(Hình ảnh lấy từ nguồn Internet) |
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung hơn 20 ngàn tín hữu hành hương, sáng ngày 19-2-2014, ĐTC Phanxicô đã giải thích về bí tích Hòa giải và mời gọi các tín hữu siêng năng lãnh nhận bí tích này.
Trong số các tín hữu hiện diện, đông đảo nhất là các nhóm từ Italia, trong số này có 450 tham dự viên Hội nghị do cơ quan hành hương của giáo phận Roma tổ chức, 150 sĩ quan và binh sĩ thuộc trường hạ sĩ quan của Italia ở Italia, 1 ngàn tín hữu tham dự cuộc hành hương do Ngân hàng tín dụng Scafati và Cetara tổ chức. Từ các nước khác, đặc biệt có 25 LM thuộc giáo phận Meaux ở miền bắc Paris do ĐGM giáo phận hướng dẫn, 100 tín hữu từ tổng giáo phận Québec, Canada, do Đfc Cha Gérald Lacroix, hướng dẫn. Ngài sẽ được phong Hồng y vào thứ bẩy tới đây. Và rất nhiều nhóm nhỏ khác từ các nước.
Tuy giờ chính thức được ấn định cho buổi tiếp kiến là 10 giờ rưỡi, nhưng lúc 9 giờ 45, ĐTC đã xuất hiện tại quảng trường, trên chiếc xe díp mui trần màu trắng, tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu
Bài giáo lý
Trong bài huấn giáo sau phần tôn vinh Lời Chúa, ĐTC đã tiếp tục loạt bài giáo lý về các bí tích và trình bày về bí tích giải tội. Ngài nói:
Qua các bí tích khai tâm Kitô giáo, rửa tội, thêm sức và Mình Thánh Chúa, con người con nhận sự sống mới trong Chúa Kitô. Giờ đây, sự sống này chúng ta ”mang trong bình sành” (2 Cr 4,7), chúng ta còn phải chịu cám dỗ, đau khổ, sự chết, và do tội lỗi, thậm chí chúng ta có thể đánh mất cả sự sống mới nữa. Vì thế Chúa Giêsu đã muốn Giáo Hội tiếp tục công trình cứu độ của Ngài cho các chi thể của mình, đặc biệt là với Bí tích Hòa giải và xức dầu bệnh nhân, hai bí tích này có thể được gọi chung là ”các bí tích chữa lành”. Bí tích hòa giải là một bí tích chữa lành. Khi tôi đi xưng tội, là để chữa lành, chữa lành linh hồn tôi, chữa lành con tim tôi, vì một số điều tôi đã làm, khiến cho tôi không được khỏe.
Hình ảnh Kinh Thánh diễn tả tốt đẹp nhất mối liên hệ sâu xa của hai bí tích này chính là giai thoại về việc tha thứ và chữa lành người bất toại, trong đó Chúa Giêsu tỏ ra ngài là bác sĩ của các linh hồn và thân xác (Xc Mc 2,1-12 // Mt 9,1-8; Lc 5,17-26).
1. Bí tích thống hối và hòa giải phát sinh trực tiếp từ mầu nhiệm phục sinh. Thực vậy, chiều ngày lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ đang ở trong nhà tiệc ly khóa kín, và sau khi chào họ bằng câu ”Bình an cho các con!”, Ngài thổi hơi vào các ông và nói: ”Các con hãy nhận lấy Thánh Linh. Các con tha tội cho ai thì người ấy được tha”. (Ga 20,21-23). Đoạn này tỏ cho chúng ta thấy năng động sâu xa nhất chứa đựng trong bí tích ấy. Trước hết, sự kiện ơn tha thứ các tội lỗi chúng ta không phải là cái gì chúng ta có thể tự ban cho mình, tôi không thể nói: ”Tôi tự tha thứ các tội lỗi cho tôi”. Ta xin ơn tha thứ, ta xin lỗi người khác, và trong phép giải tội, chúng ta xin Chúa Giêsu tha thứ. Ơn tha thứ không phải là thành quả nỗ lực của chúng ta, nhưng là một món quà, là ơn của Chúa Thánh Linh, Đấng làm cho chúng ta được tràn đầy ơn thanh tẩy nhờ lòng từ bi và ân phúc không ngừng trào ra từ trái tim bị đâm thâu qua của Chúa Giêsu chịu đóng đanh và sống lại.
Thứ hai, sự kiện ấy nhắc nhớ chúng ta rằng chỉ khi nào chúng ta để cho mình được hòa giải, trong Chúa Giêsu, với Chúa Cha và với anh em mình, thì chúng ta mới có thể được thực sự sống trong an bình. Và điều này, tất cả chúng ta đều cảm thấy, trong tâm hồn, khi chúng ta đi xưng tội, với một gánh nặng đè trong tâm hồn, có phần đau buồn.. Và khi chúng ta cảm thấy ơn tha thứ của Chúa Giêsu, chúng ta được an bình, niềm an bình trong tâm hồn mà chỉ Chúa Giêsu mới có thể ban cho chúng ta.
2. Trong lịch sử, việc cử hành bí thống hối đã tiến từ một hình thức công khai đến hình thức xưng tội cá nhân và kín đáo. Nhưng điều này không được làm mất chiều kích Giáo Hội, vốn là bối cảnh sinh tử của bí tích này. Thực vậy, chính cộng động Kitô là nơi trong đó có Thánh Linh hiện diện, Ngài đổi mới các tâm hồn trong tình yêu Thiên Chúa và biến tất cả mọi anh em thành một cộng đoàn duy nhất trong Chúa Giêsu Kitô. Vì thế không phải chỉ xin Chúa tha thứ trong tâm trí mà thôi, nhưng còn cần khiêm tốn và tín thác xưng thú các tội của mình với vị thừa tác viên của Giáo Hội. Trong việc cử hành bí tích thống hối, vị linh mục không chỉ đại diện Thiên Chúa mà thôi, nhưng còn đại diện toàn thể cộng đoàn nhìn nhận mình ở trong sự mỏng manh yếu đuối của mỗi phần tử, Giáo Hội cảm động lắng nghe sự thống hối của phần tử ấy, hòa giải với hối nhân, khích lệ và tháp tùng họ trong hành trình hoán cải và trưởng thành về mặt con người và Kitô.
Có thể có người nói: Tôi chỉ xưng tội với Thiên Chúa”. Đúng bạn có thể nói với Thiên Chúa: ”Xin tha thứ cho con” và kể các tội của bạn ra. Nhưng các tôi chúng ta cũng chống lại anh em, chống lại Giáo Hội và vì thế cần xin lỗi Giáo Hội và anh em, trong vị linh mục. Có thể người ấy lại nói: ”Nhưng thưa cha, con xấu hổ!” Nhưng xấu hổ như vạy là điều tốt, cảm thấy xấu hổ một chút cũng là điều lành mạnh. Vì khi một người không xấu hổ, nước nước chúng tôi họ bảo người ấy là ”vô liêm xỉ!”. Xấu hổ cũng là điều tốt vì làm cho chúng ta khiêm nhường hơn. Và vị linh mục đón nhận sự xưng thú ấy, và nhân danh Thiên Chúa, tha thứ. Và kể cả về mặt con người, nói với một người anh em, để xả hơi, cũng là điều tốt, nói với vị linh mục những điều đang đè nặng trong tâm hồn mình: mình cảm thấy nhẹ nhàng trước mặt Chúa, với Giáo Hội và anh em. Anh chị em đừng sợ xưng tội,
Một người đứng xếp hàng chờ xưng tội, có thể cảm thấy xấu hổ, nhưng rồi xưng tội xong, thì cảm thấy tự do, đẹp đẽ, được tha thứ và nên trong trắng, hạnh phúc. Đó là vẻ đẹp của phép giải tội.
Tôi muốn hỏi anh chị em, nhưng anh chị em đừng trả lời lớn tiếng nhe. Mỗi người tự trả lời trong tâm hồn: Lần chót bạn xưng tội cách đây bao lâu rồi? Mỗi người hãy xét xem nhé. 2 ngày, hai tuần, hai năm, 20 năm, hay 40 năm. Nếu thời gian qua lâu rồi, thì đừng để thêm ngày nào nữa. Hãy đi xưng tội, vị linh mục tốt lành. Và Chúa Giêsu càng tốt lành hơn các linh mục, Chúa Giêsu đón tiếp bạn. Ngài đón nhận bạn với bao nhiêu yêu thương. Hãy can đảm lên, hãy đi xưng tội.
Và ĐTC kết luận rằng: ”Các bạn thân mến, cử hành bí tích Hòa Giải có nghĩa là được ôm ấp trong một vòng tay nồng nhiệt; đó là vòng tay của lòng từ bi vô biên của Chúa Cha.
Chúng ta hãy nhớ dụ ngôn thật đẹp, về người con bỏ nhà cha ra đi với tiền thừa tự, anh ta phung phí hết tiền bạc, rồi khi không còn gì nữa, anh quyết định trở về nhà cha, không phải như người con, nhưng như một người đầy tớ. Anh ta cảm thấy bao nhiêu tội lỗi trong con tim, bao nhiêu tủi hổ. Và điều ngạc nhiên là khi anh bắt đầu nói và xin lỗi, người cha không để anh ta nói: cha ôm lấy con, hôn con và mở tiệc mừng. Mỗi khi chúng ta xưng tội, Thiên Chúa cũng ôm lấy chúng ta, Thiên Chúa mừng lễ. Chúng ta hãy tiến bước trên con đường đó. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em.
Chào thăm
Sau bài giáo lý trên đây bằng tiếng Ý, các linh mục thuộc các cơ quan Tòa Thánh đã lần lượt tóm tắt bài giáo lý trong các ngôn ngữ khác nhau: Pháp, Anh, Đức, Bồ đào nha, Arập, Ba Lan. Các vị cũng dịch những lời chào của ĐTC gửi đến các nhóm tín hữu hiện diện.
Chính ĐTC tóm tắt bài giáo lý bằng tiếng Tây Ban Nha và chào thăm các tín hữu hành thương thuộc ngôn ngữ này cũng là tiếng mẹ của ngài, đặc biệt là 40 vị giám dốc các trung tâm truyền giáo giáo phận ở Tây ban Nha và Mỹ la tinh, đang tham dự khóa họp quốc tế về linh hoạt truyền giaó ở Roma.
Với các tín hữu nói tiếng Bồ đào nha, ĐTC đặc biệt chào thăm các tín hữu thuộc Tổng giáo phận Chúa Cứu Thế ở Rio de Janeiro, Brazil, tháp tùng vị chủ chăn là Đức TGM Orani João Tempesta, thuộc dòng Xitô sẽ được phong hồng y vào sáng thứ bẩy 22-2 tới đây. ĐTC nói:
”Tôi cầu chúc anh chị em điều này: ước gì không điều gì và một ai có thể ngăn cản anh chị em sống và tăng trưởng trong tình bạn với Thiên Chúa là Cha; trái lại hãy để cho tình yêu Chúa luôn tái sinh anh chị em và hòa giải anh chị em với Chúa, với chính mình và với anh chị em. Xin phúc lành dồi dào của Chúa được đổ xuống trên anh chị em và gia đình anh chị em.
Sau cùng, ĐTC chào đông đảo các nhóm tiếng Ý, ngài nhắc đến 500 tham dự viên hội nghị do Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích tổ chức, được ĐHY Tổng trưởng Antonio Canizares Llovera hướng dẫn. Ngoài ra có 50 tham dự viên cuộc gặp gỡ do Hàn lâm viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập tổ chức này. ĐTC nói: ”Tôi khích lệ anh chị em tiếp tục theo đuổi công trình quí giá là phục vụ Tin Mừng sự sống”.
ĐTC không quên chào thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới. Ngài nói: Hỡi các bạn trẻ, xin Đức Trinh Nữ Maria giúp các con ngày càng hiểu giá trị của hy sinh trong việc huấn luyện các con về mặt nhân bản và Kitô giáo; hỡi anh chị em bệnh nhân quí mến, xin Mẹ nâng đỡ anh chị em trong việc đương đầu với đau khổ và bệnh tật trong thanh thản và can đảm. Và hỡi các đôi tân hôn, xin Mẹ hướng dẫn anh chị em xây dựng gia đình anh chị em trên những nền tảng vững chắc là lòng trung thành với thánh ý Chúa.
Sau khi ban phép lành cho các tín hữu ĐTC còn dành hàng giờ để chào thăm các HY, GM, các tín hữu, các bệnh nhân và những người tàn tật.
G. Trần Đức Anh OP