Gặp gỡ Đức Kitô:
Nền tảng của Niềm Vui Phúc Âm
Trước hết là thành phần tác nhân của việc tân truyền bá phúc âm hóa, thành phần tác nhân phải làm sao cảm thấy niềm vui Phúc âm, ở chỗ "gặp gỡ Chúa Kitô", trong cả tâm can bên trong lẫn đời sống bên ngoài của mình,
nhờ đó họ mới có thể thực hiện những đường lối mới của việc tân truyền bá phúc âm hóa trong thế giới ngày nay của Giáo Hội, liên quan đến "3 lãnh vực chính", hay 3 thành phần chính, như đoạn Tông Huấn 14 liệt kê, đó là:
Niềm Vui Phúc Âm - về ba lãnh vực
1- "Thành phần tín hữu thường xuyên tham dự vào việc thờ phượng của cộng đồng và qui tụ vào Ngày của Chúa", và "những phần tử tín hữu hiếm tham dự vào việc thờ phượng", cả hai thành phần này đều cần đến "thừa tác mục vụ bình thường" của Giáo Hội để nhờ đó "giúp họ tăng trưởng thiêng liêng hầu có thể đáp ứng tình yêu của Thiên Chúa một cách trọn vẹn hơn trong đời sống của họ";
2- "Thành phần lãnh nhận phép rửa sống không trọn vẹn những đòi hỏi của Phép Rửa" cần được Giáo Hội giúp để họ có thể thực hiện "một thứ hoán cải phục hồi niềm vui của đức tin trong lòng cùng với niềm cảm hứng dấn thân cho Phúc Âm";
3- "Những ai chưa nhận biết Chúa Giêsu Kitô hay những ai luôn loại trừ Người", thế nhưng, "nhiều người trong họ vẫn âm thầm tìm kiếm Thiên Chúa... thậm chí ở các xứ sở có truyền thống Kitô giáo cổ kính", thành phần vẫn "có quyền lãnh nhận phúc âm", "không phải bằng cách dụ giáo" mà là được "thu phục" bởi các tác nhân cảm thấy Niềm Vui Phúc Âm.
Ba thành phần được liệt kê ở đoạn 14 này có thể được coi là đối tượng chính yếu của việc tân truyền bá phúc âm hóa.
Thật ra, 2 thành phần đầu cần phải là tác nhân của việc tân truyền bá phúc âm hóa, vì họ là Kitô hữu. Nhất là thành phần thứ hai đã "trở nên nguội lạnh", cần phải được tái truyền bá phúc âm hơn ai hết và hơn bao giờ hết.
Kể cả thành phần thứ nhất thuộc loại "hiếm tham dự vào việc thờ phượng", nghĩa là cũng đã "trở nên nguội lạnh" ở một mức độ nhẹ hơn thành phần thứ hai, cũng cần phải được tái truyền bá phúc âm hóa.
Nếu hai thành phần Kitô hữu một và hai được Tông Thư kể đến ở đoạn 14 cảm thấy được Niềm Vui Phúc Âm nhờ "gặp gỡ Chúa Kitô" thì họ mới có thể làm cho thành phần thứ ba, hầu như là thành phần ngoài Kitô giáo, "chưa nhận biết Chúa Giêsu Kitô hay những ai luôn loại trừ Người", bao gồm cả chính thành phần Kitô hữu "ở các xứ sở có truyền thống Kitô giáo cổ kính", một là đã trở thành hoàn toàn vô thần, hay mới chỉ thiên về phiếm thần, ở chỗ "vẫn âm thầm tìm kiếm Thiên Chúa".
Niềm Vui Phúc Âm - điều kiện tiên quyết
Thế nhưng, điều kiện trước hết và trên hết bất khả thiếu để cảm nghiệm được Niềm Vui Phúc Âm, nhờ đó trở thành tác nhân loan truyền Niềm Vui Phúc Âm này, như ở ngay câu đầu của Tông Thư đã khẳng định, đó là "gặp gỡ Chúa Kitô":
- "Tôi mời gọi tất cả mọi Kitô hữu, ở khắp mọi nơi, vào chính lúc này đây, hãy thực hiện một cuộc tái tấu gặp gỡ riêng tư với Chúa Giêsu Kitô,
hay ít là hãy cởi mở để cho Người gặp gỡ mình.
Tôi xin tất cả anh chị em hãy không ngừng làm như thế mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời gọi này không nhắm đến họ, vì 'không ai bị loại trừ ra khỏi niềm vui được Chúa mang đến cho' [Paul VI, Apostolic Exhortation Gaudete in Domino (9 May 1975), 22: AAS 67 (1975), 297.]" (khoản 3);
- "Chỉ nhờ có cuộc gặp gỡ này - hay cuộc tái tấu gặp gỡ - với tình yêu của Thiên Chúa, một cuộc gặp gỡ làm bừng nở một thứ thân tình phong phú, chúng ta mới được giải phóng khỏi cảnh hạn hẹp và bám chặt lấy bản thân mình của chúng ta. Chúng ta trở nên người hoàn toàn khi chúng ta trở thành người hơn nữa, khi chúng ta để cho Thiên Chúa đưa chúng ta ra ngoài bản thân mình để đạt tới sự thật trọn vẹn nhất của con người chúng ta.
Ở đó chúng ta thấy được nguồn mạch và cảm hứng cho tất cả mọi nỗ lực của mình trong việc truyền bá phúc âm hóa.
Vì nếu chúng ta đã lãnh nhận được thứ tình yêu phục hồi ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta thì tại sao chúng ta lại không chia sẻ tình yêu ấy cho người khác chứ?" (khoản 8).
Thật vậy, chỉ nhờ được "gặp gỡ Chúa Kitô" mà Kitô hữu mới đạt được trọn vẹn tầm vóc sự sống viên mãn của mình, một sự sống dồi dào đến độ có thể truyền sang cho tha nhân, bằng việc dấn thân phục vụ cho lợi ích của anh chị em của mình, như nhận định của các khoản Tông Huấn sau đây:
- "Phúc Âm cống hiến cho chúng ta cơ hội để sống một cuộc đời ở tầm mức cao hơn, nhưng không kém phần gay go: 'Sự sống tăng trưởng nhờ được ban phát đi, và nó trở thành suy yếu nơi tình trạng lẻ loi và thoải mái.
Quả thế, những ai hoan hưởng sự sống nhất là những người lìa bỏ những gì là an toàn lại trên bến bờ mà trở nên hăng say với sứ vụ truyền đạt sự sống cho người khác' ” [Fifth General Conference of the Latin American and Caribbean Bishops, Aparecida Document, 29 June 2007, 360.]
Khi Giáo Hội kêu gọi Kitô hữu đảm nhận công việc truyền bá phúc âm hóa, Giáo Hội chỉ hướng đến cái nguồn mạch của tầm vóc viên trọn đích thực về bản vị ấy.
Vì 'ở đây chúng ta khám phá thấy một thứ luật sâu xa về thực tại, đó là sự sống được đạt thành và trưởng thành ở nơi mức độ nó cống hiến sự sống cho người khác.
Đó thực sự là ý nghĩa của sứ vụ truyền giáo' (ibid.). Thế nên, một nhà truyền bá phúc âm hóa không bao giờ giống như một người mới đi dự tang lễ trở về!" (khoản 10).
"Trong thời đại của chúng ta đây, lệnh truyền của Chúa Giêsu trong việc 'hãy đi tuyển mộ các môn đồ' đang âm vang nơi những viễn tượng đổi thay và những thách đố mới mẻ hơn bao giờ hết đối với sứ vụ truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội, và tất cả chúng ta được kêu gọi tham phần vào 'cuộc dấn thân' truyền giáo mới mẻ này.
Mỗi một Kitô hữu và hết mọi cộng đồng Kitô hữu cần phải nhận thức được đường lối được Chúa chỉ dẫn, thế nhưng tất cả chúng ta đều được yêu cầu tuân theo tiếng gọi của Người trong việc xuất thân ra khỏi giới tuyến thoải mái của mình để vươn tới tất cả 'những vùng ngoại biên' đang cần đến ánh sáng Phúc Âm" (khoản 20).
Việc dấn thân vào đời cho sứ vụ truyền bá phúc âm hóa liên quan đến yếu tố tác nhân chẳng những cần phải: 1- thắng vượt cuộc khủng hoảng nơi các khuynh hướng phản chứng của thành phần mục vụ viên, mà còn 2- là một sứ vụ bất khả thiếu và bất khả châm chước, 3- một sứ vụ cần phải được tràn đầy Thần Linh mới có thể hoàn thành.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
phân tích, tuyển hợp và chuyển dịch