Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Ủy Ban Thần Học Quốc Tế: tôn giáo độc thần và bạo lực

Vũ Văn An
 Theo tin của VIS (Sở Thông Tin của Tòa Thánh), ngày 16 tháng Giêng vừa qua, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế đã cho công bố tài liệu mới tựa là “Thiên Chúa Ba Ngôi, và Tính Đơn Nhất của Nhân Loại: Thuyết Độc Thần Kitô Giáo và Việc Nó Chống Lại Bạo Lực”, sau gần 5 năm nghiên cứu. Bản văn tài liệu này được đăng trên tập san La Civilta Cattolica, số 3926, ngày 18 tháng Giêng, 2014, là tập san thường cho công bố bản tiếng Ý các tài liệu của Ủy Ban. Và kể từ ngày 16 tháng Giêng, nó cũng đã xuất hiện trên trang mạng www.laciviltacattolica.it cũng như trên trang mạng www.vatican.va. Hiện mới chỉ có bản tiếng Ý, các bản dịch khác hiện đang được tiến hành. Tuy nhiên, một dẫn nhập tóm lược tài liệu bằng tiếng Anh đã có trên trang mạng của Tòa Thánh.


Căn cứ vào dẫn nhập này, thì tài liệu nói trên là kết quả của cuộc nghiên cứu về một số khía cạnh trong ngôn từ của Kitô Giáo về Thiên Chúa, nhất là để trả lời các lý thuyết cho rằng giữa chủ nghĩa độc thần và bạo lực có một mối liên kết tất yếu. Bản văn này được soạn thảo bởi một tiểu ban bao gồm Cha Peter Damian Akpunonu, Cha Gilles Emery, O.P., Đức TGM Savio Hon Tai-Fai, S.D.B., Đức Cha Charles Morerod, O.P., Cha Thomas Norris, Cha Javier Prades Lopez, Đức Cha Paul Rouhana, Cha Pierangelo Sequeri, Cha Guillermo Zuleta Salas, và chủ tịch tiểu ban là Cha Fr. Philippe Vallin.

Được chính Đức Bênêđíctô ủy nhiệm năm 2008, trong cố gắng tìm cách đối thoại với nền văn hóa đương đại, tiểu ủy ban đã nhóm họp từ năm 2009 tới năm 2013, để thảo luận vấn đề. Vấn đề cũng đã được đem ra thảo luận tại các phiên họp toàn thể của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế. Bản văn hiện nay đã được Ủy Ban chấp thuận chính thức vào ngày 6 tháng 12 năm 2013, sau đó, đã đệ lên vị chủ tịch của Ủy Ban là Đức TGM Gerhard L. Muller, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, người đã cho phép công bố nó.

Điểm chủ yếu của tài liệu là để chứng minh rằng bạo lực là hình thức thoái hóa nhất của tôn giáo trong khi niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất là “nguyên lý và nguồn gốc của yêu thương giữa những con người nhân bản”. Tài liệu vì thế nhằm trả lời các luận chứng cho rằng có “một mối liên kết nội tại giữa thuyết độc thần và bạo lực”, bằng cách chứng tỏ rằng các luận chứng này phản ảnh “một số hiểu lầm” đối với “ý nghĩ chân chính của Kitô Giáo về Thiên Chúa duy nhất”.
Thực ra, theo tài liệu, phạm trù độc thần “quá chung chung” (generic) vì nó không phân biệt các truyền thống khác nhau giữa Do Thái Giáo, Hồi Giáo và Kitô Giáo.

Tài liệu cũng chống lại việc người ta dựa vào văn hóa để đơn giản coi như chỉ còn có hai thứ để chọn lựa đó là chủ nghĩa độc thần, tất yếu dẫn tới bạo lực, và chủ nghĩa đa thần, được coi là khoan dung hơn.

Tài liệu nhìn nhận rằng Thánh Kinh chứa đựng một số điển hình “bạo lực trực tiếp hay gián tiếp có liên lụy tới Thiên Chúa”. Như việc Thiên Chúa hủy diệt thế giới trong biến cố Hồng Thủy, hay thiêu rụi Sôđôm và Gômôra, cũng như một số hoàn cảnh Thiên Chúa ra lệnh cho Dân Do Thái tận diệt các đạo quân hay các thành thị chiếm được làm lễ tế Người.

Trong khi bác bỏ bất cứ lối giải thích nào đối lập “vị Thiên Chúa độc ác của Cựu Ước với vị Thiên Chúa tốt lành của Tân Ước”, tài liệu nhận định rằng Thánh Kinh Do Thái được viết cho nền văn hóa bộ lạc, vốn “chằng chịt quện lẫn vào thứ triết lý sống bao gồm ý niệm thánh thiêng cổ xưa về danh dự và hy sinh, về tranh chấp và trả đũa, về chiến tranh và chinh phục”.

Mặt khác, tài liệu cũng cho rằng các bức họa trái ngược nhau về bạo lực trong Thánh Kinh chứng tỏ có sự biến hóa nơi các thái độ đối với bạo lực, với “viễn ảnh sẽ từ từ khắc phục nó” nhờ đức tin vào Thiên Chúa.

Tài liệu cũng cho rằng "Biến cố Chúa Giêsu Kitô, một biến cố đã biểu lộ tình yêu Thiên Chúa cho mọi người, đã giúp trung lập hóa việc coi tôn giáo biện minh cho bạo lực. Cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô là điều then chốt đối với việc hoà giải mọi con người nhân bản”.

Các tác giả liên kết tình yêu Chúa Ba Ngôi với sự hoà hợp của xã hội: nhờ các bí tích, con người nam nữ trở thành con cái Thiên Chúa và anh chị em của nhau, thực hiện được một sự hợp nhất thiêng liêng có thể cổ vũ một “nền văn hóa nhân bản nối kết xã hội và thắng vượt các thù nghịch giữa các dân tộc”.

Bạo lực mà người ta cho là do tôn giáo thúc đẩy thực ra thường bị lèo lái bởi quyền lợi kinh tế và chính trị, là các quyền lợi chuyên lợi dụng đức tin và có khuynh hướng phỉ báng tôn giáo nhân danh chủ nghĩa nhân bản lầm lạc.

Tuy thế, các tác giả cảnh cáo rằng tôn giáo cần phải luôn thanh tẩy chính mình, kẻo sa vào cơn “cám dỗ đổi chác sức mạnh thần linh lấy sức mạnh phàm trần, là sức mạnh cuối cùng sẽ đi vào con đường bạo lực”.

Một chứng từ hợp luận lý

Có bình luận gia cho rằng tài liệu này được công bố đúng vào lúc Đức Phanxicô sắp sửa viếng thăm Do Thái vào tháng Năm tới, nhằm cổ vũ cuộc đối thoại với các tôn giáo khác. Thực thế, tài liệu này bao hàm nhiều ý nghĩa và hệ luận địa chính trị và liên tôn. Theo nó, mọi cộng đồng tôn giáo và các nhà lãnh đạo của họ phải nhận thức rõ ràng rằng xử dụng tới bạo lực và sợ hãi chắc chắn sẽ hủ hóa kinh nghiệm tôn giáo. Nhìn nhận rằng nó mâu thuẫn hoàn toàn với tinh thần phổ quát của tôn giáo là một khả thể trong bất cứ truyền thống lịch sử nào của tôn giáo.

Phản bội tinh thần tôn giáo như trên được thấy rõ nhất tại những nơi bạo lực được tạo ra vì quyền lợi kinh tế và xã hội là những quyền lợi chỉ lạm dụng các mẫn cảm tôn giáo của quần chúng mà thôi. Loại lạm dụng này giống như loại lạm dụng nhằm làm nhục các chứng tá đức tin. Cho rằng họ làm thế vì lợi ích của quần chúng và các cùng đích nhân bản cao quí, mà thực sự là để che đậy các tư lợi kinh tế và chính trị.

Ngày 17 tháng Giêng, khi tường trình việc công bố tài liệu trên, hãng tin Zenit nhấn mạnh lời tài liệu nói rằng “Các suy nghĩ của chúng tôi mang hình thức một chứng từ hợp luận lý, chứ không phải một luận điểm có tính hộ giáo. Thực vậy, Đức Tin Kitô Giáo coi việc khích động bạo lực nhân danh Thiên Chúa là việc hủ hóa tồi tệ nhất đối với tôn giáo”.

Tài liệu nói thêm: Kitô Giáo “đạt tới xác tín đó nhờ mạc khải của Thiên Chúa về chính sự sống của Người, là sự sống do Chúa Giêsu Kitô mang tới cho chúng ta”. Theo tài liệu, Giáo Hội “ý thức rõ ràng rằng làm chứng cho đức tin này đòi hỏi sự luôn sẵn sàng hồi tâm: điều này cũng bao hàm thái độ parrhesia nào đó, tức việc phải can đảm và thành khẩn tự phê chính mình”.

Tài liệu gồm 5 chương: Các hoài nghi đối với thuyết độc thần; Sáng kiến của Thiên Chúa trong Hành Trình Nhân Bản; Thiên Chúa, Đấng cứu ta khỏi bạo lực; Đức tin đương đầu với toàn bộ sức mạnh của lý trí; Con Cái Thiên Chúa Bị Rải Rác và Được Tụ Tập.

Sandro Magister, trong bài nhận định ngày 21 tháng Giêng, trích dẫn câu sau đây của tài liệu: “Đối với đức tin Kitô Giáo, bạo lực nhân danh Thiên Chúa là một lạc giáo không hơn không kém” và ngược lại, việc tôn trọng tự do tôn giáo phát sinh từ chính ý niệm của Kitô Giáo về Thiên Chúa, một điều họ coi như một tín điều.

Bản chất Ba Ngôi làm Kitô Giáo khác các tôn giáo độc thần khác

Tài liệu cho rằng bản chất Ba Ngôi của Kitô Giáo đã phân biệt tôn giáo này với các hình thức tôn giáo độc thần khác và là căn bản cho “tính nghiêm chỉnh bất phản hồi trong lệnh cấm của Tin Mừng đối với mọi lây lan giữa tôn giáo và bạo lực”.

Tuy có bạo lực tôn giáo trong lịch sử, nhưng tài liệu nhìn nhận thời hiện tại là một “kairos”, tức giờ phút quyết định trong đó Kitô Giáo dứt khoát từ khước bạo lực. Việc từ khước này phải được coi như một dấu chỉ đối với mọi người thuộc bất cứ tín ngưỡng nào. Vì “mọi cộng đồng tôn giáo và tất cả những ai có trách nhiệm giám sát chúng cần phải nhìn nhận một cách rõ ràng rằng nại tới bạo lực và khủng bố chắc chắn và đã được chứng minh là sẽ làm cho kinh nghiệm tôn giáo ra hủ hóa”.

Điều ấy cũng đúng đối với những ai lạm dụng tôn giáo vì quyền lợi chính trị và kinh tế dưới chiêu bài phục vụ các mục tiêu nhân bản cao cả nhất.

Tuy nhiên, điều khiến Sandro lưu ý là cùng ngày trên, tờ Hufington Post cho đăng tải tuyên ngôn dài 36 trang của Khalid Sheikh Mohammed, người chủ mưu triệt hạ Tòa Tháp Đôi của New York và hiện bị giam giữ tại Guantanamo.

Khalid cho rằng kinh Kôrăng ngăn cấm việc sử dụng bạo lực để truyền bá Hồi Giáo, thật khác với quan điểm có tính quân phiệt của anh ta trước đó. Thực vậy, trước đây, anh ta từng nói với ủy ban quân sự rằng “bổn phận tôn giáo lớn nhất của tôi là đánh phạt qúy vị về tội bất tín”. Nhưng nay, anh ta tìm cách làm cho tòa quân sự trở lại Hồi Giáo bằng cách thuyết phục họ và bằng suy tư thần học. Anh ta đi xa đến nỗi dám quả quyết rằng “Kinh thánh Kôrăng ngăn cấm chúng tôi sử dụng vũ lực làm phương tiện cải đạo” và “chân lý và thực tại không bao giờ xuất hiện bằng bắp tay và sức mạnh nhưng bằng tâm trí và sự khôn ngoan”.

Khalid dùng phần lớn bản tuyên ngôn của anh ta để cố gắng thuyết phục những người bắt giam, truy tố và làm luật sư cho anh ta rằng con đường dẫn tới hạnh phúc thật chính là Hồi Giáo. Theo anh ta, thế giới Tây Phương “đã lỡ mất con đường chân chính dẫn tới hạnh phúc” và họ “như người ngư phủ đi tìm cá nơi sa mạc hay người thợ săn đi bắt nai nơi đáy biển”. Vì “hạnh phúc không phải chỉ tìm thấy nơi tiền bạc, nghe âm nhạc, khiêu vũ, hay sống cuộc sống tự gọi là tự do”.
Anh ta phê phán đủ mọi khía cạnh của xã hội Tây Phương từ những máy chơi “game” tới bình đẳng hôn nhân, tỷ lệ tự tử trong quân đội, cảnh quá tải tại các nhà tù Mỹ, bệnh AIDS, các liên hợp kỹ nghệ quân sự, thuyết biến hóa, tai tiếng lạm dụng tình dục trong Giáo Hội Công Giáo, tới các quan điểm của Nixon về Hồi Giáo và quan điểm “thập tự chinh” của Bush. Và cho rằng nền luân lý Tây Phương đã phá sản: “các cộng đồng của họ đã bị hủy diệt vì tỷ lệ cao về ly dị, hiếp dâm, trộm cướp, giết người, tự tử, AIDS, và đôi khi trầm cảm, phá sản, phá thai, ma túy, đồng tính, vô gia cư, xáo trộn tâm lý, bệnh tâm thần và phần lớn các nhà tù Mỹ đã quá sức chứa và tội ác thì khắp nơi do mọi chủng tộc và tiểu bang gây ra”.

Anh ta có dùng thì giờ trong tù để đọc Thánh Kinh và đã dành 11 trang trong bản tuyên ngôn này để nói về Thánh Kinh và Kitô Giáo trong cố gắng thuyết phục người đọc từ bỏ đức tin để theo Hồi Giáo. Anh ta tôn kính Chúa Giêsu Kitô nhưng thù nghịch đối với các giáo sĩ vì coi họ đã làm sai lạc sứ điệp của Người trong hai thế kỷ thứ ba và thứ bốn.

Khalid cho rằng các soạn giả Thánh Kinh không biết sử dụng “ngôn từ nhã nhặn”, và những “câu truyện tình dục” trong Cựu Ước “được viết bởi những giáo sĩ Do Thái hủ bại” nhằm bán chạy sách để kiếm nhiều tiền hơn.

Tuy nhiên, anh ta vẫn bênh vực cuộc tấn công vào Tòa Tháp Đôi, từng gây tử thương cho hàng ba ngàn người vô tội và đẩy toàn bộ thế giới vào một thời kỳ bất ổn tột độ, vì coi nó như một hành động “tự vệ được mọi luật hiến pháp và quốc tế thừa nhận như là quyền của tất cả những ai bị mất lãnh thổ và nhân dân của mình bị tất công”.