Chiêm ngắm cuộc Thương khó, tôi ngỡ ngàng nhận ra bầu khí ấy mang dáng dấp của một xã hội thu nhỏ đầy phức tạp và ồn ào. Quần chúng thì cứ chộn rộn, la ó mà thiếu một chút yên ắng để suy xét xem mình đang bàn tán về ai, hay đang to thét về điều gì. Đám đông mãi là thế: thích tin đồn, vội xầm xì và dễ bị giựt dây. Họ như những con sóng nhô thật cao, vỗ bờ thật kêu, để rồi vỡ tan xì xèo trống rỗng.
Ít ồn ào điên cuồng như quần chúng, nhưng sự lặng lẽ của các bác Pharisêu lại là chiếc mặt nạ che giấu bao đợt sóng ngầm đầy mưu toan, ác ý bên trong. Họ chính là những người tạo tin đồn, tìm cách giựt dây quần chúng. Họ chính là những người bắt và xử án Thầy Giêsu trong đêm. Họ chính là những người mệt mỏi vặn óc, khô hơi thuyết phục Philatô đóng đinh Thầy Giêsu ở hậu trường sân khấu. Lặng lẽ bề ngoài kia liệu ích gì cho một tâm hồn đầy giông bão ngổn ngang, gai góc và cuồng nộ?
Còn một sự lặng lẽ khác trong màn kịch Thương khó, đó là sự lặng lẽ rút êm của một Philatô rửa tay chạy tội. Ông đầu hàng, bỏ chạy sau một cuộc đấu tranh để sống cho cái tâm thiện bất thành của mình. Ông quý sự chân thật, thánh thiện, cao thượng nơi Thầy Giêsu; vì đó là những điều ông không có và đang mơ ước. Song, ông cũng lo bảo vệ cho vị thế, gia sản mà bấy lâu nay ông tốn công vun vén trước sự đe dọa và áp lực của các bác Pharisêu ác tâm, và đám đông ba phải. Sự lặng lẽ nơi ông khoác lên mình một màu tím tang tóc để khóc than cho cái thiện tâm bị khai tử. Đáng buồn thay!
Đời vẫn thế! Người vẫn vậy! Từ bao nhiêu lâu nay! Hoặc ồn ào để che đi sự trống rỗng bên trong. Hoặc yên ắng để che đi giông tố trong lòng. Hoặc im lặng vì chẳng còn đủ sức chiến đấu trong cuộc chiến thiện – ác. Liệu còn sự lặng lẽ nào cao quý hơn, tinh ròng hơn, thuần nhất hơn nơi lòng con người chăng? Đó là sự lặng lẽ của Thầy Giêsu.
Thầy không nói bởi Thầy muốn cảm nghiệm. Cảm nghiệm lòng đám đông hời hợt và phụ bạc. Hời hợt nên chỉ lo nhu cầu của cái bụng, thích được ăn bánh cá no nê hơn là suy ngẫm “Lời mang sự sống đời đời.” Hời hợt nên thích xem phép lạ hơn là tin người làm phép lạ. Không sâu, không thân, không bám rễ nên dễ phụ bạc.
Thầy không nói bởi Thầy muốn hòa giải. Thầy thèm tranh chi quyền giảng dạy của các bác Pharisêu. Thầy ham hố gì những thứ danh ảo chóng tàn của chức Rabbi. Vậy mà các bác cứ đinh ninh Thầy cũng dừng ở quyền – danh như các bác. Thế nên, các bác tìm mọi cách để loại trừ Thầy ra khỏi thị trường độc quyền ấy. Thầy nhìn các bác mà ưu tư. Bởi còn bám vào hình danh sắc tướng thì bao giờ các bác mới chạm được bề sâu của Chân lý, Tình yêu của Thiên Chúa. Chưa kết thân với Thiên Chúa thì các bác cũng vô tình “khóa luôn cửa Nước Trời” cho những người mà các bác giảng dạy. Những lời chửi của Thầy cũng chỉ như những cái tát cho các bác tỉnh cơn say của hơi men quyền – tiền – danh mà thôi. Tỉnh để rồi làm hòa với Trời với người.
Thầy không nói bởi Thầy muốn tha thứ. Những bội bạc, những hiểu lầm kia như những chiếc gai nhọn đâm thấu vào trái tim yêu của Thầy. Vết đâm nào chẳng gây đau đớn. Hiểu lầm nào chẳng gây thương tổn. Tình trao đi càng nhiều, mong mỏi càng lớn thì những phản bội và ác ý càng thêm chua xót, hằn vết. Thầy yêu ý thức. Người hờ hững vô tình. Xót xa mà phải chịu đựng. Tổn thương mà phải hàn gắn. Hiểu lầm mà không thể giải thích. Thầy âm thầm cầu nguyện cùng Cha để có đủ nội lực bao chứa tất cả. Thầy xin Cha thêm tình yêu để đắp vào những vết thương sâu khoắm nơi con tim Thầy.
Tất cả cần lặng lẽ. Tất cả cần lặng lẽ…!
Bảo Ân, SJ