Một người đã băng ngàn lội suối để kiểm chứng cho rõ thực hư về danh tiếng
đồn đãi của Minh Sư.
Ông ta hỏi một đệ tử: "Minh Sư của anh đã làm được những phép lạ
nào?"
"Này ông bạn, có những phép lạ khác nhau. Trong xứ bạn, người ta bảo phép
lạ là khi Thượng Đế làm theo ý muốn của một người. Còn trong xứ chúng tôi,
người ta bảo phép lạ là khi một người thực thi Thánh Ý Thượng Đế!"
TRƯỞNG THÀNH
Một đệ tử suốt ngày cầu nguyện, Minh Sư bảo: "Chừng nào con mới thôi
nương tựa vào Thượng Đế và đứng vững trên đôi chân của con?”
Đệ tử sửng sốt: "Nhưng chính thầy là người đã dạy chúng con nhìn lên
Thượng Đế như một người Cha mà!”
“Chừng nào con mới hiểu được rằng người cha không phải là một kẻ để con có
thể nương tựa mà là một kẻ giúp con vứt bỏ cái khuynh hướng tựa nương.”
NHẠY CẢM
"Thưa thầy, làm sao con chứng nghiệm được rằng con với vạn vật là
một?"
Minh-Sư đáp: "Bằng cách lắng nghe.”
“Và con phải lắng nghe như thế nào?”
“Con hãy lắng tai để nghe ngóng mỗi lời thì thầm của vũ trụ. Khi con nghe
thấy chính tiếng nói của con thì con hãy thôi nghe."
PHI LÝ
Minh Sư cố cọ xát một viên gạch trên sàn căn phòng mà đệ tử đang tọa thiền.
Ban đầu, đệ tử xem ra thích thú, lấy đó làm một trắc nghiệm đối với năng
lực tập trung của mình. Nhưng khi không thể chịu đựng tiếng động được nữa, đệ
tử la lên: "Trời đất ơi! Thầy làm gì vậy? Thầy không thấy con đang thiền
định hay sao?"
Minh Sư đáp: "Thầy cọ giũa viên gạch này để làm thành một tấm kiếng
soi mặt.”
“Thầy điên rồi! Làm sao thầy có thể làm một tấm kiếng từ một viên gạch?”
“Thầy không điên hơn con đâu! Làm sao con có thể biến cái tôi của con thành
một con người thiền định?”
MINH BẠCH
Minh Sư bảo: "Đừng tìm kiếm Thượng Đế. Các con chỉ cần nhìn thôi - và
mọi chuyện sẽ được tỏ bày."
"Nhưng phải nhìn như thế nào?”
“Mỗi khi nhìn vật gì, các con chỉ thấy vật đang ở đó thôi và không thấy vật
gì khác nữa."
Các đệ tử hoang mang nên Minh Sư giảng giải cách đơn giản hơn: "Chẳng
hạn, khi các con nhìn mặt trăng thì các con chỉ nên thấy mặt trăng thôi mà
không thấy gì khác nữa."
“Khi người ta nhìn mặt trăng, thì người ta có thể thấy gì khác ngoại trừ
mặt trăng?”
“Người đói bụng có thể (nhìn mặt trăng mà) thấy một mẩu phó mát hình tròn.
Người si tình có thể thấy khuôn mặt người yêu."
TÔN GIÁO
Nhân một chuyến công du, vị Tổng Trấn sở tại dừng chân đảnh lễ Minh Sư.
Ông nói: "Thưa ngài, Việc Nước bề bộn không cho phép tôi có nhiều thì
giờ luận bàn viển vông. Có thể nào ngài tóm gọn cốt lõi của tôn giáo trong một
hai câu, cho một người quá bận rộn như tôi không?"
"Vì lợi ích của Thượng Quan, tôi xin tóm tắt điều cốt yếu đó trong một
từ (kép)”
“Tuyệt vời! Và từ siêu việt đó là gì?”
“Thinh-Lặng.”
“Và đường nào dẫn tới Thinh-Lặng?”
“Chiêm-niệm.”
“Và xin cho phép tôi được hỏi chiêm-niệm là gì?”
“Thinh-Lặng."
LINH ĐẠO
Mặc dù đó là Ngày Tịnh Khẩu của Minh-Sư, một khách hành hương đã van
lơn ngài ban bố một lời minh triết để có thể hướng dẫn suốt hành trình cuộc
sống.
Minh Sư ân cần gật đầu, lấy một tờ giấy và viết gọn lỏn hai chữ: “Thức
Tỉnh”.
Lữ khách lúng túng: "Quá vắn tắt. Có thể nào xin thầy vui lòng khai
triển thêm chút xíu?”
Minh Sư lại cầm miếng giấy lên và viết: “thức tỉnh, thức tỉnh, thức tỉnh.”
Người khách lạ không hiểu ất giáp gì cả nên nói: "Nhưng những chữ đó
nghĩa là gì?"
Minh Sư với lấy tờ giấy và viết: “thức tỉnh, thức tỉnh, thức tỉnh nghĩa là
THỨC TỈNH”
Gs. Đỗ Tân Hưng chuyển ngữ