Ronald Rolheiser, 9-29-2014
Dù được lớn lên trong một gia đình và cộng đoàn yêu thương, an toàn, và được giáo dưỡng, nhưng một trong những ký ức lớn nhất thời thơ ấu và niên thiếu của tôi là niềm khắc khoải, có thể nói là bất mãn. Cuộc đời tôi dường như quá nhỏ bé, quá hạn chế, và xa cách với những gì quan trọng trên thế giới. Tôi luôn mãi khát khao được kết nối hơn nữa với đời và sợ rằng những người khác không cùng cảm nhận như vậy và tôi, theo cách này cách khác, đơn độc và không lành mạnh trong nỗi khắc khoải bứt rứt của mình.
Ngay khi học xong cấp trung học, tôi vào Dòng Hiến sĩ, mang theo nỗi khắc khoải của mình, mà thậm chí, khi đã sống trong đời tu trì, tôi lại thấy càng lo lắng và xấu hổ hơn vì đã có nỗi bứt rứt đó. Tuy nhiên trong nửa năm đào tạo đầu tiên ở tập viện, chúng tôi được gặp một hiến sĩ truyền giáo xuất chúng tên là Noah Warnke, người đã được nhận vô số giải thưởng dân sự cũng như giáo hội vì các thành tựu của mình và ai ai cũng tôn trọng cha. Cha bắt đầu bài nói với các tập sinh chúng tôi bằng cách hỏi những câu này: “Các con có bồn chồn khắc khoải không? Có cảm thấy bị cô lập trong nhà tu này không? Có cảm thấy cô đơn và bị tách biệt khỏi thế giới hay không?” Chúng tôi, ai cũng gật đầu thưa có, và cha nói một lời đánh động thật chính xác: “Tốt, các con nên cảm thấy khắc khoải. Chúa ơi, các con hẳn phải giật mình, tất cả các con đều mang dòng máu đỏ bừng bừng đầy năng lượng, và các con lại rúc vào đây tránh xa mọi sự! Nhưng thế là tốt, lòng khắc khoải đó là một cảm giác tốt, và như thế là các con lành mạnh! Nỗi niềm khắc khoải loại bỏ tính ương ngạnh, và đáng để chúng ta đi cả quãng đường dài vì điều đó!” Đây là lần đầu tiên trong đời tôi, có một người hợp lý hóa cho cảm giác của tôi. Tôi cảm thấy như thể mình vừa mới biết mình vậy: “Mày có giật mình không? Tốt quá, mày lành mạnh!”