Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Tìm hiểu về Hồi Giáo


Bốn ngày trước khi vụ khủng bố xẩy ra tại New York và Washington ngày 11.9.2001, Linh mục Jean-Marie Benjamin, một giáo sĩ người Pháp thuộc dòng Phanxicô, có nhiều kinh nghiệm về thế giới A-rập, đã nói với các cơ quan thông tin Ý rằng thế nào cũng có một cuộc khủng bố bằng máy bay xẩy ra tại Hoa Kỳ.
Lúc đó chẳng ai quan tâm đến lời của linh mục. Nhưng mọi sự đã xẩy ra đúng như lời báo trước của ngài. Mới đây, khi hảng thông tấn CNS của Công Giáo Hoa Kỳ hỏi rằng tại sao linh mục biết trước được điều đó, linh mục đã trả lời rằng linh mục chỉ dựa vào tình hình của khối A-rập để tiên đoán, chứ không dựa vào nguồn tin tình báo nào hết.

Khi các nhà bình luận cho rằng biến cố ngày 11.9.2001 phát xuất từ lòng cuồng tín tôn giáo của một số giáo chủ và tín đồ Hồi Giáo, Linh mục Jean-Marie Benjamin đã có ý kiến như sau: "Nếu chỉ gán cho đó là những hành động quá khích mà thôi thì không phải là câu trả lời".

Như chúng ta đã biết, sự chống đối Hoa Kỳ của một số giáo chủ và tín đồ Hồi Giáo nói riêng, và nhiều dân tộc trên thế giới nói chung, phát xuất từ nhiều nguyên nhân, nhưng lòng cuồng tín tôn giáo bao giờ cũng là một động lực đáng sợ nhất. Vậy trước hết chúng ta hãy tìm hiểu qua Hồi Giáo để biết tại sao những tín đồ Hồi Giáo sẵn sàng chết cho những mục tiêu mà họ cho là chính đáng.

1.- Khái niệm về Hồi Giáo

Người A-rập trước đây thờ đa thần, mỗi bộ lạc thờ một thần khác nhau, nhưng họ thường lấy thánh đường Mecca làm nơi cúng bái. Thời đó A-rập có hai thị trấn lớn là Medina với khoảng 15.000 dân vàMecca với 25.000 dân. Hai thị trấn này đều nằm ở phía Nam của lãnh thổ A-rập Saudi ngày nay. Thị trấn Mecca nằm trong vùng núi Sirat. Thị trần Medina nằm cách Biển Đỏ khoảng 100 miles (160 cây số) và cách Mecca khoảng 275 miles (440 cây số) đường bộ. Cả hai nơi sau này được coi là thánh địa của Hồi Giáo. Ở Mecca có một ngôi đền cổ được gọi là Kabah, làm bằng đá, trong đó thờ 300 pho tượng thần của các bộ tộc khác nhau. Trên góc phía Đông, nơi trang trọng nhất, thờ một mãnh vẫn thạch màu đen, từ trời sa xuống. Mãnh vẫn thạch này được coi là thần tối cao của người A-rập.

a) Sự xuất hiện của Mohammad

Mahommad sinh năm 570 sau công nguyên, ở vùng Mecca, trong một gia đình nghèo. Lúc 6 tuổi mẹ mất, Mohammad được ông nội nuôi dưỡng. Lúc 8 tuổi ông nội qua đời, người bác là Abu Talib đem về nuôi. Lúc đầu Mohammad đi chăn cừu, sau theo người bác đi theo các đoàn thương buôn trong vùng. Về sau, Mohammad trở thành người hướng đạo cho các đoàn thương buôn đi qua sa mạc, thường đi trên con đường từ Syria đến Yemen. Năm 25 tuổi, ông làm công cho một góa phụ giàu có ở Mecca tên là Khadiji. Ông thay bà này đi buôn bán ở Syria. Ít lâu sau, ông kết hôn với bà này. Từ đó, cuộc đời phiêu lưu của ông coi như chấm dứt.

Năm 40 tuổi, Mohammad bắt đầu có đời sống khác thường, hay vào trong một hang động trong núi Sirat, ngoài thị trấn Mecca, ngồi suy niệm. Theo truyền thuyết, một hôm thiên thần Gabriel đến báo tin cho ông biết ông được chọn làm sứ giả (prophet - còn dịch là ngôn sứ hay tiên tri) của Allah, tức Thượng Đế tối cao. Sau biến cố này, Mohammad và vợ là Khadiji đi gặp giáo sĩ Waquarah bin Nawfal, một giáo sĩ Thiên Chúa Giáo, và trình bày sự việc. Giáo sĩ này cho ông biết vị thiên sứ mà ông gặp là vị thiên sứ đã được Thượng Đế phái đến báo tin Thiên Chúa chọn Moise làm ngôn sứ trước kia. Mohammad tự cảm thấy mình đã được chọn làm Nabi, tức người được chọn để nhận Thiên Khải từ Allah, và chức Sứ Giả có nhiêm vụ mang thông điệp của Allah đi phổ biến cho nhân loại. Từ đó, Mohammad bắt đầu rao giảng về Allah, Thượng Đế Tối Cao. Sự mặc khải kéo dài trong 13 năm khi Mohammad truyền đạo tại Mecca và 10 năm khi đến truyền đạo tại Medina, cho đến khi Mohammad qua đời. Tất cả những điều được Allah mặc khải đã được ghi lại trong kinh Coran (Qur'ân).

Nghe lời rao giảng của Mohammad về Allah, một Đấng Tối Cao và duy nhất, nhiều người bỏ thờ đa thần và đi theo ông. Nhưng các kỳ mục ở Mecca lại la mắng và chống đối ông một cách mạnh mẽ. Khi đó tình hình ở thị trấn Medina bất ổn, nhiều người bỏ qua Mecca, nhất là người Do Thái. Nghe ông giảng, những người di dân từ Medina lại theo ông đông hơn các tín đồ đa thần giáo ở Mecca. Họ mời ông đến Medina rao giảng, nhưng ông chưa muốn đi. Khi uy tín của ông tại Mecca quá lớn, các kỳ mục tìm cách ám sát ông nên ngày 16.7.622 ông bỏ qua Medina. Cuộc bỏ chạy này được người Hồi Giáo gọi là Hegira (Hijra) có nghĩa là di dân. Để kỷ niệm sự kiện này, về sau Hồi Giáo lấy năm 622 làm năm đầu của lịch Islam, và ngày 16.7.622 là ngày Tết Nguyên Đán của năm đầu tiên.


Khi đến Medina, Mohammad tiếp tục rao giảng về Allah và được nhiều người tin theo. Ông lập một tôn giáo mới, chống lại các giáo phái đa thần. Đạo ông được gọi là Islam, người Tàu dịch là Hồi Giáo. Những người theo Hồi Giáo được gọi là Muslim (còn viết là Moslem hay Moslim). Từ 624 - 627, dưới danh nghĩa "Chiến đấu vì đạo của Allah", ông mở cuộc thành chiến với các giáo phái đa thần và đã thắng. Năm 630 ông trở về Mecca. Công việc đầu tiên của ông là hòa giải những mâu thuẩn trong nội bộ của các bộ lạc A-rập, sau đó ông hình thành đội ngũ của những người tin Allah.

Lúc đó, tại vùng A-rập cũng đã có một dân tộc khác tôn thờ độc thần từ lâu, đó là người Do Thái. Dân tộc Do Thái thờ Đức Yahweh, cũng được gọi là Thiên Chúa tối cao. Tuy nhiên, Mohammad cho rằng người Do Thái là "những kẻ ngụy tín", nên cũng mở cuộc tấn công chống lại Do Thái Giáo. Vì thiểu số, Do Thái Giáo không chống nổi Mohammad. Nhiều người Do Thái bỏ Do Thái Giáo theo Hồi Giáo, nhưng các kỳ mục của Do Thái Giáo hoặc tìm cách hòa hoản hoặc rút ra khỏi vùng Mohammad cai quản. Tháng 7 năm 623, Mohammad quyết định chuyển sự triều bái từ Jérusalem của người Do Thái về Mecca. Người Do Thái bị đuổi dần ra khỏi hai thị trấn Mecca và Medina. Thiên Chúa Giáo cũng thờ độc thần là Đức Yahweh Thiên Chúa, nhưng Mohammed tỏ ra tin tưởng ở Thiên Chúa Giáo hơn. Kinh Coran đã viết:

"Ngươi sẽ thấy người Do Thái và những kẻ thờ đa thần là những người thù hằn của những người có đức tin (tức người tin Hồi Giáo) một cách dữ dằn nhất; và chắc chắn Ngươi sẽ thấy có quan hệ tình cảm gần nhất với những người có đức tin là những ai nói: "Chúng tôi là tín đồ Thiên Chúa Giáo". Sở dĩ như thế là vì trong họ có các bậc Thức Giả và các bậc Chân Tu"

Với đạo quân Muslim quyết tử, Mohammad dần dần làm chủ toàn vùng A-rập và dân chúng tôn ông làm giáo chủ. Ông qua đời năm 632 tại Medina, lúc 62 tuổi.

b) Giáo lý chính của Hồi Giáo

Khi dẫn các thương đội đi qua Syria, Mohammad đã gặp một giáo sĩ Thiên Chúa giáo và theo đạo Thiên Chúa. Khi đến Medina, ông sống gần người Do Thái và được nghe giảng giải về Do Thái Giáo. Vì thế, chúng ta thấy kinh Coran của Mohammad chịu ảnh hưởng Thánh Kinh của Do Thái Giáo và Thiên Chúa Giáo rất nhiều.

Kinh Coran nói rằng trước Mahammad đã có 28 Sứ Giả của Allah xuất hiện. Các sứ giả này đều có tên trong Thánh Kinh của Do Thái Giáo và Thiên Chúa Giáo, trong đó có những vị nổi tiếng như Adam (tổ tông loài người), Nud, Abraham (tổ phụ của người Do Thái), Moise (người giải thoát dân Do Thái), Davit (vua Do Thái) và Chúa Jesus. Các vị này đều được gọi la Nabi, tức Sứ Giả của Allah. Nhưng Mohammed tự xưng mình là Sứ Giả sau cùng, được "Phong ấn Chí thánh" và trở thành "không tiền tuyệt hậu", nghĩa là trước đó và sau đó không có ai bằng Mohammad được.

Bộ Thánh Kinh của Thiên Chúa Giáo gồm có hai phần, Cựu Ước (Old Testament) và Tân Ước (New Testament). Kinh Thánh của Do Thái Giáo không khác Cựu Ước của Thiên Chúa Giáo bao nhiêu. Kinh Coran có nói đến Cựu Ước (Tawrâh) nhưng không phải toàn bộ Cựu Ước của Thiên Chúa Giáo hay Ngũ Kinh (Pentareuch) Do Thái Giáo. Nhưng nhiều đoạn và nhiều câu trong kinh Coran gần như được ghi lại nguyên văn của Cựu Ước (Old Testament) của Thiên Chúa Giáo, hoặc phản ảnh tinh thần của Cựu Ước. Chỉ có phần giới luật là có nhiều điều khác biệt. Trong Cựu Ước gọi Đấng Tối Cao là Yahweh thì trong kinh Coran gọi Đấng Tối Cao là Allad. Kinh Coran cũng có nói đến Tân Ước (Injil), nhưng không phải là Tân Ước (New Testament) mà Thiên Chúa Giáo đang dùng mà là một quyển phúc âm được coi là quyển duy nhất được mặc khải cho Chúa Jesus được thánh Barnabas ghi lại. (Chúng tôi chưa hề được đọc quyễn này). Nói chung, Hồi Giáo rất tôn trọng bộ Thánh Kinh của Thiên Chúa Giáo hiện hành nhưng bác bỏ các chủ thuyết của Thiên Chúa Giáo và Do Thái Giáo đã đưa ra. Họ cho rằng họ đang theo truyền thống trung thực của tổ phụ Abraham.

Đạo Islam quy gồm vào ba phần chính: Tín ngưởng tôn giáo (Imani), nghĩa vụ tôn giáo (Ipatato) và thiện hành (Ybad)

(1) Tín ngưởng tôn giáo
Tín ngưởng của Hồi Giáo gồm có:

- Tin nơi Allah (Thượng Đế)
- Tin nơi các Thiên Thần của Allah
- Tin nơi các kinh sách của Allah
- Tin nơi ngày Phục Sinh và Phán Xử Cuối Cùng
- Tin ở Định Mệnh (Al-Qadr) hay Tiền Định, tức mọi điều Allah quyết định tất phải xẩy ra.

Kinh Coran dạy:

"Đạo đức không phải là các ngươi quay mặt về hướng Đông hay hướng Tây; mà đạo đức là việc tin nơi Allah và nơi Ngày Phán Xử cuối cùng, và nơi các Thiên Thần, và nơi Kinh Sách (của Allah), và nơi các Anbiyâ' (của Allah), và vì yêu thương Ngài mà bố thí tài sản cho bà con ruột thịt, và những trẻ mồ côi, và những người thiếu thốn, và những người đi đường xa, và những người ăn xin, và để chuộc và giải phóng cho những người nô lệ, và chu đáo dâng lễ bái, và đóng thuế tôn giáo, và hoàn tất lời hứa khi đã hứa, và kiên trì chịu đựng trong nghịch cảnh (đói khổ) và thiên tai, và trong thời gian xẩy ra chiến tranh. Họ là những người chân thật và họ là những người ngay thẳng và kính sợ Allah". (Q.2:177).

(2) Nghĩa vụ tôn giáo

Hồi Giáo đưa ra 5 mục buộc các tín đồ phải thực hành, đó là Niệm, Lễ, Trai, Khóa và Triều. Niệm tức tụng niệm "Thanh Chân ngôn". Lễ là lễ bái. Trai là trai giới mỗi năm một tháng, vào tháng 9. Khóa tức là nộp "thiên khóa", tức là thuế tôn giáo. Và triều là triều bái, tức viếng thánh địa Mecca ít nhất một lần trong đời.

Phần Lễ bái (salâh) rất quan trọng, có mục tiêu tạ ơn, tán tụng, khẩn cầu và bẩm cáo với Allah. Thời kỳ đầu, khi còn ở Mecca, mỗi ngày phải lễ bái 2 lần, khi qua Medina tăng lên 3 lần, và về sau quy định là 5 lần, vào các giờ sau đây: Lần 1: Sáng sớm, lúc mặt trời mới mọc. Lần 2: Hướng, tức lúc vừa quá trưa. Lần 3: Bô, lúc mặt trời chếch hướng tây, tức khoảng 4 giờ chiều. Lần 4: Hôn, tức lúc hoàng hôn. Lần 5: lúc bam đêm. Trước khi lễ bái phải làm "lễ tịnh", tức tắm rửa sạch sẽ. Nơi không có nước thì dùng cát (Tayammun). Nơi lễ bái phải sạch sẽ. Người lễ bái phải hướng về thánh địa Mecca, đứng thẳng người (Qiyâm), cúi mình về phía đàng trước (Ruku'), quỳ mọp gối xuống đất (Sujud), ngồi giữa hai lần quỳ, kèm theo việc đọc xướng các câu kinh như al-Fatihah, Tashahhud, Taslim, v.v. Mỗi tuần phải làm lễ bái chung vào ngày Thứ Sáu và nghe thủ lĩnh (Iman) hay giáo sư (Akhun) tuyên giảng.

(3) Thiện hành:

Đây là những quy phạm đạo đức mà người tín đồ phải tôn trọng. Islam đề xướng sự thanh khiết. Về mặt ăn uống, không được ăn thịt súc vật chết, tiết lợn và những loài gia cầm, gia súc giết mà chưa tụng tên Allah. Rượu được coi có tác hại rất lớn... Những điều khuyên răn phải theo và những điều cấm đoán không được làm quá nhiều, chúng tôi không thể liệt kê ra ở đây được.

c) Đế quốc Hồi Giáo

Mohammad khởi xướng thánh chiến (Jihad) với những người không tin Hồi Giáo. Người A-rập hưởng ứng rất mạnh mẽ, một phần vì mộ đạo, một phần muốn chiếm đoạt tài sản của những người bại trận. Suốt cả thế kỷ thứ 7, Hồi Giáo chiến thắng không ngừng. Họ bắt kẻ địch phải lựa chọn: Nộp cống cho họ và thừa nhận Allah hay là chết. Nhiều người theo Do Thái Giáo và Thiên Chúa Giáo đã bỏ đạo theo Hồi Giáo. Nhờ vậy, Hồi Giáo đã lập được những chiến công vào hạng oanh liệt nhất trong lịch sử thế giới. Phía Đông họ chiếm Syria và Ai Cập (634 - 639), Ba Tư (642) rồi tiến đến Ấn Độ và Tân Cương. Phía Tây họ chinh phục được Bắc Phi rồi từ đó tiến qua chiếm Tây Ban Nha. Qua thế kỷ thứ 8, Đế quốc A-rập đã mở rộng từ sông Hằng (Ấn Độ) đến Đại Tây Dương. Nhưng Đế Quốc A-rập tồn tại không lâu vì nội bộ chia rẽ, bị phân chia ra ba trung tâm, một tại Cairo ở Ai Cập, một tại Bagdad ở Cận Đông và một tại Cordoue ở Tây Ban Nha. A-rập không còn là thủ đô của Hồi Giáo nữa. Sau này, khối A-rập lại được chia thành nhiều nước nhỏ theo bộ tộc. Khối Hồi Giáo lại chia ra nhiều hệ phái khác nhau, nên càng yếu dần.

Tháng 7 năm 1798, Hoàng Đế Napoléon của Pháp tranh giành với Anh con đường thông thương qua Ấn Độ, đã đem quân chiếm Alexandria, xâm nhập vào Ai Cập, mở đầu cho thời kỳ bị thực dân thống trị. Thế giới Hồi Giáo từ Maroc tới Indonesia đã bị đặt dưới sự đô hộ của các nước thực dân Tây Phương. Các nước Hồi Giáo vừa là nguồn tài nguyên vừa trở thành thị trường tiêu thụ của Tây phương. Nhiều cuộc kháng chiến đã được tổ chức để chống lại, nhưng không thành công. Phải sau Đại Chiến Thứ II, các nước Hồi Giáo mới được trao trả độc lập dần. Tháng 5 năm 1971, Hội nghị Islam đã được triệu tập nhằm tạo sự đoàn kết và hợp tác giữa các quốc gia Hồi Giáo. Số người theo Hồi Giáo không ngừng tăng lên. Hiện nay, Hồi Giáo có 1 tỷ 164 triệu tín đồ, chỉ sau Thiên Chúa Giáo với 1 tỷ 943 triệu tín đồ. Hindus 761 triệu và Phật Giáo 353 triệu. Tại Bắc Mỹ, Hồi Giáo có khoảng 5.500.000 người. Có khoảng 30 quốc gia tuyên bố Islam là quốc giáo.

2.- Lý do không sợ chết

Người Hồi Giáo hăng say chiến đấu và chiến đấu không sợ chết vì tin tưởng ở Allah, vị Thượng Đế Tối Cao của họ. Kinh Coran dạy:

"Hãy đánh những ai không tin nơi Allah và Ngày Phán Xét (cuối cùng), và không tôn trọng các giới cấm mà Allah và sứ giả của Ngài đã cấm, cũng như không chấp nhận tôn giáo của Sự Thật trong số những ai đã được ban cho Kinh Sách, cho đến khi nào chúng chịu sự thuần phục và tự tay chịu trả thuế." (Q.9:29).

"Những ai có đức tin và đã di cư, và đã tận lực chiến đấu cho chính nghĩa của Allah, vừa hy sinh cả tài sản lẫn sinh mạng của họ, sẽ được cấp bậc cao dưới cái nhìn của Allah. Và họ là những người sẽ thành đạt". (Q.9:20)

"Hãy lên đường đi chiến đấu (dù được trang bị với phương tiện) nhẹ hay nặng; và hãy tận lực chiến đấu cho chính nghĩa của Allah với cả tài sản và sinh mạng của các người. Điều đó tốt nhất cho các người nếu các người biết (giá trị của nó)". (Q.9:41)

"Quả thật Allah đã mua từ những người tin tưởng sinh mạng và tài sản của họ để đổi lại cho họ Thiên Đàng. Họ đã chiến đấu cho hãy hoan hỉ với sự đổi chác mà các người đã mặc cả với Ngài. Và đó là một thành quả vô cùng to lớn". (Q.9:111).

"Chớ nghĩ rằng những ai hy sinh vì chính nghĩa của Allah đã chết. Không, họ vẫn còn sống với Đấng Chí Tôn (Rabb) của họ và được cung dưỡng (đầy đủ)". (Q.3:169)


Những đoạn như thế có rất nhiều trong kinh Coran. Nhưng đạo Islam không phải chỉ có thế. Kinh Coran đã dạy:

"Không có việc cưỡng bách trong lãnh vực tôn giáo. Chắc chắn Chân Lý và Lẽ Phải bao giờ cũng khác biệt với điều ngụy tạo và sự sai lạc. Bởi thế, ai phủ nhận tà thần và tin nơi Allah, chắc chắn sẽ nắm vững chiếc cán không bao giờ gãy. Bởi vì Allah hằng nghe và hằng biết". (Q.2: 256)

"Trả oán bằng cái oán tương tự. Nhưng ai lượng thứ và giải hòa thì phần thưởng của họ nằm nơi Allah, bởi vì quả thật Ngài không yêu thương những kẻ làm điều bất công, sai trái." (Q.42:40)

"Bởi lý di đó, Ta (Allad) đã quyết định cho con cháu Israel như sau: ai giết một người (vô tội) trừ phi (giết) một tên sát nhân hay một kẻ phá hoại trên trái đất, thì như là hắn đã giết toàn thể nhân loại; và ai cứu sống một sinh mạng thì như hắn đã cứu sống toàn thể nhân loại".


Ngày 17/9/2001, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo Hồi Giáo tại Hoa Kỳ thuộc các tổ chức American Muslim Council, Islamic Circle of North America, Islamic Society of North American, Muslim American Society, và nhiều tổ chức khác đã cùng ra một bản tuyên bố, trong đó có đoạn như sau:

"Không có điều nào trong Kinh Thánh của chúng tôi, không có điều nào trong các mạc khải của Thiên Chúa, không có điều nào trong Kitô Giáo và Hồi Giáo biện minh cho các hành vi khủng bố và cướp đi sinh mạng hàng ngàn người như chúng ta đã chứng kiến trong tuần này. Cùng nhau, chúng tôi lên án những hành vi này là tội ác và hoàn toàn chống lại tôn giáo thật sự"

3.- Các động lực khác

Thật ra, ngoài lòng cuồng tín tôn giáo, còn nhiều yếu tố khác đã khiến nhiều dân tộc chống lại Hoa Kỳ, như thái độ hung hăng có cuộc xích mích nghiêm trọng với Tướng Manuel Noriega, người lãnh đạo chính quyền Panama, ngày 20.12.1của Hoa Kỳ, chủ nghĩa quốc gia cực đoan, phản ứng của những kẻ bị dồn vào thế chân tường...

Mỗi khi quyền lợi của Hoa Kỳ bị xâm phạm, Hoa Kỳ đã hành động bất chấp luật pháp quốc tế. Sau đây là một vài thí dụ cụ thể: Năm 1989, khi Hoa Kỳ đã mở cuộc hành quân qua Panama, bắt Tướng Noriega đem về Mỹ giam truy tố về tội "buôn bán ma túy" rồi đưa Guillermo Endara lên thay. Tại Haiti, ngày 6.12.1990, Linh mục Aristide đắc cử Tổng Thống và tuyên thệ nhận chức ngày 7.2.1991. Nhưng tháng 9 năm 1991, Aristide bị quân đội đảo chánh. Hoa Kỳ và các nước thuộc tổ chức OAS ra lệnh cho quân đội phải trao quyền lại cho Aristide, nhưng quân đội từ chối. Hoa Kỳ liền cấm vận. Nhiều cuộc thương lượng đã được tiến hành nhưng không đem lại kết quả nào. Tổng Thống Carter quyết định cho đổ quân xống Haiti để lật đổ chế độ quân nhân ở đó. Khi cuộc đổ quân đang tiến hành, Tướng Cedras của Haiti đồng ý trao quyền lại cho Aristide, Hoa Kỳ mới ngưng đảo chánh và đứng ra giữ trật tự cho việc trao quyền. Mãi đến ngày 17.4.1996 quân Mỹ mới rút hết khỏi Haiti.

Trường hợp của Miền Nam Việt Nam thì chính phủ Hoa Kỳ lại làm ngược lại. Khi cuộc thương lượng để đổ quân Mỹ vào Việt Nam kéo dài từ 1961 đến 1963 bất thành vì Tổng Thống Ngô Đình Diệm nhất quyết cự tuyệt, Hoa Kỳ đã nhân vụ Phật Giáo, tổ chức đảo chánh ngày 1.11.1963 lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông Ngô Đình Nhu và ông Ngô Đình Cẩn, trao quyền cho các chính phủ quân nhân, sau đó đổ quân vào miền Nam Việt Nam. Ít năm sau, Hoa Kỳ lại tuyên bố rút lui "trong danh dự"...

Trong cuộc chiến giữa Iraq và Iran từ 1982 đến 1986, Mỹ ủng hộ Iraq chống lại Iran.

Trường hợp của Iraq hiện nay là trường hợp bị dồn vào thế chân tường. Linh mục Jean Marie Benjamin, người tiên đoán Hoa Kỳ sẽ bị tấn công bằng máy bay 4 ngày trước khi vụ khủng bố xẩy ra, đã liều lĩnh thực hiện hai chuyến bay sang Iraq với sự yểm trợ của 150 tổ chức trên thế giới, chở các thực phẩm, thuốc men quyên được đến Iraq giúp những người nghèo. Theo các tài liệu được tiết lộ, hiện đang có 135.000 tấn bom và hơn 1 triệu viên đạn có chất uranium đã bị vô hiệu hóa đang nằm rải rác khắp nơi trên lãnh thổ Iraq. Dân chúng Iraq đang chịu cảnh nhiễm độc trầm trọng từ các thứ bom đạn và chất hóa học do Iraq và quân đồng minh sử dụng. Cho đến nay, Mỹ và Anh vẫn tiếp tục ném bom xuống nhiều vùng trên lãnh thổ Iraq. Theo thông tấn xã Fides, đã có một sự gia tăng đáng kể các bệnh bạch hầu, ung thư và rối loạn hệ thống miễn nhiễm trong dân chúng Iraq.

Một báo cáo của UNICEF năm 1999 cho biết cứ mỗi 8 phút có một trẻ em dưới 5 tuổi ở Iraq chết vì bệnh tật và suy dinh dưỡng. Số tử vong lên đến 5.000 trẻ em trong một tháng và khoảng 1 triệu rưởi dân hàng năm. Dân số Iraq đã suy giảm rất nhanh trong thập niên qua, chỉ còn khoảng 2/3 dân số Iraq năm 1990. Linh mục Gioan Maria Ploidoro thuộc dòng Phanxicô cho biết thêm: "Trong 10.000 ngôi trường trên đất nước này, hơn 8.000 đã ngưng hoạt động. Cả một thế hệ đang đối diện với một tương lai tuyệt vọng với khoảng trống 10 năm thiếu giáo dục." Phóng viên Fides tại chỗ cho biết nguồn điện bị cắt mỗi hai giờ. Tại các tỉnh phía Nam, nhiều thành phố và làng mạc chẳng có nguồn nước sạch nào cả. Dịch tả và các bệnh truyền nhiễm lan rộng. Tình hình cứu trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc ở xứ sở này rất nhỏ giọt, hời hợt và vô nghĩa, không đáng kể gì so với những khó khăn mà Liên Hiệp Quốc, dưới sự chỉ đạo và dẫn dắt của Mỹ, đang gây ra cho dân tộc khốn khổ này. Hans Von Sponeck và Denis Halliday là hai người đã tích cực tham gia cứu trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc tại Iraq, nay đã từ chức và nói với phóng viên Fides: "Chúng tôi không muốn là tòng phạm của tội ác diệt chủng". Riêng Linh mục Benjamin đã nói với hảng thông tấn Fides: Hồi Giáo cực đoan trước đây hiếm thấy trên đất nước này, nay đã lan tràn tới 60% dân số. Saddam Hussein và Mỹ thực sự đã buộc được cả một dân tộc phải quỳ gối xuống trước mặt họ".
Lữ- Giang