Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

NHỮNG HẸN HÒ XINH XẮN

Lm Trần Đình Long
 Hồi tháng rồi ở khu phố nọ, có một đám tang nghèo nàn đơn sơ, không kèn không trống, không cờ quạt, không vòng hoa liễn trướng. Đó là đám hiếu của một cụ ông, là bố của một linh mục, vừa được Chúa gọi về.


Trong khi cùng bè bạn, học trò, người thân đưa cụ đi hỏa táng, hai bên đường phố một số bà con cũng đổ ra chia buồn cùng gia chủ. Ánh mắt người linh mục nhìn qua bên đường như lời tri ân chòm xóm. Song người linh mục thảng thốt. Chen lẫn trong đám đông bà con lối xóm không phân biệt tôn giáo, có một người đàn ông lạ mặt dường như lần đầu tiên xuất hiện trong xóm này. Anh quá gầy, cụt sát một chân, chống cây nạng gỗ và ánh mắt buồn vời vợi. Ông ra dấu cho một học trò. Hiểu ý thầy, tình nguyện viên lẳng lặng tách đoàn, băng mình vào đám đông trên hè phố...

Người đàn ông có ánh mắt buồn rười rượi đã không còn ở đó. Lặng lẽ, anh rẽ vào một con hẻm xéo. Tiếng nạng gỗ dội xuống lòng đường nghe đơn côi : lóc cóc, lóc cóc…

Tình nguyện viên vẫn không bỏ cuộc dù không còn nhìn thấy người đàn ông đâu nữa. Kiên trì đi dọc phố hỏi thăm : một người đàn ông gầy gò, cụt một chân, và chống cây nạng gỗ.

- phải anh ta nói tiếng miền Trung không ? - Anh chủ quán cà phê hỏi.
- dạ...Em cũng không biết ! Chỉ biết là anh ấy...có một chân thôi!
- có lẽ là anh ta - anh chủ quán cà phê nhíu mày.

Tình nguyện viên cười rạng ngời hi vọng.

Theo anh chủ quán là người bán ở đây khá lâu, thấy có một người đàn ông miền trung rất dễ thương. Anh ta đi xe lăn tới, gởi ở quán, sau đó len lỏi đi nạng vào các ngách phố bán từng tờ vé số. Chiều nào anh cũng quay  lại quán cà phê, lấy xe lăn đi trả vé số thừa, và lấy vé ngày mai bán tiếp.

Thông tin nắm bắt được chỉ có thế. Không còn cách nào khác hơn là kiên trì đợi ngày anh ta quay lại quán cà phê thân quen. Tình nguyện viên đã đợi. Đợi một người đàn ông không quen. Có khách quán chọc ghẹo : Ồ ! Giờ lại có người ngồi uống cà phê kiên trì đợi bạn trai! Tình nguyện viên chỉ cười mỉm, dứt khoát không thanh minh chi cả. Việc tốt cần làm thì cứ làm, để ý chi đến lời ra tiếng vào. Có Chúa biết tấm lòng của mình là được rồi.

Và một ngày kia, người đàn ông thiếu cái chân đã tới. Tình nguyện viên mới chỉ kịp mở lời : “Anh ơi!...” Người đàn ông khập khễnh cây nạng đã vội xua tay : “Xin lỗi, tôi vội lắm… Tôi phải đi, phải đi liền, không thì không kịp. Chịu khó ngồi đó đợi nha !”

Chúa ơi, tình nguyện viên con cái lòng Chúa xót thương lại một phen đỏ mặt, khi ai đó trêu đùa : “Tội chưa, bị thằng chả khước từ, mà thằng chả kiêu ha, thiếu cái giò, mà làm phách khí thế !” Mặc ai nói gì thì nói. Con đường đi thực hành lòng thương xót bị hiểu lầm, bị dèm pha đàm tiếu, bị chê trách, bị cản trở dường như là cơm bữa đối với các tình nguyện viên. Khi gặp khó khăn thử thách như thế là họ biết mình đang đi đúng đường. Con đường thập tự Chúa đã đi qua…

Rồi người đàn ông cũng quay trở lại với chiếc nạng lóc cóc. Họ thấy cả hai ngồi bên tách cà phê. Câu chuyện giữa họ có vẻ nghiêm trọng. Cả hai gương mặt đều suy tư, trĩu nặng.

Trước sự chân thành của tình nguyện viên, người đàn ông chia sẻ:

Anh tên là nguyễn tấn dũng, quê ở mãi mộ đức, tư nghĩa, tỉnh quảng ngãi. Nơi gần như là rốn lũ mỗi năm. Không lũ thì hạn cháy lưng, đồng khô cỏ cháy. Vợ chồng anh có hai đứa con. Với anh, cho con cái ăn học, có cái nghề, và có thể thoát khỏi quê nghèo là ước mơ lớn nhất.

Để thực hiện ước mơ, anh đành phải bỏ lại quê hương nơi xóm nhỏ nghèo. Anh lên rừng làm phu bắn đá. Có lẽ đó là cái nghề nặng nhọc nhất trong những nghề nặng nhọc, mà lại rất hiểm nguy. Tính mạng bị đe dọa thường xuyên. Không chết cũng bị thương. Phu bắn đá phải cho nổ mìn để tách ra khỏi núi những tảng đá to. Mà khi mìn nổ thì biết chuyện gì xảy ra. Sau đó họ sẽ dùng chính hai bàn tay và các công cụ thô sơ chẻ đá thành những viên gạch hình vuông phục vụ cho việc xây nhà dựng cửa.

Chuyện phải đến cũng đến. Một lần mìn nổ, và khi Dũng mở mắt ra, thì cả bầu trời chỉ còn là màu đỏ của máu. Nguyên một cái chân anh đã theo những mảnh đá mà vỡ nát, tung tóe, hòa vào vạt rừng xanh núi đỏ.

Dũng thoát chết, mất cái chân, song cái nghèo vẫn không thoát được. Thoát chết mà không thoát nghèo. Nghiến răng lại, người bố ấy cõng con ăn học theo cách của mình. Anh chia tay vợ con, gia nhập đội quân bán vé số ở thành phố Sài Gòn. Bằng cách ấy vợ chồng anh lo cho thằng con lớn học được mớ chữ con con, sau đó nó rẽ ngang làm nghề nhôm kiếng.

- ngày đó vợ tôi cũng gửi con cho hàng xóm, đầu quân đi bán vé số dạo cùng tôi. Song giờ cháu nhỏ nó học lớp ba rồi. Xã hội thì mỗi ngày mỗi loạn, đủ thói hư thân, tôi cho vợ về quê chăm sóc con, dạy dỗ đàng hoàng, lo cho nó học hành tử tế. Tôi ở lại thành phố “kéo cày” nuôi mẹ con nó.

- còn anh… mình anh ở lại đây, rồi !... - Tình nguyện viên lo lắng, liếc nhìn xuống chân anh ái ngại.

- không sao - người đàn ông cười - cái khó nó ló cái khôn. Tôi chọn cách “ở ghép” với người làng. Cũng ổn thôi!

Dù rất tế nhị, tình nguyện viên cũng không thể thuyết phục được anh là để cộng đoàn ghé tay giúp anh một chút cho bớt nhọc nhằn. Theo anh, thế là tốt lắm rồi, không thể bỗng dưng đón nhận sự giúp đỡ từ một người mới quen. Hình như anh ấy cảm thấy bị thương tổn!

Giúp người thì phải giúp đến nơi đến chốn, và phải thật khéo léo tế nhị, người linh mục vẫn dặn dò học trò mình như thế. Tình nguyện viên kiên trì theo anh trên những con phố đã thành quen, lẽo đẽo theo anh tới tận cái nơi anh gọi là “hộ ghép”.

Đó là một căn nhà cấp bốn, nóng hầm hập, thấp lè tè, hơn hai chục bà con huyện tư nghĩa hùn tiền thuê. Họ chỉ cần có chỗ ngả lưng sau một ngày lầm than kiếm miếng cơm, không những cho mình, mà còn phải chắt chiu từng đồng, dành dụm gởi về quê nghèo nữa. Phận người di dân, làm gì có được mái nhà, tối về có chỗ ngả lưng lấy sức mai “đi cầy” là tốt lắm rồi.

Giúp người chính là giúp mình. Giúp mình tập kiên nhẫn, tập có lòng xót thương. Thế rồi cũng có cuộc...hẹn hò ! Người đàn ông nhận ra, những tình nguyện viên của lòng Chúa thương xót không phải là những người đi bố thí, đi ban phát để quay phim quảng cáo thương hiệu. Họ không phải là như thế. Họ không hề có ý định thương hại cái chân bay mất trên rừng của anh. Họ chỉ muốn đứa con nhỏ của anh đang ở quê không phải bỏ học khi thiếu tiền trường. Vào năm học rồi, mặc cảm bởi cái nghèo cũng dễ khiến trẻ con tủi thân mà bỏ học.

Thế là vào một chiều chủ nhật, có một buổi hội ngộ tưng bừng. Các tình nguyện viên con cái của lòng Chúa xót thương đã tới căn “hộ ghép” của bà con di dân gốc huyện Tư Nghĩa. Họ sống đùm bọc yêu thương nhau trong một hẻm nhỏ xíu xiu trên đường Phạm Phú Thứ.

Vui, vui và đầm ấm xiết bao. Một bác lớn tuổi hối anh Dũng nhận món quà của lòng Chúa thương xót và sáng mai  mau bay ra bưu điện gởi về liền, để vợ Dũng đóng học cho thằng nhỏ.

Một dì khác thì bỏm bẻm : “Còn món quà lòng Chúa thương xót cho hộ ghép này. Cả nhà tính sao nhỉ ?”

Một đứa nhỏ gày nhẳng xen vô : “À, trong gia đình hộ ghép này có bốn trẻ thơ, phải rời quê tham gia nghiệp bán vé số. Dì mua thịt bò nấu đi. Hôm qua tụi con đi qua hiệu bún bò, thơm rõ là thơm. Con chỉ dám hít một hơi, Hổng có dám nhìn. Sợ người ta khi dể mình nghèo mà dám nhòm món ăn sang, dì tư...”

Tất cả như lặng đi…

Dì Tư chớp nước mắt, xóa tan bầu khí ngậm ngùi: “Ờ để dì Tư nấu thịt bò cho cả nhà ăn chung, chớ cả nhà mình toàn cơm đường cháo chợ không hà. Lâu lắm rồi không có dịp nấu ăn một bữa cho xôm tụ.”

Anh dũng vui ra mặt. Giờ thì anh bạo dạn hỏi tình nguyện viên : “Mấy bạn có còn ghé đây chơi với tụi tôi nữa không? Ghé ăn bữa cơm với nhà “hộ ghép” nhé !...

Một tháng sau.

Tại quán cà phê hôm bữa, tình nguyện viên ngồi một mình điện thoại đường dài. Và lần này là một giọng xa lạ mãi ngoài Trung của một người phụ nữ.

- dạ, em nghe. Chị là vợ anh Dũng hả ? Dạ, không có chi. Đó là quà của lòng Chúa xót thương thôi mà!

Anh chủ quán lại trêu :  “Lạy Chúa, bả đánh ghen, tính xé em ra làm gỏi hả ?”

Tình nguyện viên cười, lắc đầu : “đâu có ! Chị cảm ơn báo là đóng học cho thằng cu rồi, còn dư chút mua cho nó cái cặp. Chị đòi anh Dũng cho số để cảm ơn mà...”

- thế có ghé nhà “hộ ghép” nữa không ?

- Dạ, nếu Chúa thấy đó là cần. Ngài sai, chúng em sẽ lại đi tiếp.

Và điện thoại lại reo. Lần này thì của chính người linh mục.

- Dạ, chúng con hoàn thành nhiệm vụ rồi. Chúng con rất vui vì đã hoàn thành tâm nguyện của ông cụ, thay phúng điếu vòng hoa bằng việc bác ái, đó là lời nguyện đẹp nhất dành cho người nằm xuống. Dạ...chúng con nhớ rồi, ba giờ chiều, cầu nguyện lòng Chúa thương xót ạ !

Đúng rồi, làm bất cứ việc gì, con cái Chúa cũng sẽ làm trong nguyện cầu, hoan ca, và tín thác hoàn toàn vào lòng Chúa xót thương. Chính vì thế những chuyến công tác bác ái âm thầm len lỏi vào từng ngóc ngách của những phận người đầy nỗi thống khổ đã trở thành “những hẹn hò xinh xắn”

Ở “hộ ghép”, anh Nguyễn Tấn dũng đang nói với mọi người : “quả thật, trong thành phố này, có những cánh chim thiện nguyện của lòng Chúa thương xót cho nên mới có những hẹn hò xinh xắn như thế này!…”

Dì tư gật gù. Thằng bé gầy nhom xà vào lòng dì tư : “dì, hay...mình lại nấu thịt bò, ngon quá à !...

Dì tư cười, nhìn xa xa nghĩ ngợi mông lung, nghĩ đến những con người có tấm lòng thương xót, thay những vòng hoa phúng điếu tốn tiền bằng việc bác ái thì từ đó sẽ có thêm “những hẹn hò xinh xắn”…

T.H
tháng các linh hồn 2013