Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

"Thiên Chúa chiến thắng trong thất bại!"

"Thiên Chúa chiến thắng trong thất bại!"
 (ĐTC Phanxicô - Huấn Từ Triều Kiến Chung Thứ Tư 16/4/2014)
  Xin chào buổi sáng Anh Chị Em thân mến!
 Hôm nay, thời điểm giữa Tuần Thánh, phụng vụ cho chúng ta thấy một tình tiết u buồn, đó là trình thuật về việc phản bội của Giuđa, người đã đi đến với các vị lãnh đạo Hội Đồng Do Thái để mặc cả vấn đề trao nộp Thày của mình cho họ. "Các ngài sẽ cho tôi bao nhiêu nếu tôi trao nộp Người cho các ngài?" Vào lúc ấy, Chúa Giêsu đã trở thành một cái giá. Tác động thảm thương này đã mở màn cho Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô, một cách thế đau thương Người đã hoàn toàn tự nguyện chọn lấy. Chính Người đã minh nhiên tuyên bố rằng: "Tôi bỏ mạng sống mình đi... Không ai lấy nó khỏi Tôi được, mà là Tôi tự ý bỏ nó. Tôi có quyền bỏ nó đi và cũng có quyền lấy nó lại" (Gioan 10:17-18). Thế nên, với việc phản bội này cách thế ấy đã được bắt đầu bởi sự hạ nhục, bởi việc Chúa Giêsu lột bỏ. Nó như thể ở ngoài chợ: cái này giá 30 đồng... Một khi đường lối ô nhục và lột bỏ được thực hiện thì Chúa Giêsu chấp nhận nó cho đến cùng.


Chúa Giêsu lên tới tột cùng của sự ô nhục nơi "cái chết trên thập giá" của Người. Nó là một cái chết tồi bại nhất - cái chết dành cho các kẻ nô lệ và tội ác. Chúa Giêsu được coi như là một vị tiên tri, thế nhưng Người đã chết như một tên tử tội. Khi nhìn ngắm Chúa Giêsu nơi cuộc Khổ Nạn của Người, chúng ta nhìn thấy như qua một cái gương các thứ khổ đau của nhân loại và chúng ta thấy được câu giải đáp thần linh cho mầu nhiệm sự dữ, cho mầu nhiệm sầu thương và mầu nhiệm chết chóc. Chúng ta rất thường thấy cái khinh hoàng khiếp đảm của sự dữ và đớn đau xẩy ra chung quanh chúng ta rồi chúng ta đặt vấn đề: "Tại sao Thiên Chúa lại để cho nó xẩy ra chứ?" Nó là một vết thương sâu đậm đối với chúng ta trong việc trải qua đau khổ và chết chóc, nhất là của thành phần vô tội! Khi chúng ta thấy trẻ em chịu khổ thì nó như một vết thương đâm vào lòng: nó là mầu nhiệm của sự dữ. Chúa Giêsu đã mang lấy trên mình tất cả mọi sự dữ ấy, tất cả mọi đau khổ này. Tất cả chúng ta sẽ cảm thấy ích lợi trong tuần này khi nhìn ngắm cây thập tự giá, khi hôn vào các thương tích của Chúa Giêsu, khi hôn Người ở trên cây thập giá. Người đã nhận lấy tất cả mọi khổ đau của loài người, Người đã ôm vào thân tất cả những khổ đau ấy.

Chúng ta mong thấy Thiên Chúa, bằng quyền toàn năng của Ngài, chế ngự những gì là bất công, sự dữ, tội lỗi và đau khổ bằng một vinh thắng khải hoàn thần linh. Trái lại, Thiên Chúa cho chúng ta thấy một cuộc chiến thắng khiêm tốn dường như theo loài người là thảm bại. Chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa chiến thắng trong thất bại! Thật vậy, Con Thiên Chúa trên thập tự giá như là một con người thảm bại: Người chịu khổ, bị phản nộp, bị khinh bỉ và sau cùng chết đi. Tuy nhiên, Chúa Giêsu để cho sự dữ trút cơn hung tàn lên Người và Người chấp nhận nó để khống chế nó. Cuộc Khổ Nạn của Người không phải là một biến cố đột nhiên xẩy ra (incident); cái chết của Người - một cái chết - "đã được ghi chép". Thật vậy, chúng ta không thấy được nhiều lời dẫn giải. Nó là một mầu nhiệm gây chưng hửng, mầu nhiệm về lòng khiêm nhượng thẳm sâu của Thiên Chúa: "Vì Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài" (Gioan 3:16). Chúng ta nghĩ đến rất nhiều về nỗi sầu thương của Chúa Giêsu trong tuần này và chúng ta hãy tự nhủ rằng: chỉ vì tôi. Cho dù chỉ có một mình tôi trên thế gian này, Người cũng thực hiện điều ấy. Người đã làm như thế vì tôi. Chúng ta hãy hôn cây thập tự giá mà nói: chính vì con, vì con, Giêsu ơi con xin cám ơn Chúa.

Khi tất cả dường như mất mát, khi không còn ai nữa, vì họ đánh "chủ chiên khiến đàn chiên sẽ bị tan tác" (Mathêu 26:31), thì bấy giờ Thiên Chúa ra tay can thiệp bằng quyền năng Phục Sinh. Cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu không phải là một kết thúc có hậu của một dụ ngôn hay, nó không phải là thứ kết thúc có hậu (good ending) của một cuốn phim, mà là việc can thiệp của Chúa Cha trong lúc hy vọng của loài người bị tan tành. Trong lúc hết mọi sự dường như hư hoại, trong lúc sầu thương khiến nhiều người cảm thấy cần phải xuống khỏi thập giá, lại là lúc gần phục sinh nhất. Đêm thật sự càng trở nên tăm tối hơn trước khi bình minh ló dạng, trước khi ánh sáng chiếu soi. Thiên Chúa ra tay can thiệp vào những lúc đen tối nhất để làm tái sáng tỏ.

Chúa Giêsu, Đấng đã muốn đi qua cuộc đời này, kêu gọi chúng ta hãy theo Người trên cùng một con đường ô nhục. Khi mà vào một lúc nào đó trong đời chúng ta cựa quậy để thoát khỏi những khốn khó của mình, khi chúng ta chới với trong tối tăm dầy đặc nhất, thí đó là lúc của tình trạng chúng ta ô nhục và hoàn toàn tước bỏ, là thời khắc chúng ta cảm nghiệm rằng chúng ta mỏng dòn và tội lỗi. Thật vậy, chính bấy giờ, vào lúc ấy, chúng ta không được che đậy cái thất bại của chúng ta, mà hãy tin tưởng hy vọng vào Chúa, như Chúa Giêsu đã làm. Anh chị em thân mến, một điều mang lại lợi ích cho chúng ta trong tuần này đó là chúng ta hãy cầm lấy cây thập giá trong tay mà hôn nhiều thật nhiều mà nói: Giêsu ơi, con xin cám ơn Chúa, Chúa ơi, con xin cám ơn Chúa. Chớ gì được như vậy.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ http://www.zenit.org/en/articles/on-holy-week--3 (những chỗ in nghiêng và mầu là do ngùi dịch tự ý nhấn mạnh)
Sáng nay, trước buổi triều kiến chung, trong khi đi một vòng Quảng Trường Thánh Phêrô, ĐTC đã dừng xe lại cho 2 em thiếu niên nam lên xe với mình. Xin xem đoạn video clip ở cái link sau đây:
http://www.romereports.com/pg156455-pope-gives-two-school-children-a-ride-on-board-the-popemobile-en