(Trích tập san GHXH tập 10)
Mẩu Bút Chì
“Tự một mình, có công lý thôi chưa đủ. Thật vậy, công lý có thể phản bội chính mình trừ khi nó biết mở ra cho một sức mạnh sâu xa hơn, là bác ái” (TLHT, 203).
Vào thập niên 1980, lúc ấy tôi còn nhỏ, Việt Nam đói nghèo xác xơ. Tại quê tôi, nhiều gia đình phải ăn bánh gói làm từ khoai mì với nhân hạt mít. Ăn như thế triền miên, có khi còn đói ròng đói rã.
Một buổi sáng nọ, một kẻ trộm từ phương nào đến đột nhập vào ẩn nấp ngay trong vườn nhà ông tổ trưởng, chưa kịp hạ thủ đã bị người ta phát hiện, bắt trói gô vào gốc cây giữa sân. Khi tôi hay tin chạy đến – cố chen qua đám đông để nhìn cho rõ – thì mặt mũi anh ta đã sưng húp, người tím bầm, toét máu, áo quần bị xé rách bươm. Thanh niên trai tráng trong xóm kẻ cầm gậy, người tay không, nhảy vào đấm đá túi bụi. Mọi người đều hả hê, đáng đời cho phường đạo tặc! Chứ ai đời người thì cong lưng bòn tro đãi sạn chưa có cái bỏ vào miệng, còn kẻ thì rình rập trộm cướp, còn gì là công lý?
Ban đầu tôi thấy anh ta còn rúm ró, run rẩy, sau một hồi thì vẹo đầu đứng yên. Tôi không dám nhìn nữa, lại cố chen để thoát ra ngoài. Trái tim bé dại của tôi cứ đập thình thịch, tâm thần bấn loạn và chỉ chực bật khóc. Mặc cho người lớn vẫn oang oang chửi bới, mắng nhiếc, chẳng hiểu sao tôi lại ước có một phép màu để giải cứu anh ta ra khỏi nơi đó. Tôi chạy một mạch về nhà, trốn vào góc tủ bưng miệng khóc. Tôi sợ người khác biết tôi khóc thương một “thằng” ăn trộm, điều mà ngay chính đầu óc bé thơ của tôi cũng không giải thích được vì sao tôi lại dám làm cái “chuyện tày trời” như vậy! Chỉ biết rằng tôi ngồi đó, lần lượt tưởng tượng “thằng” ăn trộm bị đánh thê thảm ấy là anh Hai, anh Tư, chị Năm,… thân thương của tôi, những người rất thương tôi, và cũng đã đôi lần vì thấy tôi đói quá mà đã đánh liều lẻn vào rẫy người ta bẻ trộm bắp non, nướng cho tôi ăn cầm hơi…
Lớn lên chút nữa, xem thời sự trên tivi, tôi lại len lén khóc thương cho những người tử tù, nhất là những phạm nhân tuổi đời còn phơi phới. Tôi chẳng biết cảm xúc của mình là đúng hay sai, bởi rõ ràng công luận đều cho rằng kẻ phạm tội phải được nghiêm minh trừng trị, trả lại sự công bằng cho người bị hại. Nhưng tôi cảm thấy, nếu phải tước đoạt sinh mệnh của con người để trả lại sự công bằng cho xã hội, thì dường như sự “công bằng” ấy có cái gì đó không bình an, không “có hậu”, nó chỉ làm thỏa mãn sự giận dữ và lòng thù hận của con người… Lòng tôi vẫn day dứt khôn nguôi!
Khi biết Chúa và biết Tin Mừng, tôi hả lòng khi Chúa trả lời những người Do Thái muốn ném đá người phụ nữ ngoại tình: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8, 7), và “họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi” (Ga 8, 9).
Tôi hả lòng vì nhận ra rằng có một nền công lý không giống với công lý của thế gian, nó vượt lên trên cái công bằng thường tình hạ đẳng của loài người. Công lý ấy đầy ắp yêu thương, có quyền năng cải hóa con người, vì “chỉ có tình yêu mới có thể phục hồi con người về lại với chính mình” (TLHT, 582). Đó là Công Lý của Chúa. (TLHT, 583).
Nói đến đây, tôi chợt nhớ lại lời một linh mục đã chia sẻ với chúng tôi trong lớp học giáo huấn xã hội Công giáo rằng: ở Philippines, một nước có hơn 90% dân số là người Công Giáo, họ đã có một hệ thống nhà tù và chính sách cải tạo con người mang màu sắc của Tin Mừng. Hệ thống ấy đã giúp cải tạo con người một cách đúng nghĩa, tạo cho họ cơ hội hoàn lương để dễ dàng hội nhập vào đời sống cộng đồng. Trong nhà tù, họ vẫn được học hành đến cấp cử nhân, thạc sĩ, được tham gia thi thố tài năng,… Ở một số quốc gia, luật tử hình đã được hủy bỏ. Vì luật tử hình đã tước đi niềm hy vọng và cơ hội được phục thiện, được làm lại cuộc đời của một con người.
Dường như ai cũng hiểu “công bằng” là điều tích cực đáng được tôn trọng. Nhưng không phải ai cũng hiểu “công bằng là cấp độ tối thiểu của tình yêu” (Đức Phao-lô VI, Caritas in Veritate, 6). “Không công bằng” ngày nay thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực là “bất công”. Nhưng “không công bằng” còn có nghĩa là trên cả công bằng, là hy sinh vì tình yêu. Như tình yêu và sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái chẳng bao giờ đòi hỏi sự công bằng. Trước khi trút hơi thở trên Thập Giá, Chúa Giêsu đã thực hiện nền công lý tuyệt đối: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).
Tôn trọng sự công bằng là cần thiết, nhưng chỉ quy chiếu về công bằng để rồi gạt bỏ cả yêu thương, từ chối hy sinh và không muốn chịu đựng, không tôn trọng sự khác biệt của nhau thì có khi dẫn đến những tổn thương khôn lường. Phải chăng chính sự mơ hồ, không phân định được ý nghĩa giữa “yêu thương” và “không công bằng” là nguyên nhân của nhiều mâu thuẫn, nhiều sự đổ vỡ gia đình, xào xáo anh em? Bởi ai cũng đòi hỏi công bằng mà không ai chịu nhường nhịn ai. Yêu thương và hy sinh bị quên lãng, thế mà ai cũng tưởng mình đang thực thi công lý! Cũng vì thế, gia đình ngày nay – đặc biệt là gia đình Việt Nam – đang bị chao đảo dữ dội. Điều đó thể hiện qua tình trạng đổ vỡ, ly dị của các cặp hôn phối (kể cả người Công giáo), và ngày càng xuất hiện nhiều những án mạng xuất phát từ sự tranh chấp của cải trong nội bộ gia đình chỉ vì phân chia tài sản không đồng đều. Quả là đáng lo thay!
Lạy Chúa! Chúa vẫn ở đó, lặng lẽ đau thương trên Thập Giá. Chắc hẳn hết đời này con cũng chưa hiểu hết được Mầu Nhiệm Chúa trao ban. Hôm qua con biết Thập Giá là Mầu Nhiệm Cứu Chuộc, Mầu Nhiệm Tình Yêu, nhưng hôm nay con chợt nhận ra rằng Thập Giá chiếu soi Công Lý nước Trời. Công Lý ấy phá đổ cái công lý thiển cận, ấu trĩ của loài người bằng cái Chết Vì Yêu của Đấng Công Chính. Xin dạy chúng con biết yêu thương như Chúa đã yêu, xin dạy chúng con về đường lối của Ngài (Tv 25, 4), vì chỉ có yêu thương mới dẫn chúng con đến với Công Lý Thật.