Ai trong chúng ta cũng biết đức tin là nguồn ân sủng thiêng liêng. Nhưng trước những trận cuồng phong của gian nan thách đố đời thường đức tin chỉ như một cánh diều nhỏ mỏng manh trước gió. Mấy ai dám cho rằng mình đủ sức mạnh và bản lĩnh để giữ sợi dây diều kia sao cho khỏi đứt. Tôi cũng không ngoại lệ - một phiên bản của dân Israel ngày nào luôn luôn nghi ngờ Giavê.
Xưa nay đức tin và sự tín nhiệm luôn cùng một cội nguồn. Không ai trong chúng ta không từng là một Toma để cần cho mình những dấu chứng hiển hiện. Máu các Thánh tử đạo và đời sống chứng nhân của người đi trước với tôi cũng chính là những lỗ đinh mà hàng ngày Chúa cho chúng ta thọc vào để thấy và để tin.
Tôi bắt đầu dực vào các chứng lý hiện sinh để tìm nguồn năng lượng nuôi dưỡng dđúc tin cho chính mình
***
Trải dài theo lịch sử dân Chúa là những chứng nhân
@ _ Trước thời chúa Giêsu :
Thời Antiôkhô người ta xử tử ai còn giữ lề luật và sách giao ước. Nhưng ông Matthitgia đã lớn tiếng nói:
Dù tất cả nghe lời vua thì chúng tôi vẫn trung thành với giao ước tổ tiên
Đến trước khi chết trong cơn hấp hối ông đã căn dặn các con:
Bây giờ là thời cao ngạo, đảo điên các con hãy bừng lửa nhiệt thành với lề luật và hy sinh mạng sống để bảo vệ giao ước tổ tiên.
Ông còn gợi nhắc cho các con sự nghiệp và vinh quang hiển hách được lưu danh muôn thuở của tiền nhân. Ông nói:
Apraham trung tín đã nên người công chính. Giuse giữ lệnh lúc khốn cùng thành chúa Ai cập. Pinkhát nhiệt thành nên giữ chức tư tế đời đời. David mộ đạo nên được ngai báu làm gia nghiệp. Đanien chính trực nên thoát khỏi nanh sư tử
Vì vậy các con hãy nhớ rằng:
Từ đời này sang đời khác hết những ai đặt hy vọng vào Thiên Chúa sẽ không bị suy tàn (x.Mcb 2,52-61)
Lời giáo huấn của tiền nhân không chỉ dành cho con cháu ông mà mãi tới hôm nay vẫn là giáo huấn đầy lửa nhiệt thành nung nấu niềm tin về Thiên Chúa trong lòng chúng ta.
@_ Đến cùng thời với Đức Giêsu :
Cho tôi nói quá một chút rằng chẳng ai được đức tin từ Thánh Phaolô bằng kẻ tân tòng như tôi. Là một thanh niên mà hầu hết tuổi trẻ ngồi trên ghế nhà trường với khái niệm sự hình thành của con người theo học thuyết Đacuynh. Khoa học là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển của nhân loại. Làm sao tôi có thể hùng hồn tuyên bố: “Tôi tin” như lời tuyên hứa của Apraham- tổ phụ những người tin nếu như tôi không chịu nhìn vào những chứng lý đức tin của Thánh nhân. Một người đã từng nói về mình:
“Tôi người Do thái. Sinh ở Tac-xô. Tôi đã bắt bớ & giết kẻ theo đạo. Đã đóng xiềng, tống ngục cả đàn ông và đàn bà...”
Mà giờ có thể chịu đựng tất cả cực hình với lời tuyên xưng đầy lửa:
“Tôi không muốn nói gì ngoài việc nói về Đức Kitô”
Đức tin không là hành vi riêng lẻ. Người tin nhận đức tin từ kẻ này truyền lại cho kẻ khác và kẻ khác truyền lại cho kẻ khác nữa. Còn đức tin nào mạnh mẽ hơn đức tin của Thánh Phao-lô để nâng đở đức tin cho chúng ta hôm nay.
@- Rồi tiếp đến 170 năm sau Đức Kitô : Là hai người mẹ trẻ ở Pecpertua.
Trên đời này không người nào khao khát sống cho bằng người phụ nữ khi vừa sinh con. Cứ nhìn vào các con vật trong bản năng làm mẹ thì biết. Một người thợ săn kể rằng ông đã phải giã biệt nghề săn bắn mà ông say mê từ cả cuộc đời vì một lý do tưởng chừng rất đơn giản.
Ngày ấy viên đạn ông dành cho chú nai vô tình xuyên vào ngực một con Vượn mẹ đang cho con bú. Từ xa thấy con vật ngã xuống nên ông chạy vội đến nhặt con mồi. Đến nơi ông phải chứng kiến một cảnh tượng đủ mang lại cho ông niềm ân hận suốt phần đời còn lại.
Dưới gốc sim già kia là con Vượn mẹ bị đạn trúng tim đang quằn quại co giật theo từng dòng máu tuôn ra từ vết thương. Nó đang run rẩy vì đau.
Hai mắt nhắm nghiền cho hai dòng lệ từ từ chảy xuống. Một tay nó ghì chặt vết thương. Một tay nó quờ quạng tìm đứa con rồi áp chặt đầu con vào cái bầu vú đang căng sữa. Trong đau đớn tận cùng ấy. Nó - Một con vật vẫn cố hết sức chăm lo cho con. Khi chiếc miệng xinh xắn của chú vượn con đã được đặt gọn vào chiếc vú nhỏ của mẹ thì người thợ săn không còn nhìn thấy nét đau đớn trên gương mặt của con vật bị thương kia nữa. Nó đã từ từ nhắm mắt giã biệt cõi đời trong thanh thản khi đã chắc chắn đứa con thân yêu đang vô tư uống lấy nguồn sống của mình.
Tình yêu của người mẹ muôn đời nay đã vượt qua giới hạn của ngôn từ. Vậy mà hai người phụ nữ kia đã có một tình yêu vượt lên trên thứ tình tưởng chừng thiêng liêng nhất ấy. Thì tôi hôm nay làm sao đủ khả năng mà dùng ca từ ngợi ca tình yêu họ dành cho Chúa. Họ đã đặt niềm tin về Chúa Kitô lên trên trái tim người mẹ. Tôi thích lắm hai câu thơ do chính mình làm ra:
Hai dòng sữa trinh nguyên cứ mãi mãi tuôn tràn.
Nuôi dưỡng niềm tin về Đấng khơi nguồn sự sống
Họ đã dùng cái chết để làm của lễ mà thờ lạy Đức Kitô. Thái độ ân cần chúc bình an cho nhau rồi cùng nắm chặt tay đi vào cuộc tử nạn của họ là một niềm tin dời núi chuyển non và một tình yêu mạnh hơn cái chết mà họ dành cho Đấng cứu thế. Những dòng sữa trinh nguyên ngày nào chảy ra trên pháp trường của hai người mẹ trẻ mãi mãi là nguồn sống bất diệt nuôi dưỡng đức tin trong lòng chúng ta.
@_ Rồi 1850 năm sau Đức Kitô:
Tại Châu Phi bó đuốc sáng tử đạo đầu tiên được thắp lên từ cái chết của 22 chàng quý tộc trẻ tuổi. Tôi nói:
Họ đi vào Thánh ca ở tuổi đời đẹp nhất !
Đúng ! Cái tuổi 18, đôi mươi là lứa tuổi mới bắt đầu chập chững vào đời. Cái tuổi mà quay quanh họ toàn là tình yêu, hoa và nhạc. Chưa kể họ là những chàng trai quý tộc. Những cậu ấm sinh ra trong nhung lụa, lớn lên trong tháp ngà. Trước mắt họ là một tương lai sáng lạng. Cái họ đang từ bỏ là ước mơ của biết bao người. Vậy mà họ chấp nhận đánh đổi tất cả để đón lấy cái chết với lời tuyên xưng :
Đức Giêsu là vua các vì vua .
Vì lý tưởng cao cả ấy họ đã xem cái chết tựa lông hồng. Làm sao ta có thể thấy được chút sợ hãi nào khi nhìn họ cùng nhau nắm chặt tay đọc vang lời kinh “ Lạy Cha” rồi từ từ đi vào cuộc tử nạn. Mỗi cuộc đời họ không chỉ là vì sao sáng lung linh trên bầu trời Thiên quốc mà còn là ngọn đèn đăng thắp mãi đức tin trong lòng hậu thế.
@- Rồi 2000 năm sau Đức Kitô :Mẹ Têrêsa Calcuta.
Người phụ nữ đã chinh phục thế giới không bằng những cuộc trường chinh của chiến binh và xa mã. Chỉ một tình yêu ẩn chứa trong trái tim bé nhỏ mà mẹ đã làm rúng động cả toàn cầu.
Đúng thật! Chúa luôn chọn những gì nhỏ bé để bêu xấu những gì mạnh mẽ. Bằng đôi tay yếu đuối mà Mẹ đã đi mãi được vào lòng người. Điều mà một Tần Thủy Hoàng với vạn lý trường thành đi vào lịch sử. Một Napolêon với những cuộc trường chinh bách chiến bách thắng cũng không có được. M. Gandi đã nói:
Sức mạnh lớn nhất mà nhân loại có trong tay chính là tình yêu.
Và điều làm nên kì tích cho trái tim bé nhỏ của mẹ Têrêsa chính là tình yêu mẹ dành cho Chúa. Để động viên mọi người mẹ nói:
Khi bồng bế một người bệnh trên tay các em hãy nâng niu họ như một mục tử đang nâng niu Mình Thánh Chúa trong những giờ tế lễ.
Mẹ đã rãi đều tình yêu mẹ dành cho Chúa lên trên tất cả những người đồng loại khốn khổ. Cho hôm nay cả nhân loại đã biết về mẹ - Một chứng nhân hòa bình thế giới mang trong mình trái tim Chúa Giêsu.
@- Vào thời đại tôi đang sống
Một ngày tù ngìn thu ở ngoài
Lời nói người xưa đâu có sai
Sống ở trong tù vừa bốn tháng
Tiều tụy còn hơn bốn năm Trời
Cho nên:
Răng rụng mất một chiếc
Tóc bạc đi mấy phần
Gầy đen như quỷ đói
Ghẻ lở mọc đầy thân ( Nhật ký trong tù của Hồ chí Minh)
Đó là những dòng nhật ký ghi lại những đau khổ khi ở trong tù của một vị lãnh tụ trong lòng rất nhiều những người dân Việt nam Việt nam
Thật vậy. Nhà tù - Nơi “ Nhất nhật tại tù – Thiên thu tại ngoại”. Nơi không có tình yêu. Nơi hủy diệt thể xác và tinh thần. Nơi con người không còn niềm tin và hy vọng. .. . Vậy mà “ Đường hy vọng ” của đức cố Hồng y Phanxicô Xavie Nguyễn văn Thuận đã ra đời trong bối cảnh đó.
Xiềng xích không xích được tình yêu Ngài dành cho Chúa. Rào gai không phong tỏa được nỗi lo lắng mà Ngài dành cho đàn chiên của mình. Với 3 giọt rượu và một giọt nước đổ vào lòng bàn tay cùng với chiếc thập giá được giấu kỷ trong chiếc bánh xà phòng Ngài vẫn hàng ngày kết hợp mật thiết với Chúa qua việc cử hành bí tích Thánh thể. Bằng 1001 câu suy niện ngắn trong “ Niềm hy vọng” Ngài đã gởi gắm tình yêu của mình cho đàn chiên và động viên họ sống đạo kiên vững trong thời kỳ đất nước đầy biến động.
Tuyên xưng đức tin, thể hiện lòng mến và tín thác hoàn toàn vào Chúa trong một niềm hy vọng tuyệt đối là điều gần như không một người dân Chúa nào không từng làm. Nhưng làm điều đó trong hoàn cảnh khắc nghiệt như Đức Hồng y luôn là một thách đố nan giải chẳng mấy ai làm được
Hy vọng là niềm tin về tương lai. Niềm tin ấy tạo nên cho con người một quyết tâm nội tâm và quyết tâm đó có sức mạnh thúc đẩy họ đến hành động cuối cùng. Cho nên tự bản chất “ hy vọng” có một động lực giúp con người vượt qua hết những biến cố khó khăn nhất trong cuộc sống. Chính vì vậy “ Đường hy vọng” “ Những kẻ lữ hành trên đường hy vọng” “ Đường hy vọng dưới ánh sáng lời Chúa và công đồng Vatican II” và cuối cùng là “ Cầu nguyện hy vọng” của Đức Hồng y Phanxicô Xavie Nguyễn văn Thuận giờ đây không chỉ là nguồn động viên khích lệ cho giáo dân Nha trang và Sài gòn mà đã trở thành di chúc tinh thần cho tất cả những người công giáo trên toàn thế giới.
Ngọn lửa hy vọng được Ngài đốt lên trong tù như cộng hưởng thêm với song sắt và hàng rào kẻm gai ngày nay đã trở thành ngọn đuốt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa trong lòng nhân loại. Trong đó chắc chắn có tôi.
***
Thế đấy! Là một tân tòng tôi không may mắn như An-rê được thầy Gioan dắt tay chỉ Đức Kitô. Không là Simon để được Anrê chia sẻ niềm vui khám phá Đấng Cứu Thế. Không là Tôma để được Chúa cho đặt tay lên cạnh sườn. . .
Tôi đã tự nuôi dưỡng đức tin bằng lời Chúa, sự suy niệm học hỏi, cảm nhận nội tâm, lời rao giảng và những chứng lý hiện sinh từ các Thánh. Điều quan trọng nhất là tôi luôn biết van nài Chúa gia tăng cho tôi nguồn hồng ân ấy.
Đức tin ngoài việc bảo đảm cho niềm hy vọng nó còn là bằng chứng cho những điều không xem thấy. Cho nên tôi tin rằng với sự cố gắng của tôi và tình yêu Thiên Chúa hằng trao ban cho nhân loại trong tôi. Tôi đã với tay được tới mối phúc thứ chín :
Một mối phúc Chúa luôn sẳn dành cho những ai không thấy mà tin.
Tác giả: Maria Phan Thị Kim Thoa