Inhaxiô Đặng Phúc Minh
Đặt vấn đề
Đây là đề tài rộng, chúng tôi, với khả năng hạn hẹp, không có tham vọng trình bày một cách đầy đủ, ngọn ngành, từ tổng quát đến chi tiết vấn đề nêu trên. Nhưng vấn đề trên lại là một thực tại, chúng ta, những thầy cô giáo đang từng ngày từng giờ sống với nó, ta không thể chối bỏ và tránh né nó được.
Từ nhận thức đó, chúng tôi mạnh dạn nhìn vào một vài khía cạnh trong vấn đề nêu trên theo khả năng khiêm tốn của mình. Hy vọng với sự đóng góp ý kiến của quý độc giả, chúng tôi tin tưởng rằng: vấn đề nêu trên sẽ được sáng tỏ hơn, giúp ích nhiều cho hành trình sống đạo của từng người chúng ta trong cuộc lữ hành ở trần gian, hầu giúp mang lại ích lợi thiêng liêng cho bản thân, cho xứ đạo, cho giáo hội và xã hội hôm nay.
Vai trò thầy cô giáo Công giáo với Giáo hội
Trước khi biết vai trò của thầy cô giáo Công giáo với Giáo hội, thiết tưởng ta cần biết và chú ý đến đôi nét cơ bản về Giáo hội. Điều đó giúp ta hiểu rõ vấn đề hơn:
Bản chất của Giáo hội là: LOAN BÁO TIN MỪNG CHO MUÔN DÂN.
Giáo hội: Mầu nhiệm - Hiệp thông - Sứ vụ (Tài liệu học tập trong năm Thánh và Đại hội dân Chúa 2010). Thư Mục vụ hằng tháng, Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu, Chủ tịch Uỷ ban Giáo dân của Giáo hội Công giáo Việt Nam, thường nhắc đến: một Giáo hội Tham gia - Mầu nhiệm - Hiệp thông vì Sứ vụ trong tinh thần đồng trách nhiệm.
Xin tóm lược như sau:
Giáo hội Mầu nhiệm
Giáo hội có hai chiều kích. Đó là chiều kích nhân loại và chiều kích Thần linh. Chiều kích nhân loại thì Giáo hội có phẩm trật và hữu hình. Chiều kích Thần linh, Giáo hội là một cộng đoàn thiêng liêng và là nhiêm thể Chúa Kitô.
Giáo hội Hiệp thông
Sự hiệp thông trong Giáo hội thể hiên trên hai bình diện, một là hiệp thông với Thiên Chúa, hai là hiệp thông giữa các Kitô hữu với nhau.
Giáo hội Sứ vụ
Sứ vụ của Giáo hội là: LOAN BÁO TIN MÙNG CHO MUÔN DÂN.
Vai trò của thầy cô giáo Công giáo với Giáo hội
Mỗi thầy cô giáo Công giáo (Kitô hữu) đều là một thành phần của Giáo hội, nên cũng có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng.
Vai trò của Thầy cô giáo trong việc loan báo Tin Mừng thật quan trọng. Vì thầy cô giáo có điều kiện và môi trường thuận lợi để loan báo Tin Mừng nhiều hơn những người khác.
Dựa vào phương pháp đào luyện của Phong trào Cursillo, một phong trào của Giáo hội có hơn 10 triệu người trên thế giới đang hoạt động có hiệu quả, chúng tôi xin đưa ra một cách tóm gọn nội dung các bước cần thực hiện theo thứ tự để sống đạo tốt, và loan báo Tin Mừng có hiệu quả sau đây.
Cầu nguyện (sùng đạo): đọc kinh, dự lễ, viếng Mình Thánh Chúa…
Học đạo: học qua lời giảng của các vị chủ chăn, qua Kinh Thánh, Công đồng…
Hành đạo (tham gia): giáo dục không những quan trọng đối với mỗi người chúng ta, mà còn quan trọng với xã hội với quốc gia nữa. Không ai có thể thành người có tri thức mà không nhờ giáo dục. Không ai có thể trở thành bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo mà không qua giáo dục. Không một quốc gia nào hưng thịnh mà nền giáo dục lại què quặt được. Giáo dục đã quan trọng, vậy thầy cô giáo làm công việc giáo dục còn quan trọng biết bao. Người xưa đã nói: “Lương sư hưng quốc”. Thầy cô giáo Công giáo ngoài kiến thức đã được học ngoài xã hội lại phải có thêm kiến thức về đạo Công giáo nữa mới có thể giảng dạy cho nhiều người. Tuỳ theo hoàn cảnh, khả năng, thầy cô giáo có thể tham gia các sinh hoạt tôn giáo ở gia đình, giáo họ, giáo xứ, giáo hạt, giáo phận, giáo hội… Tham gia loan báo Tin Mừng cho mọi người trong môi trường mình sống. Cách loan báo Tin Mừng hay nhất là làm CHỨNG NHÂN GIỮA ĐỜI.
Đức Phaolô VI đã dạy chúng ta:
“Các con có thực sự tin điều các con công bố không? Các con có sống điều các con tin không? Các con có thực sự rao giảng điều mà các con sống hay không?”
Ngoài ra, chúng ta còn được chính Giáo hội dạy bảo. Giáo hội hơn ai hết đã nhận thấy những khó khăn của con cái mình đang gặp phải. Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chọn lựa hướng đi rõ ràng cho Giáo hội qua Thư Chung 1980 là “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào”. Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI năm 2009 đã nói với các Giám mục Việt Nam khi các ngài đi viếng mộ hai Thánh Phêrô và Phaolô tại Rôma: “Giáo hội Chúa Kitô giữa lòng dân tộc.” Ngài còn dạy chúng ta phải “đối thoại thẳng thắn, hợp tác chân thành”. Đặc biệt là phải sống chứng nhân giữa đời. Sống tích cực với ý tưởng minh bạch như thế, chúng ta sẽ không có gì phải sợ cả.
Vai trò của thầy cô giáo Công giáo trong xã hội
Đôi nét cơ bản về xã hội ta đang sống
Xã hội ta đang sống là xã hội đang theo Học thuyết Duy vật. Theo lý thuyết, họ không tin có Thiên Chúa, chỉ tin vào khoa học. Trong thực tế, qua mấy chục năm chung sống, tôi thấy họ tin vào ông Trời.
Niềm tin đó hôm nay lại được thể hiện rõ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong mục chỉ tiêu chất lượng giáo dục của một tờ báo ở Việt Nam, tác giả Nguyễn Chiêu Dương đã viết: “… Ai cũng biết sản phẩm của giáo dục là loại sản phẩm đặc biệt. Đó không phải là những cục bột, hòn đất để người thợ mặc tình uốn rồng, nặn phượng. Sản phẩm của giáo dục là học sinh, là con người, là tổng hoà giữa thể chất và tinh thần. Đó là một công trình tuyệt mỹ, là kỳ tích của Tạo Hoá qua hàng tỉ năm. Vì thế, không thể xem nó như những vật dụng bình thường như cái bàn, cái tủ. Học sinh, sản phẩm của giáo dục, là một thực thể phức tạp, tinh vi bởi vì gắn liền với thịt da ấy là cái tâm, cái trí, cái hồn huyền diệu.”
Trong suốt 50 năm qua người Công giáo ở Việt Nam chỉ được khoảng 7%, còn lại 93% chưa biết Chúa, nhưng gần như người Việt Nam ai cũng đều tin có ông Trời. Đây là một điểm rất thuận lợi để mời gọi anh em về với Chúa. Vì từ ông Trời đến Chúa không còn xa bao nhiêu nữa.
Vai trò của thầy cô giáo Công giáo trong xã hội
Thầy cô giáo được xã hội trân trọng là “kỹ sư tâm hồn”, thầy cô giáo đang làm một nghề cao quý hơn mọi nghề cao quý. Tại Việt Nam, ngày 20 -11 hằng năm được xã hội dành riêng để biết ơn, để tôn vinh thầy cô giáo. Xã hội càng trân trọng chúng ta bao nhiêu thì vai trò của chúng ta đối với xã hội càng quan trọng và nặng nề bấy nhiêu, đòi ta phải cổ gắng hơn nữa. Thầy cô giáo phải là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.
Thầy cô giáo Công giáo là Chứng Nhân Hy Vọng giữa đời. Trong điều kiện không cho phép chúng ta giảng đạo Chúa dưới mái trường, chúng ta cần thể hiện cho mọi người biết chúng ta là người Công giáo bằng cách sống chân thành với mọi người, sống ngay thẳng và sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong điều kiện ta có thể. Một lần nữa, tôi xin mượn phương pháp sống đạo của Phong trào Cursillo để trao đổi với quý thầy cô, để sống đạo và loan báo Tin Mừng có hiệu quả. Phong trào có phương châm:
“Một tay nắm lấy Chúa, một tay nắm lấy anh em.”
Một tay nắm lấy Chúa (mến Chúa)
Phải luôn có tinh thần cầu tiến trong việc tìm hiểu Thiên Chúa.
Thế kỷ thứ XIII, Thánh Tôma (1225-1274), Tiến sĩ Thần học nổi tiếng thời Trung Cổ, viết ra 5 lý chứng: sự chuyển vận của vũ trụ; luật nhân quả; sắp xếp trật tự; bậc thang giá trị nơi vạn vật; cứu cánh của vạn vật, để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa.
Lý chứng vững vàng nhất, hùng hồn nhất vượt không gian và thời gian giúp nhân loại nhận ra Thiên Chúa và sự sống đời sau không gì hơn toàn bộ Kinh Thánh Tân và Cựu ước bao gồm 73 cuốn (46 cuốn Cựu ước, 27 cuốn Tân ước).
Đây là lời mạc khải của Thiên Chúa cho nhân loại. Đây cũng là bộ sách giá trị nhất, lâu đời nhất, in nhiều nhất, bán chạy nhất, dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trên thế giới cho đến ngày nay.
Một tay nắm lấy anh em (yêu người)
Muốn nắm lấy anh em, ta phải theo gương Chúa và giữ các điều Giáo hội dạy:
Sống yêu thương: Sống với mọi người như anh em với nhau, vì chúng ta có một Cha chung trên trời.
Sống công bằng: Sống chân thành, ngay thẳng, minh bạch.
Sống bác ái: Sẵn sàng giúp đỡ nhau khi có thể về tinh thần cũng như vật chất.
Lấy tinh thần KINH HOÀ BÌNH của Thánh Phanxicô Assisi làm mẫu mực cho cuộc sống của chúng ta.
Ta luôn tỉnh thức cầu nguyện, vì thiếu cầu nguyên sẽ dẫn đến điều Thánh Phaolô đã cảnh báo: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm; sự ác tôi không muốn tôi lại cứ làm.” (Rm 7,19-20). Ra sức rèn luyện để trở thành Chứng Nhân Tin Mừng và hy vọng cho mọi người ở muôn nơi. Việc nắm lấy anh em lúc này cấp bách hơn bao giờ hết, vì số người ngoại giáo trên quê hương Việt Nam còn tới 93% dân số.
Kết luận
Tôi xin mượn lời dạy của Đức cố Giáo hoàng Phaolô VI:
“Người thời đại mới hôm nay mong muốn thấy gương nhân chứng hơn là nghe lý thuyết, và nếu họ có lắng nghe lý thuyết thì chỉ vì đã thấy vị giảng thuyết là nhân chứng.”