Thế nhưng vì những tác phẩm in để lại cho chúng ta ngày nay đều là những sách do Đắc Lộ đã soạn và cho ấn hành tại Roma 1651, cho nên có một số người nói hơi quá đáng với những từ ngữ vang rền: Đắc Lộ là ông tổ chữ quốc ngữ, Đắc Lộ thủy tổ chữ quốc ngữ, Đắc Lộ sáng tạo ra chữ quốc ngữ, mặc dầu trong lời tựa của cuốn Từ điển Việt Bồ La, ông viết bằng tiếng Latinh và cho biết: sở dĩ ông soạn được Từ điển này là nhờ vào ba sự việc: thứ nhất là ông đã được học tiếng Việt với giáo sĩ De Pina là một người rất tinh thông tiếng Việt, người Bồ thứ nhất giảng mà không cần thông dịch viên, thứ hai ông đã sử dụng hai tác phẩm viết tay, một Từ điển Việt Bồ của Gaspar d’Amaral và một Từ điển Bồ Việt của Barbosa, hai ông này đã mất sớm, thứ ba ông đã lưu trú tại Việt Nam cả thảy 12 năm.
Thực ra nếu trừ những cuộc hành trì nh đi đi về về hoặc tạm trú ngụ tại Phi Luật Tân hay Macao, thì thời gian ông sống ở cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài chừng tám năm rưỡi. Vì năm 1651 là năm phát hành ba tác phẩm quốc ngữ của Đắc Lộ, trước đây và sau đây không có tác phẩm in nào, cho nên người ta đã lấy năm 1651 làm cái mốc để kháo cứu về chữ quốc ngữ và phân chia các thời kì thành lập: tiền Đắc Lộ và hậu Đắc Lộ.
Chúng tôi không nói tới những biên khảo của nhiều tác giả Pháp cũng như Việt từ trước cho tới những năm 1960. Chúng tôi phải để ý tới công trình sáng lạn của Đỗ Quang Chính, năm 1972 đã cho phát hành cuốn Lịch sử chữ quốc ngữ ở Sàigòn. Theo Đỗ quân thì có thể Gaspar d’Amaral giỏi hơn Đắc Lộ, Đỗ quân còn khẳng định là khác.
Điều này làm cho chúng tôi suy nghĩ tìm tòi thêm, nhất là suy nghĩ. Và chúng tôi thấy phải đặt lại vấn đề và sau đây là lai lịch những sự kiện và những chứng cớ chúng tôi sẽ đưa ra khi nói sơ lược về những tác phẩm của Đắc Lộ về chữ quốc ngữ.
Trích trong:
Trích trong:
GIÁO SĨ ĐẮC LỘ
(1593-1660)
Biên soạn: Nguyễn Khắc Xuyên