Thứ Tư, 23 tháng 6, 2021

SỨC MẠNH CỦA CƠM ÁO GẠO TIỀN VỚI ĐỨC TIN (Trích hồi ký những dấu chân trên đồng cỏ Giáo Hội-phần 3)

Để sở hữu được bộ lông cực đẹp của loài sói Bắc cực người Eskimô  đã  có một cái bẫy chó sói rất độc đáo.

Đầu tiên người thợ săn mài một con dao thật sắc, lưỡi dao mỏng và bén đến độ chỉ cần vuốt nhẹ là cắt da lòi thấu xương. Xong họ nhúng con dao ấy vào trong máu súc vật rồi đem ra ngoài trời tuyết lạnh cho máu đông lại.

 Họ làm như thế nhiều lần cho đến khi con dao bọc toàn máu.

Đợi đêm tối họ đem dao ra cắm ngoài cánh đồng tuyết

Với cái mũi rất thính của loài sói bắc cực. Chúng  lập tức đánh hơi được mùi máu tươi đông lạnh. Chúng vội vàng chạy tới liếm lấy liếm để, liếm tới tấp, liếm điên cuồng cho đến khi lưỡi mình đã bị dao cắt đứt mà vẫn sung sướng liếm dòng máu tươi. Cứ như thế hết máu trên dao Sói liếm máu chính mình mà nó không hề hay biết.

Càng say máu, sói càng liếm cuồng điên, cho tới khi kiệt sức rồi lăn ra mà chết. 

Có thể nói cái ăn luôn là thứ cám dỗ mãnh liệt nhất đối với con người. Dân Chúa xưa trên đường về đất hứa nhưng miệng lúc nào cũng  lãi nhãi đòi thức ăn Trong 3 lần chịu cám dỗ trong hoang địa ma quỷ cũng đã dùng của cải trần gian mà lôi kéo Chúa Giêsu.

Cho nên cái ăn là thứ cạm bẫy độc đáo nhất mà ma quỷ vẫn dùng để con người tự giết chết mình. Tấm áo người mù một đời góp nhặt tặng vật nhân gian khó từ bỏ lắm vì thế nên mãi đến hôm nay vẫn còn đó quá nhiều những cú nhảy vụng về không dứt khoát. Dẫu ai cũng biết khi Chúa phục sinh thì khăn choàng áo khoác cũng bỏ lại sau lưng.

Trong khi đó Thiên Chúa lại cho ta cái quyền tự do tin trong ưng thuận  chứ không cưỡng ép. Người dùng chứng chứ không dùng sức khi muốn ta tin. Vì vậy mà “Yếu tố Thiên ân” của đức tin thường bị “Hành vi nhân tính” làm cho lung lạc. Đó là lý do tại sao đức tin rất dễ bị đánh cắp và phải thường xuyên trãi qua thử thách.

Chưa kể đức tin vốn còn là hành vi tự phát và kinh nghiệm cá nhân. Người ta sẽ từ chối dấn thân chỉ vì nghe lời mời của kẻ khác. Nên một lần nữa tôi trở thành Tôma trong giới hạn tri thức của mình phản ứng mãnh liệt về niềm tin Chúa sống lại khi tình yêu và đức tin trong tôi lại lung lay trước cuộc chiến cơm, áo, gạo, tiền.

………  Hàng ngày mẹ già ở quê, con trai ở phố tôi chạy như con thoi. Tôi phải gánh vác gia đình trên đôi vai đau ốm. Năm con tôi học lớp ba trong bài văn viết về gia đình mình có đoạn nó nói:

Nhìn căn nhà khang trang và cơ ngơi đồ sộ này không ai nghĩ rằng nó được xây nên từ tấm thân bệnh tật của mẹ tôi.

Cứ vậy tôi lầm lũi chống chọi với miếng cơm manh áo. Hai, ba tuần mới đến nhà thờ. Thậm chí có năm đi lễ đúng một lần vào giáng sinh. Nhưng đi vì ham vui chứ không vì lòng đạo đức.

Thôi thì đủ lý do tôi cho phép mình bỏ lễ. Nào là :

Bận lo mẹ và chăm con Chúa không giận đâu. 

 Mệt quá ở nhà đọc kinh cũng được mà. 

 Chúa trong tâm chứ nhất thiết gì phải ở nhà thờ.

 Chúa đâu còn ở trần gian mà ngồi chờ phép lạ từ 5 chiếc bánh và 2 con cá...

Cứ thế những lý do kia như thứ gia vị hảo hạng được trao vào tay người đầu bếp tài ba tô đậm đà cái lý do bỏ lễ của tôi. 

Lại một lần nữa tôi bỏ Chúa ra đi.

 Cứ thế  . . . .Cứ thế tôi liên tục đương đầu với cuộc chiến cam go chống lại quyền lực sự dữ ngay trong chính con người mình để tự cũng cố đức tin.

 Thánh Phaolô đã dạy Timôthê:

Hãy chiến đấu trong trận chiến cao đẹp này với lương tâm ngay thẳng. Một số người vứt bỏ lương tâm ngay thẳng đó nên đức tin bị chết chìm

Nhưng không ai có thể bền đỗ mà không cần bền chí.

Sau khi con học xong giáo lý không ai cho cháu rửa tội vì mẹ là tân tòng. Thằng bé buồn lắm. Tôi an ủi con  bằng cách cho nó vào Sài gòn học ở một trường quốc tế. Và rõ ràng lần thứ ba tôi phải bỏ Chúa vì không thể hai mẹ con tôi theo hai lý tưởng khác nhau.

Tôi tìm hoài không ra ngôi trường vừa ý. Ngay lúc đó thì cha An chánh xứ Bình Cang – Gíao phận Nha trang – Một Linh từng mục cương quyết không chịu rửa tội cho cháu đã gọi điện kêu tôi về. Kỳ lạ là Ngài đã lo cho cháu tất cả mọi thứ từ áo quần đến giày dép và cả người đỡ đầu nữa.

Tôi, con trai tôi và sau này cả con gái tôi nữa là những Kitô hữu cá biệt. Chúng tôi chỉ gặp người đỡ đầu đúng một lần duy nhất vào ngày rửa tội. Thậm chí tên người đỡ đầu của tôi và các con còn chưa kịp nhớ nói gì hai đứa bé. Như vậy chẳng phải những gì cần thiết cho mẹ con tôi mà con người không giúp thì Chúa luôn có cách của Ngài đó sao. 

Thánh lễ rữa tội cho con trai tôi vừa kết thúc thì tôi có điện thoại. Ngôi trường hôm trước tôi xin mãi không được cũng đồng ý tiếp nhận học sinh. Nghe xong chưa hết mừng tôi đã bắt đầu sợ hãi. 

Sinh ra trong gia đình nghèo nhưng vô cùng hiếu học. Tôi có thể phiên dịch tiếng Hoa mà chưa từng một ngày tới lớp cho bộ môn này. Chỉ cần trường nhận con tôi trước ngày bé rửa tội thì chắc chắn tôi sẽ không cho con tôi về chịu bí tích vì tôi quan trọng việc học của con hơn việc đạo rất nhiều.

Không nghi ngờ gì nữa. Chúa lúc nào cũng ở cạnh mẹ con tôi. Cứ tôi muốn bỏ Người là lập tức Người kéo tôi về. Tôi sợ mình đã làm gì bất xứng là Chúa thấy hết nên lần đầu tiên tôi đã chảy nước mắt trong nguồn cảm xúc vừa mừng vừa sợ ấy.

Vậy là lần thứ ba tôi bỏ Chúa nhưng Chúa cũng không bỏ tôi.

Nơi đất Sài gòn xa lạ mẹ con tôi vẫn có thể dìu dắt nhau đi nhà thờ. Sống cùng với nhau một đức tin cho dù tôi gõ nát cửa không Linh mục nào cho mẹ con tôi nhập xứ. Tới nay đã  10 năm làm người công giáo Mẹ con tôi vẫn chưa từng một lần được ai đó  gọi bằng hai chữ Giaó dân. Rất nhiều lần tôi chua chát nghĩ. Xưa với Chúa thì là một đàn chiên một mục tử nay mục tử nhiều quá nên chiên cũng bị chia năm xẻ bảy. Đàn nào thuộc về chủ ấy. Chiên ai người nấy lo. Chiên đến cửa các Ngài còn đóng cửa đuổi ra. Ước muốn  của Chúa rằng các Ngài sẽ thay mình đi tìm những con chiên lạc quả là 1 giấc mơ xa xỉ. Câu cửa miệng mà các Ngài trả lời khi tôi xin nhập xứ để cha xem lại có thuộc trách nhiệm của Cha không. Rồi họ ngồi đùa với nhau tôi là con bé của vùng  tranh chấp.

Tôi thường  nghêu ngao mấy câu thơ cho thân phận của mình

Thân con loài cỏ dại.

Chỉ làm hại cho đời.

Ước một ngày Chúa đến

Cho cỏ  hoá hoa tươi

Tác giả: Maria Phan Thi Kim Thoa