Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Lược Sử Tổng Quát Đạo Công Giáo ở Việt Nam “Từ Khởi Thủy đến Ngày Nay”

LE CATHOLICISME AU VIỆT NAM, DES ORIGINES À NOS JOURS.
- CATHOLICISM IN VIỆT NAM, FROM THE BEGINNING UP TO NOW.

Những bước phôi phai

Như một trang tựa mở đầu cuốn sử đạo Công giáo ở Việt Nam, hai vị Thánh nhân nổi tiếng đã đặt chân lên đất nước này, trước khi những nhà Truyền giáo chính thức đến khai sáng Giáo hội Việt Nam..

Thế kỷ XIV, chân phước Odorico de Pardenone trên con đường từ Âu châu qua Trung Quốc, đã dừng chân lại ở miền Bình Định, lúc đó còn lãnh thổ Chiêm Thành dưới quyền vua Thế A Nam (1318 – 1342).

Trung tuần thế kỷ XV, Thánh Phanxicô Xaviê, quan thầy Đông phương trên con đường từ Ấn Độ qua Quảng Châu và Nhật Bản, cũng đã ghé vào bờ biển Thanh Hóa vì trú bão.


Theo nguồn sử liệu Việt Nam lần thứ nhất nói đến Đạo Thiên Chúa, thì năm Nguyên Hòa (1533), tháng ba, vua Lê Trang Tôn ra chiếu chỉ cấm đạo “Gia Tô”, do một “Dương nhân” tên là I NI Khu (tức Inigo) truyền giảng tại các làng Ninh Cường, Quần Anh, Trà Lũ, thuộc tỉnh Nam Định) Bắc phần.


Các Giáo Sĩ Dòng Đa Minh.

Năm 1550, có Giáo sĩ Dòng Đa Minh Gaspar de Santa Cruz từ Malacca đổ bộ lên cửa Cồn Cao tỉnh Hà Tiên ngày nay.

Trong khoảng từ 1580 – 1586, hai Giáo sĩ Đa Minh khác, Luis de Fonseca, người Bồ Đào Nha và Grégoire de la Motte người Pháp, giảng đạo trong tỉnh Quảng Nam, đời Chúa Nguyễn Hoàng. Mười năm sau, khi giáo sĩ Aduarte và Ximenez đi ngang qua tỉnh này, có thấy một cây Thánh Giá lớn dựng trên núi gần bãi bể từ lâu.

Tại Đàng Ngoài, giáo sĩ Diego de Oropesa dòng Phanxicô cùng ba Linh mục và mấy Thầy Trợ sĩ từ Ma-ní tới năm 1585, nhưng chưa kịp giảng đạo thì phải rút về Quảng Châu. Một giáo sĩ trong đoàn này qua năm sau (1586) lại trở lại Việt Nam, được vua nhà Mạc là Mạc Mậu Hiệp, tiếp đón ân cần, song giáo sĩ không biết tiếng, giảng đạo không kết quả, đã rời Việt Nam ngay năm đó, sau khi rửa tội được một đứa trẻ gần chết.

Đến năm 1588, hai Linh mục Bồ Đào Nha, Alfonso de Costa và Gonsalves de Sa, đến Bắc Việt, ở ít lâu tại An Trường, kinh đô tạm của vua Lê trong tỉnh Thanh Hóa.

Đỗ Hưng Viễn, Giáo hữu đầu tiên theo sử liệu.

Cũng hồi nay, và cũng tại đây, có câu truyện giáo sĩ Y Pha Nho Ordonez de Cevallos rửa tội cho người Chị của vua Lê Anh Tôn là “Maria Flora” (Mai Hoa Công Chúa), cùng mấy chục người trong nhà và họ hàng, vào khoảng năm 1591.

Nếu việc trên đây chưa được hoàn toàn xác nhận, thì trái lại nguồn sử liệu chắc chắn cho biết Ông Đỗ Hưng Viễn, người làng Bồng Trung cũng trong tỉnh Thanh Hóa, là một trong những người Việt Nam đầu tiên, nếu không phải chính là người đầu tiên, đã theo Đạo Thiên Chúa. Ông là con thứ hai Ông Đỗ Biểu, một vị Đại thần triều vua Lê Anh Tôn, và đã trở lại đạo trong khoảng trước năm 1580.

Gia phả họ Đỗ cho biết tên một người Công giáo khác nữa là Đỗ viên Mẫn, con trưởng một võ tướng cao cấp, trở lại đạo hồi thế kỷ XVII, chết vì đạo và được Đức Giáo Hoàng Léon XIII phong chức Á Thánh năm 1900: đó là Chân phước Giacôbê Đỗ Năm.

Các Giáo sĩ Dòng Tên: Cha Buzomi, Tông đồ xứ Nam

Ngày 18-1-1615 giáo sĩ Francesco Buzomi người Ý, giáo sĩ Diego Carvalho người Bồ, cùng với thầy Antôn Diza cũng người Bồ, và hai Thầy Giuse và Phaolô người Nhật từ Macao đến Cửa Hàn, tức Hội an ngày nay.

Trang đầu lịch sử truyền giáo ở miền Nam được chính thức mở.

Công việc thứ nhất của Cha Buzomi là cất tạm một nhà nguyện vừa làm trụ sở truyền giáo vừa là nơi học tiếng nói và phong tục địa phương, Cha không khỏi mừng thầm khi thấy tính tình thuần hậu của người dân Việt Nam. “Với lòng sùng đạo sẵn có, một khi trở lại, người Công giáo Việt Nam sẽ là những người nhiệt thành giữ đạo hơn ai hết”. Lễ Phục Sinh năm đó, Cha được sung sướng dâng Lễ đầu tiên ở quê hương thứ hai của Cha, trong nhà nguyện mới, và đón nhận 10 người tân tòng, những bông hoa đầu mùa Cha dâng hái cho Chúa.

Từ Hội An Cha xin vào trấn Quảng Nam. Công cuộc truyền giáo của Cha rất kết quả: 300 người trở lại. Một cơ sở truyền giáo thứ hai được thiết lập, và Cha phải chia ra mỗi nơi ở một ít tuần.

Đầu năm 1616, Bề Trên Áo môn sai Cha Anrê Fernandez, người Bồ, sang thay thế Cha Diego Carvalho được đổi sang Nhật. Nhận thấy công việc xứ Nam hứa hẹn rất nhiều, năm 1617, Áo môn lại sai thêm Cha Phanxicô de Pina, người Ý và Phanxicô Barretô, người Bồ, sang giúp Cha Buzomi.

Năm 1618, quan Phủ Quy Nhơn mời Cha Buzomi đến, và làm cho Cha một ngôi nhà gỗ tại Nước mặn. Đã thông thạo tiếng nói, phong tục, lại thêm một số người trí thức cộng tác, Cha nghĩ đến việc phát hành một cuốn Bổn bằng chữ nôm “gồm tất cả những mầu nhiệm và các giới răn đạo Chúa”. Có sách Bổn còn phải có người dạy Bổn: các Thầy giảng. Theo ý cha, các Thầy giảng là những người cộng tác đắc lực và cần thiết. Một khi được huấn luyện đầy đủ, kinh nghiệm minh chứng, các Thầy đã đem lại cho Nước Chúa nhiều kết quả lớn lao; địa vị các Thầy trong việc truyền giáo không thể thay thế được: các Thầy là như tay chân của các Cha, làm những việc các Cha trực tiếp không làm được, đi đến nơi các Cha vì chức vị không đến được…

Cũng theo ý Cha Buzomi, vì vấn đề Lễ nghi, nhất là vấn đề ma chay, tuy có pha trộn nhiều dị đoan mê tín, cần phải tẩy trừ, nhưng có nhiều lễ nghi tốt có tính cách xã hội, không trái phép đạo, cần được bảo vệ và khuyên Giáo dân giữ để đánh đổ những dị nghị rằng đi đạo là bất hiếu.

Cha Đắc Lộ tới Đàng Trong.

Ba năm sau Cha Buzomi, lại có thêm 5 Cha tới nữa, tiếp đến Cha Alexandre de Rhodes (quen gọi là Giáo sĩ Đắc Lộ), tới vào cuối năm 1624. Chính sách quảng đại Tôn giáo tương đối của các Chúa Nguyễn đầu tiên, sự khôn ngoan, thông thái, lịch thiệp, và sự thông thạo bản ngữ của các Cha Dòng Tên đã đem lại những kết quả tốt đẹp: Trong 22 năm, các Cha đã rửa tội được 20.000 giáo hữu, xây dựng nhiều nhà thờ ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên, Thanh Hóa.

Trong số giáo hữu tân tòng, có nhiều người trước là nhà sư, lại cũng có nhiều người thế giá trong Triều, như bà Maria, tức Minh Đức Vương Thái Phi vợ thứ Chúa Nguyễn Hoàng, mà Cha Đắc Lộ không ngớt lời ca tụng trong các sách ký sự của Cha. Bà lập nhà thờ ngay trong dinh con bà. Ông Hoàng Khê, và nhiệt thành giúp đỡ các Giáo sĩ, giáo hữu, đáng gọi là một bậc tiền hô của Công giáo tiến hành Việt Nam.

Cha Đắc Lộ Tông đồ xứ Bắc.

Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) hoạt động ở Đàng Trong đến năm 1626, rồi được Bề trên gọi về Áo môn, để sau sang giảng đạo Đàng Ngoài. Ngài tới cửa Bạng (Thanh Hóa) ngày lễ Thánh Giuse, 19-3-1627, được Chúa Trịnh là Thanh đô Vương Trịnh Tráng cho phép giảng đạo.

Công cuộc truyền giáo của Cha Đắc lộ kết quả lạ lùng: 6.700 người tân tòng trong non ba năm đầu; Giáo sĩ đã có sáng kiến lựa chọn và đào tạo những giáo hữu đạo đức để phụ tá việc giảng đạo và thay thế khi thiếu Linh mục. Họ khấn giữ ba điều:

1. Không kết bạn cho đến khi có thể giao quyền cho các Linh mục.
2. Của giáo dân cho sẽ để làm của chung.
3. Vâng lời Bề trên.

Đó là tổ chức của các Thầy Giảng, một đặc điểm của Giáo hội Việt Nam. Các Thầy này đã giúp đỡ đắc lực trong việc Truyền giáo.

Năm 1630, Cha Đắc lộ bị trục xuất. Các thầy giảng kế tiếp công việc của Ngài: rửa tội được 3.340 người và lập thêm 20 nhà thờ trong vòng 10 tháng, trước khi 3 Giáo sĩ Dòng Tên khác đến truyền giáo.

Tính đến năm 1639, xứ Đàng Ngoài có hơn 80.000 giáo hữu, 100 nhà thờ lớn và 130 nhà thờ nhỏ.

Thầy giảng Anrê: Vị Tử Đạo Vinh hiển đầu tiên Việt Nam

Năm 1640, Alexandre de Rhodes lại được cử đến Đàng Trong để thay thế Cha Buzomi mới từ trần. Mặc dầu gặp nhiều khó khăn, và có phen bị bắt buộc phải rời xứ, Ngài đã đem đến một hoạt động mới cho Giáo hội Đàng Trong. Ngài tổ chức và hướng dẫn đoàn thầy giảng 10 người đi giảng đạo khắp các Thị trấn, từ sông Gianh đến Phú yên. Năm 1644, một trong 10 thầy giảng, tên Thánh là Anrê quê ở Phú yên phải chết chém vì Đạo: Đó là vị Tử đạo đầu tiên ở Đàng Trong, mà vì uy danh lừng lẫy, nên cũng đáng gọi là tiên khởi Tử đạo của Việt Nam nói chung.

Năm 1645, đến lượt chính Cha Đắc Lộ bị án Tử hình, song được cải thành án trục xuất. Ngài về La Mã để vận động Tòa Thánh cử Giám Mục sang hoàn thành việc Truyền giáo ở Việt Nam.

Người Việt Nam Lương cũng như Giáo, nhớ ơn Ngài là người có công nhất trong việc sáng tạo chữ Quốc ngữ theo mẫu tự La tinh.

Thành Lập Hai Địa Phận Đầu Tiên (1659).

Sau những cuộc vận động nhẫn nại và lâu năm của Cha Đắc lộ và các bậc vị vọng trong Tòa Thánh, ngày 29-7-1658 Đức Giáo Hoàng Alexandre VII, bổ nhiệm hai vị Giám mục đầu tiên để cử sang Viễn Đông phụ trách việc Truyền giáo: Đức Cha Lambert de la Motte và Đức Cha Francois Pallu. Năm sau, ngày 9-9-1659, Đức Giáo Hoàng lập hai Địa phận Truyền giáo đầu tiên ở Việt Nam, giao cho Đức Cha Lambert de la Motte Địa phận Đàng Trong (gồm cả Chiêm thành, Cao miên, Xiêm la) và Đức Cha Pallu Địa phận Đàng Ngoài (gồm cả mạn Nam nước Tàu).

Vì nhiều ngăn trở nhất là tình hình cấm đạo, hai vị Giám mục chưa thể đến ngay Địa phận mình được, đành tạm trú tại Juthia, kinh đô Xiêm quốc và cử các vị Tổng quản (Bề trên) đến thăm viếng các Bổn đạo và xếp đặt việc Truyền giáo của các giáo sĩ: Cha Louis Chevreuil đến Đàng Trong năm 1664, và Cha Francois Deydier đến Đàng Ngoài năm 1666.

Trong khi ấy, tại Paris, năm 1663, hội thừa sai Truyền giáo Ngoại quốc được thành lập, với một Đại Chủng viện riêng để đào tạo các vị Thừa sai sang Viễn Đông.

Bốn Linh mục tiên khởi Việt Nam

Ngày 31 tháng 3 năm 1668, tại Juthia, Kinh đô nước Xiêm, Đức Cha Lambert de la Motte phong chức Linh mục cho hai vị Linh mục Đàng Trong Joseph Trang và Luca Bền, đến tháng sáu năm ấy, lại phong chức cho hai vị Linh mục Đàng Ngoài: Bênêđitô Hiền và Gioan Huệ. Cả bốn vị nguyên là Thầy giảng của các Cha Dòng Tên, sau khi được chịu chức, liền về xứ Truyền giáo.

Năm 1669, Đức Cha Lambert de la Motte thay mặt Đức Cha Pallu đến kinh lý Địa phận Đàng Ngoài, phong chức 7 Linh mục mới, triệu tập Công đồng (Synode) đầu tiên ở phố Hiến (Hưng yên) và chuẩn y lề luật Dòng “Mến Thánh Giá” của các Nữ tu Việt Nam (1670).

Năm 1671, Đức Cha Lambert mới tới Địa phận Đàng Trong, và triệu tập Công đồng đầu tiên tại Hội an năm 1672.

Năm 1678, Đức Cha Pallu từ Xiêm về Rôma, được Tòa Thánh hỏi ý kiến, liền đề nghị phong chức Giám mục cho 6 Linh mục người Việt, chọn trong 7 Linh mục đầu tiên, để lo việc Truyền giáo cho người Việt. Tòa Thánh rất lưu tâm đến vấn đề này, song tiếc rằng nhìều lý do trở ngại nên không thực hiện được.

Năm 1679, một phần Địa phận Đàng Ngoài được tách ra, giao cho Dòng Thánh Đa Minh Phi luật tân đảm nhiệm, gọi là Địa phận Dòng Đàng Ngoài nay là Hải phòng. Hai Địa phận cũ vẫn do Hội Truyền giáo Balê đảm nhiệm. Cho mãi đến năm 1844 nghĩa là trong khoảng 151 năm liền, phạm vi hoạt động của ba Địa phận này vẫn không thay đổi.

Thời Kỳ Tử Đạo

Cũng như Giáo hội cổ thời La Mã. Giáo hội Việt Nam ngay từ phút đầu đã phải đối phó với những cơn giông tố dữ dội là các cuộc cấm đạo.

Ngay thế kỷ XVII, đã có 7,8 lần cấm đạo, ở Đàng Trong (Chúa Thượng, Chúa Hiền), cũng như Đàng Ngoài (Trịnh Tráng, Trịnh Tạc) khiến giáo sĩ và giáo hữu phải trải qua bao khốn khó đọa đày, nhiều Tông đồ phải đổ máu vì đạo.

Thế kỷ XVIII, ở đầu với một lệnh cấm đạo gắt gao của Chúa Minh Vương ở Đàng Trong (1698-1704), các nhà thờ bị đốt phá, 3 giáo sĩ phải chết rũ tù, nhiều giáo hữu cũng chịu Tử đạo, nổi tiếng nhất là Bà Anê. Năm 1750, đến lượt Võ Vương trục xuất một lúc 26 giáo sĩ ngoại quốc. Lúc ấy chỉ còn 3 Linh mục bản quốc lén lút làm việc Truyền giáo.

Ở Đàng Ngoài, năm 1712, Chúa Trịnh Cương đã cấm đạo ngặt hơn các Chúa Trịnh đời trước: Đức Cha Bourges bị trục xuất, hầu hết các nhà thờ bị phá. Năm 1723, hai Giáo sĩ Dòng Tên Messari và Buccharelli, Thầy giảng Việt Nam và 5 giáo hữu Tử Đạo.

Đời Trịnh Giang, năm 1737, 4 Giáo sĩ Dòng Tên khác bị xử tử tại Kẻ Chợ (Hà Nội). Dưới đời Trịnh Doanh và Trịnh Sâm, 4 Giáo sĩ Dòng Đa Minh bị giết, trong đó có hai chân phước Hyacinthe Castanlda, Giám mục Y pha nho và Vinh sơn Liêm, Linh mục Bùi Chu (1773).

Sang đời Tây sơn, (1788-1802) cuộc cấm đạo trở nên dữ dội hơn. Trong số rất nhiều Linh mục và Giáo hữu Tử đạo, có Cha Thánh Gioan Đạt (Thanh Hóa) và Cha Thánh Nguyễn văn Triệu (Huế) (1789).

Sau khi Vua Gia Long lên ngôi (1802) vì nhờ ơn Đức Cha Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) giúp đỡ trong lúc lưu vong. Vua đã ban hành tự do tín ngưỡng.

Nhưng đến đời con là Minh mạng, cuộc cấm đạo lại càng ác nghiệt hơn nữa.

Trong khoảng 1833, đến 1841, 9 vị Thừa sai phải tử hình, hàng vạn Giáo hữu bị tù, bị giết hoặc bị phát lưu chỉ vì trung thành với tín ngưỡng.

Thời kỳ bi đát nhất

Lâu dài và khủng khiếp nhất, là những cuộc bắt đạo đời vua Tự Đức. Ông này có tiếng là ông vua thông minh, giỏi văn thơ và hiếu với mẹ, chăm lo việc nước, nhưng vì quá nghe nịnh thần xúc xiểm, thiếu nhận xét vô tư và sáng suốt, đã thi hành một chính sách tàn sát ác liệt đối với những người đồng hương tôn thờ Thiên Chúa.

Do các chỉ thị ác nghiệt của nhà vua năm 1851 và 1856, gần 400.000 giáo dân phải đi phân sáp, từ 50.000 đến 60.000 giáo hữu chết nơi phân sáp, 3.500 người phải xử tử vì Đạo, 100 làng Công giáo bị phá bình địa, 2.000 họ đạo bị tịch thâu tài sản, ruộng đất, 115 Linh mục Việt Nam và 10 giáo sĩ ngoại quốc bị giết, 80 Dòng Mến Thánh Giá bị tàn phá, 2.000 chị Dòng phải tan tác và 100 chị Tử đạo; đó là bản thống kê kinh khủng do một chính sách tàn bạo mù quáng gây nên, nhưng cũng là hùng hồn chứng tỏ lòng hy sinh dũng cảm và Đức tin mạnh mẽ của giáo hữu Việt Nam, không thua gì các tín hữu đầu tiên của Giáo Hội La Mã!

Năm 1862, sau cuộc can thiệp của liên quân Pháp, Y pha nho, vua Tự Đức phải cắt đất cầu hòa, và bằng lòng rút chỉ cấm đạo. Bốn năm sau, chính một giáo hữu đã cứu nhà vua khỏi một cuộc âm mưu đảo chính trong Triều, vua tỏ ra nhớ ơn người có đạo. Song dòng lịch sử sắp đổi chiều, nước nhà sắp bước vào giai đoạn đen tối, rối ren đói rét và sau cùng mất nước, mà nguyên nhân phần lớn do lỗi lầm của một nền quân chủ chuyên chế đã quá mục nát.

Trong hoàn cảnh như vậy, người Công giáo lại trở nên cái đích của những sự thù ghét, mà các cuộc tàn sát tôn giáo kỳ này (1868-1888) không phải do lệnh một chính quyền hợp pháp, mà chỉ do các địa phương tự động gây nên, không căn cứ vào luật pháp nào nữa.

Thời kỳ này tương đối ngắn ngủi, song những cuộc thảm sát ác nghiệt và công cộng đã tạo nên một số nạn nhân đông hơn mọi kỳ trước: 60.000 người bị giết, trong số riêng một tỉnh Bình định 24.000 người.

Tổng cộng lại, từ ngày Đạo Công Giáo đến với dân tộc Việt Nam có đến 130.000 tín hữu hoặc Tông đồ đã đổ máu ra để xưng tỏ Đức tin, và làm chứng cho Chúa Giêsu. Trong số đó, 117 vị đã được Tòa Thánh Rôma phong lên bậc Chân Phước để làm gương sáng đạo đức và dũng cảm cho khắp thế giới:

- Năm 1900, 64 vị do Đức Giáo Hoàng Lêô XIII tấn phong Á Thánh.
- Năm 1906, 8 vị do Đức Thánh Giáo Hoàng Piô X tấn phong.
- Năm 1909, 20 vị do Đức Thánh Giáo Hoàng Piô X tấn phong.
- Năm 1951, 25 vị do Đức Giáo Hoàng Piô XII tấn phong.

Như thế theo những chặng đường Thánh Giá, là ánh vinh quang Thiên đàng. Giáo Hội Việt Nam đã đi đúng con đường của Chúa.

Những Bước Tiến Triển

A.Tiến triển trong thời biến:

Như trên đây ta nhận thấy, trong khoảng 200 năm liền, lịch sử Giáo Hội Việt Nam là một cuộc Tử đạo lâu dài, khi hòa hoãn, khi khốc liệt, nhưng cũng nhiều khi được gián đoạn bằng những thời kỳ bằng an, tương đối và ngắn ngủi.

Trong lúc cấm đạo các giáo hữu ai bị bắt thì can đảm xưng đạo, những người khác thì trốn tránh để giữ đạo cho kín đáo. Các giáo sĩ ngoại quốc, Linh mục và Thầy giảng bản quốc thì cải trang trà trộn trong dân chúng để giúp đỡ đời sống siêu nhiên của bổn đạo. Đến lúc được bình an, các vị ấy lại công khai hoạt động. 

Nếu ta biết rằng trong 40 năm đầu của việc Truyền giáo đời các Cha Dòng Tên (1615-1658) số giáo hữu cả Đàng Trong, cả Đàng Ngoài được khoảng 300.000 người, mà đến năm 1840, nghĩa là sau hai thế kỷ, cả nước chỉ có 420.000 giáo hữu, thì thầy rằng những cuộc cấm đạo liên tiếp kia đã cản trở bước tiến của Giáo Hội Việt Nam đến mực nào. Song mặt khác ta vẫn có quyền tự hào mặc dầu bấy nhiêu cuộc tàn sát, giáo hữu Việt Nam chẳng những không bị tàn tạ như ở Nhật Bản hay nhiều nơi khác, mà vẫn mạnh mẽ chỗi dậy để dần dần thẳng tiến. Để thúc đẩy thêm việc tăng triển ấy, Tòa Thánh đã lập thêm nhiều Địa phận mới.

Năm 1844, Địa phận Đàng Trong được phân chia thành hai: Địa phận Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) Địa phận Tây Đàng Trong (Sàigòn).

Năm 1845, Địa phận Tây Đàng Ngoài được chia ra để lập thêm Địa phận Nam Đàng Ngoài (Vinh).

Năm 1848, thành lập Địa phận Trung Đàng Ngoài (Bùi Chu), do Địa phận Đông Đàng Ngoài (Hải Phòng) chia ra.

Năm 1850, thành lập Địa phận Bắc Đàng Trong (Huế).

Năm 1853, thành lập Địa phận Bắc Đàng Ngoài (Bắc Ninh) (tổng cộng 8 Địa phận).

B.Tiến triển trong thời bình:

Trên đây là những tiến triển trong thời kỳ cấm cách.

Đến lúc được bình an (1888) Giáo Hội Việt Nam càng nảy nở tốt đẹp hơn, đúng như lời hiền sĩ Tertullien: “Máu tử đạo là hạt giống sinh giáo hữu” (Sanguis Martyrum, Semen Christianorum).

Quả thực, số giáo hữu Việt Nam từ 420.000 người, năm 1840, đã tăng lên 708.000 người, năm 1890, và đến nay đã trên hai triệu, nghĩa là trong khoảng ngót 70 năm gần đây, đã tăng thêm một triệu người.

Cũng trong khoảng thời gian ngắn ngủi, Tòa Thánh đã lập thêm 13 Địa phận mới thêm vào 8 Địa phận đã có trong hai thế kỷ trước. Đó là các Địa phận.

- Hưng Hóa (1895)
- Phát Diệm (1901)
- Lạng Sơn (1913)
- Thanh Hóa (1932)
- Kon Tum (1932)
- Thái Bình (1936)
- Vĩnh Long (1938)
- Cần Thơ (1955)
- Nha Trang (1957)
- Đà Lạt (1960)
- Mỹ Tho (1960)
- Long Xuyên (1960)
- Đà Nẵng (1963)

Sở dĩ Giáo hữu gia tăng và nhiều Địa phận mới được thành lập thêm như vậy, phần lớn cũng nhờ số Linh mục bản quốc tăng triển rất khả quan.

Quả thực, từ con số 4 Linh mục tiên khởi năm 1668, 43 vị năm 1700, 119 vị năm 1800, 385 vị năm 1900, đến nay Giáo Hội Việt Nam đã lên trên 1.500 vị Linh mục: sự gia tăng trong thế kỷ vừa qua thật là lạ lùng.

Thêm vào số Linh mục, còn phải kể hàng vạn Tu sĩ, Nam, Nữ thuộc các Dòng và các Thầy giảng nhiệt liệt tham gia việc truyền giáo làm cho cánh đồng của Chúa ở xứ này càng ngày càng thêm tươi tốt.

Tòa Thánh La Mã đặc biệt chú ý và theo dõi những tiến triển ấy. Vì vậy năm 1925 Tòa Thánh đã lập một Tòa Khâm Mạng tại Việt Nam với Đức Cha Ayuti làm Khâm Mạng Tòa Thánh đầu tiên. Hiện nay Đức Cha Salvatore Asta làm Khâm Mạng Tòa Thánh tại các nước Việt Nam, Ai lao và Cam bốt. Tòa Khâm Mạng đặt tại Sàigòn.

C. Chuẩn bị trưởng thành: Giám mục tiên khởi Việt Nam

Năm 1933, đánh dấu một giai đoạn mới mẻ, chứng tỏ một sự trưởng thành của Giáo Hội Việt Nam: Đức Cha Nguyễn Bá Tòng được tấn phong Giám mục tiên khởi Việt Nam. Từ ấy đến nay, 19 Địa phận (trong số 21) lần lượt được trao phó cho các Giám mục và các hàng Giáo sĩ bản quốc.

- Phát Diệm (1935)
- Bùi Chu (1935)
- Vĩnh Long (1938)
- Hà Nội (1950)
- Bắc Ninh (1950)
- Vinh (1951)
- Hải Phòng (1953)
- Sàigòn (1955)
- Cần Thơ (1955)
- Qui Nhơn (1957)
- Lạng Sơn (1960)
- Hưng Hóa (1960)
- Thái Bình (1960)
- Thanh Hóa (1960)
- Huế (1960)

Bốn Địa phận mới thiết lập, cũng được trao cho hàng Giám mục Việt Nam:

- Đà Lạt (1960)
- Mỹ Tho (id)
- Long Xuyên (id)
- Đà Nẵng (1963)

Trước cuộc chiến tranh vừa qua, trên toàn quốc có 1.931 nhà thờ và 4.071 nhà nguyện.

Hoạt động xã hội và văn hóa.

Ngoài việc trực tiếp giảng đạo cho những người chưa biết đạo và săn sóc đời sống thiêng liêng cho giáo hữu, Giáo hội Việt Nam trong thời kỳ này, lại phát triển mạnh về phương diện xã hội, văn hóa và giáo dục. 

Những công cuộc ấy rất quan trọng và được mọi người ca tụng. Thường thường, không một trung tâm đạo đức quan trọng nào được thành lập, mà bên cạnh ngôi thánh đường, không thấy xuất hiện một ngôi nhà trường, một nhà thương, một nhà mồ côi hoặc những đoàn thể có tính cách giáo dục thanh thiếu niên.

Một biến cố quan trọng

Sau hiệp định Genève 1954, Giáo hội Việt Nam cũng chịu chung một số phận với Tổ quốc Việt Nam: sự chia rẽ đau thương ở chính thân thể mình, mà nơi đông giáo dân nhất lại là phần bị cắt chia cho Cộng sản vô thần chủ trương tiêu diệt mọi tôn giáo nhất là Công giáo.

Không ngần ngại hy sinh hết thảy, có khi khi liều mạng sống, 650.000 giáo hữu Bắc phần đã thoát ly chế độ Cộng sản, ồ ạt kéo nhau vào Nam để bảo vệ Tự do và được tự do giữ đạo, lôi kéo hàng mấy trăm ngàn đồng bào khác, trong một cuộc di cư vĩ đại có một không hai.

D. Giai đoạn trưởng thành: Thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. (1960)

Ngày 8-12-1960, nhằm ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, muôn đời đáng ghi nhớ, đã hạ long bút ký sắc lệnh thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam với ba Tòa Tổng Giám Mục: Hà Nội, Huế, Sàigòn, đồng thời nâng hàng Giám mục Hiệu tòa lên hàng Giám mục Chính tòa. Đó là biến cố lịch sử quan trọng, thành quả tốt đẹp của 300 truyền giáo ở Việt Nam.

Với việc thành lập Hàng Giáo Phẩm, Giáo Hội Việt Nam, thêm được ba Địa phận mới nữa là:

- Đà Lạt (1960)
- Mỹ Tho (1960)
- Long Xuyên (1960).

Sau hết, ngày 2-2-1963, nhằm ngày lễ Đức Mẹ Dâng Mình vào Đền Thờ, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII lại khấng ban cho Giáo Hội Việt Nam một Địa phận mới nữa là Địa phận Đà Nẵng.

Như thế Giáo Hội Việt Nam với 21 Địa phận Chính tòa, với Ba Tòa Tổng Giám mục, đã ghi được bước tiến vẻ vang, sau trên 300 năm lịch sử.

ADVENIAT REGNUM TUUM!
(Trích Việt Nam Công Giáo Niên Giám 1964)