Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2023

ĐIỀU GÌ XẢY RA VỚI THÁNH GIÁ?


1. CHÚA GIÊSU VÁC LOẠI THẬP GIÁ GÌ?

Trong Phúc Âm, các Thánh sử ghi lại rất ít về con đường Chúa Giêsu vác Thập Giá lên Núi Sọ. Các Thánh Mátthêu, Thánh Máccô và Thánh Luca cho biết rằng có lúc Chúa Giêsu không vác nổi Thập Giá nên phải có người vác đỡ. Thánh Máccô cho biết: “Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Simôn, gốc Kyrênê. Ông là thân phụ hai ông Alêxanđê và Ruphô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Đức Giêsu” (Mc 15:21).


Thánh Gioan nói rất ngắn gọn: “Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri là Gôngôtha” (Ga 19:16-17).


Các Phúc Âm không cho biết chi tiết về thập giá mà Chúa Giêsu đã vác, có lẽ vì thế kỷ I, những người nghe là dân Do Thái và Hy Lạp, họ đã biết rõ về người La Mã và cách trừng phạt của họ. Đóng đinh là hình phạt phổ biến dành cho các tử tội thời đế quốc La Mã và được dùng như biện pháp ngăn ngừa. Những người đọc hoặc nghe tường thuật về cuộc đóng đinh của Chúa Giêsu cũng không cần biết chi tiết vì họ đã biết thế nào rồi.


Trong bài “Biblical Archeology Review”, sử gia Hershel Shanks giải thích rằng loại gỗ này khó tìm lắm và người La Mã dùng lại các thanh gỗ dọc đã dựng sẵn, nghĩa là bất cứ tử tội nào cũng chỉ phải vác thanh ngang mà thôi. Các nguồn văn chương cũng cho biết tương tự. Sử gia Josephus (người Do Thái, thế kỷ I) cho biết rằng loại gỗ đó hiếm có tại Giêrusalem hồi đó nên người La Mã phải đi xa cách Giêrusalem 10 dặm để tìm kiếm.


Nhiều khoa học gia và sử gia cũng nghiên cứu khăn liệm Turin. Khăn này được coi là đã liệm xác Chúa Giêsu và an táng trong mồ. Người ta cho rằng khăn liệm này cho thấy các chứng cớ chứng tỏ Chúa Giêsu đã vác cả thập giá – cả thanh dọc và thanh ngang.


Tác giả Harrington Lackey giải thích lý do các nghiên cứu khoa học về khăn liệm đã xác định truyền thống về Đàng Thánh Giá: Sử dụng kiểu mẫu máy tính để phân tích phía sau khăn liệm, họ thấy có hơn 2 dấu trầy xước trên khăn liệm; có 9 vết máu tương ứng với chiếc áo Chúa Giêsu đã mặc (Ga 19:23-24). Các dấu vết trên áo cho thấy kiểu thập giá, do sức nặng của cả thập giá đề trên lưng Ngài, mặc dù áo làm giảm vết bầm. Lý thuyết này cũng phù hợp với luật Do Thái về các vật không sạch.


Người ta cũng cho rằng Chúa Giêsu phải vác cả thập giá, bởi vì những thứ dơ bẩn có trong máu ở các lỗ chôn chân thập giá. Có thể như vậy bởi vì cũng giống như tại Giêrusalem, luật tôn giáo cấm bất người ta đụng chạm tới những thứ không sạch. Do đó, Chúa Giêsu và hai tử tội kia phải vác cả thập giá – cả thanh ngang và thanh dọc. Ở các nơi khác trong đế quốc La Mã, các thanh dọc bẩn thỉu vẫn còn đó chờ dành cho tử tội khác.


Có thể chẳng bao giờ chúng ta biết đầy đủ sự thật về thập giá mà Chúa Giêsu đã vác, phần quan trọng nhất là Chúa Giêsu đã phải vác thập giá để cứu độ thế gian, tha thứ tội lỗi và mở cửa Nước Trời cho chúng ta. Kinh Thánh xác định: “Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53:5).


2. ĐIỀU GÌ XẢY RA VỚI THÁNH GIÁ?


Thánh Giá mất nhiều lần rồi lại tìm thấy, bị cắt ra nhiều mảnh và phân tán khắp mọi nơi. Khó có thể tìm dấu vết chính xác về Thánh Giá Thật của Chúa Giêsu. Ngày nay tìm thấy nhiều mảnh Thánh Giá trên khắp thế giới, kể từ khi được Thánh Helena khi hành hương tới Thánh Địa năm 326. Lúc đó, sau một thời gian dài bị bách hại, các Kitô hữu được hành đạo và có thể tìm lại thánh tích Thánh Giá. Nhờ Chúa Thánh Thần linh hứng, Thánh Helena cùng đi hành hương với các tín hữu khác, với con trai là hoàng đế Constantine I của đế chế La Mã, và lúc 80 tuổi, bà phát hiện thánh tích quý báu: Thánh Giá của Chúa Giêsu.


3. MẤT MÁT LẦN THỨ NHẤT


Sau cái chết của Chúa Giêsu, người Do Thái sợ các môn đệ lấy thánh tích Thánh Giá nên họ vội tẩu tán hết. Trên đồi Gôngôtha, họ ném thập giá vào một cái hố, cùng với hai tên trộm bị đóng đinh. Sau 300 năm, khi đến Thánh Địa, bà Helena đã phát hiện ba thập giá, nhưng cái nào đã treo Chúa Giêsu? Giám mục thành Giêrusalem có ý kiến: Cho một bệnh nhân nữ sờ vào các thập giá, bệnh nhân sờ vào cái thứ nhất không thấy tác dụng, bệnh nhân sớ cái khác và được khỏi ngay. Không còn nghi ngờ gì nữa, đúng là thập giá của Chúa Giêsu rồi. Bà Helena cho xây một nhà thờ ngay nơi phát hiện Thánh Giá, bà đặt tên là Nhà Thờ Phục Sinh. Rồi bà tới Rôma. Theo truyền thống Kitô giáo, thánh tích Thánh Giá được giữ gìn tới năm 614, rất nhiều Kitô hữu đã tới kính viếng.


4. MẤT MÁT LẦN THỨ HAI


Sau đó, Thánh Giá lại mất vào tay người Ba Tư. Có thể Thánh Giá bị người ta thương lượng với hoàng đế La Mã Đông phương của đế chế Byzantine. Nhưng năm 630, hoàng đế Heraclius của đế chế Byzantine chiến thắng người Ba Tư và đưa một phần Thánh Giá tới Giêrusalem (phần khác vẫn còn ở Constantinople), ông cho đặt Thánh Giá tại Can-vê. Sự kiện này được Giáo Hội tưởng nhớ vào ngày 14 tháng 9, gọi là lễ “Chiến Thắng của Thập Giá” (The Triumph of the Cross) hoặc “Suy Tôn Thánh Giá” (The Exaltation of the Holy Cross).


5. MẤT MÁT LẦN THỨ BA


Vài năm sau, quân Ả Rập xâm chiếm và Giêrusalem chịu sự cai trị của Hồi giáo. Mãi tới thế kỷ X, người ta mới được tôn thờ Thánh Giá Thật mà không gặp khó khăn, không bị bách hại. Thậm chí còn được khuyến khích ở những nơi còn Kitô hữu, đặc biệt là ở Constantinople. Khi gặp khó khăn vì các Kitô hữu bị bách hại, Thánh Giá lại phải đem đi giấu. Năm 1099 – tức là 90 năm sau, Thánh Giá lại được tôn kính công khai nhờ Thập Tự Quân giải phóng Thánh Địa. Thánh Giá lại được tôn kính công khai tại Nhà Thờ Thánh Mộ (Basilica of the Holy Sepulchre) và trở nên biểu tượng của Vương Quốc Thập Tự Quân Giêrusalem.


6. MẤT MÁT LẦN THỨ TƯ


Tuy nhiên, vào năm 1187, Thánh Giá Thật lại biến mất trong chiến tranh Hattin, gần hồ Tibêria ở Galilê. Thập Tự Quân đã đem Thập Giá đi để chiến đấu với vua Saladin. Nhưng Thập Tự Quân thua trận, Giêrusalem rơi vào tay vua Hồi giáo Saladin. Thánh Giá biến mất mà không tìm ra dấu vết. Tương truyền rằng ĐGH Urban III đã lăn ra chết khi nghe hung tin đó.


7. PHÂN TÁN


Năm 1203, mảnh Thánh Giá tại Constantinople chịu ảnh hưởng của Đệ Tứ Thập Tự Quân, rời khỏi Cộng Hòa Venice để khôi phục Giêrusalem nhưng lệch hướng sang Constantinople để lật đổ hoàng đế Byzantine và thấy đế chế La Mã Đông phương ở vị trí của nó. Thánh tích ở Nhà Nguyện Palatine của Pharos được chia cho Cộng Hòa Venice và đế chế mới. Do đó, đế chế mới bị đe dọa tứ phương và có nguy cơ mất trắng, thế nên họ phải bán các báu vật. Năm 1238, Thánh Louis mua hai mảnh Thánh Giá, rồi năm 1242 mua thêm các vật khác được coi là dụng cụ tra tấn Chúa Giêsu (vòng gai, lưỡi giáo, miếng bông biển,…). Các thánh tích được giữ tại nhà thờ Sainte-Chapelle, được xây dựng trên đảo Île de la Cité ở Paris. Nhưng trong thời Cách Mạng Pháp (1794), các mảnh Thánh Giá bị mất. Chỉ có một ít mảnh và những cây đinh, chúng còn được giữ tới ngày nay ở Nhà Thờ Đức Bà (Notre-Dame Cathedral).


8. GỖ THÁNH GIÁ


Tất cả các mảnh gỗ được phân chia hoặc bán như di tích trên khắp thế giới trong nhiều thế kỷ (nhất là từ Thời Trung Cổ) và được giữ ở nhiều nhà thờ. Theo nhiều cuộc phân tích và điều tra, các mảnh gỗ được coi là “thật” của Thánh Giá Chúa Giêsu gom lại chỉ khoảng 1/10 so với Thánh Giá thật, nhiều mảnh chưa xác định là thật hay không. Ở đây chúng ta nói tới thánh tích Lignum Crucis (“gỗ Thánh Giá”). Mảnh lớn nhất được giữ tại tu viện ở Núi Athos, Hy Lạp; các mảnh khác ở Rôma, Brussels, Venice, Ghent, và Paris.


PHILIP KOSLOSKI và ISABELLE COUSTURIE


TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ aleteia.org)