrô "chúng ta đã được cứu chuộc bằng bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Ðức Ki-tô" (1 Pr 1,19). Vậy trong công cuộc cứu chuộc này, Ðức Maria đã liên kết mật thiết với Chúa Giêsu cho đến giây phút cuối cùng, như thánh Gioan đã ghi chép: "Ðứng gần thập giá Ðức Kitô, có thân mẫu Người…"(Ga 19,25). Bởi đó như Chúa Kitô, vì danh nghĩa cứu chuộc, là Chúa và là Vua chúng ta, thì Ðức Maria, vì cộng tác vào công cuộc cứu chuộc này, cũng là Nữ Vương chúng ta.
Nếu thiên chức làm mẹ là lo liệu thiện ích của cá nhân, như sinh nở, dưỡng nuôi, giáo dục, thì thiên chức làm nữ vương hay hoàng thái hậu nhằm vào thiện ích chung của cả cộng đoàn, như hướng dẫn, bảo vệ v.v. Vậy trong lãnh vực siêu nhiên Thiên Chúa không cứu chuộc ta như những cá nhân riêng rẽ, mà như cộng đoàn. Về điểm này CÐC Vaticano II viết: "Thiên Chúa không muốn thánh hoá và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Nguời muốn qui tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết chính Người trong chân lý, và phụng sự Người trong sự thánh thiệân. (LG 9). Cho nên nếu Chúa Giêsu đã là thủ lãnh, là vua của dân Thiên Chúa, thì Ðức Maria là Nữ Vương hay Hoàng thái hậu thì quả là đích đáng.
Ngoài ra, ở trần gian này vật nào trổi vượt các vật đồng loại khác thì được kể là vua là chúa của loài đó. Trong lãnh vực siêu nhiên, vinh quang của con người là phản ảnh sự sống của Thiên Chúa nơi người ấy. Ở trần gian này, ai càng để cho sự sống của Thiên Chúa thấu nhập, thì cuộc sống của người ấy trên thiên đàng càng giống đời sống thâm thuý của Thiên Chúa Ba Ngôi hơn. Chúa Giêsu rạng ngời vinh quang của Con Thiên Chúa nhập thể, ngự bên hữu Chúa Cha, chiếm lãnh "phú quí và quyền năng, khôn ngoan và uy lực, danh dự với vinh quang, cùng muôn lời chúc tụng" (Kh 5,12). Còn Ðức Maria, là một thụ tạo thánh thiện nhất, gồm đủ mọi thứ nhân đức, như sự ngây thơ vô tội của các thiếu nhi; sự khiết tịnh của các trinh nữ; sức kiên trì của các hiển tu; sự thánh thiện đặc sắc của các Giáo hoàng; trí thông minh sâu sắc và lợi khẩu của các tiến sĩ; lòng can đảm quyết thắng của các vị tuẫn giáo; nhiệt tình say sưa của các Tông đồ; quyền năng của các vị thực hiện những điềm thiêng dấu lạ; cái nhìn sắc sảo của các ngôn sứ; sự uy nghi và sức cường tráng của các tổ phụ; sự xuân trẻ khôn tả và nghị lực khôn lường với tất cả những ân điển khôn dò của các thiên thần. Ðó là vinh quang thiết thực của Ðức Maria, nên có xưng tụng Người là Nữ vương trời đất thì quả là đích đáng.
III. Ðề luận XXX. Vinh quang và hạnh phúc cốt yếu của Thân Mẫu Thiên Chúa thì A. trổi vượt hơn vinh quang và hạnh phúc của mọi vật thụ tạo B. về cường độ và C. về trương độ.
IV. Chứng minh. Phần A. Vinh quang và hạnh phúc cốt yếu thì tương ứng với ân sủng và đức ái. Vậy Thân Mẫu hiển vinh của Thiên Chúa trổi vượt trên mọi vật thụ tạo về ân sủng và về đức ái. Cho nên cũng trổi vượt hơn mọi vật thụ tạo về vinh quang và hạnh phúc cốt yếu.
Phần B. Về cường độ. Vì ánh vinh quang (lumen glo-riae) thì tương ứng với ân sủng và đức mến; do đó Ðức Maria nhìn thấy Thiên Chúa cách minh bạch và cao cường; nhận biết và thấu hiểu Thiên Chúa cách sâu sắc, thâm trầm hơn các thiên thần và các phúc nhân.
Phần C. Về trương độ. 1o Ai càng được chiêm ngưỡng Thiên Chúa cách cao cường, càng được nhận biết nhiều vật trong Thiên Chúa hơn. Mà Ðức Maria nhận biết Thiên Chúa cách cao cường hơn mọi vật thụ tạo. Cho nên Người càng được … 2o Chư thánh trên trời được nhận biết nhiều hay ít vật nơi Thiên Chúa là tùy theo chức vị của mình. Vậy Ðức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa, và là Mẹ cùng là Nữ Vương trời đất; vì thế chức vị của Người trổi vượt trên chức vị của mọi vật thụ tạo. Cho nên Ðức Maria nhận biết nhiều vật nơi Thiên Chúa hơn tất cả chư thần chư thánh, tóm lại trên mọi vật thụ tạo trong vũ trụ.
V. Hệ luận. Ðức Maria với Chúa Thánh Thần. Vì nơi Mẹ Maria, những kỳ diệu của Thiên Chúa bắt đầu được bày tỏ cũng là chính những kỳ diệu mà Chúa Thánh Thần sắp thực hiện trong Giáo Hội. Bởi đó trước khi bước sang đoạn III bàn về thiên chức của Ðức Maria đối với Giáo Hội, thiết tưởng ở đây nên nhắc đến những điều sách GLGHCG đã nói về công trình của Chúa Thánh Thần nơi Ðức Maria :
1o Ðức Maria là kỳ công kiệt tác của Chúa Con và Chúa Thánh Thần; và trong chương trình cứu độ, chính Chúa Thánh Thần đã chuẩn bị để Ðức Maria được Chúa nhìn nhận là Chỗ Ở đầu tiên, cho Chúa Con và Chúa Thánh Thần cư ngụ giữa loài người.
2o Thánh Thần đã chuẩn bị Ðức Maria bằng ân sủng. Mẹ "đầy ân sủng". Chỉ nhờ ân sủng, Mẹ đã được thành thai, không mắc tội, như là thụ tạo khiêm tốn nhất, xứng đáng nhất để đón nhận hồng ân khôn tả của Ðấng Toàn Năng.
3o Nơi Ðức Maria, Thánh Thần thực hiện ý định nhân từ của Chúa Cha. Chính do Chúa Thánh Thần, Ðức Trinh Nữ đã thụ thai và sinh hạ Con Thiên Chúa; nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần và đức tin, Mẹ sinh con mà vẫn trinh khiết vẹn tuyền một cách độc nhất vô nhị.
4o Nơi Ðức Maria, Thánh Thần "cho thấy" Con Chúa Cha trở thành Con Ðức Trinh Nữ. Mẹ là "bụi gai rực cháy" của cuộc Thần Hiện tối hậu : đầy tràn Thánh Thần, Mẹ giới thiệu Ngôi Lời tự hạ trong xác phàm cho những "người nghèo" cũng như cho những đại diện đầu tiên của các dân tộc để họ nhận biết Người.
5o Cuối cùng, nhờ Ðức Maria, Thánh Thần bắt đầu làm cho "loài người Chúa thương" được hiệp thông với Ðức Kitô. Những kẻ khiêm nhu bao giờ cũng là kẻ đầu tiên đón nhận Người: các mục đồng, các đạo sĩ, Simeon và Anna, đôi tân hôn ở Cana và các môn đệ đầu tiên.
6o Sau những công trình kỳ diệu Chúa Thánh Thần đã thực hiện nơi Mẹ, Ðức Maria trở nên "Người Nữ", Evà mới, "mẹ chúng sinh", Mẹ của "Ðức Kitô toàn diện". Chính với tư cách này, Mẹ hiện diện với nhóm Mười Hai, "đồng tâm nhất trí siêng năng cầu nguyện", khi Thánh Thần khai mở "thời đại cuối cùng", với việc giới thiệu Hội Thánh vào sáng ngày lễ Ngũ Tuần (số 722-726).
ÐOẠN III
NHỮNG THIÊN CHỨC CỦA ÐỨC MARIA
ÐỐI VỚI CHÚNG TA
[Up] [Thân Mẫu TC: mẹ thiêng liêng chúng ta] [Thân Mẫu TC: Đấng Trung Gian]
Dẫn nhập. Sau khi đã bàn về thiên chức của Ðức Maria đối với Thiên Chúa và về sự thánh thiện tuyệt vời của Người, bây giờ phải bàn về những thiên chức của Ðức Maria đối với Chúa Giêsu toàn diện, tức là các tín hữu và các mục tử, là những phần tử của Hội Thánh. Chính vì thế mà đoạn này cũng có thể mang tên là những thiên chức của Ðức Maria đối với Hội Thánh.
Chúa Kitô đã nhập thể để hoà giải nhân loại với Thiên Chúa, bằng cách xoá bỏ tội lỗi của con người, giải thoát họ khỏi nô lệ ma quỉ và khỏi án phạt, hoàn lại cho họ ân sủng và tình nghĩa với Thiên Chúa, cùng đưa họ đến sự sống muôn đời. Chắc chắn đó là điều Chúa Giêsu có thể thực hiện :
a) Theo tư cách là thủ lãnh của toàn thể nhân loại sa ngã, cần phải được vực dậy;
b) Theo tư cách là trung gian đệ nhất và duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại, với ba thứ quyền bính và ba thừa tác vụ: quyền thánh hoá bởi chức tư tế; quyền giáo huấn bởi loan báo Tin Mừng; quyền cai quản bởi thiết lập và áp dụng luật pháp, bởi quyền tài phán, và bởi công việc phục vụ.
c) Như Vua và Chúa của muôn loài và của toàn thể thụ tạo.
Vậy để cộng tác vào mục đích ấy, Ðức Trinh Nữ rất thánh thiện Maria đã được đặt làm Mẹ Thiên Chúa Cứu chuộc; vì thế phải hiệp lực với Chúa Kitô Cứu Thế trong toàn thể công trình và trong mỗi công việc của Chúa Cứu Thế. Hiệp lực:
a) Với Chúa Kitô thủ lãnh, theo tư cách là Mẹ thiêng liêng hay là nghĩa mẫu của chúng ta;
b) Với Chúa Kitô trung gian, theo tư cách là Ðấng trung gian đệ nhị, lệ thuộc vào Chúa Kitô;
c) Với Chúa Kitô Vua vũ trụ, theo tư cách là Nữ Vương và Bà Chúa muôn loài, tham dự vào vương quyền và sự cai quản của Chúa Giêsu.
Ba điều đó làm thành những thiên chức và công tác xã hội của Thân Mẫu Thiên Chúa đối với Giáo Hội, hay đối với chúng ta. Bởi đó, theo tương quan đối với chúng ta Ðức Maria có ba thiên chức: là mẹ thiêng liêng của mọi người, nhất là của các tín hữu; là trung gian đối của những người du hành đức tin trên dương thế; là Nữ Vương chư thần chư thánh. Bởi vậy đoạn này gồm ba chương:
Chương I. Về Thân Mẫu Thiên Chúa như mẹ thiêng liêng của chúng ta.
Chương II. Về Thân Mẫu của Thiên Chúa như Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người.
Chương III. Về Thân Mẫu của Chúa Giêsu như Nữ Vương trời đất.
Chương I
Về Thân Mẫu của Thiên Chúa
như mẹ thiêng liêng của chúng ta
[Up] [Sự thực hữu về thiên chức] [Bản tính thiên chức làm mẹ 2] [Cách thực thi thiên chức làm mẹ]
Dẫn nhập. Ý nghĩa của hạn từ Mẹ nhân loại. 1. Hạn từ "mẹ" được hiểu theo nghĩa bóng để chỉ người phụ nữ đã có can đảm hành động để cứu vớt chúng ta. Hạn từ ấy cũng được dùng để chỉ những vị đáng kính về tuổi tác hoặc vì địa vị trong cộng đồng tôn giáo hay xã hội. Nhưng theo ý nghĩa đích thức hạn từ ấy được dùng để chỉ người phụ nữ đã ban sự sống cho chúng ta; để nói lên người mẹ thật ta dùng hạn từ thân mẫu. Theo Kitô giáo, ngoài sự sống tự nhiên còn có sự sống của ân sủng, vì thế cần xác định.
2. Mẹ tự nhiên và mẹ thiêng liêng. Ðức Maria không phải là mẹ tự nhiên của chúng ta. Ðôi khi, hình như thiên hạ muốn coi Ðức Maria là mẹ tự nhiên của chúng ta, vì khi mặc lấy bản tính loài người Chúa Giêsu đã trở nên anh em của chúng ta theo bản tính nhân loại; vậy nếu Ðức Maria là thân mẫu của Chúa Giêsu theo bản tính loài người, thì Người cũng là mẹ tự nhiên của chúng ta! Nhưng nếu hiểu như thế, thì Ðức Giêsu là anh em chúng ta theo nghĩa rất rộng, biểu thị bất cứ thứ thân thích họ hàng nào, nhưng là họ hàng trong ông Ađam, chứ không phải trong Ðức Maria: Chúa Giêsu cũng như chúng ta đều là miêu duệ của ông Ađam. Nhưng điều đó không đủ để chúng ta được gọi và thực sự là con cái tự nhiên của Ðức Maria, vì Người không ban cho chúng ta bản tính và sự sống tự nhiên. Nếu đủ, thì mẹ của bất cứ người nào cũng sẽ là mẹ của mọi người, vì mọi người đều là anh chị em, con cái, cháu chắt, chút chít… có cùng một bản tính nhân loại.
3. Mẹ thiêng liêng. Nhưng Ðức Maria là Mẹ thiêng liêng của chúng ta trong lãnh vực ân sủng, vì Người đã cộng tác với Con mình là Chúa Cứu Thế, để tái lập tình nghĩa của chúng ta với Thiên Chúa, để tái sinh, để bảo vệ và kiện toàn chúng ta trong sự sống thiêng liêng của ân sủng. Như thế Ðức Maria là nghĩa mẫu của chúng ta, tức là đã thừa nhận chúng ta làm những dưỡng tử hay nghĩa tử của Người: vì chính Chúa Giêsu, là Con Ðức Maria cũng là Ðấng Cứu chuộc chúng ta, và ban ơn tái sinh cho chúng ta, là anh trưởng của chúng ta trong đời sống siêu nhiên. Ở đây, vì chúng tôi coi hai hạn từ nghĩa mẫu và mẹ thiêng liêng như những hạn từ đồng nghĩa, nên chúng tôi dùng lối nói mẹ thiêng liêng. Vì thế trong ba tiết dưới đây chúng tôi sẽ nói về:
Tiết I.
Sự thực hữu của thiên chức
làm mẹ thiêng liêng
I. Lời nói đầu. Thiên chức làm mẹ thiêng của Ðức Maria đối với chúng ta là thực tại vẫn có trong Giáo hội, nhưng không luôn luôn được ý thức và nhìn nhận cách minh bạch như ngày nay. Qua lịch sử của Giáo Hội, chúng ta có thể khẳng định rằng, như trong CÐC Epheso Ðức Maria được tuyên xưng là Thân Mẫu Thiên Chúa, thì trong CÐC Vatican II Ðức Maria được tuyên xưng là mẹ thiêng liêng của chúng ta. Ðó là điều chúng tôi muốn làm sáng tỏ.
II. Ðề luận XXXI. Ðức Maria, Thân mẫu của Thiên Chúa làm người, đích thực là mẹ thiêng liêng, đã sinh ra chúng ta trong đời sống siêu nhiên.
III. Chứng minh. A. Thánh Kinh. 1. Ðược công bố trên đồi Calvario. Trên đồi Calvario, "Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Ðức Giêsu đã nói với thân mẫu rằng: Thưa Bà, đây là con của Bà. Rồi người nói với môn đệ: Ðây là mẹ của anh" (Ga 19,26-27). Giải thích những lời đó, Ðức Gioan Phaolô II nói: "Qua những lời đó, Ðức Giêsu trên thập giá đã thiết lập một mối tương quan thân mật giữa Ðức Maria và người môn đệ yêu dấu, hình ảnh tiên trưng mang tầm kích phổ quát; Chúa có ý muốn cống hiến bà mẹ của mình làm mẹ hết mọi người". Mà Ðức Maria đã là Mẹ hết mọi người thì là nghĩa mẫu, là Mẹ thiêng liêng của chúng ta theo ý nghĩa đã xác định trên.
2. Nhưng thực tại đã có từ khi Ngôi Lời nhập thể. Trên đồi Calvario, khi trối trăng như thế, Chúa Giêsu chỉ chính thức và công khai công bố sự kiện đã có một cách thiết thực từ khi Ngôi Lời nhập thể trong lòng Ðức Trinh nữ Maria, vì thánh Phaolô đã viết: "Nhưng khi thời gian đã đến hồi viên mãn, Thiên Chúa đã cử Con mình tới, được cấu thành từ người đàn bà, dưới lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta được nhận ơn làm nghĩa tử" (Gl 4,4-5). Khi giải thích ơn làm nghĩa tử ở đây, thánh Thomas viết: "qua Con tự nhiên của Thiên Chúa, chúng ta được nhận làm nghĩa tử theo ân sủng, nhờ Ðức Kitô". Nếu chúng ta thực sự được thừa nhận làm nghĩa tử trong khi Chúa Giêsu, là Con Thiên Chúa đã trở thành Con Ðức Maria như thế, thì quả Ðức Maria là nghĩa mẫu, là Mẹ thiêng liêng chúng ta.
3. Hơn nữa, thực tại đó đã được tiền định từ đời đời. Thánh Phaolô cũng viết: "Trong Ðức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ […] Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho chúng ta làm nghĩa tử nhờ Ðức Giêsu Kitoâ" (Ep 1,4-5). Nhưng đã tiền định cho chúng ta làm nghĩa tử trong Ðức Kitô, ắt cũng đã tiền định cho chúng ta làm nghĩa trong Ðức Maria, vì trong Hiến Chế tín lý về Giáo Hội của CÐC Vaticano II có viết : "Từ muôn đời, Ðức Trinh Nữ đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa, […]". Rồi Hiến Chế kết luận: "Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Người là Mẹ thật chúng ta" (số 61). Là Mẹ trên bình diện ân sủng tức là nghĩa mẫu, là Mẹ thiêng liêng vậy.
4. Vì chúng ta có họ thiêng liêng với Chúa Giêsu. Thánh Phaolô còn viết: "Những ai Thiên Chúa đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc" (Rm 8,29). Như thế, Chúa Giêsu đã nhận chúng ta làm em của Người khi Người thông cho ta sự sống thần linh của Chúa Cha; lại vì chúng ta là chi thể của nhiệm thể (Rm 12,5), mà Người là đầu (Ep 4,15). Hơn nữa, Chúa Giêsu cũng tình nguyện hiến thân để chúng ta được sống sự sống thần linh, và được sống dồi dào (Xc. Ga 3,15-16; 10,10).
Vậy vì cưu mang Ðức Giêsu, như căn nguyên của sự sống siêu nhiên, nên Ðức Maria quả là căn nguyên đích thực để Ðức Kitô là anh trưởng chúng ta, và chúng ta là một đàn em của Người trong ân sủng. Quả thực, ưng thuận cưu mang Con mình, và ưng thuận làm mẹ của người Con ấy, tức là ưng thuận làm mẹ cả một đàn em của Con mình. Mà làm Mẹ cách đó là nghĩa mẫu, là mẹ thiêng liêng. Cho nên Ðức Maria đã được tiền định, và đã thực sự làm nghĩa mẫu, làm mẹ thiêng liêng chúng ta.
B. Truyền thống của Giáo hội. Giáo hội vẫn luôn luôn nhìn nhận Ðức Maria đã can thiệp trong mầu nhiệm nhập thể, trong việc dâng Chúa Giêsu vào Ðền thờ, trong việc tăng thêm rượu tại tiệc cưới Cana, và trong việc hiến tế Chúa Giêsu trên đồi Calvario. Vì là những điều đã ghi trong Thánh Kinh.
1.      Nhưng ngay trong những thế kỷ đầu, thánh Justinus đã viết: "Bà Eva…sinh ra sự bất tuân và sự chết. Trái lại, Ðức Maria… sinh ra Con Thiên Chúa, nhờ Thiên Chúa … mà giải thoát những người thống hối và tin vào Thiên Chúa cho khỏi chết"; thánh Irenaeus đã quả quyết: "Ðức Maria, nhờ vâng phục, đã trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho mình và cho toàn thể nhân loại"; rồi nói chung các thánh Epiphanius, Augustinus, và Hieronymus đã so sánh và đối lập Ðức Maria, như người mẹ mang lại sự sống, với bà Eva, người mẹ đưa đến chỗ chết. Thánh Alberto cả, thánh Bonaventura đã bàn rõ ràng về thiên chức làm mẹ thiêng liêng của Ðức Maria. Thánh Thomas, dù trong các sách giáo lý, không bao giờ gọi Ðức Trinh Nữ Maria là mẹ, nhưng trong những lời kinh thì luôn luôn kêu cầu Ðức Maria là Mẹ, như "Mẹ các tín hữu"; Mẹ duy nhất: "Lạy Mẹ duy nhất, là cửa thiên đàng, là đấng bầu chủ cho các tội nhân, con cũng xin mẹ, khi đến giờ con chết ….; thánh Antoninus trong bộ Tổng luận Luân lý đã minh thị đề cập đến thiên chức làm mẹ thiêng liêng của Ðức Maria.
2.      Nhưng chính các Ðức Giáo Hoàng mới là những vị nhạy bén về truyền thống đối với mẫu hệ thiêng liêng của Ðức Maria. Chẳng hạn Ðức Benedictus XIV đã viết những dòng tuyệt vời về vấn đề này; những dòng đã được CÐC Vaticano II lược tóm trong Hiến chế về Giáo Hội (số 53).
B. Giáo huấn của Giáo Hội. Thiết tưởng ở đây chỉ cần nhắc đến Giáo huấn của CÐC Vaticano II. Công đồng này đã nói về thiên chức làm mẹ thiêng liêng của Ðức Maria một cách như say sưa nồng nhiệt, như chân lý đã được chất chứa trong thâm tâm của các Nghị phụ và được bột phát ra. Thực vậy, trong Hiến chế Ánh sáng muôn dân, CÐC Vaticano II đề cập đến thiên chức làm mẹ thiêng liêng của Ðức Maria đến 13 lần cả thảy. Và đây là lời của Công đồng:
1o "Vì thuộc dòng dõi Ađam, Ðức Maria cũng liên kết với tất cả mọi người cần được cứu rỗi; hơn nữa, Người thật là Mẹ các chi thể của Chúa Kitô, vì đã cộng tác trong đức ái để sinh ra các tín hữu trong Giáo Hội, là những chi thể của Ðầu ấy" (số 53).
2o "Giáo Hội Công giáo, được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, dâng lên Ðức Maria tình con thảo, như đối với một người mẹ rất yêu dấu" (số 53).
3o "Thánh Công Ðồng muốn làm sáng tỏ vai trò của Ðức Nữ Trinh trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể và trong Nhiệm Thể, cũng như làm sáng tỏ bổn phận của những người được cứu độ đối với Mẹ Thiên Chúa và Mẹ nhân loại, cách riêng Mẹ các tín hữu" (số 54).
4o "Và cuối cùng chính Chúa Giêsu Kitô khi hấp hối trên thập giá đã trối Người (Ðức Maria) làm Mẹ của môn đệ qua lời này : "Thưa Bà, này là con Bà" (số 58).
5o "Vai trò làm mẹ của Ðức Maria đối với loài người không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò trung gian duy nhất của Chúa Kitô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực của sự trung gian ấy" (số 60).
6o "Ðức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy trên bình diện ân sủng, Người là Mẹ chúng ta (số 61).
7o Trong nhiệm cục ân sủng, Ðức Maria luôn tiếp tục thiên chức làm mẹ, từ khi Người tin tưởng ưng thuận trong ngày Truyền tin, sự ưng thuận mà Người đã không ngần ngại giữ vững bên thập giá, cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu độ mọi người được tuyển chọn" (số 62).
8o "Với tình từ mẫu, Người chăm sóc những anh em của Con Người đang lữ hành trên đường dương thế và đang gặp bao nguy hiểm, thử thách, cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời" (số 62).
9o "Vai trò (trung gian) tùy thuộc ấy của Ðức Maria, Giáo Hội không ngần ngại tuyên xưng, mà luôn nghiệm thấy, và nhắn nhủ các tín hữu ghi nhớ trong lòng, để nhờ sự nâng đỡ và phù hộ từ mẫu của Người, họ gắn bó mật thiết hơn với Ðấng Trung gian và Cứu Thế" (số 62).
10o "Nhưng người Con mà Người đã sinh ra, Thiên Chúa đã đặt làm trưởng tử trong nhiều anh em, nghĩa là các tín hữu, mà Người cộng tác vào việc sinh hạ và giáo dục với tình thương của một người mẹ" (số 63).
11o "Do đó, trong công cuộc tông đồ, Giáo Hội có lý để nhìn lên Ðấng đã sinh ra Ðức Kitô, là người đã được tượng thai bởi Chúa Thánh Thần và được sinh ra bởi Ðức Trinh Nữ, để nhờ Giáo Hội, cũng sinh ra và lớn lên trong lòng các tín hữu. Ðời sống của Ðức Nữ Trinh là một gương sáng của tình mẫu tử thắm thiết" (số 65).
12o "Phần các tín hữu, hãy nhớ rằng lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự mê tín phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Ðức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến, và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta" (số 67).
13o "Tất cả mọi Kitô hữu hãy thiết tha khẩn nguyện Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ loài người, để như Người đã hiệp thông trong những lời cầu nguyện sơ khởi của Giáo Hội, thì ngày nay, được siêu tôn trên các Thần Thánh trên trời, trong sự hiệp thông với toàn thể các Thánh, cũng cầu khẩn cùng Con Người, cho đến khi mọi gia đình của muôn dân, hoặc mang danh hiệu Kitô hữu, hoặc chưa biết Ðấng Cứu Chuộc mình, được hân hoan đoàn tụ thành một dân duy nhất của Thiên Chúa, trong an bình và hoà thuận, hầu tôn vinh Một Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh" (số 69).
C. Lẽ Thần học. 1. Về phía Thiên Chúa.
a) Ðối với Chúa Cha. Thánh Giacôbê viết : "Thiên Chúa đã tự ý dùng Lời chân lý mà sinh ra chúng ta"; mà tự ý sinh ra chúng ta, hay là sinh ra chúng ta theo ý muốn, là thừa nhận chúng ta làm nghĩa tử. Ở đây chúng ta thấy ý nghĩa thâm trầm của việc thiên sứ Gabriel thỉnh ý Ðức Trinh Nữ Maria khi loan báo cho Người thụ thai và sinh hạ Con Ðấng Tối Cao. Vì khi gẫm suy cuộc đàm thoại giữa thiên sứ Gabriel. Thánh Phêrô Canisio đã viết: "Ðấng Thượng trí hằng hữu đã tôn trọng thiếu nữ Maria, đến nỗi không khởi công thực hiện mầu nhiệm cứu chuộc, nếu Ðức Trinh Nữ không ưng thuận trước, ngõ hầu Trinh Nữ được trở nên Mẹ Ðấng Emmanuel một cách có ý thức và tự do"; thánh Bernardo còn như hối thúc Ðức Trinh Nữ ưng thuận cho mau lẹ, người than thở: "Lạy Trinh Nữ, giá cứu độ đã được đệ trình lên Trinh Nữ. Trinh Nữ ưng thuận thì lập tức chúng con được cứu thoát. Ôi Trinh Nữ thánh thiện, xin ngài hãy mau mau trả lời đi. Chính Thiên Chúa, là Vua chúng con, đã quyết định thực hiện việc cứu thế trong Trinh Nữ và nhờ Trinh Nữ".
Chúng ta đã biết CÐC Vaticano dạy về điểm này như thế nào rồi.
Vậy Chúa Cha đã nhờ Ðức Trinh Nữ Maria như thân mẫu để sinh ra Con thật của Mình theo bản tính loài người, thì có nhờ Ðức Maria như nghĩa mẫu để sinh ra các nghĩa tử thì cũng là điều rất xứng hợp, vì mục đích của việc nhập thể là tái sinh chúng ta trong ân sủng.
a.      Ðối với Chúa Con. Chúa Con sinh xuống trần gian để chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa, được trở thành nghĩa tử của Người. Ðó là điều thường được nhắc đến trong Phụng vụ, nhất là trong Mùa Giáng Sinh. Mà Con Thiên Chúa khi xuống thế gian cũng trở thành Con Ðức Maria. Nên chúng ta vừa là những nghĩa tử của Thiên Chúa, vừa là những nghĩa tử của Ðức Maria thì quả là điều xứng hợp.
b.      Ðối với Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần đã kiến tạo thân thể của Con Thiên Chúa, của Ngôi Lời nhập thể, và kiến tạo trong cung lòng Ðức Maria. Nhưng Chúa Thánh Thần cũng kiến tạo, cũng tái sinh những nghĩa tử theo hình ảnh của Con Thiên Chúa, để làm nên nhiệm thể của Chúa Kitô. Cho nên Chúa Thánh Thần kiến tạo những nghĩa tử ấy làm một với Ðức Maria là điều xứng hợp.
2. Về phía chúng ta. Trong lãnh vực ân sủng và nghĩa tử, chẳng những chúng ta có Thiên Chúa làm Cha, có Ðức Kitô làm anh, lại có cả Ðức Maria làm mẹ nữa thì quả là xứng hợp. Vì thế chính Thân Mẫu của Thiên Chúa nhập thể cũng là Mẹ chúng ta thì xứng hợp.
1.      Về chính công cuộc cứu chuộc. Công cuộc này có hoàn toàn tương phản với việc sa ngã và huỷ hoại loài người mới thích hợp. Vậy, như trong việc sa ngã có cả một nguyên lý toàn diện của sự huỷ diệt, là Adam thuỷ tổ loài người, và bà Evà là trợ tá; thì trong công cuộc cứu chuộc cũng có cả một nguyên lý toàn diện của sự cứu độ và phục sinh, ấy là Ađam mới là Ðức Kitô cùng với Ðức Maria, Thân Mẫu của Người là trợ tá, đồng thời là mẹ thiêng liêng "của chúng sinh" trong ân sủng thì mới xứng hợp.
2.      Về việc xây dựng nhiệm thể. Thánh Phaolô viết: "Chính Người (Chúa Giêsu) đã ban ơn cho kẻ này làm tông đồ, người nọ làm ngôn sứ… Nhờ đó, các thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Ðức Kitô…". Vậy nếu mỗi người trong Giáo Hội đều được ơn riêng biệt để cộng tác trong việc xây dựng nhiệm thể Chúa Giêsu; thì Ðức Maria, đã là cộng sự viên quảng đại và đã cộng tác cách đặc biệt hơn mọi người khác vào công trình của Ðấng Cứu Thế, có là người "mẹ anh hùng", có là nghĩa mẫu của chúng ta cũng là điều thích hợp. Hơn nữa theo chương trình của Chúa Quan Phòng, Ðức Maria đã trở nên Mẹ cao trọng của Ðấng Cứu Chuộc thần linh, thì Người có là Mẹ thiêng liêng của Nhiệm thể Chúa Giêsu cũng là điều đích đáng. Thành thử CÐC Vaticano II đã dạy: "Ðức Maria thật là Mẹ các chi thể (của Chúa Giêsu)… vì đã cộng tác trong đức ái để sinh ra các tín hữu trong Giáo Hội là chi thể của Ðầu ấy" (LG số 53).
IV. Hệ luận. 1. Ðức Maria làm mẹ thiêng liêng chúng ta lúc nào? CÐC Vaticano II đã trả lời cho câu hỏi này rồi. Ðiều này sẽ được bàn giải tỉ mỉ hơn ở trg 192-193.
2. Thiên chức làm nghĩa mẫu, dưỡng mẫu hay mẹ thiêng liêng của Ðức Maria, không phải chỉ là một danh nghĩa xã hội, có tính cách pháp lý và hoàn toàn bề ngoài. Vì đây là sự nhận nghĩa tử theo hình ảnh của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa; mà việc nhận nghĩa tử của Thiên Chúa khác với sự nhận nghĩa tử của loài. Thiên Chúa nhận chúng ta làm nghĩa tử là hoàn toàn do lòng thương yêu quảng đại của Người; mà lòng thương yêu của Thiên Chúa là thương yêu giáng phúc và thông sự lành cho chúng ta. Sự nhận nghĩa tử của Thiên Chúa lại có tính cách tái sinh, cho nên ban ân sủng, làm cho chúng ta thiết thực thông phần bản tính Thiên Chúa.
Tiết II (thiếu phần đầu)
Về bản tính của thiên chức
làm mẹ thiêng liêng
 (Tiếp theo)

III. Cốt tính của mẫu hệ thiêng liêng. Như thế ơn thánh hoá của Ðức Maria chẳng những lệ thuộc vào ơn thánh hoá của Chúa Giêsu về nguồn gốc, mà còn về sự sung mãn và về mục đích nữa.
Mọi hoạt động siêu nhiên đều phát xuất bởi ân sủng, hay bởi ơn thánh hoá như bởi căn nguyên mô thể; mọi hoạt động từ mẫu của Ðức Maria cũng phát xuất bởi ân sủng rất hoàn bị của Người như bởi căn nguyên mô thể, thứ ân sủng hoạt động qua các nhân đức thần hướng phú bẩm, thứ ân sủng mà Người nhận được từ Con của Người. Vì thế, tương tự như Chúa Giêsu, ân sủng ấy vừa có tính cách cá thể: thánh hoá và kiện toàn bản thân Ðức Maria, vừa có tính cách xã hội và phổ cập: thánh hoá tha nhân. Bởi vậy, như ơn quán tập vô cùng vô tận, dẫn xuất từ việc ngôi hiệp, là như mô thể cấu tạo nên ơn thủ lãnh của Chúa Giêsu, thì ân sủng đầy tràn (Lc 1,28), do mẫu hệ thần linh đòi hỏi, và phát xuất từ ân sủng vô cùng vô tận của Chúa Kitô, cũng làm nên cốt tính của mẫu hệ thiêng liêng. Quả thực, ân sủng tràn đầy này là mô thể đời sống thần linh của Người, cũng là căn nguyên mô thể của hoạt động từ mẫu của Người, để tái sinh nhân loại về ân sủng trong Chúa Kitô. Vì thế có thể gọi mẫu hệ thiêng liêng này là ơn từ mẫu (gratia maternalis).
Như vậy, mẫu hệ thiêng liêng của Ðức Maria là mẫu hệ về ân sủng, và hệ tại sự cộng tác đặc biệt của Người với Chúa Kitô, Con của Người, trong việc sinh hạ các tín hữu trong đời sống thần linh, là những chi thể của Chúa Kitô. Là sự cộng tác vào việc tái sinh nhân loại trong ân sủng hay trong đời sống siêu nhiên. Thành quả của sự tái sinh là đời sống mới của nhân loại trong Thiên Chúa.
IV. Ðề luận XXXII. A. Bản tính mẫu hệ thiêng liêng của Ðức Maria đối với loài người là ân sủng tràn đầy, phát xuất từ ân sủng vô cùng vô tận của Chúa Giêsu, và B. có thể gọi ân sủng tràn đầy này bằng biệt danh và cách toàn ứng là ơn từ mẫu.
V. Chứng minh. Phần A. 1. Theo thánh Phaolô, trong lãnh vực ân sủng, mọi hoạt động theo bất cứ dạng thức, kích thước, và phương hướng nào đều mang theo ân sủng của Thiên Chúa, giúp cho chúng được hoàn thành. Như thế, dù có nhiều chức năng, nhiều đặc sủng dành cho các chi thể khác nhau của Chúa Kitô, như những cộng sự viên của Thiên Chúa, nhưng tất cả đều phát xuất bởi một căn nguyên là Ðức Giêsu Kitô, và qui hướng về một mục đích là vinh danh Thiên Chúa và viên thành Nhiệm thể Chúa Kitô.
Vậy, theo thánh Thomas, Thiên Chúa ban ân sủng cho mỗi người tùy theo sứ vụ mà Người uỷ thác cho ai nấy thi hành. Mà vì Chúa Kitô, như phàm nhân, đã được tiền định, được tuyển chọn "và đặt lên làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng để thánh hoá" (Rm 1,4), nên được, như sở hữu, ân sủng sung mãn dường ấy đến độ tràn sang mọi người, theo lời thánh Gioan: "Nhờ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác" (Ga 1,16). Còn Ðức Maria được ân sủng đầy tràn dường ấy vì được gần gũi căn nguyên của ân sủng, đến độ được đón nhận vào mình Ðấng tràn đầy mọi ân sủng; và khi sinh ra Ðấng ấy thì một cách nào đó đã chuyển thông ân sủng đến mọi người.
2. Nhiệm cục ân sủng hiện nay hệ tại việc Chúa Cha cử Con của mình xuống làm Ðấng Cứu Chuộc chúng ta; đồng thời cũng đặt Người làm anh trưởng giữa đàn em đông đúc; đàn em mà Thiên Chúa đã nhận làm nghĩa tử. Nhưng để nhiệm cục này trở thành hiện thực, Thiên Chúa cũng tiền định cho Ðức Maria cộng tác rất đặc biệt, ấy là sinh ra Ðấng Cứu Chuộc nhân loại. Mà sinh ra Ðấng cứu chuộc nhân loại, hay Ðấng giúp chúng ta thành nghĩa tử của Thiên Chúa, tức là công tác của nghĩa mẫu hay là mẹ thiêng liêng vậy. Mẫu hệ làm cho Thiên Chúa trở thành Con phàm nhân, và để người Con này làm cho phàm nhân trở thành con Thiên Chúa tức là mẫu hệ thiêng liêng. Cho nên mẫu hệ thiêng liêng của Ðức Maria hàm chứa trong mẫu hệ thần linh của Người.
Phần B. (Có thể gọi ân sủng tràn đầy này bằng biệt danh và cách toàn ứng là ơn từ mẫu). 1. Biệt danh, vì biểu thị sứ vụ riêng biệt là cộng tác với Chúa Giêsu để tái sinh nhân loại.
2. Toàn ứng, vì sứ vụ của Ðức Maria bao trùm mọi công tác cứu độ: Trong mọi sự chỉ có Người là Mẹ, cũng như trong mọi sự chỉ có Chúa Giêsu là Ðầu và là Căn nguyên tái sinh nhân loại. Mẫu hệ thiêng liêng luôn luôn lệ thuộc, luôn luôn dẫn xuất, luôn luôn cộng tác, luôn luôn tương tự như ơn thần hoá của Chúa Kitô, và nếu ơn thánh hoá của Chúa Giêsu được mệnh danh là ơn thủ lãnh, thì ơn phát xuất do sự cộng tác của Mẹ Maria có thể gọi là ơn từ mẫu (gratia maternalis). Phải chăng cha M. Llamera đã có công sáng tác ra dụng ngữ ơn từ mẫu? vì cha Laurentin đã tán đồng dụng ngữ đó mà cho là công thức may mắn; cha Galot cũng tán đồng dụng ngữ ấy. Vậy Ðức Maria, xét như con đường để Thiên Chúa đến với chúng ta và để chúng ta đến với Thiên Chúa, có thể gọi là mẫu lộ, thì ơn thánh do Ðức Maria cộng tác với Chúa Giêsu, là thủ lãnh, để chuyển thông cho chúng ta mà gọi là ơn hiền mẫu hay ơn từ mẫu thì quả là chí lý.
VI. Hệ luận. Vì mẫu hệ thiêng liêng của Ðức Maria lệ thuộc vào mẫu hệ thần linh của Người, nên cũng như mẫu hệ thần linh, ta có thể phân tách mẫu hệ thiêng liêng của Ðức Maria thành nhiều giai đoạn:
1o Giai đoạn chuẩn bị. Giai đoạn này bắt đầu từ khi Ðức Maria được tượng thai trong lòng bà thánh Anna. Ngay từ lúc đó, Ðức Trinh Nữ đã được chuẩn bị để trở thành Mẹ xứng đáng của Thiên Chúa làm người. Giai đoạn này kéo dài cho đến khi Ngôi Lời nhập thể. Mà ơn tiền định cho Ðức Maria làm Mẹ tự nhiên của Chúa Giêsu cũng tiền định cho Người làm mẹ thiêng liêng chúng ta.
2o Giai đoạn cấu thành. Ðây là giai đoạn thụ thai và cưu mang Con Thiên Chúa làm người. Cố nhiên ân sủng của Ðức Maria trong giai đoạn này thì hoàn bị hơn giai đoạn trước, vì được đón nhận mô thể. Mà việc thụ thai và cưu mang, theo nhân loại tính, Con Thiên Chúa, Ðấng được đặt làm Thủ lãnh tái sinh nhân loại, cũng mang theo việc thụ thai mọi người cách thiêng liêng.
3o Giai đoạn hoàn chỉnh. Vì Thiên Chúa muốn rằng việc tái sinh nhân loại chỉ hoàn chỉnh trên núi Sọ, với những đau khổ của Chúa Giêsu và sự đồng cảm của Ðức Maria (compassio B.M.V.), là Ðấng liên kết mật thiết với Con của mình và với công việc của Con mình. Trong giai đoạn này thiên chức làm mẹ thiêng liêng của Ðức Maria đối với loài người được công khai tuyên bố.
4o Giai đoạn phân phát ơn tái sinh. Sự cứu chuộc và tái sinh trên núi Sọ, dù có năng lực khách thể phổ quát, vẫn đòi hỏi việc áp dụng thiết thực và cá biệt cho từng người. Hiệu lực thần hoá của thập giá được ban cho mỗi người bằng ơn nghĩa tử thần linh. Sự thần hoá liên tiếp nhân loại, được thành tựu nơi mọi người và từng người trong Giáo Hội, cũng là công việc do ơn thủ lãnh của Chúa Giêsu và do ơn từ mẫu của Ðức Maria thực hiện. Riêng ơn từ mẫu của Ðức Maria cũng bao quát, vì CÐC Vaticano II nói: "Trong nhiệm cục ân sủng, Ðức Maria luôn luôn tiếp tục thiên chức làm mẹ, từ khi tin tưởng ưng thuận trong ngày Truyền tin … cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu rỗi mọi người được tuyển chọn" (LG số 62).
Tiết III
Về những cách thức Ðức Maria
thực thi chức làm mẹ thiêng liêng
Lời nói đầu. Cuộc đời làm con Thiên Chúa của người tín hữu, từ khởi sự cho đến hoàn thành, nghĩa là từ khi bắt đầu được tái sinh trong nhiệm tích thánh tẩy, qua các giai đoạn tăng trưởng cho đến lúc hoàn bị, đều nhờ Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Vậy như chức năng căn bản của người mẹ là cưu mang, sinh hạ, dưỡng nuôi và giáo dục con cái, thì chức năng của Ðức Maria, mẹ thiêng liêng của chúng ta là cộng tác vào việc sinh hạ, dưỡng nuôi và giáo dục chúng ta trong đời sống ân sủng. Và Mẹ Maria đã thực hiện những chức năng ấy:
A. Khi còn sống trên dương thế. 1. Bằng cách hoàn toàn tình nguyện cung cấp, và thông ban cho chúng ta Ân sủng của mọi ân sủng, là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng sinh xuống trần gian để tái sinh chúng ta, và đưa ta lên hàng nghĩa tử của Thiên Chúa; và nếu xét Chúa Giêsu như nhiệm tích nói chung, là nhiệm tích ban sự sống, thì phải chăng có thể nói rằng, Ðức Maria đã phân phát nhiệm tích ban sự sống cho chúng ta?
2. Bằng cách giúp đỡ và khẩn cầu cho chúng ta, như ta thấy trong việc đi thăm gia đình ông Zacharia và bà Elisabeth để thánh hoá thai nhi Gioan; trong việc đón tiếp các mục đồng và những đạo sĩ; trong tiệc cưới Cana; dưới chân thánh giá, và trong nhà tiệc ly với các môn đệ, v.v.
3. Bằng cách nêu gương các nhân đức cho chúng ta, nhất là đức tin, cậy, mến, đức khiết tịnh, đức khiêm nhường. Cáùc nhân đức là ân sủng trong dạng thức sinh động, nên là tình trạng dồi dào, phong nhiêu của ân sủng.
B. Sau khi đã về trời. Về giai đoạn này chúng ta có thể phân biệt phạm vi lý thuyết và thực hành.
1. Trong phạm vi lý thuyết. Về điểm này CÐC Vaticano II dạy: "Sau khi về trời, vai trò của Người trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng Người vẫn tiếp tục cầu bầu nhiều cách để mang lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời".
a.       Ý nghĩa của sự cầu bầu. Cầu bầu hay chuyển cầu là một định luật hệ trọng trong nhiệm cực cứu độ như Chúa Giêsu đã nhấn mạnh, và ngay khi còn ở trần gian, Chúa Giêsu đã làm gương, và trong vinh quang trên trời, Người vẫn chuyển cầu cho chúng ta. Trong nhiệm cục ân sủng hiện nay, sự cầu bầu không có nghĩa là thiếu quyền hành, mà có nghĩa là lệ thuộc về quyền hành. Thực ra, chỉ Thiên Chúa mới là Ðấng Toàn Năng; còn Ðức Maria, dù là Thân Mẫu của Thiên Chúa, và dù đã được đưa lên chốn vinh quang, vẫn là vật thụ tạo, vẫn lệ thuộc vào Thiên Chúa.
b.      Nhưng một người lệ thuộc vào Thiên Chúa có thể nắm quyền hành lớn lao nhiều ít tùy theo uy tín hoặc thế giá của người ấy trước mặt Thiên Chúa, nghĩa là có đức ái hoàn hảo nhiều ít. Lại để thực sự chuyển cầu cho ai thì cần phải biết rõ những nhu cầu của đương sự. Vậy cả hai điều đó hội tụ rất đặc biệt nơi Mẹ Maria:
1o Trước hết về đức ái hoàn hảo của Mẹ Maria, thánh Thomas viết: "Lý do thúc đẩy ta chuyển cầu cho tha nhân là đức ái… Chư thánh trên trời càng có đức ái hoàn hảo thì càng chuyển cầu cho những người dương thế, và vị nào càng thân thiết với Thiên Chúa thì lời chuyển cầu của vị ấy hiệu nghiệm. Vậy ai yêu mến Thiên Chúa, ai yêu mến Con thần linh của mình, và ai yêu mến những đứa em của Con mình bằng Ðức Mẹ? Lại ai thân thiết với Thiên Chúa và thần thế trước mặt Thiên Chúa cho bằng Ðức Mẹ? Như thế, không ai có thể chuyển cầu cho chúng ta một cách đắc lực bằng Ðức Mẹ". Nếu do nhiệt tình tông đồ, thánh Phaolô đã có thể nói với dân Galat rằng: "Hỡi anh em, những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa cho đến khi Ðức Kito được thành hình nơi anh em". Nếu vì nhiệt tình tông đồ mà ngay khi còn tại thế, thánh Phaolô đã có thể tuyên bố như thế, thì nay ở trên trời, với tình yêu nồng nàn và bao la gấp bội, hẳn Ðức Maria càng phải liệu cách để sinh hạ, dưỡng nuôi, và giáo dục các nghĩa tử của mình, để Chúa Giêsu thành hình và tăng trưởng trong các nghĩa tử ấy !
2o Còn về kiến thức quảng bác của Mẹ Maria. Ta nên biết trong thị kiến thanh nhàn, Mẹ được đặc biệt thông dự kiến thức của Chúa Giêsu về chương trình cứu độ, về phẩm trật thiên thần và loài người, về ơn thiên triệu, về địa vị của mỗi linh hồn trong Giáo Hội chiến đấu và chiến thắng, cũng như những nhu cầu của mỗi người và những trở lực mà mỗi người phải đối đầu. Trong ánh vinh quang và theo cách thức thần linh Mẹ nhìn thấy và theo dõi đoàn con đông đảo của Mẹ. Như Thiên Chúa cưu mang toàn thể vật thụ tạo trong Ngôi Lời Vạn Năng, thì tương tự như thế Mẹ cũng cưu mang tất cả trong tâm trí từ mẫu của Người. Về điểm này CÐC Vaticano II viết: "Với tình mẫu tử Người chăm sóc những anh em của Con Ngườøi đang lữ hành trên dương thế và đang găïp bao nguy hiểm, thử thách, cho đến khi họ đạt tới phúc quê trời.
2. Trong phạm vi thực hành. CÐC Vaticano II cũng dạy: "Giáo Hội không ngần ngại tuyên xưng, mà luôn nghiệm thấy [sự can thiệp của Ðức Maria], và nhắn nhủ các tín hữu ghi nhớ trong lòng để nhờ sự nâng đỡ và phù hộ của Người, họ gắn bó mật thiết hơn với Ðấng Trung Gian và Cứu Thế" (LG 62).
Kể từ tích truyện Ðức Mẹ hiện ra với thánh Giacobê tiền ở Pilar tỉnh Zaragoza, Tây ban Nha, qua những lần hiện ra ở Âu châu, ở Trung Nam Mỹ đến Canađa, sang Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Việt Nam thì rất nhiều. Giá trị lịch sử của những lần hiện ra đó thì khác nhau; có khi chỉ là những truyền thuyết, nhưng tính cách lịch sử của nhiều lần hiện ra đã được chính thức công nhận. Ngoài những tài liệu chuyên đề, chúng ta có thể kê cứu nhiều tác phẩm khác, cũng nói về những lần hiện ra đó.
Những can thiệp này có tính cách chung cho toàn thể Giáo Hội và thế giới, hoặc riêng từng quốc gia, từng Cộng đoàn tu trì, hay riêng từng cá nhân.
Cha Giuse Phan tấn Thành đã liệt kê những lần Ðức Mẹ hiện ra, trong hai thế kỷ 19 và 20, được Giáo quyền nhìn nhận như sau:
1830- Paris, Ðức Mẹ hiện ra với chị Catherine Labouré (Dòng Nữ tử Bác ái) vào những đêm 18-19 tháng 7, 1830 và 27 tháng 11 và tháng 12, bảo chị truyền bá "ảnh vảy".
1846- La Salette (gần Grenoble, Pháp), Ðức Mẹ hiện ra ngày 19.9.1846 với hai em bé Mélanie Calvat (14 tuổi) và Maximine Giraud (11 tuổi).
1858- Lourdes, từ 11 tháng 2 đến 16 tháng 7, Ðức Mẹ hiện ra 18 lần với Bernadette Soubirous (14 tuổi).
1871- Pontmain. Ngày 17 tháng 1 một số thiếu nhi là Berbedetta, Eugène, Françoise Richer và Jeanne Labossé quả quyết đã thấy Ðức Mẹ hiện ra.
1917- Fatima, Bồ đào Nha, từ ngày 13 tháng 5 đến 13 tháng 10, Ðức Mẹ đã hiện ra 6 lần với Lucia, Phanxico, và Giacinta.
1932- Beauraing (Namur, Bỉ), từ 29 tháng 9, 1932 đến 3 tháng 1, năm 1933, 5 em nhỏ quả quyết đã thấy Ðức Mẹ hiện ra 33 lần.
1933- Banneux (Bỉ), từ ngày 25 tháng 1, Mariette Béco thấy Ðức Mẹ hiện ra, và tiếp diễn 9 lần.
1953- Syracusa (Ý). Tượng Ðức Mẹ chảy nước mắt vào những ngày 20, 31 tháng 8 và 1 tháng 9, năm 1953.
1973- Akita (Nhật bản) Tượng đức Mẹ chảy nuớc mắt.
Qua những lần hiện ra rất nhiều và khắp nơi trên thế giới, để băng bó những vết thương thể xác và tâm hồn, nhất là cảnh giác thế giới về những tai hoạ có thể xảy ra, và những phương tiện phải áp dụng để ngăn tay công thẳng của Thiên Chúa, chúng ta thấy Ðức Mẹ vẫn lấy lòng từ mẫu mà săn sóc nhân loại.
Còn sự can thiệp của Ðức Trinh Nữ trong đời sống thần bí của các linh hồn thì hẳn là khôn xiết kể.
Chương II
Về Thân Mẫu Thiên Chúa như Ðấng trung gian
giữa Thiên Chúa và loài người
Lời nói đầu. CÐC Vaticano II đã chính thức công nhận một số tước hiệu mà Giáo Hội đã dành cho Ðức Maria, như "Trạng sư, vị Bảo trợ, Ðấng phù hộ và Ðấng Trung gian". Còn bao nhiêu tước hiệu khác mà Kinh cầu Ðức Mẹ, hoặc những tức hiệu được thánh thi hay văn vần nhắc đến, đều nói lên thiên chức làm trung gian của Ðức Maria. Nhưng Công Ðồng cũng căn dặn chúng ta phải hiểu các tước hiệu ấy thể nào để không thêm bớt gì vào vinh dự và quyền năng của Ðức Kitô, Ðấng Trung gian duy nhất. Vì thế ở đây chúng tôi tìm hiểu xem Ðức Maria là trung gian như thế nào?
I. Khái niệm về sự làm trung gian. Người trung gian là người đứng giữa hai phía để làm môi giới hoà giải hai bên, hay giàn xếp công việc cho cả hai bên, do đó người trung gian phải có phần khác và có phần giống với mỗi bên.
Tính cách trung gian triệt để của Chúa Giêsu : Ðức Kito vừa là phàm nhân vừa là Thiên Chúa; là Thiên Chúa trọn vẹn và là phàm nhân trọn vẹn; nơi Người Thiên Chúa tính và nhân loại tính phối hiệp mật thiết với nhau trong một ngôi, là Ngôi Hai Thiên Chúa, nên có phần giống với Thiên Chúa, và có phần giống với loài người. Nhưng cũng phải có phần khác; mà Chúa Con không phải là Thiên Chúa khác với Chúa Cha, nên Chúa Giêsu là trung gian theo tư cách là phàm nhân : nhân loại tính của Chúa Giêsu, được Ngôi Hai Thiên Chúa cất nhắc và gồm thâu, là cây cầu duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Thánh Thomas xác định cách cụ thể: Nơi Thiên Chúa có hai điều là sự công chính [justitia]và sự bất hoại [immortalitas]; còn nơi loài người có sự bất chính [injustitia] và hư hoại [mortalitas], nên nơi Chúa Giêsu, như trung gian, có sự công chính và hư hoại; vì "Người đã tự hiến làm giá chuộc mọi người", nên Người đã hoà giải nhân loại với Thiên Chúa và làm cho Thiên Chúa hài lòng. Lại theo thánh Gioan: "Ngôi Lời đã trở nên phàm nhân…là Con Một đầy ân sủng và sự thật"… "Từø nguồn ân sủng của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác"; nhưng hiển nhiên là Chúa Giêsu đầy ân sủng theo tư cách là phàm nhân. Thánh Phaolô viết: "Chỉ có một Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Ðức Kitô Giêsu, Ðấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người" (1Tm 2,5).
Sự trung gian của Ðức Maria. Tất cả những điều trên đây nói lên sự trung gian chính yếu và phổ quát của Chúa Giêsu, chứ không khẳng định rằng Chúa Giêsu là đấng Trung gian chuyên biệt trong việc công chính hoá và cứu chuộc loài người, cũng không khẳng quyết rằng tuyệt nhiên không thể có sự cộng tác của bất cứ ai hết. Chẳng vậy cũng phải hiểu một cách chuyên biệt như thế về lời Chúa Giêsu nói: "Chỉ một Thiên Chúa là Ðấng tốt lành", và do đó chính Chúa Giêsu cũng không phải là Ðấng tốt lành, ngược với lời Người nói: "Ta là mục tử tốt lành".
"Vậy cũng như chức tư tế của Chúa Giêsu được thông ban dưới nhiều hình thức cho các thừa tác viên và các giáo dân… thì sự trung gian duy nhất của Ðấng Cứu Thế không những không loại bỏ mà còn khuyến khích các vật thụ tạo cộng tác, trong sự lệ thuộc vào nguồn mạch duy nhất".
Cố nhiên một vật thụ tạo không bao giờ có thể sánh vai hay ngang hàng với Ngôi Lời nhập thể cứu chuộc được; nhưng vì Ðức Maria đã đặc biệt đồng lao cộng khổ với Chúa Giêsu trong công cuộc cứu chuộc, nên Người quả là Ðấng trung gian, dù chỉ là thứ trung gian phụ thuộc vào Chúa Giêsu, là thứ trung gian trong Chúa Giêsu và với Chúa Giêsu.
II. Ðặt vấn đề. Phải chăng vì Ðức Maria đã cúng hiến cho nhân loại Ðấng Cứu chuộc, là nguồn mạch mọi ân sủng Thiên Chúa đã ban, đang ban và sẽ ban cho chúng ta, mà Người cũng là căn nguyên phân phát mọi ân sủng chất chứa trong Chúa Kitô, đến độ sau khi được đưa lên trời, vì lời Người chuyển cầu cho chúng ta, Ðức Maria đã trở thành trung gian phân phát mọi ân sủng của Chúa Giêsu ?
Phải chăng, do kế hoạch của Chúa Giêsu, không ai được bất cứ ơn độ trì nào mà không do sự chuyển cầu của Ðức Maria ?
III. Ý kiến. Ðạo lý về sự trung gian của Ðức Maria bị kịch liệt chống đối :
1. Bởi Jansenius, ông đổi lời kinh : "Ðức Mẹ thông ơn Thiên Chúa : Mater divinae gratiae" thành "Mẹ của Tác giả ân sủng : Mater Auctoris gratiae"; lời thánh thi "Bona cuncta posce: Xin cầu [cho chúng con] mọi sự lành" thành "Bona posce dari : Xin cầu cho ơn lành được ban xuống"
2. Nhất là bởi Muratori vào thế kỷ 18.
Từ thế kỷ 19 đến nay mọi người đều công nhận thiên chức trung gian của Ðức Maria như đã giải thích trên đây.

IV. Ðề luận XXXIII. Ðức Maria quả là đấng trung gian mọi ân sủng, giúp chúng ta được cứu độ.
V. Chứng minh. A. Thánh Kinh. 1. Cựu Ước. Trong những lời của Tiền Tin mừng, Ðức Maria được trình bày như mật thiết liên kết với Ðấng Cứu thế, như thể tham dự trong cuộc chiến thắng của Người chống con mãng xà. Nhưng không có lý do nào hiệu nghiệm để cho rằng sự tham dự này chỉ kéo dài trong một thời gian chứ không phải đến ngày thế mạt; trái lại, nếu với sự chấp thuận của Con mình Ðức Maria vẫn mãi mãi tham dự để trợ giúp mọi người chiến thắng ma quỉ thì là điều hoàn toàn thích hợp.
2. Tân Ước. Trong khi Chúa Giêsu còn sống ở trần gian, nhiều lần Ðức Mẹ đã dự phần với Chúa Giêsu khi Người thi ân giáng phúc cách công nhiên, chẳng hạn khi Chúa Giêsu thánh hoá vị Tiền hô của mình, Ðức Maria đã đóng vai dụng căn (Lc 1,44); lại khi hài nhi Giêsu được đưa ra cho các mục đồng và những hiền sĩ thờ lạy; khi Chúa Giêsu thực hiện phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới Cana (Ga 2,1-12); khi Chúa Giêsu sắp tắt thở trên thánh giá, Ngườiù trao Ðức Mẹ cho thánh Gioan và thánh Gioan cho Ðức Mẹ (Ga 19,25-27); khi Ðức Maria cùng với các Tông đồ cầu nguyện để lãnh nhận Ðấng mà Chúa Giêsu đã hứa. Trong tất cả những trường hợp ấy, Ðức Maria đã trở nên Ðấng chuyển cầu và dụng cụ ban phát ân sủng.
B. Ðạo lý của Giáo Hội. Ðức Leo XIII, trong Thông điệp Jucunda semper, ngày 8.9.1891, nói như thế này: "Trong khi sứ thần truyền tin, người ta trông chờ sự đồng ý của Ðức Maria thay thế cho cả nhân loại. Do đó, nên quả quyết cách chân chính và đúng đắn rằng, không chi được phân phát từ kho tàng vĩ đại của mọi ân sủng, mà Chúa Giêsu đã đem đến cho chúng ta… nếu không qua Ðức Maria; Ðấng do những công nghiệp của mình được quyền quản lý những kho tàng ấy". Trong Thông điệp Octobri mense, ngày 22 tháng 9 năm 1891, người viết: "Cũng như không ai có thể đến với Cha mà không qua Chúa Con, thì cũng không ai có thể đến với Chúa Con mà không qua Ðức Maria. Trong Thông điệp Ad diem illum, ngày 2 tháng 2 năm 1904, Thánh Pio X Giáo Hoàng viết: "Do việc Ðức Maria và Chúa Giêsu hiệp thông trong những đau khổ và trong ý chí, Ðức Maria đã lập công để thật xứng đáng làm Ðấng cải tạo thế giới đã hư vong; và vì thế là Ðấng phân phát mọi ân huệ, mà Người đã đạt được do cuộc tử nạn và máu thánh Chúa Giêsu. Vì Người thánh thiện và thân mật với Chúa Giêsu hơn hết mọi vật, lại được Chúa Giêsu cho liên kết trong việc cứu rỗi nhân loại. Cho nên, như các thánh nói, Người đã lập công cách xứng tiện [de congruo] cho chúng ta được những điều mà Chúa Giêsu đã lập công cho ta cách xứng đáng [de condigno], vậy Người là bà chủ quản lý và phân phát các ân sủng".
C. Các Giáo phụ. Thánh Ephraem ca tụng Ðức Maria bằng những lời lẽ sau đây: "Nhờ Mẹ, chúng con được chứng thư rất chắc chắn về sự sống lại của chúng con; nhờ Mẹ chúng con hy vọng đạt được nước trời; nhờ Mẹ, Ðấng vô nhiễm duy nhất, mọi vinh quang, danh dự và thánh thiện, từ Adam thứ nhất cho đến tận thế, đã chuyển đến, đang chuyển đến và sẽ được chuyển đến cho các Tông dồ, các Ngôn sứ, các người công chính và những ai thật tình khiêm nhường; lại mọi vật thụ tạo đều hỷ hoan trong Mẹ, hỡi Ðấng đầy ân sủng"; thánh So-phronius than thở: "Mẹ được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, vì nhờ Mẹ Chúa Cha đã tuôn đổ phúc lành cho loài người và giải thoát họ khỏi lời chúc dữ xưa"; thánh Bernardus cũng khích lệ chúng ta nhìn cao lên, xem Thiên Chúa muốn cho chúng ta tôn kính Ðức Maria dường nào, vì đã cho Ðức Maria đầy dư ân sủng; vì thế, nếu nơi chúng ta có tia hy vọng nào, có chút ân sủng nào, và có phần rỗi nào, thì chúng ta phải biết rằng, đó là từ Ðức Maria tràn ra".
D. Lẽ thần học. 1. Thánh Thomas viết: "Nơi vị trung gian cần phải cứu xét hai điều. Một là lý tính của trung gian, ấy là liên kết đôi bên. Nhưng đặc tính của vị trung gian là phải khác với cả hai bên. Vị trung gian liên kết bằng cách chuyển giao những sở hữu của bên này cho bên nọ". Ðức Maria hội đủ hai điều đó cách đặc biệt hơn ai hết. Người ở giữa Thiên Chúa và phàm nhân : theo bản tính nhân loại thì Người xa cách Thiên Chúa vô cùng, nhưng do mẫu hệ thần linh và do sự dư đầy ân sủng Người đã trở nên cao trọng hơn mọi người. Vì thế Người liên kết chúng ta với Thiên Chúa: khi thay mặt cho toàn thể nhân loại ưng thuận cho Ngôi Hai Nhập thể trong lòng mình, là Người trở thành trung gian giữa chúng ta và Thiên Chúa vào chính lúc Ngôi Lời phối hiệp với bản tính nhân loại; như vậy khi đón nhận Ðấng đầy mọi ân sủng và khi sinh hạ Ðấng ấy, thì một cách nào đó Người đã đưa dẫn ân sủng đến với mọi người.
2. Thực vậy, Ðức Maria đã sinh ra Ðấng Cứu chuộc tức là đã tình nguyện trở nên căn nguyên của ơn cứu độ. Những tiếng: "Vâng,… xin Chúa cứ làm nơi tôi những điều sứ thần nói" khai mở công cuộc cứu độ. Khi đã tự ý và tình nguyện liên kết với Ðấng Cứu chuộc, tức là Ðức Maria tình nguyện liên kết với mọi công việc của Ðấng Cứu chuộc. Vì thế, ngay từ giây phút tự ý ưng thuận đón nhận thiên chức đó và không bao giờ trừu lại, Ðức Maria đã qui hướng cuộc đời của mình vào người Con Cứu thế, và qui hướng cả cuộc đời của Con mình vào phần rỗi của mình và của chúng ta.
Vậy Chúa Giêsu đã đến để đền thay cho chúng ta, và chinh phục cho chúng ta những trợ lực cần thiết để được cứu độ.
Cho nên, Ðức Maria thật là đấng trung gian, vì đã tự ý và tình nguyện cộng tác với Chúa Giêsu trong việc cứu chuộc.
3. Xét cách cụ thể, Ðức Maria đã đặc biệt cộng tác:
Cách chuẩn bị (dispositive), khi tha thiết cầu nguyện để xin Ðấng Cứu thế đến.
Cách khởi sự (inchoative), khi tình nguyện ưng thuận thụ thai Con Thiên Chúa nhập thể.
Cách hoàn chỉnh và toàn diện (completive) khi dâng hiến Con mình để cứu độ nhân loại:
1o Thể hiện trong Ðền thờ khi cụ Simeon nói đến việc Chúa Giêsu sẽ trở nên mục tiêu chống đối, và thanh gươm sẽ đâm thâu lòng mẹ;
2o Tái diễn nhiều lần trong cuộc đời, như khi lạc mất con ba ngày; khi tìm gặp con đang giảng thuyết v.v.
3o Ðặc biệt khi đứng dưới chân thánh giá, Ðức Maria đã chịu trong tâm hồn tất cả những đau khổ mà Chúa Giêsu chịu ngoài thân thể.
4. Công nghiệp là nền tảng cần thiết để đền bù cho nhân loại. Mà sự cộng tác của Ðức Maria, từ khi ưng thuận thụ thai Ðấng Cứu thế cho đến Người chịu chết, đều hội đủ những điều kiện cần thiết để lập công cách xứng tiện. Vì lập công trong trạng thái đầy ân sủng, với y ùhướng làm đẹp lòng Thiên Chúa và mưu ích cho các linh hồn; kể cả những công việc rất gay go, đòi hỏi những hy sinh thể lý và tinh thần lớn lao. Cho nên, Thiên Chúa có chấp nhận những công việc ấy để cứu độ chúng ta thì quả là điều rất xứng hợp.
VI. Ðề luận XXXIV. Sự trung gian của Ðức Maria tuyệt nhiên không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò trung gian của Chúa Kitô (LG. 60).
VII. Chứng minh. 1. Ðể một trung gian nào đó có thể làm lu mờ sự trung gian của Chúa Giêsu, thì sự trung gian đó phải là sự trung gian của một Ðấng nhân-thần Cứu thế khác.
Nhưng Ðức Maria là "nhân", mà không phải là "thần" [Thiên Chúa], cũng không phải là Ðấng Cứu thế.
Do sự đặc tuyển và do ân sủng, Ðức Maria là Mẹ của Ðấng nhân-thần và Cứu thế duy nhất, và do cũng một sự đặc tuyển và ân sủng đó, Người đã cộng tác, như hiền mẫu, vào công trình cứu chuộc của Ðấng Cứu thế.
Vả lại, sự trung gian của Chúa Giêsu thì phổ quát tuyệt đối, trải rộng đến cả Ðức Maria: vì Ðức Maria cũng được Chúa Giêsu cứu chuộc, dù được cứu chuộc cách đặc biệt nhưng vẫn là sự cứu chuộc thiết thực, ấy là phòng ngừa cho khỏi tội tổ truyền, mà lẽ ra Người phải mắc. Ơn phòng ngừa ấy cũng như ơn làm thân mẫu Thiên Chúa, và ân sủng đầy tràn thứ nhất, là những ơn mà Ðức Maria không lập công mà đạt được, nhưng nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu (intuitu meritorum Christi). Một khi giả định sự trung gian phổ quát đó, Ðức Maria thực là trung gian đối với những người khác, phân phát cho họ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô. Như thế là Ðấng Trung gian duy nhất đã muốn cho Thân mẫu của mình cộng tác, và dự phần trong việc trung gian duy nhất của mình. Như thế sự trung gian của Ðức Maria không phải là một trung gian khác nữa, mà chỉ là một trung gian trong và với sự trung gian của Chúa Giêsu.
Thành thử tuyệt nhiên không thể làm lu mờ hay thêm bớt gì vào vai trò trung gian của Chúa Giêsu.
2. Vì "Mọi ảnh hưởng có sức cứu rỗi của Ðức Trinh Nữ Maria trên nhân loại, không phát sinh từ sự cần thiết khách thể nào" (LG số 60). Theo đó, sự cứu chuộc nhân loại nguyên nó không cần sự can thiệp của Ðức Maria; nếu Thiên Chúa muốn thì nhân loại có thể được cứu chuộc mà không cần phải có Ðức Maria. Nhưng CÐC thêm ngay: "mà từ ý định nhân lành của Thiên Chúa" (LG 60). Rõ ràng đây không phải là thứ cần thiết tuyệt đối, mà là thứ cần thiết giả định, nghĩa là vì Thiên Chúa đã muốn và an bài như thế.
Cho nên sự trung gian của Ðức Maria tuyệt nhiên không làm lu mờ….
3. Vì bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Kitô. Sự trung gian của Ðức Maria không do sự trung gian khuy khuyết nào của Chúa Giêsu, nhưng ngược lại, do ân sủng của Chúa Giêsu dư tràn sang Thân mẫu của mình; dư tràn đến nỗi ân sủng hiền mẫu và cứu chuộc của Ðức Maria cũng tràn sang các linh hồn. Sư lệ thuộc không khai trừ sự dư tràn; trái lại sự dư tràn càng giãi bày sự lệ thuộc, như chính Ðức Maria đã tuyên xưng: "Ðấng Toàn Năng đã làm cho Tôi biết bao điều cao caû" (Lc 1,49). Ðức Maria đã lãnh nhận vô vàn ơn lành của Chúa Giêsu, đến nỗi đã trở thành Ðấng ban phát. Vì thế CÐC Vatican II xác định thêm rằng: "Ảnh hưởng của Ðức Maria nương tựa và hoàn toàn lệ thuộc vào sự trung gian của Chúa Giêsu, nguồn mạch của mọi sức ảnh hưởng" (ibi).
Cho nên sự trung gian của Ðức Maria không làm lu mờ hay thêm bớt gì….
VIII. Ðề luận XXXV. Sự trung gian của Ðức Maria hoàn toàn phù hợp với sự trung gian của Chúa Kitô.
IX. Chứng minh. 1. CÐC Vatican II dạy: "Sự tốt lành duy nhất của Thiên Chúa được thông ban cho các vật thụ tạo nhiều cách" (LG 62). Vì đặc tính của điều tốt lành là thông ban chính mình; mà Ðấng Tốt lành tuyệt đối càng muốn thông ban chính mình ra nhiều thể nhiều cách.
Trong lãnh vực hoạt động, thánh Thomas dạy: "không phải vì nơi Thiên Chúa thiếu quyền năng, nhưng vì lòng nhân lành tràn đầy, mà Thiên Chúa cũng ban cho các vật thụ tạo chức năng làm căn nguyên. "Nhờ việc quản trị mà các vật hạ cấp được hướng dẫn tới chỗ hoàn bị, cho nên các vật hạ cấp càng được vị lãnh đạo thông cho sự hoàn bị lớn lao thì việc quản trị càng hoàn hảo. Vật nào vốn tốt lành, đến độ không những tốt lành cho mình mà còn là căn nguyên của sự tốt lành nơi các vật khác nữa, thì vật ấy càng hoàn hảo hơn". Vậy Thiên Chúa quản trị vạn vật theo cách này, là đặt một số người cai quản những người khác, như ông thầy nào đó chẳng những làm cho đồ đệ của mình thành thông thái, mà còn làm thầy dạy người khác nữa".
Vì thế, "từ sự tốt lành của Thiên Chúa, mọi thụ tạo đều được thông dự khả năng thông đạt điều thiện của mình cho các vật khác…Và càng thông dự điều thiệân của Thiên Chúa bao nhiêu càng có khuynh hướng thông đạt sự hoàn thiện của mình bấy nhiêu".
Vậy điều thiện của Thiên Chúa, điều thiện mà Người thông ban cho mọi vật làm cho chúng thành tốt lành và thành những vật thi ân, thì Người đã thông ban cho Ðức Maria cách dư dật, làm cho Mẹ trở nên kiều diễm và hoàn bị, đầy nhân đức và sự thánh thiện, đến nỗi ngoại trừ Thiên Chúa, ta không thể quan niệm được là có sự thánh thiện nào cao cả hơn; và ngoại trừ Thiên Chúa, không ai có thể đo lường được sự thánh thiện tuyệt vời ấy". Chính CÐC Vatican II cũng quả quyết: "Nhờ lãnh nhận ân sủng vô cùng cao quí [làm Thân mẫu Thiên Chúa], Ðức Maria đã trổi vượt hơn mọi vật thụ tạo khác trên trời dưới đất" (LG số 53).
Vậy, nếu làm căn nguyên hay khả năng phân phát điều thiện của Thiên Chúa tương ứng với điều thiện mà một vật được thông dự, thì Ðức Maria đã được thông dự điều thiện của Thiên Chúa cách tuyệt vời như thế, hẳn Người phải có quyền hành lớn lao khôn lường để phân phát điều thiện của Thiên Chúa! Mà Người là Mẹ loài người chúng ta, thì lẽ nào lại không sung sướng và ân cần phân phát ơn lành của Thiên Chúa cho chúng ta? Cố nhiên là căn nguyên thần hoá thuộc về Chúa Giêsu cách riêng biệt, vì "từ nguồn sung mãn của Ngôi Lời nhập thể, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác" (Ga 1,17). Như thế, há không phải chính Ðức Kitô đã làm cho Mẹ diễm phúc của mình được đầy ân sủng ư? Há không phải chính Chúa Kitô cũng làm cho Mẹ mình tham dự một cách rất đặc biệt vào việc phân phát ơn lành của mình ư ?
Cho nên sự trung gian của Ðức Maria hoàn toàn tương hợp sự trung gian của Chúa Kitô.
2. Hiến Chế Ánh sáng muôn dân lấy chức tư tế của Chúa Giêsu làm điểm qui chiếu để mà minh giải đạo lý. Mà vị tư tế chính thức là trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, để dâng hy lễ cho họ. "Hy lễ của Chúa Giêsu là thứ trung gian tối cao và dứt khoát". Vì thế "các linh mục Tân ước có thể được gọi là những vị trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, vì là những thừa tác của Ðấng trung gian đích thực, nhân danh Người, cử hành những nhiệm tích thánh hoá". Theo nghĩa rộng "có thể gọi những ai chuẩn bị và và lấy chất thể cộng tác để nhân loại liên kết với Thiên Chúa cũng có thể gọi là những vị trung gian".
Như vậy sự trung gian của Chúa Giêsu không vì là trung gian hoàn bị mà khai trừ sự cộng tác của những người được cứu chuộc, trái lại, chính vì hoàn bị mà làm cho mọi người trong Giáo Hội thông dự sự trung gian đó. Cho nên càng có lý để khẳng định là Chúa Giêsu đã làm Thân mẫu của mình được thông dự cách đặc biệt vào sự trung gian của mình. Vì nhờ ơn làm Thân mẫu Thiên Chúa, xét theo thực thể luận, Ðức Maria chỉ thua kém có Thiên Chúa, và xét về hiệu năng hoạt động cách phổ cập, Ðức Maria cũng chỉ thua kém có Thiên Chúa.
Bởi Ðức Maria được tiền định để hiến cho Con Thiên Chúa sự sống nhân loại, vì thế sự phối hiệp sự sống nhân loại và thần linh thể hiện giữa Ðức Maria và Con của Người thì cao cường hơn hết, chỉ trừ sự phối hiệp của bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người nơi Ngôi Hai Thiên Chúa. Sự phối hiệp giữa Chúa Giêsu và Ðức Maria có thể gọi đúng là sự phối hiệp từ mẫu.
Mà mẫu hệ của Ðức Maria cũng hướng về những mục đích của Con Thiên Chúa nhập thể, nghĩa là để cứu chuộc và tái sinh nhân loại. Nên sứ mạng của Ðức Maria là cộng tác với Con mình để cứu chuộc và tái sinh nhân loại.
Cho nên sự trung gian của Ðức Maria rất thích hợp với sự trung gian của Chúa Giêsu.
X. Ðề luận XXXVI. Sự cộng tác của Ðức Maria giãi bày và cổ võ sự trung gian của Chúa Giêsu (LG số 60)
XI. Chứng minh. 1. Thực ra, khi Giáo Hội nhận thấy và cảm nghiệm lòng thương yêu đặc biệt của Thiên Chúa đối với Ðức Maria, thì đã nhận ra rằng, sự cao sang thần linh và ân sủng của Ðức Maria, không những là ân sủng Thiên Chúa ban cho một mình Ðức Maria, mà là ân sủng được tích lũy nơi Ðức Maria, để Người lấy lòng từ mẫu mà phân phối cho mọi người. Thành thử Giáo Hội thực tình nhìn nhận sự hiệu nghiệm mênh mông của tình thương và ân sủng của Chúa Kitô.
2. Giáo Hội còn quả quyết rằng chứùc năng trung gian của Ðức Maria sẽ giúp các tín hữu kết hiệp trực tiếp với Chúa Kitô; Giáo Hội cũng nhắn nhủ các tín hữu ghi nhớ trong lòng chức năng trung gian tùy thuộc của Ðức Mẹ, để nhờ sự nâng đỡ và phù hộ từ mẫu của Người, họ gắn bó mật thiết hơn với Ðấng Trung gian và Cứu thế. Mọi thứ trung gian đích thực đều nhằm hoà giải, móc nối và kết hiệp. Thứ trung gian gây trở ngại và làm ly tán không phải là trung gian. Nếu đó là điều đúng đắn đối với bất cứ thứ trung gian nào, thì phải xác thực tuyệt vời đối với sự trung gian của Ðức Maria, vì sứ vụ cốt yếu của Ðức Maria là cúng hiến Thiên Chúa cho nhân loại, và dâng hiến nhân loại cho Thiên Chúa, tóm lại là liên kết Thiên Chúa với nhân loại. Nói cách khác, Ngôi Lời Thiên Chúa có thể dùng nhiều đường lối để đến với chúng ta, nhưng trong nhiệm cục hiện nay Người đã dùng mẫu lộ, nghĩa là đã chọn một người mẹ để sinh ra, và thực hiện việc cứu chuộc nhân loại.
Như thế, chức năng trung gian của Ðức Maria chỉ giãi bày và làm sáng tỏ chức năng trung gian của Chúa Kitô.
XII. Ðề luận XXXVII. Ở trên trời, Ðức Trinh Nữ Maria quả là Ðấng trung gian giúp chúng ta được mọi ân sủng, đến độ không ơn cứu độ nào được phân phát mà không có sự trung gian của Ðức Maria.
Ý nghĩa của đề luận. 1. Những điều đã được trình bày từ đầu chương này cho đến đây về thiên chức trung gian của Ðức Maria thường có tính cách chung, không hướng hẳn vào quyền thế hiện nay của Ðức Trinh Nữ Maria trên trời; đề luận này xác định thêm chức trung gian vạn năng của Ðức Mẹ sau khi Người được về trời cả hồn lẫn xác.
2. Chúng ta phải tin rằng chư thánh trên trời có thể chuyển cầu cho chúng ta, vì CÐC Tridentino dạy: "Chư thánh, đang hiển trị cùng Chúa Kitô, dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyệân cho phàm nhân; việc cầu khẩn chư thánh, để các ngài chuyển cầu cùng Thiên Chúa cho chúng ta được các ân huệ, là việc tốt lành và hữu ích" (DS 1821). Vậy nếu chư thánh đã có thể chuyển cầu cùng Thiên Chúa cho chúng ta, phương chi là Ðức Trinh Nữ Maria.
3. Ðề luận trình bày ý kiến chung và chắc chắn của các thánh Giáo phụ, như đã được nhắc đến nhiều lần.
XIII. Chứng minh. A. Ðạo lý của Giáo Hội. Các Ðức Giáo Hoàng cận đại đã chủ trương đạo lý này cách rõ rệt. Ð. Leo XIII viết trong thông điệp Mense Octobri, ngày 22.9.1891: "Theo tôn ý của Thiên Chúa, tuyệt nhiên không chi được ban xuống cho chúng ta mà không qua Ðức Maria"; trong Thông điệp Jucunda semper, ngày 8.9.1894, ngài viết: "Mọi ân sủng được thông ban cho thế gian đều có ba giai đoạn…từ Thiên Chúa đến Chúa Kitô, từ Chúa Kitô đến Ðức Maria, từ Ðức Maria đến chúng ta"; trong thông điệp Ad diem illum, ngày 2.2.1904, ngài viết:. "Ðức Maria là đấng trung gian rất thần thế.. do quyền từ mẫu, quản lý kho tàng các công nghiệp của Chúa Giêsu". Ðức Benedictus XIII viết trong Tông thư Inter sodalicia, ngày 22.3.1918 : "Vì những lẽ ấy, những ân sủng mà nhân loại lãnh nhận từ kho tàng cứu chuộc, đều do tay Mẹ sầu bi phân phối". Ngày 8.5.1928, Ðức Pius XI viết trong Thông điệp Miserentissimus Redemptor: "Chúng ta hãy cậy vào những lời chuyển cầu của Mẹ lên Chúa Kitô, tuy là Ðấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, nhưng cũng muốn Mẹ liên kết với mình, như trạng sư của những tội nhân, như đấng trung gian và quản lý ân sủng; trong Tông thư Solemne semper, ngày 15.8.1932. ngài viết: "Chính Thân Mẫu Thiên Chúa là đấng quản lý mọi ân sủng trên trời". Ðức Pius XII viết trong Thông điệp Corporis Mystici: "Nhờ lời chuyển cầu khẩn khoản của Mẹ trước Chúa Con, để như từ Ðầu cao sang, thác nước đầy dư ân sủng được đổ xuống không ngừng trên mọi chi thể của Nhiệm Thể". Ðức đương kim Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có cả một Thông điệp về Mẹ Ðấng Cứu thế và nhiều bài nói về Mẹ Maria. Riêng CÐC Vaticvan II khẳng định: "Giáo Hội luôn nghiệm thấy sự nâng đỡ và phù hộ từ mẫu của Người" (LG số 62)
B. Lẽ Thần học. Thần học căn cứ trên ba nền tảng.
1. (Nền tảng thứ nhất và xa : Thân mẫu của Ðấng Nhân-Thần). Chức làm Mẹ Thiên Chúa mà Ðức Maria đã tình nguyện đón nhận là nền tảng xa của thiên chức làm trung gian. Ðây là lý do riêng biệt làm cho Ðức Maria trở nên cộng sự viên trác tuyệt của Chúa Giêsu trong việc cứu chuộc. Cho nên thiên chức làm mẹ cũng là lý do để Ðức Maria, như từ mẫu, có thể phân phát mọi của cải bên ngoài và mọi hồng ân của Chúa Kitô.
Ai được thông dự vào địa vị nào thì cũng được thông dự những đặc quyền của địa vị ấy. Vậy Thân Mẫu Thiên Chúa, vì tiếp cận với Ngôi Lời nhập thể, đã mon men đến biên giới của lãnh vực vô biên của "ngôi hiệp", nghĩa là được thông dự phần nào vào địa vị của Ngôi Lời nhập thể. Mà Ngôi Lời nhập thể đã được Chúa Cha "đặt làm Ðấng thừa hưởng muôn loài muôn vật" (Dt 1,2); lại "đã trải qua thử thách và đau khổ, nên có thể cứu giúp những ai bị thử thách" (ibi 2,18). Vì thế, đương nhiên là Ðức Maria cũng được thông dự vào vương quyền và bá chủ của Chúa Kitô.
Ðức Kitô là con tự nhiên của Chúa Cha, chẳng những theo tư cách là Thiên Chúa, mà còn theo tư cách là phàm nhân. Cho nên theo tư cách là phàm nhân cũng có quyền bá chủ trên mọi vật thụ tạo, mọi của cải, mọi trợ giúp và mọi ơn huệ, mà có lúc phải sử dụng cách đầy đủ. Cố nhiên là Thân mẫu của Thiên Chúa có thể thông dự quyền bá chủ ấy.
Lượng an bài, khi hoạt động phù hợp với bản tính của các vật, thường bắt các vật hạ đẳng qui phục những vật cao cấp hơn, đến độ được các vật này hướng dẫn, cai quản và trù liệu. Vậy Ðức Maria, trổi vượt trên mọi vật thụ tạo trong lãnh vực ân sủng, cũng cai quản để lo liệu ân sủng cho những vật ấy.
Vả lại, Chúa Con, xét như phàm nhân, đã nhờ Ðức Maria mà được quyền bá chủ ấy : vì Ðức Maria đã ưng thuận thụ thai, cưu mang và sinh hạ Người. Cố nhiên, do tình con thảo, Ðức Maria cũng được thông dự vào quyền bá chủ của Chúa Giêsu trên mọi tài sản của Chúa Con.
Hơn nữa, để Ðức Trinh Nữ trở thành Mẹ xứng đáng của Thiên Chúa, thì đã được tiền định làm trưởng nữ của Chúa Cha và như tột đỉnh của các vật thụ tạo; và nếu là tột đỉnh của các vật thụ tạo thì cũng là nữ hoàng và là bà chúa. Lại đã là Mẹ của Chúa Con, ắt cũng là Mẹ Ðấng Cứu theá, Ðấng xuất thân để cứu chuộc thế gian và làm chủ muôn loài. Và Chúa Cứu thế hẳn cũng thừa nhận quyền của Mẹ được thông dự vào mọi tài nguyên và quyền thừa kế của mình, như đã nói trên (tr. 212, a.). Sau hết, vì là Mẹ của Chúa Con, thì cũng là đền thờ và hiền thê của Chúa Thánh Thần trong việc nhập thể của Ngôi Lời và trong việc thánh hoá và cứu độ nhân loại. Mà tài sản của đôi bạn trăm năm là của chung. Cho nên Chúa Thánh Thần cũng dành cho Ðức Maria việc phân phối của cải thiêng liêng.
2. (Nền tảng gần : Ðức Maria đã cộng tác vào công trình cứu chuộc). Thân mẫu Ðấng Nhân-Thần, vì đã cộng tác với Ðấng Cứu thế trong chính công cuộc cứu chuộc, và đã dự phần chủ động trong việc chinh phục những trợ giúp có sức cứu độ, đương nhiên phải có quyền tham dự tích cực, như Chúa Con, trong việc phân phát các trợ giúp. Vì :
Ai đã chinh phục và đã có công chinh phục những của cải, thì đương nhiên có quyền định đoạt về những của cải ấy, như vật sở hữu hay như phần thưởng. Vậy Ðức Maria đã cộng tác và đã liên kết với Chúa Kitô trong việc chinh phục và lập công cho chúng ta về mọi trợ giúp có sức cứu độ. Cho nên cũng đương nhiên có thể định đoạt về những của cải ấy.
Như Ðấng Nhân-Thần Giêsu có thể phân phát mọi ân sủng cho mọi người, vì đã lập công cho được tất cả những ân sủng ấy, để "từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã anh nhận hết ơn này đến ơn khác" (Ga 1, 16), thì Ðức Maria, Ðấng đã cùng với Chúa Kitô chinh phục và lập công cho chúng ta được tất cả những ân sủng ấy, cũng được cùng với Chúa Giêsu phân phát những ân sủng ấy cho chúng ta.
Vả lại, Chúa Giêsu vì hy sinh chịu chết đã lập công để mình có thể phân phát các ân sủng cho mọi người, thì Ðức Maria cũng có thể là Ðấng phân phát mọi hồng ân mà Chúa Giêsu đã lấy cái chết và máu mình để chinh phục, vì đã liên lỉ hiệp thông trong những đau khổ và trong ý chí với Chúa Kitô.
Ngoài ra, trong hy tế Khổ giá, Ðức Maria đã tận tình dâng một tế phẩm thuộc về mình cách nào đó, ấy là Con của mình. Vì thế những thành quả của tế phẩm đó, nghĩa là các ân sủng do công nghiệp của Chúa Con, cũng thuộc về Người cách nào đó.
Sau hết, Chúa Giêsu chu toàn chức năng phân phối của mình, khi ngự bên hữu Chúa Cha với những thương tích của cuộc Khổ nạn, không ngừng dâng lên Chúa Cha giá trị hằng cửu và vô cùng của hy tế, và "hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta". Về điểm này thánh Gioan viết: "chúng ta có một Ðấng Bảo trợ trước mặt Chúa Cha… Người là của lễ đền tội cho chúng ta… không những vì tội chúng ta, nhưng còn vì tội lỗi cả thế gian nữa". Thân mẫu Thiên Chúa, như đã liên với Chúa Con khi còn ở thế gian, thì nay trên trời cũng thế. Cho nên có đủ lý do thúc bách ta khẳng định rằng, Người cũng hiệp với hy tế cứu độ, dâng sự cộng tác, sự hiến tế Con mình để chuyển cầu liên lỉ không ngừng cho chúng ta. Và trên đây chúng ta đã thấy lời chuyển cầu của Ðức Maria hiệu nghiệm như thế nào rồi.
3. (Nền tảng thứ ba : Ðức Maria là nghĩa mẫu, là mẹ thiêng liêng của chúng ta). Ðấng đã ưng thuận và không ngừng tiếp tục cộng tác trong toàn thể công việc cứu chuộc, đã cưu mang tất cả dòng dõi những người được cứu chuộc, những người cũng được chỉ định làm con Ðấng ấy, những người được tái sinh trong đời sống ân sủng. Vậy Ðức Maria đã cộng tác trong việc nhập thể cứu chuộc, lại còn chinh phục cho chúng ta ơn cứu chữa, sự sống siêu nhiên, nên chẳng những là Mẹ của Ðấng là nguồn sự sống, mà còn là Mẹ của những sinh linh.
Mà "Thiên Chúa đã ban ơn kêu gọi, thì Người không hề đổi ý", trái lại Người duy trì tính cách liên tục trong các công trình của Người.
Vì thế, nếu Ðức Maria đã là mẹ thiêng liêng của chúng ta, thì không những phải thụ thai, sinh hạ dòng dõi những người được cứu chuộc, [mẫu hệ trong hiện thể đệ nhất cấp]; mà còn phải hướng dẫn mỗi người đến cuộc sống hoàn bị, bằng cách nuôi dưỡng, bảo tồn, củng cố, giáo huấn và đưa đến chỗ hoàn chỉnh [mẫu hệ trong hiện thể đệ nhị cấp]. Tắt một lời, phải điều khiển toàn bộ sự trưởng thành thiêng liêng, nên là Ðấng thông dự, như trung gian, trong việc phân phát mọi ân sủng mang ơn cứu độ.
XIV. Hệ luận. 1. Xét như căn nguyên xa và gián tiếp, có thể nói Ðức Maria là căn nguyên thể lý để phát sinh ân sủng, vì Ðấng là căn nguyên mọi ân sủng đã nhận lấy nhân loại tính từ Ðức Maria.
2. Xét như căn nguyên gần gũi và trực tiếp, thì Ðức Maria là căn nguyên luân lý sinh ơn thánh hoá chúng ta, vì nhờ lời cầu nguyện và đồng lao cộng khổ với Chúa Giêsu trong đức ái nồng nàn, Người đã lập công cách thích hợp cho chúng ta, đang khi Chúa Giêsu lập công cách xứng đáng.
3. Vì những lẽ trên đây ta có thể gọi Ðức Maria là Ðấng Ðồng công Cứu chuộc, dù đây là tước hiệu chưa thấy được sử dụng trước thế kỷ 16.
4. Dẫu các nhiệm tích là con đường thông thường dể công chính hoá và thánh hoá chúng ta sinh ơn do sự (ex opere operato). Tuy nhiên sự chuyển cầu của Ðức Maria vẫn cần để Chúa ban cho chúng ta những ơn khởi động (gratias actuales), huy động và chuẩn bị ta lãnh các nhiệm tích cho xứng đáng.
5. Việc trung gian của Ðức Maria không miễn chước cho chúng ta khỏi làm những việc bổn phận và những việc lành. Vì ơn tiền định đòi chúng ta phải lấy việc lành để được phúc trường sinh. Nhưng Ðức Maria chuyển cầu cho chúng ta được những ơn khởi động cần thiết để làm việc lành và kiên định trong ân sủng.
6. Việc chuyển cầu của Ðức Maria cũng không làm cho lời bầu của chư thánh trở thành vô ích : cộng đoàn chư thánh cầu khẩn là cộng đoàn có đức ái hoàn bị, nghĩa là có sự đồng tâm nhất chí thật hài hoà, vì hoàn toàn tuân hành thánh ý Thiên Chúa. Vì thế, nếu Thiên Chúa muốn cho Ðức Maria làm trung gian mọi ơn lành, thì chư thánh cũng dâng lời chuyển cầu của mình cho Ðức Maria, để Người củng cố, rồi dâng lên trước tôn nhan Chúa Kitô.