Thứ Hai, 13 tháng 3, 2023

Lịch sử và ý nghĩa Thập Giá

1. Lịch sử về hình phạt thập giá

Theo các nghiên cứu, hành hình thập tự giá bắt nguồn từ thời đế chế Assyria, vào khoảng năm 8.000 trước Công nguyên (TCN). Lúc đó, cây thập tự giá được dùng để treo nạn nhân và bỏ mặc họ trong tình trạng bị nhục nhã trước đám đông. Khi thành phổ cổ đại Nineveh được khai quật vào năm 1847, một trong những phát hiện nổi tiếng nhất chính là tìm được thư viện dưới thời vua Assurnasirpal II (883-859 TCN). Vị vua này đã ghi lại cách thức mình đối xử với những tù binh trong chiến trận: “Ta dựng một cây cột chống lên cửa cổng thành của hắn, và róc hết da của những kẻ cầm đầu, rồi phủ da bọn chúng lên khắp cây cột… Một số tên ta xiên chúng lên cọc, và một số tên khác ta trói xung quanh cột. Ta dựng một cây cột treo tù binh sống, và một cây cột toàn đầu lâu, và ta mang thủ cấp của chúng đi diễu hành quanh thành phố”.

Phương pháp đóng đinh trên thập giá áp dụng sau đó tai Babylon và Ba Tư trong thế kỷ thứ 6 TCN. Đại đế Alexander đã áp dụng phương pháp xử tử tội phạm tại các nước ở phía đông Địa Trung Hải hồi thế kỷ thứ 4 TCN, bằng cách đóng đinh họ trên thập giá. Theo nhà sử học La Mã Quintus Curtius Rufus, hoàng đế Alexander đã cho đóng đinh 2.000 người sống sót trong cuộc vây hãm thành phố Phoenix vào năm 332 TCN. Những kẻ thống trị thành Roma đã tìm cách hoàn thiện hình phạt khủng khiếp này để có thể giết chết tội phạm trên thập tự giá. Đóng đinh trên thập tự giá được chính quyền La Mã áp dụng khoảng năm 100 TCN. Trong giai đoạn từ năm 73 – 71 TCN, Spartacus đã dẫn đầu cuộc nổi dậy của nô lệ chống lại đế chế La Mã. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy này nhanh chóng bị dập tắt. Spartacus bị giết trong trận chiến cuối cùng với quân La Mã. Kết thúc cuộc nổi dậy, hơn 6.000 người đi theo Spartacus bị bắt. Tướng quân La Mã và chính trị gia Marcus Licinius Crassu đã cho đóng đinh trên thập giá toàn bộ số người nổi dậy bị bắt. Tóm lại, đóng đinh trên thập giá là một phương pháp hành hình tàn nhẫn khiến tội nhân đau đớn tột độ trước khi tắt thở. Thi thể những người xấu số bị đóng đinh được đặt trên đoạn đường dài gần 200 km từ Capua đến Roma. Đây cũng là một lời răn đe đối với những người có ý định nổi loạn sẽ bị kết cục bi thảm như vậy.

2. Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá

Trong đế quốc Rôma, thập giá là một nhục hình phạt dành cho các tội nhân bị xử tử. Tội nhân thường bị lính La Mã đánh đòn tàn nhẫn trong cuộc hành hình. Sau đó, tội nhân còn bị dân chúng xỉ nhục hoặc ném đá khi vác thanh ngang tới pháp trường. Có hai hình thức thập giá. Một thứ giống như chữ T (thanh ngang được chồng lên chóp của cây gỗ đứng); một thứ giống hình chữ thập, với bản án ghi vào ở trên thanh ngang. Thêm vào đó, cũng có nhiều kiểu để treo tử tội: thường là bị lột hết quấn áo và bị cột hoặc đóng đinh vào khổ giá, có khi đầu bị dốc ngược xuống đất. Hình phạt thập giá dành cho lớp dân nghèo hoặc nô lệ, các đại tặc hay là phiến loạn. Chúa Giêsu đã bị đóng đinh vào thập giá cùng với hai tên trộm cưới (Lc 23). Các công dân La Mã không phải chịu hình phạt này trừ khi nào họ đã bị tước quyền công dân. Hình phạt thập giá còn mang thêm tính cách ô nhục: tử tội không được an táng, nhưng bị phơi thây giữa trời làm mồi cho chim muông dã thú. Vì tính cách nhục nhã như vậy nên không ai muốn cái chết trên thập giá.

Bị treo trên cây thập giá, nạn nhân sẽ chết lần mòn vì ngạt thở hoặc kiệt sức. Đây là hình phạt được sử dụng để sỉ nhục công khai nô lệ và tội phạm. Đây cũng là biện pháp hành hình áp dụng cho những cá nhân có địa vị xã hội thấp hoặc phạm tội chống lại thể chế La Mã. Đó là lý do được nêu trong các đoạn Phúc âm về cái chết của Chúa Giêsu: Là vua của người Do Thái (INRI – Iesus Nazarenus Rex Iudeorum) vì Chúa Giêsu thách thức quyền lực tối cao của đế chế La Mã (Mátthêu 27:37; Máccô15:26; Luca 23:38; Gioan 19:19-22).

Dựa vào bằng chứng khảo cổ học, một số tác giả ngoài Kitô giáo đã ghi nhận vụ xử tử Chúa Giêsu trên thập tự giá. Vào năm 115, sử gia La Mã Cornelius Tacitus ghi lại: “Đức Kitô (Christus), nhà sáng lập (Kitô giáo), đã bị Phongxiô Philatô tử hình dưới triều đại Tiberiô”. Trước đó, vào năm 95, học giả Flavius Josephus cũng đề cập trong một tài liệu: “Vào thời này, có một người thông thái tên Giêsu, với đạo đức vô cùng tốt…Nhiều người trong cộng đồng Do Thái và những nước khác đã trở thành môn đệ của Ngài. Philatô kết tội và đóng đinh Ngài trên cây thập tự và Giêsu đã qua đời”.

Có nhiều cách thức để hành hình trên thập giá. Hình phạt là đóng đinh tứ chi vào cây thập tự. Trên thực tế, các nhà khảo cổ đã tìm được chứng cứ cho thấy rõ ràng vụ hành hình bằng cách đóng đinh vào xương mắt cá chân của nạn nhân trên thập tự giá hoặc chỉ dùng dây thừng buộc căng hai tay và trói chân vào cây thập tự.

Nhiều tài liệu lịch sử kết hợp với các tư liệu trong Kinh Thánh đã cung cấp thông tin về cách hành hình tội phạm trong thế giới cổ đại. Tuy nhiên, ngoài các tài liệu viết tay, giới khảo cổ học cũng đã tìm được chứng cứ xác nhận sự tồn tại của hình phạt trên thập tự giá. Vào năm 1968, di hài của một người đàn ông bị xử tử theo cách này đã được khai quật trong một cái hang dùng để chôn cất ở Giv’at ha-Mivtar, nằm ở hướng đông bắc Giêrusalem. Nơi đây chứa 5 hộp đựng hài cốt, và một trong những hộp cốt có xương của một thanh niên chết khi khoảng 25-26 tuổi, được cho là bị đóng đinh vào thời điểm Chúa Giêsu bị treo trên thập tự giá. Một cái đinh dài cỡ 11,4 cm vẫn còn mắc trong xương gót chân. Thậm chí có một mẩu gỗ còn sót lại giữa xương gót và đầu đinh, cho thấy lính La Mã thời đó đã dùng đinh đóng xuyên chân người này vào phần gỗ của cây thập tự. Theo chữ khắc trên hộp đựng hài cốt, thanh niên này tên “Yehochanan”, có nghĩa là Gioan theo tiếng Việt. Kết quả kiểm định cho thấy cả hai xương chân của nạn nhân đều bị táng vỡ, dường như là do lính La Mã thực hiện để đẩy nhanh cái chết của người bị hành hình. Một cách hết sức ngẫu nhiên là chi tiết nhỏ này cũng đã được đề cập trong Phúc âm Thánh Gioan: “Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Ðức Giêsu. Khi đến gần Ðức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người” (Ga 19:32-33).

Có thể mất vài giờ đến vài ngày nạn nhân mới chết trên thập tự giá, tùy theo phương pháp hành hình, sức khỏe của nạn nhân và môi trường xung quanh. Một báo cáo trên Journal of the Royal Society of Medicine đã ghi lại một số nguyên nhân mà giới học giả cho rằng có thể dẫn đến cái chết đầy đau đớn và kéo dài trên cây thập tự: vỡ mạch máu, suy tim, choáng giảm thể tích do xuất huyết, nhiễm a xít, ngạt thở, loạn nhịp tim và tắc mạch phổi. Tình trạng tử vong có thể là kết quả của bất kỳ nguyên nhân nào trong số này, bao gồm cả nhiễm trùng vết thương do đinh đóng hoặc bị quất roi, và do mất nước.

Bên cạnh đó, bác sĩ giải phẫu chính của bệnh viện Thánh Giuse ở Paris, Pierre Barbet đã đưa ra giả thuyết rằng khi trọng lượng cả cơ thể đều bị treo trên hai cánh tay căng rộng, nguyên nhân tử vong phải là do ngạt thở. Việc treo nạn nhân ở tư thế này trong thời gian dài có thể gây khó thở nghiêm trọng do các bó cơ ở ngực và phổi bị giãn quá mức, buộc nạn nhân phải dùng sức hai cánh tay gồng lên để giảm bớt, và theo thời gian tư thế này vô cùng gây mất sức. Khi không còn đủ sức chống đỡ, họ chết trong vòng vài phút.

3. Hoàng đế Constantine và thập giá

Hoàng đế La Mã Constantine vốn là một nhà độc tài sùng kính thần Mặt trời (Sol Invictus – một Mặt trời không thể bị đánh bại). Tuy nhiên, một giấc mơ kỳ lạ và biến cố chiến thắng tại cầu Milviô đã thay đổi niềm tin của ông. Đối mặt với đội quân đối thủ gấp đôi số quân của mình, Constantine nhận thấy rằng có lẽ ông sẽ phải chết trong trận chiến hôm sau. Trước trận chiến Milviô, ông và quân đội của mình đã nhìn thấy một luồng sáng hình thập tự giá trên bầu trời phía trên Mặt trời với dòng chữ bằng tiếng Hy Lạp, dịch sang tiếng Latinh là “In hoc signo vinces – Với biểu tượng này, ông sẽ giành chiến thắng”. Vào đêm hôm trước, Hoàng đế Constantine cũng có một giấc mơ rất rõ ràng như vậy. Một thiên thần xuất hiện trước mặt ông, mang theo hình ảnh cây thập tự giá và nói những lời định mệnh: “Với biểu tượng này, ông sẽ giành chiến thắng”. Theo các tài liệu lịch sử, Hoàng đế Constantine đã ấn tượng đến nỗi ông ra lệnh cho quân đội của mình gắn thêm biểu tượng thập tự giá lên các tấm khiên. Cuối cùng ông đã giành chiến thắng và nắm quyền cai trị Đế chế La Mã.

Đại đế Constantine (274 – 337 SCN) nổi tiếng nhất với danh hiệu Hoàng đế La Mã đầu tiên cải đạo sang Ki-tô giáo. Dưới thời cai trị của ông, Ki-tô giáo đã có sự thay đổi to lớn. Vào tháng 2 năm 313, Constantine gặp Licinius, người cùng cai trị Đế Chế La Mã với ông tại Milan để đưa ra sắc lệnh Milan vào ngày 13.6.313, chính thức cho phép tất cả mọi tôn giáo hoạt động tự do trong toàn đế quốc La Mã, đặc biệt là Ki-tô giáo. Khi Hoàng đế Constantine lên ngôi, ông đã mở rộng đề nghị hòa bình và công nhận Ki-tô hữu. Đồng thời, ông cũng ký kết các đạo luật để cuối cùng mở đường cho Ki-tô giáo trở thành tôn giáo chính thức tại một trong những đế quốc lớn nhất trên thế giới. Sozomen trong Ecclesiastical History I, 8:13 ghi lại: Hoàng đế kính trọng thập giá, dựa theo quyền bính được trao cho ông trong những trận chiến chống lại kẻ thù của ông cũng như vì tính cách thánh thiêng của biểu tượng đã hiện ra với ông. Theo luật pháp, ông đã hủy bỏ phong tục đóng đinh trong các tòa án La Mã. Ông ra lệnh rằng biểu tượng thiêng liêng này sẽ luôn luôn được khắc ghi và in lên những đồng tiền cùng với hình ảnh của ông hiện hữu trong hình thức này, để minh chứng quyết định này.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP