Một hôm có người chạy đến với triết gia Socrate và nói:
-Thưa thầy, xin hãy nghe con nói về một người bạn của thầy.
Socrate vội vã cắt ngang lời người ấy.
- Hỡi con, hãy dừng lại trước đã. Con đã sàng 3 cái sàng kỹ càng những điều con muốn nói về người ấy chưa?
Người ấy ngạc nhiên hỏi lại:
- Thưa thầy, 3 cái sàng nghĩa là gì?
Socrate đáp:
- Dĩ nhiên là cần phải sàng cho kỹ những điều mình muốn nói về ai. Trước hết là các sàng sự thật. Con đã kiểm chứng kỹ càng nếu những điều con muốn nói đúng theo sự thật chăng?
- Thưa thầy, thực ra con chỉ nghe người ta nói về người ấy thôi.
- Cái sàng thứ hai là sự thiện, sự tốt lành. Ðiều con muốn nói với thầy có thực là điều tốt lành chăng? Có làm thiệt hại cho ai không?
- Thưa thầy, có lẽ cũng không phải là điều tốt lành gì đâu.
Socrate nói tiếp:
- Còn cái sàng thứ ba nữa, để thử xem điều con muốn nói có thực sự là điều cần thiết chăng?
- Thưa thầy nói đúng ra thì cũng chẳng phải là điều cần thiết gì.
Sau cùng Socrate kết luận:
- Hỡi con, hãy luôn ghi lòng tạc dạ điều này: bất cứ điều gì con muốn nói với ai về người khác, con hãy luôn suy đi nghĩ lại cho kỹ nếu điều đó không đúng với sự thật, không tốt lành và cũng không cần thiết thì con hãy chôn sâu nó vào sự quên lãng và hãy bận tâm đến những chuyện khác tốt đẹp và cần thiết hơn. (Jesus, v.8, N.10).
Các bạn thân mến, lời khuyên dạy đầy khôn ngoan của triết gia Socrate trên đây gói ghém những điều căn bản về căn cước tính của người khôn ngoan chân thật, mà ai cũng phải cảm phục, quý mến.
Từ khôn ngoan theo động từ tiếng Latinh tức là "sapere", có nghĩa là nếm, là thưởng hương vị của món ăn nào đó. Nói một cách bóng bảy thì người khôn ngoan là người biết nếm mùi, biết thưởng thức hương vị sâu xa, mặn mà của cuộc sống mình, biết đi sâu vào thực trạng, vào nội tâm và vận mệnh sau cùng của đời người. Qua cái nhìn sâu xa này, người khôn ngoan sẽ đạt tới sự tự do nội tâm, được giải thoát khỏi những sự ty tiện, khỏi cái nhìn hẹp hòi của dục vọng và mọi thứ ham muốn đê hèn, để dễ bề hướng tâm hồn lên với Chúa và rộng mở tâm hồn đón nhận tha nhân. Hạnh phúc và sự an bình của người khôn ngoan thật nảy sinh từ sự ngay thẳng, tâm hồn lương thiện và đời sống trong trắng.
Ðặc điểm thứ hai, người khôn ngoan thật là người biết tôn trọng, yêu chuộng và luôn tìm kiếm những chân giá trị của đời sống. Người ấy biết đánh giá cao những gì đáng giá, và biết dẹp sang một bên những gì không đáng giá. Nói theo kiểu nói của Chúa Giêsu, người khôn ngoan là người biết bận tâm và tìm kiếm một sự cần thiết duy nhất mà thôi, mà bà Maria đã chọn lấy phần tốt nhất, và chẳng ai có thể cất đi được (cf Lc 10:42).
Người khôn ngoan cư xử cách đối ngược với người khờ dại. Trong khi người khờ dại chỉ chạy theo những điều mau qua, chỉ coi trọng những sự sang trọng, hào nhoáng bên ngoài, người khôn ngoan biết thản nhiên gạt bỏ những thứ giả tạo đó để khám phá ra ý nghĩa sâu xa của cuộc sống và nghệ thuật sống.
Ðặc điểm thứ ba, người khôn ngoan thật xem ra có một trực giác rất bén nhạy trong việc nhận định đâu là sự thật, đâu là giả dối, đâu là điều cao thượng, đâu là điều ty tiện. Người khôn ngoan hiểu biết và có can đảm sống đúng với ơn gọi của mình và biết tận dụng mọi thời cơ để biến đổi đời sống mình nên như hạt giống tốt, phát triển và nở hoa kết trái đúng thời kỳ.
Người khôn ngoan không hẳn phải là người thông thái, giỏi giang về khoa học. Trong lịch sử nhân loại, cũng như qua giòng lịch sử giáo hội công giáo, biết bao người được coi trọng là khôn ngoan tuy không có chút kiến thức nào về khoa học hoặc về vi tính, và có người cũng không biết đọc biết viết gì nữa, thế mà lời nói từ môi miệng họ thốt ra được coi như khuôn vàng thước ngọc cho đời sống của kẻ khác. Cho dù không có bằng cấp gì nhưng những người khôn ngoan ấy cũng xác tín rằng đời sống là món quà để phục vụ tha nhân và họ tìm kiếm hạnh phúc qua việc cho đi cách vị tha.
Người tín hữu khôn ngoan theo tinh thần phúc âm là người biết chọn Tám Mối Phúc Thật làm luật sống cho chính mình. Nói theo kiểu nói của tông đồ Phaolô, họ biết tìm kiếm những sự ở trên trời, nơi chính Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa (Col 3:1).
Ðối với Ðức Kitô, ai là người khôn ngoan thật? Thánh sử Matthêu trả lời (11:25-26):
"Lúc ấy Chúa Giêsu than thở: Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha."
Sự khôn ngoan đối với Chúa Giêsu không dựa trên quan niệm của người đời, nhưng là sự hiểu biết Thiên Chúa muốn mạc khải cho những người khiêm tốn, những người có tâm hồn bé nhỏ trước nhan thánh Ngài. Chân lý đó cũng được Ðức Maria, thân mẫu Chúa Giêsu tuyên xưng khi đến thăm bà chị họ Elisabet (Lc 1:53):
"Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng."
Người đói nghèo ở đây ngụ ý nói về sự đói nghèo tinh thần hơn là vật chất. Người đói nghèo với lòng khiêm tốn nhận biết mình thiếu thốn, hạn hẹp, cần đến Chúa phù giúp. Còn người giàu có thường tự cao, tự đại, nghĩ mình biết mọi sự, nên thực sự lại là người khờ dại hơn cả.
Trong sứ mệnh tông đồ giữa dân ngoại, thánh Phaolô đã không ngần ngại đảo lộn quan niệm về sự khôn ngoan thông thái của người đời và đề cao sự khôn ngoan chân thật trước nhan Thiên Chúa. Trong thư gửi cho các tín hữu thành Côrintô, Phaolô viết:
"Thưa anh em, anh em thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái. Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người. Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa: Ðấng đã làm cho chúng ta trở nên công chính, đã thánh hóa và giải thoát anh em, hợp như lời đã chép rằng: Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa" (1Cor 1:26-31).
Nói tóm lại, người khôn ngoan thực là người biết học hỏi từ kinh nghiệm là thầy dạy khôn ngoan, biết trở nên môn đệ của những bậc khôn ngoan. Còn thầy dạy nào khôn ngoan hơn Ðức Giêsu Kitô?
Vậy phải làm gì để được trở nên khôn ngoan thật? Mời các bạn đón nghe tiếp trong bài chia sẻ lần tới.
Mai An
Thứ Tư, ngày 4/10/1995