Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Tháng các linh hồn - Sống để làm gì ?

Giuse Thẩm Nguyễn
Trong một xã hội được coi là văn minh tiến bộ nhất như Hoa Kỳ hiện nay, người ta vẫn không tìm được hạnh phúc thật. Tôi nói hạnh phúc thật là để phân biệt với hạnh phúc ảo, môt thứ hạnh phúc như ngây ngất khi hút thuốc phiện, như lâng lâng trong cơn say, như chạy trốn một sự thật bằng cách cố quên ...


Do chiến tranh, do những cuộc khủng bố với lòng thù hận và do nhiều nguyên nhân của một xã hội bất an, con người không biết nơi nào là an toàn, và tương lai thì bất định nên một số người đã rơi vào tình trạng sống vội, hưởng thụ vội, hưởng thụ càng nhiều càng tốt. Đối với những người này, tất cả chỉ là hiện tại, quá khứ thì đã qua rồi, tương lai thì bất định chưa tới, cho nên ăn được thì cứ ăn, còn sức là còn hưởng thụ. Đêm cũng như ngày, ngày cũng như đêm, thời gian không ngăn cản được những cuộc vui chơi trác táng của họ. Hoả ngục cũng là đây và thiên đàng cũng là đây.

Trái ngược với những lối sống buông thả vội vàng như thế là một lối sống luôn dành hết mọi ưu tiên cho việc chuẩn bị tương lai mà đành hy sinh cả hiện tại. Cái gì cũng dành cho tương lai trong khi hiện tại là những công việc ngập đầu, là thời gian biểu dày đặc, không có thì giờ cho việc nghỉ ngơi tĩnh dưỡng.

Trong những phút ngồi suy tư về cuộc đời, tôi thấy con người thường rơi vào cảnh sống thật phi lý nếu như ta không có những giây phút dừng lại để tự hỏi "sống để làm gì?".

Này nhé, khi còn cắp sách đến trường thì bận bịu với bài vở đèn sách để kiếm lấy mảnh bằng giúp cho cơ hội làm việc sau này. Thế là ta hy sinh tuổi trẻ cho việc học để xây dựng tương lai. Tương lai ấy là cái ngày ta ra trường với mảnh bằng tốt nghiệp. Cái ngày tốt nghiệp lẽ ra là ngày ta bắt đầu hưởng thụ cái tương lai ấy thì ta lại có nỗi lo khác ập đến, đó là kiếm việc làm.Khi có việc làm rồi thì phải làm thật chăm chỉ để thăng cấp, để có nhiều tiền, để có nhà có xe, có vợ đẹp con khôn, nghĩa là ta lại phải hy sinh thêm một bước cho cái tương lai. Cũng vì tương lai, có người làm ngày làm đêm, làm hai việc, làm thêm giờ, làm cả ngày cuối tuần, như thế có nghĩa là không có ngày nghỉ để thưởng thức cái thời gian tuổi trung niên của mình. Thấm thoát thời gian vất vả đã qua, nay đã có nhà, có xe,có vợ, có chồng. Cứ tưởng rằng mình đã tới đích để hưởng thụ,an nhàn, nhưng cái nhà cần to hơn đẹp hơn, cái xe cần mới hơn, vợ chồng có nhiều nhu cầu hơn và một tí nhóc ra đời. Lại phải hy sinh tiếp tục cày vì tương lai của con cái. Không thể nghỉ ngơi lúc này được, không thể đi du lịch được bởi còn con nhỏ, phải hy sinh chờ cho chúng lớn đã. Chẳng mấy chốc tóc đã bạc, mắt đã mờ, chân đã mỏi ta chuẩn bị về hưu. Nhìn lại thì chưa có ngày nào dành cho mình cả . Cái tương lai của người về hưu thì ai cũng biết rồi... chờ hay không chờ thì ngày ấy sẽ đến...

Thực ra đời sống của người biết xây dựng tương lai không bi quan như vậy, bởi khi ta học hành ta cũng có cái vui, khi ta làm việc cũng có cái vui và khi ta về hưu cũng có cái vui. Nhất là những người đặt để cuộc đời mình trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa thì giai đoạn nào trong cuộc sống cũng vui, cũng là thời gian rất quý. Không vui sao được khi ta cảm nghiệm được Chúa luôn hiện diện và đồng hành với mình.Đời sống lại thêm phong phú khi có những thử thách và đời sống càng hạnh phúc thực khi đời sống có những ngày vui song hành với những nỗi lo toan, những khổ đau. Giống như món ăn ngon sẽ ngon hơn nếu ta có ớt cay rau nồng. Hơn nữa ta sống không để chỉ để sống cho mình mà con sống cho người khác, cho lý tưởng cao cả khác.

Nếu ta hiểu cuộc đời là một hành trình đi về Nước Trời thì có lẽ cuộc sống sẽ đơn giản và hạnh phúc hơn. Người ta không hưởng được hạnh phúc vì đặt hạnh phúc của mình vào những mục tiêu di động, mà đã là di động thì ta tự mình tham gia vào một cuộc đuổi bắt mà trong nhân gian gọi là " bỏ mồi bắt bóng". Nguyên nhân những bất hạnh trong đời của những người đau khổ, chán nản là vì họ không bao giờ bằng lòng với cuộc sống của mình. Khi còn trẻ thì mơ làm người lớn, khi làm người lớn thì lại tiếc tuổi thanh xuân. Khi còn hẹn hò thì mơ về ngày chung đôi sóng bước, khi có nhau rồi thì khắc khẩu giận hờn,khi về hưu thì mơ về dĩ vãng, lúc đương thời thì cứ như ông cụ non.

Để ý trong các cuộc nói chuyện, người trẻ thì khoe về những hoạch định tương lai, còn người già thì rất thích nói về dĩ vãng, nhất là một dĩ vãng với nhiều danh vọng quyền uy. Tôi đã phải kiên nhẫn ngồi nghe một bác lớn tuổi nói về cái thời oanh liệt của mình. Bác đứng đầu một Bộ trong chính phủ Miền Nam, bác kể là đã giúp nhiều người, đã làm bao nhiêu điều ích quốc lợi dân. Khi nói chuyện mắt bác sáng lên, giọng rất hùng hồn như thể bác vẫn còn đang là một vị bộ trưởng..Cuối câu chuyện, hình như nhận ra có cái gì đó không ổn, bác nhìn tôi cười xoà và tôi cũng vỗ vai bác cười thông cảm.

Nếu ta biết rằng dĩ vãng, hiện tại và tương lai của mình nằm trong tay Chúa thì ta sẽ có tràn đầy niềm hân hoan vui mừng không gì cướp mất được. Ai nói yêu Chúa mà lòng buồn so thì chắc là họ nói dối. Chúa yêu thương ta nên luôn dành cho ta những gì là đẹp đẽ nhất, cao quý nhất, ích lợi nhất để củng cố niềm tin của ta. Dĩ vãng chỉ là một hoài niệm mà thôi. Giây phút sống hiện tại là giây phút ta có thể thực thi ý Chúa một cách hoàn hảo nhất, là lúc ta có thể chau chuốt những việc tốt lành, là lúc ta vẽ lên những chấm nhỏ để tạo nên đường thẳng, đó là Đường Hy Vọng mà Đức Cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã chỉ dạy.

Mới đây tôi đã tham dự một thánh lễ an táng của một cụ bà có rất nhiều linh mục và giáo dân tham dự. Chắc là người qua đời đã sống tốt đẹp lắm cho nên đến ngày cụ lìa đời có nhiều người tiếc thương như vậy. Trong phần ngỏ lời của tang gia, tôi thấy cụ không làm điều gì phi thường, nhưng mỗi lời nói và việc làm của cụ đều chuyển tải tình yêu của Chúa. Ai đã có lần gặp cụ đều thấy ở cụ một ánh mắt vui tươi, nụ cười dịu hiền và tấm lòng bao dung đại lượng. Ngay cả đến giây phút cuối đời, cụ vẫn bình tĩnh,vui vẻ từ giã con cháu và tin tưởng là sẽ được về Thiên Đàng với Chúa. Đời cụ cũng đã trải qua nhiều đau khổ, nhưng càng đau khổ cụ càng tin tưởng vào sự đồng hành của Chúa và biến tất cả những gian nan ấy thành cơ hội để sống xứng đáng hơn, yêu Chúa hơn, tin tưởng, phó thác hơn và nhất là thành bài học thực tế niềm tin cho con cháu. Thật là một đời sống tuyệt vời của một người yêu Chúa.

Cha chủ tế chia sẻ rằng "Người chết nằm bất động trong quan tài, không thể nói gì với chúng ta, nhưng chính cái bất động ấy nhắn gởi cho tất cả những người hiện diện rằng ngày mai quý vị cũng sẽ tới phiên. Hãy chuẩn bị một cách tốt nhất cho ngày ấy." Chuẩn bị là sống trọn vẹn ngày hôm nay như Chúa truyền dạy.

Vâng nếu cùng đích của đời sống là môt ngày nào đó nằm bất động, bỏ lại đằng sau tất cả những người thân yêu, nhà cao, xe đẹp, danh vọng... thì tôi sẽ phải sống khác. Niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh không chỉ là hy vọng, là đích điểm cho người nằm xuống, nhưng cho những người đang sống, sống với niềm tin phục sinh là sống như lời dạy của Chúa Kitô.

Trong thánh lễ hôm ấy có câu hát rằng " như bông hoa nở trên cánh đồng, một cơn gió thoảng làm nó biến đi, không còn mang vết tích". Tôi cứ bâng khuâng mãi với câu hát này. Trên đường về nhà tôi cứ miên man suy nghĩ về cuộc đời của mình. Cám ơn Chúa đã cho con được làm con Chúa qua phép rửa tội và Chúa nuôi con lớn mỗi ngày bằng ân sủng của Ngài.

Bất giác tôi nghĩ đến những anh chị em chưa được may mắn biết Chúa và đang loay hoay chiến đấu với nỗi thất vọng chán chường mỗi ngày. Xin Chúa hãy dùng chúng con, những người tuyên xưng mình là người Công Giáo, như khí cụ của Chúa, như những người thợ gặt trong cánh đồng truyền giáo mênh mông của Chúa. Đó cũng chính là mục đích của đời sống của chúng con trong dương gian này.

Lạy Chúa, con yêu mến Chúa.