Bước chân đầu tiên của tôi trên cánh đồng cỏ Gíao hội
Cánh cửa tòa án đóng sầm lại như tống khứ một con người bất hạnh ra đường. Thế là hết, mọi thứ đã kết thúc...
Tài sản tôi chia được trong lần ly hôn này là một lời hứa. Hằng năm người chồng tôi sẽ cùng tôi về Nha Trang thăm lại người mẹ già và giữ kín bí mật phiên tòa hôm ấy.
Tôi quyết định bỏ việc ở Khu chế xuất Tân Thuận ra đi tìm một cuộ sống mới. Hành trang tôi mang theo gồm những đắng cay, tủi nhục và một hồi ức đau thương
Là cô bé quanh năm bệnh tật. Mở mắt chào đời tôi không biết mặt cha. May mắn cho tôi là được sống cạnh mẹ - Một phụ nữ hội đủ phẩm hạnh cao đẹp của người Á đông : Đảm đang, chung thủy, nết na và hiếu thuận. Tài sản ba tôi để lại cho mẹ trong 18 năm làm vợ là sáu đứa con chung, bảy đứa con riêng và ba người vợ khác.
Đâu cần tới ngày ba mất mà từ lúc bắt đầu làm vợ mẹ tôi đã phải tự nuôi con một mình. Nguồn năng lượng nuôi anh em tôi lớn khôn là gánh bánh tráng trộn bằng mồ hôi và nước mắt của mẹ. Tôi không nhớ chính xác bao nhiêu năm mẹ tôi chỉ nghỉ ngơi không quá ba tiếng đồng hồ trong ngày. Nhưng tôi chắc chắn là không dưới bốn thập kỷ.
Tôi lớn lên trong cái nghèo vật chất. Mồ côi bóng hình cha nhưng dư thừa tình thương của mẹ. Tuổi thơ tôi là hồi ức đẹp nhất và cũng là niềm kiêu hãnh lớn nhất trong đời tôi. Khác mọi người tôi luôn tự hào rằng nơi mình sinh ra là một vùng nông thôn nghèo nàn nhưng thấm đẫm chữ tình. Chính nơi đây đã hun đút cho tôi một tâm hồn mỏng manh và nhạy cảm.
Tôi chọn anh chỉ đơn giản vì anh là một thanh niên công giáo. Lễ cưới diễn ra suôn sẻ do tôi muốn mua cho mẹ một liều thuốc an tâm hơn là mái ấm gia đình. Mẹ tôi thường than thở con gái phải chịu đức của cha. Lấy chồng người công giáo tôi sẽ không bị trắc trở trong đời sống hôn nhân như mẹ tôi.
Anh hiền lành và tốt bụng. Nhưng những người thân quanh anh hơi khắc nghiệt một chút. Rồi chính sự hiền lành của anh đã phản bội lại anh trong hành trình dìu dắt con thuyền gia đình vượt qua sự khắt khe ấy.
Một chút bất đồng trong ngày cưới đã dẫn đến sự rạng nứt trầm trọng trong cuộc hôn nhân vốn chưa có tình yêu.
Cuối cùng tôi chấp nhận ly hôn. Điều tôi lo lắng nhất là mẹ tôi sẽ ra sao khi biết sự thật này. Cho nên yêu cầu duy nhất của tôi khi ly hôn là hằng năm anh sẽ cùng tôi về Nha Trang thăm mẹ và giúp tôi che giấu sự thật về cái lần đổ vỡ đó.
***
Thế là sau phiên tòa hôm ấy trên đường phố Sài gòn xuất hiện một cô gái trẻ lang thang, vô định. Mấy ngày tiếp theo tôi hoàn toàn bế tắc. Tôi chẳng biết khởi nghiệp ra sao với hai bàn tay trắng và một tấm thân đầy thương tích.
Trưa đó khi đang lang thang tôi chợt nhận ra trước mắt mình là Nhà thờ Tân hưng. Quận 12- tp HCM. Tôi bước vào xin gặp vị linh mục quản xứ không có chủ định từ trước. Tôi thưa:
Thưa cha con muốn bỏ đạo!
Làm sao tôi có thể giữ đạo khi ngay cả Kinh Lạy Cha tôi còn chưa kịp thuộc. Họ hàng tôi ngàn đời theo truyền thống Phật giáo. Nơi tôi gắng bó hết tuổi thơ là sân Chùa, bờ sông và giếng đình.
Lẳng lặng nghe tôi kể về cuộc hôn nhân của mình và không phản đối việc tôi bỏ đạo cũng không khuyên tôi cố gắng giữ lấy vị Linh mục chỉ hỏi:
Bây giờ con đang làm gì? Ở đâu?
Dạ con thuê nhà ở gần đây và đang tìm việc làm. Tôi đáp.
Ta có ít việc muốn thuê con làm có được không?
Dạ được!
Con có biết sử dụng vi tính không?
Dạ có !
Vậy thì sáng mai vào đây giúp ta nhé!
Tôi ra về không mừng cũng chẳng buồn. Cái tôi được hôm nay thấm tháp gì với cái tôi đang mất.
***
Hôm sau đúng hẹn tôi vào nhà Thờ. Ngài đưa tôi sang căn phòng nhỏ rồi lục lục trong đống giấy cũ tìm việc cho tôi. Nhìn vào sự lộn xộn kia đủ hiểu giá trị của nó đối với chủ nhân nên tôi thấy thất vọng vì nghĩ mình bị xem thường.
Sao lại thuê mình làm cái việc mà chính ông ấy cũng biết mình không cần?
Nhưng rồi sự chán nản đã trở thành khu vườn quá màu mỡ cho sự bất cần trong tôi mọc rễ. Tôi nhủ thầm:
Kệ! Ai thuê thì mình làm!
Cứ vậy hàng ngày tôi lặng lẽ làm việc và Ngài cũng chẳng hỏi gì thêm.
Gần một tuần sau tôi mới biết những mãnh giấy tôi đang đánh máy là những trang Tin mừng mà ngày ngày Ngài soạn theo Phúc âm cho giáo dân đọc trước Thánh Lễ với hy vọng lời Chúa đi sâu vào lòng người hơn.
***
Tin mừng đầu tiên Ngài đưa tôi chép nói về việc Chúa Giêsu làm no thỏa những kẻ tin Người. (Ga:6.24-35). Khi đó dân chúng xuống thuyền đi Capharnaum tìm gặp Chúa Giêsu và Người đã nói với họ :
Hãy lao công đừng vì lương thực hư nát.
Ý hướng của Ngài là :
Nước từ giếng không làm đã khát người đàn bà sứ Samaria thì lương thực hư nát cũng chỉ nhấn chìm ta trong sự lệ thuộc thân xác mà thôi. Cho nên chúng ta phải biến cái đói khát xác thịt thành khát khao nguồn sống trường sinh.
Tôi chạnh lòng nghĩ :
Đúng thật ! Chính lương thực hư nát đó mà vợ chồng tôi chia tay, anh em tôi xa cách, tình mẹ con cũng xao nhạt dần. Có lẽ vì vậy mà một vị thánh đã khuyên:
Chỉ nên dùng của cải trần gian khi đi đường và ao ước của cải thiên đường khi tới đích.
Nhưng để nhận ra công việc Thiên Chúa mà lao công và xứng đáng ăn bánh bởi trời không dễ. Chúa Giêsu đã mặc khải về bản thân mình quá nhiều. Nào là bánh ở biển hồ, rượu ở Cana, nước của phụ nữ Samaria . . . nhưng con người vẫn cứng lòng không tin. Họ chỉ luôn quan tâm về sự no đủ vật chất và đòi hỏi những dấu chỉ hiển hiện.
Chẳng phải Chúa Giêsu đã từng phải xót xa nói với viên vương công :
Nếu không thấy dấu thiêng điềm lạ thì ngươi đã chẳng tin.
Và rồi lịch sử cũng đã có một Tôma từng dõng dạt tuyên bố:
Nếu không xỏ tay vào lỗ đinh, tra tay vào cạnh sườn Người tôi sẽ không tin.
Bởi vậy Thiên Chúa mới nói:
Phúc cho ai không thấy mà tin!
***
Vài trang Tin mừng đầu tiên đã giúp tôi kịp nhận ra khi Chúa nói : « Ta là bánh trường sinh, ai ăn Ta không sợ đói, ai tin Ta không bao giờ khát » Là lúc Chúa yêu cầu con người phải dấn thân.
Vì “Đến với Ta”là đồng nghĩa với đòi buộc một khởi hành. Phải biết:
Lấy Lời Chúa làm lương thực.
Lấy ý Chúa làm ý mình.
Lấy luật Chúa làm la bàn.
Lấy huấn lệnh làm hành khúc.
Phải xác quyết táo bạo chứ không được là lữ khách ung dung cỡi ngựa xem hoa.
***
Đó cũng là lần đầu tiên tôi đem Tin mừng áp dụng vào đời mình. Một câu hỏi mơ hồ hiện ra trong tôi nhưng cũng chỉ trong thoáng chốc:
Liệu đây có là bến đỗ cuối của tôi? Sao cha lại thuê tôi chép Phúc âm?
Nhưng rồi những xao động ấy cũng chỉ như gợn sóng nhỏ trên mặt nước hồ sớm mùa thu rồi lặn tắt.
***
Ngày qua ngày tôi bắt đầu khám phá mầu nhiệm Lời Chúa qua công việc. Dần dà tôi thấy say mê. Chỉ thời gian ngắn tôi phát hiện tôi yêu công việc mình làm và không quan tâm đến đồng lương sẽ nhận.
Cho tới một lần kia Ngài đưa tôi tờ giấy chưa ráo mực. Tôi đoán là bài Phúc âm trong ngày. Vì dù đã làm việc gần một tháng ngay trong nhà thờ nhưng tôi không quan tâm gì đến Thánh lễ và Ngài cũng không ép tôi đi.
Nội dung Tin mừng hôm đó nói về anh mù Batimer:
Mù lòa là một trong những khó khăn về thể lý ngăn cản con người đến với Chúa. Vậy nên khi Chúa dừng bước đến bên anh mù chính là những lúc Người tách mình ra khỏi đám đông để tiến lại gần những ai vì một khó khăn nào đó mà không tới được cùng Người. Vì vậy khi ai trong chúng ta gặp phải đau khổ, bệnh tật, cám dỗ làm sa ngã hay thất vọng làm cho mất đức tin mà trở thành kẻ mù lòa trong tâm hồn không còn thấy đường đến với Chúa thì cũng hãy thật vững tâm vì ngay lập tức Chúa sẽ dừng bước trên hành trình Người đang đi để đến bên ta như lời Người đã nói:
Ta sẽ bỏ 99 con trong đàn để đi tìm về 1 con chiên lạc.
Đó là ý hướng của Cha chủ tế. Còn tôi – Điều gây ấn tượng cho tôi là cái nhảy đức tin của người mù qua hình ảnh anh quăng áo chiếc khoát nhảy chồm dậy. Thời bấy giờ chiếc áo khoát là tài sản quý giá nhất và cũng là phương tiện duy nhất của người hành khất. Điều gì khiến anh không ngần ngại mà quăng nó với lòng xác tín chính cái thể lý nghèo nàn bệnh hoạn xem ra vô cùng dơ bẩn mình sẽ được Chúa đón nhận.
Phải chăng dù mù trong thể lý nhưng anh sáng trong nội tâm. Hôm ấy tôi về nhà và đi vào giấc ngủ với một lời cầu xin có lẽ không giống ai:
Hỡi anh mù thành Giêricô cho tôi xin anh một chút ánh sáng.
***
Quả không sai khi nói đời sống một Kitô hữu đích thực là chứng tá hùng hồn của Chúa. Chính cuộc đời các Thánh đã là khuôn mẫu thừa sai nguyên tuyền khi họ chứng nghiệm đến hết cuộc đời mình theo cuộc đời chúa Giêsu. Tôi kịp nhận ra Chúa đã rẽ lối đến bên tôi trong chân dung người mục tử đạo hạnh ấy. Như Israel ngày xưa dưới bàn tay chăn dắt của Môisen khi ông nhân danh Giavê mà thành một mục tử đích thực. Ngài đã nâng đỡ tôi bằng tấm lòng chân thành, bất vụ lợi tuyệt đối. Chính Ngài đã mở rộng lối vào Thánh Kinh & mang đến cho tôi nguồn sống thiêng liêng và tinh tuyền nhất vì « Lời Chúa sống động và linh ngiệm, có khả năng gây dựng và ban phát gia tài cho những ai đã được thánh hoá” mà.
Đúng như lời Thánh kinh “Linh mục là thừa tác viên của lời Chúa” Ngoài việc hàng ngày cho tôi tham dự tiệc Mình Thánh Chúa cha còn cho kẻ tân tòng như tôi tham dự đầy đủ bàn tiệc Lời Người. Mà Lời Chúa chính là kho tàng của đức tin. Cho nên khi gắn bó với kho tàng ấy con chiên sẽ hiệp nhất các mục tử và ngoan ngoãn nhận lấy lời dạy của các Ngài. Chúa từng nói với các tông đồ:
Ai nghe lời anh em là nghe lời Thầy
Và Thánh Phaolô cũng nói với Ti-mô-thê :
Hãy chuyên cần, tận tâm để mọi người thấy con tiến bộ. Hãy tự giữ mình và chăm sóc lời mình dạy để cứu rỗi con và những ai nghe lời dạy của con.
Lời Chúa soi sáng tôi nhận ra việc Ngài thuê tôi làm là muốn nâng đỡ đức tin cho tôi. Hôm ấy khi Ngài gọi đến trả lương tôi nói :
Người phải trả công chính là con !
Ngài nhìn tôi thoáng ngạc nhiên rồi hiểu rằng tôi đã nhận ra vấn đề. Ngài cười và hỏi tôi đã nghĩ gì về việc Ngài làm. Tôi nói :
Cha đã dạy con biết là con có thể bỏ Chúa chứ Chúa không thể bỏ con.
Đây là lần đầu tiên tôi bỏ Chúa nhưng Chúa đã không bỏ tôi.
***
Không ai đếm hết những gian nan và điều tiếng khi một Lm thuê một cô gái trẻ vào làm việc ngay trong nhà xứ. Cửa nhà Thờ Linh mục Nguyễn Như Yêng mở ra cho tôi rộng bao nhiêu thì dân Chúa đóng kín bấy nhiêu. Nhìn tôi lóng ngóng lên rước lễ Gíao dân Tân Hưng lôi tôi sềnh sệch từ cung Thánh xuống. Cái tên cha mẹ đặt cho tôi do Gíao dân ở đây chưa kịp biết nên họ đã tạm xếp lại. Từ đó tôi được họ ưu ái gọi bằng cái tên riêng là “ Con quỷ cái”.
Bản án luận tội tôi dài hơn cái sớ táo quân. Gíao dân họ tài lắm. Chỉ vài bà bán rau, nhặt ve chai trình độ chưa phổ cập hết cấp 1 mà họ có thể công bố cả những cáo trạng của tôi mà tới hôm nay – 10 năm sau rồi tôi chưa vi phạm
Nhưng điều làm khó cho tôi lúc ấy không phải là họ. Nhìn cha Yêng ngày đêm tìm đủ cách bảo vệ tôi tôi không đành lòng làm cho Ngài buồn thêm. Bản cáo trạng giáo dân dành cho tôi dài 10 trang thì cáo trạng họ dành cho Ngài cũng 5,7 trang. Nhưng Ngài không quan tâm họ nói gì về mình. Ngài chỉ tìm đủ mọi cách hết sức có thể tránh cho tôi những tổn thương không đáng có. Hai bố con tôi đi dưới làn mưa bom của Gíao dân mà tiếp tục hành trình nuôi dưỡng đức tin.
Nữ hoàng Sơ-va nghe danh hoàng đế Sa-lô-môn nỗi tiếng vì danh Chúa. Một lần bà thử tài vua. Sa-lô-môn giải đáp những cầu hỏi của bà một cách dễ dàng. Nữ hoàng thán phục thốt lên:
Chúc tụng Thiên Chúa của Ngài. Đấng đầy sáng suốt và ưu ái khi đặt Ngài lên ngôi. Đó là biểu hiện tình thương vô bờ mà Đức Chúa của Ngài dành cho dân tộc này. Chúa nói :
Sự sáng của các con phải soi trước mắt người ta để họ thấy việc lành các con mà ngợi khen Cha các con ở trên trời (Mt 5,16).
Vì vậy mà Thiên Chúa đã được nữ hoàng Sơ-va ca tụng và tôn vinh qua sự khôn ngoan và công chính của vua Sa-lô-môn. Tôi hôm nay sống lại trong Chúa nhờ người mục tử nhân lành đạo hạnh ấy.
***
Chút suy gẫm:
“ Hãy chăm sóc đàn chiên của Ta”.
Lời gởi gắm tha thiết của Chúa Giêsu không chỉ dành cho Phêrô mà dành cho tất cả những hậu duệ của ông. Với tình yêu thương dành cho đàn chiên và lời hứa trước “Đấng đã sai ta” ngày nay có rất nhiều mục tử của Chúa quyết tâm lên đường.
Dù phong ba bão tố, dù Chiên không nghĩ đến mình nhưng người chăn chiên vẫn luôn nghĩ đến chúng. Ngoài những ngày gió, mưa, lốc xoáy và thú dữ sẳn sàng chực chờ người chăn chiên còn ái ngại khi dục vọng như những cánh rừng già rậm rịt đầy thách đố không chỉ cho đàn chiên mà còn cả cho người chăn chiên.
Thật vậy. Xưa nay tìm thức ăn cho chiên không khó. Hoang vu của người mục tử là sợ lạc mất chúng. Nỗi đau do giao tranh thấm tháp gì nỗi đau khi nhìn những chú chiên non lạc đàn đang làm mồi cho thú dữ. Những giọt mồ hôi và nước mắt điêu linh của đàn chiên Chúa vẫn không ngừng chảy ra.
Nhưng chiến đấu nào cũng cam go. “ Biết gọi tên Chiên mình từng con một” (x. Yn 10,3). Biết bồng nó trên vai. Biết hãnh diện vì những chiên khỏe mạnh và thương xót những con yếu đuối. Biết “Có cần lương y hẳn không là người lành mạnh” (x. Lc 5,13). . . Là một đòi buộc không dễ thực hiện chút nào của người chủ chăn vì muôn đời nay chấp nhận gian nan vì kẻ khác trừ Chúa Giêsu còn lại với tất cả đều là một áp lực đầy thách đố và cam go.
Cho nên thấp thoáng trong hành trình chăn dắt chiên Chúa còn đó rất nhiều bóng dáng của những tông đồ rẽ lối riêng theo tiếng gọi của mình mà bỏ mặc chiên cho sói, “Kẻ làm công thấy sói đến thì bỏ chiên mà chạy trốn. Người chăn chiên mới là kẻ thí mạng sống vì chiên” (x. Yn 10,1-14).
Bởi vậy Thiên Chúa từng giận dữ phán rằng: “ Ta sẽ chiến đấu với các mục tử để dành lại đàn chiên của Ta ” Khi Người thấy quá nhiều mục tử : “ Lông chiên lấy làm áo, máu chiên lấy làm sữa. Giết chiên béo tốt, bỏ chiên lạc đàn. Chiên yếu không chăn, chiên bệnh không chữa . . .”
Và Chúa Giêsu đã đến thế gian vì lý do đó.
Nên "Thức ăn của Ta là làm theo ý Ðấng đã sai Ta và hoàn tất công việc của Ngài" (Yn. 4:34)
Và “Lời Ta phán từ miệng Ta sẽ không trở về với Ta nếu không có kết quả. Chưa thực hiện điều Ta muốn là chưa chu toàn việc Ta giao” Sẽ luôn là lời mời gọi đầy gian nan Chúa luôn sẳn dành cho những kẻ được Người sai đi.
Tác giả: Maria Phan Thị Kim Thoa