Thứ Năm, 16 tháng 3, 2023

Rút ống thở ôxy có tội không?

Một bạn hỏi tôi rằng: “Do kinh tế gia đình rất khó khăn, nên việc chi trả tiền chữa ung thư cho con không đủ khả năng. Nên đứa con đó đã nói với gia đình rút ống oxy ra, thấy vậy người nhà đã đành chịu rút ống oxy và đứa con đó đã chết ngay khi rút ống oxy ra. Vậy gia đình người này có bị mắc tội giết người không?

Câu trả lời của tôi là: Không mắc tội. Bởi vì gia đình không thể giữ ống thở oxy cho con do thiếu tiền; chứ không phải họ cố tình rút ống thở để đứa con chết.

Mời xem thêm các trường hợp sau:

———–

— Hỏi:

“Khi cha mẹ hay người thân hôn mê bất tỉnh lâu ngày, nằm trong bệnh viện, mặt mũi đầy dây rợ, tình trạng kiệt quệ không nói, không mở mắt, coi rất mủi lòng, con cháu bận đi làm, không có thời giờ thăm viếng chăm sóc. Vậy có được xin rút ống ra, để cha mẹ thở tự nhiên, ăn tự nhiên, phó thác sự sống chết cho Chúa được không? Nghĩ cũng phân vân, để cũng tội cho cha mẹ, rút ống ra lại sợ bất hiếu!”

(Người con khó xử).

— Giải đáp của linh mục Đoàn Quang, CMC:

Trước hết, cần nhớ: GHCG luôn “Tôn trọng mạng sống người vô tội từ trong lòng mẹ cho tới lòng đất”, để mọi người được sinh, sống, chết cách tự nhiên theo ý Chúa. Theo câu hỏi trên có điều Không được, và điều Được:

Không được rút khi bệnh nhân hôn mê (coma) lâu ngày, nhưng họ:

a/ vẫn còn sống, thì họ có quyền được săn sóc, được chuyền nước, chuyền thức ăn vào cơ thể;

b/ vẫn có thể tiếp nhận nước và lương thực, có lợi cho họ, dù bác sĩ tuyên bố “bệnh nhân hôn mê sẽ không bao giờ tỉnh lại”. Thực tế, đã có những bệnh nhân tỉnh lại.

Được rút khi bệnh nhân hôn mê

a/ Không thể tiếp nhận nước và lương thực được nữa,

b/ Khi nước và lương thực trở nên “gánh nặng quá cho bệnh nhân,

c/ Khi bệnh nhân gần chết, hết cách cứu.

– Bộ Đức Tin xác nhận (5/1980): “Khi cái chết không thể tránh được đã gần kề, dù có dùng phương cách nào đi nữa; được cho phép lương tâm quyết định từ chối (refuse) các hình thức trị liệu không mấy bảo đảm mà còn phiền hà (only secure a precarious and burdensome) để kéo dài sự sống; tuy nhiên vẫn phải duy trì cách trị liệu thông thường cho bệnh nhân”.

– Nguyên tắc luân lý cho phép: Nếu bệnh nhân đã tới tình trạng vô vọng thì không cần kéo dài mạng sống thể lý. Trường hợp này, có thể rút bỏ phương tiện ngoại thường (rút ống thở), để trở lại phương tiện tự nhiên.

– Bệnh nhân có quyền từ chối những phương pháp chữa trị khác thường.

– Khi Y sĩ thấy rằng bệnh nhân vô phương chữa trị, nên ngưng các cố gắng cứu chữa bệnh nhân.

Cần bác sĩ chẩn đoán đúng trường hợp đã “vô vọng” chưa?dù có dùng cách nào đi nữa. Cái chết đã “gần kề” chưa?

Mục vụ chăm sóc phần hồn: Liệu cách khôn ngoan cho bệnh nhân biết tình trạng của họ để họ dọn mình lãnh các Bí tích cuối đời về cùng Chúa.

Áp dụng các nguyên tắc trên, sẽ thấy an tâm hơn.

—————————-

Bộ Đức Tin Tòa thánh trả lời Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ

Trường hợp liên quan đến những bệnh nhân ở trong tình trạng gọi là “thảo mộc (vegetative state). Đó là trường hợp những bệnh nhân bị hôn mê bất tỉnh (coma) mà mọi phương pháp cứu chữa của y khoa đã vô phương giúp cho phục hồi. Tình trạng hôn mê này cứ kéo dài khiến bệnh nhân không tỉnh lại mà cũng không tắt hơi thở.

Đó là tình trạng của một bệnh nhân tên là Chiavo bên Florida chết năm 2005. Vì bệnh nhân cứ thoi thóp trong cơn hôn mê bất tỉnh này từ nhiều năm và mọi phương pháp cứu chữa đã trở nên vô hiệu, nên người chồng, với sự hỗ trợ của các bác sĩ trị liệu, đã xin tòa án đời cho phép rút ống truyền nước và đồ ăn lỏng ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Tòa cho phép và người ta đã rút ống truyền kia ra, và chỉ vài ngày sau đó bệnh nhân đã tắt thở.

Tòa Thánh Vatican đã phê phán việc này là vô luân. Và cũng nhân vụ này, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, trong thắc mắc gửi sang Tòa Thánh tháng 7 năm 2005, đã nêu hai câu hỏi sau đây:

1- Có bó buộc (về luân lý để) cung cấp đồ ăn và nước uống cho các bệnh nhân trong tình trạng “thảo mộc (vegetative state) không? (trừ trường hợp cơ thể của bệnh nhân không còn tiếp nhận được nữa)

2- Có được phép ngưng cung cấp đồ ăn và nước uống cho bệnh nhân trong tình trạng trên, nếu bác sĩ đã kết luận là bệnh nhân sẽ không bao giờ hồi tỉnh lại được nữa?

Để trả lời cho hai câu hỏi này, ngày 01 tháng 8 năm 2007 , Đức Hồng Y William Lavada, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin (Congregation of the Doctrines of the Faith) của Tòa Thánh đã trả lời rõ như sau :

1- Về câu hỏi thứ nhất, câu trả lời là CÓ. Việc tiếp đồ ăn và nước uống, dù bằng phương pháp nhân tạo, trên nguyên tắc, cũng là phương tiện thích đáng để bảo toàn sự sống. Do đó, bó buộc phải cung cấp đồ ăn và nước uống cho bệnh nhân. Như vậy sẽ tránh cho bệnh nhân khỏi đau khổ và chết vì đói và khát nước (suffering and death by starvation and dehydration).

2- Về câu hỏi thứ hai, câu trả lời là KHÔNG. Lý do, bệnh nhân dù ở trong tình “trạng thảo mộc thường xuyên (permanent vegetative state), thì vẫn là con người với đầy đủ nhân phẩm, nên phải được săn sóc bình thường và cân xứng, kể cả được cung cấp đồ ăn và nước uống dù với phương tiện nhân tạo (artificial means).

Đức Thánh Cha Bênêđíchtô XVI đã chấp thuận hai câu trả lời trên đây, khi tiếp kiến Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Giáo lý Đức Tin và cho phép công bố các câu trả lời trên đây (Orgins, September 2007, Volume 37, Number 16).

Như vậy, Tòa Thánh không cho phép việc ngưng tiếp đồ ăn và nước uống, dù bằng phương pháp nhân tạo, cho bệnh nhân lâm vào tình trạng vegetative state (thảo mộc) mê man bất tỉnh, dù y khoa có cho việc này là vô ích đối với bệnh nhân trong trường hợp này.

Đây là vần đề luân lý y khoa (medical ethics) mà các y sĩ, y tá và tín hữu Công giáo cần nắm vững để thi hành khi chăm sóc bệnh nhân.

Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa

  Nguồn: Diễn Đàn Thắc Mắc Công Giáo

Trích đăng lại từ nguồn: https://phamquanglong.wordpress.com