Tiến sĩ Stephen Post, giáo sư môn Đạo Đức Sinh Học ở Mỹ, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Tình Yêu Vô Hạn, tác giả cuốn sách nổi tiếng: “Unlimited Love: Altruism, Compassion, and Service”.
Chúa Giêsu biểu lộ tình thương lớn lao của Người cho con người bằng 10 cách thức khác nhau. Các Tin Mừng cho chúng ta thấy lòng thương cảm sâu xa của Người đối với đau khổ, việc Người hiện diện và lắng nghe chăm chú người khác, và việc Người giúp đỡ cho mọi người chung quanh. Chúng ta hãy khám phá các cách thức Chúa Giêsu biểu lộ Agape – từ ngữ Hy Lạp có nghĩa là tình yêu vô điều kiện, tình yêu tự hiến – và chúng ta có thể học hỏi gì nơi Người.
1. Lòng thương cảm
Trong các Tin Mừng, Chúa Giêsu được mô tả như một người chữa lành, đáp ứng mọi nhu cầu của con người trong đau khổ, cả trong ngày Sabbath, và chính vì điều này mà người bị chính quyền thời đó chỉ trích kịch liệt. Người đáp trả cho người khác, mà nếu không có sự can thiệp của Người, họ đã bị ném đá đến chết. Lòng thương cảm được diễn tả trọn vẹn trong dụ ngôn người Samarit nhân hậu, vì người này giúp đỡ trực tiếp và nhanh chóng cho người bị thương bên vệ đường. Không gì có thể làm Người hành động trái với lòng thương cảm cả – dù là đang bận rộn hết sức hoặc vì sự ô nhục xã hội, như trong trường hợp người phụ nữ Samari mà đa số người khác không muốn tiếp chuyện. Chúa Giêsu làm theo lòng thương cảm đòi hỏi, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào.
Lời nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết thật sự thương cảm những người đau khổ.
2. Chăm chú lắng nghe
Khi tiếp xúc với người khác, Chúa Giêsu chăm chú lắng nghe, chứng tỏ sự ước muốn đáp trả trong thâm sâu những gì người kia nói với Người. Trong nhiều cuộc chữa lành, người ta thường kêu to xin Người cứu giúp. Chỉ bằng sự lắng nghe và sờ chạm nhẹ, Người trao cho họ niềm hy vọng và tin yêu trọn vẹn. Người cẩn thận lắng nghe kẻ thù nói và trả lời họ sau khi suy nghĩ kỹ. Người rất nhẫn nại với các môn đệ của mình, cả khi Người có lý do chính đáng để mất kiên nhẫn.
Lời nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con khiêm nhượng để biết chăm chú lắng nghe người khác, vì họ rất đáng trân trọng.
3. Biết cách đối đầu
Chúa Giêsu là bậc thầy về xử lý đối đầu. Người thực thi sự chống đối bất bạo động với sự dữ, và chính lời dạy và gương sáng của Người đã gây cảm hứng cho lãnh tụ Gandhi và nhiều nhà lãnh đạo các phong trào dân quyền. Chúa Giêsu yêu cầu Phêrô bỏ gươm xuống; Người nói ai dùng gươm sẽ chết vì gươm. Nhưng Người cũng đối đầu với các thầy tư tế giả hình và các người đổi tiền trong Đền thờ. Người liên tục thách thức người khác hãy suy nghĩ và hành động trong yêu thương, và điều này làm cho Người phải thường xuyên đối đầu khi Người nhìn thấy các thái độ và ứng xử hủy diệt chung quanh Người.
Lời nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con nhiều can đảm để đối đầu với sự dữ bằng yêu thương chứ không bằng ác tâm.
4. Lòng đại lượng
Chúa Giêsu không chỉ giúp đỡ người khác. Người còn linh hứng cho người ta làm như vậy nữa, và khuyến khích giúp đỡ cách ứng xử. Người dành rất nhiều thì giờ để biến đổi các con người bình thường như Giacôbê và Phêrô, những người làm nghề đánh cá, trở thành các gương mẫu của tình yêu thương. Đời sống của Người có thể được hiểu tốt nhất như là ánh sáng thông chuyển sức mạnh tình thương qua các thời đại, từ thế hệ này đến thế hệ khác, trong Giáo Hội và ngoài Giáo Hội.
Lời nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con sốt sắng giúp đỡ người khổ cực, và trở thành gương sống đại lượng đối với tha nhân.
5. Mừng hội với người khác
Trong Tân Ước có nhiều đọan nói về việc Chúa Giêsu mừng hội với người khác. Người tham dự tiệc cưới ở Cana, Người thường bị chỉ trích vì uống rượu với các môn đệ, và Người làm phép lạ hóa bánh nuôi năm ngàn người dân. Chúa Giêsu nói Người đến trần gian để cho chúng ta được sống, “và sống đồi dào” ( 1Ga 10, 10 ).
Lời nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con nhìn thấy mọi người là quà tặng của Chúa, vì họ kêu mời chúng con biết sống tạ ơn và mừng hội vui với nhau.
6. Có óc hài hước
Có rất nhiều đọan văn mô tả Chúa Giêsu hài hước rất hay. Nhà thần học Anh C.K. Chesterton, trong tác phẩm Orthodoxy ( Chính thống ), kết luận rằng việc cười đùa là “một nhân đức ẩn giấu của Chúa Giêsu”. C.S. Lewis viết rằng “vui cười là công việc nghiêm chỉnh của Thiên Đàng”. Nhà thần học phái Quaker Elton Trueblood, vị tuyên úy của các Đại Học Harvard và Stanford, viết cuốn “Sự hài hước của Đức Kitô” ( The Humor of Christ ) năm 1964 để “thách thức hình ảnh quy ước về một Đức Kitô không hề cười vui”.
Lời nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tính hài hước và niềm vui cười mạnh mẽ, để chúng con khỏi mọi lo âu xao xuyến trong đời.
7. Tính sáng tạo
Các dụ ngôn của Chúa là những sáng tác rất xuất sắc. Ba câu chuyện lớn về tình yêu thương là các dụ ngôn: người Samari nhân hậu, người con hoang đàng và bà góa nghèo. Dụ ngôn thứ nhất mô tả sức mạnh của đáp trả cảm thương, vốn vang dội qua bao thế hệ; dụ ngôn thứ hai kể lại tình thương vô điều kiện của người cha, kể cả sau khi ông bị người con lăng nhục một cách có thể tưởng tượng được; và dụ ngôn thứ ba cho thấy ý nghĩa cao quí khi người không có gì lại cố gắng đóng góp một phần nhỏ của mình. Chúa Giêsu yêu thương con người qua việc kể nhiều câu chuyện tự phát như vậy, bởi vì Người là người tài giỏi văn chương. Người cũng là người có óc sáng tạo trong việc giải quyết các tranh chấp luân lý, và đưa ra các kết luận khôn ngoan khác nào vua Salômon xưa kia. Người có một tinh thần sáng tạo thật tự do và siêu việt.
Lời nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết dùng tính sáng tạo của mình vào các mục đích tốt lành nhất.
8. Lòng tôn trọng
Chúa Giêsu có lòng tôn trọng lớn lao đối với thiên nhiên và dùng nhiều thì giờ ngồi giữa thiên nhiên yên tĩnh hoặc bên bờ biển. Người luôn tỏ ra tôn trọng gia đình, và đời sống gia đình hàng ngày. Trong khi không có lãnh đạo tôn giáo nào ban tặng quyền bình đẳng cho trẻ em, Chúa Giêsu hoan nghênh chào đón các em và lấy đời sống các em làm gương mẫu cho cách sống của những ai muốn vào Nước Trời. Người tôn trọng phụ nữ, trong khi vào thời ấy tiếng nói của phụ nữ không được ai lắng nghe. Người tôn trọng những người bị áp bức, người mù, người phong. Lòng tôn trọng của Người với sự sống thật là phổ quát.
Lời nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng tôn trọng sâu xa, để giải thoát chúng con khỏi sự ước ao điều khiển người khác theo ý mình.
9. Lòng trung thành
Chúa Giêsu vẫn trung thành với Phêrô sau khi Phêrô chối Chúa. Thậm chí cả khi bị từ bỏ, Người vẫn trung thành, như trong việc Người than khóc cho thành Giêrusalem ( Mt 23, 37 ). Người trung thành với ý Chúa Cha, khi trước lúc chết, Người đã cầu nguyện: “Lạy Cha, xin cất chén này khỏi con, nhưng đừng theo ý Con, một theo ý Cha mà thôi”. Đối với những người tàn tật, bệnh họan, bị loại trừ, Người vẫn trung thành với họ dù cho những người khác chối bỏ họ.
Lời nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con biết trung thành với những người khác, bởi vì họ cũng bất toàn như chúng con.
10. Lòng tha thứ
Chúa Giêsu Nazareth mang sự tha thứ đến thế giới phương Tây. Kinh Lạy Cha của Kitô giáo nói: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Chúa Giêsu xin những người chuẩn bị ném đá hãy tha thứ cho người phụ nữ phạm tội ngọai tình. Người luôn dạy sự kiên trì chịu đựng, và khuyên chúng ta đừng xét đoán người khác, bởi vì tất cả chúng ta đều có lỗi. Khi sắp chết trên thập giá, Người còn nói lời sau cùng: “Xin Cha tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.
Lời nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết tha thứ và làm cho lời tạ lỗi của chúng con trở nên có ý nghĩa.
Bản dịch của NGUYỄN TRỌNG ĐA