Thứ Hai, 27 tháng 3, 2023

7 quan niệm truyền thống và ý nghĩa biểu tượng của Chúa Nhật Lễ Lá


Chúa Nhật Lễ Lá đánh dấu sự khởi đầu của Tuần Thánh, là tuần cuối cùng cho việc chuẩn bị mừng Đại Lễ Phục Sinh. Trong nghi lễ Phụng vụ Roma, việc cử hành Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá có các truyền thống mang đặc nét riêng, nên nó khác hẳn với các Thánh Lễ Chúa Nhật khác.


Rất nhiều truyền thống có lịch sử lâu đời. Nguồn gốc của chúng khởi đi từ thời Hội Thánh sơ khai và từ các sự kiện được kể lại trong Kinh Thánh.


Những khác biệt của nghi thức này nhằm  làm phong phú việc tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, nhấn chìm chúng ta vào các biến cố với một cách thức duy nhất là để giúp chúng ta suy ngẫm về vẻ đẹp và những sự phong phú của Mầu nhiệm Phục Sinh.


Sau đây là 7 trong nhiều truyền thống và ý nghĩa của các biểu tượng.


1. Tại sao Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá bắt đầu bằng một cuộc rước?


Ngoài việc tái hiện lại cuộc rước của Chúa Giêsu vào thành thánh Giê-ru-sa-lem, nhà thờ nghiễm nhiên là nơi trượng trưng cho Trời Cao với sự hiện hiện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Hơn nữa, nhiều nhà thờ lại có những dãy bậc cấp. Điều này cũng có một biểu tượng, bởi vì những bậc cấp nâng ánh mắt và trái tim của chúng ta hướng nhìn lên Thiên Chúa và nhắc nhở chúng ta về việc tiến lên Đồi Canvê của Chúa Giêsu. Vị linh mục đảm nhận chức năng này và đi lên “mầu nhiệm” Đồi Canvê để hiến dâng hy tế của Thánh lễ, tham dự vào chính hiến tế duy nhất của Chúa Giêsu trên thập giá.


2. Tại sao trong cuộc rước chúng ta sử dụng những cành cọ?


Những cành lá diễn tả những gì mà người ta sử dụng cho cuộc khải hoàn của Chúa Giêsu khi tiến vào thành Giê-ru-sa-lem. “Một đám người rất đông cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt cành lá mà rải trên lối đi” (Mt 21,8). Trong trường hợp không có những cành lá cọ, chúng ta có thể thay thế bằng một loại lá khác bất kỳ để giúp cử hành Chúa Nhật Lễ Lá. Những cành lá tượng trưng cho tính cần thiết của việc hiến dâng tâm hồn chúng ta cho Chúa Giêsu, để Ngài đụng chạm đến đáy lòng của chúng ta. Chính vì điều này, ngay cả khi chúng ta không có bất kỳ cành lá nào cho việc cử hành, chúng ta vẫn có thể tham dự với đặc tính thánh thiêng của Chúa Nhật Lễ Lá.


3. Tại sao linh mục sử dụng phẩm phục màu đỏ?


Màu đỏ là màu của máu, tượng trưng cho tình yêu, lửa mến, lòng đam mê và cũng biểu trưng cho máu của sự hiến tế. Màu đỏ được sử dụng trong Chúa Nhật Lễ Lá, thứ Sáu Tuần Thánh và bất kỳ ngày nào liên quan đến Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và trong các ngày lễ kính nhớ các đấng đã chịu chết vì đức tin (các vị tử đạo).


4. Tại sao các ảnh tượng bị che phủ?


Có vẻ hơi lạ khi trong thời khắc thánh thiêng nhất của Năm Phụng vụ người Công giáo lại che phủ tất cả những gì được xem là đẹp nhất trong các nhà thờ của họ, ngay cả Thánh giá. Chúng ta sẽ không được xem cảnh tượng đau khổ trên Đồi Canvê trong khi nghe bài tường thuật về Cuộc Thương Khó trong Chúa Nhật Lễ Lá, sao vậy? Cho dù che phủ các tượng ảnh trong thời gian Mùa Chay, xem ra có vẻ mâu thuẫn, nhưng Giáo Hội Công Giáo khuyến khích việc thực hành này để rèn giũa các giác quan của chúng ta và làm gia tăng bên trong chúng ta niềm khát khao về Chúa Nhật Phục Sinh. Đây là truyền thống nên được thực hiện không chỉ trong giáo xứ, nhưng cũng có thể thực hiện ngay cả trong “hội thánh tại gia” (“hội thánh thu nhỏ, kiểu như gia đình”).


5. Tại sao bài đọc Tin Mừng dài hơn các ngày khác?


Đối với người Công giáo Roma, các bài đọc Thánh lễ Chúa Nhật hằng tuần cực kỳ ngắn nếu đem so sánh với bài tường thuật Thương Khó được đọc (hoặc hát) hằng năm vào Chúa Nhật Lễ Lá. Các bạn có biết rằng tất cả các Chúa Nhật đều diễn ra như vậy trong Hội Thánh sơ khai không? Là vì, nhiều người trong số những Kitô hữu đầu tiên là người Do thái, do đó không có gì ngạc nhiên khi họ thiết lập phụng vụ của họ dựa trên các việc phục vụ hội đường, chúng bao gồm việc đọc các bài đọc Sách Thánh được thực hiện liên tục từ tuần này sang tuần khác.


6. Tại sao các tín hữu được tham dự vào bài đọc của Cuộc Thương Khó?


Chúa Nhật Lễ Lá khai mạc Tuần Thánh với việc tường thuật lại cách long trọng Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, nói chung mỗi người đều có sự liên đới trong biến cố này. Khi được cử hành trong nhà thờ, người giáo dân đảm nhận vai trò của đám đông dân chúng năm xưa. Tất cả được đẩy tới đỉnh điểm khi họ đồng thanh hô “Đóng đinh nó vào thập giá! Đóng đinh nó vào thập giá!” Trong trường hợp này, chúng ta nhìn nhận sự liên đới mà tội lỗi của chúng ta có trong việc đóng đinh vào thập giá của Chúa Giêsu, và giống như Chúa Giêsu đã chịu đau khổ và chịu chết vì chúng ta.


7. Làm gì với những cành lá đã được làm phép?


Như những con cái người Do thái với những cành cọ trên tay đã chạy đến gặp gỡ Đức Giêsu, cũng vậy, là những môn đệ của Ngài, chúng ta được mời gọi quy hướng những bước đi và những hành động của chúng ta tới Ngài. Do đó, chúng ta có thể làm gì tùy ý với những cành lá đã được làm phép theo sáng kiến riêng của mỗi người, miễn sao không vứt chúng đi. Đó là một sự nhắc nhớ cho lời mời gọi: Hãy chạy đến gặp gỡ Đức Giêsu.


Nam Cường, C.Ss.R. chuyển dịch